|
CHUYỆN HAI MẸ CONCÙNG LẤY MỘT CHỒNG!
Tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā kể: - Nhận được đề tài minh sát danh sắc và ngũ uẩn từ ni trưởng - nhưng đệ tử không thấy tiến bộ. Trở lại đề mục lửa, đệ tử đi vào đi ra định này cho thuần thục, sau đó tuần tự bước lên các định cao hơn. Do đệ tử có định sâu, nên một vài thắng trí thần thông được chứng đạt. Hôm kia, cả tăng và ni viện bàn tán xôn xao về chuyện hai mẹ con cùng lấy một chồng, với những tình tiết rất éo le và hy hữu. Câu chuyện lâm li, bi thống ấy tràn qua cửa tai của mọi người. - Tại kinh thành này có hai vợ chồng thương buôn trẻ vừa lập gia thất. Không bao lâu thì người chồng cùng bạn bè đi một chuyến hàng xa. Họ phải lên các quốc độ sa mạc phương Bắc xa xôi cùng với đoàn ngựa thồ, mang hàng về tận Rājagaha để bán; chuyến đi có thể mất gần cả năm trường. Người mẹ thấy con trai vắng nhà mà cô con dâu bụng càng ngày càng lớn, sinh nghi, bà vặn hỏi. Cô con gái cứ tình thật trả lời là nàng chưa hề chung chạ với người đàn ông nào cả. Đứa con trong bụng này chính là cháu nội của bà chứ không phải ai khác. Người mẹ không tin, ngày nào cũng cật vấn khó dễ, bắt khai ra tác giả cái thai bào, nếu không, sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Cô gái tủi thân, thu vén ít tiền bạc làm lộ phí, cương quyết đi tìm chồng. Với bụng mang dạ chửa, lần hồi cũng đến được Magadha, kinh thành Rājagaha. Phố phường nhộn nhịp, lạ nước lạ cái, đất rộng người đông - biết chồng ở đâu mà tìm? Ngày kia, nàng nghe chuyển dạ. May mắn thay, có một phước xá bên đường và có mấy người đàn bà thấy tội nghiệp nên đã tận tình giúp đỡ - nàng sanh hạ được một bé trai bụ bẫm, dung sắc như vàng ròng. Từ đó, nàng thu vén một góc phước xá, ở luôn đấy để nuôi con. Đức vua Bimbisāra cho lập trong kinh thành và rải rác khắp các con đường lớn những phước xá như vậy cho khách lữ hành dừng chân, đồng thời, mỗi tháng hai kỳ, chẩn tế cho người nghèo khổ. Nàng và đứa bé tạm thời sinh sống qua ngày nhờ ân huệ nọ. Hôm ấy, nghe có một đoàn thương buôn đi ngang, nàng lấy áo khăn quấn đứa bé kỹ càng, đặt trên cái bệ thấp rồi chạy đi thăm hỏi tin tức chồng. Nàng vừa đi khuất thì có một doanh gia cất bước nhàn du, ngang phước xá, nghe tiếng trẻ khóc, vào xem. Thấy một đứa bé đẹp đẽ, xinh xắn được quấn trong khăn áo của người nghèo khổ, tưởng là bị bỏ rơi; xúc cảnh, sinh tình nên mang về nhà nuôi dưỡng tử tế. Người mẹ vừa thất vọng không hỏi được tin tức chồng, trở về phước xá thì thấy mất con, khóc lóc thảm thiết. Hỏi xung quanh xóm cũng không ai biết mà trả lời. Buồn khổ, mất hồn, mất vía, nàng đi lang thang không định hướng. Bước chân xiêu lạc, thất thểu đưa nàng ra phía ngoại ô. Một thủ lãnh tướng cướp còn trẻ cùng bầy bọn đang chuẩn bị đi ăn hàng đêm đang tụ họp nơi góc núi. Thấy một cô gái trẻ đẹp đi lang thang, hỏi chi cũng không ừ, không hử; đôi mắt thất thần nhưng không giấu được sắc đẹp trời cho. Động lòng, hắn dẫn nàng về sơn cốc, bảo người cho ăn uống, tắm rửa và thay đổi xiêm y - liền hiện nguyên hình với sắc đẹp chim sa cá lặn. Thời gian khá lâu, nàng mới lấy lại được trí nhớ, mới biết mình ở đâu. Biết mình không còn chỗ dung thân, lại thấy tên thủ lãnh tướng cướp cũng hết lòng hết dạ yêu thương mình, nàng đành thuận lấy hắn làm chồng. Năm sau, nàng sinh cho tên tướng cướp một bé gái đẹp đẽ như ngọc nữ. Càng lớn thì cô bé càng đẹp, một vẻ đẹp sắc sảo, rực rỡ hơn cả mẹ. Đến một ngày nọ, trong cuộc cãi vã, xô xát với chồng, lỡ tay, nàng đẩy con gái ra xa, té ngã ngửa và đầu nó đụng vào một vật nhọn, xé rách một đường, máu chảy đẫm cả tóc. Hốt hoảng, nàng chạy tới xem xét vết thương phía sau đầu, tức khắc nhai một nắm lá để ngăn máu chảy. Tên tướng cướp giờ thương con hơn vợ, gương mặt hầm hầm, cầm cây đao trên tay, rượt đuổi doạ giết! Sợ hãi, nàng trốn khỏi sơn trại, không dám về nhà nên lại đi lang thang, lếch thếch thêm một lần nữa. Trở lại Rājagaha, may thay gặp được một người đàn bà nhà giàu tốt bụng, nhận làm con nuôi và cho trông coi một cửa hàng tơ lụa. Chỉ một thời gian sau, nhờ ăn sung mặc sướng, bà như trở lại với sắc đẹp thuở còn con gái; không ai có thể tưởng tượng được rằng bà đã có hai mặt con với quá khứ phong trần, trôi nổi. Sáu bảy năm sau nữa, bà tưởng đời mình đã sóng yên bể lặng - thì có một chàng công tử tìm đến để mua tơ lụa. Có lẽ quá giàu sang nên vị công tử này cứ mỗi ngày một sắc áo, đều là lụa là thượng thặng xứ Kāsi! Đôi mắt của vị công tử cứ dính chặt vào bà không chịu rời. Sau đó, trăm phương nghìn cách, quyết hỏi bà làm vợ cho bằng được. Bà mẹ nuôi thấy vậy lại nói vào, tìm cách gắn kết tơ duyên cho hai người! Cầm lòng không đậu, bà lại lên kiệu về nhà chồng. Hóa ra vị công tử là con trai một đại doanh gia, vợ con, thê thiếp cả hằng chục người, tôi trai tớ gái cả hằng trăm. Cậu ta chỉ thích của ngon, vật lạ - nên chỉ thời gian sau là chán bà, rồi cưới thêm một cô gái khác nữa! Cô gái này rất đẹp, rực rỡ như hoa anh đào, nhưng chỉ qua mấy tháng, chàng ta lại tỏ ra ơ thờ, lạt lẽo! Hôm kia, thấy dung sắc cô gái phờ phạc, đầu bù tóc rối - động lòng, bà tới an ủi, nhân tiện, lấy lược chải tóc, làm đẹp lại cái đầu tóc cho cô gái. Lúc kéo mảng tóc ra, gỡ rối, bà thấy vết sẹo, nằm ở vị trí vết thương thuở xưa của con gái bà! Xúc động tâm can, bà nghĩ: “Không thể nào! Không thể có sự trùng hợp ngẫu nhiên như vậy được! Cô này chính thị là con gái của ta rồi!” Thẫn thờ, bỏ lược xuống, nhìn cô gái cho kỹ, những đường nét quen thuộc thuở xưa hiện về! Như sét đánh ngang đầu, như điên, như cuồng, bà bỏ chạy... không thấy đường sá, không thấy bụi bờ, gai góc, chỉ có nỗi đau, chỉ có nỗi đau âm ỉ như lửa đốt trong lòng... rồi ngã ra, ngất xỉu... Trong mơ màng, bà nghe thoảng tiếng nói: - Thôi, hãy tỉnh dậy đi! Hỡi người nữ đau khổ! Thấy mình đang nằm ở nơi một chõng tre và xung quanh có rất nhiều vị ni với khuôn mặt hiền từ, phúc hậu; bà có cảm giác lạ lùng như đang ở bên cạnh những người thân, như về bên ngôi nhà của mẹ. Bà khóc nức nở: - Hãy cho tôi được chết thôi! Tôi đã phạm một tội tày đình. Ôi! Oan nghiệt! Oan nghiệt! Hai mẹ con mà cùng lấy một chồng! - Chưa đâu! Giọng một vị ni cất lên lạnh lùng - chừng ấy chưa oan nghiệt đâu, còn một cái oan nghiệt kinh khiếp hơn nữa kìa! Bà bật ngồi dậy. Vị đang nói chuyện với bà là một tỳ-khưu-ni rất đẹp. - Có cái gì oan nghiệt hơn thế nữa, thưa ni sư? - Nếu tôi nói ra - thì bà phải tức khắc lựa chọn hai con đường: Một là xuất gia, hai là tự tử! Bà có đồng ý như thế thì tôi mới nói. - Vâng! Đồng ý! - Hai mẹ con cùng lấy một chồng - nhưng ông chồng ấy chính là con trai của người mẹ! Nói cách khác, cô gái kia lại cùng mẹ lấy em trai của mình! Nói cách khác nữa, cậu con trai lại lấy mẹ và chị gái của mình làm vợ! Thật là kinh khiếp! Thật là vô luân! Thật là bậy bạ hết sức! Thật là không thể tưởng tượng nổi! Nghe xong, bà lại ngất xỉu lần nữa. Vị tiết lộ chuyện ấy - là tỳ-khưu-ni Khemā - đọc tiếp mấy câu kệ: “- Cuộc đời đầy thống khổ Oan nghiệt thay các dục Dơ bẩn thay các dục Xấu xa thay các dục Vô luân thay các dục Vậy sao không từ bỏ Đoạn lìa ái trầm luân Quay đầu là thấy bến Xoa tay sạch nợ trần!” Do tỳ-khưu-ni Khemā sử dụng thần thông khi đọc bài kệ - nên bà nghe rõ mồn một bên tai. Sau đó, khi thấy bà đã bình tĩnh trở lại, tỳ-khưu Khemā kể chuyện quá khứ cho bà nghe, là trước đây bà đã từng dính mắc vào các dục như thế nào, và cũng đã từng tu tập trong nhiều kiếp như thế nào... Vậy đừng oán trách những oan nghiệt kia nữa. Ai trong vòng trầm luân sinh tử cũng mù quáng như vậy cả! Hãy tỉnh giấc mộng dài đi thôi! Bà ngồi dậy với nước mắt lã chã, tỉnh táo nói: - Tôi hiểu rồi! Tôi thấy rồi! Hãy cho tôi được xuất gia như các vị để cắt đứt vòng trầm luân thống khổ và oan nghiệt ấy! Vậy là ni viện tại Vương Xá, từ đó lại có thêm một tỳ-khưu-ni - được xem như là người đau khổ đệ nhất, gặp được giáo pháp như một chiếc phao cứu độ”. Kể xong, tỳ-khưu-ni Uppalavaṇṇā nói: - Bạch đức Thế Tôn! Nghe xong câu chuyện, đệ tử dựng tóc gáy, thấy sợ hãi các dục, kinh sợ các dục, nhờm gớm các dục - nội tâm thoáng chốc tự xa lìa mọi trần cấu, nhiễm ô, thấy rõ tam tướng; sau đó không cố gắng nhiều lắm, chứng ngộ vô sanh và viên mãn luôn các thắng trí. Đệ tử lại còn biết nữa rằng, vào thời đức Phật Kassapa, tỳ-khưu-ni Khemā hiện nay chính là trưởng công chúa, tên là Samanī, con đức vua Kikī nước Kāsi thuở xưa; đệ tử là công chúa thứ hai, tên là Samaṇagutta... Và đệ tử còn biết nhiều chuyện về các công chúa khác nữa... Ôi! Hóa ra, chúng đệ tử đều từ duyên xưa lối cũ mà trở về sau bao nhiêu kiếp trầm luân, lưu lạc. Đức Phật muốn để cho Uppalavaṇṇā kể lại câu chuyện ấy, là vì ngài biết rằng, trong số ni chúng ở đây sẽ có người nhờ vậy mà xa lìa các dục, đắc các tầng thánh quả... Lúc ấy, tôn giả Ānanda lẳng lặng nghĩ thầm trong tâm rằng:“Bảy nàng công chúa này, thế là bốn vị đã xuất đầu lộ diện rồi! Sẽ còn ba vị nữa! Ôi! Dòng trầm luân sinh tử này thật là lạ lùng - nhân và duyên cũng thật là khéo léo, kỳ diệu vậy thay!” |