|
MỐI TÌNHKEO SƠN CHUNG THỦY
Trong lúc mọi người trong gia đình Magha, ba mươi ba gia đình và một số người trong ngôi làng Macala sum vầy lạc phúc trên thiên giới thì phu nhân Sujātā đọa sinh làm con chim hạc mái ở rừng sâu. Cha mẹ chết, cô hạc mái sống lẻ bóng, lạnh lẽo, không họ hàng thân thích, không có bè bạn, không có một niềm vui. Đã nhiều lúc cô đơn quá, hạc mơ màng và mộng tưởng đến những hoàng tử, những công chúa, những đôi uyên ương sống với nhau ngàn năm trong những lâu đài tình ái... rồi thở dài và thầm thương cho thân phận hẩm hiu của mình. Sớm hôm kia, dùng thiên nhãn quan sát thế gian, Đế Thích thấy rõ hậu thân của Sujātā, ngài bèn biến hóa mình thành một chàng trai hạc phương phi, cao sang mỹ tướng xuất hiện trong tầm mắt của hạc mái. Trong ánh sáng mặt trời rực rỡ, ấm áp buổi sơ xuân, trên cành cây đối diện, không biết xuất hiện từ bao giờ một thanh niên hạc đẹp đẽ và quý phái lạ lùng. Chàng kìa! Đôi mắt trong xanh vời vợi, sâu thẳm, tròn to, đa tình; chiếc mỏ cong cong óng ánh lân tinh và đôi chân cứng mạnh tràn trề sinh lực. Trái tim cô gái hạc chợt nghe xao xuyến và rung động mạnh. - Hãy cùng ta bay đến những tòa lâu đài ngàn năm tình ái, hỡi cô công chúa hạc diễm kiều! Nàng hạc Sujātā thẹn thùa quá đỗi khi nỗi lòng của mình bị chàng trai hạc kia phát hiện, cô bèn khép cánh lại, nép đôi mắt ướt át sau một cành hoa. - Hãy đi chứ - Sujātā - nàng công chúa hạc ở rừng sâu? Hãy cùng ta đi ngoạn du một cảnh giới huy hoàng! Với thần lực của mình, chàng hạc (Đế Thích) cất đôi cánh trắng, và cô hạc cảm thấy thân mình bị bốc lên không cưỡng được - rồi nhẹ nhàng lướt lên cao, bay xuyên qua những đám sương mờ... Đế Thích đem hạc đến cõi trời Đao Lợi. Và sau khi dẫn nàng hạc bay vòng quanh ba mươi ba tòa bảo tháp nhìn ngắm chư thiên nam nữ lộng lẫy cao sang - rồi cả hai bay đậu nơi các công viên tươi đẹp - ngài mở lời bằng ngôn ngữ của chim: - Vinh quang thay là thiên giới! Hỡi cô công chúa hạc yêu quý! Chúng ta dường như gặp nhau trong mộng, có bao giờ nàng mơ ước đến một cuộc sống như thế này: Ta với nàng kết nghĩa phu thê, trường sanh bất lão, mãi mãi hạnh phúc trong những tòa lâu đài sáng ngời kim ngân, châu báu, đoanh vây xung quanh muôn triệu kẻ hầu người hạ, với lạc thú ngũ dục tối thượng của cõi trời? - Có, em có! Cô hạc thẹn thùa gật đầu, lắp bắp đáp với đôi mắt ẩn giấu niềm ước mơ cháy bỏng - nhưng vẫn là mộng thôi, chàng hỡi! Chàng trai hạc bỗng cất cánh lên mây, hóa hiện thành Đế Thích thiên vương, rõ rỡ uy nghi ngồi dưới chiếc lọng trắng - đoanh vây hằng sa thiên nữ với hương hoa vi diệu, với muôn ngàn nhạc điệu mê ly của cõi trời. Cô gái hạc sợ hãi quá chừng, định cất cánh bay - nhưng Đế Thích đã hiện nguyên hình trở lại, đến gần bên, cất giọng rủ rỉ rù rì như rót mật vào tai: - Em yêu! Kiếp trước ta là phu quân của em, tên là Magha. Em là Sujātā, là phu nhân thứ tư của ta, tại ngôi làng Macala, kinh thành Rājagaha, quốc độ Magadha... Từng lời, từng lời của Đế Thích gợi lên hình ảnh vừa qua trong kiếp trước, phục hồi lại ký ức ngủ quên của nàng hạc. Lát sau, Sujātā bỗng nhớ lại tất cả. Nàng thổn thức, bồi hồi, nép mình bên chàng trai hạc như đặt trọn niềm tin tưởng nơi người chồng cũ. Thế rồi, với sự cố gắng, Đế Thích nói cho Sujātā nghe tất cả mọi nhân, duyên và quả; khuyên hạc sống đời thiện lương, giữ tròn những căn bản của ngũ giới - may nhờ phước báu ấy hỗ trợ, giúp nàng thác sanh cõi trời Ba Mươi Ba để tái ngộ tình xưa. Thấy Sujātā gật đầu, Đế Thích hài lòng, đưa chim hạc trở về rừng cũ... Tiếng nhạc của cõi trời như còn vọng lại sau đôi cánh xa xăm - hạc tỉnh mộng, bàng hoàng, sau đó nó biếng ăn, biếng bay, biếng đi kiếm mồi. Chàng ở trên cao kia do quá nhiều công đức đã làm trong kiếp trước. Còn ta? Ta đã ăn tận, hưởng tiệt các món ăn cũ, dư phước của kiếp nào. Khi mọi người nhiệt tình, hăng say với các thiện sự như bố thí, trì giới, làm các công tác lợi ích xã hội - còn ta thì không làm cái gì lợi ích cho ai hết. Rồi cái Đại hội trường nguy nga đồ sộ cùng với hàng trăm công trình phụ - là niềm vui chung cho cả làng - thế mà ta cũng chẳng đóng góp được chút gì. Ta chỉ lo trau chuốt, điểm trang, tới lui ngắm nghía vẻ đẹp của mình để tự mãn, để khinh người. Ta ngồi trong im mát hưởng thụ ngũ dục, làm đẹp nhan sắc với châu báu, với phấn, với hoa hương cho những đứa nô tì, kẻ làm công trầm trồ, tán thán. Chàng và họ, ba bà phu nhân hom hem, già lão - nhưng nhờ công đức, nhờ phước báu đã gieo trồng, bây giờ họ ngồi ở thiên đình an hưởng phúc quả. Còn ta thì đọa lạc làm thân chim xấu xí này thì còn chi để mà nói nữa? Than ôi! Hãy lo tu tập đi thôi! Đời chim chỉ có giới bất sát - vậy ta phải kiên quyết giữ tròn giới ấy như lời chàng yêu thương nhắc nhở. Bắt đầu từ dạo đó, hạc không ăn các con vật đang còn sống. Do không quen ăn lá cỏ, các loại hạt nên hạc gầy yếu rất nhanh. Chỉ tuần sau là hạc kiệt lực, ngã gục bên bờ suối. Sương rừng và gió núi làm hạc tỉnh lại. Mệt mỏi, lờ đờ hạc lê vài bước. Một chút nước suối giúp hạc tỉnh hơn. Và ô kìa! Một con cá béo ngậy nằm phơi cái bụng vàng óng ánh! Nó chết rồi. Nó sẽ cho ta sinh lực và sự sống. Khi ngậm con cá trong chiếc mỏ xinh xắn, hạc nghe thân cá rung động, uốn cong chiếc đuôi - nó vừa hoảng hốt và vừa như một phản xạ trong sạch từ lương tâm có giới, nó nhả con cá ra với đôi mắt thẫn thờ. Hạc còn không quên dùng chiếc mỏ đẩy con cá xuống dòng nước. Thà chết chứ hạc không thể nào phạm giới sát sanh. Dẫu cho cái đói có thúc bách, có hành hạ, hạc nguyện vẫn kiên gan chịu đựng để được lợi ích và tiến hóa dài lâu. Trước mắt hạc chợt rực sáng. Con cá bạc từ suối nước bỗng vút lên hư không như một vệt thủy tinh, hiện thành Đế Thích thiên vương ngồi giữa đám mây lành, rực rỡ sắc màu. - Lành thay! Sujātā yêu quý! Nàng đã có giới ở trong tâm. Nàng đã biết nghe lời ta. Thật ra, chỉ cái chớp mắt là kiếp hạc phù du. Hãy kham nhẫn, chiến thắng vị dục của cái bụng, rồi nàng sẽ được tái ngộ cùng ta giữa cõi đệ nhị thiên đường hạnh phúc xán lạn. Nói thế xong, Đế Thích thoáng biến mất giữa hư không lồng lộng. Nàng Sujātā nhờ có giới hộ trì, nâng đỡ nhưng vì có ít phước báu - nên hết kiếp hạc, tái sanh thân phận một cô gái trong gia đình nghèo khổ làm nghề thợ gốm ở Bārāṇasī. Từ đỉnh Sineru, nhờ thiên nhãn, Đế Thích thiên vương biết chỗ sanh thú của nàng. Khi cô gái lớn, Đế Thích hóa thành một cụ già đẩy một chiếc xe đầy cả dưa chuột chín vàng đi vào thành phố. Ông già bán dưa chuột rao vang cái câu lạ lùng: - Ai lấy dưa, kẻ ấy phải có giới! Ai có giới thì hãy đến lấy dưa! Màu dưa chuột chín vàng rất thích mắt, thấy là đã muốn ăn ngay. Thật là loại trái cây giải khát quý hiếm giữa mùa nắng nóng cháy da. Người ta đổ xô lại và ai cũng tranh phần muốn mua. Ông già hét to: - Các ngươi có giới không? Ta chỉ cho dưa đến người có giới! Ai có giới mới có phần dưa! Người ta nói: - Tôi chẳng biết giới là gì, nhưng tôi có tiền. Tôi sẵn sàng trả giá cao nhất. - Hãy đi! Ông già bán rong lấy tay xua - Ta không cần tiền. Tiền bạc thì được tích sự gì. Ta chỉ cho không cả xe dưa này đến người có giới. Với sức mạnh do thần lực của vị thiên chủ, đôi cánh tay gầy guộc của cụ già như hai vòng đai kiên cố bảo vệ xe dưa chuột. Đám đông như chạm phải một bức tường sắt, dạt lui. Ai cũng nghĩ là ông già ấy điên. Mọi người lảng tránh dần. Tiếng rao của cụ già khàn khàn nhưng vọng từ đường phố này sang đường phố khác, từ khu nhà này sang khu nhà khác. Muôn dân kinh thành Bārāṇasī, không hiểu tại sao cứ nghe mãi âm thanh của ông già rao dưa chuột vang vang trong lỗ tai. Kể cả kẻ điếc lãng, cũng nửa tin nửa ngờ, hôm ấy họ cũng nghe rất rõ ràng. - Ai có giới, ta cho không dưa chuột. Ai có giới, ta cho không cả xe dưa chuột. Tiếng rao vọng đến tai, nàng Sujātā nghèo khổ rung động mạnh. Tiềm thức quá khứ mơ hồ trở về. Nàng biết giới, nghĩ về giới, quen biết giới như người bạn thân đi xa lâu ngày gặp lại. Nàng rẽ đám đông bước lại. - Thưa cụ! Tôi biết giới, tôi có một chút giới! Hãy cho tôi dưa chuột! Cụ già chợt nở nụ cười hóm hỉnh, dịu dàng nhìn cô gái, hỏi rằng: - Cả kinh thành Bārāṇasī này có ai biết gì về giới đâu? Vậy tại sao cô bé biết? - Thưa cụ! Tôi biết giới từ quá khứ. - Vậy giới là gì nào, cô bé? - Là ngăn giữ những điều xấu ác, thưa cụ! - Vậy là đúng, vậy là giỏi! Nhưng cụ thể cái gì là xấu ác, này cô bé? - Ví dụ sát sanh hại vật là xấu ác, thưa cụ! - Ừ! Hoàn toàn chính xác! Vậy thì hãy giữ cho tròn năm giới là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không uống các chất say - cô bé làm có được không? - Được, thưa cụ! Tôi làm được cả năm giới ấy. Đế Thích trao cho cô gái cả xe dưa chuột rồi nói nhỏ bên tai nàng: - Chẳng phải dưa chuột đâu - là cả một xe vàng ròng đấy! Hãy dùng tài sản châu báu này nuôi mạng sống, nuôi cha mẹ già và làm các công đức. Nhớ tích lũy cho thật nhiều công đức như bố thí và làm các việc lành tốt hữu ích đến mọi người, cô bé sẽ đạt nhiều an vui và hạnh phúc trong mai hậu. Thế rồi, cô bé nghèo khổ y lời, giữ giới trong sạch, cúng dường đến các đạo sĩ, bố thí đến người nghèo khổ, lập các trạm phước xá, chẩn bần cho đến mãn đời. Hết tuổi thọ, mạng chung, nàng sanh làm công chúa cõi A-tu-la thiên, mang sắc đẹp quý phái, đôn hậu và thùy mị. Đến tuổi trưởng thành, A-tu-la vương cho nàng tự do kén chồng. Các A-tu-la thái tử, hoàng tử, công tử từ khắp các cõi A-tu-la đồng đến tham dự , ra mắt xem thử có lọt vào cặp mắt xanh của người đẹp không. Hơn ai hết, Đế Thích biết rõ chuyện này, biến hóa thành một hoàng tử A-tu-la hiên ngang, anh tuấn, cỡi thớt ngựa trời sáng ngời châu báu. Giữa đám thanh niên A-tu-la, Đế Thích đẹp đẽ, phương phi, cao sang như chúa phượng hoàng. Nhìn thấy Đế Thích, trái tim công chúa A-tu-la rung động mạnh bởi sợi dây ái luyến nhiều đời kiếp. Nàng chọn Đế Thích làm chồng giữa muôn vàn tiếng reo hò tán dương của thần dân ngưỡng mộ. Và dĩ nhiên còn cả sự đố kỵ, ganh tỵ từ phía những thanh niên đến cầu hôn. Đế Thích ra mắt nhạc gia, hiện thành thân tướng cao sang, trang nghiêm đầy uy lực của một vị thiên chủ tối cao - trình bày cho A-tu-la vương nghe rõ nhân, duyên và quả của câu chuyện hôm nay - rồi sau đó, muốn kết tình giao hảo giữa hai quốc độ. A-tu-la vương Vepacitti ban đầu đùng đùng nổi giận - sau nhìn thấy con gái đang rỡ rỡ hạnh phúc, bèn nghĩ rằng: Bây giờ, dẫu là ông vua trời cao sang nhưng đã hạ mình làm giai tế - thì có lý nào lại cố chấp, chuốc mối oán thù không đáng có! Điều nên đáng hãnh diện nữa là khác - rồi lớn tiếng cả cười: - Đế Thích! Ha... ha...! Rốt lại, ngươi là con rể của ta, ha... ha...! Đế Thích mỉm cười vui vẻ, sai chư thiên thuộc hạ dâng rượu trời, một số lễ vật trân quý mà cõi A-tu-la không thể có - rồi vái lạy A-tu-la vương làm nhạc phụ. Sau đó, Đế Thích chào cha vợ rồi dẫn công chúa A-tu-la về cung Đao Lợi, tặng riêng nàng một tòa bửu đài nguy nga, tráng lệ, đặt nàng lên địa vị thứ hậu, xung quanh đoanh vây hai ngàn năm trăm vạn thiên nữ. Kể xong chuyện tiền thân Đế Thích của mình, đức Phật kết luận: - Thuở còn luân hồi sinh tử, Như Lai đã làm những thiện sự không mệt mỏi. Không những chỉ mình làm - mà còn nhắc nhở, khuyến khích, giáo hóa người khác làm theo. Do vậy, những phước báu hữu vi của Như Lai cũng rất là đặc biệt, rất là thù thắng. Chính nhờ bố thí, trì giới, làm các việc lành tốt hữu ích cho cuộc đời mà Như Lai hưởng quả vị thiên chủ tối cao với ngũ dục, với uy lực, với quyền năng vô hạn! Điều nổi bật ở đây chính là đức tính tinh cần với những thiện sự. Ai tinh cần, người ấy được tán dương; ai dể duôi, biếng nhác sẽ bị người khác coi khinh, xem thường. Đúng như câu kệ ngôn: “- Chỉ nhờ đức tánh tinh cần Đế Thích cai quản bốn tầng thiên vương Dể duôi thiên hạ khinh thường Tinh cần mãi được tán dương đời đời!”(1) Nghe xong tích truyện Cõi trời Ba Mươi Ba, nhiều vị tỳ-khưu còn trẻ, bàn tán với nhau: - Đức Phật của chúng ta thuở còn là bồ-tát lại có những bốn bà vợ! Vui nhỉ! - Ngài cũng chung tình ghê gớm nhẻ! Cái cô bé Sujātā kia bị đọa lạc làm con hạc mái, bồ-tát đã tìm trăm phương nghìn cách đem lên cõi trời để nối duyên cho bằng được. - Vọng ngữ đó! Cái gì mà trăm phương nghìn cách? Chỉ một cách thôi là giúp nàng ta giữ giới! - Bố thí nữa, chẩn bần nữa! - Ừ, thì nhiều cách, nhưng đâu có trăm phương? - Đến ba kiếp sau, cô bé mới được tái ngộ cùng chồng! Ghê nhỉ? - Đa tình thế là đệ nhất! - Ngài tạo phước báu hữu vi thiệt là cực kỳ. Mà khi xả bỏ cũng thiệt là cực kỳ! - Vậy mới đúng là hiện thân siêu việt của một đức Chánh Đẳng Giác chứ! (1) Pháp cú 30, nguyên văn: “ Appamādena maghavā devānaṃ seṭṭhataṃ gato. Appamādaṃ pasaṃsanti pamādo garahito sadāti”. |