|
Cảm Hóa Thủ Lĩnh Tướng Quan Sìha
Câu chuyện về bà kỹ nữ Ambapālī quy hướng đức Thế Tôn, đụng độ với hội chúng vương tử, công tử Vesāli; rồi chuyện hớt phần phước đầu, bị hạ đo ván, chuyện một trăm ngàn đồng tiền vàng kahāpaṇa, chuyện cúng dường vườn xoài xinh đẹp... không mấy chốc đã lan đi khắp nơi. Thật lạ lùng là tâm địa tốt lành của các vị vương tử, công tử này. Họ đã không để tâm giận ghét, lại còn ca ngợi bà kỹ nữ Ambapālī dám coi đống vàng như đất cục, không chịu nhượng buổi cúng dường. Họ cũng không hết lời tán thán oai đức của Phật, oai đức của giáo pháp đã gieo được hạt giống đức tin thánh thiện vào tâm hồn của bà kỹ nữ nhiều tai tiếng ấy. Rồi họ tán tụng đức Phật với những mỹ từ như Đại Giáo Chủ, Đại Thánh Nhân, Đại Siêu Nhân... Chưa thôi, họ còn lấy câu kệ tán thán đức Phật, mừng cho vua Bimbisāra nước Sīha là bậc tướng quân thủ lãnh của hội đồng tướng lãnh, có biết, có gặp đức Phật, nhưng vốn là đệ tử nòng cốt, thân cận của Nigaṇṭha Nāṭaputta (Ni-kiền-tử) – nghe những lời tán thán ấy, nghĩ rằng: “Những lời ca ngợi kia có quá đáng lắm không? Sao chướng cái lỗ tai lắm vậy? Ta hãy đến thầy ta, thưa hỏi để biết rõ hư thực như thế nào?” Sau khi được hội diện với vị giáo chủ, tướng quân Sīha kể lại điều đã được nghe rồi nói: - Vậy đệ tử có nên diện kiến sa-môn Gotama để chất vấn ông ta về giáo pháp? Giáo chủ Nigaṇṭa Nāṭaputta tỏ vẻ thận trọng: - Ông có biết gì về giáo pháp của sa-môn Gotama hay không mà đòi chất vấn? - Dạ thưa không! Xin thầy cho đệ tử được nghe! Vị giáo chủ có vẻ đăm chiêu, nghĩ ngợi, sau đó nói rằng: - Thật tình thì ta cũng chưa nắm rõ ngữ nghĩa cũng như tinh yếu giáo pháp của sa-môn Gotama. Nhưng có những tư tưởng ta từng được nghe, và quả thật có cái ta hồ nghi, có cái ta thắc mắc, có cái nghe rất xốn tai, có cái lại rất khó hiểu... Rồi giáo chủ nói liền một hơi, và dường như những điều này ông cũng đã suy nghĩ khá lâu rồi: - Này nhé! Sa-môn Gotama thuyết về hành động rồi dạy chư đệ tử về hành động. Sa-môn Gotama thuyết về không hành động rồi dạy chư đệ tử việc không hành động. Sa-môn Gotama thuyết về đoạn diệt rồi dạy chư đệ tử cách đoạn diệt. Sa-môn Gotama thuyết về pháp ghê tởm rồi dạy chư đệ tử về sự ghê tởm. Sa-môn Gotama là người thiêu đốt lại giảng về sự thiêu đốt cho chư đệ tử. Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào lại dạy cho đệ tử cách thoát khỏi thai bào. Sa-môn Gotama là người tự tin, lại dạy cho chư đệ tử sự tự tin. Sa-môn Gotama là người từ bỏ lại dạy cho chư đệ tự sự từ bỏ... Đấy, đấy, nếu ông có khả năng hãy đi chất vấn sa-môn Gotama đi! Nghe như vậy, lòng của tướng quân Sīha chợt lặng đi, lạnh đi; sự bồn chồn, nỏng nảy cũng không còn nữa. Vả chăng, thầy của ta cũng chưa nắm bắt được huống hồ gì ta? Nhưng sau đó, tướng quân Sīha đi đâu cũng nghe người ta ca ngợi, tán thán về đức Phật, về giáo pháp một cách rất nhiệt tình, rất hăng say và rất thành kính; không cầm lòng được, ông lên đường với một hội chúng lớn với xe ngựa, với quân lính tiền hô hậu ủng – đi diện kiến đức Thế Tôn tại Mahāvana. Đức Phật tiếp tướng quân Sīha giữa rừng cây. Nếu tướng quân Sīha được đoanh vây bởi hằng trăm binh lính thuộc hạ oai phong lẫm lẫm – thì đức Thế Tôn cũng đoanh vây bởi hằng trăm sa-môn áo vàng thanh thản, trang nghiêm và bình lặng. Sau khi tỏ bày sự kính lễ, tướng quân Sīha nói rõ lý do viếng thăm là thắc mắc về giáo pháp. Ông đã cặn kẽ, chi ly trình bày tóm tắt nhưng đầy đủ những điều mà thầy ông đã thuật lại. Để thắt kết, ông nói: - Bạch đức Thế Tôn! Vậy thì những điều người ta nói như thế là đúng với sự thật hay không đúng với sự thật? Thảng hoặc, những lời nói ấy có chỗ nào là sai trái, có chỗ nào là gièm pha, có chỗ nào là chê bai? Hay tất cả những điều ấy, đằng sau còn có ý nghĩa thâm diệu nào khác, y cứ vào đấy để tu tập, để hành trì mà chúng tôi do trí óc non kém không lãnh hội được chăng? Thấy cử chỉ và thái độ điềm đạm, từ tốn; ánh mắt trong sáng, khiêm hòa; cách nói, cách sử dụng câu cú, văn từ... của vị tướng quân toát ra trình độ một người có học, có kiến thức - đức Phật mỉm cười, muốn tạo một ấn tượng đầu tiên nên ngài nói: - Giáo chủ Nigaṇṭha Nāṭaputta thuật lại giáo pháp của Như Lai, như vậy là còn thiếu đấy, này tướng quân Sīha! Vị tướng quân bất giác rùng mình, tự nghĩ: “Vị này còn có khả năng siêu phàm, biết việc xảy ra và cả câu chuyện giữa mình với giáo chủ của mình nữa.” Lấy lại bình tĩnh, ông thưa: - Xin đức Thế Tôn cho được nghe? - Vâng, này tướng quân! Như Lai còn thuyết về lửa cháy và dạy về lửa cháy. Như Lai còn thuyết về giết cha, giết mẹ, giết quân binh tùy tùng và dạy về cách giết cha, giết mẹ, giết cả quân binh tùy tùng. Như Lai còn thuyết về vô lượng, vô lượng giải thoát và dạy cho chư đệ tử về điều ấy. Như Lai còn thuyết về giới, về tăng thượng giới, về định, về tăng thượng tâm, về tuệ, về tăng thượng tuệ, về giải thoát, giải thoát tri kiến, về vô tướng, vô tác, vô ái, về vô thủ trước bát-niết-bàn... Tướng quân Sīha nghe lùng bùng cả lỗ tai, ông quỳ mọp xuống, bạch rằng: - Tôi không kham nổi đâu, bạch đức Thế Tôn! Tôi không thể đi sâu vào khu rừng ngữ nghĩa ấy mà không có ngọn đèn của con mắt sáng; không thể bơi qua cái biển kinh pháp ấy mà không có con thuyền của một trí óc thông tuệ. Xin đức Thế Tôn cứ xem tôi như một chiên-đà-la thiếu phước, vô học hoặc như một thủ-đà-la cả đời chùi ống cống vô tri... để giảng nói rành rẽ, bình dân, giản dị, dễ hiểu, dễ nắm bắt nhất... từng điểm một, từng câu một... bạch đức Tôn Sư! Đức Phật biết, khi ông tướng quân ngoại giáo này, gọi ngài là Thế Tôn thì đúng là ngôn ngữ xã giao; nhưng khi ông sử dụng từ Tôn Sư là đã một phần nào tâm phục, khẩu phục. Thế là ngài với từ bi tâm, cặn kẽ giải thích cho ông ta hiểu hàm ý bên sau của từng câu chữ. Ngài nói rằng: - Này tướng quân Sīha! Giản dị và dễ hiểu làm sao là những câu nói tóm tắt giáo pháp mà Như Lai đã từng giáo huấn cho môn đệ. Cái được gọi là hành động chính là thân hành, khẩu hành và ý hành; thiện hạnh về thân, thiện hạnh về lời, thiện hạnh về ý chính là điều nên hành động! Cái được gọi là không hành động thì ngược lại, là không ác hạnh về thân, không ác hạnh về lời, không ác hạnh về ý – chính là điều không nên hành động... - Xin đức Thế Tôn giảng rõ cho chút nữa? - Nghĩa là cái thân này nên làm những việc lành, tốt chứ không nên làm những việc xấu ác. Lời nói cũng vậy mà ý nghĩ cũng vậy. - Cụ thể là như thế nào, bạch đức Thế Tôn! Vì việc lành, tốt đối với giáo phái này, triết hệ này đôi khi không phải là lành, tốt đối với giáo phái khác, triết hệ khác? - Đối với Như Lai thì việc lành, tốt là lợi mình, lợi người và lợi cả hai. Việc xấu, ác là hại mình, hại người và hại cả hai. Khi thân không giết người, giết vật, không trộm cắp, tước đoạt tài vật của người, không tà dâm, tà hạnh, bất chánh - đấy là thân lành, tốt. Khi lời không dối láo, không sai sự thật, không hai lưỡi, không ác độc, không thêu dêt, không nói vô ích, không hoa ngôn xảo ngữ, không nói phù phiếm, trống không, vô ích - đấy là khẩu lành, tốt. Khi ý không tham lam, không sân hận, không tà kiến, si mê - đấy là ý lành, tốt. Ngược lại như thế là xấu ác, này tướng quân Sīha! Cái được gọi là đoạn diệt phải được hiểu là nên đoạn diệt tham lam, đoạn diệt sân hận và đoạn diệt tà kiến, si mê; tức là làm cho ngưng tắt những việc xấu, ác được khởi sanh từ tâm niệm, ý nghĩ. Cái được gọi là ghê tởm phải được hiểu là ghê tởm việc làm ác của thân, ghê tởm lời nói ác, ghê tởm suy nghĩ ác - tức là ghê tởm tất cả những cái gì được gọi là xấu ác ở thân, ở lời và ở ý. Cái được gọi là thiêu đốt có nghĩa là các ác, bất thiện pháp như trên cần phải được thiêu đốt, thiêu cho cháy đi; và ngay cả tro than âm ỉ cũng phải được dụi tắt, nếu không nó sẽ bốc cháy trở lại. Cái được gọi là thoát khỏi thai bào chính là hạt giống, hạt mầm, những điều kiện luyến ái, đeo dính từ sinh bào này sang sinh bào khác không còn nữa - như cắt lìa các rễ chính, rễ phụ của một thân cây hoặc như cây thốt nốt đã bị đoạn lìa, bứng gốc không còn dư tàn! Cái được gọi là tự tin – nghĩa là tin vào chính mình, vào bàn tay nắm của mình; địa ngục, khổ xứ, đọa xứ, hạnh phúc người trời, phạm thiên, niết-bàn đều do ta tạo ra cả. Tin vào mình cũng có nghĩa là tin vào nhân quả, nghiệp báo, tin vào con đường thắng phúc, an vui, giải thóat mà mình đã chọn lựa - chứ không tin vào thượng đế, một đấng thần linh siêu nhiên nào... - Chỗ này tôi chưa được hiểu. Vậy thì đấng Phạm Thể (Brāhman), Đại Ngã (Mahātman), các thượng đẳng thần Sáng Tạo (Brāhmā), Bảo Tồn (Vishnū) Hủy Diệt (Shīva) cùng hằng trăm ngàn vị thần khác trong truyền thống bà-la-môn - phải được hiểu như thế nào, bạch đức Thế Tôn? - Hãy để phạm trù tôn giáo, tín ngưỡng ấy qua một bên, này tướng quân Sīha! Sẽ còn nhiều cơ hội để Như Lai sẽ giải thích về điều ấy. Vì sao vậy? Vì Như Lai đang nói về căn nguyên của khổ và lạc; và mọi chuyện lành, tốt hoặc xấu, ác ở trên là do thân ta tự làm, do khẩu ta tự làm, do ý ta tự làm – có phải vậy không, tướng quân Sīha? - Thưa, đúng thế! - Nhân của xấu, ác thì có quả là khổ; nhân của lành tốt thì có quả là lạc - đấy là vận hành nhân quả nghiệp báo tự nhiên hay do bàn tay thượng đế, thần linh xen dự vào, hở tướng quân Sīha? - Thưa, tự nhiên! - Nghĩa là khổ lạc đều do ta tự tạo? - Đúng vậy! Đức Phật mỉm cười: - Vậy là tiếng rống của tướng quân Sư Tử (Sīha là sư tử) đã xác nhận sự thật, và cũng chính tướng quân đã bác bỏ quyền năng ban phúc, giáng họa của thượng đế và thần linh rồi đấy! Tướng quân Sīha chợt lặng người. Cả hội chúng đi theo ông ta cũng lặng người. Hóa ra quyền uy của thượng đế, thần linh đã hằng ngàn năm nay – mà chỉ qua vài câu đối thoại của đức Phật chúng đã bị rã tan tức khắc. - Tuyệt vời thay là đức Thế Tôn! Cao minh thay là nghị luận sắc bén của đức Tôn Sư! Tướng quân Sīha và quân lính đồng thốt lên ca ngợi, hoan hỷ, mừng vui. Đức Phật điềm đạm tiếp: - Bây giờ thì những câu đi sau cũng đều phải được hiểu như vậy. Cái được gọi là từ bỏ - nghĩa là từ bỏ tham, từ bỏ sân, từ bỏ si, từ bỏ tà kiến, mê đắm, dính mắc, chấp thủ vào các ác, bất thiện pháp ấy. Cái được gọi lửa cháy phải được hiểu là mắt tai mũi lưỡi thân ý luôn luôn bị bốc cháy bởi sắc thanh hương vị xúc pháp; chúng mà bốc cháy thì thế gian này sẽ bị bốc cháy! Vậy hãy dè chừng khi chúng gặp nhau, tương quan phát sanh lửa! Cái được gọi là giết cha, giết mẹ, giết cả quân binh tùy tùng - phải được hiểu vô minh là cha, ái dục là mẹ; còn quân binh tùy tùng chính là những tùy miên, những kiết sử: Những tham, sân, si mạn, nghi, tà kiến, tật đố, phản trắc, bạc ác, phản phúc, xan lận, quỷ quyệt, vô ơn, bỏn xẻn, keo kiệt... phải giết chúng đi, chôn chúng đi. Cái được gọi là vô lượng chính là từ vô lượng, bi vô lượng, hỷ vô lượng, xả vô lượng... Vô lượng giải thoát, nghĩa là khi có được tâm giải thoát, tuệ giải thoát thì bốn vô lượng kia mới được gọi là vô lượng giải thoát; bằng không, chúng còn bị giới hạn trong cõi sắc giới của phạm thiên! Đức Phật vừa nghỉ hơi thì tướng quân Sīha đã quỳ mọp bên chân: - Thôi vừa rồi, thôi đủ rồi, bạch đức Tôn Sư! Chỉ chừng ấy thôi, là đã quá tuyệt diệu, đã quá choáng ngợp đối với đệ tử rồi! Từ lâu, đệ tử đã sống trong bóng tối, nay đã được đức Tôn Sư dìu ra ánh sáng để thấy được mặt trời. Từ lâu, đệ tử đã bị lạc lối trong mọi ngõ ngách hoang vu của ngu si và tà kiến, nay đã được đức Tôn Sư bi mẫn trao cho ngọn đèn sáng để thắp tâm, thắp trí. Rất tri ân Tôn Sư, tri ân giáo pháp và tri ân hội chúng tỳ-khưu Tăng. Xin đức Tôn Sư chấp nhận cho đệ tử là Nam cư sĩ, quy y Tam Bảo từ nay cho đến trọn đời. Đức Phật mỉm cười: - Giải thích cho tướng quân hiểu là bổn phận của Như Lai; còn việc ông muốn quy y làm môn hạ đệ tử lại là chuyện khác. Ông là người nổi tiếng, phải suy xét cẩn thận, chu đáo trước lúc muốn quy y sẽ tốt đẹp hơn cho ông đấy - nhất là cho bản thân ông, cho giáo phái của ông và trước dư luận xã hội nữa! Thấy nụ cười thanh thoát của đức Phật và ý nghĩa câu nói hiển lộ phong thái cao cả của bậc đại tuệ - đức tin của tướng quân Sīha giống như từng đợt sóng đang dào dạt ở trong lòng: - Thế thì đệ tử lại càng muốn nương bên chiếc bóng của đức Tôn Sư. Bởi vì lúc đệ tử quy giáo với giáo chủ Nigaṇṭha Nāṭaputta thì đồ chúng của họ đã vác cờ, đánh trống, thổi kèn đi khắp kinh thành Vesāli rêu rao rằng: “Bậc thủ lãnh đại tướng quân Sīha đã tự nguyện trở thành đệ tử của chúng tôi rồi! Bậc thủ lãnh đại tướng quân Sīha đã quy giáo giáo chủ Nigaṇṭha Nāṭaputta vô song của chúng tôi rồi!” Vậy mà ở đây, khi đệ tử xin quy y thì đức Tôn Sư bảo: “Hãy suy xét chu đáo và cẩn thận - điều ấy sẽ có lợi, sẽ tốt đẹp cho bản thân ông, giáo phái của ông và trước dư luận xã hội”. Ôi! Thật cao cả thay là tâm địa và ngôn hành của bậc Đại Minh Triết. Khấu đầu đảnh lễ lần thứ hai, xin đức Tôn Sư cho đệ tử được nương tựa cho đến trọn đời! Đức Phật vẫn chưa thừa nhận, ngài nói tiếp: - Tướng quân Sīha! Ông hãy suy nghĩ lại đi, đấy là tình thật Như Lai muốn khuyên ông. Tại sao lại cần phải suy nghĩ thấu đáo? Ông không biết sao, từ lâu, ông và gia đình ông là căn nhà mẹ ở ngã tư đường cho giáo chủ và đồ chúng Nigaṇṭha Nāṭaputta; là nguồn nước ngọt tuôn tràn không bao giờ khô cạn cho giáo chủ và đồ chúng Nigaṇṭha Nāṭaputta. Hiện tại, người ta đang cần ông và gia đình ông biết bao nhiêu về vật thực, y bát, sàng tọa, thuốc men... Hãy suy nghĩ lại đi! Tướng quân Sīha lại khấu đầu đảnh lễ nữa: - Thế thì đệ tử lại càng có thêm đức tin để xin quy y, làm người thiện Biết được đức tin vững chắc ở nơi ông tướng quân, đức Phật thuyết một thời pháp, nói cho rõ ràng, cụ thể hơn về bố thí, trì giới; sự hạ liệt, nhiễm ô của các dục; tâm và cảnh các cõi trời; sự lợi ích cao thượng từng bước một của sự từ bỏ, xuất ly... Theo dõi tâm và trí của vị tướng quân - đức Phật biết ông ta đã sẵn sàng; nghĩa là nhu nhuyến, mềm mỏng dễ uốn nắn; có sự tĩnh lặng, hướng thượng; các chướng ngại còn rất nhẹ - nên ngài đã giảng pháp cao hơn, thù thắng hơn. Đức Phật tuần tự phơi bày về những sự thật về khổ, nguyên nhân sanh khởi các khổ, sự diệt khổ và con đường, đạo lộ đến nơi giải thoát, chân phúc và bất tử. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu dễ dàng – tương tợ vậy, ngay giây khắc ấy, tại chỗ ngồi ấy, pháp nhãn thanh tịnh không nhiễm trần cấu đã sanh khởi đến tướng quân Sīha. Mọi hoài nghi tiêu tan, ông đã thấy hiểu pháp, thấy pháp, thấm nhuần bởi pháp – đã đi vào dòng, đã đắc quả Tu-đà-hoàn! Tướng quân Sīha chảy nước mắt, ông hoan hỷ quá, quỳ mọp ôm chân bụi của đức Đạo Sư không nói nên lời. Đức Phật, sau đó, cho ông thọ trì quy giới và im lặng nhận lời buổi thọ trai tại nhà ông vào ngày mai. Ngài cũng không quên dặn bảo tướng quân Sīha điều quan trọng: - Bây giờ ông đã là đệ tử của Như Lai, sống trong giáo pháp thanh tịnh và cao thượng – thì ông phải biểu lộ cho kỳ được đức hạnh thanh tịnh và cao thượng ấy: Vẫn cứ làm căn nhà mẹ và nguồn nước ngọt cho giáo chủ và đồ chúng Nigaṇṭha Nāṭaputta đấy nhé! Trở về nhà rồi mà lòng còn bổi hổi, bồi hồi – vì suốt cuộc đời, chưa có khi nào mà ông tướng quân có được niềm vui nhẹ nhàng, siêu thoát như hôm nay! Cái hỷ lạc thanh tịnh này nó cứ bập bùng, cứ âm ỉ, cứ reo ca mãi... như chim vui đầu cành, như giọt nắng trong lành buổi tinh sương, như đám mây trắng nhẹ nhàng lướt qua, lướt qua... Nghĩ đến buổi cúng dường ngày mai, ông cho gọi người quản gia đến để chỉ việc. Ông nói đại lược rằng, ta sẽ có cuộc cúng dường lớn đến đức Tôn Sư của ta cùng hội chúng tỳ-khưu năm trăm vị. Hãy triệu tập gia nhân và người làm công để làm các căn lều vải, bàn ghế cao thấp, các chỗ ngồi có tọa cụ, có lót thảm để tới lui và thảm chùi chân. Đây đó phải có những ghè nước, những khăn chùi chân, khăn rửa tay có tẩm hương. Điểm xuyết chỗ này chỗ kia là tất thảy mọi loại hoa nhiều hương sắc kiếm tìm được. Nấu ăn trai soạn phải đầy đủ thượng vị loại cứng, loại mềm, bánh trái gì đó ngon thơm, bổ béo và ngọt ngào nhất. Phải nhớ, ngày mai chính là ngày kỷ niệm mà ta được sinh ra trong giáo pháp của đức Tôn Sư đấy! Vậy phải làm sao cho trọng thể, tốn kém tiền bạc đừng có để mắt tới! Ông còn nhớ bữa cúng dường thọ trai của kỹ nữ Ambapālī không, hở? Cứ nhớ chuyện ấy mà làm! Người quản gia tài giỏi và mau mắn nhận lãnh trách nhiệm; nhưng lại hỏi: - Chúng ta có sẵn hằng trăm chú gà vịt đang tơ, cũng có mấy chú nai, dê, cừu đang tơ – nhưng có cần mua thêm những con thú đặc biệt như bê sữa, như gà rừng, như bồ câu non... để giết thịt cho cao sang, cho tăng thêm chất, tăng thêm hương vị không, hở chủ? Tướng quân Sīha chợt mỉm cười, nhẹ nhàng vỗ vai vị quản gia trung tín: - Này, ông bạn già! Bây giờ ta không còn là con người cũ nữa. Rồi tất cả vật nuôi kia ta sẽ thả hết, ta sẽ cho đi hết... Ông nên nhớ rằng, từ rày về sau, thức ăn trong nhà, trong trang trại phải là những con vật đã chết rồi. Ngày mai là thế mà sau này cũng thế! Tấm lòng của ta, ngôi nhà của ta phải biết che chở, biết bao dung và biết quý trọng sự sống của muôn loài! Người quản gia trố mắt. Đúng là phép lạ! Cái ông Thế Tôn kia quả là trổ tài ảo thuật thật rồi, trong thời gian ngắn ngủi - chỉ chừng bóng mấy con ngựa chạy - mà có thể biến chuyển tâm tánh của một ông thủ lãnh tướng quân như thế, không là kỳ diệu sao? Cuộc bố thí, cúng dường lớn mới qua đi nửa buổi mà dư luận kinh thành Vesāli đã bàn tán sôi nổi. Người quản gia về kể cho tướng quân nghe rằng:“ Rất nhiều đồ chúng của Nigaṇṭha Nāṭaputta đi từ đường phố này sang đường phố khác, từ ngõ lớn này sang ngõ nhỏ khác; chúng quơ tay kêu réo, la hét đến khản giọng như sau: Hôm qua, tướng quân Sīha đã giết những con thú lớn, thú nhỏ - làm bữa trai phạn để đãi đằng cho sa-môn Gotama cùng đệ tử của ông ta. Sa-môn Gotama tuy biết được điều ấy nhưng vẫn thọ dụng như thường. Thế rõ, giáo pháp ấy là tà mạng, bất chánh. Người cố ý giết thịt và kẻ cố ý ăn thịt đều chịu chung một sát nghiệp như nhau!” Tướng quân Sīha nghe xong, im lặng một lát rồi trầm tĩnh hỏi người quản gia: - Ví như ta trả lời thì phải trả lời làm sao với sự đặt điều rỗng không ấy? - Thưa chủ! Con đã được ngắm nhìn đức Thế Tôn và hội chúng tỳ-khưu. Con đã thấy phong thái, cử chỉ và tư cách của họ lúc đi đứng, lúc nhận vật thực cũng như khi thọ dụng, vo tròn từng vắt cơm nhỏ, rất cẩn trọng và rất tri túc. Thật khác xa một trời một vực với giáo chủ và giáo chúng Nigaṇṭha Nāṭaputta trước đây. Con lại được nghe pháp nữa. Thật là mát mẻ và hoan hỷ cái lỗ tai. Bữa trai phạn lại tự tay con làm theo lệnh của chủ. Vậy thì những lời mà giáo chúng kia cố ý vu cáo, phỉ báng đức Phật, cố ý vu cáo, phỉ báng đức Pháp, cố ý vu cáo, phỉ báng đức Tăng – thì rõ là chúng không tự lượng sức mình, đã phí công, đã láo khoét một cách vô ích... chẳng thể nào làm tổn hại uy tín của giáo hội chơn chánh được. - Đúng lắm, này ông quản gia! Từ rày cho đến trọn đời, một con sâu, một cái kiến – ta cũng không giết hại. Mà cho dù có bị uy hiếp đến tính mạng, ta cũng không tước đoạt sự sống của loài hữu tình đâu, ngươi nên nhớ như vậy! Đấy đúng là sự thật trong tâm của vị thánh đệ tử. |