|
NGƯỜI ĐÀN TÍNHỘ TRÌ TỐI THƯỢNG
Đức Phật tiết lộ: - Người ấy chính là tiền thân đại phạm thiên Sahampati, bạn của Như Lai từ thời đức Thế Tôn Kassapa - một người bạn tối thượng, như một viên ngọc tối thượng! Hôm ấy, đức Thế Tôn Kassapa từ thị trấn Vebhaliṅga tại miền Bắc, du hành cùng với đại chúng tỳ-khưu đến xứ Bārāṇasī, ngụ tại Isipatana. Vua xứ Kāsi, tên là Kikī, nghe vậy, liền cho thắng các cỗ xe mỹ diệu, thù thắng; với nghi vệ của bậc đại vương cao sang đến yết kiến đức Phật. Nghe xong thời pháp, đức vua xứ Kāsi hoan hỷ, phấn khích - mời thỉnh đức Thế Tôn cùng đại chúng, ngày mai đặt bát cúng dường tại hoàng cung. Thế rồi, sau buổi cúng dường lớn với thượng phẩm, với mỹ vị - đức vua còn mời thỉnh đức Phật và đại chúng an cư mùa mưa tại Bārāṇasī để ông có cơ hội hộ trì Tam Bảo, tích lũy thêm công đức! Đức Phật đáp: - Như Lai và chư tăng đã nhận lời mời nơi khác rồi, tâu đại vương! Lần thứ hai, lần thứ ba, đức Phật cũng lặp lại là có người mời thỉnh rồi. Đức vua Kikī tâm tư sầu muộn, tự nghĩ:“Đức Thế Tôn không nhận lời mời làm cho ta mất an lạc! Chẳng lẽ, trên đời này lại có người đàn tín hộ trì tối thượng hơn ta? Hơn một bậc đại vương giàu sang với quyền uy và danh tiếng lẫy lừng?” Bèn thưa: - Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ đức Thế Tôn và đại chúng tỳ-khưu đã có một đại thí chủ khác, với công đức thù thắng hơn đệ tử, là Kikī, vua xứ Kāsi? - Không phải vậy! Nhưng xin đừng có sầu não quá thế, đại vương! Đức vua xứ Kāsi thở dài, cất giọng buồn bã, có vẻ như tủi thân, tủi phận: - Trước đây, đệ tử tưởng rằng, đệ tử là phú quý đệ nhất, tài sản cung khố đệ nhất; trân châu, ngọc báu cũng đệ nhất - hóa ra không phải vậy. Đức Thế Tôn và đại chúng tỳ-khưu đã có một đại thí chủ mà cái gì cũng hơn đệ tử cả! - Không phải vậy, đại vương hiểu lầm rồi! Người ấy đúng là đàn tín hộ trì tối thượng, nhưng y chẳng phải là bậc giàu sang vương giả, phú quý đệ nhất, đệ nhị gì cả! Đức vua Kikī mở tròn mắt: - Tại sao? - Đại vương có muốn nghe không, Như Lai sẽ kể về người đàn tín hộ trì tối thượng ấy? - Thưa, rất muốn nghe! Thế là đức Phật Kassapa kể: - Có một thị trấn tên là Vebhaliṅga, tại đấy có người thợ gốm tên là Ghaṭīkāra, anh ta rất nghèo, sanh thuộc giai cấp thấp kém, sống trong căn nhà cỏ cùng với cha mẹ mù loà... Đức vua chợt thốt lên: - Có thể như thế được ư? Người ấy mà là đàn tín hộ trì tối thượng sao? - Phải! Đức Phật gật đầu - Đấy là vị thí chủ mà Như Lai đã nhận lời an cư trong mùa mưa này! Có một ý nghĩ chợt khởi sanh lên trong tâm của nhà vua: “Chắc có nguyên nhân thù thắng thế nào đây - để đến nỗi bậc đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác phải lặp đi lặp lại mãi như thế chứ?” Bèn nói: - Đệ tử đang cung kính lắng nghe đây! - Thợ gốm Ghaṭīkāra dẫu nghèo nàn, dẫu sanh thuộc hạ cấp nhưng đã quy y Tam Bảo, đã từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của chưa được cho, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ rượu men, rượu nấu... Này đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, một người như vậy có xứng đáng được gọi là vị đàn tín hộ trì tối thượng chăng? Đức vua Kikī lắc đầu: - Chưa! Y có thể là một người cư sĩ tốt, nhưng chưa thể gọi là hộ trì tối thượng được! Đức Thế Tôn Kassapa vẫn cất giọng đều đều: - Thời gian sau, thợ gốm Ghaṭīkāra thành tựu lòng tin bất động với Tam Bảo, thành tựu giới luật của bậc thánh; không có một nghi ngờ nào đối với khổ, với khổ tập, với khổ diệt, với con đường đưa đến khổ diệt. Này đại vương! Thợ gốm Ghaṭīkāra chỉ ăn mỗi ngày một bữa, hành thiện hạnh, sống theo thiện pháp. Ông ta từ bỏ ngọc và vàng, không cầm, không nắm, không giữ, không nhận bạc và vàng. Với trí tuệ, với lòng dục được đoạn trừ, với thánh hạnh thanh tịnh mạng - vị ấy tự nuôi sống mình bằng nghề thợ gốm. Dẫu làm nghề gốm, rất cần đất sét tốt, thế nhưng Ghaṭīkāra không tự tay cuốc và đào; ông ta lấy đất từ những bờ đê sạt lở, lấy đất những nơi do chuột và cáo đào hang vung vãi ra - rồi nặn lên những chum, vại, chén, bát cùng những vật gia dụng khác. Này đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, một nam cư sĩ thánh hạnh như vậy có xứng đáng để được gọi là người đàn tín hộ trì tối thượng chăng? Đức vua Kikī giờ mới gật đầu, nhưng tán thán theo cách của mình: - Ôi! Quả là tốt! Quả là hạnh khó làm! - Còn nữa, này đại vương! Thợ gốm Ghaṭīkāra với những sản phẩm làm ra, được nắn, nung thiện xảo, có hoa tay, có giá trị mỹ thuật - nhưng ông ta không đổi bằng vàng và bạc, không đổi bằng tiền giấy, tiền kẽm, tiền đồng, tiền xu! Khi có người đến mua, vị ấy nói:“Này thiện hữu, này bà con kính mến! Hãy lấy đi bất kỳ vật dụng nào mà mình muốn, mình thích và sử dụng được - rồi bỏ vào đây một ít thôi, cái gì mà quý vị sẵn có: Ví như vài nhúm hạt gạo có vỏ và không vỏ, một vài nhúm các hạt đậu, ít củ khoai, củ sắn, củ nâu, củ chuối... hoặc muối, hoặc vừng, hoặc thứ gì quý vị ăn được thì tôi ăn được. Chớ có mua. Đừng có mua và bán!” Này đại vương! bằng cách ấy, thợ gốm Ghaṭīkāra sinh sống không có ác mạng, không có tà mạng, không những nuôi được mình mà còn phụng dưỡng cha mẹ mù lòa rất là chu đáo, rất là hiếu hạnh. Người như thế có xứng đáng là bậc hộ trì tối thượng chăng? - Ôi! Quả là chí thiện! Bạch đức Tôn Sư! - Còn nữa, thợ gốm Ghaṭīkāra đã dập tắt năm hạ phần kiết sử, tâm và trí đã là vị thánh Bất Lai, trên đời này! Thế có xứng đáng với danh gọi là bậc đàn tín hộ trì tối thượng chăng, hả đại vương? Đức vua Kikī chợt phủ phục xuống đất: - Đệ tử, Kikī, vua nước Kāsi xin thành kính đê đầu đảnh lễ bậc đàn tín hộ trì tối thượng ấy! Đức Phật Kassapa kể tiếp: - Này đại vương! Một thời, ở thị trấn Vebhaliṅga, với đại y vắt vai, với bình bát cầm tay, Như Lai đến căn nhà cỏ của thợ gốm Ghaṭīkāra rồi hỏi vọng vào: “- Người thợ gốm có nhà không?” Cha mẹ mù loà của y hỏi lại: “- Ai hỏi con trai của tôi thế?” “- Thế Tôn đây! Ông Phật Kassapa hỏi đấy!” “- Bạch đức Thế Tôn! Con trai con đã đi vắng, nhưng y có dặn lại rằng: Nếu Thế Tôn Kassapa, bậc đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác có đến - thì xin ngài hãy tự ý, tùy nghi lấy cháo ở trong nồi, lấy thức ăn ở trong chảo mà dùng!” Rồi này, đại vương! Như Lai đã tự mình đi vào bếp, lấy cháo và thức ăn vừa đủ dùng, ngồi xuống đất, thọ thực ngay tại chỗ rồi mới trở về liêu thất. Thợ gốm về nhà, thấy khuyết phần cháo và thức ăn, nói với cha mẹ mù loà: “- Sao cha mẹ ăn ít quá vậy? Con nấu ăn không vừa miệng cha mẹ hay sao?” “- Không phải vậy đâu con! Thật là hạnh phúc làm sao khi đức Thế Tôn đã tự ý vào bếp, lấy thức ăn rồi ngồi xuống đất, thọ thực ngay tại chỗ!” Thợ gốm Ghaṭīkāra sung sướng quá, hỷ lạc phát sanh trong tâm ông suốt nửa tháng; và cha mẹ mù loà của ông thì hỷ lạc phát sanh trọn bảy ngày... Đức vua Kikī lại chấp tay giữa hư không, cảm thán thốt lên: - Quả thật là vi diệu! Vi diệu thay là hành trạng của người thợ gốm này! - Lại nữa, này đại vương! Như Lai an cư mùa mưa năm đó tại thị trấn Vebhaliṇga, bấy giờ cái cốc đột ngột bị mưa dột. Như Lai nói với các vị tỳ-khưu gần cạnh: “- Hãy đến nhà thợ gốm Ghaṭīkāra, trông xem đâu đó có cỏ, có lá, có tranh không!” Một hồi lâu, chúng đi về và thưa rằng “có”! “- Vậy thì đi lấy về đây, lợp lại cái cốc của Như Lai đã bị mưa dột!” Thế rồi, các vị tỳ-khưu đến nhà người thợ gốm, chẳng thưa chẳng hỏi, chẳng nói lý do gì cả - đã tự ý leo lên mái nhà, và gỡ tranh của người ta! Cha mẹ mù loà của người thợ gốm, nghe sột soạt trên mái, hỏi vọng lên: “- Ai đó? Ai làm gì trên mái nhà của tôi?” “- Chúng tôi đến gỡ tranh!” “- Quý vị là ai mà tùy tiện quá vậy? Nhà chúng tôi đang ở mà!” “- Thưa đại huynh, đại tỷ! Chúng tôi là tỳ-khưu! Cái cốc của đức Thế Tôn bị mưa dột!” Cha mẹ người thợ gốm nghe vậy, mau mắn nói: “- Vậy thì hãy lấy đi, chư tôn giả! Hãy lấy hết đi, chư tôn giả! Chúng tôi thì không sao, nhưng đức Thế Tôn thì không thể ở chỗ ướt dột được!” Người thợ gốm về nhà, nhìn lên, thấy tranh mất nhiều mảng, nhiều tấm, hỏi lý do, cha mẹ ông trình bày lại tự sự. Thế là hoan hỷ quá, cũng như lần trước, hỷ lạc trong ông phát sanh đến nửa tháng. Còn cha mẹ ông thì hỷ lạc phát sanh trọn cả bảy ngày! Đức Phật Kassapa kết luận: - Đấy là câu chuyện về người đàn tín hộ trì tối thượng của Như Lai. Ghaṭīkāra rất nghèo lại sanh thuộc hạ cấp. Như Lai đã nhận lời an cư mùa mưa do ông ta hộ độ. Thật tình mà nói, ông ta đâu có thượng phẩm, mỹ vị mà dâng cúng như đại vương; chỉ có sắn khoai rau củ gì đó thôi - làm sao dám sánh với đại vương được! Đức vua Kikī hân hoan phát sanh, hỷ lạc phát sanh, bừng bừng cả từng chân tơ kẽ tóc - thốt lên: - Không! Trăm phần, ngàn phần công đức của đệ tử - dẫu cho thượng vị loại cứng, loại mềm... cúng dường một hai năm, cho đến cả trăm năm - cũng không thể bằng một phần của người thợ gốm Ghaṭīkāra, người đàn tín hộ trì tối thượng ấy! Thế rồi, ngay ngày hôm sau, đức vua cho quân binh vận chuyển vật liệu làm nhà, năm trăm xe gạo có vỏ và không vỏ, năm trăm xe thực phẩm khô và đồ gia dụng các loại - tức tốc lên miền Bắc, đến tại thị trấn Vebhaliṅga tìm đến nhà người thợ gốm. Họ chẳng nói lý do, tự động làm lại một tòa nhà chắc bền với những loại gỗ tốt, sàn tường đều được lát gỗ quý và gỗ thơm. Họ cũng tự động làm các công trình phụ, các kho lẫm... Sau đó một vị văn quan đại thần đã được sự chỉ dạy của đức vua, khôn khéo nói rằng: - Này tôn giả! Này bậc hiền trí! Hãy sử dụng căn nhà mộc mạc nầy! Hãy thọ nạp cả một ngàn xe lương thực và thực phẩm nầy. Hãy làm tất cả các thiện sự! Hãy làm các công đức tùy thích. Hãy hộ độ, cúng dường đức Thế Tôn Kassapa và đại chúng tỳ-khưu! Tất cả đây chỉ là chút tấm lòng thành của đức vua Kikī, nước Kāsi tại Bārāṇasī - Nó thật không đáng kể gì, so với công đức vô lượng của tôn giả - những công đức chí thiện, trắng bạch như vỏ ốc! Thợ gốm Ghaṭīkāra là bậc có thắng trí, biết tất cả mọi việc xẩy ra - nên cũng không khách sáo gì, hoan hỷ thọ nhận; và nói một lời cũng mang rất nhiều ý nghĩa: - Cầu nguyện cho đức vua chí tôn thấy rõ pháp, thâm đạt pháp - rồi chúng ta sẽ cùng nhau tao ngộ nơi cõi Vô Sanh Bất Tử! Đức Phật kết luận: - Thợ gốm Ghaṭīkāra cuối đời, mệnh chung - nhưng ông không an nghỉ ở tịnh cư thiên, mà nguyện sanh ở phạm thiên giới - làm người hộ pháp cho giáo pháp đức Thế Tôn SakyāG Gotama - một người bạn cũ! Như vậy, giáo pháp của Như Lai, nói chung là của chư Chánh Đẳng Giác đều giống nhau, trong đó, có chúng sanh nhỏ, căn trí sâu dày - tu tập công hạnh thành bậc thánh nhân - đến nỗi, chúng sanh lớn như đức vua Kikī kia, dẫu phú quý, cao sang hiển hách cũng phải tán thán, tôn xưng, đảnh lễ, cúng dường người thợ gốm giai cấp thấp thỏi. Ôi! Tính chất vi diệu ấy thì biển thế gian làm thế nào so bì được! Thời pháp hôm ấy của đức Phật có ba điều lợi lạc vi diệu sau đây: Thứ nhất, đức vua, hoàng hậu, các quan đại thần, đại gia chủ, đại danh gia... đã chuyển hướng cách nhìn, không dám tự phụ mình là người có quyền uy hoặc giàu sang nữa; không dám coi khinh các giai cấp thấp kém và những người có ít của cải, tài sản. Thứ hai, hội chúng tỳ-khưu, tỳ-khưu-ni được mở sáng mắt, biết kính trọng phải lẽ những cư sĩ tuy nghèo nhưng có đời sống thánh hạnh, thanh tịnh mạng, hộ trì Tam Bảo bằng tín, giới, tâm và tuệ của mình. Họ còn học được bài học, sẵn sàng từ chối đức vua dù thượng phẩm, mỹ vị - mà nhận lời người cư sĩ nghèo với sắn, khoai, rau củ! Thứ ba, các giai cấp thấp kém không còn mặc cảm tự ti về dòng dõi hay tài sản - mà cảm thấy mình bình đẳng trong giáo pháp coi trọng các giá trị tinh thần hơn cái vinh hoa và hào nhoáng của thế giới vật chất. Một làn gió mát mẻ, trong lành của giáo pháp đang rì rào thổi qua nhân sinh và xã hội, nhất là kinh thành Sāvatthi! |