|
Thêm Một Gia Chủ Hữu Danh
Hôm ấy, đức Phật và đại chúng tỳ-khưu lại lên đường, bắt đầu một cuộc du hành về hướng làng Nālakagāma, sinh quán của tôn giả Sāriputta - ngụ tại khu rừng Pavarikāmba. Nơi đây cũng gần làng Mahātiṭṭha của tôn giả Mahā Kassapa, gần làng Kolilagāma của tôn giả Mahā Moggallāna. Đức Phật lặng lẽ không nói gì - nhưng chính là ngài đang tạo cơ duyên cho ba vị thượng thủ A-la-hán tiếp độ thân quyến của họ. Còn đức Phật thì có việc riêng của ngài. Đạo sĩ Nigaṇṭhā Dīghatapassa (Trường khổ hạnh giả), sau khi khất thực ở Nālanda, độ ngọ xong, trên đường trở về, nghe đức Phật và đại chúng tỳ-khưu đang ngụ tại rừng Pavarikāmba - nên ông tìm đến thăm. Sau vài lời chào hỏi xã giao, ông đứng một bên. Đức Phật hiền từ, lịch thiệp nói: - Có ghế đấy, ông hãy ngồi xuống đi! Khi đạo sĩ Nigaṇṭhā Dīghatapassa đã an vị, đức Phật bắt đầu vào đề: - Này Tapassa! Cho Như Lai được hỏi, thầy của ông, giáo chủ Nigaṇṭhā Nāṭaputta (Ni-kiền-tử) chủ trương có bao nhiêu loại nghiệp để tạo thành ác nghiệp, để có thể diễn tiến ác nghiệp? - Thưa sa-môn Gotama! Giáo chủ của chúng tôi không có thông lệ chủ trương nghiệp, nghiệp, không nói về nghiệp; mà chỉ nói đến “phạt, phạt”. Phạt, phạt là chủ trương của giáo chủ chúng tôi. - “Phạt, phạt”, nghe rõ rồi; nhưng Như Lai muốn hiểu từ “phạt” ấy, nó mang ý nghĩa như thế nào mới đúng với quan điểm của quý giáo? - Phạt có nghĩa là “bắt chịu, gánh chịu, nhận chịu...” ví như một sự thiệt thòi, một khổ cực, một cái gì bất hạnh... Nghĩa phạt ấy, chính xác là như vậy, thưa sa-môn Gotama! - Như Lai hiểu rồi! Vậy thì quý giáo chủ chủ trương có bao nhiêu loại phạt - để tạo thành ác nghiệp, để có thể diễn tiến ác nghiệp? - Thưa, giáo chủ chúng tôi chủ trương có ba loại phạt để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp - đó là thân phạt, khẩu phạt và ý phạt. - Thế có nghĩa là thân phạt khác, khẩu phạt khác và ý phạt khác? - Đúng vậy, thưa sa-môn Gotama! - Vậy thì trong ba loại phạt ấy, loại phạt nào là tối trọng, là quan trọng nhất để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp, này Tapasa? - Thân phạt là tối trọng, là quan trọng nhất, thưa sa-môn Gotama! Đến đây, đức Phật bèn gặng hỏi: - Ông nói “thân phạt” là tối trọng, là quan trọng nhất so với khẩu phạt và ý phạt? - Đúng vậy! - Thân phạt là tối trọng thật chăng? - Đúng vậy! - Thân phạt, Như Lai không lầm lẫn đấy chứ? - Đúng vậy! Nghe đạo sĩ Nigaṇṭhā Dīghatapassa xác định ba lần thân phạt là quan trọng, là tối trọng, đức Phật chỉ mỉm cười và không nói gì nữa. Đợi một hồi không nghe đức Phật đưa ra kết luận quan điểm ấy là đúng hay là sai - nóng ruột, Tapassa hỏi: - Thế sa-môn Gotama có quan điểm như thế nào về điều ấy? Sa-môn Gotama chủ trương có bao nhiêu loại phạt để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp? Đức Phật mỉm nụ cười nhẹ: - Như Lai không có quan điểm, không có chủ trương, này Tapassa! Du sĩ Nigaṇṭhā Dīghatapassa ngơ ngác. Đức Phật tiếp: - Có quan điểm, có chủ trương là còn ở trên bình diện giả thiết, giả định, giả đoán, suy luận... Như Lai do thấy và biết nên Như Lai chỉ nói lên cái thấy cái biết như thực ấy, này Tapassa! - Vậy sa-môn Gotama thấy và biết có bao nhiêu loại phạt? - Cũng do sự thấy biết ấy, Như Lai không bao giờ nói phạt, phạt, này Tapassa! Như Lai thấy rõ nghiệp nên Như Lai chỉ nói sự thực về nghiệp, nghiệp cùng những tương quan phát sanh của nó. - Cái nghiệp ấy như thế nào hở sa-môn Gotama? - Như Lai thấy rõ là có ba nghiệp, ấy là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp, này Tapassa! - Trong ba nghiệp ấy, nghiệp nào là tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp? - Như Lai thấy rõ ý nghiệp là tối trọng! - Sa-môn Gotama bảo ý nghiệp là tối trọng? - Đúng vậy! - Thật không, ý nghiệp là tối trọng? - Đúng vậy! - Ý nghiệp là tối trọng, tôi nghe không lầm đấy chứ? - Ông không lầm đâu! Khi nghe đức Phật xác định ba lần ý nghiệp là tối trọng, du sĩ Nigaṇṭhā Dīghatapassa không hỏi gì nữa, không nói gì nữa, cũng không tranh luận; ông tôn kính khẽ chào ngài, lặng lẽ đứng dậy từ chỗ ngồi rồi ra khỏi khu rừng. Vừa đi, đạo sĩ vừa nghĩ: “Kinh khiếp thay là vị sa-môn này; ông cuốn hút người ta, ông hấp dẫn người ta như là có huyễn thuật vậy. Bình thường, lúc đàm thoại, kể cả tranh luận, ta đâu có thua ai? Nhưng sao đối với vị sa-môn này, ta cảm giác như bị lép vế, bị lấn cấn, bị run sợ... rồi cuối cùng là bị nghiêng theo, bị ngã theo lúc nào cũng không biết! Thật là ớn lạnh. Còn cái - Như Lai không có chủ trương, không có quan điểm - mới lạ lùng làm sao? Ta chưa hề nghe thấy bao giờ! Dường như mọi chân lý ông đều đã thấy cả rồi, đã kiểm nghiệm chắc thật rồi - bây giờ ông chỉ việc nói ra mà thôi? Điều cuối cùng, không biết tại sao, ở đâu, vì cái gì không biết: Vị sa-môn này, đối thoại với ai rồi, thì dường như có một mãnh lực, một uy lực - nó bắt mọi người phải tôn trọng, phải kính trọng ông ta! Và quả thật, mình cũng không ngoại lệ”. Nigaṇṭhā Dīghatapassa thấy rầu rầu trong lòng, định phải kể lại toàn bộ cuộc đối thoại này cho giáo chủ của ông ta nghe. Tại ngôi làng Balāka kế cận, tại trang viên của trưởng giả Upāli, rất đông gia chủ và giáo chúng Nigaṇṭhā đang tề tựu ở đây để nghe giáo chủ Nigaṇṭhā Nāṭaputta thuyết pháp. Người có uy tín, lãnh đạo hội chúng gia chủ tại ngôi làng này chính là trưởng giả Upāli. - Này Tapassa! Nāṭaputta cất tiếng hỏi - Ông từ đâu đến mà trông cái bản mặt, cái vẻ mặt như đưa đám thế? - Đệ tử từ sa-môn Gotama mà đến đây, thưa tôn sư! - Thế ông có đàm luận gì với sa-môn Gotama không? - Thưa có, câu chuyện vừa chấm dứt xong là đệ tử đến đây ngay. - Vậy cuộc đàm thoại ấy có nội dung như thế nào, này Tapassa! Du sĩ Nigaṇṭhā Dīghatapassa kể lại. Ông giáo chủ khen ngợi: - Thật là tốt lành thay! Thật là tốt đẹp thay! Ông là một đệ tử đa văn, hiểu biết, đã hiểu đúng đắn lời dạy bảo của ta, đã nói chính xác quan điểm của ta cho sa-môn Gotama nghe. Làm sao mà cái ý phạt hèn kém, thấp thỏi - lại có thể sáng chói, có đủ uy lực so với thân phạt cường đại này kia chứ? Đúng là thân phạt mới là cái tối trọng! Trưởng giả Upāli cũng tán dương Tapassa: - Xứng đáng lắm! Xứng đáng lắm! Tôn giả Tapassa đã làm nở mày, nở mặt chúng ta! Trước một đối thủ đáng gờm như sa-môn Gotama mà tôn giả vẫn giữ vững được lập trường của đức Tôn Sư! Thật là tuyệt vời! Đạo sĩ Dīghatapassa đứng một bên, nghe ca tụng mình cảm thấy khó chịu quá, như có cái gì đâm trong óc; nhưng ông ta không thể nói xen được một câu nào - vì mọi người đang phấn khích và đang sôi nổi nói chuyện quá ồn ào! Trưởng giả Upāli thì đang trên đà hưng phấn, thưa với giáo chủ Nāṭaputta: - Bạch Tôn Sư! Hãy cho đệ tử được đi luận chiến với sa-môn Gotama! Đệ tử sẽ chơi trò chơi như nắm chặt con cừu lông dài mà vặt trụi nó như vặt trụi kiến thức của sa-môn Gotama vậy. Đệ tử sẽ chơi trò chơi quần tới, dặc lui, vần quanh làm cho lý luận của sa-môn Gotama tắt hơi, ngất xỉu luôn! Đệ tử sẽ chơi trò chơi lắc qua, lắc lại làm cho chữ nghĩa của sa-môn Gotama xây xẩm, mệt đừ! Đệ tử sẽ chơi trò chơi của con voi phun nước làm cho mọi chủ trương, lập trường của sa-môn Gotama không còn có chỗ nào mà đón đỡ! Hãy cho đệ tử được đi luận chiến với sa-môn Gotama một trận! Nāṭaputta cười ha hả, gật đầu lia lịa, đắc ý nói: - Phải! Phải! Trong hội chúng này chỉ có ta, ông và Tapassa mới có đủ khả năng luận chiến với sa-môn Gotama mà thôi! Nghe giáo chủ đồng ý theo yêu cầu của trưởng giả Upāli, du sĩ Dīghatapassa chợt can ngăn: - Đệ tử thật không an tâm chút nào khi Tôn Sư đồng thuận cho trưởng giả Upāli luận chiến với sa-môn Gotama! Nāṭaputta nhăn mày hỏi: - Tại sao? Tại sao hử? Tại sao thế, Tapassa? Ta nghĩ rằng, sẽ không có trường hợp Upāli của ta thua cuộc rồi làm đệ tử sa-môn Gotama đâu! Phải hiểu ngược lại mới đúng. Sa-môn Gotama sẽ bị hạ đo ván rồi ông ta sẽ cam tâm làm đệ tử của Upāli cho mà xem! Hãy chống mắt cho to ra! Dīghatapassa vẫn giữ ý mình: - Nói gì thì nói, đệ tử cũng không an tâm! Đệ tử không bao giờ đồng thuận việc này. Khi giáo chủ gặng hỏi mãi lý do, Dīghatapassa bèn phải nói ra cảm nhận của mình. Với giọng chậm rãi, điềm đạm, ông lim nhim mắt như hồi ức rồi nói: - Đệ tử cảm giác sâu sắc rằng, sa-môn Gotama là một con người không phải tầm thường. Không nói đến tướng mạo đoan trang, nghiêm chính một cách lạ kỳ. Không nói hào quang trí tuệ dường như tỏa sáng xung quanh, tỏa sáng nơi vừng trán, đôi mắt và cả nơi từng ngón tay. Không nói đến ngôn ngữ, âm thanh - mà có lẽ lần thứ nhất trong đời, đệ tử cảm giác nghe được tiếng nói vi diệu không phải của nhân gian trần tục. Đệ tử chỉ nói đến cái cách sa-môn Gotama thiện xảo trong cách sử dụng ngôn ngữ và cách đặt vấn đề. Chỉ sơ sẩy, lơ là một chút là lập trường tư biện của ta sẽ bị mất tích vào nội dung luận chứng của ông ta ngay lập tức mà không hề hay biết... Cả hội chúng rúng động. Im lặng. Dīghatapassa thủng thỉnh nói tiếp: - Cái ấy tuy ghê vậy nhưng chưa quan trọng... Mọi người dồn dập hỏi: - Vậy cái gì quan trọng hơn? - Thưa, chính là sự hấp dẫn, cuốn hút! Khi đối thoại, đệ tử vừa cảm nhận một từ trường rất an lành, mát mẻ tỏa khắp châu thân - đồng thời như bị say mê cuốn hút vào trong - mà không có cách chi cưỡng lại được... Nói đến ngang đây, Dīghatapassa nhìn mọi người, cất giọng có vẻ thành khẩn, kết luận: - Sa-môn Gotama còn là một huyễn sư - sử dụng huyễn thuật vô hình lôi cuốn cả hằng ngàn, hằng ngàn đồ chúng ở khắp mọi nơi, trên khắp các quốc độ! Hai vị đại vương đại đế của châu Diêm-phù-đề và cả triều đình đều là đệ tử của ông ta. Biết bao nhiêu là trí thức, đại trí thức của thiên hạ đổ xô tìm về quy giáo. Hằng chục, hằng trăm hoàng thân, vương tôn, công tử, danh gia, đại danh gia, thủ lĩnh tướng quân, đại thần, quan tổng trấn, triệu phú, đại triệu phú, công chúa, công nương, vương phi, quận chúa, tiểu thư... đều trở thành thuộc hạ tứ chúng trong giáo hội độc thân vô tiền khoáng hậu ấy! Chúng ta phải lưu ý như vậy! Xem thường đối thủ sẽ thất bại đấy! Mà đối thủ này là ai kia chứ? Người ta bảo là vị Phật đấy, không lầm đâu! Một đức Chánh Đẳng Giác chính thị con nai vàng đấy, không phải thứ giả đâu! Xin mọi người hãy tự biết mình! Xin mọi người hãy cẩn trọng! Giáo chủ bàng hoàng cả người, nhưng ông ta là người trấn tỉnh sớm nhất, cất giọng lớn: - Thế là ông bị hớp hồn, cuốn hút vào ngôn ngữ, âm thanh của sa-môn Gotama - rồi cảm nhận bậy bạ, đưa ra những nhận xét cảm tính chủ quan! Sa-môn Gotama chỉ dụ dỗ được những người yếu bóng vía, ba cái thứ tôm tép lắt nhắt lăng nhăng mà thôi! Rồi nhìn Upāli, ông nói to: - Ông có sợ không, Upāli? - Không sợ - trưởng giả Upāli rắn rỏi đáp - Không vào hang hùm làm sao bắt được cọp con? - Phải vậy! Rồi mọi người cùng cười ha hả với nhau. Riêng Dīghatapassa thì trông cứ vẫn đăm chiêu, rồi cảm thấy buồn đau ở trong lòng, tự nghĩ: “Cả một đám hổ lốn, ngu si, ngốc nghếch, chợ búa, ồn ào, tự mãn như vậy mà đòi đi đối thoại với bậc thiện trí thức trên đời này! Than ôi!” Trưởng giả Upāli, sau đó, tức khắc đi đến rừng xoài Pavarika, vào gặp đức Phật và sau đó đã xảy ra cuộc đàm thoại như sau. - Thưa sa-môn Gotama! Có phải vừa rồi, trong cuộc nói chuyện với đạo sĩ Tapasa, đức Thế Tôn có xác định, trong ba nghiệp, ý nghiệp là quan trọng nhất, hơn cả thân và khẩu? - Đúng vậy, này trưởng giả Upāli! - Làm sao, cái ý nghiệp nhỏ nhiệm, mơ hồ, vô hình lại có thể có năng lực, có tác động mạnh hơn hai nghiệp kia, nhất là thân nghiệp cụ thể và cường đại này? - Này trưởng giả Upāli! Ông có thể y cứ nơi sự thật để cùng đàm luận với Như Lai được chăng? - Có thể được, thưa sa-môn Gotama! - Này Upāli! Giáo chủ của ông có khi nào nhắc đến một cảnh giới có tên là Manosatta không? - Dạ thưa có! - Cảnh giới ấy tại sao lại có tên là Manosatta [ii], ông có biết không? - Thưa biết, cảnh giới ấy do chấp trước ý, do ý sanh nên gọi tên là chúng sanh do ý sanh! - Ông bảo là do ý sanh, nói cách khác là do ý nghiệp (Manokamma) sanh? - Thưa vâng, ý nghiệp sanh! Đức Phật mỉm cười, nhìn ông trưởng giả, điềm đạm nói: - Do chấp trước ý, do ý sanh, do ý nghiệp! Hay lắm! Gia chủ, khi trả lời như thế ông đã suy nghĩ kỹ càng, thận trọng chưa? Ông không sợ lời nói sau của mình đã phủ nhận lời nói trước của mình hay sao? Trưởng lão Upāli lặng người, tái mặt. Lát sau, định tĩnh lại, ông vẫn nói: - Dầu thế nào, tôi vẫn với quan điểm thân nghiệp mới là tối trọng - mong rằng vẫn có thể tiếp diễn cuộc đối thoại này chứ, thưa sa-môn Gotama? - Có thể được, này Upāli, nếu ông vẫn y cứ trên sự thật! - Thưa vâng! - Như Lai biết rằng - đức Phật tiếp tục - Một đạo sĩ Nigaṇṭhā phòng hộ 4 loại cấm giới rất cẩn trọng. Có người vừa đi vừa quét con đường trước mặt, sợ đạp nhằm giun dế, kiến, các loài côn trùng. Có người chỉ uống nước khi đã nấu chín. Có người uống nước ao hồ sau khi đã lọc ba lần. Như thế nào hở ông gia chủ? Các vị ấy có đảm bảo rằng, trong gió, trong hư không, khi hít thở vào lại không có chúng sanh? Có đảm bảo rằng dưới bước chân đi, trong chỗ ngồi, nằm, trong những gáo nước đã uống ấy lại không sát hại những sinh vật li ti nhỏ bé mà mắt thường không thấy được? - Có thể lắm! Nhưng, không cố ý là không có tội! - Nếu cố ý thì sao? - Là có tội, thưa sa-môn Gotama! - Vậy chỗ quan trọng hóa ra là ý, cũng là ý nghiệp? - Đúng là ý nghiệp! Đức Phật lại mỉm cười nữa: - Không cố ý, không có tội, cố ý, có tội, ý nghiệp! Hay lắm! Câu trả lời này ông có thấy là ông đã tự phủ nhận lập luận của mình, quan điểm của mình chăng? Trưởng giả Upāli không tái mặt nữa. Qua hai đoạn đối thoại, qua hai ví dụ cụ thể y cứ trên sự thực của đức Thế Tôn, ông đã nhìn ra vấn đề, đã thấy rõ vấn đề. Tuy nhiên, vì muốn học hỏi, ông vẫn giữ quan điểm đối lập. - Tuy hay lắm, đúng lắm; nhưng vẫn chưa thuyết phục được tôi, thưa sa-môn Gotama! - Thôi được - đức Phật gật đầu - Như Lai cũng kiên nhẫn đưa thêm vài ví dụ cụ thể nữa, được chăng? - Thưa vâng! - Ở vùng này, dân cư có vẻ đông đúc lắm, phải không trưởng giả Upāli quý mến? - Dạ, đông lắm! - Nếu có một người điên, hung khí nổi lên, sát khí nổi lên - cầm vũ khí sáng ngời trên tay, y nói với mọi người rằng: “ Chỉ trong một thoáng khắc, một sát-na, với thanh kiếm này, tôi sẽ làm cho tất cả mọi người trong vùng này thành một đống thịt, thành một khối thịt?” Lời của người điên ấy, sẽ thành hiện thực không, khi chỉ với một cây kiếm, trong thời gian một thoáng khắc, một sát-na? - Thưa, không thể! Dẫu là một kiếm sĩ, kiếm vương, với một thanh kiếm trong thời gian một thoáng khắc, một sát-na - thì giết vài người đã không được, mười người lại càng không thể, huống hồ dân cư đông đúc cả một vùng! - Thế nhưng, này gia chủ! Nếu có một đạo sĩ có uy lực, có đại uy lực do thành tựu đại chú thuật - với tâm sân hận, y nói rằng: “Ta sẽ giết hết tất cả mọi người trong mấy ngôi làng này, chỉ trong một thoáng khắc, một sát-na mà thôi! ”Lời của đạo sĩ ấy không biết có thể trở thành hiện thực được không? Trong một thoáng khắc, một sát-na, với tâm sân hận, y có làm được thế chăng, Upāli? - Có thể được, thưa sa-môn Gotama! Với tâm sân hận, với đại uy lực do đại chú thuật, trong một sát-na - y không những giết hết mọi người trong mấy ngôi làng, mà còn nhiều hơn thế nữa cũng được đấy! Đức Phật lại gật đầu, mỉm cười: - Ông trưởng giả vừa xác nhận là một người, với một thanh kiếm - trong một sát-na, sức hủy diệt của nó không đáng kể gì - so với một đạo sĩ có đại chú thuật, có đại uy lực? - Thưa vâng! - Thế ra, cái sức mạnh của thân, thân lực - không thể nào so sánh được với sức mạnh của ý, ý lực? - Nhất định vậy rồi! Nói thế xong, trưởng giả Upāli biết mình không thể nào đứng vào thế đối lập được nữa - ông phụ họa theo: - Các khu rừng lớn, các khu rừng có tên có tuổi - như rừng Daṇḍaka, Kaliṇgā, Mejjha, Mātaṅgā... bị thiêu hủy, mà hiện giờ ai ai cũng không quên được là do tâm sân hận của các đạo sĩ độc ác đấy, thưa sa-môn Gotama! - Ừ, đúng vậy! Đức Phật nói - Hóa ra ông đã hoàn toàn đồng ý với Như Lai là ý nghiệp có sức mạnh tối thắng hơn là thân nghiệp? Trưởng giả Upāli chợt quỳ xuống, năm vóc sát đất, vô cùng cung kính đảnh lễ đức Phật rồi thưa rằng: - Bạch đức Thế Tôn! Chỉ với ví dụ đầu tiên “rất ngắn gọn, rất minh nhiên, y cứ trên sự thật” của ngài về “ Ý trước thiên” - đệ tử đã hiểu ra toàn bộ, đã vô cùng thỏa mãn, hoan hỷ. Nhưng vì đệ tử còn muốn học hỏi, còn muốn hiểu rõ sâu cạn, xa rộng của vấn đề nên đã tự trấn tỉnh mình, đứng vào thế đối lập - có vẻ ngu si và cố chấp - xin đức Thế Tôn đại bi xá tội ấy cho đệ tử. Vị gia chủ đảnh lễ một lần nữa rồi chấp tay, nói tiếp: - Ôi! Thật là vi diệu thay! Thật là rõ ràng, minh bạch thay! Đức Tôn Sư đã bi mẫn và nhẫn nại dùng nhiều phương pháp trình bày, ví dụ, giải thích - như trao cho đệ tử một ngọn đèn, một đôi mắt sáng để thấy rõ cái cốt lõi của giáo pháp. Vậy nay đệ tử xin quy y Thế Tôn, quy y Chánh pháp, quy y chúng tỳ-khưu Tăng. Mong đức Thế Tôn nhận đệ tử làm người cư sĩ từ nay cho đến mạng chung, trọn đời quy ngưỡng. Trưởng giả Upāli đảnh lễ một lượt nữa. Đức Phật nói: - Từ từ đã, này gia chủ! Hãy suy nghĩ cho chín chắn trước khi phát nguyện quy y. Chín chắn trong suy tư là một cái gì rất tốt đẹp đối với một trưởng giả có học thức, hiểu biết và hữu danh như ông. Trưởng giả Upāli lại gập đầu, kính cẩn nói: - Câu nói ấy của đức Thế Tôn, đúng là phẩm cách của bậc chí nhân, chí thiện và đại trí trên đời này; đệ tử lại càng quy ngưỡng hơn nữa. Sự nương tựa của đệ tử lại càng thêm tịnh tín và bất động. - Này gia chủ! Như Lai nói rất thật lòng, không có chỗ nào là đãi bôi, khách sáo và hư ngụy ở đây cả. Hiện tại, nhà ông là cái giếng nước đầy tràn giữa ngã tư đường cho các Nigaṇṭhā; là cả một suối nguồn tuôn chảy không bao giờ khô cạn cho các Nigaṇṭhā. Quy y với Như Lai, các Nigaṇṭhā sẽ bảo rằng, Như Lai là một huyễn sư đã sử dụng chú thuật, huyễn thuật để quyến dụ ông, đã cướp đi miếng cơm manh áo của họ. Vậy, không cần thiết phải quy y Như Lai! Hãy trở về với giáo chủ của ông và hãy làm trọn phận sự của một đệ tử thuần thành y như trước đây, là hãy chăm lo bố thí, cúng dường đến cho họ, này gia chủ! Trưởng giả Upāli nghe đức Phật nói như thế, tâm tư ông tràn đầy an vui và mát mẻ, nói rằng: - Từ lâu, các tôn giáo khác, cụ thể là các ông Ni-kiền-tử - họ đã nói với mọi người và đồ chúng rằng: Hãy đến đây mà quy y với ta, ta mới chính là đạo sư, chân sư, minh sư trên đời này! Hãy đến đây mà bố thí cúng dường đến ta và đệ tử của ta; bởi như vậy mới có được công đức lớn, phước báu lớn; bố thí cúng dường đến người khác, các tôn giáo khác sẽ chẳng có được lợi lạc gì đâu! Ôi! chỉ có đức Thế Tôn mới nói những lời làm cho đệ tử hoan hỷ tâm, hoan hỷ trí đến như vậy. Đệ tử không quy y sao được, không tìm chỗ nương tựa thích đáng, chân chính cho đời mình sao được, bạch đức Thế Tôn! Biết được Upāli là người trí thức, đã có sự sáng suốt và tự do trong việc lựa chọn của mình nên đức Phật thuận theo cơ duyên, thuyết cho ông nghe một thời pháp. Đầu tiên, ngài nói về thí, về giới, các cảnh trời - sau đó mới nói đến sự thấp thỏi, hạ liệt, nhiễm ô và sự nguy hiểm của các dục; sự an vui và hạnh phúc của sự lìa thoát, bước ra khỏi chúng. Khi biết Upāli trí rất nhạy bén, tâm đã sẵn sàng - đức Phật bèn tiếp tục giảng nói cái cốt lõi nhất của Tứ diệu đế. Không ngờ do phúc dày, duyên đủ - nghe xong, Upāli lìa bỏ được tri kiến cũ, nắm bắt ngay được tri kiến mới, chứng được pháp nhãn thanh tịnh, thảnh thơi với những bước chân đầu tiên dẵm lên mảnh đất bất tử. Với những giọt nước mắt ràn rụa, không nói nên lời, trưởng giả Upāli dập trán mình “lộp độp” xuống đất đến rướm máu với sự tri ân vô hạn. Đức Phật làm lễ quy y cho ông trước sự chứng kiến và sự hoan hỷ của các hàng trưởng lão. Tại trang viện, sớm hôm sau, trưởng giả Upāli tập họp vợ con, hầu thiếp, mọi người trong nhà, cả hằng trăm gia nhân - rồi trịnh trọng tuyên bố như sau: - Từ rày trở đi, các người ghi nhớ lời này: “ Hãy đóng cửa đối với các Nam Nigaṇṭhā, các nữ Nigaṇṭhā; và hãy mở rộng cửa, tất cả các cửa chính để trân trọng nghinh đón, mời nước, dọn chỗ ngồi đối với các tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni, sa-di, sa-di-ni, Nam nữ cư sĩ trong giáo hội của đức Thế Tôn Sākya Gotama!” Các bà vợ ngạc nhiên, cất tiếng hỏi: - Sao có việc lạ lùng đến vậy, phũ phàng đến vậy đối với giáo chủ và đồ chúng Nigaṇṭhā mà trước đây ông đã bắt chúng tôi cung phụng họ không mệt mỏi? Vậy nếu nhỡ họ đến thì phải ăn nói làm sao? Trưởng giả Upāli cất giọng to: - Đừng ngại gì cả! Đừng sợ gì cả! Cứ nói như thế này: “ Thưa các tôn giả, các tôn giả đừng có bước vào! Gia chủ Upāli bây giờ không còn là đệ tử của các Nigaṇṭhā nữa; ông ta đã là đệ tử của đại sa-môn Gotama rồi!” - Thế không cúng dường vật thực cho họ nữa hay sao? - Có! Có! Đức Tôn Sư của ta có dạy bảo là nên cúng dường cho họ. Nhưng trong trường hợp ấy, hãy yêu cầu họ đứng bên ngoài, và các người hãy mang vật thực ra tận nơi mà đặt bát! Hãy nhớ như vậy!
Du sĩ Dīghatapassa khi nghe đồn trưởng giả Upāli đã quy giáo đức Phật, ông tự nhủ rằng: “Đúng là vậy rồi, không thể sai trật!” rồi vội vã đến báo tin ấy cho giáo chủ của mình hay. Niganṭḥā Nāṭaputta không tin: - Ngược lại mới đúng, này Tapassa! Có lẽ sa-môn Gotama quy giáo thiện Nam tử Upāli của ta - mà thiên hạ nghe nhầm đấy! Dīghatapassa nói đến ba lần và cả ba lần ông giáo chủ cũng lặp lại nguyên ý cũ, lại còn bảo: - Nếu không tin, ông hãy đến trang viên thiện Nam tử của ta mà xem! Dīghatapassa nói: - Đi thì đi, nhưng đệ tử biết chắc như đinh đóng cột rằng là, Upāli đã vĩnh viễn từ bỏ Nigaṇṭhā của chúng ta rồi! - Tại sao? Ông giáo chủ quắc mắt - Tại sao ông lại nói lên điềm gở ấy? - Tại sao ư? Vì đệ tử biết rõ Upāli người có trí - mà sa-môn Gotama lại là bậc đại trí! Thế thôi! Thấy Nāṭaputta gườm gườm có vẻ tức giận, Tapassa bước nhanh ra ngoài, tìm đến trang viện của Upāli. Ông bị người ta chặn ở cửa: - Xin tôn giả chớ có bước vào! - Tại sao? - Gia chủ Upāli bây giờ đã là đệ tử của sa-môn Gotama rồi. Nếu muốn, tôn giả cứ đứng ở đây, chúng tôi sẽ đặt đầy vật thực. - Ta không cần đồ ăn! Tapassa bước lui và đi liền một mạch về kể lại sự thực cho giáo chủ Ni-kiền-tử. Muốn hỏi cho ra lẽ, Nāṭaputta triệu tập đồ chúng, kéo đến trang viện của Upāli. Họ cũng bị viên gia nhân chặn ở cửa, không ngoại lệ. Tức giận quá, Nāṭaputta quát to: - Hãy báo cho Upāli biết, là giáo chủ Nāṭaputta đang đứng ở ngoài cửa, muốn gặp ông ta. Khi gia nhân vâng lời đi vào trong thưa báo, giáo chủ Nāṭaputta tự nghĩ: “ Tapassa và thiên hạ nói đúng sự thật rồi. Trước đây, khi ta đến, vị gia chủ này đi đón ta xa ngoài ngưỡng cửa, đầu cúi thấp, một tay chấp lại, một tay rải hoa rải hương thơm ngào ngạt. Vào trong, nơi chỗ ngồi tối thượng, tối tôn, tối cao, tối thắng như vua chúa - ông ta còn lấy thượng y quý phái của mình mà lau chỗ ngồi cho ta nữa. Còn nay thì sao? Còn nay thì một tên gia nhân, lại dám đóng sập cửa trước mũi của ta!” Khá lâu sau, thấy cửa chính được mở ra; và ông quản gia tóc bạc dẫn họ vào một căn phòng lớn, sang trọng. Các chỗ ngồi đâu đó đã được soạn sẵn. Tại chỗ trân trọng nhất - có một lò trầm và một bình hoa tươi thắm đặt trên chiếc bàn phủ nhung đỏ - ở đấy là nơi mà ông giáo chủ thường ngồi, thì nay là Upāli trong phục sức của một trưởng giả phú quý trong địa vị là một gia chủ đang đợi khách! Upāli cất giọng cười to, đưa bàn tay ra: - Quý hóa quá! Hân hạnh có tôn giả ghé thăm! Các chỗ ngồi đã được soạn sẵn, nếu muốn, tôn giả cứ lựa tìm chỗ ngồi ở nơi phải lẽ! Ông giáo chủ nổi giận đùng đùng: - Ông thật là điên cuồng, này gia chủ! Ông thật là ngu si, này gia chủ! Ông xin ta được đi luận chiến với sa-môn Gotama; nói hay, nói ho, nói đẹp, nói khéo; nói có hình tượng... nào là sẽ vặt, sẽ vần, sẽ dặc, sẽ chơi trò chơi phun nước; sẽ buộc chặt ông ta, trói ké ông ta trong màn lưới luận nghị vô phương vùng vẫy. Bây giờ thì sao nào? Ông đi với hai hòn cao hoàn, khi về, cả hai hòn cao hoàn đều bị sa-môn Gotama thiến trụi! Ông đi với hai con mắt, khi về, cả hai con mắt đều bị sa-môn Gotama khoét tiệt! Thật sự, ông đã bị huyễn thuật của sa-môn Gotam dụ dỗ, lôi cuốn rồi! Tự mãn cái gì? Tự đắc cái gì mà huênh hoang vênh váo thế kia? Trưởng giả Upāli cười sảng khoái: - Hay lắm! Tuyệt lắm! Và lại càng vi diệu hơn nữa là trò huyễn thuật của sa-môn Gotama! Nếu bà con huyết thống thân yêu của tôi mà được huyễn thuật này lôi cuốn thì an lạc và hạnh phúc cho họ xiết bao! Nếu các người sát-đế-lỵ mà được huyễn thuật này hấp dẫn thì an lạc và hạnh phúc cho họ vô cùng! Cũng vậy là các bà-la-môn, vệ-xá, thủ-đà-la! Cũng vậy là chư thiên, ma vương, phạm thiên, loài người, các sa-môn, đạo sĩ... mà được huyễn thuật của sa-môn Gotama thì thật là đại hạnh cho ba cõi! Là môn đệ của đức Tôn Sư ấy, Upāli tôi xin được cảm ơn tôn giả đã dùng từ huyễn thuật rất chính xác vậy! Ông giáo chủ cứ “hừm, hừm”, giận quá nên không nói được lời nào cả. Trưởng giả Upāli thản nhiên tiếp tục: - Cũng xin cảm ơn tôn giả đã đưa ra hai ví dụ về hai hòn cao hoàn bị thiến và hai con mắt bị khoét! Thật là hình tượng lắm, mà miệng lưỡi cũng cay chua, độc địa lắm! Tôi cũng có hai ví dụ xin được kể hầu tôn giả đây. Có một ông phú hộ nọ mắt lé, chân thọt, cưới mụ vợ cũng mắt lé, chân thọt; khi sinh ra một cô tiểu thư cũng mắt lé, chân thọt. Thế nhưng, ông ta hãnh diện lắm, nghĩ trên trần gian này, người nào mắt lé, chân thọt đều đẹp cả; ai có được ngũ quan toàn hảo thì ông cho là xấu. Từ đó, ông nhìn cuộc đời bằng cái khuôn “mắt lé, chân thọt”. Và “quan điểm mắt lé, chân thọt” ấy là giáo pháp của tôn giả, thưa tôn giả kính mến. Cái giáo lý ấy thật là kỳ hình dị dạng nhưng tôn giả cho là toàn mỹ, tuyệt bích; ai không tu theo tôn giả thì tôn giả cho là xấu, là sai! Bao nhiêu năm qua, tôn giả đã biến tôi từ một con người bình thường, một tâm và một trí bình thường - thành một con người có mắt lé và chân thọt. Tôi đã nhìn thế gian bằng đôi mắt lé, xiên xẹo, nghiêng lệch - không còn thấy đâu là cái chính đính, trung chính, đúng đắn, như chân như thực nữa. Còn lộ trình tu tập thì tôi bước đi bằng đôi chân thọt, lập đập, nghiêng bên này, ngã bên kia... theo cái lộ trình sai lầm, ngu si, điên đảo của tôn giả. Đến với sa-môn Gotama, một giáo pháp như chân như thực, đã trả lại cho tôi một con người như chân như thực; tôi như được sống lại, tôi như được vén mở hằng triệu đêm tăm tối để thấy được ánh sáng mặt trời - thưa tôn giả kính mến! Đấy là ví dụ thứ nhất. Tuy biết ông giáo chủ đã giận lắm rồi, nhưng hôm nay trưởng giả Upāli quyết ăn miếng trả miếng, đòi lại cái món nợ “thiến cao hoàn và khoét mắt” nên thủng thỉnh nói tiếp: - Có một người thợ nhuộm thiện xảo về nghề nghiệp của mình. Ông ta là vua màu sắc và vua thợ nhuộm: cái gì ông nhuộm cũng được cả. Trong cái xưởng của ông, không những vải vóc, áo quần... mà bàn ghế, giường tủ, vật dụng gì gì ông cũng nhuộm cả, sắc màu tự ông nghĩ ra. Hôm ấy, vợ ông mua về một con khỉ để cho đứa con nhỏ của ông chơi. Ngắm nghía con khỉ, tự dưng, thích thú quá, ông mỉm cười. Sau đó, ông pha chế sắc màu và nhuộm con khỉ theo ý nghĩ của mình. Thế rồi, tay chân, mặt mũi, lưng bụng gì của con khỉ cũng bị nhuộm cả với rất nhiều sắc màu khác nhau. Thế là con khỉ nhảy múa, leo trèo gì trông cũng vui vẻ như một vũ điệu về màu sắc. Đứa trẻ con ông thích thú quá, cười sặc sụa. Nhìn đứa trẻ, thấy chẳng giống con khỉ chút nào - ông bèn nghĩ cách nhuộm đứa bé cho giống con khỉ để chúng chơi với nhau. Bà vợ bước vào, không còn nhìn ra đứa bé con của mình nữa, bà chết giấc! Thưa tôn giả, giáo pháp của tôn giả là ông thợ nhuộm thiện xảo ấy. Tôn giả muốn nhuộm cả thiên hạ cho giống con khỉ kia! “Con khỉ chẳng ra con khỉ là quan điểm, là triết học, là nhân sinh quan” của tôn giả! Tôi đến với tôn giả, tôn giả đã nhuộm tôi như nhuộm đứa bé sao cho giống con khỉ, chẳng nhìn ra con người là ở đâu nữa. May thay mà cũng phúc lành thay, tôi đến với sa-môn Gotama - và tôi đã hoàn thân lại con người với mặt mũi tay chân, tâm trí gì cũng là con người cả! Được trở lại làm người! Đấy là ví dụ thứ hai! Nghỉ hơi một lát, trưởng giả Upāli nói: - Để kết luận, và đây cũng là lời cuối cùng, trang viện này, từ nay, đóng cửa đối với các Nam, các nữ Nigaṇṭhā, và tôn giả cũng không loại trừ, thưa tôn giả giáo chủ kính mến! Nói thế là đã “cạn tàu, ráo máng”, thế nhưng, vị giáo chủ của chúng ta còn cố vớt vát, hỏi câu cuối cùng: - Thế gia chủ làm đệ tử sa-môn Gotama thật sao? Trưởng giả Upāli chợt cười ha hả, đứng bật dậy, trật y vai phải, quỳ xuống, hướng đến khu rừng Pavarikāmba - nơi đức Phật đang ngự - đảnh lễ năm vóc sát đất rồi cũng ra oai bắt chước tiếng rống của “tiểu sư vương”: “- Khi mặt trời đã lên rồi, thì các ngọn đèn, những con đom đóm biết thắp sáng cho ai nữa? Mặt trời ấy là đại sa-môn Gotama, là bậc chân sư, là đạo sư của tôi! Thảm thương thay là những cái lắt lay, leo lét của các ngọn đèn, của những con đom đóm mà dám so với ánh sáng mặt trời! Khi hải triều âm đã vọng lên rồi, thì còn đâu nữa tiếng vỗ của suối, của sông, tiếng reo của lá gió, của muôn phương gầm rú, của khỉ vượn cọp beo? Hải triều âm kia là chánh pháp của đại sa-môn Gotama, là chân sư, là đạo sư của tôi! Khi đỉnh Himalaya đã cất cao đầu, thiết lập vị trí thống lãnh, đầy uy lực làm vua vạn sơn - thì núi lớn, núi nhỏ, những gò, những đống kia, sao không biết tự thẹn mà còn dám danh xưng thế này thế nọ? Đỉnh Himalaya kia là sự chứng ngộ của đại sa-môn Gotama, là chân sư, là đạo sư của tôi! Ôi! Vị ấy có trí sáng, có tâm vô biên, có giới đức, có tuệ đức, có định đức, bậc điều ngự, vô thượng sĩ, đại ngưu vương, đại long vương, đại sư vương, thầy ba cõi, bậc thiện thệ, đấng đại giác, đại giải thoát...Và đức Thế Tôn ấy là chân sư, là đạo sư của tôi, tôi là đệ tử Người!” Nghe trưởng giả Upāli tán thán đức Phật hết ngôn ngữ, hết hình ảnh như thế, Nigaṇṭhā không còn chịu đựng nỗi nữa, ông thổ huyết nóng tại chỗ, các đệ tử đi theo phải dìu ông trở về. Đạo sĩ Dīghatapassa đứng lại một lát, ông mỉm cười nhẹ rồi nói với gia chủ Upāli: - Trưởng giả đã sáng suốt lựa chọn con đường cho mình, điều ấy là rất tốt và là việc cần làm! Nhưng trả đũa đến độ làm cho giáo chủ chúng tôi bị thổ huyết - ấy là việc hơi quá đáng, không nên làm! - Tôi đã biết lỗi lầm của mình rồi! Nhìn vẻ mặt có vẻ ăn năn của gia chủ Upāli, Dīghatapassa trấn an ông: - Nhưng vì giáo chủ của chúng tôi đưa ví dụ cái “cao hoàn” ra mà nói chuyện lại càng quá đáng hơn! Lỗi về phần ông ấy! Ngưng một lát, thở dài, nhìn Upāli, rồi ông nói như tâm sự - Trước sau gì tôi cũng phải đi theo bước chân của trưởng giả, tôi sẽ xin xuất gia trong giáo pháp của sa-môn Gotama! Sống với kẻ trí, dù có ngu dốt tới đâu, ta cũng học được một vài lợi ích! Con đường tu học, nếu mà lựa chọn sai lầm, sẽ khổ đau trong nhiều đời kiếp, có hối cũng không còn kịp nữa! - Xin cảm ơn đạo sĩ! - Đừng cảm ơn tôi! Tôi phải cảm ơn gia chủ đã làm cho giáo chủ chúng tôi thức tỉnh một phần nào! Họ từ giã nhau rất thân thiện. Trong lúc đức Phật cảm hóa Dīghatapassa - thì các vị tôn giả Mahā Moggallāna Mahā Kassapa tiếp độ thân bằng quyến thuộc của mình. Riêng tôn giả Sāriputta thì dẫn được hai cô em gái là Cālā và Upacālā đi theo về Vesāli rồi sẽ cho xuất gia tại đó. |