SỰ TÍCH

CÕI TRỜI BA MƯƠI BA

 

Rời Bārāṇasī, đức Phật lại nhắm hướng Đông, theo một lộ trình mới, lần hồi, qua sông Gaṇgā lên Vesāli, đến rừng Đại Lâm, trú tại Trùng Các giảng đường.

Lúc ấy là vào thời tiết cuối xuân, đất trời còn mát mẻ - nghe đức Phật trở về, chư vị trưởng lão và chư tỳ-khưu trong vùng tìm đến đảnh lễ, vấn an sức khỏe của ngài. Rồi thời gian, nhóm này đến, nhóm kia đến, đức Phật tùy nghi thuyết pháp cũng kéo dài đến nửa tháng. Đặc biệt có vương tử Mahāli (1) và tùy tùng đến thăm viếng đức Phật cùng lễ phẩm cúng dường rất trọng hậu. Vương tử Mahāli vẫn còn nhớ ân đức Phật và tăng chúng đã cứu nạn cho Vesāli tám năm về trước. Ông cũng có đức tin với chư thiên cùng những oai lực của họ, nhất là đức vua trời Sakka - nhưng không rõ đời sống, cảnh giới của họ thật sự ra sao. Nhân dịp này, Mahāli hỏi đức Phật về sự thắc mắc của mình.

Thấy hội chúng tăng ni và cư sĩ hôm ấy khá đông - nên đức Phật kể lại sự tích về cõi trời Ba Mươi Ba ấy.

- Này Mahāli! Như Lai biết rõ chư thiên, biết rõ Đế Thích thiên vương, biết rõ nhân duyên và quả của cảnh giới ấy nữa.

Rồi câu chuyện kể của đức Phật về sự tích ấy được các nhà chú giải, các vị sư sính văn chương, chữ nghĩa, thuật lại, như sau:

Thuở ấy, thật là quá lâu xưa, khi chưa có chư Chánh Đẳng Giác ra đời, tại ngôi làng Macala (1), thành Rājagaha, nước Magadha - có chàng thanh niên tên là Magha ra đời. Vì do phước và trí sanh nên thanh niên Magha bước xuống thế gian với đầy đủ phẩm chất của một con người hiền lương, có đầu óc và có tấm lòng.

Cũng như mọi người, chàng lập gia đình, có bốn vợ, sinh con đẻ cái, siêng năng làm ăn, xây dựng cửa nhà cùng để tâm đến những công việc lợi ích chung cho nhân sinh, xã hội.

Ngôi làng Macala ấy không được yên vui, không được hạnh phúc vì đầy ác giới. Dân chúng thường hay gây gổ đánh đập nhau bằng binh khí miệng lưỡi hoặc bằng đao gậy. Sự xáo trộn, bất an trong mọi gia đình như giông bão ầm ào hoặc như lửa cháy âm ỉ không có dấu hiệu ngưng dứt.

Nghề nghiệp của dân làng là săn bắt muông thú trong rừng và giăng lưới tôm cá ở sông hồ. Một số kẻ bất thiện vô công rỗi nghề thì bắt trộm chó gà, ăn nhậu với rượu men, rượu nấu. Khi no nê và say sưa chí tử, không có tội lỗi nào mà chúng không làm, không có xấu ác nào mà chúng không phạm.

Tiếng cười lẫn với tiếng khóc, tiếng la hét, rên rỉ lẫn tiếng kêu gào, cuồng nộ từ góc xóm này sang góc xóm khác, ngày qua ngày, đêm qua đêm.

Thanh niên Magha thấy, nghe mọi chuyện - nhưng chàng tự nghĩ:

“- Hướng dẫn đời sống đạo đức và hiền thiện cho ngôi làng này, trong lúc này, chẳng khác gì nước đổ đầu vịt! Hãy kham nhẫn, hãy từ từ, chớ nên nóng vội! Không phải bằng nói năng, thuyết lý cho hay ho mà phải bằng những hành động cụ thể, cả vật chất lẫn tinh thần. Làm thế nào có thể cứu giúp họ, an ủi họ vào lúc mà cơ cực, lầm than, khốn khổ tột cùng; lúc mà nước mắt tràn đến họ như một cơn lũ lớn - lúc ấy ta hãy ra tay!”

Bắt đầu từ đấy, chàng cùng các con siêng năng và chăm chuyên hơn trong công việc làm ăn tích lũy của cải, tài sản. Tất cả mọi nghề có thể làm được mà không tổn hại đến ai - là chàng đều nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng rồi đầu tư công sức. Ngoài nông vụ, đồng áng - chàng cùng các con còn làm nghề đan lát, thợ mộc, thợ hồ, thợ sơn... Rảnh rỗi, chàng cùng các con lên rừng khai thác các loại danh mộc, trầm hương rồi kết bè đem về bán tại các thị trấn miền xuôi. Siêng năng, cần kiệm, có đầu óc, có ý chí như thế - một thời gian không lâu, gia đình chàng tích lũy được một tài sản lớn. Khi mà mỗi gia đình trong làng, năm này sang năm khác sống trong những cái hang, cái chòi tối tăm, rách nát, hôi hám, muỗi mòng, bẩn thỉu - thì Magha đã có được một trang trại rộng lớn, nhà cửa dãy ngang, dãy dọc, kẻ ăn người ở vào ra tấp nập - với kho thóc, kho bắp, kho đậu, kho vải, kho củi, các chuồng trại trâu bò cày bừa... như gia sản của một ông tiểu triệu phú.

Thời đã đến. Ngôi làng Macala xảy ra một vụ tranh chấp, kiện tụng về quyền lợi nơi đám rừng săn thú. Chúng bị bồi thường và bị phạt vạ. Tiếp đến là nạn cháy nhà. Tiếp đến là nạn hạn hán, mất mùa. Củ sắn, củ khoai, hoa trái lặt vặt, cây lá cũng không đủ ăn. Chúng rơi vào trận đói kinh hoàng cùng với dịch bệnh lây lan tìm đến mọi nhà.

Magha từ lâu đã có dự tính, nên đã tích lũy sẵn mọi thứ dành cho mối hiểm họa này. Chàng kêu cả làng đến, phân phát lương thực, vải vóc, thuốc men... với tấm lòng yêu thương rộng mở. Rồi chàng tụ tập ba mươi chàng thanh niên trai tráng, đại diện cho ba mươi gia đình tương đối đàng hoàng nhất - giáo giới với họ rằng:

- Này các bạn, hãy nghe tôi! Tôi sẽ cứu các bạn và cả ngôi làng này qua khỏi cơn đói nghèo. Bắt đầu ngày mai, lương thực của tôi chính là lương thực của các bạn. Chúng ta hãy cùng nhau lên rừng. Tôi biết ở đâu có gỗ quý, có trầm, biết chỗ bán chúng để đổi gạo cùng các loại thực phẩm, vật dụng nhu yếu khác. Chỉ cần một chuyến đi như vậy là chúng ta đủ sức giúp đỡ mọi người. Chuyến thứ hai là các bạn có đủ lương thực dự trữ. Chuyến thứ ba là các bạn có đủ tiền bạc, vật dụng, giống má để chăm lo nông vụ. Hãy theo tôi! Hãy chiến thắng cái đói nghèo!

Như gặp được vị cứu tinh, cả dân làng đều hoan hô và tán dương gia đình Magha không tiếc lời. Ba mươi chàng thanh niên thì đang vui mừng, phấn chấn vì một tương lai sáng sủa đã bày ra trước mắt họ. Tức thì, các kho dự trữ của Magha được mở rộng, mọi dụng cụ đi rừng không những cung cấp đủ cho ba mươi người mà còn hơn thế nữa.

Thế rồi, nhờ theo lời Magha, ngôi làng Macala đã đẩy lùi được cái đói. Đã nghe được giọng nói hoan hỷ của những cụ già. Đã có đâu đó tiếng cười đùa hồn nhiên, vô tư của tuổi thơ trên các ngõ xóm. Ba mươi chàng thanh niên rường cột của ba mươi gia đình theo chân Magha lên rừng, xuống nội - đã được Magha trình bày tóm tắt chương trình làm việc trọn năm như sau:

- Chỉ cần bốn tháng lên rừng lấy gỗ, tìm trầm, các hương liệu, mật ong, măng giang, mộc nhĩ... là chúng ta có đủ lương thực trọn năm. Bốn tháng tiếp theo chúng ta làm đầy các kho ngũ cốc và làm cho các ngôi vườn xanh tươi rau quả. Bốn tháng còn lại - những mái nhà, bệnh xá, những cầu cống, những con đường, những hầm rác... đang chờ đợi chúng ta! Này các bạn! Hãy nghe tôi! Hãy biến cái ngôi làng nghèo khổ này thành ngôi làng của cõi trời!

Thế rồi, niềm vui bốc lên mắt, chạy rần rật nơi cái tay, cái chân, nhúc nhích trên những sợi râu của các cụ già... Người ta tán dương công đức của Magha - và từ đây, họ quý trọng và kính yêu gọi chàng là “thanh niên sư trưởng”, “người bạn chí thiện” hoặc “bậc thầy hiền đức”. Một phong trào rầm rộ và toàn diện về chuyện làm ăn, xây dựng, canh tân, chỉnh trang làng mạc, đường sá... được bàn bạc từ đầu thôn cho đến cuối xóm. Đèn đuốc đốt thâu đêm... Niềm vui rảo khắp hang cùng, ngõ hẻm... lây lan sang các gia đình khác nên ai cũng cố gắng bắt chước, chí thú làm ăn.

Khi đủ ăn, đủ mặc, có dư dả chút ít thì một vài tệ trạng manh nha khởi lên như biếng nhác, rượu thịt, cờ bạc, trộm cắp, đánh nhau... lại diễn ra. Tuy biết nhưng Magha không nói gì vì thấy chưa đúng thời. Trong lúc này nên làm hơn là nói. Bởi vậy, chàng cùng các con luôn dẫn đầu các việc công ích xã hội. Chiếc bóng của Magha bao giờ cũng xuất hiện đầu tiên, chỗ này, chỗ kia và ra về sau cùng. Ba mươi chàng thanh niên lấy Magha làm gương soi, là ngọn đèn sáng, là con mắt tinh anh của họ. Thế rồi, các con đường trong làng lần lượt được đắp lên cao ráo với những hàng cây có hoa và tỏa bóng râm mát.  Những chiếc hồ công cộng trong xanh được thả sen, thả súng, nhởn nhơ bơi lội những con cá màu. Những chiếc cầu lót đá hoặc gỗ bắc qua những con kênh, bờ nước có liễu rủ, có bóng tre. Những bệnh xá tương đối khang trang, đẹp đẽ, đầy đủ tiện nghi, thuốc thang dành cho tất cả những người đau ốm, tật bệnh. Không còn một đống rác, những bãi phân, những vũng nước tù đọng, hôi hám. Tất cả chúng đều được chôn lấp, lấy đi, san bằng. Có những nghĩa địa lộ thiên dành cho người và thú. Mọi công trình công ích kể trên   đều được làm bởi sự tự nguyện của dân làng, được quản lý, bảo vệ và chăm sóc tốt.

Biết là thời đã đến. Magha giáo giới ba mươi chàng thanh niên thiện chí của mình bằng cách đặt ra những câu hỏi:

- Này các bạn! Tại sao đầy đủ cơm ăn, áo mặc mà trong ngôi làng của chúng ta vẫn có tiếng khóc, chửi mắng và rên than?

Họ trả lời:

- Chúng không biết tuân theo lời giáo huấn của sư trưởng. Chúng tự ý lên rừng săn thú, kiếm thịt ăn nhậu say sưa rồi đánh đập, chửi mắng nhau.

- Vậy thì hữu lý không khi chúng ta đừng đi theo cái nghề sát sanh hại vật?

- Hữu lý lắm!

- Các bạn có giữ được giới ấy chăng?

- Chúng tôi giữ được, thưa sư trưởng!

Magha mỉm cười, nói tiếp:

- Từ khi xẩy ra chuyện cờ bạc, ăn nhậu - ngôi nhà của các bạn có mở rộng cửa ngõ? Có phát sanh sợ hãi khi có kẻ rình trộm với con dao?

- Chúng làm cho mọi gia đình đều sợ hãi dầu đã cửa đóng, then cài! Chúng tôi chẳng dám đi đâu khi có tiền, có bạc ở trong người.

- Vậy thì có hữu lý không, muốn giải thoát nỗi sợ hãi cho cả ngôi làng, chúng ta cố gắng giữ gìn điều học không trộm cắp?

- Hữu lý lắm!

Bằng cách như vậy, bằng sự thực cụ thể, liên hệ về nhân về quả, sự tai hại và sự lợi ích - Magha đặt năm học giới trong tâm cho ba mươi chàng trai thanh niên tiến bộ.

Tin được truyền đi, người thôn trưởng đâm ra lo sợ, tự nghĩ:

“- Trước đây, khi người dân làng này sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, nói dối, uống rượu - thì ta được hoạnh phát tiền của. Nào là tiền mua rẻ hàng trộm cắp, tiền rượu, tiền phạt vạ, tiền bồi thường, tiền kiện tụng, tiền cúng tế, tiền ma chay, tiền tranh chấp của cải, tài sản, tiền giảng hòa, tiền hối lộ... Nay ông Magha giáo giới chúng, đặt năm giới cấm trong tâm của chúng, từ ba mươi gia đình sẽ lan ra bốn mươi gia đình, năm mươi gia đình... Cứ lần hồi như vậy thì ta sẽ khánh tận tài sản, lợi lộc. Vậy ta làm thôn trưởng để làm gì?”

Tức tối, hậm hực, với mưu chước, người thôn trưởng cụ bị hành lý, hối lộ quan cửa thành, đi thẳng đến cung vua xứ Magadha, tâu trình một cách gian dối, xảo quyệt như sau:

- Thưa thiên tử! Tại làng của con có một bọn cướp, chúng gồm ba mươi mốt đứa kể cả tên đầu sỏ đảng trưởng. Chúng nó phá làng, phá xóm. Chúng thiêu hủy các cuộc vui của nhân dân. Chúng làm cho các miếu, đền thờ thần đất, thần núi, thần lửa, thần mặt trời... vắng lạnh và điêu tàn. Không một bóng người trên sông. Không một bóng người trên rừng. Trống không các buổi tế lễ, hội hè, đình đám, tiệc tùng... Ôi! Quả thật là một bọn cướp đáng sợ!

Mới nghe như thế, đức vua chưa cho người điều tra sự vụ hư thực đã vội quát lên:

- Hãy đem theo lính, đao kiếm và dây, bắt trói tất cả chúng rồi dẫn đến đây!

Thế là Magha và ba mươi chàng thanh niên chí nguyện bị bắt trói xếp cánh sau lưng rồi được dẫn đến hoàng thành. Đức vua nước Magadha không điều tra, không hỏi cung mà ra lệnh đem tất cả ra pháp trường cho voi chà xử tội.

Khi nằm trên đất để nhận chịu sự hành hình oan uổng, Magha điềm đạm nói:

- Này các bạn! Hãy bình tĩnh! Nếu quả thật chúng ta bị tử nghiệp voi chà nầy - thì không ở đâu có thể trốn thoát được dù ẩn vào động thẳm, hang sâu. Nhưng nếu chúng ta không có tội - thì uy lực của đức vua, sức mạnh của ngàn con voi cũng chẳng thể làm được gì chúng ta cả. Vì sao vậy? Vì do thiện pháp bảo vệ, chúng ta sẽ được an toàn!

Vậy này các bạn! Chớ có sợ hãi! Hãy hành trì giới, tâm niệm giới! Hãy khởi lòng từ với kẻ ác, với kẻ  đã vu cáo ta! Hãy khởi lòng từ với đức vua thiếu sáng suốt! Hãy khởi lòng từ với đàn voi - vì chúng không biết gì, lại sắp dẫm đạp chúng ta! Tâm từ ấy phải được quảng đại, sung mãn, bao trùm đồng đẳng tất cả chúng sanh, đầy tràn hư không giới. Tất cả hãy mát mẻ, vắng lặng! Tất cả hãy mát mẻ, vắng lặng!

Tất cả ba mươi thanh niên y lời nên trầm tĩnh, an nhiên như một rừng thiền định.

Khi đàn voi đến, chúng đứng sững lại như gặp một bức tường thành kiên cố. Chúng co rúm lông, đuôi dựng đứng lên, thối lui, rống to rồi quay lưng bỏ chạy. Đàn voi khác đến, cũng thế, không thể vượt được bức tường của tâm từ, chúng trở lui và bỏ chạy tán loạn.

Đức vua nghe báo chuyện lạ, ra hiện trường xem, tự nghĩ:“Chắc trong người bọn chúng có giấu thuốc trường sanh nên chúng đã trở nên bất tử chăng?” Bèn cho người lục soát nhưng chẳng thấy gì. Lại nghĩ: “Hay là chúng có đọc bùa chú?” nên đức vua hỏi to:

- Này bọn cướp kia! Có phải các ngươi đã âm thầm niệm chú để chống lại bản án tử hình chăng?

Magha bẩm chất thông sáng, thoáng nghe hỏi đã hiểu ra mọi sự - nên bình tĩnh đáp:

- Vâng, có, thưa thiên tử!

- Ấy là bùa chú gì? Đọc lên cho ta nghe thử coi?   

- Thưa thiên tử! Hãy lắng nghe, tôi sẽ nói. Tôi và ba mươi chàng thanh niên này trọn đời không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống các chất say. Chúng tôi khởi lòng từ đồng đẳng đối với mình, với các sanh loại. Chúng tôi làm các thiện sự, các công ích xã hội như dựng bệnh xá, làm cầu, làm đường, đào ao hồ, các công trình vệ sinh... Tất cả đấy là bùa chú (manto) của chúng tôi, là sự bảo vệ (paritto) của chúng tôi, là sức mạnh của chúng tôi!

Đức vua ngạc nhiên quá, cặn kẽ hỏi đầu đuôi. Thế rồi tên thôn trưởng đành phải cung khai thú nhận mọi tội lỗi.

Đức vua hài lòng, mỉm cười sung sướng về việc làm tốt đẹp của những công dân lương thiện. Ông cho tịch thu gia nương điền sản của tên thôn trưởng, bắt toàn thể gia đình làm nô lệ suốt đời có khắc dấu lên trán. Còn Magha thì được đức vua biếu tặng cả đàn voi để làm việc công ích, cho sở hữu cả ngôi làng với quyền lực, uy tín, danh vọng được đức vua xuống chiếu bằng văn bản có triện son tươi rói.

Từ đấy, Magha và ba mươi chàng thanh niên thiện chí được tự do và an tâm để làm các công đức, công ích xã hội - được đức vua bảo vệ, tán dương cùng các khoản trợ cấp hào phóng...


Hôm kia, họ khởi tâm làm một đại hội trường rộng lớn tại khoảng đất trống gần ngã tư đường, là trung tâm của ngôi làng Macala. Họ bàn bạc rồi thống nhất ý kiến với nhau, rằng là, nữ nhân nghiệp dày dễ đem đến rối loạn và phiền não - không nên cho đàn bà góp công góp sức vào công trình này.

Sudhammā, bà chánh thất của Magha mang một số tiền đến gặp người phụ trách tòa kiến trúc (kiến trúc sư), tha thiết, năn nỉ rằng:

- Ông hãy giúp tôi, bằng đủ mọi cách để cho tôi có cơ hội hùn góp công đức vào phước sự lớn lao nầy!

Vừa nể tình vừa thấy tội nghiệp, người thợ cả kiến trúc hứa giúp với mưu kế - là làm một cái chóp tháp nhọn bằng danh mộc, chạm trổ công phu, phơi khô, lấy vải cuộn lại rồi bảo bà Sudhammā cất giấu đi.

Khi tòa kiến trúc đại hội trường vĩ đại xây dựng xong - đến giờ đặt tháp nhọn, người thợ cả hốt hoảng la to lên:

- Chết rồi, các bạn ôi! Chúng ta đã quên một việc quan trọng!

Mọi người xôn xao:

- Cái gì vậy?

- Chúng ta quên làm cái chóp tháp nhọn, biết làm sao bây giờ?

- Ồ! Chẳng hề gì! Có thể làm gấp được mà!

- Không phải vậy! Ông ta lắc đầu - Thứ nhất là gỗ phải thuộc loại đại danh mộc, cứng như sắt nguội không bao giờ bị nứt rạn. Thứ hai là gỗ phải được phơi khô trong bóng râm vài ba tháng - nếu không đạt yêu cầu như thế thì đầu mối sẽ không ăn khớp, bị hở và nước sẽ thấm vào. Nay sắp đến ngày khánh thành rồi, lại có đức vua và triều đình tham dự, thời gian không còn kịp nữa, biết làm sao?

Thật là nan giải. Ai cũng nín lặng. Chợt người thợ cả kiến trúc chấp tay lên đầu rồi đưa ý kiến:

- Lạy chư thần gia hộ! Trong ngôi làng của chúng ta có cả hằng trăm ngôi nhà có tháp nhọn, chóp nhọn. Vậy, biết đâu một nơi nào đó có thể có sẵn hoặc còn thừa một cái chóp nhọn bằng danh mộc, đẹp, vừa vặn và in khít thì sao?

Mọi người phân tán ra khắp làng tìm kiếm. Ngạc nhiên làm sao, họ thấy bà Sudhammā có sẵn một cái chóp tháp bằng danh mộc rất đẹp, chạm trổ công phu, tinh xảo, đúng tiêu chuẩn yêu cầu. Họ hỏi mua nhưng bà không chịu bán.

Bà nghiêm trang nói:

- Tiền bạc chẳng thể nuôi sống ta từ đời này sang kiếp nọ. Vả, chồng ta công đức quá lớn, ta mà thiếu phước báu thì làm sao hy vọng gặp lại được chàng trong kiếp lai sinh? Vậy hãy cho ta hùn góp một tí công đức! Ta chẳng cần núi tiền, núi bạc của các ông! Hãy cho ta dự phần!

Thấy không thể quyết định được - vì như thế là phá vỡ kế hoạch ban đầu là không cho nữ nhân tham dự dẫu đấy là bà chánh thất của sư trưởng - họ bèn đến gặp Magha xin ý kiến chỉ đạo, nhưng vốn tôn trọng mọi người nên chàng cũng dụ dự, bất quyết.   

Vị thợ cả lớn tiếng:

- Sao các bạn cố chấp thế? Chỉ phạm thiên giới mới không có nữ nhân! Các bạn đã là vị phạm thiên chưa mà làm oai, làm phách vậy? Tại sao các bạn không nhận chân sự thực rằng, nữ nhân trên đời này đã đem lại tình yêu và hạnh phúc cho các bạn? Cho chí các cõi trời, nếu không có tiên nữ thì các bạn lên đó sống với ai, vui chơi bầu bạn với ai? Không có tiên nữ thì còn đâu là sinh thú, lạc thú của cõi trời? Các bạn hãy nói đi?

Mọi người nín lặng, thừa nhận sự thực ấy nên cúi đầu ra vẻ hổ thẹn. Ông thợ cả tấn công tiếp:

- Các bạn hãy từ bỏ quan niệm sai lầm ấy đi! Hãy chấm dứt tâm phân biệt đầy kiêu căng và ngã mạn đó! Hãy lấy cái chóp nhọn để bà Sudhammā góp phần công đức kẻo không còn kịp nữa. Và theo ý tôi, chúng ta cũng nên đón nhận tất cả nữ nhân trong làng đến hùn góp công đức về các công trình phụ còn lại.

Ba mươi chàng thanh niên cũng không phải là những kẻ cố chấp - họ thầm nhận ý kiến của người thợ cả là hợp tình, hợp lý - bèn xin quyết định cuối cùng của Magha. Chàng mỉm cười nói:

- Đấy là mưu chước của phu nhân tôi - nhưng lại là mưu chước đáng yêu, đáng được hỷ xả và tôn trọng. Chúng ta cũng nên dang tay mở rộng cửa trời để mọi người cùng bước vào, chẳng nên phân biệt nam nữ.

Thế là nóc tháp nhọn được đặt lên, vừa vặn, khít khao, tuyệt mỹ. Nữ nhân trong làng, sau khi được mở cửa - họ đua nhau đến góp công, góp của với không khí tưng bừng, vui tươi như hội bướm mùa xuân - lúc nào tiếng ca hát, reo cười cũng vẳng lên nơi này, nơi kia của công trường...

Ông thợ cả kiến trúc đã nói rất có lý, vì từ khi có nữ nhân cùng tham dự, không khí công trình như vui tươi, sống động hẳn lên. Đàn ông con trai say mê làm việc và say mê cả những câu hát hò đối đáp với các cô thiếu nữ.

Không bao lâu sau, một quy mô cực kỳ vĩ đại được hoàn thành.

Trong đại hội trường có đầy đủ bàn ghế, chỗ ngồi cho cả ngàn người, có sân khấu rộng để tổ chức biểu diễn múa hát, các lễ hội. Nơi những hành lang rộng thoáng, cạnh lối đi và cửa sổ có thảm hoa và những ghè nước mỹ thuật. Các công trình phụ như nhà vệ sinh công cộng, nhà tắm hơi công cộng cũng tiện nghi và đẹp đẽ. Cách quãng hợp lý là những bức tường dài, dạng hình cung có gắn ô cửa vuông, cửa tròn có hoa văn, họa tiết... Những con đường tản bộ được lót sỏi trắng. Những hàng cây sāla, tre trúc, bồ-đề, dâu da... xanh tươi và mát mẻ. Xung quanh giảng đường cách những khoảng sân rộng thiết kế vườn hoa, cây cảnh  - là những ngôi nhà trọ dành cho bộ hành lỡ bước, trạm nghỉ chân cho khách thương. Có cả những hàng quán bán buôn đủ loại, vật thực uống ăn được bán với giá phải chăng cho mọi người. Lại có cả những ngôi nhà nho nhỏ, xinh xinh dành cho trẻ em chơi đùa và cho cả trẻ nít chăn trâu bò, cừu dê... cạnh những con đường thông vào ngõ xóm.

Bà Sucittā, phu nhân thứ hai của Magha, hùn chung công đức một công viên mỹ lệ, có những thảm cỏ xanh biếc, những cụm quái thạch um rêu dựng nổi bật. Hằng trăm cây ăn trái, cây kiểng, cụm cây thân thảo lá vàng, lá đỏ, lá tím đan xen nhau, nhiều sắc hoa, dáng hoa lạ lùng tỏa  hương thơm ngào ngạt. Không có cây nào ở đây không phải là danh hoa, danh mộc. Không có đường nét chi tiết mỹ thuật nào ở đây không bắt mắt, gợi cảm tạo sự thưởng ngoạn kỳ thú...

Bà Sunandā, phu nhân thứ ba của Magha không chịu thua, nàng chịu khó thuê người, không quản tiền bạc, của cải để làm hồ và suối. Hồ xanh thăm thẳm lấp lánh sao trời, phô thắm hoa sen, hoa súng đủ màu. Suối vờn quanh những thảm cỏ xanh biếc chỗ sâu, chỗ cạn, trong leo lẻo, đủ loại cá màu lặng lờ lui tới ngoạn mục. Những chiếc cầu đá trắng lơ thơ liễu rủ trông thơ mộng như cõi bồng tiên.

Riêng Sujātā, bà phu nhân thứ tư, trẻ nhất và đẹp nhất thì thường làm biếng, không đóng góp một chút công sức gì vào công trình vĩ đại nói trên. Suốt ngày quanh đi, quẩn lại nhìn ngắm sắc đẹp của mình; rồi lại đổi thay y phục, thay đổi những món trang điểm của mình. Lại còn tìm ăn món này món nọ để dưỡng nhan, để mong mình được trẻ mãi, đẹp mãi...

Với công đức, nhân tạo tác của mỗi người như vậy, lúc mệnh chung, Magha hóa sanh làm vua trời Đế Thích (Sakka), cai quản ba mươi ba tòa cung điện. Con cháu, dâu rể của Magha và mọi người trong làng, ai có công đức về những việc công ích xã hội đều được sinh làm thần dân thiên tử của cõi trời này. Ba mươi tòa cung điện cao sang, lộng lẫy, huy hoàng là phước báu dành sẵn cho ba mươi chàng thanh niên cùng thê tử của họ. Ba tòa tháp mỹ miều, tráng lệ là phần của ba bà thiên hậu của Sakka - đấy là Sudhammā, Sucittā và Sunandā. Riêng bà thứ tư, Sujātā, do không có phước báu, chẳng đóng góp được chút ít công đức gì - không biết lai sanh về đâu hay đọa lạc ở cảnh giới nào!



(1) Có tất thảy ba vị có tên Mahāli. Một, vương tử Mahāli nước Koliyā, phu nhân là công nương Suppavāsā - có con trai Sīvali, mang thai 7 năm. Hai, du sĩ Mahāli hỏi đạo đức Phật nhân chuyện tỳ-khưu Sunakkhatta. Ba, Mahāli đến thăm đức Phật đây là bạn thân của đức vua Bimbisāra, tám năm về trước, nhân Vesāli xảy ra nạn đói, dịch bệnh, ông đã đến Rājagaha cầu cứu đức Phật. Vị này vốn là một thái tử văn võ toàn tài, là bạn học của đức vua Pasenadi, bạn học với hoàng tử Bandhula nước Malla. Sau khi du học từ Takkasilā về, vì bị bệnh mắt ông chỉ xin giữ một chức quan coi thành khiêm tốn. Còn Bandhula do bất mãn triều đình, ông đã cùng với gia quyến đến ở với bạn là Pasenadi, được đức vua trọng dụng cho làm Đại nguyên soái thống lãnh quân đội, quyền hành rất lớn. Ông có bà vợ là Mallikā -  trùng tên với hoàng hậu của vua Pasenadi - là đệ tử thuần thành của đức Phật (xem thêm chương tướng quân Bandhula sẽ viết sau này). 

(1) Pháp cú ghi là Acala, bổn sanh Kulāvaka ghi là Macala.





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024