(Bài
tham luận đọc trong ngày FESTIVAL THƠ HUẾ
tổ
chức tại Tòa soạn Tạp chí SÔNG HƯƠNG, 5/6/2006).
Hôm
tết vừa rồi, anh Đỗ Lai Thúy từ Hà Nội vào, ghé thăm Huyền Không Sơn Thượng và
có tặng tôi một tập sách. Nội dung, anh đã phác thảo chân dung học thuật của 17
nhà nghiên cứu. Công trình thật là công phu, khoa học, nhiều thao tác tư duy,
nhiều tầng bậc chiêm nghiệm... hàm tàng một sở học nghiêm túc, đa diện và phong
phú. Cái đặc thù ở đây là anh đã đào xới những vỉa quặng ngầm, chưa có hoặc ít
có người khám phá: cái mặt tĩnh của tư duy, cái lẩn khuất của nội tâm triết
học... mà chúng thì thường lặn chìm, vô tăm, khiêm hư trước mọi biến
động của thời cuộc. Ít khi mà đọc được một quyển sách hay. Tôi đọc giữa hai
hàng chữ và cảm nhận được rằng: Có những con người đã có những chân trời
của tự do, của sáng tạọ, của khát vọng sự thật và họ yêu mến cái đẹp đến vô bờ!
Tuy thế, tôi lại thích cái tựa sách hơn: “Chân trời có người bay”. Cái
tựa này, anh Thúy lại lấy ý từ câu thơ cô đơn, hiu hắt, thấm đẫm chất nhân văn
của nhà thơ Trần Dần:
-“Tôi
khóc những chân trời không có người bay
Lại
khóc những người bay không có chân trời”
Và
quả thật, đã có thời, có những chân trời không có người bay! Và quả
thật, đã có thời, có những người bay không có chân trời!
Nghĩ
về thơ, nghĩ về thiền - hốt nhiên, tôi cũng nghĩ đến những đường
bay như nhà thơ Trần Dần, như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy- nhưng là những đường
bay không biết có chân trời nào hay không?
I.
Đường bay của thơ:
Thơ
Việt Nam kể từ thời Lý Trần, nhiều học giả đã xác định là đỉnh cao của văn học
hoặc là ngọn đuốc sáng mở đường cho thời đại tự chủ của dân tộc. Tự bản chất,
nó là dòng hợp lưu: minh triết đông phương và bản sắc văn hóa Việt. Và
suốt trong dòng chảy ấy, trải qua hơn ngàn năm, Phật Khổng Lão và tình tự dân
tộc đã hỗn dung và quyện lẫn trong nhau. Và thế là có cái đúng, có cái sai; có
cái bình dân hóa, có cái tan hòa với tín ngưỡng dân gian. Thơ ca vào các thời
kỳ này, tuy chỉ lập ngôn dị giản như “Văn dĩ tải đạo” hoặc “Thi
ngôn kỳ chí”... nhưng chúng đã hướng đến những giá trị phổ quát, đáp
ứng được những khát vọng muôn thuở của tâm hồn và cảm xúc thăng hoa của nhiều
thế hệ. Chúng ta không cần dài dòng nói đến những ích dụng đó như thế nào, vì
rõ ràng những nền tảng tư tưởng từ hình nhi thượng đến hình nhi hạ của Phật
Khổng Lão đã được chiết trung, tinh lọc, biến cải cho phù hợp với bản sắc văn
hóa Việt. Và như vậy chứng tỏ gì? Chứng tỏ thơ vào các thời kỳ này có định
hướng. Có định hướng tất có đường bay. Các giá trị tại thế, nhân văn, mỹ
học... theo đó, chẳng có gì phải bàn luận nhiều, nhất là thi ca.
Mãi
cho đến khi tiếp thu nền học thuật của phương Tây thì diện mạo thơ Việt mới bắt
đầu đổi khác. Các trường phái lãng mạn, ấn tượng, tượng trưng, siêu thực...
như những ngọn gió lạ thổi qua bình nguyên yên ả của tâm linh thơ Việt. Cổ súy
cho phong trào thơ mới là Phan Khôi với bài thơ “Tình già”, được coi là
sớm nhất. Sau đó, các thanh niên thi sĩ tân học, với sinh lực trẻ trung
lần lượt xung trận như Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ, Vũ Đình Liên,
Trương Tửu... đã trình diện thi đàn những bài thơ đi ra ngoài truyền thống,
thoát ly vóc dáng cổ điển. Vì mới thể nghiệm nên không tránh khỏi “Tây quá”
hoặc hoa lẫn với rác nhưng lại thích hợp với xu thế tâm hồn lớp trẻ hãnh
tiến của thời đại.
Đi
theo phong trào cải cách, canh tân này có thể lên đến con số 80 tác giả, trong
đó, số nữ lưu anh kiệt như Ngân Giang, Anh Thơ, Mộng Tuyết, Hằng Phương... có
chừng trên dưới 10 người.
Họ
kết án thơ cũ với vần, niêm, luật gò bó, chật chội, không thể đáp ứng nổi những
tư duy, tâm tình, cảm xúc đa phức trước trào lưu mới. Một phần nào đó họ có lý.
Họ có lý nên họ đã thành công. Tuy nhiên, nếu hiện đai chủ nghĩa quá, nghĩa là
tượng trưng và siêu thực quá như nhóm “Xuân thu nhã tập”của Nguyễn Xuân
Sanh... thì thất bại. Phá bỏ vần luật, niêm đối để cho thơ chắp cánh tự do,
phiêu bồng bay, thênh thang bay trong không gian nghệ thuật với hình tượng, tu
từ mới mẻ thì thơ sẽ tăng trọng cảm xúc, lung linh nhiều vẻ đẹp, ẩn mật, đa
tầng và đa nghĩa. Nhưng chủ trương phá bỏ ý thức, phá bỏ cả quy tắc ngữ pháp,
phá bỏ những thông tin thường ngữ, thường nghĩa... thì chỉ còn cái vỏ âm thanh
khô rỗng, ú ớ, bập bẹ, phều phào... chẳng rõ trao gởi thông tin gì! Sự mã hóa
ngôn ngữ ấy như là ẩn số bí hiểm, mà đôi khi chính tác giả cũng quên, không
biết mình nói gì! May ra chỉ có Thượng đế mới hiểu.
Những
thi gia kiện tướng như Lê Đạt,
Hoàng Cầm, Đặng Đình Hưng, Hoàng Hưng... mãi cho đến tận bây giờ, công phu tế
bào não của họ vẫn chưa đến được với tâm hồn người đọc, nếu không muốn nói là
tạo nên một không gian dị ứng . Như vậy, loại thơ hiện đại chủ nghĩa này có chân
trời nào để bay không? Hay là không có chân trời mà vẫn bay?
Và đường bay này cũng đã được mã hóa trong cơn mê man bội thực hoặc èo uột,
thiếu ăn của các con chữ ? Cho
nên, đã rất nhiều người phê phán loại thơ này một cách gay gắt, không khoan
nhượng tí nào. Ví như có người đã bực bội hạ bút:
”Đó chỉ là các chuỗi kết hợp từ gần như vô thức, thể hiện sự lao động thiếu
nghiêm túc của người cầm bút. Chẳng những nó là kết quả của sự nghèo nàn về vốn
từ ngữ dân tộc ở một số tác giả mà còn là những dấu hiệu của một bệnh trạng tư
duy. Đọc những câu thơ ấy, người đọc chỉ thấy đó là một mớ hổ lốn ngôn từ không
có giá trị biểu đạt tư tưởng - tức là sự nhận biết và khám phá bản chất của sự
vật, hiện tượng thuộc thế giới xung quanh. Bản chất của hiện tượng thơ này hoàn
toàn xa lạ với sáng tạo nghệ thuật đích thực. Nó chỉ tác hại và làm vẩn đục
ngôn ngữ, làm méo mó tư duy của người Việt hiện đại mà thôi.
”
Không
biết nói như thế có hơi quá hay không? Có hơi quy phạm, hàn lâm hoặc mẫu mực
quá hay không? Ta hãy chờ xem!
Sau
Cách mạng tháng tám, do hoàn cảnh lịch sử, ở miền Bắc, đa phần các nhà thơ đều
phải ra mặt trận bằng cách này hay bằng cách khác, thơ mới vẫn âm thâm
tồn tại bên lề dòng văn học chính thống, còn thơ phục vụ chiến đấu thì có định
hướng rõ ràng. Các thế hệ chống Pháp và chống Mỹ đã xuất sinh một số lượng lớn
các nhà thơ có tên tuổi đã được định hình vững chắc, làm đà cho thế hệ các nhà
thơ trẻ trưởng thành trong khói lửa, bước lên thi đàn một cách tự tin và đầy
hào hứng. Vậy là một thời gian không dài lắm, chỉ mới 30 năm (từ 45-75) thơ vẫn
có đường bay, bay theo cao trào của lịch sử. Những loại thơ trữ tình,
lãng mạn hoặc của các trường phái thơ mới khác dường như không có môi trường để
góp mặt một cách chính quy trên thi đàn, nhưng chúng vẫn an nhiên tồn tại như
những tảng băng ngầm. Ví như Giang Nam, Hữu Loan, Hoàng Cầm...
Cũng
vào lúc này, nhất là sau khi chia cắt đất nước, tình trạng thơ ở miền Nam vẫn
tiếp tục đi theo phong trào thơ mới, lại có vẻ muốn mới hơn cả
thế hệ Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu... Chính nhóm “Sáng tạo” của
Thanh Tâm Tuyền, Nguyên Sa... đã cổ suý cho phong trào nầy.
Tuy
nhiên, đấy chỉ là bước đi tiếp theo trên lộ trình có sẵn; dẫu với tuyên ngôn tự
do,sáng tạo, hiện đại... họ vẫn ảnh hưởng nặng nề các trường phái lạc hậu của
Tây phương đã không còn thời thượng nữa. Sự tìm kiếm khổ hạnh trên từng con chữ
của họ là một nỗ lực đáng khen ngợi, nhưng dường như cũng chỉ là sự dò đường,
thử nghiệm theo những vết chân đã cũ, sau đó là bị chìm khuất, vô tích...
Có
những nhà thơ độc lập, phải nói là đàn anh cả nhóm “Sáng tạo”, họ không
đi theo ai, vững vàng trung thành với Nàng Thơ của mình; không nói cũ, không
nói mới... như Bùi Giáng, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Vĩ...; mỗi người
mỗi dáng vẻ, mỗi phong cách, một thế giới riêng không lẫn với ai được. Và còn
rất nhiều, rất nhiều nữa... như Phạm Công Thiện, Phạm Thiên Thư, Trần Đới, Phạm
Phú Hải... mỗi người là một cõi riêng, nếu ta có dịp khám phá, thăm dò một cách
khách quan và trung thực.
Nói
tóm lại, tình trạng thơ ở đây vẫn là cái trăn trở muôn thuở giữa hiện thực nhân
sinh trần trụi và những khát vọng bản thể siêu hình. Hoang mang giữa binh lửa,
bất an trong lối thoát, thơ như tiếng gọi kêu bỏng cháy trước sa mạc cằn khô và
nhức đau của hiện tồn. Và cũng có kẻ muốn vi vút rong chơi giữa cát bụi cuộc
lữ, hoặc bi tráng, hoặc đam mê tình lụy trước hố thăm trần mộng bất khả... Như
vậy, ta có thể kết luận mà không ngại võ đoán và vội vã, là thơ miền Nam chưa có
đường bay rõ ràng hoặc phiêu phất và tản mạn nhiều hướng. Cái
gọi là “vị nghệ thuật hay vị nhân sinh”, dầu sao, chỉ còn là chuyện cổ
tích của một thời. Ai sao cũng được. Hơi đâu mà xác định cho đường bay
của thơ. Ngoại trừ một số thơ lai căng, nô lệ cho thế lực nào đó hoặc thơ tối
tăm, hiện sinh và hư vô; trên thi đàn vẫn có nhiều nhà thơ định hình, sáng giá
và sống lâu...Cái đẹp vẫn hiện hữu. Thơ vẫn là món ăn tinh thần cao sang của xã
hội, không chỉ là sản phẩm độc quyền của nhóm “Trung tâm văn bút” do
chính quyền bảo trợ.
Còn
hiện nay? Quả thật là khó nói. “Thơ”- trong ngoặc kép - xuất hiện
như rác giữa chợ chiều. Nhan nhãn thơ. Ngồn ngộn thơ. Phồn thực thơ... Dường
như có một số nhà thơ trẻ muốn đánh đố độc giả nên đã cố ý bí hiểm, thiếu
nghiêm túc và thiếu kiến thức ngữ pháp căn bản khi sử dụng con chữ, coi thường
tinh hoa trong sáng của ngôn ngữ Việt. Rất nhiều bài thơ với những vỏ âm thanh
lắp ghép, biến tấu rối mù, thông tin ngữ nghĩa được đóng bít, giấu kín... Do
biến động của nền kinh tế thị trường và sự giao lưu phồn tạp của các luồng văn
hóa- kể cả phi văn hóa- thơ dường như được tiếp thêm nhiên liệu
và sức sống bản năng nên nó thay vỏ rất nhanh để bắt kịp với các trào lưu hiện
đại. Họ sợ bị tụt hậu. Thế là giữa đống thơ ngổn ngang, rời rạc các con chữ là
hình ảnh đứt khúc của cảm xúc, câu cú, ý tưởng... nhảy múa trong một vũ điệu
loạn cuồng; hời hợt, nông nổi, thiếu vắng chiều sâu văn hóa và thiếu cả sự
tỉnh táo trí thức nữa.
Tuy
nhiên, nếu lớp trẻ thiếu tỉnh táo thì người già phải tỉnh táo. Tỉnh táo
để thấy rằng, hiện tượng khác với bản chất. Sự tìm kiếm, dò đường
ấy là cần thiết. Sự trở trăn, vật vã ấy là cần thiết. Sự rối mù, loạn xà ngầu
ấy là cần thiết. Sự thai nghén nào cũng quằn quại tâm sinh lý. Sáng tạo không
bao giở là cái tĩnh chỉ, bất động. Những hiện tượng bất ổn, rối ren của “thơ
mới” trên sách báo hiện nay là dấu hiệu đáng mừng để chuẩn bị cho một
cuộc lột xác ngoạn mục. Vấn đề là thời gian. Các giá trị thẩm mỹ, trong bản
chất, chúng sẽ tự sàng lọc, tinh chế để đáp ứng cho nhu cầu mến yêu vốn rất quý
phái và thanh khiết của tâm linh thơ. Các nhà phê bình văn học phải có cái tâm
mát mẻ và rộng rãi, phải có cái trí nhìn xuyên qua hiện tượng để tiếp cận cái
bản chất. Nên hướng dẫn dư luận thẫm mỹ hơn là đả kích hiện tượng xã hội. Bởi
dù sao nó cũng chỉ là hiện tượng xã hội, luôn luôn nhấp nhô, chìm nổi, xáo trộn
để tìm sự quân bình. Rồi những cái“không phải thơ”sẽ tự động đào thải
hoặc rút lui vô điều kiện.
Tôi
có đọc được một số tác phẩm của một số nhà thơ trẻ, không nhiều lắm, được giải
thưởng của Hội Nhà Văn chừng hơn mươi năm về trước như Trương Nam Hương, Nguyễn
Quang Thiều... Thơ họ có dáng vẻ mới mẻ của ngôn ngữ, của cấu trúc, của tu từ
và hình tượng nghệ thuật nên đã phát lộ được nhiều tầng tư duy và cảm xúc.
Trong chừng mực nào đó, họ đã lao động nghiêm túc, có sở học và họ biết rõ mình
trao gởi thông điệp gì. Cái mới ở nơi họ chỉ là sự kế thừa, tiếp sinh lực cho
truyền thống, cũng từ một dòng chảy nhưng qua một khúc quanh khác gồ ghề, lồi
lõm hơn mà thôi. Đẹp, hay, chưa dám quyết nhưng còn tồn tại trong lòng độc giả.
Lại có một số nhà thơ trẻ khác nữa mà các tạp chí hay nhắc đến như Văn Cầm Hải,
Ly Huyền Ly, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư... cũng được độc giả chú ý, khen chê
bất đồng. Điều ấy có lẽ đúng do
diện mạo thẩm mỹ ở nơi thơ họ chưa được định hình, còn có đâu đó một số sạn sỏi
va động lạo xạo khó hiểu... nhưng dầu sao đã có nét riêng. Tuổi trẻ cố tạo
phong cách cho mình thường vấp váp điều đó. Tuy nhiên, ta hãy chịu khó đọc lướt
qua và nắm bắt cho được linh hồn của ký hiệu- những thông tin ở ngoài con chữ-
ta sẽ hiểu họ nói gì. Với điều kiện, tế bào não của ta cũng phải được trẻ hóa
hoặc thoát ly khỏi phạm trù của những hình tượng cũ, khái niệm cũ đã ám khói
quá lâu trong tâm thức của lớp thế hệ “thuận nhĩ” trở lên.
Tuy
nhiên, thời gian mới là bậc thầy thẩm định uyên bác và chín chắn nhất. Sự khen
chê hiện nay trên thi đàn đa phần là do cảm tính bọt bèo của lớp trẻ đồng lứa;
các nhà phê bình học thuật khôn ngoan, già dặn họ chưa “phán” vội. Khó
lắm! Tập thơ “Thư mùa đông” của Hữu Thỉnh bị Tô Hoài chê là: “Một gánh
đồng nát của các con chữ”; nhưng lại được Trần Mạnh Hảo ca tụng hết
lời. Tập thơ của Nguyễn Quang Thiều được giải nhưng lại bị Trần Mạnh Hảo đập
cho tả tơi! Thế đó.
Vậy
thì hiện nay, thơ mới đã có đường bay hay chưa? Rõ ràng là những cánh
chim thơ đang bay luẩn quẩn loanh quanh hoặc đang thăm dò trời cao bể rộng thế
nào. Một thi pháp học cho thơ mới, một chân trời mới cho thơ mới đang còn
dưới dạng bản thảo. Chúng ta có thể ngồi tĩnh tọa và an nhiên chờ đợi,
chắc chắn sẽ uống được một chung trà ngon được ướp sương mai và nắng sớm.
II.
Đường bay của thơ, thiền và thơ thiền:
Có
người nói thơ rất gần với thiền. Thơ có đường bay thì thiền cũng phải có
đường bay.
Thơ
bay vi vút trong không gian thẫm mỹ ước lệ. Thiền bay thênh thang trong cõi
tĩnh mặc, trong sáng và vô duy. Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ, làm cho con chữ
lấp lánh nhiều sắc màu, ý tượng; lung linh đa chiều tư
duy và cảm xúc. Thiền là tinh hoa của minh triết đông phương, là đóa
trăng soi giữa miền u tĩnh, đánh thức vô minh, vọng lầm để tao ngộ với quê
hương sơ thủy. Thơ là sự suy tưởng của triết lý thất bại, là giấc mơ tại thế,
là cánh chim ước vọng bay vào giấc mơ riêng tư, cô đơn nhưng lại xa rộng khôn
cùng. Nó còn muốn nhảy vào cả hố thẳm vô thức câm nín nữa. Thiền là miền đất
bên kia, thuộc lãnh địa của tâm năng trực giác, là chỗ mà lý trí tuyệt lộ, là
ngôn ngữ vô ngôn của cố quận thuở ý tưởng và khái niệm chưa sinh ra đời. Thơ
thuộc về những tế bào nhạy bén của tim và của óc. Thiền thuộc về con mắt xanh
của tâm và tuệ, là cõi thanh trong, vô nhiễm của kiến tri, không lây uế bản
năng lông lá thuở sơ khai...
Vậy
xin ai đó đừng đánh đồng giữa thơ và thiền. Giữa giấc mộng vừa miên man
vừa “đa sự” của thơ và giữa ngôn ngữ tỉnh thức, giác ngộ của thiền không
liên hệ gì với nhau. Nó còn cách
nhau nhiều cánh cửa, đôi khi chỉ một sợi tóc cũng khó nhìn ra chân tướng. Tuy
nhiên, có điều thật kỳ lạ là có thơ của nhiều tác giả cũ và mới rất giống
thiền. Và trong những trường hợp như thế ta có thể coi là thơ thiền được không?
Ta
có thể đọc một số câu rồi lắng tâm mà nghe thử:
“-
Với tay chạm khẽ vào hư ảo
Đánh
thức hồn ta tiếng nguyệt vang”
(Ngọc Quế)
“-
Thì xin hạt cát làm tâm ngọc
Đau
đớn vo tròn một kiếp trai”
(Thạch Văn Thâu)
Đấy,
nó có khác gì thơ thiền đâu? Phải nhìn thấy “khổ đế”của trần gian, phải
lịch trải trong cuộc tồn sinh, phải bị đoanh vây giữa muôn trùng hư vô và ảo
ảnh... mới thai nghén được những câu thơ rất gần với thiền như vậy.
Nếu
chịu khó sưu tầm trong kho tàng thi ca thơ Việt thì thơ giống thiền như
thế có thể là cả một tập sách dày. Vậy thì thơ giống thiền và thơ thiền thật
sự khác nhau ra sao? Đây là cả một công trình sưu khảo dài hơi và đầy tâm huyết
của các nhà nghiên cứu chuyên môn. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, ta có
thể phân chia thành hai không gian: không gian ở tầng bậc ý thức, lý tính
và coi đây là cõi miền của thơ có tư tưởng thiền; không gian thứ hai ở
tầng bậc trực giác, tức là cảm quan thấy ngay thực tại, chưa qua sự chế
biến của các ý niệm chủ quan – và đây chính là thực địa, là quê hương
của thơ thiền. Bây giờ ta hãy làm một cuộc hành trình khám phá chân diện
mục của chúng ra sao!
1.
Không gian có tư tưởng thiền:
Không
gian này thật là mênh mông, vô lượng. Và dường như, khắp nơi, khi nói đến thơ
thiền thì chúng đều ở trong phạm vi hoạt dụng của ý thức, tức là thuộc không
gian có tư tưởng thiền. Đại lược, những bài thơ có tư tưởng
thiền thường có những nội dung như sau:
-
Có tư tưởng Phật học, thiền học...
- Có những tình cảm thanh cao, thoát
tục...
- Yêu cảnh vắng lặng, u tĩnh, thanh
bình, nhẹ nhàng, trong sáng, nhàn thoát...
- Yêu các giá trị xuất thế như
niết-bàn, vô vi, giải thoát nhưng diễn đạt chúng bằng lý trí, bằng tư duy
khái niệm...
-
Yêu các giá trị tại thế như từ bi hỷ xả nhưng thường sử dụng công cụ tư tưởng
để tỏ bày, lý giải, chứng minh...
- Kinh qua sự lịch trải, chiêm
nghiệm trên đường đời nên có những nhận thức, cảm xúc rất gần với Phật giáo.
- Cái nhìn về sự thật, lẽ phải, tình
thương chung một dòng đạo lý Đông phương.v.v...
Từ
cái thước đo ấy, hàm lượng ấy, lạ lùng làm sao, những bài thơ của các vị
thiền sư Lý, Trần đa phần chúng
đều thuộc về không gian này, tức là những bài thơ có tư tưởng thiền chứ chưa
phải là thơ thiền.
Giá
trị của những bài thơ thiền này đã vượt không thời gian, đã bất tử. Cả ngàn năm
nay, lịch sử văn học thiền đã xem là đỉnh cao của trí tuệ (Đạo Hạnh), là
cảm hứng siêu thoát, buốt lạnh cả hư vô (Không Lộ), là thông điệp
của mùa xuân vĩnh cửu (Mãn Giác), là triết lý hành động giữa cõi vô
thường, có không, sinh diệt (Vạn Hạnh)... Đến đây, ta có thể thấy chúng
tương cận với thơ của “người đời”- dẫn lược ở trên - xiết bao. Chỉ có
một chút khác biệt, là nhờ các vị thiền sự sống thiền nên tư tưởng thơ thiền
của họ lạc quan hơn, tiêu sái và an nhiên hơn.
Trong
kho tàng văn học thiền từ xưa đến nay đa phần là thơ có tư tưởng thiền, hiếm
có thơ thiền. Rồi chúng ta sẽ nói rõ về điều ấy.
2.
Không gian thơ thiền:
Là
không gian của trực giác, là thế giới của tỉnh thức hiện tiền. Đây là
miền đất thuộc thẩm quyền của tuệ giác, với tâm thái vô duy để chụp bắt và nhìn
ngắm rỗng rang cái- đang-là, chưa qua sự chế biến của tình cảm, quan
niệm, tư kiến chủ quan.
Hiện
nay, không gian này rất thưa vắng gót chân thơ. Chính những triết lý cao siêu,
những lý giải bác học, những ý tưởng thâm thúy, những hình tượng mỹ học diễm
lệ... đã đóng bít cánh cửa này. Vả chăng, không phải nhà thơ nào cũng có đủ
kích thước tâm linh để dạo chơi không gian này- là thế giới mà dường như cái
lấp lánh của ngôn ngữ, cái lung linh của những hình tượng nghệ thuật chẳng có
đất dụng võ. Đây là thế giới của khách quan, lạnh lùng, vô cảm... Nó chẳng hay,
chẳng đẹp, chẳng nghệ thuật, chẳng mỹ học, chẳng nhân bản, nhân văn, nhân tình
gì cả! Ai cũng tưởng là vậy!
Xin
giới thiệu một số bài thơ ở không gian thiền này:
“-
Cái ao xưa
Ếch nhảy vào
Tiếng nước xao”
(Basho)
Cái
ao xưa là cái ao cũ, thế thôi.
Nó chẳng phải là cố quận, là quê hương sơ thủy, là bản lai diện mục
gì gì cả. Đừng khoác cho nó một ý nghĩa, một giá trị, một tư tưởng thâm thúy,
ẩn mật nào. Nhân sinh đã từng thông khổ, điêu đứng, lầm than bởi những ý nghĩa,
giá trị ước lệ, phù phiếm và rỗng không ấy quá nhiều rồi. Vả chăng, chúng là
những nhãn hiệu trá hình, tạo nên tương tranh và xung đột. Thiền chụp bắt trong
sáng, vô duy, trực đối thực tại, giải thoát toàn mãn mọi tri kiến. Đừng
khoác cho nó một hào quang, một vương miện quý phái nào. Con ếch nhảy và
tiếng nước xao là hình ảnh, là âm thanh nhân quả hiện tiền. Là cái đang
là sống động, chân thực, hiện tồn và mới mẻ.
Ta
hãy đọc thêm bài khác:
“-
Ta nhìn sâu xa
Dưa nằm trong cỏ
Dấu
mấy nụ hoa”
( Basho)
Nhìn
sâu xa là cái nhìn của thiền. Một
cái nhìn lắng đọng, thông đạt, trong suốt, không mổ xẻ, phân tích, suy diễn
lung tung. Dưa nằm trong cỏ, dấu mấy nụ hoa. Thế thôi. Cái đẹp bình dị,
ẩn dật, khiêm tốn ấy chúng luôn có sẵn xung quanh ta, nhưng không phải ai cũng
thấy được. Thế gian thường nhìn thấy những hình danh, sắc tướng... những biến
hóa hư ảo cùng những đối tượng mê ly, hấp dẫn vị dục kia!
Một
bài khác:
“-
Gió lay bụi trúc vàng
Bên thềm hoa nắng vỡ
Ô kìa! Giàn phong lan
Một nụ hoa mới nở”
(Viên Minh)
Thiền
là thấy ngay, chụp bắt ngay cái thế giới đang là, sống động: Đang lay, đang vỡ,
đang nở...
Mọi
sự, mọi vật, mọi hiện tượng, tâm hay cảnh... luôn đang trôi chảy, dịch hóa,
không có gì có thể tĩnh chỉ, bất động được. Tất cả đang chuyển động, biến đổi
dù một sát-na, một hạt bụi. Chúng luôn luôn “tương động”.
Lại
có những câu thơ rất giản dị, nhìn thấy như thế nào thì nói ra như thế ấy – cái
chân, cái như thực- thuộc về không gian thiền:
“-
Xuân đi, đóa đóa hoa rơi
Xuân về, đóa đóa hoa tươi thắm màu
Việc đời trước mắt qua mau
Tuổi già chợt đến trên đầu thế
a!”
(Mãn Giác)
Cho
chí bài thơ ”con cóc”cũng rất là thiền:
“-
Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi”
Vì
đấy là hình ảnh, sự vật đang vận động, tuần tự hiển hiện trong không- thời-
gian thực.
Tuy
nhiên, nếu diễn đạt quá khô khan, quá trần trụi như thế thì đâu còn là thi pháp,
là mỹ học, là yếu tính của thi ca nữa? Nó chỉ là bức tranh vô
cảm. Là thông tin theo kiểu kết hợp từ của thường ngữ, không phải là thơ. Cũng
diễn tiến hình ảnh và sự việc như vậy, nhưng thêm chút tình, chút hoàng hôn,
chút hương trầm nữa thì nó lại khác:
“-
Khách về trời chưa tối
Nhẹ tay khép cổng sài
Quay lưng hiên nắng nhạt
Hương trầm thoảng thư trai”
(Vô Danh)
Đấy
là thiền, là cái hoạt dụng tự tại đang trôi chảy trong không gian vắng lặng,
thanh bình.
Vậy,
thơ thiền thì chẳng có gì phải bình giải, luận bàn, phân tích cả. Thơ thiền
giản dị như: “Anh ăn cơm chưa”, “Dạ rồi”, “Thì uống nước đi”. Thiền
với đôi mắt xanh trong suốt, với đôi bàn tay mở ra, với trái tim và hơi thở
cùng nhịp đập và chuyển động với hiện tồn. Chẳng có gì bí mật, ẩn khuất, đa
sự... trong ngôn ngữ của bậc đạt ngộ. Ai muốn đi tìm những lý giải cao thâm,
những ý nghĩa huyền vi, những mật mã siêu hình, những cảm-hứng-ngữ trầm hùng,
siêu thoát thì hãy đến với những bài thơ có tư tưởng thiền. Nhưng hãy dè chừng
một điều: Những ý tưởng thâm trầm, hay ho, những luận giải thâm uyên, bác học- như
thiền luận của học giả Suzuki- thì chỉ như ngôn ngữ của người ngọng: “Ú
ớ...u ơ” ở bên này mép rìa của thực tại mà thôi. Nhà học giả Suzuki đã
có tâm huyết và tấm lòng ban tặng cho lý trí Tây phương những món ăn ngon béo
bổ, nhưng đã giết chết mầm giống tâm linh trực giác của thiền. Có lẽ trong tất
cả chúng ta ở đây, ai ai cũng đã từng nghe tuyên ngôn của thiền Đông độ: “Bất
lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”
Triết
lý thất bại, thơ ca mới xuất hiện. Lý trí thất bại, thiền mới mở đường.
Thật khá thương cho ai cứ cổ súy thơ ca phải hướng đến triết lý. Thật khá
thương cho ai muốn dùng kiến thức, lý trí và cả viện hàn lâm để hiểu thiền! Xin
thưa, thiền có thể hiểu, có thể biết; hiểu và biết ở những khái niệm khô rỗng
chứ chưa bao giờ là thực tại. Thiền là cái thấy, là phạm trù của tuệ giác, của
chứng nghiêm tự thân. Ở đây là giọt nước trong mát tự đầu nguồn.
Để
kết luận,
Thơ,
khi đã định hình thì nó có đường bay. Đường bay thấp, đường bay cao, đường bay
la đà, đường bay ngất ngưởng, đường bay phiêu hốt, đường bay yêu thương ngọt
ngào trần lụy, đường bay khinh linh hạc trắng ngàn sương... Có một vài đường
bay ngẫu nhiên ngẫu nhĩ đâu đó của thơ sẽ bắt gặp đường bay của thiền trong
cuộc tao phùng hy hữu kỳ ngộ.
Còn
chân trời? Mọi chân trời đều thất bại. Có chân trời là có vọng cầu, toan
tính, ước vọng. Có chân trời là có lý tưởng, có sở dục tương lai. Mọi lý tưởng,
mọi tương lai đều bất thực, nó chính do bản ngã và vọng tưởng phóng
hiện ra.
Không
biết tôi có tự tin và chủ quan quá không khi xác quyết rằng: Thơ thành tựu cho
chính nó, trong đường bay của chính nó, tự do và vô tận mà chẳng tuyên ngôn vị
nghệ thuật. Thiền thành tựu cho chính nó, trong đường bay của chính nó mà không
tuyên ngôn vị nhân sinh. Cả hai, chúng quên ý nghĩa và mục đích, quên cả chính
nó – nhưng mỹ học và nhân văn thì tồn tại.
Cả
thơ và thiền đều như trăng, chẳng soi chiếu cho ai mà làm sáng cho tất cả.
Trăng, còn để dành cho khách lãng tử và bạn tri âm. Đôi khi nó đối ẩm với chính
mình, cỏ hoa và cả trời đất nữa...
Huế,
HKST, Am Mây Tía
Tháng 6/2006
Minh Đức - Triều Tâm Ảnh
[1] Xem:
Những đóng góp của các
cây bút thơ nữ trong phong trào thơ mới – Lê Dục Tú - Tạp chí Sông
Hương số 7 năm 2001.
[2] Xem:
Xu hướng hiện đại chủ
nghĩa trong thơ – Mã Giang Lân - Tạp chí Sông Hương số 11 năm 1996.
[3] Xem
: Phong cách học tiếng Việt hiện đại - của Hữu Đạt, NXB
Khoa học xã hội,1999.