Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Chúng Tôi Nhớ Về Tổ Hộ Tông

Tác giả: Monie


Phủ nhà tôi nằm cạnh ngôi chùa lớn của xứ Chùa Tháp (Campuchia) trong hoàng cung. Ngôi chùa có một khu vườn rất đẹp. Ngày nọ, nhìn qua chùa, tôi thấy có một chậu hoa màu tím để ở cạnh cầu thang lên điện Phật.

Chậu hoa lạ lùng quyến rủ quá nên tôi như bị thôi miên, không sao cưỡng được. May mà nhà tôi có cây ổi sát bên tường chùa, tôi phấn khởi leo lên “nhịp cầu” này để qua chùa ngắm hoa cho thỏa thích. Nhưng rủi thay, khi đang đu nhánh ổi để đáp xuống, tôi trượt tay rơi xuống đất, vừa đau vừa hoảng sợ, tôi kinh mang chưa biết phải làm sao, thì có ai đó dịu dàng đỡ tôi đứng dậy. Tôi sợ hãi nhìn lên thì ra đó là một nhà sư trạc tuổi lục tuần. Tôi quýnh quáng sụp quì dưới chân ngài lạy như tế sao lắp bắp lời cám ơn…xin lỗi. Hình như ngài có nói gì đó nhưng tôi không nghe được, tôi chỉ thấy nhà sư mỉm cười, trong phong thái từ hòa, thân ái. Tôi cảm thấy hình như có cái gì mát mẻ thánh thiện toát ra từ dáng vẻ thanh thoát của ngài. Thế là tôi cứ lẻo đẻo theo gót chân ngài vào trong nội viện. Đến khi yết kiến đức Vua Sãi, nghe ngài nói tiếng Pháp, tôi mới biết ngài không phải người Campuchia. Thảo nào hồi nãy ngài nói thứ tiếng gì tôi không hiểu. Thế là từ đó tôi nói tiếng Pháp với ngài. Về sau tôi mới biết ngài là nhà sư người Việt, đệ tử của Đức Vua Sãi.

Mặc dù còn bé, theo truyền thống của quê hương xứ Phật Campuchia, tôi thường xuyên bắt chước cha mẹ cung kính để bát mỗi khi nhà sư đi khất thực qua phủ. Đặc biệt tôi rất quí mến nhà sư người Viêt ấy. Có gì ngon lạ là tôi để dành đặt bát cho nhà sư. Ngược lại, ngày chủ nhật, bao giờ tôi cũng được nhà sư cho ba vắt cơm ở trong bát của người. Từ đó, với tuổi ấu thơ đầy tinh nghịch, tôi vẫn thích qua chùa bằng con đường cây ổi hơn là phải vòng ra cổng chính, hơn nữa đó là con đường bí mật duy nhất của riêng tôi mỗi khi muốn trốn ra chơi ngoài phủ. Qua chùa ngắm hoa và được luyện tập nói tiếng Pháp với nhà sư hiền hòa ấy là kỷ niệm thú vị nhất trong quãng đời thơ ấu của tôi mà tôi không bao giờ quên được.

Thế nhưng, làm khách bé tí của nhà sư chẳng bao lâu, thì tôi được cha mẹ cho xuất dương qua Pháp du học. Điều suốt đời ân hận của tôi là vì chuyến đi quá bất ngờ nên tôi đã không được đảnh lễ từ giã nhà sư mà tôi vô cùng quí kính. Và ngày tôi về thăm gia đình sau đó mấy năm, nhà sư đã về Việt Nam. 42 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ hình ảnh từ hòa của nhà sư và thầm ước mong có một ngày nào đó sẽ được gặp lại để đảnh lễ dưới chân người. Sau này, mỗi lần có dịp qua Việt Nam, tôi luôn dò la tin tức, nhưng vì không biết pháp hiệu của ngài nên không ai biết được ngài là ai và đang ở đâu! Nhiều lần tìm kiếm nhưng tôi vẫn cứ nếm mùi thất vọng.

Rồi một hôm tôi đến thăm một ngôi chùa Nguyên Thủy ở Việt Nam, đúng vào ngày giỗ Tổ. Khi vào Chánh Điện dự lễ tôi mới phát hiện ra rằng người trong tấm di ảnh trên bàn thờ chính là nhà sư mà tôi đã từng kính ngưỡng và tìm kiếm bấy lâu nay. Thì ra, hồi đó ngài đã được đức Vua Sãi khuyến khích về nước để truyền bá chánh Pháp và là vị Tăng Thống đầu tiên sáng lập ra Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam. Ngày giỗ Tổ chính là giỗ nhà sư mà tôi có duyên hạnh ngộ thuở ấu thời.

Bây giờ, mỗi lần đến Việt Nam, tôi không còn cảm giác tìm kiếm vô vọng trước đây, dù người đã ra đi, tôi vẫn cảm nhận được hình như trong vũ trụ bao la này luôn còn đó một nguồn từ tâm vô lượng khiến lòng tôi ấm lại như thuở ấu thơ tôi được che chở dưới bóng nhà sư hiền hòa đức độ. Tôi vẫn đi lễ các chùa Nguyên Thủy, vẫn được sống trong tình thương từ mẫn, trong sự dìu dắt chân tình của các bậc thầy tôn túc. Người Việt có câu: “Sông có nguồn, người có cội”, phải chăng tôi đang trở về với nguồn cội của chính mình?

Phnom Pehn, Mùa Kathina 2551
Monie


[Ðầu trang][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2007