loading
Suy ngẫm
Chuyến đi lần cuối

 

Chuyến đi lần cuối

(Tuỳ bút của Du Li)

 

Tôi cầm lá thư của chị đọc lại đoạn chị viết: “Tôi bỗng thấy mình và tất cả mọi người đều là những người ốm. Ốm bệnh khổ ấy mà và bệnh làm người khác khổ nữa, cô bảo có đúng không? Nếu thế thì mình phải đối đãi với nhau như đối đãi với người ốm. Nghĩa là hỏi han thăm nom nhiệt thành và làm vừa lòng nhau. Lâu lâu nhớ gửi cho nhau tấm thiệp thăm hỏi, đem cho nhau trái cam đầu mùa. Và nhất là tâm tình chia sẻ bệnh khổ của nhau”.

Đặt lá thư xuống bụng rồi chắp tay nằm yên. Trong cái yên lặng vô cùng của khu vườn sau tôi thấy nghe tiếng lá chạm nhau xào xạc khi có gió. Tôi nghe cả tiếng thức ăn chuyển từ khúc ruột nọ tới khúc ruột kia kêu ùng ục. Tôi bỗng nhớ tới ba tuần lễ nằm bệnh viện và cuộc giải phẫu vừa qua. Cuộc đời ít khi đau ốm. Lần đầu tiên vào nhà thương cách đây hai năm là để giải phẫu cắt tử cung vì ung thư. Và bây giờ ung thư tái phát. Theo thống kê thì 93% bệnh nhân bị ung thư tử cung sau khi giải phẫu thường khỏi bệnh. Tôi rơi vào số 7% người bệnh tái phát. Theo bác sĩ, ung thư này khi tái phát thường được coi là hiểm nghèo. Tin đồn đi, bạn bè nhiều người ở xa phải nhờ chồng lái xe xa lộ cũng lặn lội tới thăm. Chỉ để cầm tay tôi vuốt ve an ủi. Để vuốt xuôi những sợi tóc lòa xòa trên trán hâm hấp nóng. Thật ân cần. Thật nhẹ nhàng. Tôi nhận được những tấm thiệp chúc bình phục thật chân thành tình nghĩa. Mấy cậu em trai tôi ngày trước xuân thu nhị kỳ có tới thăm thì cũng chân trước chân sau, nói gì thì rồi cũng xoay qua chuyện làm ăn, thuế má hay computer thì mới ngồi lâu. Vậy mà các cậu ngồi với tôi hàng giờ. Xỏ cho tôi đôi dép vào chân và đỡ cho tôi vào buồng tắm. Tâm sự vụn vặt với nhau như chuyện chị em gái thường làm. Nói cho nhau những ý tưởng cảm xúc mình chưa hề động hay nói đến trong suốt khoảng bốn mươi năm trời liên hệ chị em.

Rồi đêm khuya những lúc thức giấc, tôi nghĩ tới con người. Thấy hay và lạ thật. Hay ở chỗ thật ra ai cũng có tính nhẹ nhàng, kiên nhẫn, độ lượng và đầy thương yêu. Lạ là không hiểu sao người ta thường chỉ biểu lộ những quý tính này với trẻ con và người ốm. Một đôi khi với người già. Nhưng thường phải là những người già dễ tính! Tôi tự hỏi phải chăng vì trẻ con và người bệnh biết mình bất lực nên đón nhận sự giúp đỡ dễ dàng, không áy náy, không tự ái; khiến người cho dễ trở về với chân tính của mình là tử tế và thương yêu. Thật ra ai cũng muốn là người tử tế nghĩa tình, vì con người khi sống tử tế thương yêu, sẽ thấy chính mình có hạnh phúc. Kinh sách nào cũng nói vậy. Và chính tôi cũng chiêm nghiệm vậy trong cuộc đời đã trải qua và trong cơn bện hoạn này.

Những ý nghĩ ở nhà thương đêm trước hiện về, lồng vào đoạn thư vừa đọc, rồi thấy lòng lóe lên một mong cầu. “Nếu mọi người đều biết là mình ốm - ốm bệnh khổ, cái khổ nằm trong đệ bát thần khổ mà Phật đã dạy ấy mà - và cư xử với nhau như cư xử với người ốm, cuộc đời và thế gian này sẽ lành mạnh biết bao!” Nghĩ thế và rồi thấy ngay là mình đang vọng tưởng. Những ngôn từ GIÁ, NẾU là dấu hiệu của vọng tưởng. Tôi thường dựa vào những dấu hiệu này để biết mình đang ở đâu mà tìm đường quay về. Thường cứ thoắt một cái là cái đầu lại ở đâu đâu. Du hành qua không gian và thời gian một cách tự do, dễ dàng.

“Làm sao hàng phục vọng tâm. Làm sao an trụ chân tâm?” Câu hỏi của một đệ tử Phật lúc đương thời. Và cũng là thắc mắc của biết bao người, kể cả tôi. Làm sao? How to? Rồi đổ xô nhau đi tìm phương cách. Thiền là một cách. Thân có yên thì tâm mới tịnh. Tâm tịnh rồi thì mình sẽ “nhìn đời bằng một con mắt lạnh như tro tàn và một trái tim nóng hổi”. Như lời một vị thiền sư chăng? Nhìn đời và mọi sự việc mà không thành kiến, không phê phán, không phân chia, không sắp loại. Sự việc thế nào, là thế ấy. Để rồi bỗng thấy dấy lên từ trái tim nóng hổi niềm thương yêu, thông cảm và tha thứ vô cùng.

Tôi đang nằm đây im lặng. Thiền. Tập nhìn cơn bệnh hoạn của thân xác và phản ứng của người em đồng song - tức là tiểu ngã, cái personality ấy mà. Những ngày nằm bệnh viện, cơn đau quằn quại của thịt da bị mổ xẻ, của khúc ruột bị hư cắt đi và nối ngắn lại, của các thứ thuốc trụ sinh, thuốc ngủ và thuốc morphine; tất cả khiến đầu óc mịt mùng. Và từ sự mịt mùng đó thấy mình là thân xác bệnh hoạn nằm trên giường bệnh. Thấy mình là những cuống quít sợ hãi, những níu kéo, cầu mong. Chân tâm biến mất. Tâm trí biến loạn, vọng tưởng. Bị thôi thúc, lôi kéo. Vật vờ như chiếc lá trên mặt hồ một chiều lộng gió. Bao nhiêu công phu thiền tập như tan biến. Cho đến một đêm, thức giấc, qua cửa kính nhìn ra ngoài trời không trăng sao, tôi bắt gặp một cảm giác an lành vô cùng. Rồi bỗng nhớ tới hai câu thơ của thi sĩ Huyền Không

Ta từ sinh tử về chơi

Ngồi trên chóp đỉnh mỉm cười với trăng.

Ta nào vậy nhỉ? Mà sao an nhiên tự tại thế. Bỗng thấy mình như với được một đầu dây để tìm về. Về đâu nhỉ? Về chân tâm. Về nơi chốn ở đó có cái nhìn lạnh như tro tàn chăng?

Từ đêm đó lúc ẩn lúc hiện thấy hình thành một đường hướng tâm nguyện. Hướng tìm gặp “cái TA” của thi sĩ Huyền Không. “Cái ta” tự tại. Đồng thời cũng sẵn sàng tan biến, hội nhập vào Đại Ngã trong càn khôn vũ trụ. Như một giọt nước trở về đại dương. Thanh thoát. Vô cầu.

Rồi cũng từ hôm đó tôi dám nhìn thẳng vào vái chết sẽ xảy đến cho mình, có thể trong một ngày rất gần. Bằng cách bắt đầu nhờ cậu em lo làm hộ chúc thư và gửi giấy cho nhà băng đóng những trương mục hiện hữu. Bắt đầu nghuệch ngoạc trên cuốn tập học trò lời căn dặn về một vài chuyện tụng niệm ma chay. Đời sống độc thân ngày càng ít nhu cầu nhơ vậy dần dần bớt đi nhiều dây nhợ với thế gian. Mấy năm gần đây tôi tự nhiên xé bỏ tất cả những thẻ tín dụng. Đi vào đời sống vật chất thật giản dị. Cho đi bớt quần áo. Chỉ giữ lại ít cái đủ mặc và một “bộ cánh” của thời phù hoa thuở trước phòng khi phải đi ăn cưới. Tự nhiên bắt chước được cái thói quen của chị bạn là mỗi khi có ai cho một cái quần mới, áo mới là lập tức phải cho bớt đi một cái quần, cái áo trong số quấn áo đương mặc. Nhiều lúc cũng tần ngần. Vì số đồ giữ lại thường là những cái mình vừa ý nhất. Nhưng rồi cũng cố gắng làm. Và quen đi. Để rồi thấy một hôm mình ngồi trước kệ sách, chọn được một mớ đem cho, sau đó, hễ thấy bạn bè ngỏ ý thích cuốn sách nào mà mình có, là mừng rỡ gửi biếu. Ngày xửa ngày xưa, vật dụng tôi đưa người khác mượn một cách dễ dàng. Nhưng mượn sách là tôi kỹ lắm.

Nhiều lúc mặc cảm là mình ích kỷ chăng? Sau này nhìn ra thấy mình quá bám víu vào sách vở, vào kiến thức. Coi đó là mình. Coi mình là quan trọng! Tủ sách tôi càng quang thì đầu óc tôi càng nhẹ nhõm. Căn phòng ngủ ngày càng thưa trống đồ đạc, trông rộng rãi hẳn ra. Lâu lâu tâm sự với chị bạn: “Một ngày nào đó em có Đi, chắc cũng dễ vì va-li nhẹ lắm rồi!” Hôm nằm bệnh viện mới thấy mình lầm to. Vì tất cả những sự “dọn mình” lúc trước mới chỉ là như lá quét sân chùa. Hành trang vật chất tuy ít thật, nhưng hành trang tình cảm còn bề bộn, nặng nề. Từ hôm đó tôi lo tập trung tâm sức vào việc dọn dẹp trong chính diện. Nhưng không phải dễ. Nhìn vào nội tâm đòi hỏi một sự thức tỉnh tuyệt đối. Trong khi đó thì con người cả đời chỉ biết phóng ra bên ngoài. Rồi quen thói đi. Sợ sự im lặng. Sợ bóng tối. Thức giấc dậy là mắt mở lơ láo. Và mở miệng. Có một lần tôi nghe một cậu em ít nói bảo tôi là: “Nếu tạo hoá uốn con người nói nhiều hơn nghe, thì con người phải có hai cái miệng và một cái tai chứ. Đằng này con người có hai lỗ tai và một cái miệng vừa dùng vào việc ăn và việc nói, thì mình phải hiểu ý Trời là muốn mình nói ít nghe nhiều mà.” Tôi nghe thấy hợp lý nên sau đó mỗi khi nhớ, cái miệng của tôi cũng ít phải làm việc hơn. Tôi tập nghe nhiều hơn. Nghe âm thanh. Và nghe cả sự im lặng nữa. Rồi khám phá ra rằng sự im lặng rất ngọt ngào, bao dung. Một tiếng lá rơi, một tiếng chim vỗ cánh, một thinh không tĩnh lặng dẫn đưa tâm hồn vào một niềm hoan lạc vô cùng. Từ đấy thấy nhạc hòa tấu, nhạc thính phòng, tiêng hát Khánh Hà, Don Hồ, chỉ là một thoáng gió quạt nan trong cái nóng hầm hập của đêm hè trần gian. Từ đấy thấy trìu mến cái âm thanh của im lặng. Của một mình. Không thấy cô đơn. Không buồn chán.

Tôi nằm im. Nhắm mắt. Nghe. Thấy những ý tưởng hỗn tạp tiếp nối chạy trong đầu như những cụm mây bay ngang bầu trời. Không ngừng nghỉ. Thích cái này, không thích cái kia. Muốn cái này, không muốn chuyện kia. Thương người này, không ưa người kia. Hợp ý, hợp khẩu, hợp nhãn v.v.. Phân chia mọi chuyện ra thành trắng đen, chấp vào ý mình mà phán đoán. Rồi mắc kẹt ở trong đó. Từ đó mua cho mình và gây cho người nhiều phiền não, khổ đau. Nghiệp chướng cứ thế mà tích tụ. Những ý tưởng và tình cảm vô trách nhiệm, rối rắm, không rõ ràng đẻ ra những nợ nần oan trái. Quán chiếu trong im lặng tôi nhận diện được một số nghiệp chướng và oan trái đời này. “Tội từ tâm khởi. Cũng từ tâm diệt. Tâm không tội diệt. Cả hai đều hết.” Nhưng còn những nghiệp chướng từ vô thỉ tàng tích lại? Làm sao mà quán chiếu cho hết trong lúc khẩn cấp này? Phải sám hối. Chỉ có cách sám hối! Tôi nghe vọng lên trong tôi lời nhủ thầm này.

Tôi nhờ Vân cho mượn mấy cuốn kinh. Sáng sáng, chiều chiều tôi mở kinh ra đọc. Đọc lần đầu tiên trong đời. Đọc như đọc sách. Nhưng đọc thành tiếng. Tôi được biết giáo sư V.K. Khoan cũng quay về đọc kinh trong hai năm bệnh hoạn trước khi Ông qua đời. Qua kinh kệ Ông thấy “Tôi lặng lẽ dìu tôi đi vào một cõi mới dấy lên. Cõi đó, lạ lạ, quen quen. Cõi đó hàng đêm. Cõi đó, riêng tôi. Một mình.”

Bây giờ thế giới của tôi chỉ còn chuyện đọc kinh học kệ. Những lúc trí óc rối loạn, tôi đem quán chiếu câu nói của Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn từng được ấp ủ trong tâm: “Hạnh phúc đích thực là niềm an lạc nội tâm và tự tại mà ra. Mà niềm an lạc tự tại phải đạt lấy qua sự nuôi dưỡng óc vị tha, lòng từ bi và diệt trừ sân hận, vị kỷ, tham lam…” Rồi quy nguyện sẽ sống trong ánh sáng đó những ngày còn lại. Những lúc khác tôi chuyên cần đọc kinh dọn mình cho cuộc ra đi cuối cùng. Và mỗi khi nằm nghỉ bắt gặp đầu óc mình lang thang đi vào vọng tưởng, hay mỗi khi thân thể đau nhức, tôi bèn nhẩm đọc kinh Kính Lạy Cha và Kinh Kính Mừng mới vừa học thuộc lòng.

Trong cái thế giới thu hẹp đó, tôi tìm thấy những hình ảnh đầy thương yêu của Chúa và Đức Mẹ. Của Phật và Bồ Tát. Cùng các thánh thần. Và với lòng tin cậy vô cùng vào những Thương Yêu và Linh Thiêng ấy tôi sửa soạn buông mình trôi vào Cõi mênh mông đến đón.

Cảm thấy vừa run sợ, vừa mong mỏi. Trong một niềm kính cẩn chân thành. Một mình. Mà không thấy chơi vơi trong chuyến đi.

Một chuyến Ra Đi? Trở Về? Hay không Đi cũng không Về? Mà chỉ là vật chất chuyển dạng và thần thức thăng hoa?

(Du Li)

 

 
Trở lại     Đầu trang