Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Hành Hương Tâm Linh

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh



CHUYỆN KỂ CỦA QUÁI-ĐẦU-ĐÀ

“Trang viện họ Thạch ở về ngoại ô thành Ba-la-nại, kiến trúc theo lối cổ, thời A-dục. Bố cục kết cấu, phương vị, góc cạnh, đường nét, hình thể không tìm thấy là chỉ duy một nền văn minh nào. Hình như là cả một công trình tổng hợp, ẩn tàng nhiều triết lý sâu xa.

Nhìn tổng quát trang viện ta thấy có rất nhiều hình tròn to nhỏ khác nhau, nằm kề bên những hình thể khác nhau. Và chung quanh đa diện là những hình đá chạm nổi chư thần và chư thiên. Chính giữa trang viện được đưa nhô lên cao theo lối hình tháp - nhô lên cao rồi thắt eo lại. Ở vị trí hầu như cực tiểu đó, phóng vọt lên một hình tháp thứ hai, cao chớn chở rồi lơ lửng bên hông một khối tròn. Cái cực đại ở đây hầu như  được  bế lại, giảm trừ do một tượng thần nữ Kàlì bốn tay hai mặt. Một tay cầm thanh gươm, một tay xách sọ người - như án ngữ con đường truyền thông, liên lạc với không gian. Chính sự có mặt của thần Kàlì ở đây - như là  một  phản kháng siêu hình, nói lên một cái gì “không được hình thành, phải bị dang dở”. Vì, thay vì khối tròn phải được tiếp giao ở một trụ thẳng nhọn, lên cao - “bắt buộc” như vậy theo lối kiến trúc Nam phương. Kết cấu toàn bộ kiến trúc là cổ truyền, nhưng những đường nét hoàn toàn bị pha trộn bởi những hình thoi, hình tam giác, đa giác, vay mượn đặc chế của nền văn minh Hy Lạp - tạo nên một sắc thái đặc thù dày công sáng tạo.

Chầu xung quanh tháp chính là những toà nhà nhỏ, án ngữ theo phương vị của chòm sao đại hùng tinh. mỗi con sao là những hình khối bát giác nằm trên những nền hình vuông. Tháp cũng thắt eo lại, nở ra khôi tròn. Một con rồng vàng ôm quanh khối tròn rồi vươn móng chới với ra giữa không gian. Phương là hình vuông, viên là hình tròn. Phương ở dưới, viên ở trên - rõ ràng là mô phỏng hình dáng con Rùa (lưng tròn bụng vuông) của vua Thần Hy trong huyền sử kinh dịch Trung Hoa. Hình tròn là thái cực. Rồng là một con vật thiêng liêng tượng trưng cho sự tương giao hoà bình giữa âm dương, kiền và khôn, con người và đạo - vì thủy tổ của rồng là rắn (Xà hóa Long). Rắn ở dưới đất, rồng ở trên trời. Rồng và thái cực là của văn minh cực đông - nhưng rồng mà ôm thái cực cũng là một phản kháng siêu hình khác, nếu không muốn nói là  ngạo  khí  của một  sinh  vật hữu hạn muốn ôm tròn vô hạn?

Hai phản kháng siêu hình nói lên một thực tại cực kỳ mâu thuẫn: sự hữu hạn không bao giờ được phép vươn lên vô hạn (Thần hủy diệt đứng án ngữ con đường truyền thông). Và sự hữu hạn (khi đã thâm hội mật nghĩa hòa bình âm dương tượng trưng là rồng) thì có thể ôm gọn lỏn vô hạn (thái cực) ở trong lòng.

Còn tượng trưng của chòm sao đại hùng tinh và bắc đẩu là gì? Hướng bắc có phải là cội nguồn của sắc tộc Aryen, của giới cấp bà-la-môn được ân sủng của thánh kinh Vệ-đà, từ phương bắc đổ xuống xâm lấn dân bản xứ Dravidien? Hướng bắc là hãy trở về nguồn, ai trở về nhà nấy, hay mỗi người hãy tự trở về nguồn cội? Hay hơn thế nữa, khêu gợi một sự thăm dò tận nguyên tính? Ý thức cái quê hương sơ thủy đã rơi mất của mỗi hiện hữu?

Còn một mật nghĩa nào về hướng bắc nữa không? Các rợ Mãn, Mông, Nguyên, Thanh xâm lấn bình nguyên Trung Hoa, chiếm lấy nền văn minh nông nghiệp của Phục Hy, Thần Nông, Kinh dịch - để bây giờ các dân tộc phương đông thuở xưa cùng một gốc nguồn, không còn nhìn thấy anh em cùng thủy tổ?

Một sự phân hóa do óc chinh phục thiên nhiên - chinh phục chứ không phải là hài hòa - để tạo nên các trạng thái phân ly giữa con người và thiên nhiên, giữa con người và xã hội, giữa tự thể và tha thể?

“Dương  trung  hữu âm căn, âm  trung  hữu dương căn”, do vậy, dương là cái mạnh hình thức bên ngoài mà yếu cái bên trong, còn âm có nội lực vững vàng bên trong (dương) mà yếu cái bên ngoài. Trở về bắc cũng là một phản kháng siêu hình khác nữa: Đảo lộn toàn bộ sự vận hành của vũ trụ. Mà vũ trụ tất không thể đảo lộn, nó “như vậy là như vậy” từ vô thỉ đến vô chung. Vậy thì đây có phải là “đảo lộn lại cái nhìn”? Cái nhìn của tuệ giác, ở một cấp độ nào đó của tâm linh, lội ngược dòng, nhìn ngược chiều - lật ngược tất cả mọi tư duy, quan kiến, thói quen, kinh nghiệm, truyền thống, lịch sử, thời đại, hiểu biết - để đến bờ kia, xuất ra ngoài cái không thể xuất vừa tại vừa siêu, sinh diệt mà hữu tồn, không mà tức sắc?

Mười tám năm rồi, kiến trúc của toàn bộ trang viện để lại không biết bao nhiêu dấu hỏi trong óc mọi người. Trên kia là những câu trả lời, những luận giải hoặc là những nghi vấn của một vài thức giả có thẩm quyền về kiến thức. Vì trang chủ là một nhà đạo đức, thông thái; cùng người bạn của ông ta, kẻ kiến tạo ra nó là một điêu khắc gia, một kiến trúc sư, một nghệ sĩ,  một  nhà  thơ, một hành giả Yogi - những nhân vật như vậy không thể tạo tác một công trình vô ý nghĩa! Mà ý nghĩa ở “đại thể” thì nhìn thấy, nhìn ở phương vị nào cũng thấy, cấp độ tâm linh nào cũng thấy, nhưng đi vào  từng  phần  chi  tiết, từng cá thể, từng bộ phận thì mông lung mờ mịt - không biết nó tượng trưng cho cái gì, nói lên cái gì - đôi khi trông có vẻ rời rạc và thừa thải nữa. Có những hiện hữu trông có vẻ tương quan với nhau, nhưng đồng thời chúng cũng có vẻ phủ nhận nhau. Vừa chấp nhận vừa chối bỏ! Không có thể xác định một hiện hữu ở ngoài mọi tương quan, nhưng đồng thời, từng bộ phận riêng lẽ vẫn hàm tàng một cái gì độc lập, tự chủ, riêng là nó, tự nó đã có ý nghĩa đặc thù, nói lên ý nghĩa cá biệt!

Dấu hỏi to lớn hơn là hình như công trình của tòa trang viện chưa hẳn là đã hoàn bị! Ở mỗi nơi hình như còn thiếu cái gì đó mà không biết thiếu cái gì. Nếu một nghệ sĩ giàu óc tưởng tượng thì y có thể tùy ý ghép thêm vào tòa kiến trúc bất cứ hình thể nào, đường nét gì - mà tòa kiến trúc vẫn không vì thế bị sai lệch ý nghĩa. Từ một ý nghĩa cố định nó khơi mở biết bao nhiêu ý nghĩa khác - nó là vậy nhưng không chắc chắn là phải vậy, nó có thể khác - Đấy là bài toán nhức óc của tòa trang viện họ Thạch - mà chưa có lời giải nào là sai cũng chưa có lời giải nào là đúng.

Đã mười tám năm rồi.

Một  đêm  kia,  trang  chủ  họ Thạch gọi con trai đến nói chuyện:

- Con ạ! Đã mười tám năm nay, cha đợi chờ phút giây nầy - phút giây con đúng mười tám tuổi - để kể lại  một  chuyện  xưa.   Chuyện   xưa  nhưng   mà  nay, nhưng  mà  còn  mãi.  Con   yêu   quý, hãy  lắng  nghe!

Con trai trang chủ là một thanh niên mặt ngọc, nước da xanh, ốm yếu, mảnh mai, đặc biệt là có đôi mắt rất sáng - lóng lánh như có thần - Y chăm chú nhìn cha, lễ độ, im lặng.

- Con có khả năng về hội họa. Hội họa chỉ là sự mô phỏng thiên nhiên, bắt chước công trình sáng tạo của thần Bràhma. Ở phương diện ấy, hội họa mang ý nghĩa siêu hình: giữa con người với đời sống tại thế hữu hạn, sự diễn đạt khuôn đọng và hữu hạn - cùng thiên nhiên với sự bao la chớn chở, siêu nhiên, xuất thế và vô hạn của nó. Nói theo thuật ngữ truyền thống Vệ-đà là giữa Atman và Bràhman, giữa tiểu ngã và đại ngã. Cả hai bên có sự liên hệ với nhau như thế nào? Đó là bước lần tìm của triết học, của tôn giáo, cũng là chất liệu gợi hứng vô biên cho các nghệ sĩ gia về điêu khắc, hội họa, văn chương, thi ca…

Như con thấy, công trình của tòa trang viện này được sinh ra trong tinh thần đó, thuở cha mẹ vừa hứa hôn. Người sáng tạo là một nghệ sĩ uông việt, tài hoa, một nhà  tư  tưởng và cũng là một hành giả Yogi danh tiếng lẫy lừng. Y như là một con người toàn diện. Cha có một người bạn như vậy cũng hãnh diện, suốt một đời, hay còn hơn thế nữa.

Con ơi! Một đêm kia, sau cuộc đàm đạo giữa chúng ta, lão nghệ sĩ nói với cha rằng:

         - Thạch lão  đệ! Chúng  ta là những hiện hữu bất toàn trong thế giới bất toàn. Nhưng nhờ bất toàn thế giới mới vĩnh cửu. Từ xưa đến nay, Thạch lão đệ có thấy một vĩ nhân, một siêu nhân nào để lại đời đời một tác phẩm bất toàn chưa? Bất toàn trong ý nghĩa “thành tựu cái bất toàn” chứ không phải chịu ở dưới định luật bất toàn?

- Xin lão huynh chỉ giáo?

- Mọi công trình, sáng tạo phẩm của nhân loại đều đã thành hình, đã hoàn tất? Đấng giáo chủ nào đó đã hoàn tất một hệ thống giáo lý. Đấng đạo sư nào đó đã hết bổn phận dẫn dắt môn đồ. Nhà giáo dục khởi thảo xong một quy chế,một chương trình đào tạo. Một người cha đã hết trách nhiệm với người con. Nhà văn buông bỏ cái bút xuống sau một tác phẩm dài ngày. Ta vừa xong một cuộc đàm đạo. Đứa tớ gái đã nấu xong một bữa cơm… Phải thế? Phải thế? Tất cả đều ước mong đi về cái hoàn tất, cái thành tựu. Dù được hay không được, nhân loại cũng chạy đua về cái hoàn tất ấy. Họ bảo, chỉ có điều ấy mới nói lên giá trị tại thế  trong  tương quan giữa con người và lịch sử…!Một cơn mưa đã tạnh.  Mặt  trời đã gác  sau chân  núi. Cây cối đã cho hoa và lá trong mùa xuân. Con rùa biển đã sinh xong trứng giữa bãi cát… Phải thế? Phải thế? Vì tất cả đã hoàn tất nên sau đó là sự chết! Phải, nếu không là sự chết thì cũng là những trạng thái gì tương tự như thế!  Là những cái gì tiếp diễn ngay sau đó. Là sự suy đồi, là thoái hóa, là hỗn loạn, là ly biệt, là xa căn, một chuyển trạng, sự buồn nản, cái no ứ, màu vàng, cằn cỗi, tử vong và đau khổ… Phải mà! Sau cái hoàn tất là sự trống rỗng, cái thất nghiệp, cái thơ thẩn khi không có việc gì làm…, là gì đi nữa thì cũng hàm ẩn ý nghĩa tương tự: sự chết!

Lão đệ ơi! Cái thế giới này thật kỳ lạ! Nó màyà làm sao ấy! Nó luôn luôn tập trung nỗ lực, ý chí chiến đấu để đạt mục đích: cái hoàn toàn. Nhưng khi đạt cái hoàn toàn là gì? Là sự chết! Chân lý của nó là gì? Tranh đua để đi tìm cái chết! Không kỳ lạ sao chứ? Thế giới này nó như vậy đấy! Vô ích, vô vọng và xuẩn ngốc như vậy đấy!

Con ơi! Lão nghệ sĩ đã làm kích động tâm ta dữ dội... Cái nhìn của lão kỳ dị quá. Lão đã làm sáng lại kinh điển, cái sự sống và cái bề sâu. Có cái gì quá mới mẻ phía sau ngôn ngữ ấy làm cho ta run lên, hốt hoảng. Ta không biết mình đang đứng ở đâu, hiện hữu ở thế giới nào? Ôi! Ta chân không và ngộp thở.

Qua  thời gian  uống cạn một  chung trà, đôi mắt lão nghệ sĩ sáng rực lên, người lão như to lớn hơn, giọng nói xuyên sâu hơn, như một mũi tên lao thẳng vào vùng tâm linh dày đặc của ta! Ôi! Tiếng nói ấy!

         - Bổn phận cuối cùng và tột bực của nghệ sĩ là “lao thẳng vào dòng sống bất tử, uống cạn giọt nước đầu nguồn”, tạo cái sinh động nhịp nhàng cho thế giới tĩnh chỉ, ngưng đặc của hiện hữu.

Lão nghệ sĩ lại im lặng, khoảng cách im lặng chỉ như vừa đủ thời gian ngưng tắt của một gợn sóng trên mặt hồ.

Lão đệ ơi! Có những khi ta đứng rất lâu nhìn vào một khoảng mờ trên đỉnh núi - khoảng mờ do sương, tuyết hoặc mây. Khoảng mờ ấy được dấu kín và óc tưởng tượng của ta được tự do bay nhảy, luận lý, dự đoán, phỏng chừng, xác định! Thế giới đó vì là thế giới chưa biết - nên thật là muôn màu và vô hạn! Phải vậy không? Thế giới ấy không bao giờ chết, nó sống mãi, nó sống mãi theo với cái óc tưởng tượng của con người! Óc tưởng tượng của con người phong phú chừng nào, phức tạp chừng nào - thì thế giới ấy cứ y như vậy được sinh ra… sinh ra mãi… vô cùng vô tận… Và ta cũng được thẩm quyền tranh cãi với nhau mà không ai dám bảo người khác sai, cũng chẳng dám khẳng định là mình đúng. Nếu thật sự có người đã đến nơi vén mở khoảng mờ ấy - nếu quả có điều đó thật – thì y cũng ra đi với sự bí mật trong lòng, vì nếu có năm kẻ mù sờ  voi thì y cũng chỉ là kẻ mù thứ sáu thôi - thế gian sẽ bảo y như thế!

Một tòa kiến trúc, một tác phẩm - giá trị ở chính khoảng mờ, hoặc là cái không hiện hữu lộ liễu, trần truị  mà  người  ta   có  thể chụp  bắt  được  bằng  giác quan. Phía sau đời sống, là khoảng mờ ấy. Là sự chết. Ta không biết gì về phía đằng sau nó cả. Ôi! Vì vậy mà nó mới vĩnh cửu, hấp dẫn và lôi cuốn xiết bao!

Con ạ! Khi ấy ta không hiểu rõ ràng lắm những điều lão nghệ sĩ nói. Những lý luận của lão nghệ sĩ quá thiên về tổng hợp, nên cũng mù mờ như chính cuộc đời mù mờ của lão. Ta hoàn toàn không chụp bắt được khoảng mờ ấy!

- A... ha... ha...! Nhưng phía sau các cuộc hoàn tất là sự chết, đồng thời không là sự sống sao? Một giáo lý, một chế độ chính trị, một tác phẩm, một bữa cơm, chiếc trứng của rùa trên hoang đảo? Ấy không là bắt đầu những sinh hoạt trần gian sao? Không là sự sống sao? Ôi! Bí mật ở đấy, mầu nhiệm ở đấy mà màyà cũng chính là ở đấy!

- Thạch lão đệ! Ai cũng làm cái việc hoàn thành thì lão sẽ để lại một tác phẩm “không hoàn thành”! Ai cũng khổ cầu cái hoàn toàn thì lão sẽ để lại một tác phẩm bất toàn! Hà… hà! Trước khi “trở về nguồn cội”, thì ta sẽ:  “Thành tựu  một cái  bất toàn,  nói lên giá trị bất toàn trong cái toàn thể bất toàn. Ấy là cái mà bên Phật giáo có vị Phật gọi là Bất Không Thành Tựu Như Lai vậy...”

Nhưng… Hỡi ôi!

Kể đến ngang đó, trang chủ họ Thạch im lặng một cách đột ngột. Người  thiếu niên  anh tuấn bỡ ngỡ nhìn cha, thấy trong đôi mắt của lão trang chủ ứa ra hai hàng lệ đỏ. Y kính trọng niềm xúc động ấy của cha nên không tò mò hỏi han gì. Lặng lẽ, chờ đợi…

- Lão nghệ sĩ giữ đúng lời hứa, nghĩa là trang viện này được thành tựu trong ý nghĩa “không thành tựu”. Nhưng hỡi ôi! Cũng chính vì thành tựu “cái bất toàn” đó nên lão nghệ sĩ đã ra đi. Đã ra đi vĩnh viễn.

Người thiếu niên anh tuấn hai mắt chợt sáng lên, lóng lánh một cách kỳ lạ, nhưng chỉ một thoáng sau đã trở lại bình thường. Y vẫn không hề hỏi một tiếng nào!

- Trang viện được khánh hạ đúng vào ngày cha mẹ thành hôn. Người ta đến dự lễ rất đông. Hình như có đủ cả các giới tai mắt thành Ba-la-nại, một phần vì nể lời mời của cha, một phần là để chiêm ngưỡng công trình kiến trúc kỳ dị của lão nghệ sĩ. Trong lúc mọi người đang trầm trồ bàn tán, khen cái đường nét này, thắc mắc cái bố cục kia… thì lão nghệ sĩ từ trên lầu cao chạy xuống, khuôn mặt tái xanh, thở hổn ha hổn hển.  Lão  chạy  tới  chạy  lui,  nhìn  phía  bên này tháp, nhìn phía bên kia tháp, rồi đột ngột la lớn:

- Ta phải làm cho nó “không được thành tựu”, ta phải làm cho nó “đúng thực là bất toàn”.

Chẳng ai hiểu ý lão nghệ sĩ muốn nói gì. Khi ấy lão đang cầm trong tay một cái búa lớn, ý chừng như đang định đập phá một cái gì! Mọi người hốt hoảng đổ xô lại hỏi nguyên cớ hoặc tìm cách ngăn cản. Cha đến gặp lão đúng lúc ấy Lão nói chậm rãi, tỉnh trí, sáng suốt:

- Ta đã phản bội thần Shìva, đồng thời lại phản bội luôn cả thần Vichnou. Lão đệ ơi! Đáng lý ra ta không còn trở lại trần gian này nữa, bởi không còn việc để làm, bởi tâm thức không hề còn mảy may dính líu một sự việc gì đang còn dang dở. Ân oán giang hồ, tình nghĩa áo cơm ta đã hoàn tất. Ta cứ tưởng là tâm ta đã niết-bàn. Nhưng hỡi ôi! Bây giờ thì hỏng rồi! Ta phải trở lại trần gian mất thôi. Ta phải trở lại để làm lại từ đầu. Từ đầu, nghĩa là tiếp tục lại cái gì đang còn dang dở! Thành tựu cái bất toàn! Nhưng thật ra - đã gọi là bất toàn thì làm sao thành tựu? Vậy mà ta lại đã tự đắc ngông cuồng muốn thành tựu cái bất toàn! Ôi! Khôi hài chưa? Ngu xuẩn chưa? Lý luận đã làm cho ta tử sinh. Trí thức đã làm cho ta luân hồi. Sự khôn ngoan đã làm cho ta vô minh, dại dột.

Lão nghệ sĩ lả ra trong tay mọi người. Chẳng mấy người hiểu rõ cái thâm sâu vô lượng trong cái ưu tư của lão nghệ sĩ. Sau khi được cứu tỉnh, Lão lại đứng đăm đăm  nhìn trang viện,  nhìn không chớp mắt. Lão đứng bất động như vậy rất lâu.

Con ơi! Cha rất ăn năn là không được gặp lão nghệ sĩ  lần cuối cùng. Cả  ngày  hôm  đó cha phải bận bịu với  rất  nhiều  lễ lượt  phiền phức, tiếp đón khách khứa, họ hàng, cho đến khi công việc tạm ngưng dứt thì gia nhân cho biết là lão nghệ sĩ đã ra đi. Lão gởi lời vĩnh biệt! Lão vào rừng? Vào non cao động vắng để ẩn tích mai danh? Vào sơn cùng thủy tận để thành tựu đạo lớn? Nào ai biết được. Nhưng quả thật, con ơi, từ độ ấy, cha đã mất đi một người bạn khả kính! Một người bạn mà, từ tuổi tác đến đức hạnh, đến trí tài, đều đáng bậc huynh trưởng hay hơn thế nữa: bậc thúc phụ!

Bí mật, nguyên do của sự ra đi của lão nghệ sĩ còn ẩn kín đến nay. Chẳng biết là có ẩn kín trongchiếc hộp này không, thì chỉ có con may ra mới hiểu được!

Nói xong, lão trang chủ lấy ra một hộp vuông vức, chiếc xinh xắn, trịnh trọng để lên bàn, trước mặt người con trai. Thấy hộp như thấy lại người xưa, lão lại cảm xúc để rơi vài giọt lệ.

          - Gia nhân trao lại cho cha chiếc hộp này với lời dặn dò kỳ lạ của lão nghệ sĩ: “Nếu bí mật của sự chết, nếu bí mật của “khoảng mờ” mà ta tiên tri không lầm lạc, thì mười tám năm sau, lão đệ hãy trao chiếc hộp này  cho người  con trai  rồi hãy kể câu chuyện về tòa trang viện, về cuộc đời của lão-nghệ-sĩ-bất-toàn này cho y nghe… Rồi chỉ có y mới là kẻ có thẩm quyền về sự bất  tử!  “Con ạ! Hôm  nay,  gọi con đến đây, là để ta hoàn thành  tâm  nguyện của  người xưa, chiếc hộp này, cha chưa dám mở lấy một lần!”

Người thiếu niên anh tuấn kính cẩn đưa tay nhận chiếc hộp, nét mặt thoáng chốc biến đổi. Y đã hai lần đổi sắc mặt từ khi ngồi hầu chuyện đến bây giờ.

Mười tám năm trôi qua rồi, mà con ơi, thiệt như là giấc mộng đầu hôm. Lão nghệ sĩ ra đi mà để lại cho không biết bao nhiêu người dân thành Ba-la-nại những nghi vấn cũng như những cảm hoài xa xót. Cha lại nôn nóng đợi chờ đến phút giây này biết bao nhiêu? Tại sao lão nghệ sĩ lại biết rằng, cha sẽ có con trai đầu lòng? Và bí mật chiếc hộp lại là bí mật “sự chết”, bí mật của “khoảng mờ”mà chính tự thân con biết? Kẻ có liên hệ gì không đến lão? Cha nghĩ rằng, nếu lão nghệ sĩ nói đúng, thì con sẽ là kẻ tiếp tục một tiên tri từ quá khứ, con là kẻ đi nốt đoạn đường của lão nghệ sĩ đang còn dang dở, phải chăng? Hay chính con là hậu thân của lão nghệ sĩ?

Người thiếu niên anh tuấn không trả lời câu hỏi của  người cha vội. Y vân vê,  nhìn  ngắm  chiếc  hộp ở trong tay mãi. Sắc mặt y thay đổi mấy lần. Rồi y lại nhắm mắt lại. Rất lâu. Khi mở mắt ra, y ngửng đầu nhìn nóc tháp rồi nói:

- Hình như tất cả ngọn nguồn của vấn đề là ở nơi thanh gươm của đức huyền mẫu Kàlì, phía chóp nóc tháp chính. Cha có khi nào nghĩ như thế không?

Y vẫn  chưa  mở  hộp  ra. Và  đấy là  câu nói đầu tiên của y.

- Con ơi! Cha cũng biết một phần! Mười lăm năm trước đây, cha thường thắc mắc tại sao lão nghệ sĩ lại bố trí đức huyền mẫu Kàlì và thanh gươm ở đó – ở cái phần mà nó phải vươn lên cao bởi một trụ thăng vót để tiếp giao luồng linh điển của vũ trụ! Lão nghệ sĩ đã chặt đứt mối cảm thông, cảm ứng của đất trời bởi bà vợ của đức thần hủy diệt Shìva. Câu hỏi phổ thông của mọi người là, công trình ở nóc tháp hình như chưa được hoàn thành. Con ơi, thật là kỳ diệu làm sao - một đêm kia, cha mới “thật sự hiểu thế nào là sự dang dở, sự bất toàn” hoặc tất cả những ẩn nghĩa trong câu chuyện xa xưa của lão nghệ sĩ.

Người thiếu niên anh tuấn chợt nhíu mày nghĩ ngợi một lúc rồi hỏi:

- Xin cha hãy nói cho con nghe về tất cả những gì mà cha gọi rằng hiểu, rằng biết - về những gì mà cha đã từng tư duy sâu kín nhất mà cha chưa hề nói với ai. Con cần nghe tất cả những điều ấy.

- Nói chứ. Nói chứ. - Lão trang chủ thấy vẻ mặt nghiêm trọng của con, vội vã trả lời - Con yêu quý! Cha  sẽ nói  hết. À! Nói  bắt đầu  từ  chỗ  nào  nhỉ. À! Thôi! Cứ nói hết. Nói bắt đầu từ khi con mới ba tuổi. Phải! Lúc ấy, con mới chập chững biết đi. Cách đây đã mười lăm năm! Cái  hôm  gặp  lão khách thương kỳ lạ ấy. Phải. Bắt đầu từ hôm ấy, cha mới lãnh hội thấm thía ý nghĩa về sự bất toàn, dang dở của cuộc đời….

Lão trang chủ tằng hắng lấy giọng rồi bắt đầu kể:

- Thuở đó, con vừa chập chững biết đi. Hôm ấy có người khách thương từ miền xa đến, y mang rất nhiều hàng hóa, có trên một trăm cỗ xe. Tất cả hàng hóa đều là vật quý, có rất nhiều thứ được sản xuất ở nước ngoài. Người ta để ý nhiều nhất là những hàng tơ lụa và những tấm thảm.

Cha có mặt trong những người đi xem và để ý một tấm thảm thêu những con rồng vàng. Đây là sản phẩm của Trung Quốc và là đồ ngự dụng, con nhà dân giả thường không được phép dùng. Thấy con rồng vàng, cha chợt nghĩ đến lão nghệ sĩ, đã một thời bôn ba sang vương quốc ấy để đọc thi và đọc dịch. Thấy vật, tưởng đến người xưa, cha có ý định mua tấm thảm ấy để an trí vào nơi tôn nghiêm nhất - hoặc là nơi thờ tự - nó ở nơi phía thượng lầu tây - nhìn ra khoảng núi rừng trùng điệp… Cha bèn trả giá để mua thì người khách thương cười khỉnh không trả lời. Hồi lâu, hình như khó chịu vì cha cứ trả giá cả, y hỏi một cách xấc xược  rằng: ông có được  bao nhiêu đồng tiền vàng? Gia đình ta tuy không giàu có hơn ai nhưng cũng thuộc hàng trưởng giả chứ - thế là cha xin trả một ngàn  đồng  tiền vàng -  số tiền ấy là cả một phần gia  tài  của  ta rồi.  Ban  đầu  y cũng tỏ vẻ ngạc nhiên, Nhưng  sau  y vẫn lắc đầu,bảo rằng, cho dù mười ngàn đồng tiền vàng nữa y cũng không bán. Mười ngàn đồng tiền vàng? Quả là không thể tưởng tượng được. Thế là cha đành tiếc rẻ và trở về nhà.

Đêm đó, trời đổ mưa. Cha vừa cầu kinh xong thì gia nhân vào cho biết là có một người khách xin được gặp mặt. Sau khi uống cạn ly nước thánh cha đến phòng khách thì thấy người khách thương đang ngồi chờ. Quả là kỳ lạ. Y đã tìm đến nhà. Và là để bán tấm thảm chăng?

- Chẳng hay ông đã đổi ý kiến? Một ngàn đồng tiền vàng - để mua một tấm thảm! Hẳn không phải ai cũng có thể làm được?

- Không. Tôi không phải đến đây để bán tấm thảm. Ông lầm! Tôi đến cũng không phải vì một ngàn đồng tiền vàng. Ông lầm! Bỏ ra cả một phần gia tài để mua một tấm thảm xa xỉ, đây không là điều ngạc nhiên đáng tìm hiểu sao?

- Hóa  ra  ông đến chỉ vì ngạc nhiên mà tìm hiểu thôi sao?

- Phải! Tôi đến chỉ để tìm hiểu rằng, quý phu nhân xấu đến mức nào, hung dữ đến mức nào mà ông phải bỏ ra số tiền lớn để mua tấm thảm ấy?

Tưởng tai mình nghe lầm, cha gặn hỏi lại:

- Ông đến để tìm hiểu rằng, hiền thê của tôi xấu đến mức  nào  và  hung  dữ  thế  nào sao? Sao kỳ vậy? Chuyện ấy nó có liên hệ gì đến tấm thảm và những ngàn đồng tiền vàng?

- Có chứ. Có chứ. Nếu không muốn nói là chỉ có điều ấy mới liên hệ! Ông không biết sao, tôi là một người đàn ông diễm phúc. Diễm phúc vì có một người vợ xấu như ma, lại hung dữ như quỷ. Từ khi lấy nàng về, vì mang phải cái nghiệp nghèo nên tôi luôn bị nàng đánh đập và chửi rủa. Nàng chửi mắng tôi là hạng cùng đinh, lại không có tài, không có chí, không có công danh sự nghiệp. Tôi phải đi làm ăn xa. Năm thứ nhất, tôi đem về cho nàng hai mươi đồng tiền vàng dành dụm được. Nàng bắt tôi nhốt vào phòng tối và mỗi ngày được ăn ba nắm cơm muối và được đánh đập ba lần. Năm thứ hai tôi lặn lội suốt năm trên rừng kiếm ngà voi, sừng tê giác, gạc nhung, cao hổ cốt, mật ong và trầm. Tôi đem về cho nàng được ba trăm đồng tiền vàng. Tưởng là sẽ được đền bù xứng đáng, ai ngờ nàng lại cho tôi một trận đòn nên thân! Nàng nói: Nam nhi  người  ta  chí khí phải bay xa ngàn dặm, sức vượt kình ngư - còn nam nhi của anh chỉ đo bằng ba trăm và hai chục đồng tiền vàng, không hơn thế được! Sau lần thứ hai đó, tủi nhục và ê chề quá, tôi đi thẳng, đi xa, đi mải miết - quyết là phải có gia tài trăm vạn tôi mới trở về!

Người khách thương chợt ngước lên nhìn cha với đôi mắt mệt mỏi. Bây giờ cha mới để ý là y đã dày dạn và phong sương quá đỗi; vừng trán đã cày những vết nhăn quá sâu, nước da đen sạm mà người ta có thể bóc ra ở trên đó - mùi muối mặn của biển, nắng của sa mạc, bụi trần và ngày tháng.

- Ông chủ! Bây giờ gia tài tôi đã có trăm vạn sau hơn ba mươi năm bôn ba lưu lạc xứ người. Tôi giàu đến độ không còn muốn giàu nữa. Và có một điều làm cho tôi bần thần suy nghĩ bấy nay, là không biết bây giờ mình sống để làm gì? Bà vơỷ sứ của tôi quy đã chết. Tôi không biết trả thù ai, tôi không biết mang gia tài này về xứ để làm gì! Tôi tưởng rằng vợ tôi sẽ chóa mắt, sẽ kinh hãi bởi chí nam nhi của tôi, chí lấp bể vá trời! Tôi đã lặn lội vào triều đình Trung Quốc, bỏ ra hai chục ngàn đồng tiền vàng để mua tấm thảm kia - và cả rất nhiều đồ ngự dụng nữa - cốt là để mang về biếu nàng, biếu người vợ ma quỷ của tôi. Ôi! Tấm thảm ấy mà dùng để cho nàng lót chân thì tương xứng biết bao nhiêu! Thế mà! Ôi! Vợ tôi đã chết! Nàng đã chết thì đời này, tôi chẳng còn gì là sinh thú nữa!

Người khách buôn già thở dài não ruột. Cha đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Quả thật, phía bên ngoài chân trời có nhiều điều vượt quá sức tưởng tượng của con người. Mới mẻ biết bao! Kỳ dị biết bao! Trường hợp một người đàn bà, không hẳn là trường hợp của tất cả các người đàn bà - cái định kiến thường đem người ta đến những lầm lẫn tai hại.

Con ạ! Sau đó, người khách buôn già cho chúng ta chiếc thảm ấy, y không lấy đồng nào. - Diễm phúc thay cho những ai có bà vợ xấu xa và hung dữ để phấn đấu với cuộc đời - y nói - Các nàng cần phải được biếu những vật quý giá hơn thế nữa trên thế gian. Gia tài này của ông chủ, tựu trung cũng nhờ nàng, có phải?

Con ơi! Cha biết trả lời làm sao cho người khách thương ngu si tội nghiệp ấy hiểu rõ cái lầm lẫn tai hại của y? Cha chỉ nhìn y xót xa, im lặng. Sau rồi y nói tiếp:

- Nếu nàng yêu thương chìu chuộng tôi, thì tôi đâu có cơ hội đi đó đi đây để biết những chân trời xa rộng, sa mạc, đại dương, sông hồ và núi non hùng vĩ? Lại biết được cả những quốc độ có những kinh thành hoa lệ, có cả yêu thương đùm bọc lẫn cả tình đời phản trắc? Ồ! Tôi đã học được không biết là bao nhiêu, tôi thấy, tôi nghe, tôi nhìn cũng không biết là bao nhiêu. Nhiều lắm! Ông chủ ơi! Nếu không có nàng thì tôi chỉ là gã đàn ông hủ lậu quê mùa, lại chỉ là tên cùng đinh tay trắng hạ tiện. Cho hay, cái gì là hung dữ, xấu xa, độc ác - đều là nguyên nhân hoặc là lộ trình tiến thân - cho nam nhi trên đời này cả. Nhưng mà ông chủ ạ! Nếu vợ tôi đừng chết?

Đến đây cha mới bắt đầu để y vì trong câu nói của y đã hàm ẩn sự khôn ngoan của kinh nghiệm sống. Cha bèn hỏi:

         - Nếu vợ ông không chết thì sao? Ông hãy nói tiếp đi?

- Chẳng sao cả! Nếu vợ tôi không chết, thế thôi! Nếu vợ tôi không chết và con đường thương mãi của tôi cứ lời rồi cứ lỗ? Cứ lời, cứ lỗ rồi tiếp diễn mãi như thế, tiếp diễm mãi không cùng. Đừng thành công! Đừng đến đoạn cuối. Đừng chấm dứt với gia tài hằng trăm vạn thì hay biết bao nhiêu? Có gia tài hằng trăm vạn trong tay là đồng nghĩa với sự buồn nản, khổ đau và sự chết. Tôi không còn sống được nữa ông chủ ạ! Sống thì phải làm gì, còn tôi là kẻ không còn biết sống để làm gì!

Con ơi! Thật là kỳ dị xiết bao! Con có thể tưởng tượng được điều này không: Thế là ý nghĩa ẩn mật sâu xa về sự bất toàn và sự không thành tựu của lão nghệ sĩ - cha đã tìm được lời giải ở nơi câu chuyện của lão khách thương ngớ ngẩn ấy!

Lão trang chủ kể đến ngang đây thì dừng. Thiếu niên nói:

- Con cũng hiểu, thưa cha! Nhưng hình như cha vẫn còn muốn nói thêm gì về điều ấy nữa chứ?

- Phải  mà!Cha  còn  muốn  nói  nữa.  Ngày hôm sau, lão khách thương đã tự tử bên đống hàng hóa trăm vạn của y. Rồi câu chuyện được truyền tụng không ngớt qua cửa miệng của mọi người.

Ôi! Cám cảnh thay thân phận của một kiếp người. Tối hôm sau, nhân một đêm trăng sáng, cha cứ đi thơ thẩn mãi ngoài vườn không ngủ được. Hình ảnh và câu chuyện của lão khách thương ám ảnh cha dữ dội. Hóa ra, con người, suốt đời chiến đấu được là nhờ động lực của hư vô! Lão khách thương suốt ba mươi năm bị đẩy bật ra khắp góc bể chân trời là nhờ cái “không thành”. Nhờ cái “không thành” thì y mới sống! Cái không thành, cái không thành, cha lẩm nhẩm trong miệng như vậy rồi ngước mắt lên nhìn nóc tháp. Một luồng điện xẹt qua và rung động trọn vẹn tâm thức của cha. Đức thần hủy diệt và thanh gươm ở đấy đang lấp lánh dưới ánh trăng, huy hoàng và rạng rỡ làm sao. Nhờ có ngài thì đời sống này mới tiếp diễn được liên tục, mới có thế giới và sự vĩnh cửu. Sự bất toàn mà lão nghệ sĩ đã cưu mang một đời có phảng phất dấu hiệu của “ý thức trầm luân” như cha vừa thấy đấy không? Một cái gì phản nghịch quá với tuyệt đối,  như  là  một  cái gì “khước từ tuyệt đối”, để cam phận, hoặc reo ca, dù hãi hùng, dù bi tráng, nước mắt hoặc tử vong, khơi vơi và viễn mộng - nghĩa là chấp nhận  trọn vẹn dòng đời, lòng đời hữu hạn, dù nó có thống khổ thê lương đến mấy chăng nữa?

Con ơi! Con hiểu  ý cha  muốn nói gì chứ? Sự bất toàn và vĩnh cửu, lão nghệ sĩ có nghĩ như thế không? Nỗi đau đớn hoằng viễn của lão vào lúc cuối đời có còn để lại một dấu tích nào bên trong chiếc hộp kia không? Và về sự bất toàn, duy nhất chỉ có từng ấy hay là còn gì khác nữa?

Thiếu niên anh tuấn chợt nhếch môi cười:

- Cha đã ngộ về sự bất toàn ấy, con rất vui mừng. Còn lão nghệ sĩ, thưa cha, y chỉ là kẻ loay hoay. Kẻ đang còn tìm kiếm.

Người cha ngạc nhiên:

- Hóa ra con cũng đã từng tư duy về những điều tương tự ư?

- Thưa cha! Phải. - Người thiếu niên gật đầu mạnh mẽ - Con là một họa sĩ nửa vời, nửa mùa - ai cũng thường bảo con như thế. Thưa cha, bởi là họa sĩ, kẻ chuyên mô phỏng thiên nhiên, bắt chước thiên nhiên, đúng như cha nói - nên không có hình ảnh nào của ngoại giới mà con không chụp bắt với đôi mắt thịt của con, đôi khi bằng cả tâm nhãn nữa. Tòa trang viện này, là vật đã liên hệ thiết cốt với con trong mười  tám năm  nay.  Con cùng  nói, cùng thở va cùng vui buồn với tác phẩm bất toàn này, từ khi có nhận thức và tư duy. Con đã hiểu từ trong thâm sâu trực giác, rằng là nó với con cùng chung một sinh mệnh. Có nó thì con mới hiện hữu và ngược lại. Trực giác này nó mạnh mẽ  dường bao? Mạnh  mẽ  như một xác tín, một khẳng định mà không biết nguyên do tại đâu: Con không hiểu. Con không cần hiểu. Thưa cha, cũng vì vậy, nhờ nó mà con đã hoàn thành những bức tranh tuyệt mỹ và vĩ đại - nếu không muốn nói là cổ kim hạn hữu.

Người cha chợt cười xòa:

- Những tác phẩm vĩ đại? Con có nói giỡn không chứ? Những bức tranh với dăm ba đường nét không thành hình của con, vẽ xong rồi lại xé bỏ?

Giọng thiếu niên vẫn trang nghiêm:

- Con không phải thiếu lễ độ để nói với cha rằng: cha là một nhà đạo đức, một học giả thông thái.

- Cha chưa hề bị lấm tai vì những tên gọi của người đời.

- Thưa cha! Con tin chắc cha có một phong thái thanh cao, một nội tâm thanh tịnh đáng kính như vậy.

         Người cha tò mò hỏi:

         - Quả đáng quý thay con ta! Nhưng con ơi, hình như con sử dụng ngôn ngữ cùng tư tưởng tinh tế quá, cha không nắm bắt được ý nghĩa!

- Thưa  cha! Ý con  muốn nói  rằng,  cha  không phải là một nhà nghệ sĩ.

- À! Vậy ha - người cha lại cười vui - hồi xưa, lão nghệ sĩ cũng đã từng bảo cha như vậy. Có phải ý con muốn nói rằng, vì cha không phải là nghệ sĩ nên không thể hiểu nổi những bức tranh của con?

- Phải. Thưa cha! Lại còn hơn thế nữa, cha còn chưa hiểu rằng, con đã từng vẽ đêm, vẽ ngày. Con vẽ những bức tranh vĩ đại giữa không gian, khi con ngồi một mình nhìn ra phía cửa sổ, dưới xa kia là sông Gangà sóng vỗ tận chân trời xanh thẳm, và xa nữa, xa tít phương bắc là dãy tuyết sơn phủ mây trắng xóa. Con lại vẽ những bức tranh tuyệt mỹ tự tâm hồn, tự tâm nội đầy tràn chất ngất. Con lại còn vẽ nữa cả trong những giờ thánh tẩy, trong lúc tọa thiền, ngọa thiền, cho đến cả những lúc ngoạn du. Và cha ơi! Nhờ vậy con mới biết chắc rằng, lão nghệ sĩ đã không nói sai khi bảo công trình mình đã hỏng.

- Cha cũng chưa hiểu rõ lắm, từ chuyện vẽ tranh của con qua chuyện bất toàn của lão nghệ sĩ.

- Lão nghệ sĩ muốn dùng những chất liệu bất toàn, sự kiện bất toàn, dữ kiện bất toàn - để hoàn thành ý nghĩa bất toàn trong thế giới bất toàn. Ở phương diện này, lão nghệ sĩ đã thành công. Nhưng than ôi! Cũng chính vì thành công cho nên ý nghĩa ẩn mật đã trở nên thất bại!

- Con hãy  nói  rõ  hơn?  Có  phải  thế giới sự vật vốn tỉnh chỉ, trong lúc trò diệu hóa của màyà vốn biến động, thay đổi diệt sinh trong từng giây khắc?

- Cha nói đúng! Nhưng đấy  mới  chỉ  là tiền diện của vấn đề. Chiều sâu thẳm của nó là: Lão nghệ sĩ đã thất  bại  khi  “không hoàn toàn diễn đạt cái bất  toàn”. Công trình trang viện là một phủ định chiều sâu tâm chứng của tác giả. Đến phút cuối cùng, ánh sáng ấy mới lóe lên nên Lão nghệ sĩ muốn đập phá cũng phải.

- Nhưng đập phá cũng là chối bỏ, phủ định. Chối bỏ, phủ định cũng là hình thức khác của thành công?

- Thưa cha, cha nghĩ đúng. Lão nghệ sĩ cũng đã có nghĩ đến điểm đó nên lão đã ngần ngừ bất quyết. Con cũng chính vì điểm này mà bị bế tắc trong thời gian gần đây. Điêu khắc là một cái gì tĩnh chỉ, một cái gì không còn biến hóa nữa, một cái gì chết - trong lúc vũ trụ là cái sống động không cùng. Thiên nhiên, tên gọi khác của đạo, là cái bao la, huyền nhiệm, kỳ diệu, nó là thế giới muôn màu muôn vẻ, trùng trùng và mớilạ trong từng giây khắc - Thế giới ấy, điêu khắc làm thế nào chụp bắt hoặc mô phỏng trên mặt đá, mặt gỗ ù lì xám ngoét? Như vậy, đạo gồm hai mặt tĩnh, mặt động. Thái cực sinh lưỡng nghi, nhất âm nhất dương chi đạo. Một âm thôi, nghĩa là tĩnh thì vũ trụ sẽ tiêu trầm - sẽ chỉ là thanh gươm và đầu người vừa mới chặt của huyền mẫu Kàlì, còn thiếu bàn tay kia  đầy ơn  phúc  che chở  và sáng hóa của bà. Vũ trụ vừa là thần Shìva vừa là thần Vichnou. Hai vị thần này ở dưới quyền điều động của thần sáng tạo (Bràhma). Cho nên, sáng tạo nghĩa là vừa sinh thành vừa hủy diệt, vừa xây dựng vừa đập bỏ. Ấy là sinh và tử  vậy! Nhờ   sinh  nhờ  tử mới  tạo  thành nguồn sống hằng cửu.

Thật ra, điều ấy cũng chẳng có gì là mới mẻ cả. Cha ơi! Nhưng mà từ khi con ngộ lý này, con không còn muốn tiếp tục công trình của lão nghệ sĩ nữa, con quay qua vẽ, nghĩa là con muốn vượt cái bế tắc của lão. Những bức tranh vẽ của con, không bao giờ thành hình, vì thành hình là dấu hiệu của sự chết. Con là một nghệ sĩ sáng tạo, vậy thì con phải là thần Vichnou (hoàn thành) vừa là cả thần Shìva nữa (xé bỏ). Nhưng khi mà tay con vừa xé bức hình, con hiểu rằng mình đã sai lầm một cách trọng đại, như lão nghệ sĩ đã từng sai lầm: chối bỏ tác phẩm! Ôi! Thưa cha! Sao con lại điên rồ, ngu xuẩn, kiêu căng đến mức như vậy: dám chối bỏ tác phẩm của mình? Hủy diệt công trình của một hiện hữu?

Điều ấy mới thoạt trông thì thật là giản dị và vô hại, nhưng khi đi sâu vào ta mới thấy nó kinh khiếp dường bao! Cha ạ! Vạn vật vốn tự sinh tự hóa. Tự sinh tự hóa nói lên chân lý tự do và nhân bản. Khi để cho vạn vật tự nhiên sinh hóa là dấu hiệu của đạo đức hằng cửu, vì  mỗi  hiện  hữu  sẽ tự tác tự thọ trong tác động nhân quả qua lại giữa nhau; nhưng khi mà ta tạo một “tác động” cho vạn vật sinh hóa, góp tay góp sức bởi ý đồ, mưu cầu hoặc tham vọng quỷ quyệt là ta đã tạo thêm nước mắt và tử vong cho cuộc đời. Mới đây, con có lãnh hội một số triết thuyết nền tảng phía bên kia trời tây. Những tư tưởng đó xoay quanh lý tưởng này: chinh phục thiên nhiên, cải tạo xã hội, tư tưởng cũng như con người. Nền tảng vẫn là âm dương mâu thuẫn và xung đột của Trung triết, vẫn là thần Shìva và Vichnou của Vệ-đà. Họ chỉ thấy một diện của thực tại và không thấy được diện thứ hai: xung khí dĩ vi hòa. Huyền mẫu Kàlì vừa là thần sanh đẻ vừa là thần giết chóc. Họ không thấy sự cần thiết quân bình của hai năng lực âm dương đó, nên đời sống của họ là những cuộc bạo động dài ngày trong lịch sử - hay hơn thế nữa - dẫn nhân loại đến chỗ diệt vong, chặt đứt gốc rễ trở về quê hương của con người, càng ngày càng sa đọa và vong bản! Họ chỉ thấy “chân lý đối tượng” và “chân lý mâu thuẫn” nên họ tiếp sức cho thế lực này hủy diệt thế lực kia và bảo là đẩy mạnh bánh xe lịch sử, đẩy mạnh bánh xe tiến hóa! Lấy con người để khống chế xã hội hay lấy xã hội để không chế con người - đều vô tình đi ngược lại định luật âm dương vận hành tương hỗ của Trung triết - đi ngược lại lộ trình sáng tạo vi diệu của thần Bràhma - nghĩa là  phản  bội   chân-lý-toàn-diện,  phản  bộ   tư  nhiên, phản bội đạo vậy. Họ là kẻ vô luân, vô đạo và cuồng tín nhất trên thế gian! Giáo lý nào, nghệ thuật sáng tạo phẩm nào mà không nhằm cưỡng ép, bức bách, khống chế - mà ở trong tinh thần gọi kêu, khơi mở tâm thức tự  giác thâm sâu, nương và chuyển cuộc đời - thì giáo lý ấy, nghệ thuật sáng tạo phẩm ấy chính là vẻ đẹp, thiên thu, màu xanh, trái cây và cơm bánh cho con người trần gian khổ nạn nầy. Con xé bỏ bức tranh của mình, lão nghệ sĩ đập bỏ công trình của tòa kiến trúc - thì từ trong thẳm sâu của tự ngã chỉ là kẻ ngụy-đạo-đức, ngụy-nghệ-sĩ mà thôi!

Con vượt bỏ Tây phương, vượt bỏ lão nghệ sĩ nhưng con chưa vượt được “ý niệm vượt bỏ”! Thế là con vẫn còn kẹt trong nhị nguyên, mâu thuẫn, xung đột, nghịch chiều. Khổ đau trong con vẫn còn tồn tại.

Cha ơi! Để tìm lối thoát, con quay qua vẽ bằng tâm, tâm họa chứ không còn là bút họa nữa. Con vẽ trời đất, trăng sao, núi đồi, thung lũng, cây cối, khe, suối, sương mù…. Con phóng trên nền trời, trong tâm tưởng những màu sắc đẹp lạ kỳ. Nó đẹp hơn cả thực tại. Nó vượt xa thực tại. Con sung sướng miên man, con phỉ lạc biết bao nhiêu! Giai đoạn này con không cần ăn, không cần uống, vì con đã tự no đủ. Con sống no đầy, phỉ lạc trong thế giới tâm tưởng của riêng con!

Người  thiếu  niên anh tuấn im lặng đột ngột qua một hồi say mê trình bày con đường tâm chứng của mình qua hội họa. Người cha đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác. Trước mặt ông, đứa con trai chợt trở nên to lớn phi thường. Người ta thường gọi ông là một nhà đạo đức, một học giả - nhưng quả thật là nhỏ bé và hủ lậu quá so với thế giới này - cái thế giới nghệ sĩ trẻ trung - họ đi theo con đường của họ - con đường có bướm có chim, có nhật nguyệt; con đường được lát bằng những tấm thảm xanh như nhung của cây cỏ, da trời và biển rộng. Ôi! Thế giới của ta nhỏ hẹp quá - thế giới của chữ nghĩa, văn tự và kinh điển đã khô chết tự ngàn xưa. Cái thế giới không có lấy một hơi thở, một tiếng gà kêu, một con chim thình lình cất tiếng hót rộn rã giữa bình minh xanh, giữa hoàng hôn vàng. Phải. Cái thế giới chết của những chồng sách vở vô tri, không có cả một cơn gió khô, một đài hoa rụng, một chiếc lá úa. Dù khô, dù úa, dù rụng nhưng nó vẫn là dấu hiệu của sự sống. Ôi! Vĩ đại biết bao nhiêu là thế giới ấy! Không ngờ cuối cuộc đời tàn phế và khô nỏ của tâm hồn, ta lại có thêm chất nước, cỏ hoa, vị ngọt để lấy thêm sinh lực cho cuộc ra đi dài hạn…!

Nghĩ đến đây, lão trang chủ hân hoan quá, ông ôm chầm lấy người con trai:

- Kỳ lạ thay, con ta! Đáng kính đáng yêu biết mấy là con ta. Lối nào cũng về La Mã. Đồng quy nhi thù đồ. Cho  đến  bây  giờ  cha  mới hiểu mật nghĩa ấy.

Đã từ lâu, nguyện vọng của cha chỉ được gói ghém trong chiếc hộp này, biết được bí mật của nó trước khi nhắm mắt - nhưng nay thì đã được khơi mở rộng lớn hơn, có kích thước vũ trụ hơn - ấy là bí mật của dòng  đời, của lòng đời. Đạo là ở chỗ ấy, kỳ vĩ và tuyệt mỹ biết bao nhiêu.

Người thiếu niên anh tuấn khuôn mặt vẫn lạnh lùng, trầm mặc, trang nghiêm. Ở nơi y không có dấu hiệu nào chứng tỏ một con người bị tình cảm chi phối. Y đang tự chủ, đang trọn vẹn với thế giới nào đó của riêng y!

Niềm hân hoan vừa mới chớm nở trong lòng của lão trang chủ chợt tàn úa đi ngay bởi con người “tịch mịch bất khả tư nghị” của thiếu niên.

Người cha ân cần hỏi:

- Con vẫn đang còn nghi vấn về điều gì? Thế giới nhiệm mầu và tuyệt mỹ biết bao nhiêu?

Người thiếu niên anh tuấn trầm giọng đáp:

- Con cũng đồng ý với cha như vậy: thế giới nhiệm mầu và tuyệt mỹ biết bao nhiêu! Nhưng thưa cha, cũng giống y như trong những tranh vẽ của con: thế giới nhiệm mầu và tuyệt mỹ biết bao nhiêu!

- Vậy sao con … còn có vẻ “tịch mịch” đến như vậy?

- Thưa cha! Tại sao thì con đã nói rồi đấy chứ! Thế giới nhiệm mầu và tuyệt mỹ thật, nhưng nó chỉ thực tại ở trong tranh vẽ mà thôi, nó chỉ thực tại ở trong "tâm" và "tưởng" thôi!

Người cha há hốc mồm.

Người con tiếp:

- Con  đã  từng  có những  bức tranh ở trong tâm và tưởng, nó đẹp hơn cả thực tại, nó vượt quá thực tại, nhưng chưa bao giờ nó đẹp như là thực tại.

Thưa cha! Thế giới đó, tâm và cảnh, nó một hay là hai? Là một thì không thể được, là hai cũng chẳng phải. Vì sao? Vì tâm vẫn phân biệt được cảnh, từ chủ năng ta nhận biết được ngoại giới khách quan thì chúng chẳng thể là một được. Và nếu là hai cái cách biệt, thì mỗi cái riêng tự nó hiện hữu, độc lập chẳng liên hệ gì đến nhau. Mà có thật nó không liên hệ với nhau chăng, thưa cha? Nếu không liên hệ thì con đã chẳng xúc động thật tình vì một cảnh sắc huy hoàng của bình minh, sự dịu dàng và đầy ơn phúc của lá xanh và những cơn gió đìu hiu đầu thu va động lăn tăn trên đầu cây, ngọn cỏ! Hình như phải bảo rằng, ngoại cảnh quyết định cho các trạng thái tâm, nó liên hệ tương quan như bóng với hình, không có cái này thì không có cái kia và ngược lại.

Nhưng than ôi, thưa cha! Khi con vẽ bằng tâm và tưởng, thì những bức tranh đó đã tách rời thế giới cụ thể khách quan để nhảy vào thế giới nội cảnh. Nó là cái  bóng  của  chiếc  ảnh  thực,   nó là hình ảnh mô phỏng không rõ nét hoặc chẳng hoàn toàn trung thành thiên nhiên. Qua lăng kính tâm chắc nó đã đổi khác đi. Như vậy có ích gì không những bức tranh vẽ của con, thưa cha? Mặc dầu các đường nét có hoằng viễn cách  mấy, có nguy  nga cách mấy, nó cũng chỉ là cái bóng mờ của thực tại, một cái gì mông lung, ảo dị, một cái gì không bao giờ đúng y là thực tại, như nó là thực tại. Con là cái ấy. Ngươi là chân như. Vệ-đà bảo thế. Chân như là như chân như thực. Nhưng làm thế nào để hiểu rõ như chân như thực là gì? Như chân như thực là một thế giới mà ta chẳng thể nào chụp bắt được, vĩnh viễn là như thế, thưa cha!

         Người cha thở một hơi dài:

          -Thế là thế nào? Lại rối ren đến thế ư? Té ra con vẫn chưa đạt được cái gì sao? Cha đi từ bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác.

Con ơi! Kinh điển có lý luận, có tư tưởng, có con đường, nhưng là một cái gì dễ dàng và khả tri hơn thế. Các giáo chủ uyên thâm nhất của truyền thống Vệ-đà cũng trích dẫn cái câu đã trở thành thời thượng, sáo ngữ ấy: Ngươi là chân như. Phải chăng, đây là một thông điệp kêu gọi ý thức tự quy, trở về cái thâm sâu nhất của tự ngã? Và đây, ngươi là cái ấy, ở trong cái bản ngã sinh diệt đó chứ không là đâu hết. Các nhà luận giải và chú giải trong Áo-nghĩa-thư khi đề cập đến các cấp độ tâm linh thì họ tuần tự nói như thế này: Đầu tiên là ý thức bình phàm, cái ý thức chìm đắm và thụ hưởng các đối tượng vật chất. Từ ý thức  ấy, con người  tiếp xúc,  kinh nghiệm  ngoại giới.

Rất có  thể vì nó  chẳng  thể đạt được những phúc  lạc thâm sâu, tế  vi - nên nó  đành phải chuyển hướng vào bên trong: và đấy là trình độ thức giác thứ hai. Đây tạm gọi là thức giác nội giám, cái Yoni, cái chủ tể. Ta thì ta gọi đây là cái dòng sống, chủ khách câu vong. Nhưng còn một thức giác cuối cùng nữa, thức giác siêu việt, viên mãn, tri giác và suy tưởng có hiện hữu ở đây, nhưng không còn có tên là tri giác và suy tưởng nữa. Bất khả diễn đạt. Cái vô nhị và an tĩnh.

Con ơi! Suốt đời cha cũng nghiên cứu, cũng vẽ vời bằng thế giới tâm tưởng này nọ, nhưng cái biết của cha qua kinh nghiệm sách vở ấy chắc gì đã vượt qua được cái biết của con? Có thể cha sử dụng ngôn ngữ, cách diễn đạt, tuần tự phân tích hoặc tổng hợp - sẽ được mọi người đồng ý hơn - vì cái ấy vốn đã phổ thông, cái có sẵn từ nghìn đời. Nhưng con thì lại khác, con đi bằng con đường của chính mình, không nô lệ vào lề thói cũ, đầy sáng tạo. Con có hình ảnh và ngôn ngữ của riêng con. Nhưng con ơi, có một điều chắc chắn là trình độ giác ngộ của cha, đến đâu, cha biết - còn trình độ giác ngộ của con, đến đâu, cha không biết. Mọi tìm kiếm của con đều mới lạ, hấp dẫn và lôi cuốn cha.  Còn cha ư? Cha lần mò theo con đường cũ,

con đường không sáng tạo, con đường mang vẻ đẹp đã phế tàn, thành quách lâu đài đều cũ kỹ, rêu phong, những bức tượng  phủ đầy bụi, những cánh cửa sắt lâu đời  đã rỉ sét. Có  còn  một  hơi thở, một sự sống nào ở đấy không? Đôi  khi cha  tự hỏi lẩn thẩn như vậy. Hay đây là một bảo tàng viện, dấu tích vàng son của một thời đại chỉ còn cái gì là vô danh như tên gọi của nó trong lịch sử? Đấng Bràhman ư? Ngài ở đâu, mà nơi đây chỉ còn treo cái giá áo và vương miện của ngài:

“Tại ba phần ấy, một phần ngài ngự.

Ơ nơi phần chót, ba phần là của Bràhman

Để thực nghiệm cái có và cái không

Ngài có hai bản tính”

Phải. Ngài có hai bản tính.

Con ơi! Cái gì vậy? Đây có phải là mật thư cho những ai đi đến kho tàng, là chìa khóa mở cánh cửa sắt? Con ạ! Cha cũng đã bỏ công khá lâu để đi tìm mật nghĩa ấy. Con đường này cha đã không có cách gì vượt qua, kiếm tìm, khám phá. Con đường hầu như ai cũng biết, cũng đều tin chắc là sẽ đến đất hứa, nhưng rồi hình như lại lạc cả vào vùng đất trích. Người ta có quyền hoài nghi như vậy lắm chứ? Vì ai cũng có thể có thẩm quyền - mà đồng thời - chẳng ai có đủ thẩm quyền cả. Còn thế giới của con, con đường của con, biết đâu là con đường tắt? Con đường với chức năng và thẩm quyền của kẻ sáng tạo? Sao vậy? Con đừng làm cho cha thất vọng, con đường của con vẫn hứa hẹn có nhiều ánh sáng chứ?

Thiếu niên anh tuấn lắc đầu, giọng buồn bã:       

- Theo  truyền thống Vệ-đà thì có  ba con đường thật. Con đường hành động, con đường chiêm ngưỡng thờ phượng và con đường trầm tư và thiền định. Các nhà luận giải càng ngày càng chia ngõ chia ngách và làm cho con đường trở thành mờ mịt và rắc rối thêm. Như cha biết đó, con có một người bạn - là Thiếu Quang - y là một nhà luận giải cấp tiến, uyên thâm Vệ-đà và thông bác nhiều giáo lý khác ngoài truyền thông. Y là kẻ đầy lòng mạo hiểm, y hoài nghi cả những luận giải của cả những bậc được coi là trí tuệ nhất. Và hầu như y đã phá bỏ tất cả mọi con đường. Rồi khám phá một con đường mới lạ hẳn. Nhưng y mới phát quang một đoạn đường rồi lại bối rối trước con lộ mà y mới khám phá ra: một con đường hẹp. Con đường này hoang liêu và cô tịch quá, lại là con đường dốc ngược, duy nhất một người lên. Y cứ đứng ở đấy mãi, phân vân bất quyết - vì trước mặt y chẳng hứa hẹn một bình nguyên nào cả: đấy là hướng Tây, hướng của mặt trời khô bỏng, của sa mạc. Đến đây là tự hủy chính mình. Mà giải thoát có phải là tự hủy chính mình. Mà giải thoát có phải là tự hủy? Tự hủy bản ngã với ý nghĩa siêu hình? Y không biết. Con không biết. Không có ai trả lời! Mà duy chỉ có lộ trình đó: lộ trình vô dục. Còn tất cả con đường đều là con đẻ của màyà thôi!

Cha ơi! Y bảo rằng, các nhà luận  giải đang  múa may trên  mép rìa  của thực tại, đang bò quanh miệng chén mà không biết trung tâm điểm là đâu. Làm gì có con đường hành động? Có nhận thức rồi mới có hành động chứ? Hay ý kinh bảo rằng, nhận thức chính là hành động? Có thể y là đồ đệ của Brentano bên kia trời Tây khi cho rằng, ý-hướng-tính là thuộc tính của ý thức nhằm tác động đến đối tượng! Nhưng sau đó y lại hỏi ngược lại thầy: nếu không có các đối tượng ngoại giới thì ý-hướng-tính do đâu tồn tại? Nói đúng ra, y thường lý luận ngược xuôi, sử dụng các triết thuyết, các tư tưởng như tay ảo thuật dùng làm phương tiện đối đãi với nhau – chứ y là kẻ phá hoại. Phá hoại toàn triệt. Y còn nói rằng, con đường hành động của ta và duy thực, duy nghiệm của bọn quỷ trắng có gì khác nhau? Mà nói đến duy thực, duy nghiệm thì quả là ngây thơ làm sao khi hiểu rõ pháp giới là cả một vận hành tương quan? Ấy, đấy, bây giờ, khi bảo vậy là y đã lôi Husserl ra để đối chứng với Brentano: “mọi công trình khảo cứu của tôi, đều được hướng dẫn bởi trọng trách xây dựng một cách hệ thống tính cách tiên thiên của mối tương giao này".

Cha ơi! Nếu nói theo ngôn ngữ của Đông phương ta, thì đấy là sự tương giao giữa tâm và vật, theo Phật giáo là lý duyên khởi vậy. Như thế, duy vật luận (duy thực, duy nghiệm) đã nói lên cái ấu trĩ của mình, mà duy-tâm-luận cũng  ngu ngốc  không kém:  cả hai đều chưa hiểu  mối  tương  quan  trùng trùng của vạn hữu. Kẻ nào “duy-hành-động” thì  kẻ đó chưa bước ra khỏi thế giới vật thể, còn lông lá và chưa có nhân tính. Còn con đường chiêm ngưỡng thờ phượng? Từ một tâm thức yếu đuối, y nương tựa vào những hình ảnh phù du bên ngoài. Phân tích kỹ thì tuy ý-hướng-tính của y nhắm đến các đối tượng bên ngoài, nhưng thật ra là để huân tập, làm vững mạnh đối tượng ấy ở bên trong y. Nhưng vững mạnh là vững mạnh cái gì? Vững mạnh một đấng, một ngài, một cảnh, một cõi? Tâm y tưởng tượng hoặc tạo ra một hình ảnh, và y lấy hình ảnh đó để tôn thờ! Đấy, y làm cái gì vậy? Thái độ ám thị này chưa phải là lối giải quyết trường cửa của kẻ trí. Y bảo vậy. Cuối cùng, chỉ còn con đường trầm tư và thiền định. Trầm tư và thiền định không phải là tìm kiếm kinh nghiệm hoặc hiểu biết. Kinh nghiệm và hiểu biết chỉ nhằm tô bồi và tích lũy bản ngã. Vả chăng, kinh nghiệm và hiểu biết là cái “có sẵn” trong y, chứ không phải là cái mới lạ đầy trẻ trung của sự sống? Vả chăng, tất cả chúng chỉ là hiện tượng sinh diệt bọt bèo? Nếu hiểu trầm tư và thiền định là nhằm phá vỡ cái lớp bản ngã thâm sâu, thiêu hủy các giả tướng vay mượn của cuộc đời - đốt cháy ý thức thường nghiệm - để cho cái-tôi-siêu-thế, cái chân ngã lộ diện nguyên hình - thì may ra không phản bội truyền thống tâm linh tuệ giác Ấn Độ. Chính Husserl bên kia trời  Tây  cũng  bảo  con người trở về với “ý-thức-siêu-nghiệm”, thì  đã  hẳn  biết  bỏ  vật,  bỏ tâm, bỏ những biểu tượng, ký hiệu để thâm đạt yếu tính của thực tại. Có thể con đường giảm trừ hiện tượng học của y không nói lên một thẩm quyền nào về trực giác - sự lãnh hội không do ý thức thường nghiệm – nhưng cũng nói lên được điều này: mọi chân trời tư tưởng đều có thể gặp nhau. Khác chăng là cái thực chứng và không thực chứng, trí thức và tâm linh, lý luận và thể nghiệm vô ngôn. Cho hay, trí thức có thể với tới những bến bờ ngoài khả năng của y. Đôi khi nó lại có thể hiểu bằng trực giác nữa nhưng không đủ thẩm quyền về những trực giác ấy. Các nhà thuần túy tâm linh học họ xây dựng cơ sở từ bến bờ này - chỗ mất tích, vô tăm bất lực của lý trí - và họ gọi là tôn giáo, đạo học. Những điều mà triết học khoanh tay thì tôn giáo và đạo học giải thích, nói ra, “như-thị-thuyết”.

Cha ơi! Nền văn minh tâm linh cao cả của Vệ-đà bây giờ đã sa đọa thành một triết học, một triết lý. Người ta đang bàn cãi với nhau, tranh cãi với nhau: hành động này vị tha, hành động kia vị kỷ, cách chiêm ngưỡng này có phước báo lớn, có công năng lớn, có lợi ích  lớn  hơn  cách chiêm ngưỡng thờ phượng kia… Tất cả những lý luận của họ xem ra hợp lý dường bao - nhưng quả thật - không nói lên được, không phát quang  được cái  trực giác  thâm sâu,  cái tồn  tại vinh quang và  giềng  mối cho mọi sinh hoạt, mọi hiện hữu: Tuệ giác  và chân ngã. Chẳng  có  tiêu chuẩn bản căn

và phổ biến cho toàn thể thế gian - hẳn thế - nhưng mà các tông phái con đẻ của Vệ-đà họ đưa ra từng tiêu chuẩn, từng giá trị, từng con đường mà không biết rằng: con đường, tiêu chuẩn, giá trị là những cái nhằm hủy diệt nhau! Đây cũng là giai đoạn của thời-cơ-chủ-nghĩa xuất hiện, tạo thành những bức bình phong, nhãn hiệu trá ngụy để khuynh loát và tranh giành ảnh hưởng. Ở Ấn Độ này tệ lắm cũng có vài triệu vị thần. Và thế là dĩ nhiên, có thần của tôi hơn thần của anh. Thần này cho tài, thần này cho lộc, thần kia cho phước, thần nọ cho thọ. Ôi! Sao mà rối rắm vậy? Đạo là nâng trần gian lên, lôi con người lên - mà con người thì lôi đạo xuống để phục vụ cho những mục đích đê hèn và vị kỷ của họ!

Phải chăng, từ tất cả những dữ kiện đó, từ tất cả mọi sinh hoạt mênh mang đó, tất cả mọi con đường đó… cuối cùng, đều do tâm? Tâm là chủ? Tâm tạo tác? Vậy cái Tâm ấy mới là cái bản căn chứ? Mới là cái cốt tủy chứ? Cứ chạy theo nhánh, theo ngọn mà bỏ quên gốc, không biết quay đầu trở lại, quay về nguồn, trở về chính mình. Trở về chính minh, trở về tâm. Thưa cha, nhà luận giải Vệ-đà cấp tiến nọ đã có công chặt đứt tất cả những ngành ngọn để đem về một gốc tâm duy nhất. Nhưng  than  ôi,  thưa cha! Cuối cùng, y là kẻ còn tâm chứ không còn cảnh!

Thế là thế nào? Còn Tâm không còn Cảnh! Té ra bây giờ ta mới thấy rõ, loay hoay cho lắm thì y cũng chưa bước ra khỏi cái duy-tâm-luận hoặc là bình diện thứ hai của thức giác trong Áo-nghĩa-thư. Làm thế nào để bước qua giai đoạn thứ ba, để rồi bước vào thức giác thứ tư là cái vô nhị và an tĩnh đời đời?

Thưa cha! Trọn bộ thánh kinh Vệ-đà không nói con đường cho chúng ta đi, thảng hoặc có nói đến con đường nhưng không nói cách đi như thế nào. Nhưng nói đến con đường tất lại rơi vào nhị nguyên thuyết, tranh luận – đọa vào duy vật, duy tâm, duy danh, duy thực, duy nghiệm… Đây là một cái gì bất khả, là một cái gì đổ vỡ, một cái gì thất bại, một cái gì bất toàn!

Thiếu niên anh tuấn nói xong, người cha trầm mặc rất lâu. Thời gian ngưng lại. Mảnh trăng sơ huyền lơ lửng trên cao, giữa bầu trời xanh thẳm. Một cái gì rất cao, rất xa không thể với tới, không bao giờ với tới! Gió thổi hiu hiu nhè nhẹ khua gợn lăn tăn, xào xạc, xào xạc đâu đó trong không gian, rồi chìm mất. Đêm lại yên tĩnh, dịu dàng, mênh mông, rất cao và rất xa…!




ĐI VÀO HUYỀN NGHĨA

Họ đều là kẻ lên đường, đang lên đường, lão nghệ sĩ, lão trang chủ, thiếu niên anh tuấn và Quái-đầu-đà. Nhưng họ có thẩm quyền nào về tâm linh, hay chỉ là những kẻ đang lần mò quờ quạng trên lối về tự tánh? Đều có trải qua hoang mang, nghi ngờ, bế tắc, an lạc hoặc khổ đau?

Triết Hựu mơ màng nghĩ ngợi. Trong thời gian quen biết với Quái-đầu-đà, cả hai đã từng bàn cãi với nhau rất nhiều vấn đề. Tình thân êm đềm có đến với họ, nhưng lộ trình đi lên lại càng mù mịt! Câu chuyện về tòa trang viện, về thanh gươm, về sự bất toàn, về chiếc hộp - mà Quái-đầu-đà cho biết bên trong chỉ là một bình trà cổ - đã đưa chàng đến những biên giới mông lung hơn, ảo dị hơn. Chàng cũng mơ hồ rằng là, có thể có nhiều  con đường thật, có nhiều phương diện và có nhiều góc cạnh khác nhau của chiếc vạn hoa kính duy nhất thật - nhưng từ nơi ấy chàng thấy gì? Lý trí, luận lý và sự loay hoay! Gã thiếu-niên-anh-tuấn-tịch-mịch trong  câu  chuyện dù là lão nghệ sĩ tái sanh đi nữa - đúng như lời y kể - thì có giúp cho chàng một ánh sáng nào về sự giải thoát - hay là cả một cái gì quẩn quanh và bi tráng dường bao! Tất cả đều có thật, nhưng những sự thật ấy chỉ giúp thêm dữ kiện cho sự thật này nổi bật thêm lên: sự khổ đau, trống rỗng và tịch mịch của đời sống! Vĩnh cửu và chân phúc ư? Nó vẫn ở đâu đó, trên mây, trong đám sương vàng huyền hoặc; đâu đó, bãng lãng trên lớp khói mù của sông nước chiều hôm; chờn vờn trên ý thức, lãng vãng trong tâm niệm; dấu mặt đâu đó sau cái tà huy và hoàng hôn của cuộc lữ. Khó thay! Khó thay!

Triết Hựu lại thở dài. Biết bao nhiêu lần rồi chàng đã thở dài, sau lần chứng ngộ “nhất thể” ấy! Quái-đầu-đà đã phá vỡ lớp vỏ an toàn của chàng, đã đưa chàng về với cái hoang mang và hỗn loạn đầu đời.

          - Không vong ngã thì cũng là đại ngã thôi, lão đệ! Không là cái tôi-vong-tính thì cũng là cái tôi-tuyệt-đối thôi, bạn lành! Tâm thức giải thoát là phải từ nơi cái ý thức thường nghiệm này, thường hằng tiếp xúc với ngoại giới mà nó vẫn an lạc và vô nhiễm! Y bảo thế. Nhưng y đã là kẻ chứng nghiệm chưa hay rốt lại chỉ là  nhà luận giải? Chàng hoài nghi quá. Quả thật, họ và chàng đã gặp gỡ nhau ở rất nhiều điểm về kiến giải, suy tư và thiền định. Nhưng nhiều điểm cũng chưa thể nói lên một cái gì chung quyết vì trong chân lý “đa  số  không  tuyệt  đối”! Nhà kiến trúc cũng đến được bến bờ, nhà  thơ cũng  đến được bến bờ, nhà họa sĩ cũng đến được bến bờ – điều đó không sai - nhưng đâu mới thật là bến bờ? Hay bến bờ của người này không phải là bến bờ của người kia?

Lão nghệ sĩ đã lặn lội một đời khá dài trên đường tìm kiếm, tốn khá nhiều sinh lực và tế bào não - rồi cũng chết đứng nơi chỗ “tựu thành” cuối cùng của y. Thế giới đều đi đến chỗ hoàn tất - hoàn tất là sự chết - thế mà lão lại cố buông bỏ cái tâm niệm đeo níu còn lúc nhúc không chịu lặng yên. Nhưng an nghỉ vĩnh viễn theo nghĩa ấy thì có khác gì hư vô? Sự tái sanh, do cường độ năng lực của các tư tưởng - dù lão nghệ sĩ có thể biết được bằng khả năng nào đó của mình - thì lão cũng không thể nào chấm dứt được tâm niệm đeo níu. Lão không thể nào kiểm soát được cái vùng vô thức thâm sâu hằng diễn và bất tức. Và như vậy, mọi nỗ lực của lão, hữu hạn và vô hạn, đạo và đọa tính, hoàn toàn và bất toàn - là một cái gì dường như vô ích và phù phiếm. Một lối chơi của bọn trí thức trưởng giả, khoe khoang và hợm hĩnh làm sao? Một công trình thành tựu cái bất toàn như một thách thức với Thượng đế, một sự vươn vọt vào thế giới bình lặng như chân. Một khước từ hữu hạn để lao thẳng đời mình vào một bến bờ được sự tưởng tượng cao đại và phong phú của trí năng. May mắn thay, lão hỏng chân  vì  cái  tâm  thức  giải thoát, lão lại với được đầu mối  tái  sanh. Và  gã thiếu  niên lại  tiếp  tục bước tới những bến bờ mà lão đã có công sáng tạo từ kiếp trước. Gã thiếu niên từ chối kiến trúc và bút họa vì nó không phô diễn được tình-cảm-động của pháp giới. Các tâm niệm vẽ vời của gã xem chừng cũng mông lung, mờ mịt và bất thực xiết bao - nhưng bản căn của trí tuệ xem chừng gã đã trưởng thành, biết dung nhiếp hài hòa hai trạng thái động tịnh của vạn hữu! Cái tư duy của gã cũng đi đến bờ vực như ta vậy. Chưa ai bước ra khỏi được thế giới ý nghĩa, biểu tượng hoặc tượng trưng - dù lý trí biết. Chàng đã nói rõ điều ấy với Quái-đầu-đà thì y bảo rằng:

- Vậy thì lão đệ cũng muốn dùng ý nghĩa để vượt qua ý nghĩa. Trùng phức làm sao. Phải là một “hành động tâm linh” mới với tới được cái nền tảng.

- Lão huynh muốn khai dẫn điều gì?

- Cái thấy.

- Cái thấy chính là hành động tâm linh ư?

- Phải. Cái thấy giải quyết trọn vẹn mọi vấn đề. Cái thấy đảo hoán tận căn mọi sai lầm, chấp thủ cũng như ngu xuẩn của chúng ta. Hình thức biểu tượng, ý nghĩa  thì  hãy để  dành  cho các  nhà  kiến  trúc, triết gia… và cuộc đời.

- Cảm ân lão huynh đã chỉ giáo. Nhưng “cái thấy” có như thực chuyển hóa được cá nhân và xã hội? Có thay đổi được tận bản căn những nhiễm ô của chúng ta không?

Khi hỏi như vậy, Triết Hựu đã rùng mình nhớ lại sự sa đọa của chàng. Các pháp diệt nhưng không diệt. Nó vẫn hiện hữu ở đây, đâu đó phía bên trong vô thức, duyên cảnh, nó sẽ hiện hành ngay - đầy đủ bóng dáng, kích thước, màu sắc, âm thanh…

- “Cái thấy” mỗi người mỗi khác. “Cái thấy” thường bị che lấp bởi kiến thức, thói quen, kinh nghiệm riêng tư của mỗi người. Vứt bỏ toàn triệt mọi riêng tư, chủ quan - ta sẽ đạt cái "thấy khách quan". Và cái thấy-khách-quan ấy được gọi là “cái-thấy-vô-nhiễm”, “cái-thấy-trung-thực”, cái thấy-viên-giác”.

Triết Hựu lại thở dài. Chẳng có gì mới lạ cả trong cái mớ chữ nghĩa ấy. Tất cả mọi nỗ lực tư duy của nhân loại hầu như chỉ để nói lên cái bế tắc của hữu hạn, cái cùng đường của hữu hạn, sự bi đát của hữu hạn. Đi vòng quanh hoặc là đến bờ vực rồi đứng đấy. Ở đấy. Nhiễm ô, tục lụy, tội lỗi vẫn đầy ứ bên trong, chật cứng bên trong -  không có cái thấy siêu việt nào có khả năng đem chúng ra hết. Một vài trạng thái nào đó của thiền định, một vài ánh sáng nào đó của  tâm thức, lóe lên - rồi người  ta rêu rao  với nhau là đạt cái này, đắc cái nọ, chứng nghiệm cái này, chứng nghiệm cái kia - nhưng khi trở về với thức thường nghiệm, con người vẫn là cái gì bất an và đau khổ.

Buổi chiều  hôm đó, chàng kiếm một tảng đá và dựng thẳng lưng như một bức tường. Đây là lần cuối cùng, chàng nghĩ, phải thấu suốt tự ngã hoặc làm chủ tự ngã, không có thể kéo thêm dài ngày một cách vô ích nữa. Nếu không thành công, chàng sẽ từ bỏ nó như từ bỏ một đại họa. Đừng nghĩ đến cái ăn cái uống nữa, sinh tử đang thúc hối bên lưng. Đây là lần cuối cùng, phải nỗ lực để đẩy tư duy đến bến bờ của nó. Không lẽ lý thuyết Vệ-đà chỉ đưa ta đến đó: Hòa đồng với đại-ngã-vũ-trụ? Hòa đồng với đại ngã là để cho cái tôi, cái tiểu ngã mất tích vào một đại dương lớn, rồi tôi sẽ không còn tôi? Chàng đã chứng nghiệm điều này, giây phút ấy không còn xung đột thật, nhưng nó vẫn là cái phù du, thoáng mất. Sau trạng thái ấy, pháp vẫn lôi cuốn chàng đi nếu sự tỉnh giác không đủ chín muồi để tạo một lực tự phát. Hay là chàng phải gạn lọc mọi nhơ bợn, như một mặt nước lắng trong? Khi lắng trong sẽ thấy rõ suốt tự ngã? Cái thấy làm sao thay đổi tận bản căn được? Chàng đã thấy quá nhiều rồi. Và cũng có lúc chàng đã thấy với tâm vô nhiễm. Nhưng chuyện đó hiếm hoi làm sao. Như một khoảng xanh  họa hiếm  trên bầu  trời mùa đông. Như vài giọt nắng họa hiếm dưới đám rừng dày. Sự an lành nhỏ nhoi quá giữa đời sống này, trong tâm thức chàng. Bầu trời mùa xuân vẫn như vậy và mặt trời vẫn huy hoàng và lồng lộng ở trên cao...

Triết Hựu xả thiền khi mặt trời đã gác chân núi. Nội tâm đã yên lặng, dịu dàng. Chàng đi kinh hành dọc theo con đường nhỏ nhìn hoàng hôn bắt đầu sẫm màu trên vạn vật. Ừ! Cứ thế, tâm ta hình như đang lắng lại, những cáu bợn đã ngủ yên. Dòng tâm ta trôi chảy nhẹ nhàng và thanh lặng làm sao. Nếu chàng không hiểu trước thì chàng sẽ tưởng là đang hòa đồng với đại ngã vũ trụ. Ồ! Không phải vậy đâu. Chàng đã lầm lẫn tai hại. Nó chỉ là sự trôi chảy bình lặng của con sông khi chưa qua ghềnh, xuống thác. Nó sẽ reo ca, nó sẽ giận dữ, nó sẽ trải mình đầy dục tính giữa đại dương để giao hoan với mặt trời. Tâm chàng đó. Tự ngã của chàng đó. Nhưng không. Hãy ở yên. Hãy ở yên như vậy.

Với tâm bình lặng, Triết Hựu đi mãi. Một cơn gió mạnh lùa qua làm rơi xào xạc những chiếc lá. Vạn vật như huyền vơi đêm, một màu nhờ nhợ. Tâm chàng ngay giây phút này nó cũng huyền như vậy, không rõ nét. Hãy bỏ tất cả tư duy và chỉ bước, nhìn và lắng nghe. Ồ! Đừng khởi lên vấn đề gì cả. Không có vấn đề gì cả. Nội tâm vốn không có vấn đề, các pháp vốn không có vấn đề: nó duyên sanh rồi diệt. Ồ! Hãy để yên. Đừng hỏi. Đừng trả lời. Chỉ bước, nhìn và lắng nghe.

Mặt trăng ló ra khỏi cụm mây trắng. Có tiếng động  lạ   sạt  về  phía  trái  con đường, một cánh chim tung cánh lên cao và chùm cây lay động… rồi hai bóng người hớt hải bỏ chạy. Ồ! Và chàng sững sờ, kinh ngạc. Đứng lặng: Vì đấy rõ ràng là Quái-đầu-đà và một cô gái!

Chàng đứng lặng như vậy rất lâu.

Đến khuya, Triết Hựu mới về đến am. Chàng cẩn thận trải tấm tọa cụ rồi ngồi thẳng lưng, tham thiền trở lại. Một chốc, chàng lại mở mắt ra. Đứng dậy. Đi kinh hành một chốc rồi quay vào. Chàng không ngồi yên được. Tại sao vậy? Có chuyện gì vậy? Sau cuộc đi dạo chàng thấy gì mà lại bức rức, xốn xang, đăm chiêu và tư lự như vậy?

Không thể như thế được, chàng tự nghĩ. Y là kẻ lên đường, một con người từ bỏ sản nghiệp và vợ con! Rồi cuối cùng lại trở về với cái ấy? Làm sao chàng quên câu chuyện đó được, câu chuyện kể về một nhà luận giải Vệ-đà cấp tiến, một chàng thanh niên đầy dũng khí, kẻ dám thử thách với hư vô, đấu chiến với Sinh Tử, lại sẩy chân và sa đọa một cách đê tiện như vậy!

         - Ồ! Bạn thấy không? Tất cả mọi người đều từ chối định mệnh  của mình.  Nhưng  kẻ  cưu mang định mệnh mới là kẻ từ chối định mệnh một cách khẳng liệt nhất. Không có gánh nặng nào trên vai y. Bạn thấy đó. Tất cả đều là nụ cười và sự bình yên. Nước mắt ư? Đấy là những hạt ngọc long lanh của cuộc đời. Là vẻ đẹp của một chuyện tình. Đấy là vẻ đẹp xót xa và vẻ đẹp tàn úa của ngọn lá vàng trên cây xanh. Vẻ đẹp! Ồ! Bạn ơi! Sự bất toàn, thanh gươm và đức thần hủy diệt. Thiên thu ở đấy. Đáng kính và đáng yêu xiết bao. Thế mà tôi đã từ giã nó, từ bỏ mái nhà, đồng nội để về đây làm một người rừng. Tôi là một kẻ vô luân.

- Một kẻ vô luân? Huynh đài hãy cẩn thận về danh từ. Kẻ quá khinh xuất về ngôn ngữ, không cân lường được giá trị, thể tính của ngôn ngữ thì y là một kẻ vô luân đích thị. Nhưng kẻ từ bỏ mái nhà và đồng nội không phải là vô luân. Là một cái gì cao vời và miên viễn.

- Cao vời và miên viễn ư? Nói dóc! Cao vời và miên viễn chính là đời sống này. Cái bình thường tâm với mọi tương quan. Bạn đừng lý luận với tôi. Bạn là đứa trẻ con. Tôi đã dẫm lên những thánh tích tâm linh, đền đài, núi, biển, tế bào não, tuổi tác và chữ nghĩa. Tôi đã đi đến chỗ cuối cùng ấy. Và chỗ cuối ấy là hư vô. Tôi đã gặp hư vô, dốc cao, sa mạc và mặt trời cháy lửa. Bạn thử tưởng tượng đi, bạn sẽ bị đốt cháy thành than. Ở đấy. Bạn sẽ bị nuốt chửng. Bạn sẽ bị cuốn  lốc  vào lòng  đại dương  sâu.  Bạn sẽ  bị biến mình thành hư không. Bị chẻ vụn ra bởi lưỡi búa của đức thần hủy diệt. Ồ! Cánh cửa thật hẹp và đỉnh cao ấy, chỉ có giá trị khơi mở một vấn đề, một cánh cửa tự do cho tâm thức. Bạn sẽ đến đấy, đúng, nhưng đấy là ở đây, tại thế gian này! Nói đúng hơn, văn vẻ hơn, quê hương ở chính trong viễn mộng. Điều này để dành phần thưởng cho những hiện sinh can đảm và vô biên liều lĩnh dám rơi tỏm đời mình, tính mệnh mình vào dòng nước xoáy, tung mình giữa khoảng không lồng lộng. Định mệnh thắt buột ta ở mỗi lần mở mắt, chỉ có vậy mới mong bước ra! Đừng bước ra ngoài trái đất. Nên nhớ. Nên nhớ. Đừng bước ra ngoài trái đất! Nên nhớ. Nên nhớ!

- Huynh đài hình như đã phủ nhận trọn vẹn cuộc đời “hành hương tâm linh” của mình, đã dừng lại, đã thất bại hay là đã thỏa hiệp với màyà. Cái đó tùy. Nhưng tôi là kẻ còn ra đi và còn tìm kiếm. Thất bại hoặc thỏa hiệp không có trong tôi. Tôi phải đến đất Hứa dù biết rằng mình sẽ bị cháy thành than…

- Ra đi và tìm kiếm? Hẳn ai không là thế? Tôi vẫn ra đi và tìm kiếm. Nhưng tôi không còn đi tới nữa. Tôi đi lui. Nhưng tôi không đi bằng tư duy và suy tưởng. Trong bước đi của tôi có hơi thở, máu xương, nước mắt và cả ma quỷ. Còn trong bước đi của bạn có mặt trăng, sương mù, hư vô, thánh thần và tế bào não. Ồ! Bạn sẽ ra ngoài trái đất,  người em  tội nghiệp của tôi?

- Cảm ân huynh đài đã chỉ giáo. Nhưng đấy chỉ là cái thấy của một người. “Cái thấy riêng tư”.

- A ha ha! Hay!  Thật là “gậy  ông đập lưng ông”.

Được lắm. Này nhé! Cái lối đi ra ngoài trái đất ấy cũng cần thiết lắm. Ồ! Thật là ta không thể nào tưởng tượng được sự hỗn loạn và chật chội khi con người không nhìn ra ngoài trái đất. Ồ! Quả đất sẽ ra sao nếu chẳng có cái hư không nâng đỡ y? Thế giới sẽ như thế nào nếu toàn là ma quỷ? Núi non, sông suối sẽ như thế nào nếu không có gió mưa, cỏ cây và sương mù? Và tâm hồn ta sẽ thế nào nếu không có: “Lung linh nguyệt chiếu đầy sao, mộng mơ hé cửa trần lao mỉm cười”? Cần thiết, cần thiết tất. Nhưng mà, “xin chàng lãng tử vào chơi, đêm nay thu lạnh, đất trời nên duyên!”

Cái trí thì chỉ để mà nương tựa, còn cái tình là để mà sống. Tất cả kinh điển mười phương phải được biến thành những hạt mưa nhỏ long lanh trên mái tóc nhỏ yêu kiều của mùa xuân. Ồ! Thơ, hoa lá, chim, sương khói, mây trời, tư tưởng phải kết dệt thành những thể tính bãng lãng chắp đôi cánh tôi bay lang thang hí du ba ngàn cõi. Ồ! Và bạn ơi! Vậy là hết câu hỏi, hết tư duy, hết ngôn ngữ. Bây giờ tôi chỉ cần sống. Và sống là tình, là thơ, là thiên thu, là chí mỹ. Dĩ nhiên cả chí thiện nữa.

- Huynh đài  không còn  cả sư  buông  thả ngông cuồng cho tự ngã ư?

- Ồ! Đừng nói xóc! Người em ôi! Tôi thương người em lắm. Tự ngã ư? Quý giá gì nó? Một con bọ hung cũng có tự ngã  vậy. Đại ngã ư? Một con bọ chét

cũng có đại ngã vậy. Atman? Bràhman? Tiếng “Om” linh thánh? Cái đó không phải nằm trên mây, không phải ở trong những ngôi đền quanh năm trầm hương nhang khói. Mà nó ở đây, ở trong dòng đời tục lụy nầy. Bạn phải bơi vào đấy để học tự ngã.

- Đừng điên. Đừng lý luận thân xác như thế. Rồi huynh đài sẽ khổ đau.

- Ai khổ đau? Hả? Ai khổ đau đã chứ? Vả chăng, tự do và đau khổ là một vận hành biện chứng? Nô lệ và hạnh phúc là một vận hành biện chứng thứ hai?

Bạn muốn gì? Tự do? Nô lệ? Hạnh phúc hay đau khổ?

- Có ai lại đi tìm nô lệ và đau khổ bao giờ?

- Ôi! Thật là ngu si làm sao. Ngu si không thể tưởng tượng được. Tự do và hạnh phúc không thể đứng bên nhau. Kẻ nào muốn tự do thì phải kham nhẫn cả triệu mùa hỏa ngục, phải chất nặng cả hằng vạn núi lửa trên vai. Bạn là một hiện sinh tự do ư? Thì bạn cứ kiếm tìm, cứ lên đường, tôn sùng cái tôi tối thượng, cái tôi vô biên, cái tôi tuyệt đối - và bạn phải cắn răng bịt mũi hứng chịu mười sáu ngàn quả trứng thối của thế gian. Được chưa? Hãy là tự do đi! Còn hạnh phúc ư?  Muốn  hạnh  phúc  thì  cũng  phải còng lưng lại, cúi đầu xuống. Tự do thì ngửng mặt mà đạp qua than hồng, niềm sỉ nhục - còn hạnh phúc thì phải biết lòn trôn kẻ chợ. Ồ! Không phải sao? Phải biết quỳ gối lạy vợ. Phải  biết nói  lời giả dối nịnh nọt người tình. Ồ, em đẹp lắm tuy rằng em xấu như ma. Ồ! Anh cao thượng quá mặc dù anh là tên đĩ bợm. Thế đó, thế đó. Phải nói ngược lại hết. Phải sống ngu như bò, dơ như heo, giả dối như sếu, gù gù như bồ câu, dâm như dê, lệt đệt như vịt, oác oác như quạ, bươi móc như gà… Còn nữa thôi? Hay là phải còn nhịn bụng cho con no? Phải sống nô lệ trong các quy ước của xã hội. Phải lao tâm, lao lực, đầu tắt mặt tối hầu kiếm đồng tiền vàng cho gia đình thân quyến? Đồng ý chưa? Đấy là hạnh phúc. Và hạnh phúc được định nghĩa là nô lệ vậy. Cũng được định nghĩa là đau khổ vậy. Còn ta ư? Tự do và hạnh phúc đều là cỏ rác. Thượng đế và phạm thể đều là dê và trừu. Ta là kẻ tìm về mình. Tìm về mình và học chính mình.

… Ồ! Có lẽ vậy. Hôm đó, y đã trình bày mọi sự một cách thật rõ ràng nhưng chàng đã vô tâm quên bẵng đó thôi. Y đã phơi mở cả con người y để cho ta thấy sự thật bên trong. Nhưng có lẽ nào? Có lẽ nào một con người với trí tuệ và tâm linh dường ấy lại làm những việc lén lút ám muội? Y đã từng từ bỏ hai người vợ xinh như mộng để đến núi rừng này trong hình thức  người không phải người, dã thú không phải dã thú để hò hẹn với người đàn bà vô danh nào đó trong bụi rậm? Cái dáng hối hả của y và cái dáng luống cuống của người đàn bà – có một cái gì làm cho chàng  ghê  tởm. Y tập  phạm  tội? Phạm tội để làm gì chứ? Để học gì nơi cái phạm tội ấy? Để tìm học chính mình? Chỉ ngụy biện thôi. Chàng không thể nào tha thứ được. Cái đó gọi là học thân xác. Cái đó gọi là học bản năng. Cái đó gọi là học thú vật.

Suốt đêm, Triết Hựu không chợp mắt được. Có quá nhiều hình ảnh lẫn mộng mị lan man đã đến với chàng. Hình ảnh của một người đã đi lên đỉnh núi cao rồi lại phải chúc đầu xuống, rơi vào lòng một chiếc hố đen ngòm, sâu thẳm. Một bóng người đi trên miền gió ngược, tà y phất phới dưới bóng mặt trời hồng, có cái gì hiên ngang và kiêu hãnh quá, rồi chợt sa chân, rồi hút mất, rồi đêm tối đã nuốt chửng y. Ồ! Không phải, y đã gục ngã. Đã nằm ngoan hiền trên chiếc giường thất bảo của nữ vương khoái lạc…! A! Nhưng sao ai rồi cũng như vậy cả? Từ cha, từ mẹ, từ em gái, Vọng Việt, hai người tỳ nữ, hai người con gái giữa đồng? Họ thảy đều là hiện thân của thân xác, nghĩa là bóng tối, địa ngục và tử sinh? Bây giờ là Quái-đầu-đà. Dáng dấp hiên ngang, cường tráng, mặt trời, biển và núi - lịch sử một thời đi khắp miền Trung Ấn vấn đạo, từng cắm những nhánh liễu (tượng trưng sự thách đố) - ở các thị trấn hữu danh có rất nhiều luận sư, chân sư và danh gia. Thế mà… thế mà… y lại gục ngã nơi đây, nơi xó xỉnh hang hốc của một khu rừng, trong vòng tay của một người đàn bà, rồi hối hả, thẹn thùng lủi đi như một tên đạo tặc. Ồ! Thật  là không thể hiểu được! Thật là tồi tệ biết bao nhiêu?

May ra, trước mắt chàng vẫn còn hai người là vẫn còn vẹn tuyền, trinh trắng: Sư phụ và vị sa-môn đầu-đà. Ồ! Mà phải. Đá thì nhiều mà ngọc vốn hiếm. Kẻ trí thì ít mà người  ngu thì nhiều. Cuộc đời này hơi đâu mà vuốt đuôi chó!

Gần sáng, chàng ngủ được một chốc. Ồ không, chàng mê. Chàng bị một cơn ác mộng. Giữa con đường đầy lửa đỏ rực, nóng cháy sém da thịt, chàng hối hả băng mình chạy. Nhưng kinh hãi thay, một con rắn lớn thè lưỡi đỏ hỏn về phía chàng. Khoảng đường hẹp quá và hai bên là vực thẳm. Rắn càng lúc càng lớn và phì phò tiến lại, mùi tanh tưởi xông lên nồng nặc. Không còn ngõ thoát, chàng định quay về lối cũ. Lửa đã cháy xèo xèo tóc râu, y áo và da thịt, nhưng chàng đã cắn răng để dẫm qua những cục than hồng. Nhưng ô kìa, đằng sau cũng có một con rắn lớn tương tự đang nằm khoanh tròn bịt mất cả lối đi. Khiếp đảm quá. Đã tuyệt lộ rồi. Chàng hét to lên một tiếng rồi bất tỉnh. Bất tỉnh trong cơn ngủ là tỉnh lại sau cơn mê. Mùi tanh của rắn và mùi khét của da thịt hình như còn  phảng phất  đâu đây.  Trái tim  đang còn đập bồi hồi. Vừng trán hâm hấp nóng. Có lẽ chàng đã bị cảm. Đã hai ngày rồi chàng không ăn gì. Giấc ác mộng kinh hoàng quá. Chàng là kẻ đã cùng đường. Mọi cánh cửa  đều  đã  bị chắn lại. Tri ngã. Tri ngã. Chàng chẳng thể tri ngã được nữa rồi. Bây giờ chàng không còn biết gì nữa hết. Không thấy gì nữa hết. Tối om. Vĩnh viễn không còn biết đâu là đến, đâu là đi. Định mệnh săn đuổi sau lưng, niềm bất an sừng sững ở hiện tại và hư vô nghìn nghịt ở đằng trước. Địa ngục nào đây mà chàng đang bị vây tròng? Đâu là cõi miền tịch lặng chân phúc linh thánh? Tự do và đau khổ là một vận hành biện chứng. Ồ! Không phải y đã từng nói như vậy rồi sao? Tự do tâm linh là sự cứu chuộc và đóng đinh trên cây thập tự giá của Christ. Phải mang vác thập tự giá và ra đi hành hương qua hết mọi bến miền biên cõi của đất trích. Cô đơn, bão, vực, lửa, máu, nước mắt, nỗi buồn và hoàng hôn. Biết đâu phải sinh thực cả rễ cây, củ rừng, niềm đau và dã thú? Thế gian đều là bọn ma quỉ ở chung lộn với những tên ác hạnh cùng kẻ phạm tội. Chúng đều là thân quyến với nhau. Muốn làm bậc linh thánh thì ta phải hứng chịu mười sáu ngàn quả trứng thối, vác cả trần gian này lên vai để đi qua sa mạc. Dám lắm. Dám lắm. Ồ! Chết còn sướng hơn là phải đầu hàng, bại trận một cách nhục nhã, vô liêm khiết. Nhưng mà chàng còn có một niềm tin, một hơi sức, một nhịp đập của con tim để lên đường nữa không, hay những chiếc xương sườn của ta đã bắt đầu phế mục?

Triết Hựu ngồi bật dậy, cố đứng thẳng, nhưng rồi lại  ngã vật  xuống.  Tứ chi  mỏi rời, xương cốt kêu răng rắc. Đầu óc choáng váng, tai lùng bùng. Mọi vật quay cuồng trước mặt. Thầy ôi! Sư phụ ôi! Sao bây giờ con cô đơn quá, con yếu đuối quá. “Hãy kham nhẫn, hãy kham nhẫn”, con sư tử trong chàng bấy lâu ngủ yên bây giờ chợt gọi lên nho nhỏ. Gọi một tiếng rồi cũng đi đâu mất, bỏ chàng trơ trọi một mình với nỗi buồn khổ vô hạn. Chàng thấy mình trôi nổi đảo lộn giữa màu vàng, sền sệt bùn và máu. Chàng như mê đi, mê đi. Hình ảnh cha, hình ảnh mẹ, hình ảnh em gái lại xuất hiện dịu dàng bên chàng. Ồ! Họ xuất hiện dịu dàng làm sao! Một cánh tay nâng đầu chàng dậy. Cánh tay của người tình hoang, của em gái hay mẹ? Và còn đôi mắt nữa. Đôi mắt bao la, ngọt ngào và ủi an biết mấy. Mẹ ơi, mẹ! Và chàng thấy mình biến thành trẻ thơ trong lòng chiếc nôi nhỏ. Người cha lại xuất hiện, gương mặt nghiêm khắc lạnh lùng. Rồi tất cả  mọi người đi cầu kinh, chàng nằm yên lặng hít mùi hương và trầm, bơi lội thoải mái trong chiếc chăn bông ấm cúng. Căn nhà của mẹ và của cha thanh bình và êm ả quá, có cả ngọn khói chiều, bánh kẹo cùng quà xuân xanh đỏ. Một ngày xuân có mưa từng sợi nhỏ li ti,  em gái chàng từ Ba-la-nại về khoe với chàng cái y khăn quàng mới thêu kim tuyến, có vị thần ngọc nữ óng ánh chiếc vương miện màu vàng ròng! Ồ! Sao yêu kiều và hoan lạc quá. Mẹ ơi mẹ! Con khát nước. Chàng  được  uống  nước rồi  sau đó, uống sữa và cơm đề hồ. Rồi mẹ chàng ca cho chàng nghe khúc ca chiến thắng của thần Krishna trong hiện thân lão đánh xe cho vị vua trẻ ngoài chiến trận. Tiếng ca mỗi lúc một thấp xuống, không còn rõ lời mà chỉ thoang thoảng những âm thanh ngọt ngào quyến rũ. Âm thanh của mẹ hòa lẫn âm thanh của em gái chàng thuở xưa bên suối với khúc ca tình ái! Rồi lại hòa lẫn khúc hát của người con gái chăn dê mỗi buổi chiều nào chàng đi kinh hành qua núi. Người con gái có đôi má hồng và đôi mắt long lanh tình tứ quá. Chàng đã vội cúi xuống tránh làn thu thủy rồi bước đi…! Nhưng sao lạ, dù chàng cố xua đuổi bao nhiêu thì hình ảnh cô gái trong tâm chàng càng hiện rõ nét. Tiếng ca phiếu diễu, phiêu bồng, như  vuốt ve, như mơn trớn làm cho ngọn gió chiều đã phải dậy tình nhẹ nhàng đến mơn man vùng ngực cao mịn màng. Triết Hựu nóng bừng mặt và chợt ngồi bật dậy. Ồ! Kinh hoàng quá. Ma vương đã đến quyến rũ ta trong cơn đau ngật ngây nầy. Ồ! Hình như có ai vừa ra khỏi nơi chàng ngụ? Mùi thơm kỳ lạ của tóc, của da thịt con gái - mà chàng không thể đánh hơi lầm - đang còn tản mạn đâu đây. Ồ! Còn cả cơm đề hồ lưng đĩa! Ta đã làm gì trong cơn mê? Ai đã cho ta ăn trong lúc ta bất tỉnh nhân sự? Ai đã nâng đầu ta dậy rồi hát cho ta nghe? Ồ! Còn cả hơi ấm ở đây nữa, hơi ấm của một người con gái. Chàng hoảng quá.  Người con  gái nào đã  đến săn sóc ta khi ta đau? Khi ta cảm thấy cô đơn lẫn thống khổ cùng cực? Khi ta đang thèm khát một mái nhà? Một tuổi thơ? Một sự an ủi dịu dàng của mẹ? “Xin vâng, xin vâng”, con cừu non bên trong chàng lại cất lên tiếng gọi yếu ớt. Bây giờ chàng đã nhu nhược quá rồi…!

Chàng nằm lả xuống và cảm thấy hai cánh tay mình run run. Đến chiều, quả có người con gái trở lại: người con gái chăn dê. Chàng ngước mắt nhìn ra và thản nhiên chờ đợi.

- Cảm tạ thượng đế! Quả là chàng đã qua khỏi cơn nguy hiểm.

Người con gái mang theo một chiếc giỏ, bước đi nhanh nhẹn, đôi chân có những ngón hồng.

- Hồi sáng, thiếp đi qua núi, nghe trong miếu có tiếng người mê sảng la hét. Bước vào thấy chàng. Ồ! Tội nghiệp quá. Phần cơm của thiếp chàng chỉ dùng được một ít. Ồ! Tội nghiệp cậu tuổi trẻ tu hành cô độc.

Người con gái nở nụ cười như đóa hoa hồng nở buổi sáng rồi ngồi xuống bên chàng, đưa tay sờ trán:

        - Còn nóng lắm.  Lại hâm hấp  mồ hôi nữa. Đừng nhúc nhích, cứ nằm im.

Người con gái quay lại, lấy trong giỏ ra một nắm lá, đưa mắt nhìn ngược xuôi, chợt thấy cái bát sắt ở trên bệ thờ, nàng nhanh tay lấy xuống, bỏ lá vào. Triết Hựu định cản lại nhưng không còn kịp nữa. Nàng đang giả nhỏ nắm lá bằng viên đá trong cái bát đi khất thực hằng bữa của chàng! Cử chỉ nào của nàng cũng lanh lẹ, hoạt động, toát ra một sinh lực hồn nhiên, nhịp nhàng, như được tuôn phát bởi một cái gì của tuổi trẻ ở bên trong. Ồ! Nhưng mà rồi, một ngày mai nào đó cũng chỉ còn lại một nắm cốt khô thôi chứ có hay hướm gì! Thân xác đẹp đẽ ngọc ngà ấy chỉ là cái bì da, bên trong đựng máu mủ, nước tiểu, nước dơ, đờm, rải, phẩn, ngu si, tình dục, giận dữ lẫn khinh mạn… mà thôi!

Triết Hựu xoay mình nằm ngửa nhìn lên nóc miếu. Người con gái lại đến bên chàng, mùi thơm tỏa ngát trong không gian, êm đềm và gần gũi. Nàng lại hát véo von một khúc ca tình ái mà chàng đã được nghe thoảng trong cơn mê. Lấy chiếc khăn mặt của mình, nàng bỏ lá vào trong rồi nhẹ nhàng, cẩn thận cột lên trán chàng.

- Rồi sẽ khỏi ngay, cưng ạ! Ồ! Không, sa-môn chứ! Một chú sa-môn tí hon dễ thương! Ồ! Chàng sa-môn ơi! Rồi thiếp sẽ hát cho chàng nghe khúc ca bên núi khi đức huyền mẫu Kàlì tỏ tình với thần Shìva.

- Có đoạn ấy đâu. Thánh kinh Vệ-đà làm gì có đoạn tỏ tình ấy?

- Có chứ! Những kẻ đạo đức giả, giả vờ không thích tình ái, cao thượng rởm đã bỏ đoạn ấy đi. Những tên “cù lần” ấy, chúng chẳng hiểu gì về thú yêu thương cả.

- Đừng đùa thế cô bé ạ! Vệ-đà là thánh kinh, là cõi tinh thần sáng láng.

- Ồ! sa-môn! Đừng lý luận hợm hĩnh. Không có tình ái, yêu thương sao lại có chuyện Kàlì là vợ của thần Shìva? Chàng thông minh đến độ ngốc nghếch. Thôi, im đi cưng! Để thiếp hát cho chàng nghe.

“Đấy chỉ là ý nghĩa tượng trưng.” Chàng định cất tiếng cãi lại nhưng người con gái đã hát rồi.

“Mù sương xuống che mất vòm trời sao lộng lẫy

Ôi! Tình đẹp như mây hồng

Ôi! Tình tuyệt như sao băng

Thuở thiên địa sinh

Ta cùng chàng chia tay

Thuở thiên địa sinh

Ta cùng chàng gặp gỡ

Đấng chủ tể là nhất chân

Người chia ta làm hai ngã

Đấng chủ tể là muôn năm

Đem ta về chân ngã

Ôi! Chàng ôi!

Chiếc búa thần của chàng đâu

Bửa cái cầu tạo hóa

Sinh lực Pràna

Niềm hân hoan của cỏ

Ôi! Chàng ôi!

Lời hẹn hò một trăm năm

Thần huy hoàng cùng thần bất tử

Với lọng vàng của Purusha

Ta là thần ngã

Có bao giờ lấp?

Có bao giờ che?

Những vòm trời sao lộng lẫy

Trong khối tình ta vô biên

Trong khối tình ta toàn phúc.

Ôi! Chàng ôi!

Gió thổi từ vì sao ngâu

Ôi! Chàng ôi!

Mây sa từ vì sao quế

Sương quyện khối tình sương

Mây níu khối tình mây

Ta hợp mà ly

Ta ly mà hợp

Ý lực và uyên nguyên

Phạm thể đâu?

Ai là ngài, khả tri?

Tịch viên đâu?

Ai là ngươi, khả lượng?

Hữu tồn là giác linh

Giác linh là nẻo tử

Ai tương hợp

Ấy tương ly

Shìva hỡi, chàng hỡi!

Bắt nhịp cầu mà qua

Bổ nhịp cầu mà đến

Mối tình ta tinh vân

Sao khuê và sao khuyết

Ta làm bản hòa ca

Hủy thể chính So'ham

Thần linh trong thân xác

Shìva hỡi, chàng hỡi

Atman! “Om! Om! Om!”

Đến ngày thứ ba thì Triết Hựu lành hẳn bệnh. Mỗi sáng, mỗi chiều, cô gái chăn dê đều đến săn sóc chàng, cho chàng cơm cháo và thuốc men.

Chàng định đi khất thực trở lại vào ngày thứ tư, sau đó chú tâm vào đề mục thiền định hầu lấy lại sức thăng bằng nội tâm sau mấy ngày ốm bệnh. Chàng đã sa đọtận cùng. Lại xanh xao quá đỗi. Chàng lên án mình dữ dội, đồng thời lại thấy nhớ nhung, thân thiết làm sao những bước chân, nụ cười, mùi hương, tiếng ca, bàn tay của nàng!

Buổi sáng, chàng để tâm trôi chảy nhịp nhàng, muốn không còn mảy may tư niệm nào, muốn tư tưởng hãy diệt mất đi, muốn vô duy cả cuộc đời. Nhưng  chàng  đã  bất  lực -  khi  một  cơn gió qua, rơi rụng xào  xạc  những chiếc lá khô, chàng lại quay mặt lại nhìn, tưởng là nàng đến. Chàng thẹn đỏ mặt, rồi bần thần, mệt mỏi nằm xuống. Nhưng khi có nàng, chàng lại thấy mình nghiêm trang và đứng đắn dường bao.

- Tôi đã lành bệnh, xin cảm ân nàng. Có lẽ tôi sẽ đi khất thực và trở lại thiền định vào ngày mai. Nàng đừng để mất thì giờ vì tôi nữa.

Người con gái đưa tay sờ trán rồi sờ ngực chàng:

- Ồ! Đã lành bệnh đâu. Người còn nóng mà tim lại đập nhanh quá. Vậy là thêm một cái bệnh yếu tim!

Chàng cố gượng và lách ra xa người con gái.

- Sao vậy? Đừng trở mình. Hãy nằm yên! Rồi thiếp sẽ hát cho chàng nghe.

“- Ôi! Chàng ôi!

Gió thổi từ vì sao ngâu

Ôi! Chàng ôi!

Mây sa từ vì sao quế

Sương quyện khối tình sương

Mây quyện mối tình mây

Ta hợp mà ly

Ta ly mà hợp

Ý lực và uyên nguyên

Phạm thể đâu?

Ai là ngài, khả tri?

Ai là ngươi, khả lượng?

Hữu tồn là giác linh

Giác linh là nẻo tử

Ai tương hợp

Ấy tương ly

Sa-môn hỡi… chàng hỡi!

- Đừng hát nữa! Tôi van cô. Đừng hát nữa. Tôi là sa-môn.

Cô gái cười khúc khích:

- Sa-môn không là người sao? Sa-môn không có tình sao?

- Cô đã làm cho tôi phạm giới, cô có biết không?

Nói xong, chàng chảy nước mắt, người con gái lại lấy khăn lau cho chàng.

- Giới luật gì đâu mà phạm! Hãy thôi khóc đi cưng! Ồ! Chú nhỏ sa-môn hãy nín khóc đi. Sáng nay ta lại có cái ăn tuyệt vời. Đặc ân của chủ mẫu đó!

- Chủ mẫu nào?

- Đức mẹ tình ái của ta. Sáng nay ông chủ bà chủ đi tạ thần vì sinh được con trai. Thiếp là tỳ nữ trong nhà nên cũng được vài cái bánh ngon.

          Nói xong, người con gái lấy từ trong xách ra hai chiếc bánh to còn  nóng, hương vị mùi nếp thơm nồng ấm và dịu dàng.

- Thiếp đã nhanh tay mượn tạm của nữ thần hai cái thôi. Chàng một, thiếp một. Thế là vừa đôi. Ôi! Mẹ tình ái! Diễm phúc và hoan lạc xiết bao!

Triết Hựu chợt sa sầm mặt lại:

- Nàng lại trộm cắp nữa, không biết xấu hổ ư?

Người con gái lấy ngón tay trỏ “nhí” vào trán chàng:

- Xấu hổ là xấu hổ cái trán này, cái mặt này, con mắt này. Xấu hổ là xấu hổ ở trong ấy!

Triết Hựu đỏ bừng cả đôi má vì thiếu nữ đã thấy chàng nhìn trộm nàng. Chàng nhắm mắt lại, muốn độn thổ đi. Ôi! Xấu hổ quá. Chàng đã sa đọa đến tột cùng tâm tưởng. Tất cả tiếng gọi kêu lý-trí-tinh-thần-sư-tử đều đã vô hiệu lực. Chàng đã hiện nguyên hình là một con người xấu xa, đê tiện. Ô! Mà sao giá trị của tử sinh và bóng tối nó vĩ đại quá. Từ lâu ta đã bao che bên ngoài thế giới này một lớp tinh thần sáng láng, một lớp tinh thần linh thánh và cao thượng. Ta nhốt nó lại. Ta không dám nhìn mặt nó. Ta khỏa lấp hoặc cố tình chối bỏ, nhưng không vì thế mà nó mất đi. Những tình cảm, ghét mẹ, ghét cha, em gái cùng Vọng Việt phải chăng chỉ là phản ảnh của bên trong chàng? Sự xung đột xẩy ra là bởi chàng dối trá không nhìn ra  chính mình?  Sự  khổ đau  xẩy ra  là do chàng không dám sống thực? Sợ rằng mình là một con người thân xác bản năng? Sợ rằng mình không là kẻ phi thường? Ôi! Rõ ràng là tinh thần và lý trí là những chiếc cạm bẫy bằng vàng. Nó tỏa ra ánh sáng lửa. Ở xa là hào quang trinh tuyền chân phúc mà ở gần là nhiệt độ đốt cháy người. Nó đã lôi  cuốn ta, hấp dẫn ta chạy thất điên bát đảo - để cuối cùng, suýt bị đốt thành than! Ô! Nơi cõi tinh thần cũng có cạm bẫy, ngươi sẽ bị hủy diệt ở đấy. Con chim trắng một hôm nào mộng mị đã cất lời tiên tri báo triệu mà ta nào có biết. Ta sẽ không thể bay đến đó bằng sức mình. Ta sẽ bị rơi xuống đại dương sâu. Ngoài đảo xa kia, đấng Guru của ta cất cánh phụng hoàng, nhưng mà quả thật, ngài đang hiện hữu trên mặt đất trần gian này, đầu trần chân đất, ăn xin từ nhà này sang nhà khác, khổ hạnh, vô dục và bình dị xiết bao. “Bần tăng là kẻ bình thường, nên chỉ xin sống cuộc đời bình thường. Xin ăn, bần tăng đã có bát, bước đi, bần tăng đã có đôi chân, suy tư, bần tăng đã có trí vô tri.” Ồ! Ngài đã không nói vậy rồi sao? Ta muốn cao thượng hơn đấng Guru của ta ư? Ồ, Không phải đó sao? Sao bấy lâu ta lại từ chối thân xác? Từ chối thân xác là một cái gì nghịch lý nên khổ đau. Đã bao nhiêu năm ta đã tạo nên một bãi chiến trường khôn nguôi giữa tinh thần và thân xác mà không làm nên được một trạng thái êm dịu bình hòa.  Ta lại  muốn chạy  bắt vô hạn?  Ta là gì mà dám chạy bắt vô hạn? Cả tinh thần lẫn thể xác đều là cái hữu hạn, sinh diệt mà ta lại mất công tìm kiếm vô hạn và bất tử. Ồ! Thật là đại ngã mạn làm sao? Rõ ràng là ta đã cuồng vọng thái quá khi từ chối mọi hiện hữu. Cả trần gian há chỉ là cái gì vô ích và phù phiếm, mà ít nhất  cũng  lập căn từ một giá trị ngàn đời nào chứ?

Ta từ bỏ tất cả và ra đi. Ta oanh liệt quá mà đồng thời lại ngu si quá. Bất tử là ở đây, bây giờ, ở ngay chính trong sinh tử. Chân phúc là ở đây và bây giờ, ở nơi cõi hỗn mang tao loạn và thống khổ này. Dòng đời là sự vận hành nhịp nhàng của tất cả mọi hiện hữu, hỗ tương qua lại xuống lên, vào ra. Ta là một khả thể bất ly, định mệnh buộc chặt từ khi vừa mở mắt. Vậy mà ta đã không thấy. Ta đã làm một nỗ lực đi ra ngoài thế gian để tìm kiếm hư vô. Quái-đầu-đà đã nói đúng: Ở đấy là cái dốc cao, mặt trời lửa và sa mạc - bạn sẽ bị đốt cháy thành than. Ta đã đến đấy và biết. Nó có giá trị khai mở một cánh cửa tự do cho tâm thức, để cho tâm thức vươn đến tuệ giác. Là cái không còn bị nô lệ bởi tư tưởng và thức. Tuệ giác không phải bước đi bằng tế bào não mà phải bước đi bằng hơi thở và trái tim nóng hổi, phải cọ xát lên thực tại bằng cả tứ chi và thân thể. Ồ! Vọng Việt cũng nói đúng nữa. Ta đi bằng đầu óc mà vào cuộc đời. Ồ! Y là Vọng Việt mà thật ra chẳng “vọng việt" chút nào, Ta là Triết Hựu mà ta chăng "triết hựu" chút nào. Ta  đã vọng việt qua suốt bao nhiêu chặng đường chỉ để biết rằng tên mình chính là triết hựu từ bao giờ. Cha ta cũng là kẻ tiên tri định mệnh của ta, vậy mà ta đã nguyền rủa ông. Mẹ ta nữa. Ôi! Xin mẹ hãy tha thứ cho con. Và Triết Nguyệt, ta đã khinh bỉ em. Khi em chấp nhận cuộc đời  tại  thế. Vọng Việt  ơi,  rồi  ngươi  vẫn là kẻ minh triết, vẫn đúng là giáo chủ Minh triết giáo, ngươi vẫn là kẻ đến đích trước ta. Ồ! Có lẽ chưa phải là vậy, y chỉ là kẻ mới thấy cái giới hạn của mình. Tuy ta đã biết cảm thông và tha thứ cho tất cả, nhưng biết đâu, điều này cũng là cạm bẫy? Biết đâu con đường lại có cái gì huyền nhiệm nữa? Phía trước con đường, phải tới tận nơi rồi mới thấy, mới biết?

Bây giờ chàng  mới như thực thấy rằng, mình đã từ chối tất cả cái gì đang hiện hữu rồi lại đi tìm kiếm một cái gì không rõ mặt. Định mệnh sau lưng, ta thường gọi thế, nhưng định mệnh là định mệnh nào, cái gì làm nên định mệnh? Ta không biết, không ai biết. Bây giờ thì phải biết cảm thông và tha thứ cho cuộc đời vì trong ta cũng chính là cuộc đời. Điều kiện phát sanh đến cho mẹ, cho cha như vậy, nếu là chàng - thì chàng có đi ra ngoài thông lệ? Bước ra khỏi từ lực của nam châm, là sức hút của trần lao và thế tục , mà bản chất của mỗi tự hữu vốn là một cái gì tương ưng - thuộc tính của đại dương sinh tử kia - cái nhấp nhô  lên  xuống  của những  hiện hữu  trong  sức quay điên đảo và vũ cuồng của vô minh và dục tính. Điều kiện phát sanh đến cho chàng, như với người con gái chăn dê, thì ai là kẻ đủ sức để bước ra khỏi tương quan. Chàng nhìn mình và thấy rõ ràng như vậy, mặc dầu, bên ngoài chàng có vẻ là một con người tinh thần ghê  gớm  và  cao  thượng  nhất -  kẻ  từ chối thân xác!

Nhưng bên trong vẫn là thế tục, là cuộc đời, là điều kiện tất yếu của mỗi hiện hữu trên mặt đất. Điều ấy ghê gớm quá, nó có thể làm co rúm lại tâm hồn thánh thiện của kẻ lên đường. Nhưng đây là giá trị, là định mệnh của hữu hạn, của mỗi hiện sinh trong dòng trôi chảy vô biên của hữu hạn.

Triết Hựu thở một hơi dài. Mọi vấn đề hầu như đã lắng dứt, đã yên nghỉ!?

Buổi chiều, chàng chờ đợi người con gái chăn dê trở lại để giã từ ra đi. Chàng sẽ trở lại ngôi đại tự để trình bày pháp môn tri ngã cho thầy nghe, đồng thời sám hối những tội lỗi của mình. Ô! Không có vấn đề gì nữa. Ta là một con người tầm thường, bình thường, như thường thôi. Thế là nhẹ hẫng. Ta từ đâu tới ư? Đây là vấn đề của vô hạn. Rồi ta sẽ về đâu ư? Dĩ nhiên là do nhân duyên và điều kiện. Các pháp đều do nhân duyên và điều kiện - thì ta là gì? Không phải là ta đang ở trong dòng pháp ư? Các pháp đều sinh diệt mà ta lại muốn mình phi diệt phi sinh ư? Ồ! Mê vọng quá,  đồng thời  lại tham lam  vô tận  vô độ  nữa.

Tìm chân phúc, bất tử trong ý nghĩ bấy lâu của ta, chỉ chứng tỏ cuộc đời này không thỏa mãn đủ lòng khát khao vô bờ bến của dục vọng. Tất cả những danh từ như toàn thiện, tuyệt đối, chân ngã, chân đế - sự hiện hữu của chúng là để làm cân bằng lại cán cân cuộc đời,  níu kéo   lại  một  cái gì đó đã quá đà, đã nghiêng lệch. Ta phải thấy rõ sự thăng bằng ấy ở trong chính ta - tinh thần ở bên này cực đoan và vật chất ở bên kia cực đoan. Sự bình an không phải là đấu tranh giữa chúng mà là sự giàn hòa. Là sự thấy biết minh triết. Nội tâm phải là khung trời bao dung của tình mẫu, của đất; để cho chúng nhỡn nhơ, hát ca, vui đùa hồn nhiên, không hận thù, không ích kỷ, không oan trái, không khi mạn, không tham vọng điên cuồng. Nội tâm phải bát ngát, mênh mông để sẵn sàng tha thứ cho những hạt bụi nổi, những hạt cát bay, mưa sa và gió chướng. Sự thăng bằng ấy cần thiết quá. Sự thăng bằng ấy được gọi là vô tranh và vô dục, là bình an và dừng nghỉ. Trung đạo của đức Phật, trung dung của Khổng cũng không đi ngoài lý trên. Do vậy, không thể có con đường từ chối thân xác, hoặc cưỡng chế nó theo một thể cách, một phương pháp nào. Chỉ có sự hòa điệu, thấy rõ mình một cách như thực để lên đường; nhưng không phải lên đường bằng sự xung đột và cô lập mà  phải  bằng  trái tim  mở rộng  đầy yêu  thương,  bao dung và tha thứ; bằng vòng tay mát dịu tình người; bằng

nụ cười hồn nhiên lạc phúc như hoa cỏ; bằng đôi mắt sáng ngời tin tưởng và vắng lặng; bằng bước đi vững chãi lẫn khiêm nhu của một người đã bước ra khỏi mọi giá trị; bằng vừng trán mông mênh phăng lặng của bầu trời dịu dàng mùa thu… Và trên tất cả, là giềng mối bản căn, là trí tuệ, đại bi của đức Phật vậy.

Suốt buổi chiều và một đêm, người con gái không thấy đến, Triết Hựu quyết định dời ở lại đến ngày hôm sau. Chàng không có hành trang, hành lý gì lắm: bình bát, tam y và chiếc tọa cụ! Đời sống này giản dị và thanh tịnh xiết bao, như mây trời và cánh hạc. Và hết. Triết Hựu đưa mắt nhìn theo lối mòn quen thuộc. Mặt trời đã lên cao. Thường thì nàng hay đến vào giờ này, cho dê và bò ăn ngoài cánh đồng cỏ rồi nàng đi vào như luồng gió với tiếng ca trong trẻo của những hạt sương mai. Hương hoa rừng, hương nội cỏ tràn vào là nàng xuất hiện. Thường thì ít khi chàng thấy lầm. Phải từ giã nàng, dù sao thì ta cũng nhờ nàng mà vượt qua được cơn bệnh hoạn do sự bế tắc tâm linh mà có. Ồ! Có lẽ nàng cũng sẽ buồn biết bao nhiêu. Nhưng làm sao hơn? Ta đã nguyện đem cuộc đời hèn mọn cỏ rác này hiến dâng cho thượng đế, nghĩa là cho đại ngã và đại thể, thì chắc hẳn không thể để riêng cho một người. Tình yêu tuyệt vời thật nhưng ta  đã có  tình yêu  khác, tình yêu viên dung và viên mãn của đạo lớn. Tình yêu này không phải là dừng chân nơi một quán trọ, một chân cầu; mà mãi mãi lên đường, mãi mãi phong sương và cát bụi, mãi mãi với nhật nguyệt, trời cao, sông hồ và biển rộng. Ta lên đường, chưa hẳn là hóa độ ai, chưa hẳn là để cho mình thành ra cao thượng hơn đời - mà lên đường bằng trọn vẹn con người mình, sự hào sảng của đại dương, sự ngây ngất của núi cùng sự hoan lạc của mùa xuân. Ta là người của mọi bến bờ, mọi quê hương.

Cô gái vẫn không thấy đến. Chàng nôn nao trong lòng. Bước tới bước lui và nhìn. Ồ! Quả thật nàng là một con chim sơn ca nhỏ. Ở bên nàng ta như tươi trẻ lại. Chú nhỏ sa-môn! Ngạo thật. Tóc ta đã có vài sợi lốm đốm bạc. Nàng nhí nhảnh và quá dịu dàng. Ấm cúng biết bao nhiêu là mấy ngày bên góc núi này. Đây là một kỉ niệm đẹp. Đừng nghĩ đây là ma, đây là kỉ niệm đẹp. Thế gian này cần nó như cần mùa xuân và hơi thở. Ta không phải là người ngoài thế gian. Sứ mạng của mùa xuân là cho lộc và cho hoa, sứ mạng của nàng là cho ta thêm sinh lực cùng niềm vui trên cuộc đời này. Nhưng ta là sa-môn, và sa-môn là phạm hạnh. Mà phạm hạnh nghĩa là xả ly, nên ta sẽ không chấp thủ, ái trước bất cứ cái gì trên trần gian này cả. Nàng hãy đến và ta sẽ nói lời xả ly, sẽ giã từ. Chắc nàng sẽ nhìn ta ngạc nhiên, say đắm, đỏ lệ. Rồi ta sẽ giải thích  cho nàng nghe thế nào là tình yêu vị kỷ của thế gian, những tình yêu buộc ràng và đau khổ, những tình yêu đem đến nước mắt, đôi khi cả thù hận nữa. Nàng hãy hi sinh tình yêu nhỏ hẹp của mình để rồi sẽ gặp lại ta trong khối tình vô biên.

Triết Hựu một lần nữa lại nôn nóng trong lòng. Bất giác chàng khoa chân bước theo con đường nhỏ về  làng, con  đường  mà  hằng  bữa  chàng  đã  đi khất thực. Những xóm nhà ở phía dưới xa kia và đây là một vùng hoang quạnh, có những cánh đồng cỏ xanh ven chân núi. Trên cánh đồng, và dọc theo con lộ là nơi gặp gỡ chơi đùa của trẻ chăn dê, chăn bò... Chàng đưa mắt một lượt, cố ý, không hy vọng, kiếm tìm bóng dáng cô gái nơi cánh đồng ấy. Có một bọn trẻ đang đổ xô lại chỗ lùm cây. Triết Hựu lại nôn nao trong lòng rồi bước nhanh đến hướng ấy. Bò và dê vẫn đủng đỉnh gặm cỏ một cách bình yên và thoải mái.

Chàng đã đến nơi đám đông, bọn chúng dạt ra.

- Ông sa-môn đến! Hãy cứu chị Paduma!

- Rắn độc cắn.

- Chị Paduma đã chết rồi.

Chàng đứng sững lại. Paduma! Paduma! Liên Hoa! Liên Hoa! Nàng đã chết ư? Cô gái nằm nghiêng một chân co lên, khuôn mặt tái xanh. Chàng quỳ xuống rồi nắm tay nàng. Cánh tay sưng phù và tím bầm. Chàng nghe như còn nhịp đập yếu ớt ở hổ khâu tay của nàng. Người con gái chợt co rúm người lại, các bắp thịt ở trên mặt cũng thế. Nhân dạng người con gái hoàn toàn biến đổi. Sự sống ở trong nàng như muốn cựa mình để thoát ra. Triết Hựu thấy mình bình tĩnh hơn cả chàng tưởng, tuy trái tim chàng dường như co thắt lại. Chàng không hề chảy một giọt nước mắt. Ô! Thế là dấu hiệu tiêu vong của một cuộc đời! Một  kiếp  thanh  xuân  đã  đi  về hủy diệt! Những cánh bướm trắng nhởn nhơ trong mắt chàng đang bay vào vùng mặt trời lửa. Những cọng cỏ non vừa lên xanh mũm mĩm thì một trận mưa tuyết phủ ập xuống. Triết Hựu muốn che mặt đi nhưng rồi lại mở trừng ra nhìn khuôn mặt đã xám ngoét của cô gái. Chàng không biết mình phải làm gì, bối rối và lúng túng làm sao. Trước cái chết chàng như cảm thấy mình bất lực hơn.

- Paduma! Paduma! Chú sa-môn đây. Chú sa-môn đang ngồi bên nàng đây, Paduma!

Chàng gọi nhỏ, chú tâm vào sự sống mong manh đang còn nhúc nhích ở nơi đôi mắt nàng.

- Paduma! Sa-môn sẽ hát bài ca tình ái của chủ mẫu cho nàng nghe nhé!

Và thế là không kể đến mọi người, trẻ nít, người lớn đã bắt đầu bu lại, chàng cất tiếng hát:

“Ôi! Nàng ôi!

Gió thổi từ vì sao ngân

Ôi! Nàng ôi! Mây sa từ vì sao quế

Sương quyện khối tình sương

Mây quyện khối tình mây…

Tiếng hát của một sa-môn - mới hát lần đầu tiên trong đời này - nghe có một cái gì thật thà, ngô nghê và bi thảm làm sao! Giọng chàng ồ ề, kéo hơi nhừa nhựa, đôi khi lại lên cao đột ngột. Và đôi khi, không phải  chàng  hát -  mà  chàng  hét! Đám  đông  cười  ồ!

Nhưng không, một lúc sau, họ đã thật sự bị lời ca cuốn hút, vây chặt, nghẹt thở. Ôi! Bài ca tuyệt vời làm sao, nhất là được thở ra, tuôn phát ra từ một lồng ngực trinh tuyền, trong trắng, nhiệt tình, trọn cả tâm hồn. Ồ! Và bây giờ chàng không còn ngồi nữa, mà chàng đứng dậy, mở rộng vòng tay ra như ôm trọn cả vũ trụ vào lòng, như nói chuyện với thượng đế trên cao:

Ta hợp mà ly

Ta ly mà hợp

Phạm thể đâu?

Ai là ngài, khả tri?

Tịch viên đâu?

Ai là ngươi, khả lượng?

Ôi! Tình đẹp như mây hồng

Ôi! Tình tuyệt như sao băng

Thuở thiên địa sinh

Ta cùng chàng gặp gỡ

Thuở thiên địa sinh

Ta cùng chàng chia tay…

Paduma hỡi! Nàng hỡi!

Mối tình ta tinh vân

Sao khuê và sao khuyết

Ôi! Nàng ôi!

Lời hẹn hò một trăm năm

Thần huy hoàng và thần bất tử

… Ôi! Nàng ôi!

Sương quyện khối tình sương

Mây quyện khối tình mây…

Chàng hát tới hát lui mãi. Hay chỉ là hát những đoạn nào còn lưu lại trong tâm thức. Chàng hát một cách say sưa, chỉ có chàng, thiên địa và một khối tình. Ngay giây phút ấy, thế gian vắng mặt. Danh lợi, quyền uy, địa vị, vương tước, phải trái, hơn thua, khen chê, atman, bóng tối, ánh sáng, tinh thần, thân xác, vong ngã, đại ngã, chân tri, chân phúc… đều vắng mặt cả. Chỉ có duy nhất một trái tim mở rộng yêu thương, chất ngất, đầy tràn, thổn thức và đau khổ…

Chàng hát. Và bắt đầu những hình ảnh quay cuồng trước mặt. Những giọng nói, tiếng cười, dáng đi của nàng đều hiển hiện rõ ràng trong chàng. Rồi hình ảnh ấy lại vội tan biến bởi những miệng núi lửa, dốc cao và sa mạc. Từng cõi chết đìu hiu, hoang vắng, thê lương lại hiện ra. Nàng ngồi trên con tuấn mã bay qua một miệng vực, lửa từ bên dưới bốc lên cháy xém mái tóc và mảnh sari trắng phần phật theo chiều gió ngược. Những con chim cánh đen chao lượn trên cao rồi đâm bổ xuống những xác chết, hót những tiếng hót não nùng, tha đi những ngón tay hồng, những ngón chân hồng. Con cú đứng chơ vơ trên đầu một mõm đá rúc lên từng hồi dài; mỗi âm thanh là mỗi mũi gai nhọn đâm sâu vào trái tim chàng làm chàng đau nhức, té xỉu rồi ngã xuống.

Ồ! Có những tiếng nói xa xôi nào bên tai, rồi một tiếng hú khác từ xa đến gần. Paduma đã chết. Chị Paduma đã bị “người rừng” cõng đi. Chàng không nghe tiếng rõ lắm, nhưng ý thức trong chàng đã bắt đầu động đậy. Ông sa-môn này điên chắc! Ồ! Điên vì tình, thú vị làm sao. Y ở nơi cái am kia đã mấy tháng nay. Rất nhiều lời bàn tán về chàng như vậy. Chị Paduma cho y bánh, sữa và ái tình; nhưng thật sự chị là vợ của “người rừng” kia, vợ dọc bờ dọc bụi. Triết Hựu lùng bùng trong tai và chàng đã ngồi bật dậy như là một lực tự phát.

- Paduma! Paduma!

Chàng hốt hoảng gọi. Đám đông cười ồ.

- Paduma của ông sa-môn, “người rừng” đã mang đi rồi ạ!

Không còn xác Paduma ở đấy nữa. Đám đông lẻ tẻ bỏ đi. Một vài lời bàn tán là còn lại. Rắn mai tại chỗ,  rắn hổ  về nhà,  gớm thật. Không.  Một con  rắn xanh chỉ nhỏ bằng mút đũa. Tiếc là không có “thầy rắn” ở đây, chị ấy có thể được cứu sống. Tội nghiệp Paduma! Gái chưa chồng. Xí chưa chồng! Chưa chồng mà lại năm ba bảy ông. Năm với ba là tám, tám với bảy là mười lăm; trong đó có kể lão “người rừng hồi nãy không? Chưa kể, lão người rừng với gã sa-môn này chưa kể…

Triết  Hựu  ngồi  trân  mặt tại chỗ, cố gắng đừng cho lọt vào tai tất cả những lời bàn tán tục tỉu sau đó của họ. “Người rừng” mà họ vừa nói, chàng dư biết là ai. Ừ! Quả thật ta không ngờ nàng trong trắng dường ấy mà rồi bên trong lại quá tệ hại; một người con gái như nàng có thể là kẻ đồng lõa với bóng tối để làm những việc lén lút được chăng? Chàng đã bị tổn thương quá nặng nề mất rồi. Cuộc đời này chúng đã khinh mạn vấy bùn ô uế lên trái tim trinh bạch của chàng. Ma quỉ đã vỗ tay và cười cợt trong lần thất bại và khánh kiệt toàn diện này. Khánh kiệt tất cả mọi gia tài; niềm tin, hy vọng, lối đến, lối về. Ôi! Thanh gươm của đức Kàlì mới bạo tàn, vô nhân, kinh khiếp dường bao. Một chút yêu thương vừa mới chớm nở thì thần Shìva đã cho người đến tước đoạt đi. Chẳng còn vòm trời nào nữa cả. Những vòm trời đầy sao đã tắt. Những đám mây trôi bàng bạc, nhẹ nhàng, vô ưu, vô lự cũng không còn nữa. “Mây quyện khối tình mây, sương quyện  khối tình sương.”  Tất cả là màyà. Tất cả đều không thực.

Trái tim, khối óc, mọi quan năng đã bắt đầu đông lại, kết tụ thành một sự sống ráo hoảnh; một sự sống không còn liên hệ với mọi sự sống, hay đã mất hút, mù tăm vào một đại dương nào. Những ý nghĩ cựa quậy sau những lớp tế bào não, nhưng nó không còn đủ sức đứng lên để gọi kêu sự hiện hữu nữa. Chúng  đã  bệnh  hoạn,  tật  nguyền,  ghẻ  lở; thân thể chúng đã mọc đầy mụn độc do sự trước nhiễm khi hít thở, va chạm thế giới lý niệm và tư tưởng. Mấy cái mụt đỏ hỏn, bầy nhầy thịt thối, xác ma của quá khứ hắt hiu tương ưng với quạ, kên kên và những chú ruồi xanh. Đó! Thế giới tư duy của chàng! Bịt chặt cửa sổ tâm linh lại, những cái xác tử thi lại thò đầu vào, qua những vuông song bằng kiếng đỏ thúc hối sự hủy diệt và tối tăm lên đường. Và; bây giờ, trong từng khoảnh khắc, từng khoảnh khắc; khi đời sống im tiếng, co mình, lặng lẽ - thì mật nghĩa đời sống lại đến với chàng. Từ trong cái hương vị ẩm ướt và hôi hám của sự chết chóc, qua lớp lá vàng úa phủ đầy, qua những hiện hữu vô danh xa lạ với đôi mắt lờ đờ vẩn đục, dáng đi hớt hải; qua lớp ống khói đã đặc đầy cả hằng triệu kỷ nguyên tâm thức đổ tuôn ra; nức mầm ra: mộng và thực, thiệt và hư - từ trong thai bào một mẹ một cha. Ôi! Vô lượng mật nghĩa cứ thay phiên nhau, thứ lớp, chồng chất; sự êm đềm, sự mỉa mai, sự tủi hổ,

khó khăn và quanh vinh - biến đổi từ ánh sáng qua bóng tối; từ bóng tối qua ánh sáng; thiên đường và địa ngục; sống và chết. Những thân thể trần truồng ôm nhau đú đởn, hát ca cuồng loạn; máu rỉ ra từ đôi vú căng sữa; gươm và đao cọ xát nhau bật lên những tiếng cười ngất ngây hoan lạc. Cái thế giới tưởng là riêng biệt có hào quang, trật tự, xán lạn, thiện và mỹ - bỗng dưng đìu hiu và hoang vắng vô cùng - chẳng có thể cứu chuộc được trần gian; khi mà, từ sát na của nọa tính, mọi hiện hữu đã từ chối nhất thể và ra đi; nghĩa là từ “đỉnh cao” để bước xuống cõi “lãng đãng mù sương”.

Khi đã thấy rõ tất cả những điều ấy, chàng thấy mình chìm lắng vào một cõi hoang sâu, tách rời đồng loại, tìm ra chính mình từ một sơ thủy xa xăm, thuở chưa có vũ trụ và tinh cầu. Từ ngón chân lên đến đỉnh đầu chàng, chợt nức ra sự vĩnh cửu - và thân xác đi qua các cuộc hóa sinh phải bị vỡ đi, bị thiêu đốt - để đứa con mới mẻ là chân ngã lộ hiện nguyên hình là “khuôn mặt tôi” - mà chưa ai quen biết, cả trần gian này. Nó bước ra, "con người nội tâm" ấy, kẻ lạ mặt chưa hề có một lịch sử, đời sống, kiến thức, tình yêu thương cũng như lòng cừu hận. Y lặng lẽ đến bên chàng, nụ cười hồn nhiên như đứa con đỏ; quỳ xuống và cảm tạ chàng. Y mấp máy môi - và rồi, địa cầu sụp xuống; lịch sử,  thời đại,  kỷ nguyên sụp xuống - bởi vì nó không hề có trọng lượng. Nhưng thế giới ba ngàn không chịu đựng nổi sức nặng ghê gớm của đôi chân y: vô dục, vô duy và tịch mặc. Ôi! Nó hoang dã, ngây thơ, vô luân và vô tính làm sao?

Khi Triết Hựu đứng lên thì "cơn mộng lớn" cũng vừa tan biến. Cánh đồng cỏ đã qua một đêm rồi, một đêm hay cả hằng đại kiếp của trái đất thì nó cũng không  hề  khác hơn. Hình như có sương đọng trên vai chàng, thấm lạnh. Mầu xanh lam trải trong tầm mắt. Phía xa xa, trời đất một màu bụi đục, khói mây trộn lẫn, tan nhòa, bàng bạc…

Chàng cất bước chân thứ nhất trong đời! Phải, bây giờ mới chỉ là bước chân thứ nhất thôi! Chàng mới bắt đầu sống lại, tỉnh giấc qua giấc ngủ hằng triệu năm, hay hơn thế nữa; hoặc là qua cơn mộng lê thê của mấy kiếp ngân hà; hoặc hơn thế nữa; từ cõi chết vô danh, kinh khiếp, huy hoàng, lặng lẽ, bí mật và tối đen. Chàng cất bước chân thứ hai, thời gian ngừng lại, như chưa hề qua một sát na nào hay cũng như bước ra từ vĩnh cửu. Ôi! Bước chân không hề máy động, không một niệm nào bị phóng đi! Nó bước đi, trầm tĩnh và kiêu hùng của một đỉnh núi. Nó bước đi mà vẫn yên trụ từ khởi điểm, dường như bôn ba, lưu lạc mà nó vẫn chưa rời quê hương một phút giây nào. Ồ! Nó không hề chiếm một khoảng không gian nào ở phía trước. Bây giờ chàng mới biết rằng, chàng vốn là một chiếc bóng từ bao giờ!...

          Đến một ngọn đồi cao thì chàng đứng lại. Chàng đưa mắt nhìn khắp bốn phương trời. Nội tâm chàng bây giờ là vũ trụ, đồng thời là một cái gì trinh tuyền không  vấy  bẩn  một  hạt  bụi;  không  nói  vạn  hữu ở trong hay bên ngoài, nhưng nó đầy đủ cả, sinh đồng thời hay chưa sinh thì cũng y nhau. Nhưng "con người nội tâm" thì quả thật, chưa hề có ý niệm sinh và chưa hề có một quê hương.

Chàng vốn chưa được sinh ra và chưa hề có một quê hương.

 


[Ðầu trang][Trở về trang Mục Lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2007