|
TÌNH TRẠNG TẠIGHOSITĀRĀMA
Đức Phật bỏ đi đột ngột, và đi về đâu cũng không ai biết. Chuyện đến tai ba nhà triệu phú, hôm kia họ cùng nhau đến tu viện, chất vấn cả hai vị luật sư và pháp sư. Đầu tiên là vị luật sư: - Thưa đại đức! Từ khi giáo hội của đức Tôn Sư được thiết lập đến nay, đem đến hạnh phúc và an lạc vô biên cho chư thiên và loài người. Suốt trong thời gian ấy, có trường hợp nào, đức Phật chế định một học giới liên quan đến - ví dụ như một vị tỳ-khưu không nghe lời dạy dỗ của thầy mình là đức Đạo Sư - thì hình phạt như thế nào? - Đức Tôn Sư chưa chế định rõ ràng! - Chưa chế định rõ ràng đồng nghĩa với chưa có, không có!? Như vậy cũng có nghĩa là chúng đệ tử muốn làm gì thì làm, không cần phải nghe theo lời giáo giới của thầy mình - tức là đức Đạo Sư hay sao? - Cũng không phải thế! - Vậy thì sao ạ? - Học trò đối với thầy, thầy đối với học trò - chúng không nằm trong học giới bắt buộc - mà lại thuộc về ý thức trách nhiệm, nó thuộc về bổn phận nên làm! Cả ba nhà triệu phú gật đầu: - Vậy là rõ rồi, thưa đại đức! Chuyện đáng tiếc xảy ra ở đây, đức Đạo Sư đã giáo giới ba lần mà không ăn thua - là do người ta ở đây “không biết bổn phận nên làm” của mình! Thế là chúng tôi hiểu rồi! Xin cảm ơn đại đức. Vị luật sư đau điếng cả người nhưng không biết trả lời sao - vì chính ông ta tự bước vào tròng lý luận của “đối phương”! Đến gặp vị pháp sư, họ chất vấn: - Thưa đại đức! Kinh pháp của đức Đạo Sư giảng dạy chỗ này chỗ kia thật là quá nhiều, chúng tôi ngu muội chỉ mới nghe và học được chút ít. Đại đức là vị thầy dạy kinh, giảng pháp cho chư tăng cùng hai hàng cận sự - chắc trong bụng cũng chứa đầy kinh pháp. Vậy, ngưỡng mong đại đức giảng nói cho chúng tôi nghe, tóm tắt nhưng đầy đủ về cách sống làm thế nào để tránh khỏi khẩu tranh, luận tranh dễ đưa đến xáo trộn, bất hòa và chia rẽ? Vị pháp sư vừa định mở miệng, tức thời ngậm miệng lại ngay, ấp úng, không trả lời được, không đáp được! Ba vị triệu phú, vái chào lễ độ từ giã: - Vậy là chúng tôi rõ rồi! Nói là khác mà sống là khác. Cũng có thể nói rằng, pháp ấy, đại đức chưa thực hành được! Vị pháp sư ngồi chịu trận. Lần đầu tiên, ông cảm giác hối hận, ăn năn! Khi ra về, cả ba ông triệu phú nhất trí với nhau là từ rày về sau, không hộ độ cho lâm viên Ghositārāma nữa. Thiện nam tín nữ hai hàng, thấy quá lâu không thấy mặt đức Phật - và hành tung của người cũng không biết trôi dạt về đâu - khi gặp đại đức Ānanda, họ hỏi, đại lược là: - Đức Thế Tôn giờ ở đâu? - Đức Đạo Sư giải hòa không được - chắc ngài đã bỏ rơi Kosambī chúng tôi rồi sao? - Nghe nói ngài vào rừng phải không? Đại đức Ānanda đáp: - Tôi cũng chịu. Tôi cũng không biết. Và quả thật, đức Đạo Sư đã nói hết pháp, hết kinh về đời sống hòa hợp, đoàn kết; nhưng hai hội chúng ấy có biết, có nghe - mà dường như là cái biết, cái nghe của những người không có tai, không có óc vậy! - Thế thì chúng tôi cũng bắt chước ba ông triệu phú, sẽ không hộ độ cho bất cứ vị tỳ-khưu nào ở vườn rừng Ghositārāma nữa. Đại đức Ānanda sẵn có tâm bi mẫn, nghe nói họ sẽ bỏ đói chư tỳ-khưu ở Ghositārāma - ngài nhíu mày hỏi: - Quý vị làm như thế đã chín chắn chưa? Có lợi ích như thế nào và không lợi ích như thế nào? - Thưa, không những chúng tôi không cung cấp vật thực mà còn biểu tỏ sự không kính trọng, không tôn trọng, không chấp tay, không đứng dậy chào... Làm như vậy, họ chỉ biết lựa chọn một trong hai con đường: Một là họ phải bỏ đi khỏi xứ sở này hoặc hoàn tục; hai là họ phải đến quỳ xin sám hối dưới chân đức Đạo Sư! Đại đức Ānanda nín lặng, không thể đóng góp ý kiến gì hay hơn, có lợi ích hơn họ được. Vậy là trong hạ thứ mười này, chư tăng Ghositārāma bị thiếu thốn vật thực một cách trầm trọng. Ngay khi đi trì bình khất thực trong thành phố, một số người ra đặt bát cũng hỏi: - Đại đức ở tu viện nào? Nếu nói Kukkuṭārāma hoặc Pārārikabaruvana thì họ đặt, còn nói là Ghositārāma thì họ lắc đầu, mời sang nơi khác. Đôi khi khỏi phải nói mời, họ khinh khỉnh quay lưng với khuôn mặt lạnh như tiền! Do chư tỳ-khưu còn biết nói thật - nên đôi khi họ mang bát không trở về cũng là chuyện thường. Có nhóm phải đi khất thực ở những thôn làng xa xôi - thì có được chút ít, cũng tạm duy trì mạng sống qua ngày thôi. Như vậy là trong hạ này, lúc đức Phật ở rừng sâu, sống với voi, với khỉ thì vật thực sung mãn - nhưng tu viện Ghositārāma chẳng còn ai lui tới; dầu đèn, hoa hương gì cũng trống không, vắng lạnh; chư tăng ốm gầy, xanh xao vì thiếu thốn dinh dưỡng, vật vờ tới lui như những xác ma, bóng quỷ. Suốt mấy tháng chư tỳ-khưu Ghosirārāma sống trong tình trạng như thế, họ đã bắt đầu cảm nhận thấm thía cái quả báo do nhân không nghe lời đức Phật nên đã bị hai hàng cận sự không dâng cúng vật thực - tuy nhiên, họ vẫn chưa ngồi lại với nhau. Ba nhà triệu phú và tất thảy cư sĩ còn áp dụng những biện pháp cứng rắn hơn nữa. Và họ đã: Không đảnh lễ, không đứng dậy mời chào, kể cả không chấp tay hoặc biểu tỏ thái độ cung kính, tôn trọng đối với chư tỳ-khưu ở vườn rừng Ghositārāma nữa - đúng như họ đã bàn bạc với nhau từ tai này truyền sang tai khác. |