loading
Sinh Hoạt Tôn Giáo
CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG NGÀI HỘ TỊNH
 

CUỘC ĐỜI VÀ HÀNH TRẠNG TRƯỞNG LÃO HỘ TỊNH

                                (1944-2013)

     - Tôn túc Chứng minh Phật giáo Nam tông Thừa Thiên Huế

     - Nguyên Giám tự chùa Thiền Lâm, thành phố Huế

 

Trưởng lão Pháp danh Hộ Tịnh, thế danh Hồ Ngọc Tịnh; sinh ngày 2 tháng 3 năm 1944 (Giáp Thân)tại làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Song thân là cụ ông Hồ Ngọc Sắc và cụ bà Nguyễn Thị Cồn.

Có thể nói, gần trọn cuộc đời của trưởng lão là một bức tranh có gam màu lạnh phủ gần hết khung vải!

Khi mẫu thân vừa hoài thai cố trưởng lão được hai tháng thì phụ thân của ngài đi hái lá trên rừng mất tích. Bà con trong dòng họ đổ xô đi tìm nhưng vẫn tuyệt mù tăm bóng. Sinh con được  ba tháng, mẹ của ngài buồn chán để con lại cho ông bà ngoại nuôi rồi lưu lạc vào miền Nam kiếm sống. Về sau mẹ ngài tái hôn và có thêm hai người con gái với người chồng sau.

Ở với ông bà ngoại đến năm 5 tuổi, cố trưởng lão được người bác ruột đưa về nhà nuôi. Người bác ruột cũng có con nhỏ nên cho đứa cháu đi học một thể. Từ đó cậu bé ấy vừa đi học vừa phải phụ việc trong gia đình. Học xong 3 lớp tiểu học, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi lên 9 tuổi cậu bé phải nghỉ học, đi chăn trâu cho một gia đình phú hộ ở cùng làng.

Năm  12 tuổi, một lần nữa cậu bé mồ côi phải từ giã gia đình người bác ruột để đi làm thêm trong thị xã Huế - nói đúng hơn là đi ở đợ. Giúp việc và ở lại nhà của một gia đình buôn bán khá giả trong thành nội, tuy cuộc sống có phần đầy đủ hơn lúc còn ở ngoài quê, nhưng do thân phận tôi đòi nên cậu bé  phải làm việc tất bật từ sáng sớm cho đến tối khuya. Nhờ bản chất hiền lành, chân thật và chăm chỉ làm việc nên cậu thiếu niên này rất được gia đỉnh  chủ tin yêu và giao thêm nhiều công việc. Tuy nhiên, sau một thời gian giúp việc, nhận thấy tương lai rất mờ mịt nếu tiếp tục trong thân phận tôi tớ nên chút tiền lương và tiền thưởng ít ỏi cậu đều cẩn thận dành dụm lại để tính chuyện mai sau. Đến năm 1962, khi vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi bắt đầu trưởng thành, tất cả số tiền cậu tiết kiệm dành dụm được suốt mấy năm qua mua được 3 chỉ vàng - một số vốn căn bản phải có để đóng học phí học nghề thuở ấy – cậu xin phép ông bà chủ nghỉ việc để đi tìm thầy học nghề lập thân. Do cảm mến tính tình của người làm công này, ông bà chủ của chàng giới thiệu cho cậu đến học nghề làm nệm ở nhà bà Cồ ở thôn Thượng 2, xã Thủy Xuân, thị xã Huế. Lúc bấy giờ nghề làm nệm kiểu mới rất được người đương thời ưa chuộng và cơ sở làm nệm nơi cậu đến học nghề rất đắt hàng vì sản phẩm làm ra ở đây rất tốt và có uy tín trên thị trường.

Với quyết tâm “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” cậu rất siêng năng chịu khó học hỏi. Đáp lại, cậu được người chủ mới tạo điều kiện cho ăn và ở lại tại chỗ làm.

 Thấy người học nghề này có chí và thật thà nên bà chủ rất thương. Bà tận tình chỉ bảo và cũng giao thêm nhiều công việc cho cậu để có thêm thu nhập. Không ngờ, chính những tháng ngày học nghề làm nệm ở đây lại chính là một duyên lành để cậu thanh niên này đến với con đường phạm hạnh cao thượng.

Nhà bà chủ, nơi mà cậu thanh niên chăm chỉ đang làm việc ở ngay phía dưới chân chùa Thiền Lâm ngày nay, ngay chỗ tượng Phật ngồi. Mỗi sáng sớm nghe tiếng chuông chùa trong vùng ngân nga là cậu thức dậy mở cửa quét dọn cơ sở sản xuất; và sáng nào cậu cũng nhìn thấy đức cố Tăng trưởng Hộ Nhẫn đi khất thực ngang qua. Từng bước chân thanh thoát và tự tại của nhà sư đã lay động tâm thức người trai trẻ mồ côi và nhiều bất hạnh này. Thỉnh thoảng, vào những buổi chiều rảnh rỗi, cậu lên chùa rồi lân la đến gần chào bậc thầy khả kính ấy. Nhìn thấy nhà sư ngồi thiền và nghe tiếng tụng kinh Pali, nội tâm của cậu dâng tràn niềm hoan hỷ. Đức cố Tăng trưởng dường như nhìn thấy được nỗi lòng khao khát hướng thiện và hướng thượng của cậu nên có đôi lần cho cậu vào trong cốc và giảng giải về Đức Phật, về khổ đau của cuộc đời và về con đường giải thoát khổ cho cậu nghe. Suốt hai mươi năm sống cuộc sống mồ côi và đã nếm đủ mùi cơ cực, cay đắng, cuộc đời của cậu tưởng đâu chìm ngập trong tăm tối, nghiệt ngã của số kiếp bất hạnh; giờ đây, sau khi nghe được những lời giảng dạy từ vị thầy mà bấy lâu cậu vẫn ngưỡng mộ, nội tâm cậu dường như bừng tỉnh; con đường giải thoát giác ngộ dần dà hiện ra rõ ràng trong tâm trí cậu.

Thế là năm 1965, khi mới bước qua tuổi 20, người thiện nam ấy được đức cố Tăng trưởng Hộ Nhẫn thu nhận vào làm giới tử, công quả và tu tập tại chùa Thiền Lâm và được đặt Pháp danh là Hộ Tịnh.

 Giới tử Hộ Tịnh luôn siêng năng tinh tấn trong công việc và tu tập. Lúc bấy giờ đức cố Tăng trưởng đang khởi công xây dựng tượng Phật Niết-Bàn, một công trình tượng đài Phật giáo to lớn nhất đất Thần Kinh lúc bấy giờ, đòi hỏi nhiều công sức và tài vật. Giới tử Hộ Tịnh đã đóng góp rất nhiều công sức trong việc thực hiện pho tượng này. Mỗi ngày từ sáng sớm tinh mơ cho đến chiều tối, chú luôn tất bật công việc, hết gánh nước đến trộn hồ hoặc đào đất, đục đá. Một mình chú làm việc bằng mấy người thợ phụ. Với tâm niệm phục vụ Tam Bảo nên chú đã không quản mệt nhọc mà làm việc hết mình. Có lần, khi đang đục đá, chú bị chiếc búa tạ gãy cán bay thẳng vào giữa đầu, máu me đầm đìa làm mọi người hốt hoảng đưa lên nhà thương cấp cứu, khâu lại vùng đầu bị toác; vậy mà hôm sau người ta đã thấy chú ra lại công trường để tiếp tục làm việc.

Những chuyện như trên chỉ là một trong việc bình thường trong suốt cuộc đời tu hành của cố trưởng lão.

Năm 1967, đức cố Tăng trưởng Hộ Nhẫn cho giới tử Hộ Tịnh thọ sadi. Từ đây cố trưởng lão đã có y bát chân truyền để đi theo con đường cao quý, học hạnh cao thượng từ người thầy khả kính của mình. Ngày ngày đi khất thực gieo duyên, hai thời công phu, tọa thiền thường nhật, thời gian còn lại trong ngày vị sadi này luôn gánh vác các công việc chân tay nặng nhọc ở trong chùa. Với bản tính nói ít làm nhiều, thận trọng trong từng việc nhỏ nhặt  nên công việc gì của chùa có sadi Hộ Tịnh tham dự là đâu vào đó.

Sau biến cố Mậu Thân, do bom rơi đạn lạc, chùa Thiền Lâm bị hư hại nặng, chính phủ thời đó đã đồng ý bồi thường, hỗ trợ công binh và vật liệu để Ngài Tăng trưởng Hộ Nhẫn xây dựng lại. Công việc trùng kiến bảo tháp được tiến hành vào năm 1970; và trong việc xây dựng lại chùa lần này sadi Hộ Tịnh lại tiếp tục đóng góp rất nhiều công sức. Chuyện kể lại rằng, trong những ngày làm lại chùa lần ấy, mỗi lần vác ciment từ chân núi lên, mỗi người lính công binh hoặc những thợ phụ vác 1 người một bao, riêng sadi Hộ Tịnh vác mỗi lần tới 3 bao.

Xây lại ngôi bảo tháp cũng là Phật điện Thiền Lâm xong, đức cố Tăng trưởng tiếp tục tạo thêm tượng đài Đức Phật trì bình ở ngả ba đồi Quảng Tế - pho tượng này ngày nay vẫn thuộc nhóm tượng Phật lộ thiên lớn nhất ở Huế - và Sadi Hộ Tịnh lại tiếp tục đóng góp rất nhiều công sức của mình. Cuối thập niên 1990, khi xây dựng tượng Phật ngồi, cố trưởng lão cũng đóng góp rất nhiều công sức để tôn tạo công trình mang tính thiêng liêng này.

Năm 1973, có người cúng dường đức cố Tăng trưởng một lô đất ở làng Trúc Lâm, phường An Ninh Hạ hiện nay và thỉnh Đức cố Tăng trưởng về làm chùa ở đó. Nhận thấy tâm nguyện của Phật tử chính đáng nên đức cố Tăng trưởng giao sadi Hộ Tịnh cùng một số quý vị tỳ-khưu, sadi khác đến làng Trúc Lâm gieo duyên và tạo cơ sở mới. Về làng Trúc Lâm, bước đầu rất khó khăn về chỗ ở và vấn đề nước sinh hoạt, vị Sadi có hạnh nguyện phục vụ của chúng ta lúc bấy giờ phát nguyện thọ Pháp đầu-đà ngăn oai nghi nằm. Sau mỗi ngày làm việc vất vả, buổi tối sadi Hộ Tịnh không nằm ngủ mà chỉ tọa thiền và ngủ trong tư thế ngồi, suốt 3 tháng như thế. Để có nước sử dụng quý sư lúc ấy quyết định đào giếng, và một lần nữa mọi người rất khâm phục ý chí kiên định và siêng năng của sadi Hộ Tịnh.

 Vùng đất mà chư sư đến lập cốc ấy ở trên một  ngọn đồi khô cằn, nhiều đá sỏi. Để đào tới được mạch nước ngầm phải đào đục xuyên qua nhiều lớp đá tảng và rất sâu. Rất nhiều lần các huynh đệ chán nản muốn bỏ cuộc nhưng sư vẫn cương quyết tiếp tục. Đến khi chạm tới mạch nước ngầm, tính lại thì công việc đào giếng đã liên tục suốt bảy tháng. Rất tiếc, do không thuận duyên nên công việc xây dựng một ngôi chùa Nguyên thủy ở làng Trúc Lâm đã không thành tựu.

Sau ngày đất nước thống nhất, đời sống vật chất rất khó khăn, một số ngôi chùa phải tự trồng trọt thêm lương thực. Sư Tâm Đức ở chùa Tam Bảo, Đà Nẵng lúc bấy giờ có Phật tử cúng cho một lô đất ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng đặt tên là Hoa Đàm viên, chủ yếu là trồng khoai sắn để cúng dường thêm lương thực cho chư Tăng, thấy sư Hộ Tịnh rất siêng năng và giỏi giang công việc nên xin phép đức cố Tăng trưởng thỉnh sư về chăm sóc công việc ở Hoa Đàm viên. Khi đó tại chùa Thiền Lâm có một số vị sadi đệ tử khác nữa nên ngài cố Tăng trưởng đồng ý. Trong thời gian sư Hộ Tịnh về đó, ngoài công việc trồng trọt, sản xuất sư cũng đã gieo Phật duyên cho một số hộ gia đình lân cận. Khu đất Hoa Đàm viên ấy sau năm 1980 do khó quản lý nên đã tặng cho một gia đình Phật tử tại đó. Mảnh đất ấy giờ đây cũng đã bị giải tỏa theo quy hoạch của chính quyền thành phố Đà Nẵng.

Cuối năm 1978, chùa Huyền Không ở Lăng Cô di dời về thôn Nham Biều, Hương Hồ. Thời gian chùa mới dời về còn rất khó khăn và bộn bề công việc, sư Hộ Tịnh đã về chung lưng đấu cật cùng huynh đệ ở Huyền Không những ngày tháng khó khăn này. Sau này, cố trưởng lão thường nhắc lại những kỷ niệm quãng thời gian ở chùa Huyền Không Lăng Cô cũng như ở Nham Biều với tâm trạng trìu mến. Trưởng lão nói rằng, thời gian đó là một trong số ít quãng thời gian làm việc mệt nhọc nhưng lại hạnh phúc nhất. Ban ngày, quý sư đều nỗ lực làm việc quần quật, đêm về quây quần bên nhau uống trà và thảo luận Phật Pháp. Dù đời sống và vật thực hết sức thiếu thốn nhưng tâm tư luôn tràn trề tình thương huynh đệ. Nhiều khi sau một ngày lao động mệt mỏi, chỉ có một bánh đường đen, chia đều thành 16-17 phần, mỗi người mỗi mẩu bé tí mà thấy an lạc vô cùng.

Sau 15 năm tính từ khi vào chùa, đến đầu năm 1979, do tình hình Tăng sự ở Huế khẩn thiết và được sự cho phép của đức cố Tăng trưởng, sư vào Sài Gòn cùng hai pháp đệ ở Huyền Không để xin thọ đại giới. Vào ngày 23/6/1979, sadi Hộ Tịnh, sadi Pháp Tông và sadi Tuệ Tâm chính thức được thọ đại giới với đức cố Tăng Thống Ẩn Lâm tại chùa Kỳ Viên, trụ sở trung ương của Giáo hội Tăng-già Nguyên thủy Việt Nam. Như vậy sau gần hai năm làm giới tử và mười hai năm trong phẩm hạnh sadi, từ đây trở đi cố trưởng lão của chúng ta chính thức trở thành một vị tỳ-khưu của Phật giáo Nguyên thủy.

Đến năm 1980, do hoàn cảnh thế thời khó khăn và nhiều chướng duyên trong đường tu tập, một số vị sư đệ tử của đức cố Tăng trưởng Hộ Nhẫn hoàn tục hoặc di chuyển vào miền nam, các sư cô thỉnh tỳ-khưu Hộ Tịnh trở về lại chùa Thiền Lâm để hầu hạ ngài và trông coi công việc của chùa.

Như chúng ta đã biết, đức cố Tăng trưởng Hộ Nhẫn của chúng ta thọ trì Pháp Đầu đà và chuyên về Pháp hành nên mọi công việc lao động chân tay trong chùa đều do Đại đức Hộ Tịnh đảm trách. Đến năm 1997, Ngài được Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cung thỉnh tham gia Phật sự của giáo hội trong cương vị Phó Chủ Tịch Hội đồng Trị sự, và được chư Tăng suy tôn lên ngôi vị Tăng trưởng của Phật Giáo Nam Tông Việt Nam. Có chức vụ là có thêm trọng trách nên công việc của Ngài nhiều thêm. Bởi vậy mọi công việc ở chùa Thiền Lâm đều do cố trưởng lão coi sóc.

Năm 2002, đức Tăng trưởng viên tịch, chư Tăng Hệ phái đề cử trưởng lão làm giám tự chùa Thiền lâm. Năm 2003, sức khỏe của trưởng lão còn tốt nên sáng nào trưởng lão cũng đi khất thực để duy trì hình ảnh cao quý của đức cố Tăng trưởng.

Năm 2007, do sức khỏe lúc này đã yếu dần nên cố trưởng lão gửi thư xin bàn giao lại chùa Thiền Lâm cho Hệ Phái tỉnh và lui về làm một cái cốc nhỏ phía bên góc đồi Niết-Bàn để ẩn dật.

Những năm sau này, do đã bàn giao lại chùa Thiền Lâm nên cố Trưởng lão tự tại thong dong đây đó. Năm 2009 cố trưởng lão nhập hạ ở chùa Huyền Không Sơn Thượng. Năm 2010 trưởng lão nhập hạ ở chùa Nội Phật, Hà Nội; năm 2011 nhập hạ ở chùa tổ Bửu Long, Tp. HCM. Qua năm 2012 thấy cố trưởng lão mỗi ngày mỗi già yếu nên trưởng lão Giới Đức mời trưởng lão về ở tại Huyền Không Sơn Thượng. Ngài Chủ trì Huyền Không Sơn Thượng muốn xây cốc cho trưởng lão ở lại đây lâu dài.

Do công hạnh một đời phục vụ Tam Bảo của cố trưởng lão nên những bậc tôn túc trong Hệ phái rất thương mến ngài; hàng Tăng sinh trẻ cũng hết sức kính trọng và yêu quý Trưởng lão.

Sinh thời, cố trưởng lão có mối thâm tình pháp hữu với hòa thượng Chơn Phương, Chủ trì chùa Thọ Đức. Hai vị qua lại thân thiết với nhau mấy chục năm, chia sẻ ngọt bùi trong những lúc thăng trầm thế đạo. Những lúc kinh tế khó khăn, đời sống tu hành thiếu thốn thức ăn thức uống, cố trưởng lão mỗi khi đi bát về đều chia sẻ vật thực cho hòa thượng Chơn Phương; khi hoàn cảnh khá hơn thì hòa thượng Chơn Phương cũng thường chia sẻ lại cho cố trưởng lão những vật dụng mà mình có được.

Đối với Ni chúng, những đệ tử của đức Tăng trưởng Hộ Nhẫn, cố trưởng lão cũng luôn quan tâm giúp đỡ. Sư cô Từ Nguyên và sư cô Từ Niệm luôn cung kính và tri ân cố trưởng lão.

  Một đời tu hành với hạnh nguyện phục vụ, cố trưởng lão không màng danh lợi; khiêm nhường, ẩn dật, luôn gánh vác các việc nặng nhọc, nhường những việc nhẹ nhàng cho các huynh đệ để chư huynh đệ mình có thêm thời gian trau dồi Giáo Pháp.

 Những ngày tháng cuối mọi người thấy cố trưởng lão tâm rất hoan hỷ. Các cuộc lễ ở các chùa: Huyền Không, Định Quang hoặc Pháp Luân trưởng lão đều hoan hỷ quang lâm tham dự.

 Năm nay cố trưởng lão nhập hạ tại Huyền Không Sơn Thượng. Mới vào mùa an cư được hai tuần thì mọi người sửng sốt khi nghe tin cố trưởng lão lâm bệnh! Quý sư chùa Huyền Không Sơn Thượng thấy trưởng lão có dấu hiệu bệnh nặng muốn đưa đi bệnh viện nhưng trưởng lão xua tay dường như sợ làm phiền đến mọi người. Thấy cố trưởng lão sốt cao và như rơi vào giấc ngủ nên ngài Chủ trì Huyền Không Sơn Thượng thương cảm, quyết đưa trưởng lão xuống nhờ bệnh viện cấp cứu. Mặc dù tập thể bác sĩ bệnh viện Trung ương Huế tận tình cứu chữa, các sư trẻ ở Huyền Không Sơn Thượng tình nguyện hiến máu, hiến tiểu cầu nhưng bệnh tình của trưởng lão không thuyên giảm. Nằm bệnh viện hơn 1 ngày 2 đêm thì các bác sĩ đồng ý để chư Tăng đưa trưởng lão về chùa lo hậu sự. Sáng ngày 29/6 Quý Tỵ, chư Tăng các chùa của Hệ phái trong tỉnh nghe tin đều vội vàng về chùa Thiền Lâm . Khi tất cả các bậc tôn túc trưởng lão và chư Tăng Hệ phái có mặt quanh giường trưởng lão đang nằm, chư Tăng tụng kinh hộ niệm. Khóa kinh chư Tăng vừa đến hồi kết thì trưởng lão nhẹ trút hơi thở cuối cùng, lúc ấy là 8h15 ngày 29 tháng 6 năm Quý Tỵ, tức ngày 5/8/2013; trú thế: 70 tuổi, xuất gia: 50 năm, tuổi đạo: 35 hạ lạp.

Cuộc đời và hành trạng của trưởng lão như một trang sử thi thầm  lặng mà bi tráng để cho hàng hậu học kính ngưỡng noi theo.

Năm mươi năm tu tập, ẩn dật, khiêm cung, không hình thức, không màng danh lợi của trưởng lão như một công án thiền thâm u mà không phải ai cũng dễ dàng thức ngộ.

Một mật hạnh phục vụ, được âm thầm nuôi dưỡng, kiên cố qua bao thăng trầm thời cuộc như  viên ngọc quý ẩn sâu trong đá mà không phải ai cũng có cơ duyên để nhận biết.

Một đời sống tu hành, tận tụy hy sinh, vô ngã vị tha, thanh thoát và ý nghĩa như bài Pháp uyên thâm, đã làm cho bao người kính phục.

Trưởng lão đã sống trọn vẹn với con đường mình đã chọn, xứng đáng là bậc tôn túc của Phật giáo Nam tông Việt Nam với hành trạng phục vụ lặng lẽ mà thanh thoát như  hoa sen; dịu dàng toả hương thơm dâng tặng cho đạo cho đời mà không màng tiếng tăm, lợi lộc.

Ôi! Trưởng lão không từ mà biệt, phải chăng với trưởng lão: “Sanh tử sự hề, mạc tư mạc vấn, kim cổ vị tằng, hữu cá bất như”?

Ôi ! Từ nay Phật giáo Nam Tông Thừa Thiên Huế thiếu vắng đi một cội tùng tỏa che bóng mát; trong Tăng chúng khuyết đi một vị thầy đức độ khả kính và thiện nam tín nữ Phật tử mất đi một người cha lành, giản dị, từ ái và bao dung.

Ngưỡng nguyện Ba-la-mật của trưởng lão sớm được viên thành.

Namo Buddhaya.

 
Trở lại     Đầu trang