|
Một trăm lẻ một Có sự chạm trán ở mọi nơi nếu bạn muốn tranh chấp. Có những người họ muốn đánh bại bạn, làm bạn thất bại, vượt trội hơn bạn, và ngay cả xứng hợp với bạn. Để làm được điều này, họ có thể thực hiện bất cứ việc gì hầu đạt được sự chiến thắng cho họ. Nếu bạn tham gia chiến đấu, họ đã thắng rồi, bởi vì họ đã lôi kéo được bạn vào trận chiến. Nếu bạn đua tranh, họ đã thắng rồi, bởi vì bạn đã tự hạ mình xuống cái cõi trần tục đánh giá bởi những kẻ thắng và người bại. Không có những kẻ thắng, không có những người bại, không có Nghiệp. Hãy bỏ ra đi. Một trăm lẻ hai Nếu thắng một cuộc chiến đấu thời bạn đoạt được cái gì? Nếu bạn tham gia vào một cuộc tranh chấp và đánh bại đối phương của bạn thời kẻ nào đã thực sự thua? Những cuộc chiến đấu cũng chỉ tạm thời như những kẻ tiến hành cuộc chiến. Những cuộc chiến đấu làm nảy sinh ra tổn thất. Mất những người thân yêu, mất danh dự, mất sự bình thường của sự vật. Làm sao mà một cuộc chiến lại mang tới sự công bằng, khi có quá nhiều người khổ đau? Có chấp nhận thời không còn tranh chấp. Không tranh chấp là Thiền. Một trăm lẻ ba Thế giới chung quanh bạn có thể: đương đầu với nhau, cạnh tranh nhau, khát khao, ngay cả bạo động nữa, nhưng chính là do bạn chọn lựa nếu bạn muốn vào cái nơi cuồng điên đó. Hãy ngồi với sự hiện diện của những kẻ chưa giác ngộ, Hãy để mặc họ tranh chấp với những cuộc chiến của họ. Đừng nên tham dự vào, và họ sẽ quay qua bạn để tìm kiếm hòa bình. Khi họ làm như vậy, đừng nói gì cả, đừng làm gì cả, vì nếu không cho đi cái gì, thời không có cái gì cần trả lại. Họ sẽ học hỏi được từ sự yên lặng của bạn và dễ dàng trở nên giống như bạn – lặng yên. Khi đó thế giới sẽ lại có cơ hội tiếp tục tiến trình toàn hảo của riêng nó. Một trăm lẻ bốn Âm và dương. Nếu bạn phải suy nghĩ về việc liệu xem bạn có được thăng bằng hay không, như thế là bạn đã mất quân bình rồi. Quân bình là trạng thái nhất tướng. Là thấu hiểu rằng bạn và vũ trụ cùng có mối tương quan chung một bản thể. Cái gì khiến cho một người bị mất quân bình? Là khi không thấu hiểu rằng sự quân bình là cái trình tự tự nhiên của mọi vật. Điều này khiến người ta cứ nỗ lực để chỉnh đốn lại mọi vật. Sự cố gắng, trong mọi trường hợp, khởi sự gây ra những yếu tố thống khổ cho con người. Hãy hiện hữu bình thản và an nhiên tự tại. Phấn đấu thời bạn chẳng được như vậy nữa.
Một trăm lẻ năm Âm và dương chỉ rõ tính chất của nhị nguyên. Tôi là cái này, bạn là cái kia. Tôi đúng, bạn sai. Tôi là đàn ông, bạn là đàn bà. Tôi da trắng, bạn da đen. Nhị nguyên tạo ra cuộc sống. Nhị nguyên tạo ra Nghiệp. Nhị nguyên không tạo ra sự giác ngộ. Hãy bước vượt ra khỏi nhị nguyên. Hãy coi chính bạn là một thành phần tương giao hòa hợp với mọi thứ. Hãy để tâm bạn hòa nhập với nhất tướng. Và bạn sẽ chẳng còn vướng Nghiệp. Một trăm lẻ sáu Nếu bạn yêu thích Địa Ngục nó trở thành Thiên Đường. Tốt và xấu tất cả đều là viễn cảnh của bạn, quan điểm của bạn. Nếu tốt và xấu, đúng và sai dựa vào cá nhân, thời chỉ cần bạn phải vượt khỏi cái tính chất cá nhân của bạn là chứng ngộ được Niết Bàn. Hãy chỉ là một, là nhất thể. Một trăm lẻ bảy Mọi người đều muốn lên Thiên Đàng Nhưng chẳng ai muốn chết. Người ta muốn thánh thiện, nhưng chỉ khi nào được mọi người biết là họ thánh thiện. Cho nên họ mặc vào một loại quần áo nào đó hay nắm giữ một tước vị đặc biệt. Thánh thiện có cái giá của nó, nhưng không đạt Niết Bàn. Giác ngộ cũng có cái giá của nó, đó là tự ngã của bạn. Một khi mà bạn còn ưa thích thánh thiện hơn giác ngộ, Không thể chứng đắc được Niết Bàn. Làm thế nào mà bạn buông xả được lòng ham muốn mưu cầu thánh thiện? Bước thứ nhất: Không màng để ý tới là có người nào đó biết rằng bạn đã giác ngộ hay không. Một trăm lẻ tám Nếu bạn hứa thiền định vào cùng một giờ giấc mỗi ngày, kéo dài cùng một thời gian nhất định, với hy vọng sẽ đạt được giác ngộ, bạn sẽ chẳng bao giờ được quang minh tỏ ngộ cả. Niết Bàn không hay biết đến giờ giấc. Một trăm lẻ chín Cửa vào giải thoát thời mở rộng. Bạn không thể nhìn thấy nó rộng mở bởi vì bạn nghĩ rằng bạn biết mình sẽ cảm thấy như thế nào và sẽ làm gì khi bạn tới đó. Tại sao? Vì những vị có danh hiệu “Giác ngộ” đã nói dối với bạn. Có người giác ngộ nào tự cho là họ đã giác ngộ hay không? Nếu họ tự nhận như thế, tức là họ chẳng giác ngộ chi cả. Vì họ chưa giác ngộ, Làm sao họ có thể nói cho bạn biết giác ngộ như thế nào? Thiền có đó. Bạn hiện hữu. Hãy ngưng tin tưởng. Hãy khởi sự chứng nghiệm đi. Một trăm mười Sách vở, những bài giảng thuyết và những lớp học đưa tới sự am hiểu. Sự am hiểu đưa tới kiến thức. Kiến thức không phải là giác ngộ. Kiến thức là, “Tôi biết. Bạn không biết. Để tôi dạy cho bạn.” Hiểu được thế nào là ảo tưởng thời dễ dàng. Không ai có thể dạy cho bạn về Niết Bàn. Niết Bàn không thể hiểu được. Nó vượt xa hơn các lời giáo huấn. Một trăm mười một Những người thiếu nhận thức dùng cái Đầu Óc Suy Tư để toan tính dạy về Vô Tâm. Họ đưa ra cho bạn những phương pháp phức tạp để bạn tìm đường mà đến với cái không. Họ đề xướng cho bạn những Thần Chú bí mật để bạn sẽ có được sự tập trung vào thiền định. Họ nói bạn phải ngồi xuống, chỉ suy tưởng tới Thần Chú chứ không được nghĩ ngợi gì khác và bạn sẽ chứng ngộ được Niết Bàn. Nhưng từ những phương pháp sẽ phát sinh ra việc định giá. Từ định giá phát sinh ra phán xét. Từ phán xét nảy sinh ra cấp bậc. Từ cấp bậc nảy sinh ra tước vị. Từ tước vị phát sinh ra cao thấp. Từ cao thấp nảy sinh ra tự ngã. Từ tự ngã phát sinh ra ảo tưởng. Các phương pháp không phải là đường đưa tới Niết Bàn. Các phương pháp chỉ là những con đường dẫn đến ảo tưởng. Bạn có thể ngồi được bao lâu mà không dấy lên một tư tưởng? Nếu bạn trả lời được câu hỏi này, tức là bạn chỉ tập trung vào phẩm chất của phương pháp của bạn mà thôi. Một trăm mười hai Một số người muốn làm môn đồ. Họ cần tin tưởng rằng một số người khác thông hiểu nhiều hơn họ. Có điều chắc chắn là bạn không thể biết được tất cả những câu trả lời. Nhưng những câu trả lời là gì? Có phải đó chỉ đơn thuần là những nhận thức có tính cách cá nhân về sự tác động lẫn nhau trong vũ trụ? Khi có người nào đó nói là họ hiểu biết, họ chỉ biết những điều mà họ biết thôi. Bạn biết những cái gì? Bạn có lẽ biết nhiều hơn những thứ mà bạn nghĩ rằng bạn hay biết. Một trăm mười ba Thế giới cung cấp cho chúng ta một số lượng lớn Vấn Đề Tâm Trí. Nhu cầu phải là: to lớn hơn, tốt đẹp hơn, mạnh khỏe hơn, mảnh dẻ hơn, thông minh hơn, giàu có hơn, hấp dẫn hơn. Thiền đem cho chúng ta một số lượng lớn Vấn Đề Tâm Trí: Nhu cầu phải là: thanh khiết hơn, bớt chạy theo vật chất, bớt tham dục, quán tưởng nhiều hơn, giác ngộ nhiều hơn. Vấn Đề Tâm Trí là Vấn Đề Tâm Trí. Niết Bàn vượt xa hơn Vấn Đề Tâm Trí. Con người bình thường có bao giờ thắc mắc xem họ là ai hay tại sao họ lại có chiều hướng như thế không? Trong Thiền, người ta được cho hay biết rằng cái đơn giản nhất là cái thanh khiết nhất. Tuy nhiên bậc Thiền sư chưa giác ngộ lại bỏ cái đơn giản đi và thay vào đó bằng cái ảo tưởng của Vấn Đề Tâm Trí. Niết Bàn không lệ thuộc gì tới Vấn Đề Tâm Trí. Ngay cả cái Vấn Đề Tâm Trí đó được tạo ra bởi Thiền. Một trăm mười bốn Ý thức là khoa học đơn giản nhất. Tuy nhiên, vì bản tính trừu tượng của ý thức, nó lại là khoa học khó định rõ đặc điểm nhất. Bởi vì ý thức trừu tượng như thế, người ta có thể nói bất cứ điều gì về ý thức mà họ muốn và vẫn có người tin theo họ. Một trăm mười lăm Có vẻ đẹp trong đường bay của chim. Có dáng uyển chuyển của muông thú chạy trong rừng. Nhưng bản chất của chúng là bản chất của chúng, chúng có cái kiểu cách sống riêng tư. Nhìn vào chúng để tìm một con đường dẫn tới giác ngộ là tước bỏ mất sự toàn hảo ý thức của cả người lẫn thú. Bạn hãy là ban. Hãy quý những khuyết điểm và những nhược điểm của bạn. Hãy chấp nhận sự hoàn chỉnh bẩm sinh của riêng bạn. Và sự giác ngộ chẳng cần phải đi tìm ở nơi nào khác. Một trăm mười sáu Có dược phẩm nào mang lại cho bạn sự giác ngộ không? Một dược phẩm có thể làm cho bạn cảm thấy thoải mái. Một dược phẩm có thể mang lại cho bạn những kinh nghiệm mới mẻ. Một dược phẩm cũng có thể tạo cho bạn trông thấy những ảo ảnh mà bạn tin rằng là có thực. Cái gì có thực? Có phải cái gì có thật là không thật chăng? Nếu một loại dược phẩm có thể cho bạn giác ngộ, thời tại sao khi hiệu lực của thuốc tan đi – chỉ để lại cho bạn cái nhớ về kinh nghiệm mà thôi? Niết Bàn hiện hữu đó, khi không có cái gì khác nữa. Một trăm mười bảy Nếu như Niết Bàn tới trong một cái hộp. Bạn có sẽ mở nó ra hay không? Một trăm mười tám Không có Thực Tại. Đã bao nhiêu lần bạn lái xe tới một địa điểm nào đó, rồi chỉ để nhận thấy rằng bạn không còn nhớ gì đến vài dặm đường sau cùng đã đi qua? Đã bao nhiêu lần bạn ăn xong một bữa, mà không thưởng thức một chút mùi vị nào? Đã bao nhiêu lần đang kinh qua một việc gì đó bạn chợt nhận ra rằng bạn đang sống với kinh nghiệm này nhưng lại không có chút kinh nghiệm nào về việc đó? Vì sự công kích dữ dội của thế giới tân tiến, nhiều người đã vô tình ngăn chận không để thân và tâm của họ thật sự trải qua kinh nghiệm gì trong giây phút nào đó. Điều này đưa tới một cuộc sống xa lạ không có tác động hỗ tương với chính bản thân họ. Nếu không có sự tác động hỗ tương với chính mình, thời cuộc đời trôi qua trong một trạng thái mờ ảo, và sự chứng ngộ chỉ đến với những ai biết sống với giây phút hiện tại của họ mà thôi. Một trăm mười chín Giác tỉnh. Bạn cảm thấy thế nào? Nói: “Tôi cảm thấy khả quan,” không phải là câu trả lời. Bạn thật sự cảm thấy thế nào ngay lúc này đây? Hãy để tâm trí của bạn xem xét cẩn thận từng bộ phận trên thân thể bạn: những ngón chân, bàn chân, ống chân, ngón tay, cánh tay, thân mình, cổ và đầu. Sau khi bạn đã khảo sát các thành phần thân thể bên ngoài của bạn rồi, hãy hướng sự chú tâm vào bên trong thân bạn. Hãy quan sát lâu và chăm chú nhưng đừng phê phán. Hãy chứng nghiệm xem bạn là ai. Không ai có thể nói cho bạn cách cảm nhận như thế nào. Không có cái đúng và cái sai. Sự chứng nghiệm của bạn về bạn là kinh nghiệm của bạn về bạn. Nếu bạn không biết bạn, Bạn không thể biết Niết Bàn. Hãy tìm hiểu chính bạn một cách sâu sắc, lần đầu tiên. Một trăm hai mươi Sự giác ngộ không thể căn cứ vào sự phủ nhận. Sự giác ngộ không thể dựa vào sự giả bộ. Không phải bạn muốn trở thành một cái gì đó khác đi mà giác ngộ được. Không phải một ngày nào đó bạn hy vọng đạt được cái chi thời cái đó sẽ là giác ngộ. Sự giác ngộ là của bạn, Ngay Bây Giờ. Hãy hội nhập vào giây phút này và chứng ngộ nó. Một trăm hai mươi mốt Nếu bạn muốn có lời giải đáp cho một câu hỏi, bạn có thể tìm được một người nào đó cho bạn lời giải đáp. Nhưng, lời giải đáp lại có ý nghĩa khác nhau khi hỏi những người khác nhau, mỗi người mỗi ý, dựa vào nhận thức cá nhân. Nhận thức đưa tới ảo tưởng. Bởi vì không thể có sự thật chung cho mọi người trong một thế giới bị giới hạn bởi lý trí. Nếu bạn không đi tìm câu trả lời thời bạn sẽ không bị người ta dối gạt. Không bị dối gạt, bạn sẽ khỏi vướng mắc vào mánh khóe lừa bịp. Tránh khỏi mánh khóe lừa bịp, bạn có thể lao vào cuộc đời với những giao tiếp ung dung tự tại của chính bạn. Tự hiểu được chính bản thân mình, bạn sẽ nhìn thấy thế giới rõ ràng hơn. Vì chính chỉ có bạn là người quan sát nó. Không tìm lời giải đáp, là con đường tới Niết Bàn. Một trăm hai mươi hai Mọi thứ đều có một Điểm Nguồn Gốc: vũ trụ, cuộc sống vật chất, những vấn đề của con người, những tham dục, ngay cả giác ngộ. Tìm ra Điểm Nguồn Gốc là then chốt đưa tới giác ngộ. Điểm Nguồn Gốc chỉ đạt được khi loại bỏ các vật trở ngại. Các chướng ngại vật được tạo ra bởi xã hội, văn hóa, tôn giáo, khoa học, và các tham dục của bạn. Tại sao? Bởi vì người ta ham muốn một lời giải đáp. Nhưng không có câu trả lời. Cái gì ngày hôm nay đúng về mặt tôn giáo hay khoa học, lại có thể sẽ sai vào ngày mai. Cái gì được ham muốn vào ngày hôm nay, sẽ bị quên lãng vào ngày mai. Hãy dẹp ngay các vật trở ngại đi. Hãy tìm kiếm Điểm Nguồn Gốc. Bạn sẽ tìm gặp được cửa ngõ đưa tới giác ngộ. Một trăm hai mươi ba Một trong những yếu tố chính ngăn cản bạn với Niết Bàn là sự tập trung vào một mối xúc cảm riêng biệt – dù nó tích cực hay tiêu cưc. Những xúc cảm làm mê đắm. Chúng làm bạn có cảm giác. Những cảm giác làm kích thích thần kinh, và tạo ra cho bạn một cảm quan tràn đầy sinh động. Nhưng những xúc cảm không tồn tại mãi mãi. Bởi chính ngay bản chất của chúng, chúng hiện đến rồi lại ra đi. Cảm xúc đưa tới cảm xúc, dẫn tới cảm xúc, đưa dẫn vào cảm xúc. Bạn dễ xúc cảm như thế nào? Bạn có bị chế ngự bởi những cảm xúc của bạn hay không? Những cảm xúc của bạn sẽ hướng dẫn bạn tới Niết Bàn như thế nào? Một trăm hai mươi bốn Xúc cảm là một thứ ma túy. Một khi đã thử nghiệm rồi, thời bạn hoặc là thường xuyên ham muốn nó hay tìm cách không bao giờ lại muốn như thế nữa. Bạn đặt để đời bạn vào một khuôn mẫu hoặc là đối đầu hay là trốn chạy một cảm xúc nhất định. Những cảm xúc không phải là Niết Bàn. Những cảm xúc chỉ là những cảm giác. Và cảm giác sẽ trôi qua mất đi. Quang minh liễu ngộ không bao giờ mất dần đi. Tùy bạn chọn lựa, theo đuổi một đời sống đầy xúc cảm hay ngộ nhập Niết Bàn. Một trăm hai mươi lăm Tại sao bạn tức giận? Vì bạn không đạt được những gì bạn muốn? Vì người nào đó không cư xử theo đúng cách thức mà bạn mong muốn? Bạn có thể nổi giận nếu bạn muốn. Nhưng cơn giận dữ sẽ dẫn dắt bạn tới đâu? Cơn giận dữ đưa tới đối đầu, sức khỏe yếu kém, và không sung sướng. Nó không đưa tới giác ngộ. Bạn làm gì với cơn giận dữ? Phải hiểu rằng cơn giận sinh ra bởi tham dục – ham muốn một cái gì đó phải đổi khác đi. Nếu bạn đang sống trong những giây phút của bạn, cho rằng mọi chuyện đều hoàn hảo, thời cơn giận dữ không đời nào có thể nắm bắt đươc bạn. Một trăm hai mươi sáu Thiền không phải là việc kiềm chế những cảm xúc của bạn. Thiền là nói về sự chứng ngộ. Giác ngộ không phải là lánh xa những xúc cảm của bạn. Giác ngộ là việc chấp nhận cội nguồn của tất cả mọi thứ, kể cả những xúc cảm của bạn. Chấp nhận cội nguồn, bạn sẽ hiểu lý nhân quả. Hiểu lý nhân quả, bạn sẽ không còn bị điều khiển một cách không chính đáng bởi những xúc cảm tạm thời của bạn nữa. Không bị chi phối, tự bạn làm chủ chỉ huy. Một bước tới gần với Niết Bàn. Một trăm hai mươi bảy Bạn có thể ôm đồm những yếu tố thông thường của cuộc sống con người: giận dữ nhất thời, tham dục chốc lát, kiếm tìm, mong đợi, và những xúc cảm chúng đưa đẩy bạn xuống biết bao chiều hướng hỗn loạn, nếu bạn thích như vậy. Hay, bạn có thể dập tắt đi bản chất tạm thời của cuộc sống con người hàng ngày và chứng ngộ Niết Bàn. |