Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
Soạn giả:
Tỳ khưu Hộ Pháp |
ĐOẠN KẾT Bộ Nền Tảng Phật Giáo gồm có 7 quyển: - Nền Tảng Phật Giáo quyển I: Tam Bảo trình bày về Đức Phật Bảo, Đức Pháp Bảo, Đức Tăng Bảo. - Nền Tảng Phật Giáo quyển II: Quy Y Tam Bảo trình bày về quy y Phật Bảo, quy y Pháp Bảo, quy y Tăng Bảo. - Nền Tảng Phật Giáo quyển III: Hành Giới trình bày về các loại giới của người tại gia cư sĩ và các loại giới của bậc xuất gia Tỳ khưu, Sadi. - Nền Tảng Phật Giáo quyển IV: Nghiệp và Quả Của Nghiệp trình bày về các loại ác nghiệp, các loại thiện nghiệp; và quả của các loại ác nghiệp, quả của các loại thiện nghiệp trong kiếp hiện tại, trong kiếp kế tiếp và những kiếp tiếp theo không giới hạn, cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn. Đức Phật dạy: “Kammassako’ mhi kammadāyādo kammayoni kamma-bandhu kammapaṭisaraṇo, yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā tassa dāyādo bhavissāmi”. (Ta có nghiệp là của riêng, ta là người thừa hưởng quả của nghiệp, nghiệp là nhân sinh ra ta, nghiệp là bà con thân quyến của ta, nghiệp là nơi nương nhờ của ta; ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’, ta sẽ là người thừa hưởng ‘quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp ấy’). Danh từ kammassako’ mhi: Ta có nghiệp là của riêng nghĩa là ta đã tạo thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào, rồi thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy là của riêng ta, hoàn toàn không phải của người khác, những người khác không liên quan đến nghiệp ấy của ta. Như vậy, trong đời này, ta còn có nhiều tài sản quý báu như cha mẹ, anh chị em, vợ chồng, con cái, bà con thân quyến, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, của cải, tài sản, sự nghiệp v.v… tất cả mọi tài sản quý báu ấy không phải của riêng ta, có phải vậy hay không? Kammassako: Nghiệp là của riêng mình, mỗi chúng sinh đều có nghiệp là của riêng họ, họ là người thừa hưởng quả của nghiệp của họ, nghiệp của họ sinh ra họ, nghiệp của họ là thân quyến theo hộ trì, hỗ trợ suốt cuộc đời của họ, nghiệp của họ là nơi nương nhờ của họ từ kiếp này sang kiếp khác trong vòng tử sinh luân hồi trong 3 giới 4 loài. Cho nên, nếu họ đã tạo thiện nghiệp nào thì họ được thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy của họ. Và nếu họ đã tạo ác nghiệp nào thì họ phải chịu thừa hưởng quả khổ của ác nghiệp ấy của họ. Như vậy, ta có nghiệp chắc chắn là của riêng ta, thì mỗi chúng sinh cũng đều có nghiệp là chắc chắn của riêng họ. Cho nên, ngoài nghiệp chắc chắn là của riêng ta ra, còn lại tất cả tài sản quý báu khác ở trong đời đều là của chung mà mỗi người tạm thời thay phiên nhau làm chủ, song vẫn còn tuỳ thuộc vào năng lực quả của nghiệp của họ. Ví dụ: Ông A và bà B là vợ chồng của nhau (ông A là chồng của bà B và bà B là vợ của ông A). Vợ chồng ông A và bà B sinh ra những đứa con. Bây giờ, ông A là cha của các đứa con, và bà B là mẹ của các đứa con. Và ông A, bà B còn là con của 2 gia đình ông bà khác, là anh chị em, chú bác, cô dì, v.v… của những người trong gia đình dòng họ của ông A và bà B. Nếu vợ chồng ông A và bà B sống chung hòa thuận với nhau đến trọn đời; khi ông A chết trước, nều thiện nghiệp của ông A có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, ví dụ tái sinh làm người đàn ông hoặc đàn bà, nếu là đàn ông thì ông sẽ có vợ khác, nếu là đàn bà thì bà sẽ có chồng khác. Khi bà B chết sau, nếu thiện nghiệp của bà B có cơ hội cho quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, ví dụ tái sinh làm người đàn ông hoặc người đàn bà, nếu là đàn ông thì ông sẽ có vợ khác, nếu là đàn bà thì bà sẽ có chồng khác. Nếu vợ chồng ông A và bà B sống chung không hòa thuận với nhau, vợ chồng phải ly dị với nhau. Ông A có vợ khác, bà B có chồng khác. Khi ấy ông A không phải là chồng của bà B nữa, mà là chồng của người đàn bà khác. Và bà B không phải là vợ của ông A nữa mà là vợ của người đàn ông khác. Trường hợp đặc biệt nếu ông A hoặc bà B thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc đến Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai, thì chắc chắn ông A và bà B không còn là vợ chồng sống chung với nhau nữa. Cho nên, vợ chồng không phải là chắc chắn của riêng nhau được. Tương tự như vậy, nhà cửa, đất đai, ruộng vườn, của cải, tài sản, sự nghiệp, … trong đời này, tất cả đều là của chung mà mỗi người tạm thời thay phiên nhau làm chủ, song cũng vẫn còn tuỳ thuộc vào năng lực quả của nghiệp của họ, vậy duy nhất chỉ có thiện nghiệp, ác nghiệp chắc chắn là của riêng mình mà thôi. Thật ra, thiện nghiệp, ác nghiệp đó là tác ý tâm sở thuộc về danh pháp (nāmadhamma) không phải là vật chất bên ngoài, không phải hình ảnh màu sắc để thấy bằng mắt; cũng không phải âm thanh để nghe bằng tai; cũng không phải các thứ mùi để ngửi bằng mũi; cũng không phải các thứ vị để nếm bằng lưỡi; cũng không phải thể chất cứng mềm, nóng lạnh để biết bằng thân. Thiện nghiệp, ác nghiệp chỉ biết bằng tâm và được lưu trữ, tích luỹ bên trong tâm trải qua vô số kiếp từ vô thuỷ cho đến kiếp hiện tại này. Mỗi người chúng ta đã tạo thiện nghiệp nào, ác nghiệp nào thì tất cả mọi thiện nghiệp ấy, tất cả mọi ác nghiệp ấy chắc chắn chỉ là của riêng ta mà thôi. Còn các thứ tài sản, đất đai, ruộng vườn, nhà cửa, xe cộ, v.v… hiện hữu trong đời này, cũng chỉ là một thứ quả của thiện nghiệp của họ mà thôi; quả của thiện nghiệp này có thời gian mãn hạn. Ví dụ: Một gia đình giàu sang có nhiều của cải, tài sản đó là quả của thiện nghiệp của chủ nhà; gia đình chỉ có duy nhất một đứa con, nên nó được hưởng mọi sự an lạc. Khi cha mẹ qua đời, đứa con ấy có quyền thừa hưởng mọi gia tài của cha mẹ để lại. Nhưng gia tài ấy vốn là quả của thiện nghiệp của cha mẹ, không phải là quả của thiện nghiệp của đứa con. Do đó, thời gian trải qua không lâu, tất cả của cải tài sản ấy, đứa con không có khả năng giữ gìn làm chủ được, cho nên, nhà cửa đất đai, ruộng vườn v.v… đều bị bán lại cho người khác làm chủ. Về sau, người con trở thành người nghèo khổ, bởi vì những kiếp quá khứ không tạo phước thiện bố thí của cái đến cho những người khác. Thật ra, thiện nghiệp nào, ác nghiệp nào mà ta đã tạo trong những kiếp quá khứ từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện tại này, tất cả mọi thiện nghiệp ấy, tất cả mọi ác nghiệp ấy chắc chắn là của riêng ta, được tích luỹ lưu trữ trong tâm từ kiếp này sang kiếp khác. Dĩ nhiên sắc thân phải thay đổi theo từng mỗi kiếp, còn tâm sinh rồi diệt, diệt rồi sinh, từ kiếp này sang kiếp khác, từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện tại này, mà trong tâm ấy đều có tích luỹ, lưu trữ tất cả mọi thiện nghiệp của ta, tất cả mọi ác nghiệp của ta; trong vòng tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài: Nếu khi nào thiện nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì được tái sinh trong cõi thiện giới, hưởng được mọi quả an lạc của thiện nghiệp ấy của ta. Nếu khi nào ác nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì phải tái sinh trong 4 cõi ác giới, chịu quả khổ của ác nghiệp ấy của ta. Ví dụ: Những tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát có trí tuệ ưu việt đã từng tạo các thiện nghiệp gọi là pháp hạnh ba-la-mật trải qua 3 thời kỳ: Thời kỳ đầu: Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã từng phát nguyện trong tâm, có ý nguyện muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác để tế độ cứu vớt chúng sinh giải thoát khỏi biển khổ tử sinh luân hồi; rồi Ngài cố gắng tinh tấn tạo các pháp hạnh ba-la-mật suốt thời gian 7 a-tăng-kỳ. Thời kỳ giữa: Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã từng phát nguyện ra lời, để cho chúng sinh nghe hiểu ý nguyện của Ngài muốn trở thành một Đức Phật Chánh Đẳng Giác; rồi Ngài cố gắng tinh tấn tạo các pháp hạnh ba-la-mật suốt thời gian 9 a-tăng-kỳ. Đức Bồ Tát đã từng tạo các pháp hạnh ba-la-mật trải qua 2 thời kỳ gồm 16 a-tăng-kỳ vẫn còn là Đức Bồ Tát bất định (aniyatabodhisatta). Thời kỳ cuối: Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama là Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha đến hầu Đức Phật Dīpaṅkara, Đức Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha được Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xác định thời gian còn lại rằng: “Trong thời vị lai, còn 4 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất nữa, vị Bồ Tát Đạo sĩ Sumedha này sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama…” Sau khi Đức Phật Dīpaṅkara thọ ký xong, bắt đầu từ kiếp ấy, Đức Bồ Tát trở thành Đức Bồ Tát cố định (niyata-bodhisatta). Đức Bồ Tát cố gắng tinh tấn tiếp tục bồi bổ 30 pháp hạnh ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn. Đến kiếp chót là Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sinh ra đời, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha có đầy đủ 32 tướng tốt của Bậc Đại Nhân và 80 tướng tốt phụ chắc chắn sẽ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. 32 tướng tốt của Bậc Đại Nhân và 80 tướng tốt phụ đó là quả của các thiện nghiệp gọi là 30 pháp hạnh ba-la-mật mà những tiền kiếp của Ngài đã từng tạo các thiện nghiệp ấy, rồi được tích luỹ lưu trữ trong tâm từ kiếp này sang kiếp khác cho đến kiếp chót là kiếp Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đã trải qua 20 a-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất. Vào năm tròn 35 tuổi, Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha đã trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu là Đức Phật Gotama. Đó cũng là quả của 30 pháp hạnh ba-la-mật đầy đủ trọn vẹn của Ngài. Cũng như vậy, chư Đức Bồ Tát Độc Giác, chư Đức Bồ Tát Tối Thượng Thanh Văn Giác, chư Đức Bồ Tát Đại Thanh Văn Giác, chư Đức Bồ Tát Thanh Văn Giác cũng đã tạo các thiện nghiệp gọi là các pháp hạnh ba-la-mật, rồi các pháp hạnh ba-la-mật ấy của mỗi vị được tích luỹ, lưu trữ trong tâm từ kiếp này sang kiếp khác, trải qua vô số kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại, cho đến khi các pháp hạnh ba-la-mật ấy của mỗi vị đầy đủ trọn vẹn, rồi mới có khả năng trở thành Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, bậc Thánh Arahán bậc thường tuỳ theo hạnh nguyện của mỗi vị. Điều chắc chắn chư Đức Bồ Tát ấy tạo các pháp hạnh ba-la-mật không phải chỉ trong một kiếp hiện tại mà có thể trở thành Đức Phật Độc Giác, bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, bậc Thánh Arahán bậc thường được. Ví dụ: Các thí sinh tốt nghiệp phổ thông không phải chỉ có ngày thi hôm ấy, mà thực ra mỗi thí sinh đã từng tích luỹ, lưu trữ kiến thức học tập từ các thầy, cô trải qua nhiều năm từ lớp mẫu giáo cho đến lớp 12. Người thí sinh thi đậu, được cấp bằng tốt nghiệp phổ thông, đó là kết quả học tập tốt suốt nhiều năm qua. Mỗi chúng sinh còn là phàm nhân (chưa phải bậc Thánh Arahán), mỗi khi chúng sinh ấy chết, phần thân (sắc uẩn) được hỏa táng chỉ còn xương và tro, còn phần tâm (4 danh uẩn) sinh rồi diệt, diệt rồi sinh có tích luỹ, lưu trữ tất cả mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp từ vô thuỷ trải qua vô số kiếp cho đến kiếp hiện tại trước khi chết: Nếu thiện nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì được tái sinh trong cõi thiện dục giới (cõi người hoặc các cõi trời) tuỳ theo quả của thiện nghiệp ấy, được hưởng quả an lạc của thiện nghiệp của mình trong cõi thiện giới ấy cho đến khi mãn quả của thiện nghiệp ấy. Nếu ác nghiệp có cơ hội sinh quả trong thời kỳ tái sinh kiếp sau, thì phải chịu tái sinh trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh) phải chịu quả khổ của ác nghiệp của mình, cho đến khi mãn quả của ác nghiệp ấy. Tóm lại, nghiệp và quả của nghiệp có các điểm chính như sau: - Ta có nghiệp chắc chắn là của riêng (kammassako’mhi) không phải của chung với ai. - Ta sẽ tạo nghiệp nào ‘thiện nghiệp hoặc ác nghiệp’ (yaṃ kammaṃ karissāmi kalyāṇaṃ vā pāpakaṃ vā) nghĩa là ta chưa tạo nghiệp nào, hoặc trước khi tạo nghiệp nào, chính ta hoàn toàn chủ động lựa chọn nên tạo nghiệp nào và không nên tạo nghiệp nào. Đó là quyền lựa chọn của ta. Đối với chư bậc thiện trí là người có đức tin nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, tin chắc chắn rằng: “Thiện nghiệp cho quả tốt, quả an lạc, Ác nghiệp cho quả xấu, quả khổ đau”. Chư bậc thiện trí có trí tuệ sáng suốt, có chánh kiến về nghiệp của mình (kammassakatā sammādiṭṭhi) hoàn toàn chủ động lựa chọn nên tạo mọi thiện nghiệp, và tránh xa mọi ác nghiệp. Đối với hạng người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, nên thường hay chủ động lựa chọn tạo mọi ác nghiệp mà không tạo mọi thiện nghiệp. Mặc dù họ không tin nghiệp và quả của nghiệp, song nghiệp vẫn hiện hữu và quả của nghiệp vẫn hiện hữu. Ta sẽ là người thừa hưởng quả an lạc của thiện nghiệp ấy của ta hoặc thừa hưởng quả khổ của ác nghiệp ấy của ta (tassa dāyado bhavissāmi) nghĩa là khi ta đã tạo thiện nghiệp nào hoặc đã tạo ác nghiệp nào rồi, chắc chắn ta sẽ là người trực tiếp thừa hưởng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp của ta hoặc thừa hưởng quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của ta; ta hoàn toàn bị động thừa hưởng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp của ta, hoặc ta hoàn toàn bị động phải chịu quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của ta. Đó là sự công bằng của nghiệp và quả của nghiệp. Đối với bậc thiện trí có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, có trí tuệ sáng suốt nhận thức đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, khi bị động thừa hưởng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp của mình, thì không phát sinh tâm tham ái, chấp thủ nơi quả tốt, quả an lạc ấy, mà cố gắng tạo mọi thiện nghiệp hơn nữa. Như vậy, bậc thiện trí không tự làm khổ mình, không làm khổ người, không tự làm khổ mình lẫn người. Đối với người không có đức tin nơi Tam Bảo, không tin nghiệp và quả của nghiệp, không có trí tuệ sáng suốt, không biết nhận thức đúng đắn về nghiệp và quả của nghiệp, cho nên, khi bị động gặp phải quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của mình, thì phát sinh tâm sân hận trách người này, người khác, trách số phận của mình v.v... Người ấy chỉ tự làm khổ mình, làm khổ người, tự làm khổ mình lẫn người mà thôi. Sự thật nghiệp và quả của nghiệp Thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào mà ta đã tạo, thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy chỉ thuộc về riêng mình ta mà thôi, không liên quan đến người khác. Song quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp của ta không chỉ trực tiếp thuộc riêng ta, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người thân cận, gần gủi với ta nữa; cũng như vậy, quả xấu, quả khổ của ác nghiệp của ta cũng không chỉ trực tiếp thuộc riêng ta, mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến những người thân cận, gần gủi với ta nữa. Quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp Ví dụ: Tiền kiếp của Ngài Đại đức Sīvali là một người cận sự nam trong một gia đình giàu có. Một hôm đến chùa nghe Đức Phật Padumuttara thuyết pháp. Khi ấy, Đức Phật tuyên dương một vị đệ tử tên Sudassana là bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng đệ tử của Ngài. Người cận sự nam, tiền kiếp của Ngài Đại đức Sīvali nhìn thấy vị Đại đức Sudassana, liền phát sinh thân tâm trong sạch, có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất như vị Đại đức Sudassana, trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật vị lai. Người cận sự nam ấy đã làm phước thiện bố thí những món vật thực ngon lành suốt 7 ngày, đến ngày thứ 7 còn cúng dường tam y đến Đức Phật Padumuttara cùng 500 (năm trăm) vị Tỳ khưu Tăng mỗi vị 1 bộ. Sau khi dâng tam y xong, người cận sự nam ấy đến đảnh lễ Đức Phật, rồi ngồi một nơi hợp lẽ, bèn bạch rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, phước thiện bố thí mà con đã tạo suốt 7 ngày qua, con không cầu mong gì khác hơn là có nguyện vọng muốn trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật trong vị lai như ngôi vị cao quý của Ngài Đại đức Sudassana, bậc Thánh Đại Thanh Văn của Đức Thế Tôn bây giờ. Đức Phật Padumuttara dùng trí tuệ vị lai kiến minh thấy rõ, biết rõ nguyện vọng của người cận sự nam này sẽ thành tựu trong kiếp vị lai, nên Ngài thọ ký rằng: - “Này chư Tỳ khưu, kể từ kiếp trái đất này, trong thời vị lai sẽ trải qua 100 ngàn đại kiếp trái đất, đến kiếp trái đất gọi Bhaddakappa có Đức Phật Gotama((1)) xuất hiện trên thế gian. Khi ấy, người cận sự nam này sẽ sinh trong hoàng tộc, từ bỏ nhà xuất gia sẽ trở thành bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama, như Sudassana bậc Thánh Đại Thanh Văn của Như Lai bây giờ”. Lắng nghe lời thọ ký của Đức Phật Padumuttara, người cận sự nam vô cùng hoan hỷ tạo phước thiện bố thí 4 thứ vật dụng đến Đức Phật cùng chư Đại đức Tỳ khưu Tăng đến trọn đời. Trong vòng tử sinh luân hồi do phước thiện ấy chỉ cho quả tái sinh khi thì làm chư thiên cao quý trong các cõi trời dục giới, hoặc khi thì làm người cao quý trong cõi người. Khi làm người thì là người có thiện tâm hoan hỷ tạo mọi phước thiện bố thí mà ít có người nào sánh được. Cho nên trong vòng tử sinh luân hồi, kiếp nào cũng không hề bị sa đọa vào trong 4 cõi ác giới: Địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh. Trong thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của người cận sự nam trong thời kỳ Đức Phật Padumuttara do thiện nghiệp cho quả tái sinh vào lòng Công chúa Suppavāsa xứ Koliya. Từ khi Ngài tái sinh vào trong lòng mẹ, thường ngày mọi người đem những thứ lễ vật quý giá đến kính biếu bà và mọi người xung quanh trong dòng họ của bà. Khi Ngài hạ sinh ra đời, được đặt tên là Công tử Sīvali, Ngài xuất gia lúc 7 tuổi lẻ 7 ngày. Ngài Đại đức Sāriputta sẽ là vị thầy tế độ, và Ngài Đại đức Mahāmoggallāna sẽ là vị thầy truyền tam quy. Trong khi Ngài Đại đức Mahāmoggallāna bắt đầu cạo tóc, giới tử Sīvali thực hành thiền định căn bản niệm tưởng 32 thể trược và tiếp tục thực hành thiền tuệ, phát sinh trí tuệ thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc từ Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn cho đến chứng đắc Arahán Thánh Đạo - Arahán Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh Arahán cùng với Tứ tuệ phân tích, Lục thông v.v... ngay khi lễ cạo tóc vừa xong, rồi giới tử Sīvali làm lễ thọ Sadi. Kể từ ngày Đại đức Sīvali trở thành Sadi, hằng ngày không những các hàng cận sự nam, cận sự nữ dâng cúng dường 4 thứ vật dụng đến cho Ngài cùng chư Đại đức Tỳ khưu, mà còn chư thiên, Long vương cũng dâng cúng dường nữa. Từ đó, những thứ vật dụng được phát sinh đến chư Đại đức Tỳ khưu càng ngày càng dồi dào, sung túc mà trước đây chưa từng có. Khi Ngài Đại đức Sīvali tròn 20 tuổi, được làm lễ nâng lên bậc Tỳ khưu, những thứ vật dụng lại càng được phát sinh dồi dào đến chư Đại đức Tỳ khưu nhiều hơn nữa. Hễ mỗi khi có đoàn chư Tỳ khưu đông đảo phải đi tế độ chúng sinh từ xứ này sang xứ khác trên con đường dài, đi qua vùng hẻo lánh, không có dân cư; nhưng nếu có Ngài Đại đức Sīvali cùng đi trong đoàn, đến giờ khất thực, do năng lực phước thiện bố thí của Ngài Đại đức Sīvali, thì khiến cho chư thiên hóa ra xóm làng, thành thị, hiện ra dân cư đông đúc cúng dường y phục, vật thực, chỗ ở, thuốc trị bệnh đầy đủ đến chư Đại đức Tỳ khưu. Khi đoàn chư Đại đức Tỳ khưu đi khỏi vùng ấy, thì xóm làng, thành thị kia biến mất. Một hôm, chư Tỳ khưu hội họp bàn về Ngài Đại đức Sīvali có nhiều tài lộc đặc biệt không chỉ được phát sinh đến cho Ngài, mà còn đến tất cả chư Tỳ khưu, dù nhiều bao nhiêu vị cũng vẫn đầy đủ, sung túc. Thật là điều phi thường, không những các hàng cận sự nam, cận sự nữ, mà còn có chư thiên, Long vương cũng đem lễ vật, các thứ vật dụng dâng cúng dường đến cho Ngài cùng tất cả chư Tỳ khưu bao nhiêu vị cũng vẫn đầy đủ, sung túc. Trong khi chư Tỳ khưu đang bàn luận về lợi lộc đặc biệt của Ngài Đại đức Sīvali, thì Đức Thế Tôn ngự đến, Ngài truyền dạy rằng: - “Các con đang bàn luận về chuyện gì vậy?” Chư Tỳ khưu bạch rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang bàn về quả phước thiện đặc biệt của vị Đại đức Sīvali. Nhân dịp ấy, Đức Thế Tôn chủ trì buổi hội chư Tỳ khưu Tăng, Ngài tuyên dương Đại đức Sīvali trước các hàng Thanh Văn đệ tử rằng: - “Etaggaṃ bhikkhave, mama sāvakānaṃ lābhīnaṃ yadidaṃ Sīvali!” (Này chư Tỳ khưu, Sīvali là bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Như Lai). Ngài Đại đức Sīvali là bậc Thánh Đại Thanh Văn có tài lộc bậc nhất trong các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật Gotama. Đó là kết quả thành tựu của nguyện vọng mà Ngài đã từng phát nguyện từ thời Đức Phật Padumuttara trong quá khứ. Quả xấu, quả khổ của ác nghiệp Ví dụ: Trong thời kỳ Đức Phật Kassapa, tiền kiếp của Ngài Đại đức Losakatissa là một vị Tỳ khưu chủ chùa. Một hôm, một vị Tăng khác là bậc Thánh Arahán đến vùng ấy; người thí chủ là người xây dựng ngôi chùa và hộ độ chư Tỳ khưu trong chùa, khi nhìn thấy vị Tăng khách, liền phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài, ông bèn thỉnh Ngài vào nhà, để bát cúng vật thực xong, rồi kính thỉnh vị Tăng khách đến nghỉ lại tại ngôi chùa. Vị Tỳ khưu chủ chùa nhìn thấy người thí chủ lần đầu tiên gặp vị Tăng khách này tiếp đón quá niềm nở, khiến cho vị Tỳ khưu chủ chùa nghĩ rằng: “Ta là chủ chùa đã nhiều năm, mà ông thí chủ không từng đối xử tốt, niềm nở với ta như vị Tăng khách này”. Do đó, vị Tỳ khưu chủ chùa đón tiếp vị Tăng khách một cách lạnh nhạt. Chiều hôm ấy, người thí chủ đến chùa kính thỉnh vị Tăng khách cùng với vị Tỳ khưu chủ chùa ngày hôm sau đến tư gia để cúng dường vật thực. Vị Tỳ khưu chủ chùa phát sinh lòng ganh tỵ, nên sáng hôm sau làm bộ dùng ngón tay đánh chuông báo giờ khất thực, rồi một mình đến nhà thí chủ. Người thí chủ hỏi về vị Tăng khách, vị Tỳ khưu chủ chùa nói xấu vị Tăng khách đủ điều. Người thí chủ vốn có đức tin trong sạch nơi vị Tăng khách, nên không tin lời của vị Tỳ khưu chủ chùa. Người thí chủ cúng dường vật thực ngon lành đến vị Tỳ khưu chủ chùa, sau khi vị Tỳ khưu chủ chùa độ xong, ông thí chủ để trong bát một phần gửi đem về cúng dường vị Tăng khách. Trên đường đi, vị Tỳ khưu chủ chùa nghĩ rằng: “Nếu ta đem vật thực ngon lành này về cho vị Tăng khách ấy, thì dù ta lôi ông ra khỏi chùa, chắc gì ông đã chịu đi; tốt hơn ta nên đổ bỏ bát vật thực này”. Vị Tỳ khưu chủ chùa đã thực hiện ý định ấy. Khi về đến chùa, không nhìn thấy vị Tăng khách nữa, vị Tỳ khưu chủ chùa hối hận việc làm tội lỗi của mình. Sau khi vị Tỳ khưu chủ chùa chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi địa ngục, khi mãn quả của ác nghiệp trong cõi địa ngục, do năng lực ác nghiệp ấy còn dư sót lại cho quả tái sinh làm ngạ quỷ, làm súc sinh... dù tái sinh kiếp nào cũng chịu cảnh đói khát. Thời kỳ Đức Phật Gotama xuất hiện trên thế gian, hậu kiếp của vị Tỳ khưu chủ chùa, do thiện nghiệp cho quả tái sinh đầu thai trong gia đình ở xóm nhà có 1.000 (một ngàn) gia đình dân chài; do năng lực quả ác nghiệp trong tiền kiếp của thai nhi, khiến cho 1.000 gia đình dân chài phải chịu cảnh đói khổ. Ông trưởng xóm dân chài đoán biết rằng: “Chắc có người kālakaṇṇī (người xúi quẩy) trong xóm dân chài mình, ta nên chia xóm dân chài thành 2 nhóm, mỗi nhóm 500 (năm trăm) gia đình”. Gia đình cha mẹ của thai nhi ở nhóm 500 gia đình nào, thì nhóm 500 gia đình ấy cũng phải chịu cảnh đói khổ; còn nhóm 500 gia đình kia vẫn làm ăn sinh sống bình thường. Thấy vậy, ông trưởng xóm lại chia nhóm gia đình có cha mẹ thai nhi ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm 250 (hai trăm năm mươi) gia đình, và cứ như vậy lại chia ra làm 2 nhóm, mỗi nhóm 125 (một trăm hai mươi lăm) gia đình v.v... cuối cùng chỉ còn 2 gia đình, gia đình cha mẹ của thai nhi, do năng lực quả ác nghiệp trong tiền kiếp của thai nhi, khiến cho gia đình cha mẹ phải chịu cảnh đói khổ cùng cực. Cho đến khi đủ tháng, người mẹ sinh ra Ngài đặt tên là Losakatissa, cha mẹ của Ngài vất vả khổ cực lắm mới nuôi dưỡng Ngài lớn lên được 7 tuổi. Một hôm, người mẹ dẫn Ngài đi xin ăn, trao cho Ngài một cái bát để đi xin ăn, rồi người mẹ trốn đi, bỏ Ngài một mình bơ vơ đói khổ. Khi ấy, Ngài Đại đức Sāriputta nhìn thấy đứa bé Losaka-tissa khốn khổ nên phát sinh tâm bi mẫn muốn cứu giúp nó, Ngài dẫn nó về chùa cho làm lễ xuất gia trở thành Sadi. Hằng ngày vị Sadi Losakatissa đi khất thực, có được rất ít vật thực nên thường chịu cảnh đói khổ. Đến khi đủ 20 tuổi, Ngài Đại đức Sāriputta làm lễ nâng vị Sadi Losakatissa lên bậc Tỳ khưu. Tuy đã trở thành Tỳ khưu Losakatissa, nhưng Ngài đi khất thực mỗi ngày độ vẫn không đủ no, thường chịu cảnh đói khổ. Song Ngài cố gắng tinh tấn thực hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Arahán cao thượng; do nhờ thiện nghiệp pháp hạnh ba-la-mật mà Ngài đã từng tạo và tích lũy từ nhiều đời, nhiều kiếp trong quá khứ. Tuy nhiên, suốt cuộc đời của Ngài từ khi sinh ra đời cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn vẫn thường chịu cảnh đói khổ, bởi do quả ác nghiệp ngăn cản vật thực của bậc Thánh Arahán. Mỗi người đều có quyền chủ động lựa chọn tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp; khi đã tạo thiện nghiệp hoặc ác nghiệp xong rồi: - Nếu thiện nghiệp có cơ hội cho quả, thì người ấy là người thừa hưởng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp ấy một cách bị động mà không có quyền lựa chọn, chỉ chấp nhận dễ dàng quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp ấy mà thôi. - Nếu ác nghiệp có cơ hội cho quả thì người ấy cũng là người thừa hưởng quả xấu, quả khổ đau của ác nghiệp ấy một cách bị động mà không có quyền lựa chọn, chỉ chấp nhận quả xấu, quả khổ đau của ác nghiệp ấy mà thôi, không thể tránh khỏi được. Như vậy, muốn được quả tốt, quả an lạc thì nên biết lựa chọn tạo thiện nghiệp. Và không muốn quả xấu, quả khổ đau, thì không nên lựa chọn tạo ác nghiệp. Đức Phật dạy: “Asevanā ca bālānaṃ, Paṇḍitānañca sevanā... Etaṃ maṅgalamuttamaṃ” Ý nghĩa: Không nên gần gủi thân cận với kẻ ác, Nên gần gủi thân cận với bậc thiện trí... Đó là điều hạnh phúc an lành cao thượng nhất. Nhận thức về nghiệp và quả của nghiệp Tất cả mọi chúng sinh nói chung, con người nói riêng hoàn toàn chịu sự chi phối bởi quả của thiện nghiệp hoặc quả của ác nghiệp không ngoại trừ một ai, dù là Đức Phật Chánh Đẳng Giác cũng vẫn không tránh khỏi quả của ác nghiệp, huống hồ những chúng sinh khác. Định luật nhân quả nghiệp và quả của nghiệp như sau: - Thiện nghiệp có cơ hội cho quả tốt, quả an lạc trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. - Ác nghiệp có cơ hội cho quả xấu, quả khổ trong kiếp hiện tại và những kiếp vị lai cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài. - Thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào, nếu khi có đầy đủ điều kiện và cơ hội, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó. Và nếu không có đủ điều kiện và cơ hội, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy không có cơ hội cho quả của nó được. Tất cả mọi thiện nghiệp hoặc tất cả mọi ác nghiệp không nhất thiết đều phải cho quả của chúng, nhưng nếu một khi quả tốt, quả an lạc phát sinh, được hiện hữu, thì điều chắc chắn phải phát sinh từ thiện nghiệp của mình; hoặc nếu một khi quả xấu, quả khổ phát sinh, được hiện hữu, thì điều chắc chắn phải phát sinh từ ác nghiệp của mình. Ngoài thiện nghiệp hoặc ác nghiệp của mình ra chắc chắn không một Đấng nào có quyền năng tối thượng ban phước lành đặc biệt đến cho riêng ai được an lạc; và chắc chắn cũng không một Đấng nào có quyền năng tối thượng hành tội đặc biệt đến cho riêng ai phải khổ đau. Tuy nhiên, nếu người nào có tác ý thiện tâm trong sạch tôn kính Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, tin nghiệp và quả của nghiệp, đó là thiện nghiệp, thì người ấy được hưởng sự an lạc do nhờ thiện tâm của họ đối với Tam Bảo. Còn nếu người nào có tác ý ác tâm khinh thường Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, không tin nghiệp và quả của nghiệp, đó là ác nghiệp, thì người ấy phải chịu quả khổ do bởi ác tâm của họ đối với Tam Bảo. Quả của thiện nghiệp nào hoặc quả của ác nghiệp nào đều có thời hạn mau hoặc lâu hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực của thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy. Những quan niệm về nghiệp và quả của nghiệp - Một số người có quan niệm rằng: “Hễ còn nghiệp thì còn có quả của nghiệp, còn phải tái sinh kiếp sau”. Điều ấy chắc chắn không đúng đối với chư bậc Thánh Arahán, bởi vì quý Ngài vẫn còn mọi thiện nghiệp, mọi ác nghiệp mà quý Ngài đã từng tạo và tích lũy từ vô thủy trải qua vô số kiếp quá khứ cho đến kiếp hiện tại trước khi trở thành bậc Thánh Arahán. Thực ra, chư bậc Thánh Arahán tuy không tạo thêm nghiệp mới, nhưng tất cả mọi nghiệp cũ vẫn còn, nếu thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào có cơ hội cho quả của nó, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy vẫn chỉ có khả năng cho quả cho đến trước khi tịch diệt Niết Bàn mà thôi. Khi bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới, đồng thời tất cả mọi thiện nghiệp, và mọi ác nghiệp đều trở thành nghiệp vô hiệu quả (ahosi kamma) vĩnh viễn không còn hiệu lực cho quả của nghiệp nữa. Như vậy, sau khi chư bậc Thánh Arahán tịch diệt Niết Bàn, không còn tái sinh kiếp sau nữa, bởi vì quý Ngài đã diệt đoạn tuyệt được tất cả mọi tham ái, mọi phiền não không còn dư sót nữa, chứ không phải vì hết nghiệp. - Một số người có quan niệm rằng: “Cố gắng làm phước để xóa tội” có nghĩa là cố gắng tạo thiện nghiệp để xóa bỏ ác nghiệp. Điều ấy cũng không thể được, bởi vì ác nghiệp đã tạo trong thời quá khứ đã qua, còn thiện nghiệp đang tạo trong lúc hiện tại, không thể trở lui lại thời gian quá khứ để xóa bỏ ác nghiệp ấy. Nhưng khi tạo thiện nghiệp trong thời hiện tại, có khả năng làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác nghiệp quá khứ ấy. Ví dụ: 1 kg muối có vị mặn nhiều, người ta đem 1 kg muối ấy đổ vào trong hồ lớn, rồi đổ nhiều khối nước vào hồ lớn, thì làm cho vị mặn của 1 kg muối ấy bị tan loãng ra, cho nên vị mặn của muối không còn như trước nữa. Cũng như vậy, một người nào trước kia đã tạo ác nghiệp, về sau người ấy cố gắng tinh tấn tạo nhiều thiện nghiệp, chính nhờ thiện nghiệp sau này làm giảm bớt tiềm năng cho quả của ác nghiệp trước kia, nhưng không thể xóa được ác nghiệp trước kia. - Một số người có quan niệm rằng: “Ráng chịu quả khổ để trả cho xong ác nghiệp” có nghĩa là nghiệp như món nợ, ráng cố gắng chịu đựng khổ để trả cho hết nợ. Thật ra, ác nghiệp không phải là món nợ, nếu ác nghiệp nào có cơ hội, thì ác nghiệp ấy có khả năng cho quả khổ trong kiếp hiện tại, trong những kiếp vị lai cho đến kiếp chót của bậc Thánh Arahán trước khi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong tam giới. - Một số người thấy quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, có quan niệm sai về nghiệp: Trong đời này, một số người không học hỏi hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, thì chỉ thấy quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, rồi có quan niệm sai về nghiệp và quả của nghiệp. Thực ra, quả hiện hữu như thế nào, chắc chắn quả ấy phải phát sinh từ nghiệp như thế ấy. Như vậy, quả nào thì nghiệp ấy, nghiệp nào thì quả ấy; nghiệp và quả của nghiệp luôn luôn tương ứng với nhau. Ví dụ: Ông cận sự nam Mahākāla là bậc Thánh Nhập Lưu đến ngôi chùa Jetavana để thọ trì bát giới uposathasīla, rồi nghe pháp suốt đêm. Đến rạng đông, trên đường trở về nhà ông ghé xuống hồ nước trước ngôi chùa Jevanata để rửa mặt. Khi ấy, một tên trộm lấy của cải người khác chạy theo con đường đến ngôi chùa Jetavana; biết có người đang đuổi theo sau, khi chạy ngang qua hồ nước, y liền ném gói đồ của cải xuống hồ để thoát thân. Gói của cải ấy rơi ngay chỗ của người cận sự nam Mahākāla đang ngồi rửa mặt. Nhóm người đuổi theo nhìn thấy gói đồ của cải bên cạnh người cận sự nam, họ liền bắt ông cận sự nam Mahākāla, với tang vật rõ ràng họ kết tội ông là tên trộm và đánh đập ông cho đến chết (sau khi ông chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh lên cõi trời dục giới). Nếu chỉ nhìn theo quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, thì ông cận sự nam Mahākāla bị chết oan. Nhưng sự thật, tiền kiếp của ông cận sự nam Mahākāla là người trạm trưởng đã từng vu oan người chồng trẻ ăn trộm viên ngọc maṇī của mình, rồi đánh người chồng trẻ ấy chết, để chiếm đoạt người vợ trẻ đẹp của người chồng ấy. Do ác nghiệp vu oan giết người chồng trẻ mà ông cận sự nam Mahākāla đã tạo trong quá khứ ấy, cho nên, mỗi khi được tái sinh làm người, ông thường bị đánh chết oan như vậy. - Trường hợp một người cận sự nam có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, tin nghiệp và quả của nghiệp, thường làm phước thiện bố thí tùy theo khả năng, có giới hạnh trong sạch, làm nghề lương thiện đúng theo chánh nghiệp và chánh mạng; thế mà, ông cận sự nam ấy thường bị thất bại trong lĩnh vực kinh doanh, phải vay mượn, mắc nợ người khác, lâm vào cảnh nghèo khó, túng thiếu, thậm chí còn bị người ta xiết nợ... Nếu xét theo quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, thì người cận sự nam ấy làm phước thiện (tạo thiện nghiệp) mà không được quả tốt, quả an lạc. Nhưng nếu xét theo nghiệp và quả của nghiệp, thì đó là trường hợp ác nghiệp mà người cận sự nam ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ hoặc đã từng tạo trước kia (trong kiếp hiện tại) có cơ hội cho quả làm hãm hại công việc làm ăn, còn thiện nghiệp đã tạo trong kiếp hiện tại chưa có cơ hội cho quả của nó. - Trường hợp khác, một số người không tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, hằng ngày họ hành nghề ác nghiệp sát sinh giết trâu, bò, heo, gà, vịt... để bán thịt nuôi mạng; họ là người tạo tà nghiệp sống bằng tà mạng; thế mà họ vẫn giàu sang, có nhiều của cải tài sản, nhà cao cửa rộng, xe cộ sang trọng, đời sống sung túc đầy đủ. Một số người làm vũ khí săn bắt, giết hại chúng sinh, hoặc buôn bán các chất say như heroin, ma túy, rượu, thuốc lá... thế mà họ vẫn giàu sang, có nhiều tiền của. Một số người trộm cắp, tham nhũng, hối lộ của công, của tập thể, của nhà nước... thế mà họ vẫn giàu sang, có quyền cao chức trọng. - Nếu xét theo quả hiện hữu trong kiếp hiện tại, thì số người ấy đã tạo ác nghiệp mà không bị quả xấu, quả khổ thân. - Nếu xét theo nghiệp và quả của nghiệp, thì ác nghiệp đang tạo trong kiếp hiện tại hỗ trợ cho kiếp hiện tại của số người ấy có nhiều của cải tài sản, cuộc sống đầy đủ sung túc... Nhưng nếu khi ác nghiệp ấy có cơ hội trực tiếp cho quả, thì ngay trong kiếp hiện tại người ấy phải chịu nhiều quả khổ. Và sau khi chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh kiếp sau trong 4 cõi ác giới (địa ngục, atula, ngạ quỷ, súc sinh)... và ác nghiệp ấy còn cho quả trong những kiếp sau không có giới hạn. Nghiệp và quả của nghiệp vô cùng sâu sắc, vi tế, khó hiểu, cho nên, chỉ có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp mà thôi. Ác nghiệp hoặc thiện nghiệp nếu có cơ hội, có khả năng cho quả ngay trong kiếp hiện tại, kiếp kế tiếp và trong những kiếp sau không có giới hạn. Những quả hiện hữu trong kiếp hiện tại được sinh từ nghiệp quá khứ của kiếp hiện tại, hoặc được sinh từ nghiệp của những kiếp quá khứ. “Quan niệm về thuyết định mệnh của con người” Theo quan niệm về thuyết định mệnh, thì mỗi người có số mệnh đã định sẵn từ trước, không thể cưỡng lại được số mệnh của mình, mà đành phải chịu những điều may hoặc rủi, hên hoặc xui, an lạc hoặc đau khổ, giàu hoặc nghèo v.v... đều là do số mệnh của mỗi người. Những điều ấy hoàn toàn khác với nghiệp và quả của nghiệp. Vì sao? Bởi vì thiện nghiệp nào hoặc ác nghiệp nào có cơ hội, hội đủ điều kiện của nó, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy mới có cơ hội cho quả của nó. Quả an lạc của thiện nghiệp hoặc quả khổ của ác nghiệp ấy đều có thời gian lâu hoặc mau hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực của thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy. Đặc biệt, trong kiếp hiện tại, nếu người nào tạo thiện nghiệp nào có nhiều năng lực do hội đủ điều kiện; hoặc ác nghiệp nào có nhiều năng lực, thì thiện nghiệp ấy hoặc ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả của nó ngay trong kiếp hiện tại đối với người ấy. Quả của nghiệp trong kiếp hiện tại này có thể làm giảm bớt tiềm năng hoặc thay đổi được quả hiện hữu của nghiệp quá khứ. Ví dụ: - Trường hợp ông bà Puṇṇa là người nghèo khó đi làm thuê. Một buổi sáng hôm ấy, ông Puṇṇa và bà Puṇṇa làm phước thiện bố thí cúng dường đến Ngài Đại đức Sāriputta vừa xả diệt thọ tưởng đi khất thực. Sau khi làm phước xong, ngay ngày hôm ấy thuở ruộng mà ông Puṇṇa đã cày, những luống đất cày ấy trở thành những thỏi vàng ròng. Và cũng trong ngày hôm ấy, Đức vua ban cho vợ chồng ông Puṇṇa tước vị đại phú hộ có nhiều vàng. Như vậy, quả của thiện nghiệp ấy làm thay đổi kiếp nghèo khổ trở thành người đại phú hộ chỉ trong một ngày. - Trường hợp tên Nandamāṇava hãm hiếp Đại đức Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇattherī vừa xong, thì mặt đất nứt làm hai phun lửa lên rút tên Nandamāṇava vào trong lòng đất. Sau khi tên Nandamāṇava chết, ác nghiệp ấy cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Avīci, chịu quả khổ thiêu đốt suốt thời gian lâu dài. Như vậy, quả của ác nghiệp ấy đã chuyển kiếp người của Nandamāṇava trở thành kiếp chúng sinh trong cõi địa ngục Avīci ngay trong ngày hôm ấy. - Một số người có quan niệm: “Có sự hên xui, may rủi” Trong đời này, có một số người không có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, không biết đến nghiệp và quả của nghiệp; họ chỉ tin hên xui, may rủi mà thôi. Ví dụ: Một đứa trẻ được sinh ra trong một gia đình giàu sang phú quý, có quyền cao chức trọng, có nhiều của cải tài sản,... Đứa trẻ ấy được mọi người trong gia đình hết mực thương yêu, quý mến, cho nên nó được chăm nom nuôi dưỡng rất đặc biệt, nó được hưởng mọi sự an lạc từ nhỏ cho đến lúc trưởng thành... Người ta cho rằng: “Đứa trẻ ấy gặp hên, gặp may được sinh ra trong gia đình giàu sang phú quý”. Thực ra, đứa bé được sinh ra trong gia đình giàu sang phú quý... đó là quả của thiện nghiệp mà tiền kiếp của đứa bé ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ. Khi thiện nghiệp ấy có cơ hội cho quả được sinh ra trong gia đình giàu sang phú quý... không phải đứa bé ấy gặp hên, gặp may. - Trong một đoàn người đang làm việc, có một người bị tai nạn gãy chân, rồi bị thương tật chịu khổ suốt đời. Người ta nói rằng: “Người ấy gặp xui, gặp rủi nên bị tai nạn gãy chân, bị thương tật chịu khổ suốt đời”. Thực ra, gãy chân bị thương tật chịu khổ suốt đời, đó là quả của ác nghiệp mà người ấy đã từng tạo trong những kiếp quá khứ. Khi ác nghiệp ấy có cơ hội cho quả nên bị tai nạn làm gãy chân bị thương tật suốt đời. - Trong đời này, chỉ có sự hiện hữu quả tốt, quả an lạc của thiện nghiệp; và quả xấu, quả khổ của ác nghiệp mà thôi. Do không hiểu biết về nghiệp và quả của nghiệp, cho nên người ta nói là hên xui, may rủi. Chư Đức Bồ Tát là bậc thiện trí có quan niệm đúng đắn về nghiệp nên cố gắng tinh tấn tạo mọi thiện nghiệp gọi là các pháp hạnh ba-la-mật cho đầy đủ trọn vẹn để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, hoặc Đức Phật Độc Giác, hoặc bậc Thánh Tối Thượng Thanh Văn Giác, hoặc bậc Thánh Đại Thanh Văn Giác, hoặc bậc Thánh Arahán hạng thường, rồi tịch diệt Niết Bàn, chấm dứt tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài, giải thoát khỏi sự ảnh hưởng, sự chi phối của nghiệp và quả của nghiệp. Mùa an cư nhập hạ P.L 2551 Tại rừng núi Viên Không
Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (1). Từ thời kỳ Đức Phật Padumuttara đến Đức Phật Gotama trải qua 100 ngàn đại kiếp trái đất, có 15 Đức Phật tuần tự xuất hiện trên thế gian. |
[Ðầu trang][Trở về trang Mục lục][Trở về trang Thư Viện]
updated: 2008