Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
Mặt
Hồ Tĩnh Lặng |
Phần I Đạo giản dị Theo truyền thống, Bát Chánh Đạo nói đến tám chi đạo như: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, v. v. Nhưng chân Bát Chánh Đạo ở trong chúng ta là: Hai mắt, hai tai, hai muĩ, một lưỡi và một thân. Tám cửa này là toàn thể Đạo (Con Đường); tâm con người đi trên con đường ấy. Biết những cửa này và quan sát chúng thì tất cả giáo pháp sẽ hiện khởi. Cốt tủy của Đạo rất đơn giản, chẳng cần phải giải thích dông dài: Vất bỏ yêu ghét, thản nhiên trước mọi chuyện xẩy ra. Đó là mục tiêu chính của việc hành thiền. Đừng cố gắng trở thành cái gì. Đừng nhẩy vào bất cứ chuyện gì. Cũng đừng là một thiền sinh. Đừng mong giác ngộ. Lúc ngồi thì hãy ngồi. Khi đi thì hãy đi. Chẳng nắm giữ gì mà cũng không chống đối gì cả. Dĩ nhiên có hàng chục cách Thiền Định và nhiều phương pháp Thiền Minh Sát. Nhưng tất cả đều trở về chỗ: Hãy để mọi sự tự nhiên. Thoát ra ngoài chiến trường, đặt chân đến nơi an lành mát mẻ. Tại sao không thử xem? Bạn dám không? Trung Đạo Đức Phật không muốn chúng ta đi con đường đôi. Một bên là tham ái, chìm đắm, và bên kia là sợ hãi, ghen ghét. Ngài dạy chúng ta hãy tỉnh thức trước mọi lạc thú. Sân hận, sợ hãi, bất mãn không phải là lối đi của thiền sinh. Đó là lối đi của người thế tục. Người an tịnh đi trên Trung Đạo, vất tham ái sang bên trái, và bỏ sợ hãi, ghen ghét sang bên phải. Người nào muốn thực hành, phải theo Trung Đạo: không nghiêng về lạc thú hay đau khổ mà chỉ đặt chúng xuống. Nhưng dĩ nhiên, thoạt đầu hơi khó. Chúng ta bị đá sang hai bên: lúc sang trái, lúc sang phải như quả lắc đồng hồ. Khi Đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên, Ngài đề cập đến hai thái cực, vì đó là nơi cư ngụ của tham ái. Ái dục, hạnh phúc đá sang bên này, đau khổ và bất toại nguyện đá sang bên kia. Cả hai luôn luôn gây phiền lụy và đau khổ. Nhưng khi đi trên Trung Đạo, bạn đặt cả hai xuống. Nếu bạn theo hai thái cực này, bạn sẽ mất hết kiên nhẫn chịu đựng và sẽ bị hất ra ngoài khi luyến ái hay sân hận lôi cuốn bạn. Bạn còn mắc bẫy như vậy bao lâu? Hãy xét xem: Nếu bạn thích một thứ gì đó, bạn sẽ theo sau chúng khi yêu thích phát sinh và dĩ nhiên nó chỉ lôi kéo bạn đi tìm sự đau khổ thôi. Tâm luyến ái thật khôn ngoan và khéo léo. Rồi nó sẽ kéo bạn đi đâu nữa đây? Đức Phật dạy chúng ta hãy vất bỏ mọi thái cực. Đó là con đường thực hành chân chính, dẫn đến nơi thoát khỏi sanh tử. Không có khóai lạc và đau khổ trên đường này, cũng không có thiện và ác, tốt và xấu. Than ôi! Con người đầy ái dục, chỉ muốn tìm khóai lạc, không chịu đi trên con đường của Đấng Đại Giác, con đuờng dành cho người đi tìm chân lý. Dính mắc vào hạnh phúc và đau khổ, tốt và xấu thì không thể đi trên Trung Đạo, không thể trở thành người trí, không thể giải thoát. Con đường của chúng ta rất thẳng, tĩnh lặng và chánh niệm; dù phiền muộn hay phấn khởi nẩy sinh, nó vẫn an tịnh. Nếu tâm bạn được như thế, bạn chẳng cần nhờ ai hướng dẫn. Bạn sẽ thấy rằng, khi tâm không luyến ái, nó sẽ nằm ở trạng thái bình thường. Khi nó bị khuấy động bởi tư tưởng và cảm giác, tiến trình cấu tạo nên tư tưởng sẽ diễn ra và ảo giác thành hình. Hãy học cách nhìn tiến trình này. Khi tâm bị khuấy động, không còn ở trạng thái bình thường, nó sẽ ra khỏi sự thực hành đúng đắn để tiến đến một trong những thái cực của đam mê và ghen ghét, từ đó nó lại càng tạo ra nhiều ảo giác, nhiều tư tưởng hơn nữa. Nếu bạn tiếp tục quan sát tâm, suốt đời chỉ làm vậy thôi, tôi bảo đảm rằng bạn chẳng bao giờ buồn chán. Chấm dứt hoài nghi Nhiều người có trình độ đại học, có bằng cấp tốt nghiệp và thành công trên đường đời, nhưng vẫn cảm thấy cuộc sống của họ thiếu thốn. Dầu có tư tưởng cao xa hay thông minh hoạt bát đến đâu đi nữa, tâm của họ cũng chứa đầy những thứ vô dụng và hoài nghi. Chim kên kên bay cao đấy, nhưng nó ăn những thứ gì? Chân lý là sự hiểu biết vượt ra ngoài tính cách điều kiện, tổng hợp và giới hạn của khoa học thế gian. Dĩ nhiên trí tuệ thế gian có thể dùng vào những mục tiêu tốt đẹp. Nhưng trí tuệ của thế gian có thể đi ngược lại với tôn giáo và giáo dục. Cái hay cái đẹp của trí tuệ siêu thế là có thể sử dụng kỹ thuật của trí tuệ thế gian mà không bị dính mắc vào chúng. Phải học phần căn bản trước. Đó là căn bản đạo đức, giới luật, thấy được sự giả tạm của cuộc sống, thấy được hiện tượng già và chết. Đó là nơi chúng ta bắt đầu. Cũng như trước khi biết đi, bạn phải biết lật, biết bò, rồi biết... lái xe, và sau đó, có thể lái máy bay du hành quanh trái đất. Nghiên cứu sách vở không quan trọng lắm. Dĩ nhiên kinh điển là đúng, nhưng không diễn đạt hết chân lý. Kinh điển chỉ là ngôn từ, chữ viết, mà ngôn từ và chữ viết chỉ có khả năng diễn đạt giới hạn. Chẳng hạn như danh từ "sân hận" không thể diễn tả được trạng thái nóng nảy, giận hờn, cũng như nghe nêu tên một người nào đó, khác với gặp người ấy. Chỉ có kinh nghiệm của chính bạn mới đem lại đức tin thật sự. Có hai loại đức tin. Loại thứ nhất là tin tưởng một cách mù quáng vào Phật, Pháp và vị thầy -- thông thường là người đầu tiên hướng dẫn mình hành thiền hay cho mình xuất gia. Loại thứ hai là Chánh Tín -- đức tin chắc chắn, không lay chuyển, phát sinh từ sự hiểu biết của chính mình. Mặc dầu vẫn còn những phiền não khác cần vượt qua, người thấy một cách rõ ràng sự vật bên trong chính mình, có thể dứt được hoài nghi, đạt được đức tin trong việc thực hành. Bỏ hết ngôn từ sách vở, và tự mình nhận thức Việc thực hành của tôi không đặt nặng ở học hỏi hay nghiên cứu. Tôi lấy những lời dạy của Đức Phật làm căn bản và bắt đầu nghiên cứu tâm mình một cách tự nhiên. Khi thực hành, bạn hãy tự quan sát mình, cứ thế dần dần trí tuệ và tri kiến sẽ tự phát sinh. Nếu bạn ngồi thiền mà muốn được thế này, thế kia thì tốt hơn nên dẹp đi đừng ngồi thiền nữa. Đừng kỳ vọng hay mang thêm một ý tưởng gì vào việc thực hành của bạn. Hãy xếp vào kho mọi ý niệm hay tư kiến của mình. Khi thực hành bạn dẹp bỏ tất cả ngôn từ, biểu tượng, dự định, kế hoạch, v.v. Có thế bạn mới tự mình thấy được chân lý, vì chân lý không ở đâu xa, nó khởi sinh ngay tại đây. Tôi đã học giáo pháp qua kinh điển trong những năm đầu tiên. Lúc ấy, khi có thì giờ tôi thường đến nghe những học giả, những bậc thầy thuyết giảng, cho đến khi sự học hỏi này biến thành chướng ngại nhiều hơn là hỗ trợ, tôi mới ngưng học. Thực ra tôi đã không biết cách nghe giáo pháp, vì tôi không nhìn vào bên trong. Các bậc thiền sư này đã nói đến chân lý bên trong chính mình. Khi thực hành tôi bắt đầu hiểu rõ là nó nằm ngay trong chính tôi. Một thời gian sau, tôi thấy rằng các thiền sư này đã thực sự thấy rõ chân lý, và nếu tôi đi theo con đường của các ngài, tôi sẽ gặp những gì mà các ngài đã nói đến; và lúc đó tôi sẽ có thể nói, "Vâng, các ngài nói đúng. Còn gì nữa đâu?" Khi tôi kiên trì thực hành, tôi thấy quả đúng như vậy. Nếu bạn thích ở trong Giáo Pháp thì hãy xả bỏ, hãy để mọi chuyện diễn biến tự nhiên theo nó. Chỉ thuần học lý thuyết mà không thực hành thì chẳng khác nào "bỏ hình bắt bóng." Không cần học hỏi nghiên cứu nhiều. Nếu bạn dựa vào những điều căn bản và thực hành theo, bạn sẽ tự mình thấy giáo pháp. Tâm lý học Phật Giáo Một hôm có một nữ giảng sư về môn Siêu Hình Phật Giáo đến thăm Ngài Ajahn Chah. Bà giảng sư này dạy định kỳ ở Bangkok về Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) và Tâm Lý Học Phật Giáo. Trong lúc nói chuyện với Ngài Ajahn Chah, bà giải thích cặn kẽ tầm quan trọng của sự hiểu biết Tâm Lý Học Phật Giáo đối với mọi người. Bà cũng cho biết là những học sinh của bà đã gặt hái được nhiều lợi ích khi học hỏi với bà. Bà hỏi Ngài Ajahn Chah có đồng ý với bà về tầm quan trọng của một kiến thức như thế không? Ngài Ajahn Chah gật đầu đồng ý: -- Vâng, rất quan trọng. Hết sức hân hoan, bà hỏi tiếp là Ngài có chịu để cho học trò của Ngài học Vi Diệu Pháp không? -- Vâng, dĩ nhiên. Bà lại hỏi là Ngài muốn học trò Ngài học ở đâu và cuốn sách nào tốt nhất. Ajahn Chah đưa tay chỉ vào quả tim mình, nói: -- Ở đây. Chỉ chỗ này thôi. Học hỏi và kinh nghiệm Chúng ta hãy nói đến sự khác biệt giữa việc Nghiên Cứu Giáo Pháp và Áp Dụng Giáo Pháp Vào Thực Hành. Chân Giáo Pháp phải học hỏi là: Tìm một con đường để thoát khỏi sự bất xứng ý của đời sống và đạt được hạnh phúc, bình an cho chính mình cùng tất cả chúng sinh. Khi tâm an tịnh tức là nó đang ở trong điều kiện bình thường. Khi tâm di động thì tư tưởng hình thành. Hạnh phúc hay đau khổ là một phần của tâm hoạt động này. Bất an và tham ái cũng được hình thành như thế. Nếu bạn không hiểu rõ chuyển động này, bạn sẽ săn đuổi đàng sau tư tưởng hình thành mãi, và trở thành nạn nhân của nó. Thế nên Đức Phật dạy chúng ta hãy quan sát hoạt động của tâm. Theo dõi tâm di chuyển, chúng ta có thể thấy được những đặc tính căn bản của nó. Đó là vô thường, bất toại nguyện và vô ngã. Bạn nên tỉnh thức và quan sát những hiện tượng tâm lý này. Bằng cách này bạn có thể học được tiến trình của nhân duyên. Đức Phật dạy rằng: Vô minh là nhân phát sinh ra hành nghiệp và mọi hiện tượng. Hành nghiệp hay sự "chủ ý" này phát sinh ra Thức và Thức lại là nhân của Thân và Tâm. Đó là tiến trình của Nhân duyên. Khi bắt đầu nghiên cứu Phật Giáo, chúng ta thấy lối dạy theo truyền thống kinh điển đem lại nhiều lợi ích cho chúng ta. Nhưng khi tiến trình đã diễn ra bên trong chúng ta, chúng ta mới thấy rõ tầm quan trọng của sự thực hành. Những kẻ chỉ học pháp học mà không thực hành không thể nào theo kịp sự mau lẹ của tiến trình này. Dĩ nhiên tiến trình của tâm được kinh điển hệ thống hóa và mô tả rõ ràng, nhưng kinh nghiệm vượt ra ngoài sách vở học hỏi. Sách vở không thể cho bạn biết "đây" là kinh nghiệm của si mê phát sinh, "đây" là những cảm giác phát sinh từ tác ý, "đây" là một loại tâm đặc biệt, "đây" là những cảm giác về sự khác biệt của thân và tâm. Cũng như khi bạn trèo cây và bị rơi xuống đất. Bạn không thể nào biết được là bạn đã rơi bao nhiêu thước, bao nhiêu tấc. Bạn chỉ biết bạn rơi xuống đất và thấy đau mà thôi. Không sách vở nào mô tả điều này. Sách vở nghiên cứu Giáo Pháp được hệ thống hóa và làm cho rõ ràng, nhưng thực tế không chỉ đi theo một lối đi đơn giản. Bởi thế, chúng ta phải dùng trí tuệ sâu xa của chúng ta để nghiệm xem cái gì đã khởi sinh trong tâm kẻ giác ngộ. Kẻ giác ngộ hiểu biết qua kinh nghiệm của họ rằng tâm không phải là Ta, của Ta, không phải là Tự Ngã của ta. Khi nói cho chúng ta biết tên của các loại Tâm và Tâm Sở, Đức Phật không muốn chúng ta dính mắc vào ngôn từ. Ngài chỉ muốn chúng ta thấy tất cả đều vô thường, khổ và vô ngã. Ngài dạy hãy buông bỏ tất cả. Khi các pháp phát sinh ra hãy chánh niệm, biết chúng. Tâm thực hiện được sự ghi nhận, giác tỉnh này mới là tâm được huấn luyện đúng cách. Khi Tâm bị khuấy động thì nhiều loại tâm, tâm sở: tư tưởng, phản ứng, v.v., được hình thành và nẩy nở liên tục. Chỉ để chúng thế, tốt cũng như xấu. Đức Phật chỉ dạy đơn giản: "Vất bỏ hết." Nhưng đối với chúng ta thì cần phải nghiên cứu tâm mình để biết làm thế nào để có thể vất bỏ chúng. Nếu nhìn những yếu tố của tâm, chúng ta sẽ thấy tâm đi theo một tiến trình nhân quả tự nhiên: tâm sở như vậy, tâm sinh và diệt như vậy, v.v. Chúng ta có thể thấy ngay trong sự thực hành của chúng ta: Khi chúng ta có Chánh Kiến và Chánh Niệm thì Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, theo sau. Người Giác Ngộ thấy rõ từng yếu tố của Tâm. Người Giác Ngộ chẳng khác nào một ngọn đèn. Nếu có Chánh Kiến, tức là có sự hiểu biết đúng thì tư tưởng và những yếu tố khác cũng đúng, chẳng khác nào khi thắp đèn thì ánh sáng sẽ phát sinh. Nhờ nhìn sự vật với Chánh Niệm, Chánh Kiến sẽ phát triển. Khi quan sát cái mà ta gọi là Tâm, chúng ta chỉ thấy sự kết hợp của các yếu tố tâm khác nhau mà không có Tự Ngã. Vậy thì ta ở đâu? Cảm giác, ký ức, tất cả năm uẩn của Thân và Tâm đang dời chỗ như lá cuốn theo cơn gió... Chúng ta sẽ khám phá ra điều này khi chúng ta hành thiền. Thiền chẳng khác nào một khúc gỗ: Minh sát và suy xét ở một đầu, an tịnh và định tâm ở đầu kia. Nhặt khúc gỗ lên cả hai đầu đều lên cùng một lúc. Đầu nào là Thiền Minh Sát (Thiền quán)? Đầu nào là Thiền Định (Thiền chỉ)? Chỉ có tâm mà thôi! Bạn không thể nào tách rời Định Tâm và Minh Sát. Chúng chẳng khác nào một trái xoài, lúc còn xanh thì chua, rồi chín thì ngọt, nhưng vẫn là trái xoài. Cái này sinh trong cái kia. Không có cái đầu tiên thì không có cái thứ hai. Những từ ngữ như vậy chỉ là sự chế định để thông đạt. Chúng ta đừng dính mắc vào danh từ. Nguồn gốc của chân trí tuệ là thấy những gì ở bên trong chúng ta. Chỉ có loại học hỏi này có điểm cuối và là loại học hỏi về chân giá trị. Sự an tịnh ở giai đoạn đầu tiên của Định Tâm phát sinh từ sự thực hành "Nhất Tâm." Nhưng khi sự an tịnh ra đi, chúng ta lại đau khổ, vì chúng ta đã dính mắc vào nó. Đạt được sự định tâm không phải là điểm cuối vì pháp hành cấu tạo và đau khổ vẫn còn hiện hữu. Thế nên, Đức Phật lấy sự Định Tâm, sự an tịnh này để quán xét thêm nữa. Ngài đi tìm sự thật của vấn đề cho đến khi không còn dính mắc vào sự an tịnh nữa. An tịnh chỉ là một trong vô số những hình thành của tâm, nó chỉ là một chặng trên con đường. Còn dính mắc vào sự an tịnh tức là còn dính mắc vào sự sinh thành và hiện hữu. Bởi vì khi an tịnh chấm dứt, dao động lại bắt đầu khởi lên và bạn sẽ bị dính mắc nhiều hơn nữa. Đức Phật tiếp tục xem xét sự sinh thành và hiện hữu để tìm ra nơi chúng phát sinh. Khi chưa tìm ra được sự thật của vấn đề, Ngài dùng tâm mình quán xét thêm, xem xét mọi yếu tố của tâm, tìm xem chúng đã phát khởi như thế nào. Dầu có an tịnh hay không, Ngài vẫn tiếp tục xem xét cho đến khi Ngài hiểu rõ rằng: tất cả những gì Ngài thấy, tất cả năm uẩn của Thân và Tâm, giống như một thỏi sắt nóng đỏ. Khi thỏi sắt còn đang nóng đỏ, bạn có thể tìm được điểm nguội nào trên đó để sờ tay vào chăng? Năm uẩn cũng như vậy -- nắm chỗ nào cũng bị phỏng cả. Bởi thế, không nên dính mắc, dù đó là sự an tịnh hay định tâm đi nữa. Không nên nói rằng sự bình an tĩnh lặng là "Tôi" hay "Của Tôi". Nghĩ rằng "Tôi" hay "Của Tôi" sẽ phát sinh ảo tưởng đau thương về Tự Ngã -- thế giới của Tham Ái và Si Mê, tức là một miếng sắt nóng đỏ khác. Trong lúc thực hành chúng ta thường có khuynh hướng nắm giữ (chấp thủ), coi những kinh nghiệm đạt được là "Tôi" hay "Của Tôi." Và bạn nghĩ "Tôi an tịnh" hay "Tôi dao động", "Tôi tốt" hay "Tôi xấu", "Tôi hạnh phúc" hay "Tôi đau khổ". Sự dính mắc này là nguyên nhân của "Sinh thành" và "Hiện hữu". Khi hạnh phúc chấm dứt, đau khổ xuất hiện. Khi đau khổ chấm dứt, hạnh phúc xuất hiện. Bạn sẽ thấy chính mình không ngừng phân vân giữa thiên đàng và địa ngục. Đức Phật thấy rõ điều kiện của Tâm là vậy, và Ngài hiểu đó là nguyên nhân sinh thành và hiện hữu. Tâm ở trong điều kiện đó nên sự giải thoát không hoàn thành được. Ngài bèn lấy những kinh nghiệm đó và quán xét chân tướng của chúng: Do có nắm giữ (chấp thủ) nên có Sanh và Tử. Trở nên hân hoan là sanh; trở nên thóai chí là tử. Có chết nên có sống. Sinh và Tử từ thời điểm này đến thời điểm kia, kế tục nhau không dứt, như một guồng bánh xe kéo chỉ quay không ngừng. Đức Phật thấy rõ cái gì do tâm sinh ra cũng đều tạm bợ, là những hiện tượng có nhân duyên, thực sự trống rỗng. Khi ánh sáng trí tuệ này phát sinh, Ngài xả bỏ tất cả, không nắm giữ gì nữa và chấm dứt đau khổ. Bạn cũng vậy, phải hiểu những vấn đề này đúng theo chân lý. Khi hiểu rõ sự vật đúng theo chân tướng của nó, bạn sẽ thấy rằng những yếu tố tạo thành tâm thường đánh lừa bạn. Tâm chẳng có gì cả, không sinh ra cũng không chết đi. Nó tự do, chiếu sáng, chói lọi, rực rỡ, và không gì làm bận rộn nó cả. Tâm trở thành bận rộn chỉ vì nó hiểu sai và bị mê mờ bởi những hiện tượng có điều kiện này -- đó là ý tưởng sai lầm về Tự Ngã. Thế nên, Đức Phật muốn chúng ta nhìn vào tâm mình xem thử lúc đầu có cái gì. Thật ra chẳng có gì cả. Sự trống rỗng này không sinh và diệt theo hiện tượng. Khi chứa đựng điều tốt, nó không trở nên tốt. Khi tiếp xúc việc xấu nó cũng không trở nên xấu. Tâm trong sạch biết những đối tượng này một cách rõ ràng--biết rằng chúng không có bản chất. Khi tâm của thiền sinh an trụ như vậy, sẽ không có hoài nghi nữa: Có trở thành không? Có sinh không? Khỏi cần hỏi ai! Quan sát những yếu tố của Tâm, Đức Phật để chúng tự nhiên và trở thành người tỉnh thức trước chúng. Ngài chỉ nhìn với tâm xả. Những điều kiện dẫn đến Sinh không còn hiện hữu ở Ngài. Với trí tuệ hoàn toàn của Ngài, Ngài gọi chúng là Vô thường, Khổ và Vô ngã. Bởi thế nên Ngài trở thành người hiểu biết chắc chắn. Người hiểu biết chắc chắn hay giác ngộ thấy sự vật theo chân lý, không hạnh phúc hay đau khổ theo những đổi thay của điều kiện. Đó là chân bình an, vô sinh, vô lão, vô bệnh, vô tử, không tùy thuộc vào nhân quả hay điều kiện, vượt ra ngoài hạnh phúc và khổ đau, thiện và ác. Không còn cái gì để nói đến, không còn điều kiện nào để cải thiện nữa. Do đó, hãy phát triển tâm định, an tịnh và minh sát, hãy học cách làm cho nó khởi dậy trong tâm bạn và thật sự dùng nó. Nếu không, bạn chỉ biết Phật giáo qua ngôn ngữ, danh từ. Mặc dầu khi hiểu rành pháp học, bạn có thể đi khắp nơi giảng giải cho mọi người biết giáo pháp, những đặc tính của cuộc đời; bạn có thể thông thái, hoạt bát, nhưng khi sự vật hiện khởi trong tâm, bạn có theo được chúng không? Khi tiếp xúc với vật ưa thích, bạn có tức khắc dính mắc vào nó không? Khi gặp chuyện bực mình, người giác ngộ có giữ sự bực mình trong tâm hay họ để nó ra đi? Nếu bạn thấy những điều bạn không thích mà vẫn nắm giữ hay kết án nó thì bạn nên suy tư như sau: Như vậy không đúng đâu, không cao thượng đâu. Nếu bạn quan sát tâm như vậy, bạn sẽ thật sự hiểu chính mình. Tôi không dùng từ ngữ trong kinh điển để thực hành. Tôi chỉ nhìn vào kẻ giác ngộ. Nếu tôi ghét người nào, tôi hỏi tại sao? Nếu tôi không thương một người nào, tôi hỏi tại sao? Những gì khởi sinh hãy dò đến tận cội nguồn của nó thì bạn có thể giải quyết được vấn đề yêu ghét và khiến chúng để bạn ở yên một mình. Tất cả đều trở về và khởi sinh trong kẻ giác ngộ. Nhưng không phải chỉ nghe suông là đủ đâu, phải liên tục và quyết liệt thực hành mới được. Gà hay trứng? Giáo pháp dạy chúng ta hãy buông bỏ, nhưng thoạt đầu chúng ta tự nhiên bị dính mắc vào phần lý thuyết của giáo pháp. Người trí biết sử dụng lý thuyết làm công cụ để khám phá phần tinh hoa của cuộc sống. Suốt thời gian viếng thăm Anh quốc lần đầu tiên, Ngài Ajahn Chah đã đến giảng dạy cho nhiều nhóm Phật tử. Một buổi tối nọ, sau phần thuyết giảng, Ngài nhận được một câu hỏi từ một mệnh phụ. Bà là người đã nhiều năm nghiên cứu sự phức tạp của tâm theo Vi Diệu Pháp. Bà hỏi ý Ngài có thuận giải thích cho bà một vài điểm khó khăn trong môn học này để bà có thể tiếp tục nghiên cứu một cách dễ dàng hơn không. Thấy bà bị dính mắc vào sự hiểu biết lý thuyết và ngôn từ chế định mà không nhận ra được lợi ích của sự thực hành nơi chính tâm mình, nên Ngài Ajahn Chah trả lời bà một cách trực tiếp và mạnh bạo: -- Bà chẳng khác nào người nuôi gà trong sân, thay vì nhặt trứng bà lại đi quanh sân để nhặt phân gà. Những tên trộm trong tâm bạn Mục đích của thiền là nắm sự vật lên và đưa vào phòng thử nghiệm để rõ thực chất của chúng. Chẳng hạn, khi nhìn hình dáng của một vật, ta thấy nó xinh đẹp, trong khi đó Đức Phật dạy chúng ta: nó là bất tịnh, vô thường, và chất chứa đau khổ. Vậy quan niệm nào đúng theo chân lý? Chúng ta như du khách đến viếng một xứ lạ. Không hiểu ngôn ngữ bản xứ nên chúng ta chẳng thấy thú vị. Nhưng một khi đã học nói, học nghe ta có thể cười và nói đùa với người bản xứ. Quan điểm thông thường cho rằng những yếu tố của đời sống chúng ta, bắt đầu từ cơ thể, là ổn cố. Một đứa bé chơi bong bóng. Quả bóng vướng phải gai hay một vật nhọn, nổ tung; cậu bé khóc lóc tiếc nuối. Một cậu bé khác, khôn ngoan hơn, biết rằng bong bóng rất dễ vỡ nên không buồn rầu khi bong bóng vỡ. Con người đi vào cuộc sống như kẻ mù. Họ quên cái chết như người tham ăn, ngốn vào bụng thật nhiều thức ăn khóai khẩu mà chẳng nghĩ rằng mình phải bài tiết. Đến khi đau bụng, vì không dự liệu trước, nên chẳng biết phải chạy đi đâu. Thế gian đầy hiểm nguy, hiểm nguy từ những yếu tố của cuộc sống, hiểm nguy từ những tên trộm. Trong chùa chiền cũng có những mối hiểm nguy như vậy. Đức Phật dạy chúng ta truy tầm những mối hiểm nguy này và đặt tên "Bhikkhu" cho người xuất gia. Bhikkhu có hai nghĩa: người đi xin, và người thấy được hiểm nguy tham ái trong luân hồi. Chúng sanh đầy tham lam, sân hận, si mê. Bị ba loại phiền não này chế ngự nên họ phải nhận lấy quả, gia tăng thói xấu, tạo thêm nghiệp, và lại bị ngã quỵ trước phiền não. Tại sao không thể loại bỏ tham, sân, si ? Nếu bạn có tư tưởng xấu, bạn sẽ đau khổ. Nếu bạn có sự hiểu biết đúng, bạn có thể chấm dứt đau khổ. Phải biết hiệu lực và sự tác động của nghiệp, của nhân và quả. Dính mắc vào khóai lạc sẽ nhận lấy quả khổ. Ăn quá độ thức ăn ngon thì dạ dày và ruột sẽ phản ứng và bạn sẽ nhận lấy hậu quả sau đó. Bạn vui mừng khi lấy trộm của ai vật gì; nhưng sau đó cảnh sát sẽ còng tay bạn. Khi quan sát theo dõi, bạn sẽ biết cách hành động, sẽ biết cách chấm dứt sự nắm giữ và phiền muộn. Đức Phật thấy được điều này nên cương quyết thoát khỏi mọi hiểm nguy thực sự của thế gian. Muốn thoát khỏi mối nguy hiểm của thế gian này, phải chế ngự những mối hiểm nguy bên trong chúng ta. Hiểm nguy bên ngoài không đáng sợ bằng hiểm nguy bên trong. Những hiểm nguy bên trong gồm: Gió, Lửa, Nước, và Những Tên Trộm. Gió: Gió đến từ giác quan của chúng ta, thúc ép tham lam, sân hận và si mê khởi dậy, hủy diệt phần bên trong tốt đẹp của chúng ta. Thông thường chúng ta chỉ thấy gió khi gió thổi lá cây, không thấy được gió của giác quan. Gió giác quan này nếu không được theo dõi sẽ gây ra bão tố tham muốn. Lửa: Chùa chúng ta có thể chẳng bao giờ bị hỏa hoạn. Nhưng tham lam, sân hận, si mê đốt cháy chúng ta luôn khi. Tham ái và sân hận khiến chúng ta có ngôn ngữ sai lầm. Si mê khiến chúng ta thấy thiện ra ác, ác ra thiện, xấu thành tốt, không có giá trị thành có giá trị. Những người không hành thiền thì không thấy được nên bị lửa đốt cháy. Nước: Mối hiểm nguy ở đây là lũ lụt phiền não trong tâm chúng ta, nhận chìm bản tính thực sự của chúng ta. Trộm: Những tên trộm chính tông không ở ngoài chúng ta. Chùa chúng ta trong vòng hai mươi năm nay chỉ bị trộm một lần. Nhưng năm nhóm đạo chích của tham ái, ngũ uẩn, đã luôn luôn trộm cắp, đánh đập ta, hành hạ ta đủ điều. Năm uẩn này gồm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành và Thức. 1. Sắc: (hay Thân) là mồi của bệnh hoạn và đau nhức. Khi nó không hợp với ý muốn của chúng ta, chúng ta sẽ sân hận và phiền muộn. Không hiểu được bản chất già và bản chất suy tàn của cơ thể nên chúng ta bị đau khổ. Chúng ta cảm thấy bị lôi cuốn bởi cơ thể kẻ khác hay có ác cảm với cơ thể của họ là ta đã bị cướp mất sự an lạc thật sự. 2. Thọ: (hay Cảm giác) Khi đau nhức hay thích thú phát sinh, chúng ta quên rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Chúng ta đồng hóa mình với những xúc động của mình và như vậy là chúng ta bị hành hạ bởi sự hiểu biết sai lầm của chúng ta. 3. Tưởng: (hay Trí nhớ, tri giác) Đồng hóa mình với những gì mình ý thức và nhớ tưởng đến chuyện đã qua khiến tham, sân, si phát sinh. Sự hiểu biết sai lầm của chúng ta trở thành thói quen chất chứa tiềm thức chúng ta. 4. Hành: (tác ý, chú ý và những yếu tố khác của tâm) Không hiểu rõ bản chất của các trạng thái tâm (tâm, sở), chúng ta phản ứng, suy nghĩ và cảm giác, yêu ghét, hạnh phúc và phiền muộn phát sinh. Quên rằng chúng là vô thường, khổ và vô ngã nên chúng ta mắc vào chúng. 5. Thức: Chúng ta chấp giữ các hiểu biết về bốn uẩn kia. Chúng ta nghĩ rằng: "Tôi biết, tôi là, tôi cảm thấy" và bị giới hạn bởi ảo tưởng về tự ngã, về sự phân ly giữa năm uẩn cho rằng Thức chính là Tự Ngã. Tất cả những tên trộm ấy -- sự hiểu biết sai lầm -- đưa ta đến hành động sai lầm. Đức Phật không có ham muốn điều này. Ngài thấy không thể tìm được chân hạnh phúc ở đây. Thế nên Ngài đã ban danh từ "Bhikkhu" cho những ai thấy được mối hiểm nguy và tìm đường tránh thoát. Đức Phật dạy chư tăng bản chất của năm uẩn và cách buông bỏ chúng. Không dính mắc vào chúng, không xem chúng là ta hay của ta. Khi hiểu bản chất của chúng, chúng ta sẽ thấy chúng có tiềm năng làm hại lớn lao, có giá trị lớn lao. Chúng không biến mất, nhưng chúng ta không còn nắm giữ chúng như của riêng của mình nữa. Sau khi thành đạo, Đức Phật vẫn còn có thân, bệnh, có cảm giác đau khổ hay khóai lạc, có trí nhớ, có suy nghĩ, có tâm. Nhưng Ngài không dính mắc vào chúng, không xem chúng là tự ngã, là ta, là của ta. Ngài biết, Ngài hiểu chúng theo đúng bản chất của chúng. Cái hiểu biết đó cũng không phải là ta, là tự ngã. Tách rời ngũ uẩn khỏi phiền não và tham ái chẳng khác nào phát quang những buị cây nhỏ trong rừng mà không làm hại đến cây lớn. Chỉ có sự sinh và diệt tồn tại, phiền não không còn chỗ đứng. Chúng ta sinh ra và chết đi với ngũ uẩn. Ngũ uẩn đến và đi theo bản chất tự nhiên của chúng. Khi có ai nguyền rủa ta, và nếu ta không có cảm giác về tự ngã, thì chuyện xẩy ra chấm dứt theo với lời nói và ta không đau khổ. Nếu cảm giác không vừa lòng phát sinh, hãy chấm dứt chúng ngay tại chỗ và hiểu rằng cảm giác không phải là chúng ta. "Nó hại tôi, nó quấy rầy tôi, nó là kẻ thù của tôi," một vị tỳ khưu không nghĩ như thế. Vị tỳ khưu cũng không nắm giữ sự kiêu căng hay ngã mạn. Nếu chúng ta không đứng trong tầm đạn, chúng ta sẽ không bị bắn. Nếu thư không có người nhận thì sẽ được trả lại người gởi. Thong thả đi vào cuộc đời không bị dính mắc vào việc đánh giá các việc xẩy ra, thầy tỳ khưu an nhiên tự tại. Đó là con đường Niết Bàn, trống rỗng và giải thoát. Theo dõi năm uẩn và làm sạch khu rừng, bạn sẽ là một người khác hẳn trước đây. Rất ít người hiểu được sự trống rỗng và thực hành theo, nhưng ai làm được điều này sẽ có niềm vui lớn lao. Tại sao không thử xem? Bạn có thể trừ khử những tên trộm trong tâm và xếp đặt mọi chuyện hoàn hảo mà! Người phát triển chánh kiến bằng cách nhìn mọi vật dưới ánh sáng vô thường, khổ và vô ngã, sẽ chấm dứt được luyến ái và mê lầm. Không luyến ái không có nghĩa là ghét bỏ. Ghét bỏ thứ gì mà bạn đã có và ưa thích trước đây thì chỉ là sự ghét bỏ tạm thời, vì sự luyến ái sẽ trở về với bạn. Không phải chúng ta đi tìm một cuộc sống khóai lạc, nhưng đi tìm sự bình an. Bình an nằm ngay trong chúng ta, được tìm thấy cùng chỗ với dao động và đau khổ. Không thể tìm thấy bình an trong rừng sâu hay trên đồi cao. Bình an cũng không thể được ban phát bởi một vị thầy quyền uy tối thượng. Chỗ bạn bị đau khổ, bạn có thể tìm ra con đường để thoát khỏi khổ đau. Cố gắng trốn chạy đau khổ, thấy nguyên nhân của nó và chấm dứt nó ngay bây giờ tốt hơn là chỉ đương đầu với kết quả của nó. Bỏ đói phiền não Những người mới bắt đầu hành thiền thường phân vân không biết hành thiền là gì. Hành thiền là cố gắng đối diện với phiền não, không nuôi dưỡng thói quen cũ. Nơi nào bất hòa và khó khăn, nơi đó là chỗ để hành thiền. Khi hái nấm về ăn, không phải đụng thứ nấm nào bạn cũng hái. Phải hiểu loại nào ăn được, loại nào là nấm độc. Việc hành thiền cũng vậy, chúng ta phải biết mối nguy hiểm phải đương đầu khi hành thiền là phiền não. Phiền não chẳng khác nào rắn độc, phải biết nó để tránh nó. Phiền não -- tham, sân, si -- nằm ở gốc rễ của sự đau khổ và tâm ích kỷ. Chúng ta phải học cách chế ngự chúng, chiến thắng và thoát khỏi sự kiểm soát và điều khiển của chúng, để làm chủ tâm mình. Dĩ nhiên cuộc chiến đấu này thật khó khăn. Khó khăn như phải xa rời người bạn thân đã sống với nhau từ thời thơ ấu. Phiền não chẳng khác nào một con mèo. Nếu cho nó ăn, nó sẽ quanh quẩn bên ta. Đừng cho nó ăn, nó sẽ không quấy rầy nữa. Lúc mới bắt đầu hành thiền không thể nào tránh khỏi nóng nực và buồn chán. Nhưng hãy nhớ rằng chỉ có phiền não nóng. Nhiều người nghĩ: "Tôi chưa bao giờ gặp phải sự khó khăn như vầy trước đây. Chắc có cái gì xẩy ra đây?" Chuyện này chẳng có gì lạ, vì trước đây khi nuôi dưỡng phiền não, bạn đã đối xử nhẹ nhàng với chúng, vuốt ve, nuông chiều chúng. Như người bị thương bên trong mà chỉ đắp thuốc bên ngoài nên chẳng có cảm giác gì. Bây giờ mổ ra để trị tận gốc thì chắc chắn không tránh khỏi đau đớn. Muốn đề kháng lại phiền não thì bạn đừng cho chúng ăn, ngủ theo ý muốn của chúng. Nhiều người cho làm như thế là tự hành hạ mình thái quá. Nhưng đó là điều cần thiết để có sức mạnh bên trong. Bạn phải tự mình ý thức về mình. Luôn luôn theo dõi tâm, bạn có thể nghĩ rằng bạn chỉ nhìn vào kết quả mà không biết đến nguyên nhân. Giả sử cha mẹ có một đứa con, lớn lên nó không biết kính trọng cha mẹ. Cha mẹ rất đau buồn và tự hỏi, "Không biết thằng này từ đâu đến đây?" Thực ra, đau khổ của chúng ta đến từ sự hiểu biết sai lầm, từ sự dính mắc vào những hoạt động của tâm. Chúng ta phải huấn luyện tâm như huấn luyện một con trâu. Trâu là tư tưởng của chúng ta, và người chăn trâu là thiền sinh. Nuôi trâu và huấn luyện trâu là hành thiền. Với một con trâu được huấn luyện thuần thục, chúng ta có thể thấy chân lý, chúng ta có thể hiểu nguyên nhân của "tự ngã" của chúng ta và chỗ chấm dứt của nó, chỗ chấm dứt mọi sầu muộn. Nó không phức tạp đâu! Mọi người đều có phiền não trong lúc hành thiền. Chúng ta phải hiểu chúng. Chiến đấu với chúng khi chúng hiện khởi. Đây không phải là chuyện suy nghĩ mà là chuyện thực hành. Cần phải có nhiều kiên nhẫn. Dần dần chúng ta sẽ thay đổi lối suy nghĩ và cảm giác theo thói quen của chúng ta. Chúng ta sẽ thấy biết bao đau khổ sinh ra khi chúng ta nghĩ đến danh từ Ta và Của Ta. Lúc ấy chúng ta sẽ không còn chấp nữa. Hạnh phúc và Đau khổ Một thanh niên Tây phương vừa mới đến một trong những tu viện trong rừng của Ngài Ajahn Chah xin ở lại hành thiền. Câu trả lời đầu tiên của Ngài là: -- Tôi hy vọng anh không sợ đau khổ. Hơi bất ngờ và sửng sốt một chút trước câu nói, chàng thanh niên giải thích rằng anh ta không phải đến đây để đau khổ mà muốn đến đây để học thiền và sống trong yên tĩnh trong rừng. Ajahn Chah giải thích: -- Có hai loại đau khổ: đau khổ dẫn đến đau khổ hơn, và đau khổ dẫn đến chấm dứt đau khổ. Nếu anh không muốn gặp loại đau khổ thứ hai thì anh chắc chắn sẽ gặp loại đau khổ đầu tiên. Lối dạy của Ajahn Chah thường thẳng thắn và trực tiếp. Khi gặp các vị sư học trò của Ngài trong khuôn viên thiền viện, Ngài thường hỏi, "Hôm nay sư có đau khổ nhiều không?" Nếu có vị sư nào trả lời "Có," Ngài sẽ nói, "Tốt lắm, sư phải mừng và mong muốn được như ngày hôm nay" và Ngài cười với nhà sư về chuyện này. Bạn đã từng có hạnh phúc chưa? Bạn đã từng gặp đau khổ chưa? Bạn có từng xét xem hai loại trên, loại nào thực sự có giá trị hơn chưa? Nếu đúng là hạnh phúc thì nó sẽ không bao giờ mất. Có thể như vậy được không? Bạn phải nghiên cứu điểm này để thấy sự chân xác và thực tế. Sự nghiên cứu này, sự hành thiền này dẫn đến Chánh Kiến. Tâm phân biệt Nghĩa rốt ráo của Chánh Kiến là không phân biệt. Thấy mọi người như nhau, không tốt cũng không xấu, không thông minh cũng không ngu dốt. Đừng nghĩ rằng mật ong ngọt và tốt, còn một số thực phẩm khác thì đắng và xấu. Mặc dầu bạn có thể ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau, nhưng khi cơ thể hấp thụ và bài tiết ra ngoài chúng đều giống nhau. Một cái ly được xem là lớn khi so sánh với một cái chén nhỏ. Nhưng khi đặt cạnh cái bình thì ly không còn lớn nữa. Tâm phân biệt phát xuất từ tham muốn và si mê, nó nhuộm màu mọi vật bằng lối này. Đó là thế giới do chính chúng ta tạo ra. Như vậy cái ly vốn không lớn không nhỏ. Cảm thấy lớn hay nhỏ do tâm phân biệt của chúng ta. Chúng ta dùng tham ái và si mê để so sánh với cái khác nên có sự phân biệt lớn nhỏ. Luôn luôn có sự bất đồng trên thế giới này. Xem xét sự bất đồng của chúng, đồng thời tìm hiểu luôn sự tương đồng nữa. Những người đến đây khác biệt nhau về văn hóa và ngôn ngữ. Nhưng đừng nghĩ rằng: "Đây là người Thái, đây là người Lào, đây là người Tây phương." Hãy có sự hiểu biết hỗ tương và tôn trọng lối sống của nhau. Học thấy những điểm tương đồng bên trong mọi vật, tất cả đều thật sự tương đồng, đều trống rỗng. Khi đã học được, biết được sự tương đồng bên trong mọi vật, lúc bấy giờ bạn sẽ biết cách cư xử và đối diện với những bất đồng bên ngoài một cách khôn ngoan và hiểu biết. Nhưng cũng đừng dính mắc với sự tương đồng nữa. Tại sao đường thì ngọt mà nước lã thì chẳng có vị gì cả? Bởi vì bản chất của chúng là vậy. Suy nghĩ hay tĩnh lặng, đau khổ hay khoái lạc cũng thế -- muốn đừng suy nghĩ nữa là một chuyện sai lầm. Đôi lúc suy nghĩ, đôi lúc yên tịnh. Chúng ta phải thấy cả hai đều có cùng bản chất vô thường, bất toại nguyện và đều không đem lại hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng nếu chúng ta băn khoăn lo lắng và suy nghĩ xa hơn: "Tôi đau khổ, tôi muốn không suy nghĩ," thì chúng ta đã làm mọi chuyện trở nên phức tạp bởi quan kiến sai lầm của mình. Vào lúc chúng ta cảm thấy suy nghĩ là đau khổ, chẳng khác nào chúng ta đang bị cướp. Chúng ta phải làm thế nào để chấm dứt sự suy nghĩ đây? Ban ngày, trời sáng. Ban đêm, trời tối. Phải chăng đau khổ nằm trong sự sáng hay tối này? Chỉ khi chúng ta so sánh sự vật hiện tại với những gì mà ta đã gặp trước đây, hoặc chúng ta mong mỏi chúng xẩy ra trong chiều hướng mà chúng ta mong đợi, chúng ta mới đau khổ. Một cách rốt ráo thì sự vật là như vậy, như vậy -- chỉ vì chúng ta so sánh nên mới nhận lấy đau khổ. Khi thấy Tâm làm việc, bạn có xem nó là chính bạn hay là cái của bạn không? Bạn sẽ trả lời: "Tôi không biết nó có phải là tôi hay của tôi không, nhưng chắc chắn là tôi không kiểm soát được nó." Nó như một con khỉ nhẩy nhót vô ý thức. Nó chạy lên lầu, thấy chán nó lại chạy xuống lầu; mệt mỏi, đi xem chớp bóng, lại chán nữa; đi ăn, cũng chán nữa. Những hành động này được điều khiển bởi những hình thức khác nhau của chán ghét và sợ hãi. Bạn phải học cách kiểm soát. Đừng lo cho con khỉ nữa mà hãy lo cho chân lý của cuộc sống. Hãy nhìn bản chất thật sự của tâm: vô thường, bất toại nguyện và trống rỗng. Phải học cách làm chủ nó. Nếu cần thì xích nó lại. Hãy để nó tự làm mệt nhoài rồi chết. Thế rồi, bạn có con khỉ chết. Hãy để cho xác khỉ chết thối rữa ra, bạn sẽ có xương khỉ. Giác ngộ không có nghĩa là chết và bất động như một pho tượng Phật. Người giác ngộ cũng suy nghĩ, nhưng biết tiến trình suy nghĩ đó là vô thường, bất toại nguyện, và không có tự ngã. Người hành thiền sẽ thấy những điều này một cách rõ ràng. Chúng ta cần phải truy tầm đau khổ và chận đứng nguyên nhân gây ra khổ đau. Nếu không thấy được điều đó thì trí tuệ sẽ không bao giờ nẩy sinh. Không nên đoán mò mà phải thấy sự vật một cách rõ ràng và chính xác, đúng theo thực tướng của nó -- cảm giác chỉ là cảm giác; suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Đó là cách thức chấm dứt mọi vấn đề của chúng ta. Chúng ta có thể xem tâm như một đóa sen. Một số sen vẫn còn nằm trong bùn; một số vượt ra khỏi bùn nhưng vẫn còn ở dưới mặt nước; một số khác đã vươn đến mặt nước; và một số khác nữa đã nở rộ và toả hương thơm dưới ánh nắng mặt trời. Bạn muốn mình là loại hoa nào đây? Nếu bạn thấy mình còn nằm dưới mặt nước thì phải coi chừng lũ cá và bày rùa! Theo thầy Muốn hành thiền tiến bộ, bạn phải có một vị thầy để dạy dỗ và hướng dẫn bạn. Có nhiều hiểu biết sai lầm về sự tập trung tâm ý, nhiều hiện tượng bất thường sẽ xẩy ra trong lúc bạn hành thiền. Lúc chúng xẩy ra, vị thầy sẽ kịp thời hướng dẫn và đặc biệt điều chỉnh những sai lầm của bạn. Những điểm thầy sửa chữa thường là những điểm mà bạn đinh ninh là mình đúng. Trong những tư tưởng phức tạp của bạn, một quan điểm phát sinh có thể đối nghịch với những quan điểm khác làm bạn bối rối. Kính trọng thầy và tuân theo những qui định và hệ thống mà thầy đã đưa ra. Thầy dạy làm gì phải làm theo. Thầy khuyên không nên làm điều gì phải nghe theo lời thầy. Những lời thầy dạy thường giúp bạn tinh tấn khiến tri kiến phát khởi trong tâm bạn. Nếu bạn làm đúng theo lời khuyên của tôi, bạn sẽ thấy và hiểu rõ. Vị chân sư thường chỉ dạy những cách hành thiền khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực của bạn để loại bỏ tự ngã. Dầu có gì xẩy ra cũng đừng bỏ thầy. Hãy để thầy hướng dẫn vì bạn rất dễ quên đường thực hành. Than ôi, rất ít người nghiên cứu Phật giáo thật sự muốn hành thiền. Tôi khẩn khoản khuyên họ hành thiền, nhưng họ chỉ có thể học hỏi nghiên cứu theo lối thuần lý mà thôi. Cái gì còn mới thì đều tốt đẹp Ngài Ajahn Chah đến thăm một trung tâm thiền ở Hoa kỳ. Các thiền sinh ở đây rất hân hoan thích thú trước những lời dạy của Ngài. Ngài dùng lời lẽ rõ ràng, trực tiếp, dí dỏm và đầy tình thương khi đề cập đến sự luyến ái và nỗi sợ hãi của con người. Còn gì sung sướng và thích thú hơn khi được một vị thiền sư tài ba và nổi tiếng như Ngài Ajahn Chah đến thăm. Được thưởng thức những câu chuyện ý nhị, được nhìn những nhà sư với chiếc y vàng khiêm nhường, được nghe giáo pháp qua lối diễn đạt mới mẻ nên các thiền sinh rất thích thú yêu cầu Ngài: -- Xin Ngài hãy ở lại đây thêm một thời gian, đừng về sớm như chương trình đã định. Chúng tôi rất sung sướng được học hỏi với Ngài. Ngài cười nói: -- Cái gì mới thì đều tốt đẹp. Nhưng nếu tôi ở đây dạy các bạn và bắt các bạn thực hành, các bạn sẽ mệt mỏi vì chán tôi. Phải vậy không? Việc thực hành của các bạn sẽ ra sao khi niềm hân hoan phấn khởi tan biến? Chẳng bao lâu các bạn sẽ ngấy tôi thôi. Làm thế nào để tâm bất an và tâm mong mỏi này chấm dứt? Ai có thể dạy bạn điều này? Bạn chỉ có thể học từ nơi Chân Pháp mà thôi. Hãy để cho cây mọc tự nhiên Đức Phật dạy rằng sự vật diễn biến theo đường lối riêng của nó. Một khi bạn đã làm điều gì, bạn chẳng cần phải nhọc công theo dõi kết quả của nó, hãy phó mặc cho thiên nhiên, để cho nghiệp lực tự vận hành và tích lũy. Nỗ lực tinh tấn không ngừng, đó là việc của bạn. Còn chuyện trí tuệ đến nhanh hay chậm chẳng cần để ý làm gì. Bạn không thể thúc ép nó được. Chẳng khác nào khi trồng cây bạn không thể thúc ép cây mọc nhanh hơn. Cây có bước tiến của nó. Nhiệm vụ của bạn là đào lỗ, trồng cây, tưới nước, bón phân, trừ sâu, v. v. Nhưng cây mọc thế nào là chuyện của cây. Việc hành thiền của bạn cũng vậy. Bạn hãy vững tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp: cây của bạn sẽ mọc tốt. Thế nên bạn phải biết việc làm của bạn khác với việc làm của cây. Hãy để cho cây lo cho cây và bạn làm bổn phận của bạn. Nếu tâm không biết làm việc gì nó cần phải làm thì nó sẽ thúc ép cây mọc nhanh, đơm hoa kết trái trong vòng một ngày. Đó là quan kiến sai lầm, nguyên nhân của đau khổ. Cứ hành thiền đúng và để phần còn lại cho nghiệp lực của bạn. Và, dầu cho nó có trải qua một đời, trăm đời hay ngàn đời đi nữa cũng chẳng ăn nhằm gì, việc hành thiền của bạn sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp. Tại sao phải hành thiền? Một nhóm người hành hương đến thăm Ngài Ajahn Chah, hỏi Ngài ba câu hỏi lớn: 1. Tại sao Ngài hành thiền? 2. Ngài hành thiền như thế nào? 3. Kết quả việc hành thiền của Ngài ra sao? Nhóm người hành hương này là những vị đại diện cho một tổ chức tôn giáo Âu Châu đã đến gặp nhiều thiền sư ở Á Châu để hỏi những câu hỏi trên. Nghe ba câu hỏi này, Ngài Ajahn Chah nhắm mắt, trầm ngâm một lát, rồi trả lời bằng cách hỏi lại ba câu hỏi khác: 1. Tại sao quí vị ăn? 2. Quí vị ăn như thế nào? 3. Sau khi ăn xong quí vị cảm thấy ra sao? Nói xong Ngài cười. Về sau Ngài giải thích rằng: Những lời dạy của Đức Phật nhằm mục đích hướng dẫn mọi người hãy trở về với Trí Tuệ nội tại của mình, trở về với Giáo Pháp tự nhiên của mình. Bởi thế nên Ngài muốn nhắc nhở những vị hành hương này không cần phải đi khắp Á Châu tìm kiếm lời giải đáp mà hãy trở về tìm hiểu phần bên trong của mình. Thiền trong mọi tác động Chánh tinh tấn không phải là cố gắng làm cho một điều gì đặc biệt phát sinh. Đó là cố gắng ý thức và tỉnh thức trong mọi lúc, cố gắng chế ngự sự lười biếng và phiền não, cố gắng thực hiện trong tỉnh thức mọi tác động hàng ngày của chúng ta. Giữ rắn trong tay Ngài Ajahn Chah nói với một nhà sư mới: -- Việc hành thiền ở đây là không nắm giữ một thứ gì. Nhà sư mới phát biểu: -- Nhưng có vài thứ đôi khi cần nắm giữ chứ! Ngài trả lời: -- Đúng thế, nhưng bằng tay chứ không phải bằng tâm. Khi tâm nắm giữ sự đau khổ thì chẳng khác nào bị rắn cắn. Và thích thú nắm giữ cái gì với tâm tham ái chẳng khác nào nắm lấy đuôi rắn: ta chỉ nắm được một thời gian ngắn thôi, vì sau đó không lâu, rắn sẽ quay đầu lại cắn ta. Lấy chánh niệm và không luyến ái làm người canh giữ tâm mình, như cha mẹ giữ con cái. Rồi thì yêu và ghét sẽ đến gọi tâm bạn như con cái đến gọi cha mẹ: "Má ơi! Con không thích cái này!" "Ba ơi! Con muốn nhiều hơn," "Được!" "Nhưng má ơi! Con thích có một con voi!" "Được!" "Con muốn ăn kẹo! Con muốn đi máy bay!" Tất cả đều chẳng có gì quan trọng nếu bạn để cho mọi sự vật đến và đi, một cách tự nhiên mà không nắm giữ. Khi giác quan tiếp xúc với sự vật thì yêu và ghét phát sinh, và si mê đi liền theo đó. Nhưng với chánh niệm thì cũng với sự tiếp xúc đó, nhưng trí tuệ phát sinh. Khi bạn bị bắt buộc phải có mặt tại một nơi có nhiều chuyện quấy rầy giác quan bạn, bạn đừng ngại, hãy tự nhiên, vì Giác Ngộ không có nghĩa là điếc và mù. Chỉ cần chú tâm chánh niệm là đủ. Đừng khờ dại nghe theo kẻ khác một cách mù quáng. Khi nghe ai nói "Cái này đẹp," hãy tự nhủ "Không phải thế." Khi nghe ai nói "Cái này tuyệt diệu," hãy tự nhủ "Không phải thế." Đừng để dính mắc vào tham ái của thế gian. Đừng để dính mắc vào những phán đoán của thiên hạ. Hãy để mọi chuyện trôi qua một cách tự nhiên. Một số người sợ sự bố thí. Họ cảm thấy sẽ bị bóc lột hay bị áp chế khi phải cho ai một cái gì. Họ nghĩ họ cần phải lo cho chính họ. Muốn phát triển tâm bố thí, chúng ta cần phải đè nén tính tham ái và dính mắc. Nhờ thế bản chất thực sự của chúng ta sẽ tự hiển lộ, trở nên nhẹ nhàng hơn và giải thoát hơn. Giới hạnh Có hai trình độ thực hành giáo pháp. Gìn giữ giới luật là phần căn bản đầu tiên. Giới luật đem lại hạnh phúc, thoải mái và hòa hợp. Thứ đến -- tích cực hơn, không liên quan đến sự thoải mái -- đó là thực hành giáo pháp của Đức Phật để tỉnh thức và giải thoát tâm mình ra khỏi mọi ràng buộc. Những lời giáo huấn của Đức Phật đều nhắm đến mục tiêu này. Muốn thực hành đúng đắn giáo pháp của Đức Phật, phải hiểu rõ giới luật và pháp hành. Giới hạnh là cha mẹ của giáo pháp nẩy nở trong chúng ta. Giới hạnh cung cấp thức ăn bổ dưỡng và chỉ cho chúng ta hướng đi đích thực. Giới hạnh là điều kiện căn bản để tạo nên một thế giới hài hòa, trong đó con người thực sự sống như một con người, chứ không phải như loài cầm thú. Giữ giới luật là điều chính yếu trong việc hành thiền. Giới rất đơn giản. Chỉ có năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không dùng chất say làm mất chánh niệm. Suốt đời trau giồi tâm nhân ái, trọng tha nhân. Thận trọng trong ngôn ngữ và hành động, đó là của cải của bạn. Nếu dùng giới luật làm căn bản cho mọi hành động, tâm bạn sẽ hiền hòa, trong sáng và yên tĩnh. Thiền sẽ dễ dàng phát triển trên mảnh đất này. Đức Phật dạy: "Làm điều lành, lánh xa điều ác, giữ tâm trong sạch." Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy: "Lánh xa điều xấu và giữ gìn điều tốt." Những điều xấu xa có còn tồn tại trong tâm bạn không? Dĩ nhiên là còn! Tại sao không quét dọn nhà cửa sạch sẽ? Trong việc thực hành đúng đắn, làm điều lành lánh xa điều ác là một việc tốt, nhưng nó có hạn chế, vì cuối cùng chúng ta phải bước qua cái tốt lẫn cái xấu. Giải thoát bao gồm tất cả và không dính mắc gì cả. Từ sự không dính mắc này, tình thương và trí tuệ lưu chuyển một cách tự nhiên. Chánh tinh tấn và trí tuệ không phải là vấn đề bên ngoài mà là sự bền tâm tỉnh thức và tự chế bên trong. Như vậy, sự bố thí, nếu làm với ý tốt có thể đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng đức hạnh phải là gốc rễ thì lòng từ thiện này mới hoàn toàn trong sáng. Người không hiểu giáo pháp, khi làm điều gì sai quấy, thường nhìn trước nhìn sau xem thử có ai thấy không. Thật khờ dại làm sao! Phật, Pháp và Nghiệp luôn luôn theo dõi họ. Bạn có nghĩ rằng Đức Phật không thể thấy xa như vậy chăng? Không có gì kín đáo trên cõi đời này! Săn sóc và giữ gìn giới luật như người làm vườn săn sóc giữ gìn cấy cối. Không bị dính mắc vào cây lớn, cây nhỏ, cây quan trọng và cây không quan trọng. Một số người muốn đi đường tắt -- họ nói "Bỏ qua Thiền Định, ta đi ngay vô Thiền Quán; bỏ qua giới luật, ta đi ngay vào Thiền Định." Chúng ta có nhiều lý do để bào chữa cho lòng tham ái của chúng ta. Chúng ta phải bắt đầu ngay nơi chúng ta hiện đang có mặt, trực tiếp và đơn giản. Hai bước đầu tiên là hoàn thành giới luật và chánh kiến. Rồi bước thứ ba là nhổ gốc rễ phiền não, sẽ tự nhiên xuất hiện. Cũng như lúc đèn được thắp lên, chúng ta chẳng cần phải lo lắng đến việc xóa tan bóng tối. Chẳng cần thắc mắc bóng tối đã đi phương nào. Chúng ta chỉ biết có ánh sáng. Có ba mức độ giữ giới. Đầu tiên là thọ giới từ vị thầy. Thứ đến là giữ giới và sống trong giới. Ở mức cao nhất, cỡ các bậc thánh nhân, các Ngài chẳng cần nghĩ đến giới luật, đến đúng sai. Chân giới đến từ trí tuệ, hiểu thấu đáo Tứ Diệu Đế. Hành động của các Ngài phát xuất một cách tự nhiên từ sự chứng ngộ này. |
[Ðầu trang][ Trở về Mục Lục][Trở về trang Thư Viện]
updated: 2007