|
BỎ ĐAO, ÔM BÁT!
Chuyện này thì chính tôn giả Sāriputta kể cho hội chúng sa-di nghe khi đang ở giữa rừng cây của tịnh xá Kỳ Viên, sau này được ghi chép lại: “- Gia đình của sa-di Saṅkicca có lòng tin bất thối đối với giáo pháp đức Tôn Sư, lại thường xuyên để bát cho tôn giả Sāriputta. Họ là gia đình thương gia rất giàu có. Khi người mẹ mang thai thì bị một cơn bạo bệnh, chết một cách đột ngột. Theo tập tục, họ hỏa táng thi hài trên một giàn thiêu ở nghĩa địa. Muốn cho xác được cháy mau hơn, người ta dùng cây nhọn đâm thủng bụng, tim, ruột của tử thi. Một hài nhi ló ra. Người ta khều đứa bé rồi cũng đâm một vài nơi trên cơ thể, và que nhọn đã đâm thủng một mắt của đứa bé. Ðể cho xác chết mau biến thành tro than, người ta bỏ than cục, than hòn lên trên rồi bỏ đi... Ngày hôm sau, ra chỗ thiêu xác, mọi người ngạc nhiên xiết bao khi thấy trên đống than hồng còn âm ỉ cháy, một hài nhi bé nhỏ an tịnh như một phọ tượng vàng ngồi trên đài sen(1). Sau một hồi ngơ ngác lẫn kinh sợ, họ bế trẻ về nhà, cho vời các trưởng lão bà-la-môn uyên thâm tướng pháp và điềm triệu đến tham vấn. Các vị này đều tiên tri rằng: “ - Nếu đứa bé này sống đời của một gia chủ thì phước báu của nó sẽ đem lại lợi ích áo cơm cho gia đình, quyến thuộc trong bảy thế hệ. Nếu xuất gia làm sa-môn thì nó sẽ đắc quả Thánh và có một nhóm đồ chúng năm trăm người”. Vì mắt của trẻ bị đâm thủng bởi cây que nên gia đình đặt tên cho đứa trẻ là Saṅkicca(2)! Ðến bảy tuổi, đích thân trẻ xin xuất gia, cả gia đình đều hoan hỷ: “Vậy thì chúng ta hãy đặt đứa bé này dưới chân vị trưởng lão cao quý và xin cho nó làm sa-môn” Hôm kia, gia đình thương gia nọ thỉnh tôn giả Sāriputta đến, sau khi dâng cúng vật thực, họ nói lên ý nguyện, ngài bèn hoan hỷ nhận lời. Dẫn về tịnh xá, sau khi dạy trẻ quán tưởng năm điều, tôn giả tự tay tẩm ướt tóc và chuẩn bị cạo đầu. Khi lưỡi dao cạo vừa chạm vào làn da đầu là Saṅkicca đắc quả A-la-hán(3)và đắc luôn các thắng trí của bậc thượng nhân! Duyên sự có ba mươi người đồng xuất gia tỳ-khưu, vốn là bạn hữu của nhau đồng xuất gia; hôm kia, họ đến xin đề mục thiền quán từ đức Thế Tôn rồi muốn đến một vùng biên địa để công phu hành trì. Đức Phật quán căn cơ sao đó, nói rằng: - Trước khi đi, hãy đến từ giã Sāriputta; và ông ta nói như thế nào thì hãy làm như vậy. Vâng lời, ba mươi vị tỳ-khưu đến đảnh lễ tôn giả Sāriputta rồi ngồi xuống một nơi phải lẽ. Tôn giả hỏi: - Chư hiền đến ta có việc gì? - Chúng tôi không biết! Chúng tôi muốn đến một vùng biên địa để tu tập, đức Thế Tôn bảo là hãy chào tôn giả trước khi đi! Ngạc nhiên, tôn giả Sāriputta hướng tâm, biết rõ chuyện gì xảy ra đối với ba mươi vị tỳ-khưu này, nên mỉm cười nói: - À! Vậy thì chư hiền đã có một thị giả nào để phục vụ chuyện này chuyện kia ở bên mình chưa? - Thưa, chưa có! - Vậy thì chư hiền nên mang theo sa-di này làm thị giả. Nói xong, tôn giả gọi sa-di Saṅkicca vào. Cả ba mươi vị tỳ-khưu thấy một chú nhỏ bảy tuổi, đuôi mắt có sẹo, hình dáng thanh mãnh liền từ chối khéo: - Thưa tôn giả! Chúng tôi vào rừng tu tập chớ không phải là vương tôn, công tử gì mà lại dám có người hầu kẻ hạ! Lại nữa, chú nhỏ này lại làm vướng bận, ràng buộc, bắt chúng tôi phải mất thì giờ dạy dỗ, chăm sóc... Tôn giả mỉm cười: - Phải nói ngược lại thế mới đúng! Chính chư hiền sẽ làm vướng bận, ràng buộc sa-di này, và làm cho sa-di này phải mất thì giờ chăm sóc, quan tâm đến các vị! Đức Đạo Sư đã biết rõ như thế nên ngài mới bảo chư hiền đến từ giã ta trước khi đi. Và đức Thế Tôn cũng biết là ta sẽ gởi sa-di này theo để y giúp đỡ cho chư hiền khi có chuyện bất trắc gì đó xảy ra... Khi biết đấy là “lệnh ngầm” của đức Phật, ba mươi vị tỳ-khưu tuy vài người còn hoài nghi nhưng không ai dám nói gì nữa. Họ lên đường. Thế là phải vượt qua trên một trăm do tuần mới đến được miền Tây Bắc biên địa, nơi có những cánh rừng nguyên cây cao bóng cả. Trên đường đi, họ mới thấy rõ rằng, lời của tôn giả Sāriputta là đúng: Sa-di Saṇkicca chẳng làm phiền họ một chút nào, chẳng làm điều gì để trở thành gánh nặng cho họ! Chú còn giúp việc này, việc kia như nấu nước nóng, quét dọn lá rác... trên mỗi chỗ dừng chân; dọn dẹp sạch sẽ những gì còn vương vãi lại mỗi khi lên đường vào sáng hôm sau... Họ còn phát giác thêm rằng, chú ngủ nghỉ rất ít, lúc nào dường như cũng tỉnh thức và hành thiền lại rất sâu! Đến một ngôi làng sơn cước có những ngôi nhà yên bình ven chân núi, họ dừng chân. Thôn dân ở đây khi thấy một đoàn sa-môn, họ rất hoan hỷ. Vị thôn trưởng nói: - Quý ngài muốn đi đến đâu? Vị tỳ-khưu trưởng đoàn đáp: - Chúng tôi muốn tìm chỗ trú cư thuận lợi để tu tập! - Vậy thì quý ngài cứ ở đây! Chúng tôi sẵn lòng phát dọn lùm bụi, cỏ rác, làm cốc liêu, nhà hội, nhà vệ sinh, đường kinh hành, thay nhau hộ độ cúng dường vật thực. Và quý ngài thực hành pháp nào thì dạy bảo cho chúng tôi tu tập theo. - Lành thay! Vậy quý vị cứ làm những gì thấy là phải thời! Khi các công trình trú cư tạm thời đã làm xong. Tại nhà hội, vị tỳ-khưu trưởng căn dặn mọi người: - Thời gian vừa qua, đi trì bình khất thực trong ngôi làng này và các ngôi làng kế cận, quả thật là chúng ta không khó khăn về vật thực. Vậy thì chỉ còn sự nhiệt tâm, cố gắng hành trì công phu chỉ tịnh, quán minh của mỗi mỗi chúng ta. Hãy cùng phát nguyện với nhau rằng, hai người không đi chung một lối, không ở chung một nơi; ai nấy đều phải ở riêng, tại cốc liêu hay tại cội cây, hốc đá nào đó. Mỗi buổi sáng, lúc mặt trời lên, tất cả đều gặp nhau tại ngôi nhà hội nầy để đi trì bình khất thực. Sẽ có một tỳ-khưu biết việc, phân chia từng nhóm đi theo nhiều ngã đường, nhiều xóm nhà để khỏi trùng nhau. Và tùy nghi mỗi người sẽ độ thực ở đâu đó nhưng sau ngọ sẽ về đây! Ngoài ra, hội chúng còn đặt ra ba quy ước: - Cứ mỗi nửa tuần trăng, độ thực nơi ngôi nhà hội một lần, sau đó làm lễ sám hối, thảo luận giáo pháp! - Khi có việc cấp bách, ví dụ có người bị bệnh nặng, bị lửa cháy, bị thú dữ... Ai phát hiện trước thì đánh ba hồi kẻng (gaṇḍīka)(4)để mọi người cùng tụ tập lại tại nhà hội. - Ai muốn đi đâu, ra khỏi trú cư có việc gì, phải báo, phải xin phép với vị tỳ-khưu trưởng hoặc phó của hội chúng! Ai nấy đồng hoan hỷ chấp thuận. Sa-di Saṇkicca ngồi chỗ sau, tự nghĩ thầm: “Vậy là tốt! Nhưng các ngài còn quên nêu rõ nguyên tắc sống lục hòa. Các ngài còn quên chuyện quét dọn căn nhà hội, nhà vệ sinh, đổ đầy các lu nước tắm, nước rửa, nước uống, tấm chùi chân và giẻ lau chân! Mà thôi, việc này ta sẽ âm thầm làm cũng được!” Thế rồi, thời gian trôi qua, hội chúng tỳ-khưu sống đời phạm hạnh rất thanh bình, yên ổn, một vài vị đã có thiền chứng hoặc pháp lạc. Thuở ấy có một người nghèo khổ, tuổi già, sức yếu, đang sống nương tựa người con gái lớn, không may nơi này xảy ra nạn đói, ông đành cụ bị lên đường tìm cách nhờ vả người con gái thứ hai. Trên đường đi, lúc qua ngôi làng có hội chúng tỳ-khưu, ông thấy nơi này có vẻ sung túc, ấm no - ông dừng chân nghỉ, bụng đói cồn cào! Lúc ấy, một nhóm tỳ-khưu khất thực trở về, qua con suối mát ngọt, họ đặt y và bát trên bãi cỏ rồi xuống suối tắm thỏa thích, sau đó mới lên dùng ngọ. Ông lão lân la tìm đến, nhìn các vị tỳ-khưu, không nói không rằng. Vị tỳ-khưu trưởng nhóm hỏi: - Ông đang đi đâu đó? Chẳng hay có việc gì không? Ông lão tình thật kể lại hoàn cảnh của mình. Vị tỳ-khưu cám cảnh thương hại: - Có vẻ như ông đang cần cái ăn. Vậy hãy qua bờ cây kia, lặt một nắm lá to đem đến đây. Mỗi vị tỳ-khưu sẽ sớt một ít vật thực cho ông đỡ đói lòng. Khi ăn một bụng no xong, ông lão chắp tay xá các ngài rồi hỏi: - Chắc hẳn hôm nay có ai thỉnh mời các ngài tại một tư gia giàu có? - Không phải đâu! Vị tỳ-khưu đáp - Đấy chỉ là vật thực bình thường, hằng ngày mà thôn dân những ngôi làng này đặt bát cúng dường cho chúng tôi đấy! Ông lão tự nghĩ: “Trời đất! Ta đã làm lụng vất vả từ sáng tới tối, từ năm này sang năm nọ mà chưa bao giờ có được một bữa ăn như bữa ăn ‘bình thường’ này! Thôi, đi đâu nữa! Hãy xin ở lại đây, hầu hạ các ngài để thừa hưởng tàn thực cũng tốt đẹp, sung sướng nhất đời rồi!” Chư vị tỳ-khưu đồng ý. Thế rồi, từ đó, sa-di Saṇkicca có được một người đỡ đần công việc, mà bấy lâu, với sức vóc bảy tuổi thì xem ra khá nặng nhọc! Được vài tháng, lại nhớ con gái, không dám xin phép ai, ông lão lén trốn đi. Trên đường đi, ông lạc vào một khu rừng. Bất hạnh cho ông là nơi này có một bọn cướp dữ gồm năm trăm tên, đang xây dựng một sào huyệt lớn. Thực hiện xong công trình, viên thủ lãnh khấn nguyện giữa khu rừng thiêng: “ Trong vòng bảy ngày, chúng tôi sẽ bắt giết người đầu tiên bước vào khu rừng này, chặt đầu, lấy máu, lấy thịt thiết một lễ thịnh soạn để cúng chư thần, chư thiên... Những mong thần rừng, thần cây, thần đất, thần núi... hộ trì và che chở cho chúng tôi!” Sáu ngày trôi qua, đúng ngày thứ bảy, ông lão đi vào khu rừng nên lọt vào tấm ngắm của bọn cướp. Ông lão bị bắt, đem về sào huyện rồi bị trói gô nơi gốc cây. Bọn cướp đi vào đi ra, lầm lì không nói một lời. Chúng soạn một cái chão lớn, vác những lu nước, mang đến một bó củi, lấy ra con đao to và một tấm thớt dày... Ông lão ngây thơ hỏi: - Thưa chủ! Lão không thấy một con heo, một con nai hay một con thú rừng to lớn nào - nhưng mà ở đây như đang chuẩn bị một cuộc giết thịt? - Phải! Một tên cướp cất giọng ồm ồm - Lão chính là con thú ấy! Đầu và máu của lão sẽ làm cỗ để tế thần! Còn thịt, tim gan, xương tủy của lão sẽ ninh hầm với bắp đậu làm món ăn tạm thời qua bữa, đỡ đói! Ông lão kinh hãi quá, tái xanh mặt, tìm kế thoát chết. Một hồi, do muốn bảo vệ tính mạng của mình, chẳng kể ân nghĩa gì, lão ta bèn trổ tài miệng lưỡi: - Thưa chủ! Lão sinh ra trong giống dòng chiên-đà-la hạ liệt, lại sống đời của kiếp ngựa trâu hoặc như kiếp con quạ ăn bùn, tháng năm vất vơ ăn xin tàn thực (vighāsāda) nơi này, nơi khác - nên toàn thể thân xác lão đây đều là vật dơ thối, ô uế, bất tịnh cả; nếu đem cúng tế thần linh, các ngài sẽ chê bẩn, không thọ dụng đâu. Hiện có ba mươi vị tỳ-khưu đang tu tập bên khu rừng kế cạnh, họ đều xuất thân bà-la-môn, sát-đế-lỵ hoặc giống dòng sa-môn Thích tử cao sang. Chính họ, chính con người của họ mới tinh sạch từ tinh thần cho đến thân xác. Những mâm cỗ béo bổ, ngon lành ấy chắc hẳn sẽ hợp khẩu vị thần linh, các ngài sẽ hoan hỷ lắm đó! Viên thủ lãnh suy nghĩ: “Ờ, phải rồi! Lão già chó chê thịt này nói cũng có lý lắm chớ! Ta mần thịt cái tên nô lệ này mà làm gì! Phải mần thịt sa-môn, bà-la-môn, sát-đế-lỵ mới xứng đáng cho cuộc đại tế này!” Y quát mở trói rồi bắt lão già dẫn đường. Cả bọn rần rần kéo nhau đi. Đến nơi, thấy đâu đó lặng ngắt như tờ, viên thủ lãnh quát: - Lão dám dối ta à? Người đâu sao không thấy? Lão già từng sống ở đây nên biết quy ước, nói rõ lý do cho tên thủ lãnh nghe, sau đó đến căn nhà hội đánh ba hồi kẻng. Nghe tiếng kẻng phi thời, chư vị tỳ-khưu ba mươi vị, sa-di Saṅkicca khắp các cốc liêu, hốc núi lần lượt tề tựu đủ mặt. Thấy bọn cướp đứng đầy tràn cả khu rừng, vị tỳ-khưu trưởng lão không hề sợ hãi, cất tiếng hỏi lớn: - Ai là người đánh kẻng, có việc gì không? - Chính ta đây! Viên thủ lãnh nói xong, khua đại đao lên như hăm dọa rồi tiếp: - Việc nhỏ thôi! Ta chỉ cần một người trong chư vị để thế mạng cho lão già hôi thối, bất tịnh này! - Để làm gì? Vị tỳ-khưu bình tĩnh hỏi. - Để cắt đầu, lấy máu làm cuộc đại tế thần linh đó mà! Liếc quanh một vòng, thấy sắc mặt tên cướp nào cũng như hổ, như beo, biết đây là sự thật - vị tỳ-khưu trưởng quay lại nói với huynh đệ: - Thưa chư hiền! Phàm có chuyện gì khởi sanh lên trong một hội chúng thì người anh cả phải nhận lãnh trách nhiệm. Vậy, hôm nay tôi tình nguyện hy sinh cái xác thân giả tạm bất tịnh này để cho mọi người khỏi bị tổn hại, được an lành mà tu tập sa-môn hạnh. Nói xong, vị đại đức ấy bước tới đưa hai tay cho viên thủ lãnh trói, nhưng có một vị tỳ-khưu lớn tuổi ngăn lại: - Khoan đã! Người hy sinh ấy phải chính là đệ, không phải là huynh! Thông thường, việc gì của bậc huynh trưởng thì người em kế phải ra tay gánh vác. Huynh trưởng còn cần phải sống, phải ở lại để hướng dẫn, dắt dìu mọi người tu tập. Không có huynh thì biết ai chăm lo được việc đó? Rồi người thứ ba, người thứ tư, lần lượt ba mươi vị tỳ-khưu ai cũng nguyện hy sinh hết và ai nói cũng có lý cả. Viên thủ lãnh ngạc nhiên nhìn người này, người kia, nghe hết từ đầu đến cuối; và chính y cũng hoang mang, thấy lạ lùng cho cái giống người gì mà ai cũng đều tình nguyện chết? Sao kỳ quái vậy ha? Nghĩ thế chứ trong thâm tâm, cả năm trăm tên cướp đều rất cảm phục những ông sa-môn dám chết này! Cuối cùng, sa-di Saṇkicca xin được nói: - Chính con! Chính con mới là người xứng đáng đi thế mạng chứ không phải ba mươi thầy tỳ-khưu! Tỳ-khưu trưởng lão cao giọng: (1) - Kiếp cuối cùng của một vị A-la-hán, dù bị tai nạn gì, hoàn cảnh kinh sợ như thế nào cũng không thể chết được. Kinh bảo là như ngọn đèn nằm trong chiếc ghè. (2) - Saṇkumā chinnakhkikoṭitāya: Có vết thương ở chuôi mắt (Xem “Đức Phật - 45 năm... tr.72, tập 5”của sư Chánh Minh). (3 )- Có nơi nói là đắc luôn tuệ phân tích. (4) - Một khúc cây có khoét lỗ để đánh thay chuông, kẻng, mỏ... - Không được! Ngươi thì tuyệt đối không được! Ngươi là đệ tử của bậc Tướng quân Chánh pháp! Nếu việc này xảy ra, tôn giả chỉ cần cất tiếng hỏi: “Sa-di Saṅkicca của ta đâu rồi!” Thì chúng ta biết ăn nói làm sao, biết trả lời làm sao, hử? Vị Thánh sa-di nghĩ là hợp thời, hợp lúc, bây giờ mới tiết lộ: - Xin quý ngài an tâm! Do tuệ thắng trí, đức Thế Tôn mới bảo quý ngài đến chào thầy của con. Cũng do nhờ tuệ thắng trí, thầy của con mới gởi con đi theo làm thị giả cho quý ngài! Sứ mạng của con chính là việc này, là giải trừ mọi khó khăn, tai nạn xảy ra! Bây giờ, tai nạn ấy đã đến. Xin quý ngài hãy an tâm, chuyên cần tấn tu sa-môn pháp cho đến lúc thành tựu. Mây mù, tăm tối thế nào rồi cũng sẽ qua đi! Bão dông hung dữ thế nào cũng sẽ có lúc dừng lặng! Nói thế xong, sa-di Saṇkicca quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ hội chúng, nói rằng: - Trong thời gian qua, nếu con có vô ý phạm những lỗi lầm nào, xin quý ngài từ bi tha thứ cho con. Ba mươi vị tỳ-khưu cảm động quá không nói nên lời, vị nào khéo mắt cũng hoen đỏ. Vị tỳ-khưu trưởng lão trấn tỉnh nói khi Saṇkicca sắp bị dẫn đi: - Xin chư vị hảo hán đừng làm cho trẻ quá kinh sợ! Chứng kiến từ đầu đến cuối rồi nghe câu nói của vị tỳ-khưu già, viên thủ lãnh bảo đồng bọn: - Không được trói! Để cho chú nhỏ tự đi. Hắn sẽ không thèm trốn đâu! Về đến sào huyệt, khi thấy mọi chuẩn bị đâu đó đã xong, viên thủ lãnh bảo thuộc hạ trói hai tay và thân con mồi cho thật chặt trước khi hạ thủ; nhưng sa-di Saṅkicca cất giọng nói bình thản, trầm tĩnh: - Không cần thiết phải trói đâu! Tôi không sợ hãi đâu. Sợ hãi không thể có trong tâm của những sa-môn Thích tử! Tôi sẽ ngồi an nhiên như thế này cho chư vị chém đầu! Tôi quyết không nhúc nhích! Nói thế xong, sa-di Saṅkicca chỉ cần điều hòa một vài hơi thở là đi vào sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền rồi trú sâu vào bất động tâm. Thấy sự bình tĩnh lạ lùng của chú nhỏ, cả bọn cướp cảm giác sợ hãi, và chính viên thủ lãnh cũng thấy ớn ớn trong lòng. Tuy nhiên, khi thấy con mồi đã dễ dàng hy sinh, một tên cướp quen công việc đồ tể, khua đại đao chém vào cần cổ Saṇkicca thì chợt nghe một tiếng “cong”, thanh đao bị bất ngược trở lại. Ngạc nhiên, y quan sát lại thanh đao thấy không sứt mẻ gì, tới nhìn xem lại cái cần cổ chỉ thấy một vết đỏ nhẹ. Tên cướp nghĩ, có lẽ mình hơi nhẹ tay, nên lần sau, hắn tập trung tất cả sức mạnh, chém ngang! Lần này, một tiếng “cong” vang lớn hơn, thanh đao dội ngược mạnh hơn, hai cánh tay của y bủn rủn... Sợ hãi, liếc nhìn thanh đao thì nó cong vòng như lưỡi liềm! Viên thủ lãnh thấy lạ, chưa tin chuyện xảy ra, lại nghĩ có thể kia là thanh đao “tồi”! Y bèn rút “bảo đao” của mình, bước lại, dùng tất cả sức bình sinh, chém mạnh. Sự việc như cũ lại tái diễn, nhưng thanh bảo đao của y không phải là cong vòng mà còn lắc cắc gãy vụn ra từng khúc, chỉ còn cái cán đao! Nhưng có điều đáng sợ hơn nữa mà chỉ có mình y biết, là toàn thân y đau buốt như có cả hằng trăm hằng ngàn mũi giáo đâm cứa vào da thịt, xương tủy, thọc sâu vào lục phủ ngũ tạng... Nghĩ chắc là thần linh đã hiện thân nơi đứa trẻ, viên thủ lãnh quỳ mọp, nằm dài xuống đất, quằn quại, run rẫy, đau đớn, vái lạy như tế sao: - Xin ngài tha thứ cho tôi! Xin ngài tha cho cái mạng sống tép riu của tôi! Xin ngài đừng trừng phạt nữa, tôi không chịu nổi nữa đâu! Chợt, sa-di Saṅkicca mở mắt ra, mỉm cười nói: - Ừ, ta đã tha thứ cho ông rồi đó! Viên thủ lãnh lồm cồm ngồi dậy. Lạ lùng thay! Cơn đau kinh hoàng đã chấm dứt. Ông ta ngồi lặng như thế rất lâu. Cả năm trăm tên cướp cũng đứng im sững như trời trồng khi chứng kiến được hiện tượng “thần linh nổi giận!” như vừa rồi. Sau đó là đoạn đối thoại: - Ngài có phải là thần linh không? - Không, không phải! Nhưng chư thiên, sơn thần, thọ thần, thổ thần... cũng chỉ như là đệ tử của ta thôi, và hiện họ đang chầu hầu xung quanh ta đó! Viên thủ lĩnh hớt hãi nhìn quang, tái mặt. - Vậy ngài là ai? - Ồ! Ta chỉ là một sa-di, là một sa-môn nhỏ nhít trong giáo hội của đức Đại A-la-hán, Chánh Đẳng Giác Sakyā Gotama mà thôi! - Vậy còn oai lực kinh khiếp như vừa rồi, ở đâu có? - Oai lực ấy là bình thường thôi, ông bạn già! Ta còn những oai lực lớn lao hơn thế nữa, như độn thổ, đi giữa hư không, đưa tay sờ mặt trời mặt trăng, có thần nhãn nhìn xuyên qua nhiều thế giới, một thân hóa ra nhiều thân, có thể thấy biết các kiếp sống quá khứ, vị lai... Nhưng đấy chỉ là trò chơi không đáng kể, này ông bạn già! - Vậy thì cái gì mới đáng kể? - Đáng kể là ta đã chấm dứt tất cả mọi khổ đau trên đời này! Đáng kể là ta không còn sợ hãi bất cứ một thế lực nào trên thế gian này, như thế lực của thần chết, như thế lực của ma vương, như thế lực của chư thiên, phạm thiên...! Vậy thì thử hỏi, làm sao mà ta lại sợ năm trăm tên cướp vô dụng cùng với mấy trăm thanh đao sắt rỉ, cong quẹo, vỡ vụn của các ông? Ngẫm ngợi chút nữa, viên thủ lãnh thở một hơi dài như lấy lại tinh thần rồi hỏi: - Sẽ không còn bất cứ một khổ đau nào, một nỗi sợ hãi nào nữa hay sao? - Đúng vậy, nếu biết tu hành đàng hoàng, nghiêm túc thì ai cũng có thể thành tựu được như vậy cả! - Tôi, một gã đồ tể máu lạnh, một tên giết người tàn bạo, một kẻ trộm cướp vô lương tâm, tội ác chất chồng như núi mà cũng tu được như ngài hay sao? - Được chứ! Bằng cách cải tà quy chánh, quăng đao giết người, ôm bát đi xin ăn, sống theo pháp và luật của giáo hội đức Tôn Sư! - Có đói không? - Cũng có thể bị thiếu thốn chút ít về vật thực, y áo, chỗ ngủ nghỉ, thuốc men do phước nghiệp của từng người nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến đời sống nhẹ nhàng, thanh thoát như những cánh chim trời vô ưu, vô lự... - Không ảnh hưởng gì hết sao? - Phải! Khi tâm trí của những sa-môn đã được huấn luyện thuần thục thì lúc nào họ cũng tự tại và an vui! Nghĩ ngợi một hồi nữa, y chợt quay lại đồng bọn: - Các bạn nghĩ sao? - Vậy chủ tướng nghĩ như thế nào? - Ta chọn ôm bát đi xin ăn! Ta chọn đời sống như cánh chim trời! - Chủ tướng đã làm vậy thì bọn đàn em cũng đều như thế! Chúng ta sẽ là một bầy chim trời. Viên thủ lãnh chợt quỳ xuống: - Ngài cho tôi xuất gia. Ngài là thầy của tôi! Hằng trăm thanh kiếm, thanh đao chợt rơi loãng xoãng giữa trời chiều rồi cả rừng tiếng nói cất lên: - Chúng tôi cũng nguyện xuất gia. Ngài là thầy của tất cả chúng tôi! Sau đó, không rõ việc cạo bỏ tóc râu, chuẩn bị y bát như thế nào mà năm trăm tên cướp đều được sa-di Saṇkicca(5) cho xuất gia sa-di rồi dẫn về ra mắt hội chúng tỳ-khưu ba mươi vị ở ngôi rừng cũ. Lặng nhìn sa-di Saṅkicca và năm trăm tên cướp trong hình tướng sa-môn trang nghiêm, yên tịnh đứng đầy đặc bên sau, vị tỳ-khưu trưởng lão cùng huynh đệ há hốc mồm, không biết chuyện gì đã xảy ra. Sa-di Saṅkicca đảnh lễ quý ngài rồi giới thiệu: - Họ thay tướng, đổi tâm do nhờ uy đức của Tam Bảo(6) đã cảm hóa họ. Con sẽ dẫn năm trăm vị tân sa-di này về Kỳ Viên tịnh xá, trình sự việc lên bậc Tướng quân Chánh pháp, đồng thời để đức Thế Tôn tùy nghi giáo giới họ. Khi biết chính vị sa-di này đã thần kỳ cảm hóa được năm trăm tên cướp hung dữ trở thành sa-môn, hội chúng tỳ-khưu rất cảm phục, vị tỳ-khưu trưởng lão thốt lên: - Ngài đúng là bậc đại thiện trí thức! Đúng là bậc đại thiện trí thức! Huynh đệ chúng tôi vô cùng cung kính và ngưỡng mộ! Do tấm gương sáng rỡ trước mắt như thế, ba mươi vị tỳ-khưu tại khu rừng đã hết sức tinh tấn hành trì sa-môn hạnh, sa-môn pháp; nên chỉ thời gian ngắn sau, họ đều chứng đắc thánh đạo quả A-la-hán. Về Kỳ Viên, sa-di Saṅkicca được tôn giả Sāriputta dịu dàng mỉm cười: - Con đã làm được một việc khó làm! Lành thay! Còn đức Phật thì sau khi hỏi han, khen ngợi; ngài giáo giới năm trăm tân sa-di một bài pháp rồi tóm tắt bằng một câu kệ ngôn: “- Trăm năm sống có ích gì, Buông lung, phóng dật, ác tri, ác tà; Một ngày trong cõi người ta, Giới định, thiền tuệ thiệt là tốt hơn!”(7) (5) - Trường hợp sa-di bảy tuổi làm thầy thế độ như thế này có lẽ là sự kiện đầu tiên trong giáo hội của đức Phật. (6) - Không bảo là do mình mà nhờ uy lực của Tam Bảo - đây là cách nói của bậc thánh lậu tận. (7) - Dịch ý từ Pháp cú 110: “ Yo ca vassasataṃ jīve. Dussīlo asamāhito. Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo. Sīlavantassa jhāyino’ti”. Xem thêm: Các câu Pháp cú số 111, 112, 113, 114, 115 đều có nội dung tương tự: Trăm năm sống có ích gì. Giải đãi, biếng nhác, li bì xác thân! Khởi tâm nỗ lực, tinh cần. Một ngày như vậy bội phần tốt hơn (112).Trăm năm sống có ích gì. Pháp đi, pháp đến vô tri chẳng tường. Một ngày quả thật khó lường. Thấy pháp sanh diệt, vô thường ra sao (113). Trăm năm sống có ích gì. Chẳng thất bất tử, vô vi pháp hành. Một ngày quả thật trọn lành. Sống đời chứng ngộ vô sanh Niết-bàn! (114-115). Trích Kinh Lời Vàng, NXB Phương Đông, năm 2008 - cùng một tác giả. |