loading
Sống khỏe
Thực phẩm biến đổi gen


Thực phẩm biến đổi gien (GMF, genetically modified food) đã trở thành chủ đề nóng trong báo giới quốc tế những năm gần đây. GMF được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm nghiên cứu, nhưng cũng gặp phải sự phản ứng kịch liệt của các tổ chức bảo vệ môi trường vì cho rằng nó có thể gây hại đối với con người và môi trường.

Thuật ngữ thực phẩm biến đổi gien dùng để chỉ những loại cây trồng dành cho con người hoặc gia súc được tạo ra nhờ công nghệ sinh học, để cho những phẩm chất mong muốn như tăng khả năng chống cỏ dại, chống sâu bệnh hay tăng hàm lượng dưỡng chất. Việc nâng cao chất lượng giống cây trồng thường được thực hiện nhờ phương pháp nhân giống, song phương pháp này tốn nhiều thời gian lại cho kết quả không chính xác. Ngược lại, kỹ thuật biến đổi gien có thể tạo ra giống cây trồng như mong muốn, tốn ít thời gian và có độ chính xác cao.

Theo Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ, hiện có hơn 40 loại GMF được công nhận thoả mãn tiêu chuẩn thực phẩm và y tế. Đó là các giống cà chua được thay đổi gien điều khiển độ chín; giống đậu tương chống cỏ dại; giống bông và ngô chống sâu bệnh...

 

Lợi ích của thực phẩm biến đổi gen...

Dân số thế giới hiện đã lên tới 6 tỷ người và người ta dự đoán con số này sẽ tăng gấp đôi sau 50 năm nữa. Trước tình hình đó, GMF có thể là một giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề lương thực cho dân số tăng vọt này trong những năm tới thông qua các cách sau:

Chống sâu bệnh, cỏ dại: Sản lượng thâm hụt do sâu bệnh phá hoại hay cỏ dại lấn át diện tích, gây thiệt hại to lớn cho nông dân và nạn đói ở nhiều nước. Nhưng không ai muốn sử dụng thực phẩm có thuốc trừ sâu và thuốc diệt cỏ vì lo ngại tác hại của hoá chất này đối với sức khoẻ và dư lượng thuốc trừ sâu trong đất cũng gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường. Sử dụng những giống cây trồng có khả năng chống sâu bệnh, chống cỏ dại sẽ làm giảm bớt tình trạng nông dân sử dụng nhiều thuốc sâu, thuốc diệt cỏ, đồng thời làm giảm giá thành sản phẩm nông nghiệp.

Chịu lạnh, chịu hạn và chịu mặn: Tạo ra những giống cây có khả năng sinh trưởng tốt ở vùng đất khô hạn, độ mặn cao hay khí hậu lạnh giá sẽ giúp tăng năng suất. Chẳng hạn như đưa loại gien chống lạnh của cá nước lạnh vào cây thuốc lá và khoai tây, hai loại cây này sẽ chịu được nhiệt độ thấp trong khi thông thường nhiệt độ thấp sẽ làm mầm cây chết rụi.

Giàu dưỡng chất: Gạo là loại thực phẩm chủ yếu ở các nước nghèo, nhưng gạo không có đủ các chất dinh dưỡng cần thiết để chống suy dinh dưỡng cho con người. Nếu gạo được xử lý gien bổ sung thêm vitamin và khoáng chất thì tình trạng thiếu chất sẽ được cải thiện. Các nhà khoa học Thụy Sĩ đã nghiên cứu ra giống lúa "vàng" chứa tỷ lệ chất beta-caroten (vitamin A) ở tỉ lệ cao, có thể hạn chế các bệnh về mắt. Ngoài ra, giống lúa có tỷ lệ chất sắt cao hơn cũng đang được nghiên cứu.

Dược phẩm: vắc xin và thuốc chữa bệnh thường có giá thành cao. Vì vậy, các nhà khoa học đang tìm cách tạo ra loại vắc xin chứa trong khoai tây, táo hay cà chua, vừa dễ vận chuyển, bảo quản và kiểm soát hơn các loại vắc xin tiêm truyền thống.

 

Và một số hạn chế

Các nhà bảo vệ môi trường, nhà khoa học và chính phủ bày tỏ quan ngại đối với GMF và không ngừng chỉ trích ngành nông nghiệp vì chạy theo lợi nhuận mà bỏ qua các hiểm họa tiềm tàng. Họ cho rằng GMF huỷ hoại môi trường do tác hại không lường đến các loài khác; Nguy cơ gây bệnh dị ứng và một số tác động khác ở người có cơ địa nhạy cảm. Cụ thể, trẻ em có nguy cơ bị dị ứng suốt đời với lạc và một số thức ăn khác. Mặc dù còn nhiều lo ngại về GMF, nhưng nói chung, ngoài khả năng gây dị ứng, GMF khó gây hại đến sức khoẻ con người; Mặt khác, do nghiên cứu và ứng dụng GMF là một quá trình lâu dài và tốn kém, nên khi một sản phẩm mới được lưu hành, giá thành của nó sẽ rất cao, không thích hợp với các nước nghèo, dẫn tới khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn.

Tóm lại, GMF có tiềm năng to lớn giải quyết nạn đói và suy dinh dưỡng hiện nay trên thế giới, đồng thời có thể hạn chế bớt tác hại của thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ... đối với môi trường... Tuy nhiên, còn rất nhiều khó khăn phía trước đối với các Chính phủ trong việc kiểm định an toàn, quy chế quản lý và dán nhãn thực phẩm. GMF có thể trở thành một làn sóng mới trong tương lai.

(Sưu tầm)

 
Trở lại     Đầu trang