PHẦN PHỤ LỤC
(Do Trần Minh Tài thực
hiện)
PHẬT
GIÁO LÀ CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN CHÂN LÝ
(Bài phỏng vấn Hòa Thượng
Shanti Bhadra)
Hòa
Thượng Shanti Bhadra, sinh trưởng tại Tích Lan, đã chu du nhiều nơi trên thế
giới để hoằng dương Chánh Pháp, Hòa Thượng đã lưu lại Việt Nam trong hơn bốn
năm để dạy cho chư Tăng tại Phật Học Viện Phật Bảo, Gia Định. Cuộc phỏng vấn
sau đây Ngài dành cho tập san Pháp Âm (Voice of Buddhism, Singapore, 1972)
HỎI:
Thưa Hòa Thượng, xin Hòa Thượng giới thiệu một lối hay nhất để cho một người
mới bắt đầu đi vào đạo Phật.
ĐÁP:
Để tìm hiểu giáo lý đạo Phật một cách chính xác, người ta có thể bắt đầu bằng
cách đọc những cuốn sách đại cương về những giáo lý căn bản. Và nếu có thể, họ
nên gặp những bậc thiện trí thức thông hiểu Phật Pháp để vấn đạo. Đàm luận giáo
lý là phương pháp hay nhất để tìm hiểu đạo Phật, về phương diện lý thuyết, nhờ
đó người ta có thể chấp nhận Phật giáo qua lý trí chứ không phải qua tình cảm
bồng bột hay lòng mê tín.
HỎI:
Thưa Hòa Thượng, theo Phật giáo thế nào là tội lỗi?
ĐÁP:
Trong Phật giáo không có vấn đề tội lỗi (hiểu theo nghĩa xúc phạm ý trời). Khi
một người hành động phi luân lý hay phản đạo đức, Phật giáo gọi đó là hành động
không khôn ngoan hay bất thiện. Sở
dĩ có hành động sai lầm hay bất cẩn là vì si mê, thiếu sáng suốt. Theo một vài
tôn giáo, người ta bị xem là có “tội” khi vi phạm hay bất tuân những điều răn
do vị giáo chủ hay Trời, Thần phán định. Trái lại, theo Phật giáo dù là Phật tử
hay không phải là Phật tử mà trộm cắp, tà dâm, dối trá… thì đó là hành động sai
lầm, bất thiện và hiển nhiên tự chuốc lấy kết quả xấu xa. Như một người ngu si
đưa tay vào lửa thì tự nhiên bị phỏng chứ không phải là tội lỗi hay xúc phạm
Trời Thần gì cả.
Trong
Phật giáo, những hành động không khôn ngoan, sai lầm hay bất cẩn sẽ làm trì trệ
tiến trình giải thoát.
HỎI:
Thưa Hòa Thượng, Phật giáo có thực dụng đối với thế giới tân tiến ngày nay
không?
ĐÁP:
Dẫu xưa hay nay, Phật giáo vẫn nhằm mục đích giải quyết những khủng hoảng nội
tại. Con người bất cứ thời nào cũng có những xung đột bên trong. Tâm hồn chúng
ta gần như luôn luôn ở tình trạng hỗn loạn. Trong cuốn sách Vanity, Fair
Theckery có viết: “Mọi người đều có những ước vọng nhưng không bao giờ những ước
vọng ấy được thỏa mãn hoàn toàn”. Như vậy, chúng ta thấy ước muốn và
bất mãn là một trong những cặp nhân tố đưa đến tình trạng bất an trong tâm
giới. Muốn cho tâm hồn được quân bình, an tịnh và lành mạnh thì phải áp dụng
những nguyên tắc Phật dạy, như thế đạo Phật vẫn thực dụng đối với mọi thời, mọi
nơi và mọi cá thể.
HỎI:
Thưa Hòa Thượng, tại sao Đức Phật không dạy tất cả những điều Ngài biết?
ĐÁP:
Một ngày nọ Đức Phật đi ngang qua một khu rừng, Ngài cầm một nắm lá đưa lên và
hỏi các đệ tử nắm lá trong tay nhiều hơn hay tất cả lá trong rừng nhiều hơn.
Tất cả các môn đệ đều trả lời lá trong rừng nhiều hơn. Đức Phật nhân đó dạy
rằng: cũng vậy, những điều Như Lai dạy các ngươi giống như nắm lá trong tay,
còn những điều Như Lai biết giống như tất cả lá trong rừng. Những điều Như Lai
dạy đều nhằm mục đích giải thoát giác ngộ. Còn những điều Như Lai biết mà không
dạy chỉ vì những điều đó không giúp cho các ngươi giải thoát ra khỏi sinh tử
khổ đau.
HỎI:
Thưa Hòa Thượng, kinh điển có đưa ra một giải pháp nào cho vấn đề cuộc sống
không?
ĐÁP:
Có, Niết Bàn là giải pháp cho cuộc sống được đề cập trong kinh điển. Nhưng muốn
đi đến giải pháp đó chúng ta phải thực hiện giai đoạn sơ khởi. Cuộc sống của
chúng ta cũng như một bài toán phải được giải từ đầu. Dẫu chúng ta biết trước
đáp số cũng không có nghĩa là chúng ta đã thành công. Trái lại, chúng ta phải
giải hết mọi ẩn số của phương trình bằng nhiều công thức; nếu sai chúng ta phải
bắt đầu lại; như thế mới đi đến một đáp số đúng. Cũng vậy, biết Niết Bàn là
giải đáp của cuộc sống chưa đủ. Tốt hơn chúng ta để giải đáp đó sang một bên và
bắt đầu giải bài toán cuộc sống bằng công thức Bát Chánh Đạo, cuối cùng chúng
ta sẽ được một giải đáp thỏa đáng như kinh điển đã đưa ra.
HỎI:
Mục đích của Phật giáo là đạt được trí tuệ. Vậy có những loại hay trình độ trí
tuệ khác nhau hay không?
ĐÁP:
Trí tuệ có ba trình độ khác nhau: một là văn tuệ, tức là trí tuệ phát
sinh do học hỏi bằng giác quan. Trí tuệ này bao gồm những kiến thức thông
thường. Hai là tư tuệ, tức là trí tuệ có được qua tư duy. Những điều
chúng ta học hỏi qua giác quan nghe người khác giảng giải hay đọc sách… chỉ là
những kiến thức vay mượn. Chúng ta phải suy nghiệm lại những kiến văn đó để tìm
ra sự thật. Những ánh sáng có được qua tư duy như thế gọi là tư tuệ. Ba là tu
tuệ, tức là trí tuệ phát sanh do định và thiền minh sát. Chính trí tuệ
này mới là trí tuệ có thể diệt tận những hỗn loạn nội tâm để đạt giải thoát
hoàn toàn.
HỎI:
Tham muốn bị xem như là một trong những gốc của bất thiện, nhưng làm sao con
người có thể sống được nếu không có ham muốn gì cả, thưa Hòa Thượng?
ĐÁP:
Chúng ta phải phân biệt hai trạng thái khác nhau là ham muốn và nhu cầu.
Sống trên đời chúng ta phải có những nhu cầu cần yếu như cơm ăn, áo mặc, chỗ ở,
thuốc chữa bệnh, phương tiện giao thông… để cho đời sống được tiện nghi. Ham
muốn chỉ đến khi nào chúng ta có những cố gắng thỏa mãn đòi hỏi của thị dục,
nghĩa là đã vượt ra khỏi hàng rào tri túc. Chính vì thế con người đau khổ khi
những ước muốn của mình không được thỏa mãn. Người Phật tử không hề bị bắt buộc
phải xóa bỏ mọi tiện nghi vật chất. Họ có thể có tất cả những gì họ cần, nhưng
luôn luôn phải biết đâu là nhu cầu cần thiết, đâu là lòng ham muốn, tham lam.
HỎI:
Thưa Hòa Thượng, Thiền Phật giáo có mục đích gì?
ĐÁP:
Mục đích của Thiền Phật giáo là loại bỏ tham, sân, si. Đời sống của chúng ta sở
dĩ đau khổ và hỗn loạn là do những ô nhiễm này. Bao lâu còn tham, sân, si thì
thế giới còn lầm than khốn khổ. Vì vậy chúng ta phải loại trừ những bất tịnh
này bằng pháp thiền định và tuệ. Việc này không thể thực hiện được một cách
nhanh chóng và dễ dàng vì tham, sân, si đã tập nhiễm sâu xa trong tâm hồn chúng
ta. Điều quan trọng là chúng ta phải tự biết mình, phải biết những hoạt động ra
sao và chúng có thể bị loại trừ như thế nào.
Phật
giáo là một đường lối giác ngộ chân lý mà Thiền là một phần của đường lối đó.
Thiền để tĩnh tâm và tĩnh tâm là để nhận chân lý. Khi tâm chúng ta bị chi phối
bởi tham, sân, si thì chúng ta không thể nhìn vạn pháp đúng với thực tánh của
nó. Trái lại, khi các ô nhiễm bị tẩy trừ thì chân lý sẽ hiển hiện. Đó là mục
đích của thiền vậy.
THỰC
TẬP THIỀN VIPASSANÀ
Tác
giả: Thiền sư U. MAHASI
Hiệu
đính: Hoà thượng KIM TRIỆU
Dịch
giả: Tỳ khưu KHÁNH HỶ
Dĩ
nhiên chẳng ai muốn đau khổ và mọi người đều cố gắng tìm kiếm hạnh phúc. Khắp
nơi trên thế giới nhân loại đang tìm đủ cách để ngăn ngừa hoặc làm vơi đi nỗi
khổ đau và tạo an vui hạnh phúc. Tuy nhiên mục đích chính yếu của họ chỉ nhằm
tạo hạnh phúc thể chất bằng phương tiện vật chất. Thật ra, hạnh phúc hay không
đều do ở tâm chúng ta. Vậy mà rất ít người nghĩ đến vấn đề phát triển tinh
thần. Những người muốn rèn luyện tinh thần lại càng hiếm hoi hơn.
Để
thỏa mãn những nhu cầu vật chất người ta thường để tâm đến những việc tầm
thường như tắm giặt sạch sẽ, ăn mặc gọn gàng. Họ quan tâm nhiều đến việc kiếm
thức ăn, quần áo, nhà cửa. Tiến bộ khoa học đã giúp cho họ nhiều trong việc
nâng cao đời sống vật chất; chẳng hạn những tiến bộ trong sự chuyên chở và
truyền tin, những phát minh y học để ngừa bệnh và trị bệnh. Phải nhìn nhận
những cố gắng ấy rất ư là quan trọng, nhưng chúng chỉ giúp bảo vệ và nuôi dưỡng
cơ thể mà thôi. Những phát minh và những thành công đó không thể nào tiêu diệt
hay giảm thiểu được nỗi khổ của tuổi già, bệnh tật, gia đình xáo trộn và khủng
hoảng kinh tế. Tóm lại, không thể nào thỏa mãn con người bằng phương tiện vật
chất. Chỉ có sự rèn luyện tinh thần mới có thể giúp con người vượt qua những
nỗi đau khổ này. Bởi vậy phải tìm một phương cách hữu hiệu để rèn luyện, ổn
định và thanh lọc tâm hồn. Phương cách này được tìm thấy trong Maha
Satipatthana Sutta, một thời pháp mà Đức Phật đã giảng dạy cách đây hơn hai
ngàn năm trăm năm. Đức Phật dạy:
“Đây
là cách duy nhất để thanh lọc tâm để vượt qua sự đau đớn và nỗi thống khổ, để
tiêu diệt sự uất ức và buồn rầu, để đi trên con đường chân chánh dẫn đến Niết
Bàn. Đó là Tứ niệm xứ”.
Nếu
bạn thực sự muốn thực tập thiền để đạt được tuệ giác giải thoát ngay trong kiếp
hiện tại, bạn phải gạt bỏ mọi tư tưởng và hành vi thế tục trong thời gian hành
thiền. Làm như thế là để trau dồi phẩm hạnh thanh cao. Đó là bước căn bản cho
việc phát triển thiền. Bạn phải giữ mình trong sạch, đạo đức vì đạo đức là bước
cơ bản để phát triển tuệ giác. Bạn phải giữ các giới luật của người Phật tử tại
gia hay tu sĩ xuất gia. Trong khóa thiền tập nhiều ngày thiền sinh phải giữ tám
giới (bát quan trai).
1.
Không sát
sanh.
2.
Không trộm
cắp.
3.
Không hành
dâm.
4.
Không nói
dối.
5.
không uống
rượu và các chất say.
6.
Không ăn
phi thời (quá ngọ).
7.
Không múa
hát, nhạc kịch, không trang điểm phấn son.
8.
Không nằm
ngồi nơi cao sang, xinh đẹp.
Một
điều nữa là không có lời nói hay hành động bất kính đối với những người có
trình độ giác ngộ cao (các bậc Thánh).
Theo
truyền thống của các Thiền sư xưa thường khuyên bạn đặt niềm tin vào Đức Phật,
vì như thế sẽ giúp cho bạn bớt hốt hoảng khi những hình ảnh bất thiện hoặc đáng
sợ xuất hiện trong tâm bạn lúc đang hành thiền. Trong lúc thiền tập bạn cũng có
một vị Thiền sư hướng dẫn để chỉ cho bạn biết một cách rõ ràng mình đang thiền
như thế nào và kết quả đến đâu, cũng như để chỉ dẫn cho
bạn khi cần thiết.
Mục
đích chính và thành quả lớn lao của việc hành thiền là giúp cho bạn loại bỏ
tham, sân, si – ba nguồn cội của mọi khổ đau và tội lỗi. Vậy bạn hãy nỗ lực
tích cực hành thiền với quyết tâm loại bỏ tham, sân, si; có như thế việc hành
thiền mới hoàn toàn thành công. Cách thực tập thiền quán trên căn bản Tứ niệm
xứ (satipatthana) này là phương pháp mà Đức Phật và chư Thánh Tăng đã hành trì
để giác ngộ. Bạn hãy vui mừng bởi mình có duyên may thực hành loại thiền quý
báu này.
Bốn
điều bảo vệ hay quán tưởng sau đây cũng rất cần thiết cho bạn khi bạn bắt đầu
vào khóa thiền tập. Bạn hãy suy tưởng đến Đức Phật, đến lòng từ ái, đến thân
thể bất tịnh và đến sự chết.
1.
Trước tiên
hãy tỏ lòng tri ân kính ngưỡng Đức Phật bằng cách suy niệm đến những đức tánh
thánh thiện của Ngài.
“Con
xin thành kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, Bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh
Túc, Thiện Thệ, Thế Gian giải, Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư,
Phật, Thế Tôn”.
2.
Sau đó hãy
hướng tâm từ ái đến mọi chúng sinh, hãy hòa mình với tất cả mọi loài không mảy
may phân biệt.
“Mong
cho tôi thoát khỏi thù hận, bệnh tật và phiền muộn. Mong cho cha mẹ, thầy tổ,
bạn bè cùng tất cả mọi người, mọi loài thoát khỏi thù hận, bệnh tật và phiền
muộn. Cầu mong tất cả chúng sinh thoát khỏi khổ đau”.
3.
Hãy suy
tưởng đến sự bất tịnh của thân thể, đó là sự luyến ái bất thiện mà phần đông
thường mắc phải. Hãy chú ý đến tánh cách bất tịnh, dơ dáy của dạ dày, ruột, đờm
dãi, mủ, máu để loại bỏ những tư tưởng luyến ái, bám víu vào xác thân.
4.
Suy tưởng
đến tình trạng mỗi người đều tiến dần đến cái chết. Đấy là lối sống suy tưởng
có lợi ích về phương diện tâm lý. Đức Phật thường nhấn mạnh rằng: sự sống thật
bấp bênh, tạm bợ nhưng cái chết là điều không thể tránh né. Tiến trình của cuộc
sống gồm có sanh ra, già đi, bệnh tật, khổ đau và cuối cùng là cái chết.
Lúc
thực tập, bạn có thể ngồi kiết già hay bán già hoặc ngồi hai chân không chồng
lên nhau. Nếu thấy ngồi dưới sàn khó định tâm hay làm bạn khó chịu, bạn có thể
ngồi trên ghế. Tóm lại, bạn có thể ngồi cách nào miễn thấy thoải mái là được.
BÀI
TẬP THỨ NHẤT
Hãy
chú tâm vào phần bụng. Nên nhớ là chú tâm chứ không phải chú mắt nhìn vào bụng.
Chú tâm vào bụng bạn sẽ thấy được chuyển động phồng xẹp của bụng. Nếu không
thấy rõ được sự chuyển động của bụng, bạn có thể đặt hai tay lên bụng để cảm
giác sự phồng xẹp. Một lúc sau, bạn sẽ nhận rõ sự chuyển động vào ra của hơi
thở. Bạn hãy nhận rõ sự phồng lên khi hít vào và xẹp xuống khi thở ra. Mọi
chuyển động của bụng đều phải được nhận rõ. Từ bài tập này bạn biết được cách
chuyển động của bụng. Bạn không cần để ý hình thức của bụng mà chỉ cần theo dõi
cảm giác, sức ép do chuyển động của bụng tạo nên mà thôi.
Đối
với những người mới tập thiền, đây là phương pháp rất có hiệu quả để phát triển
khả năng chú ý, định tâm và tuệ giác. Càng thực tập lâu càng thấy sự chuyển
động rõ ràng hơn. Khi trí tuệ chánh niệm tỉnh giác phát triển trọn vẹn thì ta
sẽ tuệ tri được những diễn tiến liên tục của tiến trình tâm – sinh – vật lý của
mỗi giác quan. Vì là người sơ cơ hành thiền, sự chú ý và khả năng định tâm còn
yếu nên bạn sẽ thấy khó giữ tâm trên những chuyển động phồng xẹp liên tục. Do
đó bạn có thể nghĩ rằng: “Ta chẳng biết cách giữ tâm trên mọi chuyển động phồng
xẹp này”. Bạn cần nhớ rõ đây là một tiến trình học hỏi vì vậy hãy yên tâm tiếp
tục hành thiền. Chuyển động phồng xẹp của bạn luôn luôn hiện hữu, vì vậy ta
không cần tìm kiếm chúng. Thực ra những thiền sinh mới chỉ cần đơn thuần chú
tâm trên hai chuyển động phồng xẹp mà thôi nên sự thực tập cũng không khó khăn
lắm. Bạn hãy tiếp tục thực tập bài tập này bằng cách chú tâm vào chuyển động
phồng xẹp. Đừng bao giờ lập đi lập lại bằng miệng những chữ phồng xẹp, dầu cho
nói thầm cũng không được, chỉ cần nhận rõ sự chuyển động phồng xẹp của bụng mà
thôi. Nên thở đều đặn tự nhiên, tránh điều khiển hơi thở dài hay ngắn quá.
Nhiều thiền sinh muốn thấy rõ sự
phồng xẹp nên hay thở dài hoặc nhanh, làm như thế sẽ khiến bạn mệt.
BÀI
TẬP THỨ HAI
Trong
khi thực tập quan sát sự phồng xẹp của bụng những tư tưởng khác sẽ phát sanh
làm bạn quên mất sự chú tâm. Tư tưởng, ham muốn, ý nghĩ, tưởng tượng v.v… sẽ
xuất hiện giữa những thực kiện “phồng, xẹp”. Bạn không nên bỏ qua những phóng
tâm hay vọng tưởng này mà phải nhận rõ từng phóng tâm một khi chúng phát sanh.
Khi
tâm bạn tưởng tượng một điều gì, bạn phải biết là đang tưởng tượng. Khi
bạn chỉ đơn thuần nghĩ đến một điều gì phải biết đang nghĩ. Khi bạn suy
gẫm biết đang suy gẫm. Khi bạn có dự định làm điều gì biết đang dự
định. Khi tâm bạn đang lang bạt không để ý đến phồng xẹp, biết đang
phóng tâm. Khi tưởng tượng đang đi đến một nơi nào phải biết đang tưởng
đi. Khi tưởng đến thì biết đang tưởng đến. Khi nghĩ đến gặp
người nào thì nghĩ đến đang tưởng gặp. Khi nghĩ đến nói chuyện với ai
thì phải biết đang tưởng nói. Khi bàn cãi biết đang tưởng bàn cãi.
Khi thấy hình ảnh màu sắc biết là thấy. Mỗi một khi tâm thấy gì, nghĩ gì
đều phải nhận rõ cho đến khi chúng tự biến mất. Sau khi chúng biến mất ta lại
chú tâm vào sự phồng xẹp. Phải chú tâm hành trì đừng chểnh mảng. Khi định nuốt
nước bọt phải nhận rõ: định. Khi nuốt phải nhận rõ động thái nuốt.
Muốn khạc nhổ phải nhận rõ: muốn, rồi lại trở về sự phồng xẹp. Nếu bạn muốn
khum cổ nhận rõ: muốn, trong khi khum cổ nhận rõ động thái khum.
Khi bạn định ngưỡng cổ lên nhận rõ: định, khi ngưỡng cổ lên nhận rõ động
thái ngưỡng. Động tác ngưỡng cổ hay khum cổ nên tiến hành thong thả tự
nhiên. Sau khi đã chú tâm giác niệm mỗi một động tác đó, ta lại trở về với động
thái phồng xẹp.
BÀI
TẬP THỨ BA
Vì
phải liên tục thiền trong một khoảng thời gian khá dài với tư thế ngồi hay nằm
nên bạn cảm thấy mệt và thấy mỏi tay chân. Trong trường hợp này, bạn hãy chú
tâm vào cảm giác mệt mỏi và nhận rõ trạng thái mệt mỏi. Hãy giác niệm
một cách tự nhiên, không mau quá cũng không chậm quá. Cảm giác mệt mỏi sẽ dần
dần giảm đi và cuối cùng hết hẳn. Nếu sự mệt mỏi kéo dài đến độ không chịu đựng
nổi, lúc bấy giờ bạn hãy thay đổi tư thế. Tuy nhiên đừng quên nhận rõ ý muốn
trước khi thay đổi tư thế. Mỗi một chi tiết chuyển động nhỏ đều phải được giác
niệm một cách trung thực theo trình tự.
Nếu
dự định đưa tay hay đưa chân lên hãy nhận rõ ý định ấy. Trong khi đưa tay hay
đưa chân lên hãy nhận rõ động thái đưa lên. Duỗi tay, duỗi chân nhận rõ động
thái duỗi. Khi đặt tay xuống nhận rõ động thái đặt xuống. Khi
hai chân tay tiếp xúc nhau nhận rõ trạng thái nơi tiếp xúc. Hãy thực
hiện mọi động tác khoan thai để dễ nhận biết rõ ràng. Ngay khi bạn đang ở trong
tư thế mới, bạn phải tiếp tục chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng ngay. Nếu thấy
tư thế mới không thoải mái, muốn đổi tư thế thì cũng phải giác niệm như trên.
Nếu
thấy ngứa ngáy một chỗ nào đó, chú tâm vào chỗ ngứa ngáy và nhận rõ cảm giác
ngứa. Sự giác niệm phải tự nhiên, đừng quá mau cũng đừng quá chậm. Khi
cảm giác ngứa biến mất lại trở về
trạng thái phồng xẹp.
Nếu
ngứa quá không chịu được muốn gãi, phải nhận rõ ý muốn gãi rồi
mới từ từ đưa tay lên, nhận rõ động tác đưa lên. Khi tay đụng chỗ ngứa
nhận rõ sự đụng chạm. Khi gãi nhè nhẹ vào chỗ ngứa nhận rõ động tác gãi.
Khi đã hết ngứa không muốn gãi nữa và muốn đưa tay về phải nhận động tác đưa về.
Khi trở về chỗ cũ và tiếp xúc với tay hay chân nhận rõ sự đụng chạm. Rồi
tiếp tục quan sát sự phồng xẹp ở bụng.
Nếu
thấy đau hay khó chịu, hãy chú tâm vào chỗ đau hay khó chịu đó. Hãy giác niệm
một cách rõ ràng và chính xác mọi cảm giác phát sinh, chẳng hạn, đau nhức, đè
nặng, mệt, tê, cứng v.v… cần nhớ là những sự giác niệm này phải tự nhiên, đồng
thời, đừng vội vã quá cũng đừng chậm trễ quá. Cơn đau, nhức có thể chấm dứt hay
gia tăng. Khi cơn đau gia tăng cũng đừng hốt hoảng hay lo sợ gì cả mà chỉ cần
tiếp tục thiền và một lát sau cơn đau sẽ lắng đi. Nếu cơn đau nhức vẫn kéo dài
không thể chịu đựng nổi thì hãy bỏ qua sự đau nhức và chú tâm vào sự phồng xẹp.
Khi
thiền của bạn tiến triển, bạn sẽ có những cảm giác đau đớn khó chịu. Bạn có cảm
giác khó thở, nghèn nghẹn, có khi như bị kim chích, thấy nhột nhạt như có côn
trùng bò lên thân mình. Bạn cũng có thể thấy ngứa ngáy, đau đớn như con gì
cắn, bị rét run. Khi bạn ngưng thiền thì những cảm giác trên biến mất
ngay. Khi bạn tiếp tục thiền trở lại và cứ mỗi khi bắt đầu định tâm thì cảm
giác khó chịu trên lại xuất hiện. Những cảm giác này không có gì đáng lo ngại.
Đây không phải là dấu hiệu của bệnh hoạn mà chỉ là những cảm giác bình thường
vẫn hiện diện trong cơ thể ta nhưng chúng bị che lấp vì tâm ta mãi bận rộn với
những đối tượng trước mắt. Khi thiền định tiến triển, tâm ta trở nên bén nhạy,
tinh tế nên dễ dàng nhận thấy những cảm giác này. Khi mức độ thiền định tiến
triển hơn bạn sẽ vượt qua tất cả những chướng ngại này. Nếu tiếp tục và kiên
trì thiền bạn sẽ không còn gặp những cảm giác khó chịu này nữa. Nếu bạn thiếu
can đảm, thiếu quyết tâm và gián đoạn một thời gian thì bạn sẽ chạm trán với
chúng lần nữa mỗi khi thiền cuả bạn tiến triển. Nhưng nếu gặp những cảm giác
khó chịu này bạn vẫn quyết tâm và kiên trì tiếp tục hành thiền thì bạn sẽ chinh
phục được chúng và bạn sẽ không bao giờ găp những cảm giác khó chịu này nữa
trong lúc hành thiền.
Nếu
bạn dự định xoay mình bạn hãy nhận rõ ý định xoay. Khi đang xoay nhận rõ tư
thế xoay. Nhiều khi trong lúc bạn đang hành thiền, bạn thấy thân thể
mình lắc lư từ trước ra sau thì bạn cũng đừng sợ hãi, đừng thích thú hay mong
muốn tiếp tục lắc lư. Sự lắc lư sẽ chấm dứt nếu bạn chú tâm vào nó và tiếp tục
nhận rõ trạng thái lắc lư cho đến khi hết lắc lư. Nếu ghi nhận
nhiều lần mà vẫn còn lắc lư bạn hãy dựa vào tường hay nằm xuống một lát và tiếp
tục hành thiền. Khi thân bị lay chuyển hay run rẩy cũng chú tâm giác niệm như
trên. Khi thiền định tiến triển có lúc bạn cảm thấy rờn rợn run lên hoặc ớn
lạnh ở xương sống hay toàn thân. Đó là trạng thái hỉ lạc, một thành quả
đương nhiên khi thiền được tiến triển tốt đẹp. Khi tâm an trụ trong thiền định
thì bạn rất dễ bị giật mình bởi những tiếng động nhỏ. Lý do là tâm của bạn bây
giờ rất bén nhạy trước mọi đối tượng của giác quan.
Trong
lúc thiền nếu bạn cảm thấy khát nước, hãy ghi nhận cảm giác khát. Khi
muốn đứng dậy, nhận rõ ý muốn và chú tâm giác niệm mỗi một động tác
chuẩn bị đứng dậy. Trong khi đứng dậy chú tâm nhận rõ động tác đứng dậy. Sau
khi đứng dậy mắt bạn nhìn về phía trước, nhận rõ: nhìn. Khi muốn đi,
nhận rõ ý muốn đi. Bắt đầu bước từng bước, nhận rõ động thái từng bước.
Bạn phải tỉnh thức trong mọi bước đi từ lúc bắt đầu cho tới khi đứng lại. Khi
tản bộ hoặc thiền hành bạn cũng phải theo những nguyên tắc giác niệm như trên.
Hãy tinh tấn giác niệm những bước chân qua hai động tác: dở, đạp… dở, đạp.
Khi bạn đã thuần thục với cách này, hãy chú tâm nhận rõ ba động tác: dở, bước,
đạp… dở, bước, đạp.
Khi
bạn thấy hoặc nhìn đến chỗ để nước phải nhận rõ: thấy
hoặc nhìn.
Khi
dừng chân, nhận rõ: dừng.
Khi
đưa tay, nhận rõ: đưa.
Khi
tay đụng vào chén, nhận rõ: đụng.
Khi
cầm chén, nhận rõ: cầm.
Khi
thọc tay vào lu, nhận rõ: thọc.
Khi
đưa chén lên môi, nhận rõ: đưa.
Khi
chén đụng vào môi, nhận rõ: đụng.
Khi
cảm thấy mát, nhận rõ: mát.
Khi
nuốt, nhận rõ: nuốt.
Khi
để chén xuống, nhận rõ: để xuống.
Khi
thu tay về, nhận rõ: thu về.
Khi
thõng tay xuống, nhận rõ: thõng.
Khi
tay đụng vào đùi, nhận rõ: đụng.
Khi
muốn quay đùi, nhận rõ: muốn.
Khi
quay đùi, nhận rõ: quay.
Khi
đi, nhận rõ: đi.
Khi
đến nơi muốn dừng lại, nhận rõ: muốn.
Khi
dừng lại, nhận rõ: dừng.
Nếu
đứng một thời gian lâu, thì hãy chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng. Nhưng khi
bạn muốn ngồi hãy nhận rõ: muốn. Khi đi đến chỗ ngồi phải nhận rõ: đi.
Đến chỗ ngồi nhận rõ: đến. Xoay người trước khi ngồi, nhận rõ: xoay.
Phải ngồi xuống thư thả và nhận rõ mọi chuyển động của sự ngồi. Bạn phải chú ý
đến từng động tác của tay chân khi ngồi. Ngồi xong lại tiếp tục theo dõi sự
phồng xẹp của bụng.
Khi
bạn muốn nằm, nhận rõ: muốn; rồi lại giác niệm mọi động tác của sự nằm: nghiêng
người, chống tay, đặt đầu, duỗi chân, nằm xuống. . .tất cả những động
tác này phải làm thư thả tự nhiên. Lúc nằm xuống rồi lại tiếp tục theo dõi sự
phồng xẹp. Trong khi nằm nếu cảm thấy đau nhức, mệt mỏi, ngứa ngáy. . .đều phải
giác niệm. Nhận rõ mọi cảm giác, suy nghĩ, ý kiến, cân nhắc, suy xét và mọi
động tác của tay chân và thân thể. Nếu thấy không còn cảm giác gì đặc biệt đáng
giác niệm thì hãy tiếp tục nhận rõ sự phồng xẹp. Khi buồn ngủ, nhận rõ trạng
thái buồn ngủ. Nếu bạn có đủ năng lực chuyên chú trong thiền, bạn có
thể vượt qua sự buồn ngủ và cảm thấy tươi tỉnh, lúc bấy giờ bạn hãy tiếp tục
niệm phồng xẹp cho đến khi ngủ. Giấc ngủ là sự liên tục của tiềm thức, giống
như trường hợp của tâm lúc tái sanh hay của tâm lúc chết, cái tâm lúc này rất
yếu ớt không thể nhận biết được gì cả. . .Khi bạn thức, tâm này tiếp tục xuất
hiện giữa những lúc bạn nhìn, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm và suy nghĩ. Nhưng tâm
này xuất hiện rất yếu và không tồn tại lâu nên khó nhận thấy. Tâm này sẽ duy
trì liên tục khi bạn ngủ. Khi bạn thức dậy, thì mọi tư tưởng và mọi đối tượng
sẽ được nhận thức rõ ràng liền.
Vào
lúc thức giấc, bạn phải hành thiền ngay. Là thiền sinh mới vì vậy bạn khó có
thể tỉnh thức vào những giây phút đầu tiên lúc mới thức dậy. Nhưng bạn phải
giác tỉnh ngay lúc bạn nhớ lại rằng mình đang hành thiền. Chẳng hạn lúc bạn
thức dậy, bạn nghĩ tưởng đến điều gì thì phải tỉnh thức mà nhận rõ ngay: nghĩ
tưởng. Rồi tiếp tục với phồng xẹp. Khi thức dậy bạn phải chú tâm đến
những chi tiết của hoạt động cơ thể. Mọi động tác của tay chân và thân thể phải
được nhận rõ một cách tỉnh thức. Lúc thức dậy bạn có nghĩ rằng bây giờ là mấy
giờ không? Nếu nghĩ đến giờ thì phải nhận rõ: nghĩ. Bạn chuẩn bị rời
khỏi giường ngủ hãy nhận rõ: chuẩn bị. Khi từ từ ngồi dậy thì phải nhận
rõ: ngồi dậy. Lúc đang ở tư thế ngồi, nhận rõ: ngồi. Nếu còn ở
giường một lúc lâu mới đứng dậy thì phải chú tâm đến phồng xẹp, tiếp theo đó.
Lúc rửa mặt hay tắm, cũng phải để tâm nhận rõ mọi chi tiết, chẳng hạn, nhìn,
ngắm, duỗi, cầm, nắm, ấm lạnh, chà xát. . .lúc trang điểm, lúc làm giường, lúc
đóng mở cửa, cầm nắm vật gì đều phải chú tâm nhận rõ theo thứ tự.
Bạn
hãy chú tâm giác niệm tư thế, trạng thái của từng động tác một lúc ăn:
Khi
nhìn thức ăn, nhận rõ: nhìn.
Khi
múc thức ăn, nhận rõ: múc.
Khi
đưa thức ăn lên miệng, nhận rõ: đưa.
Khi
thức ăn chạm môi, nhận rõ: chạm.
Khi
thức ăn vào đến miệng, nhận rõ: vào.
Khi
miệng ngậm lại, nhận rõ: ngậm.
Khi
bỏ xuống, nhận rõ: bỏ xuống.
Khi
tay đụng đĩa, nhận rõ: đụng.
Khi
nhai, nhận rõ: nhai.
Khi
biết mùi vị, nhận rõ: biết.
Khi
nuốt, nhận rõ: nuốt.
Khi
thực phẩm vào trong cuống họng và chạm vào cuống họng, nhận rõ: đụng.
Hãy chú tâm theo dõi mỗi khi bạn múc một muỗng cơm cho đến khi xong bữa ăn. Lúc
mới thực hành sẽ có nhiều thiếu sót. Đừng ngại điều đó, sau một thời gian
chuyên cần tu tập sự thiếu sót giác niệm sẽ giảm đi. Khi thiền tập tiến triển
đến mức độ cao hơn bạn sẽ còn nhận rõ được thêm nhiều chi tiết hơn những điều
đã đề cập ở đây.
BÀI
TẬP THIỀN HÀNH CĂN BẢN
Giữa
hai lần thiền tọa là khoảng thời gian từ 30 đến 60 phút để thiền hành.
Thiền hành xen kẽ giữa thiền tọa để quân bình năng lượng và những yếu tố của sự
định tâm, đồng thời để tránh buồn ngủ. Bạn có thể thiền hành trong phòng hay
ngoài sân. Lúc thiền hành bạn nên đi chậm hơn lúc bình thường và đi một cách tự
nhiên. Trong lúc thiền hành bạn phải chú tâm vào sự chuyển động của chân. Bạn
phải chú tâm khi bàn chân phải bắt đầu nhắc lên khỏi mặt đất, nhận rõ: dơ;
khi đưa chân tới, nhận rõ: bước; khi chân đặt xuống đất, nhận rõ: đạp.
Chân trái cũng làm như thế. (Nói chân trái, chân phải cho dễ hiểu chứ không nên
có ý niệm hay gọi tên trái phải).
Cũng
như lúc ngồi thiền; khi đi, mọi phóng tâm hay cảm giác phải được giác niệm.
Chẳng hạn chợt nhìn một vật gì đó trong khi bạn đang đi hãy nhận rõ tức thì:
nhìn; rồi trở về với những chuyển động của chân. Mặc dù trong khi đi
những vật bạn nhìn thấy không liên can gì đến thiền hành nhưng nếu bạn vô tình
nhìn thấy nó thì phải nhận rõ ngay: nhìn.
Khi
đi đến mức cuối của đoạn đường kinh hành dĩ nhiên bạn phải trở bước để đi ngược
trở lại; lúc còn vài bước đến bước cuối của đoạn đường, bạn phải nhận rõ: muốn
quay. Ý định muốn quay có thể khó nhận rõ lúc ban đầu nhưng khi thiền
tập của bạn tiến triển, bạn sẽ thấy dễ dàng. Sau khi giác niệm ý định, bạn phải
nhận rõ tất cả chi tiết liên quan đến động tác quay. Ở bước cuối cùng của con
đường, bạn bắt đầu quay mình, phải nhận rõ: quay; khi chân chuyển động
phải kịp thời nhận rõ dở. . .bước. . .đạp v..v… trong lúc quay thường vì
sự cám dỗ của bên ngoài nên bạn có ý định muốn nhìn xem chung quanh có cái gì
lạ không, phải nhận rõ ngay dự định hay ý muốn đó, rồi lại chú tâm vào bước
chân.
Thông
thường đối với những thiền sinh mới, chú tâm đến ba giai đoạn dở, bước và đạp
rất có hiệu quả. Tuy nhiên, tuỳ theo khả năng của từng người, thiền sư có thể
khuyên họ nên chú ý ít hay nhiều giai đoạn hơn. Nhiều lúc thấy sự đi chậm bất
tiện, nhất là lúc đi ra ngoài khu vực hành thiền bạn có thể đi nhanh hơn và chỉ
cần nhận rõ mỗi khi chân trái và
chân phải đặt xuống đất. Ghi nhận nhiều hay ít giai đoạn không quan trọng, điều
cốt yếu là bạn có chú tâm tỉnh thức trong từng bước đi hay không.
THIỀN
ĐỊNH Ở MỨC CAO HƠN
Sau
một thời gian hành thiền, định lực của bạn phát triển và bạn dễ dàng theo dõi
sự phồng xẹp của bụng, lúc bấy giờ bạn sẽ nhận thấy có một thời gian, hay
khoảng hở giữa hai giai đoạn phồng xẹp. Nếu bạn đang ngồi thiền bạn hãy nhận
rõ: phồng, xẹp, ngồi. Khi quán niệm bạn hãy chú tâm vào phần trên của
thân.
Khi
bạn đang nằm thiền hãy nhận rõ: phồng, xẹp, nằm. Nếu bạn thấy có khoảng
thời gian hở giữa phồng, xẹp và xẹp, phồng, bạn hãy nhận rõ: phồng, ngồi,
xẹp, ngồi. Nếu bạn đang nằm, hãy nhận rõ: phồng, nằm, xẹp, nằm.
Nếu thực hành một lát mà thấy sự quán niệm ba hay bốn giai đoạn như trên không
dễ dàng đối với bạn, hãy trở về với giai đoạn phồng, xẹp.
Trong
khi chú tâm theo dõi chuyển động của thân, bạn không cần phải chú ý đến đối
tượng thấy và nghe. Khi bạn có khả năng chú tâm vào chuyển động phồng xẹp thì
bạn cũng có khả năng chú tâm vào đối tượng nghe và thấy. Tuy nhiên, khi chú ý
nhìn một vật gì đó thì bạn đồng thời nhận rõ vài ba lần: thấy, sau đó
phải trở về sự chuyển động của bụng. Giả sử có một người nào đó đi vào trong
tầm nhìn của bạn, bạn để ý thấy thì phải nhận rõ: thấy, đôi ba lần; rồi
trở về với sự phồng xẹp. Bạn có nghe tiếng nói không? Bạn có lắng nghe không?
Nếu bạn nghe hay lắng nghe thì phải nhận rõ: nghe hay lắng nghe;
sau đó trở về với sự phồng xẹp. Giả sử bạn nghe những tiếng động lớn như tiếng
chó sủa, nói chuyện to, tiếng hát bạn phải tức khắc nhận rõ hai ba lần: nghe,
rồi trở về với phồng xẹp. Nếu bạn quên không quán niệm khi đang phóng tâm vào
sự nghe, điều này có thể khiến bạn suy tưởng hay chạy theo chúng mà quên chú ý
đến sự phồng xẹp. Lúc bấy giờ sự phồng xẹp sẽ trở nên yếu đi hay không phân
biệt được rõ ràng. Gặp những trường hợp bạn bị lôi cuốn bởi những phiền não
chập chồng như thế, bạn hãy nhận rõ hai ba lần: suy tưởng, rồi trở về
với sự phồng xẹp. Nếu quên ghi nhận những chuyển động của thân, tay, chân. . .
thì phải nhận rõ: quên, rồi trở về với sự chuyển động của bụng. Bạn có
thể cảm thấy lúc bấy giờ hơi thở sẽ chậm lại hay chuyển động phồng xẹp không rõ
ràng. Nếu điều đó xảy ra và lúc ấy bạn đang ngồi thì hãy chú tâm nhận rõ: ngồi,
đụng. Nếu lúc bấy giờ đang nằm hãy nhận rõ: nằm, đụng. Khi nhận
rõ: đụng, không phải bạn chỉ chú tâm vào một điểm của cơ thể đang tiếp xúc, mà
phải chú tâm vào nhiều điểm kế nhau. Có nhiều chỗ đụng; ít nhất sáu bảy chỗ bạn
phải chú tâm đến. Một trong những điểm đó là đùi, đầu gối, hai tay chạm nhau,
hai chân đụng nhau, chớp mắt, lưỡi đụng miệng, môi chạm nhau.
BÀI
TẬP BỐN
Cho
đến bây giờ bạn đã hành thiền được nhiều giờ rồi. Bạn có thể bắt đầu cảm thấy
làm biếng khi nghĩ rằng mình chưa tiến bộ được bao nhiêu. Đừng bỏ dở, hãy nhận
rõ: làm biếng.
Trước
khi thiền của bạn có sức mạnh để phát triển khả năng chuyên chú: định tâm và tuệ
giác, bạn có thể nghi ngờ không biết hành thiền như thế này có đúng, có
hữu ích không. Gặp trường hợp này hãy nhận rõ: nghi ngờ. Bạn có ao ước
hay mong muốn đạt được thành quả tốt trong thiền định không? Nếu bạn có tư
tưởng như thế thì hãy nhận rõ: ao ước hay mong muốn. Bạn có tư
tưởng xét lại cách thức thực tập để bạn đạt được mức độ này không? Nếu có, bạn
hãy nhận rõ: xét lại. Có trường hợp bạn xem xét đối tượng thiền và phân
vân không biết đó là tâm hay vật chất không? Nếu có, bạn hãy nhận rõ: xem xét.
Có khi nào bạn tiếc nuối vì không đạt được sự tiến bộ nào không? Nếu có bạn hãy
chú tâm nhận rõ cảm giác: tiếc nuối.
Ngược
lại, bạn có cảm thấy sung sướng khi mức độ thiền định của bạn tiến triển hay
không? Nếu có, bạn hãy nhận rõ: sung sướng. Đấy là cách thức bạn nhận rõ
mỗi một trạng thái của tâm hồn, nếu không có những tư tưởng hay quan niệm được
nhận rõ thì bạn trở về với sự phồng xẹp.
Trong
một khóa hành thiền tích cực thì thời gian hành thiền bắt đầu từ lúc thức dậy
cho đến khi đi ngủ. Bạn cần nhớ phải luôn luôn thực hành hoặc bài tập căn bản,
hoặc là thực hành sự chú tâm liên tục suốt ngày cho đến đêm, nếu như bạn chưa
buồn ngủ. Chẳng nên dừng nghỉ phút nào. Khi thiền định của bạn đạt được một mức
độ tiến bộ cao thì bạn không còn cảm giác buồn ngủ mặc dù bạn phải hành thiền
rất nhiều giờ; lúc bấy giờ bạn có thể tiếp tục hành thiền cả ngày lẫn đêm.
Tóm
lại trong thời gian hành thiền, bạn phải chú tâm quán niệm đến sự chuyển động
của cơ thể, dù đó là những chuyển động lớn hay nhỏ; đến mỗi một cảm giác, dầu
cảm giác ấy dễ chiu hay khó chịu, đến tất cả những trạng thái của tâm, dù là
trạng thái tốt hay xấu. Trong suốt thời gian hành thiền nếu không
có những biến đổi gì đặc biệt xảy ra khiến bạn phải chú ý, thì hãy chú
tâm vào sự phồng xẹp của bụng. Nếu bạn đi làm một việc gì đó, chẳng hạn, đi
uống nước, bạn hãy chú tâm đến nhưũng động tác cần thiết của sự đi; bạn phải
chú tâm tỉnh thức nhận rõ từng bước đi một: đi…đi… Lúc đến nơi bạn hãy
quán niệm từng động thái: đứng… cầm… nắm… uống… nhưng khi bạn thực tập
thiền hành bạn phải chú tâm đến ba giai đoạn của bước đi: dở, bước, đạp.
Thiền sinh phải nỗ lực tập luyện suốt ngày đêm mới có thể khai triển tâm đến tuệ
giác thứ tư (tuệ biết được sự sinh diệt) và từ đó đạt đến những tuệ
giác cao hơn.
VẤN
ĐÁP VỀ THIỀN VIPASSANĀ
Tác
giả: U.SILANANDA
Dịch
thuật: TRẦN MINH TÀI VÀ LƯU BÌNH
1.
DO ĐÂU MÀ CÓ THIỀN VIPASSAN ?
Thiền
Vipassanà là một loại thiền căn bản và chính yếu của Phật giáo
(xuất xứ từ kinh Mahà Satipatthàna, Dìgha Nikàya).
2.
VIPASSAN NGHĨA LÀ GÌ?
Chữ
“Vipassanà” được chia làm hai phần – “Vi” là “ nhiều phương diện khác nhau”
có nghĩa là vi tế, tách bạch hay rõ ràng phân minh, và
“Passanà” là “nhìn thấy” hay soi chiếu. Vậy “Vipassanà” – tuệ quán
hay minh sát – có nghĩa là thấy được nhiều khía cạnh, nhiều thành phần
khác nhau hay quán chiếu
một cách vi tế, minh bạch.
Một
cách rõ ràng hơn. Thiền Vipassanà là thấy sự vật qua ba đặc tính: vô thường, khổ
và vô ngã.
3.
THIỀN VIPASSAN ĐEM LẠI LỢI ÍCH GÌ
CHO CHÚNG TA?
Mục
tiêu tối hậu của thiền Vipassanà là loại trừ những ô nhiễm trong tâm.
Trước khi đạt được mục tiêu này thiền sinh sẽ có được những lợi ích thực tại
như sẽ có được một nội tâm bình an và tĩnh lặng, đủ khả năng để đón nhận
những gì xảy đến với mình. Thiền Vipassanà giúp chúng ta nhìn thấy sự
vật đúng thực tánh của chúng chứ không phải thấy chúng qua những biểu
hiện bên ngoài. Sự vật xuất hiện trong mắt chúng ta dưới trạng thái trường tồn,
vững bền, đáng yêu và có thực chất, nhưng thực tế thì chúng không phải như vậy.
Khi thực hành thiền Vipassanà bạn sẽ chính mình thấy được sự sinh và diệt
của hiện tượng vật chất và tinh thần. Đồng thời bạn cũng có ý thức được một
cách rõ ràng hơn những diễn biến trong thân và tâm bạn. Bạn sẽ có đủ khả năng
đón nhận mọi chuyện xảy đến với bạn với tư thái an nhiên chứ không bị xao động
hay xúc cảm và đối diện với hoàn cảnh một cách lạc quan hơn.
4.
NHỮNG NGƯỜI NÀO CẦN PHẢI THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?
Thiền
Vipassanà là phương thuốc để chữa trị các chứng bệnh của tâm, những bệnh nằm
dưới dạng thức của phiền não như: tham, sân, si. . .Hầu như chúng ta lúc nào
cũng mang những tâm bệnh này vì vậy ít nhiều chúng ta cũng phải cần đến thiền
Vipassanà.
5.
KHI
NÀO CẦN PHẢI THỰC HIỆN THIỀN VIPASSANĀ ?
Vì
phiền não luôn luôn bám dính với chúng ta nên lúc nào chúng ta cũng phải thực
hành thiền Vipassanà. Sáng, trưa, chiều trước khi đi ngủ hay trong những lúc
làm việc, nói chuyện, rửa chén. . . .đều là cơ hội để hành thiền. Và mọi lứa
tuổi có thể thực hành thiền Vipassanà.
6.
PHẢI CHĂNG CHỈ CÓ PHẬT TỬ MỚI THỰC HÀNH VIPASSANĀ ĐƯỢC?
Không
có yếu tố tôn giáo trong thiền Vipassanà. Vì vậy mọi người dẫu theo tôn giáo
nào cũng có thể thực hành thiền Vipassanà. Thiền Vipassanà là sự theo dõi và
quan sát chính bản thân mình một cách khoa học. Bạn chỉ cần chú tâm quan sát
những diễn biến của thân tâm bạn trong khoảnh khắc hiện tại mà thôi.
7.
THIỀN VIPASSANĀ CÓ KHÓ THỰC HÀNH KHÔNG?
Cũng
khó mà cũng dễ. Thiền Vipassanà nhằm thấy rõ tâm, mà tâm thì luôn luôn biến
động. Khi hành thiền chính bạn sẽ thấy tâm mình. Việc hành thiền không
phải dễ, bởi vì khó thấy rõ tâm và khó chú tâm trên đối tượng hiện quán.
Mặt
khác, thiền Vipassanà cũng rất dễ thực hành vì không cần phải sửa soạn
lễ nghi công phu hay học hỏi nhiều mới có thể thực hành. Bạn chỉ cần theo dõi
chính mình và chú tâm vào đối tượng thiền là được.
8.
THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ CÓ ĐÒI HỎI ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT GÌ KHÔNG?
Bạn
cần phải thực sự muốn thực hành và sẵn sàng tuân theo lời chỉ dẫn một cách chặt
chẽ. Bởi cũng cần phải tin tưởng vào việc hành thiền, tin tưởng thiền
sư, có một tâm hồn cởi mở để thực hành thiền và thấy được những gì mà thiền sư
có thể đem lại cho bạn. Đức tính kiên nhẫn cũng rất quan trọng. Khi hành
thiền bạn phải kiên trì để đương đầu với nhiều thứ. Sẽ có phóng tâm, có cảm
giác khó chịu trên thân thể và bạn sẽ đương đầu với cái tâm của bạn. Bạn phải
kiên trì và cương quyết theo đuổi việc hành thiền đến cùng mỗi khi sự phóng tâm
đến quấy nhiễu khiến bạn không thể chú tâm vào đề mục được. Một điều rất quan
trọng cần nhớ là bạn phải giữ giới luật thật trong sạch, vì nếu giới
không trong sạch thì không thể nào đạt được sự chú tâm hay có được sự bình an
của tâm hồn.
Khi
làm điều gì thì sau đó bạn sẽ suy tư về điều mình đã làm nhiều lần, nhất là lúc
bạn đang hành thiền. Đó là một trở ngại lớn lao khiến bạn khó đạt được sự an
trú tâm. Vì vậy khi giữ giới luật trong sạch bạn sẽ không còn băn khoăn, thắc
mắc hay ăn năn về những việc mình đã làm, tâm hồn của bạn sẽ an nhiên thư thái.
Yếu tố này giúp bạn đạt được hiệu quả cao trong lúc hành thiên.
9.
CẦN PHẢI CÓ NHỮNG DỤNG CỤ GÌ ĐỂ HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?
Thực
ra bạn chẳng phải có dụng cụ gì cả. Những thứ bạn cần chỉ là một chỗ thuận tiện
để bạn có thể ngồi nhắm mắt và chú tâm vào đề mục. Nói như thế không có nghĩa
là bạn không dùng gối, đòn ngồi, ghế hay những dụng cụ khác trong lúc hành
thiền vì lúc thiền bạn cũng cần phải có một vài sự thoải mái tối thiểu nào đó.
Nếu bạn không muốn đau đớn khó chịu trong lúc hành thiền thì bạn cũng không nên
tạo cho mình quá thoải mái. Vì khi thoải mái quá thì sự lười biếng, thụ động sẽ
phát sinh dẫn đến buồn ngủ.
10.
PHẢI GIỮ TƯ THẾ NÀO KHI HÀNH THIỀN VIPASSANĀ?
Ở
tư thế nào cũng được. Đi, đứng, nằm, ngồi đều có thể thực hành thiền Vipassanà,
miễn sao bạn tỉnh thức là được.
11.
LÚC HÀNH THIỀN CÓ NHẤT THIẾT PHẢI NGỒI XẾP BẰNG KHÔNG?
Mặc
dầu theo thói quen hay theo truyền thống lúc hành thiền, thiền sinh ngồi xếp
bằng trên sàn, nhưng không nhất thiết phải thế. Bạn có thể ngồi cách nào mà bạn
cảm thấy có thể giúp bạn ngồi lâu và thoải mái là được. Điều quan trọng trong
thiền Vipassanà là sự tỉnh thức chứ không phải là ở tư thế.
12.
CÓ PHẢI NHẮM MẮT TRONG LÚC THIỀN KHÔNG?
Nhắm
mắt được thì tốt nhưng bạn có thể mở mắt nếu bạn thích. Cách nào bạn thấy ít bị
phóng tâm là được. Nhưng nếu trong lúc mở mắt bạn chợt để ý nhìn vật gì thì bạn
phải biết rằng mình đang “thấy” và nhận rõ nó, điều thiết yếu là đạt được sự
chú tâm chứ việc nhắm hay mở mắt lúc hành thiền không quan trọng.
13.
LÚC HÀNH THIỀN
TAY
NÊN ĐỂ NHƯ THẾ NÀO?
Không
có một luật lệ bó buộc nào về việc để tay trong lúc hành thiền Vipassanà.
Tay
bạn đặt như thế nào cũng được. Thường người ta hay ngồi xếp bằng đặt tay này
lên tay kia để trước bụng, trên hai đùi, bạn cũng có thể đặt hai tay bạn lên
đầu gối nếu bạn muốn.
14.
THỜI GIAN HÀNH THIỀN KÉO DÀI BAO LÂU?
Điều
đó tuy thuộc vào khả năng mỗi người. Không có quy tắc bó buộc nào. Ngồi được
một giờ thì thật tốt, nhưng lúc nào bạn chưa thể ngồi được một giờ bạn hãy ngồi
chừng 15 hay 30 phút rồi dần dần kéo dài thời gian ngồi thiền cho đến khi bạn
có thể ngồi lâu hơn. Nếu bạn có thể ngồi trên một tiếng đồng hồ mà vẫn thấy
thoải mái thì bạn vẫn có thể ngồi được hai hay ba tiếng đồng hồ.
15.
CÓ THỂ THỰC HÀNH THIỀN VIPASSANĀ HÀNG NGÀY KHÔNG?
Mỗi
ngày chúng ta đều phải ăn để nuôi dưỡng cơ thể. Tại sao chúng ta không dành một
ít thì giờ trong ngày để thanh lọc tâm vì phiền não luôn bám sát ta như bóng
với hình. Mỗi sáng nên dành một khoảng thời gian để ngồi thiền vì lúc ban sáng
thân và tâm bạn đã được an nghỉ, bạn không còn phải lo lắng băn khoăn về những
việc đã xảy ra trong ngày trước. Thiền vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng tốt.
Nhưng lúc nào bạn cũng có thể hành thiền được cả. Nếu bạn tạo được thói quen
hành thiền mỗi ngày bạn sẽ gặt hái được kết quả tốt đẹp và lợi ích hơn.
16.
HÀNH THIỀN VIPASSANĀ CÓ CẦN PHẢI CÓ THIỀN SƯ KHÔNG?
Điều
này rất quan trọng. Bất kỳ học một môn học mới nào cũng cần phải có thầy chỉ
dạy. Nhờ những lời chỉ dẫn của thầy bạn có thể đạt kết quả nhanh và đi đúng
đường. Bạn cần một vị thầy có đủ tư cách để hướng dẫn cho bạn, vì thầy sẽ giúp
bạn điều chỉnh những sai lầm và hướng dẫn bạn lúc bạn gặp phải những trở ngại
trong lúc hành thiền. Nhiều thiền sinh nghĩ rằng mình đã tiến triển trong thiền
nhưng thực ra họ chưa đạt được chút tiến bộ nào; lại cũng có nhiều thiền sinh
nghĩ rằng việc hành thiền của mình không có kết quả, không có chút tiến bộ nào
trong khi đó thì họ tiến triển rất nhiều. Chỉ có vị thiền sư mới có thể biết
được mức độ tiến bộ của bạn để điều chỉnh và hướng dẫn bạn trong những lúc cần
thiết. Nếu bạn không tìm ra thiền sư bạn có thể nhờ vào sách. Nhưng không một
cuốn sách nào có thể hoàn toàn thay thế cho một vị thầy. Bạn có thể đạt được
một số tiến bộ khi đọc kỹ lời chỉ dẫn và thực hành đúng theo những điều hướng
dẫn trong sách, nhưng bạn phải cần thường xuyên trao đổi ý kiến và thảo luận
với thầy nữa, mới có thể đạt được thành quả khả quan.
17.
CÓ THỂ ÁP DỤNG THIỀN VIPASSAN VÀO ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY KHÔNG?
Bạn
có thể “tỉnh thức” trong mọi tác động bạn đang làm. Bất kỳ bạn đang làm việc,
đang đi, đang nói. . .bạn đều có thể thiền. Mặc dầu mức độ tỉnh thức trong lúc
hoạt động không mạnh bằng lúc ngồi thiền hay đang theo một khoá thiền tập nhiều
ngày, nhưng nói chung trong lúc hoạt động bạn vẫn tỉnh thức được. Ap dụng thiền
Vipassanà vào đời sống bạn có thể
ứng phó với chính bạn một cách có hiệu quả.
18.
THẾ NÀO LÀ MỘT KHOÁ THIỀN TẬP?
Khoá
thiền tập giúp cơ hội cho bạn được thực tập thiền một cách tích cực và nỗ lực
hơn nhờ sự hỗ trợ của hoàn cảnh chung quanh và sự hướng dẫn của vị thiền sư
kinh nghiệm.
Mọi
việc bạn làm trong khoá thiền tập đều là đề mục hành thiền.
19.
KHOÁ THIỀN TẬP TỔ CHỨC RA SAO?
Ngày
thiền tập bạn sẽ thực hành thiền Vipassanà liên tục, hết ngồi lại đi, hết đi
lại ngồi. . .thiền tọa và thiền hành cứ xen kẻ liên tục như thế. Vào buổi tối
sẽ được nghe giảng pháp và trình pháp với thầy. Nhờ ở sự “tỉnh thức” trong mọi
hoạt động trong ngày mà việc thực tập thiền quán được liên tục tiến triển. Thời
gian thiền tập có thể kéo dài một ngày, hai ngày cuối tuần, một tuần hay lâu
hơn.
20.
TẠI SAO PHẢI THAM DỰ KHÓA THIỀN TẬP?
Nỗ
lực tinh tấn thực hành thiền liên tục trong khóa thiền tập khiến tâm bạn được
an trú, tĩnh lặng và trong sáng. Vì sự chú tâm rất cần cho trí tuệ phát sinh
nên khoá thiền tập là cơ hội tốt nhất giúp bạn tự thân thấy được thực tánh của
pháp.
CẦU MONG
TẤT CẢ CHÚNG SINH ĐỀU AN VUI HẠNH PHÚC.
|