loading
Kết quả Tìm Kiếm: Có 1797 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'trình pháp & chiêm nghiệm'.

Thông báo:

Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.

Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.

Sadhu sadhu lành thay!

Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp

Ngày gửi: 19-05-2018

Câu hỏi:

Hôm nay con thật vui đã được đảnh lễ Thầy, được dự buổi để bát, lễ quy y Tam Bảo cho hai đạo hữu.
Ngoài ra trong lúc cùng quý đạo hữu khác uống trà (có cả chú Pháp Hiền), Thầy đã khai thị cho chúng con những điểm rất quý báu như:
1. Quy y Pháp thì "Pháp" ở đây có nghĩa là Sự Thật, không phải là kinh điển.
2. Ehipassiko trở lại "đây" có nghĩa là trở lại với thực tại thân thọ tâm pháp, không phải là tìm ở ngoài thân thọ tâm pháp.
Ngoài ra Thầy có đề cập tới Pháp trong niệm Pháp là 5 triền cái, 5 uẩn, 10 kiết sử, 7 giác chi, 4 Sự Thật. Con chắc chắn là không sẵn sàng để hiểu được những vấn đề này, nên chỉ ghi nhớ để học hỏi thêm khi đủ duyên.
Con thành kính cảm ơn Thầy khai thị.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 19-05-2018

Câu hỏi:

Thưa Thầy,
Qua quá trình học hỏi và trải nghiệm trên tâm thức của mình con có đúc kết một sự hiểu như sau, chưa biết đúng sai nhờ Thầy chỉ bảo con thêm.
Định ở một mức vừa phải có một công năng giúp ta dễ dàng quan sát được sự sinh diệt của phiền não, từ đó dần dần điều chỉnh thói quen. Nhưng nếu ép tâm để được định sẽ sinh ra sự dồn nén tâm thức, bề mặt có thể bớt phiền não nhưng bề sâu phiền não bị dồn nén nhiều và sẽ bung ra một cách khó kiểm soát khi đủ duyên. Người tu tập cần khéo léo dung hòa hai yếu tố niệm và định, niệm tâm giúp duy trì ở mức định vừa phải để quan sát phiền não, định tâm ở mức vừa phải giúp tâm không bị phóng dật cuốn trôi. Vì thói quen, tập khí, và nghiệp lực được tích lũy vô lượng kiếp nên hình thành tâm thức rất dày đặc, phức tạp và khó lường nên cần sự kiểm soát tâm ở mức cần thiết. Nhưng sự kiểm soát tâm này cũng cần được thấy ra vì đó vẫn là ý đồ của bản ngã. Tất cả các tâm sinh khởi dù thiện hay bất thiện đều là pháp không có tự ngã không phải là ta. Có thể hiểu ta (chỉ là danh từ xưng hô) là sự biết sự thấy ra các pháp đó.
Con hiểu như vậy có đúng không Thầy. Nhờ Thầy chỉ bảo thêm.
Con cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 19-05-2018

Câu hỏi:

Dạ, mấy ngày nay con đi sâu vào thì con thấy như vậy không biết đúng không kính mong Thầy chỉ dạy.
Buồn vui, đau đớn khó chịu, hay tham sân si gì đó... không đáng sợ, chỉ cần mình trở về mà thấy, lấy cái thấy làm chính thì không sao. Vì khi phiền não gì khởi sanh lên thì con coi nó như là 1 trạng thái rồi thấy sự sinh diệt của chúng thì không có vấn đề gì cả, nhưng bên trong có thêm 1 cái tâm nữa (con không biết gọi tâm đó là gì), mà cái tâm này mới có vấn đề, mới khởi sanh lên luân hồi sanh tử, chỉ cần buông cái tâm này ra thì mọi thứ tự vận hành 1 cách tự nhiên.
Ví dụ, khi buồn vui sanh lên thì con coi nó như 1 trạng thái rồi trọn vẹn với nó xem sự sinh diệt của chúng thì con thấy rất bình thường, nhưng bên trong con lại có thêm 1 cái tâm khởi lên không thích cái buồn này, rồi có 1 lực gì đó chống đối lại cái buồn ấy thì lúc này nảy sinh lên vấn đề lập tức sanh lên luân hồi sinh tử liền tại đó. Rồi con buông xả cái tâm ấy đi thì con thấy buồn thì buồn, đau chỉ là đau... thì ngay đó chấm dứt khổ.
Con nghĩ mình chỉ cần buông cái tâm gì đó ra, mọi thứ cứ để yên mà thấy thôi thì rất khỏe không sao cả. Và con nghĩ tâm đó chỉ là do thói quen của bản ngã, chỉ cần tập buông ra thì sự thấy rất tự nhiên và thấy rất thoải mái và không còn luân hồi sinh tử nữa chỉ còn sự vận hành tự nhiên của pháp thôi. Con xin trình pháp với Thầy. Và con xin cảm ơn Thầy nhiều lắm.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-05-2018

Câu hỏi:

Con xin cung kính đảnh lễ Thầy!
Thật ra làm gì có cái tâm của tôi, cái tâm của anh, Thầy nhỉ!
Và làm gì có câu chuyện tôi tu cái tâm của tôi để tâm tôi được giải thoát.
Tâm do duyên (cảnh) sinh - trùng trùng duyên khởi.
Và tướng của tâm làm cho nhị nguyên, làm cho rối bời, điên đảo.
Và cuối cùng, tâm là tâm thế thôi. Hữu duyên thì sinh - khởi, rốt ráo thì chẳng khởi (do đó chẳng sinh). Con hiểu như vậy, Thầy ạ!
Con xin cung kính đảnh lễ Thầy! (lần thứ hai, lần thứ ba).

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 18-05-2018

Câu hỏi:

Thưa thầy, con hiểu như thế này không biết có đúng không ạ?
Học thực chất là quá trình bản thân mình thấy được sự thật của vạn vật, khi học sau một thời gian con bị căng thẳng, cái căng thẳng đó không phải xuất phát từ việc dùng công sức để thấy ra sự thật của vạn vật mà phần chính là do trong quá trình học con đã tạo tác ra nào là phi hữu ái, hữu ái, dục ái để đạt được điều gì đó nên làm con bị căng thẳng là điều tất yếu tự nhiên theo nhân quả. Con cảm ơn thầy ạ! Chúc thầy sức khỏe ạ!

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 17-05-2018

Câu hỏi:

Con kính đảnh lễ Thầy!
Thưa Thầy, con xin trình Pháp ạ.
Thời gian trước đây con nghe pháp thoại tuỳ từng thời điểm, tuỳ từng giai đoạn mà sẽ thấy "bài này hay quá" và thời gian này khi con nghe các bài pháp thoại, bài nào con cũng thấy có mình trong đó. Thầy giảng rất nhiều đề tài khác nhau nhưng cốt cũng chỉ có một hướng duy nhất là giúp mỗi người trở về với gốc tâm sẵn có nơi chính mình.
Có giai đoạn nơi con thấy toàn là khổ, khổ bao trùm lên thân tâm nhưng không phải là khổ của sự tiêu cực, nơi con lúc đó là khổ, khổ, khổ - thấy, thấy, thấy và con bắt đầu thấy ra cái ta ảo tưởng núp dưới nhiều bộ mặt khác nhau: cái ta sở hữu, cái ta bám chấp, cái ta ngã mạn, cái ta thiện, cái ta bất thiện... thấy ra sự dính mắc, bám víu, nương tựa, tiếp tục thấy để rồi trở về với sự giản đơn nhất là ngay tại đây và bây giờ là một nội tâm trong sáng với Pháp như nó đang là hay cái ta ảo tưởng khởi lên che lấp. Và trong đời sống nơi con có sự chuyển hoá rõ rệt, đó là đời sống rất đỗi giản dị với thực tại: ăn cơm thì trọn vẹn với ăn cơm, uống nước thì trọn vẹn với uống nước, chăm con thì trọn vẹn với việc chăm con, bước đi thì trọn vẹn trong bước đi... nói tóm lại là trọn vẹn ngay trong cái bình thường nhất, giản dị nhất, không có tương lai, quá khứ, không có bên ngoài chỉ có ngay tại đây và bây giờ và từ đó những sự thật bắt đầu hiển lộ, mỗi ngày qua đi nơi con cảm nhận sâu sắc hơn, thấy Pháp rõ hơn.

Trước đây trong một buổi trà đạo con có trình bày với Thầy về sự hiểu Giới - Định - Tuệ giờ đây nơi con thấy Giới - Định - Tuệ cũng chính là Thận trọng, Chú Tâm, Quan sát và Giới, Định, Tuệ hay Thận trong, Chú Tâm, Quan sát là Thầy tách ra cho người nghe dễ hiểu, nhưng nó chính là một trong Giới có Định, trong Định có Tuệ và trong Tuệ có Giới, Giới càng tinh tế bao nhiêu thì định tuệ cũng theo đó mà tương ứng. Trong môi trường sống gia đình nơi con thấy không ai liên quan tới ai, mỗi người là một Pháp riêng biệt, mỗi người là một sinh nghiệp riêng, (chồng có sinh nghiệp riêng của chồng, vợ có sinh nghiệp riêng của vợ, con cái có sinh nghiệp riêng của con cái không ai có thể can thiệp được). Trong tương giao dưới những yếu tố sinh khắc đưa đến mỗi Pháp như nó đang là, đây cũng là bí mật của Pháp. Cùng một mảnh đất, cùng một nguồn nước, cùng một giống cây và cùng một người chăm sóc chúng nhưng không cây nào phát triển giống cây nào, mỗi cây cho ra những bông hoa khác nhau mang những vẻ đẹp khác nhau. Nó là bông hoa cúc đấy, nó có màu vàng đấy nhưng nó không phải là bông hoa cúc, cũng không phải màu vàng, mà nó chính là nó như nó đang là thôi.

Con cũng khám phá ra sự thật trong điều giới không sát sanh. Trong nhà con có kiến, có gián, mùa này là mùa mưa nên kiến kéo nhau vào nhà, con quan sát sự di chuyển và quá trình chúng tìm kiếm thức ăn bất giác con thấy chúng bị chi phối và đi theo cái định luật sinh tồn và ngay đó con cũng trực nhận ra con hay bất cứ chúng sinh nào cũng đều ở trong cái định luật này. Kiến, gián hay con đều bình đẳng như nhau đều được hình thành từ đất, nước, lửa, gió, hư không và tánh biết không có loài nào cao quý hơn loài nào, mà do sinh nghiệp nên con đang là con, chúng đang là chúng. Khi con thấy ra điều này nơi con không còn sự phân biệt và sinh ý sát hại chúng, cũng như không còn ý niệm không được sát sanh không phải vì thiện hay bất thiện mà con tôn trọng chúng, không phải là tôn trọng con gián, con kiến mà là tôn trọng các Pháp.

Trong đời sống khi những hoàn cảnh khó khăn liên tục diễn ra, người ta thường nói do Nghiệp, đúng là do nghiệp nhưng nghiệp chỉ là một yếu tố trong đó mà thôi, còn có các yếu tố khác chi phối mà thực tại cũng là một yếu tố. Đứng trước những khó khăn, những biến cố đó thái độ Tâm mới là chính yếu. Thường thì đưa ra những nhận định cho những khó khăn: do nghiệp quá khứ tạo tác, do vợ chồng sinh khắc... Đúng là có những nhân tố này, trong sự tương giao giữa vạn vật các Pháp vốn là tương sinh tương khắc nhưng bản ngã âm thầm chen vào rất tinh vi và tin vào những nhận định đó, nó kiểu giống như một dạng tự kỷ ám thị (con không biết diễn đạt nó như thế nào cả) nhưng vi tế hơn rất nhiều vì nó núp dưới vỏ bọc của sự thấy biết thực tại, của trí tuệ, của sự cảm nhận nơi trực giác và âm thầm đưa đến những cảm giác bất an, sợ hãi những cảm giác bất an sợ hãi này nó cũng rất vi tế bởi nó được bao bọc rất tinh vi và rồi tạo nên lực đối kháng từ bên trong, lực đối kháng đưa đến những trạng thái tham, sân, si, ngã mạn, bất mãn, thành kiến và chính thái độ này tạo ra lực hút dẫn đưa các duyên xấu kéo đến, đã khó khăn lại càng thêm khó khăn. Nhưng những khó khăn này thực chất chỉ là duyên bên ngoài giúp phát huy trí tuệ và đạo đức. Khi còn coi trọng giá trị cuộc sống ở bên ngoài bất kể là dưới danh nghĩa gì thì vẫn còn phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử. Cho dù thực tại có khó khăn như thế nào, đói rét bệnh tật ra sao mà vẫn một nội tâm an yên, bình lặng, bất động trước hoàn cảnh sống, bất động không phải là đơ ra mà là thấy biết rõ các pháp biến đối nhưng nội tâm không dao động. Nơi con khám phá ra những sự thật khác nhưng thư dài quá rồi con xin dừng lại. Con kính tri ân Thầy vô cùng, con xin dâng Thầy bài thơ:

Trọn vẹn ngay thực tại
Thời - Vị - Tính đang là
Pháp vô thường biến đổi
Bất động ở trong "ta".

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-05-2018

Câu hỏi:

Thưa thầy, con xin chia sẻ về giữ giới. Con có quy y Tam Bảo và nhận giữ 5 giới. Nhưng con thấy tự tánh của mình là giới luật cao nhất vì tại tâm Phật của mỗi người đều không muốn giết chóc hay gây hại đau khổ cho bất cứ chúng sinh nào nên cứ y như vậy mà làm.
Còn nội quy mà áp đặt lên người vô minh thì chỉ như 'bắt cóc bỏ dĩa' thôi. Như con vô minh tham sân si thì tự động pháp dạy cho con một bài học, chưa chịu học ra nữa thì pháp dạy bài học nặng hơn để in sâu vào tâm khảm.
Nếu tham mà biết mình tham ngay lúc đó thì tự động tham đó sẽ biến mất, còn cố ý làm nữa là chuyện khác, cũng sẽ có bài học thôi.
Con giờ tự vượt qua được bản thân mình bao nhiêu thì hay bấy nhiêu chứ không vì mình sẽ đắc được bao nhiêu. Làm thế nào để mình sống một cuộc sống không phụ ơn bao người, phụ ơn Pháp, phụ ơn cuộc đời này là mừng lắm rồi. Con không mong cầu gì thêm. Kính thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 15-05-2018

Câu hỏi:

Thưa Thầy hoan hỉ cho con được hỏi 2 câu hỏi ạ.
1- Cách đây vài hôm trong chiêm bao con thấy có 1 người nói với con tới sáng đó là:
- không chấp vào những gì đã thấy.
- Không chấp vào những gì đã nghe.
- Không chấp vào những gì đã biết.
Thì những thứ ấy không còn ảnh hưởng tới tâm nữa.
Và mấy hôm nay con trải nghiệm thử thì con thấy có hiệu quả là nghe, thấy, biết là chỉ nghe thấy, biết như vậy thì con thấy thoải mái và nhẹ nhàng. Vì chữ "Chấp" này nó quá vi tế nên con quan sát kỹ thì trong tâm đúng là vẫn còn chấp vào những gì đã thấy, vào những gì đã nghe và những gì đã biết nên sanh khổ.
Con không biết câu nói trên có giống câu Thầy nói : "Trong thấy chỉ có thấy, trong nghe chỉ có nghe...".
2- Như thế nào là dồn nén trong vô thức con không biệt được. Vì con thận trọng chú tâm chánh niệm trên con thì mọi thứ vừa sanh con thấy thì nó liền mất. Có những lúc nó sanh 1 hồi con vẫn trọn vẹn quan sát thì nó diệt. Con hiểu dồi nén là khi sân tham sanh mà mình không quan sát nó mà tìm cách loại bỏ nó, đi tìm 1 cái gì khác để quên nó đi thì như vậy là dồn nén phải không thưa Thầy? Còn mình quan sát rõ sinh diệt của chúng thì không phải là dồn nén. Con hiểu vậy có đúng không thưa Thầy. Dạ con xin cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 13-05-2018

Câu hỏi:

Kính thưa thầy,
Mỗi ngày con đều nghe pháp thoại của thầy và cũng thực hành thận trọng chú tâm quan sát (theo căn cơ trình độ của con) cho nên trong điều kiện bình thường thì con vẫn có thể giữ được tâm sáng suốt, định tĩnh, trong lành được.
Mấy lúc gần đây nơi con làm việc có xuất hiện nghịch cảnh nghịch nhân...Bản ngã của con đã nổi dậy mãnh liệt..nhưng nó đã nhanh chóng tan biến đi vì con đã kịp thời ứng dụng những nguyên lý thầy dạy. Ý con muốn nói là nếu không có bài pháp thoại Vô Thường, Khổ, Vô Ngã là con đã "tiêu" rồi. Con tri ân thầy và cũng cám ơn Cội Nguồn đã đăng bài viết để con vừa được nghe và đọc rồi ứng dụng rất hiệu quả. Con cám ơn.

Xem Câu Trả Lời »

Ngày gửi: 08-05-2018

Câu hỏi:

Dạ kính xin Thầy cho con xin trình pháp và nhờ Thầy soi dáng cho con ạ. Trong suốt thời gian con trải nghiệm giờ đây con tương đối đã có phần trở về với chính mình được khá khá rồi Thầy ạ. Khi con trở về được và con thấy ra như sau. Khi cơn đau trong thân con khởi sanh con biết rõ nguyên nhân là thứ 1 sau đó phía sau cái đau ấy con tự dựng lên những phiền não chống đối muốn loại trừ tạo lên tập đế sau đó khổ phát sanh con thấy khổ là ảo là khổ đế, kế tiếp đơn giản là nhận ra cái khổ là ảo con buông ra ngay lập tức liền trở về với thực tại chỉ còn trạng thái đau liền chấm dứt khổ và trọn vẹn với cái đau ấy thì ngay đó là đạo đế và diệt đế luôn. Đơn giản là buông thái độ của bản ngã ra thì sự thực chứng cái đau ấy là đạo đế và đau mà không khổ là diệt đế. Và khi con tiếp xúc với tham cũng vậy con nhận ra nguồn gốc khởi sanh tham khi con bị mất tĩnh giác liền bị nó cuốn trôi theo dòng chảy của nó và khi con nhận ra con bị mất tỉnh giác thì tạo nên tập đế và khổ đế, liền ngay tức khắc con lấy lại tỉnh giác và thấy rõ tham con buông ra chỉ trọn vẹn soi sáng tham thì con thấy rõ sự sinh diệt của nó, đó là đạo đế và liền thoát khỏi khổ là diệt đế luôn nên không còn bị tham ảnh hưởng nữa. Và con mới chiêm nghiệm hành thiền Vipassana là quá đơn giản như thế chỉ cần nhìn thấy rõ như vậy thôi đâu là khổ đế đâu là đạo đế và diệt đế. Và con thấy ra là mình không nên khống chế tâm dù đó là tâm đang ở trạng thái nào chỉ cần tỉnh thức trọn vẹn với nó là được không nên chọn lựa tâm thích hay tâm không thích theo ý đồ của bản ngã. Ví dụ bản ngã thích tâm vui mà không thích tâm buồn. Bản ngã thích lạc mà không thích khổ..., con thấy mình không có quyền chon lựa ở đây mà dù tâm như thế nào mình chỉ cần tỉnh giác và trọn vẹn như vậy mà thôi. Cứ trọn vẹn mà thấy ra đâu là khổ đế đâu là đạo đế và diệt đế là được. Con nghĩ mình sống thiền chỉ đơn giản là sống như vây thôi. Và tương tự tiếp sống với cuộc đời cũng vậy chỉ cần tỉnh giác và thấy rỏ như vậy rồi từ từ pháp sẽ tự điều chỉnh. Con chỉ mới thấy được như vậy thôi có gì không đúng mong Thầy hoan hỷ chỉ dạy thêm cho con (nhiều khi con hiểu theo cảm giác của con khi con viết ra thành lời con không biết trình sao cho Thầy và các bạn dễ hiểu mong Thầy thông cảm cho con. Vì con chưa hiểu lắm về ngôn từ phật học con nghe pháp Thầy nhiều nhưng con chỉ cảm nhận qua nội tâm của con những ngôn từ con không để ý nhiều nên khi trình pháp con viết hơi lung tung mong Thầy từ bi tha tội cho con). Con xin cảm ơn Thầy.

Xem Câu Trả Lời »