CHỖ TRỌ
QUA ĐÊM
(Từ có nhà đến không nhà)
Tự Truyện của một Tăng Sĩ Hoa Kỳ
[1]
[Bản điện tử lần thứ ba với
tu chính]
Tỳ kheo Yogagivacara Rahula
(Bhavana Society, 2005 )
Chơn
Quán dịch Việt
Chương 14
SRI
LANKA
Lịch sử của Sri Lanka khá lạ
lùng và ngộ nghĩnh. Theo truyền thuyết, Đức Phật
trước khi nhập diệt có tiên đoán rằng Phật pháp
sẽ được thừa truyền trọn vẹn qua Lanka và Lanka
sẽ là nơi chu toàn. Ngài có nguyện cầu Thần
Hindu Vishnu gia hộ cho xứ sở này. Ngày Đức Thế
Tôn nhập diệt có hoàng tử Ấn Độ tên Vijaya đổ bộ
lên Lanka cùng sáu trăm thuộc hạ với sứ mạng đem
văn minh đến các bộ lạc sống trong rừng và đem
đàn bà sang để gầy dựng một dân tộc. Hai trăm
năm sau, một đệ tử trung thành của Đức Phật,
Hoàng Đế Asoka của miền Bắc Ấn gởi sang đây
Hoàng Tử Bồ Tát Mahinda để truyền bá Phật pháp
và ứng nghiệm lời tiên tri của Đức Phật.
Từ đó Phật giáo trở thành tôn
giáo chính và là lực lượng đoàn kết của dân tộc
Tích Lan mà họ rất hãnh diện. Trong nhiều thế kỷ
qua, họ thỉnh thoảng có bị Nam Ấn đô hộ nhưng
luôn luôn được giải thoát nhờ biết tập trung sau
lưng vua mình. Dân viễn chinh Tamil có đem sang
Tích Lan Ấn giáo nhưng đạo này chỉ phát triển
giới hạn. Vào đầu thế kỷ thứ 16, Bồ Đào Nha thôn
tính Tích Lan để độc chiếm thị truờng gia vị và
vơ vét tài nguyên. Họ là người phương Tây đầu
tiên tới đây và gọi hải đảo này là Ceilao, có
thể là tên đọc trại của Sri Lanka. Hòa Lan đánh
đuổi Bồ Đào Nha vào giữa thế kỷ 17 và đặt lại
tên Ceylan cho dễ gọi. Vào đầu thế kỷ 19, Anh
Quốc đuổi Hòa Lan và đổi ra tên Ceylon.
Trong suốt thời gian Tích Lan
bị Tây Âu xâm chiếm, Phật giáo bị các nhà truyền
giáo Thiên Chúa tị hiềm và phá hoại nhưng vẫn
tồn tại. Đạo Phật phát triển mạnh trở lại vào
đầu thế kỷ 20 và xứng danh là đại đạo của đa số
người Tích Lan. Các đạo khác như Hindu (Tamil),
Muslim, và Chúa còn tự do hoạt động nhưng thuộc
thiểu số. Các đạo chung sống tương hòa và tương
kính. Những xung đột nội bộ đôi khi xảy ra, nhứt
là trong lúc gần đây, không phải vì tôn giáo mà
vì những yếu tố kinh tế và chánh trị.
Tàu SS Ramanujan cập đầu dưới
của cầu Talimannar lúc xế chiều và chỉ có một
nhúm nhỏ người ra đón. Hành khách hạng nhứt và
nhì xuống trước, kế tới khách ngoại quốc hạng ba
và sau cùng là khách hạng ba Ấn và Tích Lan.
Trật tự phân hạng như vậy giúp chúng tôi có dịp
đến quầy di trú/hải quan trước khi 'đám dân đi
buôn' với núi hành lý ùa vô.
Viên sĩ quan di trú hỏi có
phải tôi qua Tích Lan học Phật? Tôi nghĩ có lẽ
ông thấy tôi cắt tóc ngắn, choàng khăn Benares
và đeo chuỗi Tây Tạng nên mới có câu hỏi đó.
Nghe tôi trả lời đúng vậy, ông rất vui và chúc
tôi mọi điều tốt đẹp. Ông cấp tôi chiếu khán một
tháng, tiêu chuẩn dành cho du khách ngoại quốc,
và cho biết tôi có thể gia hạn dễ dàng ở
Colombo.
Sau giờ tàu đò đến, có chuyến
xe lửa đêm đi xuống nhiều nơi dưới miền Nam tới
thủ phủ Colombo. Rất tiện lợi. Vừa xong mọi thủ
tục nhập cảnh, Chris và tôi ra đổi tiền rúp Tích
Lan rồi mua vé đi Anuradhapura. Xe sẽ chạy lúc
10:00 giờ đêm, tức còn tới bốn tiếng nữa. Chúng
tôi qua bên kia đường rầy, vô các hàng quán bán
thức ăn thử món
egg hoppers and string
hoppers
của Tích Lan.
Cội bồ đề ở Anuradhapura là
một nhánh của cây mẹ ở Bodhgaya được Công Chúa
Sanghamitta thuộc triều đại Asoka đưa sang hồi
thế kỷ thứ 2 trước công nguyên. Công chúa tu
Phật và đạt quả vị A La Hán. Người được phái đến
Tích Lan với báu vật để thực hiện chương trình
hoằng dương Phật pháp ở lân bang. Như đã kể
trên, Hoàng Đế Asoka cũng đã gởi Hoàng Tử A La
Hán Mahinda đến đảo này trước đó để xây dựng đạo
pháp cho các sắc dân bản xứ.
Lúc trời hừng sáng, Chris và
tôi bách bộ tới khu thiêng liêng xưa và ở lại
đây trọn ngày vãng cảnh như du khách. Tôi cảm
thọ niềm vui vô biên khi biết được lòng mộ đạo
tuyệt vời từng thúc đẩy vua chúa và thứ dân Tích
Lan tôn tạo trung tâm Phật giáo đầu tiên to lớn
này. Tôi lễ bái cổ thụ Sri Maha Bodhi ba lạy
rồi ngồi xuống gần đó thiền định ba mươi phút
trong lúc Chris đi xem xung quanh một mình.
Trong vườn thiêng còn có tháp
Ruvanveliseya vĩ đại, một nguồn cảm hứng khác.
Tháp do vua Dutugemunu dựng cách nay hai ngàn
năm để thờ xá lợi Phật như hầu hết các tháp đươc
xây lúc bấy giờ. Cũng có người nói rằng tháp này
thờ thánh tích của hằng trăm vị A La Hán. Dầu
thờ ai, tháp vẫn đứng sừng sững trên một trăm
năm chục bộ cao và được bao bọc bởi một tường đá
chạm voi đứng sát nhau quanh một khuông viên
lớn. Trong hai ngàn năm qua tháp nhiều lần bị
dày xéo bởi quân xâm lược, nhưng rồi lại được
trùng tu và nay trở lại rạng ngời qua lớp vôi
sáng phản chiếu ánh nắng mai. Tôi kính cẩn đi ba
vòng nhiễu thường lệ rồi ngồi xuống một góc
thành quán chiếu luật vô thường.
Trọn khu linh thiêng của thủ
đô xưa khá rộng, phải cần hai ngày mới mong đi
giáp hết. Mặc dầu Sri Lanka hôm nay theo tôn
phái Theravada, vào thuở xa xưa đảo Phật giáo
này có cả Mahayana và Hinayana với nhiều tu viện
và đông đệ tử. Di tích tháp cũng như chùa chiền
của hai phái còn nhan nhản khắp mọi nơi. Chánh
quyền Sri Lanka và nhiều tổ chức văn hóa thế
giới đang khai quật một số điểm để thâu thập
thêm chứng tích của một thời vàng son; kết quả
rất ư ngoạn mục.
Bây giờ là cuối tháng Ba
không phải thời điểm du lịch nên ở đây có vẻ
hoang vắng. Đi bộ dưới cây cao bóng mát trong
hoa viên được chăm sóc tươm tất và qua ngôi bảo
tàng lộ thiên thiên nhiên đây thật là an lành và
thư giãn. Do đó, tôi và Chris quyết định lưu lại
nơi này thêm một ngày nữa mong được tận hưởng an
lạc. Chúng tôi trải nóp xuống thảm cỏ êm dưới
một tàn cây to để ngủ qua đêm. Nhơn dịp, tôi dạy
Chris ngồi thiền, bắt đầu bằng thuật quán hơi
thở
đơn giản. Thật là đúng nơi và đúng lúc. Hôm sau,
tiếp tục dạo trong công viên, chúng tôi gặp một
hồ sen và có xuống ngâm đôi chân mỏi của mình.
Nắng xế nóng ran.
Chung chung, chúng tôi được
làm quen với một nền văn hóa và lịch sử rất kỳ
thú. Và hai ngày đầu tiên ở nơi đây làm tôi hứng
khởi và rất thỏa mãn với Sri Lanka, đất nước mà
tôi sẽ chọn làm nhà trong lúc xa quê hương trong
nhiều năm tới.
Lật bản đồ ra xem, Chris và
tôi chọn theo con đường dọc biển đi về hướng
Nam, xuống Negombo để ghé thăm anh em của
Fernando. Hai anh em này rất mừng. Tưởng rằng
chúng tôi sẽ ở lại chơi nhiều ngày, họ lo dời
hai em trai của họ để phòng cho chúng tôi nghỉ.
Nhà rất khiêm tốn, gồm một ít phòng chưng dọn sơ
sài, một nhà ngoài và cái giếng ở đằng sau. Ông
thân họ đã qua đời, chỉ còn bà mẹ với hai em gái
và hai em trai nói trên. Theo truyền thống Á
Châu, hai anh trai lớn có nhiệm vụ lo cho nhà
cửa và gia đình.
Sau khi cất đồ đạc xong,
Chris và tôi thay phiên ra giếng tắm. Bà con
chung quanh, nhứt là con nít, xúm xít đằng xa
đứng dòm và cười hai thằng "sudik",
cái tên mà dân địa phương gọi khách da trắng. Họ
hỏi nhà chớ chúng tôi là ai, ở xứ nào, vân vân.
Tôi hơi khó chịu vì bị dòm ngó trong lúc tắm nên
phải lấy chiếc khố màu cam quấn che. Bên châu Á,
các giếng đều được xây lộ thiên trong khu đông
dân cư nên có chút bực mình là tắm giếng phải
bận đồ. Như vậy, không thể nào kỳ cọ khắp châu
thân được và phải phơi đồ sau khi tắm. Nhưng tắm
giếng cũng có cái thú của nó, nhứt là trong vùng
nhiệt đới. Hai anh em nói là hàng xóm muốn nhìn
vì ít khi được thấy người ngoại quốc. Dầu bị
quấy rầy, tôi không sao giận hay nỡ khoác tay
cho họ đi được, vì sắc mặt của họ rất ngây thơ
và nụ cười của họ rất hồn nhiên.
Đêm ấy chúng tôi được đãi một
bữa ăn thịnh soạn gồm cơm, mấy thứ cà ri rau
đậu, và cà ri cá nấu kiểu Tích Lan có nước cốt
dừa và nhiều ớt đỏ. Hơi cay đối với tôi, nhưng
rất ngon và khác với cơm cà ri thường ngày của
Ấn Độ. Tối lại, hai anh em nói hai em gái của
họ, 19 và 20, muốn học du già nhưng mắc cỡ không
dám hỏi tôi dầu rằng họ biết chút đỉnh tiếng
Anh. Hai cô hơi có da có thịt nên nghĩ rằng du
già có thể giúp họ sụt ký. Theo cử chỉ của họ
tôi có cảm tưởng hai cô muốn xem tôi biểu diển
hơn là muốn học cho họ. Tuy nhiên tôi nghĩ đó là
việc tối thiểu tôi cần làm để cám ơn lòng tốt
của gia đình họ. Tôi nói sáng mai trước giờ điểm
tâm tôi sẽ dạy vì đó là lúc tôi tập luyện hằng
ngày.
Sáng dậy, tôi trình diễn một
số thế du già. Gia đình tò mò theo dõi còn Chris
thừa cơ học. Tôi không có cắt nghĩa khía cạnh
tâm linh của du già biết rằng họ không thể hiểu
nổi mà chắc họ cũng không thiết tha tìm hiểu.
Tôi bắt hai cô tập xong bài trước rồi mới qua
bài kế. Họ mắc cỡ và cứ cười khúc khích trong
lúc tập lấy lệ các thế thông thường. Nếu tôi
không buộc như vậy chắc hai cô chỉ lấy mắt ngó
và cười chớ không ra sức đâu. Tôi tin rằng sau
hôm nay họ sẽ quên hết. Để biểu diễn chút
chơi, tôi làm một số thế khó cho họ vui mắt. Sau
màn du già,
tôi và Chris được đãi một bữa ăn sáng gồm hai
món truyền thống là
hoppers và string hoppers
trong nước dừa
sambal
rắc ớt bột; nước chấm làm bằng nước cốt dừa. Rất
ngon miệng. Xế chiều, Chris và tôi xin phép tạm
biệt đi Colombo, để tránh lạm dụng lòng tốt của
gia đình.
Sau bữa cơm trưa cà ri cũng
rất ngon, chủ nhà nói chúng tôi nên ngủ trưa một
giấc đã. Ngủ trưa là lệ thường trong vùng nhiệt
đới, nhứt là sau bữa cơm có cà ri cay thường làm
thân tâm uể oải. Sau lối một giờ nghỉ ngơi, hai
anh em cùng đi với hai chúng tôi ra bến xe đò
trong trung tâm thành phố và cẩn thận đưa chúng
tôi lên đúng xe đi Colombo. Chris và tôi cám ơn
sự tiếp đón nồng hậu của họ. Họ mời chúng tôi
ghé lại nữa nếu có dịp đi ngang qua đây.
Chúng tôi không biết tại sao
phải đi Colombo sớm như vậy. Lúc ở Anuradhpura
tôi có ý định đến thủ phủ của Kandy để viếng Đền
Răng mà tôi từng nghe nói trước đây; thủ phủ nằm
trên vùng đồi núi ở giữa đảo. Không biết vì lý
do gì tôi đổi ý lấy đường dọc biển. Tất nhiên
tôi có một vài vấn đề cần giải quyết ở Colombo
nhưng không phải gấp lắm. Tôi xài gần hết năm
trăm đô la nhận được hồi ở Athens rồi; tôi đang
cần nhà gởi dùm thêm để đủ xài cho các tháng
tới. Tôi có ý sẽ ở lại ít lắm là sáu tháng cho
lần đầu tiên này, mà chánh phủ Tích Lan thời bấy
giờ buộc mỗi du khách phải tiêu và có biên lai
của nhà băng chứng nhận đã đổi tối thiểu sáu
mươi đô mỗi tháng. Một lý do nữa để tôi đi
Colombo là đăng ký với Aliens Registration
Bureau của Criminal Investigation Department
(CID), thủ tục mà mọi người không có quốc tịch
Liên Hiệp Anh đều phải làm. Thủ tục này dùng để
quản lý người ngoại quốc và xác định chổ ở của
những thành phần bất hảo. Sau khi làm xong hai
thủ tục thế sự đó, mà tôi đoán chắc chỉ cần một
hai ngày, Chris và tôi dự tính đến trung tâm
thiền minh sát Kanduboda và xin ở lại đó tu học.
Tôi không biết khóa học sẽ kéo dài bao lâu.
Không biết làm gì và đi đâu
trong Colombo, tôi nghĩ nên ghé qua địa chỉ mà
anh bạn gặp trên đò cho hôm trước. Người mà tôi
sắp viếng là anh Samararatna, gọi tắt là ông
Sam. Anh ở ngoại ô Bambalapitya. Bằng cách hỏi
thăm và lấy chuyến xe buýt đông dưới phố, chúng
tôi tìm ra dễ dàng con đường tẽ từ lộ chánh
Galle. Địa chỉ mà chúng tôi đến nằm trong cuối
một ngõ hẹp đầy lỗ hang và chen chúc nhà. Nhà
nhỏ, khiêm tốn, cất cách ngõ chừng sáu thước, có
một ít cây ăn trái như chuối, đu đủ và một sân
đất nhỏ với bờ viền trồng bông. Nghe tiếng gõ
cửa, một người đàn bà ôm ốm đi ra; cô ngạc nhiên
thấy hai người ngoại quốc chúng tôi. Cô liền trở
vô rồi trở ra với một người đàn bà lớn tuổi hơn,
mẹ của cô. Người mẹ nói được chút ít tiếng Anh.
Tôi thưa là muốn gặp anh Samararatna. Đúng rồi.
Bà mời Chris và tôi vào. Hai người tưởng chúng
tôi có biết anh Sam trước nên lo đi pha trà đãi
khách theo thông lệ. Anh Sam đi làm sắp về.
Anh Sam vô cửa, Chris và tôi
đứng dậy chào. Anh hơi ngạc nhiên thấy chúng tôi
trong nhà nhưng tươi cười chào hỏi và mời chúng
tôi ngồi lại xuống ghế. Tôi liền tự giới thiệu
và kể chuyện gặp bạn anh là Tissera trên tàu đi
từ Rameswaram và được cho tên cùng địa chỉ của
anh. Tôi nói tôi đến Sri Lanka để học thiền Phật
giáo và hy vọng sẽ lên Trung Tâm Thiền Kanduboda
trong vài ngày tới. Anh Sam không có dịp gặp lại
Tissera từ lúc đi Ấn về nên không hay chuyện
chúng tôi sẽ ghé thăm. Tuy nhiên anh rất vui
được gặp chúng tôi và mừng nghe tôi nói muốn tập
thiền. Dầu chúng tôi không nói ra và cũng chẳng
mở hơi, nhưng anh sẵn sàng giúp chúng tôi trong
khả năng của mình. Anh mời hai chúng tôi ở lại
nhà anh bao lâu cũng được trong lúc viếng
Colombo. Chúng tôi rất cảm kích và tôi có lời
cám ơn anh đã đối đãi quá tốt với chúng tôi. Tuy
nhiên chúng tôi không dám làm phiền anh. Anh
khẳng định rằng không có gì phiền toái cả, trái
lại anh rất hân hạnh được đón tiếp chúng tôi
trong căn nhà đơn sơ này và được giúp chúng tôi
trong lúc chúng tôi tìm học đạo. Anh và con anh
bèn đi dọn chỗ chứa đồ ngoài nhà hiên. Ông trải
tấm nệm lớn xuống sàn; nệm trông đủ rộng cho hai
chúng tôi nằm thoải mái. Chừng ấy đủ cho chúng
tôi rồi. Kinh nghiệm tôi mới học hồi gần đây cho
thấy người Đông Nam Á rất thân mật và hậu hỷ với
khách lạ, cái thân mật và hậu hỷ mà người phương
Tây chỉ dành cho người thân. Tôi khâm phục ảnh
hưởng lâu đời của truyền thống đạo giáo Đông
phương.
Tối hôm đó, chúng tôi dùng
bữa cơm cà ri do chị Sam và mẹ của chị nấu. Như
lúc ở nhà Fernando, anh Sam mời chúng tôi ăn
trước. Tình cờ có Tissera đến và anh mời anh ấy
ăn với anh sau khi chúng tôi xong bữa. Sau đó,
chúng tôi ngồi chuyện trò trong phòng khách,
phòng chưng dọn đơn sơ. Có thêm anh Tilak, bạn
học cũ của anh Sam đang ở trọ trong phòng nhỏ ở
đằng sau. Anh Tissera vui mừng thấy Chris và tôi
đến tìm Sam, bạn của anh. Cũng như anh Sam, anh
hiếu kỳ muốn biết tại sao chúng tôi quan tâm đến
Phật pháp. Ba anh, như hầu hết người Sinhalese,
được 'sanh lại là con Phât', rất thích luận bàn
Phật giáo. Tuy nhiên, kiến thức của họ chỉ giới
hạn trong sách vở và gia tài văn hóa của họ. Họ
không có chánh thức tu tập thiền. Họ theo đạo
như là người biết lễ, làm điều lành, sống trong
khuôn mẫu của năm giới cấm, đi chùa thỉnh
thoảng, tụng vài câu kinh mộ Phật truyền thống,
và đọc một ít sách dư về thiền hay triết lý Phật
giáo. Họ nói rằng tu như vậy giúp họ tạo phước
để rồi lần hồi giải khỏi cái chấp vật chất và
giải nghiệp. Họ mong trong kiếp sau họ sẽ được
thành tu sĩ và đạt đến niết bàn. Anh Tilak giải
thích rằng hầu hết người thường không thể thoát
nghiệp để lên niết bàn trong kiếp này. May ra họ
chỉ có thể được tái sanh trong thời kỳ của Đức
Di Lặc, vị Phật tương lai sẽ xuất thế trong vòng
hai ngàn năm trăm năm tới. Đó cũng là niềm tin
của đa số Phật tử Tích Lan, kể cả nhiều tu sĩ.
Thái độ tu hành thư thái và
không câu nệ vừa nói làm tôi rất ngạc nhiên. So
sánh, tôi thấy tôi có khuynh hướng xem Tứ Diệu
Đế quan trọng quá và tôi luôn quan tâm mong muốn
chấm dứt khổ đau càng sớm càng tốt. Thì ra vì
tôi chịu nhiều ảnh hưởng của Lạt Ma Zopa và Thầy
Goenkaji trong các khóa tu học trước đây. Có thể
tôi đã nghĩ sai rằng tất cả Phật tử, nhứt là
người theo Theravada, đều ngồi thiền hai ba giờ
liên tiếp mỗi ngày. Tôi tưởng như là họ đã ngồi
lủng nhiều gối thiền lắm rồi; họ cố ngồi hầu đạt
giác ngộ trước khi cuộc sống của họ trên cõi Ta
Bà này chấm hết.
Sáng hôm sau, tôi lấy buýt
xuống phố Fort, nơi có tất cả các nhà băng và
công sở. Thoạt tiên tôi tới bưu điện mua bưu tín
viết về cho ba má tôi. Tôi mô tả tỉ mỉ lộ trình
và những điều tai nghe mắt thấy từ sau thư chót
và nói tôi đang ở Sri Lanka và sẽ ở lại đây một
thời gian để học thiền. Tôi nhờ mẹ tôi rút năm
trăm đô trong số một ngàn đô còn nơi mục tiết
kiệm và chuyển dùm qua tôi bằng thư tín. Tôi cho
bà địa chỉ của sở kiều hối trong Bank of Ceylon.
Tôi nói thêm rằng tôi có thể sẽ ở lại Sri Lanka
ít nhứt là sáu tháng nếu đổi được chiếu khán;
sau đó thì chưa biết thế nào. Từ bưu điện tôi đi
vòng qua tòa nhà CID để lên lầu tư làm thủ tục
đăng ký cho du khách không phải là công dân Liên
Hiệp Anh. Khách phải điền đúng theo chi tiết ghi
trong hộ chiếu, chỗ tạm trú tại Sri Lanka và mục
đích đến đây. Vì định sẽ tham dự khóa tu học ở
Kandubola, tôi ghi địa chỉ này và mục đích là
học thiền. Khách còn phải nộp một hình hộ chiếu,
nếu có sẵn. Tôi còn dư vài tấm nên đưa ra liền
cho ông nhân viên phụ trách vui lòng. Trên đường
đi dạo phố, tôi có ghé Văn Phòng Du Lịch lấy tập
san du khách mỏng tựa đề 'Những gì xảy ra ở
Colombo trong tháng này' để có gì đọc cho tối
nay.
Nhìn qua lịch trình tối hôm
đó, tôi thấy có lớp huấn luyện yoga 1-tháng của
Tiến sĩ Swami Gitananda ở Pondicherry, Nam Ấn
Độ. Khóa bắt đầu hôm qua ở chỗ cách nhà anh Sam
chừng một dặm. Tôi liền có ý tương tự như hồi
tôi nghe nói tới khóa thiền Tây Tạng. Mắt tôi
sáng ra. Không ngờ tôi lại có dịp mong đợi--là
được học du già với một bậc thầy kinh nghiệm.
Thật là cái duyên may. Tôi liền đưa tin cho
Chris coi, anh mừng lắm. Chúng tôi chưa có bị
kẹt với Kanduboda chuyện gì hết, trừ đã khai báo
là đến đó nhưng chắc không có gì hệ trọng lắm.
Tôi nghĩ chắc cảnh sát không kiểm tra đâu. Khóa
do một thầy du già Ấn Độ chính thống giảng dạy;
ông còn là một tiến sĩ nữa. Dẫu khóa đã bắt đầu
nhưng tôi hy vọng chúng tôi có thể được nhận bởi
trễ chỉ mới có hai ngày. Chris và tôi quyết định
sẽ đến hỏi ngay vào sáng sớm mai.
Tối đó tôi không thể ngờ mình
có duyên số tốt như vậy. Tôi cứ nghĩ phải chăng
nhờ tôi đã vô tình đến Colombo sớm và như có sao
chiếu mạng mách bảo. Khi anh Sam đi làm về, tôi
vui mừng đưa tin và nói ý muốn theo học. Anh
đồng ý đây là một cơ hội rất tốt. Anh có nghe
một người bạn nói về thầy Swami. Hình như Tiến
sĩ Swami Gitananda có viết một bài gây nhiều
tranh luận về sự từ bỏ các lý tưởng và thực hành
tâm linh xưa để ôm lấy những suy đồi của nền văn
minh Âu Tây. Bài ấy đăng trong bản tiếng Anh của
tờ nhựt báo Ceylon Daily News.
Chúng tôi đến Ashram Yoga
Ananda ở thành phố Havelock lúc 9:00 giờ sáng,
trong lúc khóa đang nghỉ giải lao. Một phụ nữ
người Mỹ tên Meenakshi tiếp chúng tôi. Bà là vợ
của Tiến Sĩ Swami. Sau khi nghe chúng tôi phân
trần, Bà cho biết khóa học đã đầy. Thường thì
Thầy Swami không nhận học viên đi trễ, tuy
nhiên để bà vô hỏi thử thầy xem sao. Vài phút
sau bà trở ra và bảo chúng tôi vô thưa thẳng với
Thầy Swamiji. Tôi hơi lo khi phải đối diện với
Thầy và đang nghĩ tới phép xã giao đúng mức để
lễ một Guru Ấn Độ. Tôi không có hoa quả để kính
dâng như thông lệ và không biết lễ bái có được
hay không. Tôi nghĩ sẽ thi lễ bằng cách chấp
tay cúi đầu rất kính cẩn. Tôi đến gõ cửa và được
mời vào. Chúng tôi đẩy cửa bước vô và kính cẩn
chấp tay cúi đầu lễ Thầy. Ông đáp lại bằng nụ
cười thân mật và chỉ tấm thảm dưới sàn mời chúng
tôi ngồi. Thầy Swami ngồi chễm chệ trên ghế xem
như một nhà du già Ấn Độ mà tôi đã hình dung.
Ông có mái tóc bạc bồng bềnh ngang vai rất hợp
với bộ râu rậm và mặc chiếc áo màu cam của
sannyassin.
Thân to lớn và vạm vở chiếm
trọn chiếc ghế trông ông như ông già Noel trong
y phục màu cam. Da ông mịn và trắng hồng, có một
hình xâm trên một tay. Ông nói tiếng Anh không
pha chút giọng Ấn Độ nào hết. Tôi hết sức ngạc
nhiên nhưng tôi liền biết mình còn óc so sánh và
phê phán.
Chris theo dõi mọi cử động
của tôi trong lúc tôi nói, nói hầu hết mọi
chuyện lúc đàm thoại với ông. Mặc đầu biết rằng
bà Meenakshi đã trình bày rồi, tôi lập lại ý
định xin theo học. Ông thật tình cho biết nguyên
tắc của ông là không nhận người đến trễ sợ làm
đảo lộn hiện trạng và vì chúng tôi đã mất một số
chỉ dẫn quan trọng lúc ban đầu. Tuy nhiên, ông
đồng ý thâu nhận chúng tôi nếu chúng tôi hứa sẽ
học đến ngày cuối và đi đứng đúng giờ kể từ buổi
học tới sắp bắt đầu trong chốc lát đây. Tôi thưa
là chúng tôi xin tuân theo các điều lệ rất dễ
hiểu vừa nêu. Ông hỏi chúng tôi có biết gì về du
già chưa. Tôi thưa là có biết chút ít qua sách
vở. Ông xem ra không để ý tới lắm và nói rằng du
già chính thống cần phải được dạy bởi một thầy
có kinh nghiệm, mà thầy bà như vậy thời này hiếm
lắm. Tôi đồng ý với ông ngay và thưa vì vậy nên
chúng tôi mới đến tìm ông. Sau đó, ông gọi bảo
bà Meenakshi giải thích cho chúng tôi biết thời
khóa biểu và nhiều chi tiết khác và thâu học
phí.
Học phí là ba mươi đô la mà
Chris cũng như tôi không có sẵn trong túi nên
chúng tôi xin đem tới vào xế nay. Thật tình,
chúng tôi phải chạy ra nhà băng đổi chi phiếu du
khách mới có đủ. Bà Meenakshi giải thích rằng
học phí không bao gồm tiền ăn vì khóa học không
có ở lại. Chúng tôi ăn uống ở ngoài và phải thu
xếp để tới đây đúng giờ học lúc sáng cũng như
chiều đến tối. Lớp đầu tiên trong ngày học
hatha yoga
và điều tức
bắt đầu từ 6:00 đến 7:45 giờ
sáng. Sau đó là ăn sáng. Lớp kế tiếp học từ
10:00 đến 12:00 giờ trưa; lúc bấy giờ Thầy Swami
nói về sức khỏe theo du già và dạy cách thư giãn
theo du già. Từ ngọ tới 3:30 xế là cơm trưa. Lớp
chiều học về thuật chữa trị tư thế và cách thở.
Lúc 5:00 giờ chiều có nửa tiếng tụng kinh. Sau
đó là cơm chiều. Tối, từ 7:00 giờ học viên tham
gia buổi
satsangha.
Satsangha
có nguyên nghĩa là 'cộng đồng của hành giả tìm
sự Thật' và được hiểu như buổi tham vấn với Thầy
Swamiji hay là một buổi luận đàm về một đề tài
tâm linh liên hệ nào đó. Bà Meenakshi cho biết
chúng tôi có thể đến sớm hơn lúc 5:00 giờ để
thiền hay ngồi không cũng được. Chúng tôi có thể
ở lại viện trong những giờ cơm nếu chúng tôi
không muốn đi ăn hay ra ngoài. Thứ Hai không có
lớp để học viên có thì giờ lo việc riêng hoặc
muốn đi đâu tùy ý, như đi biển chẳng hạn.
Lối mười lăm phút trước khi
lớp 10:00 giờ bắt đầu, học viên đi ăn sáng về
lục tục kéo vô. Có nhiều người Mỹ, một ít người
Âu, số còn lại là người Tích Lan. Khi mọi người
vào ngồi hết trên tọa cụ mình, Thầy Swamiji đi
ra từ cửa sau và lên ngồi trên thảm riêng trải
dưới sàn. Ông bắt đầu giảng về bản tính của thư
giãn thân và tâm, mô tả sự liên hệ giữa chúng và
giải thích rằng cả hai phải được xem như một nếu
muốn thư giãn có kết quả. Tiếp theo, tất cả
chúng tôi nằm ngửa xuống sàn trong lúc Thầy
hướng dẫn phương pháp thư giãn tỉnh giác. Chúng
tôi được dạy phải dùng tỉnh thức để biết nơi nào
trên thân thể bị căng thẳng hầu chỉ thị tâm tỉnh
thức đến giải tỏa. Bà Meenakshi tới từng học
viên, nắm tay họ lên thả xuống, quan sát cánh
tay rơi để xem họ có thật sự thư giãn chưa hay
còn cần được chỉ vẽ thêm. Sự giải thích và thực
tập có vẻ rất khoa học và hợp lý. Tôi có thể thư
giãn hoàn toàn. Phải công nhận thiền minh sát
giúp tôi rất nhiều.
Bài giảng buổi chiều nói về
sức khỏe tổng hợp theo quan niệm du già. Thầy
Swamiji giải thích rằng con người, nhứt là người
phương Tây, 'tự hành xác mình' vì ăn uống không
đúng phép dinh dưỡng, thở không khí bị ô nhiễm,
sinh hoạt trong tư thế không tự nhiên, vân vân.
Những sai trái ấy làm sức khỏe suy giảm và gây
nên nhiều chứng bịnh kinh niên--bệnh do lối sống
cá nhân và cộng đồng. Thầy nói thân thể con
người là một sinh vật phức tạp nhưng tuyệt vời
có thể sống khỏe mạnh một thời gian dài nếu được
chăm sóc đúng mức theo phương pháp thực tiễn của
du già. Thầy kể ví dụ của một số nhà du già Ấn
Độ sống trên trăm tuổi, sự việc mà sách báo Phật
giáo cũng từng đề cập. Thầy Swamiji không nói
suông mà luôn luôn dẫn chứng và đặt câu hỏi nên
bài giảng của Thầy có tánh cách khoa học và cập
nhựt. Trước đây Thầy học y bên Anh và làm bác sĩ
giải phẫu trong Hải Quân Hoàng Gia, nên những
hiểu biết sâu về y và khoa học phối hợp với
những hiểu biết rộng về du già làm các bài giảng
của Thầy trong sáng, chân thực và hấp dẫn.
Trong thời kinh 5:00 giờ
chiều, Thầy giảng nghĩa chữ ÁN (OM hay AUM) và
chỉ cách tụng lời chú này trong bảy luân xa[1]
từ gốc của sống lưng (xương cụt) lên đỉnh đầu.
Theo kinh Vệ Đà cổ, ÁN là âm ba của lực sáng tạo
không hiển thị của vũ trụ mà Du Già gọi nôm na
là Tỉnh Thức Vũ Trụ[2]
và truyền thống thần bí của Thiên Chúa Giáo gọi
là Thiên Chúa[3].
Trong Phật học, ÁN có thể hiểu là Thiền na
(Jhanas)
vô sắc hay Niết Bàn trong nghĩa được giải thoát
khỏi mọi ràng buộc và giới hạn của cái ngã,
tương đương với sự tinh khiết hoàn toàn của tâm.
Trì tụng chữ ÁN một cách đặc biệt qua mỗi huyệt
được xem như giúp tịnh hóa các trung tâm năng
lực tâm linh đó. Tôi phải lập lại nhiều lần mới
định đuợc vị trí của các huyệt và trì tụng qua
đó. Tuy nhiên tôi nhận thấy chỉ trì tụng không
cũng đã rất lý thú rồi. Sau mười lăm phút tôi đi
vào trạng thái tập trung và cảm thấy vô cùng
hoan hỷ. Tôi có cảm giác mình đang cảm thọ một
thứ từ tính giữa hai mi và một ánh sáng lợt lạt
trong đầu. Tụng xong tôi tiếp tục ngồi kiết già,
mong kéo dài cảm giác mô tả rồi vào thiền minh
sát, trong lúc các bạn đồng khóa ra đi ăn cơm
chiều. Tôi không ăn chiều nên có thì giờ thiền,
như tôi từng làm trước đây.
Tới giờ tọa đàm
Satsangha
chúng tôi ngồi xuống sàn quanh ghế của Thầy
Swamiji. Mớ tóc dài, bạc, và mới gội nổi bềnh
bồng ngang vai Thầy. Bộ râu rậm che hết thân
ngực của Thầy. Thầy mặc chiếc áo
swami
màu cam (áo dài tay kiểu Ấn Độ) và ngồi trong tư
thế tham thiền. Sau khi các học viên tụng xong
Bhajans
(kinh hiến dâng--devotional
songs)
bằng tiếng Tamil, Thầy bắt đầu trả lời các câu
hỏi về những gì vừa học hay về du già và tâm
linh nói chung. Một bà Tích Lan, mặc sa ri trông
rất chững chạc, hỏi về cách thở khí lực Thầy dạy
hồi sáng (bài mà Chris và tôi không có dự). Thầy
không chỉ trả lời mà còn giải thích cặn kẽ về
thể chất và phạm vi của sinh lực
prana.
Thầy nói dưới nhiều góc độ và như thế trả lời
câu hỏi bằng nhiều cách. Thầy giảng cả tiếng
đồng hồ; đó là cái tật rất dễ nhận của Thầy.
Thầy không có sắp xếp trước mà chỉ ứng khẩu. Tuy
nhiên các dữ kiện, hình ảnh và sự hiểu biết du
già thâm sâu của Thầy biến lời giải của Thầy rất
dễ hiểu.
Sau ngày học kết thúc tôi
biết tôi đã gặp đúng Thầy Du Già và tôi tin đó
không phải là sự ngẫu nhiên. Chris rất khâm phục
Thầy vì sự hiểu biết sâu rộng và lối dạy năng
động của Thầy. Hai chúng tôi về đến nhà lúc 9:30
giờ tối. Anh Sam đang chờ và nóng lòng muốn
biết. Chris và tôi thay phiên kể lại những gì
xảy ra trong ngày rồi tôi xin anh cho chúng tôi
được trọ lại đây một tháng, thời gian của khóa
học, và chúng tôi xin được gởi tiền ăn ở để
tránh tốn kém cho gia đình anh. Không cần suy
nghĩ, anh thuận ngay và không nhận tiền bạc gì
cả. Anh nói có giúp gì được trong phạm vi hạn
hẹp của anh thì anh sẵn lòng vì đó là nhiệm vụ
của người Phật tử. Anh còn nói thêm chúng tôi cứ
xem đây như nhà của mình và tự do đi về sao cho
hợp với thời khóa biểu thì thôi. Chúng tôi làm
đúng y như vậy trong suốt bốn tuần.
Chris và tôi dậy lúc 5:00 giờ
sáng, ngồi thiền tại phòng rồi lên
ashram
lúc 6:00 giờ. Trong hai giờ nghỉ điểm tâm chúng
tôi cùng vài bạn Tây kéo nhau ra quán gần đó ăn
sáng--tôi thích ăn chuối, đu đủ và sữa chua với
hoppers
hay string
hoppers.
Sau đó, chúng tôi theo đại lộ Galle, ra con
đường tẽ đi qua rầy xe lửa, xuống biển ngồi chơi
trên những tảng đá làm bờ chắn sóng, chờ vô lớp
thứ hai trong ngày bắt đầu lúc 10:00 giờ. Trưa,
chúng tôi về nhà. Trên đường chúng tôi hay mua
trái cây và sữa chua cho 'bữa ăn trưa du già'.
Chiều, vào giờ cơm, tôi ở lại viện ngồi thiền
còn Chris đi ăn với các bạn. Chúng tôi về nhà
sau khi xong phần tọa đàm. Thời khóa biểu này
rất thuận, chỉ có điều là không tiện cho anh
Sam, Chris và tôi gặp nhau. Đêm nào hai chúng
tôi về tới nhà trước 9:30 hay 10:00 giờ thì mới
có dịp chuyện trò với anh. Anh lên giường ngủ
lúc 10:00 giờ tối và ra đi làm lúc 5:40 sáng.
Giờ làm việc của anh là từ 8:00 giờ sáng đến
5:00 giờ chiều. Anh làm thư ký cho Bộ Tư Lịnh
SLAF của Không Quân dưới phố.
Trong tuần lễ đầu chúng tôi
học được rất nhiều phương cách tẩy độc kiểu du
già, kể cả sự xổ toàn bộ hệ thống tiêu hóa bằng
nước muối. Đó là 'sự tẩy độc mùa Xuân'. Tiếp
theo là thời gian nhịn ăn. Theo Thầy Swamiji, sự
tẩy độc và nhịn ăn định kỳ là sự tịnh hóa căn
bản mà người luyện du già phải làm để thân trong
sạch hầu tâm thiền hiệu quả. Phân nửa số bịnh
tật là do đường tiêu hóa gây ra và ăn nhiều quà
tạp là bệnh của người phương Tây. Thầy còn nói
thêm rằng không ai có thể đạt đến trí tuệ thiền
quán (thiền tuệ) cao còn gọi là Tỉnh Thức Vũ Trụ
nếu ruột gan bị bào bọt. Lối giải thích của Thầy
làm tôi buồn cười, nhưng nhìn chung thì rất khoa
học và có lý. Tôi biết hệ tiêu hóa của tôi không
ổn nên tôi muốn thử phương thức này. Trong vài
ngày đầu, tất cả học viên phải theo một số thủ
tục do bà Meenakshi và phụ tá Tây phương của bà
chỉ dẫn.
Thử phương pháp mới học, tôi
có cảm tưởng 'cái bẩn' trong tôi bị tống ra làm
tôi thanh khiết và nhẹ nhàng hơn. Tôi hy vọng từ
đây tôi sẽ không còn bị những bất ổn tiêu hóa
như từng bị trong những năm vừa qua. Tôi không
còn thèm những thức ăn như thịt, đồ hộp và quà
vặt nữa. Dĩ nhiên tôi không nghĩ là tôi sẽ kiêng
cữ tuyệt đối mà tôi chỉ hy vọng được bao nhiêu
hay bấy nhiêu. Có điều tôi được cái nhìn mới về
mối liên hệ giữa thân và tâm. Tôi tẩy độc rồi
nhịn ăn, chỉ uống nước. Do đó bộ tiêu hóa của
tôi có dịp nghỉ ngơi và các tế bào có dịp thủ
tiêu những thứ ngoại lai cùng mớ mỡ thừa.
Nhịn ăn là một cách tốt giúp
thân thể tẩy các vật gây hại và thêm sức khỏe
nếu được làm đúng mức. Thời gian nhịn ăn tùy
theo nhu cầu của thân thể mỗi người mà Thầy
Swami gọi là chu kỳ nhịp sinh học cá nhân. Chris
phải nhịn ăn ba hôm theo chu kỳ 3 của anh. Còn
tôi, bốn hôm. Tôi chưa lần nào tự mình nhịn đói
(tôi có bỏ bữa một hai ngày vì bịnh), nên nhịn
ăn bốn ngày liền là một vấn đề. Lúc ở Goa, tôi
có ăn chỉ một bữa trong ngày với rau trái và có
thấy nhẹ người, nhưng tôi không biết nhịn cả
ngày có tốt hơn không--người ta thường nói 'càng
nhiều càng vui càng thích' kia mà. Lời dạy của
Thầy đến bất ngờ, phải thực hiện ngay trong
ngày, nên tôi không có dịp tính toán hơn thiệt
mà cũng không kịp lo mình sẽ không được ăn trong
suốt bốn ngày. Khi nghĩ ra thì tôi đã làm xong
thủ tục lạ kỳ kia và đã vào thời kỳ nhịn ăn rồi.
Ngày đầu tiên khổ sở nhứt vì
tâm luôn nghĩ tới cơm và bụng bị đói cào, nhưng
qua ngày thứ hai những khổ ấy không còn nữa. Tôi
chỉ cảm thấy hơi yếu nên nằm nhà nghỉ một hai
tiếng trong giờ cơm trưa là mọi việc đều ổn. Đến
sáng ngày thứ tư khi thời gian nhịn ăn chấm dứt,
tôi không thấy đói bụng và cũng không muốn ăn.
Tôi có cảm tưởng mình có thể nhịn ăn lâu hơn.
Lúc ăn trở lại, chúng tôi
được dạy nên ăn từ từ, bằng cách trong ngày đầu
chỉ nên uống nước trái cây loãng hay ăn trái cây
mềm tùy theo thời gian nhịn lâu hay mau. Sang
ngày thứ hai, tôi bắt đầu ăn như thường lệ: sữa
chua và rau trái--nhẹ theo lối du-già. Tôi thấy
sự thèm khát có trở lại, nhưng tôi tự chế không
ăn đồ ngọt cũng như quà vặt và không ăn tối. Tuy
nhiên tâm có lý do chính đáng của nó: tôi phải
ăn nhiều hơn để bù đắp cho thân thể đang thiếu
thốn. Tôi chịu thua thành thử có lúc ăn thêm một
hai miếng trái cây vào buổi tối, sau thời kinh
và thiền.
Thầy Swamiji dạy thêm cách xổ
mũi và các xoan mũi. Có thể hít nước muối rồi
khạc ra đằng miệng hay hít không khí vô đầy phổi
rồi khịt mạnh ra bằng một lỗ mũi theo cách chỉ
dẫn. Thầy là người chuộng toàn hảo nên dẫn giải
rất tỉ mỉ và muốn mỗi học viên phải làm đúng y
các chi tiết Thầy dạy. Thầy nhấn mạnh điểm Du
Già là một khoa học chính xác và là một tiến hóa
tri thức. Thầy chỉ trích các sư du già rởm bên
Âu Mỹ đã tự động đơn giản hóa du già để thích
nghi rồi nói 'Chúng ta cần môn Du Già Tây
phương'. Thầy gọi lối luyện tập bừa bãi đó là 'bhoga
yoga'
hay 'du già trên ghế bành'.
Vào tiết du già
hatha
và điều tức[4],
chúng tôi học nhiều cách thở và thế mới. Theo
giải thích khoa học của Thầy Swami thì nền tảng
của mọi phép tu tập du già đều có nền tảng của
khí lực
prana.
Thầy nói khí lực là sinh lực vô hình ở mọi nơi
có khả năng duy trì mọi sinh thể--người, động
vật, cây cỏ, và cả đất đá. Thầy gọi đó là 'plasma
vũ trụ' hay là một thứ điện lực loãng kết dính
tất cả các nguyên tố sáng tạo và cho chúng sự
sống. Khí lực cần thiết cho thân thể được cung
cấp hầu hết qua hơi thở và một ít qua sự ăn
uống, nhứt là ăn thức ăn sống và uống nước lạnh.
Khí lực di chuyển khắp châu thân trong một hệ
thống khí lực lớn trong ấy có nhiều kênh siêu
trần và vô hình gọi là huyệt[5].
Bình thường khí lực chảy trong huyệt theo mô
hình định sẵn để thực hiện nhiều chức năng sinh
học khác nhau, nhưng không như máu trong hệ tuần
hoàn, khí lực có thể được hướng dẫn bởi tâm. Một
sự tập trung lớn khí lực ở một nơi đau bịnh nào
đó có thể chữa trị bịnh ở nơi đó. Do đó, điều
tức là cách điều động khí lực có ý thức và được
kiểm soát để làm thân tâm khỏe mạnh. Điều tức
không chỉ đơn thuần là hô hấp sâu mặc dầu khí
lực thâm nhập theo hơi thở, mà còn là sự nhận
thức khí lực lúc năng lương ấy được hướng dẫn
qua huyệt. Tôi say mê nghe Thầy Swami giảng mục
điều tức này.
Theo Tiến sĩ Swami Gitananda,
điều quan yếu của du già là phải biết rõ cách
thở bằng ba buồng phổi. Có nghĩa là phải biết
thở theo nhịp điệu và qua ba buồng chính của mỗi
lá phổi, tức dưới, giữa và trên. Thầy cắt nghĩa
sinh lý của cách thở ấy dựa trên dòng chảy của
khí lực và của máu trong hai hệ thống tuần hoàn
và hô hấp. Mỗi buồng phổi điều hành sự luân lưu
của khí lực và máu của một khu vực trong thân
thể. Nếu chúng ta không thở vào một buồng phổi
nào đó thì khu vực tương ứng kia sẽ không có đủ
khí lực, oxy, và máu để sanh sống bình thường.
Thầy nhấn mạnh rằng nguyên nhân chính của bệnh
tật và sự trục trặc của cơ quan có thể do sự
điều phối không hữu hiệu của khí lực, máu và oxy
bởi vì thở không đúng cách. Các tật bịnh này có
thể chửa được bằng cách thở theo phép điều tức
song song với sự tập luyện một số động tác du
già và cách ăn uống.
Trong những ngày đầu khóa lúc
tôi đang nhịn ăn, Thầy dạy cách thở và một số
thế du già nhằm giúp đem không khí vô sâu tới ba
buồng phổi. Thật tình, lâu nay tôi đâu có biết
thế nào là thở sâu và phổi có tới ba buồng. Tôi
nghĩ phổi chỉ là cái bị đàn hồi dùng để thở vô
thở ra mà thôi. Âu là một khám phá mới của tôi,
và tôi thấy khác biệt khi thực tập và thực
chứng.
Thầy Swami cũng có nói nhiều
về tầm quan trọng của cách thở nhịp nhàng theo
các thế đứng ngồi và dạy chúng tôi một lô động
tác liên hệ. Tôi có đọc qua một ít trong sách
rồi nhưng chẳng có nghĩa lý gì so với những lời
Thầy dạy hôm nay. Lúc ban đầu chúng tôi học
những động tác dễ như đưa một chân rồi hai chân
lên trong lúc nằm ngửa, nằm nghiêng và nằm sấp.
Chúng tôi thực tập các thế cổ điển-- như thuyền,
rắn, chào, cày, kiều, mộc và nhiều thế khác.
Chúng tôi học thêm hai ba thế mới mỗi ngày. Thầy
Swami cũng có dạy một ít cách thở phức tạp như
mudras,
bandhas
và kriyas,
cạnh các phương pháp điều tức
thông thường. Nhưng rất tiếc chúng tôi không đủ
thì giờ để tập hết hầu thu đạt nhiều lợi lạc
hơn.
Thời kinh chiều là thời gian
tôi thích nhứt trong ngày. Thầy Swami dạy chúng
tôi nhiều bài chú và cách trì. Mỗi ngày có một
bài chú riêng ứng với một linh thần Ấn Độ. Tôi
đắc ý nhứt với bài OM NAMA SHIVAYA. Theo Thầy,
Shiva mà người ta thờ như một vị thần, chính ra
có nghĩa là 'Tốt Lành' hiểu như sự trong trắng
của tâm. Khi trì OM NAMA SHIVAYA chúng ta tỏ
lòng kính trọng và làm phát khởi tính tốt lành
ấy trong tâm ta. Như thế Shiva không khác Phật
Tánh của Thiền Zen và Niết Bàn là mấy, theo tôi
nghĩ. Tôi rất hoan lạc trong lúc trì chú và có
thể ngồi lâu hơn trong thế kiết già để thiền
định hầu hợp nhứt tâm với nội quang và cảm thọ
bản chất vô biên hay tự tại.
Trong các bài giảng, Thầy
Swami có nói phớt qua về sáu hay tám nhánh của
khoa Du Già. Cách Thầy giải thích và kết hợp các
khía cạnh của sự tịnh hóa thân tâm làm tôi nghĩ
Thầy là một bậc sư rất am tường khoa học. Qua
đó, tôi bắt đầu thấy sâu mối liên quan cơ bản
giữa thân và tâm; chúng chỉ là hai mặt của một
sự việc và cần phải được đề cập như vậy trong
quá trình phát triển tâm linh và chứng ngộ. Tôi
thử tìm hiểu các điểm dị đồng của Du Già và Phật
giáo khi luận giải sự Giác Ngộ và sự Giải Thoát
khỏi Luân Hồi. Không như Du Già, Phật giáo không
quan tâm đến sự tịnh hóa trực tiếp và trước tiên
của thân. Phật giáo đặc biệt chú trọng trước hết
đến sự tận diệt trực tiếp các độc hại trong tâm
bằng pháp hành thiền để diệt khổ và đạt Niết
Bàn. Phật giáo không đề cập đến thần linh hay
siêu nhân nào trong tiến trình diệt khổ. Du Già,
trái lại, nhận Ngã Vô Thượng là nền tảng chính
của Chơn Tánh và gọi Thương Đế dưới nhiều danh
từ khác nhau như Brahma, Vishnu, Shiva, vân vân.
Trên bề mặt, hình như có sự tương phản giữa
thuyết Vô Ngã hay thuyết Không của Phật giáo và
Giải Thoát của Du Già và Hồi giáo, nhưng thật ra
cả hai đều hướng đến giải thoát khỏi nhục thể và
đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Tôi không biết giữa hai
thuyết ấy có khác biệt nào quan trọng không. Làm
thế nào có thể có hai Chơn Tánh hay hai Thực Tế
Tối Hậu khác nhau? Hiểu biết của tôi lúc bấy giờ
còn nông cạn lắm. Tôi không có tư cách để phê
phán và tôi cũng không cần phải phê phán. Trong
trường hợp nào tôi cũng còn phải đi một đoạn
đường dài nữa mới mong thấu hiểu. Dầu có hay
không những dị biệt quan trọng, thời gian và sự
học tập chuyên cần của tôi sẽ giúp trả lời sau
này. Trong hiện tại, tôi rất thỏa mãn với việc
luyện du già để tịnh hóa và tăng cường thân tâm
tôi và hành thiền để diệt trừ tâm độc, giải bớt
chấp trước và phát sanh trí tuệ.
Vào tuần chót, tôi rất thích
thú với nhiều thế du già mới, nhưng rất tiếc
khóa học sắp mãn. Thời giờ quá ít trong lúc có
nhiều thứ cần học quá. Do đó, tôi không tài nào
nhớ hết các chi tiết của các phương pháp và của
khối dữ kiện và kiến thức được dẫn giải hối hả
vừa qua. Thầy Swami nói rằng khóa học chỉ là
phần nhập môn cấp thời nói về sự đa dạng, phạm
vi và áp dụng thực tiễn của các khía cạnh khác
nhau của Du Già. Những tài liệu giảng dạy trong
tháng qua được cô đọng từ một khóa thông thường
dài sáu tháng mà Thầy dạy ở
ashram
Pondicherry mỗi năm. Cũng các tài liệu này cộng
với một số nữa được giảng dạy chẫm rãi và chi
tiết hơn để học viên có đủ thì giờ vừa học vừa
tập các phương thế mới. Thầy Swami nói sáu tháng
mới đủ cho học viên có căn bản vững chắc khả dĩ
dạy lại được nếu muốn và nếu học tập chuyên cần.
Và ai theo học hết khóa 6-tháng mới được Thầy
cấp giấy chứng nhận dạy Du Già. Thầy khuyến
khích chúng tôi lên Pondicherry theo học và khóa
mới được tổ chức mỗi năm vào ngày 1 tháng Mười.
Cuối khóa, tôi quyết định đi
Pondicherry theo học khóa 6-tháng vào ngày 1
tháng Mười. Tôi thưa với Thầy và Thầy vui vẻ
tiếp nhận tôi. Chris rất phục Thầy Swami và cũng
muốn theo học khóa 6-tháng. Hai người Âu mới
biết Thầy Swami Gitananda cũng định đi. Còn tới
năm tháng nữa, tôi ở lại Sri Lanka học thiền
minh sát mà tôi vẫn còn thích, và tập du già cho
khỏe để theo khóa 6-tháng sắp tới. Đó là dự tính
của tôi cho trọn năm tới. Tôi thích thú biết tâm
trí mình sẽ bận rộn trong thời gian tôi ở bên
phương Đông này.
Đêm sau cùng được dành cho
lễ Guru
Dakshima
còn gọi là 'lễ dâng Guru',
một tập tục cổ truyền của du già. Trong buổi lễ
học viên trình diện và dâng lên thầy một lễ vật
để tỏ lòng biết ơn dạy dỗ. Thầy Swami thích hoa
trái nhưng dĩ nhiên Thầy không thể dùng hết ba
bốn mươi vật lễ chỉ toàn là hoa trái. Bà
Meenakshi đề nghị dâng một ít tiền để Thầy có
phương tiện chi tiêu đi về Ấn Độ. Bà cho biết
học phí thu được chỉ đủ để mướn chỗ, mua thức
ăn, trả tiền điện nước, vân vân. Thầy cần có một
số tiền cho những chi tiêu cá nhân.
Đề nghị của Bà Meenakshi rất
thực tế và hữu lý, nhưng hiện giờ tôi chỉ còn có
mười đô la vì tiền bên nhà gởi qua chưa tới. Tôi
mang ơn Thầy rất nhiều vì đã được Thầy truyền
cho nhiều kiến thức mới và động viên tinh thần,
nên tôi muốn dâng Thầy trọn mười đô la rồi sẽ
mượn Chris cho chi tiêu của tôi sau. Cái tánh
ích kỹ dùng lý lẽ cạn tiền của tôi đang giằn co
trong tâm tôi. Tôi phân vân không biết nên dâng
bao nhiêu hay tôi chỉ cần mua một ít trái cây và
vòng hoa dâng Thầy. Tôi rùng mình vì tính nhỏ
nhen đó nhưng tôi không làm sao cản nó được. Sau
cùng, tôi nhận thấy nên dâng hết mười đô; tôi
nhẹ nhõm. Tình cờ, tiền gởi qua vừa tới ngày hôm
sau.
Đêm đó, tôi theo dõi mỗi
người khi lên trước Thầy Swami và quan sát sự
cung kính của họ đối với Thầy. Một số, nhứt là
người Tamil, chân thành tin tưởng và tùng phục
bằng cách choàng vòng hoa lên Thầy rồi lạy xuống
để tay đụng chân Thầy. Một số khác dè dặt hơn,
có lẽ vì cái tôi, chỉ làm bộ chấp tay cúi đầu xá
Thầy trong lúc đặt bao thư lên dĩa để gần đó.
Một ít không cúi đầu, rõ ràng vì bị cái tôi kiềm
hãm. Tôi thì đã quen rồi và vì luôn khiêm nhường
trước guru nên tôi lạy Thầy theo lối Theravada
canh cải[6]
và đụng tay vào chân trần của Thầy. Nhưng dầu
thành thật hay vô ngã như tôi nghĩ, tôi vẫn còn
thấy một chút trình diễn khi cúi lạy. Lậu hoặc
hãy
còn núp bóng trong vùng sâu thẳm của tâm chưa
giải thoát của tôi.
*
Chương 15
TRUNG
TÂM THIỀN MINH SÁT KANDUBODA
[7]
Khóa học đã mãn, Chris và tôi
lại phải nghĩ tới việc làm sắp tới--đi
Kanduboda. Tôi đã viết thư gởi Thầy Saviili báo
tin chuyến viếng thăm và ý muốn thọ giáo ông về
pháp thiền minh sát. Bây giờ chúng tôi phải
xuống sở di trú xin gia hạn chiếu khán, việc mà
chúng tôi không thể chần chờ. Với chút nói khéo
chúng tôi được gia hạn ba tháng không khó khăn.
Tiếp theo, chúng tôi ra nhà băng đổi một rrăm
tám mươi đô la và đem trình họ biên nhận; may là
tiền đến đúng lúc nên tôi không gặp trở ngại nào
hết. Rồi tôi xuống phố mua hai sà rong trắng và
vài áo thun trắng sát nách để đem theo. Nghe nói
ở trung tâm thiền nguời ta thường mặc trắng, và
nếu được, nên mặc y phục cổ truyền với sà rong
dài chấm gót và áo có tay. Màu trắng, theo phong
tục Đông phương, là biểu tượng của sự trong
trắng, nên sà ri trắng cho nữ giới và áo dài
trắng cho nam giới là trang phục thích hợp nhứt
trong các lễ hội hay khóa tu học. Tuy nhiên, vì
khí hậu ở đây quá nóng và ẩm tôi không thích mặc
áo dài tay nên mua áo thun sát nách trắng thay
thế; nghe nói mặc như vậy cũng được.
Vì biết tôi quan tâm đến
thiền minh sát, tôi được mách cho hai tựa sách
hay về môn này: 'Thiền Phật Giáo Căn Bản[8]'
của Thầy Nyanaponika Thera, một sư người Đức
sống ở Sri Lanka và 'Thiền Minh Sát Thực Hành[9]'
của Thiền sư Miến Điện Mahashi Sayadaw. Một sáng
chủ nhựt rỗi rảnh nọ tôi xuống phố và may mua
được luôn cả hai quyển trong một nhà sách. Tôi
bắt đầu đọc liền quyển
Thiền Phật Giáo Căn Bản vì
nghe nói khóa học Kanduboda không cho phép đọc
sách bởi chương trình học rất nặng. Sách nói về
sự cần phải có tỉnh thức trong đời sống hằng
ngày vì tỉnh thức giúp khám phá những u tối sâu
thẳm trong tâm não, nhổ tận gốc mọi phiền trược,
làm phát sanh bình an nội tại, và dẫn đến giải
thoát. Tôi rất thích những lời dạy trực tiếp và
rõ ràng này nên bắt tay thực tập luôn. Thiền
minh sát mô tả trong sách khác với 'thiền quét'
của Thầy Goenka nhưng giống phương pháp tôi nghe
Joseph nói qua lúc ở Bodhgaya; đó cũng là đề tài
mà tôi sẽ học ở Kanduboya. Xong quyển Thiền Phật
Giáo Can Bản, tôi định đem quyển Thiền Minh Sát
Thực Hành theo
lên Kanduboda để lén đọc khi
có dịp. Tôi nghĩ chắc không sao bởi sách chỉ nói
về phương pháp mà tôi sẽ thực tập chớ không phải
là gì khác.
Trung Tâm Kanduboda Vipassana
Bhavana nằm trong vùng quê xanh tươi, cách
Colombo không xa, chừng muời lăm dặm; vậy mà
chúng tôi mất cả tiếng đồng hồ, vì xe ngừng
nhiều trạm và đường đầy ổ gà. Tới nơi, Chris và
tôi đi thẳng vô phòng tiếp tân nơi chỗ cổng vào
gặp thơ ký. Tôi cho biết tôi có viết thư trước
rồi, nhưng ông nói chúng tôi phải gặp Thầy truớc
đã và cho chú tiểu đưa hai chúng tôi đi. Lối đi
và các sân đều lót cát và được chăm sóc tươm
tất. Chúng tôi đi qua khu có nhiều nhà thấp quét
vôi trắng, nhiều hàng dừa cao thấp khác nhau với
trái nặng trĩu và nhiều bông hoa nhiệt đới đủ
sắc đủ màu. Khuông viên đượm không khí tĩnh
mịch, linh thiêng. Thầy Sivali đang ngồi một
mình trên sàn thảo am, thấy chúng tôi tới, mời
vô. Chúng tôi cởi dép, bước lên, vái Thầy ba
lạy, rồi ngồi xếp bằng xuống bồ đoàn đặt trước
mặt Thầy.
Thầy Sivali trạc tuổi trung
niên nhưng trông rất trẻ. Thầy điềm đạm, khiêm
tốn và định tâm. Khi nhìn thẳng vào tôi, mắt
Thầy sáng hẳn lên tưởng chừng như có biết tôi
rồi. Thầy bèn hỏi: "Anh có phải là anh Joseph
không?" Nghe tôi trả lời rằng đúng, Thầy kể câu
chuyện sau. Hai tuần lễ trước, CID có tìm tôi
không biết có chuyện gì. Họ đến đây vì tôi đã
khai Kanduboda là nơi tạm trú trong thời gian ở
Sri Lanka. Viên công lực có trình hình tôi cho
Thầy xem và có hỏi Thầy về tông tích của tôi.
Thầy nói tôi có gởi thư nhưng chưa đến. Ông có
vẻ bực và yêu cầu Thầy chuyển lời CID gọi tôi
lên trình diện ngay. Bấy giờ, Thầy tỏ ra hơi lo
âu và hỏi tôi việc gì đã xảy ra khiến cảnh sát
phải tìm tôi. Tôi cũng bối rối như Thầy và thưa
thật rằng tôi không biết. Tôi trình bày tự sự
rằng tôi có đăng ký đến Kanduboda hồi tháng rồi,
nhưng không đến liền được vì khóa du già mà
không có khai báo lại. Thầy nói tôi phải trở lên
Colombo để làm cho xong thủ tục mới có thể dự
khóa thiền của Thầy được. Đã xế chiều song Thầy
đề nghị tôi nên đi liền và ở lại Colombo tối
nay. Tôi nghĩ đây chỉ là thủ tục thông thường và
Thầy lo hơi xa, nhưng Thầy có lý riêng của Thầy.
Chris không phải lên lại Colombo vì công dân Anh
không cần đăng ký. Chris được Thầy cho phép ở
lại và bắt đầu học. Tôi thưa với Thầy là tôi sẽ
cố gắng làm xong thủ tục nhanh và trở về trong
một hai hôm. Thầy bảo tôi phải xin cho có cái
giấy của CID Thầy mới có thể nhận tôi. Tôi đành
trở ra bến xe ở ngả tư Delgoda và lên buýt với
tâm trạng không mấy an. Tôi đi thẳng tới nhà anh
Sam và đợi sáng mai lên CID sớm.
Anh Sam đã có ở nhà rồi trước
khi tôi đến. Anh ngạc nhiên thấy tôi trở về. Tôi
kể lại câu chuyện, anh đồng ý chỉ là một thông
lệ, nhưng tôi hơi lo âu. Sáng hôm sau, tôi lên
văn phòng trên lầu tư của CID lúc 9:00 giờ và
được bảo ngồi chờ trên ghế dài dọc tường. Sau
chừng mười lăm phút tôi được gọi vào bên trong
và phải ngồi đợi thêm mười phút nữa. Sau cùng,
viên sĩ quan ra với tập hồ sơ và hình của tôi
trên tay. Ông hỏi: "Anh có lần nào bị bắt vì tội
đem lậu cần sa vô Afghanistan không?" Câu hỏi
bất ngờ làm tôi sửng sốt và tôi phải mất mấy
giây mới trả lời được. Tôi nghĩ ông đã được
thông báo, nếu không làm sao ông biết, và do đó
ông muốn gặp tôi. Trấn tỉnh, tôi hỏi lại sao ông
hỏi tôi như vậy. Ông cho biết tên và tội danh
tôi có trong danh sách Interpol của các người bị
nghi buôn lậu ma túy. Tôi trả lời rằng: "Hồi năm
qua tôi có thử cái trò điên khùng đó và bị bắt ở
tù. Tôi đã học được bài học đích đáng." Chuyện
ấy, tôi nói thêm, xảy ra hồi năm trước khi tôi
còn là một tên ngu, còn bây giờ tôi đã sang
trang, đang tu làm Phật tử và học thiền. Tôi nói
một cách quả quyết rằng tôi đã bỏ thuốc và là
người sạch. Nghĩ ông là Phật tử, tôi tin ông
hiểu lời tôi và tha cho tội tôi trong quá khứ.
Viên sĩ quan có vẻ thỏa mãn
với lời khai của tôi. Ông hỏi tôi chớ học thiền
ở đâu? Tôi thưa tôi đang chuẩn bị theo khóa tu
học của Thầy Sivali ở Kanduboda. Ông phản ứng
ngay: "Ồ! Đó là chỗ ưa thích nhứt của người
phương Tây." Ông nói bà nhạc của ông là một
dyaka
(người hỗ trợ) của trung tâm và thỉnh thoảng có
tới đó thiền. Ông không có đề cập đến việc người
của CID đến đó tìm tôi. Trong lúc ông thu xếp
giấy tờ tôi hỏi ông chớ còn chi nữa không. Ông
nói: " Thế là xong đối với chúng tôi. Tôi không
nghĩ chúng tôi phải quan tâm đến vấn đề nữa và
anh có thể ra về." Nhớ tới lời yêu cầu của Thầy
Sivali, tôi xin ông cấp cho tôi một chứng từ để
làm yên lòng Thầy, nhưng ông nói là không cần
thiết. Tôi phải giải thích thêm cặn kẽ, ông mới
thuận viết mấy chữ trong một miếng giấy rồi ký
tên và đóng mộc cho tôi cầm về. Sự không quan
tâm của ông đối với vần đề thật là kỳ lạ. Tôi
ghi nhận một lần nữa lối sống thoải mái của
người phương Đông. Tôi thầm cám ơn nhưng nghĩ
rằng thái độ đó không tốt lắm đối với những tội
phạm chính tông. Trên đường trở lại nhà anh Sam,
tôi chiêm nghiệm luật nhân quả và nhận biết rằng
hành động của tôi làm từ hơn một năm rưỡi nay
vẫn luôn luôn đeo đuổi tôi.
Tôi về lại Kanduboda xế hôm
ấy với văn thư giải oan trong tay. Sau khi đọc
kỹ văn thư, Thầy Sivali nói tôi có thể ở trong
ba tuần. Thời gian ba tuần được ấn định vì trung
tâm cần chỗ cho học viên khác; trung tâm của
Thầy luôn luôn đầy người phương Tây đến học. Chỉ
trong trường hợp đặc biệt hay vào đôi lúc ngoài
mùa du lịch, thời gian ba tuần mới được gia hạn
với sự cho phép của Thầy. Tôi ngồi xuống bồ đoàn
nghe Thầy Sivali giải thích các điều lệ phải
theo: giữ mười giới như đả học ở Kopan, không
được đến gần khu nữ; không được nói chuyện, viết
thư hay đọc sách; và không nên tập yoga. Thầy
nói những điều cấm ấy chỉ có gây xao lãng cho
hành giả đang cần tu tập tỉnh thức thuần thành
và liên tục theo phương cách mà Thầy sẽ giảng
sau. Thầy dành thời giờ vào mỗi buổi chiều để
học viên tham vấn hay hỏi về tiến triển của
mình. Kanduboda không chỉ là một trung tâm dạy
thiền cho cư sĩ tại gia mà còn là một tu viện
với một số tăng sĩ theo học. Nam học viên sẽ ăn
sáng và trưa chung với Thầy trong trai đường. Và
theo giới luật của tu viện, chúng tôi không có
cơm sau ngọ mà chỉ có trà đen vào lúc xế và tối.
Thầy tiếp mô tả phương thức
thiền. Thầy giải thích động tác phồng xẹp của
bụng khi thở bình thường. Tôi phải tự nói
'phồng, phồng' lúc hít vô và 'xẹp xẹp' khi thở
ra. Đó là mục tiêu cần chú ý đầu tiên trong lúc
ngồi. Giữa hai hơi thở hoặc lúc nhận thấy hơi
thở hơi yếu, phải biết chỗ hai gối và mông chạm
sàn để tự nói 'chạm sàn, chạm sàn'. Nếu tâm bị
dấy niệm, không thể ngồi và thở tỉnh thức nữa,
lúc bấy giờ phải tự nhắc 'nghĩ, nghĩ' rồi trở về
tỉnh thức bằng cách lập lại 'phồng, phồng' và
'xẹp, xẹp'. Nếu bị khuyấy động bởi tiếng ồn, tự
nói 'nghe, nghe' cho đến lúc không còn nghe
tiếng động nữa mới trở lại 'phồng, xẹp'. Sự ghi
nhận trong tâm thức vừa mô tả có thể áp dụng cho
các cảm giác khác như thị giác, xúc giác, khứu
giác, và vị giác. Trong việc thực tập này, chỉ
thuần túy ghi nhận chớ không phân tách hay luận
bàn sự việc xảy ra. Chúng tôi ngồi thiền với tư
duy sâu lắng như vậy suốt một tiếng và nhiều lần
trong ngày. Giữa các thời tọa thiền, chúng tôi
tập thiền hành, một hình thức tiếp nối của thiền
tọa trong đó động tác phồng xẹp của bụng được
thay thế bởi động tác của chân đi. Mỗi khi dở
chân lên, tự nói 'dở, dở', đưa chân bước nói
'bước, bước', và đặt chân xuống nói 'đạp, đạp'.
Tỉnh thức này áp dụng cho mỗi buớc trong khi
chân đi liên tục và chẫm rãi. Để chế ngự tâm
buông lung, chúng tôi áp dụng những gì đã học
cho thiền tọa. Và đặc biệt nên nhớ chỉ ghi nhận
hiện tuợng cảm nhận thô tiên khởi chớ không có
phân tách hay bàn luận.
Những chỉ dẫn căn bản nói
trên trùng hợp với những gì tôi đọc trong sách
Thiền Phật Giáo Căn Bản
và được mô tả tỉ mỉ trong
Thiền Minh Sát Thực Hành. Thầy Sivaili bảo tôi
nên ngồi thiền một giờ rồi đi thiền nửa giờ,
thay phiên các thời tỉnh thức ấy càng nhiều càng
tốt, từ sáng đến tối. Thầy khuyên tôi làm chậm
lại các công việc hằng ngày như ăn uống, tắm
rửa, đi cầu, vân vân; Thầy sẽ giải thích tại sao
sau này. Để trả lời câu tôi hỏi về phép quán hơi
thở bằng cách nghe hơi thở qua chót mũi mà tôi
học với Thầy Goenka, Thầy nói theo dõi sự phồng
xẹp của bụng là một cách của sổ tức quán và cách
này giúp hành giả phát huy tỉnh thức nội tại dễ
dàng hơn. Thầy nói thêm rằng không cần tập thêm
gì khác nữa, chỉ nên bắt đầu chầm chậm, thư
giãn, và để mọi việc đến tự nhiên. Tôi cảm thấy
hữu lý và thỏa mãn. Sau đó, Thầy, vị thầy rất ôn
tồn và nhỏ nhẹ, đưa tôi qua khu nam sinh, cấp
cho tôi một phòng nhỏ ở đó, và chỉ tôi nơi vệ
sinh cùng giếng tắm giặt.
Tôi dành một giờ để xếp đặt
chỗ ở mới của mình. Có hai mươi đơn vị xếp dọc
hai bên trong một kiến trúc vuông dài với hành
lang chạy quanh. Trong hành lang, dùng làm lối
thiền hành, tôi thấy Chris và một yogi phương
Tây đang bước đi chầm chậm, mắt nhìn về phía
trước xuống đầu chân mình. Họ trông như hai xác
không hồn lửng thửng đi rất chậm. Mỗi đơn vị chỉ
rộng chừng 5x7 bộ có một bệ xi-măng cao sát vách
dùng làm giường ngủ với tấm nệm bằng xơ dừa,
gối, và vải trải giường. Có thêm cái ghế thấp
bằng cây tôi kê vô góc phòng để làm bàn thờ.
Trên bàn thờ tôi trải chiếc khăn linh Benares
rồi đặt lên đó bức hình vẽ Đức Thích Ca Mâu Ni
theo lối Tây Tạng và ảnh của Lạt Ma Zopa tôi
thỉnh ở Kopan. Tôi làm lư nhang bằng cách đổ cát
vô cái ly nhỏ tìm gặp trong góc phòng. Nhang tôi
có đem theo trong xách, còn đèn cầy và diêm quẹt
có sẵn trong phòng, phòng bị những lúc không có
điện. Đoạn tôi trải xuống sàn cái mền mỏng và áo
jalaba
lên nệm và bồ đoàn bằng rơm tôi đem theo. Tôi
xếp bàn chải, kem đánh răng, sà bông, và khăn
tắm ngay ngắn dưới chân giường. Và tôi dấu quyển
Thiền Minh Sát Thực Hành dưới nệm. Tôi biến căn
phòng nhỏ buồn bèo và ảm đạm thành một cốc khá
tươi sáng và ấm cúng.
Bây giờ tôi đã sẵn sàng, tôi
ngồi xuống giường để thiền. Ngay lúc ấy, Chris
tới và lặng lẽ đứng dựa bên cánh cửa lưới. Tôi
ngoắc vô và thì thầm kể lại chuyện ở CID, còn
Chris cho biết một số điểm đặc biệt của thời
khóa biểu. Có ba thời thiền tập thể hằng ngày,
mỗi thời dài một tiếng, vào lúc 8:00-9:00 giờ
sáng sau điểm tâm, 12:00-1:00 giờ trưa ngay sau
ngọ thực, và 6:00-7:00 giờ tối. Lúc thiền các
học viên yoga ngồi ngoài hành lang trước cửa cốc
mình, và Thầy Sivali sẽ đến ngồi chung với mọi
người. Mỗi sáng khi kiểng báo thức lúc 3:00 giờ
khuya, mọi học viên thức dậy, rửa mặt nếu muốn,
rồi ra hành lang bắt đầu tập ngồi và đi tỉnh
thức. 5:00 giờ, có chú tiểu xách vò cháo đến mỗi
phòng rót cho mỗi học viên một chén đầy. Chén
dĩa do trung tâm phát và mỗi người tự giữ để đem
theo lên trai đường ăn ngọ. 10:00 giờ có nước
dừa; xế và tối có trà. Chris cho biết thêm là
cơm rất ngon. Giữa câu chuyện có chú tiểu đem
đến cho tôi chén dĩa, Chris rút lui êm và tiếp
tục đi tỉnh thức. Cũng sắp tới giờ trà giải lao
rồi giờ thiền tập thể, tôi phải hoãn ngồi thiền.
Trong thời ngồi tập thể, tôi
bắt đầu làm quen với cái mới--sự chú ý nơi bụng.
Nhờ biết cách thở sâu của yoga với sự chuyển
động cách mô của du già, tôi thấy động tác phồng
xẹp của bụng không khó lắm. Tuy nhiên sự chú ý
của tôi không liên tục vì tâm còn nghĩ đến những
chuyện xảy ra hôm nay, chuyện mà tôi cố gạt bỏ
bằng cách tự nói 'nghĩ', nghĩ'; các niệm dấy lên
có vơi phần nào. Lúc kiểng báo chấm dứt, tôi tự
ngồi lại cho đến giờ đi ngủ quy định là 11:00
giờ đêm. Ngủ từ 11:00 đến 3:00 giờ tức chỉ có
bốn tiếng; tôi hơi lo và không biết có chịu nổi
không. Tôi có đọc sách thiền minh sát và biết
rằng thành tâm tu tập tỉnh thức sẽ làm mất ngủ.
Nhưng được biết Đức Phật chỉ ngủ có hai tiếng
mỗi đêm, tôi an tâm. Vả lại, Chris có cho biết
thêm không ai kiểm soát mình ngoài mình nên học
viên có thể tăng giảm giờ giấc tùy ý.
Giờ đây tôi đang nôn nóng
muốn tập thiền hành. Tôi ra hành lang đứng qua
một bên để không cản trở năm sáu học viên khác
đang đi thiền. Tôi cẩn thận và chầm chậm vừa dở
chân mặt lên cách mặt sàn chừng năm phân vừa nói
'lên, lên', rồi 'dở, dở', và 'đạp, dập'. Tôi lập
lại với chân trái và đi chầm chậm tới[10].
Tôi hơi bỡ ngỡ lúc đầu và cố giữ thăng bằng
trong lúc đi quá chậm như vậy. Cố gắng, tôi thấy
lần lần dễ ra và tôi có thể chú tâm mình vô đó
rồi như quên hết thời gian. Phải mất rất nhiều
phút mới đi hết một vòng hành lang, và sau hai
vòng đi chân bắt đầu mỏi. Tôi bèn vô phòng lên
giường ngồi tiếp tục chú ý tới bụng phồng xẹp,
nhưng 'tâm viên[11]'
không định nữa và giấc ngủ ùa đến. Chỉ mới là
ngày đầu nên tôi dễ viện lý do là đã chạy đôn
chạy đáo ở Colombo suốt buổi sáng này. Tôi nằm
duỗi ra định tiếp tục tập thở phồng xẹp, nhưng
ngủ hồi nào không hay. Lúc ấy mới 9:00 giờ.
Tiếng
kiểng lọt vô tai nghe văng vẳng làm tôi tỉnh
giấc. Tiếp theo là ba tiếng chuông của chiếc
đồng hồ treo ngoài hành lang. Tôi quan sát cái
tâm say ngủ đang nắm bắt tiếng kiểng 3:00 giờ và
đang phản ứng lại sự phải dậy sớm. Tôi nghĩ tôi
có thể nằm lại và tỉnh thức theo dõi sự 'phồng
xẹp' nhưng rất tiếc, tôi đã ngủ lại. Tôi giựt
mình nghe chuông đồng hồ đổ bốn tiếng và bật
ngồi dậy với chút ân hận đã ngủ quá giờ. Sau khi
tắm rửa, tôi tập vài thế yoga thư giãn với hô
hấp sâu để thật tỉnh giấc rồi xếp gối làm bồ
đoàn ngồi bắt đầu buổi tập căn bản sáng. 5:00
giờ: tôi nghe tiếng chú tiểu phát cháo. Tâm tôi
theo chú từ phòng này tới phòng khác và bị chế
ngự bởi dục trông chờ và tưởng tượng. Sau vài
phút tôi mới biết mình đã xa rời tỉnh thức và
lạc trong dòng suy tư. Tôi vội nói ' lạc rồi,
lạc rồi' và trở về 'phồng, phồng', 'xẹp, xẹp'.
Tôi để chén đựng cháo gần cửa như Chris dặn để
khỏi phải đứng dậy trong lúc thiền. Khi chú tiểu
mở cửa lưới múccháo vô chén tôi nói 'nghe,
nghe'. Mắt tôi nhắm nhưng tôi hình dung rất rõ
và tôi nói 'nghĩ, nghĩ'.
Canda
là tiếng Sinhalese chỉ một loại nước uống xanh
đặc, làm bằng gạo, nước dừa, rau mùi, và đuờng
được dùng trong các thiền viện trước bữa ăn
sáng. Hôm nay tôi nhấm
canda
lần đầu tiên và cảm thấy mình bị 'cám dỗ' ngay
vì khá ngon miệng. Sau khi cạn ly tôi rất thỏa
dạ và có cảm tưởng như đã dùng sáng xong. Tôi
nảy ra ý không ăn sáng nữa mà chỉ ăn ngọ thời.
Tuy nhiên khi nghe kiểng đổ tôi xách chén dĩa ra
đi.
Tất cả các học viên du già cư
sĩ xếp hàng một sau hai tăng sĩ Tây phương cũng
dự khóa này. Mắt nhìn xuống tới gót chân của
người đứng trước, chúng tôi bước chầm chậm và
tỉnh thức trên thềm xi măng vô trai đường. Các
tăng Tích Lan trú ở khu vực khác trong thiền
viện đã vào bàn ngồi dọc theo tường, với Thầy
Sivali ngồi đầu bàn. Hai tăng Tây phương vô ngồi
đầu dưới của hàng tăng sĩ. Cư sĩ chúng tôi ngồi
vào hàng ghế đối diện. Thức ăn đã bày sẵn trên
bàn. Trong lúc chờ đợi, mọi người ngồi yên lặng,
ngó xuống hay nhắm mắt. Ăn cũng là hành thiền
nhưng tôi chưa được chỉ dẫn chi tiết ngoại trừ
phải ăn chậm. Tôi ngồi chú ý tới động tác phồng
xẹp của bụng trong lúc cố gắng cưỡng lại thị dục
muốn biết hôm nay ăn món gì.
Trai thời của Kanduboda do
một số thí chủ cung cấp và chiêu đãi. Họ đi
quanh bàn múc thức ăn vô dĩa của học viên hay
bình bát của tăng sĩ; mọi người hoan hỷ chấp
nhận, không chọn lựa mà cũng không ưu tư. Khi
thấy vừa đủ cho mình, chỉ cần đưa tay lên dĩa
hay bát là thí chủ sẽ ngưng và quay sang tiếp
người kế bên. Vì chưa biết thủ tục, tôi để dĩa
mình đầy nhóc thức ăn mà tôi chắc không thể nào
ăn hết. Vả lại, tôi không thấy đói lắm vì ly
canda
lớn một giờ trước đó. Nhưng không thể bỏ mứa và
muốn thử vì hiếu kỳ, tôi ăn mọi thứ. Tiếp theo,
chuối, đu đủ, thơm, và xoài xắt miếng được bưng
ra. Mắt tôi hoa lên vì tôi đã no tới cổ rồi. Vậy
mà tôi không thể không ăn nên ăn thêm trái chuối
và miếng đu đủ. Tiếp theo, mỗi người được trao
cho một tô nước để rửa tay mặt mình bị dính thức
ăn; nước dơ được đổ bỏ trong thùng/ống nhổ do
thí chủ mang tới. Sau khi mọi người đều xong,
Thầy Sivali đi đầu dẫn các vị tăng ra trước rồi
tới các học viên chúng tôi.
Trong giờ thiền tập thể lúc
8:00 giờ tôi nghe bao tử làm việc, kêu ọt ọt, và
cảm thấy buồn ngủ chắc tại tôi ăn no quá. Tôi
xem những vấn đề này như những kinh nghiệm giúp
tìm hiểu phân lượng đúng cho bữa ăn, giấc ngủ và
thời thiền. Sau thời thiền tập thể chúng tôi
được tự do cho tới 11:00 giờ, lúc tất cả sẽ tập
họp cho bữa ăn trưa. Chúng tôi có thể đi tắm,
hay giặt đồ, hay tiếp tục ngồi và đi thiền. Thầy
Sivali chỉ mới cho tôi biết đại khái nên tôi
mong được hiểu rõ chi tiết; do đó tôi dùng
khoảng thời gian này để đóng cửa phòng lén đọc
tiếp quyển Thiền Minh Sát Thực Hành..
Sách dạy nhiều phương pháp cụ
thể kèm theo một ít lý thuyết. Quan sát bụng
phồng xẹp là cách đưa tỉnh thức và vô thường vào
một nhịp điệu chung: chu kỳ hít thở tượng trưng
cho vòng sanh diệt của các hoạt động thân tâm.
Áp dụng tỉnh thức vào hoạt động căn bản của đời
sống, ta tự dưng nhìn thấy được nhiều hiện tượng
khác rõ ràng. Sự chú tâm giữ tâm thức linh hoạt
trong tình huống hiện tại và giúp phá trừ chấp
trước một cách khách quan. Sự chú ý 'đơn thuần'
ấy rất hữu hiệu trong việc thiết lập khoảng
không gian tâm linh khả dĩ làm tiêu tan nhiều
phản ứng tự phát thông thường của thân và tâm,
và như thế, làm vơi nhiều khổ đau tương ứng. Đó
là một phép tự chữa bịnh bằng tâm lý vậy.
Nói về 'ghi nhận', sách đề
cập đến hầu hết các sinh hoạt của thân xảy ra
hằng ngày. Lúc quay cổ, nói 'quay, quay'; nháy
mắt, nói 'nháy, nháy'; bưng lên, để xuống, dang
tay, co chân, nói 'lên, lên', 'xuống, xuống',
dang, dang', 'co, co', vân vân. Mỗi động tác cần
được thực hành trong tỉnh giác, và như vậy bị
kéo chậm lại rất nhiều. Khi động tác làm vừa đủ
chậm và tỉnh thức, buớc đầu và bước cuối của
động tác, cũng như thời gian hành động, được
phân biệt minh bạch. Và mỗi động tác có chủ đích
luôn luôn được tâm thức điều động. Ai cũng biết
cái thân tứ đại không thể hành động nếu không
được tâm chỉ huy. Lúc ăn, ta cũng có thể tập
tỉnh giác. Lúc nhìn thức ăn, nói 'nhìn, nhìn';
vo thức ăn trong tay, nói 'vo, vo'; đưa thức ăn
lên miệng, há miệng, bỏ thức ăn vô miệng, nhai,
thưởng thức, và nuốt, ta ghi nhận các hành động
riêng rẽ ấy theo như cách tỉnh thức nói trên.
Cùng lúc, nếu có sự thích hay không thích, ham
muốn hay mong cầu điều gì khác, đừng quên ghi
nhận.
Sách còn liệt kê nhiều tâm
trạng có thể thấy dấy lên trong lúc hành thiền;
cũng phải quan sát và ghi nhận tất cả. Sau đây
là một số thông thường: tưởng tượng, băn khoăn,
lo âu, ham muốn, ghét, giận, chán, mệt, nản,
hiếu kỳ, so sánh, phê phán, hãnh diện, tự cao,
thèm, ghen, sợ, nghi hoặc, ngã lòng, hỗn loạn,
bực mình, bằng lòng, hoan hỷ, an tịnh, trắc ẩn,
thương, vân vân. Nếu chúng phát sanh, phải quan
tâm xác định chúng bằng phương pháp ghi nhận
khách quan cho đến lúc chúng ra đi. Làm vậy là
để trưởng dưỡng sự quán chiếu vào thực thể của
sự phối hợp giữa thân với tâm và vào các yếu tố
bao hàm hầu hiểu rõ tính vô thường, duyên khởi
và vô ngã. Trong lúc tôi say mê đọc sách, chú
tiểu đến đem cho nước dừa của giờ giải lao sáng.
Tôi lật đật dấu sách và giả bộ đang thiền. Khi
chú đi khỏi, tôi định tỉnh ghi nhận ý muốn uống
chất nước ngon ngọt đó và làm các động tác vói
bưng ly, đưa lên miệng, đổ vô, thưởng thức vị
ngon ngọt, nuốt, để ly xuống--và lập lại tiến
trình này cho đến khi ly cạn.
Biết thêm một số chi tiết,
tôi hăm hở vào cử thiền trước thời quá đường.
Tôi đứng lên, duỗi chân cho máu lưu thông rồi
ngồi xuống trong thế hoa sen và bắt đầu thở sâu
theo lối du già. Lúc trở lại hô hấp bình thuờng,
tôi bắt đầu chú ý đặc biệt đến lúc khởi, khoảng
thời gian ngắn và lúc kết của cử động phồng xẹp
của bụng. Tôi nhận biết tỉnh thức giúp giữ tâm
linh hoạt, và tôi cũng ghi nhận được rõ ràng cảm
xúc của nhiều phần thân thể khác; chúng đến rồi
đi cũng như các tiếng động bên ngoài. Khi tôi
phóng tâm, tôi cũng ghi nhận được ngay nên không
bị lạc. Lúc tôi thấy gối, mông và mắt cá mỏi bởi
thế ngồi kiết già, tôi không thèm quan tâm mà
chỉ ghi nhận 'đau, đau', như sách đã dạy.
Tôi hầu như thành công hầu
trọn vẹn trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên sau
khoảng nửa giờ ngồi kiết già, tôi phải kéo một
chân xuống, ngồi lại thế bán già. Tôi theo sách
và cố làm chầm chậm trong lúc ghi nhận mỗi động
tác riêng biệt. Vì chưa quen với cách chuyển thế
và vì còn lật đật, tôi ghi nhận thiếu nhiều chi
tiết. Ngoài ra, tôi đang nghĩ tới cơm trưa nên
khi kiểng đổ tôi không kịp nói 'nghe, nghe'.
Nhưng trễ còn hơn không, tôi liền nói 'nghĩ,
nghĩ', 'mong, mong' và 'nghe, nghe'. Tôi biết
tôi còn phải học nhiều, nhưng tôi thích thú và
tin tưởng nơi khả năng của phương pháp ấy và của
sự tu học nói chung.
Tất cả xếp hàng và tiến chầm
chậm vô trai đường như hồi sáng. Lúc đi ngang
bàn giữa, tôi không thể không ngó qua các nồi,
chảo, tô, dĩa để đầy trên đó. Có tới hai ba thứ
cơm, đủ thứ rau và cá, cộng với cả đống chuối và
trái cây xắt miếng, cùng nhiều thau đậu hũvà
nhiều dĩa bánh ngọt. Tôi thấy mình đang toan
tính, nhưng cố làm ngơ. Tôi chưa thấy đói bởi
bữa điểm tâm quá nặng. Tôi cũng không muốn làm
lại lỗi lầm hồi sáng. Tuy nhiên, vì đang tập
hành động chậm trong chánh niệm, tôi không kịp
đưa tay ngăn đám đông thí chủ đứng múc thức ăn
vô dĩa tôi đầy vun. Tôi cố không để ý tới những
gì nối tiếp xảy ra; nhưng tôi lại nhận thấy sự
cần liếc trộm. Tôi đặc biệt chú ý đến cách tập
ăn theo lối thiền tả trong sách và thấy kết quả
tốt. Tôi ăn thật chậm, và như thế phải ăn ít
lại. Dầu đã biết rồi, tôi vẫn còn tham chọn ăn
món tôi thích hay lạ nhứt và vẫn cân nhắc chừa
bụng để ăn trái cây, tàu hũ và bánh ngọt, trong
lúc miễn cưỡng ghi nhận 'muốn, muốn'. Cơm tôi
ăn không hết được trút vô thùng lớn mà các thí
chủ xách đi quanh bàn; cơm thừa sẽ đem cho súc
vật ăn.
Trong vòng mười lăm phút trở
về phòng tôi lật đật đánh răng để còn ra hành
lang ngồi dọc theo vách thiền tập thể. Tôi biết
tôi đã ăn nhiều nên cảm thấy nặng nề và không
còn nhanh nhẹn; tôi sẽ phải chống lại sự buòn
ngủ như đám mây đen đang xâm chiếm tâm tôi. Chỉ
ít phút sau đầu tôi theo trọng lực gục xuống;
trước khi tôi giựt mình, cằm tôi đã chấm ngực và
tôi đã ngủ gục rồi--buồn cho hình ảnh của một
thiền giả du già. Tôi phải mất vài phút để nhận
diện sự hôn trầm và tập trung ý chí gượng dậy để
rồi lại gục xuống liền theo đó. Tôi cứ gượng lên
gục xuống trong suốt thời gian ngồi thiền và
buổi tọa thiền ấy chẳng đem lại cho tôi lợi lạc
nào cả. Đấy mới biết tại sao hôn trầm được liệt
kê là một trở ngại lớn của thiền quán.
Tò mò nhìn quanh xem các bạn
thế nào, tôi hơi yên tâm khi thấy hầu hết gục
gặc như con do do--cả Thầy Sivali ngồi đằng đầu
hành lang. Tôi không hiểu tại sao phải thiền
ngay sau bữa ăn và chợt mừng khi nghe đồng hồ gõ
một tiếng báo giờ thiền đã vãn. Tôi chú ý làm
từng động tác một, lúc đứng lên và bước đi, động
tác giúp tôi xả bỏ sự mệt mỏi thể xác lẫn tinh
thần.
Chiều giữa 3:00 và 5:00 giờ,
như thường lệ, Thầy Sivali lên ghế trong hành
lang chính để bắt đầu buổi tham vấn hằng ngày.
Đợi các bạn xong rồi tôi mới lên. Tôi lễ Thầy
bằng các lạy thông thường trước khi ngồi vào bồ
đoàn trước mặt Thầy. Thầy hỏi tôi chớ đã học
được kinh nghiệm gì chưa. Tôi thưa rằng tôi đang
trong vòng thích nghi, tâm còn lăng xăng quá, và
buồn ngủ sau bữa ăn. Thầy cười và giải thích tại
sao tâm viên cũng như tâm uể oải là hai trong
năm trở ngại thông thường của người mới học.
Thầy cho biết sự tập trung vào hơi thở sẽ giúp
làm lặng tâm lăng xăng, còn muốn chống lại sự
buồn ngủ sau bữa ăn thì phải gắng ngồi lâu. Sự
cố gắng và quyết tâm giúp vượt qua những khó
khăn này để đến trạng thái nhẹ nhàng và sáng sủa
hơn. Thầy nói ăn quá no là nguyên nhân chánh của
hôn trầm và Thầy để tôi tự giải quyết chuyện ấy.
Thầy giảng chi tiết của cách
làm chậm lại và cách ghi nhận tất cả những gì
xảy ra cho thân và tâm, hiểu theo lý vô thường
và duyên khởi như tôi đã đọc qua. Thầy lặp lại
rằng tôi phải trưởng dưỡng tâm tỉnh thức từ lúc
mở mắt tới lúc đi ngủ, trong hành động đi, đứng,
nằm, và ngồi. Đi cầu, rửa tay, đánh răng, và cả
tắm giếng, Thầy nói, cũng là những dịp tốt để
hướng về nội tâm. Thầy khuyên tôi nên tự nhiên
trong lúc thực hành, bắt đầu chầm chậm rồi để
việc gì tới sẽ từ từ tới, không nên quan tâm đến
kết quả. Bấy giờ có một số hiểu biết lý thuyết
rồi, tôi chỉ cần thời gian thực tập và cố chuyên
cần. Không còn gì để hỏi, tôi bái tạ Thầy và đi
xuống trong tỉnh thức.
GIA
TĂNG NỘI QUÁN
Trong
tuần lễ kế tiếp tôi đã quen với thông lệ và thấy
sự tập trung/tỉnh thức của mình tăng dần. Tôi
bắt đầu hiểu sâu thế nào là vô thường. Khi lưu ý
tới sự phồng xẹp của bụng, tôi nhận biết mỗi
phồng xẹp bao gồm nhiều động tác riêng biệt, như
động tác bắt đầu, động tác ngưng và thời gian
giữa hai động tác đó. Quán xét như vậy, tôi chia
cái tổng thể xem chừng như bất khả phân thành
nhiều phần nhỏ riêng biệt. Sự tỉnh thức cao giúp
tôi nhận biết nhiều cảm giác khác nữa khi chúng
đến và đi; có khi chúng đến và đi rất bất ngờ.
Vào thời điểm bận rộn, tôi không kịp ghi nhận
hết bởi chúng vụt qua quá nhanh. Tôi bực bội đôi
khi. Rồi tôi chú ý làm chậm lại bằng cách trở về
với 'phồng xẹp' của bụng và để cho các tác nhân
kích thích tiếp tục dồn đống theo đà của chúng.
Với tất cả chuyện xảy ra đó,
tôi nhận biết thế nào là bản tánh của tâm khởi,
cái tâm nhận vô, xác định và phản ứng với một số
tác nhân kích thích quen thuộc và lờ bỏ cho số
tác nhân kích thích còn lại trôi qua. Khi tâm
chọn một cảm quan nào đó, tác nhân kích thích đó
trở thành trọng tâm chú ý và đảm nhiệm vai trò
chủ đề. Quán chiếu như vậy và sâu thêm, tôi biết
ra rằng tất cả trong thế giới vật lý chung quy
chỉ là cảm giác hay vi ba năng lượng--màu sắc,
âm thanh, mùi vị, và xúc giác--mà tâm khởi tưởng
tượng dựng lên để nhận thế giới đó là thật. Theo
cùng một tiến trình tâm linh như vậy, các niệm
thích/không thích, khoái lạc/đau khổ, tốt/xấu
đều có bản chất tương tợ. Do nơi được giáo dục
từ tấm bé, chúng ta có thói quen dính mắc và
phản ứng với một số cá thể đặc biệt, tức nhóm
người và vật mà tâm ta quen mặt. Cuộc sống của
chúng ta thiệt sự chỉ xoay quanh những cảm thọ
tâm linh được xác định trước đó; tâm thức của
chúng ta tìm cách nhận và giữ những gì ưa thích
hay tốt lành và gạt bỏ những gì không hạp, khó
ưa, hay xấu xa. Lúc quán chiếu tổng thể tiến
trình ấy, tôi nhận biết rằng quan niệm chẳng qua
là do ảo giác tạo tác chớ vật thể tự nó không có
thật. Từ đó, tôi hiểu lời nói của Du Già và Phật
Giáo rằng: "Thế giới là ảo ảnh do tâm tạo." Tôi
cũng hiểu thêm thế nào là Không.
Những quán xét nội tâm ấy còn
giải lộ đặc tánh vô ngã (anatta)
của tiến trình. Tôi không quyết định được chuyện
gì xảy ra cả; cảm giác cũng như hoạt động tâm
linh tự đến rồi tự đi, để lại dấu vết tương
ứng--không được tôi đồng ý mà còn nghịch ý tôi
nữa. Tôi chỉ muốn theo dõi hơi thở mình một cách
tĩnh lặng, nhưng tôi kinh ngạc thấy máy chiếu
phim trong tâm tôi cứ chiếu hết tuồng này tới
tuồng khác. Vài tấn tuồng xảy ra hằng ngày giúp
chứng nghiệm sinh hoạt tâm linh và chứng thực
tánh vô ngã. Một trong những tuồng đó không hay
lắm nhưng cứ lập đi lập lại hoài là tuồng chú
tiểu đem
canda
tới hồi sáng. Chỉ bằng vào tiếng động, tâm biết
lúc nào chú đến, mở cửa, rót
canda,
rồi ra đi. Lắm lúc câu chuyện như là một chuỗi ý
tưởng, lúc khác như cuốn phim màu sặc sỡ. Thường
nó gây sự chờ đợi, mong muốn, nôn nóng, và phân
vân. Tôi tự hỏi nên để
canda
đó, lờ sự thèm khát, hay ngắt thiền để uống
trước khi nó trở lạnh.
Đồng hồ gõ cũng tạo nên hoạt
động lập trình. Tôi hầu như luôn nghĩ tới lúc đó
là mấy giờ và cùng đếm tiếng chuông hay thử tiên
đoán. Nếu là 3:00 giờ sáng, tôi tự thuyết phục
mình nằm chợp mắt thêm, hoặc vừa nằm vừa tập
theo dõi hơi thở, và định bụng sẽ dậy đúng lúc
3:30. Nhưng tôi thường ngủ quên tới 4:00 giờ để
rồi tự giận mình và tự nguyện sẽ không làm như
vậy nữa. Lúc chuông đổ 5:00 giờ, tôi nghĩ tới
canda
và 5:30 lại nghĩ có nên đi ăn sáng không hay chỉ
ăn cháo là đủ rồi. Nhiều lần tôi bỏ ăn sáng để
tiếp tục ngồi thiền, nhưng tôi lại lý luận rằng
mình đang ốm tong nên cần ăn để thêm ký lô--má
tôi chắc thích tôi làm như vậy. Có lúc tôi muốn
nhịn ăn ngọ hay nhịn ăn nguyên ngày để làm một
chàng du già lý tưởng dưới mắt của các bạn đồng
khóa. Nhưng vô ích, tôi luôn luôn đi ăn quá
đường. Và, thay vì tập bỏ dính mắc, tôi vẫn tiếp
tục chọn thứ rau đậu tôi thích nhứt (sống, luộc
sơ sơ, và ít cay), tránh thịt và chừa bụng cho
trái cây và đậu hũ tráng miệng. Tôi bào chữa
mình bằng cách tự nói rằng tôi phải chọn thức ăn
vì tôi ăn theo cách du già và muốn giảm sự hôn
trầm trong lúc thiền sau bữa ăn. Tôi còn muốn,
dầu chỉ là chút muốn khiêm nhường, làm mình hơn
thiên hạ, kể cả Thầy, khi cố ngồi ngay ngắn với
tâm tỉnh thức--kết quả rất như ý!
Một dịp tốt khác để quan sát
phản ứng duyên khởi là lúc tôi bị ruồi muỗi vo
ve bên tai hay đáp xuống quấy rầy; chúng ở quanh
đây rất nhiều. Chỉ mới nghe tiếng chúng tới là
còi báo động trong tôi ré lên rồi; và tấn tuồng
được diễn ra như sau: "Con gì đó, mong rằng nó
không đáp xuống tôi." Nếu là ruồi tôi sợ lây vi
trùng. Nếu là muỗi, tôi sợ bị chích đau và bị
lây sốt rét. Nếu nó đáp xuống, tôi tự hỏi nên
đuổi hay cắn răng chịu cho nó cắn đến lúc nào nó
chán thì thôi. Tôi thọ giới thứ nhứt nên cố
tránh đập chúng chết, nhưng không phải lúc nào
tôi cũng kiểm soát được mình. Nhứt là khi ruồi
sà xuống môi hay khóe mắt tôi, hoặc nhiều muỗi
đua nhau hút máu tôi cùng một lúc, tôi có thể
đuổi nhẹ chúng đi. Tất cả những niệm ấy dấy lên
chỉ vì thính giác hay xúc giác của tôi bị xúc
tác!
Tôi cố quan sát các chuyện ấy
với tâm càng ít chấp trước càng tốt và dùng phép
ghi biết khi thuận tiện; kết quả rất khả quan.
Đôi lúc tôi không khỏi cười thầm cái vô lý, sợ
hãi và phản ứng của mình. Lúc khác tôi chán ghét
sự ti tiện và đần độn của tôi trong nhiều dằn co
nội tâm. Tỉnh thức thâm sâu ấy làm phơi bày
nhiều khía cạnh của tâm lý mà tôi chưa hề ý thức
và nghĩ cần phải giải quyết. Lâu nay tôi chỉ xem
chúng là tự nhiên và không có suy tư nào cả.
Nhưng bây giờ tôi bắt đầu biết rằng các tập quán
đó do yếu tố tâm linh thiếu lành mạnh tạo nên và
nuôi dưỡng để rồi con người bị giầy vò bởi những
bâng khuâng, lo lắng, sợ hãi, vân vân.
Với tôi, kẻ quậy phá nhứt là
"cái-tôi-thân-yêu" rất ương ngạnh luôn luôn hiện
diện với nhiều ma thuật tinh vi. Nhận diện được
nó, tôi lần hồi hiểu rõ hơn thế nào là Khổ Đế và
Tập Đế. Mọi chứng nghiệm của chúng ta trong thế
giới vật chất và tinh thần đều liên tục đổi thay
và vượt ngoài vòng kiểm soát của chúng ta; nắm
bắt chúng với ham muốn ích kỷ và thiếu hiểu
biết, chúng ta chỉ chuốt lấy phiền não. Khi nắm
bắt được, cái được đã thay đổi rồi hay có khi
không còn nữa. Và, cái tâm không kiên định đã
hết ham thích cái bắt được rồi và muốn có cái gì
khác để thay thế. Túi tham không bao giờ có đáy!
Tập quán ung đúc bởi tham, sân, si tác tạo biết
bao hành động hạ tiện và ác độc khiến đau khổ
chồng chất. Đó là Khổ (Dukkha)
mà Đức Phật đã nói tới trong Tứ Diệu Đế. Khám
phá và quán xét Khổ là việc làm sáng suốt cũng
như hấp dẫn, nhưng nhận Khổ thuộc nội tâm thật
rất khó và đáng sợ.
Bây giờ tôi thấy được một
cách sâu thẳm hơn những gì tôi phải đương đầu
với. Tôi không biết tri kiến của con nguời có
giới hạn nào không. Tôi cũng nhận biết giữa hai
phương pháp minh sát thông thường có sự khác
biệt. So với những gì tôi đang theo học tại đây,
thiền quét của Thầy Goenka được xem như là một
chương mở đầu vào đại trí tuệ của nhà Phật.
Trong lúc thiền quét đặt trọng tâm nơi vô
thường, điều tôi đang thực tập (với sáu căn tỉnh
thức trong bốn thế đi, đứng, nằm, và ngồi) đi
thẳng vào và phát hiện tất cả ba đặc tánh vô
thường, duyên khởi và vô ngã, nhứt là hai tánh
sau. Đức tin và niềm tin của tôi vào Phật pháp
ngày càng lớn mạnh. Hứng khởi, tôi quyết lập lại
các chú nguyện Tây Tạng mà tôi xao lãng từ lúc
rời Goa, với cảm và ứng mới.
Nơi cuối hành lang là một
điện thờ nhỏ, trong ấy có tượng Đức Thích Ca,
nhang, đèn dầu, đèn cầy, và diêm quẹt để ai muốn
tới lễ tùy ý. Lúc đi thiền ngang qua, tôi
thoang thoáng thấy có người phương Tây đang
thiền hay làm lễ
puja
gì
đó.
Với tín tâm mới phục hồi, tôi về điện mỗi đêm:
tôi khêu sáng đèn lu, thay mới nhang tàn, và
đảnh lễ Phật. Khi mồi đèn, tôi cầu nguyện 'Mọi
chúng sanh nhóm lên đốm lửa trí tuệ trong tâm
mình để xua bóng tối vô minh, như tôi đang thắp
ngọn đèn này.' Lúc đốt nhang, tôi nguyện 'Như
khói hương đẩy lùi ô uế trong phòng này, mọi
chúng sanh và tôi xa lìa tam độc và trưởng dưỡng
đức hạnh của Thế Tôn.' Rồi tôi lạy Phật; số lạy
thay đổi tùy theo tâm tư tôi lúc bấy giờ, hay số
niệm tiêu cực của tôi trong ngày, hay thấy ngã
chấp mình còn quá nặng. Tôi lễ bái với tâm
nguyện xả bỏ bản ngã và chấp trước, mong tới gần
bờ giác, và cũng xin hồi hướng công đức mình.
Tôi chấp tay quỳ nguyện quy y Tam Bảo và hành
Ngũ Giới. Kế, tôi ngồi kiết già và xướng toàn bộ
lời nguyện Tây Tạng mà tôi còn nhớ trong lúc
chiêm nghiệm sự tái sanh. Không khí làm tôi hồi
tưởng Kopan-- sự hồi tưởng sống động và đầy cảm
xúc đến đỗi tôi phải bật khóc đôi khi. Tôi kết
thúc lễ bằng sự rải tâm Từ đến ba má tôi, các
vị sư Goenkaji, Swami Gitananda và Lạt Ma Zopa,
và tôi hồi hướng công đức tới mọi chúng sanh.
Trước khi rời điện Phật, tôi cúi đầu xá rồi ra
đi thiền chầm chậm.
Mỗi đêm, sau lối một giờ phát
tâm tỉnh giác trong điện Phật, tôi cảm thấy mình
ngập tràn suối nguồn sinh lực an bình và cảm thọ
linh hoạt. Tôi có thể tiếp tục kinh hành và tọa
thiền dễ dàng trong sự tỉnh thức cao độ. Tôi về
lại cốc khoảng giữa 10:00 và 11:00 giờ đêm. Tôi
nằm nghiêng bên mặt theo 'thế nghỉ sư tử' của
Phật, chú tâm tỉnh giác cho tới lúc chợp mắt.
Kiểng đổ 3:00 giờ sáng, tôi 'nghe, nghe', 'mở,
mở' mắt và thức dậy ngay. Bằng những động tác
riêng biệt rõ ràng, tôi ngồi dậy, vương vai, rồi
đứng lên. Làm vậy, tôi xua đưổi sự buồn ngủ đang
níu kéo tôi và tôi có thể giữ tâm tỉnh thức
trong suốt buổi sáng.
Tôi sử dụng các thời tọa
thiền để tập gia tăng thời lượng ngồi kiết già.
Mục tiêu của tôi là phải ngồi cho được tư thế
hoa sen trong suốt một tiếng đồng hồ sau ba tuần
lễ tới. Mỗi thời tôi rán chịu tê ngồi thêm một
hai phút. Điểm đau nhứt là chỗ hai xương ống
chân tréo đè lên nhau; tôi bị nhức rang sau khi
ngồi chừng ba mươi phút. Một điểm đau nữa là chỗ
mặt chân trái đè lên vế mặt. Bị đau là một dịp
để tôi tìm cách đối trị. Tôi thấy nếu tách rời
được cái niệm đau khỏi tâm, tôi có thể vượt mọi
đau đớn, kể cả sự tấn công của đám muỗi. Tôi
liền 'thắt dây an toàn', cắn răng, và ráng chịu
đau thêm một chút. Sau hai tuần tôi đạt được mục
tiêu đề ra là ngồi liền một tiếng. Ít ngày sau
đó tôi ngồi thoải mái trong suốt ba suất thiền
tập thể, và tôi dùng các suất này để 'quyết tâm'
kéo dài thời gian ngồi kiết già. Một chứng cớ
cho thấy những gì trong tầm tay, tôi đều có thể
nắm bắt nếu tôi trì chí. Hãnh diện, tôi nói với
tâm vỗ nhẹ lên vai tự khen mình.
Tiếp tục đọc quyển
Thiền Minh Sát Thực
Hành,
tôi bị thu hút bởi tiến trình từng bước làm thế
nào để tới bờ giác ngộ[12].
Tiến trình mô tả gồm chín bước nội quán nối tiếp
tuần tự, và bước thứ chín dẫn đến Niết Bàn. Chín
bước ấy tương ứng với chín thiền tuệ[13]
thấy và biết rõ (1) danh pháp và sắc pháp sinh
diệt liên tục, (2) chúng tan hoại dễ dàng, (3)
sự tan hoại của chúng thật đáng kinh sợ (Bố Úy
Trí-Bhayanàna)), (4) chúng đầy tội chứng và là
mối hiểm nguy (Quán Hoạn Trí-Ádinavanàna), (5)
chúng đáng nhàm chán (Yếm Ly Trí-Nibbidànàna),
(6) muốn giải thoát khỏi chúng (Dục Thoát
Trí-Muncitukamyatànàna), cần minh sát trở lại,
(8) có tâm xả hoàn toàn với chúng (Hành Xả
Trí-Sankhàrupekkhànàna), (9) sự chứng ngộ Niết
Bàn. (xem ghi chú IV). Trên lý thuyết, đường đi
có vẻ trực tiếp và rõ ràng như một công thức hay
một lộ trình tới bờ giác được vẽ sẵn trên họa
đồ. Đã rành rành như vậy, thế mà tôi chưa thấy
biết trong số sách Phật tôi đã đọc. Tôi bèn đọc
đi đọc lại và nôn nóng muốn tập thiền quán ngay
theo pháp chỉ dẫn. Dẫu chưa biết nhưng đã sẵn có
chút kinh nghiệm trong một số bước, tôi nghĩ
chắc không mấy khó thực hiện.
Trong suất ngồi thiền theo
sau đó, tôi vừa chú tâm vào động tác phồng xẹp
của bụng vừa từ từ nới rộng tâm tỉnh thức sang
các cảm giác khác, đặc biệt để ý đến cái lúc mà
cảm quan tác động. Tôi tò mò tìm xem có thể thật
sự phát hiện khoảnh khắc mà một cảm thức xuất lộ
như một hiện tượng riêng biệt rồi biến mất hoàn
toàn, nhường cho cảm thức khác đến (như sách đã
nói). Mỗi cảm thức có một khoảnh khắc riêng của
mình, nhưng chuỗi cảm thức đến với tôi như một
đoạn phim trong ấy các hình riêng biệt được
chiếu liên tục. Sách có nói diễn tiến xảy ra
cực kỳ nhanh, nhưng với tỉnh giác cao ta có thể
nhận ra từng cảm thức đó lúc đến cũng như lúc
đi. Bấy giờ tôi chưa nhận thức được như vậy một
cách rõ ràng, nhưng tôi có cảm tưởng mình kinh
nghiệm được một dòng với nhiều cảm thọ nối đuôi
nhau hiện biến. Lúc không còn kiểm soát được
nữa, tôi đổi qua bước thứ nhì và chú ý quán xét
sự tan hoại của các pháp thế gian. Những tan
biến tức khắc nối đuôi nhau từng loạt như những
tràng đạn lửa mất hút trong đêm tối mà tôi nhớ
đã thấy lúc tập bắn súng liên thanh M-60 hồi mới
nhập ngũ. Cũng vậy, tôi đang chứng nghiệm một
dòng cảm nhận nối đuôi tan biến trong tâm tôi.
Tôi không thể phân biệt được đó là cảm thọ gì,
xúc giác hay thính giác; chúng bay vù qua và mất
hút nhanh đến đỗi tôi không đủ thì giờ phân
biệt. Nhiều tư tưởng ngẫu nhiên (không mời mà
tới) cũng có đến nhưng cũng biến nhanh.
Tuy chứng kiến thụ động nhưng
tôi có cơ hội hiểu rằng các pháp ấy vô thường,
bất toại nguyện và vô ngã. Rồi tôi chiêm nghiệm
thấy
trọn tiến trình (sinh diệt) không gì hơn là đau
khổ, một mối nguy tiềm tàng đáng sợ (nếu ta bị
dính mắc hay bám víu vào) như sách đã dẫn. Biết
vậy rồi tôi sang bước nhàm chán. Tôi có thể nhận
thấy tâm không còn ưa hay ghét sắc pháp hay danh
pháp nào cả và cảm thấy chút thanh thản, nhẹ
nhàng và hoan lạc vi tế. Một lần nữa, như sách
đã đề cập, tôi chiêm nghiệm Niết Bàn như trạng
thái an bình thật sự và hạnh phúc toàn vẹn trong
ấy tâm không còn ao ước hay vương vấn bất kỳ sự
việc gì trên thế gian này. Tôi cảm thấy vui hơn
nữa. Ý tưởng Niết Bàn đối với tôi rất hấp dẫn,
dầu chỉ mới nghĩ đến, nhứt là trong tâm trạng
nhàm chán. Tới đây, tôi đi được năm bước trên
chín bước thiền tuệ, tức khá xa và tôi rất thỏa
mãn. Ngoài ra, tôi đã ngồi thiền hơn một giờ
rồi. Chưa thật sự mệt mỏi nhưng tôi muốn xả
thiền một đỗi. Chén trà xế chú tiểu đem đến đã
nguội.
Xế chiều, lúc vào tham vấn
với Thầy Sivali, tôi cảm thấy không thể không
hỏi Thầy về thiền tuệ. Dầu tôi không nêu đích
danh nhưng Thầy có vẻ biết tôi muốn nói gì. Sở
dĩ tôi không đề cập thẳng vì sợ Thầy sẽ hỏi tôi
học ở đâu mà biết, trong lúc tôi muốn dấu chuyện
đọc sách lén. Thầy hỏi tôi đã trải qua kinh
nghiệm nào rồi. Tôi thưa có thấy thân mình như
một tập hợp vật thể thay đổi liên tục liên tục
và tâm mình như một dòng mảnh vụn cảm thọ, nhận
thức, ký ức, cảm xúc, tư duy quen thuộc của bản
ngã, vân vân. Tôi cũng có nói tôi nghĩ rằng bản
ngã là nguyên nhân và cũng là chủ nhân của tất
cả các tham ái, ghét bỏ, bâng khuâng, sợ hãi,
vân vân. Đại để, tôi nói những gì mà tôi nghĩ
Thầy muốn nghe hay làm Thầy nghĩ tôi đang đi
đúng đường , dầu các chứng nghiệm toi đạt được
đều thật. Nghe xong, Thầy điềm tĩnh gật đầu và
khuyên tôi tiếp tục thực tập như vậy nhưng đừng
kỳ vọng kết quả bởi mong cầu là một chướng ngại.
Trong nhiều thời thiền tiếp
theo, tôi có thể quán xét năm bước đầu một cách
nhanh chóng và tiếp tục qua bước giải thoát.
Theo sách, tôi minh sát mọi pháp của thế gian
khởi sanh[14]
như một khối đau khổ đang bừng cháy, đáng sợ như
một đống than hồng, và tôi mong được xả bỏ tất
cả. Chiêm nghiệm như vậy giúp tôi xa lánh và
cách ly tâm thiền quán của mình khỏi các cảm thọ
ùa đến hằng loạt từ bên trong lẫn bên ngoài[15].
Tôi mặc nhiên không còn muốn dính dáng với chúng
nữa và tâm tôi quay lưng tránh xa chúng. Ý thức
về 'cái tôi' mờ lần sau hậu trường, làm suy giảm
mối liên hệ giữa vật và chủ đối với tiến trình
của thân và tâm. Bản ngã trở nên rất mong manh
trong khi sự tỉnh thức còn đó rất rõ ràng. Tâm
không còn bị lôi kéo hay uốn nắn bởi chủ thể
kích thích nào hết. Tôi nghĩ đó là trạng thái
bình thản hay gần bình thản. Trạng thái ấy, rất
tiếc, không kéo dài lâu vì tâm tôi chưa đủ mạnh
lúc bấy giờ. Tôi cần thiền nhiều thời nữa mới có
thể làm quen với trạng thái tâm linh tinh vi và
tế nhị đó. Trong trạng thái bình thản, bản ngã
bắt đầu thoái hóa dần. Lúc nầy, thế giới quen
thuộc của chủ/vật bị đảo lộn và rã rời như kẹo
bơ (taffy)
hiểu theo nghĩa bóng. 'Cái tôi' bị khủng hoảng
bởi đất dụng võ của nó sụp đổ và giềng mối buộc
giữ nó với cái thế giới duy nhứt mà nó biết bị
cắt đứt. Nó rất lo. Nó sợ cái xa lạ nên lùi về
cái quen thuộc. Đó là những gì tôi chứng nghiệm
và hiểu được. Chứng nghiệm của tôi đạt được tới
mức mà tôi có thể bước vô giai đoạn của tâm xả
hoàn toàn đối với các pháp thế gian (tức bước
thứ tám, Hành Xả) trong vòng 10 tới 15 phút. Tôi
cũng có thể giữ tuệ hành xả này dễ dàng trong
suốt buổi thiền 1-tiếng đồng hồ hay lâu hơn.
Theo sách, bước tới là chứng
ngộ Niết Bàn. Tôi đoán biết Niết Bàn sẽ đạt được
khi mối dây buộc 'cái-tôi-thân-yêu' với thế giới
an toàn bị cắt đứt, khi có bước nhảy vọt lượng
tử qua cái không biết, tức cõi Siêu Tam Thế[16].
Trong cõi nầy bậc chứng ngộ đầu tiên là Thánh
Nhập Lưu (Sotapanna) có nghĩa là bậc đã thoát
tục, vừa nhập vô dòng Tứ Thánh[17],
và không quay lui mà tiến tới theo dòng đến mục
tiêu tối hậu là Niết Bàn trong thời gian ngắn.
Dẫu đã được Thầy Sivali
khuyến cáo chớ nên kỳ vọng, tôi vẫn có chút mong
cầu được chứng quả, trong lúc bản ngã tôi lại có
chút e dè. Mỗi khi tiến gần đến mức nhảy vọt,
hình như sự do dự hay sợ hãi tiềm tàng ra tay
ngăn cái bước nhảy vọt ấy lại. Có lúc tôi nghĩ
'cái tôi' như được cân bằng ở điểm nhảy vọt ấy,
nhưng tôi không thể để nó mất. Phải chăng tôi cố
gắng quá hoặc có nhiều kỳ vọng quá. Dầu sao đi
nữa, tôi vẫn nghĩ rằng đó là phương pháp phát
triển tốt nhứt mà tôi cần trì hành để hóa giải
mọi nghi ngờ, sợ sệt và chấp trước vi tế tiềm
tàng đang lôi kéo 'cái tôi' lại. Và tôi chấp
nhận tôi cần thời gian. Tôi chiêm nghiệm luân
hồi trong ấy con người từ vô thỉ vô chung phải
qua sáu đường và đã tích tụ biết bao tạp nhiễm.
Mong rửa sạch trong thời gian
ngắn (sáu tháng) quả là một ảo tưởng. Đối với
tôi bây giờ không có chọn lựa nào mà cũng không
có gì cấp thiết nên nếu có phải chờ cả đời tôi
để hoàn thành lộ trình đó, tôi vẫn cứ chờ.
Chiêm nghiệm lại sự tái sanh
làm người của mình, tôi nghĩ rằng mình là một cá
nhân mà nghiệp đạo đã chín muồi--hình như tôi
chỉ có đường vô chớ không còn lối ra. Trong suốt
thời kỳ tu học năng nổ qua, tâm tôi không sao
tránh khỏi bị một ít tư lự lấn chiếm. Thỉnh
thoảng tôi có nghĩ tới vài người bạn và tới
chuyện về thăm nhà hay đi du lịch thêm. Tuy
nhiên, đó chỉ là những tưởng nhớ vụn vặt sót lại
trong ký ức hay tập quán mà thôi; chúng tan biến
nhanh trước khi tôi lưu ý tới.
Đi thiền (thiền hành) và hoạt
động chẫm rãi giúp tôi đạt kinh nghiệm nội tâm
dưới một hình thức khác. Cử động với dụng ý thật
chậm đòi hỏi sự chú ý mẫn cán và dĩ nhiên sự
tỉnh thức cao độ. Mỗi lần dở chân lên, đưa chân
tới trước và đạp chân xuống hay mỗi lần quay
đầu, duỗi tay, vân vân, tôi có thể phân biệt lúc
bắt đầu, lúc kết thúc và khoảng thời gian giữa
hai lúc một cách rõ ràng. Tôi có để ý và nhận
thấy cử động xảy ra cùng lúc với tâm thứcvận
hành. Ít ra là có một lần, tôi chứng nghiệm tâm
thức vận hành 'như nhảy theo' cử động. Nó lóe
lên rồi mất ngay trong khoảng trống không của
tâm. Đó cho thấy tỉnh thức vận hành như chiếu
phim hát bóng, khúc phim là một dây liên tục gồm
nhiều ảnh (tâm sở) riêng biệt mà mỗi ảnh riêng
không có vai trò quan trọng nào hết.
Minh sát thâm sâu như vậy cho
thấy bản chất rắn đặc của vật thể trong thế giới
vật lý chỉ là ảo ảnh; thật sự chúng chỉ là cái
rỗng không. Tôi thích thú nhớ lại và so sánh sự
vận hành của thân/tâm với hoạt động của máy vi
tính mà tôi có chút kinh nghiệm. Thân (phần
cứng) chỉ có thể hoạt động nếu có hệ thống thần
kinh chuyển vi ba (dữ liệu) từ giác quan (thiết
bị nhập liệu) đến não (bộ nhớ); tại đây, dữ liệu
được lập trình và xử lý (phần mềm); rồi thân
được chỉ thị đi, ngồi, ăn, nói, vân vân (thiết
bị xuất).
Sau chừng mươi ngày, sự cử
động chậm vào sâu trong tiềm thức tôi; nó trở
thành tự nhiên, liên tục và không cần cố gắng.
Ngày ngày, bắt đầu từ lúc mở mắt đến lúc nhắm
mắt, tôi luôn luôn tỉnh giác trong mỗi hành động
và không cần vận dụng trí năng nữa. Một trong
những sinh hoạt ưa thích hằng ngày của tôi là
tắm giếng mà mỗi cử động sau đây đều được thực
hành một cách khoan thai, chẫm rãi: nhìn thấy
gàu, vói lấy, thả xuống giếng sâu, kéo nước lên,
giơ cao khỏi đầu, xối, nghe ướt mát lạnh--lập
lại tiến trình này nhiều lần cho đến khi toàn
thân sũng ướt. Kế tiếp, theo cách tỉnh giác vừa
nói, tôi thoa xà bông khắp châu thân, dội thêm
nhiều gàu nước nữa cho trôi hết bọt, lấy khăn,
lau khô, vận chiếc xà rong mới và giặt xà rong
cũ nều cần. Như cái xác không hồn nhưng rất tỉnh
thức, tôi nhận thấy mọi vật rõ ràng, trong sáng
và sống động--gàu, nước, tường che với vết nứt
có cây đơm rễ, xà bông trên người tôi, và lớp da
của tôi. Rồi trong những sinh hoạt khác như đại
tiểu tiện, đánh răng, dọn dẹp phòng, vân vân,
tôi cũng làm bằng cách chẫm rãi tỉnh thức đó.
Tôi say mê theo dõi tiến
trình. Tôi có cảm tưởng như mình đang xem ai đó
trong phim chiếu bóng; nhiều lúc tôi như trong
mơ dầu tỉnh thức. Cảm thọ mới này không khác gì
mấy cảm thọ mà tôi trải nghiệm khi hút ma túy.
Thực tập theo kiểu này là một phương cách hữu
hiệu để đưa thiền vào mọi hoạt động lớn nhỏ hằng
ngày. Nói cách khác, hành thiền không phải chỉ
là trong lúc ngồi tĩnh lặng mà là trong mọi công
việc chúng ta làm hằng ngày.
Tuy không được phép nhưng mỗi
sáng tôi đều tập vài thế yoga. Tôi thuờng bắt
đầu bằng năm mười phút thở sâu ba từng để đem
oxy vô máu, rồi tiếp theo là thế gập nguời về
phía trước và ngửa người ra phía sau để làm giãn
sống lưng, một ít thế giãn thân, và một hai thế
đứng một chân để tạo thăng bằng và chú ý. Tôi
tập theo lối tỉnh thức nói trên nên không làm
gián đoạn sự hành thiền minh sát. Tôi nghĩ chắc
không có gì tai hại. Trái lại, tôi nhận thấy lề
thói ấy rất có ích cho sự tuần hoàn và làm tăng
năng lượng. Tôi còn lập lại hoặc tập vài thế mới
vào buổi chiều trước giờ thiền tập thể. Dĩ nhiên
tôi tập lén trong phòng lúc mà chú tiểu không có
mặt.
Thỉnh thoảng, tôi không thể
bỏ lỡ dịp tốt nên có thì thầm chuyện trò với
Chris cũng như hai nhà sư phương Tây. Tôi muốn
biết Chris nghĩ thế nào về khóa tu thiền đầu
tiên của anh và anh đã chứng nghiệm được gì rồi.
Anh nói anh đang cần cù theo học phần căn bản,
cố dìm cái 'tâm viên' của anh, và thường thấy
mệt mỏi. Tuy nhiên, anh thích khung cảnh tĩnh
mịch, không khí vắng lặng, sự cô độc, cơm ngon,
và các khám phá mới về anh. Với hai nhà sư, một
nguời Anh và một người Gia Nã Đại, tôi được biết
sự thọ giới ở Sri Lanka không khó lắm. Chánh
quyền và dân chúng rất cảm thông tình trạng của
khách ngoại quốc nên sẵn sàng hỗ trợ cho ai muốn
thành tăng. Người muốn học Phật hay vừa học Phật
học thiền lâu dài đều được cấp giấy tạm trú một
năm. Tin này làm tôi phấn khởi và tôi ước ao
được thọ giới để trở thành tăng sĩ sống đời khổ
hạnh.
Khóa tu sẽ mãn trong ít ngày
nữa, tôi bắt đầu nghĩ đến chương trình sắp tới.
Tôi hơi ngứa chân và sẵn sàng thay đổi không
khí. Tôi cảm thấy đã có chút kinh nghiệm và thỏa
mãn với sự tu tập. Tôi nghĩ sẽ tiếp tục lối tu
tập này và sẽ tự tập thêm yoga, có lẽ ở một bãi
biển vắng nên thơ nào đó của Tích Lan. Một
chương trình khác là xuống Kataragama dưới miệt
Đông Nam của đảo Sri Lanka nơi nghe nói có
ashram
yoga của Đạo Sư Hindu Swami. Ashram nằm trên bờ
con sông cái và Đạo Sư Swami có một số phòng và
cốc cho người phương Tây.
Tuy nhiên, trước mắt Chris và
tôi phải trở lại Colombo ở với Sam trong dịp lễ
Vesak.
Tôi muốn thấy tận mắt dân Sinhalese cử hành lễ
Phật quan trọng nhứt này. Sam có kể rằng sẽ có
pandal
khổng lồ với màu sắc rực rỡ dựng trên nhiều
đường phố và đèn
Vesak
treo trước mọi nhà mà Sam muốn chúng tôi xem cho
biết. Sam mong chúng tôi sẽ về lại thủ đô ở với
anh ít ngày để anh có dịp hướng dẫn chúng tôi đi
xem lễ hội.
Hôm chia tay, tôi thu xếp đồ
đạc, vào điện lễ Phật lần chót, đứng nhìn cảnh
vật chung quanh, rồi mạnh dạn lên đường. Chris
cùng đi với tôi đến liêu của Thầy Sivali để cám
ơn về những chỉ dẫn minh triết và bổ ích cũng
như thạnh tình và lòng kiên nhẫn mà Thầy đã dành
cho. Tôi thưa rằng tôi đã học được nhiều phương
pháp thâm sâu, thực tiễn và hữu ích mà bấy lâu
nay tôi chưa từng biết có trong thiền Phật giáo.
Với giọng ôn hòa và điềm đạm Thầy chúc hai chúng
tôi mọi điều tốt đẹp trên đường học Phật. Chúng
tôi bái Thầy, lui ra, và Thầy trở về thế giới
tĩnh lặng riêng của Thầy. Theo thói quen, chúng
tôi bước chậm và tỉnh thức, qua vòm ngọ môn, đi
lối một phần tư dặm xuống bến xe buýt ở góc
Delgoda--chúng tôi trở lại thế giới Ta Bà.
*
Chương 16
VỊNH
UNAWATUNA
Chúng tôi không có báo cho
Sam ngày trở lại, nhưng anh biết chúng tôi có
thể về bất cứ lúc nào. Anh rất vui gặp lại hai
chúng tôi và muốn biết kết quả của khóa tu học
vừa xong. Thật rất khó cho tôi tường thuật đầy
đủ chi tiết vì biết trình độ thiền của anh chưa
đến mức chuyên sâu. Do đó tôi chỉ mô tả sơ lược
để tránh cái lỗi lầm đi giảng tỉ mỉ môn vật lý
nguyên tử bằng vài câu ngắn gọn cho người có
trình độ toán học hạn hẹp. Chiều tối, vài bạn
của Sam ghé chơi, theo thói thường trong những
ngày lễ lạc. Mọi người có dịp chuyện trò và tôi
được nghe biết thêm về
Vesak
và tục lệ Tích Lan.
Vesak
là lễ Phật giáo tuơng tợ lễ Giáng Sinh của đạo
Chúa. Đó là ngày vui nhứt của ba sự việc tốt
lành xảy ra trong đời Đức Phật: đản sanh, thành
đạo và nhập diệt hay đạt Vô Dư Niết Bàn (Paranibbana).
Theo truyền thống Theravada ba sự việc trên đều
xảy ra trong ngày trăng tròn tháng Năm của niên
lịch Nguyên Thủy[18].
Vì vậy ngày trăng tròn tháng Năm, gọi là ngày
Vesak,
được xem như tam-lễ-nhựt và là một lễ quốc gia
Sri Lanka nghỉ tới ba hôm.
Đúng ngày trăng tròn hầu hết
Phật tử thuần thành đều dành thì giờ để suy
nghiệm, lễ bái và thiền định. Họ đi chùa, vô
lâm tự (chùa trong rừng) hay đến một địa điểm
đặc biệt nào đó làm lễ 'sil
'. Họ đến với y phục trắng cổ truyền gọi là 'bộ
sil
'. Họ bắt đầu từ lúc 6:00 giờ sáng, tham dự
chương trình lễ cả ngày gồm nhiều tiết mục như:
thọ Tam Quy và Ngủ/Bát/Thập Giới do sư trụ trì
truyền, pháp thoại do sư của chùa hay khách (có
thể là sư hay cư sĩ) mà chùa mời tới giảng,
puja,
tụng kinh, và thiền. Tại các trung tâm thiền có
tiếng như Kanduboda và nhiều viện trong rừng xa,
Phật tử chí tâm đến từ ngày hôm trước và ở lại
hai ba hôm để lễ bái và nhứt là để thiền. Một
số đông khác đến chùa địa phuơng vài tiếng để
dưng bông, tụng kinh, viếng sư, và nghe
bana.
Số khác làm lễ
puja
hay ngồi thiền trước bàn thờ tại nhà. Sam cho
biết thêm ở Sri Lanka, ngoài
Vesak,
Phật
tử còn hành lễ tương tợ vào tất cả những ngày
trăng tròn mà dân chúng gọi là ngày
Poya
.
Sau cơm tối, Sam cùng Tilak
và hai bạn nữa đưa chúng tôi xuống đại lộ Galle
Face xem
pandals.
Pandal
là những kiến trúc bằng gỗ sơn phết sặc sỡ mô tả
đời sống của Đức Phật hay tiền kiếp của Ngài
(Kinh Jakata).
Nhiều pandal
rất to, cao tới ba mươi bộ, được kết đèn hoa
chớp nháy muôn màu. Có thêm nhạc phát thanh inh
ỏi nhằm thu hút sự chú ý của khách nhàn du. Đi
xem pandal
là một dịp để bà con ra khỏi nhà, dạo phố, gặp
bạn, và chuyện trò. Trên đường đi dạo, tôi quan
sát thấy không mấy người thật sự suy ngẫm về Tứ
Diệu Đế dầu họ nhìn say mê các
pandals
trang
hoàng lòe lẹt. Theo ý tôi, tiền dựng và trang
trí đèn hoa cho
pandals
nên dành để nuôi người nghèo hay cho các công
tác từ thiện thì hơn. Tôi thầm cười không biết
Phật nghĩ thế nào khi thấy dân chúng kỷ niệm
Ngài và lời dạy muôn thuở của Ngài như vậy. Từng
quen sống với nội tâm và chiêm nghiệm vô thường,
tôi không thể bỗng nhiên hướng ra ngoài để vui
với các thú vui này. Tuy nhiên, đây là một dịp
đi ra cho biết dân tình và văn hóa địa phương.
Hôm sau tôi và Chris đến một
ngôi chùa lớn để viếng vị thầy uyên bác khả kính
mà Sam có lần nhắc tới. Chùa có tên là
Vajirarama và thầy là Sư Narada. Ông viết nhiều
sách Phật, chu du khắp Đông Nam Á Châu, có công
phát huy tông Theravada ở nhiều nơi. Ông vừa là
vị sư, bực thầy và người bạn tâm linh rất được
kính nể tại quê nhà ông. Lúc tới nơi, chúng tôi
thấy ông ngồi trên chiếc ghế trước cửa thư viện
chùa, đang nói chuyện với hai đạo hữu, nên đứng
đợi đằng xa. Đến lượt mình, chúng tôi bước lại
thi lễ. Thầy mời chúng tôi ngồi xuống chiếu
trải dưới thềm. Thầy là vị sư già có nụ cười rất
thân thiện. Bằng tiếng Anh lưu loát, Thầy hỏi
ngay chớ chúng tôi từ đâu đến, ở Sri Lanka bao
lâu rồi, và có tập thiền không.
Sau lời chào mừng, tôi thưa
rằng đã gia nhập tông Mahayana ở Nepal, có học
chút ít thiền minh sát với Thầy Goenka, và vừa
xong khóa tu học ở Kanduboda. Thầy trầm tư theo
dõi, mỉm cười nói 'Tiếp tục, Tiếp tục'. Tôi tiếp
tục trình bày tại sao quán niệm tánh vô thường
đã dẫn tôi đến nhận định bản chất Không và không
thỏa mãn của ngũ uẩn và tại sao nay tôi không
còn ý muốn theo đuổi trần thế mà muốn trở thành
tu sĩ. Nghe tôi xong, Thầy nói 'Tốt, Tốt', với
tia sáng trên khóe mắt. Thầy tặng tôi quyển kinh
Pháp Cú
Dhammapada
của Thầy dịch ra Anh ngữ từ tiếng Pali. Lần đầu
tiên tôi được đọc lời dạy minh triết, ngắn gọn
và chính xác của Đức Phật, tôi rất vui mừng. Tôi
chân thành cảm tạ Thầy.
Thầy Narada cho chúng tôi
biết thêm có một sư người phương Tây tên Samitta
đang lưu tại chùa Vajirarama trong vài hôm. Sư
từng theo khóa học Kanduboda và đang chọn tu khổ
hạnh. Tôi mong muốn được gặp sư để biết thêm về
các tu sĩ Tây phương sanh sống tại đây; lúc ở
Kanduboda tôi không có dịp nói chuyện tự do với
hai thầy người phương Tây tại đó. Thầy Narada
nói chúng tôi có thể gặp sư nếu sư rảnh và cho
người vào mời sư ra. Trong lúc chờ đợi, Thầy bảo
chúng tôi có thể vô xem qua thư viện nếu muốn.
Sư Samitta đến. Ông trông rất
thanh thản và tỉnh thức. Ông bước chẫm rãi ngang
sân, đến ngồi trên chiếc ghế nhỏ. Thầy Narada
giới thiệu chúng tôi với sư rồi để chúng tôi trò
chuyện với nhau. Thầy đứng lên đi dạo quanh các
tháp mới quét vôi trắng trong khu cổng vào, nơi
có một số Phật tử đang tề tựu. Sư Samitta nói
ông không thể nói chuyện lâu hay bàn thế sự vì
không muốn bị phân tâm. Ông nói thêm rằng Phật
pháp chơn chính phải được hành trì chớ không
phải là những câu chuyện suông. Tôi hiểu và thầm
cám ơn ông. Ba tuần tu học ở Kanduboda cho tôi
thấy nói chuyện lâu với Sam và bạn anh chỉ thêm
phiền và mệt. Sư Samitta thọ giới sáu tháng
trước đây ở Kanduboda. Ông đang trên đường tìm
những nơi hẻo lánh để tự tu một mình. Ông nói
ông muốn đến những rừng có thú và rắn rít hầu
thực tập chú tâm và trấn an. Tôi hỏi sư về số
người Tây phương tu ở Tích Lan, sư trả lời không
biết rõ vì họ đến rồi đi liên tục; sư đoán chừng
hai muơi hai mươi lăm vị sống rải rác trên toàn
đảo, trong những cốc nhỏ hay những chùa trong
rừng. Sư nêu tên một tự viện nổi tiếng, Island
Hermitage, và nói tu sĩ Tây phương thường trú
tại đó hồi gần đây, có khi hai ba vị một lúc. Tự
viện nằm trên hòn đảo nhỏ giữa đầm nước lớn, gần
Galle, dưới chót đuôi bờ biển Nam.
Vì thấy tôi quá nhiệt tâm, sư
Samitta tiếp tục câu chuyện lâu hơn dự định và
cho biết thêm tin tức về một số tỳ kheo[19]
ngoại quốc thuộc thế hệ gần đây. Đặc biệt, có
một cố tỳ kheo người Anh, Nyanavira, được biết
từng tu tới hàng thánh (Nhập Lưu[20],
bậc đầu tiên của Bồ Tát giới). Ngài sống một
mình một thời gian dài trong cái cốc nhỏ trong
rừng gần làng Bundala trên bờ biển Nam. Dầu được
xem như đã đến bờ giác nhưng Ngài lại tự hủy
mình bằng cách dùng bao nylon trùm đầu cho đến
chết ngộp. Nghe nói Ngài bị đau bao tử và không
chịu nổi các cơn đau hoành hành. Hành động tự tử
làm nhiều người nghi ngờ tánh giác của Ngài, bởi
người đã nhập lưu không thể tự hủy mình--tự tử
là phạm giới cấm thứ nhứt. Sư Samitta kể thêm
trường hợp của một tỳ kheo người Mỹ sống ở cốc
Nyanavira hai năm trước đây.
Ngài đạp phải và bị rắn độc cắn lúc đi đêm trong
rừng không có đèn bấm. Ngài chết ngay vài giờ
sau đó. Cốc của ngài hiện do một tu sĩ người
Pháp ở; sư Samitta có đến viếng ông vài lần. Ông
chọn sống cuộc đời khổ hạnh của tỳ kheo nơi
hoang dã để thử thách tâm và để cho những mối lo
sợ sâu thẩm, bản ngã cũng như nhiều chướng ngại
khác xuất lộ. Được nghe chuyện của các tu sĩ Tây
phương chuyên tâm tu học và hiến thân cho Đạo
pháp tôi rất phấn khởi. Đã nói khá đủ cho một
ngày, sư Samitta xin kiếu về phòng ngồi thiền
chiều. Tôi cám ơn sư đã dành cho nhiều thì giờ
và đã đưa nhiều tin. Trước khi tạm biệt tôi xin
đuợc gặp lại sư, và sư trả lời: 'Rất có thể.'
Hôm sau đúng là ngày trăng
tròn Vesak.
Chris và tôi ở lại nhà, vô phòng nhỏ của chúng
tôi ngồi thiền và đọc sách. Chiều, chúng tôi
theo Sam và gia đình anh đến chùa gần nhà để họ
dâng hoa và lễ bái dưới cội bồ đề cũng như
trong chánh điện. Tôi ngồi trên lối cát rộng,
dưới gốc cây thiêng, quán niệm sự đấu tranh của
Thái Tử Siddharta với Mara[21]
lúc Ngài thiền định dưới cội bồ đề. Kế bên có
thêm một ít bà lão ngồi đọc kinh hay âm thầm
tham thiền. Một số khác, gồm nhiều phụ nữ mặc
trắng và trẻ con, vừa đi nhiễu quanh cây vừa
niệm chú hay xướng
Sadhu, Sadhu, Sadhu.
Tôi cảm thấy mình có chút tự
phụ 'thánh thiện hơn[22]'
và mình đang cố ngồi kiết già cho thật chỉnh.
Tôi biết ý nghĩ cho rằng mình hiểu đạo hơn nhờ
thiền và yoga là một chướng ngại nhưng tôi không
làm sao gội rửa sạch. Sau hơn hai mươi phút để
tâm viên nhảy quanh như vuợn, tôi không biết ai
hành trì đạo pháp chuyên chánh hơn ai. Có phải
là tôi đang ngồi như vị thánh sống mà tâm trí bị
nhiễm độc tố tự phụ hay là các bà đang đi nhiễu
và xướng Sadhu, Sadhu, Sadhu với tâm chơn chất
nhưng thành khẩn? Tình huống này tôi gặp phải
rất nhiều lần rồi nhưng khó mà giải quyết một
cách thật tình.
Chung chung, hôm ấy là một
ngày yên lành và cũng là ngày giúp tôi hiểu thế
nào là Phật giáo Tích Lan mà tôi sẽ có dịp tiếp
xúc trực tiếp hơn về sau. Trước khi vào giấc
ngủ, tôi mơ mình làm một tỳ kheo khổ hạnh, ở một
mình trong rừng, sống đời lý tưởng của một nhà
sư, và quay lưng lại thế giới bên ngoài. Tôi nào
có biết đúng ngày
Vesak
này năm sau tôi thọ giới sa di (samanera).
Từ lúc rời không gian yên
lành và thích hợp của Kanduboda, tôi tự nhiên
mất dần sự tỉnh thức trong từng cử động một và
quay lại trạng thái cảm thọ thông thường. Tuy
nhiên, vẫn còn tiềm tàng trong tôi chút cảm quan
về nội tại mà tôi có thể phản hồi dễ dàng để
đưa tâm trở lại quán chiếu sự không vuớng bận
bất kỳ những gì tôi nghĩ tới hay hành động. Khả
năng này, tôi nghĩ, cần được gìn giữ, và nếu giữ
được ngay trong lúc du lịch, sinh hoạt cộng
đồng, hay sanh sống hằng ngày, thì là một thành
đạt đáng kể.
Trong
hai ngày ở Colombo, Chris và tôi có bàn chương
trình sắp tới. Lúc ở Kanduboda Chris có quen một
yogi người Anh tên Gordon, chính là anh chàng
rời viện trước chúng tôi một tuần đó. Gordon
mướn nhà sống với bạn gái trong vịnh Unawatuna.
Vịnh có bãi cát dài hình liềm rất vắng lặng,
cách Galle vài dặm về phía Nam. Nghe tả tôi có
cảm tưởng đó giống Hồ Arambol, một nơi lý tưởng
cho việc tự tu của tôi. Chris cũng nghĩ như vậy.
Hai chúng tôi quyết định dến đó càng sớm càng
tốt. Nhà của Sam hơi chật và không tiện cho việc
tu tập của chúng tôi. Ngoài ra, chúng tôi không
muốn làm phiền anh lâu hơn và muốn giữ tình chủ
khách mãi đậm đà. Mỗi lần chúng tôi đến ở là nhà
anh phải có một người--bạn, người thân, hay là
người làm--phải trải chiếu ngủ ngoài phòng
khách; tôi khó chịu dẫu Sam nhấn mạnh là ok. Tôi
có thử đặt mình vào vị trí chủ của anh và có
biết đâu là giới hạn.
Trước khi rời Colombo, tôi
xuống nhà sách Lake House dưới phố tìm mua ít
cuốn đem theo đọc. Tôi nghĩ chắc sẽ có nhiều thì
giờ dư lắm. Ngoài ra, tôi cũng muốn biết thêm về
Phật học và các môn liên hệ. Tôi muốn kiếm loại
sách mỏng chuyên đề của Wheel viết về triết lý
Theravada. Sau một hồi lục lọi và vài phút do
dự, tôi chọn các đề tài Luân Hồi và Tái Sanh,
Duyên Khởi, Kinh Satipatthana, Năm Yếu Tố Giác
Ngộ, và Bát Chánh Đạo. Tôi còn mua thêm quyển
Living by
Zen[23]
của D.T. Suzuki. Nhơn lúc ở
dưới phố, tôi ghé qua Pettah mua thêm một sà
rong mới. Quen với cách ăn mặc thoải mái này,
bây giờ tôi thích vận sà rong và thấy không còn
cần quần dài nữa. Thay vì sà rong thường, tôi để
ý kiểu mà các tu sĩ hay mặc với ngoại y. Loại sà
rong này, còn gọi là 'y trong' để mặc bên trong
ngoại y, may theo lối vá quàng với nhiều ô vải
màu vàng và cam mà tôi rất thích. Tôi không cần
đắn đo có nên mặc sà rong tu sĩ hay không, dẫu
có nhớ tới bộ râu xồm xàm còn trên cằm và mình
chưa phải là thầy tu. Tôi vô tiệm hỏi, nguời bán
hàng bán liền không thắc mắc gì ráo.
Chris
và tôi cám ơn anh chị Sam và mẹ của chị đã tiếp
đãi chúng tôi rất nồng hậu và cho chúng tôi ở
không[24]
những lúc chúng tôi cần. Anh Sam nói nhà anh sẵn
sàng đón tiếp chúng tôi bất cứ lúc nào chúng tôi
dến Colombo; chúng tôi hết lòng đa tạ anh. Thiệt
rất tiện cho chúng tôi có được một chỗ dùng làm
điểm liên lạc và gọi là nhà. Từ rày thư từ của
tôi có thể đến đây thay vì phòng thư lưu ở sở
bưu điện và tôi khỏi mất thì giờ đi xuống GPO[25];
ngoài ra, sách báo gởi tới tôi cũng khỏi sợ bị
thất lạc. Nhưng điều quý nhứt là được ở với một
gia đình trung lưu địa phương để có thể học hỏi
về nếp sống và tình nghĩa của họ cũng như chia
xẻ với họ kinh nghiệm xa lạ của chúng tôi.
Chạy
khỏi Hikkaduwa vài dặm, xe buýt tới làng
Dodanduwa. Vừa qua Dodanduwa tôi thấy đằng phía
xa cái đầm lớn, giữa đầm có hòn đảo nhỏ với
nhiều cây cối, đảo Hermitage. Trên đảo có mái
ngói đỏ lờ mờ (mà sau này biết ra là mái thư
viện của tu viện). Tu viện nằm trong khung cảnh
lý tưởng mà tôi muốn viếng một ngày trong tương
lai. Tôi tưởng tượng nơi đó có nhiều tu sĩ/yogi
mặc sà rong ngồi dưới gốc cây tham thiền về vô
thường hay sanh tử.
Tại
Galle chúng tôi đổi xe đi xuống phía Nam chừng
ba dặm để tới nhà của yogi Gordon ở Unawatuna.
Theo bản đồ mà Gordon vẻ cho Chris, nhà nằm sâu
vô trong, cách đường cái lối nửa dặm. Chúng tôi
đi qua làng rợp bóng dừa, lòng vui thơi thới.
Một đám trẻ con theo nhìn đăm đăm hai anh chàng
'sudik' mang xách lủng lẳng trên vai. Ra tới
vịnh, mắt tôi hoa lên bởi làn nước màu ngọc
thạch phẳng lặng như gương trải dài chừng một
phần tư dặm tới mỏm đồi dừa đằng xa. Dưới chân
đồi, trên chót bãi cát cong, nhiều nhà nhỏ màu
vàng xếp thành một khu rộng sau bức tường rào.
Khu nhà riêng biệt một mình, bãi cát mênh mông
không một bóng người, quang cảnh yên lành khôn
tả. Tôi như bị thôi miên, tuởng chừng đã có gặp
cảnh nên thơ này đâu đó rồi và có cảm tưởng một
mối dây liên hệ đang buộc chặt tâm tôi với nơi
đây. Tôi chỉ còn biết đứng lặng nhìn cảnh mộng
và thấy lòng mình say mê như phê thuốc.
Thấy Chris không bị chi phối
nhiều và đang kiên nhẫn chờ tôi cùng đi đến nhà
Gordon cách đây không xa, tôi nói Chris đi trước
rồi tôi sẽ theo sau. Tôi muốn đi vòng cái vịnh
nhỏ để nhìn cho rõ nhưng chợt tỉnh nên tới gặp
bạn trước. Nhà của Gordon và Mona màu trắng, khá
lớn, có sân rộng, nằm khuất sau con đường làng.
Hai anh chị mừng gặp chúng tôi. Sau những lời
chào hỏi thân mật anh chị mời chúng tôi vào nhà
uống trà. Trong câu chuyện, tôi hỏi anh chị có
biết khu tường bên kia là gì không. Mona trả lời
hình như là một cái đền Hindu hay Phật giáo gì
đó. Theo sự không rành của chị thì đó được gọi
là kovil
hay
devale,
nơi thờ thần Hindu, nhưng cũng có một tượng Phật
lớn trong ấy. Đền không có người ở và thường
được khóa chặt. Mona rất tiếc không biết hơn nên
nói tôi có thể tìm hiểu thêm với dân làng mà có
vài người nói sỏi tiếng Anh. Tôi kể lại cảm nghĩ
của mình khi thấy khu đền ấy và nghĩ rằng nơi đó
rất tốt cho tôi tạm trú trong lần tới đây.
Tôi chưa hết mê say với cảm
giác ban đầu nên mong được sớm đi hỏi thăm. Tôi
bèn xin kiếu, còn Chris chọn ở lại chơi với hai
bạn mới. Tôi trở ra bãi. Vẻ đẹp thiên nhiên của
đầm làm tôi mê say thêm lần nữa. Trọn bãi dài
mênh mông, chỉ có vài ngư phủ đứng trên đám hoa
đá dưới nước lắp xắp chưa tới đầu gối và một ít
thuyền
catamaran
hai thân bản xứ phơi mình
trên cát. Gió biển nhẹ thổi qua tàu dừa tạo âm
thanh như nhạc reo. Tôi theo bờ cát đi lần tới
điểm đến. Khu đền nằm ngay dưới chân mỏm đồi đá
có nhiều bụi thấp và dừa rải rác. Cổng đền không
có khóa. Tôi vô trong, nhìn quanh, rồi đến xem
ba ngôi nhà mà cửa đóng chặt. Không một bóng
người; lá rơi đó đây trên sân; hoang sơ in dấu
trong nhiều gốc. Nhìn qua lỗ khóa vô trong tòa
nhà lớn nhứt, tôi thấy tượng Phật to ngồi trong
nội điện nhỏ không cửa sổ.
Ra bờ tường sau tôi đứng nhìn
sóng Ấn Độ Dương xô về, cuộn vòng mỏm đá vô bờ.
Dọc bờ vịnh có con đường xuyên làng với nhiều
hàng dừa cao. Đường xa đây gần nửa dặm nên tiếng
xe cộ không ồn ào mà âm ỉ hòa quện với tiếng
sóng vỗ lên ghềnh. Tôi quanh quẩn trong khuông
viên đền thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên xa lạ
trong sự tĩnh mịch huyền bí 'siêu thực'; tôi
chợt nhớ tới chuyện Robinson Crusoe trên đảo
hoang nhiệt đới. Một luồng năng lực vi tế đặc
biệt thấm nhập toàn khu. Mặt trời vừa lặn bên
kia đồi. Ráng hồng lơ lửng bay. Không gian trở
nên diễm ảo. Tôi 'được ban sủng hồng ân.'
Tôi quyết định dừng chân lại
đây, ngay bên trong hay cạnh đền, để thiền định
một thời gian. Tôi có thể luyện yoga trên ô cỏ
gần cổng dựa mé nước và ngủ luôn trên bãi cũng
đuợc. Nếu mưa, tôi có nền xi măng dưới mái hiên
quanh chùa. Tôi hy vọng sẽ được phép mở cửa vô
chánh điện lễ
puja
và ngồi thiền. Còn thiền hành, tôi xin đi trên
những lối cát trong khu. Tôi toan tính hơi
nhiều, có lẽ tôi phải bắt đầu từ chỗ khởi đầu.
Trước tiên tôi phải tìm người giữ chìa khóa để
hỏi xem phong tục địa phương về thờ tự có cho
phép tôi ở trong hay gần đền chăng, chớ tôi
không thể làm càng rồi xin phép sau. Ngoài ra,
tôi cũng cần hỏi Chris vì rất có thể Chris cũng
muốn ở đây với tôi để có anh có em và cùng nhau
thiền. Bây giờ đã tối không làm gì hơn được, tôi
sẽ nhận lời Gordon và Mona ở lại đằng nhà anh
chị đợi sáng mai tính sau.
Để rút gọn câu chuyện, tôi
xin nói ngay là sau đó tôi được vị sư trong làng
cho phép sử dụng đền
devale.
Thầy đưa tôi cả chìa khóa vô chánh điện để chúng
tôi vào ngồi thiền. Mỗi ngày chúng tôi lại nhà
Gordon và Mona ăn cơm theo lời mời của anh chị.
Trong vài ngày đầu Chris và tôi nhịn ăn để dễ
vào lối tu khổ hạnh.
Thấy chúng tôi theo đường
làng xuống vịnh, bà con ra cửa đứng tò mò nhìn,
bởi không mấy khi có du khách Tây phương đến
đây. Bãi biển và
devale
đều vắng vẻ như chiều hôm trước. Tôi mở cửa vô
điện thờ Phật xem kỹ. Ngài ngồi thế kiết già với
áo choàng màu cam đặc biệt của Tích Lan. Tượng
được đúc bằng gạch và xi măng choáng hết khoảng
không gian của điện thờ; đế tượng chỉ cách cửa
chừng nửa thước. Trước tượng có chiếc bàn để đèn
cầy, đèn dầu, nhang, và hoa. Trong góc có thùng
phuớc sương. Chris và tôi bắt đầu làm lễ
puja:
lên đèn, thắp nhang, lạy ba lạy, quy y Tam Bảo
bằng tiếng Pali, và đọc kinh Tây Tạng để động
viên tâm linh và hồi hướng công đức đến mọi
chúng sanh.
Lễ xong, Chris và tôi trải
nóp ngoài hiên sau chùa khuất tầm nhìn của khách
thập phương. Tôi vận chiếc xà rong tu sĩ vàng
lần đầu tiên và cởi áo để được thoải mái hơn
trong bầu không khí nóng ẩm của vùng nhiệt đới.
Chiều, hai chúng tôi dành
trọn buổi đi xem vùng lân cận. Chúng tôi leo lên
đồi nhìn quang cảnh rực rỡ chung quanh. Nơi
chúng tôi đứng là mỏm đá của một dãy núi kéo dài
hai dặm từ Galle, làm bờ chắn thiên nhiên ngăn
sóng lớn từ biển Ấn Độ vô vịnh. Mỏm có biển bao
quanh trừ dãi đất không quá năm mươi bộ nối với
đất liền. Trong vịnh, bờ biển được viền bởi một
rạng san hô khiến sóng đỗ ngoài khơi và tạo một
làn nước êm màu ngọc thạch dọc bãi. Nước, nước
trong ngần khắp nơi. Với ngọn dừa xanh du đưa
trong gió và bãi cát trắng hình vòng cung trải
dài xuống phía Nam. Thành phố Galle với thành
lũy cổ do Hòa Lan xây từ thế kỷ 17 và hải đăng
mới dựng có thể nhìn thấy đằng xa, cách đây lối
một dặm. Nhìn chung, cảnh quang phô bày một nét
đẹp khôn tả, nét đẹp vừa thiên nhiên vừa nhân
tạo này sẽ chế ngự tâm tư tôi trong những tuần
sắp tới.
Giấc mơ tôi đã thành sự thật.
Tôi không thể không nghĩ duyên kiếp nào đã đưa
đẩy tôi đến thiên đàng xa xôi này. Tôi đang ngồi
đây, trên bãi biển vắng lặng, giữa vùng duyên
hải tuyệt trần mà tôi chưa bao giờ biết; tôi mê
say--không phải bằng ma túy. Tôi dừng chân nơi
này, phải chăng để thăm xã giao hai bạn Gordon
và Mona hay vì một nguyên nhân sâu xa hơn? Theo
cách tôi bị mê hoặc, tôi nghĩ nơi này có lực vô
tình thu hút tôi như khối nam châm to. Và, bây
giờ đến rồi, tôi sẽ ở lại đây bao lâu? Vấn đề
này cũng ngoài vòng kiềm tỏa của tôi, tôi xin
phú cho trời vậy. Khi tôi đã học đủ những gì tôi
cần đưọc truyền dạy, tôi sẽ ra đi theo duyên
định đoạt bởi nghiệp số mà tôi đã tạo trong quá
khứ và hiện tại. Tiếp tục suy tư, tôi nghĩ đến
những biến chuyển trong đời, nhứt là trong những
năm sau trung học, đã dẫn dắt tôi tới phương
Đông này. Tôi có cảm tưởng bước đường trong quân
ngũ với ma túy ảnh hưởng nhiều đến tiềm thức tôi
để tôi bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị của cái
gọi là xã hội thông thường và sự mưu cầu hạnh
phúc. Rồi từ đó, tôi bị cuốn hút vô Thiền Tiên
Nghiệm và tiếp theo là đi Ấn Độ với nhiều vấn đề
riêng tư (như giao du với Gail, buôn lậu ma túy,
tù ở Afghanistan, vân vân) mà tôi rút tỉa kinh
nghiệm cho mình. Từ ngả ba Kopan, tôi chuyển
hướng sang tìm nội tâm hay sự Thật. Tôi thực sự
muốn tìm với tất cả tâm huyết mình và cả sự thôi
thúc tiềm tàng trong tâm tôi. Chuỗi biến chuyển
này, tôi sẽ chiêm nghiệm nữa hầu hiểu rõ hơn thế
nào là Tái Sanh Làm Người Toàn Hảo.
Chris và tôi thức dậy lúc
rạng đông. Chúng tôi lên đèn, thắp nhang rồi
ngồi thiền ngay trước cửa điện Phật chừng một
tiếng đồng hồ. Lúc bấy giờ ánh nắng ban mai
chiếu vô cửa và tiếng quạ đánh thức chúng tôi ra
khỏi tham thiền hay giấc mơ ngày. Tới giờ tập
yoga ngoài bãi, giờ tập mà chúng tôi luôn hằng
mong. Thay quần ngắn, chúng tôi xách đệm ra trải
trên đám cỏ gần bãi cát. Triều lên, nước lắp xắp
dưới chúng tôi chừng vài bộ. Sau khi xướng
AA-OO-MM vô ba buồng phổi như đã học, chúng tôi
tập các thế hữu cực
(polarity)
trong vòng một tiếng. Chúng tôi không hối hả vì
đã có ý định nhịn ăn hôm nay rồi. Nắng ấm sáng
nhẹ chiếu lên toàn thân, tôi cảm thấy mình đang
thấm nhập nguồn năng lượng thư giãn nhưng đầy
sinh lực.
9:30 giờ sáng: nắng nóng. Tôi
vô núp dưới hiên. Chris đang ngồi đọc sách ở
đây. Tôi lục xách nhưng chưa biết phải lấy tập
sách Wheel nào. Sau phút lưỡng lự ban đầu, tôi
rút tập Kinh
Satipatthana Sutra.
Đây là kinh Phật dạy về cách phát triển và thực
tập nội kiến/trí tuệ dưới hình thức bốn trụ cột
của tỉnh thức (xem tr. 323, q.II). Được biết
phương pháp đặc thù và thông dụng của minh sát
được trích từ các lời dạy bao hàm này. Tôi theo
Chris ngồi xuống dựa cột lật sách đọc; tôi rất
mong đuợc biết nguyên bản của lời Phật dạy.
Sau một giờ đọc rất thích
thú, hai chúng tôi vào thiền cũng một tiếng.
Trước khi xả, tôi nghe có tiếng người vô
devale.
Tôi cố đẩy tiếng động ra khỏi tâm bằng 'nghe,
nghe' nhưng vô hiệu. Họ theo lối lên điện Phật,
đến gần chúng tôi, vừa thì thầm vừa bày biện gì
đó lên bàn trong góc. Tò mò muốn biết họ làm gì,
tôi hé mi và chạm phải ánh mắt họ chăm chú nhìn
tôi. Tôi liền nhắm mắt lại và tiếp tục nghĩ. Có
hai bà lớn tuổi, một ông và hai em bé với một
vài giỏ xách để trên bàn. Rõ ràng họ muốn chúng
tôi lưu ý; tôi nghì rằng mình sẽ thất lễ nếu
làm lơ và thiền giã đò.
Biết họ biết tôi thấy họ rồi,
tôi mở mắt ngó Chris; anh đang đợi tôi hành động
trước. Các bà con lay hoay lấy chén dĩa và hộp
đựng thức ăn trong giỏ ra. Tôi biết ngay họ muốn
đem cơm đến cho chúng tôi. Không ai nói được
tiếng Anh, tôi phải dùng mớ Sinhalese tôi biết
và ra dấu bảo chúng tôi nhịn ăn hôm nay. Đoán họ
tưởng lầm chúng tôi là sư sãi nên cúng dường,
tôi bèn chỉ râu tóc mình và nói 'Không phải sư,
không phải sư.' Nhưng vô vọng. Các dân làng chất
phác này không hiểu lời giải thích vô bổ của tôi
hoặc họ không tin hay không cần biết. Đối với
họ, chúng tôi chỉ phải ăn, sư hay không phải sư
không cần biết, họ cứ múc cơm và cà ri vô đầy
dĩa. Trễ rồi. Chris và tôi ngó nhau bối rối.
Tôi nói chúng ta chắc phải ăn một chút để làm
vừa lòng họ. Họ là những Phật tử thuần thành rất
thật thà. Hai bà chuẩn bị lăng xăng nhứt. Và họ
đang múc một dĩa nhỏ cúng Phật, cúng Phật trước
rồi mới cúng tăng, tục lệ là như vậy. Kế, họ quỳ
trước bàn Phật tụng một thời kinh cúng duờng[26].
Cúng xong, họ bưng tới chúng
tôi hai ly nuớc để chúng tôi uống và rửa tay
trước khi đem lại hai dĩa cơm vun chùn. Rồi hai
bà bước trái ra sau đứng chấp tay chừng như đợi
chúng tôi nói lời gì. Vì không rành lời nguyện
cổ truyền của sư sãi, tôi nói "Bohoma
stuti
"(Rất đa tạ). Họ có vẻ khoái
chí khi nghe tôi nói tiếng mẹ đẻ của họ, họ
cười. Họ nhìn chúng tôi và chờ chúng tôi bắt đầu
ăn. Tôi nhắm mắt và trải tâm Từ đến các vị hảo
tâm trong nửa phút rồi quán chiếu một lúc lý do
của sự ẩm thực (cho thân lành mạnh để tri hành
Phật pháp) trước khi ăn trong tỉnh thức. Cà ry
chay nhưng nhiều thứ, thứ nào cũng có ớt cay.
Tôi biết rằng bữa cơm sáng nay sẽ làm tan cảm
giác thanh thoát nhẹ nhàng mà tôi đang trải
nghiệm nhờ không ăn sáng và có thể sẽ làm tôi
buồn ngủ vào chiều nay.
Tôi không ăn nhiều cơm và
chọn món ít cay.
Tôi có trộm ngó Chris và thấy
anh ăn ngon lành. Tôi cũng có liếc qua bàn và
thấy bình tàu hũ với một dĩa chuối đầy mà tôi
tin là để la sét; tôi chừa bụng vậy. Hai bà chăm
sóc chúng tôi rất tận tình làm tôi cảm động
nhiều. Tôi bèn muốn ăn nhiều để đáp lại công lao
của họ đã xới bưng tới. Họ đứng dan ra nhưng
luôn sẵn sàng đến để múc thêm thức ăn vô dĩa.
Khi tôi ra dấu đã đủ, người đàn ông đứng bất
động đằng kia nãy giờ bưng tới tô nước cho chúng
tôi rửa mấy ngón tay dính thức ăn. Kế hai bà
chia nhau bưng cho mỗi chúng tôi một chén tàu hủ
đầy rồi chế nước đường[27]
lên, và sau đó là chuối. Chưa đủ, người đàn ông
còn đem ra một bình thủy với tách và dĩa. Tôi
nói thầm 'Ối chào, trà hay cà phê nữa sao?'
Vâng, họ rót cho mỗi chúng tôi một tách cà phê
đen có đường; tôi nghĩ cà phê sẽ giúp tiêu hóa.
'Tiệc' xong, họ thu dọn thức
ăn thừa và chén dĩa vô giỏ xách. Tôi có biết
thông thường sư hồi hướng công đức cho giới đàn
na thí chủ, nhưng tôi không biết phải làm sao.
Thôi tùy cơ ứng biến vậy. Tôi chờ xem họ có đợi
gì nơi chúng tôi không, nhưng hình như các bà
không cần gì cả. Nghĩ chúng tôi là người ngoại
quốc không rành phong tục của họ nên có thể cho
chúng tôi, hai tên yogi đói khát, một bữa ăn no
trong ngày là họ mãn nguyện rồi. Từ bi của họ tự
nó tạo nên công đức chớ họ không cần được ai ban
bố. Trước khi họ ra về, tôi chấp tay vái chào
hai bà với lời
Bohoma stuti
nồng nhiệt. Các thí chủ chấp tay vái chào lại
với ba tiếng quen thuộc
Sadhu, Sadhu, Sadhu!
Sau khi các thí chủ ra về,
Chris và tôi thử tìm hiểu câu chuyện. Chúng tôi
chỉ có một giải đáp là ai đó đã đưa tin có hai
yogi đến
devale
để luyện yoga và thiền. Và
nghĩ rằng chúng tôi không có gì ăn nên các thí
chủ này tự động đem cơm cho chúng tôi. Chúng tôi
rất cám ơn thâm tình của họ dầu rằng chúng tôi
định nhịn ăn. Chúng tôi không biết chuyện có xảy
ra nữa không nhưng không dám mong.
Như đã biết trước, bữa cơm
làm tôi buồn ngủ thiệt. Tôi không cưỡng lại như
hồi ở Kanduboda và nằm xuống ngủ trưa. Thức dậy,
tôi rút sách
Foundations of Mindfulness
đọc thêm vài trang.
Sách mô tả sự chiêm nghiệm thân như gồm ba mươi
hai phần bắt đầu từ tóc, móng, răng, da, xương,
vân vân. Không nên nhìn thân là đàn ông hay đàn
bà, đẹp hay xấu, mà như một tập hợp gồm nhiều
thứ có thể vỡ, tan và hoại. Nên phân tích thân
như được tạo bởi bốn yếu tố Đất, Nước, Gió, và
Lửa. Như vậy, người yogi không còn ý niệm về các
phần của thân và tránh dược sự chấp trước cũng
như sự xác định thành phần của thân.
Ý tưởng này rất mới đối với
tôi, tôi bèn ngưng đọc để chiêm nghiệm. Tôi nhìn
thấy rõ ràng khía cạnh thực tiển của tâm lý sau
các chiêm nghiệm đó. Nếu xem thân, hay một vật
thể nào đó, là thật, cá biệt, đẹp, thích thú hay
không thích thú, tâm sẽ còn phân biệt, vướng
mắc, và tham ái. 'Cái-tôi-thân-yêu' sẽ còn bị mê
hoặc bởi cái thân mình và khao khát các thân
cũng như các đồ vật khác.
Tôi thử nghiệm các phương
cách ấy trước tiên trong lúc đi thiền và sau đó
bằng ngồi thiền dưới mé hiên khuất mọi người.
Tôi tưởng tượng thân tôi chỉ là một bộ xương đi
tới đi lui; thật rất hữu hiệu, nhứt là khi tôi
đi với mắt nhắm. Bằng vào kết quả của các tia X
tinh thần kia, tôi cảm khích vô biên Đức Phật
Toàn Giác, Người đã dạy những phương pháp tinh
tế khả dĩ đánh thức hành giả đang phiêu du những
bước mộng mị trong cõi Ta Bà.
Xế chiều có anh dân làng tên
Eustace đến thăm. Anh biết chúng tôi ở đây qua
tin đồn. Anh đem cho một bình thủy trà mà chúng
tôi rất hoan hỷ đón nhận. Anh nói trong làng
không có mấy người nói được tiếng Anh nên anh
muốn làm bạn với chúng tôi để thực tập; tiếng
Anh của anh khá. Được dịp may, tôi liền hỏi anh
bạn mới mình vì cớ gì dân làng đem cơm cho chúng
tôi hồi sáng. Eustace nói họ nghe có hai người
ngoại quốc mới đến dưới
kovil
vắng để thiền và luyện yoga nên họ rất quý. Dân
quê phần đông là chất phác và rất mộ đạo nhưng
chẳng mấy ai biết thiền thật sự là gì, họ chỉ
hiểu lờ mờ rằng đó là con đường dẫn đến Niết Bàn
vậy thôi.
Nghĩ rằng mình đang trong
vòng tục lụy, dân thường không tin họ có thể lên
Niết Bàn trong kiếp này. Nhưng là Phật tử, họ
biết họ có bổn phận hộ trì ai tu học để đạt tới
đích đó. Nếu người họ hộ đến được bờ giác, họ sẽ
được vô lượng công đức. Tôi hỏi Eustace chớ họ
có biết chúng tôi không phải là thầy tu không,
anh nói họ không cần biết, chỉ thấy chúng tôi
chú tâm thiền định là họ mừng rồi. Anh nói thêm,
bây giờ họ thấy sư sãi của họ xa dần đường tu
khổ hạnh của các tỳ kheo xưa để bon chen trong
giới học giả, xã hội hay cả chính trường nên họ
mất nhiều tin tưởng.
Eustace nói dân làng đặc biệt
vui mừng thấy chúng tôi là người phương Tây, dám
bỏ hết để đi nửa vòng trái đất tới chốn thôn dã
này, theo chân Phật. Rất nhiều gia đình muốn làm
đàn na thí chủ nên dọ hỏi nhau chớ chúng tôi có
ăn chay không. Tôi nói với Eustace rằng riêng
tôi, tôi có ước nguyện và tôi thích cơm gạo đỏ
bản xứ với rau đậu luộc sơ và trái cây; và chúng
tôi không thích ớt cay. Anh nói anh sẽ chuyển
lời.
Chiều, chúng tôi lại leo lên
đồi nữa để ngắm măt trời lặn và thở vô ba buồng
phổi. Hạt nước từ các ngọn sóng đập vô ghềnh
theo gió biển bay lên tắm mát mặt tôi, tôi cảm
thấy vô cùng phấn chấn. Trên trời, mây xám từ
phía Tây Bắc lơ lửng bay về che khuất vầng thái
dương vẽ một bức tranh vô cùng ngoạn mục. Lúc
trời sụp tối chúng tôi leo xuống, về ngồi thiền
trên bãi cỏ trước
kovil.
Cảnh
nước yên sóng lặng trong vịnh và tiếng vi vu của
lá dừa trong gió thoảng đưa tâm chúng tôi vào
hoan lạc một thời gian dài cho đến lúc trời tối
sẩm. Giờ trăng lên, tôi đi thiền chiêm nghiệm ba
mươi hai phần và bốn yếu tố của cái ảo tưởng gọi
là 'tôi'. Tôi nhận thấy ý thức ấy thật là sắc
bén và hữu hiệu. Tôi tưởng chừng như thân tôi tự
đi còn tâm tôi là một vùng trời thênh thang,
trong sáng, tràn đầy hạnh phúc. Tầm hiểu biết
của tôi như được rộng mở thêm.
Trước khi đi ngủ, tôi ngồi
dưới chân Đức Phật. Tôi hình dung mẹ, cha và
thầy tôi rồi gởi nhiều đợt sóng Từ tha thiết đến
các bậc sanh thành dưỡng dục này. Tôi cũng
nguyện trải lòng Từ đến mọi chúng sanh trong
hoàn vũ hầu tâm phân biệt tan biến hết trong ánh
hào quang của vũ trụ. Tôi chấm dứt một ngày với
Từ tâm và nhận thấy cách này giúp phần thiền
minh sát của tôi rất nhiều trong việc diệt tánh
Nhị Nguyên.
Tôi không có hớt tóc sáu
tháng nay, từ ngày duyên định ở Kopan. Tóc tôi
bây giờ dài tới năm-sáu phân và làm tôi rất bực
bội trong không khí nóng ẩm. Nhớ tới cảm giác
nhẹ nhàng, mát mẻ của cái đầu mới hớt và sau một
lúc phân vân, tôi quyết định đi hớt tóc. Cắt tóc
ngắn giúp tôi dẹp bớt sự hãnh diện tiềm tàng
trong đầu và làm tôi trông giống thầy tu hơn,
nhứt là trong lúc tôi ở tại
devale
này. Còn râu, tôi không định cạo dầu tôi biết
tôi còn chấp trước. Tôi lý luận, nếu cạo râu,
mỗi ngày tôi phải mất công châm sóc nó. Chris
cũng muốn đi hớt tóc vì bị ngứa đầu mấy ngày
nay. Sau cơm trưa, hai chúng tôi lấy xe xuống
Galle tìm tiệm hớt tóc. Lần đầu tiên ra khỏi ốc
đảo của mình, chúng tôi ghé thăm Gordon và Mona.
Anh chị mừng gặp lại chúng tôi. Anh chị nói muốn
xuống devale
thăm chúng tôi nhưng nghĩ rằng còn sớm nên để
chúng tôi vui với cảnh tĩnh mịch một thời gian
đã. Anh chị cho chúng tôi biết dân làng đồn rằng
chúng tôi là 'yogi tốt' chỉ biết lo thiền và tập
yoga, nên họ sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi đi tới
Niết Bàn. Sau tuần trà và mươi lăm phút chuyện
vãn, Chris và tôi tiếp tục lên đường xuống Galle
tới đường Matara. Bà con ra cửa đứng nhìn và tỏ
vẻ như biết chúng tôi là ai. Họ thì thầm: 'Hai
yogi ở
devale.'
Chúng tôi tìm mãi mà không
gặp tiệm hớt tóc. Tình cờ chúng tôi thấy cái
chòi nhỏ bên đường có một cái ghế nằm chông
chênh trên nền đất trước tấm kiến lớn trên vách,
tôi nghĩ là chỗ hớt tóc. Tôi hỏi cậu trai vận sà
rong trắng đứng trước cửa có phải là thợ không,
bằng cách chỉ đầu tóc tôi và ra dấu kéo cắt với
hai ngón tay nhấp nhấp. Anh cười, gật đầu và mời
chúng tôi vô; chòi anh rất thấp. Chris nhường
tôi hớt trước và ra ngoài đợi. Đồ nghề của anh
thợ chỉ gồm có: một kéo, một lược và một dao cạo
loại 'cắt cổ' mà tôi không muốn anh dùng để cạo
đầu tôi. Tôi ra dấu cho anh xài kéo và cắt ngắn
được chừng nào hay chừng nấy mà thôi. Tôi không
muốn trọc như thầy chùa, vì cái đầu mới cạo lán
bóng đi với y nửa sư nửa dân và bộ râu rậm màu
hunh của tôi thế nào cũng làm dân làng 'không
biết đâu mà rờ.'
Chris, trái lại, tẩy trọc cho
hết gàu. Nhờ anh mặc áo
banyan
trắng và vận sà rong thường nên không có dáng
dấp thầy tu. Tuy nhiên, lúc chúng tôi đi qua
Galle đến xem Đồn cổ Hòa Lan và mua sắm chút ít
vật dụng, nhiều người lấy làm lạ theo ngó chúng
tôi hoài. Và lúc về ngang làng, bà con, nhứt là
con nít vui tánh, theo chỉ chọc và cười khúc
khích, chừng như hai chúng tôi thay hình đổi
dạng lạ kỳ lắm. Chúng tôi lại ghé qua Gordon và
Mona nữa để xin tắm giếng và châm nước cho đầy
bình; anh chị cho rằng bộ vó mới của chúng tôi
thích hợp hơn.
Trong sáu tuần lễ tiếp theo
chúng tôi cứ hừng đông là tập yoga, rồi thiền,
và chạng vạng làm lễ
puja.
Dân làng thay phiên nhau bưng cơm trưa mỗi ngày,
có khi họ bưng cho ăn sáng nữa. Thật rất cảm
động khi thấy dân quê nghèo lo cho nguời dưng.
Sự bao dung của những người nghèo tiền nghèo bạc
này làm tôi phải tự dừng, tự kiểm và tự thúc đẩy
mình. Tôi có xứng đáng nhận sự chăm sóc tận tình
này không? Tôi có khả năng vật chất hơn họ nhưng
tôi đang ngửa tay nhận bố thí, chia miếng ăn của
chính họ. Họ đang đầu tư tâm linh nơi chúng tôi,
tin chúng tôi có thể lên Niết Bàn. Vậy tôi phải
làm sao cho xứng đáng chớ không thể ích kỷ ăn
bám họ. Bất giác tôi rơi vào tình huống khó xử
nhưng tôi thức tỉnh--biết mình không thể đi lui
và thể nghiệm sự tái sanh làm người toàn hảo.
Dầu ý thức rõ như vậy mà tôi vẫn không an tâm.
Tuy nhiên chúng tôi không thể làm khác bởi
Eustace từng cho biết chúng tôi sẽ làm họ thất
vọng nếu từ chối của họ cúng dường.
Mỗi ngày chúng tôi ngồi thiền
một tiếng trước bữa cơm trưa và lúc 3:00 giờ
chiều. Chúng tôi tập yoga lúc 5:00 giờ rồi lên
đồi thở sâu và ngồi thiền lúc trời lặn. Sau đó
chúng tôi ngồi ngoài bãi cát trước
devale
cho đến khi buồn ngủ. Trong thời thiền đêm, có
một cụ già ở trong xóm gần xách tới cho chúng
tôi bình trà nóng. Chương trình của chúng tôi
đôi khi cũng phải thay đổi, nếu chúng tôi có
khách hay có việc cần làm. Gordon và Mona thỉnh
thoảng đến lúc chiều tà và ngồi thiền với chúng
tôi. Còn Chris và tôi chia nhau thỉnh thoảng ra
nhà anh chị để tắm và lấy nước uống. Chúng tôi
không mấy khi bị quấy rầy bởi khách thập phương.
Họ đến đây, có khi từng đoàn, để cầu nguyện hay
làm lễ puja
vì
devale
là
đền công cộng. Khi gặp chúng tôi ngồi thiền, họ
xì xào và tò mò tới gần ngó cho biết và chúng
tôi trở thành lạ mắt đối với họ.
Tiếng đồn vang xa, tới Galle
và Matara hai mươi dặm dưới phía Nam. Nhiều
người đến chỉ nhằm mục đích để nói chuyện với
hai nhà 'yogi ngoại quốc'. Họ luôn luôn tìm cách
gặp chúng tôi nếu chúng tôi không ngồi thiền.
Chúng tôi thích trò chuyện với những người lễ
độ và có học về đạo pháp hay các đề tài tương
tợ. Và chúng tôi có dịp gặp một ít vị hoạt bát,
ý thức, rất hay, mà chúng tôi đàm đạo thích thú
hằng giờ. Cũng có nhiều người dùng cơ hội để tập
nói Anh văn. Chuyện họ chỉ quanh quẩn trong các
câu thông thường như: Ông ở đâu, xứ nào? Ông có
anh chị em không? Ông lập gia đình chưa? Tại sao
ông chọn sống chỗ vắng vẻ này? Những câu như vậy
cứ lập đi lập lại riết trở thành phiền toái và
có khi lố bịch, nhưng chúng tôi học được sự kiên
nhẫn và từ tâm.
Một vài lần chúng tôi bị đánh
thức lúc nữa đêm vì có người vô đền lễ
puja
hay cúng giải tà. Ở Sri Lanka người ta tin có tà
ma và ai bị tà ma nhập có thể tới
devale
để
cúng giải[28].
Devale
này lại nổi tiếng là nơi trừ
tà linh nghiệm nên được bà con rất chiếu cố,
nhưng không hiểu sao họ chỉ cúng lúc nửa đêm!
Tò mò, Chris và tôi có thức
xem cúng giải tà vài lần. Người bị tà nhập luôn
luôn tới với một pháp sư. Họ đem theo nào hoa,
quả, nhang, đèn dầu dừa, và cả dừa trái nữa. Họ
dâng bông và nhang lên Phật trước, có lẽ để cầu
Ngài (nếu thực sự có thể cầu đuợc), trước khi
cầu thần thánh. Kế họ ra đền chánh thần chuẩn bị
lễ trừ tà. Họ mồi các đèn dầu dừa nhỏ rồi đem
đèn đặt nhiều nơi trong khuông viên, đặc biệt là
dưới chân tảng đá lớn mà họ tin là 'thần linh'.
Tại đó, họ đập bể trái dừa để nước văng tung tóe
ra. Sau đó, bịnh nhân trở vô đền thần và pháp sư
bắt đầu giải tà. Pháp sư mặc lễ phục và đeo mặt
nạ. Ông lắc lục lạc, rung chuông, và nhảy quanh
trong lúc miệng đọc thần chú. Thỉnh thoảng ông
nhắm bịnh nhân hét lớn hay quất nhẹ lên thân.
Tôi cho tất cả là một trò dị đoan bịp bợm. Tuy
nhiên sau khi nói chuyện với một số bịnh nhân
tôi nghe họ nói bớt bịnh, cảm thấy nhẹ nhàng và
thanh thản. Phải chăng mọi sự tại tâm?
Tiếp tục đọc các tập sách
Wheel, tôi thấy thích thuyết Duyên Khởi. Lúc ở
Kopan tôi có nghe thuyết về Mười Hai Nhân Duyên
vần xoay đời người. Tôi cũng có đọc đâu đó rồi
nhưng chưa biết rõ. Thuyết Mười Hai Nhân Duyên
của Phật là thuyết duy nhứt thấy trong lãnh vực
đạo giáo và là cốt lõi của Trí Tuệ thâm diệu của
Đức Phật. Thuyết dẫn giải tại sao luân hồi không
dứt, vì vô minh và tham ái.
Trên bề mặt, thuyết mô tả
tiến trình của sanh và tử nối tiếp liên tục
trong vòng luân hồi. Dưới bề sâu, thuyết trình
bày sự sanh diệt của ý thức với mỗi thời điểm
thích hợp liên tục của tâm trong ấy tất cả mười
hai yếu tố vừa làm nhân vừa làm quả diễn động.
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần cho thuộc lòng và
dành nhiều giờ thiền định để chiêm nghiệm sự lý
giải cũng như quan sát tiến trình xảy ra trong
tâm. Khi tôi quán sát sự khởi sanh và tan biến
của cảm quan, tôi thử tìm và ý thức các mức độ
vô minh khác nhau, và xem cảm quan đó tạo nên
tâm hành như thế nào. Tôi quán sát xem làm thế
nào cảm giác có thể tự phát sanh cảm thọ vui hay
buồn cùng lúc với chấp truớc, ghét bỏ, mong cầu,
tham ái, và tâm hành mới--đổi chân cho bớt tê
hay đuổi con muỗi đi.
Trong đời, cái tôi lọc lừa
luôn tạo sinh lực cho tâm để cái tâm bị cám dỗ
bởi tham dục tôi luyện các thói quen, và thói
quen tạo tiêu cực mà hậu quả là đau khổ cho
người có cái tôi lọc lừa lẫn người chung quanh.
Tôi nghĩ rằng nếu cái tâm tham dục kia không
được uốn nắn và nếu sinh lực ấy không được
chuyển qua một hướng tâm linh khác, ý thức của
cái tôi tất sẽ có những bước vô định trong vòng
luân hồi. Tôi hiểu rằng tùy theo nhịp độ lập lại
của suy tư nhiều hay ít, thói quen sẽ ghi nét
đậm hay lợt; và nếu suy tư dựa trên vô minh, tập
quán sẽ tiếp nối không dứt, còn với trí tuệ tập
quán sẽ chấm dứt và vòng luân hồi bị phá vỡ.
Thật là thuận lý và càng quán xét nơi mình cũng
như người, tôi càng thấy thỏa mãn với công thức
sanh tử ấy của Đức Phật.
Trong các câu chuyện với
Eustace và dân làng, chúng tôi có nghe đề cập
vài lần tới việc Chris và tôi xuất gia thành sư
chánh thức. Dân chúng trong vùng muốn thấy chúng
tôi, hai người ngoại quốc, khoác áo nhà sư. Ý
tưởng này không lạ đối với tôi vì nó đã sẵn có
trong đầu tôi từ lúc ở Kopan. Nó trở nên rõ ràng
hơn mấy lúc sau này, dạo tôi nói chuyện với Sư
Samitta và hai sư Tây phương ở Kanduboda. Nhưng
từ lúc đến Unawatuna tôi quên bẵng đi và sống
như vầy, một lối-sống-gần-như-của-sư-sãi. Nay
câu chuyện được đề nghị, chúng tôi cần suy nghĩ
kỹ đã. Theo thời gian, tôi nhận thấy mình không
còn ý nghĩ đi lui về cuộc sống bình thường hay
đi lang thang vòng quanh trái đất nữa. Nhưng tôi
cũng sẽ dành thì giờ 'hỏi lại tâm,' còn thân thì
đã thay đổi nhiều rồi. Chẳng đợi lâu, tôi ý thức
rằng tôi như đã sẵn sàng; quyết định và động lực
đã có nên bước sắp đến chỉ là bước tự nhiên. Còn
Chris, tuy chưa biết thật tâm nhưng vẫn muốn
bước vô cửa thiền vì đời sống tu sĩ hấp dẫn đối
với óc phiêu lưu và lãng mạn muốn 'thử xem sao'
của anh.
Được vậy thì rất tốt cho đàn
na thí chủ đã không bỏ công hỗ trợ chúng tôi.
Hơn thế nữa, họ tin sẽ được hạnh lành và đức cao
nếu có thể tiếp tay giúp chúng tôi thọ giới.
Eustace hoan hỷ mô tả lễ thọ giới với đám rước
cổ truyền linh đình có cả voi đi qua làng từ
Galle tới Matara. Tôi nghĩ nếu được thọ giới tôi
sẽ mời các bà con nhiệt thành ấy chia xẻ phước
báu với tôi. Eustace cho biết cách đây không xa
có Valle
Devale
do một Sư Trưởng trụ trì
(Ngài coi luôn đền Yaddehimulla trong làng) là
nơi mà chúng tôi có thể xin thọ giới. Anh hứa
đưa Chris và tôi tới thỉnh ý của Sư.
Vài ngày sau, Eustace đến để
đi gặp Sư Ông. Chúng tôi đi gần bốn dặm ngang
qua đồng ruộng vô trong sâu. Tự viện còn là
trường đào tạo sư, đang dạy chừng hai mươi chú
tiểu. Eustace giới thiệu Chris và tôi với Sư Trụ
Trì và chúng tôi vái chào bằng ba lạy. Sư chỉ
chúng tôi ngồi xuống trong lúc Eustace trình bày
sự sinh sống của chúng tôi ở
devale
và ước nguyện thọ giới của chúng tôi. Sư biết
chúng tôi đang ở dưới
devale
nhưng
ngạc nhiên nghe nói chúng tôi muốn xuất gia. Sau
phút trầm tư, Sư nói Sư hân hoan được biết chúng
tôi muốn theo chân Phật, nhưng Sư không biết
chúng tôi phải đi đường nào bởi chúng tôi là
người ngoại quốc. Sư phải có thì giờ suy nghĩ
truớc đã.
Vài ngày sau, Sư Cả trả lời
cho biết rằng Sư rất tiếc không thể làm lễ thọ
giới cho chúng tôi được. Sư không tin là chánh
quyền cho phép Tăng lữ của Sư nhận người ngoại
quốc. Theo Sư, chúng tôi nên đến Đảo Hermitage
hay Vajirarama ở Colombo thì hơn. Ngoài ra, Sư
không có phương tiện để giáo hóa chúng tôi vì
không ai ở đó, kể cả Sư, biết Anh ngữ. Sư giải
thích thêm rằng muốn thành tăng sĩ, hành giả
phải ở với giáo thọ/thầy ít nhứt năm năm để học
giới luật tỳ kheo, tiếng Pali, và kinh sách, kể
cả thuộc lòng nhiều đoạn. Dĩ nhiên Chris và tôi
có thể làm như vậy, chúng tôi chỉ mong được tiếp
tục sống với thiền trong
devale
mà thôi. Chúng tôi tưởng chỉ là chuyện dễ dàng,
tức thọ giới, đắp y, rồi tự do như Sư Samitta
chớ chưa hề nghĩ tới việc phải vô chùa tu học
một thời gian mới thành sư. Hồi chờ tin về tôi
có đặt nhiều hy vọng, nhưng tôi không thất vọng
lắm khi nghe Sư giải thích. Chúng tôi chỉ buồn
cho dân làng đã rất phấn khởi (về viễn tượng
tốt đẹp do Eustace đồn ra) giờ phải thất vọng.
Hai chúng tôi xem những ngày vừa qua như giấc
chiêm bao và tiếp tục cuộc sống thường ngày.
Hạn lưu trú của chúng tôi sẽ
hết vào hai tuần tới. Chúng tôi phải lên Colombo
xin gia hạn thêm hai tháng. Sống ở
devale
không còn mới mẻ đối với chúng tôi nữa và tôi
cũng đã đọc hết sách đem theo rồi. Ngoài ra, các
trận mưa lớn và dai dẳng của mùa gió chướng làm
cuộc sống ngoài trời của chúng tôi không còn
thoải mái nữa. Có lúc Chris và tôi phải ngồi đục
mưa cả ngày trong điện Phật hay ngủ sau cửa mới
khỏi ướt và lạnh. Tuy còn mê cảnh quyến rủ này
nhưng tôi tin, trong thâm tâm tôi, sự bồn chồn
tiềm tàng và nhu cầu di chuyển bắt đầu khuyấy
động. Tôi có ra đi cũng là đúng lúc.
Tôi quyết định đi Kataragama
vì tôi đang ở nửa đường. Từ đó tôi sẽ lên
Colombo hai ba ngày trước khi chiếu khán hết
hạn. Còn Chris chọn ở lại Unawatuna với Gordon
và Mona thêm một thời gian ngắn rồi sẽ lên sau.
Chúng tôi hẹn trên nhà Sam để cùng đi gia hạn
chiếu khán. Chúng tôi tin Eustace và dân làng
hay quyết định ra đi--đi theo con đường định
mệnh đã sẵn bày cho chúng tôi. Họ thông cảm. Tôi
nói với Eustace nơi này rất đặc biệt đối với
tôi; tôi sẽ trở lại một ngày trong tương lai.
Và, bông đùa tôi nói: 'Có thể tôi sẽ trở lại với
chiếc y đắp trên thân.' Không ngờ đó là sự thật!
Khi tôi đến Colombo, Chris đã
có mặt ở nhà Sam rồi. Sam đi trực cuối tuần trên
Bộ chỉ huy Không Quân chiều mới về. Mới đó mà
chúng tôi xa nhau đã hai tháng. Nhân dịp có ba
mẹ Sam cùng gia đình của hai em đang ở trên nhà
từ đường trong vùng đồi núi ngoài thành phố
Kandy, Sam mời chúng tôi lên đó ở một lúc cho
biết cố đô. Một trong ba nhà mà ba mẹ già của
Sam ở còn một phòng trống mà chúng tôi có thể ở
nếu muốn lên. Sam cho biết thêm, ba anh rất hoạt
bát và rành tiếng Anh; ông còn là một Phật tử
sùng đạo luôn ngồi thiền và thích đàm luận Phật
pháp cao thâm. Chúng tôi rất hoan hỷ nhận lời.
Đươc biết Kandy là nơi mà Thầy Nyanaponika, một
vị sư nổi tiếng người Đức, từng sống tu trong
rừng. Chính Thầy viết quyển
The Heart of Buddhist
Meditation[29]
tôi đọc trước đây. Tôi rất mong được tham vấn
Thầy.
Sáng hôm sau, Chris và tôi
xuống phố, đến Sở Di Trú, và được phép gia hạn
thêm hai tháng nữa một cách dễ dàng. Đuợc biết
đây là gia hạn chót và chúng tôi phải rời đảo
khi hết hạn. Nhơn dịp ở dưới phố, tôi có viết ít
chữ về nhà cho Ba Má tôi nói tôi còn theo thiền
và yoga và sẽ qua Ấn Độ ở sáu tháng. Còn về lâu
về dài, có lẽ tôi sẽ trở lại Sri Lanka sau khi
học xong yoga.
Xế, chúng tôi đến Đền
Vajirarama để kính chào Thầy Narada và cũng để
xem Sư Samitta còn ở đó không. Chúng tôi gặp Sư
trong chùa đi ra, ngay tại cổng chánh. Sư cho
chúng tôi hay Thầy Narada đang đi du thuyết Phật
pháp hằng năm ở Viễn Đông và hiện dạy tại
Indonesia; Thầy chỉ trở về sau khi ba tháng mưa
chấm dứt. Còn Sư vô 'Vas[30]'
ba tháng, trong một ẩn cư hẻo lánh cách Colombo
ba mươi dặm; hôm nay Sư lên Colombo chửa răng và
trên đường ra nha sĩ.
Trong lúc chúng tôi đứng nói
chuyện, có một ông lão tới quỳ bái Sư; Sư
Samitta ban phước lành cho lão bằng tiếng
Sinhalese. Tiếp theo, ông lão quay qua bái tôi,
tôi ngạc nhiên lùi ra trong lúc Sư Samitta nói
với lão tôi không phải là sư. Ông lão không nghe
và không cần biết cứ tiếp tục lạy tôi ba lạy rồi
lạy Chris cũng ba lạy, dầu ông lạy rất khó khăn
vì gối mỏi chân chồn của tuổi già. Sư Samitta
đắp y màu sẫm đàng hoàng đúng bậc chân tu, còn
tôi chắc ông lầm là sa di (swami)
hay chi chi đó vì mớ tóc còn ngắn của tôi và màu
vàng của sà rong cũng như màu cam của áo tôi
đang mặc. Lúc lão ông đi khuất vô chùa, Sư
Samitta có lời trách tôi mặc chiếc y trong của
sư sãi khiến người ta dễ lầm như lão ông vừa
rồi; tôi chưa thọ giới chớ nên ăn mặc như vậy,
không chỉnh. Sư nói thêm sư không muốn gặp tôi
nữa và tôi đừng tìm quấy rầy sư nếu tôi tiếp tục
ăn mặc như vậy. Sư còn đề nghị tôi không nên mặc
áo màu cam. Tôi bị sốc, dầu là sốc nhẹ, nên chỉ
có thể phản ứng 'OK' với giọng dìu dịu. Rồi sư
nói cụt ngủn: 'Tôi phải đi đây,' và bỏ ra đường,
để tôi và Chris đứng nhìn nhau với nhiều câu hỏi
trong đầu. Trong suốt thời kỳ qua tôi mặc sà
rong vàng này trước công chúng, trước mặt cả các
sư Sinhalese trong chùa, có ai phê phán gì
đâu--ít ra là thẳng với tôi?! Tuy nhiên, sau khi
suy nghĩ lại và vì tôn trọng sư Samitta cũng như
Tăng đoàn, tôi không mặc chiếc sà rong vàng của
tu sĩ nơi công cộng nữa.
*
Chương 17
GOTHAMA
TAPOVANAYA
Cố đô Kandy nằm trong vùng có
khí hậu dịu mát hơn so với khí hậu nóng ẩm của
duyên hải. Sự thay đổi đem cho Chris và tôi cảm
giác rất thoải mái. Gia đình Sam luôn hiếu
khách, dành cho chúng tôi một phòng lớn trong
nhà từ đường. Rất thích thú! Nhưng chỉ hai hôm
sau Chris phải vô nhà thương vì bị sưng chưn.
Bác sĩ chưa biết bịnh gì nên giữ anh lại để làm
thêm một số thí nghiệm và chụp quang tuyến.
Chris không dám về bởi từng nghe nói nhiều tới
các chứng bịnh nhiệt đới nên sợ.
Trại Chris nằm là một ba rắc
cũ trống trơn, không có cả lưới cản ruồi muỗi,
còn giường nằm xếp thành dãy dài không kín đáo
gì hết. Mền gối chỉ được thay một tuần một lần
và cơm bịnh không có gì hấp dẫn. Chỉ được có cái
là tất cả đều miễn phí. Trong xứ nghèo thật khó
thể đòi hỏi gì hơn! Trong suốt mười hôm Chris
nằm nhà thương, tôi vô thăm mỗi ngày để xem kết
quả thử nghiệm và ở chơi vài tiếng cho anh có
bạn. Tôi cũng có đem cho anh trái cây và thức ăn
bồi bổ, và một ít sách Wheel mua ở
Buddhist
Publications Society
cho anh giải khuyây. Đây là dịp tôi hành hạnh
từ, một điểm yếu của tôi mà tôi kịp nhận thấy
khi đối xử với Ronald ở Nepal.
Cùng trong lúc này, tôi đến
viếng danh sư Nyanaponika Thera ở Forest
Hermitage. Thầy sống trong một nhà lớn nằm sâu
giữa rừng già sát cố đô. Đường đến Thầy rất
ngoạn mục: có cái hồ nhỏ với tre cao vút và cây
cối um tùm; khỉ ra từng bầy, đùa giỡn tự do trên
cây chằng chịt dây leo như trong phim
Tarzan.
Lúc tôi tới, vị sư già uyên bác đang bận rộn với
công việc viết lách của Thầy; tuy nhiên, Thầy
vẫn ôn tồn mời tôi vào. Tôi thưa với Thầy rằng
tôi đã đọc sách Thầy, thực tập thiền quán sổ tức
bằng cách thở bụng, và đạt kết quả rất như ý.
Thầy nói tập tỉnh thức dựa vào sự 'phồng xẹp'
của bụng rất thuận lợi cho việc tạo sự tập trung
nhứt thời mà thiền minh sát sử dụng. Phương pháp
này được xem như thích hợp cho nhiều khí chất
khác nhau và tạm đủ để phát triển nội tâm dẫn
đến khai ngộ. Phương pháp chính thống của quán
sổ tức, tức chú ý hơi thở qua chót mũi hay môi
trên, được dùng nhiều để đạt phép
nhứt-điểm-chú-tâm sâu xa dẫn đến tình trạng
thiền na. Tôi mô tả sự thí nghiệm của riêng mình
đối với hai phương pháp và rất tán đồng quan
điểm của Thầy Thera.
Trước khi cáo biệt, tôi xin
Thầy chỉ cho một ít thiền viện ở Sri Lanka,
ngoài thiền viện Kanduboda, dạy phương pháp
thiền minh sát Mahasi Sayadaw. Thầy cho tôi tên
Gothama Thapovanaya và nói Thầy Vangisa Maha
Thera ở đó có học riêng với nhiều sư Miến Điện
đến đảo hồi 1956; Thầy này nói tiếng Anh không
giỏi nhưng có người dịch. Thapovanaya là thiền
viện duy nhứt phục vụ người phương Tây và chỉ
cách Colombo có sáu dậm, trong một rừng cao su.
Trước khi qua Ấn Độ, tôi muốn dành sáu tuần ở
đây để thiền chớ không làm gì khác hơn nên định
sẽ đi viếng 'rừng khổ hạnh' Thapovanaya khi nào
Chris ra nhà thương.
Sau cùng, bác sĩ định bịnh
cho biết Chris bị chứng đầu voi nhẹ. Bịnh này do
muỗi truyền nhiễm và thường thấy miệt dọc biển.
Chris bị nhiễm có lẽ lúc ở Unawatuna. Tôi ngạc
nhiên không biết sao không bị, nhưng không mong.
Chris chích thuốc kháng sinh, chưn anh xẹp dần,
kể như hết bịnh, và được xuất viện sau đó. Trong
lúc anh ở lại vùng Kandy mát mẻ này để dưỡng
sức, tôi chỉ ở thêm vài hôm rồi xuống Colombo để
tới Gothama Thapovanaya hỏi xin tạm trú và học
thiền minh sát một tháng. Chúng tôi hẹn gặp nhau
ở Colombo truớc 28 tháng Chín, ngày mà chúng tôi
định lấy tàu trở qua Rameswaram hầu tới
Pondicherry ngày 1 tháng Mười.
Đến Colombo tôi ở với Sam một
ngày để báo anh biết những gì đã xảy ra và
chương trình sắp tới của chúng tôi. Sau đó tôi
đi liền ra Gothama Thapovanaya. Thiền viện ở
giữa rừng cao su, rộng, có nhiều đường ngang dọc
mới được quét sạch bóng. Thầy Vangisa Maha Thera
trạc trung niên, thấp và tròn. Thầy tươi cười
mời tôi vô tiền sảnh. Tôi kính bái Thầy và ngồi
xuống sàn. Tôi thưa muốn học thiền dưới sự chỉ
giáo của Thầy và không có đề cặp tới khóa học
Kanduboda vì muốn xem mình là một học trò mới
hoàn toàn. Thầy đồng ý cho phép tôi ở lại liền.
Thầy gọi thị giả đưa tôi ra khu yogi và cho tôi
một cốc với gối mền đầy đủ. Thầy nói tôi cứ lo
thu xếp chỗ ở trước rồi Thầy sẽ cho gọi lên khi
vị thông ngôn tới.
Một giờ sau, tôi lên gặp Thầy
và bà thông ngôn. Thầy nói về phương pháp quán
minh, cũng giống như phương pháp tôi học ở
Kanduboda và đang tập lâu nay. Thầy bảo tôi thực
hành chẫm rãi, nên đi và ngồi thiền xen kẽ, và
thiền liên tục suốt ngày từ sáng đến tối. Tôi có
thể tham vấn Thầy vào buổi chiều mỗi hai hoặc ba
ngày khi có thông ngôn. Nếu có vấn đề gì gấp,
tôi có thể đến liêu Thầy và Thầy sẽ giải quyết
cho; Thầy không giỏi nhưng nói được tiếng Anh và
trong viện cũng có một số đệ tử lâu năm biết
tiếng Anh. Tôi trở về cốc bắt đầu thực tập. Tôi
cũng lén tập điều tức và yoga, hai môn mà nơi
đây không hẳn cấm đoán.
Cách sắp xếp ở viện này hơi
khác cách sắp xếp ở Kanduboda. Khu nam yogi là
một toà nhà duy nhứt gồm hai dãy cốc nhỏ với một
hành lang chính giữa; mỗi dãy có mười cốc, còn
hành lang được chia làm ba làn dùng cho thiền
hành. Đầu trên hành lang có một phòng riêng biệt
dùng làm điện thờ Phật. Đầu dưới là khu vệ sinh
công cộng. Chung quanh tòa nhà có con đường đất
mà học viên cũng có thể đi thiền. Toàn khu là
rừng cây cao su rợp bóng mát. Ngay đối diện với
cổng vào là giảng đường Phật học mới cất mà viện
dùng làm nơi 'cắm trại
sil''
trong những ngày
poya
trăng
tròn.
Hiện tại, ngoài tôi chỉ có
một yogi người phương Tây sống trong cốc ở đầu
dưới. Anh cũng ở Mỹ qua, tên Allen. Chúng tôi có
gặp nhau vài lần và có trò chuyện nhưng không có
nói gì nhiều. Allen đến học thiền hai tuần nay
và sẽ rời đây đi Ấn Độ trong vài ngày sắp tới.
Anh cho biết viện rất yên tĩnh, ngoại trừ đám
đông đến lễ trong những ngày trăng tròn và các
em mồ côi do viện bảo trợ tới chơi giỡn trong
sân.
Thời khóa biểu gần giống như
ở Kanbuboda trừ mục thiền tập thể. Kiểng đánh
thức lúc 4:00 giờ sáng (hợp lý hơn 3:00 giờ ở
Kanduboda) và không có kiểng báo giờ đi ngủ;
cũng không có đồng hồ trong nhà. Mỗi yogi được
tự do đi hay ngồi thiền lúc thuận tiện (chớ
không bị bắt buộc theo giờ giấc nhứt định).
Giếng tắm giặt không xa nhà lắm. Có mười hai sa
di tuổi từ 8-12 và bốn năm tỳ kheo; tất cả đều
là đệ tử của Thầy Vangisa. Các chú tiểu thường
xuyên học kinh sách và một ít phải ra ngoài học
ở pirivenas
(trường dành cho tu sĩ). Nhiều chú muốn học Anh
văn nên thường kiếm yogi người phương Tây xin
dạy cho bập bẹ vài tiếng, dầu rằng Thầy Vangisa
không cho phép họ quấy rầy chúng tôi. Không có
sư nào tập thiền quán, chỉ lo làm lễ
puja
hay đọc kinh dài lê thê.
Cơm dọn trong pháp đường và
mọi nguời theo thứ bậc mình mà ngồi như sau:
yogi ngồi trên chiếu dưới sàn; sa di ngồi theo
hàng dọc nối tiếp trên băng dựa vách; tỳ kheo
ngồi bàn bên kia cách bên này một khoảng; Thầy
Vangisa ngồi đầu bàn. Tu sĩ ăn trong bình bát
bằng thiếc đen. Yogi ăn trong dĩa như ở
Kanduboda. Khác với đằng Kanduboda, thức ăn
không phải do thí chủ mà do các chú tiểu múc;
các chú múc mỗi thứ một muỗng đổ vô mỗi dĩa hay
bình bát một cách không tỉnh thức chút nào hết.
Tiểu trẻ ăn nhanh, chừng mười phút là xong nhưng
phải ngồi chờ. Khi được Thầy Vangisa ra lịnh,
các chú rửa nhanh tay dơ trong tô nước rồi đồng
loạt đứng dậy ra ngoài đổ thức ăn thừa cho thú
vật ăn trước khi rửa bình bát bằng nước vòi. Đối
với tỳ kheo, tôn ti, trái lại, được Thầy Vangisa
giữ rất nghiêm nhặt. Riêng tôi, thực tập ăn chậm
nên tôi chỉ mới ăn được năm-sáu miếng là mọi
người đã xong. Rất may, Thầy khoan dung bảo tôi
cứ ngồi ăn trong tỉnh thức đến chừng nào xong
thì thôi, do đó tôi luôn luôn là người ăn ra sau
cùng.
Trước đây, Thầy Vangisa có
thọ giới cho một tỳ kheo người Mỹ. Pháp danh
người là Sudhamma. Thầy Sudhamma sống riêng biệt
trong đầu dưới của một ẩn cư
lớn có nhiều cốc độc lập dành
cho hàng tỳ kheo cao cấp và sa di ngoại quốc.
Giờ cơm, thầy đến nhận phần rồi đem về ăn trong
cốc của thầy. Yogi không được phép đến khu ẩn cư
đó nhưng tôi có lần được gặp thầy trong khu kế
cận và có nói đôi ba câu chuyện với thầy. Tôi
rất muốn hỏi thầy về đời sống tu sĩ ở đây và
muốn biết phải làm thế nào để được thọ giới.
Thầy thọ giới mới sáu tháng nay và là đệ tử Tây
phương đầu tiên của Thầy Vangisa. Thầy nói Thầy
hơi nản vì phải thiền hoài ở nơi vắng vẻ trong
lúc các tiểu có thể đi quanh trò chuyện. Thầy
cũng rất nhớ nhà ở Ohio. Thầy Sudhamma dự tính
sẽ ra đi trong tuần tới và yêu cầu tôi đừng nói
với ai câu chuyện này. Vài hôm sau, có tin Thầy
Sudhamma đã 'nhảy rào,' để lại hành lý và không
một lời từ giã, cả với Thầy Vangisa. Thầy cũng
không lưu lại một chữ nào.
Sự ra đi bất thần của thầy
Sudhamma làm viện buồn lòng, vì trong sáu tháng
qua các tỳ kheo và Thầy Vangisa đã giúp thầy rất
nhiệt tình. Các thầy hỏi tôi chớ sao thầy
Sudhamma làm vậy. Tôi không ngạc nhiên nhưng nào
dám có câu trả lời; vả lại, thầy đâu có nói với
tôi rằng sẽ ra đi bất thần và bí mật như vậy.
Tôi nghĩ tâm thầy đã bị phân hai và thầy sợ nếu
thố lộ, thầy sẽ bị nói vô thêm rối trí, nên đi
lén là hơn.
Một đêm nọ tôi đạt một chứng
nghiệm độc đáo. Suốt ngày hôm trước, từ sáng cho
tới tối lúc đi ngủ, lúc nào tôi cũng chú tâm
tỉnh giác cao độ lên tất cả chi tiết của mọi
động tác. Khuya, lúc 2:00 giờ sáng tôi thức giấc
đi tiểu, tôi bỗng có cảm giác như mình đang xem
chiếu bóng quây chậm: tôi có thể nhìn thấy từng
'hình' một khởi rồi tắt, nối tiếp liên tục. Nhận
thức ấy bắt đầu từ lúc tôi mở mắt và ngay trong
lúc tôi ngồi, đứng, đi vô phòng vệ sinh, tiểu,
trở về cốc, nằm xuống, và nhắm mắt. Cũng giống
như hồi ở Kanduboda, nhưng lần này thay vì một
lóe riêng biệt của tâm thức, nó xảy ra liện tục
và tự nhiên (không cố gắng) trong năm phút. Tôi
quan sát trọn tiến trình lạ thường này một cách
trầm tĩnh. Sáng dậy tôi trở lại trạng thái tỉnh
thức bình thường. Một đôi lần khi tôi không bao
giờ nghĩ tới, tâm thức tôi lại bừng sáng lạ kỳ,
có thể nhận thức mọi chi tiết nhỏ nhặt như cử
động của ngón chân, ngón tay, cái nháy mắt,
tiếng chim kêu, hay làn gió qua tóc. Đó là những
nội thức trực tiếp lên các khía cạnh của nhận
thức bị che lấp bởi nhiều lớp màn dày do những
cử động nhanh, sự trông chờ của 'cái tôi' và
chấp trước.
Sau một tháng ở Gotama
Thapovanaya tôi quyết định sẽ xuất gia khi ở Ấn
Độ trở về. Tôi rất hạp với Thầy Vangisa và các
tỳ kheo trẻ ở đây. Tôi cũng rất thích không khí
tu học này. Tôi xin Thầy Vangisa được thọ giới
tỳ kheo với Thầy khi tôi trở lại vào sáu tháng
tới. Tôi trình bày: chương trình qua Ấn Độ của
tôi được định từ trước, theo đó tôi sẽ học cho
xong yoga bởi nhận thấy yoga giúp tôi sống khỏe,
làm khí huyết điều hòa và trí lực gia tăng khả
dĩ hữu ích cho công phu thiền định. Thầy rất
đồng ý với tôi và nói tôi có thể trở lại
Thapovanaya sống một thời gian trong lúc chờ
Thầy quyết định việc thọ giới. Có lẽ Thầy chưa
quên chuyện thầy Sudhamma nên dè dặt với người
ngoại quốc. Tôi rất kính trọng và biết ơn Thầy.
*
Chương
18
ANANDA
ASHRAM
Dưới phố Pondichery,
Aurobindo
Ashram
làm chủ nhiều khu phố lớn quan trọng dọc biển
nên có nhiều ảnh hưởng lớn và nhiều người biết
đến. Còn Ananda
Ashram
của Thầy Swami Gitananda chưa nổi tiếng nên dân
taxi và xe 'tút tút' thường nghĩ du khách nói đi
ashram là muốn tới Aurobindo hay chi nhánh của
Aurobindo là Auroville. Vì vậy, Chris và tôi gặp
không biết bao nhiêu là rắc rối mới tới được
Ananda Ashram trong khu ngoại ô Lawspet. Nếu
Lawspet khô khan, thiếu cây cối và trống vắng,
Ananda Ashram lại là một ốc đảo xanh mướt với
nhà cửa tươi sáng và nhiều lối cát sạch rợp
bóng. Vừa đến nơi, chúng tôi được bà Meenakshi
đón tiếp ngay, dầu bà rất bận với công việc thu
xếp cho học viên đang lũ lượt về. Bà nhận ra
chúng tôi liền là hai học viên của khoá ở
Colombo trước đây.
Đêm hôm sau, 30 tây, khóa học
bắt đầu. Khóa sinh vào ngồi xong, Thầy Swamiji
ra khai mạc. Theo thời khóa biểu giờ tối này là
giờ của
satsangha,
và satsangha
đầu tiên tối nay được dùng để thầy trò tìm hiểu
nhau và thông báo thời khóa biểu cũng như quy
luật của khóa học. Chương trình học khá nặng,
không khác gì chương trình của một lục cá nguyệt
đại học, nên cái tên
The Yoga Vedanta University
of South India
Thầy Swami đặt cho Ananda
Ashram
không có gì là quá đáng. Có từ sáu đến tám tiết
học mỗi ngày bắt đầu từ 4:00 giờ sáng gọi là Giờ
Thiền Thiêng hay Brahma Mahurta và kết thúc sau
khi xong
satsangha
đêm. Ngoài hatha yoga/điều tức dạy hằng ngày vào
lúc 7:30 sáng, còn có các đề tài sau: thư giãn
yoga và kỹ thuật tập trung, sức khỏe, phép ăn
uống, vệ sinh, vật lý trị liệu yoga, tâm lý học,
ngôn ngữ Sanskrit và Tamil, hát
bhajan
(mộ đạo), tụng chú, vân vân. Thầy Swamiji đặc
biệt nhấn mạnh đến hai mục trì giới (hành ngũ
giới) và đúng giờ. Thứ Hai nghỉ, khóa sinh có
thể đi phố, nhà băng, mua sắm vặt, ra biển, hay
nằm nhà tùy ý. Phần lớn các tiết được học trong
sân cát, nơi vườn chính, dưới bóng các cây điều,
ở đằng sau. Trong khu hai mẫu vuông đươc rào cẩn
thận của
ashram
thấy có nhiều cây trái như đu đủ, chuối, dừa,
điều, và nhiều thứ khác nữa. Có thêm nhiều giồng
trồng rau, hoa, cây thuốc, và nhiều chậu bông
bản xứ. Tất cả được sắp xếp và châm sóc tươm
tất. Thầy Swami Gitananda chọn khu đất hoang vu
khô khan này để lập
ashram
'Vườn Địa Đàng' chắc có biết trước mạch nước
ngầm dồi dào ở đây, mạch nước mát và giàu chất
sắt mà
ashram
đang hoan hỷ tận dụng.
Trong tuần đầu, tất cả khóa
sinh đều phải học tẩy hệ tiêu hóa bằng nước muối
và nhịn ăn một thời gian dài ngắn tùy theo chu
kỳ sinh học của mỗi người. Tôi nhịn ăn bốn ngày
và cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, trong sáng, đầy
sinh khí.
Theo thời khóa biểu, ngoài
giờ thiền tự do từ 4:00 đến 6:00 giờ sáng, trong
ngày học không có lúc nào rảnh có thể tự thực
tập thêm, nên chúng tôi có cảm tưởng không đủ
thì giờ để hiểu hết mọi điều Thầy dạy, dầu khóa
kéo dài những sáu tháng. Chúng tôi bắt đầu dùng
khoảng sau cơm chiều, giữa giờ tụng chú và
satsangha,
để tự tập các thế điều tức chuyên sâu như đứng
bằng đầu và nhiều thế khó khác.
Chúng tôi ra bãi biển trên
phía Bắc Pondicherry vào hai sáng thứ Ba và Sáu.
Rời ashram
rất sớm, chúng tôi tới bãi trước hừng đông để
mừng mặt trời lên, tụng AA-OO-MM, tập thế Suriya
Namaskar (Lễ Mặt Trời) hay một thế đặc biệt
khác, và luyện mắt dùng những tia sáng đầu tiên
trong ngày. Thỉnh thoảng, chúng tôi ngồi thế
kiết già hay bán già thành hàng dọc dài ngay mé
nước, tập điều tức để sóng vỗ nhẹ vô chân. Thầy
Sawmiji đứng phía trước hướng dẫn; Thầy vẫn như
hồi thuở nào, cũng mặc chiếc
dhoti
vàng, ngực trần to, mớ tóc bạc dài, và bộ râu
rậm ri. Hình ảnh Thầy làm tôi nhớ tới thầy đội (drill)
trong quân trường theo sửa thế cho tân binh và
quát tháo om sòm thỉnh thoảng. Nhóm chúng tôi
gây sự tò mò chú ý của nhiều dân đánh cá và dân
leo dừa[31]
ra bãi sớm để làm lễ tắm[32]
hay làm việc, hoặc cả hai. Tập xong (một tiếng
rưỡi đồng hồ), chúng tôi xuống biển nhảy sóng
tắm mát; biển xanh Coromandel tuyệt đẹp. Sau đó,
chúng tôi trở về ăn sáng trước khi lên lớp 9:00
giờ.
Ngày rằm mỗi tháng, tất cả
ashram
ra cắm trại ngoài một bãi biển khác, vắng vẻ và
xa hơn, trên mạn Bắc. Chúng tôi mướn xe đạp đi,
còn Thầy Swami và bà Meenakshi lấy taxi ba bánh,
chở theo bữa ăn nhẹ để dùng sau thời tụng chú.
Sinh hoạt của chúng tôi luôn luôn có mục đắp mạn
đà la hình ngôi sao, trái tim hay một biểu tượng
lành khác trên cát gần mé nước. Lúc trăng lên,
chúng tôi mừng trăng bằng nguyệt chú[33]
và bhajan.
Một lúc sau triều lên. Chúng
tôi đứng nhìn các mạn đà la trôi theo sóng nước,
học một bài học về chu kỳ thiên nhiên của sanh
tử, vũ điệu của sáng tạo và hủy diệt mà chúng ta
không ai tránh khỏi.
Mỗi tối, chúng tôi ngồi quanh
Thầy trong
satsangha
để nghe Thầy nói chuyện và trả lời các câu hỏi
của chúng tôi. Chuyện của Thầy kể lúc nào cũng
dài sọc nhưng hấp dẫn, còn các câu trả lời luôn
luôn súc tích và bổ ích. Từ 10:30 đến 11:00 giờ:
mọi người bắt đầu đi ngủ. Riêng tôi thích thức
ít nhứt là tới khuya để tắm trăng; tôi thiết
tưởng trăng có năng lượng huyền bí đặc biệt. Tôi
cũng thường ngồi thiền, áp dụng phép điều tức
(để tăng khí lực), tập những
thế yoga khó (dùng cát êm làm trợ cụ), hay vừa
suy tư vừa đi dạo dọc bãi. Tôi hãnh diện--dầu là
hãnh diện rất nhỏ nhoi--thấy mình còn thức trong
lúc các bạn ngủ say.
Một đêm nọ chúng tôi tình cờ
được chứng kiến một đám tang theo tục lệ cổ
truyền. Lúc chạng vạng, thấy có một đoàn người
đi từ trong làng gần đó ra bãi, với chiếc kiệu
khiêng cao trên ấy người chết nằm bất động. Đoàn
đánh trống thổi kèn inh ỏi. Đoàn dừng lại cách
chúng tôi chừng vài trăm thước và bà con bắt đầu
dựng dàn hỏa bằng củi rút trong xe kéo theo.
Xong, họ trịnh trọng đặt xác chết lên dàn, làm
lễ theo nghi thức đạo Hồi, rồi châm lửa. Lửa
cháy phừng, bà con lục tục kéo nhau trở vô làng.
Lửa tiếp tục cháy và than tiếp tục hừng cho tới
khuya. Khi mọi người trong đám chúng tôi ngủ
say, tôi đến nơi hỏa táng đã vắng tanh, ngồi
nhìn đống than hồng. Thấy vài đốt xương sống
cháy xèo xèo, những gì còn lại của người nằm
xuống, tôi lấy cây khều xương cho cháy thành
tro, xem đó như một cách thiền và là một hành
động của người tìm phước báu. Rồi tôi lấy cát
phủ lên tro và trịnh trọng đặt lên vài viên đá.
Tôi quay về trong tỉnh thức, tưởng tượng thân
mình rồi cũng đồng chung số phận!
Nói về tín ngưỡng, Ananda
Ashram
có không khí đậm nét Hindu. Hình tượng của các
linh thần như Thần Ganesha đầu voi, Thần Krishna
thổi sáo và Thần Vũ Công Shiva thấy nhan nhản ở
nhiều nơi. Các tượng đều được đạo sĩ sống gần
đây đến làm lễ lau rửa mỗi sáng, chấm phấn màu
lên trán, cúng hoa mới, và đọc chú Sanskrit.
Riêng sáng chú nhựt, có thêm chúng tôi (tắm gội
và ăn mặc tử tế) lên dự lễ
puja,
không khác chi con chiên Công giáo đi nhà thờ
vậy. Thầy Swami và bà Meenakshi hướng dẫn chúng
tôi đọc kinh hướng lên Thần Shiva và đọc
bhajan,
trong lúc đạo sư làm lễ rửa tượng đồng Thần Vũ
Công Shiva và bộ lingam/yoni trong đền. Tiếp
theo, chúng tôi được trao cho một thứ bánh ngọt
gọi là
prasad
(bánh thiêng), hơ tay trên đèn long nảo và chấm
phấn màu lên trán, nếu muốn. Các nghi thức vừa
nói đều được vị đạo sư đem đến từng người. Thỉnh
thoảng, chúng tôi dự thêm lễ
puja
đặc biệt như
puja
kỹ
niệm ngày sanh hay tử của các Thánh, ngày lễ
Hindu, và sinh nhựt của Guru Swami Gitananda.
Vào những ngày lễ lớn này, bá tánh được mời tới
dự và dùng cơm theo lối cổ truyền, tức ngồi dưới
đất và ăn trong dĩa bằng lá chuối.
Các bài giảng của Thầy
Swamiji về khoa yoga và đề tài liên hệ là suối
nguồn kiến thức vô tận. Tuy nhiên, có một số
điều Thầy trình bày hơi quá lố, như khi Thầy chỉ
trích hay chế giễu văn hoá, khoa học, y khoa và
một ít nhân vật của phương Tây, khiến nhiều khóa
sinh khó chịu. Tôi biết Thầy đi hơi xa, nhưng
tôi cũng biết Thầy muốn nhấn mạnh tới điểm ta
cần từ bỏ những gì giả tạo, nhứt là hóa chất và
thuốc men của thời hiện tại, được sử dụng đầu
tiên bên phương Tây và đang lan truyền qua
phương Đông. Thầy nói các thứ này được biết gây
thêm nghiện ngập không lành mạnh và nhiều phức
tạp y tế. Thầy nói thêm, ô nhiễm do con người
gây ra--một hình thức cưỡng hiếp thân tâm của
địa cầu--sẽ tận diệt loài người. Và, là con
người sống tùy thuộc môi trường, chúng ta phải
theo lối sống của yoga mới mong có được thân tâm
khỏe mạnh, trong sạch và hạnh phúc trong thế
giới hầu như bịnh hoạn, không lành mạnh và thiếu
hạnh phúc hiện nay. Các điểm nhấn đó và sự chân
thành của Thầy là nguồn cảm hứng rất quan trọng
đối với tôi. Tôi rất quý thái độ không dung hòa
trong lãnh vực luân lý, y tế, tập quán, vân vân
của Thầy.
Với thời gian, chúng tôi học
được phép tẩy độc, kích động và trẻ hóa các phần
của thân và tâm bằng nhiều phương cách bổ sung
khác nhau. Tôi hiểu thế nào là các chức năng của
cơ thể và ảnh hưởng của các chức năng ấy tới
tâm--điều mà truớc đây tôi chưa biết
(xem
VIII, phụ bản 1). Động lực và tính đàn hồi của
phổi cũng như tiến trình hô hấp với tỷ lệ hô hấp
và chuyển động của khí lực
prana
có lẽ là khám phá quan trọng nhứt của tôi trên
bình diện cơ thể. Và trong những tiết học chiều
về trị liệu, chúng tôi học được nhiều điều như
sự di động của xương sống, sự thư giãn sống
lưng, mông, vai, cổ, sự nắn bóp chân, và nhiều
phép xoa bóp khác. Học được phương pháp nào,
chúng tôi thực hành liền phương pháp nấy trên
đối tác tự chọn, dưới sự quan sát của Thầy. Lối
học này rất cụ thể và thực nghiệm mà khóa sinh
có thể áp dụng ngay trong đời. Thiết tưởng tôi
có thể giúp mẹ tôi khỏi phải đi bác sĩ nắn bóp
chữa bịnh viêm khớp xương nhẹ và đau lưng của
bà. Chúng tôi cũng được học cách trị liệu dáng
điệu có thể giúp các người bị suyễn, tiểu
đường, cao máu, táo bón, và nhiều bịnh mãn tính
khác, kể cả luyện mắt để nhìn thấy khá hơn. Thật
rất hữu ích và thâm diệu.
Tuần lễ từ ngày Giáng Sinh
đến Tết Tây, Thầy đưa khóa sinh đi viếng các
ashram,
đền chùa và nhiều điểm hành hương khác ở miền
Nam nước Ấn. Tôi không muốn đi theo nên sẽ tới
thành cổ Gingee, cách Pondicherry lối năm mươi
dặm. Bà bà Meenakshi có đến thăm đôi lần rồi và
có kể sơ cho tôi nghe. Thành được xây trên một
khu cao, bằng phẳng, khô cằn, có vẻ như là một
núi đá, có bực cấp dẫn lên đỉnh trên ấy còn vài
đền bằng đá nguyên trạng. Có thêm cái hồ dưới
lũng nhỏ mà nước có thể uống được nếu quậy thêm
chút iodine hay viên khử nước. Thành đá Gingee
là thắng cảnh của miền Nam Ấn Độ. Không ai được
phép qua đêm tại đây; nhưng tôi nghĩ, nếu tôi
muốn ở lén, chắc cũng không ai biết đâu. Có du
khách nhưng khu vẫn yên tĩnh và như thế có thể
là cảnh lý tưởng cho tôi ở lại ít ngày. Ý kiến
hay! Tôi sẽ ở lại và biến năm ngày nghỉ Giáng
Sinh thành một khóa học mini. Tôi sẽ thực tập
thiền minh sát bù cho những giờ thiền chưa thấy
đủ và có thể chỉ ăn trái cây trừ cơm hay nhịn
đói cũng được. Thêm vào, lúc bấy giờ sẽ là mùa
trăng hạ tuần nên hy vọng tâm không bị động mấy.
Ngày Giáng Sinh, tôi ra dự
lễ puja
sáng và ăn bữa cơm trưa cổ
truyền với dĩa bằng lá chuối, bữa cơm đầy đủ
chất lượng sau cùng trước khi tôi cất bước lên
đường. Với xách đeo lưng đựng áo
jalaba,
poncho,
chiếu và chai nước, tôi lấy buýt vô hướng nội
địa. Xuống xe, tôi ghé lại làng Gingee mua một
mớ đủ thứ trái cây và bịch đậu phọng cho những
ngày cắm trại; tôi không mua nước vì định sẽ
nhịn khi chai nuớc đem theo cạn. Tôi đến cửa trả
năm mươi
paise
lấy vé và đi vô như mọi du khách khác. Tôi nhởn
nhơ theo các bực thang đá ngoằn ngoèo leo lên
đỉnh. Quang cảnh chung quanh mênh mông. Tôi vô
một trong các đền, dấu xách trong góc khuất và
tìm chỗ núp nắng ban ngày. Đêm đến tôi đem đồ
(chiếu,
jalaba
và poncho)
ra ngủ ngoài trời. Không khí mùa Đông dưới miền
Nam xứ Ấn trong lành và đầy sinh lực; tôi lợi
dụng để luyện điều tức,
tập mudra[34]
và ngồi thiền. Tôi cũng dành nhiều giờ ngồi lặng
nhìn cảnh đồng quê xa tít tới chân trời để suy
nghiệm. Nay, tôi có thói quen ưa tìm xem sự việc
xảy ra cho tôi và trên thế giới có ăn khớp với
quan điểm Phật giáo và Yoga chăng. Tôi có đọc
báo Anh ngữ thỉnh thoảng và biết một ít tin tức
thế giới mà Thầy Swami bình luận đôi khi (Thầy
đọc báo mỗi ngày) và nhận thấy Chân Pháp rất
huyền diệu. Tôi nghĩ hầu hết người đời đều ngông
cuồng, bị lèo lái bởi bản ngã vô minh, tham,
sân, si; cả Tổng Thống Mỹ, người được xem như
lãnh đạo của thế giới tự do, rất tiếc cũng không
thoát khỏi tam độc[35]!
Tôi quán tưởng quá khứ--làm thế nào tôi đến đây,
và suy đoán tương lai--tôi sẽ về đâu. Sau ba
tháng trong
ashram,
tôi cảm thấy thoải mái ở một mình nơi đây và tôi
thích thú.
Cuối tháng Ba, chỉ còn mười
học viên đi trọn con đuờng sáu tháng. Vào những
tuần chót Thầy Swami dạy nhóm 'gạo cội' chúng
tôi phương pháp tầm cao
hundred syllable mantra laya
và Laya Yoga
kriyas.
Các thế phức tạp này đưa tinh khí
kundalini
lên tâm rỗng của cột sống (sushumna
nadi),
ngang qua bảy huyệt đến huyệt 'hoa sen ngàn cánh[36]'
trên đỉnh đầu. Khi Tâm Thức Vũ Trụ hình thành
trọn vẹn nơi luân xa đỉnh đầu này hành giả yoga
sẽ được khai ngộ và thoát vòng luân hồi. Đó là
Niết Bàn Brahma, chỉ đạt được bằng
Laya Yoga kriyas,
được xem như những phép mật lý trọn vẹn nhứt và
cao tột. Những phương pháp khác như điều tức,
quán luân xa, vân vân, chỉ nhắm mục đích tịnh
hóa hệ thống huyệt/thần kinh hầu tiến tới tình
trạng tối hậu.
Chứng nghiệm 'việc đánh thức
kundalini'
có thấy được mô tả trong một số sách như một tia
sét xẹt lan truyền nhanh hay một một luồng điện
nóng có khi đau nhức lan truyền dần, từ dưới lên
trên trong cột sống.
Krya
đòi hỏi sự chú tâm cao độ và sự kiểm soát thận
trọng khí lực
prana;
tôi có kiên tâm tập nhiều tuần nhưng không gặp
trở ngại nào như đã mô tả. Trái lại, sau ba
mươi-sáu mươi phút tập, tôi cảm thấy sảng khoái,
cái sảng khoái mà tôi chứng nghiệm sau một giờ
tập thiền minh sát.
Tôi luôn luôn xem thiền quán
Phật giáo như con đường dẫn tới Giác Ngộ và Yoga
như phương tiện hỗ trợ sự tẩy hóa 'ngôi đền thân
thể.' So sánh với thiền minh sát, những phương
pháp như điều tức, chú tâm và tham thiền,
krya,
vấn đề luân xa và sự làm gia tăng
kundalini
có vẻ quá phức tạp và có thể không cần thiết.
Tuy nhiên, tôi ráng học được chừng nào hay chừng
nấy hầu đạt được bao nhiêu kinh nghiệm và lợi
lạc hay bấy nhiêu--trí óc tôi lúc nào cũng rộng
mở. Tôi biết tất cả đều có cái hay bởi nếu không
thì làm sao được nâng lên thành hệ thống khoa
học chính xác cao. Do đó, tôi không nghĩ kết quả
đạt được bằng các phương pháp ấy là ảo tưởng.
Tôi cũng biết không phải chỉ có con đường duy
nhứt đó, và đường đó (với tất cả chi tiết và gốc
độ) không phải là con đường tôi chọn.
Nhìn chung, khóa học đã đem
đến cho tôi nhiều kết quả tốt. Tôi học được rất
nhiều về yoga, lý thuyết cũng như thực hành. Tôi
cũng hiểu được bản chất và phạm vi của môn này.
Về lối sống ở đời mà Thầy Swami đã chỉ giáo, tôi
không nghĩ tôi sẽ áp dụng hết bởi tôi đang hướng
tâm đến đời sống của tu sĩ, nhưng không phải
không bổ ích nếu xem chúng như kinh nghiệm hỗ
trợ. Ý nguyện thọ giáo để trở thành một nhà sư
tu trong rừng đang thúc đẩy tôi trở lại Sri
Lanka càng sớm càng tốt, và tôi đã sẵn sàng.
Chris cũng theo khóa học tới
cùng, nhưng anh đã đổi ý không muốn xuất gia
nữa. Anh định lên Nepal để du lịch hoang dã
trong mùa xuân tới. Sau đó, anh sẽ đi Úc hay Tân
Tây Lan để xem có thể ở luôn bên ấy chăng. Được
biết đó cũng là ý định đầu tiên của anh lúc rời
Anh quốc; sau này khi gặp tôi, anh đi lệch đường
chỉ vì muốn theo tôi. Bây giờ anh quyết định trở
lại đường cũ dầu đã hơi trễ, nhưng năm qua không
hẵn là không thú vị và không giúp anh học hỏi
thêm nhiều điều mới lạ.
Trong
satsangha
sau cùng, có hai đệ tử phương Tây lâu năm của
Thầy Swami thọ giới
sannya.
Lễ làm đơn sơ do Thầy chủ trì. Thầy trao cho
mỗi sannya
một xâu chuỗi 108 hột
Rudraksha,
chiếc áo vàng cam và danh hiệu Yogiraj để đi kèm
với danh tự Sankrit sẵn có của mỗi vị. Tôi hơi
ganh, nhưng chợt nhớ mình đang trên đường tu
Phật, và tôi mong ngày ấy mau tới. Thầy cũng cho
mỗi học viên còn lại có dịp khấn hứa bán chánh
thức và nhận tên Sanskrit với bài chú liên hệ.
Tôi rất quý trọng Thầy Swami Gitananda và xem
Thầy là một Guru của tôi như Lạt Ma Zopa, Lạt Ma
Yeshe, kể luôn cả hai Thầy Goenkaji và Sivali.
Do đó, tôi quyết định xin nhận tên Thầy đặt để
nhớ mãi tình thầy trò. Tên tôi là 'Rahul.' Được
biết Rahula (tiếng Pali) là tên của con Phật;
Ngài chứng ngộ lúc còn rất trẻ. Trước đây tôi có
một tên Tây Tạng rồi, do Lạt Ma Yeshe đặt, nhưng
tôi không dùng vì thấy không thích hợp với hoàn
cảnh lắm. Còn tên Rahul, tôi rất thích, nhưng
tôi nghĩ chắc cũng không có mấy dịp dùng, vì thế
nào rồi tôi cũng có một pháp danh Pali do Thầy
Bổn Sư tôi đặt khi tôi xuất gia.
*
Chương 19
HƯỚNG THƯỢNG
Tôi lấy xe lửa và tàu đò trở
lại Colombo vào thượng tuần tháng Tư. Tôi ghé ở
nhà Sam vài ngày trước khi đi Gothama
Thapovanaya. Sam tỏ ý tiếc không thấy Chris cùng
đi với tôi và không còn ý định xuất gia. Sam nói
thêm anh không ngạc nhiên lắm vì nhận thấy Chris
có vẻ không thành khẩn như tôi.
Lúc gặp lại Thầy Vangisa tôi
thưa đã quyết tâm muốn theo chân Thầy. Thầy nói
Thầy mừng thấy tôi không bị cuốn theo Ấn Giáo và
đã trở về. Chúng tôi cười. Tôi thưa rằng qua
kinh nghiệm Ấn giáo và Yoga, tôi rất trân quý
phép tu hành trực tiếp của tông Theravada và đặc
biệt tán thưởng phép thiền minh sát.
Tôi trình bày thêm rằng yoga cũng có nhiều kỹ
thuật hữu ích cho sự tham thiền như làm gia tăng
chú tâm, điều hòa khí huyết, tịnh hóa hệ thần
kinh, và trao dồi sức khỏe. Thầy miễn cưỡng
chấp nhận lợi ích về sức khỏe của yoga, và yêu
cầu tôi dạy cho các tu sĩ trẻ. Thầy Vangisa đang
bị chứng tiểu đường mà một số thế yoga, tôi
thưa, có thể trị được. Nhưng Thầy không tin lắm
và chuyển đề tài nói chuyện khác.
Về chuyện xuất gia của tôi,
Thầy bảo tôi theo Thầy một thời gian rồi Thầy sẽ
quyết định khi Thầy thấy tôi sẵn sàng và thời
gian thuận lợi. Tôi không nên vội vã; bây giờ
tôi cần tiếp tục tập hành thiền minh sát trước
đã. Thiệt tình tôi không có gì vội; tôi đã có
sẵn chiếu khán gia hạn thêm ba tháng rồi, làm
trước khi đi qua Ấn Độ. Thầy trao cho tôi một số
sách đạo bằng Anh văn, cả quyển Vinaya[37]
(quy luật đạo đức và phép tu hành của tu sĩ) mà
Thầy bảo tôi học để thấm nhuần luật đạo mà tu sĩ
nào cũng phải biết. Tôi được cấp cho cái cốc tôi
ở trước đây trong khu dành cho yogi thế tục. Sau
khi thu xếp việc ăn ở xong, tôi chuyên tâm tham
thiền và luyện tập cách thở sâu theo tỷ lệ cũng
như tư thế của thân thể.
Trong lúc tôi ở dài hạn tại
đây, có hai ba bạn người phương Tây đến một hai
tuần rồi đi. Một trong những bạn này có để lại
cho tôi quyển III của bộ sách Carlos Castenada
tựa đề
Journey to Ixtlan;
tôi đã đọc xong hai quyển I và II rồi lúc trước
khi vào thời kỳ thiền tập trung. Với kinh nghiệm
thâu thập được qua thiền minh sát, tôi nhìn thấy
nhiều điểm tương đồng giữa nhà thiền minh sát và
hiền triết MỄ Tây Cơ Don Juan trong sách.
Sách luận bàn 'con Đường của Chiến Binh': vì chỉ
'nhìn' mà 'không hành động' để 'làm ngưng thế
giới' đang quAy, người chiến binh trở thành
'người tri thức'. Yogi quán minh thực hiện cái
'không làm' bằng cách khai triển sự chú ý đơn
thuần và 'làm ngưng thế giới' bằng cách áp dụng
sự thông hiểu, khai triển tâm xả,
và chứng nghiệm 'sự ngưng
lại'; người yogi trở thành 'người tri thức' hay
theo thuật ngữ Phật giáo là người giác ngộ. Bằng
vào vũ khí thụ động là tâm thức/thông tri/trí
tuệ, hành giả chiến đấu âm thầm chống tâm ô
trược; như chiến binh, người phải luôn luôn kiên
trì mới mong đến đích.
Journey to Ixtan
là ẩn
dụ mô tả tình trạng khó xử của chiến binh, thiền
giả, hay người đi vào nội tâm. Ixtlan đại diện
cho thế gian ảo tưởng tùy duyên--gồm lý tưởng,
danh tánh, hình ảnh, gia đình, nhà cửa, xứ sở,
vân vân. Trong thế gian luôn thay đổi và không
thường còn đó, mọi người đều hy vọng đạt và giữ
được cái gọi là hạnh phúc và an lành. Còn nhà
thiền, khi chứng nghiệm được Vô Ngã/Tánh Không,
thấy vạn sự dưới một nhản quan khác và không còn
tham lam bấu víu vào nữa; mọi thứ mà người đời
cho là thật có và thân thiết đều vô nghĩa đối
với họ. Nguời ấy sẽ không bao giờ trở lại các
thói quen cũ một cách mù quáng như trước đây.
Cảm nghĩ và ký ức cũ có thể còn sót lại nhưng
chúng chỉ là những 'bóng ma của quá khứ'; hành
giả sẽ không bao giờ trở lại con đường vô minh
dầu thế giới bên ngoài có cám dỗ thế mấy.
Sách kết thúc với ý nghĩ
tuyệt vời và tôi thấy tôi đang trong trạng huống
ấy. Tôi sẽ không bao giờ thật sự hạnh phúc hay
thỏa mãn nếu phải sống cuộc đời bình thường, làm
một cái răng trong vành răng cưa, một thành phần
trong dòng đời của Hoa Kỳ. Làm tu sĩ, tôi sẽ là
người không quốc gia, không nhà và không còn
danh tánh cũ; tôi sẽ dành trọn thời gian lên
'đường của chiến binh'. Nhiệm vụ của tu sĩ không
còn gì hơn là 'hoàn chỉnh tâm linh,' một công
tác vô cùng cao quý. Nhiều người Tây phương cho
rằng tu sĩ trốn tránh cái gọi là thế gian thực
tại và không đương đầu với cuộc sống. Tôi có suy
nghĩ nhiều tới lời buộc tội này, nhưng tôi nhận
thấy những lời ấy vô nghĩa. Người nói như vậy có
thể trong tiềm thức họ có chút ganh tị vì họ
không có cách nào ra khỏi cái thế gian mà họ
thật tình muốn thoát ra.
Người Đông phương quan niện
khác. Họ xem sự rời thế sự vào con đường thiền
cô tịch để tịnh hóa tâm khỏi tham sân si là một
quyết định cực kỳ khó khăn. Kinh nghiệm của bản
thân tôi cho biết phải có ý chí, dũng cảm, trí
tuệ và tâm thành mới mong ngồi thiền được một
giờ để đối đầu với bản ngã, chấp trước, ghét bỏ,
và sợ hÃi khi chúng dấy lên. Không có chỗ để đi,
truyền hình để coi, máý thu thanh để nghe, bia
để nhậu, ma túy để phê, bạn để gọi, không có lối
thoát khỏi tâm thức thực tại là cả một vấn đề.
Còn các trò tiêu khiển như uống rượu, hút cần sa
ma túy, du hí để quên lãng vấn đề, hay thỏa mãn
bản ngã là cách chạy trốn dễ dàng nhứt. Thâm
chí lối sống thông thường như có vợ có chồng,
nuôi dạy con cái, đi làm việc, giao du bạn bè,
hay đi phép hằng năm đại để cũng chỉ vì tự kỷ.
Người ta sống thường là cho
mình, gia đình, bạn, hay nhóm mình; họ chỉ làm
vừa đủ để 'qua cầu', cảm thấy an tâm, hay gây ấn
tượng tốt. Nhiều người mới xem qua thấy có vẻ
toại nguyện và hạnh phúc lắm (sống hữu ích, hay
cứu giúp, đóng góp nhiều cho xã hội), nhưng kỳ
thật dưới lớp gọi là hạnh phúc ấy họ có không
biết bao nhiêu đau khổ. Có người không bao giờ
biết niềm vui thật sự và chết tay trắng, bất
tịnh. Thế gian đó các nhà hiền triết khai ngộ
gọi là ảo ảnh và người sống trong thế gian đó
đang mộng du.
Hai tuần sau, Thầy Vangisa
gọi tôi lên bảo Thầy sẽ cho tôi xuất gia vào dịp
lễ Vesak trăng tròn sắp tới, ngày mà Thầy cho
là tốt lành và tôi sẽ sẵn sàng trên phương diện
tâm linh cũng như giáo lý. Tôi chưa hề dám nghĩ
đến nhưng tin tưởng ngày ấy là tốt nhứt cho tôi.
Thầy nói thêm rằng tôi sẽ thọ giới sa di, cấp
thấp nhứt để thử thách tâm lý và trau giồi tu
hạnh trước khi lên cấp tỳ kheo cao hơn và có lối
sống khổ hạnh hơn. Sa di chỉ hành mười giới và
tuân bảy mươi lăm luật (như về việc ăn mặc, đối
xử trong tu viện và trước công chúng, lễ kính
huynh trưởng, vân vân). Tỳ kheo, trái lại, phải
tuân hành hai trăm hai mươi bảy luật chi phối
trọn vẹn đời sống của tu sĩ. Bộ luật về hạnh
kiểm ấy, gọi là
Vinaya[38],
nhằm mục đích giúp tu sĩ tỉnh thức trong ba lãnh
vực thân khẩu ý hầu loại trừ các tạp niệm và tập
quán gây phiền não. Tôi rất quan tâm đến vấn đề
này nên tự đặt mình vô khuôn khổ và tự xem như
mình sẽ thọ giới tỳ kheo, tức giới nghiêm khắc
hơn.
Tới giờ này, tôi đã đọc khá
đầy đủ về đời sống lý tưởng của một tỳ kheo
thiền giả sống bán khổ hạnh, cuộc sống mà tôi
hình dung cho đời khất thực của mình sau này.
Tôi mơ ước được sống tu tập trong một hang động
nơi khu rừng xa xôi hẻo lánh nào đó, hay trong
devale
ở Unawatuna và đi khất thực hằng ngày. Tuy
nhiên, sau nhiều lần tâm tình, tôi thấy mơ ước
ấy của tôi không được giới tu sĩ địa phưong kể
cả các thầy ở Thapovanaya chia xẻ; tu thiền là
lối tu của người Tây phương. Phải chăng vì thế
mà thầy Sudhamma đã 'nhảy rào' sau sáu tháng ở
đây. Biết vậy tôi tự nhủ nên chấp nhận tình
huống tuy có chút trớ trêu và theo thọ giáo Thầy
Vangisa ở Thapovanaya. Tôi phải gác lại một số ý
kiến riêng tư và hòa mình vào hiện thực chung
quanh, hiểu rằng tất cả chỉ do tâm tạo. Tôi có
thể dùng cơ hội này để nhìn sâu vào bản ngã/chấp
trước tiềm tàng và các ức chế của mình. Các thầy
trẻ trong viện rất vui mừng thấy tôi sắp gia
nhập Tăng già và hy vọng tôi sẽ dạy họ Anh văn,
một việc làm mà tôi tha thiết vì thấy mình hữu
dụng và mình có thể học lại tiếng Sinhalese của
họ. Tôi biết tôi sẽ ở lại Sri Lanka ít nhứt vài
năm nên cần biết tiếng bản xứ để dễ giao tiếp
khi cần.
Còn rất nhiều việc phải làm
trong tháng cuối. Tôi phải học thuộc lòng một số
câu tiếng Pali mà tôi sẽ đọc lại trong lễ thọ
giới; Thầy cho một sa di dạy tôi cách phát âm
chuẩn. Tôi còn phải viết một số thư nữa. Tôi
đang tìm lời viết sao cho ba má và bạn bè tôi
không bị sốc, mà trái lại, vui vẻ chia xẻ niềm
hân hoan của tôi. Tôi không muốn bị hiểu lầm
rằng đã thất bại lần này hay phải đương đầu với
cuộc sống. Thật ra có cả luật nói về sự cho phép
của mẹ cha để tránh làm họ thất vọng hay đau
buồn khi nghĩ mình sẽ mất con. Nếu cha mẹ không
thuận vì một lý do gì đó, như không ai nối dõi
chẳng hạn, họ có quyền từ chối (xem XI). Tôi
biết ba má tôi không thể và sẽ không ngăn cản
tôi xuất gia làm sư, nhưng vì kính nể, tôi không
muốn hai bậc sanh thành ra tôi bị tổn thương hay
từ tôi. Qua những thư trước, ba má tôi biết tôi
rất mê yoga và tham thiền nhưng chưa bao giờ
nghe tôi nói đến quyết định quan trọng này. Tôi
nghĩ rằng khi tin tới ba má tôi không sao khỏi
bị giao động mạnh, nhưng rồi chắc cũng sẽ qua
như hồi tôi ở tù bên Afghanistan. Tôi biết tin
tôi đi tu sẽ làm cho Barry, Larry, Fred và bọn
Riverside bị sốc nặng, nhưng chúng nó sẽ vui
vui--thằng bạn cũ, Scott, là một nhà sư.
Tôi sẽ viết cho Eustace báo
tin và mời anh cùng dân làng Yaddhemulla qua
Thapovanaya dự lễ. Và tôi cũng sẽ viết cho hai
anh em Fernando ở Negombo để mời luôn. Với Sam
và các bạn trong xứ, tôi sẽ đích thân lên
Colombo mời. Tôi gặp Sam tuần sau đó. Sam và
Tilak yêu cầu tôi để hai anh dâng y và bát; dĩ
nhiên tôi đâu dám chối từ. Theo tục lệ, vinh dự
dâng y bát luôn luôn được dành cho người thân
như cha mẹ hay bà con.
Vào những ngày Rằm hằng
tháng, Gothama Thapovanya đã có nhiều khách thập
phương rồi; đến ngày Vesak tới đây, tôi nghĩ,
chắc sẽ đông lắm. Nghe nói Thầy Bổn Sư có mời cả
Đại Sứ Mỹ nữa, tôi ngạc nhiên không biết tại sao
lại mời đại sứ đến dự buổi lễ mà chắc họ không
mấy quan tâm. Sau này tôi biết ra rằng đó là thủ
tục phải làm mỗi khi có người phương Tây thọ
giới. Vả lại, sự hiện diện của đại sứ chẳng có
hại gì mà còn có lợi cho viện trên phương diện
đối ngoại. Thầy Vangisa bảo tôi nên dọn sẵn bài
diễn văn ngắn bằng Anh ngữ để đọc trong buổi
lễ; diễn văn nói về cảm nghĩ và ước nguyện
của tôi. Thoạt tiên tôi hơi khó chịu song suy
nghĩ kỹ tôi thuận ý của Thầy. Tôi định sẽ trình
bày vài khía cạnh Phật pháp với vị đại sứ và cử
tọa nói tiếng Anh.
Một hôm nọ trong tuần lễ
trước ngày Vesak, trên đường thọ trai trở lại
cốc, tôi thấy một người Sinhalese ngồi dưới gốc
cây ôm bình bát ăn cơm. Ông mặc xà rong và sơ mi
dài tay trắng với mảnh cờ Phật giáo nhỏ gắn trên
tay. Râu ông đen và tóc ông dài bới thành một
nắm trên đỉnh đầu. Ông ngồi kiết già trên thảm
và ăn một cách rất đạo mạo và tỉnh thức. Sau
chừng nữa giờ, ông đến cốc tôi xin được nói
chuyện. Tôi mời ông vô. Té ra là ông phát thư
trong làng Anuradhapura dạo trước. Đã làm tròn
bổn phận trong gia đình và đóng góp xong cho xã
hội, bây giờ ông về hưu, sống đời Phật tử khất
thực đó đây hay
anagarika
(đời không nhà). Ông hành mười giới và không ăn
sau ngọ. Trên đường khất thực ngang đây ông chợt
thấy tôi nên muốn được làm quen. Ông nói tiếng
Anh giỏi, biết nhiều về Phật pháp, rành văn hóa
Tây phương, và hiểu nhiều khía cạnh tâm lý. Khi
nghe tôi báo tin sẽ xuất gia, ông vui mừng và
hứa sẽ cố gắng đến dự lễ. Ông nói ông hiểu tại
sao người phương Tây chán ngán với xã hội của họ
và muốn quay qua phương Đông tìm hiểu Phật pháp
và truyền thống Á châu. Nhưng rất tiếc không có
mấy người bên phương Đông có thể thuyết giảng
tận tường kinh sách Phật bằng tiếng mẹ đẻ của
lớp người Tây phương đó. Ông hy vọng những ai đã
học Phật rồi nên trở về xứ mình để xiển dương;
tôi rất tán đồng quan điểm của ông.
Trong câu chuyện dài dòng của
chúng tôi, ông có mời tôi theo ông làm một
chuyến hành hương lên đỉnh Adam. Ông nói chuyến
đi sẽ là một duyên lành cho tôi trước giờ Khấn
Hứa. Ý kiến rất hấp dẫn; tôi không nghĩ nhiều
tới việc bái lạy dấu chân linh thiêng mà chỉ
muốn đặt chân mình lên khoảng không gian truyền
thống. Khí trời khô ráo và là mùa hành hương nên
có nhiều người sùng đạo lên đây để niệm
'Shadhu, Shadu,
Sadhu'
và ngắm rạng đông. Còn với tôi đây là dịp cuối
cùng đi ra ngoài và gặp người ngoài. Tôi có
nhièu cảm tình với ông
anagarika,
một người mà tôi chưa từng gặp trong lớp dân dã
Sinhalese, và tôi rất thích được đi hành hương
với ông. Ông có biết Thầy Vangisa nên hai chúng
tôi cùng đến gặp Thầy xin phép. Thầy đồng ý ngay
và ban cho tôi ân lành trước khi lên đường.
Hai chúng tôi lên đường chiều
hôm đó, lấy xe đò đi xuyên Hatton và Maskeliya
đến chân núi thiêng lúc 1:00 giờ khuya. Ông bạn
hướng dẫn viên của tôi định giờ như vậy để đến
nơi trước rạng đông. Chúng tôi theo đám hành
hương leo núi. Ông
anagarika
dạy tôi cách thiền hành riêng của ông là vừa leo
vừa xướng hồng danh Đức Thế Tôn, bắt đầu bằng 'Ipiti
so,'
rồi 'Bhagava,'
rồi 'Arahan,'
'Sammasambuddho,'
vân vân. Tôi lập đi lập lại một hồng danh đến
lúc thuộc làu mới qua hồng danh kế tiếp. Với vài
lần nghỉ dọc đường, chúng tôi lên tới đỉnh lúc
vừa sáng và bấy giờ tôi thuộc hết cả câu[39].
Âu là một cách chú tâm hiệu nghiệm giúp quên thì
giờ và mệt nhọc. Ngoài ra, hiểu được áo nghĩa
của các từ Pali ấy, tôi xem đó như một hình thức
thiền thật sự, thiền mộ đạo.
Còn chừng vài trăm bộ nữa tới
đỉnh, tất cả khách hành hương đều phải dừng lại
trên tam cấp xi măng vì lối lên đã nghẹt người.
Không còn cách nào hơn, hai chúng tôi đành đứng
lại đợi. Rất may, sáng hôm nay trời quang đãng
nên vừa thấy vầng hồng ló dạng, tất cả khách
hành hương đều chấp tay l kính và niệm
'Sadhu, Sadhu,
Sadhu'
vang dội. Ông bạn tôi giải nghĩa rằng từ thời cổ
đại, ở Á châu dân tộc nào cũng cúng kính mặt
trời bằng hình thức này hay hình thức khác. Dân
Tích Lan tin tưởng nếu ai được nhìn vừng thái
dương lên trên đỉnh Sri Pada, người ấy sẽ được
vạn hồng ân, và một số Phật tử còn nói trời mọc
mỗi ngày là để tỏ lòng tôn kính đối với dấu chân
Phật. Tôi không dám nghĩ đến các sự mê tín đó
nhưng tin rằng mặt trời là nguồn sống nên rất
đáng được thờ kính. Tôi đảnh lễ
pranam.
Sáng hôm ấy chúng tôi còn may được thấy đỉnh núi
phản chiếu trên mây nhờ được điều kiện khí hậu
thuận lợi. Một cảnh quang tuyệt diệu!
Một lát sau, khách trên đỉnh
đi lần xuống; bớt người, chúng tôi đi lần lên để
chiêm ngưỡng hai dấu chân in trên xi măng trong
một đền nhỏ xây trên chót đỉnh. Nhiều khách sùng
đạo cúi đầu chạm bệ chân và gieo tiền vô lòng
bàn chân cầu phước. Thật tình tôi không có cảm
tưởng hay ấn tượng gì đáng kể cả; tôi chỉ đứng
nhìn sự nhiệt thành của khách thập phương biết
rằng tất cả do tâm tạo. Sau đó, ông
anagarika
, đưa tôi vô nhà bếp để được mời điểm tâm, ăn
cơm với dahl,
trước khi trở xuống; ông đúng là người biết đâu
là đường đi nước bước. Trên đường về Colombo,
ông xin tạm biệt để ghé thăm cô em trước khi trở
lại đường du thực; tôi chào ông bằng cái xá dài
lúc ông xuống xe. Rồi tôi tiếp tục đoạn đuờng
còn lại về Thapovanaya chiều hôm đó.
Hôm sau, tôi cạo bộ râu mà
tôi để dài từ bao lâu nay. Tôi đã chuẩn bị tư
tưởng trước vì biết vết tích của thời híp pi thế
nào rồi cũng không còn. Tôi muốn cạo hôm nay,
tức trước ngày hành lễ vài hôm, để cho quen và
cũng để mặt tôi có đủ thì giờ ăn nắng cho đều.
Tôi cảm thấy là lạ và thỉnh thoảng vẫn còn thói
quen đưa tay lên vuốt râu; râu không còn thôi
thì vuốt cằm vậy. Tôi được giới tăng trẻ cho là
trẻ ra và tôi cũng cảm thấy mình trẻ thiệt. Tôi
định cạo đầu luôn vì tóc ra dài cả tất rồi,
nhưng Thầy Vangisa bảo tôi khoan đã. Nghi thức
thọ giới có phần thầy tổ cắt nhúm tóc tượng
trưng của trò trước khi trò được cạo trọc sau
lễ; riêng tôi sẽ được cạo ngay trong buổi lễ.
Tôi đang chuẩn bị một cách
rất nhiệt tình. Tôi lo hỏi Thầy cũng như các
tăng trẻ từng chi tiết một của buổi lễ. Tôi lo
dợt lại các câu tiếng Pali để đọc lúc hành lễ.
Tôi cũng lo tìm lời hay ý đẹp để phát biểu; tôi
viết xuống những ý hay chợt đến để khỏi quên.
Tôi đề cập vấn đề pháp danh mà cho tới nay chưa
nghe Thầy nói; tôi mong được giữ lại tên Rahul
nhưng chắc Thầy sẽ tự chọn cho tôi tên mới khác.
Không trình lý do, tôi chỉ gợi ý pháp danh
Rahula và ngạc nhiên nghe Thầy nói: 'Rahula,
Rahula, con trai của Đức Phật, à... một pháp
danh rất tốt.' Rồi Thầy nói tôi cần có thêm một
tiền ngữ chỉ định đứng trước pháp danh. Ở Sri
Lanka, tiền ngữ của mỗi sư là tên của quê quán
họ để phân biệt các sư có cùng một tên Pali
giống nhau, như có rất nhiều sư mang tên Ananda
hay Rahula. Thầy muốn gọi tôi là Rahula Hoa Kỳ
hay California Rahula nhưng tôi không muốn tên
như vậy; tôi cũng không bao giờ nghĩ tới tên
Riverside Rahula. Tôi thưa rằng tôi mong được bỏ
hết dĩ vãng lại phía sau; Thầy đồng ý. Rồi Thầy
đề nghị 'Yogavacara' là tên mà Đức Phật dùng để
chỉ các tỳ kheo sống trong rừng dùng thiền định
để đạt quả. Trọn pháp danh Yogavacara Rahula có
âm điệu rất hay mà tôi rất thích. Có chữ yoga
rất thích hợp cho công phu tu tập của tôi gồm
phân nửa yoga phân nửa thiền quán. Tôi sẽ là một
người mới thay thế anh híp pi đã đi qua, người
mà tôi nghĩ cuộc sống sẽ tích cực và có nhiều ý
nghĩa hơn.
Trong những ngày sắp tới lễ,
các tiểu tăng và Phật tử rất bận rộn trang hoàng
tu viện cho chương trình Vesak. Chánh điện và
các lối đi đâu đâu cũng đều được treo cờ Phật,
kéo đèn và kết hoa. Chiều ngày 14, đã có cư sĩ
áo trắng lần lượt vào sớm để giữ chỗ tốt trong
chánh điện rồi. Và khu nhà yogi vắng vẻ trước
đây hôm nay đầy ấp thiện nam tín nữ đến để hành
thiền, có nguời tới trước những hai ba hôm,
khiến ông bạn Tây phương vừa đến ở trong đó
không khỏi ngạc nhiên thấy viện sao quá tưng
bừng thay vì yên tĩnh như ông tưởng của cảnh
thiền; ông cũng lấy làm lạ khi biết tôi sắp thọ
giới xuất gia. Một khách địa phương cho biết lễ
thọ giới của tôi có đăng trên báo và chắc sẽ có
nhiều quan khách tham dự, nên lễ Vesak năm nay
có thể có cả ngàn người chớ không ít.
Để lễ có thêm ân đức tôi
trai tịnh ngày Rằm hôm ấy. 8:00 giờ sáng, tôi
lên liêu Thầy Vangisa để Thầy làm lễ thí phát,
bằng cách cắt tượng trưng một chùm tóc trên đầu.
Cùng lúc tôi được dạy quán chiếu lý vô thường
của tóc và của toàn thân bằng cách niệm các từ
tóc, răng, da, và móng bằng tiếng Pali. Tiếp
theo, một vị sư dùng dao cạo đầu tôi trọc lóc.
Lần đầu tiên đầu tôi trọc; tôi cảm thấy mát mẻ
và thoải mái. Sau đó tôi ra giếng tắm rồi vô cốc
đắp bộ y trắng truyền thống: chiếc sà rong trắng
tôi mới giặt, còn chiếc sơ mi trắng tôi mượn của
Phật tử qua một sa di. Xong, tôi ngồi đợi trong
cốc, nhớ lại các câu tiếng Pali, chuẩn bị bài
diễn văn và bắt đầu phập phòng.
Sam và gia đình cùng Tilak và
một ít bạn tới lúc trước 9:00 giờ. Họ đem đến bộ
y mới màu nâu, bình bát, và một ít vật dụng cần
thiết mà họ sẽ dâng cho tôi trong buổi lễ (xem
X). Tilak cho tôi biết có thấy chiếc xe hơi bóng
láng của Tòa Đại sứ Mỹ vô viện và một số người
ngoại quốc đang lu bu chuẩn bị máy quay phim.
Truớc khi ra chánh điện, Sam trao cho tôi điện
tín anh nhận được hôm qua. Điện tín viết 'Tụi
tao luôn luôn bên cạnh mầy--mở đài LSD của
Jashua Tree vào ngày trăng tròn--Thương, Barry,
Larry, Fred, và các bạn.' Nước mắt tôi dâng
trào.
Đến giờ, tôi theo sau đoàn
bảy tỳ kheo do Thầy Vangisa dẫn đầu vào chánh
điện, lên trước bàn Phật. Đoàn ngồi xuống gối
xếp sẵn dưới sàn, Thầy Bổn Sư ngồi giữa, các
thầy chứng lễ ngồi bên trái, còn tôi ngồi bên
phải trong thế kiết già và ngay dưới ánh đèn
sáng rực. Tôi tránh không ngó xuống cử tọa nhưng
không thể và tôi thấy chánh điện hôm nay đông
nghẹt với nhiều quan khách ngoại quốc ngồi trên
hàng ghế đầu, hàng ghế duy nhứt trong điện. Vài
nguời rọi đèn và anh quay phim với chiếc máy to
tướng trên vai đang lay hoay tìm góc lấy hình.
Vào lễ chánh thức, tôi dâng
khay hoa và nhang, mồi chiếc đèn dầu dưới chân
Đức Phật, và lạy ba lạy. Kế, tôi đến bái Thầy
Bổn Sư Vangisa và các Sư Chứng Minh. Quỳ trước
Thầy Bổn Sư, tôi chấp tay đọc các lời Pali
nguyện cầu Thầy từ bi gia hộ cho tôi Xuất Gia (Going
Forth--Pabbaja).
Nghĩa của các câu Pali là tôi, một tâm hồn đau
khổ, cầu nguyền được giải thoát khỏi tham sân si
bằng cách về nương tựa nơi cửa Phật. Tôi lập lại
lời nguyện này ba lần theo như chỉ dẫn. Thầy Bổn
Sư rải tâm từ hoan hỷ chấp thuận tôi làm đệ tử
của Ngài. Tiếp theo, Sam và Tilak, ngồi sẵn bên
góc, được mời dâng y bát; hai anh bước lên, cúi
đầu thi lễ tăng đoàn, rồi dâng y bát lên Thầy
Vangisa; Thầy đặt y lên tay tôi và trịnh trọng
quấn lên cổ tôi một vạt y trong lúc máy quay
phim và máy chụp hình bấm lia lịa. Tôi đứng lên
ôm y vào lòng, cúi đầu đi chẫm rãi qua tòa nhà
bên cạnh để được các tăng trẻ phụ đắp y, chiếc y
của nhà sư mà tôi được chính thức đắp lên thân
lần đầu tiên.
Tôi chưa biết phải đắp như
thế nào để ngoại y rộng có thể quấn quanh thân,
chỉ phủ lên vai trái, và để lộ vai phải. Khi đắp
được rồi tôi lại không biết làm sao giữ mảnh y
trên vai cho khỏi bị tuột xuống, và cứ nơm nớp
lo khi đi ngang đám đông lúc trở lại nơi hành
lễ. Khi tôi vừa bước vô chánh điện, âm lành
'Sadhu, Sadhu, Sadhu' vang lên và đèn quay phim
chiếu tôi sáng rực. Tôi hồi hộp (tôi biết) và
vẫn còn lo về chiếc y trên vai. Tôi cúi đầu bước
lên trong lúc máy quay phim, máy chụp hình và âm
Shadhu tiếp tục theo. Tôi cố giữ bước đi cho
trang nghiêm và cố giữ tâm cho khỏi bị giao
động. Tới truớc Thầy Bổn Sư, tôi chắp tay quỳ
xuống để làm lễ quy y Tam Bảo và thọ Thập Giới,
nghi thức cổ truyền của lễ xuất gia. Tôi lập
lại lời nguyện theo Thầy rồi đảnh lễ tăng đoàn,
trước khi ngồi xuống bồ đoàn đối diện ánh đèn
chói chang và cử tọa đông đảo.
Thầy Vangisa khai thị bằng
tiếng Pali. Thầy nói về ý nghĩa của lễ xuất gia
và lý do tôi đến Gothama Thapovanaya để tập
thiền dưới sự hướng dẫn của Thầy và sau cùng xin
được gia nhập đoàn tăng lữ. Theo Thầy, rất khó
cho người phương Tây xuất thế để trở thành tăng
sĩ vì tín ngưỡng ấy quá xa lạ đối với Tây
phương, nơi mà người như tôi có thể bị gán cho
nhãn hiệu dị giáo, trốn chạy thực tại hay gàn,
và tỳ kheo khó có thể được hỗ trợ đúng mức. Thầy
kêu gọi Phật tử Sri Lanka nên giúp đỡ tinh thần
cũng như chỗ nương tựa cho mọi khách ngoại quốc
đến học Phật và tập thiền. Thầy nói người như
tôi đã dám hy sinh rời quê quán, gia đình và đời
sống tiện nghi, vân vân, để sống cuộc đời tu sĩ
nghèo khó, cô độc, khổ hạnh nơi xa xôi như Sri
Lanka. Thầy khuyên dân Sri Lanka chớ nên vội bắt
chước Âu Tây mà hãy xem gương của người như tôi:
được nuôi dưỡng theo tập quán ích kỹ và trong
văn hóa vật chất mà tôi vẫn biết thế nào là sự
phù du của cuộc đời. Trong suốt thời gian Thera[40]
thuyết, chánh điện lắng nghe im phăng phắc; còn
tôi nén nước mắt cảm động, chú tâm, và cố nhớ
chi tiết của lời mình sắp thưa.
Tới phiên, tôi bắt đầu:
Kính bạch Hòa Thượng và Tăng
Già
Kính thưa quý Quan Khách
Kính thưa quý Phật tử
Vâng lời Thầy Bổn Sư, tôi
trân trọng kính thưa cùng Quý Liệt Vị cảm nghĩ
tại sao tôi chọn con đường xuất gia theo chân
Đức Phật. Đối với quý vị Phật tử, vấn đề này rất
dễ hiểu. Nhưng với người không phải là Phật tử,
quý vị có thể ngạc nhiên tự hỏi tại sao một
người Mỹ sanh trưởng trong gia đình Do Thái giáo
lại cải tâm sang tư tưởng Đông phương, tư tưởng
mà bề mặt trông có vẻ rất khác biệt. Văn hóa và
khoa học Tây phương hầu như hoàn toàn hướng
ngoại và có xu hướng vật chất. Thế giới của trí
và vật được xem là tâm điểm của mọi sống còn, là
có thật và quan yếu; hạnh phúc được đặt nền tảng
trên thế giới khách quan, tức trên cái mà con
người tưởng có thể nắm lấy và sống nhờ; hành
trang vật chất, thỏa mãn bản ngã, theo đuổi trí
thức và nghệ thuật là thước đo của thành công và
hạnh phúc. Toàn thể xã hội và văn hóa Tây phương
đều phát triển quanh các nguyên tắc và lý tưởng
đó. Tư duy của Phật giáo hay của Phương Đông,
trái lại, chứng nghiệm rằng thế giới khách quan
của trí thức và vật chất không phải là tất cả.
Thế giới tùy duyên thật ra là một hiện tượng
luôn luôn thay đổi rất phức tạp, trong ấy không
thể tìm thấy an bình và hạnh phúc vĩnh cửu. An
trú vào những gì vô thường chỉ gặt hái thất
vọng, buồn phiền và khổ đau mà thôi. Niềm an vui
và sung sướng thật sự chỉ có thể nẩy nở trong
tâm hồn vị tha, không vướng bận và không tham
ái. Sanh sống ở miền Nam California, tôi quen và
mặc nhiên chấp nhận lối sống vị kỷ và hướng
ngoại mà, tôi nghĩ, đã làm tôi thỏa mãn. Tuy
nhiên, khi tôi lớn lên và biết đời hơn, kể cả ba
năm trong quân đội với cần sa ma túy, thâm tâm
tôi bắt đầu vỡ mộng. Rồi những thử nghiệm với đủ
thứ ma túy đã đưa tôi vào nhiều tình huống tâm
linh mới và đã thúc giục tôi đi tìm Sự Thật. Tôi
nghĩ đời còn có nhiều khía cạnh khác chớ không
phải chỉ có lo cho tấm thân, tranh dành hơn
thua, biết có vật chất, hay thỏa mãn bản ngã mà
hầu hết người phương Tây kể cả tôi, dường như bị
gắn chặt vào, mỗi người mỗi cách.
Sự việc ấy hối thúc tôi rời
California chu du thế giới hầu tìm hiểu thêm
nhiều nền văn minh, dân tộc và tôn giáo khác.
Tôi muốn được nhìn tận mắt con người sống thế
nào ở những nơi khác nhau trên quả đất; và đại
để tôi thấy cũng cái vòng lẩn quẩn hay mạn lưới
tranh giành giăng khắp mọi nơi, nếu có khác chỉ
khác về mức độ tùy theo môi trường thiên nhiên,
điều kiện xã hội, và tín ngưỡng của mỗi nơi mà
thôi. Ước vọng thầm kín của tâm tôi sau cùng đưa
tôi đến Nepal, nơi đó tôi gặp thiện duyên được
hai vị Lạt Ma Tây Tạng khai tâm vào Phật pháp.
Lành thay, tâm trí tôi lúc bấy giờ đã hiểu được
phần nào đại ý và vận hành của Tứ Diệu Đế. Và,
tôi đã chuyển hướng đi của mình; tâm linh tôi có
thể nói như được tục sanh. Rồi tâm này nhứt
thiết chỉ muốn đào sâu và thâm nhập vào các khía
cạnh vi tế của các Chơn Đế đó. Tôi dường như
không thể nào không tiến lên con đường truy tầm
các hiểu biết cao xa hơn cùng những thay đổi tâm
linh để phù hợp với đạo Pháp và để cho đạo quả
tối hậu của đạo Pháp thành tựu.
Theo pháp siêu hình Đông
phương, không có một chủ thể cá biệt, tuyệt đối,
bất diệt nào chủ trì hay điều hành cuộc sống tùy
duyên của thân/tâm con nguời. Chỉ có tiến trình
phức tạp và huyền bí xác định bởi tham, sân, si
ở nhiều cấp độ khác nhau, hay bởi các đối kháng
của chúng là trí tuệ, vô trước và từ bi từng
được tích tụ liên tục qua các kiếp luân hồi, mà
bậc Giác Ngộ gọi là Anatta. Tưởng rằng có một
chủ thể thật và riêng lẻ, một kẻ trải nghiệm,
hay một chủ nhân sở hữu/chi phối là một ảo tưởng
kỹ xão, ma thuật, thâm căn cố đế xuất xứ từ vực
sâu u tịch của vô minh. Thiền quả tôi trải
nghiệm đã minh chứng phần nào rằng điều đó thật
không sai.
Bây giờ, tôi xin thưa qua một
tin lành. Dầu không có một tự ngã tuyệt đối, có
một lãnh vực của Chân Như Tối Hậu có thể nói
Không Sanh mà cũng Không Tùy Duyên. Chúng ta vốn
có tiềm năng thức tỉnh từ giấc chiêm bao triền
miên gọi là kiếp nguời, một đời sống cá nhân có
nhiều hạn chế và khổ đau đáng quan tâm. Chúng ta
có thể đánh thức cái tính Chuyên Nhứt ân sủng,
cái tính Đồng Nhứt của đời sống, hay cái trạng
thái Giải Thoát Tối Hậu. Chính tiềm năng đó,
hiện hữu trong mỗi chúng sanh, sẽ dẫn dắt mọi
người trên đường tâm linh. Kinh nghiệm ngày mỗi
gia tăng của tôi cho biết tôi đã được báo hiệu
sẽ trở về nguồn; hiệu báo ấy dẫu ở sâu trong
tiềm thức nhưng liên tục dẫn dắt tâm tôi hướng
nội để quay về cội nguồn tiên khởi. Dùng một ẩn
dụ khác, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn. Chúng ta hảy
ví bản ngã tỉnh thức[41]
như là một hỏa tiễn điều khiển đang được nhử,
huớng dẫn và lao tới mục tiêu, mục tiêu đây là
Nhứt Nguyên[42]
hay Niết Bàn đang phát sóng Sự Thật thu hút hỏa
tiễn bản ngã tỉnh thức.
Đường đời mà tôi đã và đang
đi dựa vào và tùy thuộc nơi số kinh nghiệm tôi
thu thập, số hành động (tác nghiệp) của thân,
khẩu và ý tích tụ trong nhiều kiếp từ truớc đến
nay. Do đó, lý do khiến tôi xuất gia thật sự
không phải là một lý do thật có, rõ ràng, dứt
khoát hay là gì cả. Đó chỉ là một phần của tiến
trình tùy duyên, một giai đoạn của đời sống giục
tôi đi tìm con đường ngắn nhứt và có thể nói là
thuận lợi nhứt, như nước mưa chảy xuống sườn non
đến điểm dừng chót, Niết Bàn. Hiểu một cách rốt
ráo, không có ai đằng sau tiến trình đang đi lần
tới quyết định hợp lẽ của tôi hết.
Đức Thế Tôn Thù Thắng đã nói
không phải dễ được 'sanh làm người hoàn hảo,'
được gặp thầy tâm linh uyên bác và hơn thế nữa,
được nghe với tâm rộng mở, hiểu, hành, hoán tâm,
và chứng nghiệm Phật pháp cao thâm. Do đó, nếu
tôi quay lưng đi hay bỏ qua cơ hội lý tưởng, mà
tôi tin tôi đang nắm giữ, chẳng khác nào tôi
'nhổ nước miếng[43]'
lên Thiên Đàng để rồi không sao tránh khỏi phải
lao ngay vào vòng đau khổ. Tôi không thấy có lý
do nào để giữ tôi làm người thiển cận, tối tăm
và tự xiềng vào lối sống thông thường của phương
Tây, nghĩa là có gia đình, con cái, và năm bảy
công ăn việc làm, sống rập khuôn theo định chế
xã hội, vân vân. Bây giờ, tôi nhận thấy con
đường tốt đẹp nhứt cho đời tôi là xuất gia. Tôi
tiến lên 'từ chỗ có nhà đến chỗ không nhà[44]';
tôi sẽ trì giới, hành thiền, theo đường Bát
Chánh, và nhứt tâm trực chỉ. Tôi mong được ở lại
Sri Lanka tu hành hầu cầu tìm Chứng Ngộ cho đến
khi tôi tin là đã đến điểm không thể thối lui.
Chừng thấy mình đã vững tin và có cơ hội chia
xẻ, tôi có thể sẽ trở lại phương Tây. Tôi sẽ san
sớt thành quả thâu lượm được--có thể là tuệ
giác, từ bi, hỷ lạc, vui sướng, hay hành
xả--trước tiên với cha mẹ và thân bằng quyến
thuộc của tôi, rồi sau đó, theo hạnh Bồ Tát, tôi
sẽ cố bằng mọi cách độ nhân sanh trong cõi Ta
Bà, như đem lại niềm vui hay ánh đạo vàng cho
đời họ.
Tôi thật có ân phuớc rất lớn
được thọ giới hôm nay với Đại Lão Vangisa Maha
Thera tại Gothama Thapovanya. Tôi còn được
Thapovanya giúp cho nơi nương tựa trong cảnh
rừng rất duyên với ai đang trên đường tu tập
giải thoát muốn chiêm nghiệm các thực tại của
cuộc đời. Tôi trân trọng kính xin Hoà Thượng Bổn
Sư, Tăng già Thapovanaya, quý vị cộng sự trong
tu viện và tất cả ân nhân nhận lời cám ơn hèn
mọn và chân thành của tôi.
Thành tâm hồi hướng công đức
đến toàn thể quý vị và nguyện cầu Hồng Ân Tam
Bảo từ bi gia hộ cho quý liệt vị luôn được phước
lành.
Thiện âm
Sadhu! Sadhu! Sadhu!
vang vang từng tràng.
*
Chương 20
LỜI BẠT
Tôi lưu lại Sri Lanka hai năm
sau khi xuất gia, đi đó đi đây để học Phật và
tham thiền. Nơi tôi đến nhiều nhứt là một động
nhỏ nằm dưới chân núi Dolukanda hẻo lánh, cách
Colombo chừng sáu giờ xe đò. Núi có nhiều rắn
độc và vô số khỉ. Ở đó tôi xuống làng cách xa
một-hai dặm để khất thực và ở đó tôi sống đời
thiền khổ hạnh; tôi hy vọng lối sống ấy giúp tôi
chế ngự sợ hãi, nhứt là tử thần. Tôi cũng có dịp
quán chiếu tâm tham của con người qua sự quan
sát cách tranh giành thức ăn của bầy khỉ; không
có món gì để trong động mà chúng không moi lấy,
chúng giựt cả thức ăn trong bát tôi. Mỗi sau hai
tháng ở Dolukanda, tôi lại về Thapovanaya chừng
đôi ba tuần để tường trình kết quả tham thiền
với Thầy Bổn Sư Vangisa và học kinh Pali (qua
bản dịch Anh ngữ). Một địa điểm khác mà tôi cũng
thường hay đến là Unawatuna; tôi trở lại tu
trong devale
và xuống làng khất thực. Dân làng rất hân hoan
thấy tôi bây giờ chính thức là một tăng sĩ. Thầy
Vangisa rất hài lòng thấy tôi đạt thiền quả tốt
và trau giồi kinh kệ tinh tấn.
Ba má tôi, trái lại, miễn
cưỡng chấp nhận cuộc đời mới của tôi và không
khỏi lo âu, nhứt là khi nghe tôi tả những ngày
sống trong động hẻo lánh với rắn độc và đám khỉ
háu ăn luôn chực chờ giựt thức ăn tôi khất thực.
Năm 1977 bà bay sang Sri Lanka để biết chắc rằng
tôi chưa khùng. Bà ở trong Viện Thapovanya suốt
tuần lễ đầu để thấy tận mắt lối sống của tăng
sĩ, và cũng để tôi dạy bà thiền. Sau đó, bà du
ngoạn quanh đảo, viếng nhiều thắng cảnh, và đến
cả động Dolukanda và làng Unawatuna. Lúc rời Sri
Lanka bà hiểu thế nào là đời tu sĩ/tâm linh và
hoan hỷ chấp nhận đời sống mới của tôi. Bà rất
cảm kích tính hiếu khách và cởi mở của người
Tích Lan và thành thật cám ơn họ đã hỗ trợ tôi
trên đường tu học. Cảm tưởng đẹp bà ghi nhận
được thế nào cũng sẽ giúp cha, anh, chị, bà con,
và bạn bè tôi hiểu tôi hơn.
Năm sau, tôi về thăm nhà và
cũng để xem Phật giáo phát triển thế nào trên
đất Mỹ. Ở California, tôi ngụ trong Trung Tâm
Thiền Phật Giáo Quốc Tế (The
International Buddhist Meditation Center, IMBC)
trên đường New Hampshire, Los Angeles. Trung tâm
cách Riverside chỉ năm mươi dặm nên tôi có dịp
thăm viếng ba má tôi thường xuyên--có khi cả
tuần mỗi tháng. Thiền chủ của IBMC là Hòa Thượng
Thích Thiện Ân, một nhà thiền Zen Việt Nam; Thầy
cũng là giáo sư dạy triết lý Phật giáo ở Los
Angeles City College. IBMC theo truyền thống Đại
Thừa, nhưng Thầy Thiện Ân (mà người Mỹ thuờng
gọi là Dr. Thiện Ân) muốn có tăng ni thuộc mọi
tông phái để gieo duyên và trao đổi kinh nghiệm.
Thầy Thiện Ân mời tôi ở lại
Trung Tâm để tông Theravada có mặt, vì vị tăng
Theravada duy nhứt ở đây vừa qua đời truớc khi
tôi đến. Từ từ, tôi bắt đầu nói pháp với nhóm
thiền chủ nhựt và dạy yoga cũng như thiền mỗi
tuần một lần. Lúc bấy giờ thiền và nhiều chương
trình liên hệ khác do IBMC và College of
Buddhist Studies bảo trợ khá phổ thông và có
nhiều người tham gia. Đây là duyên tiên khởi dẫn
tôi vào việc giảng dạy thiền và Pháp, và cũng là
duyên may giúp tôi học hỏi thêm về Đại Thừa.
Trung tâm thường tổ chức lễ lạc nên có nhiều
tăng Tây Tạng, Theravada và các tông phái khác
dừng chân tham dự hay thuyết giảng. So với môi
trường tu học của tôi ở Tích Lan, Trung Tâm rất
nhộn nhịp, nhưng tôi hoan hỷ chấp nhận thay đổi,
ít ra là trong một thời gian.
Ngày Vesak 1979, tôi thọ giới
upasampada[45]
tại một chùa Thái ở Bắc Hollywood và bước lên
bậc thang chót của đời tăng sĩ. Lễ do một số
tăng Tích Lan trong vùng Los Angeles tổ chức với
sự chứng kiến của gia đình và bạn bè củ của tôi.
Ba má tôi bây giờ rất cảm thông và sẵn sàng bưng
y bát đi nhiễu ba vòng quanh chùa trong tiếng
chuông trống và tụng niệm trang nghiêm của Phật
tử.
Sau hai năm ở IBMC tôi trở
lại Tích Lan bởi nhớ núi rừng tĩnh mịch và đời
sống lâm tăng; tôi nhớ động Dolukanda với rắn
với khỉ, và nhớ làng biển lý tưởng Unawatuna.
Tôi cũng muốn lánh những sinh hoạt đe dọa tâm an
tại của tôi, như cảnh bon chen, những gặp gỡ
thường xuyên Phật tử khác phái và giới luật
không mấy nghiêm khắc của Trung Tâm. Tôi về lại
bán đảo Ấn Độ vào đầu hè 1980. Thoạt tiên tôi
bay qua Calcutta rồi đi Bodhgaya. Tại Bodhgaya
tôi tạm trú trong các tu viện miễn phí và đến
tham thiền thường xuyên dưới gốc cây thiêng.
Tháng 9, tôi rời Bodhgaya đi hành hương ở những
nơi có dấu chân Phật, như Rajir/Nalanda,
Vaishali, Kusinara, Sravasti, và Lumbini trong
lãnh thổ Nepal. Trên đường, tôi khất thực, ngủ
nghỉ trong chùa/ashram
hay ngoài trời dưới bóng cây bên đường. Ngày 1
tháng Mười Một tôi đến Lumbini để đảnh lễ nơi
đản sanh của Đức Phật mà tôi không có thiện
duyên đến viếng trong chuyến đi Nepal trước đây.
Tiếp theo tôi đi Pokhara và du hành lên Đại Sơn[46]
gần đó.
Tại Pokhara tôi sống tạm
trong một tu viện Theravada trước khi hành hương
lên hai thánh đường Muktinath và Annapurna. Tôi
rất thích chuyến hành hương dã ngoại này và xem
đó như một duyên lành cho tôi phát huy đời tăng
sĩ/tâm linh. Tôi trở lại Bodhgaya vào trung tuần
tháng Mười Hai để có dịp được tưới thắm đạo tâm
bất thối chuyển của hằng ngàn người Tây Tạng về
đây trong tháng này.
Giữa tháng Giêng, tôi đến Sri
Lanka và lưu lại đó những sáu năm liên tiếp. Tôi
sống trong Trung Tâm Thiền Nilambe do nhân sĩ
nổi tiếng Godwin Samaratne mới thành lập trên
vùng đồi núi trồng trà mát lạnh phía trên Kandy.
Trung tâm dành cho dân chúng đến thiền nhưng
tăng sĩ cũng có thể ở nếu muốn. Ông Samaratne
mời tôi phụ dạy thiền (thỉnh thoảng dạy một khóa
chừng muời ngày) và nhờ tôi trông coi trung tâm
mỗi khi ông đi xa (ông đi dạy thường xuyên và ở
nhiều nơi).
Thế là tôi dạy thiền ở
Nilambe, dạy trong suốt năm năm, mỗi năm đôi ba
khóa. Đầu tiên chỉ có du khách phương Tây nhưng
lần hồi có thêm nhiều người Tích Lan đến học.
Giữa các khóa, tôi xuống ở dưới Unawatuna.
Unawatuna bây giờ đã đổi khác, trải rộng từ bờ
biển vô tận trong sâu. Trong ba năm tôi đi xa,
nhiều nhà nghỉ và nhà hàng bình dân mọc lên như
nấm trên bãi, trong làng để đáp ứng nhu cầu gia
tăng của du khách phương Tây; không khí yên lành
năm xưa không còn nữa. Nhưng rất may, tôi tìm
được một nơi có bụi rậm và bóng mát trên đồi và
nhờ dân làng phụ dựng một cốc bằng cây nhỏ để tu
tập.
Trên đồi không mấy khi có du
khách, trừ những người muốn lên để ngắm hoàng
hôn, nên rất yên tịnh. Cốc tôi nằm khuất nên
không ai biết có tôi ở đó. Sau cốc tôi có khai
một lối đến tảng đá to nhìn ra biển Ấn Độ mà
sóng ngoài khơi kéo về vổ ì ầm dưới chân không
đầy năm thước. Tôi có thể ngồi ngay trên mặt đá
bằng để tham thiền trong lúc vừng Tây chìm dần
dưới chân trời trước mặt. Mỗi ngày tôi xuống vô
xóm khất thực. Tôi sống lại Unawatuna nhiều hơn
ở Nilambe và chính tại nơi đây tôi nảy ra ý định
viết những trang hồi ký này.
Tôi không có về lại
Thapovanaya. Trong lúc tôi đi xa, Thầy Vangisa
viên tịch và tu viện được phát triển lớn thành
truờng dạy tăng sĩ. Dĩ nhên quang cảnh yên tĩnh
quen thuộc của tôi không còn nữa!
Tháng Tư 1985, tôi trở lại Ấn
Độ và kinh hành sáu tháng ở Hy Mã Lạp Sơn. Tôi
bắt đầu từ Rishikesh (nơi nổi tiếng mà nhóm
Beatles từng hành thiền với Yogi Maharishi
Mahesh), đi bộ đúng theo
padayatra
cổ truyền (hành hương bằng cách đi bộ), viếng
nhiều đất thánh Hindu như Badrinath, Kedernath,
Gangotri, Yamunotri, và động Amaranath ở
Kashmir, cùng nhiều đền linh thiêng.
Lúc gió nồm của mùa mưa bắt
đầu thổi, tôi qua khỏi đèo Zoijila, vô vùng ít
mưa Ladakh, và sau cùng đến Leh. Tôi đi trong
thung lũng Indus suốt hai tháng. Trong khoảng
thời gian này tôi tạm trú trong nhiều tu viện
kiểu Tây Tạng rải rác trên bình nguyên hoang
vắng. Cuối tháng Mười tôi trở lại Srinagar, rồi
lấy xe lửa và xe đò xuống miền Nam Ấn Độ qua
Aurangabad và Động Ajanta đến Rameswaram. Từ
Rameswaram tôi lên chiếc tàu đò cũ SS Ramanujam
lần chót qua Sri Lanka. Sau đó SS Ramanujam
không còn đưa khách qua lại Ấn Độ và Sri Lanka
nữa vì sự quấy rối của quân nổi dậy Tamil.
Sau chuyến kinh hành dài ở Ấn
Độ, tôi bắt đầu đọc sách báo Phật giáo quốc tế
của Buddhist Publication Society ở Kandy cầu tìm
duyên lành mới. Tôi thấy bài nói về một lâm tự
Theravada đang được xây cất ở West Virginia.
Trên nước Mỹ, tu viện Zen và Tây Tạng cũng như
chùa Theravada không thiếu nhưng đều nằm trong
thành phố; đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến
một thiền viện theo trường phái Theravada lập
trong rừng.
Từ lâu, tôi có ý định hoằng
dương Phật pháp và phổ biến thiền đến phương
Tây; những ngày ở IBMC là bước đầu của sở nguyện
tôi. Tuy nhiên lúc bấy giờ tôi còn non nớt quá
nên nào dám. Bây giờ, nhờ sáu năm lặn lội thêm
bên châu Á và mớ kinh nghiệm dạy Pháp ở Nilambe,
tôi cảm thấy tự tin hơn. Do đó, khi đọc được tin
trên tôi rất quan tâm chú ý. Hơn thế nữa, lâm tự
được gọi là Bhavana Society, lại do một tăng
Tích Lan gây dựng, Thầy Henepola Gunaratana. Tu
viện được xây trong khu rừng rộng mười ba mẫu
Anh trên khu cán gáo của West Virginia, cách
Washington, D.C. hai giờ xe. Được biết tu viện
đang cần nhiều bàn tay xây dựng, tôi liền viết
thư qua Thầy H. Gunaratana, lúc bấy giờ là Chủ
Tịch Washington Buddhist Vihara ở thủ đô, để tự
giới thiệu và xin góp sức vào công quả quan
trọng của Thầy. Không bao lâu tôi được thư Thầy
trả lời, mời tôi qua phụ giúp.
Mùa Xuân 1987, tôi lên
Washington Buddhist Vihara gặp Bhante (Thầy)
Gunaratana. Thầy còn ở đây vì tòa nhà đầu tiên
trong rừng do các đệ tử góp sức chung xây vào
những ngày nghỉ cuối tuần chưa ở được. Lúc đến
nơi, tôi thích ngay quang cảnh và tin tưởng công
trường chắc chắn sẽ thành một aranya (lâm viện
hay tu viện trong rừng) xinh đẹp. Tôi ở lại công
trường một mình và bắt tay làm việc mỗi ngày.
Thỉnh thoảng tôi đi gặp bà con (rất ít) trong
vùng, và dĩ nhiên không bao giờ quên thiền.
Mùa Thu 1988, tòa nhà chánh
với một thiền đường nhỏ, đường sá, và ba cốc
bằng cây được xem như xong. Lúc bấy giờ viện mua
thêm mười mẫu Anh kế bên. Và tháng Mười 1988,
Bhavana Society Forest Monastry and Meditation
Center được long trọng khánh thành. Từ đó trung
tâm không ngừng phát triển và tâm linh tôi không
ngừng khai mở.
Mỗi năm từ 1988 đến nay, tôi
đi Âu châu hai tháng hè để gieo duyên với các
bạn mà tôi gặp truớc đây ở Sri Lanka. Tôi cũng
thường mở nhiều khóa thiền ở Đức, và đôi khi ở
Đan Mạch, Thụy Điển, Ý và Pháp.
Nay cẩn ký.
Dịch xong Chủ Nhựt 13.11.2005
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi
*
PHỤ
BẢN I
I. Khước sĩ (Sannyassin) là
người có lối sống như tu sĩ/đạo sĩ Hindu, khước
từ dục lạc thế gian và nguyện giữ hạnh thanh bần
và độc thân. Theo truyền thống, họ mặc màu vàng,
vàng nghệ, hay cam là biễu thị của sự khước từ;
các màu ấy cũng là màu biễu tượng của họ ngày
hôm nay ở Ấn Độ. Khước sĩ rất được người Ấn sùng
tín kính trọng. Tuy nhiên tân khước sĩ
(neo-sannyassin) của Đạo Sư Rajneesh có khác và
từng là đề tài bán tán ở Poona khi họ đi rong
trong thành phố nầy với y màu cam/đỏ và chuỗi
mala lủng lẳng trên cỗ. Nam và nữ, thường là
người ngoại quốc, được thấy quấn quít và hun hít
ở những nơi công cộng, làm mất thuần phong mỹ
tục Hindu nên dân chúng rất khó chịu. Họ còn vào
quán rượu, nhà hàng, ăn uống nhảy nhót vung vít.
Không cần nói ai cũng biết hạnh kiểm lố bịch ấy
(của một người gọi là khuớc từ dục lạc) không
thể được lễ giáo Hindu chấp nhận. Nhưng vỉ họ
chi tiền nhiều nên địa phương làm lơ cho. Một
sáng trong năm 1980, có một người phóng dao ám
sát hụt Đạo Sư Rajneesh trong lúc ông đang
thuyết giảng ở Poona. Một dấu hiệu cho biết dân
Poona chán ngáy Đạo Sư và đám đệ tử tân khước sĩ
của ông. Vì vậy, theo tôi nghĩ, Đạo Sư đã phải
dọn đi nơi khác, ra khỏi Ấn Độ luôn. Ông và "bộ
lạc hoan hỷ" của ông hiện sống tại Mỹ, trên miền
Đông Bắc của tiểu bang Oregon. Họ đang tạo dựng
thành phố mang tên Rajneeshpuram và khai sanh
đạo mới, đạo Rajneeshism.
II. Trung Tâm Thiền Minh Sát
Kanduboda (The Kanduboda Vipassana Bhavana
Center) hình thành năm 1956 nhân dịp có một số
nhỏ du sĩ Miến Điện đến Sri Lanka dạy thiền. Quý
vị tỳ kheo (bikkhu) ấy là đệ tử của Ngài Mahasi
Sayadaw, tác giả quyển
Practical Insigh Meditation
và cũng là bậc A La Hán đã
khởi xướng pháp phồng xẹp bụng. Quý vị được mời
sang để khơi lại pháp hành thiền đã bị ảnh hưởng
Thiên Chúa giáo lấn áp trong nhiều trăm năm bị
phương Tây đô hộ. Năm 1956 là một thời điểm quan
trọng vì là năm kỷ niệm thứ 2500 của Đức Phật
nhập Niết Bàn. Trước khi nhập diệt, Đức Phật có
nói rằng Pháp của Ngài sẽ mạt sau năm ngàn năm;
lúc bấy giờ sẽ có Phật Di Lặc thị hiện giáo hóa
chúng sanh. Do đó, năm 1956 đánh dấu nửa lộ
trình của Phật Pháp và được thế giới Phật giáo
long trọng kỷ niệm. Đó cũng là năm ngọn đuốc
thiền quán Phật giáo được thắp sáng lại. Ngay
trước đó, Ngài Mahasi Sayadaw và Bổn Sư của Ngài
Goenka là Ngài U Ba Khin có thiết lập hai trung
tâm thiền tại Rangoon. Khi đến nơi, quý vị tỳ
kheo Miến Điện nhập hạ và dạy thiền minh sát
khiến nhiều tu sĩ và cư sĩ Tích Lan có duyên mai
học được pháp thiền nầy. Tiếp theo, nhiều trung
tâm thiền khác được thiết lập để đáp ứng nhu cầu
của người muốn học thiền ngày càng đông.
Kanduboda là một trong những trung tâm mới này
do một tỳ khưu từng du học ở Miến Điện lập nên
và giảng dạy. Đó là Ngài Sumathipalo, thầy của
Ngài Sivali. Hai vị thầy này và Thầy Mahasi
Sayadaw viên tịch năm 1982.
III. Bố Thí (Dana) là một
pháp quan trọng trong việc hành trì Phât pháp.
Đại để, bố thí có nghĩa là chia xẻ cái mình có
để giúp người đang thiếu và cũng để làm giảm
thiểu tâm tham ái và chấp thủ của mình. Theo
truyền thống Phật giáo, bố thí là cúng dường chư
tăng ni bốn thứ vật dụng cần thiết hằng ngày là
thức ăn, y, chỗ ở và thuốc men. Trai đường là
nơi tu sĩ nhận vật thực cúng dường do thí chủ
(dayaka) mang đến tu viện. Cúng dường tu sĩ được
tin như là tạo phước báu làm tăng trưởng căn
lành và hạnh phước; cúng dường cho bậc mà công
đức tu tập càng cao dày, phước báu tạo nên càng
to lớn. Do đó, các trung tâm thiền có tiếng như
Kanduboda thuờng nhận được nhiều vật thực cúng
dường. Một lợi điểm nữa của Kanduboda là có
nhiều người ngoại quốc ở tu học; dân chúng địa
phương nghĩ rằng người phương Tây nào dám hy
sinh tiện nghi vượt bực của Âu Mỹ để đến phương
Đông hành thiền trong điều kiện tu học khắc khổ
là người đã thực sự hy sinh nên cần được giúp đở
nhiều hơn. Đó cũng là dịp để họ nhìn thấy tận
mắt các đệ tử của Phật từ phương Tây qua.
IV. Để
đơn giản vấn đề, tám bậc ấy được xếp vào ba giai
đoạn tùy theo chức năng tổng quát của chúng. (1)
Giai đoạn thứ nhứt là làm tỏ lộ tánh vô thường
của năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, và thức,
được thực hiện bằng cách dùng nội quán nhìn
trước vô sự sanh và diệt của các pháp hữu vi rồi
sau đó chỉ vô sự diêt[47]
mà thôi. (2) Giai đoạn thứ hai đòi hỏi sự quán
chiếu thâm sâu và sự tin tưởng rằng các pháp của
thân tâm và của toàn thế gian hữu vi đều bất
toại nguyện và là nguồn gốc của khổ đau; do đó,
chúng ta không còn sự ham muốn (xả bỏ) pháp thế
gian nữa. Đôi lúc quán chiếu sự sanh diệt chưa
đủ để xả bỏ. Trừ trường hợp được quan sát tỉ mỉ
bằng ánh sáng của khổ đau, thực tánh bất toại
nguyện (khổ) của thế gian luôn bị che án bởi
tham, sân và si. Dầu biết là khổ nhưng chúng ta
vẫn tìm cầu. Sự hiểu biết và nhu cầu phải xả bỏ
được thực hiện bằng cách phát triển ý thức về
hoảng sợ[48]
và hiểm nguy. Nhưng sự hoãng sợ nói đây không
phải là sự sợ hãi tiêu cực mà là biểu hiệu xác
nhận rằng sự vật đang tan hoại và không có trú
quán (dầu chỉ cho một đêm), không có sự thanh
tịnh cho bất kỳ tâm chấp thủ nào. (3) Trong giai
đoạn thứ ba tâm thực sự quay lưng lại sáu căn,
sáu trần, và cả hành giả là "cái tôi". Đó là
giai đoạn mà quả của cố gắng trước đây hình
thành và được chứng nghiệm qua sự xả ly, thanh
tịnh, tuệ tri, và hạnh phúc tối thượng gọi là
Niết Bàn. Giai đoạn này được thực hiện bằng sự
phát huy tâm vô tham dục, hành xả và giải thoát
khỏi mọi pháp. Giai đoạn thứ ba được nối tiếp
bởi sự chuyển đổi từ Tam Giới Hợp Thế (dục giới,
sắc giới, vô sắc giới) lên Niết Bàn siêu tam
thế. Trong kinh điển Nam Truyền, pháp Trí Tuệ
Thanh Tịnh[49]
và trạng thái Niết Bàn phát sanh từ các pháp
thanh tịnh trình bày một phần của lộ trình (đạo)
thanh tịnh hóa tâm. Toàn bộ được giải thích
trong Bộ Thanh Tịnh Đạo (Visuddhimagga), một
loại phóng tác của Giáo Pháp tiếng Pali giảng
giải bởi Ngài Phật Âm (thế kỷ thứ 5). Giáo Pháp
vĩ đại ấy mô tả tỉ mỉ sự phát sanh và tịnh hóa
Giới Thanh Tịnh, (Silavisuddhi), Định Thanh Tịnh
(Samadhivisuddhi) và Tuệ Thanh Tịnh
(Pannavisuddhi). Chi tiết về Thiền Tuệ nằm trong
phần Tuệ Thanh Tịnh. Bản dịch Anh ngữ của Tỳ
Kheo Nanamoli Thera được xuất bản bởi Buddhist
Publications Society, Kandy, Sri Lanka, và bởi
Shambala Publications, California (hai quyển).
V. Kinh Phật mô tả mười kiết
sử ngăn che Chứng Ngộ. Chúng cần phải được bứng
tận gốc bằng pháp Thiền Minh Sát (Thiền Tuệ). Sự
đoạn diệt dần dần các kiết sử tuần tự làm phát
triển sự chứng đắc Tứ Thánh Đạo là Thánh Đạo
Nhập Lưu, Thánh Đạo Nhứt Lai, Thánh Đạo Bất Lai
và Thánh Đạo A La Hán. Phần nầy cũng được giảng
giải tỉ mỉ nơi mục Thiền Tuệ trong Bộ Thanh Tịnh
Đạo nói trên ghi chú IV.
VI. Nhập Lưu còn gọi là Tu Đà
Hoàn (Sotapanna) là bậc Thánh chứng ngộ Niết Bàn
lần đầu tiên và mới nhập vô dòng Thánh (Ariya).
Vì còn nghiệp nên bậc Nhập Lưu sẽ tái sanh bảy
lần nữa trước khi chứng đạt bậc A La Hán. Nhờ
tâm đã được thanh tịnh hóa[50],
bậc Nhập Lưu không còn phải tái sanh vô ba cõi
thấp (súc sanh, ngạ quỷ và địa ngục). Do nghĩ
mình đã chứng đạt bậc Nhập Lưu, Thầy Nyanavira
tự kết liễu đời mình để chấm dứt khổ đau hiện
tiền và mau đến bậc A La Hán (nhờ sớm bớt đi một
kiếp). Lý luận của Thầy được trình bày trong bức
thư gởi cho người bạn và được biết sau khi Thầy
tự vẫn. Trong những năm sau cùng, Thầy có ghi
chú nhiều điều về tâm thức, ghi chú được đúc kết
thành tập 'Ghi Chú về Đạo Pháp--Notes on
Dhamma'. Thầy Samitta không có gặp Thầy
Nyanavira nhưng có đọc thư và tập Ghi Chú của
Thầy. Thầy tin rằng Thầy Nyanavira đã có cái
nhìn trực tiếp đến Niết Bàn. Thầy rất quý tập
Ghi Chú và xem Thầy Nyanavira như một hiền triết
cao thâm. Những gì tôi viết ra đây là do tôi
lượm lặt được qua các câu chuyện với Thầy
Samitta và những người hiểu biết. Tôi có dịp
nghiên cứu tập Ghi Chú và học được nhiều tư
tưởng mới lạ rất hấp dẫn. Tuy nhiên, tôi không
dám nói gì hơn về sự tự vẫn của Thầy bởi kinh
nghiệm Phật Pháp của tôi còn quá ít oi.
VII. Ở Tích Lan, Phật tử
không xem mình là người của Ấn giáo song họ thờ
cúng thần thánh. Thờ cúng thần thánh, họ mong
được may mắn và an lành trong cõi thế; còn lạy
Phật nghe Pháp, họ tìm lối giải thoát cho tâm
linh trong kiếp tới. Khi lời cầu nguyền linh
ứng, họ thường đi hành hương ở chùa hay một nơi
thiêng liêng. Tôi có dịp gặp một thanh niên
nguyện sẽ leo lên Sri Pada hành hương nếu thi
đậu vô đại học. Anh được toại nguyện và vừa đi
tạ thần thánh về. Một bà mẹ khác (trong gia đình
mà tôi biết) vái nếu cuộc giải phẫu mắt của con
bà thành công, bà và con bà sẽ sang bái cội Bồ
Đề linh thiêng ở Bồ Đề Đạo Tràng bên Ấn Độ. Cuộc
giải phẫu đuợc như ý, bà cùng con đã đi hành
hương. Tôi thiết nghĩ sự tin tưởng nơi thần
thánh (tha lực) không đúng theo Giáo Pháp, nhưng
tôi không thắc mắc, như tôi đã từng không phủ
nhận việc giải tà, coi tay, coi bói, vân vân.
VIII. Trong khoa Yoga, tuyến
nội tiết được xem như liên hệ với hệ 7-luân xa
(chakra) hay trung tâm sinh lực. Ba hạ luân xa
(tinh/noản hoàn, tuyến thượng thận và tuyến tụy)
điều hòa các chức năng sinh dục, sinh sản, tiêu
hóa, chuyển hóa, và những cảm xúc thô của bất
thiện tâm tham, sân, si, vân vân. Trung tâm thứ
tư hay tâm luân xa với tuyến thymus có chức năng
chuyển đổi lên thiện tâm cao quý như tâm từ
(metta) và tâm bi (karunà). Ba thượng trung tâm
với tuyến giáp trạng, tuyến yên và tuyến tùng
ảnh hưởng đến tâm định, tuệ thức và các kinh
nghiệm siêu tam thế. Ai bị dằn vật bởi vấn đề
sinh dục hay tham vật thực của thế gian được xem
như bị các hạ luân xa chi phối. Nghệ sĩ, thi sĩ,
các nhà trí thức, các tâm sùng đạo được xem như
sống dưới sự động viên của tâm và thượng luân
xa. Các bậc thánh và giác ngộ chỉ tùy thuộc vào
thượng luân xa. Nhánh Kundalini Yoga của khoa
Yoga chú trọng phát triển sự điều tức bằng một
số thế đặc biệt để đưa sinh khí từ hạ luân xa
thấp nhứt (chỗ xương cụt) theo ống tủy lên tận
luân xa 'sen ngàn cánh' trên đỉnh đầu. Nếu một
hay nhiều tuyến liên hệ với các luân xa không
hoạt động (rất thường xảy ra), sự di chuyển sinh
khí bị nghẻn. Vì vậy, khoa Yoga rất quan tâm đến
việc tịnh hóa, kích thích và trẻ hóa các hệ
thống chánh yếu của thân thể (như các hệ thần
kinh, hô hấp, tuần hoàn, và nội tiết) để khai
thông sự chứng đạt tỉnh thức. Tiến sĩ Swami
Gitananda luôn luôn bảo rằng thân và tâm phải
cùng hoạt động để hỗ trợ lẫn nhau. Tìm cách
chứng đạt Giác Ngộ chỉ bằng cách tịnh hóa thân
mà không phát triển tâm thức là một việc làm vô
bổ. Cũng vậy, tìm cách phát triển tỉnh thức bằng
thiền quán mà không lo cho thân thể lành mạnh
chỉ tốn thì giờ vô ích. Trong pháp Yoga, thân và
tâm là hai mặt của một đồng tiền. Tâm tỉnh thức
(thiền tâm) của nhà thiền không phải từ trên
trời rớt xuống (có thể là ngẩu nhiên trong một
số rất ít trường hợp) mà là do một quá trình tu
tập bao gồm sự thư giãn và tịnh hóa cả thân lẫn
tâm một cách đúng đắn.
IX. Có một câu chuyện ngồ ngộ
về luật nầy. Sau khi thành đạo, Đức Phật có trở
về cung điện của Vua Tịnh Phạn, nơi mà vợ con
Ngài đang sinh sống. Vì Đức Phật đã khước từ
vương tước, nên hoàng tử Rahula sẽ đương nhiên
là người kế vị ngai vàng. Khi Đức Phật về viếng
hoàng cung, công chúa Yasodhara (vợ của Ngài
thuở trước) bảo hoàng tử Rahula (lúc bấy giờ mới
được bảy tuổi) ra tâu xin cha truyền cho ngôi
báu. Vì tâm từ bi, Đức Phật thay vì truyền ngôi
vua lại trao Rahula cho Ngài Xá Lợi Phất (đại đệ
tử A La Hán của Đức Thế Tôn) để được giáo hóa và
thọ giới sa di. Sự việc nầy gây không biết bao
phiền não vì ngôi vua không người kế vị. Vua cha
Tịnh Phạn bạch Phật chỉ nên thâu nhận đồ đệ khi
có sự ưng thuân của cha mẹ của người xuất gia.
Đức Phật thuận lòng vua cha và luật ấy được Ngài
chấp thuận. Như có nói rồi, Hoàng tử Rahula
chứng ngộ A La Hán lúc còn rất trẻ.
Cũng nên biết thêm rằng bà dì
Maha Pajàpati từng nuôi dưỡng Hoàng Tử Sidharta
từ lúc ra đời mới bảy ngày (lúc Hoàng Hậu Maya
mất) cho đến khi khôn lớn, là vị tỳ kheo ni
(bikkhuni) đầu tiên, và Công Chúa Yasodhara cũng
thọ giới tỳ kheo ni sau đó; hai bà đều chứng đắc
Thánh quả A La Hán khi còn tại thế. Vua Tịnh
Phạn cũng đắc quả A La Hán dầu không có thọ giới
tỳ kheo và vẫn giữ ngôi báu.
X. Một tỳ kheo Theravada chỉ
được phép sở hữu tám vật dụng cho cuộc sống hằng
ngày: ba y (hai y ngoài và một y trong), bình
bát, kim và chỉ, một lọc nước, một dao cạo, và
một dây nịt (để giữ y trong). Y ngoài và các vật
dụng được xếp gọn trong bình bát, và bình bát
được đựng trong cái xách đeo vai. Nhờ được trang
bị gọn gàng, tỳ kheo có thể đi đâu cũng dễ dàng.
*
PHỤ
BẢN II
Anatta:
Vô Ngã tức là không có cái tôi, không vì mình.
Một trong ba[51]
đặc
điểm của cuộc sống duyên khởi.
Anicca:
Vô thường. Một đặc điểm khác của cuộc sống duyên
khởi. Tất cả các hiện tượng, năm uẩn (sắc, thọ,
tưởng, hành, thức) ở trong tình trạng luôn luôn
thay đổi, liên tục sanh và diệt ngoài sự kiểm
soát của con người.
Arahat:
A La Hán. Là vị Bồ Tát ở bậc cao nhứt[52].
A La Hán đã diệt (bằng thiền quán) hết mười kiết
sử (ràng buộc)[53]
buộc chúng sanh vào vòng luân hồi sanh tử. Ngài
đã chứng ngộ Niết Bàn hay Bất Sanh Bất Tử, không
còn trở lại cõi Ta Bà vô thường và đau khổ nữa.
Avijja:
Vô Minh tức là không biết, không thấy, tâm chưa
được khai ngộ. Vô minh được ví như bức màn che
không cho thấy tánh thật hay thực tính của vạn
vật (tâm, thân và thế giới danh sắc). Màn vô
minh dày nên che khuất sự thật khiến con người
tin vô thường là thường còn, những gì không toại
nguyện hay đau khổ là toại nguyện hay khoái lạc,
những gì không có thực chất hay không có tự thể
là có thực chất hay có tự thể, những gì sai
(không lành mạnh, không kỷ năng) là đúng (lành
mạnh, có kỹ năng), và những gì đúng là sai. Vì
vô minh nên hành giả không thấu triệt được Tứ
Diệu Đế của Đấng Chí Tôn.
Bhavana:
Thiền; sự phát triển tâm linh. Thiền Phật giáo
có hai phương pháp: thiền chỉ (chú tâm và yên
lặng) và thiền minh sát (thiền quán chiếu nội
tâm).
Bikkhu:
Tỳ Kheo; Tỳ Khưu. Nguyên nghĩa là 'thu lượm mảnh
vụn'. Người sống nhờ vào sự bố thí của đàn na
thí chủ; tiếng Pali Bikkhu chỉ tăng sĩ Phật
giáo.
Bodhi:
Bồ Đề; Tuệ Giác Tối Thắng; Khai Ngộ; Giác Ngộ.
Tu Sĩ Siddhartha Gotama ngồi tham thiền và chứng
đắc đạo quả dưới gốc cội Bồ Đề ở Bồ Đề Đạo Tràng
(Boghgaya).
Bodhicita:
Bồ Đề Tâm; Giác Tâm. Là tâm của các Bồ Tát đã
chứng đắc nhưng chưa rời cõi Ta Bà vì hạnh
nguyện cứu vớt mọi chúng sanh khỏi vòng luân
hồi. Bồ Tát hành trì Tâm Bồ Đề không chọn con
đường chỉ tu hành cho riêng mình mà cho mọi
chúng sanh. Nhiều người (vì hiểu lầm, nd.) đã
vội trách tông phái Theravada hành trì Phật pháp
cho cá nhân mình mà thôi.
Bodhisattva:
Bồ Tát; 'Chúng Sanh Chứng Ngộ'. Bậc thánh hy
sinh đời mình để cứu rỗi chúng sanh. Bồ Tát giới
là lý tưởng của Đại Thừa (đối với lý tưởng A La
Hán của Theravada). Bậc Bồ Tát nguyện chỉ nhập
Niết Bàn sau khi mọi chúng sanh kể cả cọng cỏ, (sic)
nhập Niết Bàn[54].
Buddha:
Phật; Bụt. Bậc giác ngộ.
Buddhi:
Phật Tâm. Khả năng tối thắng của tâm giúp người
khai mở Tâm Bồ Đề và đạt quả A La Hán hay Phật.
Thông thường khả năng này bị vô minh che lấp và
chỉ phát huy được nhờ vào sự hành thiền và trì
Phật pháp.
Chakra:
Luân Xa. Thuật ngữ Yoga có nghĩa là 'bánh xe' và
được xem như trung tâm chứa năng lượng
prana
bên trong. Nguồn năng lượng
prana
lan tỏa khắp cơ thể theo một mạng kinh mạch
(nadi)
và chi phối các hoạt động đặc biệt của thân và
tâm. Có sáu luân xa chánh nằm dọc trên đường
sống lưng, bắt đầu từ đốt xương khu. Các luân xa
này liên hệ với hệ thần kinh chính và các tuyến
nội tiết trong vùng. Hệ thống gồm luân xa, tuyến
và mạng kinh mạch chịu trách nhiệm về các tình
cảm, trạng thái tâm linh và nhân cách từ thô đến
vi tế. Ba luân xa dưới điều hợp những nhu cầu
thế tục, còn ba luân xa trên ngang tầm tim, cổ
và chân mày trách nhiệm các xúc cảm tinh thần
như từ, bi, hỷ, xả, thiền, và tỉnh thức. Luân xa
thứ bảy, hoa sen ngàn cánh, nằm trên đỉnh đầu là
trung tâm toàn giác. Hầu hết những người thế tục
(không thiên về tâm linh) sống theo cảm giác và
đam mê của thân xác bị chi phối bởi các luân xa
thấp; luân xa cao của họ bị đóng kín nên không
chứng nghiệm được những đặc tính cao quý như từ,
bi, hỷ, xả, vân vân. Mục đích của yoga là khởi
động các luân xa cao để phát triển sự tỉnh thức
tâm linh và các đặc trưng liên hệ.
Deva:
Đề Bà; Thiên. Thuật ngữ Phật học chỉ người trở
thành thiên nhơn của cõi thiên, nhờ đã sống đời
người đức hạnh và từ bi.
Dharma:
Pháp. Pháp có rất nhiều nghĩa. Nghĩa thông
thuờng dùng trong sách này là Phật pháp, tức
những lời chỉ dạy dẫn đến Sự Thật Tuyệt Đối,
Giác Ngộ hay Niết Bàn. Trong Yoga và Ấn giáo,
Dharma chỉ con đường phát triển tâm linh (riêng
biệt của mỗi người) được xác định từ lúc sanh ra
đời. Trong A Tỳ Đạt Ma, A Tỳ Đàm, hay Vi Diệu
Pháp, Dharma là một Pháp trong vũ trụ. Có hai
loại Pháp: duyên sanh và vô duyên sanh. Pháp
duyên sanh gồm năm uẩn, yếu tố danh sắc[55]
cấu tạo thế gian và có tánh vô thường, khổ và vô
ngã. Pháp vô duyên sanh là Niết Bàn. Phật pháp
là lời dạy của Đức Phât giúp hành giả thấu hiểu
các pháp duyên sanh để đi đến pháp vô duyên
sanh, Niết Bàn, chấm dứt đau khổ.
Dukkha:
Đau Khổ; Bức Bách; Khó Chịu. Chính xác hơn, đó
là những gì thuộc hai lãnh vực thân và tâm có
sanh có diệt, không thường còn và vô ngã. Vì vô
minh con người chấp lấy thân, tâm và thế gian
nên sanh ra chấp thủ, ái dục, phiền não, ưu sầu
và khổ đau. Đó là một Sự Thật và là đế thứ nhứt
của Tứ Diệu Đế[56].
Hatha Yoga:
Phương pháp yoga mà căn bản là tịnh hóa thân, hệ
thần kinh, làm cân bằng sinh lực, vân vân, hầu
giúp đạt các cấp cao của thiền quán. Cân bằng
dòng chảy của sinh khí prana bằng các thế và
phép điều tức[57]
là Hatha Yoga (Ha=khí dương của mặt trời;
Tha=khí âm của mặt trăng).
Hinayana:
Tiểu Thừa hay Cổ Xe Nhỏ, một tên không mấy đẹp
do Phật giáo Đại Thừa đặt ra để chỉ tông Phật
giáo Nguyên Thủy (Theravada) mà mục tiêu được
xem như tu tập để tự giác tức chỉ giải thoát cho
riêng mình trong lúc mục tiêu tu tập của Đại
Thừa là giải thoát chúng sanh. Vì không chính
xác nên Phật tử Việt Nam đã thay thế từ Hinayana
bằng Theravada (nd).
Karma:
Nghiệp. Nghiệp được tạo tác bởi thân, khẩu, ý và
bắt đầu từ ý. Ý hành giữ dấu vết trong hệ thần
kinh và tiềm thức; hai nơi này có khả năng tạo
nên tác dụng có hậu quả giống y như nguyên nhân.
Hành động tạo nghiệp có thể tốt hay xấu và đem
lại kết quả tốt hay xấu tương ưng. Nghiệp dữ do
tam độc tham sân si dẫn dắt. Nghiệp lành là kết
quả của tuệ, vô trước và từ bi. Nghiệp được xem
như năng lực định hướng số phần tái sanh.
Kundalini:
Thuật ngữ Yoga chỉ tinh khí tiềm ẩn dưới chót
đuôi (xương cụt) của đường sống lưng có thể khơi
động nhờ luyện tập yoga. Nó được ví như 'Xà
lực', con rắn nằm khoanh nơi luân xa muladhara
chi phối tình dục. Khơi động kundalini là đưa
sanh khí tiềm ẩn ấy theo kinh mạch sushuma tức
theo ống tủy trong đường sống lưng, ngang qua
sáu luân xa, đến luân xa 'sen ngàn cánh' . Lúc
tỉnh thức trụ trong luân xa ấy, hành giả yoga sẽ
đạt Moksha hay Giác Ngộ.
Mantra:
Thần Chú. Câu thần bí thường bằng Phạn ngữ
Sanskrit mà hành giả của các đạo Ấn, Phật, và
Yoga trì để trau dồi sự chú tâm và những tâm
linh khác. Một số tông phái chỉ dùng độc nhứt
chú như phương pháp tham thiền, mà Mantrayana
(Chú Thừa) của Kim Cương Thừa Tây Tạng (Tibetan
Vajrayana) là một.
Moksha:
Tiếng Sanskrit chỉ Niết Bàn tức được giải thoát
khòi vòng luân hồi sanh tử. Trong Ấn giáo và
Yoga, Moksha tương đương với Vô Dư Niết Bàn của
Phật giáo. Moksha đồng nghĩa với Niết Bàn Phạm
Thiên (Brahma Nirvana).
Mahayana:
Đại Thừa; Cổ Xe Lớn. Tông phái Phật giáo chánh ở
Trung Hoa, Nhựt, Đại Hàn, Taiwan, và Tây Tạng.
Mahayana cũng là tông Phật giáo chánh ở Việt Nam
(nd).
Manaskar Mudra:
Xá. Hình thức thi lễ bằng cách chấp tay trước
ngực với hai bàn tay và mười ngón tay sát vào
nhau và cúi đầu. Xá là để thi lễ Phật tính có
sẵn trong mỗi chúng sanh. Tôi xá ông có nghĩa là
tôi vái chào Phật tính trong ông. Xá rất thông
dụng trong giới đệ tử theo Ấn Giáo và Phật giáo.
Nirvana (Sanskrit)
hay Nibbana (Pali): Niết Bàn. Nguyên
nghĩa là thoát vòng đam mê, tận diệt Vô minh,
Chấp Trước/Tham Ái và Si Mê. Một số từ tương
đương là: Vô Sanh, Vô Duyên Khởi, Vô Nhị Nguyên,
sự Chấm Dứt Khổ Đau, Giải Thoát, và Hạnh Phúc
Tối Thắng. Có hai bậc Niết Bàn: Hữu Dư Niết Bàn
của Bồ Tát đã giải thoát tâm nhưng thân còn
trong sắc giới và Vô Dư Niết Bàn của Phật đã
hoàn toàn giải thoát, tức thân tâm đều trong cõi
vô sắc giới.
Paticca-samuppada:
Duyên Sanh; Duyên Khởi; Nhân Duyên. Giáo lý Phật
gồm mười hai chi phần[58]
vừa làm nhân vừa làm duyên chi phối sự sanh diệt
của tất cả hiện tượng vật lý và tâm lý, năm uẩn
(sắc, thọ, tưởng, hành, thức). Thuyết dùng để
giải thích sự tái sanh nối tiếp kiếp này sang
kiếp khác trong luân hồi. Sự sanh diệt liên tục
của ý thức trong đời sống cũng được giải thích
bằng thuyết này.
Pranayama:
Điều Tức. Thuật ngữ yoga Prana có nghĩa là sinh
lực hay năng lượng sống lan tỏa trong khắp vũ
trụ, chi phối mọi khía cạnh danh sắc của đời
sống. Prana được thấm nhập vô thân thể qua hơi
thở và một ít qua ăn uống, và chảy trong các
kinh siêu trần nadi. Điều tức là sự kiểm soát
sinh lực qua hơi thở mà các yogi của Hatha Yoga
sử dụng nhằm mục đích gia tăng sự thu nhập sinh
khí và điều phối sinh khí theo những mô hình đặc
biệt, thường là dọc sống lưng để tịnh hóa và
tăng cường hệ thần kinh chuẩn bị đánh thức
kundalini và đạt bậc thiền cao nhứt.
Sadhu:
Thiện Tai! hay Lành Thay! Từ thông dụng để chỉ
đạo sư Hindu hay tăng sĩ Phật giáo. Được dùng để
diễn đạt niềm hân hoan thù thắng lúc đi hành
hương, hay lúc viếng tăng hoặc Phật tích (như
Tượng Phật, tháp, gốc Bồ Đề, vân vân.) Sadhu đôi
khi cũng được xướng lên sau khi tụng kinh hay xả
thiền (để công nhận lực thù thắng của thiền và
huệ trí thành đạt).
Samadhi:
Định; Thiền Chỉ; Tam Muội. Định tâm vào một điểm
hay một chủ thể như lời chú hay hơi thở để tâm
an ổn, không bị bấn loạn.
Samsara:
Luân Hồi. Sanh, tử tiếp nối liên tục hết kiếp
này sang kiếp khác trong sáu cõi[59].
Cũng chỉ sự sanh diệt liên tục của các niệm
trong tâm với sự vướng mắc và tham ái.
Satipatthana:
Bốn nền móng của tỉnh thức là những lời dạy căn
bản của Đức Phật về thiền quán để đưa đến sự
phát triển tuệ giác, nhìn thấy mọi sự vật
như-là. Pháp của Phật được chi tiết hóa trong
Kinh Satipatthana bằng tiếng Pali. Phương pháp
quán minh phổ cập được đặt trên nền móng này.
Sotàpanna:
Nhập Lưu. Người tu đã vào dòng tức chứng ngộ
Niết Bàn. Bồ Tát Nhập Lưu không còn tác nghiệp
nhưng còn phải qua bảy kiếp người nữa mới thật
sự chứng ngộ bậc A La Hán.
[60]
Tantra:
Mật Tông. Một trường phái tâm linh bí truyền của
hai đạo Ấn và Phật. Thay vì dùng phương pháp
thiền thụ động và phương cách chế ngự cảm giác
như trong thiền định và thiền minh sát, Mật Tông
dùng giác quan một cách rộng rãi trong nhiều
phép tập luyện khác nhau hầu khai ngộ. Mật Tông
Tây Tạng dùng năng lực của tưởng tượng và trì
mật chú. Yoga dùng phương pháp Mật tông để đánh
thức kundalini. Phương pháp Mật tông gây nhiều
chú ý nhứt có lẽ là phép giao cấu giữa nam nữ mà
mục đích là dùng tính chất duy nhứt của cảm giác
khoái cảm tột độ để xả bỏ hoàn toàn cảm nhận có
hai nhân vật giao cấu cũng như để triệt tiêu ý
thức tự ngã hầu chứng ngộ tính bất nhị nguyên.
Guru Bhagwan Shree Rajneesh thường dùng phương
pháp này để dạy đồ đệ của ông.
Theravada:
Nam Tông; Tông Nguyên Thủy. Nguyên nghĩa là 'Lời
của bậc trưởng lảo'. Lời Phật dạy theo truyền
thống Pali và được xem như nguyên gốc so với
những kinh sách khác. Phật Giáo Theravada chiếm
đa số ở Sri Lanka, Thái Lan và Miến Điện[61].
Vajrayana:
Kim Cương Thừa. Pháp của Kim Cương Thừa Tây Tạng
gồm có cách hành trì theo Mật Tông với năng lực
tưởng tượng sáng tạo và tu hạnh Bồ Tát.
Vipassana:
Thiền Minh Sát; Quán Minh;, Thiền Minh. Nguyên
nghĩa là 'nhìn thấy riêng rẻ", nhìn sự vật
như-là. Thiền Minh Sát dựa trên kinh
Satipatthana với bốn căn bản tỉnh thức của
Theravada, theo đó tâm được luyện để nhìn thấy
mọi sự vật đều vô thường và xả bỏ chấp trước,
tiêu diệt mười kiết sử, và chứng ngộ.
Yoga:
Du Già. Nguyên nghĩa là 'kết nối'. Phương pháp
rèn luyện tinh thần đặc biệt thuộc Ấn giáo mà
mục đích là đạt Moksha. Kết nối được thực hiện
qua nhiều giai đoạn. Thoạt tiên là sự kết nối
thể xác với tinh thần để đạt sự hòa hợp. Sau là
sự kết nối tự ngã cá biệt với vũ trụ ngã bất nhị
nguyên để đạt Moksha.
Zen:
Tiếng Nhựt có nghĩa là Thiền một cách trọn vẹn.
Thiền Zen nỗ lực đi thẳng xuyên qua tự ngã nhị
nguyên không cần kinh sách, trí tuệ hay lễ nghi.
Phật Giáo Zen phát sanh từ Trung Hoa và truyền
sang Nhựt từ thế kỷ thứ 12; tại đây Zen phát
triển thành một tông Phật Giáo độc đáo. Trong
các tu viện Zen, tu sĩ dược dạy xóa bỏ hẳn tự
ngã để chứng đạt vô ngã. Bản ngã giữ con người
trong thế nhị nguyên. Thiền sư Zen dùng nhiều
phương pháp thô bạo kể cả la hét và đánh đập môn
sinh. Zen là tông phái Phật Giáo Đại Thừa được
truyền đến Tây Âu trước tiên và được thích nghi
với môi trường mới để thành Zen Âu Mỹ như hiện
nay.
*
TÁC
GIẢ: TỲ KHEO YAGACAVARA RUHALA
Tỳ Kheo Yogavacara Ruhala có
tên tộc là Scott Joseph DuPrez. Sanh năm 1948
tại California, Scott lớn lên trong lúc phong
trào híp pi đang thịnh hành. Anh gia nhập quân
đội ba năm từ 1967 đến 1970 và có sang phục vụ ở
Việt Nam mười tháng. Năm 1972, anh làm một
chuyến mạo hiểm bụi đời nửa vòng trái đất, đến
Bắc Âu rồi xuống tận Ấn Độ và Nepal; chuyến đi
với đủ thứ cần sa và ma túy, kể cả LSD, đã đưa
anh vô thế giới 'phê' thường xuyên. Tại Nepal
anh có duyên gặp hai vị Lạt Ma Tây Tạng là hai
bậc Thầy đầu tiên của anh trong một khóa tu học
thiền. Sau khi mãn khóa, anh đổi hướng sang Phật
giáo hay ít ra là có tâm thành mưu tìm Chân Lý.
Công phu này đưa anh đến miền nam Sri Lanka nơi
mà anh xuất gia năm 1975. Tỳ Kheo Yogavacara
Rahula lưu lại Sri Lanka đến 1977 mới trở về Mỹ
viếng song thân và xiển dương Phật pháp. Năm
1980, Tỳ Kheo trở lại Sri Lanka và tu học thêm
đến 1986. Tỳ Kheo bắt đầu giảng dạy yoga và
thiền trong các khóa tu học ngắn hạn 10-ngày ở
Trung Tâm Thiền SMS
nằm
trên vùng núi gần Galaha, California và sống
trong Kuti Unawatuna dựa biển. Từ 1988 Tỳ Kheo
về tu tại Bhavana Society Forest Monastery and
Meditation Center ở West Virginia, Hoa Kỳ. Ngoài
hồi ký này, Tỳ Kheo còn viết nhiều sách khác như
The Way to
Peace and Happiness
nói về Phật pháp và
Traversing the Great Himalaya
là một tập hình của chuyến hành hương lên Hy Mã
Lạp Sơn.
*
HẾT
[1]
Nguyên văn là chakra được tác giả
giải thích là "trung tâm năng lực của
thân siêu trần (etheric). Xem
thêm mục VIII, Phụ Bản I (nd).
[2]
Nguyên văn của tác giả là Cosmic
Consciousness (tg).
[3]
Nguyên văn của tác giả là Godhead
(tg).
[4]
Pranayama (tg). Prana là
nguồn sinh lực thấm đượm cả vũ trụ và
con người ở mọi cấp độ. Ayana là
sự tích trữ và phân phối prana.
(Người dịch ghi chú theo Kỹ Thuật và
Thực Hành Yoga Toàn Tập của B.K.S.
Iyengar, tổng hợp và biên dịch bởi
Nguyễn Thị Hồng Vân, NXB Phụ Nữ, 2004)
[6]
Bằng cách quỳ gối, chấp hai tay, cúi
xuống để đầu và các chót tay chân chấm
đất, rồi ngưỡng lên lập lại ba lần
(tg)..
[7]
Xem mục II, Phụ Bản I (nd)
[8]
The Heart of Buddhist Meditation (tg).
[9]
Practical Insight Meditation (tg).
[10]
Từ đây, tôi không gọi thân mình hay sinh
hoạt của mình là 'của tôi' nữa mà chỉ
nói trổng là thân hay sinh hoạt để nhấn
mạnh tánh duyên khởi, vô ngã, vô chủ, và
tự nhiên của thân-tâm theo nhãn quan của
vipassana (tg).
[11]
Thành ngữ 'tâm viên' có nghĩa là tâm
lăng xăng như con vượn đu từ cành nầy
sang cành khác không ngừng nghỉ (nd).
[12]
Xem thêm mục IV, Phụ Bản I (nd).
[13]
Gọi là thiền tuệ hay trí tuệ thiền thấy
và biết rõ các danh pháp và sắc pháp
(nd).
[14]
Tức là các danh pháp và sắc pháp của thế
gian duyên khởi (nd).
[15]
Nói về danh pháp và sắc pháp (nd).
[16]
Tức trên ba cõi dục giời, sắc giới và vô
sắc giới (nd).
[17]
Nhập Lưu hay Tu Đà Hoàn (Sotapanna), Tư
Đà Hàm hay Nhất Lai (Sakadàgàmin), A Na
Hàm hay Bất Lai (Anàgàmin), và A La Hán
(Arahat). Xem thêm mục VI, Phụ Bản I
(nd).
[18]
Phật Giáo Đại Thừa ở Trung Quốc, Nhựt,
Đại Hàn và Việt Nam cử hành lễ Đản Sanh
vào rằm tháng Tư và lễ Thành Đạo vào
mồng 8 tháng Mười Hai (tg).
[19]
Tiếng Pali chỉ tu sĩ; có nguyên nghĩa là
người lượm vụn vặt hay người sống nhờ
thí thực (tg).
[20]
Xem thêm mục VI, Phụ Bản I (nd).
[21]
Tiếng Pali có nghĩa Tâm Trạng (The
Temper); sự ngu muội và khuynh hướng
trong tiềm thức tìm cách lôi kéo thiền
giả khỏi chơn thiền (tg).
[22]
'holier-than-thou' (tỉnh từ): có
thái độ đạo hạnh trên người; tự cho mình
đạo đức hơn (tg).
[24]
không lấy tiền trọ (nd)
[25]
General Post Office: Bưu Điện
(nd).
[26]
Xem thêm mục III, Phụ Bản I (nd).
[27]
Nước đường dùng ở đây có tên treacle.
Treacle là nước đường đen trích
từ cây kitul. Tàu hủ chế
treacle dược dùng tráng miệng mỗi
ngày ở Kanduboda nên tôi quen và rất
thích (tg).
[28]
Xem thêm mục VII, Phụ Bản I (nd).
[29]
'Tâm Thiền Phật Giáo' (nd).
[30]
Tiếng Pali là Vassa hoặc
Vassana có nghĩa nhập hạ, an cư kiết
hạ (nd).
[31]
Họ leo lên cây dừa để dò thăm rượu
toddy, thứ như rượu chát mà tôi có
uống thử ở Kerala (tg).
[32]
Dịch từ tiếng Anh ablution (nd).
[33]
Moon mantra, bài chú về trăng
(nd).
[35]
Muốn nói đến Tổng Thống Richard Nixon và
vụ Watergate (tg).
[36]
The Thousand Petalled Lotus (tg).
[39]
Ipiti so Bhagava Arahan,
Sammasambudho, Vijjacaranasampanno,
Sugato, Lokavidu, Anuttaro,
Purisadammasarathi,
Satthadevamanussanam, Buddho, Bhagava
(nd).
[41]
ego consciousness (tg).
[43]
Có nghĩa bóng là khinh miệt hay chối bỏ
(nd)
[44]
Theo nghĩa cao nhứt, từ có nhà đến không
nhà là buông xả hết mọi tâm sở (tg).
[45]
Cụ Túc Giới, là giới cao nhứt của tăng
ni. Giới tỳ kheo và tỳ kheo ni (nd).
[46]
Hy Mã Lạp Sơn (lời chú của nd)
[47]
"Sự biến đổi dễ nhận hơn sự trở thành"
(Theo Phật Pháp Giảng Giải của tác giả
U. Thittila, dịch giả TK. Pháp Không,
Viên Không, 2002 (lưu hành nội bộ).
[48]
Bố Úy Trí (Bhayanàna) (nd).
[50]
Đã diệt được ba kiết sử Thân Kiến
(Sakkhàyaditthi), Hoài Nghi (Vicikicchà)
và Giới Cấm Thủ (Sìlabbatàparàmàsa)
(nd).
[51]
Một trong Tam Ấn (Vô thường, Khổ, Vô
ngã) của Phật giáo (nd).
[52]
Bồ Tát Giới có bốn bậc là: Nhập Lưu hay
Tu Đà Hoàn (Sotàpanna), Nhứt Lai hay Tư
Đà Hàm (Sakadàgàmì), Bất Lai hay A Na
Hàm (Anàgàmì) và A La Hán (Arahat) (nd).
[53]
Mười kiết sử gồm: Thân kiến
(Sakkàyaditthi), Hoài nghi (Vicikichà),
Giới cấm thủ (Sìlabbataparàmàsa), Dục ái
(Kàmàraga), Sân (Patighi), Ái sắc
(Rùpaàaga), Ái vô sắc (Arùparàga), Ngã
mạn (Màna), Trạo cử (Uddhacca), và Vô
minh (Avijjhà) (nd).
[54]
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ (nd).
[55]
Sắc chỉ thân xác vật lý; Danh chỉ thọ,
tưởng, hành, và thức (nd).
[56]
Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, và Đạo đế (nd).
[57]
Là phép kiểm soát hơi thở (nd).
[58]
Mười hai chi phần Đức Phật thuyết minh
(Kinh Tương Ưng Bộ II hay Samyutta
Nikayà) gồm: vô minh, hành, thức, danh
sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu,
sanh, và lão-tử. (nd).
[59]
Sáu cõi gồm: trời, a tu la, người, ngạ
quỷ, súc sanh, và địa ngục (nd).
[60]
Thánh Nhập Lưu còn gọi là Tu Đà Hoàn, đã
diệt được ba trong số mười kiết sử là
Thân kiến (Sakkayaditthi), Hoài nghi
(Vicikicha) và Giới Cấm Thủ
(Silabbataparamasa) (nd).
-ooOoo- |