|
Chương 6 VẤN ĐỀ NAN GIẢI VÀ GIẢI PHÁP NHÂN ĐẠO
46. Luật Nhân Quả Phần lớn người Phương tây hiểu lầm luật nhân quả. Họ lầm với thuyết định mệnh theo đó người khổ có số khổ được định sẵn và giờ phải lãnh chịu. Tôi không nghĩ vậy. Câu chuyện dưới đây giải thích tại sao? Có hai bà nọ, mỗi người làm một ổ bánh. Bà thứ nhất dùng nguyên liệu hạng bét: bột đóng meo cần phải được sàng lọc; bơ chứa choleseterol muốn hôi dầu; đường kết cục đen ngòm (vì vị muỗng khuấy cà phê thọt vô); mứt là nho khô cứng còng (như bã của khoáng uranium đã qua tinh chế); bếp cỗ lỗ sĩ của thời trước Thế chiến. Bà thứ nhì dùng toàn nguyên liệu tốt: bột nguyên chất bảo đảm không có GM (22GM = Genetically modified hay có gen nhân tạo) ; bơ thực vật không có cholesteroll; đường mía; mứt làm bằng trái cây của vườn nhà; bếp tối tân với đủ thứ chức năng hiện đại. Như vậy, giữa hai bà ai là người làm bánh ngon nhất? Không hẳn bà thứ hai sẽ làm ra chiếc bánh ngon nhất vì trong kỹ thuật làm bánh còn nhiều yếu tố khác, chứ không phải có nguyên liệu và dụng cụ tốt là đủ. Sự cố gắng, chăm chút và yêu nghề nhiều khi đem lại kết quả không ngờ. Một số bạn tôi có “nguyên liệu” làm “bánh đời” rất tồi. Họ sanh ra trong nghèo khó, có thể bị đối xử tàn tệ lúc thiếu thời, không xuất sắc trên ghế nhà trường, bị thêm chút tật nguyền, và không biết môn thể thao nào hết nhưng sự hiểu biết về đời của họ giúp họ có cuộc sống đầy ý nghĩa. Bạn có biết ai trong trường hợp này không? Một số bạn khác của tôi, trái lại, có “nguyên liệu” làm “bánh đời” rất tốt. Họ sinh ra trong gia đình giàu sang, phú quý, đẹp đẽ, thông minh, học giỏi, rành thể thao và được ngưỡng mộ. Nhưng họ phí đời vì nghiện ngập và rượu chè. Bạn có biết ai trong trường hợp này không? Phân nửa của nghiệp là nguyên liệu mà chúng ta cần có để làm “chiếc bánh đời ta”. Phân nửa kia, rất quan trọng là những gì chúng ta làm với «nguyên liệu của đời chúng ta.”
47. Uống trà lúc không còn lối thoát Luôn luôn có cái gì đó chúng ta có thể làm với các “nguyên liệu của một ngày sống chúng ta” dầu cái gì đó chỉ là ngồi xuống thưởng thức chén trà cuối cùng. Tôi được nghe câu chuyện sau đây kể bởi một quân nhân gốc thầy giáo chiến đấu trong thế chiến II. Bấy giờ ông là một lính trẻ, xa nhà, nhát gan, đang đóng trong rừng rậm ở Miến Điện. Trinh sát viên về báo cho đại úy đại đội trưởng biết đại đội ông bị quân Nhật rất đông, bao vây tứ phía. Thế là thập tử nhất sinh (mười phần chết một phần sống) ! Anh nghĩ rồi thế nào đại úy của anh cũng sẽ ra lệnh mở đường máu - rất đẫm máu - để may ra một ít được thoát thân. Nếu không thoát được, họ cũng sẽ có một số lính Nhật làm bạn đồng hành trên đường xuống chốn suối vàng: nhiệm vụ của lính chiến là vậy đó. Nhưng đại úy đại đội trưởng của anh không phải là lính chiến thường tình. Ông ra lệnh án binh bất động, mọi người ngồi xuống, và pha trà. Quân đội Hoàng gia Anh mà (người Anh có truyền thống thích trà)! Anh lính trẻ nghĩ đại úy của anh điên rồi! Ai đời bị bao vây nguy khốn, sắp chết đến nơi như thế này mà ngồi lại uống trà? Trong quân đội, nhất là vào thời chiến kỷ luật là kỷ luật, phải được tuân hành. Tất cả đều nghĩ đây là chén trà cuối cùng của họ. Trong lúc họ uống chưa hết bình trà, trinh sát viên trở lại kề miệng nói nhỏ với viên đại úy. Đại úy ra lệnh cho lính chú ý và tuyên bố: “Địch chuyển quân rồi. Đường thoát đã sẵn. Nai nịt. Rút quân trong thầm lặng. Lên đường!” Tất cả đều thoát đi an toàn (cho nên anh mới kể được chuyện ngộ nghĩnh này chớ!). Anh nói với tôi anh được trí tuệ sáng suốt của viên đại úy cứu khỏi chết, không phải chỉ lần bị vây ở Miến Điện mà còn nhiều lần khác nữa. Trong nhiều trận đời ông tưởng chừng như bị lọt vòng vây, không còn đường thoát thân chỉ chờ chết. Nếu không nhớ kinh nghiệm học được ở Miến Điện anh đã chiến đấu và chắc chắn đã làm tình huống thêm tồi tệ rồi. Nhưng anh nhớ và anh cho “ngồi xuống uống chén trà”. Trái đất xoay vần; cuộc đời đổi thay. Anh uống trà, gìn giữ sức lực và chờ thời cơ - thế nào rồi cũng đến - để hành động hữu hiệu. Đối với các bạn không thích trà, xin nhớ câu: “Lúc không có gì làm thì đừng làm gì cả” Có vẻ hiển nhiên nhưng cũng có thể cứu mạng bạn.
48. Theo dòng Một nhà sư rất tinh thông mà tôi biết trong nhiều năm qua bách bộ với một người bạn cũ trong chốn thiên nhiên tuyệt diệu. Hai ông đến một bãi biển biệt lập, rất đẹp vào lúc nắng chiều xế bóng. Nóng nực và được mời gọi bởi làn nước trong xanh, nhà sư xếp y xuống nước bơi, quên rằng giới luật không cho phép tăng sĩ bơi vì sở thích. Lúc còn ở ngoài đời sư là một tay bơi rất khỏe. Nhưng sau khi xuất gia ông không còn bơi nữa - cũng phải nhiều năm lắm rồi. Chỉ vài phút nhảy sóng, sư bị dòng nước kéo ra khơi (bãi biển này có tiếng là nguy hiểm vì có nhiều dòng nước xiết kéo ra, về sau sư mới biết). Sư cố bơi ngược dòng vô bờ, nhưng sư hiểu ngay rằng dòng nước kéo ra rất mạnh đối với sư. Sư liền thư giãn, thả mình trôi theo dòng nước, như từng được chỉ dạy trước đây. Sư phải can đảm lắm mới bình tĩnh được trong lúc thấy mình càng lúc càng trôi xa bờ. Cách bờ lối vài trăm thước dòng nước yếu dần. Bấy giờ sư bắt đầu bơi song song dọc theo bờ để thoát khỏi dòng nước kéo ra, rồi đổi hướng bơi thẳng vô bờ. Chuyến bơi vô đã vắt từng chút sanh lực còn lại của sư, và sư hoàn toàn kiệt sức lúc lên bờ. Sư biết chắc chắn nếu không thả trôi theo dòng nước kéo ra mà bơi ngược dòng, sư đã bị chết đuối rồi. Chuyện trên cho thấy ngạn ngữ “Nếu không có gì làm, đừng làm gì cả” không phải là không có ý nghĩa thiết thực. Đó là sự sáng suốt cứu mạng. Lúc nào dòng nước mạnh hơn sức bạn, lúc ấy bạn nên xuôi theo dòng. Khi nào bạn thấy mình đủ sức, khi ấy bạn mới ra công.
49. Giữa Cọp và Rắn Có một câu chuyện Phật Giáo xưa mô tả một chuyện giống chuyện trên: phải phản ứng như thế nào trong cơn khủng hoảng sống chết? Anh nọ vô rừng bị cọp rượt. Cọp chạy nhanh hơn người và ăn thịt người nên hễ bị cọp đói rượt người ít khi toàn mạng. Cọp gần kề, anh định nhảy đại xuống giếng bên đường. Nhưng rủi cho anh, giếng không có nước mà có con rắn hổ mang to đang khoanh tròn dưới đáy. Theo bản năng, anh chụp thành giếng và nắm trúng một rễ cây, anh đu tòn ten trong lúc con rắn vươn cổ vói mổ chân anh mà không tới. Ngưỡng nhìn lên anh thấy con cọp đang vói chân cào tay anh nhưng cũng không tới. May quá. Trong hoàn cảnh may mắn ấy anh chợt thấy hai con chuột, một trắng một đen, trong hang chui ra và bắt đầu ngậm rễ cây anh đang níu. Cùng lúc mật ong từ trên trời rơi xuống trúng mũi anh; thì ra lúc con cọp vói bắt anh, thân nó đè lên một cành cây làm ổ ong mật trên cành cây bị bể để mật rơi lã chã. Anh liếm mật, mỉm cười và thầm nói với mình, “Ngon, ngon tuyệt!” Chuyện kể chấm dứt tại đây. Do đó rất thật đối với đời. Đời, như chiếu trong các chương trình nhiều tập trên truyền hình, không có hồi kết cuộc gọn ghẽ, rõ ràng. Đời là một tiến trình không có đoạn kết. Hơn thế nữa, trong đời chúng ta thường hay bị kẹt giữa con cọp đói (cái chết) và con rắn hổ mang to (tai họa) với hai con chuột (ngày và đêm) đang gặm nhấm cái rễ cây (sự nắm níu) cứu mạng (sự sống). Là người khôn ngoan, chúng ta hãy liếm mật (hạnh phúc) đang nhiểu từng giọt (tại đây và trong khoảnh khắc này). Tại sao không? Lúc không có gì làm, đừng làm gì cả, hãy thưởng thức chút mật ngọt của đời. Như nói trên, chuyện không có hồi kết cuộc nhưng tôi (tác giả) luôn luôn thêm đoạn kết. Con cọp vói bị hụt chân rớt xuống giếng gãy cổ chết và đè con rắn chết luôn. (Tôi - người dịch - xin được dịch thêm một chút nữa: hai con chuột gặm đứt rễ cây sau đó khiến anh rớt xuống giếng. Nhưng nhờ thân con cọp làm nệm và thân rắn làm lò xo lót nệm nên anh rớt xuống nhẹ nhàng. Xong anh nhún mình trên thân cọp và thân con rắn nhảy phóc qua thành giếng lên mặt đất. Anh phủi tay, đi tìm và bắt lấy ổ ong, ăn mật). Vâng, mọi việc đều có thể xảy ra, kể cả việc không ai ngờ. Đời là vậy! Vậy sao chúng ta lại bỏ phí đi những giây phút ngọt ngào, dẫu hoàn cảnh có hết sức khó khăn. Tương lai chưa đến và bất định; chúng ta không thể nói chắc việc gì sẽ xảy đến.
50. Lời khuyên để đời Một bạn trẻ ở Sydney nói với tôi rằng anh có gặp thầy Ajahn Chah của tôi một lần và được Ngài khuyên về chuyện đời của anh. Nhiều thanh niên Tây phương quan tâm đến Phật giáo biết Ngài từ thập niên 80. Bạn trẻ nói trên quyết tâm qua Thái Lan để tìm Ngài trước để biết Ngài, sau để xin lời khuyên. Anh đến Bangkok sau tám giờ bay, lấy chuyến xe lửa đêm đi mười tiếng tới Ubon. Từ đây anh đi taxi lên Wat Pah Pong, tự viện của Ngài ngay vì quá mến mộ Ngài. Cốc Ngài chật nức khách đủ thành phần. Tất cả đều ngồi chung dưới một mái nhà không phân biệt tướng hay quân, nông dân nghèo hay thương gia giàu, nhà quê áo vá hay thành thị sang trọng. Anh bạn trẻ người Úc ngồi phía ngoài bìa của đám đông, ngồi đã hai tiếng rồi mà còn chưa được Ngài trông thấy. Còn quá nhiều khách đến trước anh, thất vọng, anh đứng dậy bước ra. Trên đường xuyên qua tự viện ra cổng, anh thấy một số sư đang quét lá cạnh chuông. Anh bèn lấy chổi quét vì còn một tiếng nữa taxi anh hẹn mới tới đón. Anh nghĩ mình làm được công quả cũng tốt thôi. Đang lui cui quét - chắc cũng được nửa giờ rồi - anh cảm thấy có tay ai đó đặt lên vai mình. Anh quay lại thấy Ajahn Chah đang đứng trước mặt anh mỉm cười. Anh ngạc nhiên nhưng vui sướng. Ngài thấy anh trong cốc nhưng chưa kịp tiếp anh. Bây giờ trên đường lên chùa cho một cuộc hẹn, Ngài dừng chân cho anh một món quà, Ngài nói gì bằng tiếng Thái rồi rảo bước đi ngay lên chánh điện. Sư thông dịch nói, “Ajahn Chah bảo rằng nếu anh quét lá, hãy cho tất cả những gì anh có”, rồi lật đật chạy theo Ngài. Người bạn trẻ suy nghĩ nhiều về lời dạy ngắn ngủi của Ajahn Chah trên chuyến trở về Úc dài thậm thượt của anh. Anh biết Ngài dạy anh cái gì đó quan trọng hơn công phu quét lá của anh. Lần lần anh “thấm” được lời dạy của Ngài và làm việc gì anh đều làm với chánh niệm. Tại Úc nhiều năm sau đó anh kể lại cho tôi nghe lời khuyên của Ajahn Chah, “lời khuyên để đời” đáng giá một trăm lần hơn chuyến đi Thái Lan xa xôi của anh. Giờ đây lời ấy là tâm niệm của anh, tâm niệm từng đem lại cho anh rất nhiều hạnh phúc và thành công. Anh luôn luôn giữ chánh niệm lúc anh làm việc, nghỉ ngơi, xã giao, và cả lúc anh không có gì làm. Chánh niệm là nền tảng của hạnh phúc.
51. Có vấn đề gì không? Nhà bác vật toán học Blaise Pacal (1623 - 1662) có lần nói rằng «tất cả mọi vấn đề của con người xuất phát từ việc họ không biết ngồi yên.” Tôi (tác giả) xin thêm «... và không biết lúc nào phải ngồi yên.” Năm 1967 xảy ra trận “giặc sáu ngày” giữa Do Thái với Ai Cập, Syria và Jordan. Trong lúc giao tranh tiếp diễn dữ dội, thủ tướng Harold MacMillan của Anh quốc được phóng viên hỏi ông suy nghĩ thế nào về vấn đề Trung Đông. Không cần suy nghĩ ông trả lời ngay rằng: “Đâu có vấn đề gì ở Trung Đông” “Ông nói sao? Trung Đông không có vấn đề gì à? Nhà báo kinh ngạc hỏi gặng lại, rồi trách nhẹ: “Ông không nghĩ đang có một trận giặc ác liệt đó sao? Ông không tin trong lúc chúng tôi đang phỏng vấn Thủ Tướng, bom rơi, xe tăng ào ạt tiến, vô số binh sĩ bị thương và chết sao? Thủ tướng bảo “Trung Đông không có vấn đề gì là thế nào?” Thủ Tướng MacMilla, vị chánh khách đầy kinh nghiệm, ôn tồn đáp: “Vấn đề là cái gì có giải pháp. Không có giải pháp nào cho Trung Đông, do đó không thể nói là có vấn đề.” Chúng ta đã mất biết bao thời giờ để lo âu cho những sự việc không có giải đáp lúc chúng đang xảy ra!
52. Lấy Quyết Định Mọi vấn đề có giải đáp đều cần được quyết định. Nhưng chúng ta quyết định như thế nào? Thường chúng ta hay nhờ người khác quyết định giùm. Làm vậy, khi quyết định không đúng, chúng ta có người để đổ thừa. Vài bạn tôi đưa tôi vào thế lấy giùm họ quyết định; tôi không làm. Nhiều lắm là tôi giúp họ quyết định lấy một cách sáng suốt. Tới ngã tư, nếu chưa biết phải đi hướng nào, bạn nên dừng lại, đứng nghỉ, chờ xe buýt đến. Không mấy chốc xe buýt tới, tới bất chợt. Trước đầu xe buýt công cộng luôn luôn có bảng chữ lớn chỉ điểm đến. Nếu đúng bạn leo lên, nếu không bạn chờ xe khác sẽ tới sau đó. Nói cách khác, khi cần quyết định mà chưa biết phải quyết định thế nào, chúng ta nên dừng lại, nghỉ và chờ. Không bao lâu sau, lúc mà chúng ta không nghi ngờ, quyết định chợt đến cho chúng ta. Mỗi quyết định đều có đích riêng của nó. Nếu đích ấy hợp tình hợp lý đối với chúng ta, chúng ta sẽ lấy vậy. Nếu không, chúng ta chịu khó chờ thêm chút nữa. Thế nào rồi cũng có quyết định khác đến. Đó là cách tôi lấy quyết định. Tôi tập trung tất cả dữ kiện để có thể và chờ quyết định đến. Quyết định đúng luôn luôn có đó nếu tôi kiên nhẫn chờ. Nó thường đến bất chợt lúc tôi không nghĩ tới nó. 53. Đổ thừa Lúc cần lấy quyết định quan trọng, bạn có thể dùng cách tôi nói trên. Nhưng bạn cũng có thể không cần làm vậy, vì quyết định là quyết định của bạn mà. Như vậy nếu cách tôi chỉ không có kết quả, xin đừng đổ thừa cho tôi nha. Một sinh viên đén xin gặp một trong những vị sư chúng tôi. Cô muốn được sư tụng kinh may mắn hầu kỳ thi vào ngày mai thành đạt như ý. Nhà sư hoan hỷ giúp cô, nghĩ rằng làm vậy cô sẽ tự tin hơn. Dĩ nhiên là không có thù lao và cô không có cúng dường. Chúng tôi không có dịp gặp lại cô, nhưng có nghe lời đồn cô bán rao rằng các sư chúng tôi vô dụng vì không biết cách tụng kinh nên cô thi rớt. Trong lúc ấy bạn cô nghĩ rằng cô rớt vì cô không chịu học, cô thích đi liên hoan hơn đi học. Và cô mong các sư lo giùm cô phần học. Đổ thừa có thể trấn an, nhưng không giải quyết được gì. Ngứa dưới đít mà gãi trên đầu, Ngứa mãi ngứa hoài, còn lâu mới hết!
54. Ba câu hỏi của hoàng đế Tôi được mời làm diễn giả chánh trong một buổi hội thảo giáo dục tại Perth. Chẳng hiểu tại sao! Lúc tới nơi có một bà già, mà bảng tên cho biết là người của ban tổ chức, đến chào. Bà nói “Thưa sư còn nhớ tôi không?” Đó là một loại câu hỏi rất khó trả lời. Tôi chọn làm người không mấy lịch thiệp và đáp không. Bà cười và kể rằng bảy năm về trước tôi có đến nói chuyện tại trường bà làm hiệu trưởng. Câu chuyện của tôi đã chuyển hướng đi của bà. Bà từ chức hiệu trưởng rồi ra công xây dựng chương trình giáo dục các em bỏ học - trẻ trôi sông lạc chợ, đĩ điếm vị thành niên, thanh thiếu niên nghiện ngập - để cho chúng có cơ hội thứ hai lập lại cuộc đời. Chuyện tôi nói lúc bấy giờ được trích trong quyển sưu tập các câu chuyện ngắn của Leo Tolsoy mà tôi được đọc lúc còn là sinh viên. Triết lý sống của câu chuyện được bà dùng làm nền móng cho chương trình bà sáng lập sau này. Chuyện kể: Hồi xưa, có một vị hoàng đế đi tìm triết lý sống. Ông cần trí tuệ để làm chỉ nam cho ông trị quốc bình thiên hạ. Các triết lý và đạo giáo thời bấy giờ không làm cho ông vừa ý. Cuối cùng ông hiểu ra rằng ông chỉ cần có ba câu trả lời ba câu hỏi sau là ông có đủ sự chỉ đạo sáng suốt ông cần. Ba câu hỏi đó là: Lúc nào là thời điểm quan trọng nhất? Ai là người quan trọng nhất? Việc làm nào quan trọng nhất? Sau khi tìm kiếm (Tác giả cho biết trong tài liệu chánh mà ông trích dẫn, đoạn này chiếm rất nhiều trang) ông tìm ra ba câu trả lời từ một ẩn sĩ. Bạn thử nghĩ các câu trả lời như thế nào? Xin bạn đọc lại ba câu hỏi và dừng lại đôi phút trước khi đọc tiếp. Chúng ta đều biết trả lời câu hỏi thứ nhất nhưng rất hay quên. Thời điểm quan trọng nhất dĩ nhiên là “bây giờ” đó là thời gian duy nhất mà ta có. Do đó, nếu bạn muốn nói với ba má bạn bạn yêu thương ông bà, cám ơn ông bà đã làm cha mẹ bạn thì bạn hãy nói ngay bây giờ, cũng đừng đợi năm phút sau, vì bấy giờ có thể là trễ rồi. Nếu bạn cần xin lỗi người bạn đời của bạn, đừng đợi tìm lý do. Xin lỗi ngay bây giờ. Cơ hội có thể không bao giờ tới nữa. Ngay bây giờ. Trả lời câu hỏi thứ nhì vô cùng thâm sâu; ít người có thể đoán trúng. Tôi choáng váng mấy ngày liền sau khi xem giải đáp. Tôi nhìn rất sâu vào câu hỏi và không thể tưởng tượng rằng câu trả lời là “người mà bạn đang sống với.” Tôi nhớ lại những lúc hỏi thầy trên đại hoc, thông thường miệng thầy trả lời nhưng tâm thầy đang để tận đâu đâu; các thầy có nhiều việc để làm hơn là trả lời các câu hỏi của sinh viên, tôi nghĩ vậy – khó chịu! Lần nọ tôi bấm bụng đến hỏi vị giảng sư có tiếng giỏi về một vấn đề riêng, tôi ngạc nhiên thấy ông để tâm đến tôi, dầu bấy giờ ông đang có nhiều giáo sư muốn gặp và tôi chỉ là một hippy tóc dài. Tôi ghi nhận một sự khác biệt rất lớn. Sự truyền đạt và lòng thương chỉ được chia sẻ khi người khác đứng trước bạn, dầu họ là ai, là người quan trọng nhất đối với bạn lúc ấy. Họ cảm nhận. Họ biết. Họ ứng đối. Vợ chồng thường than phiền rằng người họ sống chung không thật sự nghe họ. Nói cách khác, họ cảm thấy mình không còn là người quan trọng nữa. Biết vậy dầu bạn bận rộn bao nhiêu, bạn cũng phải lắng nghe để người mình sống chung thấy rằng họ là người quan trọng nhất trên đời. Trên thương trường, khách hàng là thượng đế mà; họ có thấy như vậy số thu của công ty mới gia tăng và bạn mới được lương cao. Theo chuyện gốc, nhà vua tránh được một cuộc mưu sát trên đường tìm vị ẩn sĩ nhờ nghe lời tâu của một cậu bé. Cậu bé là người quan trọng nhất lúc cậu quỳ trước vua tâu sự việc, quan trọng nhất vì cậu bé đã cứu được vua. Lúc khuyên giải ai đó tôi luôn luôn xem người đó là người quan trọng nhất, vì tôi nhớ câu trả lời thứ hai mà hoàng đế muốn biết. Vị tha và lòng từ, những nguồn năng lượng thiết yếu cho thuật xử thế “xem người đối diện là người quan trọng nhất.” Bà tổ chức buổi hội thảo tại Perth nói trên dùng thuật xử thế này ngay từ lúc gặp gỡ ban đầu để thu hút các em bất hảo đến với chương trình của bà. Đối với nhiều em được một người như bà (cựu hiệu trưởng và giám đốc chương trình) xem trọng là một niềm hãnh diện. Ngoài ra chúng thích bà vì bà biết lắng nghe chúng và không phê bình, chỉ trích. Chúng được người quan trọng nghe tâm sự riêng tư của chúng và tôn trọng. Một em được bà mời lên phát biểu trong buổi hội thảo. em kể chuyện bất hòa trong gia đình em, chuyện em nghiện ma túy, chuyện tội phạm và nhiều tệ đoan xã hội khác mà em đã nếm qua lúc tóc em còn quá xanh. Rồi em kết luận bằng nhiều lời cám ơn nồng nhiệt và chân thành dành cho chương trình của bà, một chương trình từng cứu vớt em ra khỏi vũng bùn nhơ đưa em đến thành công - em sẽ bước vào ngưỡng cửa đại học trong nay mai. Nghe em nói, mắt tôi rơm rớm ướt. Và em chính là diễn giả chính của buổi hội thảo hôm ấy, chớ không phải tôi. Mỗi ngày chúng ta đối diện với chính mình không biết bao nhiêu lần và bao nhiêu giờ. Nhiều, nhiều lắm. Như vậy chúng ta là người quan trọng đối với chúng ta, phải không các bạn? Nhưng mấy khi chúng ta nhận chân được sự việc này. Thử hỏi có lần nào bạn nói lời chào buổi sáng với chính bạn lúc mở mắt thức dậy chưa? Ai là người bạn gặp sau cùng lúc sắp nhắm mắt ngủ? Bạn chớ còn ai khác nữa. Biết vậy, tôi luôn luôn chào mình lúc thức dậy cũng như lúc đi ngủ và coi trọng mình những lúc tôi sống riêng tư cho mình. Trả lời câu hỏi thứ ba “việc làm nào quan trọng nhất” là rải tâm từ. Rải tâm từ nối kết mọi người một cách mật thiết. Chuyện “con bò khóc” dưới đây minh chứng ý nghĩa tuyệt vời của tâm từ.
55. Con Bò Khóc Tôi đến nhà tù sớm để dạy thiền; nhà tù này nhốt các thường phạm. Trong lúc chờ vô lớp tôi tiếp một tù nhân cao lớn, rất bặm trợn, râu tóc bù xù, tay xăm dày đặc, mặt đầy thẹo lớn nhỏ chứng tỏ anh từng đánh lộn nhiều lần. Anh trông rất đáng sợ. Tôi tự hỏi lớp thiền có cả những người dữ tợn như vậy sao? Anh kể cho tôi nghe chuyện xảy ra mấy ngày trước đây khiến anh bị vô tù như thế này. Nghe anh nói, tôi nhận ra ngay giọng Ulster (Ulster là một trong bốn tỉnh của Ái Nhĩ Lan nằm trên cực Bắc của đảo) nặng của anh. Anh cho biết anh được sinh ra và lớn lên trên các đường phố hung tợn của Belfast (Belfast là thủ đô của Ái Nhĩ Lan). Anh chém lộn lần đầu tiên lúc mới lên bảy vì bị thằng bạn trong lớp tống tiền; nó đòi anh phải đưa cho nó tiền ăn trưa của anh, nhưng anh cự tuyệt. Thằng bạn anh rút dao dọa và đòi tiền lần thứ hai. Anh cũng trả lời “không.” Nó chẳng thèm nói thêm, nhảy tới đâm vô cánh tay anh, rồi bỏ đi. Anh xách tay máu chạy về nhà. Thay vì băng bó cho anh, cha anh - đang thất nghiệp - lôi anh xuống bếp, mở tủ lấy con dao dài đưa anh và biểu anh trở lại trường tìm chém thằng đã đâm anh. Anh được dạy dỗ như vậy đó - ăn miếng trả miếng. Nếu anh không có sức vóc vạm vỡ, anh chết mất từ đời nào rồi. Nhà tù tôi đến dạy thiền hôm ấy thuộc dạng nhà quê, dùng nhốt tù sắp mãn hạn hay tù ngắn hạn. Tại đây họ được huấn luyện để tái hội nhập cộng đồng; họ có thể học nghề hay học canh tác. Họ lập được nhiều thành tích đáng kể như cung cấp thực phẩm rẻ cho tất cả các nhà tù ở Perth. Ngoài việc trồng trọt và nuôi gia súc (bò, cừu, heo) nhà tù anh còn có lò mổ. Lò mổ là chỗ làm mà nhiều tù nhân thích nhất, và công tác mà họ tranh nhau là giết gia súc. Anh tù gốc Ái Nhĩ Lan “đáng nể” của chúng ta đang được ưu tiên đó. Anh mô tả chỗ anh đang làm cho tôi nghe. Rào chắn bằng thép trắng có hình như cái phễu, mở rộng ở đầu ngoài và thu hẹp chỉ đủ cho một con vật đi qua ở đầu trong. Anh ngồi ngay chỗ đầu trong trước cây súng điện đặt trên bục. Thú vật được đuổi lần vào trong đáy phễu bằng chó săn hay roi chọc. Chúng la hét và tìm cách thoát thân, chừng như cảm thấy, nghe, ngửi được tử thần. Bước gần tới anh chừng nào chúng quằn quại, kêu la càng thảm thiết chừng nấy. Do đó thay vì bắn vào mỗi con một phát anh phải bắn hai phát: phát đầu làm tê cho nó đứng yên và phát sau nhắm vô đầu, giết. Một phát làm tê, một phát giết, cứ thế anh giết hết con này đến con khác, hết ngày này đến ngày khác. Lúc được đổi tới chỗ này anh rất vui, nhưng chỉ vài ngày sau tâm anh bắt đầu không an. Anh bắt đầu chửi thề và tiếp tục lặp đi lặp lại câu, “Đ.M” Chúa ơi, lạy Chúa!” Anh sợ và không còn tin Chúa nữa. Hôm nọ, cần làm bò. Một phát làm tê, một phát giết. Anh giết bò như thường ngày. “Có con bò bước tới gần tôi,” anh kể. “Nó trầm lặng, không có một tiếng rên la. Nó bước chầm chậm, đầu cúi xuống, chấp nhận. Đến đúng vị trí, nó ngước đầu nhìn tôi, thản nhiên. Tôi chưa từng gặp trường hợp nào như vậy trước đây. Tôi bối rối chết trân. Tôi không giơ súng lên nổi. Còn con bò, nó nhìn tôi trân trân. Anh rơi vào khoảng không gian vô tận. Anh không nói bao lâu, nhưng trong khoảnh khắc bò nhìn sâu vào ánh mắt anh, anh bị dao động mạnh. Mắt bò rất to, mắt trái nó bắt đầu ngấn lệ. Nước mắt tiếp tục dâng rồi trào ra chảy dài xuống má trái nó thành một vệt dài lấp lánh. Cửa tâm anh, khép kín từ lâu, chợt mở tung. Chới với, anh nhìn thẳng vào mắt của bò. Cũng vậy, nước mắt nó cũng chảy dài trên má mặt. Nó đang khóc. Tới đây, anh buông súng. Anh chạy đi tìm cấp chỉ huy, thề sẽ làm bất cứ việc gì miễn “con bò này được cứu sống” và từ đó anh ăn chay luôn cho tới nay. Câu chuyện anh kể về sau được các bạn tù của anh xác nhận là thật. Con bò khóc đã thật sự chuyển hóa một tù nhân có quá khứ vô cùng hung tợn. Và “lòng từ” trả lời của câu thứ ba mà nhà vua cần biết như kể trong câu chuyện trên, có biết bao ý nghĩa!
56. Cô bé gái nhỏ và bạn cô Tôi có kể chuyện “con bò khóc” với một nhóm người cao niên tại một thị xã dưới miền Tây Nam của Tây Úc. Một vị cao niên kể lại cho tôi nghe một trường hợp tương tợ xảy ra trong thời niên thiếu của cụ hồi đầu thế kỷ qua. Một sáng nọ, đứa con gái nhỏ khoảng bốn, năm tuổi của bạn cụ đòi một đĩa sữa bò. Bà rất vui thấy con chịu uống sữa nên không để ý tại sao con mình muốn uống sữa bằng đĩa chớ không phải ly như thường tình. Sáng hôm sau cô bé gái cũng đòi một đĩa sữa nữa. Bà càng vui hơn vì tin sữa sẽ giúp con mình mau lớn. Rồi cô bé tiếp tục đòi và bà tiếp tục rót sữa ra đĩa cho con mỗi sáng. Vì không trực tiếp thấy con uống sữa và vì hiếu kỳ, bà để ý theo dõi sau đó. Bà thấy con bưng đĩa sữa xuống gầm sàn nhà của gia đình. Bé để đĩa xuống đất, nhìn vô khoảng không gian tối om dưới sàn, khẽ gọi. Lát sau, có con rắn đen rất lớn bò ra, uống sữa trong lúc bé đứng nhìn mỉm cười. Hoảng hồn nhưng bà không dám gây tiếng động sợ rắn chồm chụp bé. Uống hết sữa rắn bò trở vô bóng tối. Chiều, chồng bà đi làm vè. Bà kể lại chuyện bà thấy. Chồng bà biểu bà tiếp tục rót cho bé đĩa sữa vào sáng mai, để rồi ông sẽ tính. Như thường lệ, bé bưng sữa xuống cho rắn. Rắn vừa bò ra, súng liền nổ. Đạn bắn làm văng rắn vô trụ sàn nhà, tét đầu. Bé sửng sốt. Còn cha cô từ sau bụi rậm bước ra, gác súng xuống đất, đi lượm xác rắn. Từ sáng hôm ấy, bé không chịu ăn uống gì hết. “Cháu gầy dần,” lời cụ kể, “ba má cháu không làm sao thuyết phục được cháu. Họ đưa cháu vô nhà thương. Và cháu chết.” Người cha giết rắn vô tình giết luôn con mình. Ông đâu ngờ phát súng của ông đã giết bạn của con mình trước mắt con mình. Tôi hỏi cụ chớ rắn có hành động gì hại cháu bé gái không? “Đời nào,” cụ đáp Tôi đồng ý với cụ nhưng không lặp lại ngôn từ riêng của cụ.
57. Con rắn, ông thị trưởng, và nhà sư Trong tám năm tu học ở Thái Lan, tôi thường trú trong tự viện giữa rừng già, nơi có nhiều rắn rít. Chín mươi chín phần trăm các loài rắn ở đây rất độc, một số có thể quấn chết người như không - tôi nghe nói như vậy từ lúc tôi mới tới hồi năm 1974. Bấy giờ tôi gặp rắn hầu như hằng ngày. Có lần tôi đạp nhầm con rắn dài trên thước rưỡi ngay trong cốc tôi. May quá rắn cũng như tôi, cả hai nhảy ra hai phía. Lần khác tôi thấy rắn mà tưởng cành cây khô (xin lỗi rắn nha, rắn đâu đến đỗi vô tri như vậy!) một lần nữa - lần này mới lạ - có con rắn làm sao không biết mà có thể bò lên lưng của một sư bạn đang ngồi tụng kinh chung vói các sư chúng tôi. Lúc tôi thấy thì rắn đã lên tới vai sư rồi. Tôi ngưng ngang câu kinh trong lúc rắn và sư đưa mắt nhìn nhau. Sư bạn tôi nhẹ hất vạt áo và rắn bò đi một cách tự nhiên. Tôi tiếp tục bài kinh, nhưng tâm vẫn chưa thật định tĩnh. Là sư tu học trong rừng, chúng tôi được dạy rải tâm từ bi đến mọi loài vật, nhất là rắn rít. Chúng tôi phải bảo vệ chúng. Đó phải chăng là một trong những lý do chúng tôi chưa ai bị rắn cắn. Tại Thái tôi có dịp thấy con trăn dài cả bảy thước, to bằng bắp vế; tôi vô cùng ngạc nhiên và không thể tưởng tượng nổi. Tôi thấy con trăn này một lần nữa cùng với các bạn đồng tu, nhưng sau đó nghe nói trăn đã chết! Con rắn to thứ nhì mà tôi thấy làm tôi rợn tóc gáy luôn. Lúc ấy tôi đang đi trong rừng, tôi chợt thấy một khúc thân đen ngòm vừa to vừa dài chận ngang đường với đầu đuôi khuất trong bụi rậm hai bên đường. Biết là con rắn thật lớn, tôi theo dõi và tính sơ nghĩ nó dài ít nhất phải mười thước. Tôi thuật lại cho dân làng nghe, họ nói đó là con rắn hổ mang chúa - rất to và rất nguy hiểm! Một đệ tử của Ajahn Chah, nay là một sư rất nổi tiếng, thuật lại câu chuyện sau: Sư đang tọa thiền với một sư khác trong rừng. Có tiếng động cho biết có một con rắn hổ mang to lù lù bò đến. Nhiều nơi ở Thái gọi rắn hổ mang là “rắn một bước” có nghĩa là khi bị nó mổ rồi nạn nhân chỉ bước được một bước là sụm xuống chết ngay chớ không còn con đường thoát thân nào cả. Rắn bò tới vị sư cả vươn đầu cao ngang đầu sư cả, phùng mang và bắt đầu kêu phì phì. Đứng vào thế của sư, bạn sẽ làm gì nè? Chạy? Vô ích vì hổ mang phóng rất nhanh, nai còn chạy không kịp và bị mổ huống hồ gì bạn! Sư cả điềm nhiên mỉm cười, từ từ đưa tay lên vỗ nhẹ lên đầu rắn nói: «Cám ơn bạn đã đến viếng sư”. Tất cả các sư đều sửng sốt hơn khi các sư thấy rắn xếp mang, hạ đầu và bò tới một sư khác. Sư “có duyên” này kể lại rằng sư điếng người, chớ còn hồn vía đâu mà vỗ đầu rắn như sư cả. Sư cả vỗ đầu rắn nổi tiếng là một chơn tu rất từ bi. Ngài có đến Úc và an trú tại tự viện của chúng tôi. Bấy giờ chúng tôi đang xây chánh điện và xúc tiến nhiều công trình kiến trúc khác. Một hôm ông Thị trưởng sở tại đến viếng để thanh tra công trình xây cất. Ông này làm thị trưởng thì chắc chẳng ai bằng. Ông sinh ra và lớn lên tại địa phương. Ông còn là một nhà nông rất thành công. Tưởng ông dềnh dàng, bệ vệ, với cái bụng quá khổ khiến chiếc áo vét ông mặc hôm ấy không gài nút được. Gặp ông sư cả thản nhiên đưa tay vỗ nhẹ lên bụng “trống chầu” của ông. Tôi nghĩ, “Thôi chết rồi, các công trình dở dang của tự viên khó thể hoàn tất!” Trong lúc vỗ bụng ông, sư cả nhìn ông mỉm cười. Ông cười theo và cười càng lúc càng đắc ý hơn. Rõ ràng ông thích được sư cả vỗ bụng. Thế là tất cả các công trình đều được chấp thuận và sư cả trỏ thành người bạn rất thân của chúng tôi và rất nhiệt tình đối với tự viện. Tâm từ bi là nền tảng của mọi hành động của các sư chúng tôi. Sư cả có tâm từ bi nên ông có thể vỗ đầu rắn hổ mang và vỗ bụng ông thị trưởng, và cả hai đều quý mến sư. Dĩ nhiên tôi không dám khuyến khích các bạn làm như vậy nếu các bạn chưa nhập vào dòng Thánh.
58. Con rắn bất thiện Nói về rắn, các câu chuyện tiền thân (Jatakas) của Đức Phật kể rất nhiều. Sau đây là một chuyện mà tôi xin phóng tác để cho thấy từ bi không tất yếu là thụ động hay yếu mềm. Có con rắn bất thiện sống trong khu rừng gần một làng nọ. Nó đầy ác ý, hiểm độc và bần tiện. Nó cần người vì vui thích riêng của nó. Lúc vào tuổi về chiều nó bắt đầu suy tư đến cái chết của loài rắn; rắn chết vì sao và như thế nào? Chúng có hậu kiếp không? Bấy giờ nó mới để ý đến các vấn đề này, những vấn đề mà trước đây chẳng những nó không tin mà còn khinh miệt và gọi những đồng loại có lòng tin là đồ non dạ non lòng hay tin nhảm nhí. Không xa hang của rắn bất thiện có con rắn thánh. Như các thánh khác, rắn thánh an trú trên núi. Một hôm rắn bất thiện quyết định đến viếng rắn thánh. Nó hóa trang để rắn bạn không biết nó là ai rồi lén bò lên tự viện của rắn thánh. Nó đến lúc rắn thánh đang quấn tròn trên tảng đá cao thuyết pháp và hàng trăm rắn khác đang say sưa theo dõi. Nó bò đến một bìa ngoài dừng lại gần lối ra và lắng tai nghe. Càng nghe nó càng thấm, bài pháp đã thuyết phục được nó. Nó được cải hóa. Nó rất hoan hỷ. Sau buổi pháp thoại nó mạnh dạn lên đảnh lễ rắn thánh, khóc và xin sám hối các tội lỗi nó đã từng gây ra trong quá khứ. Nó nguyện sẽ làm con rắn thiện và không bao giờ cắn mổ ai hết. Nó còn nguyện sẽ từ bi và sẽ dạy cho các rắn khác làm rắn thánh thiện. Lúc rời tự viện nó không quên cúng dường (dĩ nhiên trước mắt các đồng loại). Rắn nói lời của loài rắn, nhưng những lời ấy không khác lời của loài người là bao. Rắn bất thiện trước đây không thể nói rằng bây giờ mình thiện rồi mong dân làng tin tưởng ngay. Phải chứng minh trước đã. Nó chứng minh bằng cách không mổ anh nhà quê lãng trí đạp nhầm nó. Từ dạo đó dân lành không còn sợ nó nữa. Họ ung dung đi ngang qua hang nó lúc không thấy nó cũng như lúc có nó đang khoanh trước miệng hang. Trẻ con còn theo chọc nó nữa, gọi nó là “loài bò sát trơn lùi” hay “con trùn bự quá khổ”. Nó không cần tự vệ. Thấy vậy, bọn trẻ làm tới. Chúng liệng đá, đất cục phá nó và cười hô hố mỗi khi đất đá trúng nó. Nó biết nó có thể phóng nhanh rượt cắn bất cứ đứa nào, nhưng nó đã nguyện là không rồi – nó tu mà. Đám trẻ càng thêm hóm hỉnh, chúng vác cây đập nó. Nó chịu đòn. Rồi nó bò lên chỗ rắn thánh. Thấy thân thể bầm dập của nó, rắn thánh hỏi lý do. Nó đáp: “Tất cả đều do ông mà ra.” “Sao vậy, nào tôi có làm gì đâu?“ Rắn thánh chống chế “Ông bảo tôi không cắn. Xin ông nhìn đây mà xem. Tu hành chỉ có trong chùa còn ngoài đời…” “Ồ, chú rắn ngu xuẩn kia!” Rắn thánh ngắt lời nó, “Chú thật điên rồ! Chú thật ngốc nghếch! Tôi dạy chú không cắn chứ tôi có bảo chú đừng huýt gió, có phải vậy không?” Ở đời thánh đôi khi cũng phải “huýt gió”. Nhưng không nên “cắn hay mổ” ai. |