Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
Hành Giới Soạn giả:
Tỳ khưu Hộ Pháp |
ĐOẠN KẾT Tầm Quan Trọng Của Giới Tích Ngài Đại đức Sīlava trong bộ Theragāthā(1), được tóm lược như sau: Ngài Đại đức Sīlava vốn là Hoàng tử của Đức vua Bimbisāra trong kinh thành Rājagaha. Hoàng tử Ajātasattu giết Vua cha là Đức vua Bimbisāra rồi lên ngôi làm Vua. Đức vua Ajātasattu bày mưu kế giết Hoàng tử Sīlava, nhưng bằng mọi cách không thể giết chết được, bởi vì Hoàng tử là người có đầy đủ ba-la-mật, kiếp này là kiếp chót, chắc chắn sẽ chứng đắc thành bậc Thánh Arahán. Cho nên, không một ai có khả năng giết chết Hoàng tử Sīlava được. Đức Thế Tôn suy xét thấy rõ biết rõ điều ấy nên Ngài truyền dạy Đại đức Mahāmoggallāna dùng thần thông đến giải cứu Hoàng tử Sīlava, đem Hoàng tử trở về hầu Ngài. Hoàng tử Sīlava đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong ngồi một nơi hợp lẽ. Đức Thế Tôn thuyết pháp tế độ Hoàng tử. Ngồi lắng nghe Đức Phật thuyết pháp xong, Hoàng tử phát sinh đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, xin Đức Thế Tôn cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu trong giáo pháp của Ngài. Sau khi trở thành Tỳ khưu không lâu, Đại đức Sīlava đã chứng đắc thành bậc Thánh Arahán, trú tại xứ Kosala. Đức vua Ajātasattu hay tin truyền lệnh một nhóm lính đến tìm giết Đại đức Sīlava. Đại đức Sīlava thuyết pháp tế độ nhóm lính, sau khi lắng nghe pháp, tất cả đều phát sinh đức tin trong sạch, xin Đại đức Sīlava cho phép xuất gia trở thành Tỳ khưu. Ngài Đại đức Sīlava thuyết pháp dạy các đệ tử của Ngài đề cao giới, được tóm lược như sau: ─ Này các con, các con nên học và hành giới trong Phật giáo này. Giới mà người đã thực hành nghiêm túc rồi, trở thành thói quen tốt sẽ đem lại mọi sự thành tựu: Quả báu trong cõi người, trong cõi trời và đạt đến Niết Bàn. Bậc thiện trí muốn được 3 điều an lạc: - Được tán dương ca tụng khắp mọi nơi - Tâm thường được an lạc - Được tái sinh lên cõi trời Người ấy cần phải giữ gìn giới của mình được trong sạch và trọn vẹn, là người có giới trong sạch, là người biết thu thúc lục căn thanh tịnh. Người ấy có nhiều bạn tốt, bạn lành là bậc thiện trí. Người phạm giới, tạo mọi ác nghiệp, làm cho bạn bè xa lánh. Người không có giới bị bậc thiện trí chê trách, tiếng xấu được lan truyền khắp mọi nơi. Người có giới được bậc thiện trí tán dương ca tụng, tiếng tốt lành được lan truyền khắp mọi nơi. Giới là gốc của mọi thiện pháp, là nền tảng để mọi thiện pháp được phát triển, là nơi phát sinh mọi thiện pháp, dẫn đầu mọi thiện pháp. Vì vậy, các con nên giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn. Người thu thúc giới trong sạch thanh tịnh có thể ngăn cản được mọi hành động ác do thân, khẩu và ý, làm cho thiện tâm phát sinh hoan hỷ. Giới là bến xuôi ra đại dương, là Niết Bàn của chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác, chư Thánh Thanh Văn Giác. Vì vậy, các con nên giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn. Giới có sức mạnh vô địch chiến thắng Ma Vương và Ma quân. Giới là loại vũ khí vô song cực kỳ lợi hại diệt được phiền não loại thô. Giới là đồ trang sức vô giá, là vật thơm làm tăng vẻ đẹp của thân và khẩu đáng kính, đáng yêu. Trong mọi lúc, giới như chiếc áo giáp an toàn bảo vệ không để rơi trong 4 cõi ác giới. Giới như chiếc cầu vượt qua khỏi 4 cõi ác giới, vượt qua khỏi 4 vùng nước xoáy, vượt qua khỏi tử sinh luân hồi. Giới có oai lực rất phi thường. Giới là thứ vật thơm kỳ diệu lan tỏa theo chiều gió, và ngược chiều gió, lan tỏa khắp 10 phương. Giới là thứ vật thoa thơm cao quý nhất. Người có giới trong sạch và trọn vẹn, danh thơm tiếng tốt lan tỏa khắp 10 phương. Giới còn là hành trang, vật dụng thiết yếu của khách lữ hành trong các cõi thiện dục giới (cõi người, cõi trời). Giới là phương tiện vạn năng dẫn đến mục đích cứu cánh Niết Bàn. Kẻ thiểu trí (si mê) không biết tôn trọng giới của mình, là người không có giới, luôn luôn bị chê trách trong kiếp hiện tại, sau khi chết, do ác nghiệp không giới cho quả tái sinh trong 4 cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy. Bậc thiện trí có đức tin trong sạch, có trí tuệ sáng suốt biết tôn trọng giới của mình, giữ gìn giới trong sạch và trọn vẹn, thường được tán dương ca tụng trong kiếp hiện tại; sau khi chết, do nghiệp thiện có giới cho quả tái sinh trong cõi thiện dục giới (cõi trời), hưởng mọi sự an lạc trong cõi trời ấy. Giới là cao thượng. Bậc thiện trí có giới trong sạch, có trí tuệ sáng suốt, là người cao thượng trong đời. Giới và trí tuệ thắng được phiền não trong cõi người, các cõi trời dục giới, các cõi trời sắc giới, các cõi trời vô sắc giới. Bởi vậy cho nên, các con nên giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho pháp hành thiền định và pháp hành thiền tuệ phát sinh và phát triển. Ngài Đại đức Sīlava thuyết pháp dạy các đệ tử của Ngài đề cao giới như vậy. * Giới là cao thượng trong đời như thế nào? Giới có 2 loại: 1- Lokiyasīla: Giới trong tam giới. 2- Lokuttarasīla: Giới trong Siêu tam giới. Giới trong tam giới như thế nào? Giới mà hành giả đã giữ gìn được trong sạch và trọn vẹn, rồi giới ấy sẽ cho quả báu trong cõi người và 6 cõi trời dục giới. Khi giới của mình trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng cho pháp hành thiền định, hành giả thực hành đề mục thiền định dẫn đến chứng đắc các bậc thiền hữu sắc, và các bậc thiền vô sắc. Như vậy, giới này thuộc trong tam giới. Giới trong Siêu tam giới như thế nào? Hành giả thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến phát sinh trí tuệ thiền tuệ Siêu tam giới, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn. Trong Thánh Đạo Tâm có đầy đủ 8 chánh đạo đồng sinh đó là: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. 8 chánh đạo này được phân chia làm 3 phần: - Chánh kiến và chánh tư duy thuộc về phần tuệ - Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng thuộc về phần giới - Chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định thuộc về phần định Khi chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng đồng sinh trong Thánh Đạo Tâm có đối tượng Niết Bàn. Như vậy, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng thuộc về phần giới trong tâm Siêu tam giới có đối tượng Niết Bàn. Như vậy, giới mà hành giả giữ gìn trong sạch và trọn vẹn sẽ cho quả báu không chỉ trong tam giới mà còn đến Siêu tam giới nữa. Bởi vậy, mọi người nên giữ gìn giới của mình cho được trong sạch và trọn vẹn; giới ấy sẽ đem lại những thành tựu trong cõi người, trong cõi trời và đặc biệt làm nền tảng chứng ngộ Niết Bàn giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Cho nên, thường sau khi thọ phép quy y Tam Bảo và thọ trì giới xong, Ngài Đại Trưởng Lão đọc câu chúc lành rằng: “Sīlena sugatiṃ yanti. Sīlena bhogasampadā. Sīlena nibbutiṃ yanti Tasmā sīlaṃ visodhaye!” “Chúng sinh tái sinh cõi trời, nhờ giữ giới. Chúng sinh đầy đủ của cải, nhờ giữ giới. Chúng sinh giải thoát Niết Bàn, nhờ giữ giới. Vậy, các con giữ giới cho được trong sạch!” Các cận sự nam, cận sự nữ đồng thành nói lên rằng: “Sādhu! Sādhu!” (Lành thay! Lành thay!) Giới Là Nền Tảng Giới là nền tảng cho mọi thiện pháp phát sinh, từ dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp (4 Thánh Đạo Tâm), cho nên có thể ví rằng: - Giới trong sạch ví như đất màu mỡ. - Định (thiền định) ví như cây ăn trái. - Tuệ (thiền tuệ) ví như hoa và trái. Nếu có đất màu mỡ thì cây ăn trái được mọc lên, nếu cây ăn trái mọc lên thì mới đơm hoa kết trái. Cũng như vậy, nếu có giới trong sạch và trọn vẹn làm nền tảng thì mới có thiền định phát sinh. Nếu có thiền định làm nền tảng thì mới có thiền tuệ phát sinh. Trong bài kinh Kimatthiyasutta(1) Đức Phật trả lời những câu hỏi của Đại đức Ānanda về quả của giới, quả báu của giới, được tóm lược như sau: Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana của ông phú hộ Anāthapiṇḍika gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy Đại đức Ānanda đến hầu đảnh lễ Đức Thế Tôn xong rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: Ā(2): Kính bạch Đức Thế Tôn, giới thuộc thiện pháp có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. Đức Thế Tôn dạy rằng: ĐTT(3): “Này Ānanda, giới thuộc thiện pháp có sự mát mẻ (không nóng nảy) thân tâm là quả, có sự mát mẻ (không nóng nảy) thân tâm là quả báu”. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, sự mát mẻ (không nóng nảy) thân tâm có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, sự mát mẻ (không nóng nảy) thân tâm có sự hài lòng hoan hỷ là quả, có sự hài lòng hoan hỷ là quả báu. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, sự hài lòng hoan hỷ có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, sự hài lòng hoan hỷ có pháp hỷ là quả, có pháp hỷ là quả báu. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp hỷ có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, pháp hỷ có pháp an tịnh là quả, có pháp an tịnh là quả báu. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp an tịnh có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, pháp an tịnh có pháp an lạc là quả, có pháp an lạc là quả báu. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp an lạc có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, pháp an lạc có pháp thiền định là quả, có pháp thiền định là quả báu. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp thiền định có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, pháp thiền định có pháp thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp là quả, có pháp thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp là quả báu. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, pháp thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp có trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp là quả, có trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp là quả báu. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp có pháp ly dục (Thánh Đạo) là quả, có pháp ly dục (Thánh Đạo) là quả báu. Ā: Kính bạch Đức Thế Tôn, pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo) có pháp nào là quả, có pháp nào là quả báu? Bạch Ngài. ĐTT: Này Ānanda, pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo) có pháp giải thoát (Arahán Thánh Quả) và trí tuệ suy xét Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh quả và Niết Bàn là quả, có pháp giải thoát (Arahán Thánh Quả) và trí tuệ suy xét Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn là quả báu. Này Ānanda, giới thuộc pháp thiện có sự mát mẻ (không nóng nảy) thân tâm là quả, có sự mát mẻ (không nóng nảy) thân tâm là quả báu; sự mát mẻ (không nóng nảy) thân tâm có sự hài lòng hoan hỷ là quả, có sự hài lòng hoan hỷ là quả báu; sự hài lòng hoan hỷ có pháp hỷ là quả, có pháp hỷ là quả báu; pháp hỷ có pháp an tịnh là quả, có pháp an tịnh là quả báu; pháp an tịnh có pháp an lạc là quả, có pháp an lạc là quả báu; pháp an lạc có pháp thiền định là quả, có pháp thiền định là quả báu; pháp thiền định có pháp thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp là quả, có pháp thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp là quả báu; pháp thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp có trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp là quả, có trí tuệ thiền tuệ nhàm chán các pháp là quả báu; trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp có pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo) là quả, có pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo) là quả báu; pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo) có pháp giải thoát (Thánh Quả) và trí tuệ suy xét Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn là quả; có pháp giải thoát (Arahán Thánh Quả) và trí tuệ suy xét Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn là quả báu, như vậy. Này Ānanda, giới thuộc về thiện pháp có quả báu theo tuần tự cho đến chứng đắc thành bậc Thánh Arahán hoàn toàn cao thượng, như vậy. (Xong bài kinh Kimatthiyasutta) Quả Báu Của Giới Bắt nguồn từ giới thuộc thiện pháp trong sạch và trọn vẹn dẫn đến những nhân quả liên hoàn từ tam giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp. Đức Phật thuyết giảng trong bài kinh Cetanākaraṇīyasutta(1) ý nghĩa như sau: 1- Này chư Tỳ khưu, người có giới trong sạch, giới đầy đủ trọn vẹn, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin sự mát mẻ (không nóng nảy) thân tâm phát sinh đến cho tôi”. Này chư Tỳ khưu, sự mát mẻ thân tâm phát sinh đến cho người có giới trong sạch, giới đầy đủ trọn vẹn. Đó là lẽ đương nhiên. 2- Này chư Tỳ khưu, người có thân tâm mát mẻ, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin sự hài lòng hoan hỷ phát sinh đến cho tôi”. Này chư Tỳ khưu, sự hài lòng hoan hỷ phát sinh đến cho người có thân tâm mát mẻ. Đó là lẽ đương nhiên. 3- Này chư Tỳ khưu, người có tâm hài lòng hoan hỷ, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu cho pháp hỷ phát sinh đến cho tôi”. Này chư Tỳ khưu, pháp hỷ phát sinh đến cho người có tâm hài lòng hoan hỷ. Đó là lẽ đương nhiên. 4- Này chư Tỳ khưu, người có pháp hỷ, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin thân tâm của tôi được an tịnh”. Này chư Tỳ khưu, thân tâm an tịnh phát sinh đến người có pháp hỷ. Đó là lẽ đương nhiên. 5- Này chư Tỳ khưu, người có thân tâm an tịnh, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin cho tôi được an lạc”. Này chư Tỳ khưu, tâm an lạc phát sinh đến người có thân tâm an tịnh. Đó là lẽ đương nhiên. 6- Này chư Tỳ khưu, người có tâm an lạc, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin tâm của tôi được an định”. Này chư Tỳ khưu, tâm an định phát sinh đến người có tâm an lạc. Đó là lẽ đương nhiên. 7- Này chư Tỳ khưu, người có tâm an định, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin cho tôi có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp”. Này chư Tỳ khưu, trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp phát sinh đến người có tâm an định. Đó là lẽ đương nhiên. 8- Này chư Tỳ khưu, người trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin cho tôi có trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp”. Này chư Tỳ khưu, trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp này phát sinh đến người có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp. Đó là lẽ đương nhiên. 9- Này chư Tỳ khưu, người có trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp, thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin cho tôi chứng đắc pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo)”. Này chư Tỳ khưu, pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo) phát sinh đến người có trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp. Đó là lẽ đương nhiên. 10- Này chư Tỳ khưu, người chứng đắc pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo), thì không cần có tác ý rằng: “Cầu xin cho tôi chứng đắc pháp giải thoát (Arahán Thánh Quả) và trí tuệ suy xét”. Này chư Tỳ khưu, pháp giải thoát (Arahán Thánh Quả) phát sinh đến người chứng đắc pháp ly dục (Arahán Thánh Đạo). Đó là lẽ đương nhiên. Như vậy, này chư Tỳ khưu. - Pháp ly dục (Virāgo: Arahán Thánh Đạo) có pháp giải thoát (Vimutta: Arahán Thánh Quả) và trí tuệ tri kiến suy xét là quả, là quả báu. - Trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp có pháp ly dục là quả, là quả báu. - Trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh của các pháp có trí tuệ thiền tuệ nhàm chán thực tánh các pháp là quả, là quả báu. - Pháp an định trong các đối tượng danh pháp, sắc pháp có trí tuệ thiền tuệ thấy rõ, biết rõ thực tánh các pháp là quả, là quả báu. - Pháp an lạc trong đối tượng có pháp an định là quả, là quả báu. - Thân tâm an tịnh trong đối tượng có pháp an lạc là quả, là quả báu. - Pháp hỷ trong đối tượng có thân tâm an tịnh là quả, là quả báu. - Tâm hài lòng hoan hỷ trong đối tượng có pháp hỷ là quả, là quả báu. - Thân tâm mát mẻ có tâm hài lòng hoan hỷ là quả, là quả báu. - Giới thiện pháp có thân tâm mát mẻ là quả, là quả báu. Này chư Tỳ khưu, các pháp nhân dẫn đến các pháp quả báu liên hoàn với nhau, từ tam giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp tột đỉnh là Niết Bàn giải thoát khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. (Xong ý nghĩa bài kinh Cetanākaraṇīyasutta) Như vậy, giữ gìn giới cho được trong sạch và trọn vẹn để làm nền tảng cho các thiện pháp: Dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp cho đến Siêu tam giới thiện pháp đó là 4 Thánh Đạo và quả là 4 Thánh Quả, cuối cùng tịch diệt Niết Bàn, diệt mọi cảnh khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. Thiền
viện Viên Không, tháng Vesakha
[1] Bộ Theragātha, bài kệ của Ngài Đại Đức Sīlavatheragāthā [1] Ang. Ekādasakanipāta, Kinh Kimatthiyasutta. [2] Ā: Ngài Đại đức Ānanda [3] ĐTT: Đức Thế Tôn [1] Aṅguttaranikāya, phần Dasakanipāta, kinh Cetanākaraṇīyasutta. ************************************** - Vinayapiṭaka và Aṭṭhakathāpāḷi. - Suttantapiṭaka và Aṭṭhakathāpāḷi. - Abhidhammapiṭaka và Aṭṭhakathāpāḷi. - Bộ Abhidhammatthasaṅgaha của Ngài Đại Trưởng Lão Anuruddha. - Toàn bộ Mahābuddhavaṃsa của Ngài Đại Trưởng Lão Vicittasārābhivaṃsa (Tipiṭakadhara). - Toàn bộ sách giáo khoa “Paramatthajotika” của Ngài Đại Trưởng Lão Saddhammajotika. - Các bộ sách của Ngài Đại Trưởng Lão Ledi Sayadaw. v.v… (Xem tiếp QUYỂN IV: NGHIỆP VÀ QUẢ CỦA
NGHIỆP) |
[Ðầu trang][Trở về trang Mục Lục][Trở về trang Thư Viện]
updated: 2007