|
Một trăm hai mươi tám Người ta cho rằng giác ngộ có nghĩa là hạnh phúc. Hạnh phúc thời cảm thấy thoải mái. Hạnh phúc thời cảm thấy tốt hơn là buồn rầu. Nhưng, sung sướng hạnh phúc là một xúc cảm. Xúc cảm không tồn tại mãi mãi. Chúng tới và chúng đi, bị thúc đẩy bởi tình huống bên ngoài. Sự giác ngộ vượt xa hơn niềm hạnh phúc, bởi vì nó không bị thúc đẩy bởi cái gì cả. Tự nó thời đầy đủ và trọn vẹn rồi. Bạn thời có vậy không?
Một trăm hai mươi chín Nếu bạn tin theo Vũ Trụ Toàn Hảo – cho rằng mọi thứ như thế là đúng vị trí của nó, vậy là bạn đã đi vào cái được biết đến là “Con Đường Ít Đề Kháng Nhất”, dễ dàng nhất. Trong tâm trạng như vậy, bạn không còn đấu tranh với chính mình về những sự không thanh khiết của mình nữa. Bạn không chiến đấu với thế gian về những sự bất công. Bạn làm cái gì bạn cần làm, đó là bản chất của cuộc sống, nhưng bạn không đặt nặng phần kết quả. Không màng đến thành quả, mặc cho mọi việc ngẫu nhiên xảy đến. Mọi việc ngẫu nhiên xảy đến, không có xung đột trong bạn, bởi vì bạn chứng nghiệm sự toàn hảo của mỗi động tác trong cuộc đời của bạn và trong vũ trụ. Khi không có tranh chấp, mọi thứ diễn tiến như thế là đúng, kể cả chính bạn nữa. Hãy bước vào Con Đường Ít Đề Kháng Nhất. Một trăm ba mươi Bạn có thể chứng kiến thế giới vật chất xảy ra ở chung quanh bạn. Bạn có thể theo dõi hành động của các chúng sinh khác. Ngay cả bạn có thể ngồi lại và quan sát quãng đời của chính mình trôi qua, chờ cho nó kết liễu. Hay, bạn có thể có ý thức và trở thành một kẻ tham gia tích cực vào vở kịch thiêng liêng này. Phải chăng bỏ chạy về một hang động là có thể hứa hẹn đạt được giác ngộ? Phải chăng trốn tránh cuộc đời có nghĩa là bạn sẽ gặp được Niết Bàn? Phải chăng sống mà chối bỏ rằng bạn là một con người với tính yếu đuối bạc nhược của kiếp nhân sinh sẽ hứa hẹn đạt đến quang minh? Hãy buông xả tất cả các sự tin tưởng vô ý nghĩa bị tuyên truyền bởi những kẻ không hiểu biết gì. Hãy tìm hiểu đi và bạn sẽ biết. Hãy hiện hữu và bạn sẽ liễu ngộ. Một trăm ba mươi mốt Trong tiếng Nhật Bản, chữ Satori, là nói đến “Giác Ngộ Tức Thời”. Đến từ hư không nó đi về hư không. Nó tồn tại và rồi nó lại biến đi. Toàn hảo, giống như cuộc đời. Đang ở nơi này – rồi biến đi, chu kỳ hoàn thành. Một trăm ba mươi hai Bạn không thể nắm giữ Satori (Giác Ngộ Tức Thời), vì không có gì để nắm lấy được cả. Bạn không thể định rõ tính chất của Satori, Vì nó không phải là một vật. Không là một cái gì cả, nên nó là sự diễn đạt hoàn chỉnh nhất của Thiền.
Một trăm ba mươi ba Bạn có thể nhớ lại cái kinh nghiệm về Satori (Giác Ngộ Tức Thời), đó là bản chất của con người. Nhưng nếu bạn muốn thử diễn tả về Satori, cái tinh túy của nó sẽ mất đi. Cái tinh túy của Satori bị mất đi này đã đưa tới rất nhiều bài giảng và nhiều bài viết chứa đầy cả một ngôi đền. Người ta đã cố nắm lấy cái không của Satori, để biến nó thành cái có. Giờ phút nào điều này xảy ra, Satori không còn nữa. Một trăm ba mươi bốn Người ta nói với thế gian rằng họ đã chứng nghiệm được Satori (Giác Ngộ Tức Thời) – rằng họ đã bước được vào cảnh giới của ý thức Vô-Tâm trừu tượng. Nhưng vì chính bản chất của Satori mà nó không tồn tại lâu dài. Nắm giữ lấy nó, định rõ tính chất của nó, tự cho là đã đạt được nó, chỉ khiến cho bạn sẽ không bao giờ lại có thể chứng nghiệm được nó nữa. Một khi đã chứng nghiệm rồi thời lại phải tìm cách chứng nghiệm nữa. Tìm cách chứng nghiệm nữa thời cái độc đáo khác thường của Satori mất đi luôn. Một trăm ba mươi lăm Một số người, chỉ cần tiếp xúc với Satori (Giác Ngộ Tức Thời) một lần thôi là họ cho rằng như thế là đủ. Từ sự chứng nghiệm đó, họ đòi hỏi địa vị, sự tiến triển, và đòi gặp được cái tinh túy siêu phàm. Không thể nắm được Satori, dù bạn có cố gắng gian khổ thế nào chăng nữa. Không thể quán triệt được Satori, dù cho bạn có làm gì chăng nữa. Không thể ép buộc Satori phải tái xuất hiện, dù cho bạn có thiền định nhiều thế nào chăng nữa. Satori chỉ có thể chứng nghiệm khi nó hiện hữu. Một trăm ba mươi sáu Cái hay đẹp của Satori (Giác Ngộ Tức Thời) là tính nhất thời của nó. Hãy cảm nhận nó – rồi để nó đi, Hãy biết rằng cái gì không hiểu thời vẫn có thể hiểu được và rồi tiếp tục tiến tới. Bạn sẽ làm gì sau Satori? Hãy sống cuộc đời của bạn. Một trăm ba mươi bảy Người ta muốn tin tưởng rằng nếu họ tiếp cận được với Ý Thức Về Vũ Trụ thời họ sẽ không bao giờ cần phải làm một cái gì lại nữa. Bề nào thời tất cả mọi nhu cầu và mong muốn của họ cũng sẽ được đáp ứng. Những nhu cầu và mong ước của bạn là do bạn chọn lựa. Nếu bạn có những nhu cầu và mong ước bình dị, chúng sẽ được thỏa mãn dễ dàng. Bạn càng ôm đồm nhiều thứ thời càng khó đạt được. Đó là lý do tại sao Thiền dạy về sự giản dị. Càng giản dị càng đỡ nặng gánh. Càng đỡ nặng gánh càng dễ dàng thành đạt. Với ít thứ cần đạt được, cuộc đời trở nên dễ trọn vẹn. Điều đó khiến cho bạn khỏi phải lo lắng gì. Đừng nên tin tưởng rằng Niết Bàn sẽ đáp ứng mọi thứ và như vậy bạn sẽ được giải thoát. Được giải thoát, bạn có thể ngưng kiếm tìm và khởi sự theo cuộc sống giản dị. Khi bạn đạt tới điểm bình dị, bạn sẽ thấu suốt cái ảo mộng của cuộc đời. Hiểu được vậy là liễu ngộ. Một trăm ba mươi tám Nếu bạn có thể quên đi cả tham dục lẫn lo nghĩ trong giây phút thời trong phút giây đó bạn được an lành. Hãy để tâm bạn an tĩnh: không tham dục, không lo lắng, không quan tâm, không khổ não, không đớn đau, không tưởng nhớ. Hãy buông xả và chứng đắc Niết Bàn. Một trăm ba mươi chín Người ta thích chơi trò ăn mặc chải chuốt. Họ mặc những áo choàng của thầy tu từ nền Văn Hóa Viễn Đông và hy vọng trông có vẻ giác ngộ hơn. Quần áo bạn mặc có tạo cho bạn giác ngộ thêm hay không? Một trăm bốn mươi Một số người tự cho là họ mặc cái gì thời cái đó là vật nhắc nhở họ phải phấn đấu để trở thành nhân vật thường khoác loại y phục đó. Nếu bạn không biết được bên trong áo bạn mặc bạn là con người thế nào, thời cái áo khoác bên ngoài không có chút nghĩa lý gì cả. Hãy trở nên giác ngộ, và bạn sẽ diễn đạt được rõ ý nghĩa của sự giác ngộ. Khi đó, cái kiểu cách của bộ quần áo bạn mặc chẳng có tính chất quan trọng gì, vì cái sự hiển lộ bên trong của bạn sẽ làm lu mờ cái y phục khoác bên ngoài. Một trăm bốn mươi mốt Bạn có thể ngồi thiền trong nhiều giờ nếu bạn muốn thiền. Thiền đặt để tâm bạn vào trong một cái kén như thế bạn không phải chạm trán với những cái không ưng ý của thực tế thường ngày. Thiền và từ bỏ cõi trần tục đã từng được truyền bá rằng đó là một con đường đưa tới giác ngộ. Nhưng từ bỏ cuộc đời thời minh chứng được cái gì? Sự từ bỏ chẳng đưa ra được cái gì ngoại trừ có vẻ như một lý do thánh thiện hầu thoát chạy khỏi những lo lắng căng thẳng của xã hội tân tiến. Thoát chạy không thể coi là giác ngộ. Trốn chạy giống như khuynh hướng thoát ly thực tế. Thật dễ dàng tìm an lạc trong một hang động. Nhưng bạn có thể tìm thấy được bao nhiêu phần giác ngộ? Hãy tìm kiếm giác ngộ trong từng hoạt động của cuộc sống, và bạn sẽ thấy được rằng cái tinh túy của Niết Bàn thật sự có ở khắp nơi và trong mọi việc mà bạn làm, ngay cả trong những việc mà bạn không muốn làm.
Một trăm bốn mươi hai Bạn kỳ vọng hoàn tất được gì nếu bạn khước từ cuộc đời? Bạn sẽ không phải đối phó với các vấn đề trong công việc làm của bạn. Bạn sẽ không phải đương đầu với các mối quan hệ đầy xúc cảm sôi động của bạn. Nhưng, bạn sẽ sinh sống như thế nào đây? Ai sẽ cung cấp cho bạn cái ăn? Ai sẽ cung cấp cho bạn chốn ở? Bạn có tin rằng chỉ đơn thuần vì khước từ cuộc đời mà bạn sẽ xứng đáng được cung cấp mọi thứ theo nhu cầu của bạn? Một trăm bốn mươi ba Người thích vật chất trải qua gần suốt cuộc đời để phấn đấu mong có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhưng như vậy sẽ được đáp ứng lại bằng những gì? Những tham dục không toại nguyện và những nuối tiếc. Các thầy tu trải qua gần suốt cuộc đời để phấn đấu mong đạt được sự giác ngộ. Nhưng như vậy sẽ được đáp ứng lại bằng những gì? Chỉ nhận thấy rõ rằng quý vị chưa đủ thanh tịnh, chưa đủ thánh thiện, hay chưa có đủ thiện Nghiệp để chứng đạt Niết Bàn. Hai đường đều rất khác biệt, nhưng cùng chung kết quả. Yếu tố chủ chốt, đó là sự cố gắng phấn đấu. Đừng phấn đấu nữa. Hãy bước vào Niết Bàn. Một trăm bốn mươi bốn Dù cho nghề nghiệp của bạn có vẻ như thánh thiện đến thế nào chăng nữa, không thể giành được Niết Bàn đâu. Chỉ vì trong một số kinh điển có viết rằng dù sao thời thầy tu cũng thánh thiện hơn người thường tục, như thế điều đó phải đúng hay sao? Chỉ vì có một cá nhân đứng trên bục giảng kinh, người mà bạn tin là một đạo sư đã giác ngộ, như thế điều đó phải đúng hay sao? Ai làm nhiều điều ích lợi cho cuộc đời: thầy tu ngồi thiền định suốt cả ngày và suốt cả đêm hay người nông dân trồng táo để cho bạn ăn? Không có thực phẩm thời không có sự sống. Không có sự sống thời sự chờ đợi Niết Bàn không còn nghĩa lý gì. Ai viết ra các kinh điển? Các tu sĩ. Ai nuôi các vị đó ăn? Các nông dân. Thế thì việc làm nào thánh thiện nhất? Một trăm bốn mươi lăm Những tu sĩ Phật giáo có quan tâm đến việc người ta nhìn quý vị đó với cặp mắt như thế nào không? Những tu sĩ Phật giáo có cạo đầu và mặc y áo không? Nếu quý vị đó không quan tâm đến việc người đời nhìn mình với cặp mắt như thế nào, thời quý vị đó đã chẳng tự làm mình khác biệt với những người khác trong cuộc đời. Làm tu sĩ không phải là giác ngộ. Làm tu sĩ chỉ đơn thuần là người tu hành. Một trăm bốn mươi sáu Theo đường lối Bất Tác Động nghe tựa như một lời phát biểu rất Thiền. Nhưng một khi Bất Tác Động, cuộc sống ngưng tồn tại. Cuộc sống trôi đi, Niết Bàn trôi đi. Niết Bàn là một kinh nghiệm sống. Người chết có suy tưởng đến Niết Bàn hay không? Một trăm bốn mươi bảy Biết nhiều hơn bạn không phải là có Tri Thức Tuyệt Đối. Nhiều người sa vào ảo tưởng rằng nếu một vị thầy mà biết rất nhiều về một chủ đề cụ thể thì vị ấy đã giác ngộ rồi. Nghiên cứu mang lại tri thức. Nhưng tri thức không thể coi như giác ngộ. Giác ngộ đối lập hẳn với tri thức. Biết điều này, hãy xả bỏ điều biết này đi. Một trăm bốn mươi tám Không có sự Truyền Thừa Giác Ngộ. Niết Bàn không thể đem trao cho bạn được. Niết Bàn cần phải Tự Mình Chứng Ngộ. Một trăm bốn mươi chín Một ông thầy chỉ có thể truyền bá cho bạn tối đa là tới cái bản ngã và cái tri thức của vị đó cho phép mà thôi. Chính bạn là người chung cuộc phải tự mình Tìm Hiểu để chứng ngộ Niết Bàn. Một trăm năm mươi Hãy hành động để thành đạt. Đừng hành động gì cả để khỏi đạt được cái chi. Cần phải đi bước đầu tiên Thì mới có thể hiểu được bước thứ hai. Một trăm năm mươi mốt Niết Bàn là hiện đang tại nơi đây, không vương mang tư tưởng là đi ra đó. Một trăm năm mươi hai Trong tiếng Phạn, dịch theo nghĩa đen thời Niết Bàn là “Tịch Diệt,” khi cái bạn là ai không còn tồn tại nữa. Lần sau mà bạn nghĩ tới Niết Bàn, hãy nhớ đến cái định nghĩa này. Nhủ thầm không còn tồn tại nữa. Hãy quên bạn nghĩ bạn là ai. Trở nên tịch diệt, và bạn sẽ chứng đắc Niết Bàn. Một trăm năm mươi ba Samsara là vòng luân hồi vô tận của tái sinh và đầu thai vào kiếp khác, nó chỉ kết thúc khi một cá nhân nhớ đến Niết Bàn. Lời Nguyện Của Vị Bồ Tát là lời thề nguyền của một cá nhân giác ngộ, hết đời này qua đời khác, hứa sẽ trở lại cái thế giới trần tục hỗn tạp này, cho tới khi tất cả chúng sinh đều chứng đắc Niết Bàn. Hành động vị tha – con đường chủ yếu dẫn tới Niết Bàn. Một trăm năm mươi bốn Theo lệ thường, nhiều tông phái Phật giáo đặt ra đủ loại quy luật, cách thẩm lượng và học thuyết để môn sinh học Thiền phải theo đường lối đó mà nắm bắt được triết lý. Những tông phái này có lĩnh hội được cái tinh túy của Thiền hay không? Thiền không phải là theo nghi thức. Thực sự, nghi thức trực tiếp trái nghịch với Thiền. Thiền là sự tương thông với Trí Tuệ Tối Cao và đắc Phật Quả. Nghi thức khiến cho môn sinh khó đắc quả. Vị giác ngộ có bị lệ thuộc vào nghi thức không? Vị giác ngộ có cần những lễ nghi không? Vị giác ngộ có cần theo các trình tự hành lễ hay không? Không, vị nào đã giác ngộ không cần như thế. Nhưng những vị nào cần như thế thường hứa hẹn là phải theo các quy luật, lễ nghi và trình tự hành lễ thừa thãi kiểu đó thời mới mong tiến bộ từng bước một. Nhiều vị thầy dạy Thiền không hiểu Thiền. Hãy dẹp bỏ lời giáo huấn. Hãy quên nghi thức đi. Sẽ giác ngộ về Thiền. Một trăm năm mươi lăm Một trong những điều chính yếu gây trở ngại cho việc chứng đắc Niết Bàn là vì nhiều người giữ những vẻ nghiêm túc không cần thiết trên Con Đường Đạo. “Tôi đang trên con đường cầu được giác ngộ, không có hơi đâu mà bàn chuyện phù phiếm tầm phào.” Tại sao người tầm đạo phải trông buồn rầu, ủ rũ? Tại sao người tầm đạo không được tươi vui cười cợt? Hãy buông xả đi những ấn tượng sai lầm. Đừng giữ mãi hình ảnh những vị thầy tu thiền hành qua các hành lang của vài tu viện, lần xuống nẻo đường mong đạt được một vài hình thức giác ngộ nào đó, họ trông thiếu niềm vui. Niết Bàn không nghiêm túc. Chỉ những người tạo vẻ nghiêm túc không cần thiết cho Niết Bàn mới là những người chưa hề được tưới tẩm hạnh phúc thuần khiết của Niết Bàn. Hãy cảm nhận cái tinh túy của Niết Bàn và hãy nở nụ cười. Một trăm năm mươi sáu Một khi đã chứng đắc Niết Bàn thời mọi thứ khác đã bị quên lãng đi. Hãy liễu ngộ Niết Bàn, quên đi mọi thứ khác. Một trăm năm mươi bảy Không người nào có thể cho bạn Niết Bàn. Đó là một tặng phẩm mà bạn trao tặng cho chính mình.
HẾT |