Các Tầng Thiền Minh Sát
(tiếp theo)
oo0oo
Hiểu
Biết Thấu Ðáo Bản Chất Thế Gian
Khi có thể chú tâm khắn khít vào chuyển động phồng xẹp từ lúc khởi đầu đến lúc
chấm dứt, phát triển tâm chánh niệm một cách chính xác, thâm sâu, rõ ràng và
liên tục từ sát na này sang sát na khác thì thiền sinh sẽ thấy được một cách rõ
ràng toàn thể tiến trình của chuyển động từ điểm khởi đầu đến điểm giữa, rồi
đến điểm cuối mà chẳng có sự gián đoạn nào.
Giờ đây, nhờ Thiền Minh Sát, bạn sẽ quán sát một cách trực tiếp thân và tâm.
Ðầu tiên, bạn có thể phân biệt một cách vi tế hai yếu tố thân và tâm tạo nên
tiến trình phồng xẹp. Tiến trình của thân khác hẳn với tiến trình của tâm ghi
nhận. Khi quán sát một cách thận trọng hơn thì bạn sẽ bắt đầu nhận thấy sự hỗ
tương tùy thuộc của thân và tâm. Một ý định trong tâm tạo nên một loại chuyển
động liên tục của thân. Bạn sẽ bắt đầu thấy rõ tiến trình của thân và tâm sinh
ra rồi diệt đi như thế nào. Càng ngày bạn càng thấy tiến trình sinh diệt này rõ
ràng hơn. Bạn sẽ thấy mọi đối tượng mà bạn nhận biết được đều sinh và diệt. Ðâu
đâu bạn cũng thấy sinh và diệt. Âm thanh đến rồi đi, cảm giác có thể phát sinh
rồi biến mất. Chẳng có gì tồn tại.
ở điểm này, năm thiền chi của tầng thiền thứ nhất trở nên mạnh mẽ. Tầm và tứ
rất mạnh. Hỉ, lạc và nhất tâm sẽ mạnh theo. Tầng thiền thứ nhất của minh sát
được tròn đủ hay trí tuệ nội quán bắt đầu phát sinh.
Trí tuệ nội quán là trí tuệ liên quan
đến sự thấy rõ ba đặc tính của mọi hiện tượng tâm vật lý, đó là vô thường, khổ
não và vô ngã.
Vô Thường (Anicca)
Khi bạn quán sát sự đến và đi của các đối tượng, bạn sẽ thấy rõ đặc tính tạm
thời của chúng. Ðó là vô thường. Trí tuệ thấy rõ vô thường là trí tuệ trực
tiếp. Bạn thấy rõ đặc tính này ở bất kỳ chỗ nào mà bạn chú tâm đến, nghĩa là
chỗ nào mà bạn để tâm đến, bạn đều thấy rõ vô thường. Khi tâm vừa tiếp xúc với
đối tượng, bạn thấy rõ đối tượng đang tan rã. Một sự thỏa thích lớn lao xảy đến
khi bạn thấy được chân lý này. Từ đây, bạn càng cảm thấy thích thú hơn trong
việc hành thiền vì biết rằng mình đã khám phá ra được chân lý của vũ trụ
này.
Chỉ một sự quán sát đơn giản và tổng quát cũng cho bạn thấy toàn cơ thể mình
đều là vô thường. Bởi thế, chữ 'vô thường' liên quan đến toàn cơ thể này. Càng
về sau, khi quán sát kỹ hơn, bạn sẽ thấy mọi hiện tượng khởi lên qua sáu căn
đều là vô thường. Ðồng thời bạn cũng thấy rõ ràng thân và tâm và các hiện tượng
của thân và tâm đều là vô thường. Không có vật gì trên thế gian này mà không
mang đặc tính vô thường cả.
Tóm lại, tất cả mọi vật trên thế gian này đều mang đặc tính vô thường (Anicca
lakkhana). Nhờ tinh tấn hành thiền ta có được trực giác hay trí tuệ thấy được
vô thường (Anicca vipassananana), thấy rõ sự diệt mất của các hiện tượng này.
Một điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là tuệ giác thấy rõ vô thường không thể có
được nhờ đọc sách hay nghe thiền sư giảng giải, hoặc do sự suy nghĩ, lý luận.
Tuệ giác này chỉ có được khi thiền sinh quán sát một cách thuần túy sự biến mất
của các hiện tượng trong hiện tại mà không qua suy nghĩ hay lý luận.
Khi quán sát sự chuyển động của bụng, bạn có thể nhận biết sự căng kéo, bành
trướng, chuyển động, v.v... Nếu bạn có thể theo dõi được tiến trình này một
cách liên tục từ đầu chí cuối, và bạn thấy rõ giai đoạn cuối của các cảm giác
này thì bạn sẽ thấy rõ được sự vô thường, và bạn có tuệ giác thấy rõ được sự vô
thường. Tất cả mọi cảm giác có thể nhận biết ở bụng hay ở mọi nơi khác trên cơ
thể đều là vô thường.
Ðặc tính của sự vô thường là sinh ở đầu tiến trình của sự phồng hay xẹp, và
diệt ở cuối tiến trình của phồng hay xẹp. Sự nhận biết được rằng chúng là vô
thường chỉ có thể xảy ra vào lúc ta quán sát thấy sự biến mất của tiến trình
phồng hay xẹp này.
Vô thường không phải chỉ thấy được ở
bụng mà thôi. Mọi chuyện, mọi diễn biến xảy ra trong khi thấy, nghe, ngửi, nếm,
xúc chạm, suy nghĩ, mọi cảm giác của cơ thể, nóng lạnh, cứng mềm, đau nhức,
ngứa, nhột, và tất cả những hoạt động như co duỗi, quay, cúi, khom, hắt hơi,
v.v... đều là vô thường. Nếu bạn có thể thấy được sự biến mất của bất kỳ một
đối tượng nào đã kể trên đều bao gồm trong tuệ thấy vô thường. Khi có tuệ thấy
rõ vô thường thì bạn mất hẳn ảo tưởng về sự thường còn. Lúc bấy giờ, ngã mạn
(mẻna) sẽ vắng mặt. Thật vậy, trong lúc bạn chánh niệm chú tâm quán sát sự vô
thường thì ngã mạn cũng giảm thiểu dần.
Khổ hay Bất Toại
Nguyện
Ðặc tính thứ hai của các pháp hữu vi (nhân duyên pháp) là khổ não. Chúng ta
cũng sẽ tìm hiểu vấn đề này dưới ba khía cạnh: khổ, đặc tính của khổ và tuệ
thấy khổ não.
Trong khi quán sát sự vô thường, tự nhiên yếu tố khổ cũng bắt đầu rõ ràng trước
mắt ta. Khi thấy các hiện tượng sinh rồi diệt, bạn sẽ nhận ra rằng không có cái
gì vững bền, ổn cố để mà nắm giữ. Mọi chuyện đều ở trong trạng thái biến đổi
không ngừng nên ta không nắm giữ được gì cả. Vì không nắm giữ được gì cả nên ta
không vừa lòng, không toại nguyện và khổ. Bởi vì mọi vật đều biến đổi nhưng
chúng ta không muốn nó biến đổi. Chúng ta muốn mọi vật vững bền mà nó không
vững bền. Mọi vật diễn ra không đúng ý mình, không đúng nguyện vọng của mình
khiến ta không hài lòng, không toại nguyện, mà bất toại nguyện tức là
khổ.
Mọi hiện tượng không đem đến cho ta sự nương tựa nào cả. Thật ra, khổ tự nó là
vô thường. Cái gì vô thường thì cái đó là khổ. Hiểu rõ chân lý đau khổ này thì
chúng ta sẽ nhìn các cảm giác đau nhức một cách thích thú. Lúc bấy giờ ta sẽ
thấy rõ bản chất bất toại nguyện của mọi cảm giác. Ta có thể quán sát chúng một
cách khách quan mà không bị ảnh hưởng bởi chúng và không phản ứng lại chúng. Ta
sẽ thấy cảm giác đau nhức không phải là một cái gì bền vững, và nó không thể
tồn tại quá hơn một cái chớp mắt. Lúc đó ta không còn có ảo tưởng về một sự
trường tồn nào nữa.
Chẳng hạn có một cảm giác đau nhức nơi lưng. Nếu chăm chú quán sát nó thì bạn
sẽ thấy sự nóng bỏng của chỗ đau biến thành sức ép rồi biến thành sự đập mạnh
thình thịch. Sự đập mạnh này cũng biến chuyển, đan chéo vào nhau. Sự đập mạnh
thay đổi cường độ, hình dáng và cách thức một cách liên tục. Cuối cùng, khi sự
biến đổi lên đến cực điểm thì tâm sẽ thấy được sự vỡ vụn, sự phân tán của cái
đau. Tâm ta lúc bấy giờ không còn bị sự đau nhức hành hạ nữa.
Chiến thắng được sự đau, tâm ta sẽ tràn đầy hỉ lạc và thoải mái. Thân cũng trở
nên mát mẻ, yên tĩnh, thoải mái. Nhưng lúc bấy giờ thiền sinh cũng không có ý
nghĩ sai lầm rằng đau khổ đã chấm dứt. Trái lại, thiền sinh thấy bản chất đau
khổ của các cảm giác càng lúc càng rõ ràng hơn. Bởi vì thiền sinh bắt đầu thấy
rõ cơ thể này chỉ là một khối đau khổ và bất toại nguyện, nó nhảy múa và không
ngừng biến đổi.
Ðặc tính của đau khổ là bị vô thường đàn áp, chi phối. Nói một cách chính xác,
bởi vì tất cả các sự vật đều sinh và diệt không ngừng từ Sát na này sang Sát na
khác nên chúng ta sống trong một hoàn cảnh bị nhiều áp lực lớn lao. Mỗi khi
'sinh' xảy ra thì không có cách gì ngăn cản sự 'diệt.'
Tuệ thấy rõ sự đau khổ cũng xuất hiện lúc ta quán sát các hiện tượng sinh và
diệt, nhưng nó có một khía cạnh khác hẳn với tuệ thấy rõ sự vô thường. Chẳng
hạn, như đột nhiên ta có một sự hiểu biết sâu xa rằng không có một sự vật gì ta
có thể nương tựa vào được cả, không có gì chúng ta có thể cậy nhờ được, chúng
đều là những vật đáng sợ.
Khi có cảm giác đó tức là ta có được tuệ thấy rõ khổ não. Tuệ thấy được khổ não
cũng không thể đạt được nhờ đọc sách, lý luận hay phân tích. Tuệ này chỉ xuất
hiện khi tâm thuần quán sát sự sinh diệt của các sự vật và hiểu rằng sự vô
thường của các hiện tượng là đáng sợ, chẳng có gì thích thú và không tốt đẹp
chút nào.
Tuệ thấy rõ sự khổ trong mọi hiện
tượng có năng lực mạnh mẽ vì nó có thể loại trừ sự hiểu biết sai lầm cho rằng
sự vật đều tốt đẹp, đáng yêu, bền vững. Khi các ảo tưởng sai lầm này biến mất
thì tham ái cũng không hiện khởi.
Vô Ngã (Anatta)
Bây giờ, tự nhiên bạn sẽ thấy được vô ngã, nghĩa là không có ai đằng sau mọi
tiến trình. Từ sát na này sang sát na khác, các hiện tượng xuất hiện. Ðây là
một tiến trình tự nhiên, không do ai thúc đẩy hay điều khiển. Trí tuệ này là sự
hiểu được rằng sự vật không có cái ngã bên trong. Chúng ta cũng xét đến phần
này trong ba khía cạnh: vô ngã, đặc tính của vô ngã và tuệ thấy được sự vô
ngã.
Vô ngã liên quan đến danh sắc hay tất cả những hiện tượng vô thường không có tự
ngã. Ðặc tính của vô ngã là thấy được sự sinh và diệt không diễn ra theo ý muốn
của ta. Mọi hiện tượng danh và sắc diễn ra trong ta, đến rồi đi một cách tự
động, theo một định luật tự nhiên. Chúng diễn ra ngoài sự kiểm soát của
ta.
Ta có thể thấy điều này một cách tổng quát bằng cách quán sát thời tiết. Có lúc
trời nóng như thiêu đốt. Có lúc trời lạnh đến đông đá. Khi mưa dầm. Lúc nắng
ráo. Thời tiết thay đổi bất thường, chẳng làm sao lường trước được. Chúng ta
không thể nào bảo thời tiết diễn ra theo đúng ý mình. Thời tiết bị chi phối bởi
luật tự nhiên. Những yếu tố tạo nên thân và tâm này cũng bị chi phối bởi những
định luật tự nhiên. Chúng ta ngã bệnh, đau khổ rồi chết! Những tiến trình này
có tuân theo ước muốn của ta chăng?
Khi quán sát kỹ càng sự sinh và diệt của các hiện tượng thân tâm, chúng ta sẽ
hiểu rõ ràng là chẳng có ai kiểm soát các tiến trình này cả. Sự hiểu biết hay
trí tuệ đến một cách tự nhiên. Trí tuệ này không hề bị ảnh hưởng hay bị điều
khiển hoặc bị tác động bởi một nguyên nhân nào bên ngoài. Trí tuệ này không đến
từ sự suy nghĩ mà phát sinh ngay từ lúc ta quán sát sự sinh diệt của các hiện
tượng. Trí tuệ này là trí tuệ thấy rõ vô ngã.
Khi ta không thấy được sự sinh và diệt
của mọi hiện tượng thân và tâm, lúc ấy ta dễ có tư tưởng lầm lạc rằng có một
cái ngã, một cá nhân hay một cái tôi trường tồn vĩnh cữu đứng đằng sau thân và
tâm này. Bằng sự hiểu biết rõ ràng, các quan kiến sai lầm trên sẽ được tạm thời
loại bỏ.
Tuệ Tư Duy: Tầng Thiền
Minh Sát Thứ Nhất
Khi chúng ta có tri kiến rõ ràng, nhất là khi ta ghi nhận được sự diệt của các
hiện tượng, chúng ta sẽ có trực giác về vô thường, khổ và vô ngã. Trực giác
hiểu biết về tam tướng được gọi là tuệ tư duy, tuệ thấy rõ tam tướng
(Sammasananana). Người có tuệ này hiểu một cách rõ ràng vô thường, khổ, vô ngã
bằng kinh nghiệm của chính mình khi quán sát sự diệt mất của các hiện
tượng.
Tưởng chúng ta cũng nên tìm hiểu nghĩa chữ Vipassana mà thường được dịch là
'minh sát'. Chữ vipassana có hai phần: 'Vi' có nghĩa là nhiều cách, 'passana'
có nghĩa là thấy. Như vậy, vipassana có nghĩa là thấy qua nhiều cách. 'Nhiều
cách' ở đây có nghĩa là nhiều tướng trạng, nhiều khía cạnh, tức là thấy được
đặc tướng vô thường, khổ, vô ngã. Nếu dịch một cách tròn đủ chữ vipassana, thì
là thấy rõ các tướng vô thường, khổ, vô ngã.
Một nghĩa khác của chữ vipassana là pacceka-nana. Chữ pacceka ở đây có nghĩa là
sự hiểu biết qua kinh nghiệm trực tiếp. Bởi vì tuệ minh Sát chỉ phát sinh khi
ta có chánh niệm, và bởi vì nó đến từ trực giác mà không qua lý luận suy nghĩ,
bởi thế nó được gọi là trí tuệ có được bằng kinh nghiệm trực tiếp,
paccekanana.
Trí tuệ minh sát tái xuất hiện nhiều lần thì tâm sẽ có sự phản ánh hay hiểu
biết tức thời rằng vô thường, khổ, vô ngã không phải chỉ có trong hiện tại mà
đã từng có trong quá khứ và sẽ còn xảy ra trong tương lai. Tất cả mọi chúng
sanh và mọi sự vật mang cùng các yếu tố như ta thì cũng đều bị luật vô thường,
khổ và vô ngã chi phối. Phản ánh này được gọi là tuệ tư duy, và trong trường
hợp này là một khía cạnh của các chi thiền tầm và tứ biểu hiện qua sự tư
duy.
Ở vào giai đoạn này, tầng định minh sát đầu tiên đã được phát triển tròn đầy,
và tầng mức thực hành được gọi là tư duy trí được tròn đủ. Thiền sinh sẽ hiểu
một cách sâu xa và rõ ràng tam tướng vô thường, khổ, vô ngã. Lúc bấy giờ, thiền
sinh sẽ đạt đến sự suy tư tự nhiên rằng ngay bây giờ, từ trước hay mãi về sau,
không có nơi nào không bị định luật vô thường, khổ não chi phối.
Sự suy luận, sự phản ảnh có mặt trong tầng Thiền Minh Sát thứ nhất, nhưng sự
suy luận và phản ảnh này đến một cách tự nhiên và vô hại, trừ phi nó bắt đầu
xâm chiếm toàn thể tâm. Ðặc biệt đối với những thiền sinh có trình độ tri thức
cao, họ thường hay tưởng tượng, suy luận, phân tích. Do đó, sự suy tư phản ảnh
sẽ hiện ra rất nhiều trong khi họ trực tiếp kinh nghiệm các trực giác. Nếu sự
suy luận và phản ánh quá nhiều có thể cản trở trí tuệ phát sinh.
Người nào thuộc loại thiền sinh này,
nếu thấy việc hành thiền của mình dẫm chân tại chỗ hay thụt lùi thì cũng đừng
nên tự trách mình mà hãy tự an ủi mình bằng cách nghĩ rằng dầu sao, đây cũng
không phải là suy nghĩ xấu, vì trong lúc đó, sự suy tư hay phản ánh liên hệ đến
pháp bảo chứ không phải là với tham lam và sân hận. Dầu sao đi nữa, gặp phải
trường hợp như vậy, thiền sinh cũng nên cố gắng trở về với sự quán sát thuần
túy, đơn giản để kinh nghiệm các hiện tượng xảy ra.
Các Hình Thức Của Tầm
Chữ 'tầm' được dùng để chỉ thiền chi có đặc tính hướng tâm chính xác bao gồm cả
sự suy nghĩ, phản ánh, hướng sự chú tâm vào sự suy nghĩ. Tầm có hai loại: thiện
và bất thiện. Hướng tâm vào dục lạc ngũ trần, đó là bất thiện tâm. Hướng tâm
vào sự dứt bỏ là thiện. Tầm gắn liền với sân hận, gây hấn, công kích, chỉ trích
là bất thiện. Tầm gắn liền với vô sân, bất bạo động là thiện.
Khi suy tư phản ánh về vô thường, khổ não, vô ngã phát sinh, thì tầm liên hệ
với dục lạc ngũ trần không có mặt. Trong loạt tư tưởng đến trực tiếp từ trí tuệ
của cá nhân, một số tư tưởng ham thích có thể hiện khởi, nhưng sự ham thích này
không liên quan đến dục lạc thế gian như giàu sang, danh vọng, dục lạc, mà sự
ham thích ở đây là những ham thích rất thiện như mong muốn rời bỏ thế gian này,
muốn bố thí, hay muốn truyền bá giáo pháp. Mặc dù những tư tưởng này chứa đựng
tầm hay suy tư, phản ánh, nhưng nó gắn liền với vô tham hay khước từ.
Tầm liên hệ đến sân hận, gây hấn, công kích trong đó có ước muốn làm hại kẻ
khác làm cho kẻ khác đau khổ có gốc rễ từ sân hận. Nơi sự suy tư này có ẩn tàng
sự tàn phá, hủy hoại bên trong. Vô sân, vô hận liên quan đến tình thương trong
từ ái. Trong khi sân hận mang đặc tính công kích, gây gổ, làm hại, phá hủy, thì
tâm từ mang đặc tính vị tha, mong muốn người khác được an vui hạnh phúc. Khi
nếm được hương vị của giáo pháp thì thiền sinh thường có khuynh hướng muốn chia
xẻ những gì mình biết được cho mọi người. Thiền sinh muốn cho mọi người đều có
được kinh nghiệm như mình. Ðây là tư tưởng gắn liền với từ ái vì mong muốn được
tốt đẹp cho người khác.
Suy tư bất thiện là muốn làm hại, áp
chế, hành hạ hay tiêu diệt chúng sanh khác, đây là một đặc tính hủy hoại tàn
khốc của tâm sân. Suy tư thiện là đặc tính của lòng bi mẫn muốn giúp đỡ kẻ khác
và tìm cách giúp họ thoát khỏi hoàn cảnh đau khổ khó khăn. Người có lòng bi mẫn
không những biết cảm thông và thương xót kẻ khác mà còn tìm cách để giúp họ
thoát khỏi những đau khổ khó khăn mà họ đang gặp phải.
Tứ - Dưới Hình Thức
Của Sự Suy Tư
Nếu như suy tư phản ánh này lập đi lập lại nhiều lần thì tiến trình này được
gọi là tứ, hay sát . Chữ này có hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên là áp đặt tâm trên đề
mục, và một nghĩa khác là sự suy tư sâu xa. Chữ 'tứ' dùng ở đây được dùng với
nghĩa là sự suy tư lập đi lập lại nhiều lần. Trước tiên, thiền sinh có trí tuệ
trực giác qua kinh nghiệm trực tiếp. Sau đó thì trí tuệ suy tư sẽ phát sanh
liên quan đến tuệ giác thiền sinh vừa mới đạt được. Trí tuệ suy tư có một hương
vị đặc biệt và thích thú. Nó giống như gia vị thêm vào thức ăn, nhưng nếu nhiều
quá thì sẽ cản trở và làm gián đoạn tiến trình quán sát trực tiếp. Những sự suy
tư của tứ này có thể là những suy tư rất thanh cao bao gồm sự khước từ, lòng từ
ái, đức bi mẫn. Tuy nhiên, nếu bị dính mắc vào nó và bị nó lôi cuốn thì trí tuệ
không thể phát sinh.
Cầu mong cho các bạn đạt được tầm và
tứ thật mạnh mẽ, vững chắc. Cầu mong cho sự hướng tâm đến đề mục cũng như sự áp
đặt tâm trên đề mục của các bạn được tốt đẹp và vững chắc để thấy rõ bản chất
thật sự của đối tượng. Cầu mong bạn đừng để tâm bị lệch hướng, dầu đó là những
sự suy tư đẹp đẽ, kỳ diệu, cao thượng, để bạn có thể đạt được mọi tuệ giác và
giác ngộ Niết Bàn .
Ðạt
Ðến Các Tầng Thiền Minh Sát Cao Hơn
Ở tầng Thiền Minh Sát đầu tiên, thiền
sinh có được tuệ giác thấy rõ sự sinh diệt mau lẹ của các hiện tượng. Sau khi
đạt được tuệ giác này, thiền sinh sẽ tiếp tục vượt lên trên để đạt đến các tầng
Thiền Minh Sát kế tiếp.
Tầng Thiền Minh Sát
thứ hai
Nếu tiếp tục tinh tấn hành thiền, thiền sinh sẽ không còn suy tư và phản ánh
như trước nữa, mà tâm trở nên thuần thục hơn để nhìn các hiện tượng một cách
đơn giản và khách quan hơn.
Ðến giai đoạn này, thiền sinh chỉ thuần quán sát mà không còn có sự suy tư hay
phản ánh như trước nữa. Giờ đây tâm thiền sinh trở nên minh mẫn, sáng suốt.
Thiền sinh có thể theo dõi một cách nhanh chóng sự sinh và diệt của các hiện
tượng từng thời điểm một. Nhờ tâm chánh niệm liên tục và sắc bén nên sự suy
nghĩ tản mạn ít hơn, và cũng không có hoài nghi về sự vô thường, bản chất tạm
bợ của thân và tâm. Việc hành thiền lúc bấy giờ trở nên dễ dàng, trôi chảy mà
không cần có nhiều cố gắng. Nhờ không cần nhiều cố gắng và không suy nghĩ nên
tâm thiền sinh tràn đầy hỉ lạc. Sự thuần chú tâm quán sát và không suy tư nghĩ
ngợi này được gọi là tầng tuệ minh sát thứ hai.
Ở tuệ minh sát thứ nhất, thiền sinh
còn cần phải có nỗ lực cố gắng và bị nhiều suy nghĩ, trong khi ở tầng thiền thứ
hai, thì thiền sinh thấy các hiện tượng sinh diệt một cách rõ ràng. Tâm tràn
đầy hỉ lạc. Ðức tin và sự an lạc trở nên mạnh mẽ.
Những Nguy Hiểm Của
Ðức Tin, Tĩnh Lặng, Hỉ và Lạc
Tâm có thể trở nên rất tinh tế và định tâm sâu xa. Sự định tâm sâu xa này dẫn
đến một đức tin trong sáng, rõ ràng. Ðức tin này phát sinh từ kinh nghiệm cá
nhân. Ðức tin này cũng đưa đến một sự tin tưởng vững chắc rằng nếu tiếp tục
hành thiền thì sẽ đạt được những lợi ích mà Ðức Phật đã nói đến và thiền sư đã
dạy.
Hỉ và lạc (cả thân lẫn tâm) cũng trở nên mạnh mẽ trong giai đoạn này. Khi thiền
sinh đạt được tầng Thiền Minh Sát thứ hai, thông thường, thiền sinh thường bị
dính mắc vào những sự an lạc kỳ diệu của tâm. Thiền sinh sẽ cảm nhận được sự
yên lặng, tịch tịnh vô biên cao tột chưa từng có. Nhiều thiền sinh cho rằng
mình đã đắc đạo. Gặp trường hợp như vậy thì kỳ vọng tiến bộ sẽ ra khỏi tầm tay.
Thiền sinh sẽ gặp nhiều trường hợp mà Ðức Phật đã đề cập đến là tâm cô đọng bên
trong.
Khi bạn có những cảm nhận hay kinh nghiệm đặc biệt, thì hãy lấy đó làm đề mục
để niệm thầm hay ghi nhận. Hãy tỉnh thức chánh niệm sự hỉ lạc, đức tin, sự
thanh tịnh và những trạng thái khác. Tất cả các trạng thái đó đều chỉ là những
tâm sở, mà các tâm sở cũng bị luật vô thường chi phối. Nếu trong khi ghi nhận
chúng mà bạn thấy rằng mình đã dính mắc vào chúng thì hãy tức thời cắt đứt sự
dính mắc này bằng cách quay về đề mục chính của mình, đó là chuyển động của
bụng. Chỉ như thế thì sự tiến bộ của bạn mới liên tục, vững chắc, và bạn mới có
thể nếm được hương vị ngọt ngào của đạo quả giải thoát.
Thiền sư phải tinh ý để giúp đỡ các thiền sinh đang ở trong tình trạng này.
Thiền sinh thường quá phấn khích bởi những kinh nghiệm tốt đẹp mà mình đã đạt
được khiến cho họ có khuynh hướng chống lại hay bỏ qua những lời khuyên dạy của
thiền sư nếu như những lời khuyên dạy này có vẻ đánh giá thấp những gì mà thiền
sinh đã đạt được. Gặp những trường hợp như vậy, thiền sư đừng nói gì nhiều cả
mà chỉ nói một cách nhẹ nhàng: "Việc hành thiền của bạn đang tiến triển, tuy
nhiên, những gì bạn thấy được trong khi hành thiền chỉ là những điều tự nhiên.
Hãy tiếp tục thì bạn sẽ kinh nghiệm được nhiều điều kỳ thú hơn bây giờ. Vậy thì
hãy chánh niệm, ghi nhận mọi trạng thái mà bạn gặp phải để có thể đạt được
những kinh nghiệm tốt đẹp hơn".
Nghe theo những lời chỉ dẫn này, thiền
sinh tinh tấn ghi nhận những hiện tượng xảy ra như ánh sáng, đức tin, hỉ, lạc,
an tịnh, thoải mái, v.v... Ðiều này khiến thiền sinh ý thức được rằng sự chánh
niệm ghi nhận một cách đơn giản chính là lối thực hành đúng đắn.
Tầng Thiền Minh Sát
thứ ba
Hỉ, lạc dần dần sẽ biến mất, nhưng chánh niệm và chánh định sẽ thâm sâu hơn,
rồi trí tuệ thấy rõ bản chất thật sự của những gì đang xảy ra sẽ trở nên vô
cùng mạnh mẽ. Tại thời điểm này, xả giác chi sẽ trội hẳn hơn cả. Tâm sẽ không
lay động trước những đối tượng vừa ý cũng như những đối tượng không vừa ý, và
một cảm giác dễ chịu tràn ngập thân tâm. Lúc bấy giờ thiền sinh có thể ngồi
thật lâu mà chẳng thấy đau nhức chút nào. Cơ thể trở nên thanh tịnh trong sáng,
nhẹ nhàng và khoan khoái. Ðó là tầng Thiền Minh Sát thứ ba.
Trong tầng thiền này chỉ còn có hai
thiền chi là lạc và nhất tâm. Tầng Thiền Minh Sát thứ ba sẽ phát sinh khi tuệ
sinh diệt chín mùi. Việc chuyển từ tầng thiền thứ hai sang tầng thiền thứ ba là
một bước ngoặc quyết định trong việc hành thiền. Con người thường hay dính mắc
vào những gì thường gây ra kích thích, hồi hộp, say sưa. Ðó là những cảm giác
kích động tâm. Hỉ là một trong những lạc thú mang tính chất kích động. Nó tạo
nên những gợn sóng hay chấn động trong tâm. Ðây chỉ là giai đoạn trung gian
chuyển tiếp, do đó, khi trải qua giai đoạn này thì nỗ lực chánh niệm một cách
tinh tế, tỉ mỉ bởi vì bao lâu thiền sinh còn dính mắc vào hỉ thì thiền sinh
không thể tiến tới giai đoạn trưởng thành, tức là không thể có được một hạnh
phúc êm đềm đến từ sự bình an tĩnh lặng.
Hạnh phúc cao tột
Trong kinh điển có kể chuyện về con bò mẹ đang cho bê con bú, và so sánh chuyện
này đến bước chuyển tiếp từ giai đoạn thứ ba sang giai đoạn này. Người nuôi bò
phải biết cho bò con thôi bú sớm để có thể lấy sữa bò xử dụng vào những mục
đích khác. Chú bê cũng như tầng thiền thứ hai được nuôi dưỡng bằng hỉ. Bò mẹ là
tầng thiền thứ ba, và người uống sữa tươi ngon, ngọt ngào, bổ dưỡng giống như
thiền sinh thoát qua khỏi giai đoạn dính mắc vào lạc.
Cái hạnh phúc và an lạc mà thiền sinh đã thưởng thức trong tầng Thiền Minh Sát
thứ ba là hạnh phúc cao tột do việc hành thiền đem lại. Hạnh phúc này ngọt ngào
tuyệt diệu, tuy nhiên thiền sinh vẫn có thể giữ vững tâm xả thọ, an nhiên, tự
tại, quân bình khi ở giai đoạn này mà không bị dính mắc.
Mặc dù đang ở trong giai đoạn tốt đẹp
như vậy, thiền sinh cũng phải kiên trì giữ tâm chánh niệm quán sát đề mục làm
sao để cho sự an lạc của thân và tâm cũng như sự bén nhạy và trong sáng của tuệ
giác nội quán không biến thành những luyến ái và dính mắc vi tế. Bởi thế, khi
nhận thấy rằng trí tuệ nội quán của mình trở nên bén nhạy, rõ ràng, kỳ diệu,
thì phải ghi nhận. Khi bạn ghi nhận một cách hoàn toàn chánh niệm trên các đối
tượng xảy ra và không để chúng vượt khỏi màn bạc tâm giới, nghĩa là không để
thoát khỏi sự kiểm soát của tâm, thì sự luyến ái sẽ ít khởi sinh.
Sự diệt của các hiện
tượng: An lạc biến mất
Tuệ thứ ba được gọi là hạnh phúc tối đa bởi vì các tuệ kế tiếp không còn hạnh
phúc nữa vì mỗi khi bạn ghi nhận hiện tượng một cách chánh niệm liên tục, bạn
sẽ vượt qua tình trạng thấy được sự sinh diệt để chỉ còn thấy mỗi sự diệt mà
thôi. Vào lúc này thì giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của đối tượng không còn
rõ ràng nữa. Thiền sinh chỉ thấy một sự biến mất liên tục của các hiện tượng.
Vừa mới ghi nhận thì hiện tượng lại biến mất.
Thường thường dường như bạn không thấy thân thể nữa, mà chỉ thấy thuần hiện
tượng, hiện tượng biến mất liên tục. Thiền sinh sẽ có khuynh hướng u sầu buồn
bã, ưu tư, thân tâm bất an, cuồng loạn, không những do thiền sinh thấy mình
thiếu hẳn sự an lạc mà còn do sự biến mất một cách nhanh chóng của mọi hiện
tượng. Hiện tượng xảy ra chưa kịp ghi nhận đã biến mất, để lại một khoảng trống
không khiến thiền sinh bàng hoàng sửng sốt, rồi những hiện tượng kế tiếp cũng
diễn ra như vậy.
Giờ đây, các khái niệm về sự chế định hay còn gọi là tục đế không còn gọi là rõ
ràng nữa. Thiền sinh có thể vừa ghi nhận được chân đế là những thực tế phi khái
niệm của đối tượng, thấy rõ bản chất của đối tượng, đồng thời thiền sinh cũng
thấy được khái niệm chế định về hình thể như tay, chân, mặt, mũi, đầu, bụng,
v.v... Khi tuệ giác này trở nên mạnh mẽ, thiền sinh thấy sự diệt một cách cực
kỳ nhanh chóng hơn nữa. Lúc bấy giờ khái niệm về sự chế định biến mất. Khi một
hiện tượng phát sinh, thiền sinh không còn biết nó nằm ở chỗ nào trên cơ thể mà
chỉ thấy một sự tan biến liên tục.
Trước tình huống này, thiền sinh có thể khóc tức tưởi và băn khoăn tự hỏi,
"Trời đất ơi, chuyện gì xảy ra thế này? Việc hành thiền của ta đang tốt đẹp
biết chừng nào, giờ đây tiêu tan hết tất cả. Phí biết bao là công sức, nỗ lực,
để cuối cùng là thế này đây. Ta chẳng thể kiểm soát được gì cả, cũng chẳng thể
ghi nhận được tí gì". Lúc bấy giờ, sự tự trách, bất mãn, buồn bã đầy ắp tâm
bạn. Rõ ràng là chẳng có gì an lạc thoải mái cả.
Nhưng bạn cứ yên tâm, vì cuối cùng,
tình trạng này rồi cũng biến mất, và bạn sẽ cảm thấy yên bình, thoải mái ở bước
tiến bộ mới. Bạn hãy bình tĩnh, tự nhiên tiếp tục xem xét mọi hiện tượng xảy
ra. Giai đoạn tiến bộ này gọi là sự thấy được sự diệt của các hiện tượng hay
tuệ diệt. Tuệ này có một đặc tính thú vị là chẳng có sự an lạc của thân và tâm,
cũng chẳng thấy đau nhức khó chịu xảy ra. Tâm ở vào trạng thái trung trung,
chẳng buồn mà chẳng vui.
Tầng Thiền Minh Sát
thứ tư
Trong quá trình trưởng thành, thuần
thục của tuệ giác thấy sinh diệt, thì hỉ của tầng thiền thứ hai đem đến sự an
lạc thoải mái cho tầng thiền thứ ba. Hỉ đầy phấn khích lúc ban đầu được thay
thế bằng một cảm giác bình an nhẹ nhàng. Khi sự an lạc biến mất ở tầng tuệ thấy
được sự diệt, tâm cũng vẫn an lạc thoải mái, không có gì khó chịu cả. Tiếp theo
từ tầng thiền thứ ba dẫn đến tầng thiền thứ tư. Ðặc tính của tầng thiền thứ tư
này là tâm đạt trạng thái xả, và có sự nhất tâm, chuyên chú vào đề mục.
Thái độ xả đối với mọi
pháp trần
Khi tâm không vui, không buồn, không
thoải mái và cũng không khó chịu, thì lúc đó, tâm xả phát sanh. Tâm xả có một
sức mạnh kỳ diệu phi thường để quân bình tâm. Trong trường hợp này, tâm xả được
gọi là tatra majjhattatta. Trong sự quân bình này, tâm trở nên hoàn toàn thanh
tịnh, vắng lặng, chính xác và sắc bén. Tâm có thể thấy rõ những khía cạnh rất
vi tế của các hiện tượng. Ðây là chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật. Tâm
len lỏi đi vào từng ngóc ngách hết sức vi tế của chuyển động. Thật ra thì đặc
tính tatra majjhattatta, hay trung tánh hoặc là xả này ở các tầng thiền trước
cũng có, nhưng ở trong tầng thiền thứ nhất, thứ nhì và thứ ba nó bị che khuất
bởi các tâm sở vượt trội khác, giống như mặt trăng giữa ban ngày thì không thể
sánh với ánh sáng mặt trời được.
Tóm Lược Bốn Tầng
Thiền Minh Sát
Ở tầng Thiền Minh Sát thứ nhất, khi thiền sinh thấy được vô thường, khổ não, vô
ngã, sự quân bình chưa được hoàn toàn phát triển. ở tầng thiền này, tầm và tứ
mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự hướng tâm và áp đặt tâm trên đề mục vẫn chưa hoàn hảo mà
còn nhiều sự suy nghĩ.
Trong tầng Thiền Minh Sát thứ hai, khi thiền sinh thấy được sự sinh diệt của
các hiện tượng, sự kích thích, phấn chấn, say mê vẫn còn che lấp tâm xả (tầm,
tứ được loại bỏ chỉ còn lại hỉ, lạc và nhất tâm).
Ở tầng Thiền Minh Sát thứ ba, thiền sinh vẫn ở trong tuệ sinh diệt nhưng tuệ
giác này mạnh mẽ hơn, có một sự an lạc, thoải mái, hạnh phúc ngọt ngào tuyệt
diệu vô biên, nên tâm xả cũng chưa có điều kiện để hé lộ (tầm, tứ, hỉ được loại
bỏ chỉ còn lạc và nhất tâm).
Trong tầng Thiền Minh Sát thứ tư, khi mà sự an lạc thoải mái dễ chịu dần dần
tan biến và nhường chỗ cho cảm giác vô ký, không vui, không buồn, không yêu,
không ghét, thì sự quân bình có cơ hội hiển bày. Ðây là lúc thiền sinh thấy rõ
sự diệt của các hiện tượng (tầm, tứ, hỉ, lạc biến mất chỉ còn nhất tâm và xả).
Lúc bấy giờ, cũng như ánh sáng ban ngày đã lịm dần, bóng đêm bắt đầu bao phủ
vạn vật. Nhưng trăng rằm xuất hiện, chiếu rạng cả bầu trời.
Kế tiếp sau tuệ diệt là những dấu hiệu của tâm sợ hãi, chán ghét, có ý muốn
thoát ly. Mặc dù lúc này tâm ở trạng thái xả, nhưng sự xả chưa đủ mạnh. Tâm xả
chỉ thật sự mạnh mẽ khi đạt được tuệ xả thọ đối với các pháp trần.
Ðến giai đoạn này, việc hành thiền đã lên đến mức độ thâm sâu. Lúc bấy giờ,
thiền sinh sẽ thấy rõ mọi diễn biến của các hiện tượng diễn ra một cách nhẹ
nhàng, êm ái. Tâm bây giờ rất tinh nhạy. Nó có thể di động một cách nhanh chóng
và dễ dàng để chụp lấy đối tượng trước khi tâm bị quấy nhiễu bởi sự vui, buồn,
yêu, ghét. Bởi thế, ái dục và sân hận không có cơ hội đầu độc tâm. Những đối
tượng thông thường rất khó chịu, hay những đối tượng gây cảm giác kích thích,
say sưa, hồi hộp cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tâm bởi vì cả sáu căn đều có sự
quân bình xả thọ tốt đẹp, nên được gọi là lục căn xả thọ.
Ở giai đoạn này, tâm chánh niệm nhận thức rất tinh tế. Tiến trình chuyển động
qua sự ghi nhận của thiền sinh bấy giờ chỉ là những sự rung động. Tiến trình
chuyển động vỡ ra từng mảnh và tan biến. Nếu thấy như vậy, bạn thử niệm ngồi,
và trong khi niệm ngồi, chú ý đến toàn thể tư thế ngồi hoặc có thể niệm đụng và
chú tâm đến một vài điểm đụng ở bàn tọa, đầu gối. Khi chú tâm vào sự ngồi hoặc
các điểm đụng trên, bạn cũng không có những ý niệm gì về cơ thể. Cơ thể lúc ấy
dường như biến mất. Bạn chỉ thấy toàn là sự diệt mà thôi.
Vì không còn ý niệm về thân và không nhận ra được các hiện tượng của cơ thể,
nên bệnh hoạn và đau nhức cũng mất. Cả sự ngứa ngáy và nhột nhạt cũng không
còn. Bấy giờ chỉ còn lại tâm ghi nhận sự biến mất của thân, và lúc bấy giờ,
thiền sinh hãy lấy tâm ghi nhận này làm đề mục và niệm 'biết, biết, biết.'
Trong khi đang ghi nhận như vậy, có lúc sự nhận biết bắt đầu lay động, dường
như nhơm nhớm muốn biến mất nhưng lại thôi. Vào lúc đó, tâm rất sáng suốt và
cực kỳ nhạy bén. Tâm ở trạng thái cực kỳ quân bình này được xem như tâm của một
vị A La Hán, là tâm an nhiên tự tại không rung động khi tiếp xúc với các đối
tượng hiện ra trên màn bạc tâm giới.
Tuy nhiên, dù bạn có đạt được trạng thái này trong khi hành thiền, bạn cũng
chưa phải là một vị A La Hán đâu, bởi vì ở ngay trạng thái đó, và ngay giây
phút chánh niệm đó, bạn mới có tâm giống như tâm của một vị A La Hán mà
thôi.
Ở mỗi tầng Thiền Minh Sát đều có những loại an lạc hạnh phúc khác nhau. ở tầng
Thiền Minh Sát thứ nhất, thiền sinh cảm nhận được hạnh phúc của sự ẩn cư. Thiền
sinh xa lánh được phiền não. Tâm thiền sinh được an trú vào một nơi an toàn,
khỏi mọi chướng ngại và phiền não. ở tầng Thiền Minh Sát thứ hai, thiền sinh
cảm nhận được sự hạnh phúc của sự định tâm, sự tập trung tâm ý tốt đẹp đem lại
hỉ và lạc. ở tầng thiền thứ ba thì hỉ bị loại bỏ, chỉ còn hạnh phúc của sự an
lạc thoải mái. ở tầng thiền thứ tư, tầng thiền cuối cùng, thiền sinh sẽ cảm
nhận được hạnh phúc của trí tuệ. Dĩ nhiên, tầng thiền thứ tư là tầng thiền có
hạnh phúc tốt đẹp và cao tột nhất. Tuy nhiên, cũng như ba tầng thiền đầu, hạnh
phúc vẫn còn nằm trong thế giới của nhân duyên, thế giới của điều kiện. Chỉ khi
nào thiền sinh vượt qua thế giới điều kiện này, lúc ấy mới đạt được chân an
bình, hạnh phúc. Hạnh phúc này, tiếng Pẻẩi gọi là santisukha, có nghĩa là hạnh
phúc tịch tịnh. Hạnh phúc tịch tịnh chỉ đến khi đối tượng của thiền và các hiện
tượng của danh sắc cũng như tâm ghi nhận đều hoàn toàn dừng lại.
Mong rằng các bạn có thể nếm được
hương vị của bốn loại hạnh phúc khởi sanh trong bốn tầng Thiền Minh Sát . Ðồng
thời, cũng cầu mong các bạn tiếp tục theo đuổi chí hướng của mình để thưởng
thức hương vị của hạnh phúc cao nhất, đó là hạnh phúc Niết Bàn.