|
Chương 4 SÂN HẬN VÀ THA THỨ
28. Sân Hận Sân hận không là một phản ứng khôn ngoan. Người khôn ngoan sống hạnh phúc và người sống hạnh phúc không sân hận. Sân hận thoạt tiên không thể được gọi là hợp lý. Một hôm lúc xe của tự viện đến đèn đỏ dừng lại, tôi nghe anh tài xế bên cạnh rủa, “Cái đèn đỏ mắc dịch này, mầy không biết tao có hẹn gấp và đang trễ hẹn sao? Mà mầy để cho các xe khác qua trước tao, đồ heo! Và đây không phải là lần đầu tiên...” Anh oán hờn cái đèn lưu thông tưởng chừng như nó có quyền quyết định. Anh nghĩ cái đèn này muốn gây khó dễ cho anh. “À há, anh ấy đây rồi. Ta biết ảnh bị trễ hẹn. Ta sẽ cho xe khác qua trước và rồi a lê... Đỏ! Dừng lại! Ta “chơi” được mi rồi!” Đèn lưu thông có thể ác, nhưng nó chỉ là đèn lưu thông. Bạn muốn nó phải làm gì nào? Tôi tưởng tượng anh về nhà trễ và bị vợ la, “Anh, thằng chồng khốn khiếp! Anh biết chúng ta có cái hẹn quan trọng. Anh biết chúng ta trễ hẹn. Mà anh đi lo cho người ta trước tui, đồ con heo! Và đây không phải là lần đầu tiên...” Chị oán hờn anh tuồng như anh ấy có quyền quyết định. Chị tưởng chồng chị muốn gây khó khăn cho chị, “À há! Ta có hẹn với vợ ta. Ta sẽ trễ hẹn chơi. Ta phải lo cho người khác trước đã. Trễ! Ta cho bà biết tay”. Người chồng có thể có ác ý, nhưng anh ấy chỉ là người chồng. Bạn trông mong gì nơi các ông chồng nè? Lời lẽ trong câu chuyện trên có thể nên được chuyển đổi để thích hợp hơn với các tình huống sân hận.
29. Xử án Sân hận luôn luôn được bắt đầu bằng cuộc xét xử bởi một tòa án do người giận hờn dựng ra trong đầu mình. Nếu bạn là người sân hận bạn sẽ ngồi vào ghế công tố, còn đối tượng của sân hận ngồi vào ghế bị cáo; quan tòa là lương tâm. Bạn biết bị cáo có tội rồi, song bạn vẫn tìm cách chứng minh cho quan tòa thấy cái tội ấy bằng một bản cáo trạng dài hầu cuộc xử án có vẻ công bằng và tâm bạn bình an. Bạn luận ra đủ thứ tội lỗi, như các dã tâm, trò ăn ở hai lòng và những hung tàn của bị cáo. Bạn còn trở về quá khứ moi móc các “tội lỗi” khác của bị cáo để thuyết phục quan tòa rằng bị cáo không đáng được khoan hồng. Ngoài đời bị cáo có luật sư biện hộ, nhưng trong tòa án sân hận thì không, hay đúng ra luật sư của bị cáo không được quyền ăn nói. Bạn, người sân hận và cũng là công tố viên, không mong muốn nghe lời biện hộ hoặc cả lời xin lỗi chơn tình hay lời cầu xin thống thiết nào hết. Bạn tự tung tự tác dựng lên một bản án thuyết phục theo ý bạn. Và chiếc búa của quan tòa lương tâm bạn cứ việc gõ xuống là xong: có tội! Bấy giờ bạn có đủ lý để giận. Nhiều năm trước đây tôi thường lập tòa án xét xử như trên lúc tôi giận ai. Thiệt là bất công! Biết vậy, sau này mỗi khi tôi nổi sân, tôi dừng lại để cho luật sư của bị cáo bào chữa. Tôi nghĩ tới các lý lẽ hợp lý và mọi giải thích có thể của luật sư biện hộ. Tôi còn dành cho sự tha thứ một tầm quan trọng rất đặc biệt. Lương tâm tôi không còn làm quan tòa kết án nữa. Không có tội nhân, sân hận không có lý do phát sanh. Và tôi không còn giận ai nữa cả.
30. Khóa tu học Đầu dây mối nhợ của giận hờn là mong chờ không tới. Chúng ta thường đầu tư nhiều cho mình, nhưng nếu kết quả không như ý, chúng ta sẽ dễ giận hờn. Nói “không như ý” có nghĩa là mong cầu không đáp ứng một trăm phần trăm - suy đoán sai lạc. Chúng ta phải hiểu rằng tương lai chưa đến và không có gì gọi là biết chắc hết. Tương lai không thể dự đoán được. Dựa quá nhiều vào tương lai vô định là mời mọc khó khăn đến đó các bạn à! Tôi biết một Phật tử phương Tây sau trở thành nhà sư sống ở Viễn Đông. Sư trú trong một thiền viện rất nghiêm ngặt trên một vùng núi hẻo lánh. Hàng năm thiền viện có tổ chức một khóa tu học hai tháng mà điều kiện rất khắt khe, thiền sinh yêu yếu không tài nào theo nổi. Mỗi buổi sáng họ phải thức dậy lúc 3:00 giờ, có thể trước nhưng không được sau giờ đã định đó, và 3:10 phải vô thiền đường, xếp bằng theo thế hoa sen và hành thiền tọa. Họ ngồi thiền năm mươi phút rồi đi thiền mười phút và lặp lại thời khóa biểu này suốt ngày cho đến 10:00 giờ tối mới được nằm xuống, nằm ngay tại chỗ thiền. Họ ăn cũng tại chỗ thiền, ngồi ăn trong thế hoa sen và không được nói chuyện. Họ chỉ được xả thiền lúc trình pháp hoặc đi vệ sinh - trình pháp với sư thầy đáng sợ và đi vệ sinh ngắn hạn mà thôi. Sau ba hôm nhà sư Tây phương của chúng ta bị đau lưng và tê chân vì không quen ngồi lâu với thế hoa sen. Ông bắt đầu nghi không biết có thể theo nổi tám tuần như vậy không. Qua tuần đầu tiên ông không thấy có tiến bộ nào đáng kể. Trái lại ông bị đau nhức nhiều hơn, đau đến độ khó ở. Nhưng ông còn phải ngồi bảy tuần nữa. Ông là người quả cảm nên quyết tâm chịu đựng. Sau tuần thứ hai ông cảm thấy đau nhức quá sức và khởi lên ý nghĩ “như vậy là quá đủ” cho ông rồi. Thân thể ông không thể chịu đựng thêm nữa! Ông nhớ lời dạy “Phật giáo là Trung đạo” và tự hỏi đây có phải là trung đạo không? Ông nhìn sang các sư Á đông, thấy họ cũng cắn răng chịu đựng. Vì tự ái, ông đổi ý và ngồi lại thay vì bỏ cuộc. Hai tuần nữa trôi qua. Thân thể ông như ngồi trên đống lửa. Ông chỉ chờ tới 10:00 giờ đêm kiểng đổ để nằm xuống, vươn vai, duỗi tay, ngay chân và thư giãn. Nhưng giấc ngủ qua mau, kiểng 3:00 sáng lại đánh thức ông dậy để rồi ông phải trải qua thêm một ngày dài đầy khổ hạnh khác. Sau ngày thứ ba mươi ông qua được nửa đoạn đường. Niềm hy vọng của ông bắt đầu nhen nhúm lờ mờ phía xa xa, “gần tới đích rồi”. Tuy nhiên ông vẫn còn cảm thấy ngày dài lê thê và đau nhức cứ gia tăng; nhiều lúc ông muốn khóc. Ông tiếp tục. Còn hai tuần, rồi một tuần. Vào tuần sau cùng, thời gian trôi như kiến bị mật đường cầm chân. Tuy đã quen quen nhưng ông biết là không phải dễ. Mà bỏ cuộc bây giờ thì không thể được vì công lao ông đã chịu đựng bảy tuần qua. Ông phải đi đến cùng dầu phải thân hoại mạng chung; có lúc ông nghĩ ông không sống nổi. Kiểng 3:00 giờ sáng ngày thứ sáu mươi vừa đổ. Ông thức giấc; đau nhức như lâu nay, nếu không muốn nói là đau nhức cùng cực vì số ngày chồng chất. Rồi thời thiền năm mươi phút sau cùng bắt đầu. Ông ngồi xuống, chân tréo thế hoa sen, tâm trí nghĩ về các chuyện ông sẽ làm ngay sau khi khóa tu học chấm dứt, như tắm nước nóng cho đã, ăn uống thong dong, chuyện trò thoải mái, lang thang đó đây v.v... bất chợt đau nhức dấy về khuấy động thân tâm ông. Ông hé mắt nhìn trộm đồng hồ mấy lượt. Ông có cảm tưởng thời gian như ngừng trôi. Và cây kim dài dường như dừng lại chỗ con số mười một khiến năm phút sau cùng kéo dài ra thành những năm mươi thiên kỷ! Cái gì đã bắt đầu thì sau cùng sẽ chấm dứt. Kiểng đổ kết thúc thời thiền sau cùng và hoàn mãn khóa tu học sáu mươi ngày. Tiếng kiểng nghe sao ngọt ngào và dễ mến vô cùng. Ông cảm thấy lâng lâng, sảng khoái. Hỷ lạc đến với ông bằng nhiều đợt liên tục, đẩy lùi tất cả đau nhức về phía sau. Ông thành công. Ông đi đến đích. Ông sẽ tự tưởng thưởng mình. Bằng một chầu tắm nước nóng! Bất thần kiểng chợt đổ. Sư cả có điều muốn nói với thiền sinh. Ông tuyên bố: “Khóa tu học thật tuyệt vời. Nhiều sư tiến bộ vượt bực, cho nên có đề nghị - đề nghị trong lúc trình pháp - xin kéo dài khóa thêm hai tuần nữa. Thiết nghĩ đó là ý kiến tuyệt diệu. Vậy chúng ta hãy tiếp tục. Xin ngồi lại” Tất cả riu ríu ngồi xuống, xếp bằng trong thế hoa sen và bắt đầu hai tuần nữa. Nhà sư Tây phương của chúng ta thuật lại rằng bấy giờ ông không còn thấy đau nhức nữa. Ông chỉ muốn biết sư nào đã đề nghị quái ác như vậy. Ông còn muốn sẽ có thái độ “không xứng sư” đối với các sư thiếu hiểu biết như vậy. Sân hận đã làm ông quên đau nhức. Ông đang nung nấu căm hờn. Ông đang đằng đằng sát khí. Kiểng bất chợt đổ nữa. Mười lăm phút vừa rồi, ông kể, là khoảnh khắc đi qua nhanh nhất trong đời ông. “Khóa tu học chấm dứt” sư cả thông báo. Đoạn Ngài nói tiếp, “Giải lao đã sẵn sàng cho tất cả chư huynh đệ trong trai đường. Xin chư huynh đệ tùy hỷ. Và chư huynh đệ có thể chuyện trò từ bây giờ” Nhà sư của chúng ta hầu như lạc lối, “Tưởng tôi sẽ thiền thêm hai tuần nữa mà. Chuyện gì vậy?” Ông tự hỏi lớn. Sư giáo thọ thấy ông hoang mang bèn đến mỉm cười giải thích: “Đừng lo, sư cả làm như vậy mỗi năm”
31. Dạ Xoa Nuốt Sân Hận Người ta thường hay giận hờn. Một chuyện lạ và cũng là một vấn đề đáng nói. Nhiều người còn “thích” hoặc “ham” giận hờn nữa là khác. Ai cũng biết cái gì được thích, được ham thì ít khi được buông bỏ. Tuy nhiên sân hận luôn luôn gây hậu quả tai hại hơn lợi lạc. Thuở xưa, tại một vương quốc nọ có một dạ xoa đột nhập hoàng cung lúc nhà vua ngự ở phương xa. Dạ xoa có hình dạng dị kỳ, mùi hôi thúi nồng nặc và ăn nói kinh tởm. Quan quân và gia nhân rất khiếp sợ. Nó còn ngang nhiên đi lại trong cung đình. Có lần nó còn leo lên ngai vua ngồi. Phẫn nộ, quân ngự lâm quát lớn: “Vô lễ, xuống ngay. Nếu không, gươm giáo đây sẽ chặt đứt đầu ngươi đó” Theo lời dọa nạt ấy dạ xoa thêm cao lớn, hôi thúi và hồ đồ hơn. Thế là gươm giáo được tuốt trần, lời dọa nạt thêm dữ dội. Và, dạ xoa càng thêm kinh tởm hơn. Nhà vua hồi loan. Ngài thấy trên ngôi cửu ngũ một dạ xoa khổng lồ, có mùi hôi thúi khiến giòi cũng phải trốn chạy và nói năng cho đến bọn đầu trâu mặt ngựa cũng phải kiêng dè. Nhà vua là một hoàng đé sáng suốt (thế ông mới được tôn là hoàng đế): ngài biết phải đối trị thế nào. Ngài vồn vã nói: “Cung nghinh Ngài đến hoàng cung. Quân bây, bày yến tiệc” Mấy lời nhu hòa của hoàng đế khiến dạ xoa thu hình, bớt hôi và bớt kinh tởm. Thấy hiệu ứng nhãn tiền, quan quân và tỳ nữ đua nhau dùng ái ngữ phục vụ dạ xoa. Cử chỉ thân thiện và lễ độ của họ biến dạ xoa càng lúc càng nhỏ lại cho đến lúc không còn thấy đâu nữa. Chúng ta gọi các quái vật như vậy là “dạ xoa nuốt sân hận” (chuyện được kể phỏng theo Tương Ưng Sakka số 22. Xem Kinh Xấu Xí, Phẩm III, Tương Ưng Sakka, S.i.237, Tương Ưng Bộ, HT. Thích Minh Châu dịch, 1993) Bạn chúng ta đôi khi có thể biến thành “dạ xoa nuốt sân hận”. Phẫn nộ với họ, họ có thể trở thành dạ xoa khổng lồ, hôi hám cực độ và kinh tởm không ai bằng. Đã nhìn thấy được lỗi lầm (làm cho họ thêm xấu xí) chúng ta biết phải ứng xử như thế nào rồi, phải không các bạn? Đau khổ là một loại “dạ xoa nuốt sân hận” khác. Mỗi khi chúng ta phát khởi ý nghĩ, “Đau khổ, hãy ra khỏi ta. Ta không phải là sanh trú của ngươi,” nó sẽ lớn thêm một chút nữa. Tôi biết rằng không phải dễ nói lời thiện ngữ với khổ đau, nhưng có lúc chúng ta không còn lựa chọn nào khác hơn. Như lúc tôi đau răng (xem chuyện “Buông bỏ cái đau”, số 25) – đau cực độ, tôi thành thật mở cửa lòng mình để đón nhận cái đau, tôi không cảm thấy đau như trước nữa. Một số bệnh ung thư - nhất là loại ung thư do trầm cảm nuôi dưỡng - được xem như “dạ xoa nuốt sân hận”. Chúng lẩn trốn trong thân thể chúng ta, hay “ngồi cả trên ngai” của chúng ta nữa. Chữa trị để biểu nó “ra đi” là việc làm thông thường. Nhưng nếu được bệnh nhân cũng nên dùng ái ngữ nói rằng: “Cửa lòng tôi rộng mở xin mời, dầu tôi có thể nào cũng không sao.”
32. Đúng! Bao Nhiêu Đó Đủ Rồi! Tôi Đi Đây! Một tai hại nữa của sân hận mà chúng ta cần lưu tâm là nó giết chết mối liên hệ và chia rẽ bạn bè. Chúng ta có thể chấm dứt mối thâm tình trong nhiều năm dài chỉ vì một lỗi lầm làm cho ta giận hờn. Tất cả những đều tốt đẹp (998 viên gạch tốt) mà chúng ta từng chia sẻ không có chút giá trị nào hết. Chúng ta chỉ chú ý đến một lỗi lầm (hai viên gạch lệch) rồi đạp đổ tất cả. Thật không công bằng chút nào hết. Ai muốn cô đơn mới nuôi dưỡng sân hận, thưa các bạn. Một đôi vợ chồng trẻ mà tôi có dịp quen vừa hết hợp đồng làm việc tại Perth. Họ nảy ra ý định trở về quê ở Toronto, Canada, bằng đường biển. Họ sắm chiếc du thuyền rồi cùng hai vợ chồng người bạn đi xuyên Thái Bình Dương tới Vancouver. Tại đây họ sẽ bán du thuyền lấy lại vốn để mua cái nhà. Toan tính này rất hay vì vừa được nhiều tiền vừa được một chuyến du lịch nhớ đời cho hai đôi vợ chồng trẻ. Lúc về đến Canada an toàn họ gởi cho tự viện tôi một bức thư mô tả chuyến đi tuyệt vời của họ. Đặc biệt họ kể lại một sự kiện cho thấy con người thật ngu xuẩn khi phẫn nộ và lý do phẫn nộ cần phải được chế ngự. Lúc ra giữa biển Thái Bình, cách đảo gần nhất cả trăm cây số ngàn, thuyền bị hỏng máy. Hai anh xuống hầm máy tìm cách sửa. Hai chị ngồi trên boong tắm nắng và đọc sách. Hầm máy vừa nóng vừa chật. Đã vậy, cái máy rất lì lợm, không muốn được sửa chữa; ốc lớn không vặn vô được, ốc nhỏ lọt kẻ tay rớt xuống khoang không với tới, dầu nhớt cứ rò rỉ. Thất vọng đâm ra bực mình, ban đầu với cái máy sau giữa hai anh em với nhau. Bực mình biến dần thành giận hờn rồi phẫn nộ. Một trong hai anh quăng kềm và lớn tiếng, “Đúng! Bao nhiêu đó đủ rồi!Tôi đi đây!” Anh bỏ hầm máy, chui vô ca bin mình, thay đồ, và thu dọn áo quần vô túi xách. Xong anh leo lên boong, áo quần tơm tất, tay xách túi, sắc mặt hầm hầm. Hai chị thấy anh, cười nghiêng, cười ngả, xém lọt xuống biển. Anh chàng đáng tội nhìn quanh, thấy trời nước mênh mông xa tít tận chân trời. Không đường bước tới. Anh “quê một cục!” Anh chuồn vô ca bin, thay đồ và trở xuống hầm máy giúp bạn. Anh không thể làm gì khác hơn. Đâu có đường nào mà đi! 33. Làm Sao Chận Đứng Nội Loạn? Khi không có đường nào khác để đi, chúng ta nên đối mặt với khó khăn hơn là trốn chạy. Mọi vấn đề đều có thể có câu giải đáp mà chúng ta không thể nhận ra nếu chạy ngược chiều. Trong câu chuyện trên, máy thuyền được sửa, bạn vẫn còn là bạn, và chuyến đi chung của họ tuyệt vời. Chúng ta sống chung trên địa cầu này và càng ngày càng xích lại gần nhau hơn. Vậy chúng ta nên tìm giải pháp cho vấn đề hơn là tranh chấp vì còn chỗ nào khác đâu mà chúng ta di cư tới. Tôi có một kinh nghiệm sống xin kể ra đây để các bạn nghe. 1975: Chánh quyền Cao Miên, Nam Việt Nam và Lào lần lượt sụp đổ. Theo thuyết Domino đang thịnh hành, người ta tiên đoán Thái Lan cũng sẽ cùng chung số phận. Bấy giờ tôi đang là một nhà sư trẻ sống tu trên miền Đông Bắc Thái. Tự viện của tôi gần Hà Nội hơn Bangkok. Tất cả tu sĩ người ngoại quốc được yêu cầu đăng ký để các tòa đại sứ của họ lập danh sách di tản. Nhưng chánh quyền Thái Lan không sụp đổ, một ngạc nhiên cho các chánh phủ Tây Phương. Số là: Nhiều lãnh tướng và chánh khách Thái tìm lên tự viện yết kiến Ajahn Chah một bậc trưởng lão mà nhiều người biết tiếng. Tôi hiểu chút it tiếng Thái và tiếng Lào nên biết tầm quan trọng của vấn đề. Chánh quyền Thái không sợ quân tấn công bên ngoài mà lo ngại các phần tử phá hoại từ bên trong. Nhiều học sinh và sinh viên lên rừng trên miền Đông Bắc Thái gia nhập nhóm ly khai Thái đang được vài quốc gia láng giềng huấn luyện và trang bị. Nhiều thôn xóm trong vùng tình nguyện cung cấp gạo tiền cho họ. Nguy cơ có thật và đang đe dọa miền Đông Bắc Thái Lan. Chánh phủ và quân đội Thái bèn áp dụng chiến thuật và chiến lược gồm ba điểm trọng yếu sau: Tự chế: Quân đội không tấn công các sào huyệt địch mà họ biết vị trí rất rõ ràng. Chính họ khuyến cáo tôi không nên lên núi này vì có địch quân mà tới núi kia không có họ, lúc tôi đi thiền trong rừng (vào khoảng 1979- 80). Trong khoảng thời gian này, tôi nghe nói có nhiều sư đi thiền trong rừng như tôi bị nhóm ly khai bắt, tra tấn và giết chết. Tha thứ: trong thời gian nguy hiểm này chánh phủ Thái có chánh sách khoan hồng cho những người ly khai nếu họ buông súng và từ bỏ ý định của họ. Dân được trở về làng sanh sống, học sinh và sinh viên về trường mình theo học trước đây. Họ có thể bị theo dõi nhưng không bị trừng phạt. Tôi có viếng một làng trong quận KowWong, nơi nhóm ly khai phục kích và giết trọn một xe Jeep chở đầy lính. Tôi được kể rằng tất cả thanh niên trong làng - hầu hết là cảm tình viên của phe ly khai - bị bắt, dọa nạt mà gây khó dễ, nhưng sau đó, tất cả thảy đều được trả tự do. Giải quyết tận gốc rễ: trong các năm đó tôi thấy chánh quyền địa phương lo làm đường, trải nhựa để dân có thể ra chợ mua bán dễ dàng. Nhà vua đứng ra trông coi và tài trợ nhiều dự án dẫn thủy nhập điền giúp dân miền Đông Bắc làm hai vụ mỗi năm hầu có thêm thu nhập. Điện được kéo tới vùng xa xôi hẻo lánh nhứt và trường học cũng như bệnh viện được xây cho mọi tầng lớp dân chúng. Miền Đông Bắc Thái Lan trở nên trù phú và dân cư phồn vinh. Có lần tôi được nghe anh lính Thái tuần tra trong rừng nói rằng: “Quân đội Thái không cần bắn quân phiến loạn vì họ là những người bạn Thái. Riêng tôi, khi gặp họ xuống núi tìm thực phẩm - tôi biết họ là ai chớ - tôi chỉ cần cho họ xem chiếc đồng hồ tay hoặc nghe nhạc Thái trong máy thu thanh mới của tôi là họ bỏ rừng liền.” Kinh nghiệm của anh và cũng là của các bạn lính của anh. Nhóm ly khai Thái nổi dậy chống chính phủ bằng mối căm thù đổi bằng sinh mạng của giới trẻ chớ không phải vừa. Nhưng chánh phủ Thái tự câu thúc mình để hóa giải lửa căm thù này. Chánh sách khoan hồng giúp họ lối thoát an toàn và vinh dự. Chương trình phát triển nông thôn giúp dân thoát cảnh nghèo đói. Thế là dân không còn có lý do hỗ trợ nhóm ly khai nữa. Và người chống đối bắt đầu nghi ngờ điều họ đang làm. Sống không biết bao khổ cực trong núi trong rừng. Lần lượt hết người này đến người khác bỏ súng trở về với gia đình, xóm làng và trường học họ. Vào đầu thập niên 80 không còn nhiều người ly khai; những người lãnh đạo của nhóm ấy đã theo về với chánh phủ. Tôi còn nhớ có đọc một bài đặc biệt đăng trên nhựt báo Bangkok Post do một chủ đầu tư viết về việc đưa du khách Thái lên xem hang động mà nhóm ly khai Thái đã từng ẩn náu. Còn các lãnh tụ ly khai thì sao? Họ có được hưởng chánh sách khoan hồng không? Họ không bị trừng phạt hay lưu đày. Hơn thế nữa, họ được công cử vào nhiều chức vụ quan trọng trong chánh quyền, dựa vào tài lãnh đạo, năng lực làm việc gian khổ và mối quan tâm của họ đối với quốc gia dân tộc. Trong lúc viết quyển sách này tôi biết có hai cựu lãnh tụ của nhóm ly khai hiện đang phục vụ trong chính phủ Thái Lan trong cương vi Tổng trưởng. Một hành động đẹp đẽ vô cùng. Đó là những mẩu chuyện tôi nghe được từ các quân nhân và dân làng trên miền Đông Bắc Thái Lan lúc bấy giờ. Tôi cũng có thiện duyên chứng kiến tận mắt nữa. Nhưng rất tiếc không có mấy tường trình được phổ biến ra. Thật đáng buồn!
34. Làm Nguội Bằng Tha Thứ Khi bị ai làm hại ta không cần phải trả đũa. Nếu là tông đồ của đạo Chúa, Hồi hay Do Thái, bạn tin rằng họ bị Đấng Thiêng Liêng phạt rồi. Nếu theo đạo Phật, Ấn hay Sikh, bạn biết rằng kẻ làm ác không sao tránh khỏi ác nghiệp. Còn nếu là người theo đạo “Tâm lý liệu pháp” hiện đại, bạn chắc rằng người ấy sẽ tốn một số tiền lớn hơn và nhiều năm dài để nhờ bác sĩ chữa trị tâm thần vì mặc cảm tội lỗi. Do đó bạn đâu cần “dạy họ một bài học” làm chi. Sáng suốt mà nhìn chúng ta thấy mình không cần làm quan tòa. Bằng buông xả và tha thứ chúng ta vẫn làm đầy đủ trách nhiệm công dân như thường. Tôi có hai bạn tu người Phương Tây. Một sư từng phục vụ trong binh chủng Thủy Quân lục chiến Hoa Kỳ bị thương trong một trận đụng độ tại Việt Nam. Sư kia là một cựu thương gia rất thành công và “về hưu” lúc tuổi mới 25 cả hai đều lanh lợi, thẳng tánh và “chì”. Các sư được dạy không nên cãi cọ hay đánh đấm nhưng hai sư này đang tranh cãi xém thoi nhau. Họ rất phẫn nộ. Trong lúc họ đang lời qua tiếng lại, nhà sư gốc lính bỗng sụp quỳ xuống chân nhà sư gốc thương gia và ngẩng đầu lên nói: “Xin lỗi sư. Xin sư tha thứ cho tôi” Cử chỉ và lời nói ông phát xuất tự đáy lòng - tự nhiên và thành thật - khiến sư kia không cầm được nước mắt sau phút ngẩn ngơ. Sau đó hai sư cùng sánh bước, bước đi của bạn tâm giao. Sư phải là như vậy đó.
35. Tha Thứ Tích Cực Tôi thường nghe nói tha thứ dễ thực hành trong chùa hơn ngoài đời. Ở đời tha thứ thường hay bị lợi dụng. Người ta có khuynh hướng “qua mặt” bạn vì nghĩ rằng bạn yếu đuối. Tôi đồng ý. Tha thứ vì nhu nhược không thể đem lại kết quả tốt. Có câu rằng, “Đưa má ra lần thứ hai, bạn phải đi nha sĩ hai lần, thay vì một!” Trong câu chuyện “Làm sao chận đứng nội loạn” số 33 kể trên, chánh phủ Thái Lan làm hơn việc tha thứ đơn thuần qua chánh sách khoan hồng vô điều kiện: họ tìm nguồn cội của vấn đề - nghèo khó - để giải quyết một cách thỏa đáng. Nhờ vậy chánh sách khoan hồng mới thành công. Tôi gọi hình thức đó là “tha thứ tích cực”, “tích cực” hàm nghĩa gia cố các lợi điểm để chúng hình thành mỹ mãn. Còn “tha thứ” có nghĩa buông bỏ các điều xấu xa của vấn đề - để chúng lại đằng sau và đi tới. Ví như tưới hoa kiểng trong vườn, nếu chỉ tưới cỏ dại ta gây phiền toái, nếu tưới cỏ lẫn bông ta làm việc tha thứ đơn thuần, nếu chỉ tưới bông ta áp dụng sự tha thứ tích cực. Lần nọ cách nay trên mươi lăm năm, sau một thời pháp tôi nói tại Perth vào một chiều thứ sáu, có một nữ tín chủ lên cám ơn tôi và cũng nhờ tôi cám ơn tất cả quý sư từng cho bà nghe pháp bấy lâu nay. Tôi biết mặt bà vì thấy bà đi nghe pháp hằng tuần từ lâu lắm rồi, nhưng chưa có dịp tiếp chuyện với bà. Bà nói bà đến viện lần đầu tiên cách nay bảy năm. Bấy giờ bà đi chùa để có lý do ra khỏi nhà hầu tránh ông chồng vũ phu trong vài tiếng đồng hồ. Chồng bà rất hồ đồ và hay tay đánh chân đạp khiến bà khổ vô cùng, nhưng bà không biết nhờ vào ai (vì lúc đó chưa có biện pháp chế tài đối với các hành động vũ phu và bà không thể ly dị). Nhưng pháp thoại đã thay đổi đời bà. Bà nghe được nhiều chuyện về “tha thứ tích cực” do các sư thuyết. Bà nhất định áp dụng. Bà nói mỗi lần chồng bà kiếm chuyện đánh chửi bà, bà tha thứ cho ông và bỏ qua mọi chuyện. Bà làm thế nào, không ai biết, chỉ mình bà thôi. Và mỗi lần ông có lời nói hay cử chỉ nhu hòa, dẫu rất nhỏ nhặt, bà đều đáp lại bằng lời nói hay cử chỉ để ông thấy bà trân quý việc ông làm đối với bà. Bà không bỏ lỡ dịp nào hết. Bà thở ra và cho biết bà phải chờ những bảy năm dài. Bà ứa nước mắt, tôi cũng vậy. “Bảy năm,” bà nhấn mạnh. Rồi bà tiếp, “Và bây giờ sư không thể tưởng tượng được đâu, ông nhà tôi hoàn toàn đổi khác. Chúng tôi rất thương yêu nhau và có hai mụn con kháu khỉnh.” Mặt bà sáng lên như có hào quang của bậc thánh khiến tâm tôi chùng xuống như muốn xá bà. “Sư nhìn xem,” bà chỉ cho tôi xem chiếc ghế bà dùng để ngồi thiền và nói, “ông ấy mới đóng trong tuần để làm quà bất ngờ cho tôi đó.” “Bảy năm về trước chiếc ghế như vậy chỉ được dùng để phang tôi thôi” bà cười đùa. Tôi cười theo bà và cái nghẹn trong cổ tôi biến mất tự bao giờ. Tôi rất quý trọng người đàn bà này. Bà đang tận hưởng hạnh phúc tuyệt vời, tôi biết, biết qua gương mặt rạng rỡ của bà. Và, bà đã cải hóa một hung thần thành một ông chồng thương yêu đùm bọc gia đình. Bà đã giúp một người. Cao thượng thay! Trên đây là một ví dụ quý hiếm về “sự tha thứ tích cực” mà những ai đang bước trên đường nhập dòng Thánh mới có thể ban bố. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy được các lợi lạc khi tha thứ với thiện tâm.
|