Kết quả Tìm Kiếm: Có 146 câu hỏi có nội dung liên quan đến 'nhân quả & nghiệp báo'.
Thông báo:
Trong một thời gian dài, mục Hỏi Đáp Phật Pháp của trang web đã nhận được rất nhiều câu hỏi của Phật tử từ khắp nơi gởi đến. Thầy Viên Minh đã trả lời tất cả các câu hỏi liên quan đến vấn đề học Pháp, hành Pháp. Hiện tại mục Hỏi đáp đã có khoảng hơn hai mươi ngàn câu hỏi đáp, trong đó Thầy đã chỉ ra cốt lõi của việc hành đạo, sống Thiền. Do vậy Thầy đã quyết định tạm ngưng mục Hỏi đáp trong một thời gian để có thể chuyên tâm làm các Phật sự cần thiết khác.
Vậy, nếu có nhu cầu, Quý vị có thể sử dụng mục Tìm kiếm bên dưới (gõ từ khoá) hoặc bấm vào các tag đã được gắn theo từng chủ đề để tham khảo các câu Hỏi - Đáp về vấn đề của mình hoặc tương tự.
Sadhu sadhu lành thay!
Danh mục Hỏi Đáp Phật Pháp
Câu hỏi:
Bạch Sư, cháu hiểu thế này, không biết có đúng không.<p>
Nghiệp và quả của nghiệp vốn chẳng có, bởi vì chúng sanh còn ảo tưởng, thấy sai chấp lầm, phân biệt tốt xấu nên Đức Phật nói nghiệp và quả của nó. Mong Ngài xác chứng và chỉ bảo cho cháu!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cháu đừng vội kết luận gì cả. Nghiệp nhân quả vốn chẳng có nhưng một khi cái ta ảo tưởng đã khởi lên một niệm tạo tác thì nghiệp nhân quả liền được thực hiện. Giống như chiêm bao vốn không có nhưng một khi cháu đã nằm mơ thì chiêm bao liền xuất hiện. Vậy vấn đề không phải là có giấc chiêm bao hay không mà là khi chiêm bao cháu phản ứng thế nào mới cần phát hiện.
Câu hỏi:
Kính Thầy, con đọc bức thư trả lời về chuyện đúng sai của Thầy, Thầy bảo ở đời không có cái gì đúng, cái gì sai, đúng với người này, sai với người kia... Vậy cho con hỏi có những việc thấy sai hoàn toàn như cướp của giết người thì mình phải hiểu như thế nào ạ? Con cám ơn Thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Cướp của giết người là sai đối với nhận thức của con, nhưng hoàn toàn đúng với căn cơ trình độ của người đó, đúng với nhân quả duyên báo của chúng sanh. Hơn nữa, qua việc cướp của giết người đó, con có thể học được bài học về nghiệp oan oan tương báo của chúng sanh mà lo tu hành, và mở lòng đại bi. Phật có lòng đại bi chính là nhờ có nỗi khổ đau của những kẻ cướp của giết người ấy, nếu không có cảnh cướp của giết người thì chư Phật và Bồ tát đều thất nghiệp. Và hơn thế nữa, chư Phật và Bồ tát không ai chưa từng cướp của giết người mà giác ngộ được cả. Đó là quá trình tiến hóa tất yếu mà mỗi chúng sanh phải trải qua trên đường giác ngộ giải thoát.
Bậc giác ngộ thấy chúng sanh trải qua cái sai cái đúng là quá trình tất nhiên để điều chỉnh nhận thức và hành vi, nên các ngài không chỉ trích chúng sanh mà chỉ có lòng thương yêu vô lượng. Vậy phải chăng khi con thấy việc cướp của giết người mà phê phán là xấu, và kết luận là sai thì chính tâm con lúc đó đã sai rồi? Con có hiểu tại sao trong khi cũng qua tất cả những cảnh thế gian đó mà chư Phật lại chứng đắc được thiên nhãn minh thấy hết căn cơ trình độ của chúng sanh với tâm đại bi đại trí? Và vì sao Ngài lại dạy: "Khi tâm thanh tịnh thì thấy tất cả các pháp đều thanh tịnh" hay không?
Câu hỏi:
Kính mong thầy giải tỏa điều thắc mắc nầy của con: Ví vụ như một người theo đạo công giáo họ sẽ không biết tí nào về lý nhân quả, nghiệp báo. Nếu họ giết hại những con gia súc để ăn thịt thì họ có phải chịu sự trừng phạt của luật nhân quả hay không?<p>
Câu thắc mắc thứ hai của con là khi vua Trần nhân Tông đã lãnh đạo dân tộc Việt Nam chống quân Mông Cổ và làm cho quân giặc chết rất nhiều, như vậy theo Phật giáo, vua Trần Nhân Tông có phải chịu sự chi phối của luật nhân quả hay không? Nếu nhà vua chưa kiến tánh? Con xin cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Dù có tôn giáo hay không tôn giáo, dù kiến tánh hay chưa kiến tánh thì luật nhân quả vẫn là sự vận hành chung cho muôn loài vạn vật không trừ một ai. Người làm đúng là đúng, người làm sai là sai, người làm tốt là tốt, người làm xấu là xấu, luật nhân quả không dành riêng cho người nào cả. Còn việc đúng sai tốt xấu thì cứ để luật nhân quả cân nhắc phán xét, chúng ta không nên dựa vào hiểu biết về nhân quả hạn hẹp của mình để đánh giá hành động của người khác.
Câu hỏi:
Con thưa Thầy, nhà bạn con có một phòng ngủ mà gia đình họ thường có những cảm giác là có gì đó không được bình thường và lạnh lẽo. Nhà có một em bé năm nay 3 tuổi cứ nhìn vào tường rồi khóc đêm ngày và sợ vào phòng ngủ ấy từ khi simh ra. Người lớn thì bị phá quấy khi ngủ khi thức. Con xin thầy chỉ dẫn cho họ phải làm sao? Con cảm ơn thầy.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tất cả mọi việc xảy ra đều có nhân quả duyên báo của nó. Nhân quả duyên báo lại do thái độ nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân trong quan hệ với cộng đồng gồm vô số sinh loại hữu hình hoặc vô hình nơi chỗ ở của mình, trên trái đất hay trong vũ trụ bao la này. Những việc xảy ra giúp mỗi người học ra bài học gieo nhân gặt quả, qua đó mà biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi.
Không có cách nào tốt bằng chấp nhận trả quả để học ra nguyên nhân và biết được sự vận hành nhân quả của pháp. Từ đó mới biết nhận thức đúng để tự tháo gỡ những ràng buộc trong nhân quả nghiệp báo. Nếu vọng động dùng mọi cách để giải quyết như ý mình thì chỉ tạo thêm oan trái, buộc ràng và phiền não khổ đau sẽ không bao giờ chấm dứt.
Trong mối quan hệ giữa các sinh loại thì cơ bản vẫn là những đức tính bình tĩnh, sáng suốt, nhẫn nại, phước đức, từ bi, hỷ xả... thì mối quan hệ thiết lập trên nguyên lý lợi mình lợi người sẽ đem lại hòa bình an lạc. Còn sợ hãi, oán thù, trừ khử, lợi mình hại người đều chỉ đưa đến khổ đau bất hạnh cho mình và người trong mối quan hệ cộng sinh của muôn loài vạn vật.
Câu hỏi:
Thưa Thầy! Từ lúc con nghe Thầy giảng, và con đã nhận ra phần nào lẽ thật trong cuộc sống, nên tâm con dần chấp nhận tùy duyên thuận pháp, cũng chính từ lúc ấy cuộc sống của con gặp rất nhiều trở ngại, từ trong gia đình, đến ngoài xã hội, ồ ạt kéo đến với con, nhiều lúc làm cho con tưởng như không trở minh nổi nữa, con quan sát tâm mình, dùng tâm tình hồn nhiên của một đứa trẻ để đón nhận sự việc mà tùy duyên thuận theo pháp vận hành, nhưng con thấy tâm con có lúc đón nhận được, có lúc con thấy lo lắng lắm, mà ngay khi đó chuyện con đang lo nghĩ là cho người khác, vậy tại sao lo nghĩ cho người khác mà tâm lại bất an? Con kính mong THẦY chỉ dạy cho con, con cảm đức Thầy!
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Có lúc được có lúc bất an cũng là chuyện đương nhiên khi một người mới tập sống tùy duyên thuận pháp. Lúc bất an thì con chỉ thấy là bất an thôi cũng tốt. Thấy bất an để thấy rõ dần nhân duyên sinh diệt của nó, thấy tại sao những ý tưởng quá khứ tương lai lại hiện đến rồi đi qua, thấy tại sao lại bị vướng mắc vào người khác, thấy quan tâm đến người khác có thật sự là vị tha không, thấy trong tâm vị tha còn có chất vị kỷ nếu như người khác vẫn chưa thoát khỏi ý niệm của ta, như cha mẹ ta, anh chị em ta, bạn bè ta v.v...
Con cứ thấy tất cả mọi tình huống với tâm trọn vẹn và trong sáng thì mọi chuyện sẽ rõ ràng minh bạch. Không phải vì con sống tùy duyên thuận pháp mà mọi rắc rối đến với con. Rắc rối, trở ngại là chuyện của nghiệp quá khứ đến hồi trổ quả, lúc đó nhờ biết sống tùy duyên thuận pháp nên tâm vẫn sáng suốt định tĩnh trong lành, nếu không khi quả đến mà tâm con phản ứng lung tung thì còn phải khổ nhiều hơn. Trở ngại đến có khi lại tốt cho con, một là con trả được nghiệp cũ, hai là nhờ đó mà con học ra được cách điều chỉnh thái độ hiện tại cho tùy duyên thuận pháp.
Câu hỏi:
Con đem hết lòng thành kính đảnh lễ Sư Ông ạ
Kính mong Sư Ông hoan hỷ chỉ giùm cho con hiểu biết được trên một sự việc, một hành động, một thái độ hay một trạng thái đâu là nhân, đâu là quả? Nhận biết được nhân quả rồi, con nên có thái độ và trạng thái như thế nào để điều chỉnh hành vi và nhận thức theo tùy duyên thuận pháp ạ?
Con đem hết lòng thành kính biết ơn Sư Ông ạ!
Mettatrieu
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thái độ nhận thức và thái độ hành động là nhân, trạng thái là quả. Ví dụ: Khi con hiểu lầm bạn mà nổi sân với bạn ấy thì hiểu lầm là thái độ nhận thức sai và nổi sân là hành động của ý không tốt, như vậy đó là nhân không đúng tốt. Sau đó hậu quả là con mất tình bạn và buồn khổ, như vậy do nhân không đúng tốt đưa đến quả là trạng thái hay tình trạng đau khổ.
Khi biết con đã có thái độ không đúng tốt và kết quả là trạng thái khổ đau thì đó chính là dịp để con điểu chỉnh thái độ nhận thức lại cho đúng, đồng thời điều chỉnh hành động thân khẩu ý cho tốt. Từ chỗ thấy ra sự sai xấu con điều chỉnh cho đúng tốt với sự thật trong thực tế gọi là điều chỉnh nhận thức và hành vi theo tùy duyên thuận pháp.
Câu hỏi:
Con kính đảnh lễ Thầy.<p>
Thưa Thầy cho phép con hỏi một việc liên quan đến một người bạn của con. Chị hiện nay đang sống ở nước ngoài nhưng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ở Viêt Nam. Vì vậy một số tài khoản giao dịch ở Việt Nam đứng tên anh trai của chị ấy. Mới đây, người anh này đã liên tục lấy trộm tiền của chị này (từ tài khoản anh ta đứng tên hộ). Cuối cùng chị này buộc phải gài bẩy để công an bắt và nhốt tù anh trai mình. Chị ấy đang rất khổ tâm và không biết nên hành xử như thế nào cho thuận đạo lý. Theo chị giải thích thì việc chị phải đối xử với anh ruột như vậy vì người anh này luôn cho rằng hành vi lấy tiền của em là chính đáng vì anh ta đứng tên hộ tài khoản. Chị ấy muốn anh trai học ra được bài học và thừa nhận lỗi của mình.<p>
Con không biết nói gì với chị bạn con trong trường hợp này. Xin Thầy giúp con.<p>
Con thành kính biết ơn Thầy ạ.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thiện ác, đúng sai rất khó phân định trên bề mặt hiện tượng, chủ yếu là tùy thuộc vào tâm. Giống như chuyện Lưu Bình - Dương Lễ, quan trọng là người hành động cần biết rõ chủ tâm của mình trước và trong khi hành động. Tuy nhiên, ngoài chủ ý hành động của mỗi cá nhân còn có một bí ẩn trong sự vận hành của pháp qua sự biểu hiện nhân quả bất khả tư nghì nữa. Ví dụ người em bắt anh ở tù thì tùy thuộc vào tâm thiện hay bất thiện của người em (nhân hiện tại của người em), còn người anh bị ở tù lại là do nghiệp quả của anh ta gây nhân trong quá khứ (nghiệp quả của người anh). Hai việc này chỉ liên hệ về duyên còn nhân thì có khi không dính dáng với nhau nhiều lắm.
Câu hỏi:
Kính thưa thầy!<p>
Con vô cùng vui mừng khi được thầy chỉ dạy. Giờ đây con đã hiểu điều chỉnh thái độ của mình đối với sinh nghiêp mới là quan trọng. Nếu mình điều chỉnh thái độ theo hướng tích cực và hướng thiện thì không những mình có được cuộc sống ung dung tự tại mà còn tạo được nhân tốt cho quả tương lai. Nhưng con vẫn còn một băn khoăn xin được phép hỏi thầy. Con thường nghe nói: tính cách tạo nên số phận. Một người không chịu chấp nhận mà chống đối lại số phận, bỏ qua tất cả lời khuyên can của bạn bè và cuối cùng thu được toàn thất bại thì phải chăng đó cũng là số phận của họ? Trong trường hợp này con nên làm gì để giúp họ? <p>
Con xin cám ơn thầy đã lắng nghe! Kính chúc thầy sức khoẻ. Con mong thư của thầy!<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Tính cách được hình thành từ thái độ, nói cách khác tính cách là thái độ đã được khẳng định hay đã tạo thành nếp, và vì vậy chính tính cách của một người tạo ra số phận người đó. Điều này vẫn đúng với nguyên lý nhân (thái độ) quá khứ tạo ra quả (trạng thái) hiện tại, và nhân hiện tại (tính cách hay thái độ) hình thành hậu quả (số phận) tương lai.
Nói cho dễ hiểu, tính cách hay thái độ của một người tạo ra đau khổ, hạnh phúc hay giải thoát cho bản thân người đó. Vậy hậu quả khổ đau giúp cho người ấy thấy ra nguyên nhân của nó và học ra bài học nhân quả để từ đó biết tự điều chỉnh nhận thức và hành vi của mình. Không ai khuyên can tốt hơn là hậu quả của nghiệp. Chỉ những người đã trải nghiệm khổ đau mới biết mình đã sai lầm như thế nào. Phật cũng chỉ khai thì thôi còn Pháp mới là bài học quý giá để mỗi người thấy ra sự thật.
Câu hỏi:
Kính bạch thầy cho con hỏi:<p>
Đạo Phật ra đời để giải thoát hoàn toàn hay chỉ giải thoát được khổ tâm, còn khổ vật chất (đau khổ bệnh hoạn) không thể giải thoát được? <p>
Con cứ băn khoăn mãi câu hỏi này. Kính mong thầy hoan hỷ chỉ dạy.<p>
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Thân thuộc về quả (vô nhân dị thục), còn tâm tạo tác mới là nhân. Nhân là thái độ (attitude), quả là trạng thái (state), thay đổi thái độ là chính còn trạng thái có thay đổi hay không thì còn tùy trường hợp. Ví dụ một người tham ăn nên bị rối loạn tiêu hóa. Rối loạn tiêu hóa là trạng thái, tham ăn là thái độ. Có thể uống thuốc để trị khỏi tình trạng rối loạn tiêu hóa nhưng nếu cứ tham ăn nên phải uống thuốc dài dài làm cho chức năng gan, thận v.v... yếu đi và sinh bệnh. Như vậy là chữa ngọn chứ không chữa gốc, và chữa bệnh này mắc bệnh khác. Nhưng nếu không tham ăn - biết tiết độ trong ăn uống - thì bệnh rối loạn tiêu hóa sẽ tự khỏi. Tuy nhiên trường hợp tham ăn quá lâu, bây giờ đã đưa đến tình trạng ung thư đường ruột, lúc đó dù hết tham ăn thì còn lâu mới lành được bệnh ung thư hoặc lắm khi phải mang bệnh suốt đời cho đến chết. Vậy con thấy nên giải thoát thái độ tâm hay chỉ lo giải thoát trạng thái thân?
Câu hỏi:
Kính thưa Thầy. Xin Thầy hoan hỷ cho con hỏi điều này. Nếu như có một người nào làm việc gì đó xấu đối với mình, ví dụ như nói xấu, trộm cướp, đánh đập mình chẳng hạn, thì đó là nghiệp mình phải chịu vì một nhân xấu nào đó mình đã gieo trong quá khứ.
Nhưng người làm việc xấu đó với mình, họ có phải gieo nhân xấu nào cho tương lai của họ không? Họ có phải chịu nghiệp vì việc họ làm hay chăng? <p>
Kính xin Thầy hoan hỷ chỉ dạy cho con.
Xem Câu Trả Lời »
Trả lời:
Khi một người hại con thì người ấy chỉ là duyên báo để con có dịp trả quả, còn việc làm bất thiện của người đó lại là nhân xấu anh ta đang gieo và dĩ nhiên anh ta sẽ bị quả báo. Hai bên người gieo nhân người gặt quả có thể có liên quan nhân quả, có thể không. Ví dụ kiếp trước con gây hại cho A, kiếp này A hại lại con thì có liên hệ nhân quả trực tiếp với nhau, gọi là vay trả trả vay. Nhưng người hại một vị Alahán thì vị ấy không hại lại con mà con vẫn bị hại bởi nhiều duyên báo khác tương xứng với hành động bất thiện ấy.