Chó rừng cảm hóa đức vua
Vào một thuở rất lâu xa, Phật Thích Ca
với hạnh nguyện Bồ-tát, ngài sinh làm vua chó rừng, cai quản rừng và những khu
nghĩa địa mênh mông, luôn đoanh vây bên mình hàng ngàn con chó đủ loại, sống an
ổn và thuận hòa với nhau như một quốc độ có nền móng pháp luật vững chắc.
Bậc Đại Chúng Sanh sống tại một cội
cây to, lúc nào cũng đầy đủ cận thần và thị vệ, những dũng tướng trung kiên sẵn
sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ chúa.
Cuộc sống đang yên lành bỗng nhiên tai
họa giáng xuống. Hàng chục người, hàng trăm người không biết từ đâu xuất hiện,
với mọi thứ vũ khí có được trong tay, họ ra sức giết chó. Lệnh báo động “ăng
ẳng” truyền vang từ nghĩa địa này sang nghĩa địa khác.
Bậc Đại Chúng Sanh và đám cận thần cả
kinh thất sắc. Viên dũng tướng là một chó vằn to lớn hiên ngang, không đợi lệnh
chủ đã vọt đi thi hành nhiệm vụ của mình.
Lát sau chó vằn về tâu lại:
- Chúng là bọn thị vệ, là bọn quân hầu
của vua loài người, thưa chúa. Chúng đã tàn sát đánh giết thần dân của chúng ta
ở phương đông...
Lời chưa dứt thì từ miệt dưới, hàng
trăm con chó tang thương tất tả chạy lên. Con bị què chân, con bị cụt tai, con
bị thương nặng với máu me đầy mình. Chúng kêu lên những tiếng thống thiết rồi
đứng tràn đầy nghĩa địa mong đợi sự bảo vệ của chúa.
Bậc Đại Chúng Sanh đứng lên, đau xót
nhìn đồng loại, đưa đôi mắt buồn rầu nhìn tả hữu như han hỏi lý do.
Một con chó tâu:
- Chúng tôi không ai hiểu lý do! Tai
họa từ trên trời đổ xuống cho giống chó nhà ta!
Chó khác hừ một tiếng:
- Trời không có làm hại ai. Chỉ có
giống người mới tàn ác như vậy.
Bậc Đại Chúng Sanh phán hỏi:
- Trong các bạn, thời gian trước đây,
có ai gặp, thấy, hoặc biết hành tung của bọn người ác độc kia? Thảng hoặc, các
bạn đã có ai gây thù chuốc oán gì với họ?
Một cụ chó già nua trong đám chạy nạn,
bị thương ở cẳng, lết ra phủ phục nói:
- Thưa chúa, chúa có dạy: gặp giống
người thì phải biết “kính mà xa”, vì tâm địa họ tráo trở khó lường. Chúng tôi,
thần dân ở phương đông, tìm chút xương thừa nơi nghĩa địa, cơm đổ nơi đường sá,
miếu hoang – có bao giờ dám gần họ, đụng chạm đến họ mà sinh thù oán.
Một con chó khác rành rõi trình bày:
- Cách đây hai hôm, bọn kia cùng vua
loài người, thị nữ tùy tùng vào chơi nơi khu vườn phía tây thành phố. Chúng
ngồi trên hai trăm con ngựa đẹp đẽ giống Sindhu với yên cương da thú láng lẫy.
Gần tối họ mới trở về. Đêm đó chẳng biết xảy ra chuyện gì mà sáng hôm sau, rải
rác một vài xóm chó ven sông Hằng bị sát hại do đám thị vệ của vua loài người.
Một vài thần dân sống sót chạy vào các nghĩa địa nhỏ. Chiều hôm ấy và qua sáng
hôm nay, mười ba nghĩa địa gần kinh thành đều bị càn quét. Mấy ngàn chó thiệt
mạng, thây chồng núi, xác ngập đường, máu đỏ đất. Và thưa chúa, bây giờ thì
chúng đang tảo thanh các nghĩa địa lớn, lại sắp vượt sông.
Ngay khi đám chó đang xôn xao thì mấy
trăm đồng loại ướt loi ngoi từ mạn sông lếch thếch chạy lên. Xa một đoạn phía
sau, có toán người rầm rộ la hét.
Bậc Đại Chúng Sanh cất tiếng gầm uy
dũng, chấn động cả nghĩa địa. Tả hữu bốn dũng sĩ đồng trở oai nghi chồm tới,
phóng như bay biến về cuối chân trời, theo chúa.
Chỉ thoáng mắt, bậc Đại Chúng Sanh đã
đón chặn đoàn người. Và nói tiếng người:
- Hãy ngừng lại! – Tiếng như sấm dội –
các người hãy ngừng lại sự giết chóc dã man ấy! Hãy nói cho chúng tôi biết lý
do tại sao các người tàn hại đồng loại chúng tôi?
Toán người kinh dị dừng lại.
Bốn viên dũng tướng như bốn mũi tên
cũng vừa lao tới, lông dựng ngược, gầm gừ dữ tợn, phân thành tả hữu hai bên hộ
vệ chúa. Toán người chưa hết ngạc nhiên thì không biết từ đâu trùng trùng điệp
điệp, lặng lẽ như ma, một đoàn chó khổng lồ lông vằn vện đến bao vây họ ở giữa.
Đứng bốn góc như trấn bốn phương là bốn chó cao lớn, phương phi oai hùng như sư
tử. Bậc Đại Chúng Sanh mừng rỡ cất tiếng:
- Khá khen cho các bạn đã không quản
ngại đường xa đến cứu ứng kịp thời.
Một tiếng hùng dũng tâu:
- Nghe tin muộn, chúng tôi triệu tập
đám thần dân tinh nhuệ kề chân núi Hy Mã, cấp tốc ngày đêm lên đường. Thế mà
vẫn không kịp. Ngưỡng mong chúa tha tội chết!
Đồng lúc, bốn chú chó rừng như sư tử
đến phủ phục dưới chân bậc Đại Chúng Sanh. Vua loài chó lớn tiếng ủy lạo, tỏ
lời ban khen nồng hậu. Bốn chó rừng lui ra. Một chốc, vòng vây siết chặt toán
người lại với khí thế rần rộ, kinh người.
Tốp tay chân thuộc hạ của đức vua sợ
hãi đến xanh mặt. Họ tự nghĩ:
- Loại chó rừng này ở đâu mà có luật
lệ quy củ đến thế. Hôm nay, dẫu có chiến thắng, bên ta tất cũng tổn thất nặng
nề vì các chiến tướng uy mãnh này.
Khi ấy, bậc Đại Chúng Sanh nói với họ:
- Hỡi giống người hữu phúc và cao
sang! Phải chăng đạo đức và công lý đi trước mọi sự? Vậy thì nhân danh đạo đức
và công lý, quý vị hãy trình bày lý do cho chúng tôi được tỏ tường. Các người
dư thừa sự khôn ngoan, trí xảo cũng như sức mạnh; nhưng nếu cứ tàn hại chúng
tôi như thế, chúng tôi cương quyết bảo vệ mạng sống và danh dự chung cho đồng
loại, lấy mười đổi một. Các người một trăm người thì chúng tôi hy sinh một ngàn
trang dũng sĩ, chắc chắn các người cũng không thể sống sót bình yên mà trở về!
Xin giống người đầy đủ lương tri cao cả, hãy lượng xét cho!
Nhìn sắc diện oai nghi của vua loài
chó, lời nói tình lý minh bạch, lại thấy lực lượng chó rừng hùng hậu chẳng khác
gì thiên binh vạn mã, ai cũng cảm thấy đây chẳng phải là lời nói ngoa.
Người cầm đầu bước ra nói:
- Tất cả là do lệnh của đức vua!
Nguyên do như sau: Hai trăm con ngựa giống Sindhu đẹp đẽ của đức vua, với bộ
yên cương, dây da bền chắc và tốt đẹp; sau một đêm, đồng loại của các ngươi đã
“chén” hết sạch vật trang bị phụ tùng kia. Vua nổi giận ra lệnh giết hết chó
trong khắp quốc độ.
Bậc Đại Chúng Sanh cau mặt lại:
- Nếu quả là chúng tôi làm việc ấy thì
chúng tôi có tội. Nhưng yên cương, da và dây ấy, đức vua đặt ở đâu?
- Vẫn mắc vào nơi xe, xe để trong nội
thành suốt một đêm kia.
Suy nghĩ một lát, bậc Đại Chúng Sanh
hỏi:
- Ai là người thấy rõ chúng tôi hay
bắt được chúng tôi đang nhai, cắn hoặc đang ăn da và yên ấy?
- Không ai thấy, tên cầm đầu đáp –
Nhưng một kẻ hộ vệ bạch với đức vua rằng: “Thưa Thiên Tử, từ miệng cống chui
vào, các con chó hoang dã đã “thịt” hết những bộ yên cương bằng da ấy”. Thế là
đấng Thiên Tử tức giận đến xám xanh mặt rồng, ra lệnh cho hai ngàn quân cấm vệ
tảo thanh giết cho kỳ hết loài chó. Chúng tôi là kẻ thừa hành mà thôi.
Bậc Đại Chúng Sanh than to:
- Ôi! Vua loài người thiệt là ngu si,
tàn độc và bất minh. Thôi! Lỗi không tại các ngươi, các ngươi hãy về đi. Ta sẽ
đích thân vào cung vua làm cho nội vụ đước sáng tỏ.
Khi toán người đã đi hết, bậc Đại
Chúng Sanh quay lại đám thuộc hạ:
- Hãy quay trở về mái nhà yên ổn của
chúng ta. Chớ có sợ hãi. Ta sẽ đến chốn của vua loài người và phó thác mình cho
chánh pháp.
Bọn chó rừng tuân lệnh rút lui có trật
tự, bậc Đại Chúng Sanh hướng tâm đến (àvajjitvà) Ba-la-mật rồi phát nguyện
rằng:
- Tâm Từ là đệ nhất pháp. Hãy làm cho
Tâm Từ được an trú vững mạnh, không có chao động. Tâm Từ cũng là phương thuốc
mầu nhiệm cảm hóa kẻ kiêu căng độc ác. Với năng lực Tâm Từ có được trong vô
lượng kiếp, ta phát nguyện như vầy: Trên thế gian này không ai có quyền xâm
phạm đến ta bằng đao tên hoặc bằng đá gậy. Rồi bằng Từ, Tuệ tạo nên sức mạnh,
ta sẽ cảm thắng đức vua để mưu cầu hạnh phúc cho phần đông.
Phát nguyện xong, bậc Đại Chúng Sanh
an nhiên một mình đi vào thành. Nhờ Tâm Từ Ba-la-mật bảo trợ, không một ai khởi
ác ý với ngài.
Quân canh vừa phát giác, bậc Đại Chúng
Sanh đã đi thẳng đến pháp đình (vinicchaye); thấy vua, đảnh lễ vua rồi ngồi
nghỉ ở một bên. Quân canh đã vào đến nơi hò hét với đùi gậy, nhưng đức vua ngăn
lại vì ngài linh tính một việc lạ lùng tỏa ra nơi con chó rừng uy nghi nọ.
Nhà vua chưa hề thấy bao giờ một con
chó rừng với dung sắc chói sáng rực rỡ đến như vậy, nên cứ đưa mắt tò mò ngạc
nhiên nhìn mãi. Bậc Đại Chúng Sanh bấy giờ mới tiến lại, chắp tay với cung cách
của một vị đại thần:
- Khải tấu bậc nhơn chủ anh minh sáng
suốt! Có phải người đã ra lệnh tàn sát hết tất cả loài chó chúng tôi?
Thấy chó nói được tiếng người, đức vua
ngạc nhiên quá:
- Phải! Phải!
Bậc Đại Chúng Sanh trang nghiêm chất
vấn:
- Lỗi của chúng là gì? Dám thưa bậc
Nhơn chủ quý trọng?
Vua đáp như cái máy:
- Chúng nhai, cắn, ăn, nuốt những đồ
da phụ tùng lẫn những yên cương quý giá của ta!
- Thưa bậc chúa loài người! Ngài có
tận mắt thấy, hay có ai tận mắt thấy con chó hoang, con chó nghĩa địa hoặc con
chó rừng nào ăn không?
- Ta không biết và chẳng có ai tận mắt
thấy và biết!
Bậc Đại Chúng Sanh cất giọng dõng dạc
của một vị quan tòa:
- Hãy nghe đây! Ngài là bậc minh quân
của thiên hạ! Là chúa của nhân gian! Là mặt trời của quốc độ! Là cán cân cho bá
tánh! Là đại diện cho công lý, cho pháp (dhammo)! Tuy không thấy, không biết
(và chẳng ai thấy và biết) những con chó nào là thủ phạm đã ăn yên cương bằng
da; mà vẫn ra lệnh tàn sát tất cả chó được thấy trong quốc độ; như vậy có đúng
“pháp” không, có hợp lẽ phải không, thưa bậc nhơn chủ chí tôn?
Bị buộc tội một cách đanh thép, hợp
pháp và không có kẻ hở; nhà vua đâm ra bực bội, cất giọng oang oang nói:
- Lũ chó đã ăn nên lũ chó phải chết.
Đó là lời phán truyền tối cao của ta! Đó là quyền lực của ta, lẽ phải của ta!
Ngươi làm được gì nào?
Lời thách thức của kẻ có quyền uy và
sức mạnh không phải là điều dám coi thường; bậc Đại Chúng Sanh tự nghĩ:
“- Đức vua đã tức tối, đã giận dữ vì
tự ái và kiêu ngạo. Sự sáng suốt đã bị mây che. Ta hãy tìm phương tiện cho đức
vua hoan hỷ bằng tư cách nhẫn nhục của ta”. Bèn nói:
- Nếu vì những lời nói ngay thật kia
mà xúc phạm đến oai đức thì xin đức vua cho tôi được sám tội!
Bậc Đại Chúng Sanh quỳ xuống, chấp hai
chân trước, lạy đúng ba lạy rồi phủ phục dưới chân vua không dám nói một lời
nào nữa.
Thấy thái độ ấy, tự ái được vuốt ve,
đức vua đẹp dạ nên sự giận dữ đã tiêu tan:
- Ta cho phép ngươi nói hết những điều
muốn nói.
Bậc Đại Chúng Sanh lại nghĩ thầm:
“- Bây giờ ta phải bắt đầu lựa lời
khôn khéo như trương ra một cái bẫy bằng vàng ròng. Sau đó, ta sẽ không dừng
lại. Sức mạnh của pháp là phải cuốn phăng những cái bất chánh. Phải dũng mãnh
dùng trí tuệ như lưỡi gươm vô địch đánh bại và bứt tung những tâm niệm bất
thiện của đức vua. Phải chuyển hóa y một cách tức khắc.”
- Thưa bậc nhơn chủ! Hai trăm bộ yên
cương bằng da quý báu ấy, bọn chó nào đã ăn thì phải bị trừng phạt một cách
xứng đáng. Làm như vậy mới chứng tỏ đức vua chính trực và công minh xiết bao!
Nhà vua vuốt râu cười ha hả:
- Cho đến bây giờ ta mới thấy ngươi
nói một câu nghe được!
- Thưa thiên tử – Bậc Đại Chúng Sanh
nói tiếp – Tôi hơi tò mò vậy chẳng hay tất cả chó đều phải bị đền tội, hay có
một số được ngoại trừ?
- Có chứ! Vua đáp – Mấy ngàn con chó
săn cao sang thuộc nòi giống tốt, đầy đủ về dung sắc và sức mạnh của ta đều
được tha mạng.
Bậc Đại Chúng Sanh vẫn ôn tồn:
- Tâu đại vương! Chỗ này tôi nghe
không được rõ ràng; hay có sự nhầm lẫn nào đây? Trước thì ngài bảo ra lệnh giết
tất cả loài chó, bây giờ thì ngài bảo ngoại trừ mấy ngàn chó săn thuộc giống
dòng cao sang trong cung điện. Sao kỳ lạ như thế? Hay ở bên trong đại vương còn
có thâm ý cao xa mà tôi chưa hiểu thấy chăng?
Đức vua lúng túng ngồi thừ ra chưa
biết trả lời sao cho ổn.
Bậc Đại Chúng Sanh tự nghĩ:
“- Lao đã phóng ra rồi. Đây là mũi
nhọn quyết định cho cuộc tiến công cuối cùng. Nếu đức vua nổi giận thì ta đành
hy sinh thân mạng tạm bợ này. Nếu đức vua không giận thì ta sẽ dễ dàng cảm hóa
ngài. Và đấy là do nhờ phước báu của phần đông sanh chúng. Ta hãy theo lao.”
Với dòng máu chánh khí sôi trào cuồn
cuộn trong lồng ngực, bậc Đại Chúng Sanh cất cao lời như tiếng vọng của chân lý
lồng lộng giữa từng không:
- Hỡi đức nhơn chủ tối cao và quý mến!
Nếu sự việc đúng là như vậy thì chính ngài đã thực hiện bốn sở hành vô lý
(agatigamanam) và bất thiện, đầy đủ dục, nộ và si. Tức là thiên vị, ghét bỏ,
kiêu căng và không minh mẫn. Những sở hành như vậy là không thích đáng, không
hợp với chánh trí, chẳng phải pháp, không đúng với vương pháp (ra±gadhamo);
chính là con đường ngược, lộ trình đau khổ, trầm luân pháp, địa ngục nóng, phi
đạo đức! Ôi đức vua nhân từ! Uổng thay! Tiếc thay!
Đức vua đã bắt đầu thấy mình sợ hãi,
đã nhìn ra tội. Tay và chân ngài đã lạnh ngắt.
Bậc Đại Chúng Sanh tiếp tục cất giọng
lời liêm khiết và vô úy hết mực:
- Kẻ thừa hành công lý, pháp, thì lời
nói, việc làm, ý nghĩ thảy đều quân bình. Quân bình như chiếc cân chính xác
nhất. Không thể bên thương bên ghét. Không thể dùng uy quyền và sức mạnh để đàn
áp kẻ yếu đuối, tàn sát kẻ có tội. Ma pháp, ma lộ, trược pháp, trược hạnh không
phải là sự hành trì và con đường của các đấng Chuyển Luân Thánh Vương, đức vua
phải sáng suốt để xa rời, buông bỏ ngay tức khắc tất cả mọi lầm lỗi.
Rồi bậc Đại Chúng Sanh đọc lên bài kệ:
“Nếu biết mình thiên vị
Bảo vệ một giống loài
Tàn hại phía yếu đuối
Công lý thực hành sai
Bậc thánh nhân xưa kia
Tâm quân bình tuyệt hảo
Hạnh phúc cho muôn loài
Lại nhân gieo thiện đạo”.
Nhờ duyên lành đầy đủ và năng lực của
Pháp, sau bài kệ, tâm đức vua đã được cảm hóa; ngài ôn tồn hỏi:
- Vậy này hiền trí! Thế ngươi có biết
ai là thủ phạm đã ăn hai trăm bộ yên cương da ấy không?
- Có biết – Bậc Đại Chúng Sanh đáp –
Chính mấy ngàn con chó săn thuộc nòi gióng tốt của đức vua!
Vua ngạc nhiên quá:
- Này hiền trí! Hãy nói rõ ràng cho ta
nghe!
- Thưa bậc nhơn chủ! Tại nội cung hoàn
toàn được bảo vệ này, không thể có chuyện hàng trăm đồng loại chúng tôi chui
qua ống cống vào đây được. Một vài con thì có thể. Nhưng một vài con thì làm
sao là thủ phạm của hai trăm bộ yên cương da? Chính chó của đức vua làm việc
ấy.
Vua gật đầu:
- Có lý! Có lý! Ồ! Những việc tầm
thường như vậy sao cả triều đình và ta không ai nghĩ ra. Ồ! Mà rồi sao nữa? Có
bao giờ suy luận đúng mà thực tế là sai không hở hiền trí?
- Có thể có điều đó. Nhưng thực tế là
đây: Đức vua chỉ việc cho cho người lấy một ít cỏ Dabha nghiền nát hòa với nước
sữa, cho những chó ấy uống, nó sẽ mửa ra những miếng da. Những loại da đã
thuộc, đánh bóng kỹ lưỡng làm yên cương, vào bụng năm ba ngày vẫn chưa tiêu hóa
được.
Nhà vua y lời sai người bắt chó,
nghiền cỏ Dabha và nước sữa cho uống. Quả nhiên nó mửa ra những miếng da.
Nhà vua phục quá, tán thán:
- Cao minh thay bậc hiền trí! Sự xử
kiện của ngài không thua gì một bậc chuyển luân. Ta rất bằng lòng và lấy làm
cảm phục vô cùng.
Đến đây thì đức vua chẳng còn một chút
gì để kiêu ngạo nữa, ngài quỳ xuống đảnh lễ bậc Đại Chúng Sanh rồi trang trọng
dâng một chiếc lọng trắng, phẩm vật biểu lộ sự tôn kính vô hạn.
Bậc Đại Chúng Sanh thuyết một thời
pháp nói về vương đạo, khuyến hóa đức vua rồi cho thọ trì năm giới. Cuối cùng
kết thúc bằng lời kệ:
“Dòng dõi Sát-đế-lỵ
Chiến thắng vạn hùng binh
Còn khó hơn thế nữa
Tâm, ý giữ quân bình
Hãy hành trì chánh pháp
Rạng rỡ như vầng dương
Trời người đều an lạc
Tối thượng một con đường.”
Bậc Đại Chúng Sanh trao chiếc lọng
trắng lại cho đức vua rồi từ giã. Nhưng đức vua đã thành khẩn lưu lại, lấy lễ
quốc sư phụng dưỡng ngài, lại truyền cho muôn dân phải biết tri ân và biệt đãi
chó trong nước.
Thiên pháp được tồn tại mười ngàn năm
ở xứ này.
Bậc đại chiến thắng
“Ta đã chiến thắng! Ta đã chiến
thắng!”
Tiếng la từ bờ sông Rohini vút thẳng
lên mây. Đức vua Suvera ngạc nhiên cho đoàn hộ tống dừng chân lại. Sao lạ? Ai
là kẻ hô chiến thắng trong lúc ta và đoàn quân đang rầm rộ trở về với khúc khải
hoàn ca?
“- Ta đã chiến thắng, ta đã chiến
thắng!”
Tiếng la từ bờ sông Rohini lại vút
thẳng lên mây.
- Kỳ lạ chưa? Đức vua Suvera tự nghĩ:
Tiếng hô kia không những hùng dũng mà còn toát ra sự an lạc như sự reo ca của
ngàn chiếc lá sau ngày tháng đông miên khi ánh mặt trời đầu tiên vừa ló dạng.
Hay là ai đã chế nhạo sự chiến thắng của ta? Ồ, mà chế nhạo sao được. Đúng là
một trăm lẻ một đức vua đã run rẩy quỳ mọp dưới chân ngựa của ta; và đúng là
bốn vạn viên võ tướng lừng danh khắp mấy phương trời đã cởi áo giáp quy hàng
trong lửa đỏ. Đoàn quân của ta hiên ngang đầy máu và bụi. Đoàn quân ta hùng
dũng đạp qua thành trì đổ nát, sông núi và xác người. Cỏ đã không mọc được dưới
chân ngựa của ta. Vậy thì đúng là phần ta mới xứng gọi là chiến thắng, ta đã
chiến thắng dưới gầm trời này. Thế mà, thằng nào...
- Tiểu tốt, lũ tiểu tốt – Đức vua
Suvera quát tả hữu, rung đùi rồi ghếch chân trên mình con ngựa nòi giống tối
thượng. Toán quân hộ vệ được được vua thích ý gọi là “lũ tiểu tốt” dạ rân bốn
phía – Tới đằng kia sông, trong nháy mắt lôi cổ cái thằng người nào vừa hô to:
Ta đã chiến thắng, ngu ngốc và phạm thượng ấy!
Không bao lâu, không biết là chừng mấy
cái nháy mắt, người ta dẫn về trình diện với đức vua một nông dân bình thường
như trăm ngàn nông dân hạ liệt trong quốc độ của ông, chỉ có đôi mắt là ngun
ngút toát ra tin lửa tự tin và no đầy hoan lạc.
- Cái “thằng người” dơ dáy kia! Đức
vua bốc hơi đằng miệng, giận dữ – Phải ngươi là kẻ lếu láo đã hô to: “Ta đã
chiến thắng” đầu kia sông Rohini?
- Phải – nông dân ấy gật đầu mạnh mẽ –
Tâu đức quyền uy cao cả!
Thấy sự gật đầu quả quyết của thằng
dân tôm tép bé mọn, đức vua Suvera bất giác cất tiếng cười to như xé rách cả
bầu trời.
- Thiệt là đồ xuẩn ngốc. Vua lại quát
– Này thằng người kia, ngươi có thấy đoàn quân bách chiến vô địch của ta? Đấy,
ngươi cứ đưa mắt nhìn thử xem?
Người nông dân rách rưới nghèo nàn
nhìn gươm giáo, ngựa voi, cờ xí nhấp nhô đến mãi cuối chân trời, thấy rõ là một
đoàn quân đại binh chiến thắng khải hoàn đang trở về từ những biên địa xa xăm.
Nhìn xong, y vẫn lặng lẽ không nói gì, khẽ ngước nhìn đức vua rồi lại nghiêng
đầu hờ hững.
- Sao? Vua đắc chí hỏi – Vậy thì có
phải đáng lý ra ta mới là kẻ được quyền hùng dũng hô to: “Ta đã chiến thắng!”
Người nông dân từ từ quay lại, lắc
đầu:
- Đức vua không thể là kẻ hùng dũng hô
to: “Ta đã chiến thắng!”
Vua Suvera tưởng tai mình nghe lầm,
dồn dập hỏi lại:
- Sao? Ngươi nói sao? Ta không phải là
kẻ chiến thắng ư?
- Vâng! Người nông dân nói chậm rãi –
đức vua là kẻ chiến thắng, tuy thế, chưa phải là kẻ xứng đáng để hùng dũng hô
to: “Ta đã chiến thắng”. Chính tôi mới là kẻ xứng đáng!
- Thần thánh ôi! Có nghe gì không? Đức
vua Suvera bất giác cười sặc sụa, vỗ mạnh vào bao kiếm rồi gọn gàng nhảy xuống
mình ngựa, lại cất giọng ngọt ngào – Hãy nói đi, kẻ nông dân quý mến, kẻ nông
dân thân ái à! Hãy giải thích cho rõ ràng. Nếu không – đôi mắt đức vua lửa, ánh
kiếm nháng lên như con rắn xanh – Nếu không giải thích được, thì cái đầu của
nhà ngươi sẽ lăn lóc như trái dừa khô… mà phọt máu! Như trái dừa khô mà phọt
máu!
“Như trái dừa khô mà... phọt máu!” Đức
vua lặp lai hai lần, rõ ràng là y thích cái câu đó lắm. Tuy thế người nông dân
rách rưới nghèo nàn nhìn đức vua một cách bình thản, chứng tỏ y không sợ hãi
chút nào, chứng tỏ cái đầu y không phải là trái dừa khô mà... phọt máu!
Bây giờ, người nông dân đang ngồi trên
phiến đá, xem như không có ai, nói rằng:
- Kẻ thực sự dám hùng dũng hô to: Ta
đã chiến thắng, thì kẻ đó không còn sợ ai, đấng quyền uy cao cả ạ! Ngài tưởng
rằng với sự đe dọa của gươm đao mà làm cho tôi khiếp đảm sao? Không bao giờ!
Ngay đối với Yama, với Diêm Vương, sự chết, hắn vẫn coi khinh! Vì hắn là kẻ
CHIẾN THẮNG THẬT SƯ, TRỌN VẸN và VĨNH CỬU.
Thấy thần sắc trầm tĩnh của người nông
dân, vua Suvera chột dạ, tay kiếm buông lơi. “Ồ, hắn có cái gì đây”. Đức vua tự
nghĩ: “Hắn phải có cái gì đây chứ!”
Đức vua Suvera cố dằn sự tức giận:
- Vậy thì ngươi hãy nói tiếp mau đi.
- Ta sẽ nói – người nông dân gật đầu –
nhưng đức vua cho tôi được hỏi, đức vua chiến thắng cái gì vậy?
Cố nhẫn nại, vua nói:
- Ngựa của ta không dừng vó, chiến sĩ
của ta không cởi giáp, cứ thế từ Hy Mã Lạp Sơn đến những vùng đất rộng lớn mênh
mông Gandhàra, Sàrnà phương nam Ma-kiệt-đà, hạ lưu sông Hằng, đến thượng lưu
qua các xứ man di mọi rợ Tây và Tây Bắc Ấn Độ; ta đã làm cho mấy ngàn thành trì
nên bình địa, thu phục một trăm lẻ một đức vua và mấy chục ngàn viên dũng
tướng. Như vậy từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn là con dân của ta. Đấy gọi là
chiến thắng, bạn thân mến, cuộc chiến thắng oai hùng, cổ kim chỉ có một ta!
Người nông dân thở dài:
- Chiến thắng trên máu và xác người,
chiến thắng trên sự nhục nhã và phẩn hận của kẻ khác. Thế nhưng, tâu đức quyền
uy, cái chiến thắng ấy, ngài mang theo trên người được bao lâu? Mấy trăm năm?
Mấy ngàn năm?
- Đâu nhiều vậy, đức vua ngạc nhiên
nói – Ít nhất là đến lúc ta còn cầm cương ngựa được!
- “Đâu nhiều vậy, đến lúc ta còn cầm
cương ngựa được”. Tự miệng đức vua nói thế chứ. “Đâu nhiều vậy đến lúc ta còn
cầm cương ngựa được”. Nghĩa là chiến thắng ấy có giới hạn, không trọn vẹn và
không vĩnh cửu!
Đức vua chợt “à” lên một tiếng, đôi
mắt lóe lên vừa ngạc nhiên vừa lạ lùng. Người nông dân lại tiếp:
- Và còn nữa, thưa đấng quyền uy! Sự
hùng mạnh của đức vua sẽ không còn bao lâu nữa. Vì tự miệng đức vua đã nói ra,
khi ta còn cầm cương ngựa được. Như vậy sẽ đến một lúc, điều đó sẽ xảy ra. Và
đoàn quân bách chiến vô địch sẽ không phải là bách chiến vô địch mãi!
Đức vua Suvera không nói gì. Sao lạ?
Đức vua tự nghĩ, hắn nói cũng có phần đúng đấy chứ, có ai là kẻ chiến thắng một
trăm năm, ngàn năm? Già yếu, sự chết, ồ!
- Cha mẹ, chồng con những người đã
chết, dòng họ những dân tộc chiến bại sẽ đợi đến lúc đức vua không còn cầm
cương ngựa được, quân binh đức vua suy yếu, họ sẽ liên kết lại, vùng lên, một
trăm lẻ một quốc độ sẽ tràn vào một lượt như cơn bão lửa. Và thưa đức vua, họ
sẽ rần rộ, ào ào, như lốc cuốn tấn công vây chặt thành trì của đức vua đến nỗi
môt con kiến cũng không thể thoát được. Và như vây, thưa đức vua, khi ấy đức
vua có còn hùng dũng hô to: “Ta đã chiến thắng” nữa không?
Cứ để cho đức vua thảng thốt, bàng
hoàng, người nông dân đứng dậy, buông từng tiếng một:
- Chiến thắng ít chục năm ấy là chiến
thắng giới hạn. Chiến thắng mà không mang theo được từ đời này qua kiếp kia, ấy
là chiến thắng phù du. Chiến thắng mà có lúc sẽ chiến bại, vậy mà đức vua dám
nói mình là kẻ được quyền hùng dũng hô to: “Ta đã chiến thắng!”
Đức vua Suvera đứng bất động nhìn đăm
đăm về phía sông Rohini. Lâu lắm, đức vua quay lại lắp bắp:
- Ta... ta...
Đức vua không nói được, lấy khăn lau
mồ hôi, thở ra một hơi dài rồi nói:
- Thế thì ngươi mới là kẻ chiến thắng
thật sự? Đời đời? Và trọn vẹn ư?
- Phải rồi. Không những chỉ có ta mà
còn những bậc tối thượng hơn thế nữa. Đó là Đức Tôn Sư của ta, các vị Thánh đệ
tử, các vị Sa-môn sống đời thoát tục. Chỉ có những vị ấy mới dám hùng dũng hô
to: “Ta đã chiến thắng”.
“Điều mới lạ này ta chưa hề được nghe
qua. Kẻ nào vậy? Những cái gọi là Đức Tôn Sư, Thánh đệ tử và những Sa-môn, họ
là những ai vậy?” Nghĩ thế, đức vua nói:
- Chưa kể đến cái gọi là Đức Tôn Sư,
Thánh đệ tử vội, ta chỉ hỏi ngươi, ngươi chiến thắng như thế nào? Tuần tự kể ta
nghe.
Người nông dân kể:
- Một thời, với cái cuốc mẻ và hạt
giống, ta trồng một thửa ruộng, lúa lên xanh, hạt chín vàng, thế nhưng ta vẫn
không đủ no, áo vẫn không đủ mặc. Hôm kia, ta thấy một sa môn khất thực – với
chiếc y vàng trang nghiêm, chói sáng, y đi từ nhà này sang nhà kia. Ta thấy nào
bánh, cơm, thục tô, đề hồ, sữa lần lượt được người ta bỏ vào bát bằng hai tay
chắp lại. Ta nhìn cái cuốc mẻ, tự nghĩ: “Hãy chiến thắng cái cuốc”. Thế là ta
quẳng cái cuốc mẻ vào trong xó nhà và đi theo đoàn sa môn. Ta cũng mặc y vàng,
được ăn no, nhưng ta vẫn nhớ cái cuốc mẻ. Nhớ không chịu được, ta bèn cởi y, bỏ
bát, vội chạy về xó nhà lấy cái cuốc ra. Ta sung sướng cuốc đất, trỉa hạt
giống. Ôi! Thế là ta đã không chiến thắng được cái cuốc mà cái cuốc lại chiến
thắng ta! Lúa lại lên xanh, lúa lại chín vàng. Nhưng cơm vẫn không đủ no, áo
vẫn không đủ mặc, ta không được an lạc! “Hãy chiến thắng cái cuốc! Hãy chiến
thắng cái cuốc!” Lần thứ hai, ta nghĩ. Nếu ngươi không chiến thắng cái cuốc
ngươi sẽ cơ hàn. Do sự cơ hàn, ngươi sẽ không an lạc. Lần này cái cuốc lại được
ta quẳng sau nương rồi đi theo đoàn sa môn. Hàng ngày sau khi khất thực xong,
ta ngồi thiền định, cái cuốc lại hiện ra. Ôi! Cái cuốc thân yêu. Ta nhớ cái
cuốc quá, nhớ không chịu được, ta bèn bỏ y bát, chạy về nương lấy cái cuốc, ta
lại sung sướng cuốc đất, trỉa hạt giống. Ôi, thế là ta bị chiến bại một lần
nữa. Hai lần chiến bại phải thế không đại vương?
- Phải rồi, đức vua gật, ngươi đã
không chiến thắng.
Người nông dân đi tới đi lui.
- Đức vua nói đúng xiết bao. Ta đã
không chiến thắng, ta, hai lần chiến bại. Mà không những thế đâu, nó lại đánh
bại ta liên tiếp, trận này qua trận khác. Lần thứ ba, ta quẳng ở xó vườn, lần
thứ tư quẳng dưới ao, trong bùn, lần thứ năm ta chôn dưới cội cây. Ta liên tiếp
bị đánh bại sáu lần một cách nhục nhã.
Người nông dân nói thế xong, im lặng
đột ngột.
Đức vua Suvera hỏi:
- Ngươi chưa nói rõ lý do và trường
hợp chiến thắng?
- Ta sẽ nói, tâu đức vua. Lần thứ bảy,
ta tự nghĩ: Ta chiến bại vì ta còn thấy cái cuốc, còn tìm ra cái cuốc. Vậy thì
ta làm sao cho cái cuốc mất tích. Thế rồi, sáng nay, ta đang đứng tại bờ sông
Rohini, định quăng cái cuốc xuống sông. Nhưng mỗi lần định quăng, ta cứ chùn
tay lại. Ta đăm đăm nhìn cái cuốc. Ta không nỡ. Hồi lâu, ta bặm môi lại, định
quăng, nhưng lại thối lui. Ta thương yêu cái cuốc quá đi. Sau rốt, một ý chí
bốc lên bừng bừng mãnh liệt, ta nhắm mắt lại, xoay người ba vòng, lấy hết sức
mình, ta quăng cái cuốc đi. Khi mở mắt ra, ta không còn nhìn thấy cái cuốc ở
phương nào nữa. Dẫu có muốn tìm thì cũng chẳng biết đâu mà tìm. Sung sướng quá,
một niềm hỷ lạc dâng lên no đầy cả tâm hồn, muốn bay bổng lên cả mấy từng trời.
Ta hét to như tiếng sấm nổ tận thế: “Ta đã chiến thắng, ta đã chiến thắng.”
Đến ngang đây, người nông dân quay qua
đức vua:
- Như vậy thì trường hợp này, ta có
thể hùng dũng hô to: “Ta đã chiến thắng”?
- Có thể được - đức vua gật.
Người nông dân mỉm cười:
- Chỉ ngay cái chiến thắng ấy cũng đã
tối thượng mười sáu lần hơn chiến thắng của đức vua rồi. Huống hồ ta còn cái
chiến thắng khác.
- Ngươi hãy nói cái chiến thắng khác
đi, vì chiến thắng kia tầm thường xiết bao. “Chiến thắng cái cuốc”, ngươi nói
vậy mà không hổ thẹn ư?
- Đức vua tưởng thế! Chiến thắng kia
không tầm thường chút nào!
- Hãy nói ta nghe.
- Dạ vâng, ta sẽ nói. Trước khi nói ta
xin được hỏi: Đức vua yêu cái gì nhất?
Đức vua Suvera ngần ngừ giây lát. Tự
nghĩ, ồ, ta yêu cái gì nhất nhỉ: Hoàng hậu? Cung nga thể nữ? Châu báu trần
gian? Ồ, ta có yêu, nhưng yêu ít thôi, không thể gọi là yêu nhất được. Quyền
uy, phải rồi. Quyền uy...
Đức vua nói:
- Ta yêu quyền uy nhất.
Người nông dân mỉm cười:
-Đức vua thì yêu quyền uy nhất, còn ta
là người nông dân, ta yêu cái cuốc nhất. Tâu đức vua, nhưng ta đã dám quẳng cái
ta yêu nhất, ấy là cái cuốc; còn đức vua có dám quẳng cái đức vua yêu nhất, là
cái “quyền uy”? Được chăng? Đức vua đã từng bao giờ quẳng cái quyền uy trong xó
nhà? Ngoài nương? Cuối vườn? Dưới ao? Ngoài nghĩa địa? Dưới cội cây? Dưới sông?
Cả thảy 7 lần như thế chưa?
Đức vua Suvera bối rối:
- Ta... ta... chưa hề nghĩ tới.
Người nông dân cười to nhưng vẫn dịu
dàng:
- Vậy thì rõ ràng ở phương diện này
thôi, đức vua đã thua ta rồi!
Càng lúc càng thấy nhiều điều mới lạ.
Đức vua thấy thú vị trong câu chuyện với người nông dân, nên mỉm cười:
- Thôi được. Ta cho ngươi được phép
hơn ta. Nhưng mà “chiến thắng cái cuốc”. Ôi sao mà nghe nó kỳ thế?
- Không kỳ đâu – người nông dân trang
nghiêm – Nhờ quẳng cái “mình yêu nhất”, ta chợt bừng lên một ánh sáng. Nhờ ánh
sáng này, ta thấy rõ một điều kỳ diệu…
- Ngươi cứ nói – Đức vua hối hả, tò mò
– Cái gì kỳ diệu?
- Cái kỳ diệu ấy có thể chưa cần nói
cho đức vua hay. Nhưng rõ ràng sau khi thấy điều kỳ diệu, không những ta hô:
“Ta đã chiến thắng” mà còn hơn thế nữa, ta hô to: “Ta vĩnh viễn chiến thắng”!
Đức vua cau mày:
- Vĩnh viễn?
- Phải rồi – Người nông dân nhìn chăm
vào đức vua – này tâu Đại vương! Đại vương là kẻ chiến thắng giới hạn, tạm
thời, phù du, chiến thắng rồi phải bại. Còn ta là kẻ chiến thắng vô hạn, vượt
không gian, vượt thời gian, vĩnh viễn chẳng bao giờ chiến bại nữa. Vậy thì đại
vương còn dám hô: “Ta đã chiến thắng” trước mặt ta?
- Ta không cần biết điều ấy – Đức vua
nói như gắt – Ta chỉ cần biết cái gì là vĩnh viễn, cái không còn chiến bại, cái
vượt không thời gian!
- Kẻ đã chiến thắng, vĩnh viễn chiến
thắng sự chết, khổ đau – là kẻ chiến thắng trọn vẹn, vượt không, thời gian, tâu
đại vương!
Đức vua Suvera nín lặng. Mồ hôi toát
ra, đứng bất động như trụ đá giữa trời. Lâu lắm đức vua lẩm bẩm: “Dẫu ta có
chiến thắng cả ngàn quốc độ, chiến thắng quả địa cầu, chiến thắng thiên giới
thì khổ đau và sự chết vẫn đánh bại ta. Thế mà người nông dân này lại đánh bại
được khổ đau và sự chết!”
Đức vua thốt lên, vừa hân hoan vừa cảm
phục:
-
Thật là Bậc Đại Chiến Thắng!
Viên ngọc như ý
Một thời, tiền thân Phật Thích Ca làm
Thiên Vương cõi Ba Mươi Ba, thường dùng thiên nhãn xem khắp mọi nơi, hễ ai hữu
duyên là biến hóa hiện thân, dùng phương tiện trí để cứu độ.
Cõi Diêm Phù Đề, thành Ba-la-nại lúc
bấy giờ, có một vị vua tham lam và bỏn xẻn. Tuy bạc vàng châu báu dẫy đầy cung
khố mà nhà vua lúc nào cũng cảm thấy mình thiếu thốn. Quốc độ trù phú và rộng
mênh mông mà luôn đưa mắt dòm ngó sang các nước lân cận. Hai muôn cung nga thể
nữ phi tần mỹ miều, duyên dáng, ngày đêm túc trực hầu hạ vẫn không thỏa mãn
được dục vọng vô độ của nhà vua. Sơn hào, hải vị thay đổi từng bữa, từng ngày,
vẫn không đáp nổi khẩu vị của nhà vua...
Hưởng thụ thì như vậy, nhưng chưa bao
giờ đức vua ban thưởng cho ai một điều gì, bố thí cho ai một đồng nào. Thật là
một kẻ chỉ biết nhận về chứ không biết cho đi!
Dẫu vậy, nhưng y cũng có túc duyên,
hóa độ được.
Nghĩ thế xong, đức Đế Thích với thời
gian khảy móng tay đã hiện ra trước mắt đức vua trong dáng dấp một thanh niên
Chiên-đà-la rách rưới bẩn thỉu.
Vua ngạc nhiên:
- Này, này, gã Chiên-đà-la kia! Đi,
đi, đi ra, ta không có xu lẻ, ta không còn cả đồ ăn nguội! Quân đâu? Đuổi nó
đi!
Tiếng dạ rân bốn phía
Thanh niên trầm tĩnh:
- Ta không đến để xin, ta đến để cho
đức vua đấy chứ!
Nhà vua chỉ nghe được chữ “cho” mà
thôi, nên không hề để ý đến cách xưng hô ngang tàng của thanh niên. Đôi mắt
sáng rực, vua hối hả:
- Cho ư? Ồ, được! Cái gì ta cũng
thiếu. Ngươi cho ta gì nào? Mỹ nữ chăng?
Thanh niên mỉm cười:
- Hơn thế nữa.
- Ồ, châu báu hử?
- Hơn thế nữa.
Nhà vua bèn thay đổi thái độ:
- Vậy thì quân đâu? Mời ngài ngồi, và
rót cho ngài một ly nước... lạnh! Ồ, ngài cho gì nào?
Đang sốt sắng, rối tít, niềm nở, bỗng
thấy bộ quần áo rách rưới của thanh niên, đức vua vô cùng thất vọng. Sự tức
giận nổi lên đùng đùng làm cho đức vua đỏ mặt tía tai:
- Gã Chiên-đà-la láo xược. Người rách
nát thế kia, thân tàn ma dại thế nọ, vậy mà bảo cho ta ư? Cho cái gì? – Rồi
tròng mắt trợn trắng lên – Chém đầu, quân bay!
Nhà vua thở hổn hển, hai tay run run
nắm chặt lại. Thanh niên bỗng cười ha hả:
- Đức vua lầm rồi!
Nhà vua vỗ mạnh lên ngai vàng, đứng
bật dậy:
- Lầm, ta mà lầm ư? – Lại vỗ ngực –
một đức vua tài trí, giàu sang và hùng mạnh cõi Diêm Phù Đề?
Thanh niên thần sắc vẫn tươi tỉnh, nụ
cười dí dỏm vẫn nở trên môi, thò tay kéo mảnh áo rách lên:
- Thánh nhân xưa có dạy rằng: “Viên
minh châu nằm trong chiếc áo rách”. Vậy thì đức vua có muốn xem chăng? Ở đây,
sẽ có những tấm vàng mịn, rất mịn.
Nghe đến vàng, dẫu chưa biết thực hư,
đức vua từ từ ngồi xuống, chăm bẳm nhìn không nói gì.
Một tiếng “roạt” vang lên. Một tấm lá
vàng lóe lên chấp chóa. Đức vua chồm tới nom cho thật rõ, thốt lên:
- Đúng, đúng là những tấm vàng mịn,
rất mịn.
Lại đưa mắt nhìn, trợn ngược, lại
than:
- Ồ! Mà ta chưa bao giờ có được những
tấm lá bằng vàng mịn đẹp đẽ dịu dàng đến thế!
Thanh niên từ từ tiếp:
- Chưa hết đâu. Sau những tấm lá bằng
vàng mịn còn có những hạt kim cương…
- Kim cương hả? Kim cương à? Đức vua
dồn dập trong hơi thở – Kim cương thật chứ?
Thanh niên gật đầu:
- Có bao giờ mà ta lại không nói thật?
Đúng là ở đây có trăm ngàn hạt kim cương mà toàn thể châu Diêm Phù Đề chưa có
được một.
Đức vua, quần thần vây quanh không
nhắm mắt lại được nữa: những hạt kim cương cứ đổ ra từ bên sau tấm áo rách của
chàng thanh niên Chiên-đà-la. Những hạt kim cương to lớn dị thường, lóng la
lóng lánh muôn hồng nghìn tía nhảy múa đến loạn cả mắt.
Đức vua hối hả chồm tới:
- Còn nữa không? Đổ ra, cứ đổ ra nữa
xem. Càng nhiều càng tốt. Hãy cho ta thêm nữa, càng nhiều càng… tốt…!
Đức vua quỳ xuống hả hê ôm cả đống kim
cương vào lòng, reo to lên sung sướng:
- Kim cương! Kim cương vạn tuế!
Để cho đức vua chết mệt một hồi, thanh
niên cất từng tiếng:
- Bên sau những hạt kim cương, ta lại
còn...
Đức vua quay lại nhanh hơn cả loài
sóc:
- Gì nữa? Còn gì nữa hả đại nhân? Bậc
rộng lượng? Kẻ đức độ? Ôi tấm lòng ngài cao cả xiết bao? Ngài cứ ban cho ta
nhiều thêm nữa, vật quý trọng chừng nào thì người cho càng quý trọng chừng
đó...
Thanh niên cười thầm trong bụng, nói
to:
- Ngọc tỵ thủy!
- Ồ, sung sướng quá! Thứ này có thể rẽ
nước mà đi, ta chỉ mới được nghe qua trong những trang sử hoang đường. Ôi! Quý
hóa đến vô cùng vô tận. Đâu ngài hãy cho kẻ hèn hạ này xem thử coi?
Một viên ngọc xanh biếc và trong suốt
như mắt mèo hiện ra. Vua thò tay chộp lấy, nhảy cẫng lên:
- Ồ, mà ngài cho thiệt hử?
Thanh niên mỉm cười không nói gì. Một
viên ngọc rực lửa rơi xuống, chóa lên, tưởng như bốc cháy cả cung điện.
- Cái gì thế? Vua hốt hoảng la lên,
đôi mắt chằm chặp nhìn cái vật kỳ lạ.
- Đấy là ngọc tỵ hỏa, vào lửa không
cháy, vật trân bảo ấy xin dâng hiến đức vua.
Thanh niên ngưng một lúc, viên ngọc
khác rơi ra. Cứ thế, tỵ thổ, tỵ phong... những viên ngọc mà thế gian tưởng như
huyền thoại lần lượt trình diện trước những cặp mắt thèm thuồng của mọi người.
Ngọc cứ rơi ra, đức vua cứ chộp lấy.
Như ngấu nghiến. Ngộp thở. Vươn miện nghiêng lệch. Long bào xuệch xoạc. Bá quan
văn võ chôn chân tại chỗ, lặng như tờ.
Thanh niên đã ngồi chễm chệ trên chiếc
ghế da hổ, chân bắt chéo, cất giọng rõ ràng trầm ấm bằng tiếng nói của của chư
thiên:
- Những viên ngọc kia thế gian vô giá,
tuy thế, ta còn có cái trân quý hơn thế nhiều. Muôn triệu vàng bạc, kim cương,
ngọc ngà; kể cả ngàn quốc độ, vương vị… đối với nó dường như cỏ rác.
Một tiếng ồ đồng loạt khởi lên. Rồi
đột ngột im lặng. Hàng trăm đôi mắt đứng tròng.
Đức vua không còn tự chủ được, đã đến
quỳ bên chân thanh niên tự bao giờ, ngập ngọng, lắp bắp:
- Ta... ta... Hãy... cho... ta...!
- Đây mới chính là vật mà ta định cho
đức vua – thanh niên giảng giải – khi có vật này rồi thì muốn mỹ nữ, nó cho mỹ
nữ, muốn châu báu nó cho châu báu, muốn quốc độ, vương vị nó cho vương vị, quốc
độ... Nghĩa là muốn gì thì có nấy.
Bất giác, đức vua sụp xuống lạy thanh
niên, thở không ra hơi:
- Hãy... cho... ta... Ta lạy ngài vạn
lạy! Chẳng hay nó la... Nó là...
- Ngọc Như Ý.
Ba tiếng Ngọc Như Ý từ miệng thanh
niên rơi xuống giữa cung khuyết như ba nhát búa của thiên lôi gõ xuống đầu mọi
người làm cho xây xẩm.
Thanh niên từ từ đứng dậy bước đến
long án, khoan thai lấy từ đỉnh đầu ra một viên ngọc trắng tinh tinh. Viên ngọc
bắt gặp ánh sáng chợt túa ra muôn đạo hào quang, muôn vạn sắc màu lóng lánh.
Như triệu triệu ngôi sao đồng ngời lên một lượt, cung điện bỗng rực rỡ như cung
điện của trời Đế Thích. Đức vua và quần thần cảm nghe một sự mát mẻ kỳ lạ thấm
nhuần khắp cả châu thân; nó làm cho tâm hồn cảm thấy no đầy, khinh khoái và an
lạc.
Viên Ngọc Như Ý đang trước tầm mắt của
đức vua. Không chờ đợi được, vua đưa tay chộp lấy.
Bỗng, đức vua “á” lên một tiếng đau
đớn, nhăn mặt, thối lui. Viên ngọc vẫn còn nằm kia, sáng rực rỡ trên long án,
nhưng bàn tay phải của đức vua máu chảy ròng ròng. Mọi người kinh ngạc không
hiểu tại sao? Đôi mắt đức vua vẫn không rời viên ngọc, lại cố gắng bặm môi, cắn
chặt răng, thò bàn tay trái ra, chộp mạnh.
Một tiếng la lên đau đớn, như tiếng la
của một con thú bị tử thương, đức vua nhìn cả hai bàn tay máu tuôn từng giọt.
Trên long án, viên ngọc bất khả xâm phạm vẫn cứ sáng rỡ như khiêu khích.
Thanh niên chợt ồ lên một tiếng:
- Ta quên. Ta quên nói điều quan
trọng. Viên Ngọc Như Ý này vốn “kỵ tham!”. Tham lam nhiều, máu chảy nhiều. Tham
lam ít máu chảy ít. Hỡi đức vua vô tham cao cả và chí thiện, viên ngọc trân quí
không hai này, ta cung kính hiến dâng ngài...
Thanh niên cầm viên ngọc bước tới. Đức
vua hốt hoảng thối lui, xua tay lia lịa:
- Ta... ta...
Máu từ hai bàn tay của đức vua không
ngớt rỉ ra, đọng thành vũng. Thanh niên nhìn rồi khẽ à một tiếng, than dài:
- Ồ! Đáng tiếc thật là đáng tiếc! Té
ra đức vua vì tham lam quá độ nên không có duyên phần làm chủ được viên ngọc vô
giá này. Vậy hẳn để ta cho người khác.
Thanh niên quay lại. Bây giờ, bá quan,
hoàng tử, công chúa, hoàng hậu, phi tần, cung nga... đã đứng chật cả triều
phòng. Đức vua nghe thanh niên nói, sợ Ngọc Như Ý vào tay kẻ khác, hốt hoảng
chạy đến, không để ý máu đã vương vãi lấm lem khắp người.
- Nó là phần của ta!
Đức vua hét ngược, sát khí đằng đằng.
Chưa thôi, vua lại còn rút dao ra, dữ
tợn như loài thú điên:
- Ai bước tới, ta chặt đầu!
Nhìn cử chỉ, ngôn ngữ và thần sắc quái
dị của đức vua, thanh niên chán nản và ngao ngán cho tâm địa con người; nhưng
nghĩ rằng cơ hội đã đến, là thời điểm giáo hóa, bèn nói:
- Phải rồi. Là của đức vua. Ta đã hứa.
Vậy xin ngài hãy nhận.
Thanh niên trao viên ngọc, đức vua
định thò tay, nhưng chợt như vừa tỉnh ngộ:
- Ta... còn tham! Máu... máu sẽ còn
chảy nữa...
Thanh niên trầm ngâm rồi trang nghiêm
nhìn đức vua:
- Thật tình nhà vua có muốn viên Ngọc
Như Ý này chăng?
Vua gật đầu lia lịa:
- Muốn! Muốn vô cùng!
- Nhưng khốn nỗi, Ngọc Như Ý lại kỵ
tham, nhà vua cũng biết vậy chứ?
- Biết! Biết vô cùng!
- Vậy, muốn làm chủ Ngọc Như Ý, nắm
Ngọc Như Ý mà không đổ máu, cái điều kiện là như thế nào, đức vua có rõ không?
- Rõ! Rõ vô cùng! – Đức vua trả lời
như cái máy – Tham lam nhiều, máu chảy nhiều. Tham lam ít, máu chảy ít. Muốn
được Ngọc Như Ý thì phải vô tham!
- Hay quá – Thanh niên cười to – Đức
vua đã hiểu biết rành rẽ như vậy thì viên Ngọc Như Ý này thế gian ai giành phần
được. Hỡi đức vua cao cả và chí thiện, ngài có muốn hết tham không?
Đức vua đôi mắt sáng lên:
- Muốn! Muốn vô cùng!
- Vậy thì hãy thực hành những điều ta
chỉ dạy.
Đức vua hối hả trợn mắt, cầm đao đuổi
tả hữu chạy ra ngoài...
Bắt đầu từ dạo ấy, người ta thấy đức
vua tự nhốt mình trong cung cấm. Tất cả việc triều chính đều giao cho các quan
đại thần xử lý. Cung nga, thể nữ không được bén mảng tới nơi. Rõ là đức vua
đang tinh tấn thực hành những lời chỉ dạy của thanh niên để hy vọng hôm nào nắm
được Ngọc Như Ý.
Đã một lần. Hai lần. Rồi hàng chục
lần, thanh niên kỳ dị, bí mật kia trở lại, viên ngọc được đưa ra. Nhưng lạ lùng
sao, tay đức vua vừa nắm đến là từ viên ngọc như có những chiếc gai nhô ra, đâm
sâu vào tay ngài đau điếng, máu phọt ra có vòi. Dường như càng ngày cường độ
gai đâm và máu chảy càng nhiều chứ không giảm bớt. Lửa tham âm ỉ thiêu đốt đêm
ngày làm cho đức vua quên ăn, bỏ ngủ; hết kinh hành thì thiền định, hết thiền
định thì kinh hành. Sự tinh tấn và nhẫn nại ấy thật khó có người hơn được.
Cho đến hôm kia, thanh niên đến, với
Ngọc Như Ý trước mắt, nhưng nhà vua bình thản lạ lùng, nhìn thanh niên một hồi
rồi dịu dàng mỉm cười:
- Đây là Ngọc Như Ý ư?
Nói xong đức vua chậm rãi cầm lấy viên
ngọc bỏ lên lòng bàn tay, mân mê, ngắm ngía.
Lạ lùng chưa: viên ngọc giờ lại không
có gai! Đức vua đã nắm được!
- Đế Thích Thiên Vương – Đức vua mở
lời bằng thái độ hoàn toàn tự chủ – Dẫu ngài bỡn cợt ta bấy lâu nay nhưng ta
cảm kích ngài lắm, vô vàn cảm kích.
Đức vua giỡn với viên ngọc trong tay,
lại nói tiếp:
- Không tu trì, không hiểu được; không
lên đường đâu biết lộ trình gần xa? Thật khó mà tưởng tượng được rằng, viên
Ngọc Như Ý tối trân quý này, đã làm cho ta khao khát thèm muốn lại không phải
là thứ thiệt! Đế Thích Thiên Chủ ơi! Nó không phải là giả nhưng kỳ lạ chưa,
chắc chắn nó không phải là thứ thiệt. Thứ thiệt đó... quả là bất khả tư nghì,
ta cũng có một viên, ngài có muốn xem không?
Đức vua dứt lời, thanh niên cười ha
hả, hiện thành Đế Thích Thiên Vương, to lớn, oai nghiêm với rực rỡ dung sắc,
biến mất giữa hư không rồi về thiên giới.
Đức vua nhìn theo, hoan hỷ mỉm cười.
Người đàn tín
hộ trì tối thượng
Vào một thời quá khứ, Vebhaliṅga
là một thị trấn dân cư đông đúc, giàu có và thạnh mậu. Đức Phật Ca-diếp thánh
cư tại một tu viện ở đó để giáo hóa chúng Tăng. Ngài có một vị đàn tín đệ nhất
là người thợ làm đồ gốm, tên là Ghaṭīkāra.
Mặc dầu nhà nghèo, lại sanh thuộc hạ cấp, người thợ gốm Ghaṭīkāra
rất được sự tín ái của Thế Tôn Ca-diếp, vì ông ta đã thành tựu được lòng tin
bất thối đối với Phật, với Pháp, với Tăng; đã đoạn trừ năm hạ phần kiết sử
(thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ, tình dục, bất bình: đắc A-na-hàm quả) và
đang sống trong giới hạnh của bậc Thánh. Làm bạn với Ghaṭīkāra
là thanh niên Jotipāla, thuộc giai cấp khác, không có lòng tin đối với Tam Bảo.
Đã bao nhiêu lần, người thợ gốm Ghaṭīkāra
khuyên bạn của mình đến yết kiến Đức Thế Tôn – bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác,
hầu giúp bạn tiến hóa trên con đường Thánh hạnh nhưng thanh niên Jotipāla đều
tìm cách từ chối. Thợ gốm Ghaṭīkāra
không buồn, không nản; với lòng từ ái và nhẫn nại sâu xa vẫn quyết tâm khuyến
hóa thanh niên Jotipāla cho bằng được.
Một lần nọ, sau khi hầu hạ cơm nước
cho cha mẹ mù lòa xong, Ghaṭīkāra đến
thăm bạn với trang phục bình dị nhưng dung sắc rạng rỡ và tiêu sái được toát ra
từ một nội tâm không khi nào là không thanh tịnh lạc trú. Thấy Ghaṭīkāra
đến, thanh niên Jotipāla cười cười, nói: - Này bạn! Hôm nay trời đất thật là
trong sáng và mỹ diệu, thù thắng, tuyệt vời, không một mảy bụi. Hoa nở rộ,
hương thơm ngát; từng con đường cũng trong sáng, mỹ diệu, không một mảy bụi.
Thế Tôn Ca-diếp đang thánh ngụ trong một tu viện gần đây, không bao xa, hãy đi
đến đảnh lễ Ngài, ta sẽ được phúc lạc tối thượng!
Biết bạn nói chặn trước, Ghaṭīkāra
mỉm cười:
- Dòng sông mùa xuân nước cũng trong
xanh, cũng mỹ diệu tuyệt vời, không một mảy bụi. Thật là thoải mái cho ta được
bơi lội nơi ấy, được thở, được chà xát thân thể bằng bột tắm và đồ gãi lưng.
Này bạn! Hãy cầm đồ gãi lưng và bột tắm, ta sẽ đi!
Thanh niên Ghaṭīkāra
ngạc nhiên giây lát rồi gật đầu:
- Quí hóa thay, này thiện hữu! Đấy mới
thật là đệ nhất tri kỷ, tối thượng tri kỷ của ta vậy.
Nói xong, với sự nhanh nhẹn của loài
sóc, loài thỏ rừng, thanh niên Jotipāla
lấy đồ gãi lưng và bột tắm rồi cùng đi đến sông với thanh niên Ghaṭīkāra.
Người thợ gốm thầm nghĩ: Đến yết kiến Sa-môn trọc đầu ấy để làm gì? Lúc nào y
cũng hỏi lại ta như vậy khi ta có lòng từ ái muốn cho y được lợi ích, tấn hóa
trong giáo pháp của bậc Thánh. Người thanh niên này – người bạn thân mến của
ta, thật là cứng đầu lắm. Rồi ta sẽ dùng biện pháp khác đối với y, không dừng
được.”
Nghĩ vậy xong, thợ gốm Ghaṭīkāra
cố dẫn thanh niên Jotipāla đi xa hơn chỗ đã định năm đòn gánh... mười đòn
gánh...
Với sự khôn ngoan của vua loài chồn,
thanh niên Jotipāla cười ha hả:
- Hãy dừng lại ở đây, này bạn thân,
này Ghaṭīkāra quí mến! Ở đây cũng có
một đoạn sông, nước cũng trong xanh, mỹ diệu, không một mảy bụi; cần gì phải đi
xa như vậy, đến gần tu viện của Sa-môn trọc đầu với năm đòn gánh, với mười đòn
gánh?
Không biết làm sao hơn, Ghaṭīkāra
bèn dừng lại. Sau khi tắm xong, Ghaṭīkāra
– người thợ gốm nắm chặt cổ tay của Jotipāla và nói:
- Này bạn! Thật là hy hữu thay khi có
một bậc Thế Tôn, A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ra đời. Làm thân người đã khó, làm
thân người nam khó hơn, làm thân người nam mà đầy đủ các căn lại càng khó, lại
sinh nhằm thời với Đấng Pháp Vương Vô Thượng lại càng khó hơn nữa. Hãy đi! Chớ
có chần chờ, chớ có trì hoãn. Hãy đến yết kiến Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác. Thật là tốt lành, là phúc lành tối thượng cho ta được đảnh lễ
Ngài, yết kiến Ngài. Hãy đi! Chớ có lần lữa, chớ có cứng đầu!
Sau một hồi vùng vẫy bằng sức mạnh của
mình, thanh niên Jotipāla gỡ thoát tay ra được, cười lớn:
- Thôi mà bạn, vừa rồi, đủ rồi. Đừng
có nói nữa. Yết kiến bậc Sa-môn trọc đầu ấy mà làm gì? Có lợi ích gì? Có an lạc
gì? Đừng có nói nữa!
Thợ gốm Ghaṭīkāra
với sự cương quyết tối thượng, với sức mạnh được tập trung tối thượng; lần này
chàng nắm chặt búi tóc của thanh niên Jotipāla bằng cả hai tay của mình:
- Hãy đi! Này bạn Jotipāla! Thế Tôn
Ca-diếp ở tu viện gần đây, không có bao xa. Ta sẽ nắm chặt, ta sẽ lôi và kéo
ngươi đến yết kiến bậc Chánh Đẳng Giác. Dẫu tay ta có bị đốt bằng lửa, có bị
chặt bằng dao; ngươi cũng đừng nghĩ là ta sẽ thả tay ra. Ta sẽ không bao giờ
thả tay ra nếu chưa đạt được ý nguyện.
Nghe lời nói ấy, thanh niên Jotipāla
chợt dựng tóc gáy, thần sắc thay đổi; rồi ý nghĩ sau đây lại khởi sanh đến y:
“Thật là vi diệu thay! Thật là hy hữu thay! Thợ gốm Ghaṭīkāra
tuy sanh thuộc hạ cấp lại dám nắm chặt lấy búi tóc của ta bằng hai tay? Lại hăm
dọa là sẽ lôi và kéo; dẫu ta vừa mới gội đầu, dẫu ta sanh thuộc giai cấp quí
trọng hơn y? Vậy thì chắc chắn việc này không phải là tầm thường! Lại nữa, y
còn nói dẫu bị đốt bằng lửa, bị chặt bằng dao, y cũng không thả ra! Đến yết
kiến Sa-môn trọc đầu ấy thì sẽ lợi gì cho y? Ồ! Đây rõ ràng là y có tâm từ ái
đối với ta chứ không phải là không có tâm từ ái!”
Nghĩ vậy xong, thanh niên Jotipāla cất
giọng dịu dàng:
- Này bạn thân! Ta đã hiểu rồi. Ta đã
nghĩ rồi. Có phải đi đến chỗ ấy phải cần thiết có những cử chỉ đặc biệt như nắm
chặt cổ tay? Nắm chặt lấy búi tóc bằng cả hai tay mà lôi và kéo?
- Cần thiết lắm chứ – người thợ gốm
gật đầu cương quyết - thật sự là cần thiết, nếu bạn không đi! Thật là tốt lành
làm sao nếu ta được yết kiến Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác!
Thanh niên Jotipāla nhìn thần sắc
nghiêm nghị của thợ gốm Ghaṭīkāra,
nghĩ thầm: “Chưa một lần nào ta thấy y bỡn cợt với ta. Chưa một lần nào ta thấy
y lẫm lẫm uy nghiêm đối với ta như thế. Dẫu ta có sức mạnh của Tượng Vương, dẫu
ta có oai hùng như Sơn Lâm Vương, y vẫn lôi và kéo ta như thường, không có thối
thất, không có sợ hãi.”
- Vậy thì hãy thả tay ra, này bạn yêu
quí – thanh niên Jotipāla thở ra một hơi nhẹ nhàng – chúng ta sẽ đi. Chúng ta
sẽ yết kiến Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.
- Lành thay! Này bạn thân! Lành thay!
Nhưng mà như vậy đừng nghĩ là ta đã thắng ngươi. Ta là gì mà có thể thắng ngươi
được? Sự thắng là do Thế Tôn – bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Sự thắng là do
sức mạnh của thiện pháp!
Sau đó, thợ gốm Ghaṭīkāra
và thanh niên Jotipāla cùng đi đến Thế Tôn Ca-diếp. Thợ gốm Ghaṭīkāra
cung kính đảnh lễ Ngài, còn thanh niên Jotipāla chỉ nói lên những lời hỏi thăm
thân hữu.
Ngồi một bên, thợ gốm Ghaṭīkāra
chắp tay trước ngực:
- Bạch Thế Tôn! Đây là thanh niên
Jotipāla, bạn của con, bạn thân tình của con. Mong Thế Tôn thuyết pháp cho bạn
con.
Rồi Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán,
Chánh Đẳng Giác với pháp thoại, phấn khích, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ
thợ gốm Ghaṭīkāra và thanh niên
Jotipāla. Cả hai đều tín thọ lời dạy ấy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn
Ca-diếp, thân bên hữu hướng vào Ngài rồi ra về.
Như một người vừa được hóa sanh từ
giáo pháp, với lạc và hỷ đầy ắp trong tâm, với tín và trí ngời sáng trong mắt –
trên đường về, thanh niên Jotipāla nói với thợ gốm Ghaṭīkāra:
- Bạn hỡi! Tại sao khi nghe pháp này,
một thời pháp chưa từng được nghe, một thời pháp vi diệu, thù thắng, lại có thể
không xuất gia? Có thể như vậy được chăng?
Thợ gốm Ghaṭīkāra
nắm chặt tay bạn:
- Jotipāla thân ái! Jotipāla thân yêu!
Jotipāla kính mến! Phải lắm. Với thời pháp tối thượng hy hữu ấy, ngoại trừ
những ai không có tai. Còn ngoài ra, tất phải xuất gia trong giáo pháp nầy của
Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác.
Lần thứ hai, thanh niên Jotipàla hỏi,
lần thứ hai thanh niên Ghaṭīkāra trả
lời. Lần thứ ba, thanh niên Jotipàla hỏi như vậy, lần thứ ba thợ gốm Ghaṭīkāra
trả lời như vậy.
Thanh niên Jotipàla chợt quay lại
nhanh như sự xẹt xuống của một ngôi sao, nắm chặt vào cổ tay thợ gốm Ghaṭīkāra
với sức mạnh chưa từng được thấy:
- Thế tại sao bạn không xuất gia? Hay
là ta phải nắm chặt cổ tay bạn, nắm chặt búi tóc bạn rồi kéo bằng sức mạnh của
trăm con voi to, bằng sức mạnh của ngàn con voi to?
Thợ gốm Ghaṭīkāra
chợt phì cười rồi cất giọng dịu dàng, từ ái như tiếng nói của Phạm Thiên:
- Này bạn Jotipāla kính mến! Bạn không
biết tôi sao? Tôi còn có cha mẹ già mù lòa cần phải phụng dưỡng.
Thanh niên gật đầu:
- Tôi hiểu. Còn tôi? Tôi sẽ xuất gia,
từ bỏ gia đình, sống không gia đình.”
Thế rồi, hôm sau, thanh niên Jotipāla
được thợ gốm Ghaṭīkāra dẫn đến Thế Tôn
Ca-diếp, xuất gia, thọ Đại giới, sống đời phạm hạnh.
Thanh niên Jotipāla xuất gia chưa được
bao lâu, chừng nửa tháng, Thế Tôn Ca-diếp từ thị trấn Vephanninva du hành đến
xứ Ba-la-nại, trú tại Isipatana ở vườn Nai. Vua xứ Kāsi tên là Kikī, sau khi
được nghe Thế Tôn Ca-diếp đang ngụ tại vườn Nai; liền cho thắng các cỗ xe mỹ
diệu, thù thắng; với nghi vệ của bậc Đại vương, ra khỏi thành Ba-la-nại để yết
kiến bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Tại chỗ xe không còn đi được, vua xứ Kāsi
bèn xuống đi bộ đến chỗ Thế Tôn Ca-diếp đang ngự trú.
Sau một thời pháp vi diệu, làm cho
phấn khích, làm cho thích thú, làm cho hoan hỷ vua xứ Kāsi – Thế Tôn im lặng
nhận lời mời của vua ấy vào ngày mai sẽ đến dùng cơm với đại chúng tỷ-kheo.
Kikī - vua xứ Kāsi từ chỗ ngồi đứng dậy, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Đêm đã mãn, tại trú xứ của mình, vua
xứ Kāsi cho bày soạn các món ăn thượng vị loại cứng mềm: Cơm thù thắng, các
loại cà-ri thù thắng; các loại bánh bao, bánh hấp, bánh gói thù thắng; các món
gia vị thù thắng; các thức ăn phụ tùng béo, ngọt và bùi thù thắng rồi báo thì
giờ cho Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác: “Bạch Thế Tôn, giờ đã
đến, trai phạn đã sẵn sàng.” Rồi Thế Tôn Ca-diếp vào buổi sáng, mặc y, đắp đại
y ngời sáng như sắc vàng chói của Kim mao Sư vương cầm bát đến trú xứ của vua
Kāsi. Đến nơi, Ngài ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn với đại chúng tỷ-kheo. Vua
Kāsi đã tự thân kính hầu, làm cho đẹp dạ chúng tỷ-kheo với Thế Tôn là vị cầm
đầu bằng những món ăn thù thắng đó. Khi Thế Tôn tay vừa rời khỏi bát, vua xứ
Kāsi lấy một chiếc ghế rồi ngồi xuống một bên hiệp chưởng cung kính:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời
mời của con, an cư mùa mưa tại Ba-la-nại, sẽ có sự cúng dường như vậy cho chúng
tỷ-kheo.
- Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi, Đại
vương. Ta đã nhận lời An cư mùa mưa rồi.
Được thỉnh lần thứ hai, lần thứ ba,
Thế Tôn Ca-diếp vẫn trả lời y như cũ. Vua xứ Kāsi tự tâm ưu sầu và phiền muộn
với ý nghĩ: “Thế Tôn đã không nhận lời mời của ta đã làm cho ta mất an lạc. Thế
Tôn không nhận lời mời của ta đã làm cho ta mất an lạc, chẳng hay, Ngài đã có
người hộ trì tối thượng, một đàn tín tối thượng hơn ta? Một bậc Đại vương giàu
có, uy quyền và danh tiếng lẫy lừng?”
- Bạch Thế Tôn! Có thể như thế được
chăng? Trên quốc độ này, trên trần gian này, Thế Tôn và đại chúng tỷ-kheo lại
có một đại thí chủ khác, với công đức hộ trì thù thắng hơn con, Kikī – vua xứ
Kāsi?
- Đại vương! Đừng có ưu phiền! Đừng có
thất vọng!
Với giọng buồn bã, với một hơi thở
dài, vua xứ Kāsi nói:
- Làm sao mà con không ưu phiền và
thất vọng cho được, bạch Thế Tôn! Khi con biết rằng Thế Tôn và đại chúng
tỷ-kheo đã có người đàn tín mà kim cương và hột xoàn, ngọc ngà và vàng bạc to
hơn cung khố của con - Kikī, vua nước Kāsi!
- Không phải vậy, Đại vương. Nhưng ta
cũng nói là ta đã có người đàn tín hộ trì tối thượng. Đại vương! Đừng có ưu
phiền! Đừng có thất vọng!
- Làm sao mà con không ưu phiền và
thất vọng cho được, bạch Thế Tôn! Khi con biết chắc rằng trên trần gian này còn
có kẻ ở ngoài uy quyền của con, còn có người mà danh tiếng vượt thoát ra ngoài
bổn quốc? Lành thay! Thế Tôn và đại chúng tỷ-kheo đã có người đàn tín hộ trì
tối thựợng!
- Không phải vậy, Đại vương! Nhưng ta
cũng nói là ta đã có một đàn tín hộ trì tối thượng. Đừng có ưu phiền! Đừng có
thất vọng!
Đến đây, Kikī - vua xứ Kāsi ngạc nhiên
với đôi mắt mở lớn:
- Bạch Thế Tôn! Xin Thế Tôn cho con
được nghe!
- Đại vương! Ta sẽ nói.
- Lành thay, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn Ca-diếp nói như sau:
- Đại vương! Có một thị trấn tên là
Vebhaliṅga, tại đấy có người thợ gốm
tên là Ghaṭīkāra, rất nghèo, sanh
thuộc giai cấp thấp kém, sống trong căn nhà cỏ với cha mẹ mù lòa...
Vua xứ Kāsi cảm thán thốt to lên:
- Thật là hy hữu thay! Thật là hy hữu
thay, bạch Thế Tôn! Có thể như thế được ư? Là đàn tín hộ trì tối thượng?
- Đại vương, phải rồi. Đấy là đàn tín
hộ trì tối thượng của ta trong mùa mưa an cư này!
Một ý nghĩ chợt khởi lên trong tâm của
nhà vua: “Có nguyên nhân thù thắng chứ không phải không có nguyên nhân thù
thắng, Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác mới lặp đi lặp lại mãi
như vậy.”
- Bạch Thế Tôn! Con đang kính cẩn lắng
nghe với tâm định tĩnh chứ không phải không định tĩnh.
- Đại vương! Thợ gốm Ghaṭīkāra
dẫu là nghèo nàn, lại sanh thuộc hạ cấp nhưng đã qui y Phật, Pháp, Tăng, đã từ
bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ những
đắm say rượu men, rượu nấu... Đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, một người như
thế có đáng được gọi là đàn tín hộ trì tối thượng chăng?
- Bạch Thế Tôn, có thể được!
- Lại nữa, này Đại vương! Thợ gốm Ghaṭīkāra
dẫu nghèo nàn, dẫu sanh thuộc hạ cấp nhưng đã thành tựu lòng tin đối với Tam
Bảo, thành tựu các giới luật của bậc Thánh, không có một nghi ngờ nào đối với
khổ, với khổ tập, với khổ diệt, với con đường đưa đến khổ diệt. Này Đại vương!
Thợ gốm Ghaṭīkāra ăn mỗi ngày một bữa,
sống thiện hạnh, theo thiện pháp. Thợ gốm Ghaṭīkāra
từ bỏ ngọc và vàng, không nhận vàng và bạc. Với trí tuệ, với lòng dục được đoạn
trừ, với thánh hạnh thanh tịnh mạng, vị ấy tự nuôi sống mình bằng nghề thợ gốm.
Dẫu là nghề gốm nhưng y không tự tay cuốc và đào; vị ấy lấy đất từ những bờ đê
sạt lở, lấy đất từ những chỗ do chuột và cáo đào lên – để nặn lên những chén,
bát, chum, vại... cùng những đồ dùng bằng đất khác. Này Đại vương! Đại vương
nghĩ thế nào, một thiện nam cư sĩ như vậy có đáng được gọi là đàn tín hộ trì
tối thượng chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có thể được.
- Lại nữa! Này Đại vương. Thợ gốm Ghaṭīkāra
với những đồ gốm được nắn, nung thiện xảo, có hoa tay, tốt đẹp do mình làm ra;
không đổi bằng vàng và bạc, không đổi bằng tiến giấy và tiền kẽm, không đổi
bằng tiền đồng và tiền xu. Khi có người đến, vị ấy nói: “Này bà con! Này thiện
hữu kính mến! Hãy lấy đi bất cứ vật gì mà mình muốn, mình thích, mình sử dụng
được; rồi bỏ vào đây một ít thôi, một trong các loại: một vài nhúm hạt gạo có
vỏ, một vài nhúm các hạt đậu, ít củ khoai, vài củ sắn, củ nâu, củ chuối, muối,
vừng, hoặc bất cứ thứ gì ăn được mà bà con có sẵn... chớ có mua! Đừng có mua và
bán!” Này Đại vương, bằng cách ấy, thợ gốm Ghaṭīkāra
sinh sống không có ác mạng, phụng dưỡng cha mẹ mù lòa. Đại vương nghĩ thế nào,
có đáng được gọi là đàn tín hộ trì tối thượng chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có thể được.
- Lại nữa! Này Đại vương, thợ gốm Ghaṭīkāra
đã dập tắt năm hạ phần kiết sử, đã hóa sanh vào cõi của bậc Thánh, trọn đời
này. Này Đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, có đáng được gọi là đàn tín hộ trì
tối thượng chăng?
- Bạch Thế Tôn! Một phần năm như vậy
cũng đã đáng được cung kính, lễ bái, cúng dường, cũng đã xứng đáng được gọi là
người đàn tín hộ trì tối thượng.
- Này Đại vương! Một thời, ở thị trấn
Vebhaliṅga, với đại y vắt vai, với
bình bát cầm tay, ta đi đến căn nhà cỏ của Ghaṭīkāra
rồi hỏi vọng vào: “Thợ làm gốm, người đàn tín hộ trì đi đâu?” Bạch Thế Tôn –
cha mẹ mù lòa của Ghaṭīkāra trả lời –
y đã đi khỏi và có dặn rằng: “Nếu Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán, Chánh Đẳng
Giác có đến đây thì hãy lấy cháo từ nơi nồi, hãy lấy đồ ăn từ nơi chảo mà
dùng.” Rồi ta, này Đại vương, sau khi lấy cháo từ nơi nồi, lấy đồ ăn từ nơi
chảo; ăn xong, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Trở về, thấy trong bếp đã mất
phần cháo và đồ ăn, thợ gồm Ghaṭīkāra
bèn hỏi mẹ. “Này con – người mẹ trả lời – Thế Tôn Ca-diếp – bậc A-la-hán, Chánh
Đẳng Giác, sau khi lấy cháo và thức ăn ấy, ăn xong, đã đi.” Nghe vậy, thợ gồm
Ghaṭīkāra thốt to lên: “Thật là hy hữu
thay cho ta! Thật là lợi ích thay cho ta, khi được Thế Tôn Ca-diếp – bậc
A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đặt trọn lòng tin tưởng đến ta như vậy!” Rồi này Đại
vương, thế là hỷ lạc được phát sanh suốt nửa tháng không rời khỏi trong tâm của
người thợ gốm; hỷ lạc được phát sanh suốt một tuần không rời khỏi tâm của cha
mẹ mù lòa...
- Thật là tối thượng hy hữu! Thật là
hy hữu tối thượng!
- Lại nữa! Này Đại vương, ta trú ở
Vebhaliṅga, lúc bấy giờ cốc của ta bị
mưa dột, ta gọi các tỷ-kheo: “Hãy đi! Này các tỷ-kheo, hãy đến nhà thợ gốm Ghaṭīkāra
xem thử có cỏ hay không?” Một hồi lâu, các tỷ-kheo trở lại đáp: “Bạch Thế Tôn,
không có cỏ, nhưng có mái cỏ trên nhà của thợ gốm ấy.” “Hãy đi! Này các tỷ-kheo
- ta nói - Hãy đến rút cỏ trên mái của ngôi nhà ấy rồi mang về đây lợp lại cốc
cho ta.” Mẹ của thợ gốm thấy vậy, bèn hỏi: “Quí vị là ai mà tự tiện đến đây rút
cỏ trên mái của ngôi nhà?” – Này đại tỷ – các tỷ-kheo đáp – ngôi nhà của Thế
Tôn Ca-diếp bị mưa dột”. “Vậy thì hãy lấy đi, chư hiền giả! Vậy thì hãy lấy đi,
chư hiền giả!” Mẹ của Ghaṭīkāra hối hả
nói. Trở về, thấy nhà của mình trống trơn, hứng lấy bầu trời làm mái nhưng
không hề có một giọt mưa, giọt nắng nào rơi vào; ngạc nhiên, Ghaṭīkāra
hỏi, được cha mẹ trình bày tự sự. Cũng như lần trước, thợ gốm Ghaṭīkāra
phát sanh hỷ lạc nửa tháng, cha mẹ Ghaṭīkāra
phát sanh hỷ lạc một tuần. Và như vậy, này Đại vương, đó là câu chuyện về người
đàn tín hộ trì tối thượng của ta – Ghaṭīkāra
thợ gốm nghèo nàn, sanh thuộc hạ cấp ở thị trấn Vebhaliṅga.
Kikī - vua xứ Kāsi nghe xong, hân hoan
phát sanh, hỷ lạc phát sanh, thốt lên:
- Thật là lợi ích thay! Thật là hy hữu
thay! Thật là thù thắng thay câu chuyện về người đàn tín này, bạch Thế Tôn, Thế
Tôn đặt trọn lòng tin là phải lắm. Bạch Thế Tôn! Trăm phần, ngàn phần công đức
của con, sự hộ trì của con - vua xứ Kāsi giàu sang, uy quyền và danh tiếng cũng
không bằng được Ghaṭīkāra – người thợ
gốm ấy.
Vua xứ Kāsi ngay ngày hôm sau, với
khoảng năm trăm xe gạo có vỏ và không vỏ, thực phẩm khô và đồ ăn cho chở đến
nhà của người thợ gốm Ghaṭīkāra.
- Này tôn giả, này bậc hiền trí! Hãy
thọ nạp tất cả những thực phẩm này để bố thí, cúng dường hoặc làm bất cứ công
việc từ thiện nào mà tôn giả nghĩ là phải lẽ. Những thực phẩm này là của đức
vua Kāsi, nay là của tôn giả, mong tôn giả nhận cho!
- Nhà vua rất nhiều phận sự, rất nhiều
công việc cần phải làm, thật là vừa đủ cho tôi, thật là phải lẽ cho tôi khi
được nhà vua nghĩ đến như thế này.
Người thợ gốm Ghaṭīkāra
hết tuổi thọ, mệnh chung, hóa sanh vào cõi trời Tịnh cư, cùng với tâm an lạc
của bậc Thánh.
Thanh niên Jotipāla – bạn thâm tình
của người thợ gốm là tiền thân của Đức Phật Thích-ca vậy.
Tâm lành quả tốt
Thuở xưa, đã lâu xưa quá rồi, thuở Đức
Phật Ca-diếp còn tại thế, ở một thôn làng ven chân núi Tuyết có hai vợ chồng
làm nghề kiếm củi độ nhật.
Họ nghèo, nghèo lắm. Tuy nghèo nhưng
họ vẫn sống đời đức độ hiền lương. Hiếm nỗi, đã lớn tuổi mà không con nên hai
vợ chồng thường nhìn nhau thở vắn than dài.
Hôm kia đi qua làng một đạo sĩ xin ăn.
Do nhân duyên tiền kiếp xa xăm nên hai vợ chồng phát tâm để bát cúng dường.
Vị đạo sĩ sau khi nhận vật thực, nói
lời chúc phúc:
- Các người hãy ghi dạ: “Tâm lành, quả
tốt”. Hãy làm các việc lành. Hãy tạo các công đức.
Hai vợ chồng thành kính nói:
- Chúng tôi đã lớn tuổi mà chưa con.
Xin đạo nhân ban cho lời chỉ dạy.
Vị đạo sĩ nhìn hai vợ chồng một hồi
rồi ôm bát, chống gậy bước đi, nói vọng lại:
- Tâm lành, quả tốt. Hãy làm các việc
lành. Hãy tạo các công đức.
Từ đó, nhớ lời dạy bảo của vị đạo sĩ,
hai vợ chồng người tiều phu chí thú làm ăn và tích cực giúp đỡ mọi người. Ai
bệnh hoạn họ săn sóc thuốc men. Ai lỡ đường họ cho ở trọ. Họ nhường cơm sẻ áo
cho những kẻ cơ hàn. Họ đùm bọc, an ủi những người cô quả, già nua. Thấy con
vật bị thương họ ân cần băng bó, vuốt ve. Họ sưởi ấm cho cả những cánh chim khi
đông về giá lạnh.
Không bao lâu sau, mối thiện tâm và
lòng từ ái của hai người đã lớn rộng bao trùm cả một vùng. Người và vật thảy
thảy được tắm mát trong dòng suối từ vô hạn của họ. Suốt mùa xuân, mùa hạ, chim
chóc các nơi tìm về đậu đầy cây, đầy nhà với những tiếng hót líu lo, ríu rít
tưởng như bất tận. Các lũ nai, khỉ, vượn, thỏ, sóc... con đứng, con ngồi, con
nằm, con chuyền nhau chơi trên cành reo vui thoải mái.
Chẳng có nơi nào bình yên, hạnh phúc,
an lạc bằng nơi góc rừng bé nhỏ xinh xinh bên chân núi Tuyết của hai vợ chồng
tiều phu nhân đức.
Năm sau, người vợ nghe tin mừng mình
đã đậu thai. Người chồng hoan hỷ, sung sướng, lại tích cực thêm trong các công
đức như xây cầu, đắp đường, bố thí... Trong thời gian này thì đời sống họ đã no
đủ lắm rồi. Có thể họ không cần làm mà vẫn có ăn nhờ công đức trước đây họ đã
ban bố cho mọi người. Biết bao là thứ ngon vật lạ mà kẻ này người kia biếu xén.
Biết bao trái cây ngon ngọt bổ dưỡng mà khỉ vượn mang từ rừng sâu về. Chẳng
những thế, loại thú rừng hiền lành này lại có thể đỡ đần các công việc chân tay
giúp hai vợ chồng nữa.
Đến ngày mãn nhụy khai hoa, ra đời một
lúc ba trẻ khôi ngô tuấn tú, giống nhau như ba giọt nước. Cả ba rỡ rỡ như châu
ngọc, đẹp đẽ như thiên tử nhà trời. Hai vợ chồng làm lễ tạ ơn thần thánh. Nỗi
mừng biết lấy chi cân?
Năm sau, vừa chẵn thôi nôi, vị đạo sĩ
xin ăn năm xưa trở lại. Hai vợ chồng lại hớn hở để bát cúng dường, với khuôn
mặt rạng rỡ, trình bày là đã thoả nguyện ước năm xưa.
Quanh nhà, trên cây cối, chim chóc thi
nhau hót vang rân; nào thỏ, nào sóc đổ xô chạy lại bên đạo sĩ ve vẫy đuôi mừng
rỡ. Ba con vượn lớn trân trọng bồng ba trẻ ra mắt đạo sĩ nghèo nàn.
Vị
đạo sĩ gật gật đầu rồi mỉm cười nói:
- Tâm lành quả tốt, đúng vậy không
sai! Tâm lành quả tốt, mình đã nhờ nương mà tất cả sinh chúng cũng được nhờ
nương.
Hai vợ chồng kính cẩn cúi đầu.
Vị đạo sĩ tiếp:
- Vì nhân duyên hội ngộ năm xưa nên
giờ đây bần đạo sẽ đặt tên cho ba trẻ.
Rồi ngài ngửng đầu nhìn trời:
- Bần đạo là một Sa-môn không cửa,
không nhà, đang bốn phương lê gót lang thang khổ hạnh để tìm cho ra đạo lớn hầu
cứu độ cho muôn loại chúng sanh đang đau khổ. Ba trẻ ra đời trong lúc này đúng
là kẻ hữu duyên. Đúng là do nhân duyên sâu dày trong quá khứ. Ồ! Bần đạo thấy
rõ chúng rồi. Vậy bần đạo đặt tên cho ba trẻ theo thứ tự là: Trí Lợi, Ý Lợi và
Tâm Lợi.
Nói xong câu nói hàm nghĩa sâu xa,
chăm chú nhìn ba trẻ một hồi rồi đạo sĩ cất chân từ giã...
Quang âm thấm thoắt, ngày tháng thoi
đưa, ba trẻ giờ đã lớn.
Trí Lợi là anh, bất cứ công việc gì
cũng tỏ ra thông minh, khôn ngoan, sáng suốt. Ý Lợi là em kế, là một trẻ đầy ý
chí, cương nghị, dõng lực. Cùng với Trí Lợi, Ý Lợi giúp cha mẹ làm tất cả các
công việc về rẫy bái, ruộng vườn. Ngoài ra, họ còn vào rừng sâu làm gỗ, tìm
trầm. Đối với cả hai, chỉ có thành công, thạnh lợi chớ không có thất bại, thối
giảm. Nhờ vậy, chẳng bao lâu, nhà cửa, điền trang đều được mở rộng, một đời
sống hạnh phúc ấm no đã đến với gia đình.
Riêng Tâm Lợi thì hiền lành đến nhu
nhược. Về “trí”, về “ý”, Tâm Lợi không bằng được hai anh nhưng về “tâm” lại
tràn trề lai láng. Chàng thương người, thương vật đến quên ăn bỏ ngủ... Chỉ có
thế thôi. Còn các công việc khác thì vụng về, chậm chạp. Hai vợ chồng thường ái
ngại nhìn nhau thở ngắn, than dài:
- Thương người, thương vật mà đến độ
như nó thì vợ chồng mình cũng không bằng được. Nhưng vụng về trong mọi công
việc thế kia thì e rằng trong tương lai nó sẽ khổ thôi.
Thời gian sau, người chồng qua đời. Và
cũng không lâu, đến phiên người vợ. Trước giờ lâm tử, bà kêu ba con đến mà dạy
rằng:
-
“Tâm lành quả tốt”. Cha mẹ chỉ nhờ học thuộc bốn chữ đó do lời dạy bảo của một
vị đạo sĩ mà thành người, nhà cửa yên ấm và đồng thời sinh hạ được ba con. Mẹ
vĩnh biệt các con trong lúc các con chưa nên gia thất, đó là điều hối tiếc nhỏ;
nhưng các con đều đã khôn lớn, sống thuận hoà, thương yêu nhau như thế này lại
là niềm vui to lớn hơn. Mẹ chẳng còn ao ước gì nữa cả. Gia sản để lại cho các
con thì hãy cùng nhau gìn giữ, bảo bọc, chí thú làm ăn. Hãy bố thí, mở rộng
lòng từ, thương yêu người và vật.
Câu nói cuối cùng, người mẹ thều thào:
- Hãy chiếu cố đến em!
Sau khi cha mẹ đã mồ yên mã ấm, Trí
Lợi bàn với Ý Lợi rằng:
- Em ta vụng về, chậm chạp không biết
làm ăn. Nếu toàn bộ gia sản này mà hai ta đồng nhượng lại thì em ta có thể sống
trọn đời và làm các công đức. Hai ta đều có “trí” và có “ý” thì hãy chia tay
nhau đến những phương trời xa để làm ăn. “Tâm lành quả tốt” thì lo gì chúng ta
không nở mặt nở mày trong mai hậu.
Bàn thế xong, Trí Lợi và Ý Lợi mỗi
người chỉ mang theo tiền lộ phí, để thư lại cho em, không từ giã, bí mật lên
đường, hẹn ba năm sau sẽ trở lại quê nhà...
Trên đường lưu lạc tha phương, băng
đèo lội suối, khát thì uống nước sông, đói thì ăn trái cây rừng. Hôm kia, Ý Lợi
đi đến một thành phố miền biển.
Chàng luôn tâm niệm lời cha mẹ dạy:
- “Tâm lành, quả tốt. Hãy làm các việc
thiện, hãy làm các công đức.”
Không biết là bao nhiêu việc lành
chàng đã làm được trên đường đi. Đẩy giúp một chiếc xe bò đang ì ạch kéo dốc.
Gánh một gánh củi nặng cho một cụ già. Gỡ một con thú bị thợ săn sập bẫy. Băng
vết thương cho một chú nai con. Khuân đá sửa lại một đoạn đường bị nước lũ. Cho
vật thực đang ăn đến một kẻ đói. Vớt một ổ kiến đang bị trôi trên khe... Ban
đầu, làm những công việc này dường như là chàng noi gương cha mẹ. Sau rốt,
chàng cảm thấy mình tình nguyện làm, làm một cách hoan hỷ, làm một cách tự
nhiên. Quả thật chàng đã đạt đươc lạc thú khi làm các công đức.
Ngày kia, chàng đứng quan sát phu
khiêng các bao hàng nặng từ thuyền to xuống. Có một cụ già đi sau cùng, dường
như đôi chân đã run run dưới bao hàng quá lớn. Chàng đến vác giúp. Thấy một chị
phụ nữ vóc người quá mảnh mai, chàng lại đến phụ một vai. Thế là suốt một ngày,
chàng đứng đó, hết khiêng cho người này một đoạn lại khiêng giúp cho người khác
một đổi. Chàng không tỏ vẻ mệt nhọc, mà khuôn mặt vốn đã đẹp như thiên thần lại
càng rạng rỡ hơn lên vì hoan hỷ. Mọi người cảm kích nhìn chàng, chàng gật đầu
đáp trả lại bằng một nụ cười hồn nhiên như con trẻ. Người ta bắt đầu bàn tán về
anh chàng thanh niên đẹp trai kỳ dị.
Ngày hôm sau, Ý Lợi lại đến chỗ tàu cũ
và tiếp nối công việc của mình. Cuối ngày, người ta vây lại, hỏi chàng từ đâu
đến và đến đây có việc gì? Chàng thành thật trả lời, sau đó mỉm cười kết luận
rằng:
Dầu chưa có công viêc gì để tự nuôi
sống bản thân, nhưng không phải vì vậy mà không thể giúp được cái gì đó cho mọi
người xung quanh. Tâm lành thì quả tốt mà. Mẹ tôi đã từng dạy như vậy.
Chuyện đến tai ông chủ, được kêu đến
hỏi và chàng cũng chỉ trả lời được có bấy nhiêu với nụ cười rất dễ mến. Thế là
chàng được vào làm việc với cái nhìn thiện cảm của ông chủ và của nhiều người
khác. Chỉ mấy tháng sau, sự tài năng, tháo vác, lương thiện và lòng từ tâm, hỷ
tâm của chàng làm cho ông chủ yêu thương lạ lùng. Chàng được làm cai coi sóc
một trăm phu khiêng ở bến tàu. Thế là chàng cảm thấy trách nhiệm của mình nên
đã làm việc một cách hăng say, nhiệt huyết và đầy thiện chí. Chẳng bao lâu,
khắp cả bến tàu, không ai là không biết tên chàng, mang ơn chàng và thương yêu
chàng. Từ giọng nói, dáng đi, cử chỉ, nụ cười của chàng dường như ban rải cho
người ta niềm tin yêu và năng lượng thanh bình, an lạc. Ông chủ “ghiền”chàng.
Phu khiêng “mến yêu” chàng. Trẻ em “mê” chàng. Và con gái thì “tương tư” chàng.
Năm thứ hai, ông chủ gã cho chàng một
lúc hai cô tiểu thư yêu quý cùng một chiếc tàu lớn làm của hồi môn. Chàng lại
đi buôn muối và trao đổi hàng hoá, vải vóc lẫn những thổ sản đó đây khắp các
thành phố miền duyên hải. Người ta lại rủ chàng tìm ngọc trai và buôn bán ngọc
trai. Đối với chàng, chưa bao giờ nghe đến hai chữ thất bại nên cuối năm, trong
tay chàng đã có đến hàng trăm ngàn đồng tiền vàng.
Ông chủ mất, chàng được kế thừa một
gia sản lớn cùng mấy chục chiếc tàu buôn. Chưa dừng lại ở đó, chàng còn tậu một
trăm con lạc đà để thồ và vận chuyển hàng hoá giao thương với các nước vùng sa
mạc tây bắc...
Thế là Ý Lợi đã trở thành một tay “Phú
gia địch quốc” trong chưa đầy ba năm áp dụng bí quyết gia truyền: Tâm lành quả
tốt – theo như lời trăn trối của mẹ.
Hôm kia, chàng bồi hồi nhớ lại lời ước
hẹn cũ với anh và em, Ý Lợi chuẩn bị một cuộc trùng phùng huynh đệ suốt ba năm
xa cách nhớ nhung.
“- Chẳng biết anh và em ta giờ ra
sao?”
Trí Lợi lang thang vất vưởng đến một
tiểu quốc. Trên đường, chàng cũng tâm tâm niệm niệm lời cha mẹ dạy. Cũng như Ý
Lợi, chàng cũng đã làm vô lượng công đức trên đường đi.
Một buổi chiều, chàng lạc vào một kinh
thành hoa lệ, phố phường rộn rịp, đèn treo hoa kết như sao sa. Đây một nhóm
người đang sơn quét. Kia một nhóm người đang làm đường. Một nhóm khác đang
chưng bày bàn trầm hương hoa bái vọng.
“- Đâu cần thì ta có, đâu khó thì ta
làm.”
Nghĩ
thế, chẳng biết quen hay lạ, chàng hăm hở lao vào giúp mọi người. Việc khó,
chàng giúp ý kiến cho trở thành dễ. Việc nặng, chàng giúp ý kiến cho trở thành
nhẹ. Chàng hăng hái bắt tay làm với sự thông minh, sáng dạ của mình.
Người ta đưa mắt ngạc nhiên nhìn chàng
thanh niên đẹp trai lạ mặt. Chẳng mấy chốc, tiếng đồn lan xa rồi các vị bô lão
đến xin chàng ý kiến về cách thức bài trí phố phường như thế nào để đón tiếp
một vị Phật.
- Một vị Phật? Chàng ngạc nhiên hỏi
lại.
Một vị trưởng lão cặn kẽ giải thích:
- Phải rồi. Ngài, đầu tiên là một
Sa-môn không cửa, không nhà. Sau, Ngài đã giác ngộ chân lý cao cả và huy hoàng
của đời sống. Và bây giờ, Ngài đang lê gót khất sĩ khắp vạn nẻo đường để cứu độ
chúng sanh.
Trong tâm Trí Lợi chợt hiện ra hình
ảnh của vị Sa-môn năm xưa qua lời thuật lại của cha mẹ chàng. Đúng rồi! Chính
là Ngài! Vị đạo sĩ tình nguyện sống đời bần hàn xin ăn đó đây với đại nguyên
tìm cho ra phương thuốc cứu độ chúng sanh. Vậy thì phải rồi: Tâm lành quả tốt!
Nghĩ thế xong, chàng nói:
- Đối với một vị Phật, bậc Vô Thượng
như vậy thì không có hình thức đón tiếp nào cho xứng đáng được cả. Mọi hình
thức đều cần thiết, nhưng cái quan trọng hơn là: Tâm lành quả tốt – tâm dẫn
đầu, tâm sinh ra mọi nghi lễ, hình thức. Các vị tiền bối hãy như vậy thọ trì.
Chàng chỉ nói thế, không trả lời thêm,
dẫu được hỏi. Vị trưởng lão cố vấn nghi lễ và khánh tiết cũng không hiểu bèn
cùng nhau cử người đại diện đi vào nội thành.
Tiểu quốc này là Đạt Xa, Quốc vương
tên là Bố Đức. Dẫu là nước nhỏ nhưng thạnh mậu và phú cường do nhờ đức liêm
khiết, lòng nhân hậu của đức vua cũng như bá tánh. Hôm kia, đức vua nghe tin
tại Hy Mã Lạp Sơn đã xuất hiên một vị Phật, một bậc Toàn Giác, một đấng Siêu
Nhân. Ngài đã lần lượt hàng phục chúng ma suốt cả mấy trăm tiểu quốc dọc theo
thung lũng sông Hằng. Và, hiện giờ, Ngài và Tăng Chúng trên mười ngàn vị đang
du hành qua xứ xở này. Hoan hỷ và kỉnh mộ xiết bao, đức vua cho họp triều thần
lại, cử người tức tốc dùng khoái mã đến quỳ phục bên chân Đức Thế Tôn thỉnh mời
Ngài và Tăng Chúng bi mẫn quang lâm hoá độ Đạt Xa.
Đức Thế Tôn im lặng nhân lời.
Công chúa nước này tên là Đoan Nghi,
tán thán việc làm ấy của cha rồi xin phép được góp phần công đức. Nàng đích
thân đứng ra tổ chức buổi lễ long trọng này. Tuy thế, tự trong thâm tâm không
ai hiểu được cách thức nghinh tiếp một vị Phật ra sao, nên họ chỉ có việc treo
đèn kết hoa, sửa sang lại đường sá cùng bày bàn trầm hương bái vọng.
Mọi việc đang diễn tiến êm thắm, ngờ
đâu gặp chàng thanh niên đẹp như thiên thần từ đâu hiện ra, nói những lời hàm
súc biết bao ý nghĩa?
Sau khi vị trưởng lão cố vấn nghi lễ
và khánh tiết trình bày cốt cách, nghi dung, việc làm, sự thông minh lẫn lời
nói của chàng thanh niên, Công chúa Đoan Nghi nghe lòng xúc động mạnh. Một niềm
tin tưởng lẫn hỷ lạc đến với nàng.
Công chúa phán truyền:
- Xem chừng thanh niên kia là người
hiểu đạo lý sâu xa. Hãy làm theo tất cả những gì mà y nói.
Vị trưởng lão tìm gặp Trí Lợi, nói lại
lời của Công chúa rồi xin ý kiến.
Chàng hỏi:
- Thực hành tất cả những gì mà tiểu
bối nói ư?
Vị trưởng lão gật đầu mạnh mẽ:
- Phải rồi! Không sai được!
Trí Lợi cất tiếng dõng dạc:
- Để đón tiếp một vị Phật, trước tiên
là hãy chuẩn bị cái tâm. Cái tâm tức là cái tấm lòng. Hãy làm cho “chính cái
tâm”.
Vị trưỡng lão khẽ cau mày:
- Thế nào là “chính cái tấm lòng”?
Trí Lợi nói:
- Chớ giết hại, hận thù. Không được
tham lam trộm cướp, tà vạy, bất chánh... mà phải sống giữa mọi người như tình
ruột thịt huynh đệ. Điểm thứ nhất đó, hãy thọ trì.
Vị trưởng lão ngẫm nghĩ một hồi:
- Xin cho nghe điều thứ hai?
Trí Lợi nói:
- Cái tấm lòng đã chính rồi thì việc
lành sẽ từ cái tâm ấy mà ra. Hãy xuất một trăm ngàn đồng tiền vàng mua vải vóc
lương thực chẩn bần cho những kẻ đói rách ở phương đông. Hãy xuất một trăm ngàn
đồng tiền vàng mua vải vóc lương thực chẩn bần cho những kẻ đói rách ở phương
tây. Cứ như thế... phương nam, phương bắc. Đây là điều thứ hai, hãy như vậy mà
thọ trì.
Vị trưởng lão lại gật đầu.
Trí Lợi sang sảng tiếp:
- Còn điều thứ ba, mọi nghi lễ, hình
thức thì tuỳ nghi. Có hình thức nào khả dĩ xứng đáng để cung nghinh một vị Phật
được? Hơn nữa, một vị Phật, một vị Toàn Giác, một đấng Toàn Thiện chẳng bao giờ
muốn chúng ta xa xỉ về của cải, mà hãy dùng của cải sao cho hợp lẽ đạo thì
thôi. Hãy làm với tất cả tấm lòng. Hãy làm với tất cả tấm lòng.
Đến ngày, một vị Sa-môn dung sắc thù
thắng, dáng đi trầm tĩnh uy nghi như chúa sư tử lông vàng dẫn đầu hơn mười ngàn
Tăng Chúng về đến kinh đô. Đấy là Đức Thế Tôn Ca-diếp.
Tin truyền đi rất nhanh. Quốc vương,
Hoàng hậu, Công chúa cùng thị nữ hơn ngàn người cả thảy đều đi chân đất từ nội
thành bước ra. Các hàng bô lão, quí tộc đã túc trực sẵn, cùng tháp tùng đi cung
nghinh Đức Phật và Tăng Chúng.
Trí Lợi trong lúc này đã được Quốc
vương và cả triều đình sủng ái giao cho tất cả mọi công việc. Cuộc trai tăng
làm phước diễn ra bảy ngày. Đức Thế Tôn Ca-diếp tỏ vẻ tán thán đức vua và triều
thần đã làm đúng Chánh pháp; lại khen ngợi cuộc chẩn bần vĩ đại chưa từng có
song song trong cuộc lễ. Đức Thế Tôn biết rõ mọi chuyện, Ngài cho gọi Trí Lợi
đến nói rằng:
- Bánh xe Chánh pháp của Như Lai rồi
sẽ có một cánh tay công đức của con.
Trí Lợi, sau đó, được Quốc vương chọn
làm Phò mã. Và chàng trở thành một cận sự nam, một đại thí chủ trong giáo pháp
của Đức Thế Tôn Ca-diếp...
Ý Lợi trở về làm quà cho em với một
trăm con lạc đà chất đầy hàng hoá. Nhưng khi đến quê hương thì nương dâu đã
biến đổi; nhà cửa ruộng vườn đã qua tay người khác; khắp lối hoang lá rụng tơi
bời; người em giờ đã bóng chim tăm cá, biết đâu mà tìm?
Chàng gục khóc trên lối vào nhà cũ.
Khi tỉnh dậy, chàng thấp thoáng thấy một bóng vàng đứng ở trước mặt và trên
trán có một bàn tay ai âm ấm dịu dàng?
Ý Lợi mê sảng nói:
- Ai đây? Em tôi đâu? Em tôi giờ ở
đâu?
Bóng vàng khẽ cất giọng nhỏ nhẹ:
- Ý Lợi thân huynh! Đệ đây! Đệ chính
là Tâm Lợi đây!
Câu nói kia có mãnh lực đánh thức Ý
Lợi vùng đứng dậy. Chàng đã tỉnh táo hoàn toàn. Đúng là Tâm Lợi, người em út
của chàng. Chàng nghẹn ngào nắm tay vị Sa-môn, không cầm được nước mắt.
Khi ấy một chiếc xe tứ mã nạm ngọc dát
vàng từ hướng đông chạy đến. Trước sau những kẻ tuỳ tùng hộ vệ uy nghi nghiêm
cẩn. Dân chúng lũ lượt kéo ra xem.
Trí Lợi bước xuống, tất tả chạy đến
khu vườn năm xưa gọi lớn:
Ý đệ! Tâm đệ!
Cả ba gặp nhau đứng sững lại. Kẻ này
nhìn người kia. Kẻ kia nhìn người nọ. Ngơ ngác. Ngỡ ngàng.
Hồi lâu, họ chợt ôm chầm lấy nhau khóc
lóc, mừng rỡ.
Sau ba năm, ngày hẹn trở về, Ý Lợi đã
là nhà tỷ phú, Trí Lợi đã là một kim thân phò mã. Ai cũng thành công cả. Nhưng
riêng Tâm Lợi, giờ chỉ là một Sa-môn khất sĩ nghèo nàn.
Cả ba lần lượt kể chuyện mình.
Đến phiên Tâm Lợi chàng lẳng lặng
không nói gì, lâu lắm mới khẽ ôn lại chuyện cũ.
Đọc được thư hai anh, Tâm Lợi khóc mùi
mẫn. Khi nước mắt đã vơi, lòng chàng ngổn ngang trăm mối. Tình thương của hai
anh đối với chàng thế là cùng rồi.
Trước đây ỷ lại vào cha vào mẹ, sau
này ỷ lại vào hai anh, chàng chẳng làm việc gì. Chỉ có chạy nhảy vui đùa với
muông cầm điểu thú. Nay bỗng dưng đã mất cha mẹ, lại mất luôn hai anh, chàng
đâm ra lúng túng. Chàng đi tới đi lui nghĩ ngợi lan man.
Buổi sáng chàng cho chim ăn, cho thỏ
ăn. Buổi chiều chàng thơ thẩn vườn trên lại thơ thẩn vườn dưới. Đêm nằm ngủ,
Tâm Lợi bần thần lo lắng đủ mọi bề. Ôn gẫm lại lời dạy của cha mẹ, của hai anh,
chàng lẩm bẩm:
“- Tâm lành quả tốt. Cha mẹ ta nhờ bốn
chữ đó, hai anh ta cũng thực hành theo bốn chữ đó. Vậy thì ta cũng nương tựa
nơi bốn chữ đó mà lập thân thôi.”
Sáng ngày, chàng cho treo lên trước
cổng một tấm bảng đề câu:
“- Nơi đây làm tất cả các việc lành,
các công đức. Ai cần gì cứ hỏi.”
Không mấy chốc, tiếng lành đồn xa,
người ta lần lượt tìm đến. Đầu tiên, người ta xin một bữa cơm, một manh vải.
Chàng hoan hỷ cho. Những ngày hôm sau, không những xin cơm xin vải mà người ta
còn xin thêm tiền bạc. Chàng hoan hỷ cho. Cứ thế, tuỳ theo nhu cầu của mỗi
người, chàng lần lượt bố thí tiền bạc, nhà cửa, điền trang...
Chẳng bao lâu, chàng hoàn toàn khánh
kiệt, chỉ còn một manh áo che thân. Thế nhưng lòng hoan hỷ nơi chàng không vì
vậy mà thối giảm, chàng tin tưởng mãnh liệt vào bốn chữ “Tâm lành quả tốt”.
Hôm kia, xuất hiện một vị đạo sĩ to
lớn, quàng chiếc y sáng rực rỡ như vừng dương, dung sắc trang nghiêm thù thắng;
vị đạo sĩ đứng tịch nhiên bất động trước cửa, bình bát trước mặt, nụ cười an
nhiên trầm lặng.
- Kính bạch Ngài – Tâm Lợi bước ra
cung kính chắp tay thốt. Đệ tử chẳng có gì để bố thí nữa.
Đạo sĩ khẽ nói:
- Chẳng ai là “không còn gì”. Chỉ sợ
thí chủ không rộng lượng với kẻ ăn xin này thôi.
Tâm Lợi sững sốt nhìn lại mình thì
chợt thấy manh vải cuối cùng; chàng sợ hãi nói:
- Quả thật đệ tử còn một manh áo đang
mặc trên thân. Nhưng... như thế thì có bất kính với Ngài chăng?
Vị đạo sĩ cười:
- “Tâm lành quả tốt”. Lòng thí chủ
không bất kính thì của bố thí làm sao lại bất kính được?
Câu chuyện của hai người lôi kéo một
số đông đến vây kín xung quanh. Khi nghe chuyện đạo sĩ cố ý xin cả manh áo cuối
cùng, họ hét lên:
- Đồ bất nhơn. Tu hành mà bất nhơn!
Người lại nói:
- Người ta chỉ còn một cái khố rách mà
cũng đến xin. Đồ ác nghiệt!
Người lại than:
- Ôi chao! Vô lẽ rồi y sẽ trần truồng
sao?
Người ta định đánh đuổi vị đạo sĩ.
Nhưng chuyện lạ xảy ra.
Khi Tâm Lợi thò tay định cởi áo... thì
một tấm áo vàng từ đâu giữa hư không rơi xuống quàng vào người chàng. Râu tóc
chàng lại tự động rơi rụng nhẵn nhụi. Tâm Lợi đã biến thành một Sa-môn khất sĩ,
y bát đạo mạo trang nghiêm thoát tục.
Vị đạo sĩ tự nãy giờ vẫn an nhiên tự
tại đứng bên, bây giờ chợt cao lên mười trượng. Người khẽ nắm tay Tâm Lợi rồi
bay lên giữa hư không, theo đường kinh hành bằng ngọc xanh đi về phía chân trời
mất hút...
Tâm Lợi vừa kể xong thì Trí Lợi chợt
quì xuống, khẽ nói:
Chính Ngài đấy! Vị đạo sĩ nghèo nàn
năm xưa đã tế độ cho cha mẹ ta. Ngài giờ là Đức Thế Tôn Ca-diếp.
Ý Lợi khuôn mặt chợt sáng lên một cách
kỳ dị, chắp tay giữa hư không:
- “Con xin hết lòng thành kính đảnh lễ
Đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy!” Con xin nguyện được là một cận
sự nam, sẽ bỏ cả gia tài tỷ phú này để hộ trì cho Đức Thế Tôn cùng thập phương
Tăng Chúng cao cả.
Ngay khi ấy, từ bầu trời phương tây,
một Sa-môn hùng vĩ như chúa sư tử lông vàng, hiện ra; tiếng nói như Phạm âm
vọng lại:
- Tâm lành quả tốt! Tâm lành quả tốt!
Ba đời chư Phật thành tựu đạo quả Vô Thượng, bước đầu cũng chỉ có vậy mà thôi!
Tiếp theo
|