Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Hài Cú

Dịch giả: Liễu Pháp



Lược dịch từ cuốn
"The World of Zen"
(Nancy Wilson Ross biên tập)

Trước khi giới thiệu bài viết về Hài Cú của Alan Walls, chúng tôi xin sơ lược vài nét về thể thơ độc đáo này của Nhật Bản. Có thể nói đây là thể loại văn học tuy giản dị nhưng đầy tính nghệ thuật, mà phần lớn tinh ba của nó là nhờ ảnh hưởng của Thiền.

Như người ta nói: "Không có gì là nhỏ bé với những người biết cảm nhận với sự nhạy cảm vĩ đại". Qua Hài cú, càng thấy rõ rằng những điều giản dị bình thường và trên bề mặt hầu như không có ý nghĩa gì, lại là những kho tàng quý giá và những tài nguyên vô tận cho những ai biết học "nhìn", học "thấy".

Một cái ô - một mình
Đi ngang qua
Một đêm tuyết trắng

Do kết cấu quá nghiêm ngặt, giới hạn trong 17 âm tiết chia thành ba dòng gồm 5, 7 và 5 âm tiết xen kẽ nhau nên nhà thơ phải đạt được hiệu lực bằng những phương tiện rất tinh tế. Hài cú có thể khơi dậy và đào sâu ý thức về "thực tại đang là" tuy đơn sơ mà huyền nhiệm của những âm thanh và cảnh vật hàng ngày, vì nó liên quan đến "Ở Đây và Bây Giờ", đến cái nhu cầu "bắt kịp sự sống như nó đang trôi chảy".

Trong Hài cú cũng như trong tất cả các môn nghệ thuật có ảnh hưởng của Thiền, người thưởng thức buộc phải "điền vào" để nối tiếp cái khoảng mà người nghệ sĩ để dành lại, không nói đến. Ngược lại, các thi sĩ Tây phương có khuynh hướng hoàn thành các chi tiết để chuẩn bị cho người đọc đi đến "cao điểm" của bài thơ. Sự khác biệt căn bản giữa hai xu hướng thi ca Đông phương và Tây phương là chính ở chỗ đó. Tuy vậy khi một bài thơ Tây phương đạt đến "cao điểm" thì nó lại rất giống với tinh thần của một bài Hài cú thật sự, như đoạn "cao điểm" trong bài thơ "Đêm Bình Yên" của Edward Shank:

Xa quá... thấp quá...
Một con chim hét ngái ngủ?
Một con chim sơn ca vừa thức giấc?
Im lặng. Ta nào có biết.

Những dòng thơ này có thể được xem như một bài Hài cú nếu không có bốn từ cuối cùng "Ta nào có biết" - mà theo tiêu chuẩn của Hài cú là hoàn toàn không cần thiết. Chỉ một mình từ "Im lặng" cũng đủ diễn tả hết những điều cần nói.

Có một kinh nghiệm chung cho các thi sĩ Hài cú là dùng từ "kigo" (từ chỉ mùa trong năm) để làm bối cảnh cho bức tranh mà họ đang muốn dựng lên trong tâm trí người đọc. Một "kigo" có thể là một tên mùa rõ ràng, như "cơn nóng mùa hè" hay "ngọn gió mùa thu", cũng có thể chỉ là một sự gợi ý như hoa mai, hoa đào, chim cu, tuyết trắng,... Thói quen dùng "kigo" đã trở thành một quy luật hầu như không thể vi phạm, và phần lớn các tuyển tập Hài cú hiện đại đều sắp xếp nội dung theo mùa mà bài thơ đề cập đến.

Còn một phương tiện khác mà các thi sĩ Hài cú thường sử dụng để thể hiện một cách cô đọng tư tưởng của mình. Đó là sự lược bỏ những từ đòi hỏi phải có để câu có cấu trúc ngữ pháp hoàn chỉnh, nhưng lại không thật sự cần thiết để làm rõ nội dung. Đây là một công cụ cực kỳ hiệu lực, nhưng khi sử dụng quá thừa thải sẽ khiến cho bài Hài cú trở nên như một trò đố chữ hơn là một bài thơ.

R. H. Blyth nêu lên 10 đặc tính mà ông cho là phổ quát đối với thể thơ này: tính vô ngã, tính cô đơn, sự tiếp nhận ân huệ, tính vô ngôn, tính hài hước, sự tự do, tính đơn giản, tính vật chất, sự tương phản và tình yêu.

Để thay cho lời giải thích dài dòng, xin trích ra ở đây một số bài Hài cú để minh họa cho những đặc tính đã nêu.

Tính vô ngã:

Chú bướm biến mất
Và tâm hồn
Trở lại với tôi.

Tính cô đơn:

A, Kankodori,
Người chỉ đào sâu
Nỗi cô đơn của ta.

Sự tiếp nhận ân huệ:

Cỏ trong vườn
Rạp xuống
Và nằm yên khi đã ngã rồi.

Tính vô ngôn:

Họ không nói gì
Người khách, người chủ
Và cả đóa hoa cúc trắng.

Tính hài hước:

Chú Uguisu
Xòe đuôi
Trên cành mận khẳng khiu.

Sự tự do:

Chỉ đơn giản phó mặc
Chẳng phải những cành hoa không
rơi đúng như vậy hay sao?

Tính đơn giản:

Hoa hồng của Sharon
Bên vệ đường
Đã bị con ngựa ăn.

Tính vật chất:

Đập con ruồi
Tôi cũng đụng luôn
Cây hoa đang nở.

Sự tương phản:

Đỉnh tháp cao ngất
Tôi trèo lên
Kìa, trên ngọn cây linh sam
Một chú bướm.

Tình yêu:

Những quả hồng núi
Người mẹ đang ăn
Phần cơm săn dòn của nó.

Nhận xét về Hài cú, Blyth viết: "Một bài Hài cú không phải là một bài thơ, không phải là văn chương, nó chỉ là cái vẫy tay ra hiệu, một cánh cửa khép hờ, một tấm gương lau sạch. Đó là con đường để trở về với thiên nhiên, với ánh trăng, với hoa đào, với lá rơi, tóm lại là với tánh Phật của chúng ta. Đó là con đường để cơn mưa mùa đông lạnh giá, cánh chim nhạn lúc chiều buông, thậm chí những ngày nóng bức hay những đêm dài đăng đẳng trở nên sống động thật sự, chia sẻ với loài người chúng ta bằng sự im lặng của riêng chúng và bằng ngôn ngữ hết sức biểu cảm".

Và bây giờ, xin mời các bạn nghe Alan Walls, một người đóng góp tích cực cho việc tìm hiểu về Thiền ở Tây phương phát biểu về Hài cú.

Biển tối sầm
Tiếng kêu của đàn vịt trời
Nhạt nhòa, yếu ớt.

Trong rừng tối
Quả mọng rụng rơi
Tiếng xao của nước.

Đây là hai bài thơ hoàn chỉnh nhất trong một thể thơ của Nhật thường gọi là Hài cú. Theo ý tôi, chắn chắc đây là thể loại văn học vừa đơn giản vừa phức tạp nhất trên thế giới, vì điểm đặc thù của tính nghệ thuật vĩ đại là ở sự phi nghệ thuật. Nó trông thật dễ dàng. Dường như nó không phải là tác phẩm của nghệ thuật, mà là tác phẩm của tự nhiên.

Khi bạn đã quen với thi ca Tây phương thì Hài cú như một cú sốc. Nó chỉ là một đoạn thơ đánh thức sự mong đợi của người đọc mà lại không đáp ứng sự mong đợi đó.

Những vì sao trên ao
Lại những cơn mưa mùa đông
Làm xao mặt nước.

Có vẻ như một bài thơ vừa mới bắt đầu mà lại để dở dang. Nhưng khi đã quen thuộc hơn một tí, bạn sẽ nhận ra rằng thơ Hài cú trội hẳn một tính cách nghệ thuật hiếm hoi nhất, đó là biết khi nào nên dừng lại và biết khi nào đã nói đủ. Và có những khía cạnh khác, nhưng đó không chỉ là bí quyết của nghệ thuật mà còn là bí quyết của chính sự sống. Hài cú là sự gạn lọc những gì tinh túy nhất của một truyền thống văn học Viễn Đông lâu đời vốn tìm thấy cảm hứng từ Thiền Phật giáo. Tính chất độc đáo của Thiền, và của tất cả những môn nghệ thuật mà nó gây cảm hứng, là sự đơn giản đến mức kinh ngạc. Hoàn toàn vắng bóng những điều thứ yếu, mà chỉ có một sự trực tiếp, tươi tỉnh diệu kỳ.

Có người hỏi một vị Thiền sư nổi tiếng: "Nguyên lý tối hậu của Phật giáo là gì?" Vị Thiền sư trả lời: "Một nắm mè". Cũng câu hỏi ấy, vị khác lại đáp: "Sáng nay trời lại nổi gió". Vị khác thì chỉ đưa cho người hỏi một mẩu bánh. Tìm kiếm biểu tượng sâu sắt trong những câu trả lời này là đã hoàn toàn bỏ lỡ vấn đề vì chính chúng là những câu trả lời đơn giản nhất mà cũng hoàn chỉnh nhất cho những vấn đề lớn lao của Triết học và Tôn giáo. Bởi vì chỉ với trực giác đặc biệt của Thiền thì câu trả lời cho vấn đề của sự sống, hay chúng ta cũng có thể nói, vấn đề của Thượng đế, mới hoàn toàn rõ ràng, đến nỗi hầu như người ta không cần phải tìm kiếm làm gì. Theo Thiền, lý do khiến sự tìm tòi chân lý tối thượng quá khó khăn là vì chúng ta đang đi tìm ở những nơi tăm tối những cái đang hiện rõ trong ánh sáng ban ngày rực rỡ. Sự trở ngại của chúng ta không phải vì chúng ta nghĩ về nó không đủ mà vì chúng ta đã nghĩ quá nhiều. Một lần nữa, nghệ thuật đã biết dừng lại đúng lúc. Như một vị thiền sư bảo: "Nếu bạn muốn nhìn vào nó, thì hãy nhìn thẳng vào nó, nhưng khi bạn bắt đầu nghĩ về nó thì nó đã hoàn toàn vuột mất".

Thiền trả lời cho những vấn đề thâm thúy bằng những sự kiện đơn giản hàng ngày. "Sáng nay trời lại nổi gió". Nhưng hãy coi chừng! Đây không phải là thuyết phiếm thần đầy cảm tính hay chủ nghĩa thần bí tự nhiên. Nó lại càng không phải là chủ nghĩa vật chất đơn giản như bảo, "Đừng hỏi những câu ngớ ngẩn nữa mà hãy bắt tay vào công việc đi!" Cái khó khăn khi nói về Thiền là càng cố gắng giải thích lại làm cho nó tối nghĩa hơn. Có người hỏi Thiền sư Bokuju: "Ngày nào chúng ta cũng phải ăn và mặc. Làm thế nào để thoát khỏi điều đó?" Hay nói cách khác, "Làm sao chịu đựng những lề thói nhàm chán?" Bokuju trả lời: "Cứ ăn, cứ mặc". Người kia nói: "Tôi không hiểu". Bokuju đáp: "Nếu ngươi không hiểu thì cứ ăn cơm và mặc áo đi!"

Những câu trả lời này có vẻ như rất dung tục, rất tầm thường và khô khốc, nhưng Hài cú cũng là sự hiểu biết sâu sắt như vậy, cũng là cách nhìn thực tại tuyệt đối như vậy, mà bằng phương tiện thi ca. Tuy nhiên, một lần nữa tôi muốn nhắc bạn rằng, đừng có tìm kiếm chủ nghĩa biểu tượng hay một thứ chủ nghĩa vật chất thực dụng nào đó. Vấn đề rõ ràng hơn thế nhiều. Theo tôi con đường dễ dàng nhất để thưởng thức một bài Hài cú là qua sự nhận ra rằng thể thơ này ẩn sâu trong văn học thi ca của chính chúng ta, vì có một số bài thơ được nhớ chỉ vì một dòng duy nhất: "A ross red city, half as old as time" - Một thành phố hồng hoa, phân nửa già bằng tuổi thời gian. Một dòng mà trong đó bài thơ đã đạt được trong khoảnh khắc tính chất thi ca thuần túy, cái hoàn toàn không thể định nghĩa được, cũng như ý nghĩa của Thiền vậy.

Blyth đã tuyển tập được một số bài Hài cú đáng kể trong văn học Anh, và cứu tôi khỏi nỗi phiền hà phải tìm cho ra vài minh họa.

Tiếng róc rách của dòng suối cạn
Im bặt suốt ngày, giờ lại vẳng lên.

Chú dơi quờ quạng, chợt lanh lảnh thét lên
Rồi vụt qua trên đôi cánh da trần.

Hủy diệt tất cả những gì đã được tạo nên
Cho một tư tưởng màu xanh, về với gam sắc màu xanh.

Từ bên ngoài bụi cây, một chú chim nào đó
Một thoáng cất lên tiếng hót véo von
Rồi im lặng.

Trong bóng râm quả cam tỏa sáng
Như ngọn đèn vàng trong một đêm xanh.

Điều kỳ diệu trong những dòng ít ỏi này là trong mỗi trường hợp chúng đều miêu tả một khoảnh khắc tri giác thật mãnh liệt. Mỗi một chúng ta đều có thể hồi tưởng những khoảnh khắc như vậy trong đời mình, những khoảnh khắc mà chúng ta cảm nhận được sự sống một cách sống động lạ thường. Tôi có thể nhớ lại hình ảnh của những con chim bồ câu chan hòa ánh nắng tương phản với đám mây dông đen kịt. Tiếng leng keng của những chiếc lục lạc bò trong sự im lặng của núi rừng vào một buổi chiều mùa hạ. Tiếng ầm ầm của thác nước xa xa trong buổi hoàng hôn. Mùi lá cháy trong màn sương của một ngày thu. Sự nổi bật của những cành cây khẳng khiu giữa bầu trời mùa đông lạnh lùng, ảm đạm. Vầng trăng treo lơ lửng như một trái cây hiện ra từ một cành thông. Và khi tôi mô tả những khoảnh khắc đó thì hình như tôi đã bắt đầu nói bằng Hài cú. Nhưng tôi không cần phải trau chuốt chúng, vì cảm giác đó mãnh liệt đến độ tôi không còn phải tham lam với nó, và tôi không cần phải cố gắng nắm bắt nó bằng trí nhớ dù chỉ một vài giây.

Và một phần trong sự bí ẩn của Thiền, rằng sự sống bộc lộ rõ ràng nhất khi bạn không nắm bắt nó bằng tình cảm hay bằng trí năng tìm kiếm. Hãy tiếp xúc và hãy đi! Đó là toàn bộ nghệ thuật! Đó là lý do tại sao mắt chúng ta thấy rõ nhất khi chúng chỉ lướt qua các sự vật mà không nhìn đăm đăm bất động. Cái gì bị nắm giữ đều trở nên cũ rích! Lý do là vì bất cứ cái gì trọng yếu, sống động và biến dịch đều thoáng qua. Từng phút từng phút kinh nghiệm của chúng ta cứ chuyển mình không hề trở lại, và chúng ta hòa hợp với nó đến độ cùng dịch chuyển với nó, như tâm hồn đuổi theo tiếng nhạc hay như chiếc lá xuôi chảy theo dòng. Nhưng như vậy là đã nói quá nhiều, vì khi chúng ta dừng lại để triết lý về nó, để làm một hệ thống cho nó, thì chúng ta đã để lỡ một nhịp. Thi sĩ Hài cú vĩ đại nhất, Basho, đã diễn đạt điều đó như vầy:

Khi tia chớp lóe lên
Đáng phục thay người nào không nghĩ ngợi
Sự sống thoáng qua nhanh.

Đây có lẽ là một bài Hài cú nghèo nàn, lý do là nó bắt đầu triết lý dầu rằng nó triết lý chỉ để chống lại sự triết lý! Nhưng nó chỉ mới bắt đầu - và đây mới là trọng điểm. Nếu chống lại sự triết lý quá mức thì cũng là chủ nghĩa duy lý khô khan như chính sự quá mức cho triết lý vậy. Về vấn đề này thì Basho nổi tiếng nhất trong bài Hài cú:

Ao nước cũ
Con ếch nhảy vào
Tõm!

Những dòng thơ này miêu tả cái khoảnh khắc mà sự thiền tập của Basho đến lúc hoát ngộ, khi mà bí ẩn của vũ trụ đã được giải quyết trong tiếng rơi tõm của con ếch.

Trạng thái tâm lý này được gọi theo từ chuyên môn là "mushin", nghĩa đen là trạng thái "vô tâm". Đó là lúc mà chúng ta chỉ nhận biết sự vật mà không bóp méo chúng bằng sự phức tạp của ý thức bản ngã, và lúc mà, bằng nổ lực đạt được tột cùng của sự sống, chúng ta không chỉ cảm nhận rằng chúng ta đang cảm nhận, mà còn cảm nhận rằng chúng ta cảm nhận chúng ta đang cảm nhận. Vì vậy trạng thái "mushin" là sự không ý thức về bản ngã cực kỳ sáng suốt, nơi mà thi sĩ không còn tách khỏi đề tài, người nhận biết không còn tách khỏi đối tượng nhận biết. Khi thi sĩ nói về cảm thức của họ thì chúng không được xem là những phản ứng mà là toàn bộ cảm nghiệm họ đã ghi nhận.

Con bù nhìn xa xa
Thả bộ cùng tôi
Khi tôi thả bộ.

Mưa tuyết rơi
Vô cùng, vô tận
Cô đơn.

Cảnh tiêu điều mùa đông
Trong thế giới một màu
Chỉ còn nghe tiếng gió.

Sương mù buổi tối
Nghĩ về những điều đã qua
Xa vắng biết bao!

Thể thơ Hài cú còn khắt khe hơn cả sonnet (bài thơ 14 câu), vốn là văn phong kiểu cách nhất của thi ca Anh. Không những phải diễn tả trong 17 âm tiết, mà còn có nhiều giới hạn về chủ đề nữa. Hài cú phải luôn luôn được viết hợp với dòng vận hành của thời tiết. Khuynh hướng bám chặt vào những đề tài quen thuộc nào đó, vào các loại hoa, cây, côn trùng, thú vật, lễ hội và những thắng cảnh rất thường gặp trong các bài thơ. Điều này làm cho một tuyển tập Hài cú đã được phân loại đọc có vẻ hơi đơn điệu trừ khi bạn ngẫu nhiên nhảy từ phần này sang phần khác của cuốn sách.

Nhưng những quy định nghiêm ngặt về hình thức dường như lại là điều kiện cho tính nghệ thuật cao, mà phần chủ yếu của nghệ thuật là với những phương tiện thật ít ỏi mà có thể diễn đạt được thật nhiều. Đôi khi một bài Hài cú miêu tả một cảnh quan của Nhật một cách sáo rỗng và ước lệ, như bài thơ sau của Shiki:

Một cây liễu
và hai ba con bò
Đang chờ đợi chiếc thuyền.

Hay như bài này, nếu tôi không lầm, của Kobori Enshiu:

Một cụm cây mùa hạ
Một thoáng hiện biển xanh
Một ánh trăng mong manh.

Ngược lại, có những lúc thi sĩ lại vượt hẳn chính mình với sự khéo léo:

Một chiếc lá rơi
Trở lại với cành?
Chú bướm.

Hay bài này của Issa:

Cổng bằng bụi cây
Và làm cái chốt
Chú ốc sên này.

Nhưng bài thơ Hài cú hay nhất là bài nổi lên từ sự căng thẳng giữa sự cứng nhắc của hình thức và sự thăm thẳm của hồn thơ. Trên tất cả mọi thứ, các nghệ sĩ Trung Quốc và Nhật Bản ngưỡng mộ sự chừng mực giản dị, một lối thể hiện gợi ý hơn là trình bày, chỉ thẳng hơn là giảng giải, chấm phá hơn là mô tả, một loại hình nghệ thuật để lại một khoảng lớn cho trí tưởng tượng của người chiêm ngưỡng và thưởng thức, thay vì ngăn chặn sự góp phần của họ bằng tất cả các chi tiết hoàn hảo. Tuy nhiên người thưởng thức không cần phải thêm vào những chi tiết đó bằng từ ngữ mà chỉ chia sẻ tâm trạng mà thi sĩ ngụ ý.

Không có viên sỏi nào
Để ném vào con chó
Ánh trăng ảm đạm như mùa đông.

Những chiếc lá rơi
Xếp chồng lên nhau
Mưa tạt lên mưa

Điều phải kiềm chế, đó là sự cám dỗ muốn khoa trương tất cả của người nghệ sĩ, để cho người thưởng thức không còn việc gì để làm ngoài khâm phục. Nhưng một thi sĩ Hài cú, dù hết sức đau đớn, vẫn phải dùng lối thể hiện nguyên sơ và dang dở, mà nó chỉ hoàn thành trong một văn cảnh có tính xã hội, khi mà người đọc hay người nghe cũng đều biết. Đó là nền thi ca, nơi mà độc giả hầu như cũng quan trọng như thi sĩ, nơi mà sâu thẳm gọi mời sâu thẳm, và bài thơ thành công đến độ độc giả chia sẻ được cái cảm nghiệm đầy thi vi của thi sĩ, dù cái cảm nghiệm đó không bao giờ được trình bày rõ ràng. Dầu vậy, không phải như trong thời kỳ suy đồi của thi ca Trung Quốc, là dùng quá nhiều điển tích văn học mà chỉ có một nhóm học giả uyên thâm mới hiểu được. Điều mà độc giả cần phải biết không phải là văn học, mà là cuộc sống, địa danh, mùa, tâm trạng và trên hết là sự suốt thông sâu sắt nhưng hoàn toàn không diễn tả được của Thiền. Đó gọi là trực giác bén nhạy về bản chất như chân như thật của vạn pháp. Không còn là thiện hay ác, đẹp hay xấu, hữu ích hay vô dụng, cũng không phải là bản thể trừu tượng mà chỉ là:

Dán lên cây nấm
Chiếc lá
Của một cây lạc loài nào đó.

Con ếch
Cưỡi chiếc lá chuối
Lúc lắc đong đưa.

Đi dưới cơn mưa mùa đông
Chiếc ô
Đẩy tôi lùi lại.

Cơn mưa đêm
Chiếc lá chuối
Nói lời đầu tiên.

Dĩ nhiên Hài cú phù hợp và thường đi kèm với phong cảnh vẽ tranh của Trung Quốc và Nhật Bản, tương tự như vậy, cũng chỉ đưa vào tranh một góc của khung cảnh và dành phần còn lại cho trí tưởng tượng của người xem. Ngay cả khi dùng mực đen, người nghệ sĩ cũng chỉ gợi lên những nét đơn sơ nhất của một cành trúc đang đung đưa trước gió và để trống hết phần giấy còn lại. Và Hài cú thường được dùng làm vần thơ minh họa cho kiểu tranh này.

Tôi tin rằng Hài cú trong các tuyển tập những trích đoạn ngắn có nguồn gốc từ những bài thơ Trung Quốc mà các Thiền sư Phật giáo sưu tập cho mục đích thiền - na. Có một tuyển tập rất nhiều những bài thơ như thế trong tập đầu cuốn "Haiku" của R. H. Blyth, và chúng được trích từ cuốn "Zenrin kushu". Một trong những bài thơ này làm cho như thị tính hơi có tính cách triết lý hơn và do đó giúp chúng ta hiểu hơn một ít:

Nếu bạn không tin
Hãy nhìn vào tháng Chín
Hãy nhìn vào tháng Mười
Lá vàng rơi, rơi
Lấp đầy sông và núi.

Nhưng sau cùng, một lần nữa, cho tôi nhắc lại rằng, bạn đừng tìm nơi đây một biểu tượng nào, một ý tưởng nào, dù là ý tưởng cho rằng Thượng đế biểu hiện trong vẻ đẹp của chiếc lá mùa thu, hay chỉ có những chiếc lá mùa thu mà không có Thượng đế, hay ý tưởng về tính chất tạm bợ của cuộc đời, hay ý tưởng về cái gì khác. Tính như chân như thật của vạn pháp tuy bí ẩn mà lại minh bạch, sẽ hiện ra rõ ràng khi bạn nhìn thẳng nó mà không hề nêu lên câu hỏi.

Gensha, một Thiền sư già, khi được hỏi làm thế nào để bước vào con đường Phật đạo, đã trả lời: "Ngươi có nghe tiếng suối đó không?" "Có, thì sao?" Ngài kết luận: "Đó là đường vào!" Và thi sĩ Gochiku đã đưa câu chuyện trên vào một bài Hài cú:

Đêm dài
Tiếng nước chảy
Nói những điều tôi nghĩ.

Lược dịch từ cuốn "The World of Zen"
(Nancy Wilson Ross biên tập)

  


[Ðầu trang][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2007