Trung Tâm Hộ Tông  Trang Chủ



Một Cuộc Đời Một Vầng Nhật Nguyệt

Tác giả: Minh Đức Triều Tâm Ảnh


DANH Y JĪVAKA KOMĀRABHACCA

Yên tâm vì đại chúng bây giờ đã có hai vị Đại đệ tử và các trưởng lão chăm sóc, hướng dẫn, đức Phật thường ôm bát ngoạn du đây đó. Nơi ngài thường đến ở trọn ngày là núi Linh Thứu hoặc các hang động sườn núi phía Nam thành phố! Thường thì đức Phật hay đi một mình, tối, ngài dùng thần thông trở lại Trúc Lâm. Đôi khi mưa gió suốt mấy ngày, ngài cứ ở mãi trong các hang động - nhất là động Lợn Rừng, an hưởng định Diệt thọ tưởng. Có những ngày mát mẻ, chư tỳ-khưu các nơi tìm đến để nghe những pháp thoại ngắn gọn – đôi khi là cả một thời pháp dài!

Trên đường đi và về, lên hoặc xuống núi Linh Thứu, đức Phật thường nghỉ chân tại vườn xoài mát mẻ và xanh tươi ở bên vệ đường. Đấy là vườn xoài của vị lương y Jīvaka Komārabhacca nổi tiếng của kinh thành Rājagaha.

Thanh niên Jīvaka Komārabhacca vốn là con của một kỹ nữ nổi tiếng, bị bỏ rơi từ lúc mới sinh. May mắn thay, hoàng tử Abhaya trông thấy, mang về nuôi dưỡng, lớn lên cho đi học y khoa tại trường đại học Takkasīla lừng danh. Bảy năm sau, thành tài, được bổ nhiệm làm quan ngự y của triều đình, chuyên chăm sóc sức khỏe cho đức vua, hoàng hậu, thứ phi cùng các vị hoàng tử. Jīvaka Komārabhacca nghe danh vị đại sa-môn, rất kính trọng và rất ngưỡng mộ, nhưng chưa có dịp diện kiến. Ông rất tâm đắc ở chỗ, đức Phật đã thuyết một loại giáo pháp - nghe nói là do ngài độc sáng, chưa hề có trong tư tưởng truyền thống - đúng như nghề nghiệp của chàng: Nêu ra thực trạng của bệnh khổ, nguyên nhân của bệnh khổ, sự chấm dứt bệnh khổ và phương thuốc chữa trị bệnh khổ ấy! Như vậy, chính đức Phật là một vị đại lương y, chữa trị bệnh tâm thâm căn cố đế của chúng sanh! Mới đây, sau khi chữa lành bệnh âm sang cho đức vua, ông được vua chỉ định chăm sóc sức khỏe cho đức Phật và Tăng chúng. Vậy, Jīvaka Komārabhacca cần hội diện ngài để đàm đạo một vài điều trước khi nhận thêm nhiệm vụ mới.

Hôm đó, Jīvaka Komārabhacca được gặp đức Phật ngay chính vườn xoài của mình, đảnh lễ ngài xong, ông hỏi:

- Bạch đức Thế Tôn! Tôi nghe khá nhiều tin đồn không được hay cho giáo pháp, rằng là nhiều súc vật đã bị giết vì ngài; và sa-môn Gotama tuy biết thế, vẫn dùng các loại thịt được giết vì mìnhđược làm cho mình! Chẳng hay điều ấy có đúng chăng?

- Này Jīvaka Komārabhacca! Ai nói vậy là không như chơn, không như thực; họ đã xuyên tạc lời nói của Như Lai. Chính Như Lai đã nói như sau: “ Có ba loại thịt được thọ dụng, đấy là không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng con vật kêu rống đau đớn khi bị giết, không nghi ngờ con vật bị giết ấy là vì mình, bởi mình, cho mình! Không thấy, không nghe, không nghi – là tam tịnh nhục được thọ dụng, này Jīvaka Komārabhacca!”

- Vậy là chính xác, bạch đức Thế Tôn! Jīvaka Komārabhacca có vẻ trầm ngâm giây lát rồi nói tiếp – Tôi là một lương y, thường phải sử dụng cây cỏ rễ củ để chữa bệnh. Thảo mộc – chúng cũng có sự sống – nhưng tôi từng tâm nguyện rằng, khi làm như vậy là tôi không hại mình, không hại người, không hại cả hai!

- Đúng vậy, này Jīvaka Komārabhacca! Thế ra ông cũng thấy rõ sự quan trọng của sự khởi tâm lúc hành động; và tốt hay xấu, lỗi lầm hoặc không lỗi lầm – nó nằm nơi chỗ tư tác, chủ ý, cố ý (cetanā) ấy?

- Thế Tôn đã rất hiểu ý của tôi – Jīvaka Komārabhacca nói – Tôi chỉ nghĩ đến việc cứu người!

Đức Phật mỉm cười nhìn vị lương y trẻ tuổi ra chiều thân thiện:

- Là vị thầy chữa bệnh thân, ông chỉ chú trọng nơi chỗ khởi tâm trong khi hành động. Như Lai là vị thầy chữa bệnh tâm cho chúng sanh, nên Như Lai phải khởi tâm cả ba thời: trước khi, trong khisau khi đó nữa, này Jīvaka Komārabhacca!

Chàng lương y có vẻ ngạc nhiên:

- Xin đức Thế Tôn cho tôi được nghe cao kiến?

- Này Jīvaka Komārabhacca! Như Lai và đệ tử của Như Lai - sống dựa vào một ngôi làng, một ngôi rừng, một thị trấn hay thành phố nào – thì luôn biến mãn một phương, nhiều phương với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả quảng đại, vô biên, không hận, không sân. Thế rồi, khi đêm đã qua, mặt trời lên – Như Lai và đệ tử của Như Lai với trạng thái tâm vô lượng ấy đi trì bình khất thực bình đẳng, tuần tự trước của mọi nhà, rỗng rang, tự tại, không hận, không sân, không hại mình, không hại người, không hại cả hai! Đấy được gọi là khởi tâm trước khi, ông có hiểu không, này Jīvaka Komārabhacca!

- Tôi hiểu, vậy còn trong khi thì thế nào, thưa đức Thế Tôn!

- Như Lai và đệ tử của Như Lai trong khi thọ thực, không hề nghĩ đến vật thực ngon bổ hoặc không ngon bổ, không cầu mong vật thực như thế này hoặc như thế khác, không tham đắm, không đam mê, không chấp trước; còn thấy rõ vị ngọt, sự nguy hại và ý thức rõ rệt sự xuất ly chúng nữa! Trong khi thọ thực với tâm như thế, vị tỳ khưu không hại mình, không hại người, không hại cả hai – có phải vậy không, này JīvakaKomārabhacca!

- Quả thật là minh nhiên, bạch đức Thế Tôn!

- Còn sau khi nữa, này Jīvaka Komārabhacca! Như Lai và đệ tử của Như Lai thấy rằng, với tứ vô lượng tâm cũng chưa đủ, với không hận, không sân cũng chưa đủ! Sau khi thọ thực xong, vị ấy tìm một góc rừng vắng, một gốc cây, một ngôi nhà trống – an trú chánh niệm trước mặt, vị ấy đi vào, đi ra các định, các thiền; sau đó dùng tuệ tri, tuệ giác, tuệ minh bứng nhổ vô lượng tham sân, phiền não tùy miên, làm cho chúng không còn sanh khởi trong tương lai! Và như vậy thì, vị ấy trước khi thọ thực không có lầm lỗi, trong khi thọ thực không có lầm lỗi; và, sau khi thọ thực cũng không có lầm lỗi! Đấy là hành trình làm ông thầy thuốc chữa bệnh tâm của Như Lai và đệ tử của Như Lai – nó không những không hại mình, hại người, hại cả hai mà còn lợi mình, lợi người, lợi cả hai nữa – này Jīvaka Komārabhacca!

Jīvaka Komārabhacca thốt lên:

- Thật là tuyệt vời, bạch Đức Thế Tôn! Rồi chàng nói tiếp - Sự thọ thực như vậy là chơn chánh, nghiêm minh, phạm hạnh, không có ở đâu từ xưa đến nay ngoại trừ giáo pháp của đức Thế Tôn! Sự xuyên tạc của một số người do ganh tỵ danh vọng và lợi dưỡng sẽ không có chỗ đứng trong tâm kẻ trí khi họ nghe được buổi pháp thoại tốt đẹp, viên mãn cả ba thời này!

Đức Phật nói:

- Dường như họ còn nói rằng, Như Lai đồng ý với sự hủy diệt, hoan hỷ với sự hủy diệt, đồng phạm với sự hủy diệt – ông có nghe người ta nói như thế không?

- Thưa có, tôi có nghe! Jīvaka Komārabhacca gật đầu – Tôi thì hủy diệt chúng vô tình hoặc được ghép vào tội danh hoan hỷ, đồng ý và đồng phạm! Đức Thế Tôn thì hủy diệt chúng hữu tình, cũng bị ghép vào tội danh hoan hỷ, đồng ý và đồng phạm như thế!

- Thế ông có thấy mình có tội không, Jīvaka Komārabhacca?

- Dạ thưa không, bạch đức Thế Tôn! Chỉ những ai khởi tâm cố ý hủy diệt - người ấy mới có tội!

- Cũng vậy, này Jīvaka Komārabhacca!năm phi công đức, năm nguyên nhân tạo tội - mà người cư sĩ tại gia, những người cúng dường vật thực đến cho Như Lai và đệ tử của Như Lai phải nên thấy rõ, biết rõ. Hãy dắt con thú này đi! Đấy là khởi tâm có tội, là phi công đức thứ nhất! Khi con thú bị dẫn đi đến nơi lò mổ, nó bị kéo lôi, bị trầy cổ, nó sợ hãi – nhưng lòng người ta vẫn lạnh lùng, sắt đá - đấy là nguyên nhân, là phi công đức thứ hai! Hãy giết mổ con thú này! Đấy là khởi tâm có tội, là nguyên nhân, là phi công đức thứ ba! Khi con thú bị giết, nó quằn quại, nó kêu rống, nó cảm thọ đau đớn với lệ máu – nhưng người ta vẫn nhẫn tâm thọc huyết, xẻ thịt - đấy là nguyên nhân, là phi công đức thứ tư! Sau khi tích lũy bốn nguyên nhân có tội ấy, bốn phi công đức ấy, người tại gia cư sĩ cúng dường món ăn ấy đến cho Như Lai và đệ tử của Như Lai – chính là nguyên nhân, là phi công đức thứ năm!

Này Jīvaka Komārabhacca! Như Lai không có hoan hỷ, không có tán đồng, không có chủ trương, không có khuyến khích những vật thực cúng dường nằm trong năm loại phi công đức ấy! Cúng dường như vậy là phi pháp, không đúng với chánh pháp!

Còn như thế này nữa, Jīvaka! Trong thế gian tương đối, với bốn giai cấp có lợi dưỡng khác nhau, quan niệm khác nhau, có thói quen khác nhau về vật thực. Ví như giai cấp bà-la-môn chủ trương dùng ngũ cốc, rau trái, hoa quả; giai cấp sát-đế-lỵ chỉ thích dùng các loại thịt tươi sống, ngon bổ, rau trái quả thượng phẩm; giai cấp vệ-xá – có khá đông người giàu có - họ thọ dụng các loại thịt hoặc rau trái cũng không thua gì quý tộc đâu. Riêng giai cấp thủ-đà-la thì không có khả năng chọn lựa, cái gì rẻ, dễ kiếm thì dùng. Còn chiên-đà-la thì thức ăn vật uống của họ thì chỉ để mà tồn tại! Như Lai và đệ tử của Như Lai khi đi trì bình khất thực, phải giữ tâm bình đẳng trước mọi giai cấp, trước mọi nhà, không kể giàu nghèo, sang hèn. Và chính vật thực kiếm được trong chiếc bát - thường đủ đại biểu cho mọi giai cấp trong xã hội! Ông nghĩ thế nào, này Jīvaka! Giaó pháp của Như Lai - vì muốn giữ tâm bình đẳng, thực hiện giáo pháp trung đạo, lấy giới luật làm thành trì, lấy tâm ô nhiễm hoặc không ô nhiễm làm thước đo, lấy mục đích giác ngộ, giải thoát làm cứu cánh – thì có nên đặt vấn đề chọn lựa hay không chọn lựa? Hỏi tức là đã trả lời! Do vậy, Như Lai chỉ cho phép chư tỳ-khưu tùy nghi thọ dụng rau trái, hoa quả, ngũ cốc, tùy nghi thọ dụng ba loại thịt thanh tịnh: Không thấy con vật bị giết, không nghe tiếng con vật bị giết, không nghi con vật bị giết ấy là do mình! Như vậy, Như Lai không rơi vào cực đoan này, không rơi vào cực đoan kia, này Jīvaka Komārabhacca!

Cảm phục xiết bao lời dạy sáng tỏ đầu đuôi, thấy rõ gốc ngọn vấn đề của đức Phật - lương y Jīvaka Komārabhacca quỳ năm vóc sát đất xin được quy y, làm đệ tử, bắt đầu học tập bổn phận của người cư sĩ tại gia. Và việc đầu tiên là ông hoan hỷ cúng dường vườn xoài của mình để đức Phật và Tăng chúng tùy nghi sử dụng!

Vài ba lần về sau, mặc dầu công việc ở hoàng cung khá bận rộn, lương y Jīvaka Komārabhacca vẫn thu xếp được thời gian viếng thăm Trúc Lâm, nghe pháp và quan sát sinh hoạt của tăng chúng. Trong vài lần đàm đạo với đức Phật về sức khỏe chung của chư Tăng, ông nói rằng, đời sống hành thiền nhiều dễ phát sanh một số bệnh liên hệ do khí huyết thiếu lưu thông. Ông mang đến một số dầu xoa bóp, thuốc nhuận tràng và hướng dẫn chư tăng cách bấm một số huyệt trên cơ thể để ai cũng có thể tự chữa cho mình khi nhức đầu, sổ mũi, mỏi vai, đau lưng... Ngoài ra, nước cốt trái cây và dùng nhiều rau quả tươi xanh sẽ rất tốt cho cơ thể. Ông còn đề nghị đức Phật cho chư Tăng tập thể dục, một số động tác Hatha-yoga, làm việc nhẹ về tay chân, tắm suối nước nóng (Ở xung quanh Trúc Lâm và rải rác ngoại ô Rājagaha có khá nhiều).Về mùa lạnh, không nên tắm ở ngoài trời, phải tắm ở trong lều có sưởi ấm. Thấy ý tưởng một bệnh xá tại mỗi nơi tu viện, Jīvaka Komārabhacca rất hoan nghênh, ông hứa cung cấp thuốc men và cho thêm một số lương y đến phụ trách!

ĐỨC TIN PHÁT SÁNG

Sau mùa an cư thứ ba (một mùa tại Lộc Uyển, hai mùa tại Trúc Lâm), hầu hết các trưởng lão, các tỳ-khưu A-la-hán đều xin đức Phật đi du phương hành hóa các nơi. Đầu tiên là tôn giả Mahākassapa và chúng đệ tử của ngài - muốn thể hiện hạnh đầu-đà nên tản mác khắp thành Rājagaha để làm gương cho chúng. Tiếp đến là nhóm tôn giả Yasa và chúng đệ tử của ngài muốn đi hoằng pháp tại các quốc độ phía Tây nam. Một số các tôn giả trong nhóm Pāyāva và chúng đệ tử muốn trở lại tuyên giáo các xứ sở miền Tây bắc. Nhóm tôn giả Nandīkassapa, Gayākassapa và chúng đệ tử lại chia nhau sang các xứ Đông nam để truyền bá giáo pháp! Các tôn giả Koṇḍañña, Assaji, Vappa, Bhaddiya (cũ), Mahānāma, Uruvelākassapa và một số đệ tử chững chạc thì ở lại để chăm lo công việc và giáo giới cho các vị tân tỳ-khưu. Nhóm các ông hoàng và các tỳ-khưu dòng tộc Sākya một số ở lại, một số theo chân tôn giả Kāḷudāyi qua bờ bắc sông Gaṅgā đi gieo duyên hóa độ các tiểu bang và các nước cộng hòa ở đấy. Hai vị đại đệ tử thì thường theo hầu đức Phật để tiếp thu các thời pháp hoặc nhận những chỉ thị từ ngài. Tỳ-khưu Ānanda thì rất ham mê nghe pháp, không cận kề đức Phật thì gần gũi tôn giả Sārīputta, nhóm ngài Koṇḍañña để nghe lại các thời pháp từ hồi còn ở Lộc Uyển, rừng Kappāsīya, tụ lạc Uruvelā...

Sa-di Rāhula thì rất chăm ngoan lắng nghe, học hỏi, tu tập từ vị giáo thọ sư của mình cùng các vị khác nữa.

Như vậy là chỉ non nửa tháng sau, Trúc Lâm chỉ còn hơn một nghìn vị tỳ khưu! Tuy nhiên, chỉ mấy hôm sau là nhân số Trúc Lâm được bổ túc thêm. Đầu tiên, đức Phật tiếp đón chàng thiếu niên Sotthiya và gần hai mươi bạn hữu chăn bò từ Uruvelā tìm đến. Đức Phật mỉm cười, thân thiên chuyện trò, tiếp nhận rồi bảo tôn giả Sārīputta cho họ thọ giới sa-di. Kế đến là đạo sĩ Pukkusa – người bạn từ đạo tràng đầu tiên - dẫn theo cả mấy trăm đạo sĩ, đệ tử cũ của đạo sư Ālāra, đạo sư Uddaka đến xin quy giáo. Gặp lại đức Phật, đạo sĩ Pukkusa rất vui mừng. Sau khi đảnh lễ vị Phật mà ông ta đã vô cùng ngưỡng mộ, đồng thời, danh tiếng của đức Đạo Sư vô song đã trở thành đề tài bàn luận sôi nổi của các đạo sĩ – Pukkusa kể lại sự sa sút của cả hai đạo tràng sau khi hai vị đạo sư mất đi... Sau một thời pháp giáo giới về những điểm căn bản của đạo giác ngộ, đức Phật chứng minh để các vị trưởng lão làm lễ cho họ xuất gia tỳ-khưu.

Thời gian này đức Phật còn có ý chợ đợi một người - một nhân vật hộ pháp quan trọng, và cũng là nhân duyên cho giáo pháp lan sang các quốc độ phương xa. Trúc Lâm là một thủ phủ của miền Đông nam. Phải cần một thủ phủ lớn rộng hơn thế ở miền Tây bắc nữa để hai nơi hỗ trợ cho nhau...

Ngày hôm sau, đức Phật giao trọng trách Trúc Lâm cho tôn giả Mogallāna và tôn giả Koṇḍañña - đặc biệt lưu tâm đến NandāRāhula - rồi cùng với tôn giả Sārīputta, thị giả Upavāna, thêm một số ít tỳ-khưu khác nữa - đến ngụ cư tại cụm rừng Sītavana phía Tây thành phố! Đức Phật ở đây để hóa độ những người hữu duyên, đồng thời, cố ý chờ đợi môt người. Và nhân vật ấy là Sudatta!

Ông là một thương gia giàu có, còn trẻ, tên thôi nôi là Sudatta; nhưng vì hằng tâm, hằng sản, do danh thơm bố thí và hay giúp đỡ những người nghèo khổ với lòng quảng đại vô song - nên được người đời kính trọng, mến thương ban tặng cho tôn hiệu Anāthapiṇḍika (Cấp cô độc) - có nghĩa là: Nuôi ăn những người nghèo khổ, trợ cấp cho những kẻ cô độc! Sāvatthī (Xá Vệ), vương quốc Kosala là quê hương sinh quán của ông.

Là chủ tịch một nghiệp đoàn thương mãi, chuyên kinh doanh vàng bạc, đá quý nổi tiếng của kinh đô vương quốc Kosala - trưởng giả Sudatta có dịp đi đây đi đó luôn để liên hệ chuyện làm ăn. Ông kết hôn với em gái của một phú thương ở Rājagaha nên hay lui tới thành phố kinh tế và thương mãi này.

Hôm kia, vào khoảng những ngày cuối tháng mười năm năm trăm tám lăm (tr.CN), trưởng giả Sudatta đến Rājagaha, ghé nhà ông anh rễ. Bình thường thì trưởng giả Sudatta được cả nhà đón tiếp rất nồng hậu, rất niềm nở; nhưng nay thì chẳng thấy ai chào hỏi cả - mặc dầu ông đã bước vào cửa trong! Trưởng giả Sudatta thấy ai cũng bận rộn sắp đặt, trang hoàng, trần thiết, dọn dẹp sạch sẽ chỗ này, chỗ kia với chổi quét, với sơn vôi, với khăn lau, với bình hoa, chuỗi hoa, tràng hoa – như để chuẩn bị đón tiếp một vị thượng khách nào! Dường như chẳng ai chú ý đến ông! Và chính chủ nhân cũng đang lúi húi công việc ở nhà sau!

Chẳng lấy làm điều, chẳng để bụng chuyện đó, Trưởng giả Sudatta chỉ tò mò, ngạc nhiên hỏi:

- Hôm nay cả nhà ta, có kỵ giỗ, có hỷ sự gì trọng đại lắm phải không?

Ông anh rễ mỉm cười, bí mật:

- Không phải thế!

- Hay là một người bạn chí cốt, tương giao nào đó của ông anh mà đệ chưa biết?

- Nếu là vị ấy - thì có ai thâm tình, chí thiết hơn ông em rễ của tôi đã chứ!

Trưởng giả Sudatta nhăn mày, suy đoán:

- Hay là đón tiếp đức vua, các trọng thần của triều đình?

- Các vị ấy cũng là thượng khách hy hữu đấy, nhưng không đến nỗi để tôi quên cả ông em rễ quý trọng!

- Vậy thì còn ai trên trời đất này nữa nhỉ?

- Có đấy, hơn cả trời đất nữa, ông em thân mến ạ! Vị ấy là thầy của chư thiên và loài người, đấy là đức Buddha và Tăng chúng đệ tử của ngài!

Mới nghe danh từ Buddha, tâm Sudatta chợt nhiên rúng động, bồi hồi - một cảm xúc siêu thoát như chớm nở dịu dàng trong lòng ông, trưởng giả Sudatta lắp bắp:

- Buddha! Buddha! Kỳ diệu làm sao, ông anh ơi! Buddha! Buddha! Sao âm vang kia nó như xao động vào chiều sâu ký ức tiền kiếp của em vậy! Ôi! Em mong muốn được diện kiến đức Buddha ấy biết bao nhiêu!

- Rồi ngày mai ông em sẽ được gặp ngài mà!

- Ở đâu? Hiện tại vị ấy ở đâu? Trái tim trưởng giả Sudatta xao xuyến, hỏi dồn dập – Có xa đây không hả ông anh kính mến?

- Cũng gần đây thôi, nơi cụm rừng Sītavana, qua khỏi một nghĩa địa, phía Tây thành phố - Ngài đang ở đấy cùng với một số ít sa-môn!

Thế là trưởng giả Sudatta bắt đầu nóng ruột, ông muốn đi gặp đức Phật ngay, nhưng tiếc thay, trời đã tối. “Qua hôm sau sẽ gặp! qua hôm sau sẽ gặp! Và ta sẽ có cơ hội chiêm bái ngài!” Sudatta nhủ thầm như vậy, rất lấy làm hoan hỷ rồi yên tâm đi nằm ngủ. Vừa chợp mắt, trưởng giả Sudatta đã giật mình tỉnh dậy, mong cho trời mau sáng. Và cứ vậy, ông thắc thỏm, nằm rồi thức dậy nhiều lần. Đến đầu canh ba, trưởng giả Sudatta không còn chờ đợi được nữa, trong bóng tối, ông làm vệ sinh cá nhân, mặc áo trong, choàng áo ngoài, vấn khăn, cột đầu chỉnh tề - rồi chẳng đợi ông anh chỉ lối, ông mở cửa khẽ khàng. Trăng hạ tuần soi tỏ mờ mờ, sương mù dầy đặc. Trưởng giả Sudatta nhắm hướng Tây bươn bả đi. Trời chấp chóa, trưởng giả Sudatta nôn nao nên vấp ngã luôn, dầu vậy, ông cũng lần mò đến được nghĩa địa. Bóng cây vật vờ chỗ này, ánh lân tinh từ những đốt xương người lấp lóa chỗ kia. Sự hoang vu và yên lặng của nghĩa địa làm cho người can đảm nhất, tóc tai cũng phải dựng ngược. Nhờ nghĩ đến “đức Buddha chí tôn của mình”, trưởng giả Sudatta thản nhiên cất bước, đức tin càng lúc càng vững mạnh, càng trong sạch ở trong ông. Trạng thái tâm lý thuần nhất ấy làm cho ông phát sanh phỉ lạc (pīti): Toàn thân phát sáng - sáng hơn cả lân tinh! Vừa ngạc nhiên, vừa sợ hãi, trưởng giả Sudatta dừng lại quan sát. Ánh sáng nơi toàn thân lại mất! Trưởng giả Sudatta ngơ ngác không biết chuyện gì, không hiểu nguyên nhân làm sao; ông đứng sững hồi lâu, bần thần suy nghĩ...

Chợt nhiên, ngay lúc đó, trong gió nhẹ xao, từ hư không rơi xuống bên tai ông - lời nói ngọt ngào, dịu hiền, ấm cúng - như lời mẹ ru con, như lời khuyến khích của đấng nghiêm phụ đối với đứa con trai duy nhất của mình:

“ – Này Sudatta! Đừng có sợ hãi, không có gì phải sợ hãi! Hãy theo cái tâm của ông mà bước tới! Hãy theo tiếng gọi thâm sâu từ vô thức mà bước tới! An lạc và chân phúc là những bước chân đi tới - chứ không phải dừng lại hoặc ngoảnh lui phía sau! Cứ hãy thản nhiên mà bước tới!”

Trưởng giả Sudatta đưa mắt nhìn quanh, không thấy ai, vậy có lẽ là thiên thần! Cảm nhận được thiện ý của lời khuyến khích nên trưởng giả Sudatta mạnh dạn bước đi. Ông lại nghĩ đến “đức Buddha chí tôn của mình” với đức tin trong sạch – ánh sáng nơi thân phát sanh trở lại! Ông sợ hãi một lần nữa, ánh sáng lại biến mất.

Giữa hư không, tiếng lời dịu dàng lại tiếp tục:

“- Này Sudatta!

Hãy bước tới,

chớ có dừng lại!

Dẫu hằng trăm thân ngựa giỏi,

hằng trăm thớt tượng hay,

hằng trăm cỗ xe thiện xảo,

hằng ngàn mỹ nữ

cổ vòng vàng và ngọc đeo tai -

tất cả giá trị và lạc thú trần gian kia –

thật không thể bằng một phần mười sáu

hạnh phúc của một bước chân đi tới!

Vậy hãy tiến bước,

và manh dạng đi tới, này Sudatta!

An lạc và chân phúc

đang chờ ông ở phía trước!”

Tiếng nói kia là của thiên chủ Sakka. Sau khi thấy rõ nhân duyên to lớn của ông triệu phú đối với đức Phật và giáo pháp – nên vị thiên chủ đã tìm cách khuyến khích, hỗ trợ. Cho đến lần thứ ba như vậy, trưởng giả Sudatta mới đến được cụm rừng Sītavana.

Khi đó trời vừa hửng sáng, đức Phật đang đi kinh hành ở ngoài trời và đang có ý đợi ông. Thấy trưởng giả Sudatta xuất hiện ở đầu bìa rừng, đức Phật cất tiếng khẽ gọi:

- Hãy lại gần đây, này Sudatta!

Tiếng gọi sao mà quá thân thuộc. Chợt nhiên, trưởng giả Sudatta biết chắc đấy là vị ấy, là “đức Buddha chí tôn của mình” - chứ không phải ai khác!

Trưởng giả Sudatta bước nhanh lại và quỳ xuống:“Con đây, hỡi ngài, hỡi đức Buddha chí tôn kính yêu”. Ông lắp bắp. Ông cảm xúc quá! Ông hoan hỷ quá! Ôi! Đức Buddha là vị này đây! Một nhân cách giản dị, bình thường – nhưng dường như ở đâu cũng tỏa sáng! Ôi! nụ cười dịu nhẹ của ngài mới tự tại và siêu thoát làm sao! Dung sắc của ngài sao mà hoàn mỹ như cả mặt trời, mặt trăng đồng long lanh soi rạng! Cái bóng của ngài vừa hiền hòa, vừa uy nghiêm vừa định tĩnh như trùm lấp, thu nhiếp cả không gian xung quanh!

Trưởng giả Sudatta chiêm ngưỡng mãi, không biết nói gì! Lâu lắm, ông mở miệng:

- Đức Buddha có được yên vui không?

Trưởng giả Sudatta thấy câu hỏi của mình thật là ngớ ngẩn, lạc lõng và vô duyên làm sao – nhưng đức Phật lại từ hòa đáp:

- Này Sudatta con! Chắc chắn lúc nào một vị A-la-hán cũng yên vui! Vì bên trong các ngài mọi thứ lửa nung đốt đều đã được dập tắt! Tất cả dục vọng đeo níu, đắm trước đều không còn dư tàn! Tất cả mọi mầm giống ác uế đều đã bị hoại diệt! Tất cả mọi trói buộc, xích xiềng đều đã được gỡ thoát ra! Tất cả mọi đau khổ, phiền não đều đã được đoạn tận! Do vậy, tâm của vị A-la-hán luôn trong sạch, thanh tĩnh và mát mẻ! Tâm vị ấy, như vậy, là đã thành tựu một vương quốc hòa bình, an lạc và chân phúc!”

Nghe xong, ngay giây khắc ấy, trưởng giả Sudatta đắc quả Nhập lưu, đi vào dòng thánh! Trưởng giả cảm nhận một cách sâu sắc rằng, mình vẫn là con người cũ thôi - nhưng cái thấy, cái biết, cái trí, cái tâm của ông bây giờ đã đổi khác! Có cái gì đó đã vững vàng, ổn định ở bên trong! Đức tin vắng lặng, trong sạch và thánh thiện ở trong ông - dường như vừa nở một đóa kỳ hoa! Trưởng giả Sudatta lặng lẽ quỳ xuống, đảnh lễ đức Phật một lượt nữa với vô vàn sự tri ân và lòng quý kính!

Ngày hôm sau, đức Phật thọ trai tại tư gia của ông anh rễ trưởng giả Sudatta, thuyết pháp sách tấn, khuyến khích sự tu học, đặt cả gia đình vào quy giới rồi trở về Trúc Lâm!

Trưởng giả Sudatta, lúc này, không muốn rời xa đức Phật và hội chúng sa-môn – ông nghe pháp, chú tâm vào pháp và ông thấy mình thật yên bình và hạnh phúc! Đời sống sa-môn đệ tử Phật với hạnh tri túc, thiểu dục tạo cho ông một ấn tượng quá tốt đẹp về giáo pháp này, hội chúng này – có đức Tôn Sư dẫn đầu. Nhìn Trúc Lâm tịnh xá với quy mô nhà giảng, nhà ăn, nhà hội, nhà khách, nhà kho... và cả hàng ngàn cốc liêu rải rác đây đó - nghe nói, trong mùa an cư, chư Tăng các nơi vân tập về có thể hơn ba ngàn vị - với tam y, bình bát nhẹ nhàng, thanh thoát vào ra...lòng ông bồi hồi xúc động. Trưởng giả chạnh nghĩ đến quê nhà, và ước gì, ở kinh thành của ông cũng có một trung tâm tu học, to lớn, kỳ vĩ hơn cả Trúc Lâm này - thì thật là hạnh phúc cho quốc độ!

Hôm kia, trưởng giả Sudatta vào bạch Phật, thỉnh ngài và Tăng chúng về Sāvatthī để truyền bá chánh pháp - hy vọng rằng với giáo lý an bình, thanh tịnh và siêu việt này có thể nhiếp phục chúng ngoại đạo và hóa độ cho nhiều người hữu duyên! Vấn đề đất đai và thiết lập quy mô tịnh xá thì ông sẽ chịu trách nhiệm tìm kiếm, kiến tạo và cúng dường! Đức Phật thấy đây là duyên lành - đúng như sự thấy biết của ngài - nên im lặng nhận lời; sau đó gợi ý cho trưởng giả Sudatta hay rằng, đời sống xuất gia phạm hạnh thường thích hợp những nơi vắng vẻ, an tĩnh, không gần mà cũng không xa xóm làng!

Hoan hỷ xiết bao, trưởng giả Sudatta quỳ vập đảnh lễ Phật, rồi ngần ngừ một lát, ông nói say sưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Sāvatthī là kinh đô của vương quốc Kosala, một thành phố thịnh vượng và giàu mạnh ở Tây bắc, cư dân đông đúc, mức sống khá cao – tuy nhiên, về mặt văn hóa, so với Rājagaha thì nó chỉ là vùng biên địa xa xôi - nhân dân bản chất thuần hậu nhưng còn hoang dã, mọi rợ, cả tin và cuồng tín! Đây cũng là vùng đất màu mỡ, là thủ phủ lý tưởng cho bọn bàng môn tả đạo lập căn cứ địa lộng hành! Chúng nghênh ngang làm tiền, mê hoặc đám dân đen ngu muội bằng phép lạ, thuật số, bùa chú, ngải nghệ... cùng hằng trăm kiểu cúng tế khác nhau. Thần linh và các ngẫu tượng dâm loạn, ma mị ngồi đầy khắp am miếu, đền đài, bờ sông, đình chợ, đường sá, công viên... với trầm hương nghi ngút, với hoa quả, với đầu súc vật còn tươi máu...

Chúng tu ngồi xổm, hai tay ôm đầu và nhảy với vũ điệu rắn! Chúng tu hạnh quét đất, nằm ra đất mà lạy mà bò! Chúng để râu tóc như cỏ rậm, ở truồng đi tồng ngồng chỗ này chỗ kia, rồi còn chễm chệ trong các điện thờ! Chúng tu hạnh nằm giữa đất, ăn trên đất. Chúng ngồi trong vũng bùn, cống rãnh. Chúng treo ngược người trên cây và ăn mỗi ngày từng hạt, từng trái nhặt được... Còn giới cấp bà-la-môn tại gia, trưởng giáo, trí thức hoặc tư tế thì sống trong những dinh thự, những điền trang kín cổng cao tường như những tiểu vương. Chúng độc quyền liên hệ, đối thoại với thần linh – nên chúng độc quyền về lễ tang, cưới hỏi, tế thần, tiểu hỷ, đại hỷ, lạc thành, hướng nhà, hướng cửa, giờ tốt xấu... với những giá cắt cổ, bóp hầu, nặn họng đám lương dân nghèo đói! Chúng thuyết về con đường khổ hạnh, xả ly, trầm tư, thiền định để thể nhập với Phạm thể ở trên cao - còn chúng thì sống phong lưu ở dưới này để hưởng thụ mọi thứ xa hoa, dục lạc!

Bạch đức Thế Tôn! Có lẽ do duyên lành vạn kiếp, mặc dầu bị bên này vận động, bên kia kéo lôi - nhưng đệ tử vẫn trơ trơ không theo bọn chúng, không ngả theo đạo nào! Nhờ vậy, đệ tử mới hạnh ngộ đức Thế Tôn và Tăng chúng thánh hạnh; được nghe giáo pháp trong sáng, lành mạnh và tốt đẹp nhất trần đời. Do vậy, kinh đô Sāvatthī, quê hương của đệ tử, cần thiết phải có mặt giáo pháp vô thượng của đức Thế Tôn! Rác và bụi trong mắt mọi người cần phải được lau quét sạch sẽ! Cuồng tín và ngu si cần phải có ngọn đèn trí tuệ chiếu soi. Những hôi hám, dơ dáy, bẩn thỉu trong các sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh cần phải được làm cho thanh khiết, thanh tịnh!

Bạch đức Thế Tôn! Khái quát như vậy để biết rằng, đến Sāvatthī sẽ gặp vô vàn khó khăn, phức tạp; chắc chắn sẽ có nhiều thành phần chống đối, phá hoại từ nhiều phía! Ngoại trừ đức Thế Tôn hoặc các vị đại trưởng lão nhiều tuệ lực, nhiều thần thông lực - chớ khó ai có thể đảm nhận trọng trách cam go này, từ việc đặt viên đá xây dựng cơ sở cũng như đặt viên đá giềng mối đầu tiên cho giáo pháp!

Đức Phật và một số các vị trưởng lão lắng nghe chăm chú, rất chăm chú những nhận thức đúng đắn của trưởng giả Sudatta - rồi đức Phật nói với ông:

- Ừ! Như Lai cũng biết là sẽ rất khó khăn! Bất cứ sự cảm hóa, cải thiện nào - mặc dầu có lợi ích - vẫn bị sự phá hoại, chống đối từ nhiều phía. Đương nhiên pháp thế gian là vậy! Con người không dễ dàng thay đổi một thói quen, nhất là những thói quen đã biến thành lễ nghi, tập quán cắm rễ, ăn sâu trong truyền thống từ đời này sang kiếp nọ!

Tôn giả Sārīputta chợt quỳ thưa:

- Tuy nhiên, giáo pháp giác ngộ, giải thoát cần phải được xiển dương, cần phải được tăng trưởng, lớn mạnh, cần phải đi vào lòng người và xã hội! Giáo pháp của trí tuệ và từ bi phải là ánh sáng, là ngọn đèn dẫn đường cho những tâm thức nô lệ, yếu hèn và ngu muội! Chúng đệ tử của đức Tôn Sư phải biết giương cao ngọn cờ Muñja - ngọn cờ của bậc thiện trí! Phải biết vô vi, vô dục mở rộng vòng tay đón nhận những chúng sanh lưu lạc quay về! Phải biết bình lặng như đại địa, kham nhẫn như đại địa – tùy duyên mà giáo hóa nhân quần!

Đức Phật mỉm cười:

- Vậy này Sārīputta! Ông hãy nghiêng vai mà nhận lãnh trách nhiệm ấy! Tất cả mọi khó khăn vào buổi đầu, Như Lai giao phó cho ông đấy!

Tôn giả Sārīputta cúi đầu lạy tạ. Trưởng giả Sudatta xin thưa tiếp:

- Với quy mô xây dựng như Trúc Lâm này, đức Thế Tôn thấy nó thuận lợi hoặc chưa thuận lợi cho sinh hoạt của Tăng chúng hiện nay – và cả sự phát triển trong tương lai nữa?

Biết ý ông triệu phú chưa hài lòng lắm các công trình xây dựng ở Trúc Lâm. Mặc dù đức vua Seniya Bimbisāra đích thân chỉ đạo, không ngại tốn kém công quỹ, sự đóng góp của hoàng gia; nhưng ông cũng không ngờ là giáo hội phát triển quá nhanh nên những buổi thuyết giảng lớn, cả hàng ngàn người thì giảng đường đã trở nên chật hẹp! Tăng chúng tạm cư chừng vài ngàn vị thì đây đó đã phát sanh nhiều vấn đề từ chỗ ăn ở, vệ sinh, nhà kho cũng như rác thải - phải được tính toán kỹ lưỡng xa rộng hơn! Nghĩ vậy, đức Phật mỉm cười nói:

- Ông là người có đầu óc, có tầm nhìn, này Sudatta! Như Lai hiểu rất rõ những điều đằng sau câu hỏi của ông! Hôm nào lên đường về lại Sāvatthi, sa-môn Sārīputta sẽ đi cùng với ông! Đệ tử trưởng ưu tú của Như Lai có khả năng thay mặt Như Lai để đối thuyết với các giáo phái chủ, giáo phái sư và chúng ngoại đạo ở đấy; và, còn có trí biện tài, đức độ để nhiếp phục họ! Sārīputta không những rành rẽ môn kiến trúc mà còn là một nhà địa lý, thiên văn có thực học nữa – có thể cố vấn, tham mưu cho ông trưởng giả nhiều lãnh vực, khỏi phải lo ngại điều gì!

Được lời như mở tấm lòng, trưởng giả Sudatta hớn hở lên đường – và bên cạnh, được núp bóng tàn đại thụ của giáo pháp là tôn giả Sārīputta!

Hôm ra đi, biết trưởng giả Sudatta nôn nóng về Sāvatthī tìm kiếm đất - tôn giả Sārīputta thông cảm nhìn ông, nói:

- Vị tỳ-khưu chỉ đi bộ, không đi các loại xe - vậy ông cứ khởi hành bằng cỗ xe ngựa tốt, đừng để ý đến ta. Tuy nhiên, chỗ nào ông dừng chân hoặc muốn gặp ta để học hỏi về giáo pháp – thì tức khắc, ta sẽ có mặt ngay bên cạnh ông!

Và quả thật như vậy, kỳ diệu xiết bao! Suốt trên đường đi, hễ khi thắc mắc điều gì thì tôn giả Sārīputta như tự trên trời rơi xuống, như từ đám mây trắng mà hóa hiện thành người! Và ông đã học hỏi được quá nhiều điều, nhiều hơn cả trí tưởng của ông - về những điểm khác biệt đặc thù về giáo pháp của đức Phật so với các tôn giáo truyền thống, các tín ngưỡng cổ sơ của các sắc tộc trong nhân gian. Ngoài ra, tôn giả Sārīputta còn tận tình và cặn kẽ giải thích các biểu tượng thờ cúng của đạo bà-la-môn, các lễ thánh tẩy, tắm nước sông Gaṅgā, cầu nguyện thần linh...chỗ nào là nội dung tư tưởng khả thủ, chỗ nào là hình thức mù quáng, bá vơ! Ôi! vị đại đệ tử này đúng là đức Phật thứ hai, chẳng có gì mà tôn giả ấy không thấy, không biết!

Đúng là cơ ngơi của ông triệu phú chủ tịch nghiệp đoàn buôn bán vàng bạc và đá quý nổi danh kinh đô Sāvatthī: Dinh thự nguy nga, lầu đông lầu tây, tòa ngang dãy dọc nhiều không xiết kể, hằng trăm gia nhân xuôi ngược tới lui! Vừa về đến nhà là trưởng giả Sudatta vội triệu tập tất cả mọi người tại đại sảnh, thỉnh mời tôn giả Sārīputta ngồi chỗ ngồi cao và sang trọng nhất, bảo mọi người cùng ra mắt, đảnh lễ ngài. Tôn giả thuyết một thời pháp ngắn gieo duyên với gia đình hiền thiện này. Punnalakkhaṇā, phu nhân của trưởng giả, còn khá trẻ, đoan trang, hiền thục - rất hoan hỷ. Ba cô con gái là Mahā-Subhadda, Culā-SubhaddaSumana đều lắng nghe chăm chú. Riêng chú bé trai, tên là Kāla lại lơ đễnh, có vẻ ngỗ nghịch, ham chơi.

Trưởng giả Sudatta thỉnh mời tôn giả ngụ riêng nơi một căn lầu, nhưng ngài mỉm cười lắc đầu, bảo ông cứ lo công việc của ông, hãy để cho những cánh chim trời được tự do, thung dung đây đó. Thế là tôn giả Sārīputta ôm bát ra đi: Ngài muốn nắm bắt tình hình tôn giáo, tín ngưỡng cũng như các sinh hoạt nhân sinh, xã hội của kinh đô trù phú nầy!

LẤY VÀNG ĐỔI ĐẤT

Suốt mấy ngày lên xe ngựa dong ruổi khắp các miền ngoại ô kinh thành Sāvatthī nhưng trưởng giả Sudatta chưa lựa chọn được một miếng đất vừa ý. Hôm kia, ông tìm thấy một khu vườn rất đẹp, vừa rộng rãi, bằng phẳng lại vừa có hồ, có suối, có các ngọn đồi thoai thoải. Tuy vườn trồng xoài là chính - để có thu nhập kinh tế - nhưng chủ nhân cũng biết giữ lại những gốc cổ thụ rễ lá rườm rà, có trái, có hoa cùng các khóm cây có thân đẹp, lá đẹp hoặc có hương thơm. Hỏi ra mới biết – đây là khu vườn sinh thái, nghỉ mát của hoàng tử Jeta (Kỳ Đà), con vua Pasenadi! Biết là sẽ rất khó khăn, nhưng trưởng giả cũng tìm đến vương phủ của hoàng tử, lựa lời khôn khéo, xin ông ta nhượng lại khu vườn ấy để sử dụng vào việc lợi ích.

Hoàng tử Jeta cười to:

- Ta biết ông giàu nứt đố đổ vách – nhưng ta cũng đâu có thiếu tiền, thiếu bạc đến nỗi phải bán khu vườn xinh đẹp ấy đi, hở ông trưởng giả triệu phú?

- Tôi nào có dám nói chuyện mua bán ở đây, thưa điện hạ! Trưởng giả Sudatta cất giọng nhũn nhặn - Chỉ vì khu vườn ấy rất thích hợp cho việc kiến lập một tu viện – nên tôi chỉ xin hoàng tử mở lòng quảng đại, hoan hỷ nhượng lại thôi mà!

Trước sự khiêm tốn nhưng không kém phần quyết liệt của Sudatta, hoàng tử Jeta muốn nêu lên một cái giá cho ông trưởng giả đáng kính này nản chí:

- Thôi được rồi! Khu vườn của ta còn quý hơn cả vàng! Nếu ông trưởng giả mang vàng lá đến đó, lót đầy khu vườn, ta sẽ nhượng lại cho!

Nói thế xong, hoàng tử Jeta mỉm cười kín đáo, định phất tay bỏ đi! Nhưng kỳ lạ chưa kìa! Khuôn mặt ông trưởng giả bừng sáng lên, vô cùng mừng rỡ:

- Xin cảm ơn điện hạ! Bậc vương giả không thể nói hai lời! Tôi sẽ làm theo như ý của ngài!

Thế rồi, ngay tờ mờ sáng hôm sau, trưởng giả Sudatta cùng hàng chục gia nhân, với những chiếc xe ngựa chở vàng lá đến và bắt đầu lát thảm vàng lên đất của khu vườn. Hoàng tử Jeta tất tả đến xem, ông ngạc nhiên quá: Chuyện nói thách để mà chơi, giờ đã trở thành sự thật! Nhưng hoàng tử cũng còn một hy vọng là ông trưởng giả sẽ thiếu vàng! Suốt hai ngày liên tiếp, hoàng tử Jeta thấy trên sắc mặt của ông trưởng giả chưa có dấu hiệu nào là ông ta thiếu vàng – và vàng thì cứ theo từng cỗ xe, từng cỗ xe lần lượt đổ đến; và hàng chục gia nhân mải chăm chỉ, cần mẫn tuần tự lát vàng từng chục thước rồi hàng trăm thuớc! “Chuyện gì xẩy ra thế này - hoàng tử Jeta tự hỏi - tại sao có người xem vàng như đất cục? Nghe nói, ông trưởng giả mua đất này để kiến lập một tu viện? Tu viện ấy cho ai, cho người nào? Phải là một nhân vật tầm cỡ nào, vị triệu phú này mới phát tâm hiến cúng dõng mãnh, kinh khiếp như thế chứ?”

Đến ngày thứ tư thì vàng đã vàng chóe hết hai phần khu vườn – khi hoàng tử Jeta tìm đến thì thấy ông trưởng giả đang đo đạc, tính toán gì ở nơi mấy gốc cổ thụ. Hoàng tử tuy hơi nao núng, nhưng cũng thật tình, hỏi:

- Sao? Thiếu vàng rồi phải không? Ông trưởng giả rút lui chuyện mua bán lạ lùng này cũng chưa muộn mà!

- Dạ, không phải thế, tâu điện hạ! Trưởng giả Sudatta ung dung nói - Tôi đang tính cách lót vàng nơi những gốc cây choán chỗ trên đất, đồng thời, tính xem, nên chở vàng từ kho nào đến đây mới đủ và tiện đường nhất!

Hoàng tử Jeta thấy mình nổi da gà cả toàn thân - ngạc nhiên, tò mò, ông hỏi trưởng giả về tu viện, mục đích kiến tạo tu viện là để mà làm gì? Trưởng giả Sudatta đôi mắt chợt bừng sáng lên, thân thiết nắm tay hoàng tử, nói tóm tắt nhưng đầy đủ về đức Phật, Tăng chúng và giáo pháp cho hoàng tử nghe! Trưởng giả cũng tâm tình, thổ lộ mục đích hoàn toàn vô vị lợi của ông! Rằng là vì muốn phục vụ văn minh, văn hóa cho đất nước này, cho quê hương này của chúng ta! Từ lâu, chắc điện hạ đã thấy bọn ngoại đạo, tà giáo chúng lộng hành như thế nào, đang mua thần, bán thánh như thế nào! Dân giàu, nước mạnh không, cũng chưa đủ - phải cần có một giáo pháp thánh thiện, trong sáng và lành mạnh để cho bao người thoát khỏi sự ngu muội, cuồng tín! Cần phải có những giá trị tinh thần đích thực để nương tựa đời này và đời kia! Tại đất nước Māgadha, kinh thành Rājagaha, đức vua Seniya Bimbisāra và triều đình - cả hàng ngàn hoàng gia, quý tộc đã quy giáo đức Thế Tôn và Tăng đoàn thánh hạnh! Ôi! hạnh phúc làm sao là đất nước ấy!

Để kết luận, trưởng giả Sudatta sung sướng nói:

- Vô cùng cảm ơn điện hạ đã hào sảng nhượng lại cho tôi khu vườn quý giá này! Mai kia, sau khi kiến tạo xong xuôi, tôi sẽ hiến cúng tất thảy công trình này cho đức Phật và Tăng chúng mười phương! Vậy là công đức của điện hạ cũng to lớn lắm vậy!

Hoàng tử Jeta cảm thấy rất hổ thẹn trước sự vĩ đại của ông trưởng giả - đã dám lấy vàng đổi đất, để lót bên dưới mà tôn vinh lên trên những giá trị tinh thần cao quý thế kia – còn ta thì sao? Ta là một con người tầm thường, chỉ biết có vàng mà thôi sao?

- Hãy ngưng lại, ông trưởng giả quý mến! Hoàng tử Jeta hối hả nói - Vậy là đủ rồi, chẳng cần phải lát vàng thêm nữa! Đất bây giờ đã là của ông, nhưng ông hãy cho ta hùn góp một chút công đức, được chăng?

- Điện hạ cứ nói!

- Phần đất vườn là của ông, còn phần cây của ta – hoàng tử chậm rãi nói – Sau này, khi tu viện hoàn thành, ông cho ta được dự phần một chút vinh quang, núp sau cái bóng của ông vậy?

Vui mừng quá, trưởng giả Sudatta nói:

- Rất là hoan hỷ, thưa điện hạ! Hay lắm! Cây là của điện hạ cúng dường! Đất vườn là của tôi đóng góp! Hay lắm! (Sau này, khi gọi tên đầy đủ thì phải gọi tu viện này là: Kỳ thọ, Cấp cô độc viên, tắt là Kỳ Viên; còn gọi là Bố Kim Tự ‘chùa trải vàng’)

Thế rồi, với sự góp ý của tôn giả Sārīputta, công trình xây dựng được tiến hành. Tiến hành gấp rút từ bản vẽ của tôn giả Sārīputta, ròng rã suốt mấy tháng trường với hằng ngàn công nhân; và vật liệu thì cứ kìn kìn đổ tới. Do rút kinh nghiệm ở Trúc Lâm nên quy mô tại Kỳ Viên này không gian sử dụng rộng rãi hơn, tiện nghi sinh hoạt thuận lợi hơn. Theo sơ đồ tổng quát, nó gồm hai mươi khu biệt cư (dành riêng cho hàng ngàn chư khách Tăng vãng lai) nhà giảng (dành cho hội chúng cư sĩ), nhà hội (nơi hội họp Tăng sự, giáo giới chư Tăng) nhà ăn, nhà khách, bệnh viện, nhà kho, mấy chục giếng nước, mấy chục khu nhà vệ sinh, mấy chục nhà tắm (một nửa có trang bị lò sưởi), hàng ngàn ghè nước lớn và nhỏ, mấy chục nơi xử lý rác thải... Ngoài ra, còn nạo vét và làm sạch đẹp các con suối, trồng sen súng tại các hồ nước, làm các con đường kinh hành, các ghế đá rải rác trong công viên. Đặc biệt, hương phòng của đức Thế Tôn làm bằng gỗ chiên- đàn, đẹp và tiện nghi. Có khoảng chừng một trăm cốc liêu (dành riêng cho các vị trưởng lão), năm trăm cốc liêu (dành cho chư Tăng nội trú). Xa trước cổng Kỳ Viên, trưởng giả Sudatta còn làm thêm khu nhà chẩn bần, giúp người nghèo đói mỗi tháng bốn kỳ. Lại còn có nơi dành riêng cho chim, quạ ăn thức ăn thừa! Việc bảo vệ và chăm sóc công trình, ông trưởng giả còn dự định tuyển chọn năm mươi người lao động tạp dịch có đạo tâm thường xuyên ăn ở tại đây, có khu nhà dành riêng cho họ!

Khối lượng công việc là rất lớn, cần nhiều thời gian; ngại rằng đức Phật đến thăm Kỳ Viên rồi trở lại an cư ở Trúc Lâm – như lời hứa với đức vua Seniya Bimbisāra – sẽ không còn kịp, nên tôn giả Sārīputta đến chào từ biệt trưởng giả Sudatta:

- Ta cần phải đi đón đức Thế Tôn, còn công việc ở đây, ông cứ theo họa đồ tổng quát và chi tiết mà thực hiện, đâu đó đã được cắm mốc, có phương hướng rõ ràng rồi!

- Rất tri ân tôn giả - Sudatta nói với gương mặt rạng rỡ - Đâu đó đều rất hoàn chỉnh, rất đẹp - ngần ngừ một lát rồi ông nói tiếp - Nghe nói còn có ngày giờ tốt, xấu; hướng tốt, hướng xấu và cả thuật phong thủy nữa - không rõ giáo pháp của đức Tôn Sư quan niệm như thế nào về chuyện ấy?

Tôn giả Sārīputta cười đáp:

- Giáo pháp của đức Thế Tôn chỉ chú trọng đến cái bên trong của con người, những căn bệnh phiền não, khổ đau cùng phương thuốc chẩn trị chúng. Còn những ngoại duyên tác động từ bên ngoài là cái thứ yếu, phụ tùy. Đức Thế Tôn có đề cập khi nói đến các định luật của vũ trụ, tức là các lực, các từ, các khí tương tác của vạn hữu, nhưng xét ra cũng không quan trọng lắm!

- Đấy là những định luật gì, thưa tôn giả?

- Ồ, ông hãy suy gẫm mà xem! Nắng mưa, ngày đêm, nóng lạnh, thời tiết ba mùa trong năm; các ảnh hưởng của mặt trời, mặt trăng tác động đến ao biển, sông hồ, con người, muông thú, thảo mộc... Những sự vận hành của thời tiết, đất trời có vẻ tự nhiên ấy – chúng có luật tắc chi phối đấy, được gọi là định luật của thế giới vật lý vô cơ (utuniyāma). Còn nữa, những quy luật tác động trong thế giới tế bào của động vật, thực vật làm cho giống nào sinh ra giống ấy (cam ra cam, quýt ra quýt); huyết thống di truyền (con giống cha mẹ, ảnh hưởng ngu, trí) thì được gọi là định luật của thế giới vật lý hữu cơ (bījaniyāma). Rồi, cái luật tắc thứ ba là định luật về pháp (dhammaniyāma), khá khó hiểu, nó chi phối pháp giới, toàn bộ cư dân hữu tình, vô tình của quả đất...

Nói đến ngang đây, tôn giả Sārīputta chậm rãi tiếp lời, thân mật:

- Ông triệu phú có biết không! Khi ngồi dưới cội Bodhirukkha, đức Thế Tôn đã quay mặt về hướng Đông - đấy là hướng của thanh khí, dương khí – nó sẽ hỗ trợ tốt cho khí lực của cơ thể! Canh ba, lúc nằm nghỉ nghiêng lưng nửa canh đầu, đức Tôn Sư của chúng ta, thường quay đầu về hướng Bắc, chân co, chân duỗi về hướng Nam, lưng quay về hướng Đông, mặt quay về hướng Tây – là vì ngài biết các từ, các lực, các khí của vũ trụ trong tám hướng, có thể hỗ trợ cho khí lực của con người! Nghĩa là đức Tôn Sư do nắm rõ các quy luật, sức hút, sức đẩy, tương tác của các từ, các khí. các lực - định luật về pháp - nên đã thuận theo các luật tắc vận hành tự nhiên ấy. Thuận thì tốt, nghịch thì khó chịu – có thể sinh ra sự đảo lộn khí huyết không cần thiết! Do vậy, có thể nói rằng, đức Toàn Giác của chúng ta đã biết rõ tất cả - cái gọi địa lý, thiên văn – mà thuật ngữ chuyên môn gọi là phong thủy, ngày tốt xấu, hướng tốt xấu mà trưởng giả đã đề cập!

Trưởng giả Sudatta rối rít nói:

- Vậy là có chuyện ngày giờ tốt xấu, hướng nhà, hướng cuộc đất tốt xấu như các thầy bà-la-môn đã lợi dụng để làm tiền mọi người xưa nay?

- Có đấy! Nhưng tốt xấu bên ngoài không quan trọng bằng tốt xấu từ tâm địa của con người!

- Đệ tử hiểu rồi!

- Giáo pháp của đức Tôn Sư là giáo pháp diệt khổ! Thấy rõ dukkhadiệt dukkha là quan trọng, các ngoại duyên liên hệ khác là phụ tùy!

- Đệ tử hiểu rồi!

- Nhưng khi chúng ta xây dựng nơi ở của đức Phật và Tăng chúng – chúng ta nên thuận theo các định luật tự nhiên của vũ trụ, hay cứ tùy tiện những đối nghịch không cần thiết?

- Phải rồi! Đệ tử đã hiểu rõ! Hèn gì, đức Thế Tôn đề cử tôn giả cố vấn, tham mưu cho đệ tử xây dựng Kỳ Viên đại tịnh xá!

Tôn giả Sārīputta mỉm cười khiêm tốn:

- Đức Thế Tôn mới là bậc thầy, bậc thầy siêu việt về nhiều lãnh vực; ngài biết rõ thuở còn là thanh niên làm trưởng giáo bà-la-môn – các lãnh vực kiến trúc, địa lý, thiên văn, phong thủy, tự nhiên học... ta đã từng là giáo thọ sư cho hằng trăm môn đệ!

- Hiển nhiên là vậy rồi!

- Còn hai định luật nữa, này ông trưởng giả! Đấy là định luật về tâm (cittaniyāma)định luật nghiệp báo (kammaniyāma). Khi chúng ta phán đoán, suy luận, hồi ức, tưởng tượng hoặc những yếu tố nội tâm - trạng thái tâm lý - diễn tiến theo trình tự nhân quả tương quan chi phối sinh hoạt hữu thức và vô thức của con người đều thuộc lãnh vực của định luật tâm! Những hiện tượng thần giao cách cảm, biết quá khứ, vị lai; cả thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông... cũng từ định luật này mà có! Người học giáo pháp Phật phải nắm rõ quy luật này để từng bước, dẫn tâm từ các trạng thái thấp lên cao, từ thô tháo đến tế vi... rồi tế vi hơn nữa - cuối cùng sử dụng tâm rất nhuần nhuyễn, thuần thục vì hạnh phúc cho mình và cho người!

- Thật là vi diệu vậy thay!

- Còn nữa, định luật nhân quả nghiệp báo – nói đầy đủ là tác nhân của nghiệpkết quả của nghiệp. Ở đây là những hành động và những phản ứng tâm lý có ý thức, có chủ tâm. Nói cách khác, khi chúng ta suy nghĩ, hành động, nói năng do thiện hoặc bất thiện chi phối - tất là nó mang tính đạo đức, luân lý – thì khi ấy, chúng ta đã khởi tác nhân của nghiệp; và nó sẽ xảy ra sự báo ứng của nghiệp! Đức Thế Tôn đặc biệt nhấn mạnh định luật này, vì chính ở đây mới xảy ra nghiệp báo và sự chấm dứt nghiệp báo - sự khổ và sự diệt khổ - vậy! Nầy trưởng giả Sudatta! Bây giờ ông đã hiểu tại sao, giáo pháp của đức Tôn Sư chỉ nhắm đến Dukkha và sự chấm dứt Dukkha mà không nói đến địa lý, thiên văn, phong thủy rồi chứ?

- Tri ân tôn giả!

Trưởng giả Sudatta cúi đầu xuống, cảm kích! Tuy chưa hiểu hết lý nghĩa sự giáo giới tận tình của tôn giả Sārīputta, nhưng ông cảm thấy nao nao trong lòng, tâm và trí càng lúc càng sáng ra! Bây giờ trưởng giả mới thật sự thấy rõ tầm vóc vượt trội, siêu đẳng của vị đại đệ tử - về kiến thức ngoại điển cũng như nội điển - do vậy, đức tin trong ông, về đức Phật, về giáo pháp này, về Tăng chúng này, ngày càng lớn mạnh, ổn định, vững chắc hơn!

NGŨ MINH CŨNG CHƯA ĐỦ

Đầu tháng ba, năm năm trăm tám tư trước TL, tôn giả Sārīputta bỏ lại sau lưng Kỳ Viên đại tịnh xá đang xây dựng chưa hoàn chỉnh, lên đường đi đón đức Phật. Bây giờ là cuối tiết xuân, trời không nóng lắm, có thể dễ dàng đi lại – nhưng sực nghĩ đến khoảng cách hơn bảy mươi do-tuần (trên dưới 840 km hiện nay) từ Rājagaha đến Sāvatthī, nếu mỗi ngày đi một do-tuần thì phải mất hơn hai tháng - nên ngài phải sử dụng thần thông. Tuy nhiên, lúc dừng tại Vesāli định trì bình khất thực thì tôn giả thoáng thấy hình bóng các vị sa-môn áo vàng. Hướng tâm, biết đức Phật và chư Tăng đã đến đây từ ba hôm trước, đang nghỉ tại Mahāvana (Đại Lâm), tôn giả tìm đến, đảnh lễ và vấn an sức khỏe của ngài.

Đức Phật mỉm nụ cười hoan hỷ:

- Biết ông sẽ đi đón Như Lai, nên Như Lai chỉ giữ lại Moggallāna, Koṇḍañña, Bhaddiya, Uruvelākassapa trông coi Trúc Lâm với chừng năm trăm tỳ-khưu! Số còn lại, hơn một ngàn rưỡi tỳ-khưu đã cùng với Như Lai đi gặp ông đây!Thế nào rồi? Công việc xây dựng Kỳ Viên đại tịnh xá đến đâu rồi hả ông giáo thọ bậc thầy các kiến trúc sư?

Tôn giả Sārīputta nghe cách hỏi của đức Phật, biết là ngài đã tận tường tất cả, nhưng tôn giả cũng tuần tự trình tâu lại tất cả mọi việc.

- Lành thay - đức Phật tán thán – Ông đã có công thiết kế Kỳ Viên quy mô hơn, thuận lợi sinh hoạt hơn, có cái nhìn xa rộng hơn... Rất tốt, rất tốt... Đấy đúng là thủ phủ thứ hai, căn cứ địa thứ hai để cho giáo pháp phát triển sâu rộng cả miền Tây bắc châu Diêm-phù-đề!

Độ ngọ xong, tôn giả Sārīputta được gặp lại tôn giả Assaji, tôn giả Vappa, tôn giả Mahānāma, tôn giả Nadīkassapa, tôn giả Gayākassapa, tôn giả Mahākassapa và cả tôn giả Kāḷudāyi, Bhaddiya, Ānanda, Devadatta... cùng một số các vị trong hoàng tộc Sākya nữa!

Đức Phật nói với Sārīputta:

- Các ông Kāḷudāyi, Bhaddiya (dòng Sākya) cùng mấy trăm tỳ khưu đi du hóa tại các tiểu bang Licchavī, Vajjī, Videha, Malla, Moriya... thấy rằng, quần chúng rất tốt, rất nhiều tín tâm; nhưng khi đi khất thực, gặp duyên thuyết giáo, họ lại va vấp hai khó khăn trở ngại lớn: Thứ nhất là giới quý tộc, tướng lãnh ở đấy rất ngã mạn; không dễ gì nói lọt tai, không dễ gì làm cho những cái đầu rất cứng ấy nhu thuận, quy phục được! Thứ hai là “vấn đề” lý luận của các giáo phái chủ, giáo phái sư cùng một số học giả, bà-la-môn gia chủ – trong và ngoài truyền thống - họ trườn uốn như con lươn, rất điêu toa, xảo quyệt; chúng có thể lý luận dẫn voi qua lỗ kim, có thể lý luận con lạc đà thành con chó trắng một cách khá dễ dàng! Thế rồi, các ông ấy bảo là vì chưa học môn lý luận, đành phải lép vế - bây giờ họ đang cầu viện Như Lai đấy! Là đại đệ tử, ông có ý kiến gì không?

Tôn giả Sārīputta nhũn nhặn:

- Đệ tử không dám! Đức Thế Tôn rõ biết tất cả! Và đức Thế Tôn còn biết rõ hơn là còn nhiều môn học – mà các sứ giả Như Lai trên đường hoằng hóa cần phải học sâu, hiểu rộng mới mong nhiếp hóa ngoại đạo, tà giáo, thu phục nhiều thành phần giai cấp khác nhau để đi vào lòng thế gian và lòng người được!

- Đấy là những môn học gì hở Sārīputta? Đức Phật có vẻ quan tâm - Ông có thể trình bày cho Như Lai, các vị cao túc cùng đại chúng ở đây nghe được không?

Biết đức Phật không phải kiểm tra kiến văn của mình, mà chỉ muốn nhân đó, giáo giới đến mọi người nên tôn giả đã mạnh dạn phát biểu:

- Bạch đức thế Tôn! Tôn giả cất giọng hùng hồn như tiếng chuông đồng vang ngân rất xa cho đại chúng cùng nghe - Lý luận, ngay chính môn học lý luận thôi cũng đã không đơn giản! Các hiền giả KāḷudāyiBhaddiya đâu phải là nhân vật tầm thường. Một vị xuất thân là quan đại thần lỗi lạc. Một vị là quan tổng trấn kiêm quan chánh án uy danh lừng lẫy! Thế nhưng, khi đi vào “đấu trường” lý luận, khả dĩ có khả năng đối thoại với bọn thức giả, trí giả, học giả xảo biện; chúng ta phải kinh qua học phái lý luận Nyvāya - một trong sáu phái truyền thống Vedā - biết cách sử dụng từ, ngữ, khiếm chủ từ, có mặt chủ từ, động từ chủ động và bị động, câu cú, cách hỏi, cách đặt vấn đề, thi thiết, giả định, thiết định, cách lập mệnh đề, mệnh đề hở, mệnh đề kín, phản mệnh đề, thuận mệnh đề... rất là nhiêu khê, phức tạp! Thường thì cách nói theo ngôn ngữ phổ thông của chúng ta, nhằm để trao đổi thông tin là chính; nhưng chỉ cần một tay xảo biện, miệng lưỡi - hỏi lại, chúng ta lúng túng ngay! Vậy thì trước nhất, các sứ giả Như Lai phải biết trang bị toàn hảo môn học lý luận này; và chỉ có đức Thế Tôn mới có khả năng giáo giới cho tất thảy chúng đệ tử tới nơi, tới chốn mà thôi!

Đức Phật mỉm cười:

- Ví như câu nói như thế nào, câu hỏi lại như thế nào có thể làm cho chúng đệ tử Như Lai lúng túng, hở Sārīputta?

- Có thể bất kỳ câu nói nào, bạch đức Thế Tôn! Ví dụ, đệ tử nói, tôi đi khất thực - kẻ kia liền chế giễu, đi thì làm sao mà khất, mà thực! Lại nữa, khất là khất cái gì, thực là thực cái gì? Vậy là họ bảo, câu nói đó sai lầm, mệnh đề ấy tối tăm, ngôn ngữ mù mờ, chẳng rõ trao gởi thông tin gì! Ví dụ đệ tử nói, hạt mưa rơi! Kẻ kia liền bắt bẻ, cái gì là hạt? Hạt ngô, hạt thóc - hạt bao giờ cũng thể đặc – hàm nghĩa một hạt giống, một cái mầm hữu cơ! Mưa là thể lỏng, chẳng có hạt giống nào trong đó cả! Lại nữa, mưa là động từ hay chủ từ? Nếu là động từ thì nguyên động lực nào mà nó rơi? Nếu là chủ từ - thì mưa cũng không thể tự rơi? Thế là lập ngôn “hạt mưa rơi” không đứng vững, từ và nghĩa sai lầm, mệnh đề ấy là sai lầm! Chúng có thể lôi ra từng từ, từng chữ để ngược xuôi, điên đảo rất khó chịu – đa phần chỉ để chọc tức, làm cho ta mất bình tỉnh, mất cảnh giác! Vậy là chúng vỗ tay, huênh hoang, cười hì hì hà hà để nhạo báng và coi như mình đã thắng cuộc!

Bạch đức Thế Tôn! Đệ tử có thể đưa ra hằng trăm hằng ngàn ví dụ tương tự. Môn học lý luận cổ xưa đã trang bị cho những bà-la-môn luận sư, những du sĩ lang thang những kiến thức căn bản; đồng thời, điêu toa chỉ bày cách nói, cách hỏi ngoa ngoắt, lắt léo - để chúng nắm xảo thuật trổ tài miệng lưỡi, bắt bẻ nhau từng ly, từng tý như vậy. Do thế, môn học ấy, những sa-môn đệ tử Phật cũng phải biết rõ để khỏi bị thất thố, mắc mưu họ!

- Đúng thế! Đức Phật nói – Môn học lý luận thì dường như ông, Moggallāna, Mahākassapa đã được trang bị rất chu đáo từ thuở thiếu niên, do vậy rất dễ dàng đi đây đi đó để hoằng pháp. Tuy nhiên, Như Lai muốn bổ túc cho sự thiếu sót của môn học ấy (sau này gọi là nhân minh)> là phải biết phân biệt rõ ràng chánh tà, đúng sai, chân ngụy; và, khả năng lý luận, luận giải, lập biện - đòi hỏi phải rời kiến thức suông để trở về với đời sống tu tập, chứng nghiệm, liễu ngộ thật sự, mới là mặt mạnh, sở đắc của đệ tử Như Lai. Vậy còn những môn gì cần phải học nữa, Sārīputta?

- Môn thứ hai thì giáo dục truyền thống đã có sẵn rồi - đấy là các môn học nghệ, toán học – (số học, đo lường, hình học) – văn chương (thơ, kệ), khoa học (vật lý, sinh học, tự nhiên học), sử học, tư tưởng triết học trong và ngoài truyền thống Veda (sau này gọi là công xảominh) - để có kiến thức đa dạng, phong phú để dễ dàng nói chuyện với nhiều thành phần giai cấp trong xã hội. Môn học thứ ba nó nằm trong bốn tuệ phân tích - tức là khả năng về ngôn ngữ, phải thông thạo văn phạm, cú pháp, cách diễn đạt phải chính xác, minh bạch (sau này gọi là thanh minh). Thứ tư là phải học để biết căn bản về cơ thể con người, sự vận hành của khí huyết, các kinh mạch, các huyệt liên hệ đến lục phủ ngũ tạng - để biết cách xoa bóp, bấm huyệt tự chữa bệnh cho mình và cho huynh đệ. Lại nữa, cần phải biết một số dược liệu để chữa trị những căn bệnh phổ thông. Nếu không được như thế thì cũng biết cách điều tiết ăn ngủ, biết giữ gìn thân thể qua các mùa tiết hoặc khi nóng rét thất thường (sau này là y phương minh). Thứ năm là phải chịu khó nghe nhiều, học nhiều qua những bài giảng của đức Thế Tôn, qua những vị đã được đức Thế Tôn cho phép giáo giới chư Tăng (sau này gọi là nội minh).

Bạch đức Thế Tôn! Tôn giả Sārīputta thưa tiếp - Quả là đệ tử đã lắm lời! Năm môn học ấy, hiện tại chưa cần thiết lắm! Vì sao vậy? Vì chư vị tôn túc trưởng lão và hằng trăm chúng đệ tử của đức Thế Tôn đều là thành phần trí thức ưu tú; họ đã tự trang bị đầy đủ cho mình rồi. Lại nữa, họ còn có thể thuyết giáo giới đức, định đức, tuệ đức đến cho mọi người - đấy là bài thuyết pháp sống động và hiện thực nhất. Họ còn có thể thuyết giáo về nhẫn, về từ, về xả trên lộ trình độ sanh. Họ còn có thể thuyết giáo đời sống vô sản, bần hàn, thiểu dục, tri túc, chánh niệm, tỉnh giác trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở. Chúng còn cao đẹp gấp trăm lần, ngàn lần mọi phương pháp độ sinh bằng lý luận, bằng ngôn ngữ, bằng văn chương hoặc bằng nghề thầy thuốc!

- Hay lắm, tuyệt vời lắm, Sārīputta! Đức Phật tán thán – Ông đã rất hiểu về pháp – pháp sâu, pháp cạn, pháp trong, pháp ngoài, pháp trước, pháp sau – nên đã trình bày rất chân xác! Các vị tỳ-khưu phải thành tâm thọ trì câu chuyện hôm nay. Thật ra, này Sārīputta, này chư tỳ-khưu - Như Lai còn biết nhiều hơn thế nữa, ví dụ như chỉ cần bốn nhiếp pháp là đủ, ví dụ như sáu hòa kỉnh là đủ, ví dụ như bốn niệm xứ là đủ, ví dụ như bảy giác chi là đủ, ví như năm căn năm lực là đủ, ví như tám đạo chi là đủ, ví dụ như các ba-la-mật là đủ... nhưng nói ra thì chưa phải lúc, chưa đúng thời... Nghỉ hơi một lát, đức Phật tiếp - Sớm mai chúng ta lên đường đến Sāvatthī, bây giờ Như Lai phân chia như sau: Mahākassapa với hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu thì chia nhau ở rải rác trong tiểu bang Licchavī này, nơi có những vị tướng lãnh cứng đầu nhất và một số bà-la-môn miệng lưỡi nhất! NadīkassapaGayākassapa còn rất khỏe, nên dẫn hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu đến du hóa miền xa nhất là tiểu bang Moriya! Tại Malla, phía trước mặt gần đây thì KāḷudāyiBhaddiya cùng hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu đảm trách. Phía Đông bắc bên kia là tiểu bang Videha thì xin hai vị trưởng lão AssajiVappa cùng hai trăm năm mươi vị tỳ-khưu nhận nhiệm vụ cho. Còn Như Lai, Sārīputta, Mahānāma cùng nhóm Lộc Uyển, Ānanda, Devadatta, Kimbila, Bhagga, Anuruddha ... cùng với năm trăm tỳ-khưu, chưa cần ghé Kapilavatthu mà hãy trực chỉ Sāvatthī, ở đấy có rất nhiều công việc phải làm!

Tiếp theo


[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]

updated: 2009