BÀI PHÁP THOẠI 2
Hành giả
tu tập An chỉ định trên các đề mục Thiền khác như thế nào
Trong bài giảng trước chúng ta đã bàn về cách làm thế nào để tu tập đề mục niệm hơi thở
cho đến tứ thiền, và làm sao để tu tập năm loại thuần thục trong mỗi bậc thiền.
Như đã đề cập ở trước, khi ánh sáng do định sanh bừng sáng và tỏa chiếu, nếu
muốn hành giả có thể chuyển sang tu tập thiền minh sát.
Nhưng lúc này hành giả cũng có thể tiếp tục phát triển thiền chỉ (samatha) thêm.
Hôm nay, chúng ta sẽ bàn về cách làm thế nào để tu tập các đề mục thiền chỉ
khác như: quán ba mươi hai thành phần của thân (32 thể trược), bộ xương, mười kasiṇa
(biến xứ) v.v...
Hành giả tu tập Ba Mươi Hai Thể Trược như thế nào?
Nếu muốn tu tập thiến (quán) ba mươi hai thể trược, trứơc tiên hành giả phải lập lại tứ
thiền hơi thở (nāpāna jhāna) để ánh sáng của định bừng sáng và tỏa
chiếu. Kế đó hành giả sẽ dùng ánh sáng ấy để cố gắng phân biệt ba mươi hai
thành phần của thân, mỗi lần một phần.
Ba mươi hai thành phần của thân gồm hai mươi phần với địa đại trội hơn, và muời hai phần
với thủy đại trội hơn. Hai mươi phần thuộc địa đại (yếu tố đất) sẽ được phân
biệt theo bốn nhóm năm.
I
|
II
|
III
|
IV
|
1. Tóc
2. Lông
3. Móng
4. Răng
5.Da
|
6. Thịt
7. Gân
8. Xương
9. Tủy
10. Thận
|
11. Tim
12. Gan
13. Màng ruột
14. Bao tử
15. Phổi
|
16. Ruột
17. Trực tràng
18. Vật thực chưa tiêu hóa
19. Phân
20 Óc
|
Mười hai phần thuộc thủy đại sẽ được phân biệt theo hai nhóm sau:
I
|
II
|
1. Mật
2. Đàm
3. Mủ
4. Máu
5. Mồ hôi
6. Mỡ
|
7. Nước mắt
8. Mỡ nước
9. Nước miếng
10. Nước mũi
11. Hoạt dịch (nước khớp xương)
12. Nước tiểu
|
Hành giả phân biệt mỗi lần một phần theo thứ tự đã đặt ra. Cố gắng thấy mỗi phần rõ rệt
như khi hành giả soi mặt mình trong tấm gương sạch vậy.
Trường hợp, khi đang làm như vậy mà ánh sáng do định sanh mờ đi và thân phần đang được
phân biệt không còn rõ ràng, hành giả nên lập lại tứ thiền hơi thở, ánh sáng sẽ
bừng sáng mạnh trở lại. Lúc đó quay về với việc phân biệt các thành phần của
thân như trước. Bất luận khi nào ánh sáng mờ đi hành giả chỉ việc lập lại tiến
trình như vậy.
Hành như thế nào để hành giả có thể thấy, từ tóc cho đến nước tiểu, hoặc từ nước tiểu
cho đến tóc, mỗi thân phần thực sự rõ rệt với trí thể nhập; duy trì pháp hành
cho đến khi hành giả trở nên thiện xảo.
Kế đó, lại dùng ánh sáng do định sanh ấy, trong khi mắt vẫn nhắm, hành giả sẽ cố gắng
phân biệt (32 thể phần) của người khác kề bên hành giả. Nếu phân biệt được một
người nào đó ở phía trước hành giả là rất tốt. Phân biệt ba mươi hai thành phần
của thân trong người đó hay chúng sanh đó, từ tóc xuống đến nước tiểu và từ
nước tiểu lên đến tóc, lập đi lập lại nhiều lần theo chiều xuôi, ngược như vậy.
Khi đã thành công, hành giả sẽ phân biết ba mươi hai thể phần lúc bên trong,
tức trong chính thân hành giả, và lúc bên ngoài, tức nơi thân người khác; cũng
lập đi lập lại như vậy nhiều lần cho đến khi thiện xảo.
Khi hành giả đã phân biệt được ba mươi hai thể phần bên trong và bên ngoài như vậy, năng
lực thiền của hành giả sẽ gia tăng. Theo đà ấy hành giả dần dần mở rộng lãnh
vực phân biệt của hành giả ra mỗi lần một ít, từ gần cho tới xa. Không nên nghĩ
rằng hành giả sẽ không thể phân biệt được những chúng sanh ở quá xa. Cứ sử dụng
ánh sáng bừng tỏ của tứ thiền, hành giả có thể dễ dàng thấy những chúng sanh ở
xa, không phải với mắt thường, mà với tuệ nhãn (ñāṇa cakkhu).
Hành giả có thể mở rộng phạm vi phân biệt của mình trong cả mười hướng: trên, dưới,
đông, tây, nam, bắc, đông bắc, đông nam, tây bắc và tây nam. Lấy bất cứ ai để
phân biệt cũng được, có thể đó là người, thú, hay những chúng sanh khác trong
mười hướng ấy, và phân biệt ba mươi hai thể phần, lúc bên trong, lúc bên ngoài
mỗi lần chỉ một người hay một chúng sanh khác.
Khi hành giả không còn thấy đàn ông, đàn ba, chư thiên hay trâu bò và những sinh vật
khác đại loại như vậy nữa, mà chỉ thấy các nhóm thuộc ba mươi hai thể phần, bất
luận khi nào và bất luận chỗ nào hành giả nhìn đến, dù bên trong hay bên ngoài,
lúc ấy hành giả có thể được nói là đã thành công, thiện xảo và nhuần nhuyễn
trong việc phân biệt ba mươi hai thể trược.
Ba cửa vào Niết-bàn
Đến đây, chúng ta sẽ xem xét những gì được gọi là ba cửa vào Niết-bàn. Trong "Mahāsatipaṭṭhāna sutta" (Đại Niệm Xứ Kinh), đức Phật dạy bốn niệm xứ là con đường duy nhất đi vào Niết-bàn. Chú giải giải
thích thêm rằng có ba cửa đi đến Niết-bàn. Ba cửa ấy là những đề tài thiền chỉ
(samātha) thuộc kasin.a màu (vaṇṇa kasiṇa: biến xứ hay vòng tròn sơn màu), quán bất tịnh (paṭikkhūla manasikāra) và không
tánh hay vô ngã (suññata), vốn là thiền tứ đại (Cửa vào thuộc các kasiṇa mầu đã đề cập trong Kinh Đại Niết-bàn (Mahā Parinibbāna Sutta D.II. 3.), Abhibhāyatana
sutta - A. viii. V. ii.5). Cửa vào thuộc quán bất tịnh và không tánh
(vô ngã) đã đựơc đề cập trong "Mahasatipaṭṭhāna sutta - Đại Niệm Xứ Kinh. D.II.9. phần niệm Thân.).
Do đó, khi một người đã thành thạo trong việc phân biệt ba mươi hai thành phần của thân,
cả trong lẫn ngoài, vị ấy có thể chọn tu bất kỳ một cửa nào trong ba cửa này.
Cửa thứ nhất chúng ta sẽ bàn đến ở đây là thiền (quán) bất tịnh.
Hành giả tu tập Thiền (Quán) Bộ Xương như thế nào
Muốn tu tập thiền (quán) bất tịnh (paṭikkhūla manasikāra) hành giả
có thể lấy cả ba mươi hai thể trược hoặc chỉ một thể phần nào trong đó làm đối
tượng. Chúng ta sẽ tìm hiểu cách quán bộ xương, hay các phần xương, là một
trong ba mươi hai thể phần trước.
Đầu tiên hành giả phải lập lại tứ thiền hơi thở, cho đến khi ánh sáng bừng tỏ và tỏa
chiếu. Rồi dùng ánh sáng ấy để phân biệt ba mươi hai thành phần trong chính
thân hành giả, rồi trong thân một chúng sanh khác kế bên. Phân biệt cả bên
trong lẫn bên ngoài như vậy một hoặc hai lần. Tiếp đến lấy bộ xương bên trong
(thân hành giả), như một tổng thể, và phân biệt bộ xương ấy với trí tuệ. Khi
toàn bộ xương hiển hiện rõ ràng, lấy tính chất bất tịnh của bộ xương làm đối
tượng, tức là lấy khái niệm bất tịnh về bộ xương ấy, và ghi nhớ đi ghi nhớ lại
nhiều lần bộ xương đó là "bất tịnh, bất tịnh"; hoặc "bộ xương bất tịnh - bộ
xương bất tịnh"; hoặc "bộ xương, bộ xương".
Ghi nhớ bằng bất cứ ngôn ngữ nào hành giả thích. Quan trọng là hành giải phải cố gắng
giữ cho tâm an định trên đối tượng bất tịnh của bộ xương trong một hoặc hai
giờ. Hãy cẩn thận ghi nhận màu sắc, hình dáng, vị trí và giới hạn của bộ xương,
nhờ vậy tính chất bất tịnh của nó có thể phát sanh.
Do sức mạnh và động lực thúc đẩy của định thuộc tứ thiền dựa trên niệm hơi thở, hành giả
sẽ thầy rằng thiền này cũng được an lập sâu xa và sung mãn, nghĩa là hành giả
sẽ có thể tạo ra, duy trì và phát triển được "tưởng" và "trí" về tính chất bất
tịnh.
Một khi định của hành giả trên tính chất bất tịnh của bộ xương đã đựơc thiết lập, hành
giả nên buông tưởng "bộ xương" ra, và chỉ duy trì niệm về tính chất bất tịnh
thôi.
Theo Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga), thấy mầu sắc, hình dáng, vị trí và giới hạn
của một thể phần là đang thấy học tướng (uggaha-nimitta). Còn thấy và
phân biệt tính chất bất tịnh của phần đó là thấy tợ tướng (patibhāga nimitta)
(Vs. VIII "Kāyagatāsati kathā" B 214 (Mindfulness of the Body Explanation
- Giải thích về NiệmThân)
Nhờ định tâm trên tợ tướng thuộc tính chất bất tịnh của bộ xương, hành giả có thể đạt
đến sơ thiền, vào lúc đó năm thiền chi sẽ có mặt. Đó là:
1. Tầm (Vitakka): hướng và đặt tâm trên tợ tướng thuộc tính chất bất tịnh của bộ
xương.
2. Tứ (Vicāra): duy trì tâm trên tợ tướng thuộc tính chất bất tịnh của
bộ xương.
3. Hỷ (Pīti): thích thú với tợ tướng thuộc tính chất bất tịnh của bộ
xương.
4. Lạc (Sukkha): lạc kết hợp với tợ tướng thuộc tính chất bất tịnh của
bộ xương.
5. Nhất tâm (Ekaggatā): sự hợp nhất của tâm trên tợ tướng thuộc tính
chất bất tịnh của bộ xương.
Theo cách tương tự, hành giả cũng có thể đắc sơ thiền trên tính bất tịnh của một trong
ba mươi hai thể phần khác.
Một câu hỏi có thể đặt ra là "Làm thế nào hỷ và lạc lại có thể khởi lên với đối tượng là
tính chất bất tịnh của bộ xương được?" Câu trả lời ở đây là, mặc dù hành giả
đang tập trung vào tính chất bất tịnh của bộ xương, và cảm giác nó như bất tịnh
thực sự, vẫn có hỷ khởi lên vì hành giả đã thọ trì pháp môn thiền này, và vì
hành giả đã hiểu được những lợi ích của nó, nghĩa là hành giả hiểu rằng cuối
cùng nó sẽ giúp hành giả đạt đến sự giải thoát khỏi già, đau và chết. Hỷ và lạc
cũng có thể khởi lên vì hành giả đã loại trừ các cấu uế của năm triền cái, làm
cho tâm nóng nảy và mệt mỏi.
Cũng giống như một người đi bươi rác để kiếm đồ phế liệu, chắc chắn sẽ cảm thấy thích
thú khi gặp một đống rác lớn, vì nghĩ rằng "Ta sẽ kiếm được nhiều tiền nhờ đống
rác này". Hoặc như một người khổ sở vì trúng thực chắc chắn sẽ vui mừng và sung
sướng khi đuợc nhẹ nhõm nhờ nôn tháo ra hay đại tiện được ra vậy.
Chú giải Vi Diệu Pháp (Abhidhamma Commentary) giải thích rằng bất cứ ai đã đạt
đến sơ thiền trên tính chất bất tịnh của bộ xương, cũng phải tiếp tục tu tập
năm loại thuần thục của sơ thiền. Sau đó, cũng ở tại đây, hành giả lấy một
chúng sanh gần nhất, tốt hơn hết là một người đang ngồi phía trước, và với ánh
sáng của định hành giả lấy bộ xương của người ấy làm đối tượng. Hành giả phải
tập trung vào đó xem như bất tịnh, đồng thời tu tập tưởng (bất tịnh) này cho
đến khi các thiền chi trở nên nổi bật. Mặc dù chúng nổi bật như vậy, theo chú
giải, nó cũng không phải là cận định (upācāra samādhi) hay an chỉ định (appanā
samādhi), vì đối tượng còn đang sống.
Tuy nhiên nếu hành giả tập trung vào bộ xương bên ngoài (của người khác) như
thể nó đã chết, theo phụ chú giải của Vi Diệu Pháp, bộ Mūla tīka, hành
giả có thể đạt đến cận định.
Khi các thiền chi xuất hiện rõ rệt, hành giả sẽ tập trung lại vào bộ xương bên trong kể
như bất tịnh. Hành xen kẽ, lúc trong thân lúc ngoài thân, và lập đi lập lại
nhiều lần. Khi hành giả đã thiền như vậy trên tính chất bất tịnh của bộ xương,
và việc tu tập đã trở nên thâm sâu và sung mãn, hành giả nên mở rộng phạm vi
phân biệt của mình ra trong cả mười hướng. Mỗi lần lấy một hướng, ở chỗ mà ánh
sáng do định sanh của hành giả chạm tới, cứ tu tập như vậy đối với các hướng
khác. Hành giả nên áp dụng trí thể nhập của mình vào cả gần lẫn xa, trong tất
cả các hướng, lúc bên trong, lúc bên ngoài. Thực hành cho đến khi bất cứ chỗ
nào hành giả nhìn vào trong mười hướng, hành giả cũng chĩ thấy các bộ xương.
Một khi đã thành công hành giả phải sẵn sàng để tu tập thiền trên kasiṇa
(màu) trắng.
Tu tập 10 Kasiṇa như thế nào?
Các Kasiṇa màu
Có bốn màu được dùng cho thiền Kasiṇa (biến xứ) là: xanh, vàng, đỏ, trắng. "Xanh" (nīla) cũng có thể dịch là "đen", hoặc "nâu". Cả
4 kasiṇa
đều có thể tu tập lên
đến tứ thiền bằng cách dùng các màu sắc của những thân phần khác nhau làm đối
tượng.
Theo chú giải Vi Diệu Pháp, tóc, lông và tròng đen con mắt có thể được dùng thay cho
kasin.a màu xanh, nâu, và đen để đạt đến tứ thiền; mỡ và nước tiểu có thể được
dùng thay cho kasin.a vàng; máu và thịt có thể được dùng thay cho kasiṇa
đỏ, và các phần màu trắng như xương, răng, và móng tay móng chân có thể được
dùng thay cho kasiṇa trắng.
Hành giả tu tập Kasiṇa trắng như thế nào
Kinh điển cho rằng kasiṇa trắng có hiệu quả tốt nhất trong số bốn kasiṇa màu, vì nó làm cho tâm trong sáng rõ ràng. Vì lý do đó chúng ta sẽ bàn về cách tu tập kasiṇa trắng trước.
Đầu tiên hành giả cũng phải lập lại tứ thền hơi thở, như vậy ánh sáng của định sẽ chói
sáng và tỏa chiếu hơn. Hành giả dùng ánh sáng này để phân biệt ba mươi hai thể
phần bên trong, rồi bên ngoài nơi một chúng sanh kế bên. Kế đến phân biệt chỉ
một mình bộ xương. Nếu hành giả muốn phân biệt bộ xương ấy là bất tịnh thì hành
giả sẽ làm như vậy, bằng không, chỉ phân biệt bộ xương bên ngoài là đủ.
Tiếp theo hành giả chọn, hoặc là phần trắng nhất trong bộ xương đó, hoặc, nếu toàn bộ
xương là trắng, thì lấy cả bộ xương, hoặc lấy phần sau của xương sọ, và tập
trung vào đó, xem như "trắng, trắng".
Hay, nếu muốn, nhất là khi định của hành giả thực sự bén nhạy, hoặc đã thấy bộ xương bên
trong kể như bất tịnh và đạt đến sơ thiền, hành giả có thể lấy bộ xương trắng
ấy, và dùng đó như đối tượng sơ khởi của hành giả.
Hành giả cũng có thể phân biệt tính chất bất tịnh trong một bộ xương bên ngoài trước, và
làm cho tưởng (bất tịnh) ấy bền chắc và kiên cố, như vậy sẽ khiến cho màu trắng
của bộ xương rõ rệt hơn. Kế tiếp, hành giả chuyển cái tưởng (bất tịnh) về bộ
xương sang tưởng "trắng, trắng", và tu tập kasiṇa
trắng thế vào đó.
Với một trong những phần mầu trắng nơi bộ xương bên ngoài làm đối tượng, hành giả sẽ
thực hành sao để duy trì tâm an định trong khoảng một hoặc hai giờ.
Nhờ sức mạnh và động lực thúc đẩy của định thuộc tứ thiền dựa trên hơi thở (ānāpānasati),
hành giả sẽ thấy rằng tâm mình định an trụ (an định) trên màu trắng ấy trong
một hoặc hai giờ, lúc đó bộ xương sẽ biến mất và chỉ còn lại một vòng tròn
trắng.
Khi vòng tròn trắng ấy trắng như bông gòn thì đó là học tướng (uggaha nimitta).
Khi nó bừng sáng và rõ nét như sao mai, thì là tợ tướng (paṭibhāga nimitta).
Trước khi học tướng phát sanh, tướng bộ xương từ đó nó sanh ra, được gọi là
chuẩn bị tướng (parikamma nimitta).
Tiếp tục ghi nhận kasiṇa ấy là "trắng, trắng" cho đến khi nó trở thành tợ tướng. Duy trì định tâm trên tợ tướng
cho tới khi hành giả nhập vào sơ thiền. Tuy nhiên, hành giả sẽ thấy rằng định
này không bền và không kéo dài lâu. Để làm cho nó bền và kéo dài lâu, hành giả
cần phải mở rộng tướng (nimitta).
Muốn mở rộng tướng, hành giả phải định tâm trên tợ tướng trong khoảng một hoặc hai giờ.
Sau đó quyết định mở rộng vòng tròn trắng ấy ra dần: một, hai, ba, hoặc bốn
inch (inch = 2,54cm), tùy theo hành giả nghĩ mình có thể mở rộng nó đựơc bao
nhiêu thì mở. Xem thử hành giả đã thành công hay chưa, nhưng cũng đừng cố gắng
mở rộng tướng mà trước đó không quyết định một giới hạn, tức là hành giả phải
chắc chắn đã quyết định một giới hạn (để mở rộng tướng ra) như một, hai, ba
hoặc bốn inch.
Trong khi đang mở rộng tướng, có thể hành giả thấy rằng tướng đó trở nên không ổn định.
Gặp trường hợp như vậy thì nên trở lại ghi nhận tướng ấy là "trắng, trắng" để
làm cho nó ổn định. Chỉ khi nào định của hành giả tăng trưởng thì tướng (nimitta)
mới trở nên ổn định, vững vàng.
Khi tướng đã mở rộng lần đầu tiên trở nên ổn định, hành giả nên lập lại tiến trình, tức
là, quyết định mở rộng nó ra một vài inch trở lại. Theo cách này hành giả có
thể mở rộng tướng trong từng giai đoạn, cho tới khi kích thước được một mét,
rồi hai mét v.v... Cứ làm như thế cho đến khi tướng mở rộng trong cả mười hướng
quanh hành giả, không giới hạn, và sao cho bất luận chỗ nào hành giả nhìn đến,
hành giả chỉ thấy màu trắng, ngay cả môt vết tích của sắc (vật chất), dù bên
trong hoặc bên ngoài, hành giả cũng không thấy nữa.
Nếu hành giả đã từng tu tập kasiṇa trắng trong đời trước, thời kỳ giáo pháp của đức Phật hiện tại, hay thời kỳ giáo pháp
của đức Phật trước đó, tức là, nếu hành giả đã có ba-la-mật (pāramī) về kasiṇa trắng, thì hành giả sẽ không cần phải mở rộng tợ tướng, vì khi hành giả định tâm trên
đó, nó sẽ tự động mở ra trong cả mười hướng.
Trong trường hợp nào cũng vậy, nhiệm vụ của hành giả lúc này là phải giữ cho tâm an định
trên kasiṇa trắng đã mở rộng ra đó, và khi nó ổn định, lúc ấy cũng giống như treo một cái nón trên
cái móc, hành giả đặt tâm mình vào một chỗ trên kasiṇa
trắng ấy. Giữ cho tâm ở đó, và tiếp tục ghi nhận "trắng, trắng".
Khi tâm hành giả an tịnh và ổn định, thì kasiṇa trắng cũng sẽ được an tịnh và ổn định, đồng thời nó cực kỳ trắng, sáng và rõ ràng. Đây
cũng là tợ tướng (pāṭibhāga nimitta) do mở rộng tợ tướng kasiṇa trắng ban đầu tạo ra.
Hành giả phải tiếp tục hành thiền, cho đến khi có thể định tâm trên tợ tướng kasiṇa
trắng ấy liên tục trong một hoặc hai giờ. Khi đó các thiền chi trở nên nổi bật,
rõ ràng và mạnh mẽ trong tâm hành giả, và hành giả kể như đã đạt đến sơ thiền.
Năm thiền chi đó là:
1. Tầm (vitakka): hướng và đặt tâm trên tợ tướng kasiṇa trắng.
2. Tứ (vicāra): duy trì tâm trên tợ tướng kasiṇa trắng.
3. Hỷ (pīti): thích thú đối với tợ tướng kasiṇa trắng.
4. Lạc (sukha): cảm giác sung sướng đối với tợ tướng.
5. Nhất tâm (ekaggatā): sự hợp nhất của tâm trên tợ tướng kasiṇa trắng.
Các thiền chi hợp lại gọi là thiền (jhāna). Sau khi đắc sơ thiền xong, hành giả
tiếp tục tu tập năm loại thuần thục trong sơ thiền, theo như cách đã đựơc mô tả
trong bài giảng về niệm hơi thở, và sau đó tu tập nhị thiền, tam thiền, tứ
thiền cũng như cách làm chủ các bậc thiền ấy.
Làm thế nào để tu tập các Kasiṇa màu còn lại
Nếu hành giả đã tu tập thiền kasiṇa trắng đạt đến tứ thiền bằng cách dùng màu trắng của một bộ xương bên ngoài rồi thì hành
giả cũng có thể tu tập kasiṇa màu nâu, xanh hoặc đen bằng cách dùng tóc bên ngoài, kasiṇa vàng bằng cách dùng màu mỡ hoặc nước tiểu bên ngoài, và kasiṇa
đỏ bằng cách dùng màu máu bên ngoài v.v... Hành giả cũng có thể dùng những thể
phần ấy trong chính thân mình.
Khi đã thành công, hành giả có thể tu tập các kasiṇa màu bằng cách dùng màu của những bông hoa, hoặc những đối tượng bên ngoài khác đều được. Tất cả
những bông hoa màu xanh, nâu thẫm đang mời gọi hành giả tu tập kasiṇa xanh. Tất cả những bông hoa vàng đang mời gọi hành giả tu tập kasiṇa
vàng. Tất cả những bông hoa màu đỏ đang mời gọi hành giả tu tập kasiṇa đỏ. Tất cả những bông hoa màu trắng cũng đang mời gọi hành giả tu tập kasiṇa
trắng. Như vậy, một hành giả thiện xảo có thể dùng bất cứ thứ gì mình thấy để
tu tập định và tuệ, đó có thể là vật hữu tình hay vô tri, là bên trong hoặc bên
ngoài đều được cả.
Theo các kinh điển Pāḷi, đức Phật dạy mười kasiṇa. Đó là bốn kasiṇa màu vừa đề cập, cộng thêm sáu kasiṇa đất, nước, lửa, gió, hư không và ánh sáng.
Bây giờ, chúng ta sẽ bàn đến cách tu tập sáu kasiṇa còn lại.
Tu tập Kasiṇa Đất
Muốn tu tập kasiṇa đất, trước tiên hành giả phải tìm một mảnh đất bằng, có mầu nâu đỏ giống như mầu trời
lúc rạng đông và không lẫn với cây que, đà, lá trong đó. Rồi dùng một cái cây
hay một dụng cụ nào khác để vẽ một vòng tròn đường kính khoảng ba tấc (một
foot). Đó là đề mục thiền của hành giả: một kasiṇa đất. Hành giả tập trung vào kasiṇa ấy và ghi nhận nó là "đất, đất". Tập trung trên đó khoảng một lát với mắt mở, sau đó
nhắm mắt lại, và mường tượng kasiṇa đất. Nếu không thể mường tượng được tướng (nimitta) bằng cách này, hành giả nên
tái lập lại định tứ thiền hơi thở, hoặc tứ thiền kasiṇa trắng. Rồi dùng ánh sáng của định để nhìn vào kasiṇa đất. Khi đã thấy tướng của đất rõ như lúc hành giả nhìn vào đó với mắt mở, như vậy là
đã có học tướng (uggaha nimitta), hành giả có thể ra đi và tu tập tướng kasiṇa này ở một chỗ khác.
Hành giả không nên tập trung vào màu của nimitta đất (tướng đất), hoặc vào những
đặc tính cứng, thô v.v... của yếu tố đất (địa đại), mà chỉ tập trung vào khái
niệm về đất. Cứ tiếp tục tu tập học tướng (uggaha nimitta) này cho đến
khi nó trở nên trong sạch, rõ ràng, lúc đó kể như đã chuyển sang tợ tướng (paṭibhāga nimitta).
Sau đó, hành giả nên mở rộng tợ tướng ra dần mỗi lần một ít trong cả mười phương, và tu
tập thiền này cho đến tứ thiền.
Tu tập Kasiṇa Nước
Muốn tu tập kasiṇa nước, hành giả phải dùng một cái tô, hay xô, hoặc một giếng nước trong sạch rõ ràng.
Tập trung vào khái niệm về nước như "nước, nước; cho đến khi hành giả có được
học tướng (uggaha nimitta), sau đó phát triển học tướng ấy như hành giả
đã làm với kasiṇa đất.
Tu tập Kasiṇa Lửa
Muốn tu tập kasiṇa lửa, hành giả nên dùng một ngọn đèn cầy, một đống lửa hay bất kỳ một ngọn lửa nào khác
mà hành giả nhớ đã thấy. Nếu không thể mường tượng ra được, hành giả có thể làm
một bức màn hay tấm chắn khoét một lỗ tròn đường kính khoảng một foot (3 tấc)
trên đó. Đặt bức màn phía trước đống lửa củi hay lửa rơm ấy, sao để hành giả
chỉ thấy ngọn lửa qua lỗ thủng.
Không để ý đến khói, và củi hay rơm đang cháy, hành giả chỉ tập trung vào khái niệm về
lửa xem như "lửa, lửa" cho đến khi có được uggaha nimitta (học tuớng)
rồi phát triển nó theo cách thường lệ.
Tu tập Kasiṇa Gió
Kasiṇa
gió đựơc tu tập qua xúc giác, hoặc thị giác. Hành giả phải tập trung vào gió
đang thổi qua cửa sổ hoặc cửa ra vào, xúc chạm trên thân thể; hoặc cảnh những
chiếc lá hay cành cây rung chuyển trong gió. Tập trung vào khái niệm về gió xem
như "gió, gió" cho đến khi hành giả có được học tướng. Hành giả có thể phân
biệt tướng của gió bằng cách lập lại tứ thiền với một đối tượng kasiṇa khác, và dùng ánh sáng của định để thấy sự chuyển động này ở bên ngoài. Học tướng (uggaha
nimitta) như hơi bốc lên từ cơm sữa nóng, nhưng tợ tướng lại là sự bất
động (của hơi ấy). Hãy tu tập nimita (tướng) theo cách thường lệ.
Tu tập Kasiṇa Ánh Sáng
Muốn tu tập kasiṇa ánh sáng, hành giả phải nhìn vào những tia sáng khi chúng chiếu vào phòng, qua một kẽ
nứt trên tường chẳng hạn, và rọi trên sàn nhà, hoặc khi những tia sáng ấy chiếu
qua những chiếc lá của một cành cây và rơi trên đất. Hành giả cũng có thể nhìn
lên qua những cành cây, vào ánh sáng trên bầu trời cao cũng được. Nếu không thể
mường tượng được theo cách đó, hành giả có thể đặt một cây nến hay ngọn đèn bên
trong một bình đất, rồi đặt cái bình ấy như thế nào để những tia sáng hắt ra từ
miệng bình in lên trên tường. Tập trung vào vòng ánh sáng trên tường như một
khái niệm, kể như "ánh sáng, ánh sáng" cho đến khi có được học tướng, rồi tu
tập nó theo cách thường lệ,
Tu tập Kasiṇa Hư không
Muốn tu tập kasiṇa hư không, hành giả nên nhìn vào khoảng không trong cánh cửa ra vào, cửa sổ, hay lỗ
khóa. Nếu không thể mường tượng được hư không theo cách đó, hành giả có thể
khoét một lỗ tròn trên miếng bìa cứng khoảng 2 tấc cho đến 3 tấc, cầm tấm bảng
lên nhìn, sao để chỉ thấy bầu trời qua lỗ hổng, không có cây cối hoặc những đối
tượng khác. Tập trung vào khoảng không trong vòng tròn đó như một khái niệm,
xem như "hư không, hư không", và tu tập tướng (nimitta) ấy theo cách
thường lệ.
Bốn Thiền Vô Sắc
Một khi đã đắc bốn thiền sắc giới với từng kasiṇa trong mười kasiṇa, hành giả có thể tiến hành tu tập bốn thiền vô sắc (arūpa jhāna):
- Không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana)
- Thức vô biên xứ (vññāñcāyatana)
- Vô sở hữu xứ (ākiñcaññāyatana)
- Phi tưởng, phi phi tưởng xứ (nevasaññā nāsaññāyatana)
Tu tập Không Vô Biên Xứ
Muốn tu tập bốn thiền vô sắc, trước tiên hành giả phải suy xét đến những bất lợi của
sắc. Thân người được tạo ra bởi tinh cha, huyết mẹ này được gọi là "nghiệp sanh
thân" hay "thân do nghiệp sanh" (karajakāya). Vì có thân nghiệp sanh này
mà hành giả phải bị tấn công bởi các loại vũ khí như đao kiếm, giáo mác, súng
đạn, và phải chịu bị hành hạ đánh đập đủ thứ. Thân nghiệp sanh cũng còn phải
hứng chịu nhiều loại bệnh, như đau mắt, đau tai, đau tim chẳng hạn. Vì thế hành
giả phải suy xét với trí tuệ rằng vì có thân nghiệp sanh do sắc cấu thành, hành
giả phải chịu đủ mọi loại khổ đau, và nếu như hành giả có thể thoát khỏi sắc
này, hành giả cũng có thể thoát khỏi khổ đau ấy.
Mặc
dù tứ thiền tế sắc vượt qua được sắc thân vật lý thô, song nó vẫn phải dựa vào
đó. Như vậy hành giả cần phải vượt qua sắc kasiṇa. Sau khi đã suy xét như vậy, và hiện tại không còn dục hỷ đối với sắc kasiṇa,
hành giả phải lập lại tứ thiền với một trong chín kasiṇa (vì
lẽ hư không không phải là sắc, do đó kasina hư không không thể được dùng để
vượt qua sắc kasina nhằm đạt đến một thiền chứng vô sắc nào đó), chẳng hạn như kasiṇa đất, xuất khỏi thiền ấy và suy xét đến những bất lợi của nó: thiền này dựa trên sắc,
cái mà hành giả không còn dục hỷ, thiền này có hỷ của tam thiền là kẻ thù gần;
và nó thô hơn các thiền vô sắc. Có điều ở đây hành giả không cần suy xét đến
những bất lợi của các tâm hành (năm thiền chi) trong tứ thiền, bởi vì chúng là
như nhau trong các thiền vô sắc. Giờ đây không còn dục hỷ đối với tứ thiền tế
sắc, nhưng hành giả cũng phải suy xét đến tính chất an tịnh hơn của các thiền
vô sắc.
Sau đó hành giả mở rộng tướng, ở đây là kasiṇa đất, sao cho nó trở thành vô biên, hoặc bao nhiêu tùy ước muốn của hành giả, và thay thế sắc kasiṇa với khoảng không nó chiếm giữ, nhờ tập trung trên khoảng không ấy kể như "hư không, hư
không" hay "không vô biên, không vô biên". Những gì còn lại là khoảng không vô
biên trước đó đã bị chiếm giữ bởi kasiṇa.
Nếu không thể làm được như vậy, hành giả nên phân biệt và tập trung vào khoảng không của
một chỗ nào đó trên tướng kasiṇa đất, rồi mở rộng, khoảng không ấy ra đến vũ trụ vô biên. Kết quả là toàn bộ tướng kasiṇa đất được thay thế bằng hư không vô biên.
Cứ tiếp tục tập trung vào tướng (nimitta) không vô biên ấy cho đến khi đắc thiền,
rồi sau đó hành giả tu tập năm loại thuần thục. Đây là thiền chứng vô sắc thứ
nhất, cũng còn gọi là không vô biên xứ.
Tu tập Thức Vô Biên Xứ
Thức Vô Biên Xứ (viññāṇañcāyatana) hay thiền vô sắc thứ hai, có đối tượng là tâm không vô biên xứ (ākāsānañcāyatana citta), mà
đối tượng của nó vốn là hư không vô biên.
Muốn tu tập thức vô biên xứ, hành giả phải suy xét đến những bất lợi của không vô biên
xứ, đó là thiền chứng này có tứ thiền tế sắc kể như kẻ thù gần và bản thân nó
không được an tịnh như thức vô biên xứ. Lúc này, không còn dục hỷ đối với không
vô biên xứ, song hành giả cũng phải suy xét đến tính chất an tịnh hơn của thức
vô biên xứ. Rồi tập trung vào tâm có đối tượng là hư không vô biên ấy nhiều lần
và ghi nhận nó là "thức vô biên, thức vô biên" hoặc chỉ "thức, thức".
Cứ tiếp tục tập trung vào tướng thức vô biên cho đến khi hành giả đạt đến thiền (jhāna),
và sau đó tu tập năm loại thuần thục. Như vậy, đây là thiền chứng vô sắc thứ
hai, hay còn gọi thức vô biên xứ thiền.
Tu tập Vô Sở Hữu Xứ
Thiền vô sắc thứ ba, cũng còn gọi là Vô sở hữu xứ thiền (akiñcaññāyatana), lấy
đối tượng là sự vắng mặt của tâm vốn có không vô biên kể như đối tượng của nó,
và tâm này cũng chính là đối tượng của thức vô biên xứ.
Muốn tu tập vô sở hữu xứ, hành giả phải suy xét đến những bất lợi của thức vô biên xứ,
như thiền này có không vô biên xứ là kẻ thù gần và bản thân nó không an tịnh
như vô sở hữu xứ. Dù lúc này không còn dục hỷ đối với thức vô biên xứ, hành giả
cũng phải suy xét đến tính chất an tịnh hơn của Vô sở hữu xứ. Rồi tập trung vào
sự vắng mặt (hay phi hữu) của thức vốn lấy không vô biên làm đối tượng của nó.
Trong trường hợp này có hai tâm thiền: một là tâm thuộc không vô biên xứ (ākāsānañcā
yatana citta), và hai là tâm thuộc thức vô biên xứ (viññāṇañcāyatana citta). Mà hai tâm không thể khởi
lên trong một sát-na tâm (cittakkhaṇa). Khi tâm thuộc không vô biên xứ có mặt,
thì tâm kia không thể có mặt, và ngựơc lại. Vì vậy, hành giả lấy sự vắng mặt
của tâm thuộc không vô biên xứ làm đối tuợng, và ghi nhận nó là "không có gì,
không có gì" hoặc "vắng mặt, vắng mặt".
Cứ tiếp tục tập trung vào nimitta (tướng) ấy, cho đến khi đắc thiền, rồi hành giả
tu tập năm loại thuần thục (đối với vô sở hữu xứ). Như vậy, đây là thiền vô sắc
thứ ba, cũng còn gọi Vô sở hữu xứ thiền.
Tu tập Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng Xứ
Thiền vô sắc thứ tư cũng còn gọi là Phi tưởng, phi phi tưởng xứ (nevasaññāṇāsaññāyatana). Sở dĩ gọi vậy là vì tưởng
trong thiền này là cực kỳ vi tế. Thực sự, tất cả các tâm hành trong thiền này
cũng đều vi tế cực kỳ như vậy, nên cũng có thể nói phi thọ phi phi thọ, phi tâm
phi phi tâm, phi xúc phi phi xúc v.v... Tuy nhiên vì thiền này được giải thích
dưới dạng tưởng, và vì nó có đối tượng là tâm thuộc vô sở hữu xứ, nên được đặt
tên là Phi tưởng phi phi tưởng xứ vậy thôi.
Muốn tu tập phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền, hành giả cũng phải suy xét đến những bất
lợi của vô sở hữu xứ, tức là thấy nó có thức vô biên xứ là kẻ thù gần, và bản
thân nó không an tịnh như phi tưởng phi phi tưởng xứ. Hơn nữa, tuởng, như đức
Thế Tôn nói, là bệnh hoạn, là cục bướu, là mũi tên. Lúc này, dù không còn dục
hỷ đối với vô sở hữu xứ, hành giả cũng phải suy xét đến tính chất an tịnh hơn
của phi tưởng, phi phi tưởng xứ. Rồi tập trung liên tục vào tâm của vô sở hữu
xứ kể như "an tịnh, an tịnh". Cứ tập trung vào tướng (nimitta) "an tịnh,
an tịnh" như vậy liên tục, cho đến khi đắc thiền, rồi sau đó hành giả tu tập
năm loại thuần thục. Đây là thiền vô sắc thứ tư, cũng còn gọi là phi tưởng phi
phi tưởng xứ.
Hôm nay chúng ta đã bàn về cách tu tập mười kasiṇa,
và tám thiền chứng: bồn thiền sắc giới, và bốn thiền vô sắc. Trong bài giảng
kế, chúng ta sẽ bàn về cách làm thế nào để tu tập bốn phạm trú (brahmavihāra):
Từ, bi, hỷ và xả; và bốn thiền bảo hộ (caturārakkha bhāvanā): Tâm từ,
niệm ân đức Phật, quán bất tịnh và niệm sự chết.
HỎI ĐÁP 2
Hỏi 2.1: Người mới bắt đầu
hành thiền phải qun bình định căn và tuệ căn như thế nào? Họ phải thực hành tuệ
trong niệm hơi thở ra sao?
Đáp 2.1: Ngay trong bài giảng
đầu, chúng tôi đã nói về việc quân bình ngũ căn (indriya), tuy nhiên ở
đây chúng tôi có thể tóm tắt lại những gì đã nói ấy. Thực sự, đối với hành giả
sơ cơ, việc quân bình ngũ căn không quan trọng lắm. Lý do là vì họ chỉ là những
người mới bắt đầu, và các căn của họ vẫn chưa phát triển. Lúc đầu hành thiền,
tâm thường hay dao động. Do đó các căn vẫn chưa mạnh và có năng lực. Chỉ khi
nào chúng phát triển mạnh và có năng lực, lúc ấy mới cần phải quân bình chúng.
Tuy thế, nếu hành giả sơ cơ có thể quân bình được các căn ngay ở giai đoạn đầu,
thì dĩ nhiên, cũng là điều tốt.
Chẳng hạn, lúc này hành giả đang hành thiền niệm hơi thở - ānāpāsati. Biết hơi
thở là tuệ (paññā). Ghi nhớ hơi thở là niệm (sati). Sự hợp nhất
của tâm trên hơi thở là định (samādhi). Sự nỗ lực để biết hơi thở cho rõ
ràng là tinh tấn (viriya). Tin rằng niệm hơi thở có thể đưa đến chứng
thiền là tín (saddhā).
Hành giả sơ cơ phải cố gắng phát triển các căn mạnh mẽ và đầy năng lực này. Tức là, niềm
tin của hành giả trong pháp niệm hơi thở phải đủ mạnh. Tinh tấn của hành giả để
biết hơi thở một cách rõ ràng phải đủ mạnh. Niệm hay sự ghi nhớ hơi thở của
hành giả phải đủ mạnh. Định của hành giả trên hơi thở phải đủ mạnh. Hành giả
phải thấy hơi thở một cách rõ ràng, phải cố gắng phát triển ngũ căn cho mạnh mẽ
và quân bình chúng. Nếu một căn nào đó thái quá, các căn khác sẽ không thể làm
nhiệm vụ của chúng một cách thích đáng.
Chẳng hạn, nếu tín quá mạnh, nó sẽ tạo ra sự xúc động. Điều này có nghĩa là tấn căn
không thể duy trì các tâm hành đồng sanh trên hơi thở; niệm căn không thể an
lập được trên hơi thở; định căn không thể tập trung sâu vào hơi thở; và tuệ căn
không thể biết hơi thở một cách rõ ràng.
Còn khi tinh tấn thái qua, nó sẽ làm cho tâm bất an, vì thế các căn khác cũng trở nên
yếu ớt, và không thể thực hiện những nhiệm vụ của chúng một cách thích đáng.
Khi niệm yếu, hành giả chẳng thể làm được gì, vì hành giả không thể tập trung
vào hơi thở, sẽ có ít hoặc không có tinh tấn để phân biệt hơi thở, và có thể
không có tín trong khi ấy.
Hiện tại, hành giả đang hành thiền chỉ (samātha). Trong thiền chỉ, định mạnh là
tốt, nhưng nếu thái quá sẽ tạo ra lười biếng, giải đãi. Khi đã lười biếng, các
căn khác cũng trở nên yếu đi, và không thể thực hiện nhiệm vụ một cách thích
đáng được.
Ở giai đoạn này tuệ rất yếu hoặc hạ liệt. Nó chỉ biết hơi thở tự nhiên. Vì vậy, đối với
hành giả sơ cơ đang hành thiền chỉ (samātha) chỉ cần biết hơi thở một
cách rõ ràng là đủ. Khi học tướng (uggaha nimitta) hoặc tợ tướng (paṭibhāga nimitta) xuất hiện, trí tuệ sẽ biết
học tướng hay tợ tướng ấy. Có quá nhiều kiến thức phổ thông ngoài những điều
này sẽ không tốt, vì hành giả có thể luôn luôn thích bàn luận và bình phẩm. Nếu
một người hành thiền luận bàn và bình phẩm quá nhiều về pháp niệm hơi thở,
chúng tôi có thể nói rằng tuệ của người ấy thái quá, một điều dễ làm cho các
căn khác yếu đi và không thể làm nhiệm vụ một cách thỏa đáng được.
Vì vậy, mặc dù chưa phải là việc quan trọng lắm, song quân bình các căn vẫn được xem là
có ích dối với người mới bắt đầu hành thiền. Quân bình chúng như thế nào? Chúng
ta phải thực hành với chánh niệm và tinh tấn mãnh liệt để biết rõ hơi thở, và
tập trung vào hơi thở với niềm tin (tín).
Hỏi 2.2: Tại sao, sau khi
đạt đến tứ thiền chúng ta không đi thẳng vào phân biệt ngũ uẩn, tính chất vô
thường - khổ - vô ngã của chúng, để thành tựu Niết-bàn? Tại sao trước khi đắc
Niết-bàn chúng ta cần phải hành thiền trên ba mươi hai thể trược, bộ xương,
kasiṇa trắng, tứ đại, danh-sắc, duyên khởi và
Vipassanā (minh sát)?
Đáp 2.2: Đức Phật dạy pháp
hành Minh sát trên ngũ uẩn cho ba loại người: người có tuệ nhạy bén, người mà
tuệ minh sát của họ về danh không được rõ rệt, và người thích hành Vipassanā
(minh sát) theo cách tóm tắt.
Thế nào là năm uẩn? Thế nào là sự khác nhau giữa năm uẩn và Danh-sắc?
Trước khi trả lời câu hỏi thứ hai này, chúng ta hãy bàn qua về Danh-sắc và ngũ uẩn. Có
bốn thực tại tuyệt đối hay pháp chân đế (paramattha), tâm (citta),
tâm sở (cetasikā), sắc (rūpa) và Niết-bàn (Nibbāna).
Muốn đạt đến Niết-bàn, thực tại tuyệt đối thứ tư, chúng ta phải thấy được tính chất vô
thường, khổ và vô ngã của ba thực tại kia, tức là, chúng ta phải thấy:
1. Tám mươi chín loại tâm
2. Năm mươi hai tâm sở
3. Hai mươi tám loại sắc.
Tám mươi chín loại tâm được gọi là thức uẩn (viññāṇakkhandha). Trong năm mươi hai tâm sở, thọ
là thọ uẩn (vedanākkhandha); tưởng là tưởng uẩn (saññakkhandha);
và năm mươi tâm sở còn lại là hành uẩn (saṅkharakkhandha). Có khi tâm (citta), và các tâm sở (cetasikā) hợp lại gọi là Danh (nāma). Có
khi chúng lại được thấy dưới dạng bốn uẩn: thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức
uẩn, gộp lại tạo thành Danh uẩn (nāmakhandha). Sắc uẩn (rūpakkhandha)
là hai mươi tám loại sắc. Tâm, tâm sở và sắc hợp lại gọi là Danh-sắc (nāmā rūpa).
Đôi khi chúng cũng được gọi là ngũ uẩn sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Các nhân
của chúng cũng chỉ là Danh-sắc.
Năm uẩn bị chấp thủ này là Khổ đế pháp (Dukkha sacca dhammā): các pháp (dhamma)
thuộc về Khổ thánh đế. Chúng cần phải được hiểu là như vậy. Trong "Mahānidāna
sutta" (Kinh Đại Duyên) thuộc Trường Bộ I, đức Phật giải thích:
"Giáo pháp Duyên khởi này thật là thâm sâu, này nanda, và thâm sâu thay là pháp
Duyên khởi. Này nanda, chính do không không hiểu biết, không thể nhập
Dhamma (pháp) này, mà chúng sanh hiện tại bị rối loạn như một tổ kén, rối ren
như một ống chỉ, bùng nhùng như rễ lau đan bện, không thể tìm được lối thoát ra
khỏi vòng luân hồi với những khổ xứ, ác thú... đọa xứ của nó.
Liên quan đến lời tuyên bố này, các bản chú giải giải thích.
Không một người nào, ngay cả trong giấc mộng, thoát ra khỏi cái vòng tử sanh luân lưu
đáng sợ, đã từng hủy diệt (các hữu tình) như sấm sét, trừ phi người ấy, bằng
dao tuệ, khéo mài trên đá thiền định cao thượng, cắt đứt đựơc cái bánh xe Sanh
Hữu (duyên khởi), vốn không đưa ra một cơ sở nào (để hiểu được), do sự thâm sâu
quá mức của nó, và cũng khó chấp nhận do tính chất phức tạp của nhiều pháp môn.
Điều này có nghĩa là người hành thiền nếu không biết, không thể nhập pháp Duyên khởi qua
những giai đoạn Minh Sát Tuệ khác nhau, thì không thể thoát khỏi vòng tái sanh
luân hồi.
Trong Aṅguttara Nikāya
(Tăng Chi Kinh) điều này đã được đức Phật nói rõ: "Và thế nào, này các tỳ khưu,
là Thánh đế về Tập khởi của Khổ?
Do vô minh làm duyên, (có) các hành; hành làm duyên, có thức; thức làm duyên, có danh
sắc; danh sắc làm duyên, có lục nhập; lục nhập làm duyên có xúc; xúc làm duyên,
có thọ; thọ làm duyên, có ái; ái làm duyên, có thủ; thủ làm duyên, có hữu; hữu
làm duyên, có sanh; sanh làm duyên, có già - chết, sầu, bi, khổ, ưu, não.
Như vậy là nguồn gốc (tập khởi) của toàn bộ khổ uẩn này. Này các tỳ khưu, đây gọi là
Thánh đế về nguồn gốc "tập khởi của Khổ."
Đây cũng được gọi là pháp duyên khởi. Và đức Phật đã từng nói duyên khởi là Thánh đế về
Nguốc gốc của Khổ (samudaya sacca).
Thánh đế về Khổ, là năm uẩn chấp thủ, và Thánh đế về Nguồn gốc của Khổ, tức pháp Duyên
khởi, được gọi là các Hành (saṅkhārā). Chúng là đối tượng của tuệ Minh sát (vipassanā). Ở những giai đoạn khác nhau của tuệ minh
sát hành giả phải nắm bắt được các hành này là vô thường, khổ và vô ngã. Không
biết và thể nhập chúng, làm thế nào hành giả có thể nắm bắt được chúng là vô
thường v.v...? Đó là lý do tại sao chúng tôi phải dạy thiền Minh sát theo hệ
thống.
Muốn biết sắc chân đế, sắc thủ uẩn, hành giả phải hành thiền tứ đại cho tới khi thấy
được sắc ấy bao gồm những phần tử nhỏ mà chúng ta gọi là các nhóm hay tổng hợp
sắc (rūpa kalapas), và hành giả cũng cần phải thấy được tứ đại trong các
nhóm sắc nhỏ ấy nữa. Sau đó hành giả cần phân biệt cả hai: căn và đối tượng của
nó cùng với nhau. Không phân biệt sắc theo cách này, hành giả không thể nào
phân biệt được danh, bốn danh uẩn chấp thủ. Đó là lý do vì sao chúng tôi dạy Vipassanā
theo từng giai đoạn.
Bây giờ, trả lời cho câu hỏi thứ hai của hành giả. Theo truyền thống Phật giáo Thượng
Tọa Bộ (Theravāda), có hai loại đề tài thiền (kammaṭṭhāna)
là: parihāriya kammaṭṭhāna
và sabbatthaka kammaṭṭhāna. Pārihāriya
kammaṭṭhāna
- Ứng dụng nghiệp xứ - là đề tài thiền mà cá nhân mỗi hành giả qua đó tu tập
định để dùng làm nền tảng cho Minh sát (vipassanā). Hành giả phải luôn
luôn sử dụng đề tài thiền này như nền tảng của mình. Còn Sabbatthaka kammaṭṭhāna - Nhất thiết xứ Nghiệp xứ - ngược lại, là đề tài thiền mà tất cả các hành giả đều phải tu tập giống
nhau. Đó là bốn thiền bảo hộ.
1. Thiền tâm Từ (mettā bhāvanā)
2. Niệm ân đức Phật (Buddhānussati)
3. Niệm sự chết (maraṇānussati)
4. Quán bất tịnh (asubha bhāvanā)
Như vậy, mặc dù một hành giả sử dụng niệm hơi thở như "Ứng dụng nghiệp xứ" của mình,
song vẫn phải thực hành bốn thiền bảo hộ này trước khi chuyển sang tu tập Minh
sát. Đây là cách tiến hành theo đúng truyền thống đạo Phật.
Muốn tu tập thiền tâm từ cho đạt đến một bậc thiền nào đó, nếu hành giả đã tu tập thiền kasiṇa màu trắng đạt đến tứ thiền rồi vẫn tốt hơn. Câu chuyện về năm trăm vị tỳ khưu mà bài
"Kinh Từ Bi" (karaṇīyametta sutta) đã được đức Phật dạy cho họ là một điển hình. Các vị tỳ khưu này rất thông thạo trong mười kasiṇa (đề mục biến xứ) và tám thiền chứng (samāpatti), đã hành Minh sát đạt đến Sanh
diệt tuệ (udayabbaya ñāṇa), và cùng nhau đi vào rừng để hành thêm. Nhưng cuối cùng họ phải quay về với đức Phật
vì các vị chư Thiên cư ngụ trong khu rừng ấy cảm thấy khó chịu trước sự có mặt
của các vị tỳ khưu và hiện ra những tướng quái dị để dọa dẫm các vị tỳ khưu
này. Nhân đó đức Phật dạy họ bài kinh "Từ Bi" vừa như một đề tài thiền và vừa
như một bài kinh cầu an (paritta). Là một đề tài thiền, bài kinh này
dành cho những vị đã đắc thiền tâm từ (mettā jhāna) và đã phá bỏ được
các ranh giới giữa những loại người khác nhau. Nói chung, "Kinh Từ Bi" là một
pháp hành về tâm từ đã được chuyên biệt hóa, trong đó hành giả thực hành lên
đến tam thiền bằng cách mở rộng tâm từ đến mười một loại người với ý nghĩ "Sukhino
v khemino hontu, sabbe sattā bhavantu sukhitattā" (Cầu mong tất cả
chúng sanh được an ổn và hạnh phúc v.v...). Kinh nói rằng đức Phật biết năm
trăm vị tỳ khưu này chắc chắn sẽ hành rất dễ, vì họ đã thành thạo trong mười kasiṇa. Và thiền tâm từ được hành dễ dàng hơn nhờ thiền kasiṇa như thế nào?
Trong Tăng Chi Kinh đức Phật nói rằng trong bốn kasiṇa màu (xanh, vàng, đỏ, trắng), kasiṇa trắng là thù thắng nhất. Kasiṇa trắng làm cho tâm hành giả trong sáng rõ ràng. Một cái tâm trong sạch và tĩnh lặng như
vậy rất cao thượng và đầy năng lực. Nếu hành giả hành thiền tâm từ với tâm
trong sáng, không có những phiền não, thì thường thường sẽ đắc thiền tâm từ
trong một thời ngồi thiền. Vì vậy nếu hành giả nhập tứ thiền kasiṇa
trắng, sau đó xuất khỏi thiền ấy, và hành thiền tâm từ sẽ rất dễ thành công.
Để đạt đến tứ thiền kasiṇa trắng, người hành thiền trước phải hành thiền bộ xương bên trong và bên ngoài. Vì như
vậy sẽ làm cho thiền kasiṇa trắng trở nên dễ hơn. Do đó, sau tứ thiền hơi thở chúng tôi thường dạy các thiền sinh
hành ba mươi hai thể trược, thiền bộ xương và thiền kasiṇa trắng. Theo kinh nghiệm của chúng tôi, phần lớn các hành giả đều nói rằng tứ thiền kasiṇa trắng tốt hơn tứ thiền hơi thở, vì nó tạo ra một cái tâm rõ ràng hơn, trong sáng hơn và
tĩnh lặng hơn, được xem là rất hữu ích cho việc hành các đề tài thiền khác. Vì
thế chúng tôi thường dạy thiền kasiṇa trắng trước khi thiền tâm từ.
Cũng có một vấn đề chung đối với những người mới hành thiền. Có thể hành giả đã thành
thiền tâm từ rồi. Nhưng, hành giả đạt đến thiền (jhāna) chưa? Trong thực
hành, nếu một hành giả muốn mở rộng tâm từ đến một người cùng phái nào đó,
trước hết hành giả phải lấy khuôn mặt tươi cười của người ấy làm đối tượng, rồi
tu tập tâm từ hướng về người ấy với ý nghĩ: "Cầu mong con người tốt đẹp này
thoát khỏi sự khổ tâm v.v...". Đối với hành giả sơ cơ, khuôn mặt tươi cười ấy
chẳng bao lâu sẽ biến mất. Hành giả không thể nào tiếp tục thiền tâm từ của
mình được, vì không có đối tượng, do đó mà hành giả không thể đắc thiền tâm từ
hoặc một thiền nào khác.
Nếu hành giả dùng tứ thiền kasiṇa trắng, thì lại khác. Hành giả xuất khỏi thiền này, và khi tu tập tâm từ, lúc ấy nhờ có
định đi trước nên khuôn mặt tươi cười (đối tượng) sẽ không biến mất. Hành giả
có thể tập trung sâu vào hình ảnh đó, và có thể đắc đến tam thiền tâm từ trong
một thời tọa thiền. Nếu hành giả hành có hệ thống và đạt đến chỗ phá bỏ được
những ranh giới giữa các hạng người, thì thậm chí hành giả có thể hành được
mười một cách rải tâm từ theo Kinh Từ Bi (Karaṇīyamettā sutta), và năm trăm hai mươi tám cách đề cập trong bộ "Luận Vô Ngại Giải Đạo" (Paṭisambhidā Magga). Cũng chính vì lý do này, chúng tôi thường thường dạy thiền kasiṇa
trắng trước thiền tâm từ.
Hành giả cũng có thể đã hành pháp môn niệm Ân đức Phật (Buddhānussati). Song hành
giả đã đắc cận định chưa? Khi người nào đã thành công trong thiền tâm từ rồi
thực hành pháp môn tùy niệm Phật, họ có thể đạt đến cận định trong một thời
ngồi thiền, ở đây cũng là do có định đi trước vậy. Quán bất tịnh (asubha)
cũng sẽ trở nên dễ dàng. Nếu hành giả hành thiền (quán) bất tịnh đạt đến sơ
thiền, rồi sau đó niệm sự chết (maraṇānussati), hành giả có thể thành công trong một thời ngồi thiền.
Đó là lý do tại sao chúng tôi dạy thiền kasiṇa trắng truớc bốn thiền bảo hộ. Tuy nhiên, nếu một hành giả muốn đi thẳng vào Minh sát (vipassanā),
không hành bốn thiền Bảo hộ, họ có thể làm vậy, không có vấn đề gì cả.
Hỏi 2.3: Vì sao, sau khi đã phân biệt danh và sắc rồi, thiền sinh còn phải hành các pháp môn thứ nhất và thứ năm
của pháp Duyên khởi (paṭiccasamuppāda) nữa? Pháp môn thứ nhất và thứ năm ấy là gì?
Đáp 2.3: Theo truyền thống Thượng Tọa Bộ, có bảy giai đoạn Thanh Tịnh (visuddhi). Năm thanh tịnh đầu
là:
1. Giới thanh tịnh (sīla visuddhi): có bốn loại
- Giới phòng hộ theo giới bổn (Paṭimokkhā saṁvarasīla)
- Giới phòng hộ các căn (indriya saṁvara sīla)
- Giới thanh tịnh sanh mạng (ajīva pārisuddhi sīla)
- Giới liên quan tứ vật dụng (paccaya sannissita sīla)
2. Tâm thanh tịnh (citta visuddhi) - là cận định và tám thiền chứng (samāpatti).
3. Kiến thanh tịnh (diṭṭhi visuddhi) tức Danh Sắc Phân tích trí (nāma rūpa paricchedañāṇa)
4. Đoạn nghi thanh tịnh (kaṇkhāvitaraṇa visuddhi)
tức Tuệ nắm bắt Nhân duyên (paccaya pariggaha ñāṇa), hay nói cách khác là tuệ thấy duyên khởi tánh (paṭiccasamuppāda)
5. Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh (maggāmaggāñaṇa dassana visuddhi) tức tuệ
Thẩm sát tam tướng (sammasana ñāṇa)
và tuệ quán Sanh diệt (udyabbaya ñāṇa)
là những tuệ khởi đầu của Minh sát.
Như vậy, trước Minh sát có bốn thanh tịnh. Tại sao? Minh sát là "tuệ" làm nhiệm vụ thấu
rõ tính chất vô thường, khổ và vô ngã của Danh Sắc và các nhân của chúng. Không
biết Danh Sắc và các nhân của chúng, làm thế nào chúng ta có thể thấu hiểu được
rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã? Chúng ta hành minh sát như thế nào? Chỉ
sau khi chúng ta đã phân biệt được danh sắc và các nhân của chúng một cách rành
mạch, chúng ta mới có thể hành thiền minh sát được.
Danh Sắc và các nhân của chúng được gọi là các "Hành" (saṅkhāra).
Chúng diệt ngay khi vừa sanh, đấy là lý do vì sao chúng là vô thường; chúng
phải chịu sanh diệt liên tục, nên là khổ; chúng không có tự ngã (atta)
hoặc một bản thể bền chắc không bị tiêu hoại, nên là vô ngã.
Hiểu rõ vô thường, khổ và vô ngã theo cách này là Minh sát thực thụ. Vì vậy trước khi
hành Minh Sát, chúng tôi dạy thiền sinh phải phân biệt danh, sắc và duyên khởi
tánh. Chú giải giải thích nó như là "aniccanti pañcakkhandhā" (ngũ uẩn
là vô thường), và "aniccanti khandha pañcakaṁ".
Có nghĩa "Vô thường chính là năm uẩn". Năm uẩn, nói cách khác, là danh sắc và
các nhân của chúng. Như vậy, Minh sát thực thụ đòi hỏi người hành thiền phải
biết năm uẩn, và các nhân cũng như quả của chúng.
Đức Phật tùy theo căn tánh của người nghe mà dạy bốn phương pháp phân biệt duyên khởi.
Trong Vô Ngại Giải Đạo, còn có một phương pháp nữa. Vị chi là có năm phương
pháp hay năm pháp môn. Phương pháp thứ nhất trong số đó được đức Phật dạy là
phương pháp phân biệt duyên khởi theo chiều thuận.
Vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, v.v...
Phương pháp này phổ biến trong Phật giáo Nguyên Thủy (hay Theravāda), nhưng lại
rất khó đối với ai không có kiến thức về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma). Ngay
cả những hành giả có kiến thức Vi Diệu Pháp tương đối cũng vẫn có khả năng gặp
nhiều khó khăn.
Phương pháp thứ năm do Ngài Xá Lợi Phất dạy, và được ghi lại trong Kinh Tạng Pāḷi,
bộ Vô Ngại Giải Đạo, tương đối dễ đối với hành giả mới thực hành minh sát.
Phương pháp này nhắm vào việc phân biệt năm nhân quá khứ tạo ra năm quả hiện
tại, và năm nhân hiện tại sẽ tạo ra năm quả vị lai. Đây là nguyên tắc chính
trong phương pháp thứ năm. Nếu hành giả muốn biết nó bằng kinh nghiệm trực
tiếp, hành giả phải hành cho tới giai đoạn này.
Sau khi thực hành theo đúng hệ thống pháp môn thứ năm này, hành giả sẽ không gặp nhiều
khó khăn khi hành phương pháp thứ nhất nữa. Vì lý do này chúng tôi dạy phương
pháp thứ năm trước phương pháp thứ nhất. Dĩ nhiên chúng tôi sẽ dạy cả năm
phương pháp cho những ai có đủ thời gian, và nhất là muốn hành thêm. Nhưng, cho
dù đức Phật dạy duyên khởi theo căn tánh người nghe, một phương pháp cũng là đủ
để đắc Niết-bàn rồi. Cũng vậy, vì phương pháp thứ nhất được xem là phổ biến
trong Đạo Phật Nguyên Thủy, nên chúng tôi dạy cả hai phương pháp thứ nhất và
thứ năm cho tiện.
Một lần nọ, tôn giả Ānanda sau khi đã hành pháp Duyên khởi theo bốn cách. Vào
buổi chiều, ngài đi đến gặp đức Phật và bày tỏ: "Bạch Đức Thế Tôn, mặc dù pháp
duyên khởi thâm sâu là vậy, nó cũng dễ đối với con." Đức Phật trả lời.
"Etassa cānanda, dhammassa ananubodhā, appaṭivedhā evamayaṁ pajā tankākulakajāta, kulāgaṇthikajāta, muñjapabbajabhūtā apāyaṁ duggatiṁ vinipātaṁ saṁsāraṁ nātivattati."
Nghĩa là không hiểu rõ pháp duyên khởi xuyên qua Tùy giác trí (anubodha ñāṇa)
và Thông đạt trí (paṭivedha ñāṇa), con người không thể thoát khỏi vòng luân lưu sanh tử (saṁsāra), và bốn ác đạo (apāya). Tùy giác trí ở đây là trí phân tích Danh Sắc (nāma rūpa pariccheda
ñāṇa), và trí phân biệt (nắm bắt) Nhân Duyên (pacāya pariggaha ñaṇa).
Còn Thông đạt trí (Paṭivedha ñāṇa) là tất cả các minh sát trí (vipassanā ñāṇa). Vì vậy, không hiểu rõ duyên khởi với tùy giác trí và thông đạt trí này, ta không thể
đạt đến Niết-bàn. Từ đoạn kinh trên, chú giải nói rằng không hiểu rõ duyên
khởi, không ai có thể thoát khỏi vòng luân lưu sanh tử, dù là trong giấc mơ.
-ooOoo-
Tiếp theo
|