|
Chương 3 SỢ HÃI VÀ KHỔ ĐAU
19. Vô Úy (Vô (=không) úy (=sợ hãi) có nghĩa là không sợ hãi) Nếu tội lỗi nhìn bức tường gạch lúc trước và chỉ thấy hai viên gạch lệch (xem “Hai viên gạch lệch”, số 1), sợ hãi sẽ chăm chú vào bức tường tương lai và chỉ thấy toàn gạch lệch. Lúc bị sợ hãi làm cho mù, mắt sẽ không còn thấy các viên gạch tốt nữa. Câu chuyện sau mà tôi có dịp thuyết ở Singapore là một cách đối trị sợ hãi. Tôi được qua Singapore thuyết bốn bài pháp tại Suntec City (Khu thương mại lớn tối tân nhất tại trung tâm Singapore. Gồm nhiều khu trưng bày, phòng họp lớn nhỏ, giảng đường, rạp hát, nhà hàng, siêu thị v.v...). Mọi chi tiết tổ chức đã được sắp xếp rất chu đáo: thông tin đã gởi đi khắp nơi (áp phích được thấy hầu hết các điểm dừng của xe buýt); hội trường 2500 ghế rất đắt giá đã hết chỗ. Nhưng rủi thay, lúc bấy giờ dịch cúm SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome (SARS) = Hội chứng hô hấp cấp tính nặng do vi khuẩn gây ra. SARS hình như xả ra lần đầu tiên ở Quảng Đông, Trung Quốc vào tháng 11.2002. Lây lan sang nhiều nước khác kể cả Việt Nam vào đầu tháng 3.2003) vừa được phát hiện khiến trường học phải đóng cửa, nhiều khu dân cư bị kiểm dịch cách ly, và chánh quyền khuyến cáo tránh các hội họp công cộng. Sợ hãi làm tê liệt mọi hoạt động địa phương. Ban tổ chức hỏi tôi có cần hủy bỏ các buổi nói chuyện không? Ngay sáng hôm có buổi nói chuyện đầu tiên, báo chí đăng tin trên mạng trang nhất và bằng chữ lớn Singapore có 99 trường hợp nhiễm dịch. Tìm hiểu số Singapore tôi được biết con số trên dưới bốn triệu. Tôi nói với ban tổ chức rằng: “Như vậy con 3.999.901 dân không bị SARS. Ta cứ tiến hành.” “Nhưng nếu có ai đó bị lây thì sao?” Sợ hãi hỏi. “Nhưng nếu không ai hết?” Trí tuệ hỏi lại, với một xác suất lớn sẵn nằm trong tay. Thế là các buổi nói chuyện được tiến hành như thường lệ. Đêm đầu tiên có năm trăm thính giả đến nghe và đêm thứ tư hội trường đông nghẹt. Tổng cộng có trên tám ngàn tham dự. Họ học được bài học cưỡng lại sự sợ hãi không hợp lý và bài học này giúp họ can đảm hơn trong tương lai. Họ thích các bài pháp và ra về hân hoan; hệ miễn dịch của họ dường như được tăng cường. Và như tôi thường đùa ở cuối mỗi buổi nói chuyện. “Quý vị cười lớn với các câu chuyện ngộ nghĩnh tôi kể, phổi quý vị sẽ nở lớn hơn và hệ thống hô hấp của quý vị sẽ được mạnh khỏe hơn!” Không một ai đi dự bốn đêm pháp của tôi phải vô nhà thương vì bệnh SARS! Muôn ngàn vạn thứ có thể xảy ra trong tương lai. Nếu chúng ta tác ý vào các thứ không may chúng ta sợ hãi. Khi chúng ta tác ý vào các thứ tốt lành chúng ta không sợ hãi; vô úy được trưởng dưỡng đơn giản như vậy đó.
20. Tiên đoán được tương lai Nhiều người muốn biết tương lai mình thế nào. Một số người không đủ kiên nhẫn chờ nó tới nên tìm thầy coi tay, bói toán, đoán tử vi v.v... Tôi xin thưa ngay với các bạn là không nên tin vào các thầy ấy. Nhiều thiền sư tiên đoán tương lai còn hay hơn, nhưng không mấy khi chư vị hành nghề! Lần nọ có một đệ tử của Ajahn Chah đến bạch xin Ngài đoán giùm vận mạng mình. Ngài nói, “sư chơn chánh không bói toán”. Nhưng ông này cứ nài nỉ và kể công đã bao lần đặt bát cho Ngài, cúng dường tự viện Ngài, đưa Ngài đi bằng xe và xăng nhớt của ông, phục vụ Ngài bất kể công ăn việc làm của gia đình ông. Thấy đệ tử này quá muốn biết chuyện tương lai của mình, Ajahn Chah nói Ngài lấy một quyết định ngoại lệ đối với giới luật cấm bói toán và bảo: “Đệ tử xòe tay để thầy coi cho” Ông vô cùng hoan hỷ vì biết rằng Ajahn Chah hồi nào tới giờ có coi tay cho ai đâu. Âu là một ân huệ đặc biệt Ngài dành cho ông. Hơn thế nữa, ông nghĩ, Ngài là một thánh sống có thần thông, đoán gì là chắc chắn có nấy. Ajahn Chah cầm tay ông, dùng ngón trỏ vẽ lên các chỉ tay ông và thỉnh thoảng tự nói nho nhỏ với mình, “Ồ, rất hay!” hoặc “Tốt, tốt, tốt!” hoặc “Tuyệt diệu!” Ông đệ tử đáng tội đang hồi hộp chờ. Một lát sau Ajahn Chah rút tay mình về và nói: “Này đệ tử, đây là những gì sẽ xảy đến cho ông” Dạ..dạ, thưa Ngài” Ông lắp bắp. “Và thầy không bao giờ sai” Ajahn Chah nói tiếp. “Thưa Ngài con biết, con biết. Vậy tương lai của con thế nào?” Ông bạch với lòng mừng vui phấn khởi. “Tương lai của con không chắc chắn,” Ngài đáp. Và, Ngài không sai!
21. Bài Bạc Tiền bạc rất khó tích lũy nhưng dễ tiêu hao và cách tiêu hao nhanh nhất là cờ bạc. Tất cả những người cờ bạc rốt cuộc đều thua lỗ. Vậy mà nhiều người vẫn thích tiên đoán với hy vọng thắng cuộc. Tôi xin kể hai câu chuyện sau cho thấy tiên đoán rất ư nguy hiểm dầu có dấu hiệu cho thấy khả quan. Một anh bạn nọ thức giấc với câu chuyện nằm mơ thấy rõ ràng tưởng chừng như thiệt. Anh mơ thấy năm tiên nữ tặng cho anh năm hũ vàng lớn đáng giá một gia tài kếch xù. Mở mắt ra anh không thấy tiên nữ cũng chẳng thấy vàng, nhưng cơn mộng còn rất sống động, ly kỳ trong đầu anh. Chừng xuống bếp ăn sáng anh thấy vợ anh chiên cho anh năm cái trứng gà và nướng cho anh năm lát bánh mì. Cái con số năm này còn thấy nhan nhản trên đầu tờ nhật báo hôm nay: mùng năm tháng năm. Thiệt lạ! Chưa hết. Anh lật báo xem trang đua ngựa, anh ngạc nhiên thấy trên Ascot (gồm 5 chữ) trong độ thứ nhất có con ngựa số năm mang tên Năm Thiên Thần. Giấc mơ là một điềm tốt lành, anh đoán mò. Anh xin nghỉ làm buổi chiều, ra ngân hàng rút năm ngàn đô la, chạy ra trường đua, đến quầy số năm, đánh hết năm ngàn đô vào con ngựa số năm tên Năm Thiên Thần, chạy độ thứ năm. Giấc mơ không sai. Các số năm hên không sai. Chỉ sai điều là chúng xảy ra hơi lệch một chút thôi: Con ngựa số năm về hạng thứ năm. Chuyện thứ nhì xảy ra tại Singapore vài năm trước đây. Có anh chàng người Úc cưới cô vợ người Singapore. Lần nọ hai vợ chồng về thăm quê ngoại và anh được mấy cậu em vợ mời đi trường đua giải trí. Trên đường các anh em ghé qua chùa đốt nhang cầu thần tài. Thấy chùa bừa bãi, họ lấy chổi quét, giẻ lau và dọn dẹp. Công phu xong họ đốt nhang khấn vái, rồi đưa nhau đến trường đua. Hôm ấy họ thua đậm. Đêm lại anh người Úc chiêm bao thấy đua ngựa. Lúc tỉnh giấc anh còn nhớ rõ tên con ngựa về nhất. Thấy trong báo Straits Times có tên con ngựa anh chiêm bao sẽ chạy vào chiều nay, anh tìm các cậu em vợ báo tin hên. Nhưng không ai tin vị thần hộ pháp chùa Singapore lại đi báo mộng cho anh da trắng người Úc nên không thèm để ý. Anh ra trường đua một mình và đánh cá con ngựa đó. Anh thắng lớn. Thần chùa Tàu da vàng khè mà lại đi phù hộ cho người Úc da trắng bệch. Các cậu em vợ Tàu giận hậm hực!
22. Sợ Hãi là gì? Sợ hãi rất kỵ tương lai. Chỉ khi nào chúng ta tin rằng tương lai không thể xác quyết, chúng ta mới không thử đoán chuyện tương lai. Chừng đó chúng ta mới hết sợ hãi. Hồi tôi còn nhỏ tôi rất sợ đi khám răng. Lần nọ tôi tới và được biết buổi hẹn đã bị hủy, tôi học được một bài học: nơm nớp lo sợ trước khi đến đây chỉ mất công và tốn thời gian! Tương lai chưa đến và không thể biết chắc như thế nào. Cái không biết chắc đó có thể phân giải sợ hãi. Nhưng nếu chúng ta không biết dùng trí tuệ, sợ hãi có thể phân giải chúng ta. Nó gần như đã hóa giải chú Sadi Cào Cào con (Little Grasshopper) trong tập truyện truyền hình Kung Fu, tập truyện mà tôi say mê lúc còn đi dạy và trước khi xuất gia. Chuyện kể: Một chú Sadi Cào Cào con được sư phụ mù của mình đưa vào một cốc trong chùa có cửa đóng then gài. Trong cốc có cái hồ dài sáu thước với chiếc cầu gỗ hẹp bắt ngang. Chú Sadi được dặn không nên đến gần hồ vì hồ không chứa nước mà còn chứa axit. “Trong bảy ngày tới”, sư phụ bảo “con sẽ được thử tài. Con sẽ đi qua hồ trên tấm ván lắc lư kia. Phải thật cẩn thận. Con có thấy xương rải rác dưới đáy hồ không?” Cào Cào con chăm chú nhìn xuống hồ và có thấy nhiều khúc xương dưới đáy. Sư phụ chú hỏi tiếp: “Đó là xương của các Sadi như con bị rớt xuống hồ” Đoạn sư phụ đưa Cào cào con ra sân dưới ánh nắng chói chang để tập đi qua hồ. Ở đây ông xếp sẵn tấm ván có cầu giống y tấm ván hẹp bắt qua hồ axit, chỉ có khác là ván được kê trên hai viên gạch nằm giữa sân. Rồi trong bảy ngày liên tiếp Cào Cào con không phải công phu mà tập đi trên tấm ván cầu ấy. Dễ dàng thôi. Sau vài hôm chú có thể đi qua đi lại, bịt mắt cũng không té. Ngày thi đến, chú Cào cào con được đưa vô cốc có hồ axit, xương cốt còn đó và đang chập chờn dưới đáy. Chú bước tới giữa cầu, đưa mắt nhìn về phía sư phụ. Ông ra lệnh: “Bước” Ván cầu ngang hồ axit dường như hẹp hơn tấm ván kê trong sân nhiều. Chú Cào Cào con bắt đầu bước. Nhưng bước đi của chú không vững, chú loạng choạng lúc ra gần tới giữa cầu. Rồi chú chồng chành, tưởng chừng sắp té xuống hồ axit. Tới đây phim ngưng để quảng cáo. Tôi phải chịu đựng với ba thứ quảng cáo ngu xuẩn này, trong lúc lo sợ không biết chú Cào Cào con có “qua cầu” không? Hết quảng cáo. Phim tiếp tục. Chú Cào Cào con mất hết tự tin, bước lắc lư. Té, chú té xuống hồ! Sư phụ mù của chú cười ré trong lúc chú đập nước văng tung tóe. Nước hồ chứ không phải hồ axit. Còn xương là xương khô được xếp dươi đáy cho “có vẻ rùng rợn”. Họ đánh gạt Cào Cào con đồng thời cũng gạt luôn khán giả, như tôi. “Cái gì làm con té xuống hồ?” Sư phụ hỏi rồi ông đáp luôn, “Sợ hãi làm con té, Cào cào con, chính sợ hãi đó”
23. Sợ nói trước công chúng Một trong những sợ hãi lớn nhất, tôi được kể là nỗi sợ nói trước công chúng. Riêng tôi, vì nhiệm vụ, tôi thường nói trước công chúng trong chùa, trên diễn đàn, tại lễ cưới và đám tang, trên đài phát thanh và truyền hình trực tiếp. Có một lần chỉ còn mười lăm phút nữa là tôi phải lên bục nói, tôi bỗng dưng phát run vì sợ. Lần ấy tôi không có chuẩn bị trước nên không biết sẽ phải nói gì trong lúc cử tọa trên ba trăm đã dành trọn buổi tối ấy đến nghe tôi thuyết pháp. Tôi thầm nghĩ “Nếu tôi không tìm ra đề tài thì sao? Nếu tôi nói bậy thì thế nào? Và nếu tôi làm mình quê thì...?” Nỗi sợ hãi dâng cao với mỗi chữ “nếu” tôi thêm vào các câu hỏi tôi tự đặt ra. Thiệt tai hại! Tôi đang tiên đoán tương lai với tâm tiêu cực. Tôi thật điên rồ. Tôi biết tôi nghĩ điên rồ dầu tôi biết tôi hiểu nhiều lý giải về tiên đoán và sợ hãi. Nhưng tôi không làm sao chận đứng được sự sợ hãi cứ tiếp tục gia tăng. Tôi bị trở ngại rồi! Tôi chợt nhớ một bí quyết mà ngôn từ Phật giáo gọi là “sự thiện xảo”. Tôi thử dùng nó. Tôi khẳng định với tôi rằng không có gì quan trọng hết, thính chúng có thích thú hay không cũng không sao miễn tôi thích thú là đủ rồi. Tôi quyết định sẽ nói một bài pháp mà tôi sẽ thích thú. Thế là tôi hết lo sợ. Buổi thuyết pháp của tôi rất thành công. Và thiện xảo ấy còn giúp tôi một cách hữu hiệu cho đến hôm nay. Bây giờ mỗi khi tôi thuyết pháp tôi đều thấy thích thú – cái thích thú của riêng tôi. Tôi nói chuyện đùa và cười với cử tọa. Lần nọ trên đài phát thanh Singapore tôi kể lại chuyện tiên đoán tiền tệ mà Ajahn Chah kể trước đây. (Dân Singapore rất thích nghe chuyện liên quan đến kinh tế). Ngài nói có ngày thế giới sẽ không có đủ giấy in bạc và kim loại đúc tiền nên phải dùng một thứ gì đó để thay thế. Người tiên đoán cứt gà sẽ được dùng để làm tiền. Như vậy người ta sẽ bỏ túi cứt gà, ngân hàng sẽ đầy cứt gà, tỷ phú sẽ hãnh diện có nhiều cứt gà, bà con nghèo sẽ mong trúng số để được một đống cứt gà. Và chính quyền sẽ đặt trọng tâm vào kinh tế cứt gà, còn các vấn đề về môi sinh xã hội sẽ được đề cập sau khi cứt gà có đầy trong xứ. Thử hỏi có gì khác biệt giữa bạc giấy, bạc đồng và cứt gà? Nghĩ cho cùng chẳng có gì cả. Tôi thích kể chuyện trên vì nó phản ảnh nền văn hóa hiện tại của chúng ta. Và nó ngồ ngộ, là lạ. Óc hài hước của dân Singapore rất thích nghe chuyện như vậy. Tôi khám phá rằng hễ bạn thích thú trong lúc nói trước công chúng bạn sẽ thư giãn ngay. Trên phương diện tâm lý, lo sợ và thích thú không thể đi đôi với nhau. Lúc tôi thư giãn, ý tứ đến với tôi ào ào như suối chảy và tuôn ra một cách dễ dàng, và tôi trở thành hùng biện. Hơn thế nữa thính giả sẽ không thấy chán khi họ thích thú và cười. Cười rất quan trọng. Một nhà sư Tây Tạng có lần nói rằng, “Mỗi lúc họ mở miệng cười bạn có thể thảy vô đó một viên trí tuệ” Tôi không mấy khi soạn trước bài giảng. Nhưng tôi luôn luôn chuẩn bị tâm trí mình. Sư tu học ở Thái Lan được huấn luyện để chuẩn bị bài giảng bất cứ lúc nào chớ không chuẩn bị bài giảng trước. Câu chuyện sau minh chứng điều tôi vừa nói. Theo truyền thống của miền Đông Bắc Thái Lan, Magha Puja (rằm tháng giêng) là lễ Phật giáo lớn thứ nhì trong năm. Năm ấy - năm thứ năm của tôi - lễ hội được tổ chức tại Wat Pah Pong do Ajahn Chah chủ trì và hai trăm Phật tử tham dự. Sau lễ đêm tới phần thuyết pháp. Thường Ajahn Chah đăng đàn vì bài pháp này rất quan trọng. Nhưng đêm đó Ngài không thuyết. Ngài ngó quanh các sư. Tầm mắt Ngài vừa qua khỏi tôi, may quá. Nhưng chưa phải thoát đâu, Ngài rảo mắt trở lại. Các bạn biết ánh mắt Ngài dừng ở đâu không? “Brahm”, Ngài ra lệnh “lên nói pháp” Không biết làm sao hơn tôi phải leo lên bục. Tôi phải giảng một tiếng đồng hồ bằng tiếng Thái, trước mặt thầy, bạn và cả ngàn khán giả, trong lúc tôi không có một mảy may chuẩn bị nào hết. Nói hay nói dở không quan trọng, quan trọng là tôi phải nói. Ajahn Chah không bao giờ khen chê. Đó không phải là điểm Ngài muốn dạy. Lần nọ Ngài bảo một sư người phương Tây rất hùng biện lên thuyết giảng cho Phật tử đến tự viện dự lễ hàng tuần. Sau mỗi tiếng sư bắt đầu kết luận bài giảng. Nhưng Ngài yêu cầu ông nói thêm một tiếng nữa. Sau tiếng thứ hai, Ngài yêu cầu ông nói tiếng thứ ba (Thiệt là khó cho các sư phương Tây vì tiếng Thái của họ có giới hạn). Thế là sư diễn giải phải tiếp tục bằng cách lặp đi lặp lại và dĩ nhiên thính chúng mệt mỏi, chán ngán. Vào lúc gần hết giờ thứ ba nhiều người đã bỏ về, số ít còn lại không chú ý mà chỉ chuyện trò với nhau. Cả ruồi, muỗi, thằn lằn, cắc ké cũng đi ngủ. Nhưng cũng chưa xong, Ajahn Chah bảo sư nói thêm một tiếng nữa. Sư vâng lời và hú hồn, Ngài cho phép sư lui sau bốn tiếng đứng trên bục giảng. Tuy nhiên sau lần giảng đó, nhà sư diễn giả bất đắc dĩ cho biết rằng khi bạn đã dò được phản ứng thật sự của cử tọa rồi, bạn không còn sợ nói trước công chúng nữa. Âu cũng là một phương cách mà chúng tôi học được của Đại sư Ajahn Chah! 24. Sợ đau Sợ hãi là một nguyên tố của khổ đau. Nó làm cho cái khổ thêm đau. Rút cái đau ra chỉ còn có cảm thọ khổ. Giữa thập niên 70, lúc tu học trên miền Đông Bắc Thái Lan, tôi bi đau răng. Lâm tự tôi sống rất nghèo, không có điện, điện thoại cũng không. Không có lấy một viên Aspirin hay paracetamol. Các sư trong rừng phải có sức chịu đựng! Lúc về chiều tôi có cảm tưởng rằng tôi càng thêm nhức; hình như bệnh tình có chiều hướng gia tăng vào cuối ngày. Tôi là một sư rất giỏi chịu đựng, nhưng lần nhức răng này là một thách thức khá gay go với tôi. Trọn một bên hàm tôi đau như búa bổ. Đây là lần nhức răng tôi chưa từng trải qua, chưa bao giờ. Tôi thử ngồi thiền sổ tức. Chú tâm vào hơi thở vô thở ra tôi thường quên hết mọi đau nhức; có lần tôi đếm được những bốn mươi mận đỏ khắp châu thân sau thời thiền vậy mà tôi đâu có hay bị muỗi cắn lúc nào. Nhưng lần đau răng này thật lạ kỳ. Nó không để tôi thiền; tôi tập trung chú ý được chừng hai ba giây là nhiều. Nó tới dồn dập như giông bão trong lúc tôi cố khép kín cửa tâm mình đối với mọi khổ đau. Tôi đứng dậy đi thiền hành. Cũng không được. Tôi không “thiền hành” mà “thiền chạy”; cơn đau kiểm soát tôi, nó không cho tôi bước mà bắt tôi chạy. Nhưng chạy đi đâu bây giờ. Tôi đau đớn cực độ, tôi muốn phát điên. Sau cùng tôi chạy vô cốc, ngồi xuống và tụng kinh. Người ta hay khen kinh Phật có thần lực nhiệm mầu – đem đến vận may, xua đuổi thú dữ và chữa bệnh tật cũng như đau khổ. Tôi không tin như vậy vì gốc tôi là thầy giáo khoa học. Vả lại tôi tin kinh là phép kỳ diệu không khác nào như tin câu phù phép của kẻ cả tin. Tuy nhiên tôi vẫn tụng, cầu may được chữa hết đau. Vô vọng. Tôi ngưng tụng luôn. Nói là tụng kinh chớ thật sự tôi la, tôi hét lời kinh, và tiếng hét của tôi dám đánh thức cả làng cách tự viện vài cây số ngàn chứ chẳng phải chơi. Cái đau của tôi có ma lực không cho tôi tụng trầm bổng như thường ngày, và dĩ nhiên tôi sợ tiếng ồn sẽ đánh thức các bạn tu vì đã khuya rồi. Tôi đang ở trong rừng sâu, không phương tiện, cách quê hương cả mấy ngàn cây số. Tôi đang bị cái đau dằn vặt, không lối thoát, dầu tôi đã làm mọi cách. Tuyệt vọng! Phút chốc tuyệt vọng bất chợt biến thành chiếc chìa khóa mở cửa cho kho tàng trí tuệ, cánh cửa mà đời sống thông thường hằng ngày không bao giờ mở. Cánh cửa mở cho tôi bước vô. Tình thật tôi chẳng còn lối đi nào khác hơn. Tôi chợt nhớ hai tiếng “buông xả”. Tôi từng nghe hai tiếng này nhiều lần lắm rồi. Tôi từng giảng giải cho bạn tôi nghe. Tôi nghĩ tôi hiểu rõ ý nghĩa của hai tiếng đó. Tôi muốn thử mọi thứ nên tôi thử buông xả, bỏ hoàn toàn, bỏ một trăm phần trăm. Và lần đầu tiên trong đời tôi thật sự buông xả. Điều xảy ra tiếp theo làm tôi rất lấy làm lạ: cái đau tuyệt vọng của tôi tan biến tức thời. Nó bị thay thế bởi niềm hưng phấn tuyệt vời đến với tôi như những đợt sóng liên tục. Tâm tôi trở nên định tĩnh, an lạc vô vàn. Bấy giờ tôi vào thiền dễ dàng. Sau buổi thiền ban mai tôi nằm xuống nghĩ ngơi. Tôi ngủ một giấc ngon lành và êm đềm. Lúc thức dậy để công phu tôi có ghi nhận chiếc răng đau, nhưng cơn đau không còn quái ác như đêm hôm trước nữa.
25. Buông Bỏ Cái Đau Trong câu chuyện trên tôi buông bỏ nỗi sợ hãi về cái đau răng của tôi. Trước đó tôi đã mời gọi cái đau, ôm ấp nó và nó cho phép nó có mặt. Do đó tôi mới có vấn đề. Nhiều bạn tôi bị đau và thử dùng kinh nghiệm của tôi nhưng không được như ý. Họ đến nói với tôi rằng cái răng của tôi không thấm tháp gì so với cái đau xé thịt của họ. Không phải vậy. Đau là cảm thọ riêng tư không thể đo lường được. Tôi dẫn giải cho họ biết tại sao buông xả không hiệu nghiệm đối với họ bằng cách kể cho họ nghe chuyện của ba đệ tử của tôi sau đây: Đệ tử thứ nhất đau và thử buông bỏ. “Buông bỏ” anh được khuyến khích, đơn giản và nhẹ nhàng. Rồi anh chờ đợi kết quả. “Buông bỏ” người ta lặp lại cho anh khi chưa thấy chuyện gì xảy ra. “Chỉ cần buông bỏ!” “Này hãy buông bỏ” “Tôi nói rằng Buông và Bỏ!” “BUÔNG BỎ!” Bạn có thể xem đó là chuyện lạ kỳ nhưng đó là chuyện chúng ta làm hằng ngày. Chúng ta buông bỏ không phải cái cần buông bỏ. Chúng ta nên buông bỏ lời khuyên, câu nhắc nhở, hoặc người ra lệnh phải “buông bỏ”. Chúng ta cần buông bỏ “con quái vật đang kiểm soát” chúng ta, và tất cả chúng ta đều biết đó là ai. Buông bỏ tức không còn kiểm soát nữa. Đệ tử thứ nhì, lúc bị đau nhớ điều vừa nói là buông và bỏ “con quái vật kiểm soát”. Anh ngồi chịu đau tin rằng cơn đau sẽ tan biến. Sau mười phút anh không thấy bớt và than rằng phương pháp buông xả không hiệu nghiệm. Tôi dẫn giải rằng buông xả không phải là một phương pháp trị bệnh mà là một phương pháp giải thoát khỏi cái đau. Anh bèn mặc cả “Tôi sẽ buông bỏ trong vòng mười phút, còn chú là cái đau, chú sẽ chấm dứt nha” Đó không phải là buông bỏ cái đau mà tìm cách gạt bỏ cái đau. Đệ tử thứ ba nói vơi cái đau mình đang trải nghiệm: “Đau, cửa tâm tôi lúc nào cũng rộng mở. Xin mời, dầu chú có làm gì với tôi cũng không sao”. Anh để cho cái đau tiếp tục bao lâu cũng được, suốt đời anh cũng kệ. Nếu nó có tăng thêm cũng không sao. Anh dành cho cái đau sự tự do hoàn toàn, không tìm cách khống chế nó. Nó ở hay đi tùy nó, anh không hề bận tâm. Đó mới thật là buông xả, và chỉ bấy giờ anh mới cảm thấy hết đau. 26. TT (Transcendental Meditation được tạm dịch là Thiền tiên nghiệm) Hay Làm Sao Để Không Cần Thuốc Đau Răng Một đệ tử của thiền viện có hàm răng rất tệ. Anh cần phải nhổ nhiều răng, nhưng anh muốn được gây mê. Sau cùng anh gặp một nha sĩ ở Perth có thể nhổ răng không cần thuốc mê hay thuốc tê. Anh đến với ông nhiều lần, và mọi việc đều suông sẻ. Nha sĩ nhổ răng không cần thuốc tê là một chuyện đáng nể rồi, vậy mà còn chưa chịu. Anh muốn tự nhổ răng mình. Một hôm chúng tôi thấy anh đứng trước cửa xưởng bảo quản của tự viện, dùng kềm tự nhổ răng, máu me tùm lum. Nhưng anh thản nhiên lau kềm trước khi trả lại xưởng. Tôi hỏi sao anh gan vậy, anh đáp: “Lúc tôi quyết định nhổ răng, tôi không thấy đau. Lúc tôi đi tới xưởng, tôi không thấy đau. Lúc tôi mượn kềm, tôi không thấy đau. Lúc tôi dùng kềm kẹp cái răng, tôi không thấy đau. Lúc tôi lật răng, tôi thấy đau nhưng chỉ trong vài giây. Lúc đem răng ra tôi không thấy đau chút nào hết. Tôi chỉ bị đau chừng năm giây, vậy đến nha sĩ làm gì cho tốn tiền và mất công đi!” Khi đọc chuyện thật này chắc bạn không khỏi nhăn mày. Vì sợ có thể bạn đau hơn anh ấy nữa là khác! Nếu bạn thử làm như anh ấy bạn sẽ bị đau, đau trước khi bạn đi tới xưởng để mượn kềm. Tiên đoán – sợ hãi – là thành tố chánh của đau khổ vậy.
27. Đừng lo Buông bỏ “anh kiểm soát viên”, cố sống trong khoảnh khắc hiện tại và tìm hiểu sự không biết chắc của tương lai có thể giải thoát chúng ta khỏi ngục tù của sợ hãi, giúp chúng ta đối phó với các thách thức bằng trí tuệ sẵn có của chúng ta, và đưa chúng ta đến bờ an toàn. Tôi xin kể hai chuyện “đừng lo” sau đây: Ngày kia tôi trở về từ Sri Lanka qua Singapore và đứng trong một cửa sáu hàng chờ qua quầy di trú ở Perth. Hàng di chuyển rất chậm vì sở dĩ trú muốn kiểm soát chặt chẽ mọi người định cư. Có một viên chức quan thuế mở cửa dắt chó vô phòng chờ. Hành khách tỏ vẻ bồn chồn lúc chú chó đi lên đi xuống mỗi hàng để đánh hơi xem có đồ quốc cấm nhập lậu không. Dầu không có mang gì trái phép họ vẫn thở khì khi chú chó rời họ đi qua ngửi người khác. Lúc chú chó nhỏ này đến gửi tôi, nó dừng lại, đút đầu vô y tôi và ngoắt đuôi lia lịa. Viên quan phải nắm dây kéo nó ra. Ông hành khách đứng trước tôi xê lên một bước dầu trước đó ông tỏ ra rất thân thiện với tôi. Và tôi tin chắc hai vợ chồng đứng sau tôi cũng lùi xuống một bước. Sau năm phút tôi nhích gần quầy di trú hơn. Cùng lúc chú chó nhỏ được dắt trở lại. Nó đi lên đi xuống, ngửi hết người này đến người khác. Lúc tới tôi chó dừng lại nữa. Như lần trước nó đút đầu vô y tôi và ngoắt đuôi lia lịa. Viên quan lại phải lôi nó ra. Tôi có cảm tưởng mọi mắt đang hướng nhìn tôi, không chừng có người còn lo giùm tôi nữa là khác. Nhưng tôi vẫn tỉnh bơ. Tôi nghĩ nếu có vô tù tôi sẽ có thêm bạn và có thể còn được ăn uống ngon hơn ở tự viện! Lúc đến quầy hải quan tôi bị xét rất kỹ. Tôi không đem thuốc; tu sĩ còn không được uống rượu kia mà! Tôi không bị biểu phải cởi y; có lẽ vì tôi không lộ vẻ gì sợ hãi hết. Rồi họ hỏi tại sao chú chó chỉ dừng lại với tôi. Tôi đáp tu sĩ chúng tôi có lòng từ và có lẽ chú chó ngửi thấy lòng từ ấy. Hoặc giả chú chó đó từng là một nhà sư trong tiền kiếp. Họ để tôi qua. Lần nọ tôi xém bị một chàng trai người Úc cao to đấm cho mấy cú vì anh giận và đang nửa say nửa tỉnh. Vô úy cứu cái mũi tôi hôm ấy. Tôi vừa dọn tới một tự viện nằm về phía Bắc của thành phố Perth. Chúng tôi tổ chức lễ lạc thành và rất vinh hạnh được Ông bà Thống Đốc Gordon Reid của Tây Úc nhận lời đến dự. Tôi được giao cho nhiệm vụ lên bảng chào mừng trong sân và xếp ghế cho khách quý. Vị thủ quỹ yêu cầu tôi nên chu đáo để buổi lễ thành công như ý. Sau phút tìm hiểu, tôi gặp được một công ty cho mướn hàng trong một vùng ngoại ô sang trọng bên phía Tây Perth; công ty chuyên cho mướn đồ đạc để tổ chức tiệc sân vườn của tỷ phú. Tôi giải thích lý do tôi chọn công ty này – để có một lễ hội hoành tráng – cô thư ký nói chuyện với tôi hiểu lý do và tôi đặt hàng. Hàng đến lúc xế chiều thứ sáu. Bấy giờ tôi đang bận giúp đằng sau tự viện. Chừng tôi ra kiểm hàng, anh tài xế và anh giao hàng đã về. Tôi không thể tưởng tượng được tình trạng tệ hại của tấm bảng; nó đóng một lớp bụi đỏ chót, tôi rất thất vọng nhưng không sao, chỉ mất công chút thôi. Chúng tôi lui cui chùi rửa bảng. Xong, tôi đến khám ghế ngồi, dơ bẩn không thể tả. Các người tình nguyện quý báu của tôi đem giẻ ra lau, lau từng cái một. Sau cùng tôi xem xét các ghế dành cho quan khách. Không có cái nào là không xiêu vẹo. Thật quá đáng! Tôi chạy thẳng tới điện thoại bốc máy gọi công ty. Rất may tôi gặp được cô thư ký tiếp chuyện với tôi lúc trước; cô sắp sửa ra về để nghỉ cuối tuần. Tôi giải thích tình trạng cho cô nghe, nhấn mạnh điểm có thể ông bà Thống Đốc sẽ “xích đu” trên ghế dành cho ông bà. Cô thông cảm, xin lỗi và hứa sẽ đổi các ghế quan khách ngay, trong vòng một tiếng. Tôi ngồi chờ xe chở hàng đổi tới. Tôi thấy có chiếc xe tải vừa chặt cua qua cửa đường tự viện. Xe chạy được nửa đường, còn chừng sáu mươi thước sẽ đến cửa, có một người đàn ông nhảy xuống, chạy tới tôi, mắt tròn xoe tay cung thành quả đấm. Anh la lớn: “Tên nào sắp xếp vụ này? Tao muốn gặp nó” (về sau tôi biết ra là chuyện giao hàng hôm đó là chuyến chót trong tuần. Tất cả công nhân được về quê để vô quán nhậu cuối tuần. Đang nhậu, họ bị ông quản lý gọi trở lại công ty vì đám Phật giáo muốn đổi ghế. Do đó anh chàng say này mới giận như vậy). Tôi đối mặt với anh và từ tốn nói: “Tôi là người chịu trách nhiệm. Anh có cần gì không?” Anh đưa mặt sát tôi và tay nắm anh kề mũi tôi. Mắt anh phừng phừng, miệng anh nồng nặc mùi bia. Tôi không sợ mà cũng không kênh, tôi chỉ bình tĩnh. Các người mà tôi gọi là bạn dừng tay lau ghế, đứng nhìn. Không ai tới “cứu” tôi hết. Cám ơn các bạn! Mặt đối mặt trong vài giây. Tôi sững sờ vì chuyện xảy ra. Anh lao công nóng tánh kia đứng “như trời trồng” trước thái độ của tôi; thông thường trong tình huống như vậy nếu anh không gặp sự sợ hãi thì cũng gặp sự chống cự của đối phương. Trí óc anh không biết phản ứng như thế nào đối với một người quá ư bình tĩnh, lúc tay nắm anh đã kề mũi người. Tôi biết anh không thể đấm tôi mà cũng không thể thụt lui. Vô úy làm anh “chết đứng”. Trong mấy phút đó xe ngừng và sếp anh đến. Ông đặt tay lên vai anh và nói: “Này, hãy xuống ghế đi.” Chỉ thị ông gỡ giùm anh thế bí và giúp anh lối thoát. “Tôi sẽ giúp cho anh một tay”, tôi nói. Và chúng tôi phụ nhau khiêng ghế xuống xe.
|