Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ


Khi ngôn từ rụng vỡ

Liễu Pháp


Từ thưở mới bước ra khỏi thời hồng hoang sơ thuỷ và bắt đầu có những suy tư về bản thân và thế giới quanh mình thì những băn khoăn về ý nghĩa và hạnh phúc đích thực của kiếp sống con người đã trở thành một dấu hỏi to tướng bao trọn và xuyên suốt cả chiều dài lịch sử nhân loại.

Bao nhiêu thế hệ đã đi qua, bao nhiêu lớp người "... từng đấm nát tay trước ngưỡng cửa cuộc đời""cửa vẫn đóng và đời im ỉm khoá" (Chế Lan Viên).

Vì sao vây? Có phải chân lý mãi cố tình im tiếng khi con người đang thét gào trong khổ đau và tuyệt vọng, trong thác loạn và trầm luân? Hẳn là không, vì chân lý vẫn muôn đời hiển hiện, chỉ có con người, trong khi ngỡ là mình đang đi tìm chân lý, lại quay lưng với nó để chạy theo những lý tưởng cao siêu do chính mình vẽ vời, tưởng tượng: "Quả thật trong sự sụp đổ của chính mình, người ngu đi tìm tri thức và sở đắc, mà không biết rằng chính điều đó chẻ cái đầu nó ra làm hai". (Pháp Cú. 72)

Trong cảnh hoang tàn đổ nát, hậu quả của lòng tham lam ích kỷ, thù hằn, ganh tỵ, si mê, ngã mạn,... con người đã chối bỏ cuộc đời đầy đau khổ và tối tăm này để hướng đi tìm một thiên đường hạnh phúc và nương tựa vào một vị Thượng đế toàn năng toàn thiện. Chính cái dục vọng này là đầu mối cho mọi xung đột, hoài nghi, hoang mang, tán loạn. Với một tâm tư rối rắm như vậy thì làm sao có thể nghe được cái ngôn ngữ vô thanh vi diệu của thực tại? Thực tại, hay sự sống, hay chân lý bao giờ cũng mời gọi con người, nhưng chỉ những ai đã gạn bỏ những nhiễu âm của trần tục, đã lắng dịu những làn sóng tạp nhiễm của tâm hồn, thật sự lắng trong, lặng lẽ mới bắt được "tần số" cực vi của nó.

May mắn thay cho cuộc đời, khi đức Phật Thích Ca, đức Chúa Jesus Christ, Lão Tử, Khổng Tử,... những con người siêu việt đã tìm về được cõi sống đích thực và cảm thông cái nguyên ngôn sâu thẳm của chân lý. Nguyên ngôn đó vốn được biểu hiện thật phong phú trong màu sắc, âm thanh, hương vị, trong cỏ cây, đất đá, trong gió nội hoa ngàn, trong nụ cười hơi thở..., trong tất cả vạn vật quanh mình, nhưng chúng ta cứ mãi loay hoay tìm kiếm, đâu có để tâm mà nghe được.

Cho nên các Ngài đã bất đắc dĩ trở thành những "dịch giả của đời sống", chuyển thể cái thực tại linh hoạt sống động vào trong thứ ngôn ngữ chế định của thời đại mình, xứ sở mình, chỉ với một mục đích là giúp cho chúng ta có được sự thấy biết như thật, hay như trong cách nói của đạo Phật là "khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến".

Và chúng ta, nếu biết lắng nghe với một tâm hồn tự do, cởi mở, chân thành, vượt qua mọi định kiến về tôn giáo, quốc gia hay ý thức hệ thì sẽ không còn thấy có sự xung khắc, mâu thuẫn nào giữa các tư tưởng lớn của mọi thời đại, mà tất cả đều hài hòa trong một giai điệu ngợi ca vẻ đẹp của sự sống, của chân lý, của thực tại đang là, tròn đầy và sống động.

Nói đến chân lý, người ta thường tưởng tượng đến những gì cao siêu mầu nhiệm, nhưng như trong Kinh thì pháp được "đức Phật khéo thuyết giảng" (Svākhato Bhagavatā Dhammo) lại có những đặc tính là "thiết thực hiện tại" (Sandiṭṭhiko), "vượt khỏi thời gian" (Akāliko), phải "trở lại mà thấy" (Ehipassiko), "dừng lại trên chính mình" (Opanayiko) "bậc trí tự mình chứng nghiệm" (Paccattaṃ veditabbo viññūhi). Cho nên muốn thấy pháp thì không nên vọng cầu ở bên ngoài mà trở về với thực tại hiền tiền quý báu nơi sự sống của chính mình, buông hết mọi ý niệm về quá khứ, hiện tại và tương lai. Nguyên lý duy nhất là tinh tấn, chánh niệm, tỉnh giác để có thể phá tan bản ngã, vọng thức, đau khổ và có được hạnh phúc đích thực chứ không thể trông chờ vào sự thi ân hay mặc khải.

Cũng vậy, khi Chúa dạy: "Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống, chẳng bởi ta không ai được đến cùng Cha", hẳn Ngài không tuyên bố Ngài là Đấng Cứu Thế, mà chỉ ngụ ý rằng, chân lý vốn tiềm ẩn trong sự sống, chỉ có ai thật sự trọn vẹn với sự sống mới bắt gặp được. Phải chăng Chúa cũng dạy cho ta chánh niệm, tỉnh giác khi bảo rằng: "Ta đến như kẻ trộm, phước thay cho những ai ngày đêm rình rập"? Và Ngài cũng khẳng định chỉ có hạnh phúc đích thực khi con người dẹp bỏ mọi tính toán, mong cầu, chấp thủ, trở về với sự vô tư trong sáng như trẻ thơ: "Quả thật ta nói cùng các ngươi, nếu các ngươi không xây lại trở nên như con trẻ thì chẳng được vào nước trời đâu".

Lão Tử lại bảo: "Bách tính giai chú kỳ nhĩ mục, thánh nhân giai hài nhi" (Thiên hạ đều giương mắt căng tai để tìm kiếm, thánh nhân thì như con trẻ). Con trẻ bao giờ cũng nhìn mọi vật với cái nhìn hồn nhiên, không thiên vị, không phê phán. Thánh nhân cũng vậy, đối với vạn pháp đều bình đẳng, không thủ xả, bởi vì "Tương dục thủ thiên hạ nhi vi chi, ngô kiến kỳ bất đắc dĩ. Thiên hạ thần khí bất khả vi dã, bất khả chấp dã, vi giả bại chi, chấp giả thất chi" (Toan lấy pháp mà làm (ngã), ta thấy không được rồi. Pháp là thần khí, không thể làm, không thể nắm. Làm thì hỏng, nắm thì mất). Đây là tinh thần vô vi của Lão giáo mà người ta thường gán cho là tiêu cực. Họ tưởng rằng "vô vi" là không làm gì cả, cũng như đến cái làm duy tác của các bậc thánh mới gọi là thành tựu. Đó là cái làm sáng suốt trọn vẹn, không tính toán hơn thiệt cho bản thân, làm một cách tự nhiên, việc đến thì làm, làm xong không dính mắc. Có như vậy mới "vô vi nhi vô bất vi" (không làm mà không có cái gì không làm).

Ngược lại, Ngo giáo tuy bề ngoài có vẻ hữu vi khi đem nhân nghĩa lễ nhạc để hạn chế hành vi của con người, nhưng kỳ thực đó chỉ là cái dụng của đạo, mang tính chất "trị liệu" mà thôi. Chế định nhân nghĩa lễ nhạc chỉ là một cách để giữ cho tư dục của con người có chừng mực (lễ dĩ chế dục), giúp cho người ta ung dung trong quy củ (tòng tâm sở dục bất du củ), có được thái độ điều hòa. Đó chỉ là phần hình - nhi - hạ - học, cái học thuộc về nhân sinh nhật dụng của người đời. Còn phần hình - nhi - thượng - học của Nho giáo bàn về thiên đạo và nhân đạo rất sâu xa: "Thiên địa giai bị ư ngã, phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên" (Trời đất có sẵn nơi mình, chỉ cần chân thành trở lại với mình thì không có an lạc nào lớn hơn). Thành là chân thật, sống đúng theo cái lý tự nhiên của trời đất, hay "thuận thiên lập mệnh", một cách nói khác của "sống thuận pháp" (Dhammanudhamma viharati). Sách Luận Tử chép: "Tử tuyệt tứ: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã" (Khổng tử tuyệt không có bốn điều là: không có ý riêng tư, không phỏng đoán chắc trước, không cố chấp, không vị mình).

Vậy thì dù nói là "vâng ý Cha" như Thiên Chúa giáo, "tùy pháp hành" như Phật giáo, "thuận thiên lập mệnh" như Nho giáo hay "đạo pháp tự nhiên" của Lão giáo thì cũng đều nhắc nhở con người dẹp hết mọi lý trí suy luận để trở về với sự lặng lẽ, trong sáng, dung dị mới có thể tiếp xúc với thực tại một cách trọn vẹn và mới mẻ. Nhưng con người không chịu nổi cái thực tế quá đơn sơ, giản dị vì đã quen bay bổng với những lý tưởng cao siêu mầu nhiệm. Mải miết chạy theo những hình ảnh đẹp đẽ nhưng mơ hồ, sản phẩm của vô minh và ái dục, họ đã dần dần rời xa cái gốc, cái thực.

Nhận thức rất rõ điều này, Krishnamurti đã lên tiếng cảnh tỉnh mọi người thoát khỏi sự tôn thờ thần tượng:

"Có thể nào sống trên đời này mà không cần đến một tín ngưỡng - không phải thay đổi tín ngưỡng, không phải thay đổi tín ngưỡng này bằng một tín ngưỡng khác, mà hoàn toàn tự do thoát khỏi mọi tín ngưỡng - để mình gặp gỡ đời sống một cách mới lạ trong từng giây phút? Tựu chung đây là một sự thực: có khả năng gặp gỡ mọi sự một cách mới mẻ trong từng khoảnh khắc, không bị quy định bởi phản ứng của quá khứ để không còn chịu duyên quả tích lũy gây ra chướng ngại giữa mình và cái đang là".

(Is it possible to live in this world without a belief - not change beliefs, not substitute one belief for another - but be entirely free from all beliefs, so that one meets life anew each minute? This, after all, is the truth: to have the capacity of everything anew, from moment to moment, without the conditioning reaction of the past, so that there is not the cumulative effect which acts as a barrier between oneself and that which is).

(Krishnamurti - The First and Last Freedom)

Nói vậy có vẻ như Krishnamurti đả kích tôn giáo, nhưng chính ông đang hướng mọi người trở về với thực tại mà các bậc giáo chủ đã từng chứng nghiệm và chỉ bày. Về sự tự tri, ông nói:

"Trong mỗi người nằm sẵn cả một thế giới, nếu bạn biết cách ngắm nhìn và học hỏi thì cánh cửa sẽ ở đó và chìa khóa trong tay bạn. Không ai trên đời này có thể cho bạn chiếc chìa khóa hay cảnh cửa để mở, ngoại trừ chính bạn".

(In oneself lies the whole world, and if you know how to look and learn, then the door is there and the key is in your hand. Nobody on earth can give you either that key or the door to open, except yourself)

(Krishnamurti - You are the world)

Giữa thế kỷ XX, Krishnamurti cất cao tiếng nói, phủ nhận tất cả, bác bỏ tất cả. Ông đạp đổ mọi thứ giả trá mà con người đã nặn ra: bản ngã, lý tưởng, quốc gia, tôn giáo, Thượng đế,... "Ông chỉ giữ lấy một sứ mệnh độc nhất là tước bỏ con người ra ngoài ra ngoài tất cả những huyền tưởng, ảo giác, phá hủy cho sụp đổ tất cả những nạng chống giả tạo của những lý tưởng, những tín ngưỡng, ngẫu tượng, phá hủy tất cả những hình thức chống đỡ con người để trả con người trở lại sự tôn nghiêm trọn vẹn, sức mạnh vẹn toàn của nhân tính".

(Henry Miller)

Có thể thấy một điều là dù ở Đông phương hay Tây phương, ở thời cổ đại hay hiện đại, chân lý bao giờ cũng hiện hữu như một giòng sông bất tận, nhưng chỉ khi tâm trí thật sự trầm tĩnh, im lặng nhờ sự tự tri, tự giác thì thực tại mới có thể hiển hiện. Và kinh điển sách vở chỉ là ngôn ngữ chỉ bày chân lý. Thi sĩ Bùi Giáng viết:

"Người nằm xuống từ ngàn xưa vang bóng
Ta bước qua từ ngữ rụng hai lần"

Đức Phật, đức Chúa, Lão Tử, Khổng Tử đã tịch diệt, chỉ còn lại đây giáo lý của các ngài như những tiếng vọng từ ngàn xưa vang lại. Muốn giã từ cái thế giới hư ảo của mình để bước qua cõi sống chân thật muôn đời thì chúng ta phải rụng đi hai lần ngôn ngữ: rụng đi cái mớ ngôn ngữ đầy khái niệm, quan kiến của mình, rồi phải rụng luôn cái ngôn ngữ chỉ bày chân lý của Kinh điển.

Khi ngôn từ rụng vỡ, cũng là lúc mọi ảo tưởng tan tành, chỉ còn lại ánh sáng rực rỡ của mặt trời chân lý vừa xuất hiện. Trong ánh sáng đó, không còn "cái tôi, "cái của tôi", không còn tìm kiếm, không còn hy vọng; chỉ còn lại hơi thở, bước chân, nụ cười, giọng nói,... Đúng là:

"Ra đi khắp bốn phương trời
Tìm ai mỏi gót muôn đời còn xa
Ta về gặp lại tình ta
Dấu chân viễn vọng chỉ là phù vân"

(Thơ Viên Minh)

 


[Ðầu trang][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2007