Trung Tâm Hộ Tông Trang Chủ
Tác giả:
Minh Đức Triều Tâm Ảnh
|
Thầy Châu Lâm và tôi (Bối cảnh thời gian: 1976 - 2008) Lời thưa: Trong bài này, tôi viết về thầy, về tôi... cùng với người, việc, tình, cảnh liên hệ. Tất cả đều là sự thực, nhưng qua sương khói của thời gian, ký ức... chúng có thể nhạt nhòa đi hoặc sắc nét hoặc chỉ còn ấn tượng đọng lại. Trong chập chùng cảm thức khi mờ khi tỏ ấy, tôi muốn vẽ lại chân dung thầy trong bối cảnh toàn diện, một thời; trong đó có bóng dáng rất khó chịu về cái tôi, chẳng đặng đừng, của người viết. Lại khó tránh khỏi tình cảm chủ quan và cái nhìn tư riêng đôi khi đưa đến phiến diện! Mong rằng nó không đi quá xa với sự thực là quý rồi; và gia dĩ có đụng đến cái gì đó, bao giờ cũng khởi từ quan điểm không tương ưng nhau, là ngoài ý muốn của người chấp bút; mong chư trí giả, thức giả rộng lượng hỷ xả cho! Hôm điếu tang thầy Châu Lâm, tôi đã viết một cặp đối, mỗi vế có 61 chữ, đúng với số tuổi thầy tiêu dao du trên cõi đời nhiều khổ ít vui nầy! Chỉ có 61 chữ mà tôi phải loay hoay, thao thức suốt đêm. Đấy là cặp đối, có lẽ là ít có, thuộc loại dài nhất trong cuộc đời cầm bút của tôi. Và trước khi viết, tôi ngồi thở mấy phút cho tâm hồn tĩnh tại, khí huyết lưu thông để cho cái thần được trôi chảy tự nhiên, nhất khí. Và tôi đã làm được điều đó. - Một thời, Tùng trúc phẩy lá cao sơn, Nan đạo, nan tâm Giải tinh, tầm diệu Mới sớm xuân kia; Thuyền bát-nhã Đức danh tăng Xóa nắng quái Phủi mưa thâm Thung dung hạo khí lăng vân Áo nhập thế Hạnh xuất trần Nào để ý đất trời sương rỉ mực Hội hán thư Chừ, Treo nghiên tôn tuyệt bút! - Mấy thuở, Tảo hoành lướt mây tục đế Tri tình, tri hữu, Bàn mỹ, luận hương! Chợt chiều thu nọ; Trí sa-môn, Chí đại trượng, Mỉm mắt đau, Cười thân bệnh. Tự tại đàm hoa lạc thủy! Cành hoạt thiền, Gốc ứng định Mà chẳng hay câu chữ gió lay trăng! Đàn thi mặc, Bèn, Đội đuốc phụng nhân văn! Cặp đối này tôi có thể diễn ý dài dòng như sau: - Một thời, nét bút của thầy như tùng, như trúc phẩy lá ở non cao. Ôi! Đạo khó thay mà tâm cũng khó thay! Chữ và bút của thầy đã giải được cái tinh, đã tầm được cái diệu. Mới mùa xuân nào đó, thuyền là thuyền bát nhã, đức là đức của một vị danh tăng, dẫu cho nắng quái, dẫu cho mưa thâm (nhiều chướng duyên bên ngoài), nét bút của thầy vẫn thung dung với hạo khí ngút mây. Áo thì nhập thế mà hạnh thì xuất trần, nào để ý đất trời sương còn phải rỉ mực để cho thầy phóng bút! Bây giờ, thầy đi rồi, hội thư pháp Hán có lẽ phải treo nghiên, tôn nét bút của thầy là tuyệt bút! Mấy thuở, nét quét (tảo), nét ngang (hoành) của thầy như lướt qua đám mây trần tục, chơn giả, thị phi nầy! Biết rõ đâu là tình, biết rõ đâu là bạn. Chỉ bàn về cái đẹp, chỉ luận về cái thơm. Chợt chiều thu nọ, nhờ trí của bậc sa-môn, nhờ tâm của bậc trượng phu, thân bệnh, mắt đau mà thầy vẫn mỉm cười, tự tại như cánh đàm hoa rơi theo dòng chảy an nhiên của tính mệnh. Cái gốc tâm thì trú định mà cành nhánh thì linh động hoạt thiền, phương tiện duyên thời tùy nghi. Câu chữ của thầy như gió lay động vầng trăng (biểu tượng cái đẹp). Hội tao đàn, thi bút noi gương thầy, thắp tiếp ngọn đuốc để phụng sự cho giá trị nhân văn ngàn đời! Tuy nhiên, chữ nghĩa dù tinh mật, cô đọng như chất keo hoặc trôi chảy như lượng nước của trăm con sông dài cũng không thể nào nói được cái cốt tủy nhất, cái tinh yếu nhất - cái mà tôi cảm nhận được từ chiều sâu uyên áo, minh triết nơi nhân cách của thầy, nơi hơi thở và sự sống của thầy. Tôi biết mặt thầy Châu Lâm từ năm 1976, cùng đi với T.T Giới Hỷ [1] để liên hệ chuyện gì đó, tôi không còn nhớ. Hồi ấy, thầy còn rất trẻ, nhưng trông như một ông lực điền (sau này mới biết, thầy và đại chúng quanh năm làm ruộng). Ngôi chùa rêu phong cổ kính. Lác đác đây đó trước sân là những chậu kiểng có giá trị cả công phu lẫn nghệ thuật tạo dáng cổ điển. Và ấn tượng nhất là mấy chữ Hán, nét hành thảo nơi bể cạn non bộ, nơi này và nơi kia... Xương kính quá! Lần thứ hai là hội Hoa Xuân năm 1983-1984 gì đó (thời anh Kỳ Sơn làm Giám đốc CT Cây Xanh). Tôi phải kể xa một chút. Thuở ấy, hội Hoa Xuân của thành phố, người ta yêu cầu Phật giáo phải có một gian hàng triển lãm hoa kiểng. Ôn Thanh Trí - Chánh Đại Diện Phật giáo Huế đương thời - cùng thầy Thiện Hạnh lên tận Huyền Không (Nham Biều), nói rằng: - Nhờ sư chịu khó làm giúp cho Phật giáo Huế một gian hàng triển lãm. Bên tui đông vậy nhưng không có người am tường nghệ thuật vườn cảnh. Tôi có thể viết cho sư một tờ giấy, sư có thể đến bất cứ ngôi chùa nào ở Huế, bưng cây, cảnh, non bộ, bàn ghế, sập gụ... hoặc bất kỳ thứ gì để điểm xuyết cho gian hàng. Làm thế nào đó tôi không biết, nhưng phải là đẹp nhất, ấn tượng nhất; và điều quan trọng nhất, là phải toát ra chất Phật, chất Thiền! Quả là khó! Quả là một bài toán đố! Nhưng thấy Ôn Thanh Trí và thầy Thiện Hạnh tin cậy quá, tôi cả gan nhận lời. Lại còn sự cổ vũ, động viên của thầy Giới Hương, anh Sanh (họa sĩ, đệ tử chùa Từ Đàm) và cư sĩ Lê Văn Lợi (thầy giáo) nữa, nên anh em chúng tôi (Sư Pháp Tông và Sư Tuệ Tâm) đành phải gồng mình hết sức ra để làm. Kết quả là thành công ngoài ước muốn. Người ta yêu cầu tặng cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng một chậu Bonsai nhỏ - là một khóm vân lôi trúc đứng giữa một triền cổ thạch phong rêu. Tôi còn nhớ, quý thầy, quý ni và Phật tử đi xem rất đông, khi biết đấy là gian hàng của Phật giáo Huế. Có chút công phu, chút nghệ thuật và có chất thiền. Có mấy người lớn tuổi vừa bước vào gian hàng đã chấp tay! Có thầy nói: Nhờ có hồn Thiền đấy! Người khác: Không phải mô, thấy mình đứng đông, họ chấp tay đó mà!. Nói tóm lại là ai cũng khen. Riêng có một người không khen, chỉ cười cười chứ không nói gì cả, đấy là thầy Phước Thành (Châu Lâm). Lát sau, thầy thủng thỉnh: - Tui không dám chê, nhưng chỉ tiếc; tiếc là không có cây kiểng nào quý, tiếc là cái nhà lục giác hơi nhỏ, hẹp - lại thiếu nghệ thuật về tre, nghệ thuật về gỗ. Cái kệ chưng Bonsai cũng vậy, sơ giản quá... Qua chuyện vãn, thầy Giới Hương cũng đồng quan điểm ấy, rồi nói: - Tui đã nói sư cần cái gì trong chùa Diệu Đế cứ khuân ra hết đi nhưng sư không chịu nghe! - Có chứ thầy, tôi nói, tôi đã bưng ra đây hai cái kỷ quý nhất của thầy rồi đó. Cư sĩ Lê Văn Lợi cũng tiếc nhưng anh nói: - Trong thời buổi như thế này, có gian hàng như thế này là quý hóa lắm rồi. Tôi phân trần: - Tôi biết Bảo Quốc có hai gốc mai vào hàng cổ lão, chùa Từ Hiếu có hai chậu Trà Mi thuộc loại quý hiếm, chùa Thuyền Tôn, Tây Thiên, Châu Lâm... đều còn giữ được những chậu địa lan quý đẹp như Bạch ngọc, Thanh ngọc, Mặc lan, Đại kiều, Tiểu kiều... nhưng tôi ngại di chuyển, gìn giữ... nếu có sự sây sứt gì thì nguy quá! Bây giờ, như thế này mà cũng được cái giải nhất toàn hội, huy chương vàng, huy chương bạc đủ cả, còn đòi gì nữa! Mọi người cười xòa. Riêng tôi thì tôi để ý cái người không khen, lại còn có lời chê tế nhị mà đúng ấy, là thầy Phước Thành (Châu Lâm). Sau cuộc triển lãm, nhờ có góp sức chú ít cho Phật giáo Huế như thế nên tôi được dịp hầu các Ôn, quen biết các thầy...[2] Có lần, tháp Cố Trưởng lão Thiện Minh đã xây xong, Cố Trưởng lão Từ Đàm đưa thầy Hải Ấn gởi lên tôi mấy chữ, đại ý nói là nhờ tôi viết một câu thơ gì đấy có ý nghĩa để đặt nơi bình phong. Tôi ngần ngại, hỏi ý thầy Châu Lâm là phải nên viết như thế nào. Thầy Châu Lâm thoáng lát trầm ngâm rồi nói, khó đấy! Im lặng một chút, thầy nói tiếp: Sư để ý là chưa ai đề câu chi cả! Tôi hỏi ý thầy Tây Thiên thì thầy nói, cốt là cái tình thôi, sư cứ viết đi, tôi biết sư viết được mà! Tình cờ hôm đó, có Sư Viên Minh, tôi nhờ Sư Viên Minh vẽ một gốc lão tùng, cành nhánh gân guốc, tàn lá xanh um. Rồi tôi đề 4 câu: “- Bóng cũ đi về động Cổ sương Buông tay tứ đại giấc miên trường Tà huy lớp lớp, phong trần lữ Chim gió ca reo vọng tịch thường.” Ngay ngày hôm ấy, tôi lên hỏi ý kiến hai thầy. Thầy Tây Thiên nói, câu thứ ba hay quá, đúng là tà huy lớp lớp phong trần lữ! Vừa cổ kính vừa có chất thơ! Hay lắm! Thầy Châu Lâm lại một lần nữa trầm ngâm, rồi nói: Cũng chính vì câu ấy nên Ôn Từ Đàm sẽ không đồng ý đâu! Và quả đúng y chang như thế, Ôn Từ Đàm xem xong, cũng biên mấy chữ, nói sư chịu khó “nhuận” lại câu thứ ba! Và khi tôi sửa câu thứ ba là: Tao phùng cố quận, trăng sơn lĩnh! Thì Ôn Từ Đàm nói “được”. (Ôn Từ Đàm mà nói được, có nghĩa là khá lắm rồi đấy!) Thầy Tây Thiên thì chê: Không bằng câu cũ! Thầy Châu Lâm thì cười: Trăng sơn lĩnh, cố quận, tốt rồi! Thầy dùng chữ tốt, chứ không nói hay hay dở, đạt hay không đạt. Tôi thích cái thâm trầm của thầy![3] Thầy lại còn thâm trầm về chữ nghĩa nữa. Hôm lễ tang Cố Trưởng lão Trúc Lâm, chúng tôi đang ngồi cạnh chỗ đang trang hoàng, thầy phóng bút ba chữ: “Bế mạn quan” rồi cho người cắt dán lên kim quan. Cố Trưởng lão Từ Đàm đi ngang, nhìn rồi hỏi: “Ông viết cái chữ chi đó?” Ôn xem xong rồi hỏi: “Điển tích ở đâu? Kinh luận nào?” Thầy Châu Lâm cười cười: “Điển tích mô Ôn. Chữ mạn có bộ thủy. Chỉ khép hờ rứa thôi. Bó buộc Ôn chi được. Cái quan ở đây nhưng Ôn đã “chích lý Tây quy” đâu mất tiêu rồi!”. Cố Trưởng lão Từ Đàm nghe xong, phán một tiếng “được” rồi bỏ đi! Thầy Châu Lâm cười: Rứa là Ôn chịu rồi đó! Không dễ mô! Có khá nhiều năm, tôi thỉnh thoảng xuống uống trà với thầy Giới Hương, thường trực có nhà cư sĩ Lê Văn Lợi, một số nhà giáo (như nhà thơ Tường Nguyên, Tĩnh Mặc)...và cũng bắt đầu quen biết nhiều hơn với thầy Châu Lâm, thầy Trí Tựu, thầy Tây Thiên...[4] Trong những cuộc mạn đàm, sau đó, tôi thấy các vị có cái tâm ưu tư rất lớn đối với tiền đồ Phật giáo, thỉnh thoảng kể lại những chuyện tích đông tây kim cổ, đôi khi nhắc đến sự hành xử của các Trưởng lão, các Ôn thuở trước! Đụng đến mảng thơ Phật giáo - trong thơ văn Lý Trần, ai cũng tỏ vẻ khó chịu khi một số học giả, nhà nghiên cứu, nhà thơ... không biết vô tình hay cố ý đã làm cho lệch lạc tư tưởng của Phật đi - lúc dịch hoặc lúc bình giảng [5] - kể cả những tri thức gạo cội miền Bắc, chưa nói đến các GS, TS... học trò của chư vị, các thế hệ đi sau... Tôi thấy các thầy, các anh đã nói rất đúng; và vì tôi trình độ có hạn nên có hứa sẽ dịch lại, khoanh gọn nơi thơ văn Trúc Lâm tam tổ trước đã. Riêng cái mảng này, người ta cũng dịch thiếu chuẩn xác, đánh mất cái hồn thiền! Tôi cũng có nói thầy Châu Lâm làm sao lưu giữ, hiệu đính để in ấn toàn bộ thơ của Cố Trưởng lão Châu Lâm, Cố Trưởng lão Hiếu Quang (Dạ Sĩ Thiện Trí) nữa - đều là những gốc cổ thụ một thời trong rừng văn mặc. Cũng từ những cuộc chuyện trò lác đác nhiều năm như thế, ai cũng chọn cuộc đời hành động, làm được gì cho Phật giáo, cho chúng sanh thì làm. Nói như Cố Dr. Bohme, chủ tịch Hiệp hội Schmitz, Đức, là: Giữa sa mạc hoang vu, mỗi người chúng ta hãy trồng một cây táo! Lần thứ ba quen thầy Châu Lâm, rồi sau đó có sự liên hệ lâu dài là vào các năm 1987-1988; đấy là mấy năm tôi mở xí nghiêp Phúc Thiện, sản xuất các mặt hàng mây tre xuất khẩu. Thầy đã quen việc làm nầy từ trước (đã từng làm thủ công mỹ nghệ, phụ trách mảng kinh tế cho giáo hội) nên đã tận tình giúp đỡ cho tôi rất nhiều trong buổi đầu; thầy đã cố vấn, tham mưu cho tôi từ khâu tổ chức, thu mua nguyên liệu cũng như đào tạo nhân công đan mặt mây. Thầy Quang Huy (trụ trì chùa Khánh Vân) là phó Giám Đốc của tôi, thầy quen biết rộng nên mọi việc bên ngoài thầy lo liệu rất tốt, rất năng động. Nhân công của xí nghiệp Phúc Thiện, ngoài hơn trăm người trong mấy thôn xóm kế cận (các em Phật tử và một số thanh thiếu niên không có công ăn việc làm) còn các nhóm gia công ở Vĩ Dạ, Truồi, Tây Lộc, Cầu Kho, Kim Long... nữa, nên tổng cộng có thể hơn vài trăm người. Do tổ chức vội vã, đào tạo vội vã, thiếu người quản lý tốt nên mặt hàng lúc nhập cứ bị thải hồi, bị trả về để tái chế là chuyện thường ngày ở huyện! Chính những lúc khó khăn như thế, thầy Châu Lâm xuất hiện với nụ cười, thầy ra tận các khung đan, tận các nhóm chẻ mây, vót mây... hướng dẫn mọi người những lỗi thường mắc phải. Thầy còn giới thiệu anh Hồ ở Tây Lộc đến hướng dẫn kỷ thuật chẻ mây, vót mây cho công nhân. Thầy còn cho mượn cả hai thanh niên, đấy là Trợ và Cần (con bác Sẽ ở Truồi) là hai “chuyên gia” đan mặt mây để huấn luyện nghề cho công nhân xí nghiệp Phúc Thiện. Có một điểm mà ít ai để ý là thầy rất biết quý trọng người tài. Sau này, khi Cần đã là cháu rể của tôi, nó quý trọng thầy lắm; nó kể lại: - Lúc lên Châu Lâm để hướng dẫn đan mặt mây, thầy cho ở nơi một cái phòng rất lịch sự. Lên Huyền Không làm, tháng sau về thăm thầy, mới biết cái phòng thầy cho ở chính là phòng của thầy. Cần nói tiếp, nếu biết đấy là phòng của thầy thì con đâu dám ở! Hơn một năm sau thì công việc trôi chảy, nhân công được nhận lương đều đặn; nhưng đùng một cái, hàng mặt mây không nhập được nữa do khối Đông Âu bị vỡ. Thế là xí nghiệp Phúc Thiện tại Huyền Không giải thể, tôi bàn giao ấn dấu cho thầy Quang Huy để thầy làm giám đốc, di chuyển địa điểm đi nơi khác, tôi không dám làm kinh tế nữa! Hết xí nghiệp thủ công mỹ nghệ, tôi quay sang làm dự án cầu Bạch Yến thì thầy cũng xin được dự án mộc mỹ nghệ - đều là do Dr. Thái Thị Kim Lan đích thân vận động Hiệp hội Schmitz, Đức quốc, tài trợ. Nhờ thầy Quang Huy mà tôi quen cư sĩ Phan Minh Trị. Dự án Cầu Bạch Yến thành công, có một người có công đức rất lớn, âm thầm, lặng lẽ ở bên sau lo liệu toàn bộ văn thư, dịch thuật... chính là anh Trị! Cư sĩ Phan Minh Trị lại là “vong niên chi hữu” của thầy Châu Lâm nên tình thân giữa Huyền Không và Châu Lâm ngày thêm gắn bó! Cái anh cư sĩ ăn chay trường này cũng lạ. Giỏi nhiều ngoại ngữ và cổ ngữ, dù rất nhiều nơi danh tiếng mời dạy học, nhưng anh chỉ nhận dạy học ở Châu Lâm và Huyền Không mà thôi! Song song với dự án cầu Bạch Yến, tôi xin Nhà nước được 50 ha 4 đất trống đồi trọc ở Đồng Chầm, núi Hòn Vượn để trồng rừng. Trong lúc ấy thì thầy vẫn đang còn tiếp tục thực hiện dự án mộc mỹ nghệ của mình.[6] Các năm 1992, 1993, thỉnh thoảng, thầy Giới Hương, thầy Trí Tựu, đôi khi có cả thầy Chơn Phương, thầy Thái Hòa... lội vào núi chơi. Tôi dùng chữ lội, là vì thuở đó, vào đây, chưa có đường. Đi xe Honda phải dừng cách núi chừng 3km, sau đó đi bộ vào và phải lội qua một vũng sình, một đầm ruộng... rồi còn phải leo núi. Thầy Trí Tựu rất hào sảng, đôi khi thầy vét túi, ủng hộ luôn một lúc cả 60 chục ngày công, chỉ để thuê người phát dọn cái khe đá để hiển lộ cả suối đá cho đẹp. Thầy Diệu Đế cho trà ngon, đôi khi có cả cư sĩ Lê Văn Lợi lễ mễ mang theo đồ nghề ấm chén đặc biệt của thầy để anh em cùng trà đàm giữa non cao rừng lặng! Ôi! thật là thanh khí ngất trời, có lẽ một lần thế rồi thôi, thế gian này không còn tâm không còn cảnh như thế nữa, không có thể lập lại hai lần! Một vài khi, thầy Châu Lâm, thầy Tây Thiên, đôi khi có cả thầy Chơn Trí, vào non uống trà đến khuya, giữa trăng, bên hiên mái lá sơ sài, nói đủ mọi chuyện thiên hạ sự rất là thú vị và thanh bình... Một lần nào đó, tôi có tặng nhị vị (thầy Châu Lâm và thầy Tây Thiên) một bài Lục ngôn đường thi. Nó như sau: -“ Thiếu Lâm cao tăng nhị vị Hèn lâu mới ghé Sơn Phương Mây trắng, đá xanh mở cõi Thông ngàn, trúc biếc đưa hương Trà chuyện, câu thơ, nét bút Đạo tình, trang bối, tờ sương Tiễn nhau, nụ cười bên suối Dám đâu “khe cọp” [7]chận đường!” Tôi không nhớ là từ năm nào, hễ cứ mùa xuân đến là tôi đều có tặng thầy Châu Lâm, thầy Tây Thiên, thầy Thái Hòa và thầy Trí Tựu (ngoại trừ những năm thầy vắng mặt ở Huế) một bài thơ treo Tết. Thường xuyên nhất là thầy Châu Lâm (thêm anh Trị, Nguyễn, Nguyệt Đình...) Có lần, gặp tôi, thầy nói, thơ sư cho, tui quên hết, nhưng có câu này thì không quên: “Chéo áo cà-sa, buồn, túm lại. Đạo đời một bó, thế là xong! Đọc rồi, thầy cười ha hả, hào sảng, phóng khoáng rất dễ thương! Thầy còn nói, Sư với tui, đạo đời chỉ đùm vào một bó thôi! Đôi khi thầy như tâm sự, tôi chỉ nhớ đại ý là: Đạo Phật là để cho con người, cho cuộc đời. Vậy, nhập thế thật sự là hành động, là xắn tay, vén áo mà làm chứ không phải là trí thức chữ nghĩa suông hoặc nói năng, lý luận cho hay! Tui gần Sư ở chỗ, Sư là bên Nguyên Thủy, mà sư còn nhập thế cũng như bên đại thừa chúng tôi. Cả Việt Nam này, sư làm Giám đốc một cơ sở kinh tế đầu tiên; trồng rừng, làm cầu, làm đường, làm trường học, trồng hoa kiểng, thiết kế vườn cảnh, viết thư pháp... cũng đầu tiên luôn!” Tôi thấy mình “nở” mũi; lặng một hồi rồi nói: Cái đó xem vậy mà còn dễ, còn nhiều người làm được, nhưng chữ Hán mà viết được như thầy - thì tìm người thứ hai, đâu ra? Điều này là tôi nói thật lòng, vì khi tập viết thư pháp Hán, tôi có hai tập sách to, giấy cứng, bìa dày rất quý (Nhật in); trong đó là hằng trăm bức thư pháp của những thư pháp gia nổi tiếng Trung Quốc. Thật không chê vào đâu được. Lâu lâu tôi lật ra, đưa tay sờ sờ từ bức này sang bức khác đến mê mẩn. Lâu lâu lại tập viết. Nhưng viết hoài thì cứ vẫn là bắt chước. Mỗi nhà thư pháp đều có một phong cách thể hiện riêng, không lẫn lộn nhau được. Người thì như những nhát kiếm. Người thì như những nét trúc. Người thì như rồng lượn. Người thì trôi chảy liền lạc từ chữ này sang chữ khác một cách rất phóng khoáng mà tự nhiên, dường như bút lực đi một hơi. Có bức thì có vẻ thô kệch, vụng về - nhìn một hồi thì toát ra cái chân mộc, cái khí bình hòa, đạm nhiên, an ổn!... Thế đấy! Khí bút của thầy Châu Lâm, nhiều năm đã toát ra được phong cách, cái thần, cái khí vị riêng. Nhiều lúc, thầy có những nét thô, cứng, lại có lúc, bút hơi lạm mực - trông thì vụng - nhưng lạ thế, đối với tôi, lại đẹp - có kỳ không chứ! Tôi từng mời cụ Hòa, nhà thư pháp lão thành ở Hà Nội (Có lẽ là đệ nhất danh bút Hà Nội - vì cụ đã từng cho chữ các vị lãnh đạo nhiều nước, lại từng đại diện cho Việt Nam, dự triển lãm thư pháp Hán tại Trung Quốc, dám so bút với chủ nhà và với cả các thư pháp gia Nhật, Hàn...) vào núi viết. Tôi ngồi một bên, chăm chú quan sát từng chút một. Quả thật là danh bút, nhưng đối với tôi, xin lỗi - không bằng thầy Châu Lâm của mình đâu! Thấy núi rừng hơn 50 ha của tôi đang trồng, lú nhú xanh bạt ngàn, khí hậu lại khoảng khoát, trong lành, thầy Châu Lâm thích quá nên muốn bỏ xưởng mộc mỹ nghệ để xin đất trồng rừng. Sau đó ít lâu, vào chơi, thầy nói là thầy xin được khoảng 80 ha, đất rất tốt, cách đây chừng 3km đường chim bay. Thầy đưa tay chỉ, chếch phía Bình Điền. Một vài lần sau đó, vào chơi, thầy nói đã bỏ vào đấy mấy chục triệu rồi mà chưa thấy gì cả... Rất tiếc, kế hoạch trồng rừng của thầy không thành công, vì nghe đâu, chính quyền địa phương không đồng thuận. Trong lúc trò chuyện, thấy tôi ngoài viết thư pháp chữ Việt, còn viết cả chữ Hán, nét đang còn non, thầy nói, thầy học và viết chữ Hán từ nhỏ và thuộc rất nhiều thơ, đối của các Ôn, nhất là các Ôn trưởng lão các thế hệ trước. Vài dịp phóng bút, thầy viết cho tôi mấy bức để treo chơi. Thấy khí bút sắc, mạnh, giản phác, tôi rất thích. Đặc biệt, cái câu: “Bất tục tức tiên cốt. Đa tình thị Phật tâm!” của Ôn Giác Tiên, thầy viết rất đẹp. Thuở đó là am tranh, treo một thời gian bị hư mất! Tiếc quá, không thôi bây giờ trở thành đồ cổ, quý lắm! Viết đến ngang đây tôi chợt nhớ hôm tọa đàm khoa học tại khách sạn Hương Giang về vua Trần Nhân Tông, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai cùng giáo sư Hoàng Ngọc Hiến, nhà báo Thanh Tùng (và một vài vị khác nữa) lên núi chơi, anh kể lại một câu chuyện thật ý vị, đạo vị, đầy ấn tượng - về nét bút của thầy, như sau: - Hôm đó - lời anh Mai - tôi và vài người bạn uống cà-phê tại một cái quán ven Hồ Tây. Thấy một ông Đại Hàn đã đứng tuổi, chăm chú xem một bức thư pháp Hán. Xem xong, ông ta chấp tay rất thành kính rồi chậm rãi, cẩn trọng bước lui từng bước một. Thấy lạ, tôi tới xem thì thấy đúng là bút pháp của thầy Châu Lâm. Ngạc nhiên, tôi hỏi lý do. Ông Đại Hàn đáp: Người này, vị này, với bút pháp như thế này thì đạo lực quả thật là bất khả tư nghì! Tôi nói, đúng vậy, đây là bút pháp của một bậc chân tu, hiện trụ trì một ngôi chùa ở Huế! Ông Đại Hàn gật đầu: Phải vậy! Nét bút của người đời, dù tài hoa cách mấy vẫn còn phảng phất đâu đó cái thần và cái khí thường phàm! Chỉ có bậc tu hành mới có được bút pháp thoát tục như thế này! Kể xong, anh Mai nói: - Thưởng thức thư pháp như thế đấy! Chưa nói đến cái tầng văn hóa bên sau, mà chỉ nói đến cái trí, cái tâm cảm nhận mỹ học cổ điển của người ta! Thật là khiếp! Gẫm người mà buồn cho mình! Đấy là sau này, còn khi thầy lên Phong Trúc Am chơi cùng thầy Tây Thiên, tôi thường lấy giấy bút ra. Thầy viết rất nhanh. Tại Châu Lâm cũng vậy. Đôi khi có chữ nào đó thầy ngại thiếu nét, rất tự nhiện, thầy gọi: Thiện Phước ơi, chữ ấy... chữ kia ... mấy nét hè? Thiện Phước có trí nhớ rất tốt, có lẽ nhờ học chữ Hán công phu và bài bản, đáp ứng cho thầy ngay tức khắc. (Thầy Thiện Phước cũng là tay thư pháp khả thủ, đã từng đưa cho tôi xem một vài. Có lẽ do đức tính khiêm tốn; ở cạnh thầy nên đã giấu cái tài của mình đi!). Lần nào cũng vậy, tôi và thầy Tây Thiên ngồi bên. Tôi thì chăm chú để học, còn thầy Tây Thiên thì chỉ ngồi xem, thỉnh thoảng bình mấy câu, vừa dí dỏm vừa rất chuẩn xác. Lần nọ, ở trên núi, nổi hứng lên, tôi mang ra cho các thầy xem những bức chữ Hán tương đối đắc ý nhất của tôi được viết vào các năm 1979, 1980. - Được đấy! Thầy Tây Thiên nói - nét của Sư nhẹ nhàng, mềm mại, có chất thơ, bố cục vững, nhưng những nét sổ, tảo, hoành thì thiếu khí lực. Thầy Châu Lâm thì dư khí lực, có thần bút nhưng lại thiếu mềm mại, bố cục lại dở ẹt! Thôi thì hai vị lựa năm, lựa tháng, lựa ngày so bút đi, tui làm trọng tài cho! Chúng tôi cười ha hả. Sau đó, tôi và thầy Châu Lâm đưa tay “ngoéo” nhau, hẹn đầu xuân năm 2000 sẽ so bút. Thế rồi, thời gian trôi qua, ai công việc cũng bộn bàng. Thầy Tây Thiên thì liên tục xây dựng các công trình cho quy mô chùa viện của mình được hoàn chỉnh. Thầy Châu Lâm cũng vậy, bận cơ sở kinh tế, đồng thời thầy bỏ khá nhiều thì giờ gia công luyện bút. Tôi có việc, như huynh đệ chúng tôi (tôi, sư Viên Minh, sư Pháp Tông) vừa dịch xong toàn bộ kinh tụng Pāḷi, một số bài kệ khuyến tu, tiểu sử Phật... bằng thơ, tôi phải lên nhờ hai thầy tụng thử. Tôi nói: -
Giọng tụng bên
Thế rồi, thầy Tây Thiên dẫn xướng, thầy Châu Lâm hòa theo cùng với hai thầy trẻ nữa, tôi quên tên! Xong, tôi nói, ôi! Hay quá! Các thầy cũng khen là hay quá! Tôi nói hay quá là do giọng tụng. Còn hai thầy nói hay quá là khen lời kinh thơ! Rất tiếc, sau này, khi Sư Pháp Tông và tôi tụng thử, một số Phật tử không chịu, nói là ảnh hưởng Bắc tông! Năm 1995, nhân cuộc triển lãm tuần văn hóa Huế tại Hà Nội, tôi và nhà thơ Nguyệt Đình nhận được giấy mời của bộ Ngoại Giao, bà Tôn Nữ Thị Ninh ký - qua trung gian nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - để chúng tôi phụ trách mảng thư pháp Việt. Tôi nhờ nhà thơ Nguyệt Đình điện thoại liên hệ với anh Mai, nói rằng, phải mời cho bằng được thầy Châu Lâm, để thầy phụ trách thư pháp chữ Hán, còn nếu phòng triển lãm mà chữ Việt không, sẽ đơn điệu, sợ e khó thành công. Tôi cũng nhắn với anh Mai rằng, bút pháp của thầy Châu Lâm, xưa thì tôi chưa được biết, nhưng hiện nay, ở Huế, khó ai bì kịp... Mà quả thật vậy, nhìn chữ của thầy, tôi rất khoái. Có cái gì bay bổng, phóng khoáng, đồng thời nói lên được khí phách trượng phu của cổ tùng, của lão trúc! Tuy nhiên, về bố cục, tôi cứ ngồi bên, nói dzích bên này một chút, dzích qua bên kia một chút, chữ này phải to và đậm hơn, hàng này nhỏ lại... Thầy có cái hay, là chưa hề giận về điều đó, còn cười vui là khác nữa! Sau đó, chúng tôi, gồm có tôi, thầy Châu Lâm, nhà thơ Nguyệt Đình, anh Phan Minh Trị (để thông dịch cho khách nước ngoài) cùng với anh Trọng nữa (họa sĩ, để trang hoàng), lên đường, mang chuông đi đánh xứ người... Hôm ấy, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tới thăm gian hàng triển lãm thư pháp. Thầy Châu Lâm và nhà thơ Nguyệt Đình tặng tác phẩm gì thì tôi không còn nhớ. Riêng tôi, tôi tặng ông Tổng một bức thư pháp Việt.[8] Riêng mảng chữ Hán của thầy Châu Lâm thì được trầm trồ, tán thưởng nhiều nhất, nhất là giới nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ lão thành... Do vậy, dường như ngày nào thầy cũng cho chữ đến mỏi tay! Cuộc triển lãm có tiếng vang, khá thành công.[9] Nhà thơ Nguyệt Đình thay mặt lên nhận bằng khen của bộ Văn Hóa, đích thân ông bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm trao tặng cho Câu lạc bộ thư pháp Huế. Tôi và thầy Châu Lâm không đi dự, nghỉ, uống trà tại khách sạn. Cũng dịp này, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai dẫn chúng tôi đi thăm một số vị tai mắt, có tiếng ở Hà Nội.. [10] Thế là mang chuông đi đánh xứ người không đến nổi chuông bị bể tiếng, quý rồi! Về Huế, tôi và thầy Châu Lâm chỉ làm cố vấn cho Câu lạc bộ thư pháp Huế, ủy thác cho nhà thơ Nguyệt Đình làm chủ nhiệm, đứng ra tổ chức, điều hành, quản lý... Câu lạc bộ thư pháp Huế ra đời do nguyên nhân như vậy. Càng về sau, bút pháp của thầy càng ngày càng tinh luyện. Lên thăm thầy lần nào cũng thấy thầy lụi cụi với giấy, bút, mực, chữ ... Nhất là giấy, không biết thầy phải tốn biết bao nhiêu tạ giấy mới có được chữ viết tài hoa như thế. Gần đến năm 2000, nhớ cuộc hẹn năm xưa, tôi nói, thầy cho tôi rút lại lời hẹn thuở trước, chẳng thể so bút với thầy được nữa rồi! Dầu tôi có chạy với bút lực phi mã cũng không thể đạt đến cảnh giới như thầy! Thế là tôi bỏ hẳn chữ Hán, chuyên tâm vào chữ Việt nhưng cũng không thấy mình tiến bộ bao nhiêu. Năm 2002, tỉnh và thành phố mời chúng tôi làm một gian hàng triển lãm thư pháp đóng góp cho Hội Hoa Xuân. Anh Hòa, giám đốc Công ty Cây xanh đích thân dẫn chúng tôi đi xem địa điểm. Chỗ nào chúng tôi cũng không vừa ý. Sau đó, chúng tôi đã tự chọn một đám cỏ xanh có không gian thoáng đãng bên cạnh Công ty cây xanh để thiết kế khu vườn. Chúng tôi muốn làm một công trình có tầm vóc để phụng hiến cho đất cố đô và thập phương. Thầy Châu Lâm đã phác thảo các ngôi nhà toàn bộ bằng tre, lợp tre, tinh xảo nghệ thuật thủ công, có giá trị thẩm mỹ. Anh Hạnh là “chuyên gia” về lãnh vực này. Tôi chỉ góp ý bố cục, làm cổng ngõ, chưng bày cây kiểng, vườn cỏ, lối đi, hồ nước thả sen súng, hàng rào tre...[11] Nhà thơ Nguyệt Đình lo mọi việc ngoại giao, liên hệ nơi này, nơi khác. Thầy Châu Lâm đã huy động được cả một nhóm thợ tre cần mẫn và có tay nghề nhất. Và thực hiện các công đoạn nhanh như có phép lạ. Thợ của thầy làm cả ngày lẫn đêm. Điều ấy cũng dễ hiểu, vì thầy là người rất vui vẻ và hòa đồng với mọi người. Thầy thường xuyên có mặt ở công trình, bất kể ngày đêm. Thầy tới ngồi với nhóm này, chuyện trò, mời thuốc hút, tặng bánh trái. Qua ngồi với nhóm khác, trò chuyện... đồng thời hướng dẫn kỹ thuật và cả mỹ thuật. Anh Hạnh, có lẽ quen làm việc với thầy nên những liên ba, nóc tè...với nhiều hoa văn, chi tiết mỹ thuật... tất cả đều bằng gốc tre, rễ tre... kết nên, trông rất công phu, lạ mắt, hồn Việt, chất Việt - quê hương thảo dã nhưng bên sau là cả mấy tầng văn hóa dân gian! Mái lợp toàn tre rất khó khăn. Cuối cùng cũng hoàn thành trước ngày dự tính... Tôi còn nhớ, Ban tổ chức có chi cho chúng tôi một khoản tiền. Gặp người hữu trách, ở tỉnh, tôi nói, chừng ấy xem ra chưa đủ cho mấy ngôi nhà công phu của thầy Châu Lâm đâu; còn thiết kế vườn, hoa cảnh cùng mọi thứ nhì nhằng khác thì sao? Tôi nhớ, vị ấy cười, nói rằng: Các sư, các thầy cứ làm đi, tốn kém bao nhiêu chúng tôi sẽ tính sau. Thành phố cũng có nói, không đến nỗi gì đâu, sau này chúng tôi sẽ đúc kết tất cả để báo cáo lên Ban tổ chức. Tin tưởng lời hứa, chúng tôi đã làm hết sức mình. Mảng nhà cửa, công thầy thợ, thầy Châu Lâm phải bỏ thêm tiền túi. Khoảng mấy chục chậu cây kiểng có giá trị phải thuê mướn, 200 giò phong lan đặt mua, các công trình vườn cảnh, tôi cũng phải bỏ tiền chùa! Khu vườn đẹp quá, quy mô quá. Truyền hình, báo chí, khách tham quan ca tụng không hết lời. Mỗi ngày có hàng ngàn người đến xem. Còn Tăng Ni Phật tử ngày nào cũng hằng trăm người, nâu có, vàng có, lam có... rất chi là vui vẻ và hòa hợp. Có nhiều trang báo, tuy hơi cường điệu một chút, đã nói rằng, hội Hoa Xuân Huế, nếu không đến thăm khu vườn thư pháp mang phong cách Huế, chữ nghĩa Huế, con người văn mặc Huế - thì không biết văn hóa Huế nằm ở đâu! [12] Khu vườn thư pháp ấy là vang bóng một thời. CÁI ĐẸP không lặp lại hai lần. Nếu muốn trở thành vĩnh cửu thì phải đốt nó đi như nhân vật kia phải đốt Kim Các Tự (biểu tượng Cái Đẹp) trong truyện Kim Các Tự của Nhật! Và anh em chúng tôi đã đốt nó thật, và chôn giấu trường tồn hình ảnh hư ảo ấy trong tâm tưởng của những người yêu Huế, thương Huế... Sau cuộc triển lãm vất vả ấy, tôi và thầy Châu Lâm tuyên bố rút lui, từ rày về sau, không tham gia bất cứ một cuộc triển lãm thư pháp nào ở tỉnh và thành phố nữa! Lý do - thì thôi quên đi, không nhắc lại! Thế rồi, năm 2004, tôi và thầy Châu Lâm làm khu vườn thư pháp ở HKST, chữ Hán và chữ Việt trên nhiều chất liệu, tạo hình, dáng khác nhau, phong phú hơn về chất lượng và số lượng so với năm 2002 tại Huế - ở bên hồ nước, nhà thủy tạ, cạnh vách núi. Tôi phác thảo kiểu mẫu tranh tre, tốn chi phí vật liệu, thầy hoan hỷ cúng dường toàn bộ công cán, thầy thợ. Lần này dễ thực hiện hơn vì mái lợp tranh và ít hoa văn, ít chi tiết mỹ thuật hơn. Thầy Tây Thiên lên cổ vũ, động viên, đôi khi mang thêm quà bánh cho thầy thợ. Có một chi tiết nghệ thuật mà tôi nhớ mãi, đấy là ở vòng tròn chính giữa trung tâm ngôi nhà, thầy hướng dẫn anh Hạnh lấy gốc tre kết một chữ Thiền, Hán - rất là độc đáo. Khách đến đây, ai cũng muốn chụp một bức hình bên cạnh chữ Thiền này để mang về nhà kỷ niệm. Còn hơn thế nữa, có một Phật tử cư sĩ già, ở Nha Trang, đến xem, rất tâm đắc chữ Thiền này. Không chỉ là chữ Thiền không, vì biên thư ra, ông nói: - Không đơn giản là chữ Thiền, vì chữ Thiền thì ai cũng có thể đọc được. Quý thầy, quý sư khi thực hiện nó, phải có cái gì đó nữa sau chữ Thiền chứ? Tôi cứ lấy hình chữ Thiền ấy, nhìn mãi, suy mãi, gẫm mãi... cuối cùng cũng chẳng giác ngộ được điều gì! Nhưng nó cứ hút mãi tôi vào trong đó! Mong quý thầy chỉ giáo cho! Tôi thì chịu. Tôi cũng không trả lời thư cho vị cư sĩ nọ. Còn thầy thì đã ra đi rồi. Chữ Thiền thuở xưa vẫn còn đó. Tôi cũng không biết thầy có ẩn giấu ba-la-mật gì ở đấy không mà nó thu hút người ta đến vậy! Cũng trong dịp này, mùa Festival, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Phó GSTS Băng Thanh, đã mời một số các vị giáo sư tại Hà Nội kết hợp với tạp chí Sông Hương, tổ chức một buổi hội thảo về thơ, về thiền tại ngôi nhà thư pháp này. Khách tham dự chừng 300 người, đa phần là giới văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn, họa sĩ, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà thơ, nhà giáo; các vị chức sắc giáo phẩm, Tăng Ni, trụ trì chùa này và chùa khác. Ví dụ, thầy Giác Viên, thầy Hải Ấn, thầy Quang Nhuận, thầy Chơn Phương, thầy Chơn Trí, thầy Trí Tựu, thầy Từ Vân, thầy Quán Chơn, thầy Chí Mậu, thầy Chí Thắng (chùa Phước Thành), thầy Đức Chánh... Ni Sư Như Minh, Ni Sư Diệu Đạt... Tôi lên phát biểu thì dài dòng văn tự, rào trước, đón sau. Thầy Châu Lâm lên phát biểu thì giản dị, khiêm tốn, chân mộc và vừa đủ. Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giáo Sư Vũ Ngọc Khánh, Phó GSTS Trần thị Băng Thanh, Nhà thơ Nguyễn Khắc Thạch, Họa sĩ Đặng Mậu Tựu, nhà thơ Ngô Minh... đều có lên phát biểu. Chừng hơn năm sau, cũng từ buổi hội thảo ấy, tôi gợi ý với thầy Châu Lâm là sẽ tặng thầy một quả đồi để thầy làm một công trình để triển lãm thư pháp Hán; thỉnh thoảng có thể tổ chức hội thảo hoặc triển lãm các loại hình nghệ thuật khác; còn nhà tranh tre thủy tạ bên hồ chỉ vài năm là hư mục, có lẽ không tồn tại được lâu. Thầy đồng ý, xem địa điểm, rồi từ đó tuần tự thi công. Cuối cùng, một cụm nhà cũng hoàn thành, nhưng thầy nói, tôi chỉ đóng góp chút ít, mọi chi phí là của Ôn Giác Viên; và bà Hường vận động bà con Phật tử tỉnh hội Đà Nẵng là chính. Trong thời gian thi công, thầy ít lên xuống, nói rằng, tôi bận việc quá, mọi việc đã có bà Hường quản lý, chăm sóc tận tình, chu đáo rồi, bà ấy giỏi lắm. Tôi nói, nghệ thuật kiến trúc toàn bộ Rừng Thiền này, lấy núi non, cây xanh, hoa cỏ là chủ đạo, không gian mở; các công trình đều dị giản, khiêm tốn nép mình giữa thiên nhiên, nhờ thầy góp ý với Ôn Giác Viên và chị Hường như thế. Thầy Hạnh Viên rất tận tâm với công việc. Khi công trình hoàn thành, thầy Châu Lâm bận nhiều việc quá, chỉ ghé chơi chút ít chứ không ở lại đêm. Thầy Hạnh Viên thỉnh thoảng ở đây để dịch thuật, sau đó thầy nói, cũng hơi khó vì không có điện lưới để làm việc. Tuy nhiên, thầy Hạnh Viên ở cũng không được lâu vì thầy Tuệ Sỹ và thầy Mạnh Thát cần người phụ tá biết việc và có trình độ nên réo gọi thầy vào Sài Gòn lo việc sách vở, tạp chí, in ấn Đại Tạng Kinh... khi thì bên Vạn Hạnh, lúc thì bên Già Lam. Có lần thầy Châu Lâm bàn việc triển lãm thư pháp Hán; thầy Hạnh Viên bàn triển lãm Thiền Uyển Tập Anh (bản dịch tiếng Pháp mới nhất) nhưng công việc cũng không thành vì thiếu duyên, thiếu người tài trợ. [13] Sau mùa an cư 2008, thầy Châu Lâm điện cho biết là đã làm gần xong ngôi chùa gỗ, nhắn tôi lên xem. Thật là vĩ đại. Và tâm huyết nữa. Thầy chỉ cả một xưởng gỗ mà chúng đang được sắp xếp đâu đó theo từng nhóm cột, kèo, đòn tay... rồi nói: - Không đắt lắm, sư cũng nên làm chùa gỗ đi, tôi thấy rất buồn vì có nhiều ngôi chùa tốn cả trên dưới chục tỷ mà làm theo kiểu văn hóa thợ nề! - Văn hóa thợ nề? Cụm từ này lạ lắm! Tôi nói, có mấy anh bạn mỹ thuật lên tôi chơi - thì lại nói rằng, kiến trúc mà lấy xi-măng cốt thép làm chủ đạo, lại bắt chước nét cung đình rồng phượng, lai Tàu, lai Nhật...nếu không khéo, không công phu, không tinh xảo thì dễ dẫn đến tình trạng kiến trúc suy đồi! Tại sao là suy đồi, tôi hỏi. Vị giáo sư trả lời: Vì thuở xưa có nhiều bác thợ cả, thợ kép giỏi, cái lớp ấy bây giờ già rồi hoặc chết rồi. Lớp thợ sau này, thế hệ thứ hai, thứ ba, thứ tư... thường thiếu nội lực, nhẫn nại, thời gian, làm lấy có, nên đã bắt chước vụng về cái bắt chước, bắt chước...cái bắt chước thuở trước, rõ là đã tụt hậu mấy lần, không gọi suy đồi là gì![14] Nghe xong, thầy thở dài rồi dẫn tôi đi xem những vĩ kèo, đòn tay đã và đang chạm trổ công phu rồi nhờ người thợ cả tính thử toàn bộ phí tổn. - Không đắt lắm đâu. Thầy nói, bây giờ là tỷ mốt tiền gỗ, chỉ thiếu chừng vài trăm triệu nữa là đủ gỗ cho toàn bộ ngôi chánh điện. - Đồng ý, tôi nói, rất thuyết phục. Tôi sẽ lên dự toán làm ngôi thiền đường toàn bộ bằng gỗ như thầy. Rất cảm ơn thầy.[15] Không bao lâu sau đó, đột ngột nghe tin thầy đã nhập viện. Tôi lên Châu Lâm, gặp thầy Thiện Phước và cư sĩ Phan Minh Trị, cho biết là hội đồng bác sĩ đang hội chẩn, chưa cho ai vào thăm. - Cái gì tác động nghiêm trọng đến vậy? Tôi hỏi. - Đường, huyết áp, cả nhiễm trùng máu nữa. Thầy Thiện Phước trả lời. Sau đó, thầy Thiện Phước cho biết là đường và huyết áp thầy bị mấy chục năm rồi, nhưng thầy cứ để an nhiên tự tại rứa thôi. Mấy tháng nay đang làm chùa, cụ thể là mấy ngày trước đây nắng nóng, thầy luôn luôn giữa công trình, thầy ăn cơm rất ít, chỉ uống nước mía, cái ca nhựa đựng 2 lít nước mía, thầy chỉ uống mấy lần là hết. - Nước ngọt, đường, đúng rồi! Tôi nói, rồi im lặng, tự nghĩ. Biết mình bị đường thì ai cũng phải kiêng cữ, người thường cũng biết, huống hồ gì thầy... Đừng nói thầy không biết kiêng cữ, thầy an nhiên mà tri mệnh chăng? Có lẽ đúng vậy! Thầy Thiện Phước nói với tôi rằng: “Mấy tháng cuối, thầy con cứ viết mãi bài thơ của Vạn Hạnh: Thân như điện ảnh hữu hoàn vô...! Nét chữ đọng từng giọt mực, đọng từng giọt mực! Lạ lắm! Hiện con còn giữ mấy chục bức như thế!” Thế là thầy ra đi khi vừa lên lão. Đêm cuối cùng, có sự họp mặt đông đủ của Tăng Ni, đồ chúng, bạn hữu, thân hữu, trí thức, nghệ sĩ... xung quanh kim quan thầy. Trong không gian tưởng niệm với trầm đèn, trang nghiêm, tĩnh lặng ... tôi được mời nói vài cảm tưởng. Không biết sao mà tôi cứ ấp úng, nói tới, nói lui... mãi vẫn không nói được cái điều mình muốn nói. Thật ra, nó khó nói lắm. Vì đấy là cái minh triết sống, cái đạo sống, là cái hành trạng xuất xử, hoạt dụng của thầy; là cái cô đọng, là cái tinh chất, cái hồn thiền ở nơi thầy mà không ngôn ngữ chữ nghĩa nào nói cho hết được. Hôm đó tôi nói lui nói tới mãi, muốn quy tụ trọn vẹn cuộc đời thầy nơi chữ đạm... nhưng ngôn ngữ cứ bập bẹ, phều phào...không đầu không cuối gì cả! Tôi biết Khổng Tử hiểu nó một phần. Lão Tử hiểu nó hai phần. Còn đức Phật của chúng ta thì thấy rõ toàn bộ (Thấy chứ không phải hiểu). Chữ đạm ấy mà có một dịch giả dịch là nhạt, là lạt lẽo... là chỉ đúng một chút xíu! Cuộc đời thầy toát ra chất đạm nầy. Mà nội hàm của chữ đạm ấy, ta có thể viết cả quyển sách dày để giải thích ý nghĩa của nó. Tôi có thể tạm thời chắt lọc: - Nét bút: Giản phác nhưng có thần khí, tung lượn. - Nụ cười, xử thế: Cởi mở, hào sảng, chân tình - Ăn mặc, đi đứng, nói năng: Thanh giản, dung dị, bình đạm... - Chữ nghĩa: Cô đọng, súc tích, nhiều tầng lớp ngữ nghĩa. - Cho chữ: Mau mắn, dễ dãi. - Trang trí nội thất: Xương kính, nề nếp. - Bố trí vườn cảnh: Giản phác hồn thiền, văn hóa thiền. - Kiến trúc nhà cửa, liêu thất: Tinh, giản, mỹ học cổ điển... Cứ cho là như thế đi, vẫn chưa nói đủ, nói hết! Vì chất đạm ấy là đúc kết những tinh hoa tư tưởng minh triết nhất của Khổng và Lão[16] để bắt gặp Phật, Thiền trong sự vận động, dịch hóa của tính, của mệnh, của duyên, của thời... mà nên vậy. Cũng từ chỗ tổng hòa của đạm ấy mà nó tạo nên đạo sống, phong cách sống, tính cách con người, sự xuất xử; đi vào thi ca, thư pháp, trà đạo, kiến trúc, vườn cảnh, âm nhạc, mỹ thuật... và quan hệ xã hội, con người và cả thiên nhiên, cỏ hoa, mây nước xung quanh mình nữa! Với thế gian vong thân, tha hóa, vật thể hóa... phức rối, đa ngôn, đa sự, khê nồng, ngọt ngào, sáo rỗng.. thì quả thật, những nhân cách “đạm” như thầy Châu Lâm rõ là càng ngày càng thưa vắng đi, và một mai chắc hẳn sẽ không còn nữa! Đã trở thành đồ cổ! Cuộc đời thầy là một cuộc đời hoạt động, hành động. Thầy không thuyết pháp trên bảo tòa với trầm hương nghi ngút. Thầy không nói những điều cao xa, triết lý viển vông, huyền đàm, hý luận hoặc sặc mùi chữ nghĩa lý thuyết phạm trù, xa rời thực tế. Thầy chỉ sống, thở, làm việc. Làm việc, tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Chân tình với thiện nam, tín nữ; với thập phương, bằng hữu, văn nghệ sĩ trí thức... Dĩ nhiên có cái được, cái không, cái thành, cái bại... Điều đó có quan trọng gì đâu đối với người tu hành. Chúng chỉ là hạt bụi đầu lông! Chúng chỉ là cái lăng xăng hoa đốm. Quý là ở cái tâm. Quý ở nụ cười hỷ xả của thầy. Quý ở chỗ thầy không hề chấp nê. Có việc chi rồi cũng xoa tay. Rỗng không. Tự tại. Cho nên thầy luôn luôn ngủ ngon, vô sự. Thầy Thiện Phước kể rằng, thầy ăn chi cũng được, đôi khi chỉ một “mụt” măng còm chấm muối ớt hay vài tai nấm nướng trong cái om đất, cũng xong một bữa. Thầy ngủ đâu cũng được, suốt đời hầu như không treo mùng, vì muỗi không bao giờ cắn thầy! Lạ thế! Thầy cũng giận, cũng buồn, cũng thương, cũng ghét chứ! Nhưng ở nơi thầy thì rất chi là nhẹ nhàng và thanh thản. Nói như Đại Điên nói với Từ Đạo Hạnh, sau khi Đại Điên lỡ tay đánh chết cha của Từ là Từ Vinh: “Tăng giận chẳng qua đêm. Ghét, ưa không đầy khắc!” Thầy là như vậy đó. Tùy duyên mà làm việc. Việc đến thì làm, việc đi thì thôi. Sự lai nhi tâm thể hiện, sự khứ nhi tâm hoàn vô! Cuộc đời thầy là tân cảo thơm, là tân cổ lục, là một bài thơ thiền hiện thực, đương đại! Chỉ còn lại một vài người cuối cùng ở đâu đó trên cuộc đời hữu-hạn-tịch-mịch-thê-lương-bụi-bặm này! Nhạn quá trường không, ảnh trầm hàn thủy, nhạn vô di tích chi ý, thủy vô lưu ảnh chi tâm! Thấy không chống đối ai vì ai cũng là huynh đệ ruột thịt của mình, thầy thường tâm sự như thế. Mà thầy Trí Tựu cũng đồng cảm với điều ấy. Chỉ có trùng sư tử mới ăn thịt được sư tử nên chúng ta phải biết thương yêu nhau, tương kính nhau! Ôi! Tôi tu theo hệ phái Theravāda, thường được mọi người gọi là tiểu thừa (dù là hiểu lầm hoặc dùng từ sai)! Lạy Phật, suốt mấy chục năm quen biết, trước là được hầu các Cố Trưởng lão Trúc Lâm, Từ Quang, Hiếu Quang, Từ Đàm, Pháp Hải..., sau là Ôn Thiện Hạnh, Ôn Giới Hương, Ôn Giác Viên, thầy Tây Thiên, thầy Châu Lâm, thầy Trí Tựu... và cư sĩ Phan Minh Trị thì thường xuyên hơn - tôi thấy không có biên ranh, phân biệt gì về tiểu hay đại! Còn có một cái gì đó rất chi là trí giả, là hiền nhân; rất ư là hòa đồng, rất chi là vô vi, bình đạm! [17] Trở lại với thầy Châu Lâm. Khi biết không thể làm được việc gì nữa, thầy rút lui, lo việc chùa, việc chúng. Tri túc, tri chỉ. Rảnh rỗi thì thư pháp, cho chữ, tặng cái hồn thanh thoát, phóng khoáng của mình cho cuộc-đời-cùn-mằn-chật-chội này! Lại làm Tăng xá, quyết tâm quy hoạch lại toàn bộ quy mô vườn chùa, làm lại ngôi Đại hùng bảo điện bằng gỗ vừa mang phong cách nề xưa, nếp cũ, vừa hoành tráng, chân mộc vừa dị giản đến không ngờ! Đủ rồi. Đệ tử của thầy, trong nước, ngoài nước đều đã thành danh - thành danh không phải bởi bằng cấp tiến sĩ hay cái hư danh, mà với nghĩa... đã thấm tương, thấm chao, đã cứng cáp, vững chãi. Thầy hưởng được cái thần, cái khí, cái phong cách đạo cao của Cố Trưởng lão Châu Lâm[18] thì học trò của thầy cũng đạt được một vài thành hỏa hầu. Họ cũng học được đức tính của trúc, là tiết trực, đốt thẳng. Họ cũng học được đức tính của tùng, cắm rễ sâu dù nơi sỏi đá mà lá vẫn xanh tươi bốn mùa! Họ cũng học được cái dung dị, khiêm tốn... giữa thế gian kiêu ngạo và trương đầy bản ngã! Ngoài Thiện Phước ra - là người có thể kế nghiệp thư pháp, chững chạc, trầm tĩnh trong nhận thức, trong đời sống, trong thái độ khu xử, biết chăm lo mọi việc trong ngoài - còn có Thiện Tâm, Thiện Niệm, Thiện Quang, Thiện Ngộ... nữa! Người nào học cũng giỏi, có thực chất. Lại nữa, như Thiện Phước nhận xét, họ đều còn trẻ nên không tránh khỏi... người này còn sợ hãi, người kia còn nóng nảy... nhưng họ đều gặp nhau một điểm: Có căn tu sâu dày, kinh kệ sớm hôm không lơi là... và rõ ràng đều xem trọng giá trị tinh thần hơn vật chất, yêu đời sống xuất gia và sống có nghĩa, có tình với thầy tổ, huynh đệ, chan hòa với mọi người! Còn gì hơn thế nữa? Cả một gia tài trân bảo để lại cho hậu thế! Đôi khi đa thọ là đa nhục. Hoặc sống cả trăm năm một cuộc sống vô ý nghĩa, phù phiếm lợi danh, vật chất tha hóa, khòm lưng cúi đầu... thì uổng phí một đời cái thân nam nhi đại trượng! Bên Đại thừa có chữ Pháp
thân,
Để dẫn kết, tôi xin chép lại đây bài thơ tặng thầy một xuân nào đó mà thầy nói là thầy thích nhất: “- Chẳng vị thánh, chỉ vị nhân! Thi bút, thanh trà nhất tuyệt xuân Mê ngộ bàn chi cho mỏi miệng Sắc không luận mãi chỉ tê lưng Đến đi, ngày tháng, nhìn thêm thú Kinh kệ, sớm hôm, gẫm lại mừng Chéo áo cà-sa, buồn, túm lại! Đạo đời một bó ... thế là xong!” Và cuối cùng, có câu thơ tôi làm đâu từ lâu xưa hiện ra, như hốt hề! hoảng hề! Kỳ trung hữu tượng, thế không biết: “- Sâm Thương vạn khoảnh soi trường vọng! Ngưu Đẩu muôn đời chiếu tịch liêu!” Bạn, tri tình, tri hữu, thanh khí trên cuộc đời này càng ngày càng thưa vắng đi, cũng là cái tất yếu hay sao? Ôi! Buồn quá! Buồn quá đi thôi!
Huyền
Không Sơn Thượng
[1]
Thuở ấy, Sư là Trụ trì chùa Tăng Quang, làm Chánh Đại Diện Phật giáo
[2]Tôi còn nhớ, mỗi lần lên Huyền Không, thấy chùa nghèo, Cố Trưởng lão Thanh Trí thường vét hết các túi, có bao nhiêu Ôn nhét vào túi của tôi cả, nói đúng nguyên văn rằng: “Để cụ mi uống trà cho vui!” Tôi thỉnh thoảng cũng có lên Bảo Quốc vài bài lần, được thầy Thiện Hạnh cho uống trà. Chỉ mấy tảng đá dựng nơi tháp Cố Trưởng lão Trí Thủ mà thầy đã mất công lái xe lên xuống nhiều lần và mời cơm rất trân trọng. Ôi! Là cái tâm, cái tình của người xưa! Cố Trưởng lão Đức Tâm có hai lần mời tôi cùng một số trí thức, cư sĩ, văn nghệ sĩ về chùa Pháp Hải bàn việc xây dựng Liễu Quán (Tôi chỉ còn nhớ anh Sanh, anh Lợi...) Lại còn nhờ tôi dựng mấy cục đá như ở Bảo Quốc. Thuở nhỏ, tôi rất thích thú Liên Hoa nguyệt san. Tưởng Ôn cũng sẽ làm được cái gì đó cho văn hóa Phật giáo vì Ôn là người biết quy tụ mọi người, nhất là trí thức văn nghệ sĩ xung quanh mình! Nhưng tiếc thay, Ôn đã ra đi quá sớm! Cố Trưởng lão Trúc Lâm và Cố Trưởng lão Từ Đàm thỉnh thoảng cũng lên uống trà nơi gác Yên Hà. Cố Trưởng lão Trúc Lâm chỉ tủm tỉm cười: Phong cách lắm! Cố Trưởng lão Từ Đàm thì tò mò xem sách (Thư viện bỏ túi có chừng 3000 đầu sách) hoặc tỉ mẩn xem những bộ trà cổ rồi khen quý và đẹp! Có lần Ôn nói, thơ và đối sư làm, được lắm! Tôi kính cẩn, cái cặp đối: Một chút giận, hai chút tham; lận đận cả đời ri cũng khổ. Trăm điều lành, ngàn điều nhịn; thong dong tấc dạ rứa mà vui! của Ôn, nôm na, dân dã nhưng kỳ tuyệt ...đã thầm lặng đi vào tòng lâm, tự viện, vào lòng người, vào dân gian... Cố Trưởng lão Linh Mụ có lần nói chuyện với tôi và Sư Viên Minh: Tui bên Đại thừa nhưng thấy chiếc y vàng của quý sư, tôi rất xúc động. Hôm nào, có thể, cho tui xin một bộ... Dĩ nhiên, chúng tôi dâng Ôn một bộ đẹp nhất. Cố Trưởng lão Hiếu Quang (Dạ Sĩ Thiện Trí) thì cho phép chúng tôi (Nguyễn, Nguyệt Đình) cùng uống trà và xướng họa. Hiện tôi đang còn giữ được 5 bài đường luật, 01, tôi trân tặng và 04, tôi chuyết họa - đang chuẩn bị in trong tập Sương khói đường thi. Một thời, Ôn được giới Tao Đàn tôn xưng là Tao Đàn Nguyên Soái. Thơ Ôn rất nhiều, riêng thể loại trào phúng, châm biếm - thì tôi khoái nhất 02 bài. Bài thứ nhất, “Vịnh con ong”: Con chi trong bụi kêu vù vù. Bỗng chốc trên đầu nổi cục u! Mồ tổ ba đời quân xỏ lá. Đằng đầu không cắn, cắn đằng khu! Bài thư hai, “Vịnh lũ lụt”, cặp thực và cặp luận: Sâu kiến bất tài đeo cụm nổi. Rác rều vô dụng kết bè trôi. Lao nhao (Lao xao?) giậu trúc nghe chim gáy. Chóc ngóc (Nhấp nhổm?) giường cao thấy chó ngồi! Những bài thơ ấy đã có giá trị bất hủ, vượt thời gian! Tôi được quen biết thầy Quang Nhuận kể từ thời điểm này. [3] Do toàn bộ bối ảnh tạo sự quen biết như thế, nên sau này, Ôn Đức Tâm mất, tôi viết một cặp đối, mỗi bên có 40 hoặc 45 chữ gì đó tôi quên rồi, nhưng đã dốc hết sức mình! Ôn Từ Đàm mất, viết một bài văn điếu nhân danh hệ phái, tôi dường như cũng dốc hết cả chữ nghĩa và tấm lòng của mình đối với Ôn! Ôn Trúc Lâm cũng vậy, (Ôn gọi tôi bằng chú, trong họ Nguyễn Duy) với bài thi điếu thất ngôn thập nhị cú khá súc tích, cẩn trọng từng từ, từng dấu phẩy! Ôn Từ Quang thì tôi kêu bằng anh - trong họ - cũng có mấy bài đường thi rất trân trọng... Ôn Hiếu Quang mất, tôi phúng điếu một bài thất ngôn nhị thập cú rất tôn nghiêm! (tôi cũng quên rồi)! Ôn Diệu Đế mất, trước kim quan, tôi có đọc lại bài thơ Hán, luật Đường được làm vào năm 1980-1981 cũng khá “cổ độ”! [4] Thật ra, chúng tôi còn lãng mạn hơn nhiều. Dường như năm 1980, rủ nhau uống trà lúc 6 giờ sáng tại Diệu Đế - Chỉ có thầy Giới Hương mới có đủ không gian cổ kính, kỷ, ấm chén kỳ khu và trà ngon đúng tiêu chuẩn - tôi phải xuất hành khi sao mai vừa mọc từ Huyền Không (Nham Biều) mới không trễ hẹn. Tại phòng trà này, thầy Giới Hương có treo năm ba bức thư pháp của tôi. Có lần, thầy nói, Ôn Từ Đàm đọc rất kỷ. Còn Phước Thành, Từ Phương, anh Lợi khen hay... Như vậy là khen thơ chứ không phải khen chữ!. [5] Ví dụ như các bài thơ của chư thiền sư Vạn Hạnh, Mãn Giác, Không Lộ... [6]Sau này, Hiệp hội Schmitz còn tài trợ thêm cho tôi để trồng 10 ha rừng, một vườn phong lan, cây kiểng; dự án trường Mẫu giáo tại làng Dạ Lê Thượng, Thủy Phương, Hương Thủy; cầu Sơn Thượng đi vào HKST bây giờ nữa. [7] “Khe cọp” là Hổ Khê ở Lô Sơn của Tuệ Viễn. Tương truyền, ông ở ẩn tại Lô Sơn suốt 30 năm, chỉ tiễn khách đến con suối này là dừng chân lại. Hôm kia, có hai người bạn thân, tâm giao; khi tiễn về, mải vui chuyện nên đã bước qua con suối bao giờ chẳng hay. Con cọp ở hang đá gần đấy, muốn nhắc nhở chủ nhân nên nó rống to một tiếng. Cả ba giật mình, cùng cười ha hả. Đây là tích “Hổ Khê tam tiếu” thường được vẽ nơi các bộ trà, đĩa cổ. [8] Có 4 câu thơ: “Xinh xinh vài nụ cỏ. Đặt trên đĩa án thư. Lung linh vầng nhật nguyệt. Lung linh cả thái hư”. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đọc và giải thích cho cụ Tổng nghe. Tôi còn nhớ anh Mai nói đại ý của bài thơ là, thân phận muôn dân như lau cỏ thấp hèn, làm sao cho họ có được một đời sống lung linh hơn, tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn... Giải thích như thế thì quả thật là đại tài! Cụ Tổng mỉm cười. [9] Từ khởi điểm này mà các nhóm thư pháp Hán, Nôm ở Hà Nội mới rục rịch chuyển động chăng? [10] Ví dụ, Phó Thủ Tướng Phạm Gia Khiêm; sau đó là một buổi trà đàm gồm nhiều nhà nghiên cứu, giáo sư... (Tôi chỉ còn nhớ nhà sử học Dương Trung Quốc, nhà thư pháp Hán lão thành (cụ Hòa), Tổng giám đốc công ty trà.. [11] Tôi đã bê nguyên cái cổng tre trên núi về làm cổng vườn thư pháp. Lại còn mượn, dỡ nguyên cả mái lều tranh của người ta để lợp những mái nhà ngoài vườn cỏ.. [12] Người ta có ý chê có nhiều hạng mục phục vụ quần chúng có tính nhảm nhí, thiếu chất văn hóa. [13] Ở đây xin mở một dấu ngoặc là cụm nhà này quý thầy đã nhượng lại cho HKST, hào sảng như tặng không. Xin trân trọng cảm ơn Ôn Giác Viên, thầy Tuệ Sỹ, thầy Hạnh Viên và chị Hường - và bên sau hẳn có tiếng nói góp ý của thầy Châu Lâm thuở sinh tiền nữa!. [14] Sau này một số kiến trúc sư Hà Nội, Sài Gòn...; các họa sĩ trẻ, thành danh, như anh Đinh Khắc Thịnh cũng có những nhận xét tương tợ. Nhà nghiên cứu Dân tộc học Nguyễn Văn Thông nghe nói đến chuyện ấy, chỉ thở dài, lắc đầu - anh rất thương xót cho chùa chiền Huế, nói chung! [15] Ai ngờ, cái bản vẽ thiền đường của tôi rất quy mô, bề thế, toàn bộ kết cấu, cột kèo đều bằng gỗ, dự toán lên đến 13 tỷ 2 - thầy chưa được xem, góp ý cho chỉnh chu thì thầy đã ra đi rồi! [16]Lão, Chương 35 LTĐĐK: “Nhạc dữ nhị, quá khách chỉ. Đạo chi xuất khẩu, đạm hồ kỳ vô vị, thị chi bất túc kiến, thính chi bất túc văn, dụng chi bất túc ký”. Nguyễn Hiến Lê (LTĐĐK, NXBVH, 1998, trang 216) dịch: “Âm nhạc với mỹ vị làm cho khách qua đường ngừng lại; còn đạo mà nói ra thì nó nhạt nhẽo, vô vị, nhìn kỹ nó không thấy, lắng nghe cũng không nghe, dùng nó thì không bao giờ hết.” Phía dưới, ông còn giải thích: Đạo không hấp dẫn người ta như âm nhạc, mỹ vị; thể của nó nhạt nhẽo, vô thanh, vô hình, nhưng dụng của nó vô cùng! Ta có thể nghiên cứu thêm chương 63 LTĐ ĐK: “Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị”, nghĩa: Làm - không làm; việc - không việc, không có chuyện gì; vị - không vị. Nguyễn Hiến Lê giải thích: Đạo thì vô vi, vô sự mà nhạt nhẽo, vô vị (nếm cái nhạt nhẽo vô vị - đạm hồ kỳ vô vị) tức là xử sự theo đạo (trang 254, Sđd). Khổng, Trung Dung của Khổng: “Quân tử chi đạo đạm nhi bất yểm, giản nhi văn, ôn nhi lý”, nghĩa: “Đạo của người quân tử đạm bạc mà không ai chán, giản dị mà có vẻ đẹp, ôn hòa mà có trật tự.” (Chu Hy - Tứ thư tập chú - Nguyễn Đức Lân chú dịch, NXB VHTT, 1999, trang 177. Xin đọc thêm:Phật giáo có thể đóng góp gì cho Minh triết Việt - tập san Nghiên cứu Phật học số 7, PL.2552 - cùng tác giả) [17] Trước đây thì Ôn Trúc Lâm có nhăn mày: Cái chú này, đang tu theo đại thừa ngon lành rứa, lại chạy theo tiểu thừa! Nói thế thôi, nhưng Ôn lại tiếp: Chữ duyên của đạo Phật mình bất khả tư nghì lắm! [18] Cố Trưởng lão Châu Lâm thuở xưa, một thời, là thầy của Ngài Hộ Nhẫn, chùa Thiền Lâm, Tăng trưởng hệ phái Nam Tông chúng tôi - nên sự qua lại thân tình đã có duyên từ trước. |
[Ðầu trang[Trở về trang Thư Viện]
updated: 2009