NHƯ THỚT VOI

GIỮA TRẬN TIỀN

 

Thấy âm mưu tố cáo của mình bất thành, bà thứ hậu Māgaṇḍiyā tự nghĩ:

“- Đức vua dẫu sủng ái mình nhưng vẫn đang còn trọng vọng chánh hậu. Vậy chưa thể làm hại cả bè lũ chúng được. Việc ta cần làm ngay là hãy tập trung vào ông sa-môn Gotama. Phải đối phó, phải hạ nhục ông ta trước đã!”

Nghĩ thế xong, bà cho gọi một vị quan hậu cung thân tín, tìm gặp những tay đầu sỏ du đãng, côn đồ, trộm cắp trong kinh thành, tung tiền bạc cho chúng - để làm duy nhất một việc như sau:

“- Bất cứ đâu, bất cứ lúc nào - Sa-môn Gotama và đệ tử của ông trì bình khất thực, đi và về trên các ngả đường - bọn chúng phải mắng nhiếc, lăng mạ, chưởi rủa bằng bất cứ lời tiếng gì cay độc nhất, xấu xa nhất, thô bỉ nhất, hèn hạ nhất, dơ bẩn nhất... Càng chưởi hay chừng nào, nhục mạ đẹp chừng nào - sẽ được tiền thưởng nhiều chừng ấy!”

Thế là ngày hôm kia, khi đức Phật dẫn đầu tăng chúng chừng trăm vị, có thị giả Nāgita theo hầu - từ lâm viên Ghositārāma bộ hành đi đến nhà ông bà triệu phú Ghosaka - vừa quành ngang con lộ dẫn vào thành phố thì một bọn đầu trộm đuôi cướp ở đâu đó ùa ra chưởi rủa, nhiếc mắng...

Đức Phật biết chuyện này nên nói nhỏ vừa đủ cho chư tăng bên sau nghe:

- Bà thứ hậu Māgaṇḍiyā trả thù đấy! Hôm nay họ sẽ nhiếc về những con thú!

Và quả vậy! Nào là “Những con chó hủi, hãy lủi đi khỏi thành phố!” Nào là “Này, đàn bò lộn giống, hãy cút đi!” Nào là “Này, bọn heo đê tiện! Kinh thành này không phải là cái máng heo cho bọn bây!”... Chúng chưởi nhiều lắm, chúng ví von nhiều lắm! Từ chó, bò, heo rồi sang chuột đồng, bọ hung, lừa, lạc đà, súc sanh, sâu kiến, dòi bọ... hay bất cứ con vật xấu xí nào mà chúng vừa nghĩ ra được! Tuy nhiên, các vị thánh nghe thì mỉm cười trong tâm, còn phàm tăng, kể cả tôn giả Ānanda thì nghe xốn tai, tức không chịu nổi.

Thế rồi, ngày thứ hai, ngày thứ ba, ngày thứ tư... hết thú vật, chúng quay sang chưởi mắng ma xó, quỷ đói, dạ-xoa thúi... Hết ma quỷ, dạ-xoa... chúng quay sang phỉ báng người: Bọn bây là kẻ ngu si, quân cướp ngày, phường ăn bám, bọn ăn hại, lũ điên khùng... Hết người chúng nói ra những cái dơ bẩn nhất như hầm phân, đống dòi, cục cứt, máu dơ, đàm dãi, nước tiểu, cầu xí...

Hôm ấy, khi tăng chúng đã về đến tu viện, chúng còn tập họp cả một đám người say rượu dữ dằn, mặt đỏ như mặt trời, lăm lăm đùi gậy, đao kiếm với sát khí đằng đằng - cất tiếng hăm dọa nữa:

- Chúng tao gởi lời tối hậu cho ông Cù Đàm và bè lũ là hãy cút khỏi Kosambī, bằng không sẽ không an toàn tánh mạng, sẽ bỏ xác trên những con đường đấy!

Một vị tỳ-khưu vô lậu, có thắng trí, bạch với đức Phật rằng:

- Có nên sử dụng năng lực để giáo hóa chúng không, bạch đức Tôn Sư?

- Chưa cần thiết đâu, này con trai! Lửa bùng lên ở đâu thì lửa sẽ tự tắt ở đấy!

Đức Ānanda thưa:

- Chúng mạ lỵ, phỉ báng quá đáng, đệ tử không chịu nổi. Hay là chúng ta đi qua nơi khác?

- Đi đâu hở Ānanda?

- Thị trấn nào, thành phố nào cũng được!

- Vậy nếu ở đó cũng bị chưởi rủa, mắng nhiếc nữa thì ta phải làm sao?

- Thì ta lại đi sang vùng khác.

- Nếu vùng khác ấy lại được tái diễn sự việc giống như mấy ngày hôm nay - thì ta phải làm sao?

- Thì ta sẽ đi nữa!

Đức Phật mỉm cười, nụ cười dịu dàng và mát mẻ như vầng trăng mùa thu:

- Và nếu cứ đi nữa, đi mãi cho đến hết kiếp quả địa cầu cũng sẽ không có nơi đâu là an toàn, là an ổn, là vừa lòng, là toại ý ta được. Đấy là định luật của pháp, sự thực bất toàn của pháp! Chẳng nên làm thế đâu, Ānanda! Chỗ nào mà ngại pháp, chướng pháp, hại pháp, não pháp phát sanh - thì ta sẽ lắng nghe, chịu đựng, rỗng không, tĩnh lặng, từ, nhẫn, xả để làm lắng dịu chúng, xa lìa chúng, đoạn trừ chúng, dập tắt chúng... ngay tại chỗ ấy.

Đức Ānanda tuy hiểu biết sâu xa vấn đề - nhưng không biết tại sao trong tâm ông ta vẫn còn nhăn nhó, chưa yên:

- Vậy biết bao giờ mới chấm dứt, thưa Tôn Sư?

- Loại phiền não này phát sanh từ đâu, do đâu hở Ānanda?

- Thưa, chúng thuộc “khẩu thiệt”, xàm ngôn, loạn ngữ, ác khẩu...

- Ừ, nếu chúng thuộc khẩu - đối với Như Lai, đối với một vị Chánh Đẳng Giác - thì không có một năng lực lời tiếng nào của thế gian có thể tồn tại quá bảy ngày. Vậy, sau bảy ngày - chúng sẽ tự diệt, này Ānanda!

Buổi chiều, trong giờ pháp thoại, đức Phật giảng một thời pháp liên hệ đến nội dung kể trên rồi cũng kết luận tương tự:

- Như một thớt voi ra giữa trận tiền, phải hứng chịu hằng trăm ngàn mũi tên, hòn đạn từ bốn phía bắn vào; cũng vậy, là sa-môn khất sĩ như Như Lai và chúng đệ tử của Như Lai - đi giữa cuộc đời cũng phải nhận chịu tất thảy tiếng lời gièm pha, nhiếc mắng, mạ lỵ, phỉ báng, sỉ nhục từ những người không có đức tin, kẻ thiểu trí, ác giới, cuồng si, điên loạn... Vậy phải biết nhẫn nhục, mát mẻ, vắng lặng, rỗng không với tâm từ, với tâm xả! Làm được như thế mới thật xứng đáng là phẩm hạnh của sa-môn ôm bát xin ăn cao thượng đi giữa cuộc đời.

Rồi đức Phật đọc lên một bài kệ:

“- Thớt voi đứng giữa trận tiền

Hứng bao mũi đạn, lằn tên sá gì

Như Lai chịu đựng ác tri

Nhẫn chịu ác giới, ngu si lòng người” (1)

Dường như muốn bổ túc thêm cho tròn đầy ý nghĩa, đức Phật đọc thêm hai bài kệ nữa.

Một, nhấn mạnh đức tính nhẫn nại vô úy và vô thượng của sa-môn:

“- Ngựa, voi đã luyện, đã thành

Con nào thuần nhất để dành vương quân

Cao thượng nhất giữa nhân quần

Chịu đựng phỉ báng, dao đâm tiếng lời!” (2)

Hai, nói lên đức tính quý báu của sa-môn là phải tự thu thúc, tự điều tiết, tự chế ngự lời nói và hành động:

“- Con la tinh thục quý thay

Ngựa kỳ, ngựa ký tung mây, quý là!

Quý sao, voi lớn có ngà

Quý hơn tất cả, chính ta tự điều!” (3)

Rồi đúng như đức Phật tiên tri, đúng bảy ngày thì chuyện nhiếc mắng, phỉ báng kia tự động chấm dứt. Thứ nhất là do bà thứ hậu thấy tốn vàng, tốn bạc quá mức - nhưng “ông Gotama và đệ tử của ông ta” cứ “trơ trơ” như khúc gỗ, xem ra chẳng có tác dụng gì! Bà đành chịu thua, sẽ nghĩ kế khác.  



(1) Pháp cú 320: Ahaṃ nāgo’ va saṅgāme cāpāto patitaṃ saraṃ. Ativākyaṃ titikkhissaṃ dussīlo hi bahujjano.

(2) Pháp cú 321: Dantaṃ nayanti samitim dantaṃ rājābhirūhati. Danto seṭṭho mannussesu yo’ tivākaṃ titikkhati.

(3) Pháp cú 322: Varaṃ assatarā dantā ājānīyā ca sindhavā. Kuñjarā ca mahānāgā attadanto tato varaṃ.





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024