|
Thêm Một Vị Đệ Tử Lớn
Nhắc lại chuyện đức Phật, sau khi độ cho chàng thanh niên nô lệ xuất gia, ngài và hội chúng tiếp tục bộ hành về phương Buổi chiều, thấy đức Phật vẫn chưa tính chuyện lên đường, tôn giả Sāriputta đến gần bên thưa hỏi: - Dường như đức Thế Tôn cố ý chờ đợi một người? - Phải đấy, này Sāriputta! Như Lai chờ đợi một người khá quan trọng cho giáo pháp! - Xin đức Thế Tôn cho đệ tử được nghe? Rồi đức Phật nói về gốc gác Kaccayāna cho tôn giả Sāriputta nghe. Sau đó, tôn giả đã kể lại cho đại chúng rằng: “ Phía cực “- Đúng là đức Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời thật rồi!” Hôm kia, Kaccayāna suy nghĩ như thế khi đến Vườn Nai, thấy khá nhiều cốc liêu và cả một hội chúng thanh tịnh. Chàng ở cạnh một khu rừng để quan sát các sa-môn đi trì bình khất thực, tọa thiền, kinh hành, giặt y áo, làm vệ sinh sân vườn, sàng tọa... Đâu đâu cũng gọn gàng, sạch sẽ, ngăn nắp... và nhất là ở đâu, lúc nào cũng an bình và tĩnh lặng! Nghe tin đức Phật đang ở Kỳ Viên, chàng âm thầm từ giã Isipatana để ra đi, ngược đường lên hướng Bắc.. Sớm hôm kia, không thông báo với ai, ngoại trừ tôn giả Sāriputta, đức Phật từ giã ngôi rừng, ôm bát ra đi một mình. Sau khi kiếm vật thực vừa đủ dùng, ngài men theo sông Gaṅgā theo hướng về Vườn Nai, ngồi dưới gốc cây to để độ ngọ và nghỉ trưa. Khi đức Phật đang tọa thiền thì Kaccayāna từ hạ lưu sông Gaṅgā đi lên. Đến bên gốc cây, Kaccayāna cũng dừng chân lại, bất giác, chăm chú quan sát vị sa-môn áo vàng có tướng hảo rất quang minh! Lát sau, không dám làm kinh động, chàng nhẹ nhàng thu vén một góc để độ thực rồi tọa thiền nghỉ ngơi! Một khắc qua đi, Kaccayāna xả thiền, chuẩn bị lên đường, liếc nhìn qua bên kia thì thấy vị sa-môn dường như còn trú sâu vào đại định; và không gian xung quanh như thấm đẫm làn khí thanh bình và mát mẻ. Ngạc nhiên quá, Kaccayāna lặng lẽ ngồi xuống. Toàn thân vị sa-môn như phát sáng, lấp lánh hào quang; rồi hào quang ấy chập chờn từng đôi một, từng vòng tròn một, ửng hiện năm sắc màu khác nhau làm lu mờ cả mặt trời ở trên cao! Kaccayāna đang say sưa quan sát hiện tượng lạ lùng thì thấy từ phía dưới đi lên một đoàn sa-môn áo vàng, mà dẫn đầu cũng có mấy vị với tăng tướng, nghi dung đẹp đẽ và rạng rỡ không kém gì! Đến gần cội cây, họ trật y vai phải, đãnh lễ vị sa-môn rồi ngồi xuống rải rác ở xung quanh, cũng rất lặng lẽ! Kaccayāna chợt dưng hiểu ra sự vụ, biết đích xác vị sa-môn ấy là ai; không tự chủ được mình, chàng quỳ năm vóc sát đất, không nói được một lời tiếng nào! “- Kaccayāna! Như Lai chờ đợi ông đã lâu! Sao bây giờ ông mới đến?” Tiếng đức Phật thoảng nhẹ bên tai Kaccayāna, chàng ấp úng: - Bạch đức Tôn Sư! Đệ tử đã đến đây rồi! - Ừ, ông đến rồi nhưng ông còn đi nữa không, Kaccayāna? Câu hỏi của đức Phật làm cho Kaccayāna lúng túng, ngơ ngác. Cả hội chúng cũng không ai hiểu. Ngoại trừ tôn giả Sāriputta thì mỉm cười! Tiếng đức Phật vọng lại mồn một bên tai Kaccayāna: - Còn đến, còn đi là còn thời gian, tất là còn sinh tử đấy – Ông có thấy không, này Kaccayāna? Chợt dưng, ngay giây khắc ấy, Kaccayāna đắc pháp nhãn, đặt được bàn chân đầu tiên vào giáo pháp bất tử. Chàng quỳ mọp xuống, ôm chân bụi của đức Đạo Sư: - Tri ân đức Tôn Sư! Đệ tử đã thấy rồi! Đệ tử trở về với đức Tôn Sư, với hội chúng thanh tịnh này, đệ tử sẽ không đến và không đi nữa! - Có chắc vậy không, Kaccayāna? Đức Phật tiếp tục pháp thoại xem thử cái thấy của chàng như thế nào – Không đến, không đi – nhưng nó có nhân, có duyên gì không, Kaccayāna? - Có nhân thì nhân sanh, nhân diệt; có duyên thì duyên hệ duyên, duyên sở duyên - bạch đức Tôn sư! - Thế thì phải cắt đứt nhân, cắt đứt duyên hay sao, Kaccayāna? - Nếu cắt đứt thì rơi vào hư vô, đoạn diệt kiến! Nếu không cắt đứt thì phó mặc cho bộc lưu - bạch đức Tôn Sư! - Vậy thì làm thế nào để thoát ra khỏi bộc lưu[i] , Kaccayāna? Kaccayāna lại rơi vào bế tắc. Cũng đúng thôi! Tôn giả Sāriputta tự nghĩ! Đây là những pháp thoại cao siêu, rốt ráo nhất, thù thắng nhất, mà, Kaccayāna chỉ là kẻ sơ cơ mới bước vào dòng! Dù ông ta kiến thức có thâm uyên, nghị luận có biện tài cách mấy – cũng đành phải bất lực trước những câu hỏi tế nhị thuộc tuệ giải thoát, chúng không nằm trong lãnh vực kiến thức và trí năng! Đức Phật chợt mỉm cười vì hiểu được tâm ý của người đại đệ tử: - Hãy gỡ bí cho Kaccayāna xem coi nào, Sāriputta? - Câu này đệ tử chỉ lặp lại khi đức Tôn Sư giáo giới cho một lão bà-la-môn. Đệ tử xin được nói lại đúng nguyên văn, như sau: “Như Lai không bước tới, Như Lai không dừng lại – Như Lai ra khỏi bộc lưu!” - Vậy thế nào là bước tới? Thế nào là dừng lại - hở con trai trưởng của Như Lai? - Vì bước tới là sẽ trôi lăn, dừng lại là sẽ chìm đắm, bạch đức Tôn Sư! - Vậy là phải! Vậy là đúng, này Sāriputta! Rồi đức Phật nói với Kaccayāna – Còn ông, đừng suy nghĩ nữa, suy nghĩ sẽ không tới đâu! “Hãy lại đây! Này tỳ-khưu!” [ii] Hôm nay, Như Lai đã chứng nhận cho ông là một vị tỳ-khưu trong giáo hội thanh tịnh rồi đấy! Thế là Kaccayāna trở thành một vị tỳ-khưu - mặc dầu y bát và tăng tướng chưa đúng cách. Sau đó, đức Phật giới thiệu Kaccayāna với mọi người và ngược lại. Bây giờ, Kaccayāna mới biết đến vị sa-môn đức tướng trang nghiêm, vầng trán cao sáng đối thoại với đức Phật vừa rồi chính là tôn giả Sāriputta - vị đệ nhất đại đệ tử, bậc thượng thủ của giáo hội! Chỉ thoáng nhìn, thoáng nghe vài câu - Kaccayāna sớm hiểu rằng, mọi kiến thức và khả năng biện tài của chàng sẽ không lý nghĩa gì ở trong giáo hội minh triết, của những con người minh triết như thế này! Vị thứ hai là tôn giả Ānanda, hoàng đệ của đức Phật, trông phương phi với nhiều mỹ tướng đặc thù, tỏa rạng một nhân cách hy hữu. Khi đức Phật và hội chúng lên đường; tôn giả Ānanda thấy Kaccayāna cứ đăm chiêu, bèn mỉm cười nói: - Rồi hiền giả sẽ biết thôi, sẽ thấy thôi! Đừng thắc mắc mà làm gì! - Nhưng đầu óc tôi nó cứ làm việc! Nó cứ đặt câu hỏi: Làm thế nào để không dừng lại? Làm thế nào để không bước tới? - Hãy xem nào, hiền giả! Tôn giả Ānanda cất giọng ôn nhu, điềm đạm - Đức Tôn Sư có dạy rằng, khi căn duyên trần thì có những dòng sông trôi chảy, trôi chảy rất mạnh nên nói là bộc lưu! Ví như dòng sông cảm giác, dòng sông thức tri... hiền giả có thấy thế không? - Vâng, vâng, tôi thấy rồi! - Thế thì đơn giản thôi! Vậy thì lúc nào cảm giác và thức tri bị đắm chìm? Lúc nào thì cảm giác và thức tri bị trôi lăn? Hiền giả hãy nhìn ngắm, hãy quan sát chúng xem nào? Hãy như lý tác ý miên mật về điều ấy để ra khỏi bộc lưu, này hiền giả! - Vâng, vâng, tôi thấy rồi! Tri ân tôn giả! Nghe tôn giả Ānanda giảng pháp - đức Phật và tôn giả Sāriputta đều mỉm cười - vì cách nói, cách nhìn, nội dung, cả văn phong, ngữ nghĩa... không ai dám nói là Ānanda mới chỉ đắc quả Nhập Lưu! |