NGỌN LỬA HẬN THÙ

 

Sau bảy ngày đặt bát cúng dường và nghe pháp, biệt cung của hoàng hậu Sāmāvatī như được tiếp thêm sinh lực mới, nhiên liệu mới. Họ trang hoàng lại khắp mọi nơi, mọi chỗ. Tại phòng hội, họ quét dọn, lau chùi, mở các cửa sổ, thay đổi các bức rèm cho có màu sắc tươi sáng, thanh nhẹ hơn. Họ thay đổi những hương liệu xa xỉ, nữ tánh thay thế bằng hương liệu thanh tao, khiết nhã từ hoa, từ chiên đàn, từ đinh hương, hồi hương. Hoa được thay đổi mỗi ngày và chưng vào các kệ gỗ nhỏ sát tường trông vui tươi và mát mẻ như không khí mùa xuân. Họ lót những tấm thảm lớn làm chỗ ngồi thiền. Một pháp tọa thấp có lót thảm vàng dành chỗ cho pháp sư - và đó chính là thị nữ Khujjuttarā lưng gù.

Tại sao lại có chuyện ấy xảy ra? Vì mỗi ngày sau khi nghe pháp, rất đông cung nữ không nắm bắt hết ý nghĩa. Tối lại, nơi phòng hội này, cô thị nữ đã thuyết lại toàn bộ cho họ nghe mà không bỏ sót bất cứ đoạn nào. Và những ngày hôm sau đều diễn ra như vậy. Lại nữa, cô thị nữ này còn có cả một kho tàng khi được phép ra ngoài - và cô cũng không bỏ sót buổi thuyết pháp nào cho các hàng cư sĩ tại gia ở cả ba lâm viên. Có lần, tại vườn rừng Ghositārāma, đức Thế Tôn đã tuyên dương cô là “nữ cư sĩ pháp sư cung đình” đấy. Thế nên, cách bố trí căn phòng này là theo ý của hoàng hậu. Một là Khujjuttarā mỗi buổi chiều phải có một thời pháp cho mọi người cùng nghe. Hai là ai muốn tĩnh tâm, tham thiền thì lấy không gian này mà tu tập. Và thị nữ Khujjuttarā đã làm trọn vẹn phận sự của mình tại“tịnh xá” học tu này.

Nói về thứ hậu Māgaṇḍiyā - thì bà luôn gườm gườm, đăm đăm tìm mưu kế trả thù.

Sau khi theo dõi, bà biết vào mỗi buổi chiều, hoàng hậu và cung nữ đều tụ họp tại phòng hội. Bà mừng quá vì biết rằng “ việc lớn sẽ thành!”

Hôm ấy, lợi dụng khi đức vua đi tuần du các thị trấn ngoại thành - bà mật bàn với ông chú quốc trượng của mình là Cūḷa Māgaṇḍi phương kế hãm hại hoàng hậu Sāmāvatī và mấy trăm cung nữ tu theo ông Cù Đàm! Theo với kế này, ông quốc trượng được phép mở kho vải, cùng một số thân tín tay chân - dùng vải ấy nhúng dầu rồi quấn quanh các cây cột gỗ tại biệt cung của hoàng hậu. Tính toán kỹ càng, đúng vào thời điểm mọi người đang nghe pháp là họ ra tay, sau đó, họ còn âm thầm và nhẹ nhàng khóa kín tất thảy mọi cánh cửa để không ai có thể thoát ra lối nào.

Thực hiện hoàn hảo kế hoạch từ đầu đến đuôi, rồi họ cho người ở sân xa, bắn vào bên trong vài chục mũi tên lửa là biệt cung bốc cháy rần rật. Và sự việc diễn tiến đúng như thế thật.

Than ôi! Lúc mọi người biết ra thì đã muộn quá rồi. Lửa bên ngoài nổ lốp bốp đã lần sang mái biệt cung, khói tỏa mù mịt, đã cảm giác khó thở. Cánh cửa này, cánh cửa kia đều bị những cây sắt khóa chặt. Sức lực nữ nhi thì biết làm gì, có thể dùng cánh tay liễu yếu đào tơ đập vỡ những tấm gỗ lim dày cứng hay sao? Họ đã trơ mắt, bất lực, mệt lả; đã có vài tiếng khóc tỉ ti, nức nở dù đã được kìm nén nhưng vẫn thoát ra ngoài bằng những âm thanh ư ử, hích hích...

Hoàng hậu Sāmāvatī trầm tĩnh nhất, bảo mọi người đừng có hỗn loạn, hãy cùng ngồi xuống bên nhau - rồi bà ban lời giáo giới như sau:

- Chị em chúng ta đã từng phiêu bạt, lang thang trong vòng luân hồi tử sinh thống khổ từ muôn xưa đến nay, chẳng biết đâu bến, đâu bờ. Duyên may, chúng ta gặp được đức Thế Tôn và giáo pháp thoát khổ, chúng ta đã có ngọn đèn soi sáng để lên đường trong đêm tối. Vậy chẳng có gì đáng để sợ hãi cả. Ngọn lửa hung bạo nầy có thể thiêu rụi thân xác chúng ta nhưng nó không thể đốt cháy trí tuệ của chúng ta, ý chí và nghị lực kiên cường một lòng với giáo pháp của chúng ta. Vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta hãy công phu tu tập tinh tiến ngay từ giờ phút này.

Mọi người thảy đều nghe lời, không gian đã trở nên yên lặng. Cô thị nữ Khujjuttarā lưng gù lại điềm tĩnh tiếp lời:

- Đức chánh hậu nói phải. Vậy tùy theo tâm tánh và sở thích của mỗi người để lựa chọn đề mục thích hợp cho mình. Có thể tĩnh tại niệm hơi thở vào ra. Có thể quán sự khổ, khổ thân, khổ của sự chết. Có thể quán ngay đề mục lửa. Có thể quán vô thường, vô ngã của ngũ uẩn, thập nhị duyên khởi... Chúng ta cứ thực hành như thế để có được sự lợi lạc tối thượng. Và khi ấy thì cái sống, cái chết của cái thân này có ý nghĩa gì đâu!

Sau đó, dường như một phép lạ đã xảy ra. Bên ngoài lửa cháy ngất trời, trống đánh, chiêng đánh, thanh la, não bạt đánh, tiếng người hô hoán, rầm rập chạy đi cứu lửa - thì trong căn phòng khói phủ mịt mù - hoàng hậu Sāmāvatī, cô thị nữ lưng gù và mấy trăm cung nga thể nữ yên lặng tọa thiền, người định, người quán an nhiên, tĩnh mặc. Cuối cùng, khi xác thân họ bị thiêu cháy thì số ít đạt tam quả, một phần được nhị quả, số còn lại đều đạt đệ nhất quả chảy vào dòng sinh an.

Hôm sau, chư tăng vườn rừng Ghositārāma - và nói chung cả Kosambī - đang xôn xao bàn tán hung tin ấy. Có người đau lòng bi thương. Có người hoài nghi nhân quả. Có người không biết kiếp trước họ làm việc ác gì mà kiếp này bị trả quả kinh khiếp như vậy. Có người lại khởi tâm muốn biết cảnh giới lai sanh của họ ra sao, do việc thiện vừa mới làm - thì nghiệp dữ tức khắc đến kéo lôi đi? Lại còn chuyện cô thị nữ lưng gù, do nhân quả như thế nào mà lại có khả năng thông suốt giáo pháp để giảng nói lưu loát, rành rẽ như vậy?

Đức Phật hướng thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, sanh tử thông... nên thấy, nghe, biết tất cả mọi sự - nhưng vẫn lặng lẽ chưa nói gì vì ngài biết rõ là cái nghiệp riêng kia, cái nghiệp chung kia nó vẫn còn tiếp diễn...





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024