BÀI PHÁP THOẠI 8
Những ước nguyện của Đức
Phật cho các hàng đệ tử
và giáo pháp của Ngài
(Bài giảng nhân ngày lễ Vesākha)
Đức Phật Từ Bỏ Thọ Hành
(Thọ hành (āusankhārā)
theo Chú Giải biểu thị cho chính tuổi thọ (āyu), một từ được xác nhận là
đồng nghĩa với mạng căn (jīvitindriya), có chức năng duy trì sự sống.
Xem N.444/MN.)
Mùa hạ (Vassa)
cuối cùng, đức Phật trải qua trong ngôi làng Veḷuna.
Thời gian ấy, một cơn đau kịch liệt khởi lên nơi Ngài. Vào ngày trăng tròn
tháng Asāḷha
(tháng 6), một cơn đau lưng buốt nhức cực độ bất ngờ tấn công Ngài, do nghiệp
đời trước.
Một trong những tiến
kiếp của Ngài, đức Phật đã từng là võ sĩ. Có lần Ngài đã đánh ngã một đối thủ
và làm gãy lưng người này. Bất thiện nghiệp ấy khi chín muồi đã cho quả của nó,
đó là mười tháng trước ngày nhập Vô Dư Niết-bàn của Ngài. Nghiệp quả ấy mạnh
đến độ kéo dài cho đến lúc chết. Một thọ khổ như vậy được gọi là "thọ (khổ)
chấm dứt vào lúc chết" (maranatikavedanā), tức là nó chỉ dừng lại khi
cái chết xảy ra.
Đức Phật đã ngăn
không cho thọ khổ đó khởi lên nhờ nhập A-la-hán Thánh quả định (Arahattaphala
samāpatti) và thực hiện một quyết định (adhiṭṭhāna).
Trước tiên, đức Phật nhập A-la-hán Thánh quả định dựa trên bảy cách quán sắc (rūpa
sattaka vipassanā). Sau khi hành những pháp quán ấy xong và ngay trước
khi nhập vào A-la-hán Thánh quả định, đức Phật quyết định: "Kể từ hôm nay cho
đến ngày Niết-bàn, mong cho những thọ khổ này không khởi lên", sau đó Ngài mới
nhập Thánh quả định. A-la-hán Thánh quả định là tâm quả A-la-hán với Niết-bàn
làm đối tượng, khởi lên liên tục trong một thời gian dài. Do việc hành vipassanā
trước đó kiên trì và mãnh liệt mà A-la-hán Thánh quả định cũng mãnh liệt và
kiên trì như vậy. Chính nhờ nỗ lực của minh sát và định lực của Thánh quả mà
thọ khổ đã không khởi lên trong mười tháng còn lại cho đến ngày Đại Niết-bàn
của đức Phật. Nhưng trong thời gian đó, mỗi ngày đức Phật đều phải nhập Thánh
quả đều đặn.
Sau mùa an cư (Vassa),
đức Phật vân du từ nơi này đến nơi khác, và cuối cùng đến tại Tỳ - xá - ly (Vesālī).
Ba tháng trước ngày trăng tròn tháng Vesāka (rằm tháng Tư), tức là vào
ngày rằm tháng Giêng tại ngôi tháp Cāpāla (Cāpāla cetiya), đức
Phật quyết định xả bỏ thọ hành (āyusankhāra ossajana), nghĩa là, vào
ngày đó Ngài quyết định:
"Temāsamattameva pana samāpattiṃ
samāpajjitvā tato paraṃ
na samāpajjissāmīti cittaṃ
samāpajjitva cittaṃ
uppādasi"
(Từ hôm nay cho đến trăng tròn tháng Vesākha ta sẽ thực hành Thánh quả
định này. Rồi sau đó ta sẽ không hành pháp ấy nữa.)
Đức Phật tuyên bố những
ước nguyện của Ngài
Vào ngày đó, trước
chúng Tăng tỳ khưu tại đại giảng đường của chùa mahàvana, đức Phật thông báo
Ngài xả bỏ thọ hành. Ngài nói với chúng tỳ khưu:
"Tasmātiha bhikkhave ye te mayā
dhammā abhiññā desitā, te vo sādhukaṃ
uggahetva āsevitabbā bhāvetabbā bahulīkātabbā.
(Này chư tỳ khưu, ta đã giải thích rõ những Chân lý (dhamma) mà ta đã tự
mình thắng tri cho các người. Các người cần phải khéo học tập, trau dồi, tu tập
và thực hành thường xuyên những pháp ấy).
Như vậy, đức Phật chỉ
dạy pháp mà Ngài đã tự chứng. Ở đây đức Phật tuyên bố những ước nguyện của Ngài
cho Giáo Pháp và chỉ dạy Tăng chúng:
1. Tăng chúng cần
phải nắm vững những lời dạy của Ngài, nhưng nắm vững thôi thì chưa đủ. Đây là
ước nguyện thứ nhất của đức Phật.
2. Ngài chỉ dạy Tăng
chúng nên trau dồi pháp. Trong Pāḷi
thường gọi là sevitabbā, có nghĩa rằng chúng ta phải cố gắng hiểu pháp
này bằng sự thực hành thường xuyên, nên chúng tôi dịch là trau dồi. Đây là ước
nguyện thứ hai của đức Phật.
3. Cuối cùng Ngài chỉ
dạy Tăng chúng phải tu tập (bhāvetabbā) các pháp. Khi chúng ta trau dồi,
nhất thiết phải có sự tăng trưởng và tiến bộ.
Điều đó có nghĩa là
gì? Khi chúng ta hành pháp, chỉ có những thiện pháp (kusala dhamma) khởi
lên trong tiến trình tâm của chúng ta. Các thiện pháp đó là, giới thiện pháp (sīla
kusaladhamma), định thiện pháp (samādhi kusaladhamma) và tuệ
thiện pháp (paññā kusaladhamma). Những thiện pháp này phải khởi lên
không gián đoạn cho đến quả vị A-la-hán. Nếu một vị Thanh Văn đệ tử (Sāvaka)
của đức Phật đắc A-la-hán Thánh quả thì việc thực hành (bhāvanā) của họ
kể như hoàn tất. Vì thế, một đệ tử của đức Phật phải thực hành những lời dạy
của đức Phật cho đến khi đạt đến cứu cánh, tức là sự trau dồi phải được phát
triển cho đến Thánh quả A-la-hán. Để đạt đến A-la-hán Thánh quả chúng ta phải
thực hành thường xuyên. Vì lý do đó, đức Phật đã đưa ra lời chỉ dẫn "bahulīkātabba",
có nghĩa là chúng ta phải thực hành một cách thường xuyên. Đây là ước nguyện
thứ ba của đức Phật.
Những ước nguyện này
vì sao lại khởi lên trong tiến trình tâm của đức Phật?
"Yathayidaṃ
brahmacariyaṃ addhaniyaṃ
assa ciraṭṭhikikaṃ."
(Để cho lời dạy thuần tịnh này có thể được an lập và bền lâu).
Đó là, duy trì lời
dạy thuần tịnh này sao cho nó có thể bền vững trong một thời gian lâu dài.
Phận Sự Của Chúng Ta
Với Tư Cách Là Những Phật Tử.
Duy trì lời dạy này
không để cho thất tán là bổn phận hết sức quan trọng của mỗi người Phật tử. Do
đó, chúng ta phải cố gắng:
- Nắm vững (hiểu rõ) tất cả
những lời dạy của đức Phật.
- Thực hành những lời dạy của đức Phật như thế nào để hiểu được pháp ấy qua
kinh nghiệm tự thân.
- Thực hành những lời dạy đó cho đến quả vị A-la-hán.
Đây là những bổn phận
của mọi Phật tử. Là một Phât tử, chúng ta phải theo những chỉ dẫn này. Nếu
không theo những điều này, chúng ta chỉ là Phật tử trên danh nghĩa chứ không
phải người Phật tử chân chánh. Tóm lại, người nào hành theo ba phận sự này một
cách triệt để, người ấy là một Phật tử chân chánh. Vì thế, hôm nay quý vị có
thể quyết định:
- Ta sẽ cố gắng nắm vững tất
cả những lời dạy của đức Phật.
- Ta sẽ cố gắng thực hành những lời dạy ấy để hiểu được chúng qua kinh nghiệm
tự thân.
- Ta sẽ thực hành những lời dạy của đức Phật cho đến quả vị A-la-hán.
Chúng Ta Có Thể Làm Lợi
Ích Cho Đời Như Thế Nào
Nếu chúng ta thực
hiện được ba bổn phận đó thì có thể nói rằng chúng ta đang thở theo những chỉ
dẫn của đức Phật. Vì sao?
"Tadassa bahujanahitāya
bahujanasukhāya lokānukampāya atthāya hitāya sukhāya devamanussānaṃ"
(Vì an lạc và lợi ích cho số đông,
Xuất phát từ lòng bi mẫn cho đời,
Vì sự an lạc và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại.)
Có thực hành theo
những chỉ dẫn của đức Phật, chúng ta mới có thể truyền trao Giáo Pháp đến các
thế hệ tương lai như một di sản, mới có thể dạy cho các hàng chư Thiên và loài
người:
- Hãy cố gắng nắm vững tất cả
những lời dạy của đức Phật.
- Hãy thực hành những lời dạy của đức Phật để hiểu được chúng qua kinh nghiệm
tự thân.
- Hãy thực hành những lời dạy của đức Phật cho đến quả vị A-la-hán.
Chúng Ta Có Thể Chứng
Tỏ Đức Tin Của Mình Như Thế Nào?
Quý vị có đủ niềm tin
vững chắc nơi những lời dạy của đức Phật không?
Trong Chú giải Kinh Ghaṭīkāra
có nói:
"Pasanno ca pasannākāraṃ
kātuṃ sakkhissati."
(Những người có niềm tin chân chánh đối với Tam Bảo có thể biểu lộ lòng kính
tín của họ qua việc thực hành.)
Nếu một người nam hay
nữ nào không biểu lộ được lòng tịnh tín của họ (theo cách đó) thì chúng ta
không thể nói rằng người ấy có một đức tin trong sạch thật sự. Nếu quý vị có
đức tin chân chánh nơi những lời dạy của đức Phật, quý vị phải khéo học những
lời dạy ấy, thực hành những lời dạy ấy không ngừng nghỉ khi chưa đắc A-la-hán
Thánh quả. Đây là những di huấn quan trọng của đức Phật trước lúc nhập diệt.
Nếu chúng ta có niềm tin nơi đức Phật, chúng ta phải tuân theo những di huấn
này. Khi chúng ta có niềm tin nơi cha mẹ của mình, chúng ta phải vâng theo
những chỉ dẫn của họ. Cũng vậy, "Cha" chúng ta ở đây chính là đức Phật, chúng
ta phải vâng theo những di huấn của "Cha" mình giống như vậy.
Chúng Ta Phải Học Và
Hành Những Gì?
Những lời dạy đó là
gì? Đó là:
- Tứ Niệm Xứ (Cattaro Satipaṭṭhānā)
- Tứ Chánh Cần (Cattaro Sammappadhānā)
- Tứ Thần Túc (Cattaro Iddhipādā)
- Ngũ Căn (Pañcindriyāni)
- Ngũ Lực (Pañca Bala)
- Thất Giác Chi (Satta Bojjhanga)
- Bát Thánh Đạo (Ariya Atthangiko Maggo)
Tất cả có Ba Mươi Bảy
Pháp thiết yếu cho Sự Giác Ngộ (Bodhipakkhiyadhamma). Chúng ta sẽ luận
bàn một cách tóm tắt những pháp này ở đây. Trong Kinh điển Pāḷi,
đức Phật dạy Ba Mươi Bảy Pháp Trợ Giác Ngộ theo nhiều cách khác nhau tùy theo
khuynh hướng của người nghe. Những lời dạy của đức Phật trong Kinh điển Pāḷi
có thể rút gọn chỉ còn Ba Mươi Bảy pháp này. Nếu cô đọng lại thì chỉ có Bát
Chánh Đạo. Và nếu được cô đọng thêm nữa thì chỉ có Tam học: Giới, Định, Tuệ.
Căn Bản Cho Việc Thực
Hành
Trước tiên chúng ta
phải học "giới học" để thực hành. Nếu không biết giới học, chúng ta không thể
nào tịnh hóa những hành vi cư xử của mình. Rồi chúng ta phải học thêm chỉ (samatha)
để kiểm soát và tập trung tâm ý. Nếu không biết về thiền chỉ, chúng ta sẽ trau
dồi định như thế nào? Nếu không hành định, làm sao chúng ta có thể kiểm soát
được tâm mình? Sau đó, chúng ta phải học cách làm thế nào để trau dồi trí tuệ.
Nếu không biết về tuệ học, chúng ta trau dồi trí tuệ ra sao?
Vì thế, để thanh tịnh
giới hạnh, để kiểm soát tâm và tu tập tuệ của mình, trước hết chúng ta phải
thấu rõ Pháp (dhamma). Thứ đến, chúng ta phải trau dồi và tu tập pháp ấy
cho đến A-la-hán Thánh quả.
Trong Kinh Đại
Niết-bàn, đức Phật đã khích lệ hàng đệ tử của Ngài nhiều lần:
"Iti silaṃ,
iti samādhi, iti paññā
Sīlaparibhāvito samādhi mahapphalo hoti mahānisaṃso,
Samādhiparibhāvitā paññā mahapphalā hoti mahānisaṃsā,
Paññāparibhāvitaṃ
cittam sammadeva āsavehi vimuccati,
Seyyathidaṃ kāmāsavā
bhavāsavā diṭṭhāsavā
avijjāsavā."
(Đây là giới, đây
là định, đây là tuệ.
Định khi được tu tập viên mãn dựa trên giới sẽ đem lại quả lớn, lợi ích lớn.
Tuệ khi được tu tập viên mãn dựa trên định sẽ đem lại quả lớn, lợi ích lớn.
Tâm khi được tu tập viên mãn với trí tuệ sẽ hoàn toàn giải thoát khỏi dục lậu,
hữu lậu, kiến lậu và vô minh lậu.)
Tất cả chúng ta ai
cũng có tâm. Nếu chúng ta có thể kiểm soát được tâm mình, dựa trên giới, thì
sức mạnh của tâm có định ấy sẽ vô cùng kỳ diệu. Tâm có thể thâm nhập vào sắc
chân đế. Sắc phát sinh dưới dạng các tổng hợp sắc (rūpa kalāpa). Những
tổng hợp này nhỏ hơn các nguyên tử (atoms). Thân chúng ta do những rūpa
kalāpa này làm thành và tâm có định có thể phân tích được các tổng hợp
sắc đó. Tâm định còn có thể thâm nhập vào thực tại cùng tột của danh (danh chân
đế), vào các nhân của chúng và vào tính chất sanh diệt của danh - sắc cũng như
các nhân ấy. Minh sát trí thâm nhập vào các hiện tượng này gọi là trí tuệ. Tuệ
ấy tiến triển nhờ định dựa trên giới. Tâm định và trí tuệ tạo thành năng lực.
Năng lực này có thể dẫn đến sự chứng đắc Niết-bàn, diệt tận mọi tham đắm, phiền
não và khổ đau.
Mọi người đều có tâm.
Khi tâm được tu tập sung mãn nhờ định thì minh sát trí (tuệ) có thể giải phóng
con người ra khỏi các cấu uế của dục tham và vòng luân hồi một cách hoàn toàn.
Song định đó phải dựa trên giới. Đối với hàng tại gia thì ngũ giới là cần
thiết. Đó là:
- Không sát sanh
- Không trộm cắp
- Không tà dâm
- Không nói dối
- Không uống rượu và các chất say
Năm giới này đối với
những Phật tử tại gia là cần thiết. Nếu người nào phạm vào một trong năm điều
này, tự nhiên họ không còn là một Phật tử chân chánh nữa. Pháp quy Tam bảo của
người ấy cũng không còn giá trị. Ngoài ra, người Phật tử còn phải tránh những
cách sinh nhai không chân chánh (tà mạng), tức là không sử dụng những tài sản
có được do sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói lời thô ác
hoặc nói chuyện vô ích. Người Phật tử cũng không can dự vào năm loại nghề bất
chánh là mua bán vũ khí, người, súc vật để mổ thịt, các chất say và các chất
độc.
Như vậy, đối với
người Phật tử, giới rất quan trọng. Ngoài sự hỗ trợ cho việc chứng đắc
Niết-bàn, giới giúp người Phật tử có được trạng thái an vui lúc cận tử - nhân
tố cần thiết cho cảnh giới tái sanh. Nếu hành nghiệp của một người không trong
sạch thì không dễ gì có được một thú tướng tốt đẹp, bởi vì vào lúc lâm chung,
những bất thiện nghiệp ấy thường bám vào tâm họ, xuất hiện trong tâm họ. Và do
bắt lấy một trong những bất thiện nghiệp đó làm đối tượng của tâm, họ thường đi
đến những khổ cảnh sau khi chết.
Giới cũng quan trọng
không kém trong việc mưu tìm hạnh phúc và an lạc trong kiếp hiện tại. Không
trong sạch giới hạnh, con người không thể tìm thấy hạnh phúc và an lạc. Thông
thường, một người có nhiều ác nghiệp, tự nhiên sẽ ít có thiện hữu. Mà người ít
có bạn tốt thì khó có được an vui hạnh phúc trong cuộc đời.
Thiền Chỉ Và Thiền
Quán
Trong Kinh Pháp Cú,
đức Phật dạy:
"Yo ca vassasataṃ
jīve, dussilo asamāhito,
Ekāhaṃ jīvitaṃ
seyyo, sīlavantassa jhāyino."
(Dầu sống cả trăm
năm
Không giới, không thiền định,
Cuộc đời người như vậy
Không có gì đáng khen.
Tốt hơn sống chỉ một ngày
Mà biết hành giới, tu thiền định tâm.)
Vì sao? Vì tâm khi
được tu tập sung mãn qua thiền định có thể phát sinh trí tuệ thâm sâu, tức có
thể thấy Niết-bàn, chấm dứt vòng sanh tử luân hồi, hủy diệt mọi phiền não và
khổ đau.
Vì thế chúng ta phải
hành thiền chỉ và thiền quán dựa trên giới. Khi chúng ta hành Chỉ-Quán, chúng
ta phải hành Tứ Niệm Xứ (Cattaro satipaṭṭhāna):
- Niệm thân (Kāyānupassanā
satipaṭṭhāna)
- Niệm thọ (Vedanānupassanā satipaṭṭhāna)
- Niệm tâm (Cittānupassanā satipaṭṭhāna)
- Niệm pháp (Dhammānupassanā satipaṭṭhāna)
Cái gì là "thân" (kāya)?
Trong thiền minh sát có hai loại thân: sắc thân (rūpakāya) và danh thân
(nāmakāya). Sắc thân là một tổng hợp hai mươi tám loại sắc. Danh thân là
một nhóm các tâm và tâm sở của chúng. Nói cách khác, hai thân ở đây là năm uẩn
(khandha) - sắc, thọ, tưởng, hành và thức.
Nhưng những đối tượng
của thiền chỉ (samatha) như là hơi thở, ba mươi hai thể trược (asubha)
và tứ đại cũng được gọi là thân. Vì sao? Chúng cũng là nguyên khối sắc. Chẳng
hạn, hơi thở là một nhóm các tổng hợp sắc do tâm tạo. Nếu chúng ta phân tích
các tổng hợp sắc ấy, chúng ta sẽ thấy có chín loại sắc trong mỗi tổng hợp: đất,
nước, lửa, gió, màu, mùi, vị, dưỡng chất và (âm) thanh (sắc cảnh thinh). Bộ
xương cũng là nguyên khối của các tổng hợp sắc. Nếu là một cơ thể sống thì có
tổng cộng năm loại tổng hợp sắc. Nếu phân tích các tổng hợp sắc ấy, chúng ta
thấy có bốn mươi bốn loại sắc.
Trong phần niệm thân,
đức Phật dạy hai loại thiền: chỉ và quán. Trong mục quán thân, Ngài gồm luôn
niệm hơi thở (ānāpānasati) và ba mươi hai thể trược v.v... Vì thế, nếu
hành giả đang hành niệm hơi thở, hành giả cũng đang hành quán thân. Tất cả
những pháp thiền chỉ ấy đều đi vào phần quán thân. Sau khi hành giả đã thành
công trong việc hành thiền chỉ, hành giả chuyển sang thiền minh sát và thấy hai
mươi tám loại sắc. Như thế cũng là đang hành quán thân. Vào lúc hành phân biệt
danh (nāmakammaṭṭhāna),
khi hành giả phân biệt các cảm thọ, thì đó là quán thọ; khi phân biệt tâm, là
quán tâm; khi phân biệt xúc, là quán pháp. Nhưng chỉ phân biệt thọ, tâm và xúc
thôi thì chưa đủ để đắc các tuệ minh sát. Vì thế, chúng ta phải phân biệt các
tâm sở còn lại. Sau khi đã phân biệt xong danh và sắc, chúng ta còn phải phân
biệt các nhân của chúng trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Đây là tuệ phân biệt
Nhân Duyên (paccaya pariggaha ñāṇa).
Sau tuệ phân biệt Nhân Duyên, tức là khi hành giả đã đạt đến giai đoạn minh sát
(vipassanā), hành giả có thể nhấn mạnh vào sắc, hoặc thọ, tâm hay xúc.
"Nhấn mạnh" ở đây không có nghĩa là hành giả chỉ phân biệt duy nhất một trạng
thái. Hành giả có thể nhấn mạnh sắc nhưng cũng không bỏ quên danh. Tức là, hành
giả cũng phải phân biệt thọ, tâm và pháp nữa (Yi-tung là ngôi chùa ở Đài Loan,
nơi thiền sư Pa-Auk Sadadaw được mời đến dạy thiền cho Tăng ni và Phật tử ở
đây).
Hành giả có thể nhấn
mạnh các cảm thọ. Nhưng các cảm thọ thôi chưa đủ. Hành giả còn phải phân biệt
các tâm hành đồng sanh với chúng, các căn của chúng và các đối tượng của chúng.
Năm căn và các đối tượng của chúng là sắc. Đối với các tâm và pháp cũng như
vậy.
Vì thế ở đây, vipassanā
là quán tính vô thường, khổ và vô ngã của danh - sắc và các nhân của chúng.
Các pháp ấy diệt ngay khi chúng vừa sanh lên, đó là vô thường. Chúng bị đàn áp
với bởi sự sanh diệt liên tục, đó là khổ. Trong các pháp ấy không có tự ngã,
không có gì bền vững, thường hằng và bất tử, đó là vô ngã. Sự phân biệt tính vô
thường, khổ và vô ngã của danh - sắc và các nhân, các quả của chúng được gọi là
thiền minh sát. Khi một hành giả hành thiền chỉ và quán, có thể nói là hành giả
ấy đang hành Tứ Niệm Xứ.
Khi hành giả hành Tứ
Niệm Xứ, hành giả phải đề khởi đủ Tứ Chánh Cần. Đó là:
- Tinh tấn ngăn không cho
những bất thiện pháp khởi sanh
- Tinh tấn trừ diệt các bất thiện pháp đã sanh
- Tinh tấn phát khởi những thiện pháp chưa sanh (định thiện pháp, minh sát
thiện pháp, Thánh đạo thiện pháp v.v...)
- Tinh tấn tu tập các thiện pháp cho đến A-la-hán Thánh quả.
Hành giả phải hành
như thế nào? Hành giả phải hành theo Tứ Niệm Xứ . Khi hành cần phải đề khởi đủ
bốn loại tinh tấn vừa đề cập, "dù cho thịt và máu ta có khô cạn chỉ còn lại
xương và gân, ta cũng không từ bỏ thiền này."
Khi hành, hành giả
phải có Tứ Thần Túc:
- Dục (chanda): lòng
mong mỏi kiên trì và mãnh liệt muốn đạt đến Niết-bàn.
- Cần (vīriya): tinh tấn kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn.
- Tâm (citta): tâm kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn.
- Thẩm (vimaṃsa):
minh sát tuệ kiên trì và mãnh liệt để đạt đến Niết-bàn.
Nếu có lòng mong mỏi
mạnh mẽ như vậy, chúng ta sẽ đạt đến mục đích. Không có điều gì không thể thành
tựu nếu có đủ hoài bão. Với tinh tấn, tâm và thẩm, không có gì không thể thành
tựu.
Khi hành chỉ và quán
dựa trên giới, chúng ta cũng phải có ngũ căn. Đó là:
- Tín (saddha): niềm
tin kiên cố nơi đức Phật và những lời dạy của Ngài.
- Tấn (vīriya): vận dụng tinh tấn đủ mạnh.
- Niệm (sati): phải có niệm đủ mạnh trên đối tượng thiền. Nếu là thiền
chỉ, nó phải là một đối tượng như tướng hơi thở (ānāpāna nimitta) hoặc
tướng kasiṇa (kasiṇa
nimitta). Nếu là minh sát (quán), nó phải là danh, sắc và các
nhân của chúng.
- Định (samādhi): phải có định đủ mạnh trên các đối tượng chỉ và minh
sát.
- Tuệ (paññāṇa):
phải có sự hiểu biết đầy đủ về các đối tượng thiền chỉ và thiền minh sát.
Năm căn tinh thần này
sẽ kiểm soát tâm của hành giả, nhờ vậy nó không đi chệch ra khỏi con đường Bát
Chánh, đưa đến Niết-bàn. Nếu hành giả không có một trong những căn này, hành
giả không thể đạt đến mục tiêu của mình được. Hành giả không thể kiểm soát được
tâm của mình. Năm căn này có sức mạnh kiểm soát được tâm hành giả, nhờ vậy nó
không rời khỏi đối tượng thiền của hành giả. Sức mạnh này cũng được gọi là ý
lực (bala). Trên ý nghĩa của ý lực, năm căn tinh thần được gọi là ngũ lực (pañcabalāni).
Ngoài Tứ Niệm Xứ ra,
Thất Giác Chi (satta bojjhaga) cũng rất quan trọng. Đó là:
- Niệm (sati)
- Trạch pháp (dhammavicaya). Đây là minh sát tuệ.
- Tinh tấn (vīriya)
- Hỷ (pīti)
- An tịnh (passadhi)
- Định (samādhi)
- Xả (upekkhā)
Cuối cùng, có Bát
Chánh Đạo (Ariyo aṭṭhangiko
maggo):
- Chánh Kiến (sammā diṭṭhi)
- Chánh Tư Duy (sammā sankappa)
- Chánh Ngữ (sammā vācā)
- Chánh Nghiệp (sammā kammanta)
- Chánh Mạng (sammā ājīva)
- Chánh Tinh Tấn (sammā vāyāma)
- Chánh Niệm (sammā sati)
- Chánh Định (sammā samādhi).
Nói cách khác, đó là
Giới, Định và Tuệ - Tam Học. Chúng ta phải hành Tam Học này một cách hệ thống.
Tất cả có 37 Pháp Trợ
Giác Ngộ. Ước nguyện của đức Phật là các đệ tử của Ngài phải nắm vững 37 Pháp
này và thực hành các pháp ấy cho đến quả vị A-la-hán. Nếu làm được điều đó,
chúng ta có thể truyền trao cho các thế hệ tương lai di sản này. Như vậy, chúng
ta và các thế hệ tương lai sẽ nhận được những lợi ích trong đời này cho đến khi
chứng đắc Niết-bàn.
Những Lời Khuyên Của
Đức Phật Cho Tăng Chúng.
Trong Kinh Đại
Niết-bàn, đức Phật nói thêm:
"Handa dāni bhikkhave
āmantayāmi vo,
vayadhammā sankhārā appamādena sampādetha."
(Này các tỳ khưu,
tất cả hành (pháp hữu vi) phải chịu sự tan hoại,
Do đó hãy phấn đấu chớ nên dễ duôi.)
Tất cả danh - sắc và
các nhân của chúng được gọi chung là các hành (sankhāra) vì chúng được
tạo ra bởi các nhân tương ứng của chúng. Các hành luôn luôn vô thường.
Hành giả không nên
quên về tính vô thường này. Chính do quên tính vô thường (của các pháp) mà quý
vị khao khát cho bản thân mình, cho con cái, cho gia đình, v.v... Nếu biết được
mọi vật đều mang tính vô thường thì trong suốt cuộc đời, chúng ta sẽ cố gắng
thoát khỏi nó. Vì thế, quý vị không nên quên lời khích lệ của đức Phật: "Tất cả
các hành phải tan hoại, do đó, hãy phấn đấu chớ nên dễ duôi!"
Đức Phật dạy tiếp:
"Na ciraṃ
Tathāgatassa Parinibbānaṃ
bhavissati.
Ito tinnaṃ māsānaṃ
accayena Tathāgato parinibbāyissati".
(Giờ diệt độ của
Như Lai sắp đến,
Ba tháng nữa, kể từ hôm nay, Như Lai sẽ nhập Đại Niết-bàn.)
Điều đó có nghĩa là
Ngài sẽ diệt độ hoàn toàn. Quả thực là đau buồn khi nghe những lời đó.
Đức Phật cũng nói:
"Paripakko vayo mayhaṃ,
parittaṃ mama
jīvitaṃ."
(Tuổi ta giờ đã quá già, thọ mạng chỉ còn ngắn ngủi.)
Rồi Ngài đã mô tả
tuổi già của Ngài cho Tôn giả Ānanda:
"Này Ānanda, Ta nay đã già
yếu, đã vượt qua năm tháng,
Năm nay ta đã tám mươi, đã trải qua cuộc đời.
Như một chiếc xe cũ
kỹ, này Ānanda, được ràng giữ lại với nhau với nhiều khó khăn, thân của Như Lai
cũng vậy, chỉ khi được hỗ trợ mới tiếp tục tồn tại.
Đó là, này Ānanda,
chỉ khi Như Lai không tác ý đến các đối tượng bên ngoài, với sự diệt trừ một
cảm thọ, chứng và trú Vô Tướng Tâm Định, thân ta mới được thoải mái."
"Pahāya vo gamissāmi, kataṃ
me saraṇamattano."
(Từ biệt các người ta ra đi, chỉ nương tựa vào chính mình mà thôi.)
Điều đó có nghĩa Ngài
sẽ nhập Đại Niết-bàn và rời bỏ tất cả. Ngài đã tạo dựng nơi nương tựa cho chính
Ngài bằng quả vị A-la-hán.
"Do vậy, này Ānanda,
hãy là hòn đảo cho chính mình, hãy nương tựa vào chính mình, đừng tìm sự nương
tựa ở bên ngoài; hãy lấy Pháp làm hòn đảo, lấy Pháp làm nơi nương tựa, chớ tìm
sự nương tựa nào khác.
Và này Ānanda, một vị
tỳ khưu là hòn đảo cho chính mình, là nơi nương tựa cho chính mình, không tìm
nơi nương tựa bên ngoài, lấy Pháp làm hòn đảo, lấy Pháp làm nơi nương tựa,
không tìm sự nương tựa nào khác, là thế nào?"
Câu trả lời của đức
Phật như sau:
"Appamattā satimanto susīlā
hotha bhikkhavo
Susamāhitasankappā sacittamanurakkhatha."
(Như vậy, này chư
tỳ khưu, hãy chuyên cần chánh niệm và giới hạnh trong sạch.
Với quyết tâm vững chắc, canh giữ tâm của các người.)
"Susīlā hotha
bhikkhavo", có nghĩa, "Này các tỳ khưu, các người phải cố gắng thanh
tịnh giới hạnh của mình. Các người phải cố gắng là những vị tỳ khưu có giới
hạnh hoàn toàn trong sạch." Điều này muốn nói chúng ta phải trau dồi giới học,
đó là, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.
"Susamāhita"
nghĩa là, chúng ta phải thực hành định học, tức chánh tinh tấn, chánh niệm và
chánh định. "Sankappā", nghĩa là tuệ học, tức chánh kiến và chánh tư
duy.
"Appamattā"
nghĩa là để thấy, với minh sát trí, tính vô thường, khổ và vô ngã trong các
hành.
"Satimato" có
nghĩa khi chúng ta thực hành Tam Học - Giới, Định, Tuệ - chúng ta phải có đủ
chánh niệm.
Vì thế chúng ta cần
phải chánh niệm và chuyên cần. Chánh niệm về những gì? Chánh niệm về Tứ Niệm
Xứ, danh và sắc, hay nói khác hơn, chúng ta phải chánh niệm trên các hành.
Cuối cùng, đức Phật
nói:
"Yo masmiṃ
dhamma vinaye appamatto vihessati
pahāya jātasamsāraṃ
dukkhassantaṃ karissati."
(Bất cứ người nào
nhiệt tâm theo đuổi Pháp và Luật (dhamma - vinaya) này sẽ vượt qua vòng
tử sanh luân hồi, đoạn tận mọi khổ đau.)
Như vậy, nếu muốn
chấm dứt tử sanh luân hồi, chúng ta phải theo những lời dạy của đức Phật, tức
là Bát Thánh Đạo. Chúng ta hãy phấn đấu nỗ lực trước khi cái chết xảy ra.
Cầu mong tất cả chúng
sinh được an vui hạnh phúc.
Ghi chú:
Đức Phật Gotama có ba
loại Thánh quả định:
1. A-la-hán Thánh Quả
Định sau Đạo (maggānantra phala samāpatti). Đây là A-la-hán Thánh Quả
Định đến liền sau thiện nghiệp A-la-hán Thánh đạo (Noble Arahant-Path wholesome
kamma). Nó có đặc tính của vô gián quả và được đề cập đến như sát-na
quả định (khaṇika
phala samāpatti). Ba sát-na tâm quả sanh liền sau A-la-hán Thánh
đạo tâm của đức Phật thuộc về loại này.
2. A-la-hán Thánh Quả
Định vãng lai (valañjana phala samāpatti). Đây là A-la-hán Thánh Quả
Định kéo dài mà một vị A-la-hán có thể nhập vào lúc nào cũng được. Thiền quả
này được xem là sự thọ hưởng an lạc tịch tịnh của Niết-bàn và cũng đề cập đến
như một loại sát-na quả định. Đức Phật thường xuyên nhập vào định chứng này,
ngay cả trong lúc Ngài đang thuyết pháp, khi mà thính chúng đang hoan hỷ nói
lên lời "sādhu, sādhu" (lành thay, lành thay). Ở đây phải hiểu là, chỉ
cần một thời khắc ngắn ngủi giữa thời pháp, lúc mọi người đang hoan hỷ nói lời
"sādhu", đức Phật đã nhập vào định chứng này, rồi xuất liền để tiếp tục
thuyết pháp.
3. A-la-hán Thánh Quả
Định duy trì thọ mạng (āyusankhāra phala samāpatti). Thánh quả này luôn
luôn theo sau vipassanā (minh sát) với bảy cách quán sắc và bảy cách
quán danh. Các pháp này được đức Bồ tát thực hành ở ngưỡng Giác Ngộ dưới cội bồ
đề và hàng ngày từ khi chứng đau lưng của Ngài xuất hiện ở ngôi làng Veluna cho
đến ngày Bát Niết-bàn của Ngài. Lúc sắp hoàn tất công việc minh sát và nhập
A-la-hán Thánh Quả Định, đức Phật quyết định: "Kể từ hôm nay cho đến ngày Bát
Niết-bàn, thọ khổ này sẽ không khởi lên". Rồi Ngài tiếp tục hành vipassanā
trở lại để sau đó nhập A-la-hán Thánh Quả Định.
Cái khác giữa sát-na
Thánh quả định và Thánh quả định duy trì thọ mạng là ở chỗ minh sát đi trước.
Sát-na A-la-hán Thánh Quả Định chỉ là sự thọ hưởng an lạc tịch tịnh của
Niết-bàn được đi trước bởi một phương thức nhập vào minh sát bình thường. Trong
khi đó A-la-hán Thánh Quả Định duy trì thọ mạng lại được đi trước bởi một
phương thức hành minh sát cao hơn đòi hỏi phải có nỗ lực lớn, đó là thực hành
theo bảy cách quán sắc (rūpusattaka) và bảy cách quán danh (arūpusattaka).
Cái khác trên phương diện kết quả là sát-na A-la-hán Thánh Quả Định chỉ đè nén
được một thọ khổ trong thời gian nhập định chứng ấy, như một viên đá rơi vào
nước chỉ xuyên qua nước bao lâu còn tác động của nó, sau đó đám bèo lại phủ
lại. Còn A-la-hán Thánh Quả Định duy trì thọ mạng có thể đè nén cơn đau trong
một thời hạn đã định (như ở đây đức Phật quyết định 10 tháng), tựa như một
người khỏe mạnh lao vào hồ nước và vẹt sạch đám bèo ấy, nhờ vậy đám bèo sẽ
không phủ lại trong một thời gian đáng kể.
oo0oo
BÀI PHÁP THOẠI 9
Loại cúng dường cao
thượng nhất
(Tùy hỷ pháp đến các Thí Chủ, Ban Tổ
Chức và những Người Trợ Giúp)
Có hai loại cúng
dường:
- Cúng dường cho quả sung mãn
- Cúng dường không cho quả.
Quý vị thích loại
cúng dường nào? Xin vui lòng trả lời câu hỏi này của chúng tôi.
Chúng ta hãy nhìn lại
những ước nguyện của đức Phật dành cho hàng đệ tử (sāvaka) của Ngài vì
nó liên quan dến sự cúng dường trong giáo pháp này. Ứớc nguyện của quý vị và
ước nguyện của đức Phật giống nhau hay khác - điều này chúng ta sẽ tìm hiểu
trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhināvibhanga Sutta).
Một thời đức Phật
đang trú ngụ trong vương quốc của dòng tộc Thích Ca (Sakyan) nơi khu
vườn Nigrodha tại Ca-tỳ-la-vệ. Lúc bấy giờ, bà Mahāpajāpatigotamī đi đến
đức Phật mang theo một cặp y mới mà bà đã nhờ những người thợ dệt khéo léo nhất
làm nên. Sau khi đảnh lễ đức Phật, bà ngồi xuống một bên và nói với đức Phật:
- Bạch Ngài (Bhante),
cặp y mới này do tay tôi quay tơ, nhờ người dệt để dành riêng cho đức Phật, xin
đức Phật vì lòng bi mẫn mà nhận nó.
Đức Phật nói:
- Này Gotamī, hãy
cúng dường đến Tăng chúng (Sangha). Khi bà cúng dường y này đến Tăng
chúng thì sự cúng dường ấy sẽ giống như vừa làm đến ta, vừa làm đến Tăng chúng
vậy.
Bà thỉnh cầu đức Phật
đến ba lần và đức Phật cũng trả lời như vậy đến ba lần. Lúc ấy, Tôn giả Ānanda
bèn thưa với đức Phật:
"Bạch Ngài, xin Ngài
hãy hoan hỷ nhận lãnh cặp y mới này cho bà Mahāpajāpatigotamī. Bà đã
từng giúp đỡ Ngài rất nhiều. Bà là di mẫu, là vú nuôi của Ngài, là người đã cho
Ngài sữa. Bà đã cho Ngài bú mớm khi Mẫu hậu qua đời.
Đức Phật cũng đã đem
lại cho bà rất nhiều lợi ích. Chính nhờ đức Phật mà bà đã quy y Phật, quy y
Pháp, quy y Tăng. Chính nhờ đức Phật mà bà đã giữ giới không sát sanh, không
trộm cắp, không tà hạnh trong các dục, không nói dối, không uống rượu và các
chất say - là nhân sanh dễ duôi. Chính nhờ đức Phật mà bà có niềm tin tuyệt đối
nơi Tam bảo và có giới hạnh mà các bậc thánh (ariya) yêu mến. Chính nhờ
đức Phật mà bà dứt khỏi hoài nghi về Khổ Thánh Đế (dukkhasacca), về Tập
Thánh Đế (samudayasacca), về Diệt Thánh Đế (nodrodhasacca) và về
Đạo Thánh Đế (maggasacca). Như vậy đức Phật đã giúp ích cho bà Mahāpajāpatigotamī
rất nhiều."
Đức Phật trả lời như
sau:
"Thực sự là vậy, này
Ānanda, thực sự là vậy! Khi một người đệ tử, nhờ bậc đạo sư, mà biết quy y Tam
Bảo, ta nói rằng không dễ gì cho người đệ tử ấy đền đáp bậc đạo sư bằng cách tỏ
lòng cung kính, đứng dậy tiếp nước, phục vụ và dâng cúng những nhu cầu cần
thiết đâu.
Khi một người đệ tử,
nhờ bậc đạo sư, biết giữ giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh
trong các dục, không nói dối, không uống rượu và các chất say, là nhân sanh dễ
duôi. Ta nói rằng không dễ gì cho người đệ tử ấy đền đáp bậc đạo sư bằng cách
tỏ lòng cung kính, đứng dậy tiếp nước, phục vụ và dâng cúng những nhu cầu cần
thiết đâu.
Khi một người đệ tử,
nhờ bậc đạo sư mà có niềm tin tuyệt đối nơi đức Phật, Giáo pháp, chư Tăng và có
giới được các bậc Thánh yêu mến. Ta nói rằng không dễ gì cho người đệ tử ấy đền
đáp bậc đạo sư bằng cách tỏ lòng cung kính, đứng dậy tiếp nước, phục vụ và dâng
cúng những nhu cầu cần thiết đâu.
Khi một người đệ tử,
nhờ bậc đạo sư mà dứt hoài nghi về Khổ Thánh Đế, về Tập Thánh Đế, về Diệt Thánh
Đế, về Đạo Thánh Đế. Ta nói rằng không dễ gì cho người đệ tử ấy đền đáp bậc đạo
sư bằng cách tỏ lòng cung kính, đứng dậy tiếp nước, phục vụ và dâng cúng những
nhu cầu cần thiết đâu."
Ngang đây, chúng ta
thử bàn luận ý nghĩa đức Phật muốn nói.
Nếu một người đệ tử
tuệ tri Tứ Thánh Đế qua sự hướng dẫn của một bậc đạo sư thì minh sát trí về Tứ
Thánh Đế của vị ấy có lợi nhiều hơn so với những hành động tôn kính, cúng dường
tứ vật dụng đến bậc đạo sư. Nếu người ấy tuệ tri Tứ Thánh Đế qua Nhập Lưu Thánh
đạo tuệ và Nhập Lưu Thánh quả tuệ (Sotāpatti magga phalañāṇa) thì minh sát trí này sẽ giúp họ thoát khỏi bốn ác
đạo (apāya: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la). Kết quả này thực là
kỳ diệu. Những người dễ duôi trong việc thực hiện những thiện nghiệp thường
phải lang thang trong bốn cõi ác. Bốn đọa xứ ấy giống như căn nhà của họ (pamattassa
ca nāma cattāro apāyā sakagehasadisā). Chỉ thỉnh thoảng họ mới viếng
thăm các cõi lành. Như vậy, thoát khỏi bốn đọa xứ quả thực là cơ hội quý giá,
không thể nào đem so sánh với những việc tôn kính, cúng dường tứ vật dụng cho
bậc đạo sư của người đệ tử.
Lại nữa, nếu một
người đệ tử tuệ tri Tứ Thánh Đế qua Nhất Lai Thánh đạo tuệ và Nhất Lai Thánh
quả tuệ (Sakadāgāmi magga phalañāṇa),
người ấy sẽ trở lại cõi người này chỉ một lần nữa. Còn nếu vị ấy tuệ tri Tứ
Thánh Đế qua Bất Lai Thánh đạo tuệ và Bất Lai Thánh quả tuệ (Anāgāmi magga
phalañāṇa), minh sát trí này sẽ giúp vị ấy thoát khỏi mười một cõi dục. Vị ấy
nhất định sẽ tái sanh vào một Phạm Thiên giới nào đó và không bao giờ trở lại
cõi dục này. Lạc của Phạm Thiên giới thù thắng hơn dục lạc rất nhiều. Trong cõi
Phạm Thiên không có đàn ông, không có đàn bà, không có gia đình, v.v... Ở đó
không có đánh nhau, cãi nhau, chẳng cần phải ăn uống. Thọ mạng của họ rất dài.
Không ai có thể phá hoại hạnh phúc của họ. Họ thoát khỏi mọi hiểm nguy, nhưng
vẫn phải chịu tiêu hoại, phải chịu tái sanh trở lại, nếu họ không đắc A-la-hán.
Hơn nữa, nếu một
người đệ tử tuệ tri Tứ Thánh Đế qua A-la-hán Thánh đạo và A-la-hán Thánh quả (Arahatta
magga-phalañāṇa),
minh sát trí này sẽ dẫn đến sự giải thoát khỏi vòng luân hồi của vị ấy. Sau khi
Bát Niết-bàn nhất định vị ấy sẽ không còn khổ, không còn sinh, hoại, bệnh, tử,
v.v... nữa. Vì thế, những lợi ích này có giá trị hơn những hành động cung kính
và dâng cúng tứ vật dụng đến bậc đạo sư của người đệ tử. Dù cho họ có cúng
dường tứ vật dụng cao như núi Tu Di, sự cúng dường ấy cũng không đủ để trả món
nợ của họ, bởi vì thoát khỏi luân hồi, hay thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử giá
trị hơn rất nhiều.
Thế nào là Tứ Thánh
Đế mà người đệ tử đã tuệ tri?
1. Khổ Thánh Đế (dukkhasacca)
ở đây là năm uẩn. Nếu một người đệ tử nương vào vị đạo sư tuệ tri Khổ Thánh Đế,
minh sát trí này có giá trị hơn hành động tôn kính, cúng dường tứ vật dụng đến
bậc đạo sư.
2. Tập Thánh Đế (samudayasacca)
ở đây là duyên khởi. Nếu một người đệ tử nương vào vị đạo sư tuệ tri Tập Thánh
Đế hay duyên khởi, minh sát trí này có giá trị hơn những hành động tôn trọng,
cúng dường tứ vật dụng đến bậc đạo sư.
3. Diệt Thánh Đế (nidrodha
sacca) ở đây là Niết-bàn. Nếu một đệ tử nương vào bậc đạo sư tuệ tri
Niết-bàn, minh sát trí này giá trị hơn những hành động tôn trọng, cúng dường tứ
vật dụng đến bậc đạo sư.
4. Đạo Thánh Đế (magga
sacca) ở đây là Bát Thánh Đạo. Nói cách khác, đây là minh sát trí (vipassanā
ñāṇa)
và đạo trí (magga ñāṇa).
Nếu một người đệ tử có minh sát trí và đạo trí do nương một vị đạo sư, những
minh sát trí này có giá trị hơn những hành động tôn trọng, cúng dường tứ vật
dụng đến bậc đạo sư vì những minh sát trí này đưa đến sự giải thoát khỏi vòng
luân hồi, trong khi những hành động tôn trọng và cúng dường tứ sự không thể là
nhân trực tiếp đưa đến sự giải thoát khỏi luân hồi. Tuy nhiên cúng dường tứ sự
có thể là một nhân gián tiếp hỗ trợ cho người đang hành Chỉ-Quán đạt đến
Niết-bàn được.
Những Cơ Hội Không Nên
Bỏ Lỡ
Ở đây, một lần nữa
chúng tôi muốn giải thích thêm năm uẩn là Thánh Đế thứ nhất, tức Khổ Thánh Đế.
Trong năm uẩn có sắc uẩn và sắc này sanh khởi như những tổng hợp sắc hay những
phần tử rất nhỏ. Khi phân tích, hành giả thường thấy rằng chúng có hai mươi tám
loại sắc. Ngoài Giáo pháp của đức Phật, không có bậc đạo sư nào có thể nói về
những loại sắc này và làm thế nào để phân loại chúng. Chỉ có đức Phật và các vị
đệ tử của Ngài mới có thể làm được điều đó. Hơn nữa, trong năm uẩn còn có bốn
danh uẩn. Ngoài kiết sanh thức (tâm tục sinh), tâm hữu phần và tâm tử ra, các
hành thuộc về danh hay tâm hành này khởi lên đều phải theo tiến trình tâm. Đức
Phật dạy đích xác có bao nhiêu tâm sở phối hợp với một tâm trong một sát-na tâm
và Ngài còn dạy cách làm thế nào để phân biệt và phân loại chúng nữa. Không có
một bậc đạo sư nào ngoài đức Phật có thể chỉ rõ những tâm hành này được bởi vì
các ngoại đạo sư ấy không thực sự liễu tri. Song nếu một người đệ tử của đức
Phật thực hành chuyên cần và có hệ thống theo những chỉ dẫn của đức Phật, họ có
thể phân biệt được các tâm hành ấy một cách rõ ràng. Đây là một cơ hội không gì
sánh được cho hàng đệ tử. Quý vị không nên để lỡ cơ hội này.
Thêm nữa, duyên khởi
là Thánh Đế thứ hai hay Tập Thánh Đế - Thánh Đế về nguồn gốc của khổ. Đức Phật
cũng dạy cho hàng đệ tử của Ngài biết cách làm thế nào để phân biệt duyên khởi.
Khi một người đệ tử của đức Phật phân biệt được duyên khởi đúng theo những chỉ
dẫn của Ngài, họ sẽ tuệ tri mối tương quan giữa nhân và quả. Họ sẽ có được minh
sát trí biết rõ rằng nhân quá khứ tạo ra quả hiện tại và nhân hiện tại tạo ra
quả vị lai. Vị ấy tuệ tri được rằng trong ba giai đoạn quá khứ, hiện tại và vị
lai, hoàn toàn không có một sáng tạo chủ nào tạo ra quả và cũng không có gì
khởi lên mà không có nhân. Trí này cũng chỉ có được trong Giáo pháp của đức
Phật. Vì thế quý vị không nên bỏ lỡ cơ hội này.
Vả lại, khi một người
đệ tử phân biệt duyên khởi, vị ấy thấy được các kiếp quá khứ và các kiếp vị
lai. Nếu phân biệt vào nhiều kiếp quá khứ, hành giả có được minh sát trí biết
rõ loại bất thiện nghiệp nào dẫn đến tái sanh trong các khổ cảnh và loại thiện
nghiệp nào dẫn đến tái sanh trong các cõi lành.
Trí hiểu biết về ba
mươi mốt cõi và quy luật của nghiệp chỉ có thể tìm thấy trong Giáo pháp của đức
Phật. Ngoài Giáo pháp của một vị Phật, không ai có thể biết được ba mươi mốt
cõi và quy luật nghiệp báo vốn tạo ra tái sanh trong mỗi cõi ấy. Như vậy quý vị
cũng không nên bỏ lỡ cơ hội này.
Còn nữa, nếu một
người đệ tử phân biệt nhân quả trong các kiếp vị lai, vị ấy cũng thấy được sự
diệt của danh - sắc. Vị ấy tuệ tri khi nào thì danh - sắc của mình sẽ diệt. Đây
là Thánh Đế thứ ba - Diệt Thánh Đế. Trí này chỉ có thể có được trong Giáo pháp
của đức Phật. Vì thế hành giả không nên bỏ lỡ cơ hội này.
Đức Phật cũng dạy con
đường đi đến trạng thái diệt đó, tức Thánh Đế thứ tư hay Chỉ-Quán (samatha-vipassanā).
Chỉ-Quán có nghĩa là Bát Thánh Đạo. Trí Phân Tích Danh - sắc và Trí Phân Biệt
Nhân Duyên là chánh kiến. Trí (biết) về sự diệt của danh - sắc cũng là chánh
kiến. Sự chú tâm vào Tứ Thánh Đế là chánh tư duy. Chánh kiến và chánh tư duy ở
đây là minh sát (vipassanā). Muốn hành minh sát chúng ta phải có định
của thiền chỉ (samatha), tức là chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh
định. Khi chúng ta trau dồi chỉ quán, chúng ta phải có thanh tịnh giới - chánh
ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng. Trau dồi chỉ quán dựa trên giới, tức là trau
dồi Bát Chánh Đạo và Bát Chánh Đạo này chỉ có thể tìm thấy trong Giáo pháp của
một vị Phật. Do đó, quý vị cũng không nên bỏ lỡ cơ hội này. Vì sao? Minh sát
trí về Tứ Thánh Đế đưa đến sự giải thoát khỏi vòng tử sanh luân hồi của người
đệ tử vậy.
Mười bốn loại cúng
dường theo cá nhân
Như đã đề cập, sự
giải thoát này vẫn có thể được hỗ trợ bởi những hành động bố thí hay cúng dường
của người đệ tử. Trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường mà ở đầu bài giảng này có đề
cập đến, đức Phật giải thích 14 loại cúng dường theo cá nhân hay đối nhân thí (pātipuggalikadakkhiṇa)
như sau:
"Này Ānanda, có 14
loại đối nhân thí:
- Cúng dường đến một vị Phật.
Đây là đối nhân thí thứ nhất.
- Cúng dường đến một vị Độc Giác Phật (Paccekabuddha). Đây là đối nhân
thí thứ hai.
- Cúng dường đến một vị A-la-hán. Đây là đối nhân thí thứ ba.
- Cúng dường đến một vị đã nhập vào đạo lộ dưa đến sự chứng đắc A-la-hán Thánh
quả. Đây là đối nhân thí thứ tư.
- Cúng dường đến một vị Bất Lai. Đây là đối nhân thí thứ năm.
- Cúng dường đến một vị đã nhập vào đạo lộ đưa đến sự chứng đắc Bất Lai Thánh
quả. Đây là đối nhân thí thứ sáu.
- Cúng dường đến một vị Nhất Lai. Đây là đối nhân thí thứ bảy.
- Cúng dường đến một vị đã nhập vào đạo lộ đưa đến sự chứng đắc Nhất Lai Thánh
quả. Đây là đối nhân thí thứ tám.
- Cúng dường đến một vị Nhập Lưu. Đây là đối nhân thí thứ chín.
- Cúng dường đến một vị đã nhập vào đạo lộ đưa đến sự chứng đắc Nhập Lưu Thánh
quả. Đây là đối nhân thí thứ mười.
- Cúng dường đến một vị ngoài giáo pháp (đức Phật) đã ly tham đối với các dục
do chứng thiền. Đây là đối nhân thí thứ mười một.
- Cúng dường đến một phàm nhân có giới đức. Đây là đối nhân thí thứ mười hai.
- Cúng dường đến một phàm nhân không giới đức. Đây là đối nhân thí thứ mười ba.
- Bố thí đến một con vật. Đây là đối nhân thí thứ mười bốn."
Sau đó, đức Phật giải
thích những lợi ích của mười bốn loại cúng dường này.
Do bố thí đến một con
vật, với tâm trong sạch, sự bố thí này có thể được đáp trả lại gấp một trăm
lần.
Điều đó có nghĩa là
việc làm ấy có thể tạo ra kết quả trong một trăm kiếp. Ở đây, "tâm trong sạch"
tức là bố thí không mong đợi đáp trả như mong sự giúp đỡ từ người thọ nhận
chẳng hạn. Người làm phước chỉ để tích tạo thiện nghiệp, với đức tin đủ mạnh
nơi quy luật của nghiệp. Giả sử một người cho chó ăn với ý nghĩ: "vì đây là con
chó của ta" - đó không phải là một trạng thái tâm trong sạch. Nhưng nếu một
người bố thí thức ăn cho chim chóc thì sự bố thí ấy là trong sạch vì họ không
mong đợi điều gì nơi những con chim đó cả.điều này cũng áp dụng cho những
trường hợp khác đã đề cập. Chẳng hạn, nếu một người cúng dường tứ vật dụng tới
vị tỳ khưu với ý nghĩ rằng sự cúng dường này sẽ đem lại may mắn trong công việc
làm ăn của mình thì đó không phải là cúng dường với tâm trong sạch. Loại cúng
dường như vậy không tạo ra những lợi ích thù thắng.
Rồi đức Phật giải
thích thêm:
Do bố thí với tâm
trong sạch đến một phàm nhân không giới đức, sự bố thí này có thể được đáp trả
lại gấp một ngàn lần.
Do cúng dường với tâm
trong sạch đến môt phàm nhân giới đức, sự cúng dường ấy có thể được đáp trả lại
một trăm ngàn lần.
Do cúng dường đến một
người ngoài giáo pháp đã ly tham đối với các dục nhờ chứng thiền, sự cúng dường
ấy có thể được đáp trả một ngàn vạn lần.
Do cúng dường đến một
vị đã nhập vào đạo lộ dẫn đến sự chứng đắc Nhập Lưu Thánh quả, kết quả của sự
cúng dường ấy không thể tính kể, không thể đo lường được.
Như vậy, còn nói gì
đến việc cúng dường đến một vị Nhập Lưu; hoặc đến một vị đã nhập vào đạo lộ dẫn
đến sự chứng đắc Nhất Lai Thánh quả, hay đến một vị Nhất Lai; hoặc đến một vị
đã nhập vào đạo lộ dẫn đến Bất Lai Thánh quả, hay đến một vị Bất Lai; hoặc đến
một vị đã nhập vào đạo lộ dẫn đến A-la-hán Thánh quả, hay một vị A-la-hán; hoặc
đến một vị Độc Giác Phật; hoặc đến một vị Toàn Giác Phật?
Ở đây, một sự cúng
dường nghĩa là người ấy cúng dường, ví dụ thức ăn, chỉ đủ cho một bữa. Nếu
người ấy cúng dường nhiều lần, như làm trong nhiều ngày, hoặc nhiều tháng thì
không có ngôn từ nào có thể diễn tả hết lợi ích của sự cúng dường đó.
Bảy Loại Cúng Dường Đến
Tăng Chúng
Sau đó đức Phật giải
thích cho tôn giả Ānanda về các loại cúng dường khác.
Có bảy loại cúng
dường đến Tăng chúng (Sangha dāna).
- Cúng dường đến cả hai chúng
tỳ khưu Tăng và tỳ khưu Ni có đức Phật là tọa chủ. Đây là loại cúng dường thứ
nhất đến Tăng chúng.
- Cúng dường đến cả hai chúng tỳ khưu Tăng và tỳ khưu Ni sau khi đức Phật đã
Bát Niết-bàn. Đây là loại cúng dường thứ hai đến Tăng chúng.
- Cúng dường đến Tăng chúng tỳ khưu. Đây là loại cúng dường thứ ba đến Tăng
chúng.
- Cúng dường đến chúng tỳ khưu Ni. Đây là loại cúng dường thứ tư đến Tăng
chúng.
- Cúng dường bằng cách nói: "Xin tăng chúng hãy chỉ định chừng này vị tỳ khưu
và tỳ khưu ni đến con." Đây là loại cúng dường thứ năm đến Tăng chúng.
- Cúng dường bằng cách nói: "Xin Tăng chúng hãy chỉ định chừng này vị tỳ khưu
đến con". Đây là loại cúng dường thứ sáu đến Tăng chúng.
- Cúng dường bằng cách nói: "Xin Tăng chúng hãy chỉ định chừng này vị tỳ khưu
Ni đến con". Đây là loại cúng dường thứ bảy đến Tăng chúng.
Trên đây là bảy loại
cúng dường đến Tăng chúng. Đức Phật sau đó đã so sánh những sự cúng dường đến
cá nhân (đối nhân thí) với sự cúng dường đến Tăng chúng.
Trong thời vị lai sẽ
có những người chỉ là tỳ khưu trên danh nghĩa, chỉ còn "mảnh vải vàng quanh
cổ", ác tánh, không đạo đức. Người ta sẽ cúng dường đến những người không đạo
đức thay mặt cho Tăng chúng ấy. Ngay cả như vậy, một sự cúng dường đến Tăng
chúng cũng đem lại phước báu không thể tính kể, không thể đo lường được.
Điều này có nghĩa, sự
cúng dường đến Tăng chúng (Sangha dāna) lợi ích hơn rất nhiều so với sự
cúng dường đến cá nhân (pāṭipuggalika
dakkhina). Nếu bà Mahāpajāpatigotamī cúng dường cặp y ấy
đến Tăng chúng có đức Phật tọa chủ thì lợi ích sẽ thù thắng hơn, kết quả không
thể tính kể và không thể đo lường được. Vì thế mà đức Phật khuyên bà nên cúng
dường đến Tăng chúng.
Trong bài Kinh, đức
Phật cũng giải thích bốn loại thanh tịnh cúng dường.
Bốn Loại Thanh Tịnh
Cúng Dường
Đó là:
- Cúng dường được
thanh tịnh bởi thí chủ chứ không bởi người thọ nhận. Ở đây, thí chủ là người
giới đức, thiện tánh và người thọ nhận là người không đạo đức, ác tánh. Như
vậy, sự cúng dường ấy được thanh tịnh bởi thí chủ chứ không bởi người thọ nhận.
- Cúng dường được
thanh tịnh bởi người thọ nhận chứ không do thí chủ. Ở đây, thí chủ là người
không đạo đức, ác tánh và người thọ nhận là người giới đức, thiện tánh. Như
vậy, sự cúng dường ấy được thanh tịnh bởi người thọ nhận chứ không bởi thí chủ.
- Cúng dường không
được thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận. Ở đây, thí chủ và người thọ
nhận đều là người không giới đức, ác tánh. Như vậy, sự cúng dường ấy không được
thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận.
- Cúng dường được
thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận. Ở đây, thí chủ và người thọ nhận
đều là người giới đức, thiện tánh. Như vậy, sự cúng dường ấy được thanh tịnh
bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận.
Đức Phật giải thích
thêm:
"Khi một người giới đức bố thí
đến một người không đạo đức,
Với tâm trong sạch không cấu nhiễm[,
Vật thí có được một cách chân chánh,
Đặt niềm tin lớn vào quả của nghiệp,
Giới đức người bố thí đã làm thanh tịnh cúng dường."
Để có được những lợi
ích cao thượng, người bố thí phải hoàn tất bốn điều kiện kể trên, vì lúc ấy,
mặc dù người thọ nhận là một người không đạo đức, việc cúng dường vẫn được
thanh tịnh bởi thí chủ.
Chú giải có đề cập
đến trường hợp của Vessantara. Đức Bồ tát của chúng ta trong một kiếp
quá khứ có tên là Vessantara đã bố thí người con trai và con gái của
mình (sau này là Rahula và Uppalavaṇṇa) cho Bà-la-môn Jūjaka, một người ác tánh và
vô đạo đức. Cuộc bố thí ấy là cuộc bố thí cuối cùng vì các ba-la-mật về bố thí
của Bồ tát Vessantara đã được đầy đủ. Sau khi hoàn tất ba-la-mật cuối
cùng này, Ngài đã sẵn sàng để đạt đến sự giác ngộ, một sự kiện mà Ngài chỉ chờ
thời gian để chín mùi mà thôi. Nhờ ba-la-mật bố thí này và các ba-la-mật khác
trước đó, giờ đây Ngài chắc chắn sẽ đắc Nhất Thiết Trí (Sabbaññutā ñāṇa). Vì thế, chúng ta có thể nói rằng bố thí là một trợ duyên cho sự
chứng ngộ của Ngài. Nó đã được thanh tịnh bởi Bồ tát Vessantara. Vào lúc
đó, Vessantara là một người giới đức, thiện tánh. Sự bố thí của Ngài có
được một cách chân chánh. Tâm Ngài trong sạch và không cấu nhiễm vì Ngài chỉ có
một ước nguyện là đạt đến giác ngộ. Ngài có đức tin đủ mạnh nơi Quy luật nghiệp
báo. Vì thế, sự cúng dường ấy được thanh tịnh bởi người cho hay thí chủ.
Loại cúng dường được
thanh tịnh bởi người thọ nhận là khi một người không đạo đức, tâm không trong
sạch, đầy những tham đắm và sân hận v.v..., không có đức tin nơi Quy luật
nghiệp báo, cúng dường vật có được một cách bất chánh cho một người giới đức.
Chú giải đề cập đến một người đánh cá. Người đánh cá này sống gần cửa sông
Kalyani ở Sri Lanka (Tích Lan) đã ba lần cúng dường thức ăn đến một vị Trưởng
lão là bậc A-la-hán. Vào lúc sắp chết, người đánh cá ấy nhớ tới những lần cúng
dường của mình đến vị Trưởng lão. Do vậy, những tướng tốt về một Thiên giới đã
xuất hiện trong tâm ông. Vì thế, trước khi chết ông nói với thân quyến của mình
"Trưởng lão ấy đã cứu tôi". Sau đó, ông được tái sanh vào cõi chư Thiên. Trong
trường hợp này, người đánh cá là người không đạo đức và ác tánh, nhưng người
thọ nhận là một bậc giới đức. Vì thế, sự cúng dường này được gọi là thanh tịnh
nhờ người thọ nhận.
Loại cúng dường không
được thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận là khi một người không đạo
đức, tâm không trong sạch, đầy những tham đắm và sân hận, không có đức tin nơi
Quy luật nghiệp báo, cúng dường vật có được một cách bất chính cho một người
không đạo đức. Chú giải đề cập đến trường hợp một người thợ săn. Khi ông ta
chết, ông sanh vào cảnh giới ngạ quỷ. Lúc vợ ông cúng dường vật thực cho một vị
tỳ khưu không giới đức để hồi hướng phước cho ông, ngạ quỷ này không thể nói
lên lời "Sādhu" (lành thay - tỏ ý hoan hỷ) được. Tại sao? Thí chủ là một
người không đạo đức, không có giới. Vì là vợ của một người thợ săn, bà ta
thường phụ với chồng khi ông giết thú. Hơn nữa, vật cúng dường của bà lại có
được một cách bất chánh do giết thú mà ra. Tâm bà không trong sạch vì nếu trong
sạch và có hiểu biết hẳn bà đã không đi săn cùng với chồng. Bà không có đức tin
nơi nghiệp và quả của nghiệp, vì nếu có bà đã không làm việc sát sanh. Trong
khi đó người thọ nhận cũng là người không đạo đức, ác tánh nên sự cúng dường ấy
không được thanh tịnh bởi cả thí chủ lẫn người thọ nhận. Bà ta cúng dường vật
thực như vậy ba lần và cả ba lần đều không có kết quả. Vì thế mà ngạ quỷ (chồng
bà) la lên: "Một kẻ vô đạo đức đã ba lần ăn cắp tài sản của tôi". Sau đó, bà
cúng dường vật thực đến một vị tỳ khưu giới đức, vị này đã làm cho sự cúng
dường được thanh tịnh. Ngay lúc ấy, ngạ quỷ thốt lên lời "Sādhu" và
thoát khỏi cảnh khổ.
(Ở đây, chúng tôi xin
nhắc lại, nếu quý vị muốn có được những kết quả tốt đẹp từ việc cúng dường thì
nên hoàn tất bốn điều kiện sau:
- Là người có giới đức.
- Vật cúng dường có được một cách chân chánh.
- Tâm trong sạch, không cấu nhiễm.
- Có đức tin đủ mạnh nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Thêm nữa, nếu là
người thọ nhận, tâm từ bi của quý vị đối với thí chủ phải đủ mạnh. Ngoài ra,
quý vị còn phải là người có giới đức. Nếu giới của quý vị được kèm theo bởi
thiền và các tuệ minh sát thì điều đó càng tốt hơn nữa. Vì sao? Loại cúng dường
này có thể cho thí chủ những kết quả to lớn hơn.)
Bây giờ chúng ta sẽ
xét đến loại cúng dường kế tiếp, loại cúng dường được thanh tịnh bởi thí chủ
lẫn người thọ nhận. Khi thí chủ hoàn tất bốn điều kiện kể trên và người thọ
nhận cũng phải là người giới đức thì theo lời đức Phật:
"Này Ānanda, ta nói
loại cúng dường này sẽ đưa đến quả sung mãn."
Có nghĩa là, cúng
dường này có thể tạo ra những kết quả không thể tính lường được. Nếu giới của
người thọ nhận được kèm theo bởi thiền hoặc minh sát trí, hoặc các Đạo - Quả
trí thì hiệu lực của sự cúng dường ấy còn thù thắng nhiều hơn nữa.
Sáu Pháp Của Một Sự
Cúng Dường Bất Khả Tính Lường
Ở đây, chúng ta sẽ
đọc một bài Kinh khác - Chalangadāna Sutta - trong Tăng Chi bộ Kinh. Một
lần, đức Phật ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá (Jetavana) trong khu vườn của ông
Cấp Cô Độc gần thành Xá-vệ. Lúc ấy mẹ của Nanda, một đệ tử tại gia của đức Phật
sống ở Velukandaka, đã cúng dường thức ăn đến Tăng chúng. Buổi cúng dường của
bà có đầy đủ sáu pháp và người thọ nhận là chư tỳ khưu Tăng do Tôn giả Xá Lợi
Phất và Mục Kiền Liên đứng đầu. Đức Phật với thiên nhãn thấy được sự cúng dường
này bèn nói với chư Tăng:
"Này chư tỳ khưu, nữ
cư sĩ ở Velukandara đã sửa soạn một lễ cúng dường có đầy đủ sáu pháp đến chư
Tăng do Xá Lợi Phất và Mục Kiền liên đứng đầu. Thế nào là sự cúng dường có đầy
đủ sáu pháp?
Này chư tỳ khưu, thí
chủ phải có đầy đủ ba pháp và người thọ nhận cũng phải có đầy đủ ba pháp.
Thế nào là ba pháp
của thí chủ?
- Trước khi cúng dường thí chủ
có tâm hoan hỷ.
- Trong khi cúng dường tâm của thí chủ thỏa mãn.
- Sau khi cúng dường thí chủ cũng hoan hỷ.
Đây là ba pháp của
thí chủ.
Này chư tỳ khưu, thế
nào là ba pháp của người thọ nhận?
- Người thọ nhận đã diệt tham
hay đang cố gắng diệt tham.
- Người thọ nhận đã diệt sân hay đang cố gắng diệt sân.
- Người thọ nhận đã diệt si hay đang cố gắng diệt si.
Đây là ba pháp của
người thọ nhận.
Tất cả có sáu pháp.
Nếu sự cúng dường có đầy đủ sáu pháp này thì sẽ tạo ra những kết quả cao quý và
bất khả tính lường".
Sau đó đức Phật giải
thích thêm:
"Này các tỳ khưu,
thật không dễ gì hiểu thấu được hạn lượng công đức của một sự bố thí như thế
này bằng cách nói: "sẽ đem lại nhiều chừng này công đức, chừng này là sự tốt
đẹp, đã tích tạo nhiều thiện nghiệp cho đời sau, sẽ cho quả báo lạc dẫn đến cõi
trời, dẫn đến hạnh phúc, được yêu mến." Quả thực khối công đức lớn này, thiện
nghiệp lớn này chỉ được liệt vào bất khả tính kể, bất khả tính lường.
Này chư tỳ khưu, ví
như không dễ gì hiểu thấu được hạn lượng của nước trong đại dương để nói: "Có
nhiều chừng này xô nước, nhiều trăm xô nước, nhiều ngàn xô nước", vì khối nước
lớn ấy được liệt vào bất khả tính kể, bất khả tính lường. Cũng vậy, này chư tỳ
khưu, thật không dễ gì hiểu thấu được hạn lượng công đức của sự cúng dường có
đầy đủ sáu pháp này. Quả thực vậy, khối công đức này được liệt vào bất khả tính
kể, bất khả tính lường."
Tại sao? Vì thí chủ
này có đầy đủ bốn pháp mà trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường đã đề cập:
- Là người có giới.
- Vật cúng dường có được một cách chân chánh.
- Tâm trong sạch, không cấu nhiễm.
- Có đức tin đủ mạnh nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Và ba pháp của thí
chủ, trong Kinh Sáu Pháp Cúng Dường đề cập cũng đã đầy đủ:
- Trước khi bố thí có tâm hoan
hỷ.
- Trong khi bố thí tâm thỏa mãn.
- Sau khi bố thí tâm cũng hoan hỷ.
Dù nam hay nữ, những
điều kiện này có mặt trong người cúng dường (thí chủ) là điều rất quan trọng.
Nếu người nam hay nữ nào mong đợi những thiện quả không thể tính, không thể
lường này, họ phải cố gắng hoàn thiện những điều kiện ấy. Dĩ nhiên, theo Kinh
Phân Biệt Cúng Dường thì đó phải là một vị tỳ khưu hay tỳ khưu ni đã hành
Chỉ-Quán đến A-la-hán Thánh quả, hoặc là người đang trau dồi Chỉ-Quán để tiêu
diệt tham (lobha), sân (dosa) và si (moha).
Cúng Dường Trong Tháng
Tịnh Cư
Hiện nay, trong ngôi
chùa Yi - tung này có nhiều vị tỳ khưu và tỳ khưu ni đang hành thiền chỉ
và thiền quán để đoạn diệt tham, sân, si. Họ cũng là những người có giới đức.
Vì thế, chúng ta có thể nói:
- Có những người thọ nhận
xứng đáng ở đây.
- Thí chủ cũng là những người có giới đức.
- Tâm của họ có thể trong sạch, không cấu nhiễm.
- Những gì họ cúng dường có được một cách chân chánh.
- Họ có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, nghiệp và quả của nghiệp.
Và:
- Họ đã hoan hỷ trước khi
cúng dường.
- Thỏa mãn trong khi cúng dường.
- Hoan hỷ sau khi cúng dường.
Như vậy, chúng ta có
thể nói rằng sự cúng dường trong hai tháng này là hợp theo những ước nguyện của
đức Phật. Đó là sự cúng dường cao quý.
Những Ước Nguyện Của
Thí Chủ
Nếu những thí chủ
mong đợi quả báo tốt lành trong ngày vị lai, chắc chắn thiện nghiệp này sẽ đáp
ứng lòng mong muốn của họ. Vì sao? Trong Kinh Dānūpapatti, đức Phật có
nói:
"Ijjhati bhikkhave sīlavato
cetopaṇidhi
visuddhattā"
(Này chư tỳ khưu, ước nguyện của một người có giới chắc chắn sẽ được thành tựu
nhờ giới hạnh trong sạch.)
Như vậy, thiện nghiệp
của một người có giới đức có thể làm cho ước nguyện của người ấy trở thành hiện
thực.
- Nếu muốn trở thành một vị
Phật, người ấy có thể trở thành một vị Phật.
- Nếu muốn trở thành một vị Độc Giác Phật, người có thể trở thành một vị Độc
Giác Phật.
- Nếu muốn trở thành một vị Thượng Thủ Thanh Văn (Aggasāvaka), người ấy
có thể trở thành một vị Thượng Thủ Thanh Văn.
- Nếu muốn trở thành một vị Đại Thanh Văn (Mahāsāvaka), người ấy có thể
trở thành vị Đại Thanh Văn.
- Nếu muốn trở thành một vị Thanh Văn thường (Pakatisāvaka), người ấy có
thể trở thành một vị Thanh Văn thường.
Nhưng điều này chỉ
xảy ra khi các ba-la-mật của người ấy đã chín mùi. Ước nguyện thôi thì chưa đủ
để đạt đến những loại giác ngộ ấy được.
Lại nữa:
- Nếu muốn hạnh phúc nhân loại
trong kiếp sau, người ấy có thể đạt được hạnh phúc ấy trong cõi người.
- Nếu muốn đi đến cõi chư Thiên, người ấy có thể đi đến cõi chư Thiên.
- Nếu muốn đi đến cõi Phạm Thiên sau khi chết, thiện nghiệp này có thể là một
trợ duyên cho người ấy đi đến cõi chư Thiên.
Bằng cách nào? Nếu sự
cúng dường của người ấy hội đủ những điều kiện đã đề cập ở trước, nghĩa là,
trước, trong và sau khi cúng dường, tâm vị ấy tràn đầy hoan hỷ, trong sạch,
không cấu nhiễm, đồng thời xem vật cúng dường và người thọ nhận như những đối
tượng. Ở đây, người thọ nhận trở thành đối tượng để hành thiền tâm từ. Tâm từ
của người ấy đối với người thọ nhận rất mạnh. Nếu vào lúc đó vị ấy hành thiền
tâm từ (mettā bhāvanā) thì thiền đó sẽ đưa vị ấy đến cõi Phạm Thiên sau
khi chết. Như vậy, sự cúng dường này là một trợ duyên cho vị ấy đi đến cõi Phạm
Thiên. Do đó, nếu người thí chủ muốn đi đến Phạm Thiên giới sau khi chết, họ
phải hành thiền tâm từ cho đến khi đắc thiền (jhāna). Còn nếu họ đã hành
và đắc thiền tâm từ, lại hoan hỷ cúng dường vật thực thì thiện nghiệp ấy sẽ là
một trợ duyên thù thắng và mạnh mẽ cho họ đi đến cõi Phạm Thiên. Cho nên, muốn
có được những thiện quả trong tương lai, quý vị nên hành thiền tâm từ. Trong số
ba loại lạc: nhân lạc, Thiên lạc và Phạm Thiên lạc thì Phạm Thiên lạc là tối
thượng. Không có lạc nào trong tam giới cao thượng hơn lạc của cõi Phạm Thiên.
Đó là lạc thù thắng nhất trong 31 cõi.
Thù Thắng Nhất Trong
Các Cúng Dường Thế Gian
Đó là loại cúng dường
thứ hai đã được đề cập ở đầu bài giảng này - loại cúng dường không cho quả. Quý
vị có thích loại cúng dường này không? Nếu thích, xin quý vị hãy lắng nghe bài
kệ sau đây trong Kinh Phân Biệt Cúng Dường (Dakkhināvibhanga Sutta).
"Yo vītarāgo vītarāgasu dadāti
dānaṃ
Dhammena laddhaṃ supasannacitto
Abhisaddahaṃ kammaphalaṃ
uḷhāraṃ
Taṃ ve dānaṃ āmasadānānamagganti."
(Này chư tỳ khưu, ta
nói rằng, một vị A-la-hán với tâm trong sạch, không cấu nhiễm, tin vào quả của
nghiệp, cúng dường đến một vị A-la-hán vật (mà họ) có được một cách chân chánh
thì sự cúng dường ấy thực sự là tối thắng nhất trong các loại cúng dường thế
gian.)
Trong trường hợp này,
chúng ta thấy có bốn pháp hiện diện nơi người thí chủ:
- Thí chủ là bậc A-la-hán.
- Vật cúng dường có được một cách chân chánh.
- Tâm thí chủ trong sạch, không cấu nhiễm.
- Có đức tin đầy đủ nơi nghiệp và quả của nghiệp.
Nhưng ở đây, pháp thứ
năm cần thiết đó là:
- Người thọ nhận cũng
là một bậc A-la-hán.
Đức Phật dạy loại
cúng dường này, tức một vị A-la-hán cúng dường đến môt vị A-la-hán, là loại
cúng dường thế gian cao thượng nhất. Vì sao? Vì sự cúng dường này không có quả.
Nghĩa là sao? Thí chủ là người đã đoạn tận si mê và mọi tham ái đối với cuộc
sống. Vô minh (avijjā) và tham ái (taṇhā) là những nhân chính tạo nghiệp (kamma), tức các hành (saṅkhāra). Trong trường hợp này, các hành nghĩa là những hành động thiện như làm phước cúng dường. Tuy
nhiên, nghiệp này không cho quả vì không có những nhân hỗ trợ, tức là không có
vô minh và tham ái. Chúng ta biết, nếu rễ của một cái cây bị cắt đứt hoàn toàn
thì cây ấy không thể trổ quả được nữa. Cũng vậy, sự cúng dường của một vị
A-la-hán không thể tạo quả vì các nhân vô minh và tham ái đã bị diệt hoàn toàn.
Vị ấy không mong chờ một kiếp sống tương lai. Trong Kinh Châu Báu (Ratana Sutta),
đức Phật dạy:
Khīnaṃ purānaṃ nava natthi sambhavaṃ
Virattacittā"yatike bhavasmiṃ
Te khīṇabījā avirūlhichandā
Nibbanti dhīrā yathāyaṃ padīpo
Idampi sanghe ratanaṃ panītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.
(Nghiệp cũ đã tiêu
mòn
Nghiệp mới không sanh khởi
Nhàm chán kiếp lai sinh
Chủng tử dục đoạn tận.
Bậc trí chứng Niết-bàn
Ví như ngọn đèn tắt.
Như vậy chính Tăng Bảo
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
(Tỳ khưu Viên Minh dịch)
(Hạt giống tái sanh (chủng tử) ở đây là vô minh, tham ái và nghiệp lực.)
Nghĩa là các bậc
A-la-hán đã cạn hết mọi thiện nghiệp và bất thiện nghiệp cũ. Các thiện nghiệp
và bất thiện mới cũng không khởi lên nơi họ. Các Ngài đã đoạn diệt hết những
hạt giống tái sanh, không mong chờ một kiếp sống tương lai. Danh - sắc của các
Ngài sẽ chấm dứt, tựa như ngọn đèn khi dầu cạn và tim lụn vậy.
Do lời chân thật này,
cầu mong tất cả chúng sinh được an vui và thoát khỏi mọi hiểm nguy.
Đây là một lời xác
nhận sự thật. Do lời xác nhận sự thật này mà tất cả người dân ở Vesāli (Tỳ-xá-ly)
được thoát khỏi mọi hiểm nguy (Vesāli là một thành phố lúc này đang bị
nạn đói, hạn hán, dạ xoa ác và những bệnh dịch nguy hiểm. Người dân ở đây đã
thỉnh cầu đức Phật giúp họ và Ngài đã dạy cho họ bài Kinh Ratana này).
Cúng dường của một vị
A-la-hán là cúng dường cao thượng nhất vì nó không có kết quả trong tương lai.
Nếu không có đời sống tương lai, sẽ không còn sanh, lão, bệnh và tử. Đây là
loại cúng dường cao thượng nhất - cúng dường không cho quả hay không có kết
quả.
Trong trường hợp của
loại cúng dường thứ nhất - cúng dường có kết quả, như hạnh phúc trong nhân
giới, trong Thiên giới hoặc trong Phạm Thiên giới, vẫn còn khổ. Ít nhất thì
người bố thí vẫn phải chịu sự chi phối của sanh, già, bệnh, chết. Nếu thí chủ
vẫn còn tham đắm các dục trần, dù hữu tình hay vô tình thì khi các đối tượng ấy
hoại diệt hay mất đi, vị ấy cũng còn cảm giác sầu, bi, khổ, ưu và não như
thường.
Quý vị thử suy xét về
vấn đề này xem, chúng ta có thể nói rằng, một sự cúng dường là cao thượng khi
nó tạo ra sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não hay không? Và cũng suy xét
thêm, chúng ta có thể nói rằng, một sự cúng dường là cao thượng khi nó không
cho quả - không còn sanh, lão, bệnh, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não không? Đây là lý
do vì sao đức Phật tán dương loại cúng dường thứ hai là cao thượng nhất. Đến
đây chắc quý vị đã hiểu ý nghĩa của bài Pháp này. Lúc bắt đầu bài Pháp, chúng
ta đã đề cập có hai loại cúng dường. Đó là, cúng dường cho quả sung mãn và cúng
dường không cho quả. Quý vị thích loại cúng dường nào? Bây giờ chắc quý vị đã
có được câu trả lời.
Quý Vị Thực Hiện Việc
Cúng Dường Cao Thượng Nhất Như Thế Nào?
Nếu thí chủ không
phải là bậc A-la-hán, làm sao có thể thực hiện được loại cúng dường thứ hai?
Trong Kinh Sáu Pháp Cúng Dường (Chaḷangadāna
sutta) đã nói ở trước, đức Phật dạy rằng có hai cách người ấy có thể làm, đó là, khi người thọ nhận hoặc
đã đoạn trừ tham, sân, si; hoặc đang cố gắng đoạn trừ tham, sân, si. Chúng ta
có thể nói rằng cúng dường ấy là cao thượng nhất, nếu thí chủ cũng là người
đang cố gắng đoạn trừ tham, sân, si, tức là vào lúc cúng dường, vị ấy thực hành Vipassanā.(
Paṭṭhāna (Duyên Hệ) - Bộ thứ năm của Tạng Diệu Pháp, phần Kusalattika (các nhóm Ba Thiện Pháp).
- Phân biệt danh - sắc của
chính mình và tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh - sắc ấy.
- Phân biệt tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh - sắc bên ngoài, đặc
biệt danh - sắc của người thọ nhận.
- Phân biệt tính chất vô thường, khổ và vô ngã của sắc chân đế trong các vật
cúng dường.
- Phân biệt tính chất vô thường, khổ và vô ngã của danh pháp thiện khởi lên nơi
tự thân trong lúc cúng dường.
Khi hành giả nhìn vào
tứ đại trong những vật cúng dường, hành giả rất dễ thấy các tổng hợp sắc. Khi
phân tích các tổng hợp sắc, hành giả phân biệt được tám sắc chất: đất, nước,
lửa, gió, màu, mùi, vị và dưỡng chất. Các tổng hợp sắc là những thế hệ sắc do
thời tiết sanh (utujarūpa), được tạo ra bởi hỏa đại trong mỗi tổng hợp
sắc. Kế tiếp, hành giả phân biệt tính chất vô thường, khổ và vô ngã của chúng.
Nếu có thể thực hiện được loại minh sát này trong lúc cúng dường thì tham, sân,
si của thí chủ bị đè nén ngay lúc đó và sự cúng dường ấy cũng thường không cho
quả. Theo cách đó, chúng ta cũng có thể nói rằng loại cúng dường này là cao
thượng nhất.
Thí chủ có thể thực
hiện loại minh sát này trước, sau hoặc trong lúc đang cúng dường. Nhưng minh
sát của họ phải thật kiên trì và mạnh mẽ. Ít nhất, họ cũng phải hành (minh sát)
cho đến giai đoạn Tuệ (quán) Sự Hoại Diệt (Bhanga ñāṇa). Chỉ khi ấy hành giả mới có thể hành loại minh sát
đó. Như vậy, chúng ta cũng không nên bỏ lỡ cơ hội này. Cơ hội này chỉ có trong
thời kỳ giáo pháp của đức Phật. Ở đây, quý vị có thể hỏi, làm thế nào chúng tôi
có thể thực hiện loại cúng dường này nếu chúng tôi không có minh sát trí? Trong
trường hợp như vậy, tôi đề nghị quý vị nên thực hiện việc cúng dường của mình
với ý nghĩ: "Cầu mong cúng dường này sẽ là một trợ duyên đạt đến Niết-bàn". Bởi
vì đức Phật đã nhiều lần dạy là nên thực hiện việc cúng dường với ước mong
chứng đắc Niết-bàn như vậy.
Để kết thúc bài Pháp,
chúng tôi xin nhắc lại bài kệ từ Kinh Châu Báu (Ratana Sutta).
"Khīnaṃ
purānaṃ nava natthi sambhavaṃ
Virattacittā"yatike bhavasmiṃ
Te khīṇabījā avirūlhichandā
Nibbanti dhīrā yathāyaṃ padīpo
Idampi sanghe ratanaṃ panītaṃ
Etena saccena suvatthi hotu.
(Nghiệp
cũ đã tiêu mòn
Nghiệp mới không sanh khởi
Nhàm chán kiếp lai sinh
Chủng tử dục đoạn tận.
Bậc trí chứng Niết-bàn
Ví như ngọn đèn tắt.
Như vậy chính Tăng Bảo
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.)
(Tỳ khưu Viên Minh dịch)
Cầu mong tất cả chúng
sinh được an vui và hạnh phúc.
-ooOoo-
|