Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
Tác giả:
Viên Minh
|
Kính Lễ Bậc Thầy Chân Tu Đạo Hạnh 8 giờ 30 sáng ngày 7 tháng 9 năm Nhâm Ngọ (2002), trong khi đang chuẩn bị lên thiền đường hướng dẫn khóa thiền ngày thứ 7 hàng tuần tại Tổ Đình Bửu Long, tôi nhận được tin báo qua điện thoại từ Huế của cô Liễu Như, với giọng nói nghẹn ngào gần như hốt hoảng: “Thầy ơi, Ngài Tăng Trưởng viên tịch rồi!”. Tôi lặng người đi vì xúc động trước cái tin quá đỗi bất ngờ! Mặc dù Ngài đã báo trước với chúng tôi là Ngài sẽ ra đi trước tuổi tám mươi của Đức Phật, nhưng thấy Ngài còn mạnh khỏe và sáng suốt nên chúng tôi vẫn hy vọng rằng đó chỉ là một lời nói khiêm nhường, chứ không thể nào là sự thật! Trước đó hai hôm tôi cứ liên tục có một linh cảm lạ lùng về một chuyện gì đó không lành. Tôi băn khoăn không biết đó là chuyện gì, có ngờ đâu điềm chẳng lành ấy lại chính là sự ra đi vĩnh viễn của một vị thầy mà tôi hằng tin yêu kính ngưỡng. Tôi vẫn bàng hoàng đứng ngẩn người ra với biết bao hình ảnh về Ngài, chợt ẩn chợt hiện trong ký ức tôi như một cuốn phim, vừa gần vừa xa, nửa hư nửa thực… Hồi đó (năm 1957) tôi còn đi học lớp đệ thất (nay là lớp sáu) trường trung học Hàm Nghi (Quốc Tử Giám cũ) ở trong thành, bên trái Đại Nội, Huế. Nhà tôi, Tỳ Bà Trang, đối diện với trường nên khi nào nghe tiếng trống tôi mới đi học. Một buổi sáng nọ, vừa cắp sách ra khỏi cổng, lần đầu tiên trong đời, tôi thấy hình ảnh một nhà sư thật là kỳ lạ mà tôi chưa từng thấy ở Huế bao giờ. Nhà sư choàng một tấm y màu vàng sậm, ngả nâu, tay ôm bình bát, chậm rãi đi ngang qua nhà tôi, từng bước một, điềm đạm, khoan thai, nhẹ nhàng nhưng rất chững chạc. Tôi có cảm tưởng như nhà sư làm chủ được từng bước chân của mình, vừa đi vừa ý thức rõ ràng từng cử động, từng cảm xúc của mỗi bước chân trần trên con đường đất đầy cỏ dại. Thỉnh thoảng nhà sư dừng lại trước cổng một nhà nào đó, khoảng chừng một phút, rồi lại thong thả bước đi. Có nhà mang trái cây hay vật thực gì đó kính cẩn để vào bình bát rồi nghiêng mình cúi lạy, trong khi hình như nhà sư đang lâm râm cầu nguyện với một phong thái hết sức nhu hòa, từ ái. Bức tranh ấy đã để lại trong tôi một ấn tượng sâu sắc đầy ngạc nhiên và đầy cảm xúc khó phai, đến nỗi tôi thường nằm mơ về nhà sư kỳ lạ ấy và đôi lúc cũng mơ thấy mình đắp y vàng mang bình bát đi khất thực với những bước chân lâng lâng tưởng chừng như bay bổng. Năm sau (1958) anh tôi xuất gia tại chùa Hải Đức. Mặc dù theo Phật Giáo Bắc Tông, nhưng thỉnh thoảng anh tôi cũng đến chùa Tăng Quang ở Gia Hội để tìm hiểu thêm Phật Giáo Nam Tông. Trong những dịp đó tôi được theo sư huynh mình đi vấn đạo. Thì ra nhà sư để lại trong tôi dấu ấn sâu sắc ấy chính là sư Hộ Nhẫn, trụ trì chùa Tăng Quang, mà từ đó anh em tôi thường tới lui tham vấn, học đạo, học thiền. Chúng tôi xuất thân từ gia đình có truyền thống Phật Giáo Bắc Tông rất sâu đậm. Chú tôi, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, đã từng là hội trưởng Hội Phật Học Trung Việt, nên tủ kinh sách báo chí Phật Giáo của chú thời bấy giờ khá phong phú, mà chúng tôi may mắn được tiếp cận từ hồi còn tiểu học. Hơn nữa chúng tôi, lúc hầu trà, thường nghe chú và các đạo hữu lão thành đàm kinh luận pháp, vì vậy mà nắm được đôi chút vốn liếng cơ bản của tư tưởng Đại Thừa. Chúng tôi thường đem tư tưởng này ra vấn nạn nhà sư, để tìm hiểu xem có sự khác biệt hay đồng nhất nào giữa tư tưởng Đại Thừa và Nguyên Thủy hay không. Nhưng chính nhà sư cũng xuất thân từ Đại Thừa nên những vấn nạn của chúng tôi đều được người giải nghi một cách dễ dàng, không những bằng lý giải mà còn bằng thân chứng toát ra trong phong thái điềm đạm, uy nghiêm, giản dị và đầy lòng từ mẫn của người. Người nói một cách hết sức tự tin: “Nguyên Thủy, Tiểu Thừa, Đại Thừa có khác chăng là chỉ trên bình diện hình thức, tư tưởng và lý luận của người sau trong quá trình phát triển, nhưng xuyên suốt từ thời Đức Phật đến nay Phật Giáo vẫn có cùng một mục đích là giải thoát, giác ngộ, tự độ, độ tha. Vấn đề là chúng ta có nỗ lực thực hiện mục đích duy nhất mà Đức Phật đã chỉ dạy ấy hay không, chứ không nên quan tâm phân biệt những điểm đồng dị bên ngoài để rồi chỉ luống bỏ thời gian trong luân hồi sinh tử…”. Nhờ những lời giáo huấn đầy sức thuyết phục của người mà chúng tôi thấy ra hướng đi của mình một cách đầy phấn khởi và tự tin. Năm 1960, trong khi Ngài thường đến một khu nghĩa trang trên đồi Quảng Tế để thực hành hạnh đầu đà (sau này là chùa Thiền Lâm), anh tôi được Hòa Thượng Hải Đức cho vào chùa Tam Bảo, Đà Nẵng xuất gia theo Phật Giáo Nam Tông. Còn tôi, mãi đến năm 1963, sau khi thi xong cấp III, mới vào chùa Tăng Quang thế phát, hành điệu; năm 1964 thọ giới sa-di tại chùa Tam Bảo; năm 1965 thọ đại giới tại chùa Kỳ Viên, Sài Gòn. Từ đó, trong suốt quãng đời tu tập của chúng tôi, đức độ của Ngài vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường, là tấm gương trong sáng an ủi và sách tấn chúng tôi trong những bước thăng trầm của cuộc đời dâu bể. Không những là ân sư hướng dẫn chúng tôi đi theo chánh pháp, Ngài còn là vị ân nhân mà gia đình chúng tôi đời đời ghi tạc. Sau khi xuất gia, chúng tôi người thì vào Nam, người thì xuất dương du học. Anh em một số tập kết ra Bắc, một số đi làm việc xa nhà nên song thân chúng tôi tuy có tám người con mà hầu như sống hẩm hiu cô quạnh khi tuổi đã xế chiều. Mùa hè năm 1972, Quảng Trị chỉ còn là những đống gạch vụn điêu tàn, đổ nát, cha mẹ chúng tôi phải tản cư vào ở với các anh ở Huế. Trong thời gian đó Ngài thường đến thăm viếng, hỏi han, an ủi và hướng dẫn song thân chúng tôi sống những năm tháng cuối đời đầy đức tin và đạo vị. Khi song thân chúng tôi qua đời, Ngài đã đến cầu nguyện, chứng minh lễ tang và tiễn đưa đến nơi an nghỉ cuối cùng. Song thân chúng tôi còn được một ân huệ là được an táng bên Phật Đài chùa Thiền Lâm, nơi luôn luôn được sưởi ấm trong ánh hào quang tỏa ra từ công hạnh tu hành vô cùng tinh tấn của Ngài. Ngài chỉ thích sống độc cư thiền tịnh với hạnh đầu đà khất thực độ đời, nhưng vì sự an nguy của Hệ Phái mà Ngài ra đảm nhận chức vụ phó chủ tịch HĐTSGHPGVN và Tăng Trưởng Hệ Phái Nam Tông, từ đó, mỗi năm Ngài phải đi họp Hội Đồng Trị Sự hai lần tại thành phố Hồ Chí Minh. Những lần ấy Ngài không ở những chùa trong thành phố mà Giáo Hội bố trí, Ngài chỉ xin được về ở trong ngôi chùa của Tổ - Tổ Đình Bửu Long - để được hưởng không khí trong lành, thanh thoát mà xưa kia Tổ đã dày công kiến tạo. Như vậy chúng tôi lại có phước duyên gần gũi, hầu hạ Ngài. Mặc dù đi họp, mỗi sáng Ngài vẫn ôm bình bát đi khất thực. May thay chùa chúng tôi rất rộng, chỉ cần tu nữ và Phật tử quanh chùa để bát cũng đủ để Ngài khỏi đi vào xóm trì bình. Sau khi để bát cúng dường, mọi người quỳ xuống dưới chân Ngài, nghe những lời kinh chúc phúc đầy lòng từ mẫn, với giọng hải triều âm trầm hùng hòa quyện vào không gian tĩnh mịch của rừng thiền. Được thân cận bên Ngài, mỗi lúc chúng tôi càng nhận ra ở Ngài những đức tính vô cùng cao khiết và đôn hậu. Ngài sống rất giản dị, hầu như rất ít nhu cầu. Lần cuối Ngài vào Bửu Long, tôi đi vắng. Ba hôm sau tôi trở về mới phát hiện là Ngài không có mùng để ngủ. Việc sắp đặt chỗ nghỉ ngơi của Ngài tôi giao cho một chú tiểu, bởi Ngài không thích có thị giả hầu hạ. Thường không có gì sơ suất, chẳng hiểu vì sao lần này chú tiểu lại quên đem mùng đến. Thế là cả ba đêm Ngài trùm y nằm ngủ không một tiếng phàn nàn, dù muỗi Bửu Long ai mà chẳng ngán. Tôi gọi chú tiểu vào quở trách thì Ngài vui vẻ nói: “Không can chi mô, tội nghiệp chú tiểu, nhiều công việc có khi cũng phải sơ ý mà thôi”. Chuyện đó thật đơn giản đối với Ngài, nhưng mỗi lần nhớ đến tôi vẫn ứa nước mắt, vừa thương kính Ngài vừa ân hận là mình đã không chu đáo, tận tình. Ngài không có thị giả như những vị Hòa Thượng Trưởng Lão khác chỉ vì thích sống một mình và thích tự làm lấy những gì Ngài có thể làm được. Nếu có ai đột xuất tình nguyện làm thị giả cho Ngài thì dễ dàng quá đỗi, bởi Ngài không đòi hỏi gì cả, thậm chí hầu như chẳng uống thứ gì ngoài nước lã bình thường. Ngài chỉ dùng ngọ một lần trong bát với chút ít thứ gì khất thực được từ sáng sớm, nên đã nguội tênh. Đi khất thực về, đến giờ ngọ trai, Ngài lấy hết ra rồi lấy lại một ít thức ăn vừa đủ, để vào trong bát, trộn lại với nhau để phá tướng, để không còn phân biệt cái dở cái ngon và sau khi quán tưởng vật thực bất tịnh, chú nguyện công đức cho thí chủ, hồi hướng chúng sanh, Ngài thọ thực bằng tay như thuở xưa Đức Phật dùng cơm đề hồ của nàng Sujatà dâng cúng. Những thức ăn còn lại Ngài phân phát cho giới tử, công quả và những người già yếu neo đơn đang sống nương nhờ cửa Phật. Ngoài hạnh đầu đà khất thực, ăn một lần trong bát, ở giữa nghĩa trang, Ngài còn giữ hạnh chỉ thọ tam y, không thêm y phụ, không mặc áo ấm v.v… nên vào mùa Thu Đông ở Huế mưa gió, lụt bão và cái lạnh thấm buốt tới xương thì quả là bất khả. Thế mà mỗi sáng tinh sương Ngài vẫn luôn giữ hạnh khất thực, trừ khi có bệnh đệ tử không nỡ để Ngài đi xa đã đem vật thực đến để bát ngay trước cửa thiền thất của Ngài. Mỗi lần cuối năm về thăm Ngài, dù đã mặc áo ấm, mang tất, đội nón len, khăn quàng cổ… chúng tôi vẫn không dám ra khỏi cửa mỗi khi có gió mùa đông bắc về, vì trú xứ của Ngài ở ngay trên “đỉnh gió hú”, chung quanh là tha ma mộ địa, gió rít trong những ngọn thông già và dương liễu cũng đủ nghe lạnh cả người. Có hôm trong cơn mưa rét, chúng tôi đóng cửa trùm mền, không hay biết Ngài đã đi bát từ lúc nào, đến khi hé cửa nhìn ra thì thấy Ngài đi khất thực đã về, y cà sa ướt sũng, thật là một cảnh tượng phi thường. Tôi vội chạy ra đỡ bát mà cảm thấy tay mình buốt lạnh, gió tạt vào mặt tê rát. Mặt Ngài tái ngắt, run lập cập thế mà miệng vẫn cười: “Không can chi mô!”. Trời đất! Lúc nào cũng không can chi mô, sao mà những khổ hạnh này đối với Ngài lại dễ dàng đến thế! Chúng tôi đỡ Ngài vào cốc, bảo giới tử lấy củi than đốt cho ngài hong y, bởi hạnh đầu đà thì có y phục đâu mà thay đổi! Càng về sau này tôi thấy Ngài hình như trở về với “xích tử chi tâm” mà Lão Tử đã từng ca tụng: “Hàm đức chi hậu tỷ ư xích tử” hoặc là “Thượng đức vô đức thị dĩ hữu đức”, nghĩa là đức độ sâu dày thì giống như con trẻ, chẳng tỏ ra có gì đức độ mới thật có đức độ. Cũng có vị thọ hạnh đầu đà, chỉ ở mức bậc hạ thôi, đã muốn tỏ ra cho mọi người biết mình có hạnh, đã thấy mình tu hành hơn người, đã mong được mọi người kính trọng. Nhưng ở Ngài, dù thọ hạnh đầu đà bậc thượng, cực kỳ khó hành như vậy, vẫn rất giản dị khiêm nhường, xem đó chỉ là bình thường chẳng có gì để hãnh diện. Với đức độ sâu dày, dòng dõi tôn thất, địa vị tôn quý, Ngài chưa bao giờ tỏ ra mình là Tăng Trưởng Hệ Phái, là phó Chủ Tịch Hội Đồng Trị Sự hay là gì gì cả. Tôi có cảm tưởng như Ngài không hề hay biết những thứ ấy, trừ phi có những vấn đề gì liên hệ hay được nhắc nhở Ngài mới nhớ đến. Không bao giờ tỏ ra kẻ cả, Ngài khiêm tốn đến độ khi lưu trú ở Tổ Đình Bửu Long, Ngài thường nói: “Cho sư ở lại đây vài hôm có phiền gì không?” hoặc: “Cho sư đi thăm Ngài Pháp Lạc có được không?”, “Quý sư đi Viên Không cho sư xin đi với nghe” hoặc có phật tử nào thỉnh đi đâu Ngài đều bảo họ phải đi xin phép vị trụ trì, rồi Ngài cũng đích thân đi “xin phép” một cách rất chân thành chứ không có dấu hiệu nào là lịch sự, xã giao hay đắc nhân tâm gì cả. Mặc dù dung dị, khiêm nhu, bình dân và khắc khổ, cùng với một thể chất mảnh dẻ, Ngài lại có một uy lực tinh thần vô cùng mãnh liệt. Một hôm có người cư sĩ bị người âm nhập, thân nhân đem đến nhờ Ngài cứu giúp, Ngài chỉ nói: “Thôi đừng nên oan trái với nhau nữa, chúng sinh ai ai cũng có nỗi khổ riêng của mình, thông cảm tha thứ cho nhau là tốt, sư nói rứa có phải không?”. Người kia liền quỳ lạy, khóc lóc và sau đó tỉnh táo trở lại như vừa qua cơn ác mộng. Một số người bệnh, nhất là trẻ em khó nuôi khi được đưa đến nhờ Ngài ban phước, Ngài chỉ nói rất đơn giản: “Tội nghiệp! Tội nghiệp chưa! Thôi được rồi, không can chi mô, cứ về đi hí!”. Thế là hôm sau thân nhân đến dâng bát, cúi lạy sát đất dưới chân Ngài với những lời cảm tạ, tri ân Ngài đã cứu chữa. Những chuyện khó tin nhưng có thực như vậy được kể lại từ kinh nghiệm bản thân của rất nhiều người, nhất là đồng bào phật tử ở vùng Thủy Xuân quanh đồi Quảng Tế. Cuộc đời của Ngài, từ khi phát nguyện xuất gia cho đến khi từ giã cõi đời luôn biểu hiện một phong cách vừa mãnh liệt hùng tráng, vừa khiêm nhu dung dị: cái hài hòa, dung nhiếp của lưỡng nghi trong thái cực mà dịch lý gọi là “thành vị hồ kỳ trung” hay Đại Học gọi là “tại kỷ ư chí thiện”. 8 giờ 30 sáng ngày 8 tháng 9, chúng tôi mới về tới chùa Thiền Lâm. Kim quan của Ngài đã được quàn trong lòng tháp Xá-lợi. Lễ nhập quan đã được Tỉnh Giáo Hội và đông đảo Tăng Ni Phật tử Nam Bắc Tông Thừa Thiên Huế cử hành trọng thể từ chiều hôm trước nên mọi việc đã được ban tổ chức lễ tang sắp đặt hết sức chu đáo, trang nghiêm và long trọng. Chư tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng, quý Sư bà, Ni sư, sư cô và ni chúng, cũng như đồng bào Phật tử đã dành hết tình cảm chân thành, sâu sắc và kính yêu nhất của mình đối với giác linh Ngài, nên đã tận tình đóng góp công sức của mình để hỗ trợ và phục vụ lễ tang một cách tự nguyện không mệt mỏi, dù tiết trùng cửu trời mưa như trút nước. Suốt thời gian lễ tang, nhờ được bố trí làm phó ban tổ chức kiêm trưởng ban tiếp tân, nên tôi may mắn có cơ hội thấy rõ được tình cảm sâu sắc mà các đoàn thể ưu ái dành cho Cố Hòa Thượng. Dù là đoàn các cấp Giáo hội, Tôn giáo bạn, Chính quyền, Mặt trận, Công an hay tư nhân ai ai cũng đều tỏ lòng cung kính tiếc thương, không phải vì chức danh hay địa vị của Ngài mà chính vì ngưỡng mộ đức độ tu hành của một bậc chân tu đạo hạnh. Không hẹn mà mọi người đều ưu ái gọi đúng chức danh thực sự mà Ngài đáng được xưng tán đó. Chính vì bậc chân tu nên uy đức của Ngài đã vượt khỏi ranh giới phân chia giữa các giáo hệ, tông môn, tôn giáo và không tôn giáo. Bởi vì sự giác ngộ, chân lý và đức hạnh mãi mãi là kho tàng cao quý nhất trong lịch sử văn minh chung của cả loài người.
Huế, ngày chung thất
của Thầy
|
[Ðầu trang[Trở về trang Thư Viện]
updated: 2007