Ngũ uẩn bắt nguồn từ sự vận hành của
các tâm sở biến hành cơ bản xúc, thọ, tưởng, tư mà biến thành uẩn. Vì
vậy, hiểu được đặc tính, tướng trạng, tác dụng và sự vận hành của các tâm sở mà
chúng ta đã bàn ở trên thì sẽ dễ dàng hiểu sự tập khởi của ngũ uẩn. Chúng ta có
thể so sánh như sau:
Xúc → Thọ → Tưởng → Tư
↓
↓
↓
↓
Sắc uẩn Thọ
uẩn Tưởng uẩn Hành uẩn
Nhiều tôn giáo và triết thuyết Đông Tây chủ trương con
người có một linh hồn hay bản ngã vĩnh hằng. Thực ra, đó chỉ là
những giả thuyết có từ niềm tin tín ngưỡng hay suy luận triết học hơn là sự
kiện có thực. Khổ thay, chính vì niềm tin này mà con người dựng lên và bám dính
vào cái gọi là “Ta, Của Ta và Tự Ngã Của Ta” để rồi tự đánh lừa mình
trong ảo tưởng của chính mình mà hậu quả chỉ kéo dài thêm luân hồi sinh tử,
phiền não khổ đau.
Đức Phật thấy rõ cái gọi là bản ngã ấy chỉ
là một chuỗi vận hành của những yếu tố tâm sinh vật lý, trong đó tuyệt không có
một trung tâm hằng hữu nào ngoài năm uẩn sinh diệt,
tương tác.
SẮC UẨN
Xúc (= căn + trần + thức) chính là sắc trong ngũ
uẩn. Điều này mới nghe qua có vẻ vô lý, phải không? Nhưng sắc có nhiều
nghĩa: Sắc trong sắc pháp bao gồm 28 sắc. Sắc trong nội sắc
gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Sắc trong ngoại sắc
gồm sắc, thanh, hương, vị, xúc. Sắc trong sắc trần là đối tượng
của mắt. Sắc trong danh sắc là ám chỉ thân đối với tâm. Nhưng sắc
trong sắc uẩn lại hàm nghĩa xúc của sắc (căn-trần). Nếu
năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành, thức được tách riêng để phân tích
thành phần của từng yếu tố thì sắc đúng là nội sắc mà nội dung chi tiết bao gồm
các sắc pháp liên hệ. Nhưng khi sắc thành uẩn trong sự vận hành tập khởi do mối
tương duyên, tương tác giữa căn, trần, thức mà có, thì nó không còn mang tính
vật chất cố định mà mang tính duyên khởi của một nhóm tâm - sinh - vật - lý.
Căn – sinh lý
Sắc
uẩn -->
Xúc Trần – vật lý
Thức – tâm lý
Khi có động dụng tương giao tương
tác (xúc) giữa 3 yếu tố trên thì sắc uẩn mới tập khởi, nếu không có xúc thì sắc
vẫn là sắc thuần túy nhưng sắc uẩn không tập khởi.
Sắc thì luôn có mặt, còn sắc uẩn chỉ tập khởi khi có sự
tương tác vận hành. Như vậy trong sắc uẩn vẫn có sắc căn và sắc
trần nhưng đó là điều kiện cần chứ không đủ để hình thành sắc uẩn. Ví dụ có
mắt, có sắc nhưng nếu không có tác động hỗ tương (xúc) thì sắc uẩn không khởi,
nhãn căn và sắc trần là sắc pháp chứ không phải sắc uẩn. Đây là điều có vẻ mới
lạ đòi hỏi chúng ta phải khám phá chiêm nghiệm chứ không chấp nhận suông. Điều
đáng ghi nhớ, uẩn có nghĩa là nhóm tập khởi phức tạp, chồng chất, đan chéo, rối
ren nên chúng phải tùy thuộc vào nhau mà phát sinh, nếu không có sự tương duyên
này thì các uẩn sẽ tự diệt hoặc không sinh khởi. Ví dụ chúng ta đang ngồi đây,
có căn, có trần, nghĩa là có sắc, mà sắc uẩn có thể không khởi nếu không có
duyên gì để khởi.
Chữ sắc này - sắc uẩn - mà trong Thiền Luận, Suzuki dịch là form
thì không đúng. Ngay cả cái sắc là đối tượng của mắt
mà dịch là form cũng đã không đúng rồi. Vì sao vậy? Vì form chỉ nói lên được
mặt hình tướng chứ chưa nói đến màu sắc, ánh sáng, chất liệu v.v… Vậy không thể
dịch sắc uẩn là form được. "Sắc uẩn" không thể nào dịch ra tiếng Anh
được. Cứ để nó là Rūpa khandha vậy thôi.
Khi nói "thân ngũ uẩn" là ám chỉ thân kiến, chấp
lầm tập hợp ngũ uẩn là bản ngã. Còn khi nói sắc thân thì chỉ gồm tứ đại,
không đại và tứ đại sở sinh như các căn, các trần v.v. Sắc thân
không bao gồm thức nhưng sắc uẩn là một diễn biến của
sự vận hành tập khởi nên ngoài căn - trần còn có sự tham dự của
thức. Xin nhắc lại nhận xét riêng của tôi như vậy.
Bây giờ, quan trọng là làm sao chúng ta có thể chiếu phá được
sắc uẩn?
Theo Phật giáo, sắc thân thuộc phi sở đoạn nên không cần
phải phá trừ, nhưng sắc uẩn thì cần phải chiếu phá. Vậy chiếu phá như
thế nào? Khi mắt thấy hình sắc, tai nghe âm thanh, v.v… mà chúng ta trả mắt,
tai về cho căn; sắc, thanh về cho trần, và nhãn thức, nhĩ thức về cho thức,
không cho dính chùm với nhau. Trả không phải là mắt đừng nhìn sắc, tai đừng
nghe thanh mà trả bằng tuệ quán (Vipassanà ñāṇa)
để tham ưu không xen vào can thiệp. Khi ấy căn, trần, thức
có mặt nhưng không tập khởi thành sắc uẩn,
hoặc nếu sắc uẩn đã tập khởi thì nó bị chiếu phá không còn
tác dụng chồng chất của uẩn nữa. Phải vậy không? Có ai nghi
ngờ điều này không?
Vậy phải soi thấy sắc uẩn chỉ là sự tương duyên tương tác
của căn, trần và thức, cho nên mới thấy sắc uẩn là không được.
THỌ
UẨN
Bây giờ đến thọ uẩn. Thọ thì chúng ta đã biết
trong phần các biến hành tâm sở rồi nên không cần phải nói thêm. Do sự tập khởi
của sắc uẩn (xúc) nên mới có khởi lên thọ uẩn. Thọ uẩn bao gồm khổ, lạc, xả
(thuộc thân) và ưu, hỷ, xả (thuộc tâm) tập khởi một cách phức tạp, chồng
chéo, rối ren. Do duyên xúc của sắc uẩn mà phát sinh thọ uẩn, nhưng thọ tự nó
không phải là đối tượng để đoạn trừ vì nó chỉ là kết quả của nhân quá
khứ. Hơn nữa, thọ đơn thuần chỉ là tâm sở chưa thành thọ uẩn, khi thọ
trở nên một hỗn hợp phức tạp, rối ren, thêm thắt thì mới thành thọ uẩn.
Vậy chúng ta có thể chiếu phá thọ uẩn ấy được không? Bằng cách
nào?
Khi có khổ thọ, hoặc lạc thọ, hoặc xả thọ do duyên xúc khởi lên,
chúng ta đừng để nó trở nên rối rắm phức tạp. Đừng để tham ưu, thủ xả xen vào,
đừng phê phán, biện minh gì cả, nghĩa là “nhất niệm bất sanh”, trả thọ
về với bản chất đơn thuần (thực tánh) của nó bằng trí tuệ, thì lúc đó khổ, lạc,
xả tuy có đó mà không thành thọ uẩn được nên không có gì là rối ren phức tạp
cả.
Như vậy, thọ uẩn
có thể được chiếu phá bằng tri kiến như thực (yathābhūta ñāṇadassana),
tức là trí tuệ thiền quán. Nghĩa là cảm thọ như thế nào chúng ta như thật tuệ
tri như vậy, thì bản ngã sẽ không có chỗ xen vào.
TƯỞNG
UẨN
Chúng ta đã nói nhiều về tưởng tâm sở với chức năng nhận biết
đối tượng trong diễn biến tương hệ của các biến hành tâm sở. Tưởng uẩn
cũng vậy, ngay khi sắc uẩn và thọ uẩn vừa tập khởi thì tưởng uẩn cũng tập khởi
trong mối liên hệ chặt chẽ. Từ một tưởng tâm sở nguyên sơ (hiện tưởng) có đối
tượng thực tánh, biểu hiện rõ nét qua tiếp thọ, suy đạc, xác định trong
tiến trình tâm ngũ môn (pañca dvāra cittavīthi), và trong hai tiến trình
ý môn tiếp trợ ngay sau đó là tiến trình phân tích từng phần (atītaggahaṇa)
và tổng hợp tổng thể (samūhaggahaṇa),
đến hai tiến trình ý môn tiếp trợ là tiến trình khái niệm định tướng đối tượng
(atthapaññatti) và tiến trình khái niệm định danh đối tượng (nāmapaññatti) là
đã trở thành tưởng uẩn với một “bộ nhớ” chứa đầy những vật khái niệm và danh
khái niệm, trong đó có cái thực cái hư, cái sai cái đúng rất phức tạp.
Như chúng ta đã biết, tưởng tâm sở đơn thuần thì không cần diệt vì nó có chức
năng nhất định không thể thiếu, chỉ cần có như lý tác ý đồng hành thì nó sẽ
đúng. Nhưng khi tưởng thành uẩn thì bắt đầu phức tạp, cần được soi sáng.
Vậy soi sáng tưởng uẩn có được không và bằng cách nào?
Khi chúng ta thấy, nghe, ngửi, nếm, đụng chạm thì tưởng giúp
chúng ta nhận biết đối tượng. Tưởng là một máy đo lường cực kỳ tiện lợi, không
có kho trữ liệu với khả năng cung cấp thông tin tức
khắc của nó thì chúng ta sẽ vô cùng vất
vả vì phải định lượng mọi thứ từ đầu, chẳng khác nào một đứa trẻ sơ sinh. Tuy
nhiên, khi nó đã trở nên quá phức tạp và nhầm lẫn, nghĩa là đã thành uẩn thì
chiếu phá là điều tất yếu. Vậy khi thấy, nghe tâm phải đủ sáng suốt, trầm tĩnh
để tạo môi trường cho như lý tác ý và trí tuệ quán chiếu
(Vipassanā ñāṇa)
hoạt động thì mới có thể giúp tưởng không trở nên phức tạp, nhầm lẫn trong quá
trình hình thành tưởng uẩn.
Như vậy có thể soi sáng tưởng uẩn bằng như lý tác ý
và trí tuệ quán chiếu.
HÀNH
UẨN
Còn hành uẩn chính là do tư chủ động
điều hành, tập hợp các tâm sở tương ưng để tạo tác. Hành uẩn cũng do sắc uẩn,
thọ uẩn, tưởng uẩn làm duyên trước mà tập khởi, lại do tư tập hợp
các tâm sở mà tạo tác, nên nó được gọi là “tập hợp tạo tác”,
hành hay hữu vi (saṅkhāra).
Gốc động từ [sam + kr]
à
samkharoti có nghĩa là tập hợp lại, sửa soạn, tạo tác (sam: hợp chung lại).
Vậy saṅkhara có chức năng điều
hợp tạo tác (nghiệp). Hành uẩn do tư chủ đạo là công đoạn quan
trọng nhất trong ngũ uẩn, thiện hay ác cũng do nó, thiên đàng địa ngục cũng do
nó, tạo nghiệp tam giới cũng do nó. Vậy muốn thoát ly
tam giới thì không những chiếu phá mà còn phải đoạn tận
hành uẩn, động cơ chính của luân hồi sinh tử.
Vậy đoạn tận hành uẩn bằng cách nào?
Khi hành uẩn biểu hiện ra ngoài qua thân hành, khẩu hành thì đối
trị bằng chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Khi hành uẩn khởi động
trong tâm thì đối trị bằng chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Khi hành uẩn đã lắng dịu, nó hoạt động vi tế hơn qua thân tâm,
lúc đó cần phải có trí tuệ (paññā) chánh kiến (sammā diṭṭhi),
chánh tư duy (sammā saṅkappa)
mới hoá giải và đoạn tận được sự tạo tác của hành uẩn .
THỨC UẨN
Đến đây chúng ta đã thấy diễn tiến của bốn uẩn đầu sắc – thọ –
tưởng – hành tương đương với bốn biến hành tâm sở xúc – thọ – tưởng – tư
, còn thức uẩn tương đương với cái gì trong các biến hành
tâm sở?
Thức uẩn chính là tâm nên nó không tương
đương mà lại bao hàm tất cả tâm sở, đặc biệt là bảy biến hành tâm sở kể trên
luôn luôn có mặt trong thức uẩn.Thức uẩn đóng vai trò đa năng, không những quán
xuyến tất cả tâm sở mà còn có thể sinh ra một số sắc pháp. Trong sự tập thành
uẩn nó chi phối bốn uẩn còn lại. Vì vậy, Đức Phật dạy trong kinh
Dhammapāda “Trong các pháp tâm dẫn đầu, tâm là chủ, tâm tạo tác tất cả”
- Năm thức đầu chính là một biểu hiện đơn giản nhất của thức
uẩn. Chúng chỉ hiện diện khi xúc biến sắc thành sắc uẩn. Khi không còn thức các
căn không thể thu nhận được trần. Trừ tiếp thọ và suy đạc, các
tâm khác thuộc ý thức giới.
- Có thức uẩn thì thọ mới biểu hiện cảm giác. Xác chết không có
cảm giác.
- Có thức uẩn thì tưởng mới tiếp thọ, suy đạc, xác định đối
tượng. Người đang hôn mê bất tỉnh hoặc xác chết không thể biết
được gì cả.
- Có thức uẩn thì tư mới điều hợp được các tâm sở tương ưng để
tạo tác. Xác chết và người hoàn toàn hôn mê không thể tạo nghiệp.
- Và cuối cùng thức uẩn còn thực hiện một chức năng vô cùng quan
trọng đó là sao chép kinh nghiệm vừa qua
(tadālambana) để đưa vào kho tiềm thức (bhavaṅga)
lưu trữ mà chúng ta sẽ nói đến trong tiến trình tâm – sinh – vật lý (cittavīthi).
Cũng vậy, không còn thức, xác chết không thể thu thập kinh nghiệm.
Chúng ta vừa nói đến những chức năng riêng biệt của từng uẩn và
sự tương quan mật thiết của chúng tạo thành những chuỗi duyên
sinh, làm nền tảng cho những sinh hoạt đa diện và
phong phú trong đời sống con người. Chúng không phải là năm đơn vị riêng rẽ,
độc lập, mà là một tiến trình vận động hỗ tương: có uẩn này tập khởi mới có uẩn
kia, uẩn này không tập khởi thì cũng không có uẩn kia. Chính vì vậy mà “tổ hành
động đa năng” này thường bị chấp lầm là bản ngã: tôi khổ, tôi
vui, tôi đi, tôi đứng, tôi ăn, tôi ngủ v.v. và v.v. Tổ hợp ngũ uẩn này hầu như
không thể tách rời ra được trong sinh hoạt sự sống, mà chỉ có thể phân tích hay
tách bạch bằng trí tuệ để tránh mê lầm chấp ngã. Vì vậy, chiếu phá ngũ
uẩn (soi chiếu để quét sạch những vọng chấp) là phá
ngã kiến, ngã thủ chính là mục đích tối hậu của những người tu Phật.
Tuy trong tổ hợp ngũ uẩn mỗi uẩn giữ một vai trò không thể thiếu
mà vừa rồi chúng ta đã phân biệt tương đối rõ, nhưng tựu trung cũng có cái
chính cái phụ, cái trọng yếu cái thứ yếu mà chúng ta cần phải nắm vững.
Trong năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức, thì chúng ta đã biết
hành do tư là tâm sở chủ đạo, điều hợp các nhóm tâm sở tương ứng khác mà quyết
định hành động thiện ác. Ở trong vòng tam giới thì phi hữu ái, hữu ái và dục ái
thường cùng với tư độc chiếm hành uẩn để thao túng, khiến cho
chúng ta khó mà thoát khỏi sinh tử luân hồi.
Vậy hành chính là khâu trung tâm trong ngũ uẩn.
Chính nó là thủ phạm gây ra mọi thứ thiện ác trên
đời. Nếu giải quyết được hành là giải quyết được toàn bộ cơ cấu
vận hành của ngũ uẩn.
Có câu kệ phá ngũ uẩn như sau:
"Dục sanh ư nhữ ý
Ý do tư tưởng sanh
Không tâm các tịch tịnh
Phi sắc diệc phi hành".
Dục sanh nơi ý chính là hành (dục ái,
hữu ái, phi hữu ái).Ý do tư tưởng sanh tức là tưởng và tư.
Hai câu trên chỉ rõ khâu chính của sự tạo tác trong ngũ uẩn là hành mà hành
được điều động bởi tư tưởng.
Không tâm tức là tâm trong sáng, đó là lúc trí tuệ
soi chiếu không để tư và tưởng tạo ra dục, do đó thức
cũng không tàng trữ kinh nghiệm. Các tịch tịnh tức là các thọ
yên ổn nhờ chánh định. Phi sắc tức không để cho sắc hình thành uẩn.
Diệc phi hành tức là phá được sự tạo tác của hành,
không còn vô minh ái dục nữa. Như vậy là toàn bộ ngũ uẩn đã bị phá
đổ.Vậy hai câu sau của bài kệ chỉ cho chúng ta cách “chiếu kiến ngũ uẩn giai
không, độ nhất thiết khổ ách”.
Ngũ uẩn chỉ là sự tập khởi của một tiến trình tâm-sinh-vật lý.
Trừ phi tiến trình được soi sáng bởi trí tuệ đến bờ kia (paññā paramitā: bát-nhã
ba-la-mật-đa), bằng không ngũ uẩn thường bị vô minh chi phối, tà kiến
phát sinh, từ đó ngũ uẩn trở nên phức tạp, chồng chất, rối ren và cuối cùng bị
chấp lầm là bản ngã.
Vậy bản ngã không có thực, nó chỉ là ngũ uẩn, và trong
ngũ uẩn chỉ có hành là tạo tác. Phá bản ngã thì phải thấy toàn bộ sự vận hành
của ngũ uẩn, nhất là hành uẩn. Phá bản ngã thì ngũ uẩn hết tạo tác phức tạp,
chồng chất rối ren, để trả tâm, tâm sở, sắc về với chức năng tự nhiên và tình
trạng nguyên sơ của chúng.
Nếu tác ý là như lý (yoniso) và tư được hướng dẫn
bởi trí tuệ rốt ráo thì bản ngã cùng với ngũ uẩn đều không.
Vậy ngũ uẩn có thể sinh khởi, có thể không. Ngũ uẩn có thể sinh
khởi ở người này khác, người kia khác. Ngũ uẩn có thể thiện có thể ác v.v….
“Tâm như công hoạ sư
Hoạ chủng chủng ngũ ấm (uẩn)
Nhất thiết thế giới trung
Vô pháp nhi bất tạo”.
(Tâm như ông thầy vẽ
Vẽ các loại ngũ uẩn
Hết thảy trong thế giới
Không pháp nào không tạo).
Tâm đây chính là thức có mặt trong 5 uẩn, nó chi phối 5 uẩn.
Trong thế giới bản ngã này không có pháp nào nó không tạo.
Kinh pháp cú có dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm là chủ,
tâm tạo tác tất cả” cho nên:
Thức (1) dẫn đầu, làm chủ, tạo tác các pháp sắc, thọ, tưởng,
hành, thức (2).
Thức (2) ghi lại sự tạo tác trên, như bộ nhớ của máy vi tính
nhưng nó tinh vi phức tạp hơn, để
rồi mang nội dung đã thu gom đó tạo tác ra ngũ uẩn kế tiếp: sắc, thọ,
tưởng, hành, thức (3) .
Thức (3) lại thu chứa, lại khởi lên v.v… và cứ thế ngũ
uẩn chồng chất, rối ren thành (4), (5), (6), .v.v….
Như ví dụ hôm trước, chuyện anh
chàng hôm qua đánh mình gãy răng, cho nên hôm nay vừa thấy nó đập lên vai mình
một cái là mình đùng đùng nổi giận liền. Vì sao? Là vì thức (tâm) mới khởi sinh
hàm chứa kinh nghiệm của thức quá khứ (hôm qua) cho nên không còn
khách quan, trung thực được nữa. Trong một tâm thức như vậy tất nhiên phải có
mặt của phi như tác ý (ayoniso manasikāra) vì thế các tâm
sở xúc, thọ, tưởng, tư đều lệch lạc, hậu quả là sắc, thọ, tưởng, hành, thức quá
khứ chồng chất lên sắc, thọ, tưởng, hành, thức hiện tại và tất nhiên lúc đó
biểu hiện giận dữ khó mà tránh khỏi.
Trái lại, cũng anh chàng ấy xuất hiện mà tâm mình định tĩnh,
trong sáng, không mảy may chấp vào kinh nghiệm hôm qua, thấy anh ta như bây giờ
vậy thôi. Một tâm thức như vậy tất nhiên có mặt như lý tác ý (yoniso
manasikāra) do đó các tâm sở xúc, thọ, tưởng,
tư không lệch lạc, nghĩa là sắc, thọ, tưởng,
hành, thức không bị qui định bởi quá khứ, phản ứng đúng đắn, tốt
đẹp, kết quả là sân hận không xẩy ra, phải không? Sự
kiện chồng chất cảm giác, tri giác, phản ứng, kinh nghiệm
quá khứ lên thực tại, gọi là uẩn. Uẩn tức chồng chất rối rắm lớp này đến lớp
khác. Cái mà chúng ta đã gọi là tri kiến lập tri, Thiền Tông gọi
là "đầu thượng trước đầu" (trên đầu đội thêm đầu), "tuyết
thượng gia sương" (trên tuyết bồi thêm sương). Vậy ngũ uẩn chính là
tiến trình chấp giữ kinh nghiệm. Kinh nghiệm vốn không sai, rất hữu ích nữa là
khác, nhưng chấp giữ kinh nghiệm thì trở thành ngăn ngại.
Kinh nghiệm của ngũ uẩn quá khứ chồng lên ngũ uẩn hiện tại để
tạo ra kinh nghiệm mới. Gọi là mới, nhưng thật ra hầu như không mới gì cho lắm,
trong đó đã tiềm tàng quá nhiều kinh nghiệm cũ, phải vậy không? Uẩn là vậy,
chồng chất, rối ren, phức tạp và cũng là cũ rích.
Giả dụ, vì tức giận chuyện hôm qua nên hôm nay lại gây gổ, đánh
nhau thêm một trận nữa, cứ thế chồng chất sân hận oán thù. Đó là chưa kể tối về
nằm ngủ, ý thức làm việc, lại tự tạo tác chồng lên không biết bao nhiêu lớp
nữa. Rồi cứ mỗi lần nhớ lại chuyện đó là cơn tức giận gia tăng, dù chỉ trong
tâm, chưa có hành động bên ngoài thì vẫn là tạo nghiệp. Dễ sợ chưa? Rõ ràng bây
giờ là cả một đống chỉ rối càng ngày càng lớn hơn khó mà gỡ nổi, phải không?
Đó chỉ mới là một chuyện điển hình, còn biết bao nhiêu là chuyện
trên đời mà hàng giây, hàng phút, hàng giờ, hàng ngày, hàng tháng, hàng năm
chúng ta chất chồng chứa nhóm bất tận vào kho tiềm thức? Biết bao là tỵ hiềm,
ganh ghét, yêu thương, sợ hãi, hận thù, ngon ngọt, đắng cay v.v và
v.v… Cho nên, ngũ uẩn nói là giai không một cách dễ dàng, thế mà, ở đây trong
mỗi chúng ta, ngũ uẩn đã trở thành núi Tu-di rồi đó. Khiếp chưa? Liệu chúng ta
phá có nổi không đây? Có thiết bảng của Tôn Ngộ Không may ra, chứ phá làm sao
cho nổi, phải không?
( Có người hỏi: )
- Có anh đó rất say mê âm nhạc, anh mới mượn được một băng nhạc
rất hay, về mở nghe. Mới nghe được một lát, anh ta sực nhớ có một công việc cần
làm ngay, và anh đi làm. Trong thời gian làm, anh vẫn nghe nhạc. Nhưng lát sau,
công việc cuốn hút anh ta, anh ta chú tâm vào công việc nên không
nghe tiếng nhạc nữa. Như vậy, rõ ràng âm thanh vẫn đến tai anh ta, nhưng anh ta
không ghi nhận được. Hoặc ví dụ con đang ngồi nghe giảng đây, ban đầu con nghe
tiếng tích tắc của đồng hồ, lát sau chẳng nghe tiếng tích tắc của đồng hồ nữa.
Như vậy, lúc đó bảo thức không có là không đúng, vì vẫn còn làm việc.
Còn bảo thức có, thì sao lại không nghe được?
- Đúng. Đúng! Câu hỏi rất hay! Bởi vậy lúc ấy mới thấy nhất tâm
và mạng căn là quan trọng. Không có hai tâm sở này thì cái tâm đó nó sẽ
loạn lên hết, chẳng còn chú tâm được nữa. Mỗi tiến trình vận hành của năm uẩn
diễn ra rất nhanh, và có duy nhất một đối tượng. Trừ phi tiến
trình này diễn đi diễn lại trên cùng một đối tượng do đối tượng đó gây chú ý
cao, như khi cuốn hút vào công việc không còn nghe tiếng nhạc nữa. Còn bình
thường thì tập hợp năm uẩn này liên tục nhảy từ đối tượng này qua đối tượng
khác, như một con vượn chuyền cành, đó là lúc vừa làm việc vừa
nghe nhạc. Vậy lúc đó không phải không có thức mà là không có thức trên đối
tượng nghe chứ vẫn có thức trên đối tượng làm.
Khi nói:
“Tâm như công hoạ sư
Hoạ chủng chủng ngũ ấm”
"Chủng chủng" là các loại, rất nhiều loại. Có rất nhiều tiến
trình ngũ uẩn khác nhau: cùng căn cùng đối tượng, cùng căn khác đối tượng, cùng
đối tượng khác căn, tùy mức độ chính xác của các căn, tùy mức độ
mạnh yếu của đối tượng v.v. mà sinh ra vô số tiến trình ngũ uẩn khác nhau
đan chéo như con thoi dệt cửi.
Một người đang coi ti vi, con mắt và đối tượng của
nó tạo ra một tiến trình ngũ uẩn. Đồng thời tai nghe
nhạc đệm, vậy tai và đối tượng của nó tạo ra một tiến trình ngũ uẩn khác nữa.
Chúng ta có thấy gì ở trường hợp đó không? Chúng ta vừa thấy
hình vừa nghe nhạc đệm một cách rõ ràng, không có lẫn lộn nhau. Vì sao vậy? Vì
tiến trình nào cũng nhất tâm theo tiến trình đó. Tiến trình ngũ uẩn từ tai và
âm thanh đồng nhất mà tiến trình ngũ uẩn từ mắt và sắc vẫn đồng nhất. Cái đó
rất vi tế.
Kim Dung có một nhân vật tên Châu Bá Thông, ông có sáng chế một
môn võ là “Song thủ hỗ bác”, nghĩa là hai tay cùng đánh với nhau. Tay
phải ra một thế võ thì tay trái đánh một thế võ để đấu lại. Vậy là sao? Ông ta
đã "phân tâm nhị dụng", tay phải đánh một kiếm thế này, đồng thời sử
dụng tay trái đánh một kiếm thế khác. Ông ta đã sử dụng hai tiến trình "một lần"
mà vẫn nhất tâm! Người đánh đàn, người đánh máy, và rất nhiều công việc đòi hỏi
phải sử dụng nhiều tiến trình tâm – sinh - vật lý "một lần".
Đại khái, chúng ta thường thấy là, có thể có năm ba tiến trình
tâm cùng xuất hiện một lần, nhưng trên thực tế là xen kẽ nhau một cách
trật tự trong cùng một khoảng thời gian chứ không phải trùng phùng, nghĩa là
hoán vị chứ không phải đồng vị. Nhưng sát-na tâm hoán chuyển quá
nhanh đến nỗi ta tưởng cùng một lần. Trong một giây biết
có bao nhiêu là
tiến trình hoán chuyển này. Ví dụ khi ta thấy một người phụ nữ mà
tưởng rằng là em gái của mình. Ở đây, mắt thấy người phụ nữ là một tiến trình
ngũ uẩn, nhưng tưởng người em gái thì ý thức lại tạo ra một tiến trình
ngũ uẩn khác. Vừa thấy phụ nữ vừa tưởng người em gái tức là vừa có
tiến trình qua nhãn thức vừa có tiến trình qua ý thức. Có phải không?
Nhưng trong khi vài ba tiến trình ngũ uẩn xảy ra "cùng lúc"
mà ta chú ý vào một đối tượng nào nhiều hơn thì tiến trình đó sẽ mạnh hơn, và
các tiến trình kia sẽ biến mất. Một tiến trình diễn ra trong một phần triệu
triệu... tích tắc, nhưng nếu mạnh nó lập đi lập lại rất nhiều lần trên cùng một
đối tượng, và do đó các tiến trình kia không xen vào được. Đó là lý do tại sao
anh làm việc, anh không còn nghe tiếng nhạc nữa.
( Có người hỏi: )
- Trong quá trình sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì sắc không phải
là một cái gì cụ thể, mà nó là kết quả của một tập hợp căn-trần-thức như sư đã
giảng. Khi đã nhận thức được như vậy, giả dụ bây giờ con nghĩ ra một cách để
phá ngũ uẩn, xin trình sư xem thử thế nào, có hợp lý không?
- Vâng!
- Sắc tập hợp lại giữa 3 yếu tố căn-trần-thức, thiếu 1 trong 3
yếu tố thì tập hợp ấy không hoạt động được, không hiện hành được.
Như vậy thì bây giờ hành giả chỉ cần làm thế nào phá đi 1 trong 3 yếu tố
đó thôi, hoặc là căn, hoặc là trần, hoặc là thức. Chẳng hạn như thế này: nếu
mắt không nhìn sắc, mũi không ngửi hương, hoặc lưỡi không nếm vị, thân không
tiếp xúc với những cảm giác cứng hoặc mềm, ý không nghĩ đến một điều gì đó v.v.
Trong trường hợp này, lục thức không phát khởi được, vì nó thiếu yếu tố trần
cảnh. Như vậy có nghĩa là không có sắc uẩn, vì nó không hội đủ yếu tố để tạo
sắc uẩn. Trong trường hợp một người đang ngủ hoặc ngất xỉu chẳng hạn, họ có phá
được ngũ uẩn hay không? Thứ hai nữa, trong trường hợp mình tập trung ý lại, ví
dụ tập trung ý vào danh hiệu Phật thôi, thì mình có tạo được ngũ uẩn tốt hay
không? Vì khi ý của mình niệm danh hiệu Phật Thích Ca chẳng hạn, nó sẽ tạo cho
mình một cái thức, mà nội dung cái thức đó toàn là thiện ý. Như
vậy có phải mình sẽ có ngũ uẩn mang tính chất thiện hay không?
- Khoan đã, bây giờ từ từ chúng ta sẽ bàn từng khâu một.
Thứ nhất, dù khi chúng ta niệm Phật vẫn có ngũ uẩn phát sinh. Vì
khi khởi tâm niệm tức là đã có ngũ uẩn rồi. Nhưng trong trường hợp đó hành uẩn
tạo tác một cách tốt đẹp. Giả dụ, chúng ta niệm đến nhất niệm, bất loạn hay cận
hành (gần an chỉ định). Tuy vậy vẫn
là tạo tác, nhưng tiến trình ngũ uẩn ấy là tiến trình tốt. Anh nói
đúng, hành uẩn không phải lúc nào cũng bất thiện, nó có thể thiện hoặc bất động
kia mà.
Điều thứ hai, trong lúc ngủ, có thể tiến trình ngũ uẩn ở dạng
tiềm ẩn, chưa khởi tác dụng, chưa có duyên để hiện hành chứ không
phải là đã bị phá. Phá là khi nào trí tuệ soi chiếu
vào tự tánh ngũ uẩn để nó không còn chồng chất tạo tác nữa, mới gọi là phá.
Không phải khi nó ngủ yên, chưa khởi gọi là phá. Khi một tiến trình ngũ uẩn
không khởi thì nó lại về trạng thái bhavaṅga
(hôm khác chúng ta sẽ nói đến tiến trình tâm, một cách mô tả chi tiết hơn tiến
trình ngũ uẩn, để thấy rõ bhavaṅga
này). Trong bhavaṅga,
ngũ uẩn không hiện hành mà nó lại tiềm ẩn dưới dạng tiềm thức hay vô thức. Tức
là ngũ uẩn cũng ngủ! Như vậy đâu phải phá được ngũ uẩn.
Tạm thời chúng ta phân ra hai loại ngũ uẩn: ngũ uẩn hiện hành
và ngũ uẩn vô thức. Có thể phá được ngũ uẩn hiện hành
bằng trí tuệ soi chiếu, nhưng ngũ uẩn vô thức vẫn chưa phá được, vì thức
uẩn đã lưu bản sao này dưới dạng ngủ ngầm (Anusaya) trong
bhavaṅga (Duy
Thức gọi là chủng tử ập khí trong tàng thức).
Thứ ba, phá ngũ uẩn bằng cách không nghe âm thanh, không ngửi
mùi hương v.v… thì có thể là tiến trình ngũ uẩn không khởi lên. Nhưng phá là
phá ngay trong khi nó đang khởi lên bằng tuệ quán (vipassana ñāṅa)
chứ không phải không cho nó khởi lên. Thu thúc lục căn là một trong
những cách kiểm sát, ngăn ngừa và gạn lọc hướng xấu của ngũ uẩn
chứ không phải không cho ngũ uẩn khởi lên. Câu “Văn thanh kiến sắc như thạch
thượng tài hoa” chỉ có ý khuyên chúng ta không nên để căn trần dính mắc
chứ không phải cắt đứt mối quan hệ căn trần. Nên phá ngũ uẩn hữu thức trước,
vừa để thức uẩn không chấp tàng thêm tập khí mới, vừa để phát hiện tập khí
đang từ vô thức khởi lên hầu chuyển hóa kịp thời những xung
động nguy hiểm này.
Như vậy, ngăn xúc của căn – trần – thức không cho ngũ uẩn khởi
lên chưa thật sự gọi là phá. Chỉ phá bằng trí tuệ khi ngũ uẩn đang hiện khởi,
thấy tướng sinh – trụ – dị – diệt, cùng với sự bất an của chúng và thấy chúng
chỉ là hiện tượng duyên khởi, không có tự tính để không còn vọng tưởng ngã
chấp. Đó là chiếu phá ngũ uẩn một cách hữu thức. Và đó cũng là
cách hữu thức hóa những tập khí vô thức tiềm ẩn dưới dạng ngủ ngầm (tùy miên)
trong bhavaṅga,
cho đến khi những tập khí còn lại trong vô thức chỉ có khả năng tuỳ thời cho
quả dị thục chứ không còn là những xung động ngấm ngầm xúi giục gây nhân tạo
tác được nữa. Ngay khi thức mới khởi lên ở đầu tiến trình ngũ uẩn để tác động
lên căn trần, nó cũng chỉ
là quả chứ không phải nhân. Vì vậy, xin lặp lại là
chỉ phá ngũ uẩn khi nó hiện hành thôi, chứ không nên giữ nó lại
trong vô thức bằng cách không cho nó khởi, đó là trấn áp nó chứ không phải phá.
Phân tâm học gọi đó là dồn nén, ức chế chỉ làm gia tăng trạng thái ẩn ức chứ
không phải là làm cho nó thăng hoa hoá giải. Vậy phá ngũ uẩn là
phá nhân chứ không phá quả. Phá nhân thì quả sẽ tự
chuyển hoá.
Dù dùng thiền định cũng không phá được ngũ uẩn, vì chính
thiền định là một tiến trình ngũ uẩn vi tế. Như vậy chỉ có thể thanh lọc cho
ngũ uẩn tốt hơn chứ không phải là ngũ uẩn giai không được. Điều này chúng ta sẽ
nói rõ hơn trong những buổi sau.
(Có người hỏi:)
- Trong trường hợp mình quan niệm sắc không phải là một tập hợp
của căn-trần-thức thì làm sao? Bởi vì con đọc trong sách của những bậc Luận Sư
nổi tiếng thời xưa cũng như thời nay, rằng sắc là một tập hợp những điều kiện
vật chất chẳng hạn, chứ không phải là một tập hợp của căn-trần-thức. Như vậy
thì có đúng không? Hòn đá có phải sắc không?
- Không. Hòn đá là sắc nhưng không phải là sắc uẩn.
Hòn đá là sắc trần, thân này là sắc căn. Trong ngũ uẩn, không phải không có các
sắc đó. Nói nhãn căn, sắc trần tức là nói sắc đó. Do vậy, bên trong cũng có sắc (mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân hay tịnh sắc căn) mà bên ngoài cũng có sắc (sắc,
thanh, hương, vị, xúc). Ở đây chúng ta muốn nói, dù vẫn cứ có nội -
ngoại sắc đó nhưng nếu không có thức để tương tác thì không có xúc, và
vì vậy cũng không thành sắc uẩn.
Khi nêu riêng từng nhóm sắc, thọ, tưởng, hành, thức để dễ phân
tích thì sắc chỉ là sắc thuần túy. Nhưng khi nói thành tập hợp ngũ uẩn thì
đã ám chỉ tiến trình vận hành tương tác, trong đó sắc uẩn đã bao hàm
thức và xúc, nghĩa là đã trở thành sự sống mang tính tâm-sinh-vật lý chứ không
còn thuần túy là vật lý nữa. Chư Phật và các vị A-la-hán không còn
chấp ngã vì đã phá được sự tập thành ngũ uẩn, nghĩa là tiến trình sắc - thọ
– tưởng – hành – thức vẫn còn, nhưng khi ấy không còn chồng
chất rối ren nên không còn là uẩn nữa. Uẩn đã được
phá rồi. Tưởng không còn giả tướng, hành không còn tạo tác mà là vô vi hay
duy tác, đồng thời thức cũng không còn chứa nhóm chấp tàng nữa
(lúc này Duy Thức gọi là bạch tịnh thức) thì sắc và thọ không còn là vấn
đề để bận tâm nữa,
(Có người hỏi:)
- Con đọc trong bộ Câu-xá Luận của Thế Thân do Ngài Huyền Trang dịch, thì
nói sắc là nội sắc và ngoại sắc. Nội sắc tức là căn thân của mình.
Rồi con đọc luôn
bộ Abhidhammattha - saṅgaha
của Ngài Nārada dịch qua bản tiếng Anh. Ngài dịch chữ sắc là matter. Chữ matter
đó không có nghĩa là một tập hợp giữa căn, trần và thức, mà nó có nghĩa cụ thể
như nội sắc và ngoại sắc. Như vậy, con thấy giữa hai định nghĩa, từ nguồn Hán
tạng cũng như từ nguồn Pāḷi
được chuyển sang tiếng Anh thì đều như vậy. Còn định nghĩa chiều nay con tiếp
thu được do sư nói là...
- Một tập khởi tâm - sinh - vật lý giữa căn - trần - thức?
- Vâng, nó rất mới lạ, ý con muốn nói là rất khác thường. Trong
suốt quá trình học Phật, con không tìm thấy bất cứ một tài liệu nào nói về sắc
như vậy!
- Vâng, thứ nhất, chúng ta cứ trình bày sự thật theo thực tế chứ
không y cứ vào kinh sách của các soạn giả khác.
Thứ hai, chữ sắc mà Ngài Nārada và các sách định nghĩa là sắc
trong danh sắc. Sắc trong danh sắc dịch là matter thì tạm được, sắc
trong ngũ uẩn nếu tách riêng cũng có thể dịch là matter, nhưng sắc trong ngũ
uẩn vận hành thì khó mà dịch được.
Cần phải hiểu là có 4 loại sắc như sau:
1. Sắc:
chỉ đối tượng của mắt gọi là sắc trần gồm hình tướng, màu sắc và chất liệu.
2. Sắc: chỉ toàn
bộ sắc pháp.
* Theo Vi Diệu Pháp, có 28 sắc pháp:
+
4 đại chủng
(địa, thủy, hỏa, phong).
+
5 tịnh sắc căn
(mắt, tai, mũi,
lưỡi, thân).
+
4 hành cảnh sắc
(sắc, thanh, hương, vị).
+
2 bản tánh
sắc (nữ tánh, nam
tánh)
+
1 tâm sở y sắc.
(chỗ trú của tâm)
+
1 mạng
sắc. (biểu
hiện của sự sống)
+
1 thực sắc.
(dưỡng
tố)
+
1 giới hạn sắc
(không giới).
+
2 biểu sắc
(thân biểu, ngữ biểu).
+
3 biến hoá sắc
(nhẹ, mềm, thích ứng).
+
4 tướng sắc
(sanh, trụ, dị, diệt).
* Theo Duy Thức có 11 sắc pháp:
+ 5 căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân) và 6 trần, (sắc,
thinh, hương, vị, xúc, pháp).
3. Sắc dùng trong danh sắc.
Sắc này gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và sắc, thanh, hương, vị, xúc cùng với
một phần pháp trần (ý tượng của sắc thanh hương vị xúc) và ý sở y căn. Còn
sáu thức và một phần pháp trần còn lại
thuộc về danh.
4. Sắc trong tập khởi sắc uẩn
gồm có:
- Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý
sở y căn
- Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp trần
- Nhãn thức, nhĩ thức,... ý thức
|
→ tương tác mà tập khởi sắc uẩn |
Mỗi chữ sắc có một ý nghĩa khác nhau, phải lưu ý như vậy.
Chính vì lầm lẫn các nghĩa của sắc này mà nhiều vị giảng kinh
Bát-nhã cứ nói sắc là sắc thân hay sắc trần, trong lúc đó sắc uẩn hàm chỉ cả
một tiến trình vận hành, có tương duyên mới khởi sanh được. Nếu duy chỉ có sắc
thân hoàn toàn vật chất, không có xúc, không có thức thì
làm sao tập thành ngũ uẩn được?
Nếu chỉ có sắc căn và sắc trần mà thành uẩn thì không lẽ người
chết hay người hôn mê căn trần cũng tương tác được sao? Nếu như
mắt không có cái thấy (nhãn thức), tai không có cái nghe (nhĩ thức)
v.v. thì mắt tai vô hồn có thể thành uẩn được sao? Vậy phải có thức cùng tác
động thì mới phát sanh tiến trình, không có thức tác động không
phát sanh tiến trình ngũ uẩn được.
Chữ sắc trong sắc uẩn không còn là một sắc thuần túy, nó đã trở
thành một tổ hợp có sự sống, nội hàm tối thiểu là xúc và thức (đơn giản) thì
mới có thể phát sinh thọ, tưởng, hành, và thức (tổng hợp) được. Chính vì hiểu
lầm điều này mà có phái ngoại đạo chủ trương rằng: chặt tay chặt chân một người
là không có tội vì thân thuộc sắc. Khi nào giết chết người ấy mới có tội vì
mạng sống mới có tâm thức.
Cho dù mắt, tai, v.v. là sắc thuần túy đi nữa mà không có tâm (thức)
thì như mắt tai của người chết làm sao thấy nghe được? Đó là chúng ta muốn
chứng minh chứ thật ra không phải trong Tam tạng Paḷi
không có nói sắc gồm cả thức. Trong kinh Đại Tứ Niệm Xứ, Dīghanikāya Đức Phật
dạy: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, nhãn thức,
nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức là sắc thân ái (piya
rūpaṃ), sắc khả ái (sata rūpaṃ),
chính ở tại sắc này tham ái phát sanh, tham ái trừ diệt. Anh cứ
xem lại bài kinh đó đi để kiểm chứng.
(Có người hỏi:)
- “Sắc tức thị không”… sắc không trong kinh Bát-nhã
có phải là sắc uẩn này không?
- Đúng vậy, chính nó là sắc uẩn trong ngũ uẩn. Lần sau chúng ta
sẽ đào sâu thêm vấn đề này. Bây giờ còn 15 phút nữa, xin mời quý vị thảo luận
với nhau. Đề nghị là nếu có nghi thì cứ hỏi. Nếu “bí” thì chúng ta sẽ có vấn đề
để nghiên cứu, học hỏi chiêm nghiệm thêm chứ không có sao đâu.
(Có người hỏi:)
- Sư giảng rằng, thức nó xuyên qua sắc, qua thọ, qua tưởng, qua
hành rồi thu gom kinh nghiệm để hình thành một thức khác. Cái thức này lại
xuyên qua sắc trở
lại và cứ như thế tiếp tục, vậy thì cho con được hỏi,
không biết có đúng không, là có phải thức ấy tìm về tự tánh không?
- Không, không phải. Điều này phải hết
sức cẩn thận. Thức này khi bị nhiễm vô minh ái dục là thức
luân hồi sinh tử. Thức tục sinh (paṭisandhi)
rồi thức tử (cuti) cứ thế không dứt thì tìm về tự tánh là tự tánh
nào? Tuy nhiên khi vô minh ái dục đã bị chiếu phá thì thức này thanh tịnh, vô
nhiễm và vô sanh. Theo Duy Thức, tùy thể tướng dụng của các loại
thức mà biến thành các loại trí tương ứng. Theo thiền
Vipassanā,
tâm với chánh niệm tỉnh giác sẽ phát tuệ và thấy được thực tánh pháp từ hữu vi
đến Niết-bàn. Nếu thức hiểu theo nghĩa tánh biết thì dù mê hay
ngộ cũng chỉ một thực tánh như nhau, nhưng tướng thì bất đồng. Phải cẩn
thận vì thực tánh không phải là tự tánh hiểu theo nghĩa bản thể thường hằng bất
biến như linh hồn hay đại ngã trong chủ trương thường kiến.
- Con chỉ hỏi để khỏi bị lầm.
- Phải rồi! Như vậy, chứng tỏ rằng chúng
ta lại phải bàn thêm vấn đề này cho thật kỹ càng mới được.
Người xưa có nói “chân bất lập” nghĩa là đừng xác lập cái
gì là chơn, vì lập cái chơn (dù dưới nhãn hiệu tự tánh, bản thể, đại
ngã...) là đã chủ quan rồi. Hễ tư tưởng lập ra cái chơn gì thì đều
là cái chơn của
tưởng cả. Hễ xác định rằng có một tự tánh lý tưởng cao siêu chơn
thật nào đó để tìm về thì cũng chỉ là tự tánh tưởng tượng, không phải là chơn
thật tánh (sabhāva)!
phải không? Cái chơn lý tưởng mà chúng ta lập ra chỉ là cái cõi giới
phóng ảnh của ngã kiến chứ không phải là phá trừ ngã kiến. Làm phong phú bản
ngã không phải là Phật đạo, vì bản ngã chỉ là ảo tưởng, vọng kiến, không thật. Tự
tánh của thức chính là thức như nó là. Nếu hiểu tự tánh là đại ngã mà thức là
linh hồn hay tiểu ngã phải tìm về thì không phải là Đạo Phật.
(Có người hỏi :)
- Ở đây đề cập đến tiến trình của ngũ uẩn, nó thường hiện hành
trên bình diện hữu thức. Nhưng có một số trường hợp hầu như nó nằm trong vô
thức mà nó vẫn hiện hành. Ví như môt người đang “mộng du”. Vậy thì đối
với người “mộng du”, tiến trình ngũ uẩn của họ thế nào? Phải chăng ở đây
có Thượng Đế hay ai điều khiển?
- Không phải đâu. Mộng du là một cái
bệnh. Chúng ta có thể giải thích theo khoa học, hoặc phân
tâm học cũng được chứ chẳng cần đến Phật giáo.
Sinh hoạt bình thường hàng ngày của
chúng ta là do đại não điều khiển. Đại não ghi nhận,
điều động toàn bộ sinh họat của
chúng ta. Nhưng khi chúng ta nằm ngủ thì tiểu não làm việc. Tiểu não có làm
việc trong lúc chúng ta ngủ chứ không phải không biết gì cả đâu. Khi ngủ chúng
ta tưởng là không ghi nhận được gì cả vì ý thức không làm việc. Nhưng không
phải vậy. Trong Duy Thức có nói đến một loại ý thức gọi là “mộng trung ý thức”.
Khi chúng ta đang nói chuyện đây thì ý thức hiện hành. Nhưng khi chúng ta ngủ
thì cũng có một loại ý thức khác làm việc mà Duy Thức gọi là “mộng
trung ý thức”, cái biết trong chiêm bao hay trong giấc ngủ. Cái biết vô
thức này có thể được ý thức trở lại vào ban ngày, chứng tỏ nó có ghi
lại tiến trình. Nghĩa là có một tiến trình ngũ uẩn vô thức trong chiêm
bao.
Tuy nhiên trong trường hợp bị chấn
thương vỏ sọ não, chấn thương tâm lý hoặc tiểu não và hệ thần kinh
bị trục trặc (bệnh) gì đó thì bệnh nhân có thể nói mớ, hoặc
nặng hơn thì mộng du. Mộng du là một dạng bệnh tâm thần, tiếng Anh
gọi là somnambulism. Đặc biệt những việc làm trong cơn mộng du ban
đêm không được ý thức nhớ lại ban ngày. Vì vậy mộng du và chiêm bao không giống
nhau, và xảy ra trong giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Khi một người bị chấn
thương võ não hoặc tinh thần bị dồn nén căng thẳng, xung đột, bức
xúc, v.v. thì dần dần đưa đến suy nhược thần kinh và rơi vào tình trạng mộng
du. Trong mộng du không có “mộng trung ý
thức” mà hoàn toàn tác động từ vô thức, khi vô thức chứa nhóm sự căng
thẳng, xung đột.
Trong cả hai trường hợp bị chấn thương võ não hoặc chấn thương
tâm lý, thì hành động của người bệnh không đủ yếu tố để hình thành tiến trình
ngũ uẩn một cách đầy đủ.
Nếu người ngủ ngon có ngũ uẩn “ngủ”, và người nằm mơ có “ngũ
uẩn trong mộng”, thì người mộng du có ngũ uẩn bệnh hoạn, bất thường chỉ
hình thành trong vô thức.
(Có người hỏi:)
- Vậy thì vô thức nó nằm ở đâu, được giải thích như thế nào ở
trong Vi Diệu Pháp hoặc Duy Thức?
- Theo Duy Thức thì nó ở trong A-lại-da thức. Còn theo Vi
Diệu Pháp thì nó ở trong hữu phần (bhavaṅga),
nơi mà thức dưới chức năng tadālambana ghi nhận lại tiến trình rồi ký gởi vào.
- Xin hỏi nếu ở trong vô thức và tiềm thức thì nó không thể tác
nghiệp. Ở đây, người mộng du họ leo trèo lên bờ tường, lên nóc nhà… họ làm
những việc mà dường như là phải có những tư tác (cetanā) Chairất mạnh, có một
sự tác động của tâm rất mạnh mẽ. Như vậy có mâu thuẫn không?
- Người mộng du không chủ động tác nghiệp, nhưng vẫn
có động lực thúc
đẩy từ vô thức hay từ áp lực bên ngoài. Ở đây tôi sẽ nói một
chuyện khác nhưng nó lại liên quan đến vấn đề này, và chúng ta sẽ hiểu.
Chuyện thôi miên. Thôi miên hoặc bị “điển nhập”. Thôi
miên thì thường thường người ta khống chế “tổng đài” tiểu não của bệnh
nhân, nghĩa là dùng sức mạnh của ý thức để kiềm chế trung khu thần kinh. Đầu
tiên đưa bệnh nhân vào giấc ngủ, ngủ là đại não nghỉ ngơi, nhà thôi miên tập
trung tư tưởng để kiềm chế tiểu não. “Nhập điển” cũng vậy, điển kiềm
chế tổng hành dinh của vô thức – tức là tiểu não để điều khiển. Người bị thôi
miên hoặc điển điều khiển thì không tự biết gì hết. Cũng có trường hợp
người bị thôi miên hoặc người bị nhập điển có biết nhưng lại là không chủ động
được. Trường hợp mộng du tạm coi là một trường hợp “tự thôi miên” người
mộng du là người bệnh, có một trục trặc gì đó ở hệ thần kinh, khi vô thức dấy
lên điều động họ, điều khiển họ mà ý thức họ không biết, thế thôi. Còn tư tác
(cetanā) là biến hành tâm sở nên trong vô thức vẫn hoạt động có điều là
dưới dạng vô nhân nên không tạo tác.
Có
ai hỏi gì nữa không? Thảo luận về chiều sâu nội tâm cũng thú vị, phải không?
Thường chúng ta sống quay ra bên ngoài quá nhiều, ít khi quay về với tâm mình.
Bây giờ, tham cứu lại cái tâm mình một chút thì thấy có những cái khám phá lạ
lùng đáng ngạc nhiên, phải không?
Buổi
nói chuyện ngày 23-11-93
TIẾN
TRÌNH TÂM
(CITTA
VĪTHI
)
Trong lần trước, chúng ta đã
nói về sự vận hành của 18 giới. Đến đây có lẽ chúng ta có thể đã thấy rõ nguyên
nhân phát sinh đau khổ và phiền não. Đâu là khổ đế, đâu là tập đế, chắc không
ai hoài nghi nữa phải không?
Cũng trong sự vận hành này, chúng ta
đã thấy rõ sự sinh khởi của ngũ uẩn. Ngũ uẩn không phải là những phần riêng rẽ,
có sẵn, rồi tổng hợp thành một khối như là một bản ngã biết nói năng, hành
động, mà ngũ uẩn khi sanh khi diệt thay đổi luôn luôn tùy theo cái tâm khi nó
tương giao như thế nào với ngoại giới.
Chúng ta cũng so sánh, đối chiếu mối
liên hệ giữa ngũ uẩn và 7 biến hành tâm sở, tức là những tâm sở chánh yếu diễn
ra trong tất cả tâm. Tâm nào cũng phải có mặt 7 tâm sở này: xúc, thọ, tưởng,
tư, nhất tâm, mạng căn, tác ý.
Sở dĩ chúng ta đem so sánh những pháp
này với nhau là để thấy sự liên hệ mật thiết giữa các pháp mà Đức Phật muốn
khai thị. Bởi khi thì chúng ta học pháp này, khi thì
học pháp khác, rất rời rạc, tản mạn, tưởng giữa chúng chẳng có mối quan hệ nào
cả. Không phải thế, chúng liên hệ rất là chặt chẽ, và nhờ vậy khi thấy pháp này
là thấy được pháp kia. Dầu là một câu kệ
Đức Phật dạy, vẫn bao hàm hết giáo lý đạo Phật. Đây là điều mà
chúng ta cần phải lưu ý trong khi học hỏi giáo lý Đức Phật.
Ngược lại, mỗi từ ở trong mỗi pháp lại
cần phải hiểu tùy theo ngữ cảnh, tùy từng trường hợp. Ví dụ chữ “pháp”, chữ
“sắc” mà chúng ta đã từng thảo luận hôm trước.
Hôm nay, chúng ta nói về tiến trình
tâm, tiếng
Pāḷi
gọi là Citta vīthi.
Vīthi
nghĩa là lộ trình, là sự diễn biến, hay dòng diễn tiến.
Citta là tâm. Tâm tức là thức. Có sáu thức. Mặc dù
900 năm sau Đức Phật Niết-bàn, Thế Thân giới thiệu thêm hai thức là Mạt-na và
A-lại-da, nhưng hai thức này không có gì mới lạ, nó nằm trong tiến trình tâm
ngang qua sáu thức mà chúng ta sắp nói đến.
Nói có sáu thức là tùy hiện tượng mà
gọi tên khác nhau thôi, sự thực khi một tâm hiện khởi nó diễn tiến qua một lộ
trình gọi là tiến trình tâm. Ví như dòng điện, tác dụng lên bóng đèn thì sáng,
tác dụng lên máy quạt thì cánh quạt quay, tác dụng lên bàn ủi thì sinh nhiệt,
nhưng cũng chỉ do một dòng điện mà thôi. Dòng điện đó ví như dòng tâm hiện khởi
ngang qua các căn vậy. Cũng ví như nước và sóng, gió
nhẹ tác động lên nước thì sinh sóng lăn tăn. Bão lớn hoặc động đất tác động lên
nước thì sinh ra sóng thần, nhưng chỉ là nước đó thôi. Tùy duyên mà gọi.
Vậy khi nói tâm hay thức chúng ta đừng
câu nệ ở nơi cách phân loại mà chỉ quan sát ngay nơi cái tâm đang hiện khởi để
thấy diễn tiến của nó.
Duy Thức học nói có tám thức. Abhidhamma
Nguyên Thủy nói tiến trình tâm ngang qua năm môn có chín giai đoạn và
ngang qua ý môn chỉ có bốn giai đoạn. Từ “giai đoạn” chúng ta
đang dùng tương đương với chữ thức trong tám thức của Duy Thức học.
Cũng theo
Pāḷi
Abhidhamma, nếu đứng về phương diện cõi giới thì có 4 loại tâm: dục giới tâm,
sắc giới tâm, vô sắc giới tâm, siêu thế tâm. Nếu đứng về phương diện nhân quả,
thiện, bất thiện, vô nhân, bất động, duy tác v.v. thì có tới 89 tâm hoặc 121
tâm. Nếu đứng về phương diện hiện khởi qua các căn thì nói có 6
thức. Vậy tùy tác dụng, tùy phương diện mà gọi thôi chứ đừng nên chấp trước.
Quan trọng ở chỗ thấy được sự vận hành của tâm như thế nào chứ không cần gọi nó
bao nhiêu cái tên làm gì. Giống như một chậu nước, lấy cái ly mà đong thì được
10 ly, nhưng lấy 1 cái gallon mà đong thì chỉ có nửa gallon, phải không? Nửa
gallon bằng 10 ly, 10 ly bằng 1 chậu. Cả ba đều đúng. Vì thế không nên tranh
cãi về con số thống kê tâm làm gì, mà
quan trọng là cần phải thấy được diễn biến của tâm nơi chính cái tâm đang vận
hành. Vậy chúng ta thử chú ý theo dõi trình tự diễn biến của tâm như thế nào.
Đây là sự kiện tâm khá vi tế, không nên lý luận mà chỉ chú tâm quan sát.
Diễn biến của một tâm sinh diệt như
thế này:
Dòng tâm thức khi ở trạng thái tiềm
ẩn, chưa có tác động của một đối tượng nào thì nó trôi chảy ngấm ngầm, tàng ẩn
sâu trong nội tâm của sự sống nên gọi là hữu phần (bhavaṅga:
aṅga
là phần, bhava là sự hiện hữu, sự sống). Hữu phần duy trì sự
hiện hữu của tiềm thức và trôi chảy liên tục. Khi ngủ hoặc khi bất tỉnh, không
có một đối tượng nào tác động để tâm khởi lên (trừ lúc chiêm bao). Dòng
bhavaṅga đang ở trạng thái thụ động – có vẻ như tĩnh nhưng luôn luôn chảy xiết
như một dòng nước cuồn cuộn, nên Duy Thức gọi là “hằng chuyển như bộc lưu”.
Khi đang trôi chảy như vậy, chợt có một đối tượng tác động vào khiến hữu phần
này trôi qua thêm một sát-na nữa gọi là bhavaṅga atīta trước khi nó rung
động lên gọi là bhavaṅga calana. Khi hữu phần rung động thì cái dòng
trôi chảy ấy liền dừng lại. Không phải là dừng lại dòng trôi chảy
mà là dừng lại tình trạng tiềm ẩn, nên gọi là hữu phần dừng lại:
bhavaṅga
upaccheda.
Hữu phần dừng lại và tâm bắt đầu khởi lên qua các căn để thu
nhận, đánh giá, phản ứng v.v. trên đối tượng tác động:
Bình thường hữu phần trôi qua ở trạng
thái tiềm thức (từ A đến B). khi có một đối tượng (sắc, thanh, hương, vị,
xúc, pháp) tác động vào thì hữu phần rung động 2 lần rồi dừng lại (từ B
đến C) và bắt đầu khởi tâm (tại C). Tiến trình tâm thực sự xảy
ra (từ C đến D) rồi trở lại trạng thái ngấm ngầm trôi chảy của hữu phần.
Ở đây, chúng ta cần biết thêm một tư tưởng của Lão Tử:
“Trí hư cực, thủ tịnh đốc, vạn vật tịnh
tác, ngô dĩ quan phục. Phù vật vân vân, các phục quy kỳ căn, quy căn viết tịnh,
tịnh viết phục mạng, phục mạng viết thường, tri thường viết minh, bất tri
thường vọng tác hung”.
Nghĩa là:
“Nếu ta cứ giữ thật yên mà quan sát thì thấy vạn vật (tiến trình tâm) khởi lên
rồi chúng lại trở về. Ồ, thì ra các pháp (hữu vi) đều cứ vậy
khởi lên rồi trở về gốc. Trở về gốc gọi là tịnh, tịnh
gọi là phục mạng,
phục mạng gọi là thường,
biết thường là minh. Không biết cái thường này là khởi vọng tạo tác lung
tung”.
Câu này của Lão Tử cũng khuyên chúng
ta nên tĩnh lặng soi chiếu cái tâm sinh diệt, đi về qua lộ trình của nó. Ba
giai đoạn của hữu phần ở trên (hữu phần trôi qua, hữu phần rung động và hữu phần
dừng lại) có thể gọi theo phân tâm học là vô thức hoặc tiềm thức, chỉ
đóng vai trò chuẩn bị cho tiến trình tâm chứ tâm chưa thật sự khởi.
Ngay khi hữu phần dừng lại, tâm thật
sự khởi lên theo trình tự như sau, (đối với ngũ môn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân):
1 sát-na - Ngũ môn
hướng tâm
(Pañcadvāravajjana).
1
sát-na - Ngũ thức
(Pañcaviññāna).
1
sát-na - Tiếp thọ tâm
(
Sampaṭicchana).
1
sát-na - Suy đạc tâm
(Santiraṇa).
1
sát-na - xác định tâm
(
Voṭṭhapana).
7
sát-na - Tốc hành tâm
(Javana).
2
sát-na - Đồng sở duyên
(Tadālambana).
Nếu kể cả 3
sát-na của giai đoạn hữu phần thì toàn bộ tiến trình diễn ra trong 17 sát-na,
nhưng nếu chỉ kể phần chính yếu thì chỉ cần 14 sát-na. Tuy nhiên tiến trình sẽ
lập đi lập lại trên cùng đối tượng rất nhiều lần.
GIẢI
THÍCH CÁC GIAI ĐOẠN
Ngũ
môn tiến trình tâm (Pañcadvāra cittavīthi)
Trên
đây là tiến trình tâm diễn ra qua năm cửa (ngũ môn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân).
Tiến trình qua ý môn chúng ta sẽ nói sau. Tuy nhiên dù tiến trình qua
ngũ môn vẫn có sự tham dự của ý thức.
- Ngũ môn hướng tâm: 3
giai đoạn hữu phần không được tính vào trong tiến trình vì vẫn còn đối tượng
quá khứ, chỉ đến ngũ môn hướng tâm thì tiến trình mới thực sự bắt đầu tiếp đối
tượng mới, hiện tại.
Ngũ môn hướng tâm chỉ là
phản xạ tự nhiên (vô nhân duy tác) của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân trên
đối tượng tương ứng. Cụ thể như khi một người nằm ngủ, bỗng có tiếng động làm
anh ta giật mình, toàn thân người ấy bị đánh thức và hướng đến đối
tượng. Nhưng thật ra vì là tiếng động nên chỉ có nhĩ môn thật sự hướng đến đối
tượng. Nếu là hình ảnh thì nhãn môn hướng đến, nếu là sự đụng chạm thì thân môn
hướng đến v.v. Đây là một diễn biến tế nhị từ tịnh sắc căn thuần sinh lý
hình thành xúc tâm sở làm gạch nối cho thức khởi sinh.
- Ngũ thức:
khi một trong 5 môn hướng về đối tượng thì thức liên hệ môn ấy liền xuất hiện.
Ví dụ, nếu đối tượng là tiếng động thì nhĩ thức xuất hiện. Vì vậy đến đây 1
trong 5 thức khởi tác dụng thu nhận đối tượng một cách tổng thể. Ví dụ
như nhãn thức khởi lên thì sự thu nhận sẽ giống như chiếc máy hình bấm nút để
thu hình. Có đôi khi nhiều thức cùng khởi “một lần”, như vừa thấy vừa nghe vừa
xúc chạm chẳng hạn. Điều này chúng ta sẽ nói rõ sau.
- Tiếp thọ tâm: sau khi
thức thu nhận đối tượng một cách khái quát, tiếp thọ tâm làm công việc phân tích
chi tiết để nhận biết từng phần của đối tượng. Sự kiện này chỉ xảy ra
trong 1 sát-na, nhanh hơn rất nhiều so với một máy scanner đang quét qua chi
tiết một tấm hình hoặc một digital camera đang thu hình một vật gì đó.
- Suy đạc tâm: sau khi
tiếp thọ tâm đã phân tích chi tiết, suy đạc tâm tổng hợp những chi
tiết này lại để có một hình ảnh đầy đủ về đối tượng. Giai đoạn tổng hợp
này cũng chỉ mất 1 sát-na, nhanh không kém giai đoạn phân tích trước đó, giống
như máy scanner vừa quét xong tổng thể của tấm hình.
Hai giai đoạn tiếp thọ và suy
đạc thuộc tâm vô nhân dị thục, nên công việc phân tích tổng hợp trên
chỉ là phản xạ tự nhiên, chưa có tư ý chủ quan xen vào nên đối tượng vẫn là
thực tánh.
- Xác định tâm: sau khi
phân tích và tổng hợp bây giờ đã có một hình ảnh tương đối đầy đủ về đối tượng
qua đó xác định tâm có thể nhận biết đối tượng ấy là
gì. Xác định tâm chính là ý môn hướng tâm trong tiến trình ý môn, do đó cũng là
vô nhân duy tác, nghĩa là đối tượng vẫn còn thực tánh, chưa bị ý niệm (paññatti)
xen vào.
- Tốc hành tâm: đây là
giai đoạn quan trọng hình thành sự tạo tác của tâm lặp lại đến 7 sát-na. Nó
đóng vai trò của hành trong ngũ uẩn. Hầu hết các tâm sở quần tụ ở đây
tùy theo tính chất thiện, bất thiện, bất động hay siêu thế tâm. Cái mà Duy Thức
gọi là mạt-na thức chỉ là một phần chức năng thụ động của tốc hành tâm
này.
- Đồng sở duyên: diễn ra
trong 2 sát-na tâm, sao chép lại toàn bộ tiến trình tâm vừa kinh nghiệm, sau
khi giai đoạn tốc hành tâm vừa chấm dứt, để lưu giữ vào
bhavaṅga (Đồng sở duyên tương đương vai trò năng
tàng, hữu phần có chức năng như sở tàng của A-lại-da
trong Duy Thức) Đồng sở duyên tương đương với giai đoạn cuối của thức uẩn trong
tiến trình tập khởi ngũ uẩn.
Tất cả các giai đoạn tiến trình tâm
này đều có sự hiện diện của 7 biến hành tâm sở. Ví dụ như tâm sở thọ:
Ngũ môn hướng tâm và ý môn hướng tâm
có thọ xả.
Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt thức có thọ xả,
thân thức có thọ khổ hoặc lạc.
Tiếp thọ tâm: xả, suy đạc tâm: hỷ, xả
v.v.
Tốc hành tâm có thể ưu, hỷ hoặc xả tùy
theo tính chất thiện, bất thiện v.v.
Đồng sở duyên có thọ hỷ và xả, hữu
phần chỉ có xả.
Tiến trình tâm qua ý môn (Manodvāra
cittavīthi)
Có hai loại tiến trình tâm ngang qua ý
môn:
- Tiến trình tâm ý môn tiếp trợ
(Anubandhaka manodvāra
vīthi) làm công việc hỗ trợ cho tiến trình ngũ môn, vì
vậy, có 4 tiến trình ý môn tuần tự diễn ra tiếp theo sau tiến trinh ngũ môn để
bổ túc, tăng cường thông tin. Hai tiến trình đầu có đối tượng thực tánh quá khứ,
hai tiến trình sau có đối tượng khái niệm chế định. (xem lại trang 141).
- Tiến trình tâm ý môn thuần túy (Suddha
manodvāra vīthi) độc lập đối với tiến trình ngũ môn. Duy
Thức gọi là ý thức độc đầu. Đối tượng của tiến trình ý môn này có thể
paramattha có thể paññatti,
diễn ra như sau: Hữu phần rung động và dừng lại
à
Ý môn hướng tâm
-->
Tốc hành tâm
-->
Hữu phần. Tiến trình này có thể
lặp lại nhiều lần trên đối tượng.
SO
SÁNH TIẾN TRÌNH TÂM VỚI NGŨ UẨN
Thực ra tiến trình tâm cũng chính là
tiến trình ngũ uẩn được triển khai chi tiết hơn.
Vì cách phân giai đoạn khác nhau (một bên là 5, một bên là 7 giai
đoạn) nên sự so sánh rất khó khăn, tế nhị:
- Sắc uẩn (mà bây giờ là xúc,
sự tương giao giữa căn và trần) nên xúc đưa đến ngũ môn hướng tâm và ngũ thức.
Nếu sắc là pháp trần thì xúc có trong ý môn hướng tâm.
- Thọ uẩn có mặt trong tất cả
giai đoạn của tiến trình tâm như đã nói trên.
- Tưởng uẩn cũng vậy, nhưng hiện
tưởng biểu hiện rõ nét trong tiếp thọ tâm, suy đạc tâm và xác định tâm. Hồi
tưởng và tưởng tượng bao gồm trong 4 ý môn tiến trình tâm tiếp
trợ ngay sau tiến trình ngũ môn.
- Hành uẩn tương đương với tốc
hành tâm, trung tâm tạo tác.
- Thức uẩn bao gồm chức năng
đồng sở duyên và hữu phần. Thức uẩn là tâm xuyên suốt tất cả giai đoạn của tiến
trình chứ không phải chỉ riêng trong đồng sở duyên và hữu phần. Tuy nhiên,
trong sự so sánh này, chúng ta thấy vai trò quan trọng nhất của nó ở đây là
việc sao chép (tadālambana) và lưu giữ (bhavaṅga) toàn bộ kinh nghiệm của tiến
trình nên được so sánh với chức năng của đồng sở duyên và hữu phần.
Đồng sở duyên sao chép lại kinh nghiệm
của tiến trình tâm qua ngũ môn rồi chìm vào trạng thái tiềm ẩn trong hữu phần.
Đồng sở duyên giữ vai trò năng tàng hoặc năng huân (thu gom, sao chép) còn
hữu phần giữ vai trò sở tàng hoặc sở huân (chỗ cất chứa).
Trước khi khởi lên tiến trình, tâm ở
trạng thái hữu phần. Khi tiến trình chấm dứt tâm cũng trở lại trạng thái hữu
phần với kinh nghiệm mới. Hữu phần là thức ở dưới dạng tiềm thức do đó
tương đương với căn bản thức trong Duy Thức.
Chúng ta cần lưu ý một điều là đối với
phàm nhân, tiến trình tâm chỉ là ngũ uẩn triển khai rộng ra mà thôi, tuy nhiên
khi tốc hành tâm được soi sáng bởi trí tuệ xuất thế hoàn toàn giải thoát, thì
tiến trình tâm này không
còn tạo tác, nghĩa là:
sắc, thọ, tưởng, hành, thức vẫn còn nhưng không tạo thành uẩn mới.
Tiến trình tâm cũng không nhất thiết
phải trải qua 17 sát-na. Tùy theo đối tượng mà tiến trình tâm có thể diễn tiến
đầy đủ hoặc chấm dứt nửa chừng.
- Nếu là một đối tượng rất lớn (atimahanta)
thì tiến trình diễn ra 17 sát-na:
+
Hữu phần trôi qua
1
sát-na
+ Hữu phần rung động 2 lần và dừng
lại
2 sát-na
+ Từ ngũ môn hướng tâm đến đồng sở
duyên 14
sát-na
Tổng cộng:
17 sát-na
Đối tượng rất lớn tức là đối tượng gây
sự chú ý hoặc gây ấn tượng mạnh, khiến tâm phản ứng mạnh. Ví dụ đối tượng làm
chúng ta sợ hãi, tức giận hay hoan hỷ, vui mừng, v.v…
- Nếu là một đối tượng lớn (mahanta)
thì tiến trình tâm chìm vào hữu phần sau tốc hành tâm, nghĩa là đồng sở duyên
không khởi lên. Như vậy nó chỉ diễn ra trong 15 sát-na.
Đối tượng lớn tức là đối tượng không
gây chú ý nhiều lắm, khiến tâm tuy có phản ứng nhưng rồi sau đó quên đi không
ghi lại gì cả. Ví dụ, một thầy giáo ra đường thỉnh thoảng gặp một vài học sinh
chào hỏi, ông ta cũng mỉm cười đáp lại, nhưng sau đó ông không nhớ gì hết.
- Nếu đối tượng nhỏ
(paritta) thì tiến trình tâm chỉ tồn tại ngang xác định tâm, tốc hành
tâm không khởi lên. Trong trường hợp này xác định tâm kéo dài 3 sát-na rồi trở
lại hữu phần. Như vậy tiến trình tâm chỉ diễn ra từ 10 đến 11 sát-na thôi.
Ví dụ, khi đi ngoài đường, chúng ta
vẫn thấy hàng cây hai bên đường, xe cộ, người đi lại, nhưng chúng ta chỉ thấy
vậy thôi chứ không chú ý và không phản ứng gì cả.
- Nếu đối tượng rất nhỏ (atiparitta)
thì hữu phần chỉ rung động rồi trở về trạng thái thụ động, chứ tiến trình tâm
không khởi lên. Ví dụ, khi đang ngủ, có tiếng động khiến chúng ta giật
mình nhưng vẫn ngủ lại như không có gì xẩy ra.
Qua sự vận hành của các tiến trình tâm
trên, chúng ta thấy rằng tốc hành tâm và đồng sở duyên có thể không khởi tùy
đối tượng. Mạt-na thức là một phần chức năng của tốc hành tâm và A-lại-da thức
chính là vai trò đồng sở duyên và hữu phần. Vậy không những mạt-na vô thường
sinh diệt tùy lúc mà A-lại-da cũng không phải là thức cố định, nó chợt biến
chợt hiện tùy căn, tùy cảnh, tùy dụng. Vì vậy Đức Phật chỉ nói sáu thức và một
số chức năng khi tiến trình tâm diễn ra chứ không
phân riêng hai thức mới như Duy Thức sau này đã làm. Không nên chủ trương có
một cái tâm thường hằng và
chung đồng như một vũ trụ
tâm hay đại ngã... mà rơi vào bản thể luận thường kiến.
Còn một điểm cần lưu ý là trong một khoảng
thời gian có thể xảy ra nhiều tiến trình tâm có đối tượng khác nhau.
Những tiến trình tâm này không phải xảy ra cùng lúc mà chúng xen kẽ
với nhau.
Ví dụ, đang xem ti vi, bỗng nghe
có nhiều tiếng nổ lớn bên ngoài. Thế là tâm chuyển hướng qua căn và đối tượng
khác, nhưng khi biết đó chỉ là tiếng pháo, lại tiếp tục trở về xem ti
vi. Tiến trình xem qua căn mắt, đối tượng là hình sắc, còn tiến trình nghe
qua căn tai, đối tượng là âm thanh, hai tiến trình tâm hoàn toàn khác nhau. Tuy
sau đó trở lại xem tivi nhưng là một tiến trình xem khác chứ không phải
tiến trình xem lúc đầu. Nếu tiến trình xem liên tục không gián đoạn thì
cũng không phải là một tiến trình xem duy nhất mà chúng luôn biến đổi theo hình
ảnh biến hoá trên màn hình, dù xem cùng đối tượng thì tiến trình cũng lặp đi
lặp lại liên tục hàng triệu triệu lần chứ không cố định.
Đó là hai
tiến trình cách biệt rõ rệt, nhưng thường thì sự xen kẽ giữa các tiến trình
phức tạp hơn nhiều, đến nỗi chúng ta tưởng là chúng xảy ra
đồng thời. Ví dụ như khi xem tivi, không phải chỉ xem mà còn nghe, ý thức, suy
nghĩ v.v. thực ra chúng xen kẽ với nhau chứ không
đồng thời như chúng ta tưởng.
Chúng
ta vừa nói đến sự xen kẽ của những tiến trình tâm khác căn khác đối tượng. Phức
tạp hơn nữa là những phản ứng khác nhau diễn ra trong javana, như những diễn
biến nội tâm, trên cùng căn cùng đối tượng, khi có tiến trình ý thức xen vào.
Ví dụ khán giả đang xem hai võ sĩ đánh nhau trên võ đài. Thường khán giả thiên
vị bên võ sĩ A hoặc võ sĩ B, cho nên khi thì hoan hô, khi thì tức giận. Như vậy
tâm thương ghét, vui buồn, mừng giận cứ xen kẽ lẫn nhau trong cùng một sự kiện.
Tuy nhiên nếu quan sát kỹ thì không phải chỉ một tiến trình mà là vô số tiến
trình phức tạp xen kẽ nhau.
Như vậy, cái tâm luôn luôn vô thường
theo các tiến trình tâm liên hệ với những đối tượng của chúng, không những thế
trong mỗi tiến trình cũng diễn ra sự biến đổi vô thường, và ngay trong mỗi
sát-na tâm cũng đã có sinh-trụ-diệt tiếp nối liên tục.
Vậy thì, quả là “quá khứ tâm bất khả
đắc, vị lai tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc” phải không?
Chúng ta đã nói đến sự liên hệ giữa 7 biến hành tâm sở, ngũ uẩn
và tiến trình tâm. Nhưng còn một số diễn biến khác cũng liên hệ mật thiết với
những điều vừa nói trước, đó là Thập nhị nhân duyên.
THẬP NHỊ NHÂN DUYÊN
Thời gian
|
Tiến
trình
|
Tương
đương
|
Nhân
quả
|
Sinh
|
Diệt
|
Quá
Khứ
|
Vô
minh Hành
|
Ái
, Thủ, Hữu
|
Nhân
|
Tập
đế
|
Đạo
đế
|
Hiện
tại
|
Thức
Danh sắc Lục nhập Xúc, Thọ
|
Sinh,
Lão - Tử
|
Quả
|
Khổ
đế
|
Diệt
đế
|
Ái,
Thủ, Hữu
|
Vô
minh Hành
|
Nhân
|
Tập
đế
|
Đạo
đế
|
Vị
lai
|
Sinh,
Lão - Tử
|
Thức
Danh sắc Lục nhập
Xúc, Thọ
|
Quả
|
Khổ
đế
|
Diệt
đế
|
Thập
nhị nhân duyên
là mười hai điều kiện tùy thuộc vào nhau mà sinh và cũng tùy thuộc vào nhau mà
diệt, có cái này thì có cái kia, không có cái này thì không có cái kia. Cái này
sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt.
Trong
Tứ Diệu Đế, thập nhị nhân duyên sinh chính là tập đế, khổ đế. Thập nhị nhân
duyên diệt chính là đạo đế, diệt đế. Vậy Thập nhị nhân duyên chỉ là cách nói
khác của Tứ Diệu Đế, chứ không phải như người ta thường hiểu lầm Tứ diệu đế là
pháp môn tu của Thanh Văn và Thập nhị nhân duyên là pháp môn tu của Duyên Giác.
Chỉ vì trùng nhau chữ duyên mà người ta liên tưởng một cách sai lầm.
Trên thực tế, Phật Thanh văn, Duyên giác hay Toàn giác cũng đều phải giác ngộ
Tứ Diệu Đế mà trong đó đã bao hàm mười hai nhân duyên sinh và diệt.
Có
hai cách hiểu thập nhị nhân duyên sinh:
-
Một là hiểu như vòng luân hồi sinh tử trong ba đời
(kiếp sống) quá khứ, hiện tại, vị lai.
-
Hai là hiểu như tiến trình tâm-sinh-vật lý được điều động bởi vô minh,
ái dục trong ba thời (thời gian) quá khứ, hiện tại,
vị lai.
Bây giờ chúng ta sẽ lần lượt trình bày hai ý nghĩa trên của Thập nhị
nhân duyên:
Trước
tiên Thập nhị nhân duyên mô tả diễn biến của vòng luân hồi sinh tử trong ba
đời:
Trong
những kiếp quá khứ, do vô minh tức thiếu sáng suốt, không thấy sự
that, chúng ta đã tạo các hành tức hạnh nghiệp, rồi thác
sinh vào những cảnh giới tương ứng trong hiện tại. Kiếp sống quá khứ chấm dứt
với tử tâm (cuti).
Sau
đó thức tái sanh, tức là kiết sinh thức
(paṭisandhi-viññāṇa)
khởi lên nối liền với kiếp sống hiện tại.
Thức
này còn gọi là hương ấm thuộc về danh (tâm), kết hợp với tinh cha
huyết mẹ thuộc về sắc (thân), tạo thành sự sống của cái phôi gồm đủ hai
yếu tố danh và sắc nên gọi là danh sắc.
Dần
dần cái phôi lớn lên, sắc hình thành mắt, tai, mũi, lưỡi, thân
gọi là ngũ căn, và danh hình thành từ thức gọi là ý căn. Năm căn hoà hợp với ý
căn tạo thành tác dụng của lục nhập, tức là sáu cơ quan tiếp nhận
đối tượng của chúng.
Khi
hình thành một thai nhi đủ điều kiện ra khỏi bụng mẹ, hài nhi ra đời và lục căn
bắt đầu tiếp xúc với lục trần. Tức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
ý tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.
Sự
tiếp xúc giữa căn trần vừa xảy ra thì liền có thọ, tức là
những cảm giác khổ, lạc, xả, hỷ và ưu. Nói đến xúc tức là đã bao hàm các thức,
vì vậy ở đây:
-
Nhãn thức thọ xả.
-
Nhĩ thức thọ xả.
-
Tỷ thức thọ xả.
-
Thiệt thức thọ xả.
-
Thân thức thọ khổ và lạc.
-
Ý thức thọ hỷ, ưu và xả.
Đã
có khổ, lạc, xả, hỷ… thì liền có ưa, ghét khởi lên. Đó là ái. Ở
đây ái chính là dục ái, hữu ái, phi hữu ái (đến đây mới có ưu)
hoặc dục ái, sắc ái, vô sắc ái như chúng ta đã nói trước đây.
Khi đã có ưa, ghét (ái) thì ưa sinh đam mê, ghét sinh hiềm hận.
Sự nắm giữ, duy trì ái như vậy gọi là thủ. Nói rõ hơn, thủ có 4
loại:
- Dục thủ là nắm bắt lục dục.
- Kiến thủ là chấp giữ quan niệm.
- Giới cấm thủ là chấp giữ hình thức, nghi lễ.
- Ngã luận thủ là chấp giữ quan niệm bản ngã, linh hồn.
Do chấp thủ tư kiến, tư dục, hình thức và bản ngã mà chúng ta tạo
nghiệp. Đó chính là hữu. Hữu tức là tạo tác để trở thành (bhava,
becoming), có nghĩa là tạo nghiệp bất thiện, thiện và bất động.
Ái có dục ái, sắc ái, vô sắc ái nên hữu (nghiệp) cũng có dục hữu, sắc
hữu, vô sắc hữu, nghĩa là tạo nghiệp để tái sinh trong
tương lai ở ba cõi sáu đường.
- Nghiệp bất thiện thì tương lai tái sinh trong bốn đường khổ: địa ngục,
súc sanh, ngạ quỷ, a-tu-la.
- Nghiệp vừa thiện vừa bất thiện thì tương lai tái sinh vào cõi người.
- Nghiệp thiện thì tương lai tái sinh trong các cõi trời
dục giới như Tứ đại thiên vương, Đao lợi, Dạ-ma, Đâu-suất, Hoá lạc thiên, Tha
hoá tự tại thiên.
- Nghiệp bất động thì tương lai tái sinh trong các cõi sắc
giới, vô sắc giới, tuỳ theo khả năng thiền định của mỗi người.
Khi đã tái sinh thì lại tạo nghiệp và đưa đến lão tử (già
chết), cứ thế sinh sinh tử tử trong vòng luân hồi lẩn quẩn triền miên.
Tóm lại, từ vô minh đến ái dục, từ tạo nghiệp đến gặt quả, từ tái sinh
đến già chết, đó là những gì được mô tả rõ ràng qua các yếu tố điều kiện phát
sinh trong vòng luân hồi của thập nhị nhân duyên.
(Có người hỏi:)
- Nếu Thập nhị nhân duyên được dùng giải thích vòng
luân hồi tái sinh thì có phải chăng vô minh chính là khởi thủy hay nguyên nhân
đầu tiên của chúng sinh? Thập nhị nhân duyên có phải là vũ trụ quan hoặc nhân
sinh quan Phật giáo không?
- Vô minh là nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân đầu tiên của
luân hồi sinh tử, vì là điều kiện phát sinh nên vô minh vừa là nguyên nhân của
vòng sinh tử sau, vừa là kết quả của vòng sinh tử trước, nghĩa là vô minh cũng
do nhân duyên phát sinh, không nên hiểu vô minh như là nguyên nhân đầu tiên hay
khởi thỉ tạo hoá.
Cũng đừng gán cho thập nhị nhân duyên nhãn hiệu vũ trụ quan hay nhân
sinh quan gì cả. Thập nhị nhân duyên chỉ mô tả trình tự duyên khởi của
sự kiện diễn tiến tâm-sinh-vật lý mà thôi. Đức Phật chỉ mô tả sự thật mà Ngài
đã giác ngộ chứ không chủ trương một quan niệm có tính hệ thống tư tưởng hay
triết luận, cũng không nhằm phân tích sự kiện như một đối tượng của khoa học.
Vì cả hai triết học và khoa học đều sử dụng lý trí trên đối tượng giả định còn
Đức Phật sử dụng tuệ giác trên đối tượng thực kiện, một bên để thỏa mãn tri
thức hoặc ứng dụng còn một bên là giải quyết luân hồi sinh tử, phiền não khổ
đau. Chúng ta nên lưu ý điều nầy, đừng để Đạo Phật bị đồng hóa với khoa học và
triết học vì một số phương diện giống nhau nào đó.
Trở lại vấn đề, có lẽ chúng ta ai cũng có thể chấp nhận cách giải thích
theo truyền thống như đã trình bày ở trên, nhưng bây giờ chúng ta thử tìm hiểu
một ý nghĩa khác của Thập nhị nhân duyên, thực tế hơn, gần gũi hơn ngay trong
đời sống hàng ngày của chúng ta.
Đức Phật dạy: “Thấy thập nhị nhân duyên tức thấy pháp, thấy pháp tức là
thấy Như Lai”. Chúng ta cũng đã biết pháp là thiết thực hiện tại hay
thực tại hiện tiền, vượt khỏi thời gian, tự mình chứng nghiệm từ bên trong.
Nếu thấy được thập nhị nhân duyên sinh thì chúng ta cũng có thể
thấy thập nhị nhân duyên diệt. Như vậy ngay trong hiện tại chúng ta có
thể giác ngộ ra sự thật duyên khởi này, và nhờ đó có thể chấm dứt vòng luân hồi
sinh tử ngay tại đây và bây giờ vì pháp là thiết thực hiện tại, vượt khỏi thời
gian, có phải vậy không? Ngày xưa, ngay khi Đức Phật thuyết về thập nhị nhân
duyên, có rất nhiều vị giác ngộ ngay lập tức và chấm dứt hoàn toàn vòng luân
hồi sinh tử.
Nếu chúng ta có thể chuyển hóa tiến trình tâm hay chiếu phá ngũ uẩn (bị
chấp là bản ngã) ngay bây giờ, thì chính là chúng ta đã chấm dứt vòng
duyên khởi tái sinh.
Thập nhị nhân duyên chỉ là một cách triển khai khác rộng
rãi và chi tiết hơn về ngũ uẩn hay tiến trình tâm mà thôi.
THẬP
NHỊ NHÂN DUYÊN VÀ NGŨ UẨN
Trong quá khứ, nếu thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ sinh khởi
trong tình trạng si mê, bất giác, thất niệm, tức là bị vô minh chi
phối, thì ái, thủ và hữu cũng phát sinh, đó là hành.
Vô minh và hành trong quá khứ làm nhân tái sinh thức, danh
sắc, lục nhập, xúc, thọ trong hiện tại. Thức ... thọ trong hiện
tại làm duyên phát sinh ái, thủ, hữu. Và ái, thủ, hữu trong
hiện tại lại làm nhân cho sinh – lão tử tương lai. Cứ thế vòng
luân hồi xoay chuyển bất tận.
Khi
so sánh với ngũ uẩn chúng ta thấy thập nhị nhân duyên chính là ngũ uẩn triển
khai rộng ra mà thôi
Như
vậy ngũ uẩn tương đương với phần hiện tại của Thập nhị nhân duyên. Thực ra
chúng ta chỉ cần thấy duyên khởi trong hiện tại (từ thức đến hữu)
tức là chúng ta có thể thấy duyên khởi trong quá khứ. Tuy
trong quá khứ chỉ nói vắn tắt
là vô minh và hành, nhưng trong thực tế cũng gồm đủ tám yếu tố
từ thức đến hữu như trong hiện tại. Trong tương lai cũng vậy, từ sinh đến
lão tử bao gồm đủ tám yếu tố thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ,
hữu như trong hiện tại.
Thức
hiện tại khởi sinh rồi trưởng thành xuyên suốt qua danh sắc, lục nhập, xúc,
thọ, ái, thủ, hữu và cuối cùng ghi lại tiến trình vừa trải qua,
chìm xuống bhavaṇga để rồi tái sinh trong sinh – lão tử ở tương lai.
Tóm
lại, thập nhị nhân duyên, ngũ uẩn, tiến trình tâm chỉ là cách diễn đạt khác
nhau về cùng một thực kiện tùy theo muốn nhấn mạnh phương diện nào của thực
kiện ấy mà thôi. Nói thập nhị nhân duyên để phá tà kiến về một Đấng Tạo
Hóa. Nói ngũ uẩn để phá kiến chấp về Bản Ngã.
Nói tiến trình tâm để thấy
đời sống là một sự vận hành tương giao giữa vật lý, sinh lý và tâm lý chứ
không phải duy tâm hay duy vật, cũng không phải định mệnh hay ngẫu
nhiên.
Thập
Nhị Nhân Duyên Với Tiến Trình Tâm
Như chúng ta đã biết, một ngũ môn tiến trình tâm trong quá khứ được đồng
sở duyên sao chép lại và chìm vào hữu phần (Ý môn tiến trình tâm chìm
thẳng vào hữu phần không qua đồng sở duyên, vì không cần sao chép đối tượng bên
ngoài). Khi có một đối tượng tác động qua 5 môn hoặc qua ý môn thì thức lại
hiện khởi. Đó cũng chính là thức trong thập nhị nhân duyên.
Sau
khi thức hiện khởi, tiếp nhận đối tượng thì javana phản ứng trên đối tượng.
Javana chính là ái, thủ, hữu trong thập nhị nhân duyên.
Trong
thập nhị nhân duyên vai trò của đồng sở duyên được hiểu ngầm, nhưng thật
ra nó vẫn có mặt giữa hữu của hiện tại và sinh lão tử ở tương lai như
được mô tả trong tiến trình tâm lúc chết và tái sinh:
Ngũ
môn hướng tâm
-->
Javana
-->
Đồng sở duyên
-->
tử tâm
-->
kiết sanh thức.
Để
thấy rõ hơn chúng ta thử xem thập nhị nhân duyên diễn ra theo tiến trình tâm
như thế nào?
Giả
sử chúng ta đang ngồi đây hoặc đang đi lui đi tới như thế này trong trình trạng
si mê, bất giác, không sáng suốt, thiếu tỉnh thức, nghĩa là chúng ta đang ở
trong tình trạng vô minh. Lúc đó tâm chúng ta rất dễ vọng động, vì hành
quá khứ đã được đưa vào chứa nhóm trong vô thức (bhavaṅga)
đang ở trong trạng thái tiềm tàng như những lực xung động sẵn sàng xuất hiện
dưới hai hình thức:
*
Nhân đã chín mùi thành quả: thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ.
*
Duyên trợ lực cho nhân mới: ái, thủ, hữu.
Vậy một tình trạng thiếu
chánh niệm – tỉnh giác là môi trường thích hợp cho vô minh và hành tác động vào
tiến trình tâm – sinh – vật lý hiện tại. Trong hiện trạng như vậy, nếu có một
đối tượng tác động vào, thì thức sẽ khởi lên kết hợp với sắc căn để tiếp nhận
đối tượng ấy. Kết hợp đó gọi là danh sắc. Sự kết hợp trong tình trạng như thế
không được trong sáng, hỗn độn và bất an. Đó chính là một hỗn hợp
thân - tâm không sáng suốt, định tĩnh, trong lành hay nói một cách khác là thân
tâm thiếu điều phục.
Danh
- sắc là từ để gọi chung một tổ hợp thân tâm gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và
ý. Vì vậy danh-sắc sẽ hiện rõ trong từng căn tùy theo đối tượng trần cảnh mà
khởi sinh lục nhập.
Mắt,
tai, mũi, lưỡi, thân thuộc về sắc. Ý thuộc về danh. Nếu đối tượng là sắc tướng
thì mắt khởi dụng, nếu đối tượng là âm thanh thì tai khởi dụng, v.v….
Mắt khởi
dụng có nghĩa là tiếp nhận sắc tướng. Nhưng sự tiếp nhận chỉ thực sự xảy ra khi
có sự tham dự của nhãn thức.
Sự
kết hợp giữa căn trần và thức này gọi là xúc (trong ngũ uẩn lúc bấy giờ
sắc uẩn đã chuyển qua xúc).
6
căn + 6 trần + 6 thức
xúc
Khi
có tiếp xúc của căn-trần-thức thì đương nhiên thọ liền phát
sinh.Sở dĩ trong tiến trình tâm không có khâu thọ riêng vì thọ có mặt khắp tất
cả các khâu khác.Thọ trong thập nhị nhân duyên tương đương với thọ có mặt trong
tất cả các tâm sát-na của tiến trình tâm.
Thọ
-->
Cảm giác (khổ - lạc - xả) trong các tâm
sát-na
Sau
khi tiếp nhận đối tượng (xúc, thức) với đầy đủ cảm giác (thọ), tri
giác (tưởng) và ý chí (tư) bắt đầu xác định đối tượng và phản ứng
trên đối tượng ấy. Phản ứng ấy được biểu hiện qua thái độ ưa, ghét (ái),
bám víu (thủ), và tạo tác (hữu). Như vậy ái, thủ, hữu
chính là javana (tốc hành tâm) trong tiến trình tâm. Tuy
trong thập nhị nhân duyên không nói đến tưởng nhưng chúng ta có thể hiểu là vì
nó đã được ghép chung vào tư tuởng trong hành (ái – thủ – hữu).
Ví
dụ: khi tai nghe một âm thanh khó chịu, có nghĩa là thức
-->
danh sắc
-->
lục nhập
-->
xúc đưa đến thọ khổ. Thọ khổ đưa đến chán ghét tức là phi hữu ái.
Nếu âm thanh dễ chịu tức là thọ lạc, thọ lạc đưa đến ưa thích – hữu ái.
Nếu âm thanh không gây khó chịu hay dễ chịu, tức là thọ xả, đưa đến tâm khởi
lên tìm kiếm lạc thọ, đó là dục ái.
Nhưng
người ta không đơn giản chỉ ưa hay ghét rồi thôi mà ưa ghét trở thành thành
kiến, quan niệm, cố chấp, đam mê, thù hận, v.v. do đó ái đưa đến thủ.
Nếu
chúng ta ưa một cái gì thì thành đam mê cái đó. Nếu chúng ta ghét một cái gì
thì thành thù hận cái đó. Vậy đối với trần cảnh đam mê hay thù hận chính là dục
thủ.
Cố
chấp đối với ưa hay ghét đưa đến thành kiến, quan niệm. Ưa thì dễ sinh thường
kiến, ghét thì dễ sinh đoạn kiến, rồi chấp chặt quan niệm đó nên gọi là kiến thủ.
Xét
cho cùng thì dục thủ hay kiến thủ cũng đều phát xuất từ chấp ngã. Nếu không
chấp bản ngã thì lấy ai chấp ưa ghét hay thường đoạn, có phải vậy không? Chấp
ngã chính là ngã thủ.
Dục
thủ, kiến thủ, ngã thủ đưa đến hình thành những phong cách, những đời sống,
những hình thức nghi lễ, những tập tục tín ngưỡng, rồi người ta tự trói buộc
vào những quy phạm mà người ta đã đặt ra. Đó là giới cấm thủ.
Nói
chung, thủ là chấp trước. Nếu chỉ mới chớm sinh ưa ghét mà chúng ta giác kịp
thì cũng chưa sao. Nhưng khi đã cố chấp thì chúng ta liền tạo tác lăng xăng.
Tạo tác chính là hữu hay nói cho dễ hiểu là tạo nghiệp.
Do
dục ái, hữu ái, phi hữu ái, chúng ta đã tạo nghiệp trong 3 cõi là dục hữu, sắc
hữu, vô sắc hữu.
Đến
đây chúng ta cần lưu ý một điểm là dù chúng ta đắc các thiền định trong sắc
giới hoặc vô sắc giới, thì vẫn do ái - thủ - hữu mà ra (trừ Thánh định).
Rất nhiều người ưa thích thiền định vì ham mê năng lực và hỷ lạc của thiền
định. Như vậy là bị ái - thủ - hữu chi phối rồi, không thể nào chấm dứt luân
hồi sinh tử được.
Đức Phật chỉ dùng
thiền định với hai mục đích chính: một là đoạn trừ các phiền não do năm triền
cái che lấp (Nānākilesappahānaṃ),
hai là tồn tâm dưỡng tánh, hay nói một cách khác là nghỉ ngơi trong trạng thái
tích cực gọi là hiện tại lạc trú
(diṭṭhadhamma sukhavihārā).
Nhờ tâm an ổn mà trí tuệ soi chiếu đưa đến hoàn toàn giải thoát giác ngộ.
Như
vậy, tám điều kiện nhân duyên sinh trong hiện tại có thể so sánh tương đương
với sáu giai đoạn chính trong tiến trình tâm qua năm giác quan như đã trình bày
ở trên. Chúng ta cần lưu ý sự so sánh này chỉ phù hợp đối với tâm trong tam
giới khi còn luân hồi sinh tử. Khi tâm đã xuất thế thì tiến trình tâm siêu thế (lokuttara)
không còn so sánh với nhân duyên sinh được nữa mà phải so sánh
với nhân duyên diệt.
Như
vậy, Thập nhị nhân duyên sinh chỉ là tiến trình tâm trong tam giới (lokiya).
Vì tốc hành tâm (javana) có hai loại: tốc hành tâm siêu thế (lokuttarajavana)
và tốc hành tâm hiệp thế trong tam giới (lokiyajavana). Ái, thủ,
hữu chính là tốc hành tâm trong tam giới. Đạo Tuệ và Quả Tuệ mới là tốc hành
tâm siêu thế. Thánh Tuệ tức là Minh, khi Minh soi chiếu thì vô minh diệt và
toàn bộ thập nhị nhân duyên diệt.
Vậy
thế nào là thập nhị nhân duyên diệt?
Giả
sử chúng ta đang ngồi đây hay đi lui đi tới như thế này trong tình trạng hoàn
toàn tỉnh thức, hoàn toàn sáng suốt, không mê muội, và hoàn toàn tĩnh tại,
nghĩa là không bị vô minh và hành chi phối. Nếu bây giờ có một
đối tượng khởi sinh, chẳng hạn như tai nghe một âm thanh hay mắt thấy một hình
sắc, nhờ ở trong trình trạng tự chủ, ổn định (tịnh) và sáng suốt, tỉnh
thức (minh) nên thức, danh sắc, lục nhập, xúc và thọ
đều được soi sáng trong định tuệ. Khi cảm giác và tri giác trong sáng, chính
xác, không bị ảo giác, ảo tưởng xen vào thì hành động sẽ không bị chi phối bởi ái,
thủ, hữu nữa, và vì vậy sẽ không còn nhân tạo tác sinh - lão
- tử trong tương lai, nghĩa là toàn bộ chuỗi sinh tử hay vòng
luân hồi chấm dứt.
Vậy
thập nhị nhân duyên diệt vừa có nghĩa là chấm dứt vòng luân hồi sinh tử trong
ba đời,mà cũng có nghĩa là chấm dứt sinh tử luân hồi ngay khi sự sống đang vận
hành, vì luân hồi sinh tử chỉ là ảo ảnh đối với sự sống đích thực. Nói cho dễ
hiểu là ngay khi chúng ta đang nói năng, hành động, suy nghĩ mà vẫn hoàn toàn sáng
suốt, định tĩnh, trong lành thì chúng ta đang thoát khỏi sự
trói buộc của vòng sinh tử luân hồi do vô minh ái dục sinh sử.
Thập nhị nhân duyên diệt, chấm dứt luân hồi sinh tử là cách nói khác của
Niết-bàn. Nhưng trong Hữu dư Niết-bàn thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức
vẫn còn mà không tập thành uẩn, cũng vậy, tiến trình tâm và thức, danh sắc, lục
nhập, xúc, thọ trong hiện tại vẫn còn nhưng hành, ái, thủ, hữu, tốc hành tâm
đều hoạt động dưới hình thức duy tác (kiriya), không còn tạo nghiệp sinh tử
luân hồi.
Tiếp theo