Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ


Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập IV - Thiên Sáu Xứ


  

[35] Chương I

Tương Ưng Sáu Xứ (c)

-ooOoo-

V. Phẩm Từ Bỏ

94. I. Thâu Nhiếp (S.iv,70)

1) ...

2) -- Có sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, không nhiếp phục, không phòng hộ, không bảo vệ, không thâu nhiếp, đem lại đau khổ. Thế nào là sáu?

3-5) Mắt xúc xứ, này các Tỷ-kheo, không nhiếp phục, không phòng hộ, không bảo vệ, không thâu nhiếp, đem lại đau khổ... Tai... Mũi...

6-7) ... Lưỡi... Thân...

8) Ý xúc xứ, này các Tỷ-kheo, không nhiếp phục, không phòng hộ, không bảo vệ, không thâu nhiếp, đem lại đau khổ.

9) Sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, không nhiếp phục, không phòng hộ, không bảo vệ, không thâu nhiếp, đem lại đau khổ.

10) Có sáu xúc này, này các Tỷ-kheo, khéo nhiếp phục, khéo phòng hộ, khéo bảo vệ, khéo thâu nhiếp, đem lại an lạc. Thế nào là sáu?

11-13) Mắt xúc xứ, này các Tỷ-kheo, khéo nhiếp phục, khéo phòng hộ, khéo bảo vệ, khéo thâu nhiếp, đem lại an lạc... Tai... Mũi...

14-15) ... Lưỡi... Thân...

16) Ý xúc xứ, này các Tỷ-kheo, khéo nhiếp phục, khéo phòng hộ, khéo bảo vệ, khéo thâu nhiếp, đem lại an lạc.

17) Sáu xúc xứ này, này các Tỷ-kheo, khéo nhiếp phục, khéo phòng hộ, khéo bảo vệ, khéo thâu nhiếp, đem lại an lạc.

18) Thế Tôn nói như vậy. Nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:

1) Hỡi các vị Tỷ-kheo,
Chính sáu xúc xứ này,
Chỗ nào không thâu nhiếp,
Chỗ ấy có đau khổ.
Những ai học biết được,
Chế ngự, phòng hộ chúng,
Với lòng tin làm bạn,
Sống thoát ly dục vọng.

2) Thấy sắc pháp khả ái,
Thấy sắc không khả ái,
Hãy nhiếp phục đường tham,
Ðối các sắc khả ái,
Chớ khiến ý nhiễm ô:
"Ðối sắc, ta không thích".

3) Sau khi nghe các tiếng,
Khả ái, không khả ái,
Chớ để tâm say mê,
Với các tiếng khả ái.
Hãy nhiếp phục lòng sân,
Với tiếng không khả ái,
Chớ khiến ý nhiễm ô:
"Ðối tiếng, ta không thích".

4) Sau khi ngửi các hương,
Thơm dịu, thật khả ái,
Sau khi ngửi các hương,
Bất tịnh, thật đáng ghét;
Hãy nhiếp phục lòng sân,
Ðối các hương đáng ghét,
Còn đối hương khả ái,
Chớ để dục chi phối.

5) Nếm xong vị ngon ngọt,
Và nếm vị không ngon,
Chớ có sanh tham luyến,
Khi hưởng nếm vị ngon,
Chớ nói lời chống đối,
Khi nếm vị không ngon.

6) Khi cảm thọ lạc xúc,
Chớ đắm say tham luyến,
Khi cảm thọ khổ xúc,
Chớ bị xúc động mạnh.
Ðối với cả hai xúc,
Lạc, khổ đều niệm xả,
Không thích, không chống đối,
Bất cứ loại xúc nào.

7) Ðối với các người khác,
Mê theo hý luận tưởng,
Họ mê theo hý luận,
Họ hành theo hư tưởng;
Hãy đoạn trừ tất cả,
Gia sự do ý tạo,
Hãy nhiếp các hành động,
Hướng đến hạnh viễn ly.

8) Như vậy đối sáu xứ,
Khi ý khéo tu tập,
Nếu có cảm xúc gì,
Tâm không bị dao động.
Tỷ-kheo hãy nhiếp phục,
Cả hai tham sân ấy,
Hãy đến bờ bên kia,
Vượt buộc ràng sanh tử.

92. II. Thâu Nhiếp (S.iv,72)

1) ...

2) Rồi Tôn giả Màlukyaputta đi đến Thế Tôn...

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Màlukyaputta bạch Thế Tôn:

-- Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn thuyết pháp vắn tắt cho con. Sau khi nghe pháp của Thế Tôn, con sẽ sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.

4) -- Ở đây, này Màlukyaputta, nay Ta nói gì với các Tỷ-kheo trẻ tuổi, khi Ông là một Tỷ-kheo già yếu, niên cao, đại lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến cuối cuộc đời, lại yêu cầu Ta giáo giới một cách vắn tắt?

5) -- Bạch Thế Tôn, dầu cho con già yếu, niên cao, đại lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đến cuối cuộc đời, mong Thế Tôn hãy thuyết pháp vắn tắt cho con! Mong Thiện Thệ hãy thuyết pháp vắn tắt cho con! Chắc chắn con sẽ hiểu ý nghĩa lời Thế Tôn giảng. Chắc chắn con sẽ trở thành người thừa tự pháp của Thế Tôn.

6) -- Ông nghĩ thế nào, này Màlukyaputta? Các sắc do mắt nhận thức, Ông không thấy, trước đây Ông không thấy, nay Ông không thấy, và Ông không muốn thấy; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

7) -- Các tiếng do tai nhận thức, Ông không nghe, trước đây Ông không nghe, nay Ông không nghe, và Ông không muốn nghe; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái hay không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

8) -- Các hương do mũi nhận thức, Ông không ngửi, trước đây Ông không ngửi, nay Ông không ngửi, và Ông không muốn ngửi; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

9) -- Các vị do lưỡi nhận thức, Ông không nếm, trước đây Ông không nếm, nay Ông không nếm, và Ông không muốn nếm; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

10) -- Các xúc do thân nhận thức, Ông không cảm thọ, trước đây Ông không cảm thọ, nay Ông không cảm thọ, và Ông không muốn cảm thọ; ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

11) -- Các pháp do ý thức nhận thức, Ông không nhận thức, trước đây Ông không nhận thức, và Ông không muốn nhận thức;ở đây đối với chúng, Ông có lòng dục, tham hay khát ái không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

12) -- Và ở đây, này Màlukyaputta, đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được biết đến, Ông sẽ chỉ thấy được với những vật thấy được, sẽ chỉ nghe được với những vật nghe được, sẽ chỉ cảm nhận được đối với những vật cảm nhận được, sẽ chỉ nhận biết được đối với những vật có thể nhận biết được.

13) Vì rằng, này Màlukyaputta, đối với các pháp được thấy, được nghe, được cảm nhận, được biết đến, Ông sẽ chỉ thấy được với những vật thấy được, chỉ nghe được với những vật nghe được, chỉ cảm nhận được đối với những vật cảm nhận được, chỉ nhận biết được đối với những vật nhận biết được. Cho nên, này Màlukyaputta, Ông không có vì cái ấy. Do vì, này Màlukyaputta, Ông không có vì cái ấy, nên Ông không có: "Ở nơi đây". Do vì, này Màlukyaputta, Ông không có: "Ở nơi đây", do vậy, này Màlukyaputta, Ông sẽ không có đời này, đời sau, và giữa hai đời ấy. Ðây là sự chấm dứt khổ đau.

14) -- Bạch Thế Tôn, lời giảng vắn tắt này của Thế Tôn, con hiểu một cách rộng rãi như sau:

1) Thấy sắc, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến sắc an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ sắc sinh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết - bàn.

2) Nghe tiếng, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến tiếng an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ tiếng sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðựơc gọi xa Niết-bàn.

3) Ngửi hương, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến tiếng an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ tiếng sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn.

4) Nếm vị, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến vị an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ vị sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn.

5) Cảm xúc, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến xúc an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ xúc sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn.

6) Biết pháp, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến pháp an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ pháp sanh,
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn

7) Vị ấy không tham sắc,
Thấy sắc, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến sắc an trú.
Theo sắc, vị ấy thấy,
Tùy sắc, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa.
Ðược gọi gần Niết-bàn

8) Vị ấy không tham tiếng,
Nghe tiếng, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến tiếng an trú.
Theo tiếng, vị ấy nghe,
Tùy tiếng, thọ cảm giác.
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa,
Ðược gọi gần Niết-bàn.

9) Vị ấy không tham hương,
Ngửi hương, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến hương an trú.
Theo hương, vị ấy ngửi,
Tùy hương, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa.
Ðược gọi gần Niết-bàn.

10) Vị ấy không tham vị,
Nếm vị, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến vị an trú.
Theo vị, vị ấy nếm.
Tùy vị, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa.
Ðược gọi gần Niết-bàn.

11) Vị ấy không tham xúc,
Cảm xúc, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến xúc an trú,
Theo xúc, vị ấy cảm,
Tùy xúc, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa,
Ðược gọi gần Niết-bàn.

12) Vị ấy không tham pháp,
Biết pháp, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến pháp an trú.
Theo pháp, vị ấy cảm,
Tùy pháp, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa,
Ðược gọi gần Niết-bàn.

Bạch Thế Tôn, lời Thế Tôn nói vắn tắt này, con hiểu một cách rộng rãi như vậy.

15) -- Lành thay, lành thay, này Màlukyaputta! Lành thay, này Màlukyaputta, lời nói vắn tắt của Ta, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi:

1) Thấy sắc, niệm mê say,
Tác ý đến ái tướng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tham luyến sắc an trú.
Vị ấy, thọ tăng trưởng,
Nhiều loại, từ sắc sanh.
Tham dục và hại tâm,
Não hại tâm vị ấy,
Như vậy, khổ tích lũy,
Ðược gọi xa Niết-bàn.

2) - 11) ...

12) Vị ấy không tham pháp,
Biết pháp, không ái luyến,
Tâm không dính cảm thọ,
Không luyến pháp an trú.
Theo pháp, vị ấy cảm,
Tùy pháp, thọ cảm giác,
Tiêu mòn, không tích lũy,
Như vậy, chánh niệm hành,
Như vậy, khổ không chứa,
Ðược gọi gần Niết-bàn.

Lời nói vắn tắt này của Ta, này Màlukyaputta, Ông cần phải hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

16) Rồi Tôn giả Màlukyaputta, sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi ra đi.

17) Rồi Tôn giả Màlukyaputta sống một mình, an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu, chứng được mục đích mà các thiện gia nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".

18) Và Tôn giả Màlukyaputta trở thành một vị A-la-hán nữa.

96. III. Thối Ðọa (Parihànam) (S.iv,76)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về pháp thối đọa, pháp bất thối đọa và sáu thắng xứ.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp thối đọa?

4-6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi mắt thấy sắc, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử được khởi lên. Nếu Tỷ-kheo đón nhận chúng (adhivàseti), không từ bỏ, không đoạn trừ, không tiêu diệt, không khiến chúng không thể sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta làm thối thất các thiện pháp". Ðây Như Lai gọi là pháp thối đọa,... tai nghe tiếng... mũi ngửi hương...

7-8) ... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc...

9) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, sau khi ý nhận thức pháp, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử được khởi lên. Nếu Tỷ-kheo đón nhận chúng, không từ bỏ, không đoạn trừ, không tiêu diệt, không khiến chúng không thể sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta làm thối thất các thiện pháp". Ðây Như Lai gọi là pháp thối đọa.

10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp thối đọa.

11) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là pháp bất thối đọa?

12-24) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sau khi mắt thấy sắc, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử được khởi lên. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không có đón nhận chúng, từ bỏ, đoạn trừ, tiêu diệt, khiến chúng không thể sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta không làm thối thất các thiện pháp". Ðây Như Lai gọi là pháp bất thối đọa.... tai nghe tiếng... mũi ngửi hương...

15-16) ... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc...

17) Ở đây, này các Tỷ-kheo, sau khi ý nhận thức pháp, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử được khởi lên. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo không có đón nhận chúng, từ bỏ, đoạn trừ, tiêu diệt, khiến chúng không thể sanh khởi, thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta không làm thối thất các thiện pháp". Ðây Như Lai gọi là pháp bất thối đọa.

18) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là pháp bất thối đọa.

19) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu thắng xứ?

20-24) Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sau khi mắt thấy sắc, các ác, bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử không khởi lên. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Xứ này đã được nhiếp phục". Và Như Lai gọi đây là thắng xứ... tai...mũi... lưỡi... thân...

25) Lại nữa, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo sau khi ý nhận thức pháp, các ác bất thiện pháp; các ức niệm tư duy liên hệ đến kiết sử không khởi lên. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Xứ này đã được nhiếp phục". Và Như Lai gọi đây là thắng xứ.

96. IV. Sống Phóng Dật (Pamàdavihàri) (S.iv,78)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các Ông về trú phóng dật và trú không phóng dật. Hãy lắng nghe.

3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là trú phóng dật?

4-6) Ai sống không nhiếp hộ nhãn căn, này các Tỷ-kheo, thời tâm người ấy bị nhiễm ô (vyàsincati) đối với các sắc do mắt nhận biết. Với người tâm bị nhiễm ô thời không có hân hoan. Do không có hân hoan nên không có hỷ. Do không có hỷ nên không có khinh an. Do không khinh an nên khổ an trú. Với người đau khổ, tâm không có thể định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, các pháp không hiển lộ. Do các pháp không hiển lộ, người ấy được gọi là người an trú phóng dật... nhĩ căn... tỷ căn...

7-8) ... thiệt căn... thân căn...

9) Ai sống không nhiếp hộ ý căn, tâm bị nhiễm ô đối với các pháp do ý nhận biết. Với người tâm bị nhiễm ô thời không có hân hoan. Do không hân hoan nên không có hỷ. Do không có hỷ nên không có khinh an. Do không có khinh an nên khổ an trú. Với người đau khổ, tâm không có thể định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, các pháp không hiển lộ. Do các pháp không hiển lộ, người ấy được gọi là người an trú phóng dật.

10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là an trú phóng dật.

11) Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là an trú không phóng dật?

12-14) Ai sống nhiếp hộ nhãn căn, tâm không bị nhiễm ô đối với các sắc do mắt nhận biết. Với người tâm không bị nhiễm ô thời hân hoan sanh. Do có hân hoan nên hỷ sanh. Do có hỷ sanh nên thân được khinh an. Do thân khinh an nên cảm lạc thọ. Với người an lạc, tâm được định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiển lộ. Do các pháp được hiển lộ, người ấy được gọi là người trú không phóng dật... nhĩ căn... tỷ căn...

15-16) ... thiệt căn... thân căn...

17) Ai sống nhiếp hộ ý căn, tâm không bị nhiễm ô đối với các pháp do ý nhận biết. Với người tâm không bị nhiễm ô thời hân hoan sanh. Do có hân hoan nên hỷ sanh. Do có hỷ tâm nên thân được khinh an. Do thân khinh an nên cảm lạc thọ. Với người an lạc, tâm được định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiển lộ. Do các pháp được hiển lộ, người ấy được gọi là người trú không phóng dật.

18) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là trú không phóng dật.

98. V. Nhiếp Hộ (Samvara) (S.iv,79)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông về nhiếp hộ và không nhiếp hộ. Hãy lắng nghe.

3) Và thế nào, này các Tỷ-kheo, là không nhiếp hộ?

4-6) Và này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo hoan hỷ sắc ấy, tán dương và an trú với tâm tham luyến; thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta đã làm thối thất các thiện pháp". Như Lai gọi đây là pháp thối đọa... Có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận thức...

7-8) Có những vị do lưỡi nhận thức... Có những xúc do thân cảm giác...

9) Có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo hoan hỷ pháp ấy, tán dương và an trú với tâm tham luyến; thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta đã làm thối thất các thiện pháp". Và Như Lai gọi đây là thối thất.

10) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là không nhiếp hộ.

11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nhiếp hộ?

12-14) Này các Tỷ-kheo, có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo không hoan hỷ sắc ấy, không tán dương và an trú với tâm không tham luyến; thời này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta không làm thối thất các thiện pháp". Và Như Lai gọi đây là không thối thất... Có những tiếng do tai nhận thức... Có những hương do mũi nhận thức...

15-16) Có những vị do lưỡi nhận thức... Có những xúc do thân cảm giác...

17) Và này các Tỷ-kheo, có những pháp do ý nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Nếu một Tỷ-kheo không hoan hỷ pháp ấy, không tán dương và an trú với tâm không tham luyến; này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy cần phải hiểu rằng: "Ta không làm thối thất các thiện pháp". Và Như Lai gọi đây là không thối thất.

18) Như vậy, này các Tỷ-kheo, là có nhiếp hộ.

99. VI. Thiền Ðịnh (S.iv,80)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo được Thiền định, hiểu rõ như thật.

3) Và hiểu rõ như thật cái gì?

4-8)-- Như thật hiểu rõ mắt là vô thường, như thật hiểu rõ các sắc là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường... tai... mũi... lưỡi... thân...

9) Như thật hiểu rõ ý là vô thường, như thật hiểu rõ các pháp là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên ý xúc, khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường.

10) Này các Tỷ-kheo, hãy tu tập Thiền định. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo được Thiền định, hiểu rõ như thật.

100. VII. Thiền Tịnh (Patisallàna) (S.iv,80)

1) ...

2) -- Này các Tỷ-kheo, hãy hành trì hạnh Thiền tịnh. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Thiền tịnh, hiểu rõ như thật.

3) Và hiểu rõ gì như thật?

4-9) Như thật hiểu rõ mắt là vô thường, như thật hiểu rõ các sắc là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn thức là vô thường, như thật hiểu rõ nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; như thật hiểu rõ cảm thọ ấy là vô thường... tai... lưỡi... thân... ý...

10) Này các Tỷ-kheo, hãy hành trì hạnh Thiền tịnh. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo Thiền tịnh, hiểu rõ như thật.

101. VIII. Không Phải Của Các Ông (S.iv,81)

1) ...

2) -- Cái gì không phải của các Ông, này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc an lạc cho các Ông.

3) Và này các Tỷ-kheo, cái gì không phải của các Ông?

4-6) Mắt, này các Tỷ-kheo, không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các sắc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Nhãn thức không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Nhãn xúc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Phàm duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông... Tai... Mũi...

7-8) ... Lưỡi... Thân...

9) Ý không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các pháp không phải của các Ông. Hãy từ bỏ chúng. Từ bỏ chúng, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Ý thức không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Ý xúc không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa lại hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

10) Ví như, này các Tỷ-kheo, trong rừng Thắng Lâm này có người mang đi, hay mang đốt, hay làm theo những gì người ấy muốn, tất cả cỏ, củi, nhánh cây hay lá, thời các Ông có nghĩ như sau: "Người ấy mang chúng tôi đi, hay đốt chúng tôi, hay làm gì chúng tôi theo ý người ấy muốn"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

-- Vì sao? Vì chúng không phải tự ngã hay không thuộc về tự ngã.

11-16) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, mắt không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho các Ông. Các sắc không phải của các Ông... Nhãn thức không phải của các Ông... Nhãn xúc không phải của các Ông... Do duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy không phải của các Ông. Hãy từ bỏ nó. Từ bỏ nó, sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc cho các Ông.

102. IX. Không Phải Của Các Ông (S.iv,82)

(Như kinh trên từ 2 đến 9, không có ví dụ).

103. X. Uddaka (S.iv,83)

1) ...

2) -- Uddaka Ràmaputta, này các Tỷ-kheo, có nói như sau:

"Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào".

Này các Tỷ-kheo, Uddaka Ràmaputta không phải bậc minh trí, lại tự nói: "Ta là bậc minh trí"; không chiến thắng tất cả, lại nói: "Ta chiến thắng tất cả"; không đào lên khổ căn, lại nói: "Ðã đào lên khổ căn".

3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo nói một cách chân chánh, có thể nói như sau:

Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia, chưa từng đào.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo minh trí (vedagù)? Này các Tỷ-kheo, khi nào một Tỷ-kheo đối với sáu xúc xứ như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo minh trí.

5) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chiến thắng tất cả? Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đối với sáu xúc xứ, sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly, được giải thoát không có chấp thủ; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chiến thắng tất cả.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã đào lên khổ căn trước kia chưa được đào? Mụt nhọt, này các Tỷ-kheo, là một danh từ chỉ cho cái thân do bốn đại tạo thành này, sanh ra từ cha mẹ, do cơm cháo nuôi dưỡng, tự tánh là vô thường, biến hoại, mai một, hủy hoại, hủy diệt. Gốc rễ của mụt nhọt, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với khát ái. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đoạn tận khát ái, chặt đứt đến gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không có thể sanh khởi trong tương lai; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đã đào lên khổ căn từ trước chưa được đào lên.

7) Này các Tỷ-kheo, chính là Uddaka Ràmaputta đã nói lên lời nói như sau:

Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào.

Này các Tỷ-kheo, Uddaka không phải là bậc minh trí, lại tự nói: "Ta là bậc minh trí"; không chiến thắng tất cả, lại nói: "Ta chiến thắng tất cả"; không đào lên khổ căn, lại nói: "Ðã đào lên khổ căn".

8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo nói một cách chân chánh, có thể nói như sau:

Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào.

-ooOoo-

Chương trước | Chương kế


Mục Lục các Tập (Thiên):

01 | 02 | 03 | 04 | 05 | Giới thiệu


[Trở về trang Thư Mục]