NGƯỜI HIỀN TRÍ

 

Trong một kiếp quá khứ, tiền thân Phật Thích-ca làm thái tử con vua xứ Ba-la-nại, vừa thông minh, vừa nhân hậu nên người ta quen gọi là thái tử Hiền Trí.

Thái tử sinh ra, chư thiên rải hoa. Ðức Vua nằm mộng thấy ngai vàng bay lên giữa hư không. Sáng ngày, Ðức Vua cho gọi bốn vị trưởng lão Bà-la-môn hỏi thăm điềm triệu.

Một vị đáp:

- Muôn tâu bệ hạ, thái tử vốn từ cõi trời mà giáng sanh. Ngai vàng bay lên giữa hư không là cho biết sau này ngài dạy muôn dân sống theo thiên pháp.

Ðức Vua đẹp dạ, giảm thuế má cho dân.

Khi thái tử Hiền Trí vừa biết chạy, biết đi, hoàng hậu lại cho nhà vua thêm một đứa trẻ nữa, khuôn mặt tròn, mát mẻ và hiền dịu như mặt trăng nên nhà vua đặt tên là Nguyệt Diện.

Ðức Vua hoan hỷ mở tiệc ăn mừng. Khắp nơi lê dân mở hội hoan ca chung vui niềm vui quốc độ.

Ba năm sau, hoàng hậu chẳng bệnh mà qua đời. Ðức Vua thương tiếc khôn nguôi, lại càng yêu hai trẻ hết mực.

Hiền Trí không vì tình thương của vua cha mà đâm ra hư hỏng, bao giờ cũng chăm chú dùi mài kinh sử, luôn chứng tỏ tư cách của bậc long tượng. Thấy Nguyệt Diện ham chơi, Hiền Trí thường gọi em đến răn dạy:

- Em tên là gì nhỉ?

- Là Mặt Trăng, thưa anh.

- Bổn phận của nó là làm công việc gì?

- Thưa, nó là chúa của ban đêm, chiếu dọi ánh sáng dịu hiền cho muôn loài, muôn vật.

- Ðúng thế! Nhưng mặt trăng ấy gặp lúc bị mây che hoặc gặp mùa đông tuyết giá thì sao?

Nguyệt Diện không thông minh bằng anh nên không hiểu được ẩn ý trong câu chuyện. Thái tử Hiền Trí bèn giải thích:

- Em yêu dấu! Mẹ chúng ta mất, có lẽ chúng ta sẽ sống trong những ngày tháng đông dài lạnh lẽo. Vậy em đừng nên bỏ phí thời gian trôi qua vô ích, phải chịu khó học hành, chịu khó luyện võ, thức khuya dậy sớm để chuẩn bị hành trang cho mai sau.

Ðúng như thái tử Hiền Trí tiên đoán, mấy năm sau, nhà vua phong một thứ phi lên làm hoàng hậu và mọi sự sủng ái đều dành hết cho bà. Kết quả cuộc tình mặn nồng này lại cho Ðức Vua thêm một hoàng nam, khuôn mặt sáng rỡ như mặt trời, nên nhà vua đặt tên là Nhật Diện.

Ðức Vua gọi hoàng hậu lại phán rằng:

- Này ái khanh, trẫm hài lòng vô cùng về cái "Mặt Trời" đẹp đẽ, rực rỡ của chúng ta. Vậy thì trẫm sẽ ban cho ái khanh một đặc ân, trẫm sẽ thực hiện cho ái khanh một lời yêu cầu.

Hoàng hậu tự nghĩ: "Chẳng có đặc ân nào thỏa mãn được nguyện vọng ta bằng chiếc ngai vàng cho đứa con trai yêu quý." Nhưng bà chưa nói ra điều này vội, và đã bắt đầu đem tâm ghét bỏ hai người con lớn của Ðức Vua.

Nhật Diện lớn lên, kính trọng hai anh và hiếu thảo với cha mẹ. Mặc dầu còn nhỏ tuổi nhưng trẻ đã sớm biết tình thương phân biệt của mẹ mình, lại càng nhũn nhặn yêu qúy hai anh hơn.

Hiền Trí hiểu tất cả mọi chuyện, chàng thương cả hai em bằng tình thương rộng lớn của mình, cặn kẽ chỉ dạy cho hai em về nhiều môn học khác nhau, còn tận tình và tài giỏi hơn các thầy Bà-la-môn phụ đạo. Ðức Vua mỉm cười sung sướng về ba vị hoàng tử anh tuấn và tài cao.

Hôm kia, nhân tiện ghé thăm Hiền Trí, Nhật Diện vô tình khám phá trong chăn anh có con rắn nhỏ cực độc. Chàng định tri hô lên. Hiền Trí xua tay ra dấu im lặng, tìm cách đuổi rắn đi và bảo em nên kín miệng cứ xem như không có việc gì. Sau đó, khuyên Nguyệt Diện qua ở chung để anh em sớm hôm bầu bạn: Hiền Trí muốn âm thầm bảo vệ em cho chu đáo vì sợ ác tâm của người mẹ kế.

Thấy mưu rắn độc không thành, hoàng hậu thưa với Ðức Vua:

- Tâu Hoàng thượng, thuở Nhật Diện vừa mới ra đời, Hoàng thượng có hứa khả ban cho thần thiếp một đặc ân.

- Phải rồi, ái khanh cứ nói, ái khanh muốn gì nào?

Người đàn bà chớp chớp đôi mắt kiều mị cất giọng thỏ thẻ, quyến rũ như uyên ương:

- Muôn tâu, phận cát đằng hèn mọn từ lâu được núp bóng tùng quân cao cả, đội ơn mưa móc, thần thiếp thật không thiếu thứ gì. Chỉ xin Hoàng thượng phong cho Nhật Diện được làm Ðông cung thái tử.

Ðức Vua bàng hoàng cả người. Vừng trán đấng cửu trùng hốt nhiên se lại. Lâu lắm, Ðức Vua cất giọng ôn tồn:

- Này ái khanh, ái khanh chẳng thể có lời yêu cầu khác sao? Vật báu của thiên hạ còn chất đầy cung khố, thảng hoặc, trẫm có thể ban cho ái khanh một phần của giang sơn cho ái khanh thỏa vọng vương quyền?

Người đàn bà run rẩy, búi tóc màu ngọc tía tung rối bời, hàng lệ tươm mọng rỉ giọt, tiếng khóc rưng rức rung động cả tầng mây. Ðức Vua Ba-la-nại lòng loạn lên như mớ bòng bong, bước tới bước lui tê điếng như bị cái đốt của chúa loài ong. Lại phân trần:

- Hỡi ái khanh ngàn vàng của trẫm! Ngôi chí tôn mệnh trời đã sắp đặt, trẫm đã phong cho Hiền Trí làm thái tử từ lúc mới tuổi tôi. Hiền Trí cốt tượng, dáng long, trí đức văn võ toàn tài, đúng là chân mạng của bậc thánh vương. Nó còn là con trưởng, lại chưa hề tạo ra một lỗi lầm dù nhỏ như hạt bụi, chẳng lẽ trẫm lại phế bỏ đi sao? Rồi còn Nguyệt Diện? Nó cũng tài cao, anh tuấn, nhân hậu, thập toàn, thập mỹ, có thua ai ở quốc độ này? Ái khanh phải thấy rõ tình lý của vấn đề chứ? Thứ bậc đã chia phân thì dẫu trời này có sập đi nữa, trẫm cũng chẳng thể hoán cải được nào!

Hoàng hậu tức tưởi trở lại loan phòng, chất chứa nỗi hờn căm và lòng tàn nhẫn của loài beo chúa.

Vùng biên thùy tây bắc quốc độ, khắp mười ba trấn, dân chúng nổi lên làm loạn. Cấp mã báo tin về triều nội nườm nượp như én lượn ngày xuân.

Kinh thành nghe tin hỗn loạn lên. Mấy ngày sau phố phường chợt lặng ngắt, đường sá thưa thớt người qua lại. Triều đình họp kín mấy tuần. Lửa sắp cháy đến kinh đô. Bá quan bó gối tìm không ra phương kế. Khí thế giặc dữ như sóng tràn, như địa lôi, như bão động. Ðứng đầu cuộc nổi loạn là một lão phù thủy biết hô phong hoán vũ, chỉ huy âm binh lần lượt đánh chiếm đã hết hai phần ba vành đai quốc độ. Giặc đang như cơn lốc sắp cuộn vào trung tâm.

Quốc vương xứ Ba-la-nại không chợp mắt, mấy ngày không nuốt trôi chén cháo trân châu, trên đầu tóc đã bạc trắng tự bao giờ.

Một buổi sáng, thái tử Hiền Trí nai nịt gọn gàng và đẹp đẽ như một viên dũng tướng nhà trời, xuất hiện giữa trăm quan:

- Muôn tâu Hoàng thượng! Ðây đúng là lúc thần nhi xin đem tấm thân hèn mọn để đáp đền trọng ân sơn hà xã tắc.

Giọng nói, dáng đứng, đôi mắt sáng quắc như điện của thái tử có sức lôi cuốn cực mạnh. Ðức Vua ngạc nhiên một hồi, nhưng sau đó tự nghĩ: "Con ta chưa hề nói dối, cũng chưa bao giờ làm một việc gì mà không tự lượng sức mình", bèn thận trọng nói:

- Con nên nhớ là "Pháp bất vị thân", một lời nói ra giữa triều đình như dao chém đá. Con hỡi! Thế giặc mạnh vô cùng. Con liệu có đương nổi với lão phù thủy ấy không?

Thái tử Hiền Trí nghiêm cung đáp:

- Thần nhi xin đem hết sức mình.

Ðức Vua chẳng đặng đừng, từ chín bệ, thân hành trao chiếc gươm lệnh cho thái tử, phong làm Tây chinh Ðại nguyên soái, điều động ba muôn binh mã.

Nhận gươm vàng, thái tử phủ phục tâu:

- Xin Hoàng thượng anh minh! Không điều động binh mã thì triều đình bất an, điều động binh mã thì lòng người lo sợ. Thần nhi thấy chẳng có kế sách vẹn toàn.

Như một tảng băng lạnh rơi xuống cung phòng, Ðức Vua và bá quan cả kinh thất sắc, chẳng hiểu thái tử muốn gì.

Hiền Trí chậm rãi nói:

- Mây thành, sao chổi xuất hiện là điềm triệu trong nước có loạn biến. Ðấy là mệnh trời, sức người không cưỡng được. Suốt một tuần nay, thần nhi xem thiên văn thì thấy đế tinh của phụ hoàng quả có đám vân thạch từ tây bắc uy hiếp. Tuy thế, đến ngày thứ sáu, đám vân thạch kia lu mờ và chìm mất dần dần. Chân tinh của phụ hoàng vẫn sáng rỡ rỡ, tối thiểu cũng còn được mười hai năm nữa.

Ðức Vua thở phào nhẹ nhõm.

Thái tử tiếp lời:

- Do vậy, muôn tâu, thần nhi ra đi trong bước viễn chinh, lấy đức "nhân" làm đầu, tránh nghiệp sát cho lê thứ, nên chỉ xin mang theo vài mươi tráng sĩ tùy tùng huynh đệ.

Ðức Vua cau mày, thận trọng khẽ nhắc lại:

- Thế giặc quá mạnh.

Thái tử mỉm cười:

- Muôn tâu, xin phụ hoàng an tâm, thần nhi đã chuẩn bị đâu vào đấy cả rồi.

Lời nói vừa dứt, hai mươi tuấn mã xuất hiện trước vương cung. Ðức Vua và bá quan đồng bước ra xem. Hai mươi tráng sĩ binh giáp, khí giới sáng lòa đồng phi xuống một lượt, gươm tuốt trần, khí vũ hiên ngang, thần oai lẫm lẫm đồng nghiêng mình hô lớn:

- Thánh thượng vạn tuế!

Âm thanh rần rật bốc cao như chấn động cả chín tầng mây.

Ðức Vua xứ Ba-la-nại thấy dáng dấp hai mươi tráng sĩ oai hùng quá cũng bớt lo ngại phần nào, nhưng với chừng ấy chiến sĩ thì làm sao đương nổi với giặc dữ ở biên thùy?

Thái tử Hiền Trí dường như đoán được điều ấy nên nói:

- Phụ hoàng hãy chờ nghe tin chiến thắng.

Ðức Vua ân cần nắm tay thái tử từ giã.

Ðoàn kỵ mã lao đi như gió cuốn. Một lúc, phía chân trời xa chỉ còn thấy một đám bụi mờ.

Hai mươi mốt chiến mã phi suốt ngày đêm, vượt qua năm con sông, mười hai dãy núi thì đến trấn thành gần nhất.

Thái tử đứng trên một ngọn đồi cao nhìn xuống một biên thành đang bị giặc chiếm. Nhà cửa cây cối còn nghi ngút cháy trong đám lửa tàn. Từng toán người chạy loạn bồng bế nhau về hướng đông, tiếng gào khóc kêu la vọng lại.

Thái tử chợt se mình, đau xót cho đám sinh linh vô tội. Hồi lâu, như đã quyết định, thái tử quay qua đám tùy tùng tráng sĩ, cất giọng nghiêm hòa:

- Hỡi chư tráng sĩ huynh đệ! Thầy ta vốn là một đạo sĩ ẩn danh ở núi Nguyệt Ðàn, nơi tịnh cư của những tiên ông đắc đạo. Bấy nay ta chỉ được học về thiên tháp nên chưa hề móng tâm khởi ác niệm. Hôm nay, vì sự an nguy của xã tắc, sự hạnh phúc sống còn của bá tánh, ta đành gánh chịu hậu quả mai sau để sử dụng "sát đao"!

Hai mươi tráng sĩ đồng thanh hô:

- Thái tử nhân đức vạn tuế!

Thái tử Hiền Trí lại thở dài:

- Huy động binh mã, sử dụng đao kiếm, cung thương là chuyện bất đắc dĩ. Con đường của các đấng Chuyển Luân Vương thuở trước bao giờ cũng lấy trí, đức, nhân mà cảm hóa lòng người. Này chư tráng sĩ mến yêu! Chúng ta đã cùng nhau tập tành kiếm cung võ nghệ, tất cũng có lúc hữu dụng. Dẫu là hữu dụng, nhưng anh em luôn luôn nhớ rằng, nếu có thành công, ấy cũng chỉ là phương cách hạ thừa đấy thôi! Thật là đáng hổ thẹn nếu chúng ta đắc chí về điều ấy.

Hai mươi tráng sĩ lại hô lớn:

- Chúng tôi hiểu, hoan hô thái tử nhân đức!

Thái tử mỉm cười, lấy từ sau vai ra hai mươi mũi tên vàng, lần lượt trao cho từng người rồi nói:

- Tuyệt đối không đụng đến lê dân. Tuyệt đối không đi theo con đường cường bạo. Phải tốc chiến, tốc thắng. Hai mươi mũi tên vàng "hoàn tiễn" kia cùng bắn ra một lượt ngay trái tim của lão phù thủy. Chuyện còn lại cứ để phần ta.

Hai mươi mốt chiến mã lại tức tốc xuống đồi. Ngựa phi vun vút, dường như chỉ dính trên đầu cỏ. Ðến canh hai, đoàn phi mã đã đến cổng thành. Ngựa thái tử chợt bay về phía trước như mũi tên. Thái tử rút thanh đại đao khua mấy đường, cánh cửa sắt dày rã ra như củi mục. Ðoàn phi mã phía sau không dừng vó, bay thẳng đến một tòa lâu đài đang còn sáng ánh đèn.

Quân canh mặt thành hốt hoảng báo động. Khắp nơi nhốn nháo, hỗn loạn, đàn ca im bặt. Một lúc chợt có đám lửa to bay lên đài cao, hiện thành hình người xõa tóc, tung một nắm cát lên trời.

Thái tử vỗ tay. Hai mươi mũi tên vàng lướt đi xé gió ghim trúng tim của lão phù thủy. Nhưng từ đó, một cánh đại bàng vỗ cánh bay mất.

Thế là lão phù thủy thoát được thân nhưng thái tử lại thu được thành. Quân giặc cởi giáp quy hàng. thái tử bình định lòng người và vỗ về, an ủi dân chúng.

Thế rồi, thái tử và hai mươi tráng sĩ không nghỉ ngơi, đạp suối băng sông, lần lượt chiếm lại mười thành chỉ trong tháng thứ nhất. Lưỡi đao thiên pháp của thái tử và hai mươi mũi tên vàng "hoàn tiễn" của tiên ông núi Nguyệt Ðàn vốn là khắc tinh của yêu ma hạ giới. Lão phù thủy bó tay chạy về cứ địa cuối cùng.

Hôm kia, thái tử chợt dừng vó ngựa vô địch, ngẩng đầu nhìn trời rồi buột miệng nói:

- Ta sắp bị lâm nạn rồi!

Khi quay lại, từ các phía chân trời, cờ xí phấp phới như sao sa.

Hai mươi tráng sĩ chết sững trên mình ngựa. Họ hoàn toàn bị vây chặt ở giữa lòng chảo. Mọi người cả kinh đưa mắt nhìn nhau.

Nhưng không, đó là mười vị quan biên trấn cảm kích thái tử đã giải vây nạn binh đao nên họ đồng lòng triệu tập quân dân mấy vạn người đến suy tôn thái tử lên làm Phó Vương.

Hai mươi tráng sĩ nhảy xuống ngựa, hợp cùng đoàn người tung hô:

- Ðức Phó Vương vạn tuế!

Nỗi vui mừng của vạn người như một. Âm thanh vang động tưởng làm cho núi đổ, thành xiêu. thái tử đứng cao trên một tảng đá, dõng dạc nói:

- Hỡi chư quan, binh sĩ và muôn dân! Ta rất cảm kích trước tình cảm mến mộ mà mọi người đã dành cho ta. Từ chối chức vụ Phó Vương là ta phụ lòng mọi người. Mà phụ lòng mọi người tức là "bất nhân" vậy.

Cả muôn người lại hô:

- Phải rồi! Ðức Phó Vương vạn tuế!

Thái tử phất cánh chiến bào cho đám đông im lặng rồi cao giọng tiếp tục:

- Nhưng mà ta ra đi là theo lệnh phụ hoàng. Khi chưa được chiếu chỉ của phụ hoàng mà nhận chức thì ta sẽ thành người "bất hiếu". Nhận thì bất hiếu, không nhận thì bất nhân, thử hỏi bây giờ ta phải xử lý sao cho ổn thỏa?

Mọi người ngơ ngác. Họ không biết làm thế nào để cho tròn đạo lý.

Thái tử mỉm cười:

- Vậy để khỏi phải bị mang tiếng bất nhân thì hãy cho ta hẹn lại một thời gian. Muốn khỏi mang tiếng làm người bất hiếu thì hãy để ta đợi lệnh của Vương phụ.

Trong lúc mọi người vỗ tay rầm rập tán thưởng lối xử trí khéo léo của thái tử thì một trang kỵ mã phi ngựa đến. Ngựa chưa tới, mà tiếng nói đã tới:

- Hoàng thượng có chiếu chỉ! Hoàng thượng có chiếu chỉ!

Trang kỵ mã người nhuốm đầy bụi, nhảy xuống ngựa, thò tay lấy cuộn giấy ra, hét lớn:

- Quan dân biên trấn phụng chiếu mệnh!

Không ai hiểu chuyện gì nhưng cũng quỳ xuống, thái tử quỳ theo.

Trang kỵ mã hùng hồn đọc:

"- Không có lệnh của trẫm mà hoàng nam Hiền Trí tự động kéo theo hai mươi thuộc hạ đến miền tây bắc liên lạc với giặc để mưu chuyện phản nghịch. Truyền cho quan và dân biên trấn hãy trảm đầu tên tặc tử. Ai lập được công này sẽ được thưởng một trăm ngàn đồng tiền vàng. Ai bất tuân hoặc cưỡng lệnh sẽ bị tru di chín họ. Khâm thử."

Không ai tin ở tai mình.

Hai mươi tráng sĩ thân tín biết lời tiên tri của thái tử đã hiệu nghiệm, khuôn mặt tái ngắt. Mọi người bàng hoàng kinh sợ. Thái tử trầm tĩnh đứng dậy. Trang kỵ mã phụng chiếu nhà vua đứng chống nạnh quát tháo om sòm nhưng chẳng ai nhúc nhích vì cái chiếu chỉ phi lý kia. Nhưng một trăm ngàn đồng tiền vàng là số tiền quá lớn, có thể sống giàu sang nhiều đời nên cũng làm tối mắt một số người.

Lâu lắm, có một người bước ra giữa tiếng la ó, thóa mạ của đám đông. Y huơ đao.

- Hãy xem lại - tiếng một người hét to - biết đâu là chiếu giả!

Thái tử lắc đầu:

- Không phải chiếu giả đâu. Ta biết. Ðúng là ngọc ấn của phụ vương ta.

Mọi người lại im lặng, ngột ngạt.

Thái tử cất giọng ôn nhu:

- Hỡi chư quan, binh sĩ và muôn dân! Các ngươi hãy thi hành chiếu chỉ của phụ vương ta. Ðừng vì yêu mến ta mà trái phép nước. Các ngươi mà trái phép nước thì thảm họa sẽ rơi xuống đầu chín họ. Một mình ta mất đi mà đổi lại các ngươi được an lành thì thân ta cũng còn đáng giá lắm vậy.

Các quan đồng quỳ xuống:

- Không thể được, hỡi thái tử nhân đức! Thái tử không thể chết được!

Thái tử mỉm cười trấn an:

- Sống, ta chưa nghĩ rằng vinh. Chết, ta chưa nghĩ rằng nhục. Bao giờ tấm lòng ta cũng tròn đầy vành vạnh như nhật nguyệt giữa trời cao. Các ngươi không lấy đầu ta thì làm sao tránh khỏi họa lớn vào thân?

Thái tử tháo chuỗi ngọc ra:

- Ngoài tiền thưởng hậu hỷ, ta biếu thêm xâu chuỗi ngọc vô giá này cho ai vâng lệnh chiếu chỉ.

Một người nữa bước ra, nhìn xâu chuỗi ngọc, khoa đao lên. Một hồi, y quăng đao, nức nở khóc:

- Thái tử kính mến ơi! Làm sao có thể vì đồng tiền mà xâm phạm đến ngọc thể của người!

Một kẻ nữa bước ra, nhưng rồi y cũng quăng đao:

- Thái tử nhân đức ơi! Mặt tr?i kia sẽ tắt mất và quả đất này sẽ tối tăm vĩnh viễn!

Thái tử lại tháo thêm chiếc vòng tai:

- Thêm vòng kim cương vô giá cho kẻ chu toàn chiếu mệnh.

Thế là cuối cùng có tên đồ tể tự bịt hai mắt mình bằng một vuông vải đen, bước ra, đưa thanh đại đao lên...

Hoàng tử Nguyệt Diện, tức là em kế của thái tử Hiền Trí, bốn, năm hôm sau mới nhận được tin anh đã ra đi, tức tốc vào cung rút thanh đao báu, ngựa chẳng kịp thắng yên, phi luôn ra hướng tây, nhưng cửa thành đã đóng chặt. Quan thủ thành nói:

- Lệnh của Thượng hoàng là từ giờ phút này "nội bất xuất, ngoại bất nhập", xin hoàng tử lượng thứ cho hạ quan.

Nguyệt Diện bản chất hiền lành, tuy hậm hực trong lòng nhưng không nổi nóng, phi ngựa đến gặp vua cha, quỳ xuống tâu:

- Xin phụ vương cho phép hoàng nhi được theo anh con ra quan ải.

Ðức Vua không chuẩn lời, nhưng hoàng tử năn nỉ quá buộc phải ưng thuận.

Hoàng tử Nguyệt Diện mừng rỡ nói:

- Vậy thì Vương phụ xuống chiếu cho quan thủ thành phía tây mở cổng gấp cho hoàng nhi lên đường.

Ðức Vua trợn mắt hỏi:

- Sao lại phải xuống chiếu?

Nguyệt Diện trình bày tự sự.

Vua ngạc nhiên quày quả bước vào triều nội, triệu tập các quan hỏi nguyên do. Mọi người ngơ ngác chẳng rõ nguồn cơn. Không kịp mặc long bào, Ðức Vua cho đánh xe ra cửa thành tây.

Quan thủ thành sửng sốt:

- Hạ thần nào dám không tuân, khi chiếu chỉ chính là ngọc ấn của Hoàng thượng?

Hoàng tử Nguyệt Diện trực giác mách bảo, khóc òa lên:

- Thôi rồi, tâu phụ vương! Thế chắc hoàng hậu đánh cắp ngọc ấn, giả chiếu chỉ, thực hành thủ đoạn mờ ám với thái tử đang ở ngoài biên trấn.

Ðức Vua sực nhớ lại đôi mắt long lên căm hờn của hoàng hậu độ nọ sau khi thất vọng trong việc xin phong Ðông cung thái tử cho Nhật Diện. Nhà vua hối hả đến hậu cung, nhưng hoàng hậu ngọc thể bất an đang thiêm thiếp trên giường bệnh không tiện hỏi han.

Trên đường trở về triều, Ðức Vua rối trí chưa biết tính sao thì thấy một chàng kỵ mã thương tích đầy người vẹt vào từ cửa thành tây - khi ấy đã mở - rồi té xuống, máu tuôn xối xả. Nhận ra kẻ tùy tùng của mình, Nguyệt Diện chạy lại. Chàng kỵ mã gượng đưa cánh tay lên chỉ về phía tây, lắp bắp, phều phào:

- Chiếu chỉ... chiếu chỉ giả... trảm đầu thái tử... đã ra đi... mấy ngày trước...!

Nói xong, y thở hắt ra, ngoẹo đầu tắt thở.

Thế là đã rõ mọi chuyện. Hoàng tử Nguyệt Diện hét to lên, búng người bật cao, con long câu cất tiếng hí vang, dậm chân, dựng bờm lên, thót mình lao đi loang loáng. Ðức Vua xứ Ba-la-nại bần thần nhìn theo cái chấm đỏ đã khuất xa ngoài hoàng thành mà ruột đau đòi đoạn.

Mặc dầu ngựa phi như gió cuốn với sức thần mã vô địch, Nguyệt Diện vẫn thấy chậm. Chàng ôm siết đầu ngựa vỗ về:

- Này con yêu quý! Gắng lên nữa, gắng lên nữa để kịp cứu người anh kính trọng của chúng ta!

Thần câu như hiểu tiếng người, hí một tràng giữa hư không, mồ hôi máu rịn ướt chùm lông đỏ rực, bên tai hoàng tử chỉ còn nghe gió thổi vù vù. Núi đồi, sông suối, cây cối,... chạy giật lùi... chạy giật lùi...

Ðói không ăn, khát không uống, sáng hôm sau thần câu đã ngốn hết quãng đường hai ngày ngựa. Hoàng tử rẽ cương theo sườn đồi dẫn đến biên thành thứ nhất thì thấy một toán quân bịt mặt hùng hổ với khí giới nhảy ra chận đường. Hoàng tử rút thanh bảo đao hét lớn:

- Ta biết chúng bây là ai rồi, bịt mặt vô ích. Mưu kế của hoàng hậu bị lộ rồi! Hãy dạt ra, ta sẽ tha cho mạng sống.

Ðây là toán quân theo mật lệnh của hoàng hậu cốt ý ngăn trở thông tin ra chiến trường. Chính họ đã đụng độ với trang kỵ mã thân tín của hoàng tử Nguyệt Diện khi y tình cờ khám phá ra âm mưu của hoàng hậu. Thấy hoàng tử, họ sợ hãi đứng im. Họ lại biết rằng, với vài chục tên lính quèn thì không thể chống nổi võ nghệ siêu phàm và thanh bảo đao vô địch của hoàng tử.

- Hãy trốn đi - Hoàng tử thương hại nói - trở về làng mạc xa xôi mà sống, sau này khi tình hình lắng dịu rồi, hãy trở lại trình diện ta, ta sẽ xóa cho cái tội này.

Cả toán quân đồng buông khí giới, phủ phục dưới chân ngựa của hoàng tử:

- Chúng con xin tri ân hoàng tử nhân đức.

Hoàng tử phất tay, nói lời phủ dụ, rồi ngựa lại lao đi đến chỗ biên thành. Dấu tích chiến trường còn âm ỉ trong đám tro tàn. Muôn dân bá tánh lần lượt bồng bế nhau trở về. Tin từ các ngả đường vang lên rộn rã:

- Thái tử nhân đức của chúng ta đã lấy lại trấn thành thứ ba.

- Vài hôm trước đây, lão phù thủy đã biến thành con rắn bảy đầu về trấn thủ tòa thành thứ năm rồi.

Hoàng tử cảm thấy yên trí. Người và ngựa được nghỉ ngơi, ăn uống dưỡng sức rồi tiếp tục con đường thiên lý.

Tin tức từ cực tây bay về tấp nập:

- Thái tử đã thu hồi trấn thành thứ sáu rồi!

Lòng hoàng tử vui lên rộn rã. Ngựa lại phi, lại nghỉ ngơi, lại lên đường. Mấy hôm sau, hoàng tử lại nghe tin:

- Dân chúng đã mở hội liên hoan ở trấn thành thứ chín rồi!

Ôi! Tin tức chiến thắng còn đi nhanh hơn thần mã. Hoàng tử vui mừng khôn xiết, nhưng chợt nhớ là vẫn chưa bắt kịp bóng người mang chiếu chỉ giả, lòng lại nôn nóng, ngựa lại bay đi.

Mấy hôm sau, đến biên thành thứ mười. Thái tử cũng vừa chiến thắng, lão phù thủy mang vết thương trí mạng hóa thành con mãng xà ba đầu, máu tuôn kéo dài mấy quả đồi tranh. Sức thần câu giờ đã lên đến độ chót, hí vang khi bay qua những chiếc cầu bị sập cheo leo trên vực thẳm.

Các ngả đường, dân chúng rầm rộ kéo đi, cờ xí tung bay như bươm bướm. Ðây là toán người cuối cùng đi tấn phong thái tử lên làm Phó Vương.

Ðám đông vây quanh một thung lũng. Cả rừng người yên lặng như tờ. Chợt trước mắt chàng, một bóng kỵ mã từ ven đồi lướt nhanh xuống như dây khói. Con thần câu hiểu ý chủ, hí lên một tràng lồng lộng giữa hư không. Nó đã bỏ mặt đất và bay qua đầu rừng người cho kịp bóng kỵ mã phía trước...

Khi gã đồ tể bịt mắt nghiến răng khua đao bổ xuống đầu thái tử thì một con thiên mã đỏ rực như lửa tự trời cao sa xuống. Một thanh đao như làn ánh sáng bay đến xẻ gã đồ tể ra làm hai. Ðà đao đi nhanh xuyên luôn bụng chàng kỵ mã mang chiếu chỉ rồi găm sâu vào thân cây. Chuôi đao rung rinh không vấy một tí máu nào.

Biến cố xảy ra quá nhanh, quá đột ngột, như giấc mộng kinh hoàng của Thần Ảo Hóa.

Con long câu rực lửa dựng bờm hí một tràng dài chiến thắng.

Hoàng tử Nguyệt Diện lao xuống, chạy đến ôm thái tử HiềnTrí, khóc nức nở. Hồi lâu, thái tử khẽ nói:

- Hỡi em yêu quý! Ta cùng hai mươi tráng sĩ đánh chiếm mười thành, đuổi lão phù thủy gian ác mà chẳng làm đổ một giọt máu của lê dân. Em vì thương ta mà trong một lúc giết cả hai mạng người. Việc này ta biết ăn nói làm sao đây, hỡi em!

Hoàng tử Nguyệt Diện quỳ lạy như tế sao.

Một vạn người đồng quỳ xuống xin hộ.

Thái tử khuôn mặt lạnh như tiền, đến thân cây rút đao ra, nhìn mọi người rồi nói:

- Hỡi chư quan, binh sĩ và bá tánh! Gã đồ tể vì được sự khích lệ của ta, y không phải tội chết. Người mang chiếu chỉ giả vì tuân lệnh hoàng hậu nên cũng chưa đáng tội chết. Em ta vì tình vì nghĩa trung trinh mà cứu ta thì đâu có đáng tội chết. Do đó, bởi ta, vì ta mang nghiệp nặng nên phải lụy đến bao người.

Thái tử lại quay qua Nguyệt Diện:

- Ðây là một bài học mà em nên ghi nhớ nằm lòng, tuyệt đối không được giết người. Nếu khi giết người vì lý do chính đáng thì coi như là ta đã đoạn lìa cánh tay trong cùng một thân thể vậy.

Nói xong, thái tử huơ đao chém lìa cánh tay trái của mình. Máu tuôn có vòi! Mọi người thảy đều run sợ, khắc cốt ghi tâm bài học của người Hiền Trí.

Thái tử buộc lấy vết thương cùng ngồi chung với Nguyệt Diện nhận cuộc mừng vui chúc tụng của trăm họ, rồi khuyên họ trở về. Hai thái tử cùng hai mươi tráng sĩ lại lên đường đến trấn thành thứ mười một. Lão phù thủy đã trốn khỏi nơi này nên quan trấn thành và dân chúng thỉnh mời họ vào thành nghỉ ngơi. Ðêm ấy Hiền Trí dẫn Nguyệt Diện lên vọng lâu xem thiên văn.

Thái tử nói:

- Em hỡi! Lão phù thủy kia mang vết thương nặng, trọn đời này y không thể làm gì được nữa. Hãy tha cho y mạng sống, chẳng nên đuổi cùng, giết tận. Ðó là đức hiếu sinh của trời đất. Còn hai thành nữa dẫu chưa phục hồi nhưng giặc cũng tự động tiêu tan. Như vậy, quốc độ sẽ thái bình, muôn dân sẽ không còn ách nạn nữa.

Vỗ vai Nguyệt Diện, thái tử tiếp lời:

- Từ nhỏ chí lớn sống trên nhung lụa, em đã quen nếp sống ấy rồi chăng? Dẫu em có theo ta học hỏi được ít nhiều, nhưng ít nhiều ấy có giúp em vượt qua những khó khăn và gian khổ của chặng đường trước mặt không?

Nguyệt Diện dường như hiểu một vài phần, dè dặt hỏi:

- Hoàng huynh định đi đâu?

Hiền Trí chỉ ngón tay lên trời:

- Anh đã xem khí tượng thiên văn thì có thể chúng ta sẽ trải qua mười hai năm gian truân cơ khổ. Em còn nhỏ tuổi quá, biết có đủ sức chịu đựng với nghị lực dài lâu để cùng anh ra đi sống đời nổi trôi vô định chăng?

Nguyệt Diện gật đầu mạnh mẽ:

- Có thể được. Ở bên anh, ở với anh, em có thể quẳng chiếc hoàng bào đổi manh áo vải, có thể ném đôi hài vương giả lấy đôi dép cỏ của kẻ bần dân. Như vậy thì có sá gì đói rét lầm than nếu cuộc ra đi kia là chính đáng?

Hiền Trí cười ha hả:

- Ðúng vậy, em nói hay lắm! Câu hỏi xác đáng lắm! Nhưng nếu nó có lý do chính đáng thì sao?

- Anh cứ nói đi - Nguyệt Diện nghiêm trang thúc dục - Chính đáng sao được khi Vương phụ đã già và lúc trăm họ chưa được thái bình, an lạc?

Hiền Trí gật đầu:

- Phải rồi! Nhưng mẫu hậu không dung được hai ta thì làm thế nào? Còn ta, Vương phụ sẽ không giữ được lời hứa xưa mà thành ra người bất tín! Còn ta, mẫu hậu sẽ còn tìm cách giết hai ta để bà thành người thất đức, bất nhân. Cứu cái tín, cái đức, cái nhân cho hai vị, phải chăng là việc làm không đúng với đạo làm người?

Nguyệt Diện đuối lý nhưng khuôn mặt đã rạng rỡ hẳn lên. Hiền Trí tiếp:

- Hai ta cởi áo từ bỏ điện vàng chắc người đàn bà kia sẽ không còn đi sâu vào con đường tội lỗi nữa. Nhật Diện sẽ lên ngôi thái tử và sau này trị vì thiên hạ cũng trở thành vị minh quân. Vậy chúng ta đi đi thôi! Phụ hoàng và Nhật Diện có nhớ thương hai ta thì thời gian vẫn là phương thuốc nhiệm mầu nhất, phải thế không em?

Sáng ngày, khi sao mai vừa mọc, hai chàng trai đã lên đường để lại hai bức tâm thư và hai chiếc hoàng bào cùng tất cả ngọc vàng trang sức, bảo đao quý báu trên người. Một bức thư gởi hai mươi chàng tráng sĩ đem về cho Ðức Vua để nhận trọng thưởng, một bức gởi Vua cha, khuyên Vua cha lấy thiên pháp trị dân, vỗ an bá tánh, giảm thuế má và tha tội tù. Tuy nhiên, hai mươi chàng tráng sĩ vì tình nghĩa trọng hậu với thái tử, trao lại tín thư, tín vật nhờ quan biên trấn cử người mang về triều, còn họ từ bỏ chức vụ, sống đời mai danh ẩn tích.

Ra đi chỉ vì một nghĩa cử cao cả, một tấm lòng cao cả, hai chàng trai không bạc tiền, không sự nghiệp, tứ cố vô thân, nhưng không vì thế mà họ cau mày. Từ chỗ cực đỉnh giàu sang, nhung lụa, bây giờ với manh áo vải, đôi dép cỏ, họ cũng sinh sống được qua ngày với niềm thanh thản ở trong lòng.

Hai anh em vốn là người học vấn uyên thâm, tự tin cao độ, nhưng khi ra đụng chạm với đời thì than ôi, vốn liếng kia không thể đổi lấy một bát cơm! Khắp nơi dường như người ta cần cái gì khác. Ðâu cũng đầy dẫy lọc lừa, trí xảo, man trá, độc ác và chẳng có tình thương! Và đạo đức lương tri là một món xa xỉ phẩm mà người ta đã chẳng còn mang ra buôn bán trao đổi giữa chợ đời! Họ cần cái thiết thực hơn: cơm áo và tiền bạc. Chỉ có tiền bạc và áo cơm thôi, còn kinh thư và minh triết người ta phế thải lâu rồi. Ở trong cung vàng điện ngọc, hai chàng tưởng rằng muôn dân đang sống trong cảnh hạnh phúc, thái bình. Té ra đấy chỉ thuần là từ ngữ, chữ nghĩa ở trên lời tấu trình, ở trong các văn kiện có dấu triện son. Nó chỉ có giá trị như một lớp son tô vẽ bên ngoài cho óng chuốt, còn bên trong, chính Thần hoan hỷ và Thần tự tại cũng phải cau mày!

Chỉ mới hai năm mà họ học được nhiều quá. Những hiểu biết của họ bị đảo lộn hoàn toàn. Có một số thánh thư, cổ thư của các đấng hiền triết bị thế gian chế biến thành bùa chú, ngải nghệ để thỏa mãn tham vọng trần tục. Tâm hồn hai chàng trai trẻ chợt chùn lại trước sự thật phũ phàng của đời sống.

Hôm kia, chán nản quá, họ rủ nhau đi lên một ngọn núi cao. Hiền Trí đưa tay chỉ ra bốn phương trời:

- Ðấy là quê hương nhung gấm, ngà ngọc của tổ tiên, bây giờ chỉ còn sót lại mơ hồ trong trí tưởng chúng ta mà thôi. Sự thật ấy nó khác, phải không em?

Nguyệt Diện buồn bã gật đầu.

- Em hỡi! Hiền Trí tiếp lời - Ta, trước đây từ thiên pháp mà về thì bây giờ ta cũng sẽ từ thiên pháp mà đi. Vậy bắt đầu từ đây, anh muốn chúng ta sống đời đạo sĩ ẩn dật, em nghĩ sao?

Nguyệt Diện thẩn thờ nhìn ra xa xăm, không đáp vội. Cũng như anh, chàng đã thấm thía cuộc đời. Hơn hai mươi nghề chân tay mà hai người đã lăn thân vào để kiếm sống. Khó khăn gian truân vậy, nhưng đâu phải vì thế mà họ chán nản, đau lòng? Vấn đề là, họ thấy cuộc đời này chẳng còn tim óc, ở đâu cũng thấy bản năng và thân xác giành giật, cấu xé nhau! Mọi giá trị, mọi ý nghĩa thiêng liêng tôn quý trên thế gian này đã bị đánh mất thật sự rồi!

Nguyệt Diện nói to:

- Có lẽ chúng ta chỉ an lạc được khi sống đời ẩn dật mà thôi!

Hừng đông hôm sau họ xuống chợ mua ít dầu và muối để chuẩn bị cho cuộc lên non thì tình cờ gặp lại Nhật Diện trong hình dáng một gã ăn xin. Phải khó khăn lắm cả ba mới nhận ra được nhau vì họ đã không còn dấu tích vương giả nào sót lại trên người. Ôi! Sung sướng đến lịm người, mà ngỡ ngàng tê tái cũng làm cho họ ngất đi!


Sau một hồi khóc lóc, họ tìm chỗ khuất vắng để hàn huyên. Nhật Diện kể:

- Vương phụ nhận được thư và tín vật của hai anh gởi về thì ngã bệnh. Mẫu hậu một lần nữa đánh cắp ngọc ấn, giả chiếu chỉ phong em lên ngôi Vương để bà cầm quyền nhiếp chính. Giết anh không được, sợ hậu hoạn mai sau, bà thưởng tiền cho năm trăm hiệp sĩ lên đường tìm kiếm hai anh để thủ tiêu. Em buồn quá, nghĩ cảnh máu huyết tương tàn mà đứt ruột! Chỉ tại em, cũng vì em có mặt trên đời này mà xảy ra cớ sự. Em định treo cổ chết cho xong thì may thay gặp được một trang tráng sĩ từ xa về, khẩn thiết bảo em tìm cách cứu hai anh. Em hỏi: "Ngài là ai?" Người ấy đáp: "Hạ thần là một trong hai mươi tráng sĩ thuở trước cùng đi viễn chinh với thái tử". Em tin ngay, lại hỏi: "Làm sao ta cứu hai anh trai của ta được?" Tráng sĩ bảo: "Mười chín anh em của chúng tôi đang tìm cách cầm chân họ lại bằng kế dương đông kích tây. Họ đều là kẻ tham tiền, vậy hoàng tử phải tung tiền bạc ra cho thật nhiều, mua chuộc họ, thay vì đi giết hai anh thì họ phải bằng mọi cách tìm ra tung tích hai anh."

Y kế ấy, họ cùng hai mươi tráng sĩ đã lần ra được các anh đi về phương này. Nóng lòng quá, em từ bỏ tất cả, lặn lội ra đi. Gần hai năm, tư trang tiền bạc tiêu pha hết sạch, đành phải làm nghề ăn xin. May thay! Lạy chư thần cao cả! Trời cao đã không phụ lòng người!

Nhật Diện kể xong, lại khóc, lại cười. Nguyệt Diện nắm chặt tay em nói:

- Em đã trải qua biết bao cơ cực! Mà sao em không ở lại làm vua? Em làm vua cũng đúng theo sở nguyện của hai anh mà?

Nhật Diện lắc đầu:

- Em không biết. Mà sung sướng gì cái ngôi vua ấy. Thiếu vắng hai anh, em không chịu được, phải đi tìm thôi.

Hiền Trí ân cần nói:

- Việc xảy ra như thế là dấu hiệu tốt. Cơ trời huyền nhiệm lắm, các em chưa rõ đâu. Bây giờ chúng ta nên làm đạo sĩ hết, các em có đồng ý không?

Nhật Diện bằng lòng. Thế rồi họ cùng cắt tóc, khoác áo đạo sĩ, lên đường.

--*--

Nơi này không yên tịnh, ba thanh niên đạo sĩ sống một năm thì ra đi. Nơi này không tốt về khí hậu, một năm sau, ba chàng lại ra đi nữa. Chưa đầy năm năm, họ đã đạp qua suốt mấy cánh rừng miền tây nam quốc độ. Hôm kia, tìm được một khu rừng yên tĩnh, mát mẻ, nhiều cây trái, họ định dừng chân vĩnh viễn ở đây để tu tập mà không sợ bị "loài người quấy nhiễu".

Hiền Trí nói với hai em:

- Ðây là nơi tốt nhất cho việc tịnh cư của chúng ta. Vậy hai em hãy đi tìm một ít trái cây và nước uống để chuẩn bị cho nhiều ngày tham thiền nhập định.

Nhật Diện chạy nhảy tung tăng giữa rừng hoa thơm ngào ngạt, chim hót rộn ràng mà lòng nhẹ lâng, yên ả. Ðến một hồ nước, đẹp quá, hoa súng ngũ sắc khoe nở khắp nơi, Nhật Diện lội xuống định tắm rửa và đùa chơi, nhưng liền bị một con Dạ Xoa nước bắt giữ và giam vào thủy cung. Nguyệt Diện vừa hái được một giỏ trái cây, qua hướng này tìm em, lội xuống hồ nước cũng bị Dạ Xoa bắt giữ luôn.

Thấy lâu quá, linh tính về chuyện chẳng lành cho hai em, Hiền Trí rút đao chặt cây cầm tay ra đi. Xuống lưng chừng núi, thấy có chòm cây cối xanh rì, hương lạ xông ngào ngạt, một hồ nước trong xanh như mắt mèo, sen súng đua nhau nở thắm, lóng lánh sương.

Thái tử tự nghĩ:

"- Cảnh đẹp này thật khác thường! Có lẽ đây là cung điện của một loài phi nhơn nào đó."

Chẳng dám kinh động, thái tử đứng yên quan sát một hồi, thấy một trái cây rụng mà chẳng hề có ai ở chung quanh, lại thấy thêm một dấu chân lờ mờ đi xuống hồ nước. Thái tử lại đoán chắc rằng: "Hai em ta quả bị nạn ở nơi này".

Ðúng như thái tử nghĩ. Nguyên đây là chiếc hồ mà Tỳ-sa môn Thiên Vương (Vessavana) cho một quỷ nước Dạ Xoa ở với lời dặn: "Trừ những người biết về thiên pháp (Devadhamma), còn tất cả những ai xuống hồ nước này, ngươi có quyền bắt ăn thịt. Những ai không xuống nước thì ngươi không có quyền."

Dạ Xoa thấy thái tử cứ đứng yên trên hồ có vẻ thận trọng, bèn hiện hình thành người thợ rừng nói:

- Nầy thiện hữu! Cầm thanh đao chặt cây và đứng làm gì vậy? Hồ trong xanh mát mẻ thế kia! Hãy cùng tôi xuống uống nước, tắm và bơi lội cho thỏa thích, ăn củ sen, củ súng rồi trang điểm bằng những đóa hoa ngũ sắc không thú vị sao?

Thấy người hiện bất ngờ, thái tử biết đây là loài phi nhân, bèn quắc mắt nói:

- Ðừng nên hại nhau, xâm phạm nhau, không tốt đâu. Bạn đã làm hại hai em ta rồi có phải không?

Biết đã lộ tẩy, Dạ Xoa nói:

- Ta chưa hại đâu, mới bắt giữ thôi.

- Tại sao ngươi dám bắt người? Ngươi có quyền gì? Hãy thả hai em ta, bằng không, sẽ không toàn mạng đâu!

- Sao lại không có quyền? Dạ Xoa cứng cỏi đáp - Tỳ sa môn Thiên Vương cho ta cái quyền ấy. Ai xuống hồ nước là quyền sinh sát thuộc về ta.

Nói xong, Dạ Xoa cười đắc chí. Thái tử biết Dạ Xoa nói thật nên hỏi:

- Có ai xuống nước mà thoát khỏi luật ấy không?

Dạ Xoa chỉ cây đại thụ vòng ôm mấy trượng nói:

- Có một con đại bàng bay qua đây, ỉa xuống một đám phân, một cái hạt nẩy mầm, mọc lên thành cây đại thụ nầy. Từ bấy đến nay, chẳng có ai biết về thiên pháp. Con người thời nay đã quên hẳn con đường đi về cõi trời, chúng chỉ thích học con đường đi về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh mà thôi!

Thái tử nghiêm giọng nói:

- Nếu ta biết rõ thiên pháp, biết rõ con đường đi về cõi trời thì sao?

Dạ Xoa nói:

- Ðừng đại ngôn, ông bạn! Nếu ông bạn biết rõ thiên pháp thì ta sẽ đối xử như với một bậc Thầy Tối Thượng. Ta sẽ tắm cho nhà ngươi, cho ăn ngon, cho uống bổ, trang sức bằng vòng hoa mỹ lệ, thoa người bằng hương thơm của Cõi Trời, trải một đệm nằm bằng nệm lót chân của vua trời Ðế Thích trong một tòa lâu đài rực rỡ như chiếc kiệu của tỳ nữ Dạ Ma phu nhân!

- Vậy hãy làm như điều ngươi nói. Ta sẽ thuyết về thiên pháp, nói về con đường đến cõi trời.

Dạ Xoa y lời.

Thái tử Hiền Trí từ đài cao, sau khi thuyết giảng thiên pháp rồi, tóm tắt bằng kệ ngôn:

"Chuyên cần làm thiện hạnh
Tàm, qúy đủ trong tâm
Bậc Chân nhân an tịnh
Thiện pháp độ thế nhân."

Nghe xong, Dạ Xoa nước lấy làm hoan hỷ, kính cẩn quỳ xuống:

 

- Thưa bậc Hiền Trí! Tôi cảm thấy tịnh tín đối với ngài. Hai đứa em của ngài tệ quá. Khi được hỏi về thiên pháp, một người nói, thiên pháp là Mặt Trăng, là đức dịu hiền của Mặt Trăng! Một người thì trả lời, thiên pháp là bốn phương, trải rộng ra khắp bốn phương! Ai cũng nói quá mơ hồ, chẳng xác đáng và cụ thể như ngài đã thuyết. Như vậy, nếu tôi mà ăn thịt họ thì cũng đúng với lợi quyền mà Tỳ sa môn Thiên Vương đã cho phép. Bây giờ ngài cần gì nơi tôi, ngài cứ sai bảo!

Thái tử ân cần nói:

- Hãy cho ta xin lại hai người em.

- Ngài chỉ cứu được một. Dạ Xoa đáp.

Biết chẳng có cách gì hơn, thái tử gật đầu:

- Thế thì trả lại cho ta đứa em út, người trẻ nhất.

Dạ Xoa chợt cười kỳ dị:

- Thưa ngài, không biết tai tôi nghe có lầm lẫn chăng! Ngài thuyết về thiên pháp rất hay, rất đúng, rất hoàn toàn. Nhưng tiếc thay, ngài không sử dụng đúng thiên pháp chút nào!

Thái tử ngạc nhiên:

- Không có chuyện đó đâu, nhưng ngươi cứ thử nói lên điều lầm lỗi của ta.

Dạ Xoa giận dữ:

- Sao ngài lại chọn người em mà bỏ người anh? Sao ngài không kính trọng tuổi lớn hơn của một người? Thiên pháp có bao giờ vì trí thiên vị mà không nhìn ra gốc ngọn? Vì tình thiên vị mà không thấy thứ tự trước sau?

Thái tử bình tĩnh kể lại câu chuyện cho Dạ Xoa nghe sự hy sinh của hai anh em cho người em cuối được lên làm vua như thế nào, rồi mỉm cười kết luận:

- Thế đó, này Dạ Xoa! Ðừng vội vàng buộc tội ta quá sớm. Ta biết rõ thiên pháp và bao giờ cũng xử sự đúng thiên pháp. Ta lại còn khuyến hóa người khác sống theo thiên pháp nữa. Này nhé, chính vì người em ấy mà chúng ta sống ở rừng này. Chính vì hạnh phúc của đứa em ấy mà chúng ta cố gắng tránh chuyện nồi da xáo thịt. Bây giờ đứa em ấy lại vì chúng ta, bỏ tiền bạc ra cứu giúp chúng ta, lại còn khẳng khái phất tay từ bỏ ngai vàng sống đời ăn xin cơ khổ. Ngươi phải hiểu thêm một điều nữa rằng, thiên pháp ấy không phải chỉ cạn cợt ở nơi "lễ" mà còn ở nơi "nhân" và "nghĩa" nữa chứ!

Dạ Xoa cảm phục quá, quỳ lạy thái tử rồi sau đó đem trả cả hai người. Thái tử cảm ơn Dạ Xoa, sau đó tìm cách khuyên lơn:

- Này bạn Dạ Xoa thân mến! Do kết quả việc ác mà bạn đã làm trong quá khứ nên nay mang thân Dạ Xoa, giết người để uống máu, ăn thịt. Do nhân ác từ kiếp này, trong tương lai, bạn phải bị nhiều quả báo đau khổ trong bốn đường dữ. Thiên pháp bạn đã hỏi ta, ta đã trả lời và bạn đã hiểu. Vậy sao bạn không mau mau cải ác tùng thiện để noi gương các bậc an tịnh Chân nhân đã dạy bảo?

Thế là thái tử nhiếp phục được Dạ Xoa, rồi sống ở rừng này với sự hộ trì của nó.

Một ngày kia, xem thiên văn, thái tử biết thời hạn mười hai năm đã qua bèn kêu hai em lại nói:

- Mẫu hậu đã mệnh chung, không bao lâu phụ vương cũng sẽ hết tuổi thọ. Vậy thì đã đến lúc hai em phải từ bỏ khu rừng để cùng nhau trở về gánh vác sơn hà xã tắc.

Cả hai hoàng tử ngạc nhiên hỏi:

- Vậy anh yêu quý, anh không cùng về sao?

- Mấy lúc sau này, tâm ta đã quá đi sâu về thiên pháp, đã an trú vững chắc ở thiên pháp, không còn mảy may một móng khởi nào về các ước vọng trần gian kia nữa. Nói khác đi, tâm ta giờ đã tương ưng với các cảnh giới trong lành, an tịnh, không còn thích hợp với chỗ kinh thành vàng son huyên náo nữa. Hai em hãy về đi thôi, cho kịp giờ phụ vương lâm chung. Quốc độ này không thể thiếu vắng hai em, thiếu vắng hai em thì giống như quả đất mà thiếu mặt trời, mặt trăng vậy.

Hai hoàng đệ khóc nức nở, quỳ sụp bên chân xin thái tử cùng về.

Thái tử hết mực giãi bày:

- Không phải không nguyên nhân mà hai em có tên là Nguyệt Diện và Nhật Diện. Dường như nhân duyên sắp đặt cả rồi. Anh phải đi theo con đường của các bậc hiền trí nên có tên là Hiền Trí. Hai em là Mặt Trăng, Mặt Trời nên phải thay phiên nhau ngày đêm soi sáng sơn hà.

Thái tử còn nói lên ẩn nghĩa thâm sâu khác:

- Về quốc độ, Nguyệt Diện là anh nên phải làm vua, Nhật Diện là em nên làm Phó Vương. Thứ tự anh em đã phân chia như thế không thể đảo lộn được. Cũng thế, hai em nên nhớ rằng, luôn luôn cai trị muôn dân bằng tình, bằng lý. Tình trước, lý sau, nghĩa là đầy đủ con tim và khối óc, con tim đi trước, khối óc đi sau, nhu đi trước, cuơng theo sau. Nếu hai em làm được như thế, quốc độ này sẽ được hòa bình, an lạc trong vòng sáu mươi năm dài.

Khi tiễn hai em ra đến chân núi, thái tử còn dặn dò lần cuối:

- Hai mươi tráng sĩ theo ta đánh chiếm mười thành, dày công hãn mã, thế nhưng không chịu lãnh thưởng mà sống đời mai danh ẩn tích khi ta gặp nạn. Họ đều là người vừa có tâm, vừa có trí. Hai em nhớ mời họ về triều, cho trấn giữ các phương là hai em vững vàng như ngồi trên bàn thạch. Hãy nhớ vừa dùng "vương pháp", vừa dùng "thiên pháp" là con đường của các vị Chuyển Luân Thánh Vương!

Hai hoàng đệ cúi đầu tuân mạng. Dạ Xoa nai nịt như vị thiên tướng hộ tống hai hoàng tử về kinh đô Ba-la-nại sau bao năm xa cách.

Thái tử Hiền Trí leo lên đồi cao, nhìn theo hình bóng hai em nhỏ dần rồi khuất dần ở cuối chân trời xa, chàng mỉm cười...

-ooOoo-




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024