Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
Tác giả:
Minh Đức Triều Tâm Ảnh |
NHIẾP HÓA ANH EM ĐẠO SĨ KASSAPA Dòng
họ Kassapa có ba anh em cùng xuất gia theo giáo phái truyền thống. Họ để
tóc dài, thắt lại thành bím, tu khổ hạnh (jaṭila) và thờ thần lửa (thần
Agni). Đều là trí thức, tu tập nghiêm túc được nhiều người kỉnh mộ nên
họ được nổi tiếng nhiều phương, ai cũng có nhiều học chúng đệ tử. Người anh
trưởng vì ở trong khu rừng thuộc tụ lạc Uruvelā (Ưu-lâu-tần-loa) nên gọi
là Uruvelā-Kassapa, ông có năm trăm đệ tử. Vị kế dựng đạo tràng ở ven
sông (nadī) nên gọi là Nadī-Kassapa, ông có ba trăm đệ tử. Người
em út thì chọn sườn núi
Đức Phật hỏi thăm đường, tìm đến am thất của đạo sĩ trưởng Uruvelā-Kassapa khi trời vừa tối. Đạo sĩ trưởng tuổi đã già nhưng trông quắc thước và rắn rỏi; ông quàng một tấm y da thú được vá bằng nhiều mảnh, râu lấm tấm bạc và bím tóc được cột lại suôn sẻ thả dài phía sau. Thấy một vị sa-môn khí sắc sáng rực, dong mạo quý phái, cốt cách uy nghiêm - biết không phải là một đạo sĩ du phương tầm thường – nên trong lòng vừa nể ngại, vừa kính mến, vừa nghĩ cách làm thế nào để tiếp đón cho lịch thiệp, trước khi chưa hiểu lý do! Đức Phật biểu tỏ phong cách của một bậc đạo sư - nên chào hỏi lễ độ, vừa phải - đối với một người lớn tuổi hơn. Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa ân cần chỉ cho chàng sa-môn trẻ tuổi rửa chân nơi ghè nước rồi mời vào liêu thất, bên cạnh đống lửa ấm để đàm đạo. Đã hơn canh giờ, ngồi trên hai tấm nệm cỏ, trong không gian ấm cúng và tịch lặng, câu chuyện vẫn còn tiếp diễn giữa hai bậc thức giả. Ba vị đệ tử lớn của đạo sĩ trưởng, ngồi hầu bên sau, cũng say sưa lắng nghe! Đức Phật khá ngạc nhiên về tầm kiến văn sâu rộng của vị đạo sĩ trưởng về ba tập Vệ-đà, về sáu phái trong truyền thống và một số giáo phái khác ngoài truyền thống vừa khai đàn lập thuyết mới đây! Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa lại càng ngạc nhiên hơn nữa về kiến thức thông tuệ, trí năng uyên bác của người trẻ tuổi: Những điều đạo sĩ biết thì ông ta cũng biết, mà lại biết sâu biết rộng hơn nữa kìa! Và còn biết bao nhiêu là kiến thức được rút ra từ cái kho kinh viện, hàn lâm vừa được giải mã qua cái ngôn ngữ trí năng, biện tài - người trẻ tuổi đã làm cho ông rợn ngợp! Mà dường như vị sa-môn kia còn chưa nói hết, còn tìm cách giữ thể diện cho ông trước mấy người đệ tử nữa! Vậy là, sau cuộc đàm đạo, ông bàng hoàng cả người, tâm và trí dường như mất hết khí lực Ông vừa tiếp chuyện với một người có kiến thức bậc thầy! Thấy đã khuya, đức Phật xin cáo lui, nói rằng: - Phia bên bìa rừng, có một hỏa viện – nơi tế thần lửa - xin tôn giả cho phép tôi được tá túc ở đấy một đêm! Đạo sĩ Uravelā-Kassapa đáp rất thành thật: - Xin hiền giả cứ ở lại đây. Bên trong hỏa viện hiện có một con rắn cực lớn (rồng), rất nguy hiểm, không ai dám vào. Mấy ngày hôm nay, chúng tôi phải làm lễ tế thần ở ngoài trời! Đức Phật mỉm cười, bảo là không sao, vì đã có cách làm cho rắn thần không thể làm hại được! Đạo sĩ trưởng đành phải chấp thuận nhưng cứ dặn đi dặn lại rất kỹ càng. Tiễn khách đi xong, đạo sĩ Uruvelā-Kassapa tọa thiền một lúc, nhưng ông đã không trú tâm được; nằm nghỉ nghiêng lưng một lát, tâm trí ông cứ mải lao xao: Cuộc đối thoại vừa rồi với đức Phật đã làm cho ông bối rối! Tự nghĩ. Người này không biết xuất thân từ đâu mà làm cho ta mười phần e ngại. Sự hiểu biết bấy nay của ta, cứ tưởng là trùm lấp thiên hạ. Hóa ra, tri thức của ta còn khá nhiều chỗ khuyết tật. Ngay kinh Vệ-đà, một số chương mục trong Rig-veda, Yaju-veda, Samā-veda, Attha-veda – chàng tuổi trẻ còn chỉ rõ cho ta những ý nghĩa nằm trong thánh ca ẩn tiềm những tư tưởng thâm uyên. Đáng thẹn nhất là những Mantra ở trong Samā-veda (gồm 1549 bài thánh ca, hiến tế thần Agni) - mà ta thường sử dụng đọc tụng trong các buổi cầu nguyện, các buổi tế lễ lớn nhỏ - là sở trường, sở đắc bấy lâu của ta - vị sa môn kia cũng chỉ ra những chỗ nghi là ngụy tạo hoặc trước tác thêu dệt nhằm mục đích lợi quyền thế tục của người đi sau, mà ta cũng không phản biện được, vì nó đúng quá! Ôi! Rồi nào là triết hệ Navāya – môn luận lý học phát nguyên từ đâu để cho sáng tổ Gotama lập thuyết? Người tuổi trẻ nói rằng, nó chỉ là sự kế thừa mấy ngàn năm trước của thời tiền Vệ-đà, muốn sử dụng phương pháp lý luận qua năm giai đoạn: Sự thực, nhân, đại tiền đề, tiểu tiền đề, kết - như là công cụ chính đáng để mang đến sự lợi ích thực tiễn cho tri thức và tư tưởng hoạt dụng. Nhưng ngày nay thì sao? Ngay nay thì tiện ích của nó là để cho người ta đấu khẩu với nhau, chỉ trích những lỗi lầm lập thuyết của nhau, hạ bệ nhau để gây tiếng vang, tạo địa vị độc tôn trên luận trường! Và ngay chính Navāya nguyên thủy, dù lý luận hay cách mấy, giá trị tri thức và tư tưởng có được xác lập - thì để mà làm gì? Trái đất vẫn quay, tham sân si vẫn còn đấy, và sầu bi khổ ưu vẫn tồn tại hiện thực trong lòng người! Ồ, cái vị sa-môn ưu tú, đáng mến kia đã nói đúng quá! Còn triết hệ Vevisikā - thắng luận, người sáng lập là Kanada – người trẻ tuổi cũng chỉ ra được những sai lầm khá nghiêm trọng, nhất là cái cực vi nguyên tử và chân không, là hai yếu tố tạo nên vạn hữu. Người trẻ tuổi này đã nói rất dí dỏm rằng: Cái năng lực mù quáng, vô tri của một phần triệu hạt bụi cọng với cái chân không mà nó có thể tạo ra cuộc đàm đạo của chúng ta hôm nay nhỉ? Rồi khi không giải thích được sự trật tự của thế giới này – ông sáng tổ lại viện dẫn đến thượng đế siêu năng điều hành! Triết hệ Samkhyā - số luận, do Kapila lập thuyết, có thể nói là đặc đầy tri thức, chủ trương chấm dứt mọi đau khổ nhân sinh, rất ư là ngon lành; nhưng lý luận của ông ta lại rơi vào siêu hình mù mờ, duy tâm, duy vật, duy linh lẫn lộn với nhau. Tuy nhiên, hệ thống tư tưởng của ông rất uyên bác, có lẽ là uyên bác nhất trong các trào lưu triết học đương thời. Nhưng càng giải thích, càng thấy rõ cái Māyā huyễn hóa; và rồi, con đường, lối thoát cũng chỉ biết hòa tan vào bản thể siêu hình, cái nhất thể thường tại, bất biến!” Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa nhớ lại, chợt mỉm cười rồi hồi ức tiếp. Khi đề cập đến triết hệ Mīmaṃsā – Nhĩ-mạn-sai, người trẻ tuổi đã khẳng định rằng: Jāmiṇī, vị giáo chủ - đã không bàn đến triết lý vớ vẩn, chỉ chú trọng và tuân thủ nghiêm nhặt các hình thức tế lễ, cầu nguyện, bùa chú, bí thuật mà thôi! Điều này thì ông cũng biết rồi, nhưng vị sa-môn này đã kết luận về học thuyết ấy rất ấn tượng: Nó không phải là một hệ tư tưởng. Nó chỉ phản kháng lý trí, đầu óc con người chật hẹp, giới hạn mà hay kiêu căng tự mãn; cái bầu tham dục, bản năng động vật vô độ của con người, không tự biết mà thường hay huênh hoang mở miệng là chân lý và thánh đức! Ông Jāmiṇī dạy như thế rồi khuyên chúng đồ tế lễ, tế lễ và cầu nguyện đi thôi! Còn hai triết hệ sau cùng là Yoga (Du-già) và Vedantā (Vệ-đàn-đà) – thì người trẻ tuổi hẹn dịp khác, có lẽ là ngại đụng chạm đến một vài quan điểm tu tập của phái khổ hạnh bện tóc của ta! Vị sa-môn này thông minh, tế nhị và sâu sắc lắm! Tuy nhiên, vị sa-môn trí thức này cũng đã cùng với ta, mỉm cười cho cái bọn chủ trương vô hành kiến (Akiriyādiṭṭhi), vô nhân kiến (Ahetukadiṭṭhi), hư vô kiến (Natthikadiṭṭhi), hoặc ngụy biện, duy vật, vô thần ngây thơ và thô thiển đang nhan nhản khắp Rājagaha, Vesāli, Bārāṇasī... Mà thôi, dầu sao, ông ta cũng quá trẻ, còn ta thì đã đắc quả A-la-hán rồi, tranh luận làm gì, chấp kiến để làm gì! Về đến hỏa viện, khẽ đưa mắt nhìn vào bên trong, đức Phật thấy chính giữa thờ một vị thần - biểu tượng - với những họa tiết không rõ hình thù. Xung quanh và trước mặt hỏa thần là những chùm đèn, bó đèn to nhỏ đủ kiểu đủ dáng không biết bằng chất đốt gì mà cháy sáng nghi ngút. Nhiều cái kệ lớn và nhỏ, chưng nhiều loại quả phẩm còn tươi; những tấm vải sặc sỡ đủ màu, viết vẽ nguệch ngoạc bằng mực than các mẫu bùa chú, có lẽ ở trong Attha-veda - một loại mật ngữ, chơn ngôn gì đấy – treo la liệt ở khắp nơi! Những chùm đèn, bó đèn hắt ra một khoảng sáng. Đức Phật cảm nhận mùi tanh từ trong các kệ thờ thoảng ra - chắc chú rắn lớn nằm trong đó cho ấm áp! Bình tĩnh như không, đức Phật xếp y ngoại làm bốn, trải ra giữa chỗ thoáng, ngồi xuống rồi trú định tâm từ. Một lát, quả nhiên, con rắn rất lớn bò ra, phun phè phè cái nọc đỏ hỏn về phía đức Phật, chưa thôi, nó lại còn phun lửa và khói mù mịt! Đức Phật vẫn ngồi yên, làn khí tâm từ như một bức tường thành pha-lê bao quanh ngài như một quả cầu, bất khả xâm phạm. Khói, lửa, nọc độc và sự hung tợn của rắn càng lúc càng yếu đi, nó thấy năng lực của nó bị chìm hút vào chỗ rỗng không; và cơ thể nó càng lúc càng rã rời. Bây giờ đức Phật mới nói chuyện: - Này con! Trước đây do nghiệp ác nên con bị đọa làm thân súc sanh, tanh tưởi và dơ dáy. Mang thân súc sanh, thống khổ, đọa đày như thế mà con cũng không tự biết, lại còn sử dụng khói lửa, nọc độc muốn làm hại cả Như Lai nữa! Như Lai là một vị Phật, một vị Chánh Đẳng Giác – trên thế gian này, người, trời, phạm thiên, ma vương, chẳng ai có năng lực làm hại Như Lai được cả! Hãy quay đầu hướng thiện đi con, và hãy sống đời vô hại, Như Lai sẽ làm chứng cho! Rắn lặng lẽ gục đầu xuống, có vẻ quy phục - Đức Phật đưa tay xoa đầu rắn, sử dụng thần thông, biến chú rắn lớn thành con rắn nhỏ, bỏ vào bình bát rồi ngài ngồi tịnh dưỡng trong an lạc của thiền định. Canh ba, đức Phật nằm nghiêng lưng một lát, sau đó ngồi quán căn duyên của đạo sĩ, ngài nở nụ tiếu sanh tâm lặng lẽ: Bụi cát trong mắt, trong tâm trí còn rất ít nên ông ta cứ tưởng mình đã đăc quả A-la-hán! Muốn hóa độ thầy trò họ, chỉ cần nhiếp phục Uruvelā-Kassapa là đủ, nhưng phải mất nhiều ngày, phải sử dụng khá nhiều sở tri, sở học, giáo pháp và cả thần thông! Sáng ngày, vừa bước ra khỏi hỏa viện, đức Phật thấy đạo sĩ Uruvelā-Kassapa và nhóm chúng đồ đứng đầy cả sân trước. Họ ái ngại, lo sợ ngài đã bị rắn thần giết hại rồi! Khi thấy vị sa-môn trẻ vô sự, họ mỉm cười, thờ phào nhẹ nhõm! Đức Phật tỏ vẻ cảm kích: - Cảm ơn chư vị đã quan tâm! Chú rồng ấy khá hung dữ - nhưng bây giờ đã hiền lành rồi, đã vô hại rồi! Chư vị hãy xem đây! Nói xong, đức Phật thò tay vào bình bát, bắt con rắn nhỏ bỏ xuống bên chân, thâu lại thần thông. Mọi người trố mắt nhìn. Con rắn nhỏ từ từ lớn ra, hoàn lại thân cũ, to bằng hai cột nhà, dài hơn cả năm đòn gánh, cúi đầu xuống và nằm khoanh tròn lễ độ dưới chân đức Phật. Ngài nói với rắn: - Thôi! Quê nhà ở đâu thì con hãy trở về đấy, nơi này không phải chỗ của con. Sống đời vô hại thì kiếp sau thoát lốt súc sanh. Bây giờ hãy đi đi! Con rồng ngoan ngoãn lặng lẽ bò vào rừng, lát sau, mất hút. Mọi người nín thở chứng kiến sự việc hy hữu và thần lực kinh dị của vị sa-môn. Riêng đạo sĩ Uruvelā-Kassapa cũng cảm phục lắm, cũng tán thán không hết lời, nhưng trong bụng lại nghĩ: Dầu sao, người tuổi trẻ này cũng chưa đắc quả A-la-hán! Một vị Chánh Đẳng Giác, qua vô lượng ba-la-mật dày sâu, nếu hướng tâm thì việc gì cũng biết cả; nhưng ngài độ lượng, kham nhẫn và từ bi - quyết sẽ đưa ông ta vào chánh pháp. Mặc dầu được đạo sĩ tha thiết mời thọ thực vào buổi trưa những đức Phật tìm cách từ chối, nói rằng, ngài chỉ muốn đi bát gieo duyên ở trong làng, sau đó xin được nghỉ ngơi ở khu rừng bên cạnh. Đúng như dự đoán của đức Phật, buổi trưa sau khi độ thực, đang đi kinh hành thì đạo sĩ Uruvelā-Kassapa tìm đến. Rồi họ ngồi đàm đạo dưới cội cây. Uruvelā-Kassapa nói: - Tối hôm qua, tôi biết là hiền giả có ngại ngùng cái gì đó, nên đã không đề cập hai triết hệ Yoga và Vedantā! Phải chăng hiền giả sợ đụng chạm đến pháp môn tu tập hiện nay của chúng tôi? Đức Phật im lặng. - Quả thật, chúng tôi thờ thần Agni, các thánh ca, tế ca đều được rút từ Attha-veda; nền tảng tư tưởng thì trung thành với Vedantā; còn lộ trình tu tập thì dựa theo tám giai đoạn của Yoga. Chúng tôi đã sống đời khổ hạnh theo từng cấp độ vừa phải, chỉ thọ nhận một chút ít cần thiết về y áo, thuốc men; chỗ ngủ nghỉ, ngồi nằm thì tự làm lấy; vật thực thì đôi khi thọ nhận sự cúng dường khiêm tốn, đi trì bình khất thực là chính. Chúng tôi không đi đến chỗ giàu sang, vương giả. Chúng tôi không nhận bất kỳ tiền bạc, đất đai, ruộng vườn, gia súc của kẻ thế dâng cúng... Đức Phật vẫn im lặng. - Chúng tôi biết nguồn gốc của mọi đau khổ là do dục vọng. Vậy nên mỗi hành giả yogi phải khép mình nghiêm túc trong giới luật để tẩy uế thân khẩu ý. Có người giữ giới luật bậc thánh, ngoài bất tổn hại đến con kiến, cọng cỏ, còn triệt tiêu một phần, hai phần nhu cầu của thân xác, nhằm khống chế dục vọng hay triệt tiêu cả dục vọng. Một số khác, sử dụng một số thế Hatha-yoga để cho khí huyết điều hòa, thân tâm mạnh khỏe; sau đó, chú trọng điều tức, theo dõi hơi thở, kiểm soát hơi thở - đến lúc, nếu cần, ngưng dứt luôn cả hơi thở. Cũng có thể, chúng tôi niệm “aum” để đi vào định, ly thoát mọi cảm giác, tư tưởng để đạt được trạng thái vong ngã, nếm thưởng hương vị giải thoát khi tiểu ngã hòa đồng, hợp nhất, nhất thể với đại ngã! Bây giờ, tôi với vũ trụ đã là một. Tôi đã làm xong những việc cần làm, thưa hiền giả! Đức Phật biết là đạo sĩ ám chỉ mình đã đắc quả A-la-hán, nên chỉ nhè nhẹ gật đầu: - Vâng! Tôi biết tôn giả có một đời sống tu hành nghiêm túc như thế. Tôi rất kính trọng! - Thế còn phương diện khác? Đức Phật nghĩ, bây giờ là phải thời nên nói: - Các phương diện khác thì còn cần phải bàn lại, thưa tôn giả! Thứ nhất là tế thần lửa, thứ hai là giới luật của bậc thánh, thứ ba là định giải thoát – hòa đồng tiểu ngã vào đại ngã! - Hóa ra các điểm quan trọng như thế, kinh viện chính thống như thế mà còn cần phải bàn lại ư? Đạo sĩ chợt cất cao giọng, có vẻ ngạc nhiên lắm - Vậy xin hiền giả được cho nghe tôn ý? Đức Phật vẫn điềm đạm, hỏi lại: - Tôn giả quan niệm như thế nào về lửa, rồi còn nghĩ rằng, lửa có thể giúp linh hồn được siêu thoát? Rồi đức Phật lắng nghe, rất chăm chú lắng nghe. Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa đã tuần tự nói, lửa là sự sống, nguyên ủy của sự sống, gốc nguồn của sự sống. Con người thường tự hào là khám phá ra lửa – mà họ không biết rằng Đức Brāhman đã cho thần Agni xuống trần gian, từ đó, con người mới dùng lửa để sưởi ấm, để thắp sáng, để nấu ăn, để nung chảy sắt thép làm vật dụng trong sinh hoạt - để đời sống càng sinh sôi nẩy nở, càng trở nên tiện nghi, văn minh. Lúc chết đi, thần Agni còn ưu ái thiêu cháy cái xác thân dơ uế, tẩy rửa mọi tội lỗi để đưa linh hồn trong sạch trở lại với thiên giới. Điều ấy là tín ngưỡng thiêng liêng có từ ngàn xưa, không phải là quan niệm của tôi, hiền giả phải rõ như thế! Đức Phật không thừa nhận cũng không phủ nhận, chỉ đưa ra tri kiến của mình: - Thưa, tôi biết rất rõ. Tuy nhiên, giả dụ như tôi nói rằng, không chỉ có lửa, mà đất, nước, gió cũng đều là nguyên ủy của sự sống, bản chất của vạn hữu cả! Lửa không thể tự có một mình, và lửa cũng không phải là cái duy nhất đầu tiên. Tôn giả hãy xem: hai thanh củi khô, chà xát lên nhau, sinh lửa; hai viên đá cứng đánh mãi vào nhau, sinh lửa. Nếu không có củi khô, không có viên đá – không có ý niệm của người tạo lửa – thì không thể có lửa! Tôn giả hãy nhìn rộng, nhìn sâu, suy lý chút nữa xem, rồi ta sẽ rùng mình bởi mối nhân duyên chằng chịt của nó. Thanh củi kia cũng không tự có nếu không có rừng cây, nắng mưa, ngày đêm, sự hủy hoại của thời gian và sự nung nóng của mặt trời. Rừng cây từ đâu có - nếu nó không có đất, nước, lửa (sức nóng) và gió (sự rung chuyển, chuyển động). Còn viên đá kia cũng tương tự thế, nó là đất, là thời gian, là sức ép, sự vỡ ra của nham thạch, nó là xác động, thực vật cả triệu năm... Minh triết hơn: trong hạt bụi, trong làn sương, trong giọt nước, trong đốm lửa, trong chiếc lá, trong cành hoa... chúng đều đầy đủ đất, nước, lửa, gió - thưa tôn giả - chúng lẫn trong nhau, tan trong nhau, hòa trong nhau – nhưng yếu tố nào giữ nguyên cá biệt tính của yếu tố nấy. - Nhưng rõ ràng là lửa bốc lên và linh hồn của con nguời cũng được bốc lên bởi lửa! Đạo sĩ chăm chú hỏi. Đức Phật, mỉm cười: - Không chỉ lửa bốc lên mà đất, nước, gió gặp duyên bốc lên thì chúng cũng bốc lên! - Hiền giả nói sao nghe lạ kỳ! - Không lạ kỳ đâu, mà nó là sự thật. Hãy quan sát một làn khói mà xem! Trong lửa bốc lên ấy, có lẫn lộn bụi, tàn tro - ấy là đất! Trong ấy có sự chuyển động, rung động - ấy là gió! Trong ấy có hơi nước, bụi nước - ấy là nước! - Cái chuyện ấy rất lạ lùng mà đúng là như vậy - Đạo sĩ ngẫm ngợi một lát - Vậy thì cho xin được nghe về cá biệt tính của chúng? - Vâng - Đức Phật phân tích - đất có đặc tính cứng và mềm, nó chiếm chỗ trong không gian; nước có đặc tính ướt và liên kết, làm cho dính liền các sắc tố lại với nhau; lửa có đặc tính nóng và lạnh làm nhuần nhuyễn mọi vật; gió có đặc tính rung động, chuyển động tạo sự lưu thông, vận động cho vạn hữu. Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa là bậc trí, nghe xong, nín lặng, nhưng cũng còn cố vớt vát bởi định tín sâu dày trong ông: - Cả một nghìn năm trăm bốn mươi chín bài tế ca, thánh ca tế thần lửa đều có nội dung chung nhất, đấy là thần lửa đốt cháy tất thảy mọi dơ uế để cho linh hồn được siêu sanh - chẳng lẽ lại sai? Đức Phật mỉm cười: - Vậy thì tôn giả khổ hạnh diệt dục, giữ giới luật thượng, trung, hạ của bậc thánh, trang bị vững chắc tư tưởng Vedantā và niệm “aum” linh thánh để đạt giải thoát làm gì nhỉ? Chỉ cần một mồi lửa là xong ngay! Trời đã chạng vạng tối, cả hai đứng dậy. Đạo sĩ cố ý mời đức Phật ngủ tại am thất của mình, nhưng ngài lại từ chối nữa, chỉ xin được tá túc tại hỏa viện như đêm trước. Một đêm lặng lẽ suy nghĩ, chắc đạo sĩ sẽ thấy nền tảng tu tập của mình đã bị lung lay! Đêm thứ hai, tại hỏa viện, như lệ thường, đức Phật trú an lạc về thiền, an lạc về quả. Khuya, Tứ đại thiên vương đến đảnh lễ Phật, nghe pháp, sau đó đứng hầu bốn góc, hào quang sáng rực xung quanh hỏa viện. Họ muốn đóng góp một chút uy lực – như là một công đức nhỏ bé để đức Phật dễ dàng thâu phục nhóm đạo sĩ tóc bện! Quả nhiên, cả rừng đạo sĩ lao xao, bàn tán - họ không biết ánh sáng kỳ lạ từ đâu có, lại ở từ hỏa viện tỏa ra – nơi vị sa-môn trẻ đang tạm cư! Trời vừa sáng, đạo sĩ Uruvelā-Kassapa cùng với những vị đệ tử lớn lại đến vấn an, tỏ vẻ thắc mắc hào quang đêm qua. Đức Phật nói thật: - Đấy là bốn ông trời bốn cõi xuống thăm, hỏi đạo, sau đó họ chơi trò trẻ con – hý lộng thần oai đấy mà! Họ thất kinh. Họ biết vị sa-môn này không nói dối. Tuy nhiên, đạo sĩ Uruvelā-Kassapa vẫn thản nhiên, tự nghĩ: Ông ta oai lực thật đấy, nhưng dẫu sao vẫn chưa đắc quả A-la-hán! Hôm ấy, đức Phật cũng không nhận lời mời ngọ trai, ngài lại đi khất thực trong làng, trưa về nơi một chiếc hồ bên sườn núi có phong cảnh rất đẹp để nghỉ ngơi. Đức Phật ở đâu cũng không thoát khỏi tầm mắt của đạo sĩ Uruvelā-Kassapa, ông ta lại tìm đến. Bây giờ, họ lại ngồi đàm đạo trên một tảng đá ven hồ có hoa sen, hoa súng. Đạo sĩ tiếp tục câu chuyện hôm qua: - Thú thật, đêm qua tôi trằn trọc mãi về chuyện lửa. Hiền giả nói rất đúng. Đức tin của tôi về thần Agni đã bị bào mòn, xơ cứng – bây giờ chỉ còn là vật chất – làm tôi liên tưởng đến ý nghĩa biểu tượng của triết học. Chợt nhớ lại hôm đầu tiên, hiền giả đã đặt vấn đề khả nghi của một số tế ca, thánh ca ở trong Attha-veda là ngụy tạo của các tế sư bà-la-môn do lợi quyền thế tục. Và tôi chợt hiểu. Khắp nơi nhan nhản bọn buôn thần bán thánh, hàng ngàn súc vật bị hy sinh một cách đau xót; tiền bạc, sản vật chạy vào túi bọn tà sư bóc lột nhân danh thần thánh, có thần thánh chở che! Ôi! Cái hiện thực trần trụi – duy vật và duy linh đánh tráo phương tiện - thật là đáng khinh bỉ! Chúng sống vinh hoa dục lạc trên sự cuồng tín ngu dại của đám dân đen. Tôi đã rất thấm thía bài học này, xin cảm ơn hiền giả! Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa tỏ vẻ rất xúc động. Đức Phật ân cần nắm tay ông: - Tôi có may mắn đọc được một số kinh văn thời tiền Vệ-đà từ một ngôn ngữ cổ xưa. Tập tục thờ thần lửa ở đó như tri tạ các đấng thiêng liêng cho họ lửa để qua được các mùa đông băng giá - khởi từ các giống dân miền bắc địa cầu. Một trong số các sắc tộc ấy có giống dân Aryan, không chỉ họ tràn xuống xứ sở chúng ta, mà còn tràn qua Hy Lạp, Ba Tư, Ả Rập. Trong cuộc thiên di và xáo trộn văn hóa và tín ngưỡng ấy, tục thờ thần lửa của Vệ-đà xen lẫn với Bái hỏa giáo của Ba Tư, tục thờ ma quỷ thánh thần của các tộc sơ khai – làm cho chúng ta ngày nay không còn biết đâu chân đâu ngụy! Chúng lại còn đẻ thêm bùa chú, bí thuật, pháp thuật, huyền thuật... để giải ách trừ tà, tiêu nạn, tiêu bệnh, tiêu tật, tiêu chướng, tiêu tai, buôn may, bán đắt, con cháu sum suê, bổng lộc hoạnh tài...; rồi tiểu tế, trung tế, đại tế...; rồi tung hứng trên các điện đài linh thiêng! Không những tôn giả mà toàn thể châu Diêm-phù-đề bị đầu độc một cách tai hại! Hãy bước ra khỏi ngay cái đám mê hồn trận ma quỷ ấy thôi, thưa tôn giả! Đạo sĩ xiết bao cảm kích! Chẳng có gì rõ ràng hơn thế nữa! Biết đầu óc của đạo sĩ với nhiều ý nghĩ đang lao xao, đức Phật dìu ông mấy bước đến cạnh mép hồ. - Tôn giả hãy nhìn xem - Đức Phật đưa tay chỉ - Những bông sen bông súng kia chúng đẹp dưòng bao! Chúng mọc từ bùn nhơ cả đấy, lại còn tỏa sắc hương, phụng hiến cho cảnh vật, cho nhân gian mà chẳng cần lợi quyền nào, một đền đáp nào, một nhân danh nào! Một cành sen, một nhụy sen – chúng gồm đủ đất nước lửa gió! Ồ, nói vậy cũng chưa đủ! Phải nói là hàm tàng ở trong, chúng có đầy đủ: Thiên hà, mặt trời, mặt trăng, các vì tinh tú, nắng mưa, ngày đêm, sáng chiều, quá khứ, hiện tại, vị lai, mây mù, khói sương, các từ, các lực giữa vạn hữu... cộng thêm cái thấy, cái suy nghĩ của tôi và tôn giả nữa! Thiếu một hạt bụi, một giọt sưong, một ý niệm của chúng ta về chúng, chúng không hiện hữu! Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa rúng động cả toàn thân. Đức Phật biết, ngài nói: - Trời đã chiều rồi, tôn giả hãy về đi. Tối nay, tôi cũng xin nghỉ tại hỏa viện! Đêm thứ ba ở hỏa viện, Thiên chủ Sakya xuống đảnh lễ đức Phật, nghe pháp rồi lại đứng hầu trọn đêm. Hơn ai hết, nhờ thiên nhãn, Đế-Thích biết là bổn phận mình phải biểu tỏ uy lực để đức Đạo Sư nhiếp phục cho kỳ được đạo sĩ Uruvelā-Kassapa nên đã phóng hào quang sáng hơn, lớn rộng hơn hào quang của Tứ thiên vương cộng lại! Đêm ấy, cả khoảng rừng sáng rực, ánh sáng vừa trong vừa dịu làm cho cả mấy trăm đạo sĩ không ngủ được, họ thao thức bàn tán. Đạo sĩ Uruvelā-Kāssapa đăm đăm đưa mắt nhìn, quan sát rất kỹ, tự nghĩ: “Nếu hôm qua là Tứ đại thiên vương thì hôm nay, vị này oai lực còn lớn hơn nhiều. Vậy vị sa-môn trẻ, quý khách của ta, quả thật đã chứng được cái gì chăng? Chiều hôm vừa rồi, cái hiểu biết của ông ta, quả thật là siêu đẳng, nếu là người thì ông ta học ở đâu? Hơn năm mươi năm học hỏi, tu tập, kiến thức của ta, đối với ông, chỉ như trò con trẻ!” Đạo sĩ thở dài. Sáng ngày, khi được hỏi, đức Phật bảo, đấy là oai lực của thiên chủ Sakya, chúa cõi trời Ba mươi ba – như không có chuyện gì xảy ra. Sau đó, nhận lời mời trưa nay sẽ ghé am thất của đạo sĩ, nhưng ngài vẫn ôm bát ra đi. Dọc theo bờ bắc sông Nerañjarā, chừng một do-tuần, sát sườn núi có những cốc liêu của nhóm đạo sĩ, đều là đệ tử của đạo sĩ Uruvelā-Kassapa, nghe nói họ giữ giới luật bậc trung và khổ hạnh bậc trung! Đức Phật tìm một chỗ ngồi thuận lợi. Dưới sông, có khoảng chừng mươi đạo sĩ đang ngâm mình dưới nước lạnh, hai tay chắp lại và lâm râm cầu nguyện. Có lẽ họ ngâm mình từ hừng đông, khi mặt trời vừa rạng ở chân trời. Đức Phật khởi tâm bi mẫn, muốn cứu thoát họ ra khỏi sự hành hạ thân xác một cách vô ích như thế, nên cứ nhẫn nại ngồi chờ đến gần trưa! Khi họ lập cập, run rẩy bước lên bờ rồi quây quần bên đống lửa ấm, đức Phật bước lại rồi ngồi xuống một bên. Nhóm đạo sĩ này đã nghe danh tràn tai về vị sa-môn trẻ. Chính thầy họ đã tiếp đón như một thượng khách. Và suốt mấy đêm nay, họ chiêm ngưỡng ánh sáng hào quang linh thiêng tỏa ra nơi góc rừng hỏa viện. Để tỏ lòng kính trọng, họ dạt ra và chừa một chỗ cho ngài. Đức Phật nói: - Tôi chỉ ghé thăm, và hơi tò mò không biết chư vị ngâm mình dưới nước như vậy là để làm gì? - Để tẩy uế tội lỗi - một vị đáp - chắc hiền giả cũng biết như vậy mà! - Quả thật là có biết nhưng chưa thật biết - đức Phật mỉm cười - vì rằng, trước đây tôi cũng đã từng tắm sông, nhưng cảm thấy tham sân, phiền não, khổ ưu ở trong lòng có rửa sạch được chút nào đâu! Nhóm đạo sĩ đưa mắt nhìn nhau. Chợt có một vị nói: - Có lẽ là do hiền giả chưa cầu nguyện! - Chư vị cầu nguyện như thế nào? Họ đáp như thuộc bài: - Cầu nguyện các thượng đẳng thần Brāhmā, Vishnu hoặc các vị cao hơn như Rāma, Brāhman - nếu không thì chỉ cần đọc thánh âm “aum, aum” một cách chí thành và khẩn thiết! - Tôi hiểu - Đức Phật gật đầu - vậy thì đến nay, chắc chư vị đã sạch hết tội lỗi rồi cả chứ? Nhìn họ cúi đầu và im lặng, đức Phật biết họ có đức tính thành thật, rất dễ khai hóa. - Này chư vị - đức Phật tiện tay nắm một viên đá - Với viên đá này, tôi sẽ đặt lên mặt nước, và tôi nhờ chư vị cầu nguyện các vị thần thượng đẳng - để cho viên đá này được nổi, không thể chìm nhé? Nói xong, đức Phật nhớm đứng dậy. Các vị đạo sĩ ngăn lại: - Hiền giả không cần phải thí nghiệm. Viên đá nặng, bỏ xuống nước là chìm, đấy là sự thật - chẳng có sự cầu nguyện nào có thể thay đổi được tính chất ấy. Các thượng đẳng thần không có liên hệ gì đến chuyện này! - Cũng vậy, này chư vị! Tội lỗi trong tâm chúng ta cũng như viên đá ấy, nó trọc, nó đục, nó nặng - mệnh chung, cái nặng ấy lôi chúng ta đi xuống các cảnh giới đau khổ - địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la - chẳng có vị thần nào có khả năng làm cho tội lỗi chúng ta được nhẹ đi cả! - Hoàn toàn đúng! Một vị chợt nói lớn - Hèn gì bao nhiêu năm qua, cái nóng nảy, cái ngu si tham ăn tham ngủ của tôi có bớt được chút nào đâu! Đức Phật lại tiện tay cầm chiếc lá, với ánh mắt từ bi, với giọng nói hiền hòa: - Chiếc lá này, hoặc bông gòn hoặc dầu thắp - cũng tương tự vậy! Bản chất nó nhẹ, sẽ nổi trên mặt nước. Cho dù một trăm đạo sĩ, một ngàn đạo sĩ, cầu nguyện trăm năm, cầu nguyện ngàn năm - thì chúng cũng không thể chìm xuống mặt nước được, có phải thế không? Đức Phật đưa mắt có vẻ quan tâm, rồi nói tiếp với giọng lớn nhưng vẫn từ ái, ôn nhu - Sống trên cõi đời này, nếu ta có tâm hướng thiện, biết xa điều ác, biết làm việc lành thì tâm của ta sẽ không có hối hận, bứt rứt, ăn năn; do vậy sẽ trong sáng, thanh thản, nhẹ nhàng. Cái tâm trong sáng, thanh thản, nhẹ nhàng ấy – vì trong, vì thanh, vì nhẹ nên nó sẽ bay lên, đưa ta đến những cảnh giới an lành, mát mẻ - cõi người và các cảnh trời - là điều tất yếu thôi, đúng với định luật tự nhiên thôi, có phải vậy không chư vị? Dẫu có cả triệu đạo sĩ cầu nguyện cho ta đi xuống, ta cũng không thể đi xuống được – có phải thế chăng? - Hiểu rồi, thấy rồi! Ôi! Kỳ diệu làm sao là trí tuệ của hiền giả! Chúng tôi đã được vén lớp mây mù, đã có con mắt để nhìn thấy ánh sáng! Hạnh phúc làm sao! Xin vô cùng tri ân và xin được cúi đầu đảnh lễ gót chân bụi của đức Đạo Sư! Họ đồng quỳ sụp xuống, năm vóc sát đất. Khi họ ngửng đầu lên thì đức Phật đã không còn ở đấy nữa, ngài đã dùng thần thông, và đã có mặt ở vùng núi Hymalaya – đang ở trong sương mù và khí đá buốt lạnh. Chừng hơn tháng nữa, tuyết băng mới phủ dày những cánh rừng này nên một số trái cây lạ lùng vẫn còn tìm được. Đức Phật nhàn tản dạo bộ đến một gốc sung, trái chín ngọt như mật ong, chim dơi ăn xả đầy. Sau khi dùng vừa đủ no để thay đổi khẩu vị, đức Phật đi kiếm một số trái cây lạ, bỏ đầy bát, rồi ngài cũng dùng thần thông, có mặt ngay ở am thất của đạo sĩ Uruvelā-Kassapa như lời hứa. Đạo sĩ ân cần nắm tay đức Phật mời vào chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Người đệ tử lớn dâng cho đức Phật một bát vật thực. Đức Phật thọ nhận xong, để bên chân, đưa bát trái cây của mình, rồi nói chuyện với đạo sĩ Uruvelā-Kassapa: - Tôi cũng có một ít trái cây, tôn giả hãy dùng thử cho vui! Nhìn trái cây có hình dáng và màu sắc lạ, đạo sĩ Uruvelā- Kassapa ngạc nhiên hỏi: - Mấy quốc độ xung quanh đây không có loại trái cây này! Hiền giả đi khất thực ở đâu? Rồi ngần ngừ một lát – Có phải ở Tuyết sơn chăng? Đức Phật mỉm cười rồi nhè nhẹ gật đầu. Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa tán thán: - Oai lực của hiền giả thật là kinh sợ! Đi và về Hymalaya chỉ bằng cái nháy mắt! - Hơn cả nháy mắt nữa, bạch đức thầy khả kính - một người chợt tiếp lời – Ngài sa-môn đây suốt cả buổi sáng đã nhẫn nại, từ bi thuyết pháp, dạy đạo cho chúng đệ tử ở bờ sông! Vừa tức khắc chia tay, chúng đệ tử cũng tức khắc đến đây, muốn kể chuyện lại với đức thầy – nhưng ngài sa-môn đã hiển lộng thần oai, biến mất giữa hư không, lên khất thực tận Hymalaya cách xa vạn trùng mây, lại về đây trước cả chúng đệ tử, có kỳ lạ không chứ? Đúng là thần thánh chứ không phải người nữa! Một lát, kẻ trước người sau tìm đến đông đủ. Họ lao xao một lúc rồi yên lặng. Đức Phật chỉ dùng một chút vật thực lấy lệ rồi tránh lên rừng để thầy trò họ nói chuyện với nhau cho tự nhiên. Đi kinh hành giữa rừng cây chừng nửa khắc, đức Phật ngồi lại nơi táng đá ven đường mòn, nghĩ đến căn và duyên của đạo sĩ Uruvelā-Kassapa! Căn thì căn trí và tín, ta đã khơi mở cho ông một phần nào, nhưng duyên thì chưa đủ. Chính đời sống đạo đức, trong sạch của ông ta - dễ phát sanh ảo tưởng mình đã đắc quả A-la-hán! “Tưởng” quá mạnh thì khó đối trị! Trí có công năng vén mở. Tuệ soi sáng và cắt đứt. Chỉ khi nào ông ta có đủ tuệ minh, toàn vẹn vấn đề mới được giải quyết! Tuy nhiên, ta sẽ từ từ phân tích sự sai lầm trong quan niệm giới luật bậc thánh của ông, sự sai lầm trong định giải thoát của ông; ta phải phá vỡ cả hai triết hệ Yoga và Vedantā đã ăn sâu trong xương tủy vị đạo sư khả kính này! Thế rồi, cuộc đàm đạo buổi chiều, đức Phật bắt đầu quyền biến, rất nhu, được gọi là văn pháp: - Các hành giả Yogi thường có một trí thức khả kính, có một đời sống giới luật nghiêm túc, có một lộ trình tu tập mạch lạc, rõ ràng! Trong sáu phái truyền thống, nếu giữ lại một thì tôi chọn Yoga! Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa rất hồ hởi, nhưng dè dặt chưa biết vị sa-môn uyên bác, biện tài này sẽ dẫn đi đến đâu, chỉ hỏi: - Vậy còn Vedantā? Nó vừa là tập đại thành của Veda và Upanishad, lai còn phát triển nó nữa? Cả một rừng tư tưởng! - Đúng vậy- Đức Phật gật đầu – Tuy cả rừng tư tưởng, nhưng chỉ cần tóm tắt trong ba chữ: Māyā, Atman (Atta), Brāhman là đủ! Đạo sĩ yên lặng hồi lâu rồi chợt gật đầu: “Đúng vậy! thật là chính xác!” Đức Phật nói tiếp: - Yoga thu nhận rừng tư tưởng của Vedantā rồi lập ra tám con đường để dành cho nhiều căn cơ khác nhau – mà chính tôn giả đã tiếp thu được ba trong tám con đường ấy! - Xin cho được nghe! - Một là Hattha-yoga, điều vận cơ bắp. Ban đầu là vậy, nhưng càng về sau lại muốn điều tức, vận khí, khai mở các huyệt đạo để hy vọng linh thông với bản ngã vũ trụ - có phải vậy không, thưa tôn giả? - Vâng - Đạo sĩ gật đầu – tôi và một số đệ tử của tôi đã thực nghiệm con đường này! - Hai là trầm tư về thượng đế, về bản thể siêu linh; và cũng nhờ nhất tâm nên đôi khi có ảo tưởng rất hiện thực: Mình và thượng đế đã là một rồi! - Con đường này chẳng khác bao nhiêu con đường chiêm nguỡng và thờ phượng – Nếu chỉ trầm tư, tưởng tượng mà không có định thì chỉ là ảo tưởng và ảo giác! Tôi biết rất rõ! - Thứ ba là khổ hạnh, triệt tiêu nhu cầu thân xác! Tôn giả và chúng đệ tử chỉ áp dụng một nửa của khổ hạnh cực đoan này, có phải vậy chăng? - Đúng vậy - Đạo sĩ nhè nhẹ gật đầu – chúng tôi chỉ thực hành một chừng mực nào đó để ngăn giữ nhưng ham muốn dục lạc! - Thứ tư là tọa thị bất động, giữ yên thân, khẩu – (cùm chân, cột tay, tịnh khẩu) không cho nó có cơ hội tạo nghiệp; còn ý thì chịu đựng muỗi mòng, nắng mưa, sương gió... nhẫn nại tất cả ngoại cảnh trái ý, nghịch lòng (ngồi suốt đêm suốt ngày giữa trời nắng, gió, mưa, tuyết) - Đức Phật nói tiếp – Tôn giả không đi con đường này! Cả thứ năm là giảm thiểu hơi thở, nín thở (thở qua lỗ tai, qua lỗ chân lông) - tôn giả khinh chê cách nín thở này! Thứ sáu là bế tỏa tất cả mọi giác quan, làm cho chúng mù đi, tê liệt đi - không còn khả năng khả ý, khả lạc các đối tượng ngoại giới – tôn giả đã không đi theo khổ hạnh cực đoan này! Thứ bảy là niệm các đề mục, niệm tên các vị thần, niệm “aum” linh thánh - chỉ chừng hai phần ba học trò của tôn giả là có chú niệm! Thứ tám là tịnh hóa nội tâm bằng các nấc thiền cổ truyền rồi thể nhập vào bản thể vũ trụ - Atman hòa tan vào Brāhman –và dường như ai ở đây cũng đang thực hành con đường này! - Đúng là có tám con đường ấy - Đạo sĩ nói – Và cũng chính xác là tôi đã đúc kết, cô đọng lại chỉ còn ba, là đủ! Hiền giả đã có tuệ tổng hợp và tuệ phân tích rất sắc bén, không ai bì được! Tuy nhiên, hiền giả hãy nói luôn những điểm còn ngần ngại? - Vâng, tôi sẽ bắt đầu đây, thưa tôn giả - Đức Phật nói – Tôn giả đã đúc gom tất cả mọi loại khổ hạnh, tất cả mọi kỷ luật ép xác, kiểm soát thân, khẩu, ý bằng cái gọi là giới luật của bậc thánh qua ba cấp độ thượng, trung, hạ. Xin thưa rằng, cả ba cấp độ giới luật ấy có thể ngăn bớt nghiệp ác, làm cho ta có thể tốt hơn - chứ không thể trở thành bậc thánh được. Bậc thánh thứ nhất, mới vào dòng, cũng cần phải có tuệ giác để cắt đứt ba sợi giây ràng buộc là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ! Giới luật của chư vị nếu cần cầu nghiêm túc, chính ý, chính tâm thì chỉ có khả năng đưa đến định, không thể phát sanh tuệ được - huống nữa, mọi hình thức tế tự, lễ nghi, tụng ca, tế ca, thánh ca, giới cấm của chư vị lại rơi vào giới cấm thủ, là một trong ba trở ngại ngăn chư vị bước vào dòng – thì làm thế nào có định chơn chính, có tuệ chơn chính được! Còn nữa, ảo kiến về cái ngã – thân kiến và mọi hoài nghi về pháp, về con đường - ở nơi tôn giả vẫn còn y nguyên, có nghĩa là chưa sợi giây nào bị cắt đứt cả! Đấy là sai lầm về cái gọi là giới luật bậc thánh của tôn giả! Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa nín lặng. Trời lạnh mà ông toát mồ hôi! Đức Phật biết cái gì xẩy ra trong tâm và trí của ông ta, nhưng ngài hẹn vào dịp khác. Đêm thứ tư tại hỏa viện, phạm thiên Sahampati xuống hầu thăm, đảnh lễ đức Phật; rồi dùng oai lực của mình làm cho hào quang vi diệu tỏa sáng cả một vùng trời. Hào quang này, của ai mà oai lực còn lớn hơn cả thiên chủ Sakka? Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa đã rúng động thật sự. Vị sa-môn này là ai, đã đắc quả bậc thánh nào, đã đắc quả A-la-hán chưa? Nếu không, tại sao ông ta chỉ ra từng sợi giây ràng buộc rõ ràng như thế? Cuộc đàm đạo vào buổi chiều lai được tiếp tục. - Giới luật của tôn giả là tốt, tâm định của tôn giả là tốt – Đức Phật mở đầu - nhưng chúng trở nên sai lầm, sẽ không đưa đến giác ngộ, giải thoát - là vì kinh điển, vì truyền thống; nói rõ hơn là sai lầm bởi Veda, Vedantā và Upanishad! Cái mà tôi đã tóm tắt từ hôm qua: Là Māyā, Atta, Brāhman! - Xin cho được nghe - Đạo sĩ có vẻ thành khẩn - Điều này có thể làm bủn rủn kinh điển và làm cho các tượng thần toát mồ hôi. Nhưng gẫm lại, hiền giả chưa nói một câu nào, một lời nào để tôi có thể phản bác được, trái lại, đã khai thông cho tôi nhiều vấn đề lắm! - Xin cảm ơn tôn giả đã thật lòng - Đức Phật nói – Bây giờ chúng ta hãy tiếp tục về chuyện đất, nước, lửa, gió ngày hôm kia! Như vậy là một giọt nước cũng đầy đủ yếu tính của vũ trụ, một hạt bụi cũng hàm tàng vạn hữu ở bên trong! Một vật tự có, chúng ta không thể quan niệm được, có phải vậy không, thưa tôn giả? Đạo sĩ có vẻ ngần ngừ: - Vậy thì nguyên lý của trời đất, thực thể tuyệt đối Brāhman – không phải ngài đã tự có rồi sinh thành vạn hữu hay sao? - Brāhman là có thực nhưng không phải là thực thể tuyệt đối, ngài cũng chỉ là một chúng sanh! Hào quang đêm qua là oai lực của vị ấy, là Đại Brāhman Sahampati! - bạn cũ của tôi từ thời đức Phật Kassapa, trùng họ với tôn giả đấy! Đạo sĩ sửng sốt một hồi rồi hỏi tiếp: - Vậy thì các vị thượng đẳng thần: Brāhmā, Vishnu, Shīva - thần sáng tạo, thần bảo tồn, thần hủy diệt, cũng không có nữa hay sao? - Vẫn có đấy - Đức Phật mỉm cười – Nhưng không phải hiểu theo nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng, hoàn toàn phải được hiểu theo nghĩa triết học! Khi mà hiểu theo nghĩa triết học thì thần sáng tạo chính là sự sinh khởi, thần bảo tồn chính là sự an trú, thần hủy diệt chính là sự tàn rụi, diệt mất. Ba giai đoạn sinh, trụ, diệt là định luật chung của vạn hữu, là cái gì tất yếu! Một mầm cỏ, một chiếc lá, một nụ măng... cũng sinh, trụ và diệt! Một quả đất, một tinh cầu, một thiên hà... cũng sinh trụ và diệt! Nhưng chúng ta phải cảm ơn ân sủng của thượng đế đã cho thế gian thế giới các vị thần ấy! - Tại sao? Đạo sĩ chợt hỏi. - Vì nhờ các vị thần ấy mà đám cỏ sinh trưởng, lớn lên xanh biếc để cho trâu, bò, dê sinh sống, cho sữa đến mọi nhà. Nụ măng lớn lên thành tre, thành rừng tre để chúng ta làm nhà cửa, vật dụng sinh hoạt. Nhờ sinh, nhờ diệt của vạn hữu mà có thời gian, nắng mưa, ngày đêm, xuân hạ thu đông; núi sông và cả cơm bánh trần gian cho mọi người nữa... Vậy, sinh, trụ, diệt là định luật trường cửu, là luật tắc chi phối, tương tác để duyên sinh trùng trùng thế gian vạn tượng! Như thế, một vật tự có, tự tồn tại, tự sinh rồi sinh thành, sinh hóa muôn vật là cái gì không thể quan niệm được, có phải vậy không, thưa tôn giả? Im lặng một lát, đức Phật chỉ tay ra dòng sông: - Nước cuồn cuộn trôi chảy này, nó có từ đâu, tôn giả? Suốt bốn tháng nắng nóng, biết bao nhiêu lượng nước ở sông hồ, đất đai, cây cối bị mặt trời thiêu đốt; nước ấy bị diệt, bốc hơi thành khói, thành mây; mây ấy gặp lạnh, nó diệt, nó đông lại thành nước trở lại! Định luật sinh trụ diệt, như vậy là còn kéo theo sự luân hồi tất yếu của vạn hữu nữa, thưa tôn giả! - Nó tất yếu, tất nó là định mệnh, vậy chúng ta không thể thoát ra? Đạo sĩ hỏi, đăm chiêu. - Ta không cần thoát ra - Đức Phật nói – Sinh diệt và luân hồi của vạn hữu là sự vận hành tự nhiên của pháp giới, nó không đưa đến Dukkha; chính sự sinh diệt, luân hồi của tư tưởng, của tâm niệm chúng ta mới biến thế giới ấy thành Māyā, thành Dukkha - rồi trở thành vấn đề Attā, Brāhman của Vedantā đấy, thưa tôn giả! Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa bàng hoàng. Có cái gì như lóe sáng. Ông định cất tiếng hỏi nhưng đức Phật đã đứng dậy, ngài nói: - Chính tôn giả phải tự tìm kiếm câu trả lời! Đêm đó, hỏa viện bốc cháy, không biết lý do tại sao. Mọi người tỏ ý thương xót vị sa-môn có nhiều oai lực. Trong nhóm đạo sĩ khổ hạnh ngâm mình dưới nước, có người bật khóc. Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa hớt hải cho người chữa lửa và tìm kiếm thử thi hài của người tuổi trẻ đáng kính, nhưng tìm hoài không thấy. Có người thấy bóng dáng của đức Phật trên rừng, ngài có nhắn lại là ngài vô sự, khỏi lo cho ngài; và hôm nay ngài sẽ đi khất thực ở một miền xa. Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa thở phào, chợt một ý nghĩ lóe lên trong ông: “Hôm nay là ngày tế lễ lớn của đạo thần lửa. Các tín đồ khắp nơi, không những quanh vùng mà cả Māgadha và Aṅgā cũng sẽ đổ xô về đây! Ta lại còn có buổi giảng pháp. Mấy hôm nay ta cảm thấy lo ngại, một là do ta đã thấy được việc tế thần lửa là vô ích; hai là kiến thức của ta rất giới hạn, nhiều khuyết lõm, ông ta sẽ cười chê! Vậy, có lẽ vị sa-môn ngại ta cấn cái, khó xử nên đã tìm cách tránh đi? Ông ta quả thật đã đọc được sự khó xử của ta! Chắc chắn ông ta đã đắc tha tâm thông, và lối xử sự ấy tế nhị vô cùng vậy!” Hôm ấy, đức Phật đi trì bình khất thực ở Bắc cu-lu châu, nghỉ ngơi tại ao lưu ly Anotatta - phạm vi lãnh thổ của Tứ đại thiên vương - suy nghĩ đến lộ trình hoằng hóa sắp tới, cần nhiều phương tiện trí như thế nào. Riêng đạo sĩ già thì tâm trí đã sắp chín muồi, chỉ cần một vài tác động nữa là sẽ nhiếp phục được; và cả ba anh em cùng với giáo chúng của họ là lực lượng quan trọng cho chánh pháp, cho sự phát triển mai hậu. Cuộc tế lễ hằng năm với hằng ngàn tín đồ, với lễ vật, lễ phẩm cao như núi - của đạo thần lửa chấm dứt, trời mưa tầm tả, gió bão dữ dội - nước sông dâng lên rất nhanh, tràn bờ, ngập lụt cả mấy cánh đồng. Một số cốc liêu của các đạo sĩ ở gần bờ bị nước cuốn trôi; một số khác thì xiêu vẹo, sụp đổ. Đức Phật ở trong một hang đá suốt hai ngày, ngài không ăn, chỉ ngồi hưởng lạc về thiền, lạc về quả. Mưa bão dứt, đức Phật đi quanh một vòng, thăm các thôn làng, thấy họ không hư hại gì nhiều, biết họ đã quen với bão lũ, biết họ đã chuẩn bị thời tiết thay đổi đột ngột cuối mùa. Các đạo sĩ thì có vẻ tự tại, ai dựng lại thì dựng, ai không dựng lại thì thôi. Đức Phật ghé thăm đạo sĩ Uruvelā-Kassapa khi trời đã chiều tối. Am thất của ông, chúng đệ tử đã sửa sang lại. Đạo sĩ ngắm nhìn phong thái tự tại và sắc mặt quang rạng của đức Phật, ngạc nhiên hỏi: - Hiền giả đi đâu mấy hôm nay, ai cũng lo lắng cho ngài cả! Mà sao trông hiền giả như từ ở cõi trời nào mà trở về? - Một bữa, tôi vui chân đi khất thực ở Bắc cu-lu châu, nghỉ ở ao trời Anotatta; hai hôm tôi ở trong hang đá gần đây thôi! Đạo sĩ mời vào chỗ ngồi đã được soạn sẵn, bắt đầu vấn đạo: - Tôi đã thấy rõ sự vô ích của việc tế thần lửa, tôi đã thấy sự giới hạn của các giới luật và khổ hạnh đang thọ trì, tôi cũng đã nhìn ra ý nghĩa triết học của các thượng đẳng thần, sự sinh diệt và luân hồi tất yếu của vạn hữu; nhưng mà cái Māyā, Dukkha, Atta, Brāhman - quả thật là tôi chưa nắm vững! Đức Phật biết đây là cuộc đàm đạo cuối cùng để đưa đạo sĩ vào dòng chánh pháp nên ngài chuyển lên một cung bậc thang âm vi diệu: - Này tôn giả! Hỏa thịnh cục bộ ở một nơi, làm cho hỏa viện bốc cháy! Phong và thủy thịnh ở một miền, làm cho bão lụt xẩy ra. Trong tứ đại của đất trời, nếu chúng bất hòa là sinh ra nạn đất, nạn nước, nạn gió, nạn lửa - điều đó thì chắc tôn giả đã thấu hiểu rồi! Con người cũng tương tợ vậy. Nếu tổng cộng có một ngàn một trăm hai mươi thứ bệnh như Veda nói thì trong đó có một ngàn bệnh là do đất thịnh, nước thịnh, lửa thịnh, gió thịnh. Số còn lại là do bệnh nghiệp - nghiệp do từ kiếp trước còn dư sót. Như vậy là già, bệnh, tử của chúng sanh muôn loài là định luật tự nhiên của pháp giới, không loại trừ một ai, một vi sinh vật, một chúng sanh nào trong ba cõi, bốn loài – dù là một phạm thiên, một đại Brāhman! Tôn giả hãy chiêm nghiệm xem tôi nói thế có đúng với sự thật không? - Thưa, hoàn toàn đúng với chân lý! - Như thế, vấn đề đã được giới hạn lại, chỉ còn bệnh nghiệp! Nghiệp ở nơi thân thì có từ thân khẩu. Thân ác hạnh, khẩu ác hạnh thì bệnh tật, ốm đau, ngũ quan khuyết tật, yểu thọ, chết dữ; thân thiện hạnh, khẩu thiện hạnh thì thiểu bệnh, thiểu tật, mạnh khỏe, ngũ quan kiện toàn, tốt đẹp và trường thọ! Vậy muốn tu tập thì phải sử dụng ngữ, nghiệp, mạng thanh tịnh; nói cách khác là phải giữ gìn, thu thúc thân khẩu và trì bình khất thực nuôi mạng chân chánh, có một đời sống thiểu dục, tri túc là đủ, chứ cần gì khổ hạnh này, khổ hạnh kia – có phải vậy không tôn giả? - Đúng vậy, có một đời sống chừng mực, tiết độ trong tứ sự thì nó không những hỗ trợ cho ngữ nghiệp mạng trở nên trong lành, thiện lương, cao cả - phạm hạnh - mà còn làm cho khí huyết lưu thông, tứ đại điều hòa, an ổn. Tôi cũng từng biết như thế và từng sống như thế mấy chục năm nay, thưa hiền giả! - Vậy vấn đề còn lại của chúng ta là bệnh tâm, là sầu bi khổ ưu não - cái mà tôi gọi là dukkha đấy, thưa tôn giả! - Cái mà Vedantā nói là Māyā - thì nó có liên quan gì đến Dukkha? - Thế giới vạn hữu xung quanh ta, vũ trụ, trăng sao, núi sông, xuân hạ thu đông, nắng mưa, ngày đêm - muôn đời vẫn vậy – nó luôn bất toàn, không có thực tính, rỗng không, vô thường biến dịch! Con người vì không thấy rõ như thực ấy – do vô minh, do khát vọng, do dục vọng tầm cầu nên cứ muốn đi tìm cái đại toàn, cái bản thể tự tại, cái nhất nguyên tuyệt đối, cái chân ngã thường trụ, cái chân thường bất diệt - nên đã biến cái thế giới như thực ấy thành Māyā, thành Dukkha! Đây là nói đến các tôn giáo, tín ngưỡng trên châu Diêm-phù-đề, nói đến những sứ giả tâm linh, những hành giả lên đường hướng thiện và hướng thượng! Riêng đối với chúng sanh thấp thỏi, hạ liệt, do muốn thỏa mãn các dục nên đã chạy bắt những lý tưởng, những ước mơ sái với định luật, nhân quả nghiệp báo; tìm kiếm danh vọng, địa vị, quyền lực, lợi dưỡng sái với định luật nhân quả nghiệp báo - rồi tạo nên muôn trùng khổ đau tại thế, lôi kéo theo chiến tranh, máu lửa, hận thù, thủ đoạn, giật giành, gian xảo, oan trái, lầm than, đố kỵ, ganh ghét, phản bội, bạc tình, vong ân bội nghĩa... - Tôi hiểu rồi, tôi hiểu rồi hiền giả - Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa gật đầu liên tục - chúng muốn biến thế gian bên ngoài sao cho hợp với bầu vô minh và dục vọng vô độ của chúng, nên cái như thực - định luật tự nhiên của nhiên giới - chợt trở thành Māyā huyễn hóa, phản ánh thành Dukkha ở bên trong, cái mà hiền giả gọi là bệnh tâm: sầu bi khổ ưu não! - Chính thị - Đức Phật rất hoan hỷ sự lãnh hội của đạo sĩ, nói tiếp – Cái hoa đẹp, muốn nó thường tồn, đẹp mãi; muốn không được trở thành Dukkha! Tuổi trẻ thanh xuân chóng qua, tiếc rẻ; đã già rồi mà vẫn còn muốn trẻ, muốn đẹp mãi; muốn không được trở thành Dukkha! Một lý tưởng, một ước mơ, một hoàn cảnh, một hiện tượng từ lục căn với lục trần tương quan phát sanh – nó đưa đến bất như ý, bất toại nguyện cũng đều là chân dung của Dukkha cả! Và gốc nguồn của tất thảy Dukkha chính là ngũ uẩn, chính là chấp thủ ngũ uẩn; nghĩa là chấp thủ sai lầm sắc thân, chấp thủ sai lầm cảm thọ, chấp thủ sai lầm tâm hành, chấp thủ sai lầm về thức tri! Và thế rồi, đức Phật cặn kẽ, tận tình bảo đạo sĩ nhắm mắt lại, quán chiếu nội tâm, lắng nghe thử sự trôi chảy, sinh, trụ, diệt của mỗi sắc, của mỗi cảm thọ, của mỗi tri giác, của mỗi trạng thái tâm lý, của mỗi thức tri! Rồi đức Phật tự để cho đạo sĩ thấy rõ rằng: Thân và tâm chúng vận hành tương quan, tác động duyên khởi; mỗi cảm thọ, mỗi tri giác, mỗi tâm lý, mỗi thức tri đều trôi chảy liên lỉ, kế tiếp nhau như những giọt nước kế tục tạo cho ta ảo giác có một dòng sông! Ở đó không có một thực tính, một tự thể, một ngã tính nào cả! Vì vô thường nên vô ngã - đấy là sự thực có thể chứng nghiệm ngay chính trong lòng mình, chứ không phải cạn cợt trên bề mặt của nhận thức! Ai thấy rõ vô thường vô ngã thì bước ra khỏi thế giới Māyā, chấm dứt Dukkha, nghĩa là chấm dứt toàn bộ phiền não, khổ đau trên đời này! Đạo sĩ Uruvelā-Kassapa chợt mỉm cười: - Quả thật chẳng có cái ngã tính nào ở nơi thân tâm này; cho đến sự tập hợp của sắc thọ tưởng hành thức – nó cũng trôi chảy trong dòng trôi chảy, sinh diệt, tương quan, tương tác; có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia, chẳng có đâu là cái chủ tể, cái yoni như trong thức giác Upanishad đã nói! Chẳng có một linh hồn, một tiểu ngã (atta) nào tồn tại, thưa hiền giả! Đức Phật mỉm cười: - Vậy còn đức Brāhman chí tôn, đấng hóa sinh muôn loài? Cấp độ cuối cùng của thiền định là hòa tan tiểu ngã vào đại ngã thì sao nhỉ? - Tiểu ngã không thực hữu, không tự tính – còn đại ngã chính là các luật tắc của vũ trụ, hòa tan vào đấy mà làm gì! Thưa hiền giả, vấn đề còn lại là Dukkha, là sầu bi khổ ưu não mà thôi! - Hãy nhìn xem, hãy quán chiếu mà xem! Khi tuệ như thực - chánh kiến, chánh tư duy - nhìn ngắm sắc thọ tưởng hành thức như thực, đừng cho uẩn nào chồng chất lên đấy cả - thì sầu bi khổ ưu não có có mặt không, tôn giả? - Thưa không! Đạo sĩ đáp – nhưng nếu chúng có mặt? - Hãy dùng chánh niệm, chánh định ghi nhận chúng, nó sẽ yên lặng, sầu bi khổ ưu não sẽ không quấy nhiễu nữa; và sau đó sẽ phát sanh kiến và tư duy chơn chánh. Định như thực năng sinh tuệ như thực là vậy! Thế là đức Phật đã giảng nói Tứ diệu đế theo kiểu khác, ban đầu là tháo gỡ những tri kiến cũ, sau đó là hé lộ cho đạo sĩ thấy rõ Dukkha, nguyên nhân của Dukkha, cuối cùng là phô bày đạo lộ Bát chánh một cách rất thiện xảo vậy. Tâm, tuệ bừng sáng, vô minh diệt, minh hiện - đạo sĩ Uruvelā-Kassapa như thức tỉnh sau một triệu kiếp đặc đầy hư vô, chỉ trong mấy sát-na, ông đắc luôn quả vị A-la-hán và các thần thông; ông quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ đức Phật với sự tri ân dạt dào: - Với kiến thức siêu quần bạt tụy, với biện giải minh nhiên vô ngại, với trí tuệ quảng bác vô tỉ, với thần thông vô biên siêu thế - ngài đúng là một vị Phật, một đức Như Lai Thế Tôn, một bậc Chánh Đẳng Giác muôn triệu năm mới có một lần! Đệ tử bây giờ mới biết rõ, thấy rõ như vậy! Xin đức Thế Tôn cho đệ tử được sám hối bởi những mạo phạm vô ý hoặc do ngu si không thấy, không biết trước đây! Đức Phật cứ để tự nhiên cho đạo sĩ Uruvelā-Kassapa quỳ lạy; ngài mỉm nụ tiếu sinh tâm rồi sử dụng liên tiếp ba loại hào quang để nhiếp phục luôn hội chúng quanh đây. Đầu tiên là hào quang sáng dịu, thanh trong như phạm thiên Sahampati nhưng lớn rộng hơn nhiều, bao trùm cả khu rừng. Tiếp theo, hào quang kia chợt chuyển màu, lung linh sáu sắc, chập chờn chuyển động, uốn lượn như sáu con giao long. Cuối cùng, hào quang thu nhỏ lại dần dần, rút lui về am thất, bao tròn xunh quanh ngài như một quả cầu pha-lê rồi nằm yên mãi như thế. - Này Kassapa-Uruvelā! Như Lai là Phật, là bậc Chánh Đẳng Giác, điều đó ông đã biết rồi; và ông cũng đã là một vị A-la-hán có thần thông! Vậy thì hãy hướng tâm để biết một số kiếp trước đây của Như Lai, biết về cuộc đời và hành trạng của Như Lai trong kiếp này – sau này sẽ có lợi cho giáo pháp trên đường hoằng hóa! Vâng mệnh, đạo sĩ bèn hướng tâm (đức Phật hỗ trợ thêm năng lực) quả là thấy rõ từ thời đức Phật Dīpaṅkāra, đạo sĩ Sumedha được thọ ký ra sao, tu tập công hạnh ba-la-mật trải qua hai mươi bốn vị Chánh Đẳng Giác thế nào. Kiếp cuối cùng làm người với năm đại thí, lên cõi trời Tusita, giáng sanh cõi người làm thái tử con vua Suddhodāna, hoàng hậu Mahāmāyā. Lớn lên, sở học, sở tài, kết hôn với công chúa Yasodharā, hài nhi mới sinh Rāhula, xuất gia tầm đạo, sáu năm khổ hạnh rồi giác ngộ giải thoát nhờ pháp hành trung đạo tại cội cây Assattha bên kia bờ nam con sông Nerañjarā; thứ đến, suốt bốn mươi chín ngày ngài không ăn, quanh quẩn bên cội Bodhirukha để hoàn thiện giáo pháp, phạm thiên Sahampati thỉnh ngài lên đường chuyển pháp, độ cho năm bạn đồng tu Koṇḍañña, Yasa cùng năm mươi bốn thân hữu tại Lộc Uyển... mỗi mỗi đều hiện rõ như trong lòng bàn tay của ông! Thấy xong, đạo sĩ Uruvelā-Kassapa xin xuất gia tỳ-khưu. Đức Phật bảo ông đọc ba lần Tam quy như là nghi thức, sau đó nói rằng, ông đã là một vị tỳ-khưu chơn chính, giáo pháp trong tâm ông đã có đủ, hãy sống đời phạm hạnh thiêng liêng để đem đến hạnh phúc cho chư thiên và loài người! Khi đức Phật và vị tân A-la-hán bước ra hiên thì đèn đuốc sáng rực cả một rừng, mấy trăm đạo sĩ đứng ngồi lố nhố. Chính oai lực thần thông phóng ba loại hào quang của đức Phật đã hấp dẫn họ đến đây. Ba vị đệ tử lớn còn kể thầm cho họ nghe rằng, thầy của họ, hôm nay mới biết vị sa-môn kia là một vị Phật, một vị Chánh Đẳng Giác; thầy đã quỳ lạy sát chân ngài, xin quy y, thọ tỳ-khưu giới, xưng mình là đệ tử... Và dường như không ai ngạc nhiên cả: Người mà Tứ đại thiên vương, Đế-thích thiên chủ, Đại phạm thiên xuống hầu suốt đêm thì nhất định là bậc tối cao hơn rồi! Hơn nữa, từ lâu, họ kính ngưỡng, xem thầy họ như vị thần; thầy họ mà cải giáo theo – thì dĩ nhiên việc làm ấy là đúng rồi! Biết ý thầy và trò họ sẽ còn nói chuyện với nhau, đức Phật đi lên hang đá nghỉ đêm. Trưa, khất thực ở một làng xa, độ ngọ xong, đức Phật xuống am thất của đạo sĩ – ông ta cho biết là đồ chúng đã sẵn sàng, đã chuẩn bị quy y và thọ giới tỳ-khưu theo chánh pháp. Đức Phật tỏ vẻ khen ngợi rồi bàn với đạo sĩ về việc cạo sạch râu tóc và chuẩn bị y bát cho hội chúng; làm thế nào để chư vị tỳ-khưu sơ tu toát ra một tăng tướng trang nghiêm, thanh tịnh - biểu tượng trung đạo – chứ không thể để họ lôi thôi, lếch thếch như những hình ảnh các đạo sĩ khổ hạnh trước đây! Tôn giả Uruvelā-Kassapa nói: - Đệ tử hiểu và đã chuẩn bị một phần theo tinh thần mà đức Thế Tôn vừa giáo giới. Trong cuộc lễ tế thần vừa rồi, mấy ngàn giáo đồ dâng cúng lễ phẩm, trong đó có khá nhiều vải dành cho hội chúng vào mùa rét lạnh sắp tới. Đệ tử đã cho chia phần, cho nhuộm màu vàng hoại sắc giống như chín mươi vị A-la-hán đang đi hoằng hóa bốn phương vậy! Đức Phật gật đầu: - Tốt, ông rất chu đáo, đã biết được ý của Như Lai; vậy lúc nào xong xuôi, hãy cho tụ hội một nơi rộng rãi, thoáng đãng – Như Lai sẽ làm lễ thọ giới cho họ! Thế là một cuộc thay đổi vĩ đại, một sự chuyển hóa vĩ đại, một cuộc thọ giới tỳ-khưu vĩ đại xẩy ra ở bờ bắc sông Nerañjarā: Năm trăm đạo sĩ râu tóc sạch sẽ, mặc y màu vàng hoại sắc được đức Phật cho làm lễ xuất gia tỳ-khưu. Họ đồng quỳ xuống bên sau tân tỳ-khưu Uruvelā-Kassapa đọc ba lần câu Tam quy vang động cả một vùng sông nước, khí thế bốc chín tầng mây: “- Buddhaṃ saranaṃ gacchāmi. Dhammaṃ saranaṃ gacchāmi. Saṅghaṃ saranaṃ gacchāmi.” (Đệ tử xin được trở về nương tựa nơi đức Phật. Đệ tử xin được trở về nương tựa nơi đức Pháp. Đệ tử xin được trở về nương tựa nơi đức Tăng.) Chỉ có đức Phật và Uruvelā-Kassapa mới nghe thấy được chư thiên trong vùng hoan hỷ ca ngợi và tung rải hoa trời phất phới... Đức Phật bàn với Uruvelā-Kassapa lựa chọn chừng vài mươi tỳ-khưu có trình độ để ngài giảng những giáo pháp căn bản, những hành trì căn bản cũng như những luật nghi cần thiết của đời sống sa-môn hạnh. Hội chúng tuân lệnh răm rắp. Uruvelā-Kassapa và ba người đệ tử trưởng quả là những người có khả năng lãnh đạo và khả năng tổ chức. Họ đã tự động chia nhóm, phân tổ rồi truyền đạt có hiệu quả những lời dạy của đức Phật về đời sống trung đạo, hướng đến giác ngộ, giải thoát như thế nào. Đạo tràng của đạo sĩ Nadī-Kassapa và đồ chúng ở về phía hạ lưu, một hôm trông thấy những chùm tóc bện, y áo bằng vỏ cây, da thú, một số vật dụng tế thần lửa trôi bồng bềnh trên sông - tưởng đạo tràng của ông anh của mình gặp nạn nên hối hả, bươn bả lên xem. Ngạc nhiên xiết bao: Cả rừng người đều đã đổi khác! Cuộc đàm đạo sau đó xẩy ra giữa hai anh em, và Nadī-Kassapa cùng ba trăm chúng đệ tử đồng thuận cải giáo. Ông em thứ ba là Gayā-Kassapa cùng với hai trăm đồ chúng, sự việc cũng tương tợ như thế. Vậy là chỉ sau mấy hôm, đức Phật đã nhiếp hóa trọn vẹn ba anh em nhà Kassapa và một ngàn đồ chúng của họ - trở thành một ngàn lẻ ba vị tỳ-khưu! Hôm kia, dẫn đầu là đức Phật, ba anh em Kassapa, sau đó là một ngàn vị tỳ-khưu mặc y màu lõi mít lẫn lộn với màu vàng đất, râu tóc sạch sẽ, thứ tự, trang nghiêm tản mạn khắp các thôn làng để trì bình khất thực. Hình ảnh ấy tạo một ấn tượng rất mạnh, rất đẹp trong lòng quần chúng. Trưa, tất cả thanh tịnh, lặng lẽ ngồi độ thực tại vùng đồi Gayāsīsa. Hôm ấy, trời trong, mây nhẹ, đức Phật lựa ngồi trên một tảng đá cao có thể bao quát hội chúng - có ba anh em Kassapa ngồi hầu bên cạnh - ngài đã hiển uy sư vương để thuyết pháp với âm giọng trầm hùng như tiếng hải triều, như sấm gióng giữa trời mưa: - Nầy các thầy tỳ-khưu! Các thầy có thấy chăng, tất cả đều đang bị bốc cháy, tất cả đều đang bị thiêu đốt! Cái gì đang bị thiêu đốt, cái gì đang bị bốc cháy, các thầy có biết không? Hãy nghe đây! Mắt đang nằm trong lửa, mắt đang bị bốc cháy! Tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều đang nằm trong lửa, chúng cũng bị bốc cháy! Nghĩa là cả sáu loại giác quan đều đang bị bốc cháy! Các đối tượng của chúng là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đang nằm trong lửa, cũng bị bốc cháy! Rồi cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc chạm, cái suy nghĩ đang nằm trong lửa, cũng bị bốc cháy! Lục căn, lục trần, lục thức đều ở trong lửa, đều đang bị thiêu đốt và bốc cháy! Vậy thì lửa ấy ở đâu, do từ đâu có? Nầy các thầy tỳ-khưu! Chúng bị bốc cháy bởi lửa tham dục, lửa sân hận, lửa si mê; rồi chúng bốc cháy theo với sinh, già, bệnh, chết, đau thương, phiền muộn, ta thán, âu sầu, lo lắng, sợ hãi, ưu não, thất vọng và tuyệt vọng! Nầy các thầy tỳ-khưu! Tất cả mọi cảm thọ đều đang bị bốc cháy! Các cảm thọ đi qua mắt, qua tai, qua mũi, qua lưỡi, qua thân, qua ý cũng đều bị bốc cháy. Dù là cảm thọ lạc, cảm thọ khổ hay cảm thọ xả - chúng cũng đang bị bốc cháy! Lửa cháy bởi đâu? Cũng tương tợ vậy! Chúng bốc cháy bởi lửa tham dục, lửa sân hận, lửa si mê; rồi chúng bốc cháy theo với sinh, già, bệnh, chết, đau thương, phiền muộn, ta thán, âu sầu, lo lắng, sợ hãi, ưu não, thất vọng và tuyệt vọng! Nầy các thầy tỳ-khưu! Là đệ tử thuần thành của bậc thánh nhân, là sa-môn đi theo giáo đoàn thanh tịnh – các thầy đừng để bị bốc cháy theo với các ngọn lửa tham dục, sân hận, si mê trong lòng mình; đừng để bị bốc cháy theo với sinh, già, bệnh, chết, đau thương, phiền muộn, ta thán, âu sầu, lo lắng, sợ hãi, ưu não, thất vọng và tuyệt vọng! Vậy thì phải làm như thế nào, tu tập như thế nào, hành trì như thế nào để khỏi bị bốc cháy? Nầy các thầy tỳ-khưu! Hãy nhận rõ như thực như chân điều này: Khi lục căn tiếp xúc với lục trần liền phát sanh các cảm thọ! Khi có các cảm thọ là các ngọn lửa bắt đầu âm ỉ để bốc cháy! Vậy phải tự hiểu, tự chiêm nghiệm, tự thức tri để nhàm chán, viễn ly các ái lúc xúc đối với ngoại cảnh, với lục trần. Nói cách khác, phải nhàm chán, viễn ly sắc thanh hương vị xúc pháp do khả ái, khả ý, khả lạc - bởi chúng sẽ làm cho toàn bộ thân tâm bị bốc cháy. Và khi làm như thế, các thầy sẽ vắng lặng, buông xả, cắt lìa mọi tham dục, mọi sân hận, mọi si mê - kéo theo sự chấm dứt sanh, già, bệnh, chết, đau thương, phiền muộn, âu sầu, lo lắng, sợ hãi, ưu não, thất vọng và tuyệt vọng. Tâm và trí của các thầymột khi đã tận diệt mọi ô nhiễm, sẽ nếm thưởng hương vị của giáo pháp bất tử, của niềm vui siêu thế. Như vậy là các thầy đã viên mãn đời sống thiêng liêng phạm hạnh của bậc thánh nhân, đã làm xong những việc cần phải làm, không còn trở lại cuộc luân hồi tái sanh thống khổ nữa! Đức Phật thuyết xong thời pháp “ Tất cả đều bị bốc cháy” (Āditta-pariyāya) thì cả hội chúng một ngàn lẻ hai vị tỳ-khưu đều đắc quả A-la-hán! Cả vùng sông nước, núi đồi miền Gayāsīsa hôm ấy cũng chợt trở nên vắng lặng, thiêng liêng và thanh khiết một cách lạ lùng! Suốt mấy tháng liên tiếp sau thời pháp lịch sử ấy, đức Phật ở lại Gayāsīsa (Tượng đầu sơn), khi ở hang động nầy, khi sang hang động khác để tĩnh cư - thời gian còn lại, ngài tuần tự giảng nói các giai đoạn sơ thiện, trung thiện và hậu thiện để giáo huấn hội chúng. Cả chân trời giáo pháp sâu và rộng được tuần tự mở ra trước tầm mắt họ, thuận lợi cho việc tuyên dương hoằng hóa sau này! ĐỨC VUA SENIYA BIMBISĀRA Sau khi sinh hoạt của hội chúng đã tạm thời đi vào quy củ, nền nếp; đức Phật thấy thời tiết có nắng nhẹ, trời không lạnh lắm, thuận lợi cho việc du hành nên quyết định rời Gayāsīsa, đến kinh đô Rājagaha, đường xa chừng sáu do-tuần. Thấy đoàn sa-môn quá đông, khó khăn cho việc khất thực, đức Phật gợi ý với ba anh em Kassapa cho chúng đệ tử phân thành từng nhóm, mỗi nhóm chừng vài ba mươi người để đi độ thực rải rác các thôn làng. Vì đều là các bậc thánh nhân, ai cũng tỉnh giác, chánh niệm nên việc đến, việc đi, tá túc qua đêm chỗ này, chỗ kia đều sạch sẽ, tươm tất, không làm phiền đến ai, không làm tổn hại đến cả gốc cây ngọn cỏ. Tuy nhiên, đến ngày thứ năm, lúc gặp nhau tại một thung lũng, cách kinh thành chừng một do tuần, đức Phật còn giáo giới thêm rằng: - Nầy các thầy tỳ-khưu! Chúng ta sắp đi vào kinh đô của một vương quốc giàu mạnh. Giáo pháp mà Như Lai đã chứng ngộ và tuyên thuyết các thầy đã thấu hiểu, đã chứng nghiệm; và bây giờ, giáo pháp ấy đang và sẽ bắt đầu đi vào cuộc đời, đi vào lòng người. Nhân dân kinh thành Rājagaha và đức vua Seniya Bimbisāra cảm nhận về giáo pháp ấy như thế nào là tùy thuộc vào các thầy, tùy thuộc vào ngôn ngữ, khẩu giáo, tùy thuộc vào uy nghi, cốt cách, phong thái của các thầy! Như Lai nói ít nhưng các thầy sẽ hiểu nhiều! Hãy trân trọng! Thế rồi, các nhóm tuần tự lên đường. Họ thâm hiểu lời dạy của đức Thế Tôn. Tôn giả Uruvelā-Kassapa có kiến thức khá thấu đáo về tình hình địa lý cũng như tình hình xã hội kinh thành Rājagaha, đã bàn với hai em và các đệ tử trưởng là nên tụ họp ở khu Rừng Kè - có đền thờ Suppatittha cho đức Phật nghỉ ngơi - tại phía tây nam kinh thành; là nơi rộng rãi, mát mẻ, không gần mà cũng không xa thành phố, ban đêm và ban ngày đều không bị sự ồn ào quấy nhiễu. Hôm sau, cả kinh thành như bừng sáng lên, và xôn xao bàn tán về một ngàn vị khất sĩ áo vàng trang nghiêm, thanh tịnh đi qua cửa mọi nhà không phân biệt giai cấp, quý tiện, giàu nghèo. Khi nhận được chút ít vật thực, họ chỉ mỉm cười rất kín đáo rồi đọc nhỏ một lời kinh phúc chúc, không gật đầu và cũng chẳng cảm ơn ai cả! Họ cũng không nhận vàng, bạc - chỉ thọ những vật nấu chín... Thế rồi, đức vua Seniya Bimbisāra được các quan trình tấu rằng: “Sa-môn Gotama, nam tử dòng Sākya, sau sáu năm khổ hạnh, bây giờ tự xưng mình là Phật, là bậc Chánh Đẳng Giác – lãnh đạo một giáo đoàn có cả ngàn khất sĩ áo vàng đang tràn ngập kinh đô Rājagaha!” Nghe tin, đức vua Seniya Bimbisāra chợt nghe một niềm vui lạ lùng bừng bừng trong huyết quản; và ông biết ngay đấy là ai! “ Đúng rồi, đức vua nghĩ - chỉ có người ấy, vị ấy, chàng trai anh tuấn, đẹp đẽ, quý phái ấy - sau nhiều năm lang thang tầm đạo, bây giờ đã chứng đạt được cái gì đó rất tối thượng, hiện đang đến kinh thành của ta đúng như lời hứa thuở trước!” Tức tốc, đức vua tụ họp ngay một số quan đại thần kỳ lão thân tín, hằng trăm bà-la-môn và nhân sĩ trí thức uyên bác, các gia chủ danh gia vọng tộc cùng với đông đảo tùy tùng, vệ binh... rầm rộ lên xe ngựa đến khu Rừng Kè để thăm viếng cố nhân! Tại chỗ phải lẽ, đức vua cho xe ngựa dừng lại rồi cùng với tùy tùng đi bộ vào - là thái độ kính trọng cần thiết, đã trở thành mỹ tục của quốc độ - khi đức vua đi đến tham yết một vị đạo sư, một bậc giáo chủ uy danh! Biết tin đức vua đến - một người được xem là bạn cũ, một nhân vật quan trọng cho sự phát triển của giáo pháp sau này - đức Phật đã chuẩn bị sự đón tiếp: Một ngàn lẻ hai vị tỳ-khưu tự động ngồi trang nghiêm, lặng lẽ thành nhiều vòng bán nguyệt trên một khu đất rộng, còn đích thân ngài cùng với tôn giả Uruvelā-Kassapa đi bộ ra bìa rừng. Khi thấy đức Phật và tôn giả Uruvelā-Kassapa đi gần đến nơi, đức vua đã nhận ra ngay ngài cùng một vị sa-môn già lão, đạo mạo khả kính - nhưng lại chợt đâm ra hồ nghi, chẳng rõ ai là người lãnh đạo giáo đoàn? Các quan đại thần và rất đông nhân sĩ trí thức đã nhận ra vị giáo chủ thờ thần lửa nổi tiếng bấy lâu nay – bây giờ đã đổi phục sức, tướng mạo - chắc vị trưởng lão này là thầy của vị sa-môn trẻ trung kia! Nhờ tha tâm thông, đức Phật đọc được sự suy nghĩ của đức vua và tùy tùng nên ngài quay sang hỏi tôn giả Uruvelā-Kassapa: - Nầy hiền giả Uruvelā-Kassapa! Trước đây ông là giáo chủ thờ thần lửa, nay vì lý do gì mà ông lại từ bỏ sự thờ cúng ấy? Biết được dụng ý câu hỏi của đức Phật và cũng muốn giải tan sự nghi ngờ của mọi người, tôn giả Uruvelā-Kassapa chấp tay cung kính trả lời: - Bạch đức Thế Tôn! Tất cả mọi loại tế đàn đều vô ích và phù phiếm! Tất cả mọi loại tế đàn đều đưa đến dục lạc và phiền não chứ không thể đưa đến an vui và thanh tịnh! Vì biết rõ, thấy rõ như vậy nên đệ tử đã từ bỏ việc tế thần lửa! - Vậy sau khi từ bỏ các loại tế đàn, ông tìm kiếm an vui và thanh tịnh ở đâu? - Chính là nhờ vào giáo pháp của đức Thế Tôn! Chính nhờ giáo pháp bất tử ấy mà đệ tử đã thoát ly tất cả mọi chấp thủ ở bên trong hay bên ngoài, ở nhân giới cũng như thiên giới. Hiện giờ, tâm trí đệ tử đã đạt được sự an vui và thanh tịnh của Niết-bàn! Nói như thế xong, tôn giả Uruvelā-Kassapa quỳ xuống và đảnh lễ ba lần sát chân đức Phật rồi tuyên bố ba lần: “Đức Thế Tôn là đạo sư của con! Con là đệ tử của ngài!” Dường như thấy vậy cũng chưa đủ để tuyên dương về đức Phật và đức Pháp – tôn giả còn hiển lộng thần thông, bay lên hư không cao một tầm cây thốt nốt rồi trở xuống quỳ lạy y chỗ cũ; lần thứ hai bay lên hư không cao hai tầm cây thốt nốt... đến lần thứ bảy cao bảy tầm cây thốt nốt đều được lặp lại như vậy... Cách đảnh lễ ngoạn mục và sự quy ngưỡng vô cùng tôn kính của tôn giả Uruvelā-Kassapa đối với đức Phật - không những xóa tan mọi nghi ngờ, không những xác định vị trí lãnh đạo tinh thần tối thắng của đức Phật - mà còn tạo một ấn tượng sâu đậm trong tâm trí của đức vua và tùy tùng: Cái vị được gọi là Phật ấy phải là người có trí tuệ và uy đức như thế nào - Cái giáo pháp mà vị ấy chứng ngộ là giáo pháp ra sao mà làm cho vị tôn túc trưởng lão - là giáo chủ có địa vị lớn, có danh vọng lớn - phải thần phục, quy phục và quỳ lạy như thế? Bây giờ mọi cặp mắt đều đổ dồn về phía đức Phật. Họ thầm lặng chiêm ngưỡng. Họ giữ gìn sự yên lặng trong mỗi bước chân đi. Khi vào đến nơi, giữa Rừng Kè, nhìn cả ngàn vị sa-môn như một rừng đại định, họ cảm nhận một uy lực vô hình bắt họ phải thu thúc, giữ gìn thân khẩu ý! Đức Phật mời đức vua và tùy tùng ngồi vào những nơi phải lẽ, rồi ngài chậm rãi, đoan nghi ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được soạn sẵn. Ba tôn giả Kassapa ngồi hầu sau lưng như ba trưởng lão hộ pháp! Đức Phật nói vài lời thăm hỏi sức khỏe của đức vua, cảm kích sự viếng thăm của đức vua và quần thần – sau đó giới thiệu ba anh em tôn giả Kasspa cùng một ngàn đồ chúng của họ, bây giờ đều là bậc thánh nhân vô lậu - ở trong giáo pháp của ngài! Đức vua Seniya Bimbisāra như chìm ngợp trong không gian tịnh định, bây giờ mới tỉnh lại, nói lời tri ân đức Phật đã nhớ lời hứa xưa đến thăm quốc độ của ông; và cả kinh thành này sẽ cung nghinh đức Phật và giáo đoàn như đón tiếp những bậc quốc khách! Đức vua cũng không quên giới thiệu các vị lão thần, các quan đại thần, các nhân sĩ trí thức - đều là thành phần chủ chốt, cốt cán, quan trọng - đang phụ tá, tham mưu triều chính về mọi lãnh vực tương thuộc cho ông. Và cuối cùng, đức vua có ước nguyện rằng, giáo pháp mà đức Phật đã chứng ngộ sẽ đem đến sự hạnh phúc và an vui cho chúng sanh, cho nhiều người trong quốc độ xinh đẹp nầy... Biết là thời khắc phải lẽ, đức Phật thuyết một thời pháp, ngài nói về những pháp tuần tự (thuận thứ). Đầu tiên, ngài nói về những tạo tác sai lầm từ thân khẩu ý sẽ đưa đến những quả báo đau khổ như thế nào. Ngài hướng dẫn một đời sống trong sáng và lành mạnh bằng cách giữ gìn thân khẩu ý qua những giới điều cần phải thọ trì, những phương pháp định tâm cần phải tu tập. Hạnh phúc và an vui ở cõi người được quyết định bởi sự chu toàn các bổn phận tại thế. Ai cũng phải có những nghĩa vụ cần phải hoàn thành, những trách nhiệm liên đới cần phải gánh vác. Về vua tôi, cha con, chồng vợ, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu, làng xóm, quốc độ... đều có những khu xử phải lẽ, nhất định của đạo làm người. Phải biết tin tưởng vào các giá trị tinh thần thiêng liêng, vào Như Lai, giáo pháp của Như Lai cùng tăng đoàn thánh hạnh của Như Lai (tín); phải sống đời có giới hạnh (giới), phải biết nghe những điều hay, lẽ phải, nhất là biết học hỏi giáo pháp của đạo giác ngộ nơi các bậc sa-môn chân chính (văn); phải biết cung kính, cúng dường Tam Bảo; tế độ, giúp đỡ những kẻ đói nghèo, hoạn nạn, tai ương, hoàn cảnh bất hạnh (thí); phải có trí tuệ biết lánh xa điều ác, làm các việc lành; phải thường trực sáng suốt và tỉnh thức trên lộ trình hướng thiện và hướng thượng (tuệ)... Đức Phật còn nói khá nhiều về bản chất của cuộc đời như những sự thật phổ quát cần phải được thấy đúng, hiểu đúng. Dukkha chính là sự thật phổ quát ấy! Đừng vì dục lạc, sân si và tham vọng mù quáng mà đánh mất những tỉnh niệm, giác niệm hằng ngày! Đấy là sự sai lầm. Và chính sự sai lầm này làm cho Dukkha chồng chất lên Dukkha mà tạo nên khổ đau vô cùng tận. Đạo của Như Lai là đạo tỉnh thức, đạo giác ngộ - nên đạo ấy cần phải được thức tri, liễu tri, giác tri, minh tri tất thảy nguyên nhân của Dukkha để tìm cách làm cho yên lặng chúng, chấm dứt chúng, đoạn diệt chúng! Tất cả nỗi khổ của trần gian, đời này và đời kia đều do con người tạo tác – tạo tác bởi sai lầm - thì chính con người phải tìm cách xử lý, giải quyết lấy - bằng sự đúng đắn của thân khẩu ý để điều chỉnh nó, hoàn thiện nó - không có vị thần linh, thượng đế nào xen dự vào đấy cả. Thấy đúng đưa đến suy nghĩ đúng, hành động đúng! Và đạo lộ ấy – Bát chánh đạo - Như Lai đã tìm ra, đã chứng ngộ; và giáo đoàn của Như Lai cũng đang trên con đường ấy mà tìm thấy niềm hạnh phúc siêu thế... Tuy nhiên, hạnh phúc siêu thế ấy không ở đâu xa, không ở ngoài trái đất, không ở trên hư vô! Đừng đi ra ngoài thế gian, mà cũng đừng tìm kiếm lông rùa, sừng thỏ! Nó ở đây và bây giờ, nơi Như Lai và ở nơi hội chúng của Như Lai, đang ở đây, truớc mặt chư vị! Nó như mặt trời lên thì bóng đêm tự lui! Nó như ánh nắng dọi đến thì mù sương tan! Nó như mây vẹt thì trăng tỏ! Nó như mắt lành thì hoa đốm hết! Minh nhiên! Tự nhiên! Rỗng lặng! Chẳng có cái gì bớt mà cũng chẳng có cái gì thêm! Chỉ cần chúng ta thấy đúng như chân lý và sống đúng như chân lý trong từng bước đi, trong từng hơi thở, trong từng khởi niệm - thì chúng ta đã tự giải quyết được bài toán sinh tử trần ai, luân hồi khổ đau muôn vạn kiếp... Từng lời, từng chữ của đức Thế Tôn như thấm vào tâm trí và tim gan của hội chúng. Đức vua Seniya Bimbisāra càng nghe thì trí càng bừng sáng, tâm càng rộng mở. Sự điều chỉnh bản thân đã có câu trả lời. Sự hạnh phúc và an vui cho mọi người đã có lời giải. Lộ trình hướng thiện và hướng thượng đã chợt trở nên thênh thang trước tầm mắt. Sung sướng quá, đức vua quỳ xuống, năm vóc sát đất, đảnh lễ đôi chân trần có một ngàn căm bánh xe của đức Thế Tôn: - Bạch đức Thế Tôn! Thuở trước, hồi còn là một tiểu vương tử, đệ tử có năm điều nguyện ước. Ước nguyện thứ nhất là được kế vị ngôi vua! Ước nguyện thứ hai là được một vị Phật, một đức Chánh Đẳng Giác đến viếng thăm quốc độ của mình! Ước nguyện thứ ba là được có duyên lành diện kiến, kính ngưỡng, đón tiếp đức Chánh Đẳng Giác ấy! Ước nguyện thứ tư là được đức Giác Ngộ ấy giảng dạy chánh pháp! Ước nguyện thứ năm là có thể thông hiểu được giáo pháp mà vị ấy đã tuyên thuyết! Kính bạch đức Thế Tôn, mầu nhiệm làm sao, hiện nay cả năm điều nguyện ước xưa kia đều đã được thành tựu viên mãn. Ôi! Giáo pháp bất tử đã được đức Thế Tôn khéo giảng nói bằng nhiều cách khác nhau, rất là sáng tỏ, rất là thiêng liêng! Ví như Người đã dựng lên cái gì đã bị quăng ngã xuống! Ví như Người đã ân cần chỉ đường cho kẻ lạc lối! Ví như Người đã đem một ngọn đèn vào nơi tối tăm để ai có mắt có thể trông thấy hình sắc mọi vật! Cũng vậy, đức Thế Tôn đã thuyết giảng chánh pháp với nhiều phương tiện thiện xảo, với nhiều ví dụ, hình ảnh sống động, cụ thể, với nhiều ẩn dụ sâu nhiệm dành cho kẻ trí nghe, tức khắc được chuyển hóa! Bạch đức Thế Tôn! Nay đệ tử xin nương tựa nơi đức Thế Tôn, nương tựa nơi Giáo pháp, nương tựa nơi Tăng đoàn thánh hạnh này! Xin đức Thế Tôn nhận cho đệ tử được làm một cận sự nam từ nay cho đến trọn đời! Đức vua Sineya Bimbisāra vừa tác bạch xong tâm nguyện thì cả phái đoàn tùy tùng đồng quỳ xuống và đều xin được quy y, xin được làm đệ tử. Đức Phật mỉm cười, ngài biết là họ đã có bất động tâm, đã bước chân vào đạo lộ an vui (Nhập lưu) – nên bảo tôn giả Uruvelā-Kassapa hướng dẫn cho nhà vua, quần thần và tùy tùng đọc ba lần Tam quy. Lời phát nguyện đồng tâm, đồng trí của mấy trăm người như rúng động cả rừng cây, vang vang giữa hư không! Sau đó, nhà vua thỉnh cầu đức Phật và Tăng chúng quang lâm đến thọ trai ở hoàng cung vào ngày hôm sau. Đức Phật nhận lời bằng cách im lặng. Sáng ngày, lúc bình minh rạng, với y bát trang nghiêm, đức Phật dẫn đầu, sau lưng là ba anh em tôn giả Kassapa cùng một ngàn vị tỳ- khưu lậu hoặc đã tận - từ từ, chậm rãi bộ hành hướng đến hoàng cung của đức vua Seniya Bimbisāra. Vì là đi hàng một nên đoàn sa-môn như một con rồng vàng khổng lồ uốn lượn dài cả một phần mười do-tuần. Các thôn làng ngoại ô vừa khuất sau lưng, qua khỏi cổng thành Nam thì đường phố đã hiện ra. Có lẽ sự nghinh đón đức Phật và giáo đoàn sa-môn của đức vua tối cao đã được thông báo từ chiều qua nên cả kinh thành như vào ngày hội lớn. Đường sá đã được dọn dẹp sạch sẽ, quang đãng. Đèn treo hoa kết khắp mọi nơi. Hương trầm, hương chiên-đàn thơm thoảng giữa không gian. Người người chầu chực trước cửa mọi nhà. Rồi chỉ trong chốc lát, hàng ngàn, hàng ngàn người lũ lượt từ đâu đó đổ về đông nghẹt các lối đi! Có lẽ thông tin về đức Phật có tướng hảo quang minh và cả ngàn vị sa-môn trang nghiêm thánh hạnh đã tràn qua tai nhân dân thủ đô – nên ai ai cũng tò mò, ai ai cũng muốn chiêm ngưỡng! Đến một ngã tư đường, lối rẽ phải đi vào hoàng cung thì đức Phật phải dừng lại vì đoàn người đã chặn bít... Đúng lúc ấy thì một thanh niên xuất hiện. Với phục sức y mão cao sang vương giả. Với dung nhan cực kỳ tuấn tú, mỹ lệ. Như một vị thiên thần. Như vua của các vì vua. Thanh niên cúi đầu nghiêm cung đảnh lễ đức Phật, cầm trên tay cây đàn Balūva nhiều giây rồi bắt đầu cất tiếng hát. Ôi! tiếng hát của chàng! Ôi! những ngón tay kỳ diệu của chàng! Âm nhạc và lời ca đâu tự cung trời thánh thót rơi xuống, đổ tràn khắp cả hư không! Cả rừng người bỗng yên lặng! Cả rừng người không một máy động. Cả rừng người như chìm ngập trong thanh điệu, cung bậc lạ lùng! Tát cả như mê man. Tất cả chỉ còn tiếng hát và ca từ phiếu diễu, mênh mang, vô tận... “- Hôm nay giữa đất trời thanh hương tú lệ Tại kinh thành của đức vua hiền thiện, anh minh Chuẩn bị hoa hương và lễ phẩm cung nghinh Đức Giác Ngộ và một ngàn sa-môn thánh chúng Đức Phật ấy có hào quang xán lạn Có ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp Hãy hát lên, hãy tụng ca đạo lộ vô thượng của Người Hãy hát lên, hãy tụng ca công đức sáng ngời Trong tam giới không có ai bì được Người đã giải thóat luân hồi sinh tử Người đã lên đường với chân trần, gót bụi độ sinh Người với bi mẫn, từ tâm giáo hóa chúng hữu tình... Chàng thanh niên bước đi, chậm rãi, thong dong, vô sự. Vừa đi vừa gảy đàn vừa hát. Cả rừng người chợt chuyển động. Thanh niên bước sang một lối khác. Cả rừng người như lực tự phát bị cuốn hút theo! Chàng thanh niên ấy – chính là thiên chủ Sakka hóa thân – còn hát nữa. Chàng hát: “- Thật là duyên lành hy hữu Chúng ta mới làm được đệ tử của Người! Thật là hạnh phúc làm sao Khi chúng ta bước theo dấu chân của đức Tự Tại Bước theo con đường xuân thắm hoa hương Bước theo con đường trí tuệ và tình thương Vô cùng vinh quang và vô cùng chiếu diệu...” Khi đã tách được rừng người đi ra xa, khi đức Phật và Tăng chúng đã bước vào cổng hoàng cung – thiên chủ Sakka mới ngưng hát, ôm đàn biến mất, tức khắc xuất hiện ngay trước mặt đức Phật, cung kính đảnh lễ ngài rồi trở về thiên giới. Đức vua Seniya Bimbisāra, hoàng hậu Videhi (Kosaladevi, em vua Mahā-Kosala), quý phi Khemā, hoàng tử Ajātasattu (A-xà-thế) và cả hằng ngàn quần thần, nhân sĩ... đồng đi chân đất một cách trân trọng ra tận ngọ môn để cung nghinh đức Phật và giáo đoàn. Cuộc đón tiếp cực kỳ trân trọng được thiết trí tai điện chầu rộng thênh thang. Toàn bộ mặt bằng sân đá đều được lót thảm nhung đỏ viền kim tuyến. Chỗ ngồi đều được sắp đặt dưới những căn lều vải, gấm vóc, lụa là màu sắc rực rỡ. Đèn, cờ, phướn đủ loại mắc võng, giăng hàng đầy khắp hoa viên, các lối đi. Những thảm hoa, những chậu hoa, những cây hoa – chỉ trong một đêm mà được quy tụ về, trần thiết để đón tiếp bậc Vô Thượng. Bảo tọa của đức Tôn Sư được tôn trí ở điểm trung ương, ba bảo tọa của ba tôn giả Kassapa cạnh sau lưng đức Phật, sau nữa là cả ngàn bảo tọa thấp hơn, mấy chục hàng kế tục dành cho một ngàn sa-môn tăng đoàn. Trước mặt là sân lộ thiên dành cho những nhân vật, quan khách của hoàng cung... Đức Phật dừng lại cho người hầu dâng nước rửa chân, rửa tay trong cái thau bằng vàng rồi lau sạch bằng khăn thơm. Cả một ngàn lẻ ba vị tỳ khưu đều được đón tiếp quý trọng như thế. Khi đức Phật và Tăng chúng an tọa, nhà vua quỳ lạy ba lần rồi tác bạch lý do cuộc đặt bát cúng dường, là hạnh phúc của đức vua và hoàng gia, hạnh phúc cho quần thần và nhân dân cả nước. Quốc độ Māgadha giàu mạnh, tài sản lúa gạo sung túc, đời sống nhân dân no đủ... nhưng muốn có được hạnh phúc an vui thì phải biết sống theo chánh pháp, nương tựa vào chánh pháp... Vậy xin đức Thế Tôn và Tăng chúng hoan hỷ chứng minh cho lòng thành của chúng đệ tử... Sau lời thưa trình xong, tự thân đức vua bưng mâm vật thực trong cái khay bằng ngọc, sớt thức ăn loại cứng loại mềm thượng vị vào bát cho đức Tôn Sư. Hoàng hậu, quý phi, các vị công nương, hoàng thân quốc thích, cung nga thể nữ, tỳ nữ, người hầu... lần lượt bưng những mâm vàng, mâm bạc vật thực dâng cúng đến chư vị tỳ-khưu Tăng. Đức Phật và Tăng chúng đọc lời kinh ngắn có ý nghĩa quán tưởng và phúc chúc – sau đó thọ thực trong lặng lẽ. Đức vua, hoàng gia, bá quan triều thần... ai cũng có phần của mình, họ cũng đều thọ thực trong lặng lẽ. Đây là lần thứ nhất trong đời, ai cũng cảm nhận được một cái gì rất an tịnh, siêu thoát và rất thiêng liêng toát ra nơi uy lực của đức Phật và Thánh chúng. Thọ thực xong, nước và tăm xỉa răng đã dùng rồi, bát đã được người hầu mang đi rửa sạch, lau chùi khô ráo, dâng trả lại - đức Phật bắt đầu cất tiếng phạm âm như tiếng chuông đồng vang xa nhiếp phục cả hội chúng mấy ngàn người. Ngài chỉ nói về Tam quy và Ngũ giới – là điều kiện căn bản, tất yếu. cần yếu để ngăn việc ác, hoàn thiện bản thân và đem thanh bình, an vui cho mọi người, mọi nhà và cho cả quốc độ. - Nầy chư vị thức giả! Như Lai đã từ trong truyền thống và kinh điển Veda mà bước ra, đã tự mày mò con đường, đã tự lực tu tập và chứng ngộ. Hiện nay, chư thiên, phạm thiên trong các cõi đã tôn xưng Như lai là vị A-la-hán, là Chánh Biến Tri, là Minh Hạnh Túc, là Thiện Thệ, là Thế Gian Giải, là Vô thượng Điều Ngự Trượng Phu, là Thiên Nhân Sư, là Phật, là Thế Tôn... Những tôn xưng, những danh xưng ấy nhằm nói đến công hạnh và trí tuệ của chư Phật ba đời – là những bậc đáng cho chúng ta nương tựa, quy kỉnh để hướng đến những giá trị tinh thần cao đẹp và thiêng liêng nhất trên đời này. Tất cả các đức Chánh Đẳng Giác đều không còn những sanh niệm trôi lăn trong vô minh, ái dục nữa (Vô Sanh). Các ngài đã phá tan tất cả mọi thứ giặc phiền não ở nội tâm cũng như ngoại giới (Sát Tặc). Những bậc như vậy thật xứng đáng cho chư thiên và nhân loại xưng tán, tôn trọng, cung kính, lễ bái, cúng dường (Ứng Cúng). Các vị Phật đều có cái thấy biết chơn chánh và toàn diện, giác ngộ chân lý và suốt thông tất cả (Chánh Biến Tri). Các ngài đều có trí vô thượng và có đức vô thượng nên luôn luôn minh mẫn, sáng suốt, luôn luôn có đức hạnh trong lành hoàn toàn (Minh Hạnh Túc). Lại nữa, các ngài không còn trở lại chỗ sinh tử khổ đau, đã khéo xuất ly luân hồi, các ngài ra đi mãi đến chỗ chí chân, chí mỹ, chí thiện mà không dính mắc; ra đi một cách an toàn, không chấp trước, vọng cầu (Thiện Thệ). Các ngài thấy rõ con đường đi đến ba cõi và đồng thời, thông suốt con đường xuất ly ba cõi (Thế Gian Giải). Những đức Chánh Biến Tri đều có thân khẩu ý trọn lành, tự mình điều phục và biết cách điều phục chúng sanh. Các ngài thông suốt nhân đạo là phải tu ngũ giới, thập thiện; thông suốt thiên đạo là phải tu bố thí, trì giới, tham thiền; thông suốt giải thoát đạo là phải tu giới định tuệ (Thiên Nhân Sư). Được tôn xưng là Phật vì các ngài hằng sáng suốt, tỉnh thức bất luận ngày hay đêm; các ngài giác ngộ Tứ diệu đế rồi giảng nói cho chúng sanh (Phật).Và cuối cùng, được xem là xứng đáng được tôn vinh nhất trên thế gian (Thế Tôn). Nầy chư vị thức giả! Vậy một người được gọi cư sĩ, khi họ quy y Phật thì đâu phải quy y một vị thần nào, một vị thượng đế mù sương bóng khói nào – mà chính họ đã tự trở về nương tựa nơi những giá trị cao đẹp có sẵn trong lòng mình, trong tâm trí mình. Nó xem nhẹ các hình thức tôn giáo tín ngưỡng mà xem trọng sự tu tập, sự tỉnh thức, sự giác niệm trong mỗi lời nói, mỗi cử chỉ, mỗi hành động của chúng ta! Nầy chư vị thức giả! Quy y Pháp là gì? Trở về nương tựa Pháp là gì? Pháp là chân lý, là sự thật! Chẳng lẽ nào một người cư sĩ lại không nương tựa nơi chân lý, nơi sự thật? Và đấy cũng là chân lý, là sự thật mà Như Lai đã chứng ngộ và đang tuyên thuyết đến cho chư vị đây! Pháp ấy ai cũng có thể thành tựu được cả nếu được lắng nghe một cách nghiêm túc, thọ trì một cách nghiêm túc và tu tập một cách nghiêm túc. Pháp ấy cụ thể, thiết thực, hiện tiền – chư vị có thể thấy ngay lập tức – ngay chính nơi sự sống đang diễn ra hằng ngày. Pháp ấy không bị quy định bởi thời gian và nhân quả. Pháp ấy để dành cho trực thị, nội quán – nó ở ngay chính nơi thân tâm này – mà bậc trí có thể tự mình chiêm nghiệm, nóng lạnh khắc biết...Vậy ai là người muốn được tiến hóa, muốn được thăng hoa các giá trị tinh thần cao đẹp đều phải trở về quy y nơi Pháp ấy cả... Nầy chư vị thức giả! Còn quy y Tăng là trở về nương tựa nơi tập thể Saṅghā (Tăng-già)! Tập thể ấy không chỉ giới hạn ở số lượng một ngàn lẻ ba vị tỳ-khưu sống đời phạm hạnh, lậu hoặc đã tận ở đây, sau lưng của Như Lai! Tập thể ấy rộng lớn hơn nhiều; nó bao gồm chư thánh phàm tăng quá khứ, hiện tại và vị lai. Tập thể ấy gồm những người đã đắc đạo, đắc quả, đang đắc đạo đắc quả, sẽ đắc đạo, đắc quả. Và ai trong họ cũng đã, đang và sẽ hoàn thiện thân khẩu ý, sống lợi mình, lợi người; họ ngay thẳng, chính trực, sống hợp lễ nghi, khuôn phép, quy củ xứng đáng mô phạm cho đời. Và cuối cùng, họ sống đời phạm hạnh thiêng liêng, trong sạch, thánh thiện vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người! Nầy chư vị thức giả! Nếu giá trị Tam Bảo là như vậy thì có xứng đáng cho chư vị trở về quy kỉnh và nương tựa hay chăng? Câu hỏi của đức Phật vừa cất lên – thì hằng ngàn người như một đều đồng thanh, đồng tâm, đồng trí thốt lên “ Sādhu, sādhu - thật xứng đáng để quy y!” Đức vua Seniya Bimbisāra khuôn mặt rạng rỡ khi thấy hoàng hậu Videhi, quý phi Khemā, hai người hai bên nắm hai tay hoàng tử Ajātasattu, bảy tuổi, đi đến chỗ đức Phật, dạy cách thức cho trẻ chấp tay búp sen quỳ lạy ngài rồi hai bà cùng nghiêm cẩn quỳ lạy theo. Và khi hai bà xin được làm lễ quy y Tam Bảo thì gần bốn ngàn người ở hiện trường đồng xin được quy y theo. Cả không gian hoàng triều như nức vỡ khi họ đồng quỳ lạy rồi đọc ba lần Tam quy theo sự khởi xướng của tôn giả Uruvelā-Kassapa... - Nầy chư vị thức giả! Đức Phật tiếp tục khóa giảng sau khi đã đặt để hội chúng nơi Tam quy - Muốn làm một thiện nam tử, một thiện nữ nhân thì quy y Tam quy không, chưa đủ - chư vị còn cần phải thọ trì ngũ giới nữa, tức là những giới điều để ngăn điều ác, phát triển những hạnh lành. Giới là gì, chư vị có biết không? Giới là cái hàng rào để bảo vệ thân và khẩu; nó ngăn ngừa những nói năng và hành động xấu ác để cho mình có được một đời sống tốt lành hơn, hiền thiện hơn. Giới của Như Lai và của đệ tử của Như Lai không phải là tín điều mặc khải, bắt buộc; chẳng phải áp đặt người khác phải tin, phải thực hành theo. Giới của Như Lai được tự do trong nhận thức và tự do để phát nguyện, thọ trì – khi thấy nó đúng, nó hợp với lẽ phải, đúng với đạo đức, mỹ tục ở trên đời, trong tương giao xã hội. Giới của Như Lai là những bài học để chiêm nghiệm, để tu trì và cuối cùng là để mà giác ngộ - chứ không phải chỉ đọc tụng, thọ trì suông hoặc có tính cách nghi lễ, máy móc! Nầy chư vị thức giả! Giới thứ nhất, phải thọ trì điều học, là kiêng cử, tránh xa hành động giết hại các loài hữu tình! Loài hữu tình là những chúng sanh có hơi thở, có thức tánh, có sự sống – chúng ta không nên xâm phạm, không nên giết hại! Tất cả chúng sanh – bò, bay, máy, cựa – dù nhỏ như muỗi mòng, kiến ruồi, lớn như chim muông, cầm thú đều ham sống, sợ chết, đều biết khổ, biết đau như tất cả chúng ta. Không lý gì mình biết quý trọng mạng sống của mình, mà mình lại đang tâm tiêu diệt, tước đoạt mạng sống của chúng sanh khác. Chẳng công bằng chút nào, có phải thế không? Là đệ tử của Như Lai, là người con của đạo giác ngộ, chư vị phải biết tôn trọng, quý trọng sự sống của muôn loài. Không những chỉ biết sống hòa bình với muôn người mà còn phải biết sống hòa bình với muôn vật. Phải thương yêu chúng, bảo vệ chúng! Và ngay cả quả đất vô tri, sông núi vô tình, không gian mây trời, thiên nhiên cỏ cây hoang dã cũng phải được đối xử phải lẽ, đừng quá thô bạo, tàn ác! Khi làm được như vậy là chư vị đã nuôi dưỡng được từ tâm, đem đến sự an vui cho chúng sanh muôn loại! Và chỉ cần giữ được một giới này thôi thì quốc độ này sẽ tốt đẹp biết bao nhiêu? Nó sẽ không có chiến tranh, hận thù! Nó làm cho mọi người biết yêu thương, đoàn kết, đùm bọc nhau. Các quốc gia khác giữ được giới này thì đâu còn xâm lăng, can qua, chém giết? Quân đội sẽ được giải thể để trở về làm ruộng, làm các ngành nghề khác để phát triển dựng xây đất nước! Các xưởng rèn đúc vũ khí giáo mác cung tên, các xưởng sản xuất quân nhu, quân dụng, các nhà tù sẽ biến thành trường học, bệnh xá, hoa viên để phục vụ cho an sinh xã hội! Quốc độ sẽ thanh bình an lạc – như thời của các đức Chuyển luân Thánh vương vậy! Nầy chư vị! Giới thứ hai là phải biết kiêng cử, tránh xa hành động trộm cắp, lấy cắp của người! Vật gì dù lớn, dù nhỏ, dù có giá tri hay không có giá trị - khi người ta chưa cho, chưa bằng lòng cho thì không nên lấy cắp mang về sử dụng. Bất cứ thời đại nào, xã hội nào cũng tôn trọng quyền sở hữu và quyền có tài sản của mọi người được làm ra, được tạo nên một cách chơn chánh. Tài sản nào cũng do mồ hôi, nước mắt. Tài sản nào cũng nhờ thức hôm dậy sớm chăm lo công việc, nghề nghiệp. Tài sản nào cũng phải hao tâm tổn trí mới có được. Vậy thì lẽ nào, chúng ta lại bẻ khóa, nạy tủ, khoét tường để lấy cắp tài sản của người khác? Người có chút liêm khiết, có chút đạo đức, hiểu một ít công bằng đều không thể làm cái việc thất đức, bất nhân ấy được. Nếu vì nghèo đói, quá túng thiếu, vợ con đau ốm, thiếu cơm cháo, thuốc thang mà trộm cắp – thì người có tấm lòng đại lượng có thể châm chước, thông cảm, khả dung; nhưng luật pháp vẫn không tha, định luật nhân quả nghiệp báo vẫn làm việc như thường! Trái lại, có những người giàu có, ăn sung mặc sướng, có của dư của để mà vẫn lường gạt của người, mưu mô thủ đoạn để ăn chặn, cướp giật của người; sống trên mồ hôi nước mắt của kẻ đói nghèo thì tội ấy thật không thể dung tha, quả báo trả quả bất nhân ấy quả thật sẽ rất nặng nề vậy. Giới thứ hai này là một nguyên tắc đạo lý, là quyền sở hữu bình đẳng mà một bậc được gọi là thức giả phải biết tôn trọng, một người được gọi là thiện trí, hiền lương phải biết thọ trì nghiêm nghiêm, cẩn cẩn. Nó nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, tâm bi mẫn đối với sự đau khổ mất của cải, tài sản của người khác... Nếu ai cũng giữ được giới này thì xã hội sẽ công bằng, tạo sự tin yêu và vui sống; nhà nhà không cần phải kín cổng cao tường, xích khóa lớp trong, lớp ngoài; của rơi ngoài đường không ai thèm lượm, nếu nhặt được cũng tìm cách trả về cho khổ chủ! Nầy chư vị, trên quả đất này đã từng có những quốc độ được thanh bình và an lạc như vậy, không phải chỉ một, hai, mà là hằng trăm, hằng ngàn... Chỉ sợ chư vị thiếu nhiệt tình hộ pháp, an dân mà thôi! Giới thứ ba là phải biết kiêng cử, tránh xa hành động tà dâm, tà hạnh, xâm phạm tiết hạnh vợ con người khác. Hôn nhân một vợ một chồng sẽ tạo được sự bình ổn, an vui và hạnh phúc gia đình! Thủy chung và đức hạnh là nét đẹp truyền thống mà chúng ta nên giữ gìn và tôn trọng. Vợ chồng được cưới hỏi đủ lễ thì được gọi là chơn chánh. Sự lang chạ phi lễ được gọi là bất chánh. Được gọi là người trí thức trong giáo pháp của Như Lai thì chư vị phải biết điều tiết, chừng mực trong các mối quan hệ tình ái, vì chúng dễ đưa đến sa đọa và phá hoại hạnh phúc của gia đình người khác. Ngay cả lời nói sàm sỡ, tục tĩu, chọc ghẹo thiếu đứng đắn cũng nên tránh. Ngay cả ăn nói hoa tình, mắt liếc mày đưa, ưỡn ẹo vô duyên cũng đã đánh mất sự đoan chính rồi! Giới thứ tư là phải biết kiêng cử, tránh xa nói dối, nói sai với sự thật, nói không đúng với sự thật hoặc có lại nói không, không lại nói có! Ngay chính những cách đặt điều, thêm thắt, dựng đứng câu chuyện mà nói lại càng tệ hại hơn. Có trường hợp nói độc ác, hung dữ hoặc vu oan vu cáo đưa đến bất hòa, chia rẽ hoặc có thể đưa người khác vào tội tù, tán gia bại sản thì thật là bất nhân – nghiệp báo sẽ rất nghiêm trọng. Cũng có những lời nói gây ra ngộ nhận, bất mãn, oan trái, oán thù thì cũng nên dè chừng, cẩn trọng. Là những thiện nam tử, thiện nữ nhân trong giáo pháp của Như Lai thì tất thảy những cách nói trơn như mỡ, ngọt như đường, rỗng không, khách sáo, phù phiếm, cay chua, nhạt nhẽo, tục tĩu, vô duyên... đều phải được tránh xa... Giáo pháp của Như Lai là giáo pháp như thật, tôn trọng sự thật – nên phải lấy như thật, sự thật làm đầu. Được như vậy chúng ta bảo vệ được sự trung tín, tạo sự tin tưởng giữa nhau trong cộng đồng, xã hội. Giữa cuộc đời có quá nhiều sự lừa phỉnh, dối trá, vọng ngôn, vọng ngữ, ác khẩu, gạ gẫm, láo lường, bất tín – thì giới thứ tư này sẽ như một đóa hoa tươi thắm, hương thơm tỏa ngát giữa thế gian và trong lòng người... Giới thứ năm là nên kiêng cử, tránh xa các loại rượu men, rượu nấu, các chất kích thích, say nghiện từ chất liệu này hay chất liệu khác. Chúng làm rối loạn thần kinh, lú lẫn tâm trí; sẽ không còn làm chủ được mình, đánh mất tư cách, nhân phẩm, hủy diệt tác phong đạo đức. Và khi mà đã nghiện say, sa đọa rồi thì không một hành động hung dữ, bạo tàn, xấu xa, hèn hạ, bỉ ổi nào mà không dám làm. Là nguyên nhân của nhà tan, cửa nát, vợ chồng bất hòa, đỗ vỡ, phân ly; con cái bơ vơ không có nơi nương tựa. Là nguyên nhân để từ đó, coi thường, phạm luôn mọi giới điều khác, phá hoại nền nếp, kỷ cương an sinh xã hội. Những chất say còn nguy hại hơn độc dược. Độc dược chỉ giết chết một người, một đời – nhưng chất say với những hậu quả của nó sẽ giết chết nhiều người, nhiều đời; và nghiệp báo đau khổ sẽ trả quả liên tục, kế tục mãi hoài nơi những cảnh giới tối tăm, thống khổ. Chúng giết chết các mầm giống lành tốt. Chúng giết chết đức tin, thiền định, trí tuệ. Chúng tạo thêm vô minh, bóng tối, địa ngục, phiền não và đau khổ cho mình, cho người, cho cuộc đời vốn đã quá nhiều bất an và bất hạnh nầy! Hỡi chư vị thức giả! Như vậy, ngũ giới không những để kiện toàn nhân cách, hoàn thiện bản thân, nuôi dưỡng và phát triển những thiện pháp – mà chúng còn là nền tảng an vui và hạnh phúc cho gia đình, làng xóm và quốc độ. Chúng cũng là điều kiện tất yếu để tạo nếp sống trong lành, cao đẹp cho đời sống văn hóa, văn minh trong xã hội loài người. Cuối cùng, chúng còn là nấc thang tiến bộ tinh thần trên lộ trình hướng đến giác ngộ, giải thoát – là mục tiêu rốt ráo trong giáo pháp của Như Lai! Đức Phật thuyết xong thời pháp thì cả rừng người rùng rùng chuyển động. Họ đồng quỳ lạy, tán thán và xin được nghiêm túc thọ trì vì lợi ích tối thượng của Tam quy, Ngũ giới. Đức vua Seniya Bimbisāra với khuôn mặt tươi sáng như trăng rằm, dường như đã chuẩn bị đâu đó sẵn sàng – cùng với hai quan hầu đi hai bên bưng khay ngọc, bình ngọc - đến bên chân Phật, quỳ lạy: - Bạch đức Thế Tôn! Những lời giáo giới của đức Thế Tôn làm cho đệ tử rất an lành và hạnh phúc. Pháp bảo từ kim khẩu của đức Thế Tôn càng nghe càng minh mẫn, càng thấy rõ, biết rõ - một vị vua tốt thì nên làm cái gì và cái gì không nên làm! Từ nay, đức Thế Tôn và hình ảnh của Thánh chúng - đệ tử phải được thấy hằng ngày để tự sách tấn mình; và khi nào đệ tử muốn nghe pháp để phát triển trí tuệ thì có thể đến hầu đức Thế Tôn một cách dễ dàng! Bạch đức Thế Tôn! Nhà vua lại quỳ lạy – Phía bắc thủ đô, cách đây chỉ nửa do-tuần có một khu Rừng Trúc (Veḷuvana) rất tươi đẹp; ở đấy rộng rãi, cây xanh mát mẻ, có suối, có hồ, nhiều thỏ, nhiều sóc, nhiều hoa thơm cỏ lạ, lại có nhiều hang động... Nơi này thuận lợi cho việc lui tới của đệ tử và triều đình, thuận lợi cho khách hành hương, thương mãi từ phương bắc đến, phương tây sang; nó lại còn yên tĩnh cả đêm lẫn ngày, khá gần kinh thành mà lại không quá xa xóm làng. Đức Phật và Tăng chúng còn thuận lợi cho việc tĩnh cư, lại còn thuận lợi cho việc trì bình khất thực trong kinh thành hoặc quanh các ấp tụ lạc; riêng đệ tử lúc nào nhớ Pháp, nhớ Đức Thế Tôn thì có thể đến lúc chiều tối hoặc đêm khuya lúc việc triều chính rãnh rỗi. Còn ở Rừng Kè thì xa quá. Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có tín tâm và lòng thành, xin dâng cúng đức Thế Tôn và Tăng chúng khu rừng Veḷuvana ấy, xin Người hoan hỷ dụng nạp vì hạnh phúc cho đệ tử, cho triều đình và cho cả vương quốc Māgadha nữa! Đức Phật thọ nhận bằng cách chỉ mỉm cười. Đức vua Seniya Bimbisāra quỳ thẳng dậy thực hành nghi thức dâng cúng bất động sản theo phong tục. Một vị quan hầu bưng khay ngọc hứng ở dưới, một quan hầu trao cho vua một bình ngọc – trong đựng nước thiêng Soma - để đức vua đổ nước ấy lên tay đức Phật. Ngài ôm vốc nước, giữ lại một chút trên tay rồi lâm râm chú nguyện quả phước hy hữu đến cho nhà vua: Các con đường nước này sẽ chảy tràn khắp mọi nơi mọi chỗ, chảy qua nhiều quốc độ và chảy vào lòng người, ai ai cũng được tẩm mát, no đầy, sung mãn những giọt nước trong lành vi diệu của pháp bảo! Một cái gì rất là trang trọng, thiêng liêng đang diễn ra. Hằng ngàn đôi mắt chú mục vào một lễ nghi có từ ngàn xưa, tuy đơn giản mà trang trọng - đã được đức Phật và một đức minh quân thể hiện rất là trân trọng và rất sống động. Ngay giây khắc ấy, chư thiên, phạm thiên khắp mấy tầng trời không ngớt hoan hỷ, tán thán; quả địa cầu rung chuyển mấy lượt - dường như cả chúng hữu tình, vô tình ấy đều cảm nhận và chứng kiến một biến cố, một sự kiện trọng đại: Giáo pháp bất tử đã đặt được nền móng đầu tiên tại một vương quốc giàu mạnh, do một vị vua có niềm tin bất động - là một vị thánh cư sĩ - sẵn sàng hộ pháp đắc lực cho sự phát triển, hoằng hóa sau này! Hôm ấy là vào một ngày đầu tháng năm, năm năm trăm tám mươi sáu trước TL, chừng vài tháng nữa là đến mùa mưa - Đức Phật và một ngàn lẻ ba vị tỳ-khưu sa-môn đoàn đã có một cơ sở, một căn cứ địa lý tưởng tại Veḷuvana để tuyên dương giáo pháp. Bước qua cổng thành Bắc, theo con đường uốn lượn giữa hai dãy núi Vaibhāra và Virgūḷa, không bao lâu là đã đến Trúc Lâm - cả một khu rừng trù mật trải rộng cả mấy chục dặm; không những lắm tre trúc mà còn rất nhiều loại cây thân mộc, thân thảo xanh tươi lục biếc. Lại có hồ nước Kālaṅdaka lớn rộng, trong xanh đủ loại súng sen ngoạn mục... Đức Thế Tôn tản bộ cùng với ba tôn giả Kassapa đi thăm thú các nơi. Ở đâu cũng gặp sóc và thỏ. Ở đâu cũng thơm ngát hương hoa, hương lá, hương thiên nhiên trong lành dễ chịu. Một số hang động có thể ở được nhưng không thể chứa nhiều người. Vấn đề là phải dựng lợp cả ngàn cốc liêu rải rác, các công trình vệ sinh, ăn ở, sinh hoạt cho chư Tăng vào mùa mưa sắp đến... - Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Uruvelā-Kassapa thưa – Tuy công việc thật là bộn bề nhưng không phải là không làm được. Dù sao, chúng đệ tử đã quen thuộc với đời sống khổ hạnh; và hiện tại, ở đâu, làm gì cũng thanh tịnh và an vui cả! - Ừ, ông nói đúng! Đức Phật mỉm cười – Như Lai rất hài lòng về tâm, về trí mà các ông đã thành tựu! Tuy nhiên, từ rày về sau, các ông hãy chịu khó chăm chuyên hướng dẫn hội chúng tu tập, để cho các khả năng về định, về tuệ - nhất là trí phương tiện của họ được sâu và rộng hơn nữa. Cái ấy cần cho giáo pháp. Vấn đề cốc liêu và mọi tiện nghi sinh hoạt liên hệ, từ rày về sau là bổn phận của cư sĩ, là trách nhiệm của cư sĩ – các ông khỏi phải quan tâm! Buổi chiều, đức vua Seniya Bimbisāra và tùy tùng lại đến, ông thưa trình một việc quan trọng: - Bạch đức Tôn Sư! Đêm qua, đệ tử nằm mơ, nằm mơ mà y như thật, có một bầy ma quỷ, đông lúc nhúc, hiện đến bên giường, ỉ ôi, tỉ tê than khóc, chúng la to những tiếng rất kỳ dị, đệ tử không hiểu ngôn ngữ ấy! Âm thanh lắp bắp không được rõ ràng cho lắm, dường như là : “ Mayamassu dukkhita peta...” thì phải! Nghe xong, đệ tử bèn hỏi: “ Quý vị là ai? Đến khóc lóc với ta như vậy là có ý gì?” Thế rồi, chúng hiện hình cho đệ tử thấy. Thật là ghê sợ. Thân hình của chúng chỉ là những bộ xương khô được bao bên ngoài một lớp da mỏng màu xám, màu xanh đen, màu tím bầm trông rất quái dị. Đứa cao thì cao như cây thốt nốt, như cây tre gai; thấp thì như đứa trẻ lên ba, như cây xương rồng không gai. Đầu của chúng như những trái bầu non phơi khô, mắt của chúng thụt sâu vào bên trong như những cái hố đầy máu, đầy ghèn; cổ nhỏ và dài như cây kim, như cọng rơm; tóc dài như chùm cỏ dính bùn gớm ghiếc thả xuống tận lưng, tận bụng - bụng là những cái trống cơm, trống chầu... Chúng không có áo quần; và có lẽ đã không có gì ăn từ muôn triệu kiếp rồi. Thật là kinh khiếp, ghê sợ nhưng cũng thật là đáng thương hại! Bạch đức Thế Tôn! Chúng là ai? Và bây giờ chúng đệ tử phải làm gì? - Như Lai biết - Đức Phật mỉm cười – và còn biết nhiều hơn thế nữa! Cái câu mà đại vương nghe không rõ, có nghĩa là chúng ngạ quỷ than khổ, than đói! Việc này không những liên quan đến đại vương mà còn nhân duyên với ba thầy Kassapa cùng một ngàn vị tỳ-khưu ở đây nữa! Nói thế xong, đức Phật cho tụ họp Tăng chúng rồi kể lại chuyện tiền thân của họ: “ Vào một thời lâu xa trong quá khứ, cách đây đã vô lượng kiếp rồi, có một vị Chánh Đẳng Giác ra đời, ngài hiệu là Phussa. Hôm ấy, đức Phật ngự về kinh đô để độ cho phụ vương ngài tên là Seyyasena. Đức vua có đức tin rất vững mạnh và cũng vô cùng kỳ lạ: Ngài chỉ muốn độc quyền cúng dường tứ sự hằng ngày, chỉ muốn hưởng phước một mình chứ không cho ai xen dự vào cả! Thế là từ hoàng cung đến khuôn viên rừng cây xanh đẹp – nơi đức Phật và chư Tăng tạm cư – nhà vua cho làm hai bức bình phong bằng cây và bằng vải ngăn bít hai bên, giữa là để làm lối đi về của đức vua và hằng ngàn người phục vụ việc trai phạn cúng dường! Nhà vua còn có ba vị hoàng tử - em đức Phật - được nhận trọng trách dẹp loạn ở biên cương. Họ đều là kẻ trí tài, võ dõng – nên trong tay chỉ có một ngàn dũng sĩ, với thời gian ngắn đã bình định được cõi bờ, cư dân xa xôi được yên ổn. Vua cha tỏ lời khen ngợi và muốn thưởng một phần thưởng xứng đáng cho công lao của họ, nghĩa là tùy ý họ lựa chọn, muốn gì được nấy! Hoàng tử thứ nhất có năm trăm thuộc hạ, hoàng tử thứ hai có ba trăm thuộc hạ, hoàng tử thứ ba có hai trăm thuộc hạ - trong một thoáng đã hội ý với nhau: Chúng con không xin ngai vàng, đất đai, châu ngọc, mỹ nữ - mà chỉ xin được thay nhau cúng dường đức Phật và chư Tăng trong bảy mùa an cư! Đức vua giật thót mình như đĩa phải vôi, cương quyết không cho, yêu cầu xin cái khác. Các vị hoàng tử cũng cương quyết giữ ý mình, nói xa nói gần, một vị minh quân phải xem trong chữ tín, không thể thất hứa được. Thế rồi, mỗi bên rút lui mỗi ít, và muôn đời, chỉ phải biết luồn trôn kim: Cả ba vị hoàng tử được cúng dường trong một mùa an cư!” “Thời ấy, thuộc nhiều đại kiếp quả đất trước - Đức Phật kể tiếp - tuổi thọ của loài người có nhiều muôn tuổi, dân chúng đông đúc chứ không ít ỏi như bây giờ. Thánh chúng của đức Phật Phussa luôn đoanh vây mấy chục ngàn vị. Hãy thử tưởng tượng cả núi thực phẩm hằng ngày, hãy thử tưởng tượng hằng chục ngàn người phục vụ hằng ngày! Ba vị hoàng tử giải quyết khá thuận lợi và chóng vánh. Tất cả gia đình của các hoàng tử, gia đình của mọi chiến sĩ phải đảm đang việc phục vụ bên ngoài. Còn nữa, tài sản của ba hoàng tử được giao cho một vị trọng thần liêm khiết và uy tín nhất để trông coi sổ sách thu chi hằng ngày; rồi tất cả bà con, quyến thuộc, kẻ ăn, người ở của vị ấy cùng đảm nhận việc chợ búa mua sắm vật thực, bếp núc... Riêng ba hoàng tử và một ngàn chiến sĩ tùy tùng thì xin được vào tịnh xá, kề bên Phật, thọ bát quan trai giới, nghe pháp và tu tập thiền định! Tất cả mọi công việc đều xuôi chèo, mát mái, tiến triển thuận lợi; chỉ duy có một việc phát sanh. Ấy là con, là cháu của những người phục vụ bếp núc, khi thấy những món ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm – chúng đòi ăn, khóc la om sòm! Thấy vật thực quá nhiều, lại thương con thương cháu nên lén lấy cho chúng ăn. Ngày này sang ngày khác, chẳng ai để ý, họ lại đem về nhà để cả nhà cùng ăn! Đúng ra, đấy là vật thực đã có tác ý cúng dường đến đức Phật và chư vị thánh Tăng; khi các ngài chưa thọ dụng mà tự ý lấy ăn trước thì tội rất trọng! Cái tội rất trọng này là do nhân quả nghiệp báo nó làm việc; là do không có phước mà thọ dụng phước lớn, thọ phước không phải của mình, được xem như trộm cắp phước! Do cái quả báo ấy – mà rất nhiều thân nhân, quyến thuộc, kẻ ăn, người ở của vị lão thần thuở xưa bị đọa làm thân ngạ quỷ chịu khổ, chịu đói, chịu lạnh trải qua mấy kiếp quả địa cầu rồi! Vào thời đức Phật Kassapa, vị Phật có trước Như Lai, thấy rõ nhân duyên tội báo của chúng ngạ quỷ ấy, đã có nói với chúng rằng: “ Khi nào trên địa cầu nầy xuất hiện một vị Chánh Đẳng Giác hiệu là Sākya Gotama – thì ba hoàng tử thuở xưa cùng một ngàn chiến sĩ sẽ đắc quả A-la-hán trong giáo pháp ấy; vị lão thần thuở trước do đức liêm khiết, trong sạch, công chính - sẽ làm vua nước Māgadha, tên là Seniya Bimbisāra. Các ngươi vốn là quyến thuộc của đức vua anh minh ấy; và chỉ có oai lực công đức của đức vua ấy mới có khả năng cứu các ngươi khỏi khổ, khỏi đói, khỏi rét lạnh của kiếp ngạ quỷ mà thôi!” Đức Phật kể chuyện xong, ai cũng lạnh cả người. Trong hội chúng thánh nhân chưa ai có khả năng túc mạng thông nhớ đến nhiều kiếp quả địa cầu như đức Phật nên bây giờ họ mới thấy rõ nhân duyên từ quá khứ như thế nào! Đức vua Sineya Bimbisāra bàng hoàng, im lặng giây lâu: - Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử đâu có biết mình có oai lực công đức gì mà cứu họ? - Có đấy! Đức Phật mỉm cười – Chúng ngạ quỷ không ăn được vật thực của loài người, không mặc được những tấm Sarī gấm vóc, tơ lụa của nhân gian! Chúng chỉ ăn và mặc được cái phước mà thân nhân quyến thuộc hồi hướng đến cho họ! Đại vương có khả năng thiết lễ đặt bát vật thực, cúng dường vải vóc đến Tăng chúng - rồi sau khi thọ nhận, Tăng chúng sẽ chú nguyện, hồi hướng phước báu ấy đến cho chúng ngạ quỷ! Cúng dường vật thực thì chúng ngạ quỷ sẽ được ăn no, cúng dường vải vóc thì chúng ngạ quỷ sẽ được mặc ấm! Chúng ngạ quỷ ấy vốn là quyến thuộc của đại vương, thì chỉ có oai lực đại vương mới cứu họ được; Như Lai và Thánh chúng chỉ làm phận sự của người đưa thư, nhận phước và trao phước mà thôi vậy! Quỳ lạy năm vóc sát đất, đức vua Seniya Bimbisāra thốt lên: - Ôi! Kỳ diệu làm sao, bạch đức Thế Tôn! Đệ tử sẽ hoan hỷ phát tâm thiết lễ đặt bát vật thực, cúng dường vải vóc, nhiều loại lễ phẩm phụ tùy khác đến đức Tôn Sư cùng Tăng chúng thánh hạnh suốt một tuần lễ tại hoàng cung. Ngoài ra, đệ tử cũng xin phát nguyện kiến thiết xây dựng toàn bộ khu Trúc Lâm nầy. Đệ tử sẽ cho làm ngay vài ngàn cốc liêu, đại giảng đường, thiền đường, nhà khách, nhà ăn, các công trình phụ về vệ sinh, nhà tắm, sân bãi, vườn cảnh, lối đi kinh hành, nhà kho, trạm xá... đâu đấy đều chu đáo và hoàn chỉnh để dâng cúng đến đức Tôn Sư và giáo đoàn - sẽ còn phát triển lớn mạnh trong nay mai nữa! Hạnh phúc thay khi được làm người hộ pháp cho giáo pháp bất tử! Đức Phật mở lời tán thán công đức vĩ đại của nhà vua, đồng thời khợi khen mô hình phác thảo tịnh xá Trúc Lâm – như là công trình tôn giáo có giá trị thế kỷ tại đất nước này vậy. Sau chỉ một ngày làm phước, cúng dường đức Phật và Thánh chúng như ý muốn, đêm ấy nhà vua nằm mộng thấy các vị trời rất cao sang và xinh đẹp, đồng hiện đến để tri ân và báo tin cho ông hay là họ đã no đủ, đã sung sướng, đã thoát kiếp ngạ quỷ, sinh làm chư thiên ở trong sự cai quản của Tứ đại thiên vương. Ngày hôm sau, với tâm trạng lâng lâng, nhà vua đến bạch Phật kể lại câu chuyện; nhân tiện, suốt cả sáu ngày liên tiếp, đức Phật thuyết về các cảnh giới, lần lượt trình bày về nhân về quả từ Địa ngục cho đến cõi trời Phi phi tưởng. Sau thời pháp, lệnh bà Videhi và hằng trăm người khác đắc quả Tu-đà-hoàn. Đức vua ngày nào cũng hỷ lạc, khuôn mặt rạng rỡ; tức tốc truyền cho các vị đại thần có khả năng chuyên môn về thiết kế - hoàn thiện bản vẽ đúng theo ý tưởng phác thảo của ông; sau đó, dự toán nhân công, vật liệu để xây dựng Trúc Lâm tịnh xá (Veḷuvanārāma) kịp thời cho đức Phật và Thánh chúng an cư mùa mưa! Công việc được tiến hành ngay tức khắc... Riêng đức Phật chiều nào cũng bận rộn nói đạo, thuyết pháp cho con em các gia đình quý tộc, quan lại, các giới cấp nhân sĩ – sau đó lại đến gia đình các thương gia, phú thương, và một số trí thức, học giả bà-la-môn. Giáo pháp mới lạ được mọi giới tiếp thu. Nhà vua đã được đức Phật và giáo pháp cảm hóa một cách sâu sắc và mầu nhiệm. Với số tuổi ba mươi mốt, đức vua đã đủ chững chạc để nhận chân giá trị luồng tư tưởng mới, vừa rọi sáng tâm trí, vừa đưa vào cuộc sống, cải cách chính sách, phổ cập cái hay cái đẹp đến cho mọi nhà. Hằng ngàn, hằng ngàn quan lại, chiến sĩ, thị dân noi gương nhà vua để theo đạo mới. Có lẽ trong số ấy cũng có một số xu thời, nhưng đa phần là sự tín thành hoặc bị thu nhiếp bởi nhân cách sáng rỡ, bởi đời sống thanh tịnh của đức Phật và chư vị thánh nhân. Giới hoàng gia, quý tộc, võ tướng (sát-đế-lỵ) bị thu hút vì tính cách cao thượng của các giá trị tinh thần, có thể đem ra áp dụng để phục vụ nhân quần, xã hội. Giới bà-la-môn nhân sĩ trí thức bị thuyết phục bởi sự chính xác, minh bạch, khúc chiết, sâu rộng của những tư tưởng triết học hàm tàng trong các buổi thuyết giảng của đức Thế Tôn. Giai cấp thương gia, phú thương, chủ ngân hàng, chủ nghiệp đoàn (vệ-xá) thì vô cùng ủng hộ giáo pháp vô thần trong sáng, chơn chánh ấy – vì rằng họ đã từng tốn kém, đứt ruột bỏ ra cả núi của cải tài sản, lễ phẩm, hằng trăm hằng ngàn cừu dê...để lo tiểu tế, trung tế, đại tế đến đủ mọi loại thánh thần huyễn hoặc mong được mua may bán đắt, hoạnh phát hoạnh tài! Rồi nuôi không cho bọn bà-la-môn ăn trắng, mặc trơn - đú đởn với vợ con tì thiếp đùm đề - từ trang trại bóc lột sức lao động tốp nô lệ nầy sang điền trang cướp giật không công nhóm nô lệ khác! Các giai cấp dưới như thợ thuyền, kẻ làm công, tiện dân lao dịch nặng nề, bẩn thỉu (thủ-đà-la, chiên-đà-la) thì vô cùng sung sướng được thấy mình có giá trị, đồng đẳng với các ông hoàng, bà chúa; ngay chính đức Phật - trước là một vị vua - một bậc tối thượng như vậy mà cũng ôm bát xin ăn trước cửa mọi nhà không phân biệt giàu nghèo, quý tiện! Quả thật, trong một thời gian rất ngắn mà đức Phật đã trở thành một biểu tượng thiêng liêng, mà, hào quang của ngài đã làm lu mờ tất cả các vị thánh thần trong truyền thống tôn giáo cổ xưa. Sự thành công này thật đáng kinh ngạc vậy! Sự hoằng hóa thuận lợi là vậy, nhưng hôm kia, đức Phật nói chuyện với ba tôn giả Kassapa rằng, một giáo hội được gọi là hoàn toàn thì không chỉ có bấy nhiêu, nó còn cần phải hội đủ nhiều điều kiện, cần nhiều yếu tố nhân duyên khác hỗ trợ nữa! Mai này chúng ta còn cần nhiều đức vua hộ pháp, cần nhiều hoàng hậu, quý phi, thứ phi, công chúa, cần nhiều thánh đệ tử nam nữ cự phú hộ pháp... Về phía Tăng đoàn, chúng ta còn cần nhiều vương tử, hoàng thân, đại thần, võ tướng, tổng trấn, quý tộc, học giả, nhân sĩ, bà-la-môn, thương gia, thợ thuyền, kẻ cùng đinh, gã thợ săn, người nuôi thú, người đánh cá... của nhiều tiểu quốc xuất gia; cần những sa môn đệ nhất về trí tuệ, đệ nhất về thần thông, đệ nhất về đầu-đà, đệ nhất về thuyết pháp, đệ nhất vể thiền định, đệ nhất về đa văn, đệ nhất về luật, đệ nhất về pháp, đệ nhất về độc cư, đệ nhất về mật hạnh, đệ nhất về phước báu... quy tụ nhiều tinh hoa phong phú, đa dạng như thế mới mong phát triển xa rộng được! Nghe đức Phật phác thảo chương trình hành động có tầm chiến lược như thế, cả ba vị tôn giả mới thấy rõ trí tuệ vượt bậc, tầm nhìn vượt bậc của ngài! Lúc nhà vua cho các quan đại thần mang nhân công và vật liệu đến công trình, tôn giả Uruvelā-Kassapa hỏi đức Phật, là chư Tăng có được phép giúp sức một tay trong việc xây dựng hay không? Đức Phật đáp: - Làm được nhiều việc lắm, này Uruvelā-Kassapa! Ngoài thì giờ đi trì bình khất thực, vào mỗi buổi chiều nên rút ngắn lại một ít thời gian học tập, công phu để phụ giúp việc này việc kia. Hội chúng bây giờ đều là bậc thanh tịnh, chưa có vấn đề; nhưng sau này sẽ đông đảo hơn thế; và khi mà có nhiều phàm tăng thì sẽ có những phức nhiễu, phức tạp nẩy sinh. Lúc ấy, Như Lai sẽ tùy nghi chế định những học giới... Thế rồi, công trình xây dựng rộn ràng bắt đầu. Nadī-Kassapa và Gayā-Kassapa chiều nào cũng có mặt ở công trường để đốc thúc chư tăng trẻ trong mọi công việc. Trong lúc ấy thì lác đác những vị tỳ-khưu trong nhóm năm ngài Koṇḍañña, nhóm năm mươi vị của nhóm Yasa và bạn hữu, ai hoằng hòa ở các vùng lân cận đều trở về thăm và đảnh lễ đức Tôn Sư. Họ trình bày với đức Phật những khó khăn cùng những thuận lợi trên con đường hoằng hóa... Trong không khí ấy thì hai ngôi sao xuất hiện, trở thành cánh tay mặt, cánh tay phải của đức Tôn Sư - để đẩy mạnh thêm bánh xe chánh pháp, đó là Sārīputta (Xá-lợi-phất) và Moggallāna (Mục-kiền-liên)! |
[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]
updated: 2009