Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ



Hai Ông Sư Nhà Quê
Đi Tàu Bay

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh


Hai Ông Sư Nhà Quê
Đi Tàu Bay!

 Hai nhà sư mặc áo vàng đất, đi chân đất, ôm bình bát từ ngoài bước vào quầy làm thủ tục lên máy bay. Họ chỉ cầm tay hai tấm vé. Không có hành lý. Có lẽ là lần đầu nên trông họ ngơ ngơ ngác ngác. Thấy vậy, người này người kia chỉ cho cách thức. Rồi cũng xong.

Họ là hai thầy trò có vẻ nhà quê. Một vị già khú đế nhưng trông còn quắc thước, mắt rất sáng. Một vị chừng trung niên, khô gầy nhưng rắn rỏi.

Họ ngồi trong phòng chờ. Lặng lẽ và bình thản. Nói chuyện nho nhỏ vừa đủ nghe.

Lúc ni sang trọng quá hỉ? Ăn sau chạy dọi, cố rượt cho kịp người ta. Có kịp không? Nghe nói còn tụt hậu! Ghê hỉ! Bây chừ thế giới văn minh bên ngoài cao sang như cõi trời; họ nói là họ đang ở Tây-phương-cực-lạc đó! Có cực lạc thiệt không? Vật chất thì nói như rứa cũng được. Còn tinh thần? Bên trong? Hư vô. Bế tắc. Lo lắng. Sợ hãi. Bất an! Ờ, ờ, xưa cũng như nay! Con người muôn thuở!

Yên lặng một lát. Thầy đi tàu bay như ri được mấy lần rồi? Không nhớ, nhưng lần cuối cách đây khoảng ba, bốn mươi năm chi đó. Còn con, mấy lần? Lần thứ nhứt! Có giọng cười khẽ. Ở quá lâu trong núi, chúng ta thành mán mường mọi rợ hết rồi! Rứa lại tốt hơn chớ! Nói lạ? Lạ răng! Văn minh văn miết như ri con người ta nó hư hết, nó làm biếng hết! Tại răng rứa? Răng nữa! Lối xưa đi xe đò thì lọc cọc lạch cạch, khói, bụi, mồ hồi, nhớp nháp, đau lưng, mỏi cốt! Đi xe lửa [1] thì xình xịch xình xịch, ồn như cái chợ, bò như con ốc sên! Còn vật vạ nằm đường, ngủ bến nữa chớ! Bây chừ, đi tàu bay [2], ngồi trong cái hộp bóng lộn, vù một cái là tới nơi! Rứa là quen sướng riết, chịu cực chi được nữa! Ờ, ờ, có lý, nhưng cũng có cái tốt của hắn chớ! Trông ở cũng tươm tất, ngăn nắp, sạch sẽ; và ai nấy ra người thanh lịch, có học thức, trí thức cả. Chỉ là có vẻ rứa thôi! Coi tề! Coi tề! Mà thôi! Nhìn cũng kỳ, nói cũng kỳ, phê bình cũng kỳ! Nhưng nói chung, họ ăn mặc, nói năng, đi đứng nơi chỗ công cộng đều tỏ ra còn thiếu văn hoá nhiều lắm, nhiều lắm. Có cái gì như lai căng, mất gốc hết rồi! Rứa con không nhớ cái sân ga và những chuyến xe lửa thuở trước hay răng, tiến bộ lắm chớ! Tiến bộ hung [3]!

Họ chìm vào yên lặng.

“... Vào ga, họ đứng tần ngần trước một đám đông đang cãi vả, chửi mắng, xô đẩy nhau, chưa biết phải bước đi lối nào; thì từ phía sau lưng, một biển người ập đến. Tiếng khóc, tiếng la vang lên. Cái tay, cái chân, thúng mủng, bao bì, tóc tai, nón xách, guốc dép, nồi niêu, soong chảo, quang gánh... cùng với bao nhiêu thứ khác bị lùa đi, bị đẩy đi, chất chồng, hỗn loạn. Biển âm thanh tạp náo. Rừng ảnh tượng quay cuồng. Từng con người gầy khô, xanh xao, hớt hãi. Từng gương mặt lo âu, mất sắc, nhễ nhại mồ hôi...”

Vị sư trung niên cười. Nhớ chớ! Nhớ lại cái thời chi mà còn nghe rựng [4] cả tóc gáy! Có tóc rựng! Thầy mà cũng dí dỏm gớm. Họ cười nhỏ. Bây chừ không phải nhờ văn minh mà có được như rứa hay răng? Chỉ còn chút ít xô đẩy, chút ít tranh giành chỗ đứng, chút ít ồn ào và bất lịch sự mà thôi. Bên ngoài thì rứa! Con bi quan quá không? Không! Tâm địa xưa cũng y chang, nhưng vì được bôi son, trét phấn! Hồi nớ, thầy dạy con điều chi, con nhớ hết!

Họ lại cùng yên lặng.

“... Người ta chất lên vai, quẳng lên lưng, thảy lên đầu... Chú điệu hét lên: Mấy người chi lạ rứa? Phải để cho thầy tui thở với chớ! Nhà sư mỉm cười: Thầy còn có chỗ thở, không răng mô con! Chú điệu vẫn đang giằng co, lôi kéo với mấy người chở hàng... Nhà sư nói rằng: Con đừng tạo thêm cảnh hỗn loạn nữa. Chú điệu lặng người đi: Nhưng những thực trạng thống khổ, giật giành, chửi rủa bát nháo như ri, ai là người chịu trách nhiệm? Là trách nhiệm của thầy và của con đó chớ! Răng lại rứa được?! Mình, vạn vật, chúng sanh có sự tương quan, liên hệ chằng chịt không tìm ra kẽ hở. Vạn vật hắn nắm chặt tay nhau mà tồn tại, hắn ôm khít rịt nhau mà hủy diệt. Cái ni sinh thì cái nọ sinh trong một mắc xích nhân quả trùng trùng. Do rứa, chắc chắn ta phải có dự phần trong trách nhiệm liên đới chung. Chú điệu thở ra: Nhưng những cảnh hỗn loạn như ri, do mà có? Nhà sư ôn tồn giải thích: Cái hỗn loạn giật giành, trộm cắp, chửi rủa, chen lấn, xô đẩy... vốn có sẵn bên trong tâm địa của con người; gặp duyên thuận lợi hắn sẽ thò mặt dơi, mặt chuột ra! Do rứa, dứt cái bên trong, đừng để cho tham lam, sân si chi phối, thì cái cảnh hỗn loạn nớ sẽ chấm dứt; tự hắn sẽ chấm dứt, cần chi ba cái biện pháp lăng nhăng, tình thế, hời hợt bên ngoài!”

Cái bên trong ấy thiệt là kinh khiếp thầy hỉ? Ừ, ờ! Cái bên ngoài như cái đuôi con chó, vuốt thẳng ra là nó cong lại liền! Mần chi được mà mần! Mấy nhà xã hội, kinh tế, chính chị, chính em... thất bại ở chỗ ni rồi! Tôn giáo cũng rứa thôi! Đạo Phật không phải là tôn giáo hay răng? Không, không phải mô! Đạo Phật là đạo sống, sống mà thoát khổ, sống an bình, vô tranh, không có tham sân si, phiền não! Nhưng mà tôn giáo, tín ngưỡng hắn thò cẳng thò chưn khắp mọi nơi! Có cái chùa mà hắn không vác cái bản mặt trơ tráo đi nghênh đi ngang, thắp hương, đội khói!? Chấp chi ba cái đám cát bụi lăng xăng, theo đóm ăn tàn đó con!

Họ đã ngồi trong tàu bay.

Hiện đại quá! Ôi cảm ơn văn minh tân tiến! Ở cũng sáng choang! Sợi dây ni cột, xỏ ra răng? Có cái kẹp đó! Rứa thì cái kéo dây, cái thổi hơi thoát hiểm nớ coi bộ rắc rối dữ! Thôi, cứ coi người ta mần chi thì cứ bắt chước như rứa mần theo! Có chi mô thầy, liếc cái biết ngay. Ờ! Mình đi chưn đất, ai cũng dòm! Kệ họ! Những ngàn cây số, nếu không, con sẽ đi bộ! Du hành ta-bà, cơm mười phương góp, trăng sao gối đầu - thú vị hơn nhiều! Còn bày đặt làm thơ nữa! Có tiếng cười khì khì. Như ngồi trong cái thùng sắt. Nghe nói giống in cái đĩa bay của người ngoài hành tinh chớ! Có ngộp thở không hè? Thầy quê một cục! Quê một cục, một hòn chi cũng được hết! Cái cốt rứa mà! Mình sống kiếp khác rồi. Đừng tưởng. Vẫn còn sân ga và chuyến tàu nớ thôi. Số hành khách ni họ có biết chuyện nớ không hè? Liếc họ thử coi! Tội là họ còn ngây thơ lắm. Không phải ngây thơ mô. Họ khôn ngoan đáo để, thông minh ghê gớm lắm! Chỉ là họ ham phát triển phần vật, phần trí óc! Họ để cái này lấn cái kia. Họ không cúi nhìn vào trong. Cho nên, về mô, đi họ mần răng mà biết được. Cũng như lối trước rứa thôi.

“... Đến ga, một số khách xuống, một số khách lên, hàng hóa xuống, hàng hóa lên. Nhà sư và chú điệu đã có được một khoảng khí trời để thở. Gạo, bắp, sắn, khoai, rau, gồng, gánh... bây giờ đã ở yên vị trí của nó. Chú điệu than: Ôi! Sân ga và chuyến tàu! Cuộc đời và con người! Con nghe như có một cái gì liên hệ thật khắng khít! Phải! Cuộc đời muốn hết tao loạn, lầm than, yếu tố cần và đủ là con người phải biết thiết lập một nền văn hóa nội tâm, một nền hòa bình nội tâm. Các chuyến tàu muốn có trật tự thì sân ga phải biết thu xếp cho ổn định. Đấy là điều kiện đầu tiên cho sự an bình nhân sinh và xã hội...”

Vị sư trung niên cười. Thuở xưa thầy nói hay dữ. Ngôn ngữ chữ nghĩa chi mà cứ nghe rôm rốp, lốp bốp... Ờ...ờ... hồi nớ thầy cũng hăng thiệt. Bây chừ già rồi. Quên hết rồi. Ờ, thầy lặn vào trong, mà tịnh. Còn cái đám nớ họ cũng lặn vào trong, mà động. Ờ... mà ví dụ bây chừ muốn nói cho họ nghe cái chân lý nớ, thì con sẽ nói ra răng? Có tiếng cười hì hì. Con sẽ đóng bộ trang nghiêm, rồi nói như cái kiểu nói của thầy và con hồi trước đó thôi.

Họ lại cười.

Xuống sân ga, họ được Phật tử mang xe đón về chùa. Chân lý nớ, sự thực nớ họ không biết thiệt hè? Cứ coi đi.

Họ bát nháo, họ lăng xăng. Tâm họ rối rắm như ổ kén, bít bùng như đám cỏ gai, chằng chịt như màn nhện, biết chi mô, thấy chi mô. Xe chạy trong im lặng. Người ở mà đông dữ rứa hè! Có tiếng cười hích hích. Họ chỉ việc mần ra tiền bất kể hôi dơ, xấu ác, rồi ăn nhiều thôi! Từng lô cốt, từng lô cốt.

Mấy ông trách nhiệm chỗ mô cũng hô: Ta cùng nhau cuốc hè! Ta cùng nhau đào hè!

Kẹt cứng chỗ này, len lách chỗ kia.

Xe cộ ở mà khiếp. Hì, không húc nhau mới lạ! Hì, không chửi rủa nhau mới kỳ! Dòm mô cũng thấy khói và bụi. Ô nhiễm hết, ô nhiễm hết, bên ngoài, bên trong; lần sau con không đi nữa mô. Ráng chịu khó chút con, đại hội đặc biệt mà! Nì, ngồi cái xe có cái máy xịt lạnh ni nghe cũng dễ chịu hỉ? Không bằng cái lạnh nơi núi mình. Lạnh tự nhiên của sương mù, của khí đá, của hơi nước... nó dễ chịu hơn nhiều. Đây như cá ướp trong hộp lạnh! Con lại nhớ rừng rồi hử? Bầy sóc sau khe núi chắc hết hạt cho chúng cắn rồi! Cái bùng sau con có cột lại cho thầy không? Quên rồi. Rứa là con Rāhu và con Kāḷa hắn vô quậy tứ tung. Hai con khỉ đầu nậu nớ mà thầy cũng cưng. Hắn có ngồi thiền đó con! Hắn bắt chước thầy ngồi chưa được một phút rồi hắn nhảy cà tưng, cà tưng, la hét chí choé, chí choé ỏm tỏi xuống xé sách vở của con mấy lần, thầy có biết mô. Rứa con coi, người thành phố văn minh cao sang ni họ ngồi được mấy cái chớp mắt? Thở còn không biết thở nữa là! Cái kiểu ni, lần sau có đi chắc thầy cũng ngài ngại! Có tiếng cười ha ha nho nhỏ. Làm lão sơn tăng tiêu dao “phương ngoại phương” [5], uống nước suối, ăn hạt dẻ, quê mùa cục mịch - không phải là chuyện cổ tích thầy hỉ! Hạt dẻ thì chỉ có ở bên Tàu! Còn nước suối rừng cao nơi cũng nhiễm hoá chất hết rồi! Già đời trong núi, an bần lạc đạo cũng là hạnh cao khiết nhưng chưa ra khỏi “bộc lưu” [6] mô, đừng có tưởng bở! Tự nhắc nhở mình đi! Coi chừng hỏng cẳng đó con!

Am Mây Tía, An Cư 2009
Minh Đức Triều Tâm Ảnh



[1] Lúc xưa, gọi là xe lửa, sau này mới gọi là tàu hoả.

[2] Tương tợ vậy, gọi là tàu bay, chưa gọi máy bay.

[3] Hung là nhiều - giọng quê Thừa Thiên - Huế. Những chữ địa phương- nghiêng- như răng, rứa, mô, tê, chừ, nớ, ni, nọ, nhứt (nhất), cực, hè, bây chừ, mần, mần chi... thì mọi người đã quen tai.

[4] Rựng là rợn.

[5] Mượn cụm từ trong bài “Phóng cuồng ngâm” của Tuệ Trung thượng sĩ.

[6]Chỉ dòng chảy mạnh, chảy siết của sinh tử.


[Ðầu trang[Trở về trang Thư Viện]

updated: 2009