Chương 14

Ngôi Nhà Phật Ở Allgau

Ví như sống đặng trăm năm
Nhưng không tu chỉnh, thiếu trí tuệ
Không bằng một ngày sống
Của bậc tỉnh thức, của người tu thiền.
-- Kinh Pháp Cú - 111

Vào mùa xuân năm 1989, từ Sri Lanka, tôi đặt chân xuống phi trường Munich. Charlie, người đệ tử không biết nói tiếng Anh ở Bali của tôi, ra đón. Sau đó chúng tôi đi xe về Uttenbuhl. Trời đang mưa, lạnh giá.

Uttenbuhl là một ngôi làng nhỏ với chỉ năm mái nhà, nằm giữa một cánh đồng xanh mướt. Vào mùa xuân, các dòng nước do tuyết tan từ trên núi rừng đổ xuống đầy đường xá, ngõ ngách.

Ngôi nhà nằm kế bên căn nhà cuối cùng cạnh rừng, có cây lê già trong vườn, là nơi trú ngụ mới của tôi. Tôi rất yêu thích ngôi nhà đó. Nhờ vào tiền đóng góp ủng hộ mà chúng tôi có thể mua được ngôi nhà đó, và từ tháng hai người ta đã bắt tay vào việc sửa chữa, nâng cấp ngôi nhà. Tất cả các công trình xây dựng, sửa chữa đều do các đệ tử của tôi phụ trách. Họ cúng dường công sức, không chịu nhận thù lao.

Charlie là huấn luyện viên môn tennis ở Munich; Roland ở Rosenheim, là nhà thiết kế nội thất, kiêm luôn chuyên viên làm các kệ tủ, và tạo cây cảnh; Gudrun dạy thể hình và khiêu vũ ở miền bắc nước Đức; Heinz, thương gia ở Munich; và Norbert, em của Roland, cũng là đệ tử của tôi từ lúc ở Bali, cùng thời với Charlie -các đệ tử này đã góp sức giúp tôi từ những ngày đầu.

Tôi vẫn còn nhớ ngày tôi đặt chân đến đó rất rõ ràng. Mọi thứ vẫn còn hỗn độn -sách vở, hành lý, thùng hàng- chúng tôi phải thức đến bốn giờ sáng để xếp đặt mọi thứ đâu vào đấy. Các bạn trẻ đều ngạc nhiên trước năng lực làm việc của tôi.

Chúng tôi hoàn tất công trình sửa chữa ngôi nhà với sự tiếp sức của những người thợ chuyên môn trong một thời gian ngắn đến không ngờ. Tôi đến đó vào tháng tư. Tháng năm tôi đã có thể bắt đầu khai giảng khóa học đầu tiên. Nếu tôi nhớ không lầm, có khoảng hai mươi học viên tất cả. Chỉ ít phút trước khi học viên đầu tiên bước vào lớp, chúng tôi vẫn còn tranh thủ treo nốt các bức tranh trong phòng và ngoài hành lang. Rồi thở phào nhẹ nhỏm, chúng tôi có thể xếp các dụng cụ lại một bên để bắt đầu.

Mỗi tối thứ tư tôi đều tổ chức gặp mặt (open house), tiếp đón mọi người muốn đến tham quan, tìm hiểu Phật giáo. Truyền thống này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay. Tôi thường nói một thời Pháp, sau đó chúng tôi ngồi thiền. Ngày thứ tư đầu tiên có khoảng năm người đến tham dự. Giờ thì có khoảng từ sáu mươi đến chín mươi người thường xuyên đến vào các tối thứ tư -là con số cao nhất chúng tôi có thể chứa trong thiền đường. Sau buổi tọa thiền, chúng tôi dùng trà với khách. Đây là khoảng thời gian người ta thường dùng để trò chuyện, tâm sự, giãi bày mọi thắc mắc trong tâm tư.

Có thời gian, vì thiếu chỗ, tôi không thể tổ chức các khóa tu học ở trung tâm Buddha-Haus (Ngôi Nhà Phật), mà phải sử dụng các tu viện Thiên Chúa Giáo. Ở Buddha-Haus, chúng tôi chỉ có chỗ ngủ cho khoảng ba mươi người, khiến cho nhiều người phải ghi tên chờ đợi khá lâu, vì thường chúng tôi có đến hơn hai trăm người ghi tên học.

Các tu viện Thiên Chúa Giáo tiếp đón chúng tôi rất nồng hậu. Chúng tôi trả tiền ăn, tiền phòng cho họ, và giữ sự 'im lặng là vàng'. Ngoài ra, các thầy tu ở đây cũng rất muốn tìm hiểu công việc làm của chúng tôi. Ở tu viện St. Albert ở Walberberg bei Koln, có vị thầy sắp trở thành cha dòng, tham dự tất cả các buổi giảng của tôi. Ở Niederaltaich trong các cánh rừng Bavarian, chính cha xứ cũng tham gia ngồi thiền. Ong đã học thiền ở một thiền viện Nhật Bản, và đã viết nhiều sách về thiền và việc cầu nguyện. Ong vui vẻ kể đã có nhiều thầy dòng quan sát các buổi thiền hành của chúng tôi và nói rằng họ cũng muốn tham gia. Tôi nghĩ là các hành lang trong các tu viện cổ kính này có lẽ trước đây đã được sử dụng cho các mục đích tương tự.

Tôi rất quan tâm về việc phát triển và duy trì những cuộc đối thoại có tính cách hòa đồng tôn giáo như thế này. Tôi không quan niệm phải coi Phật giáo như là phương tiện duy nhất dẫn đến giải thóat. Tôi muốn chứng tỏ với dân Đức rằng ta có thể đi đến con đường tâm linh bằng chính tôn giáo của mình, và muốn giúp họ tìm được sự bình an sâu lắng trong tâm hồn. Tôi cảm thấy có bổn phận phải hướng dẫn người Tây phương đi trên con đường các thầy tôi đã dẫn dắt tôi đi. Đứng trên phương diện này, tôi có nhiều lợi thế vì tiếng Đức cũng như tiếng Anh đều như tiếng mẹ đẻ của tôi, vì tôi đã sử dụng cả hai từ thời thơ ấu.

Phần lớn năng lực tôi dồn vào những năm hoạt động ở Sri Lanka và ở Đức vì tôi có cảm tưởng mình không còn nhiều thời gian. Từ năm 1983 tôi đã khám phá ra mình bị ung thư. Khi cảm thấy có một cục u trong ngực, tôi đã đi khám bác sĩ ở Úc. Bà bác sĩ sau khi làm khám nghiệm cho biết kết quả: bướu ác tính.

Lúc đó chúng tôi chỉ vừa bắt tay xây dựng ni viện trên đảo ở hồ Ratgama. Tôi nóng lòng muốn hoàn thành công trình, và cũng cảm thấy hoàn toàn khỏe mạnh, không đau ốm gì. Tôi bảo với bà bác sĩ là tôi không muốn phẫu thuật, vì tôi không muốn bị kéo vào quỹ đạo trị bịnh ở các bịnh viện, mà một khi đã sa vào, người ta khó thể thoát ra. Tôi còn nhớ rất rõ là bà bác sĩ đã nhìn tôi rất lâu, rồi bảo rằng mẹ của bà cũng bị ung thư ngực, và cũng đã chọn quyết định giống như tôi. Mẹ bà đã sống mười lăm năm với căn bịnh, mà không giải phẫu. Hai tháng sau cùng bà mới trở bịnh, rồi ra đi. Tôi bảo nếu được thế càng tốt. Tôi rất muốn được như người mẹ ấy.

Những năm tháng sau đó, căn bịnh chỉ đem lại cho tôi cái cảm giác khẩn trương -trong tiếng Pali là samvega - mà Đức Phật vẫn khuyên ta nên có. Phải gấp rút, khẩn trương tu tập vì không ai biết được mình sẽ sống bao lâu. Và khi bạn mang trong mình căn bịnh ung thư, bạn càng thấy rõ điều này hơn.

Mỗi người đều mang bản án tử hình. Không có ai sống mãi trên đời. Chỉ có điều ta thường không nghĩ đến bản án đó, để sống như thể thời gian sống của ta bất tận.

Cảm giác khẩn trương này thúc đẩy tôi phải hoàn thành công trình xây ni viện trên đảo, để con số phụ nữ được có điều kiện tu học trong hoàn cảnh thuận lợi được nâng cao. Tôi cũng muốn viết thật nhiều sách để dân Đức được biết đến giáo lý của Đức Phật càng nhiều càng tốt. Lúc trẻ, tôi đã ao ước có một ngày viết được một đại tác phẩm. Tôi đã mơ mộng đến ngày cầm quyển tiểu thuyết nổi tiếng đó trong tay. Tôi chẳng bao giờ có cơ hội viết quyển tiểu thuyết đó, nhưng đến giờ thì tôi đã xuất bản hơn hai mươi lăm đầu sách, và việc tôi ký tên tặng sách không còn mới mẻ gì. Nhưng tôi hạnh phúc không kém, vì qua những quyển sách này, Phật pháp đã được truyền bá đến bao nhiêu người. Đức Phật đã không gọi các lý thuyết của mình là Phật giáo (Buddhism) nhưng Ngài gọi là Pháp (Dharma), có nghĩa là "luật thiên nhiên" hay "sự thật tuyệt đối".

Ngày nào còn sống, tôi còn muốn được tiếp tục giảng Pháp. Tôi muốn giúp đở tất cả những ai muốn quay vào tìm hiểu chính mình, được biết đến thiền. Có rất nhiều tầng tâm thức hoàn toàn khác với những tâm thức ta thường biết. Qua đó, ta có thể hiểu về tôn giáo ở một mức độ sâu xa mà người ta chỉ có thể đến được qua thiền định.

Những người đến nghe tôi giảng, những người đến dự các buổi, các khóa tu của tôi không cần phải là, hay phải trở thành Phật tử. Đức Phật chẳng bao giờ dùng danh từ đó. Ngài chỉ nói chúng ta là các hành giả, những người thực hành với trí tuệ.

Dầu bạn là người theo Kitô giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Do Thái hay An Độ giáo, không thành vấn đề đối với tôi. Tôi không phân loại người ta theo tôn giáo, vì như thế chỉ làm cho con người thêm chia rẽ nhau hơn. Nếu chúng ta còn suy nghĩ: "Tôi là thế này, anh là thế khác", thì chúng ta vẫn còn chia rẽ, xa cách nhau. Đó là sự chọn lựa sai lầm. Thực tế là chúng ta cùng chung trong một đại gia đình nhân loại.

Đức Phật chỉ có một mục đích: là chỉ cho tất cả chúng sanh biết làm thế nào để được hoàn toàn hạnh phúc. Ngài không bao giờ tìm kiếm đệ tử hay tín đồ. Đó cũng là phương pháp của tôi. Dầu người tìm đến với tôi có bảo họ là Thiên Chúa hay vô thần, không quan trọng. Chỉ cần họ có ý hướng muốn tìm về con đường nội tâm, tôi sẽ giúp họ tìm ra những gì thật sự ẩn chứa bên trong con người của tất cả chúng ta -sự bình an thực sự, chân hạnh phúc.

Tôn giáo không gắn chặt với các phong tục văn hóa hay xã hội của một quốc gia. Những phong tục đó đôi khi cũng hữu ích cho con người, nhưng chúng không phải là tính chất của tôn giáo. Tôn giáo là sự khám phá nội tâm, để đáp ứng cho nhu cầu muốn tìm đến chân thiện mỹ trong mỗi chúng ta.

Tôi đã đọc nhiều về sự thần bí của Thiên Chúa Giáo trong thời đại trung cổ, nhất là các tác giả như Meister Eckhart, Johannes Tauler, Heinrich Seuse, Teresa of Avila, Francisco de Osuna. Nhất là những lời giáo huấn của Teresa đối với các vị nữ tu trong quyển Lâu Đài Nội Tại (The Interior Castle) đã gây ấn tượng sâu đậm đối với tôi, vì trong đó bà đã diễn tả những trạng thái giống như thiền định mà tôi cũng từng thuyết giảng -chỉ có khác là bà diễn tả bằng cách riêng của mình, theo những viễn ảnh được phác họa trong Thiên Chúa giáo.

Tôi đã hai lần thuyết giảng ở Tổ chức Eckhart ở Anh, dựa trên những điểm chung có thể tìm thấy trong giáo lý của Đức Phật và trong những bài thánh kinh của Meister Eckhart.

Tôi nghĩ rằng việc tôi trở lại Đức là một yếu tố rất quan trọng. Cuộc hành trình cuộc đời của tôi đã bắt đầu từ đây và tôi đã trở về đây trong những ngày cuối đời.

Nhưng cuộc hành trình của nội tâm thì lại theo một con đường hoàn toàn khác. Tôi đã bắt đầu giống như bao người bình thường khác, cũng theo đuổi những mục đích sống như mọi người khác. Nghề nghiệp, gia đình và con cái. Những âu lo, hy vọng, sợ hãi -cuộc đời tôi không thiếu thứ gì cả. Nhưng ở cuối của cuộc hành trình nội tâm, tôi đã đến được bến của sự bình an, hạnh phúc.

Tôi rất vui mừng là tôi đã có thể truyền đạt lại phần nào những gì tôi đã khám phá. Tôi đã chứng minh cho chín đệ tử của tôi ở Đức được phép giảng dạy hầu lưu truyền các phương pháp thiền định, để chúng không bị mai một. Ngoài ra tôi cũng chứng minh cho bốn người khác làm công tác đó ở Úc và một ở Mỹ.

Một năm sau ngày tôi đến Buddha-Haus, Charlie trở về Munich, lập gia đình và trở về với công việc làm huấn luyện viên tennis. Gudrun, sau gần tám năm làm thư ký ở Buddha-Haus, cũng đã ra đi. Những người mới lại đến thay thế: Traudel, tốt nghiệp môn Toán, là một chuyên viên vi tính đã phụ trách phần kế toán, ngân sách, các catalog, xếp chữ và in ấn các sách của tôi ngay tại phòng phát hành của chúng tôi.

Về vấn đề nấu nướng, chúng tôi cũng có người tiếp tay tại Buddha-Haus. Chúng tôi ăn chay và không đòi hỏi gì. Mọi thức ăn đều đơn giản, vệ sinh và được nấu bằng tất cả tấm lòng.

Chúng tôi giống như một đơn vị kinh doanh nhỏ, rất cần có tổ chức. Phải có người trả lời điện thoại, thư tín, đặt hàng.

Công tác vệ sinh ở Trung tâm được các thiền sinh hay các khách vãng lai giúp tay. Buổi sáng luôn có một giờ "làm việc vì người khác" trong thời khắc dành cho mục đích này.

Tiền cúng dường, tiền học phí, tiền bán băng (thu trong các buổi nói chuyện của tôi) và sách là nguồn thu nhập nuôi sống chúng tôi cũng như trang trải việc in ấn. Tất cả mọi người tham gia cuộc sống chung ở đây đều đã từ bỏ tiền của, sở hữu cá nhân. Cũng từ nguồn tiền trên chúng tôi trang trải bảo hiểm y tế và tiền dằn túi cho mỗi người.

Tổ chức của chúng tôi thật là đa đoan. Cũng may tôi có chút năng khiếu và nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực này. Trong các tu viện hay trung tâm Phật giáo, trật tự phải được tôn trọng triệt để. Người ta khó có thể giử đầu óc thảnh thơi dành cho việc tu tập, nếu như quanh họ mọi thứ đều lung tung, lộn xộn. Hơn nữa, ngoại cảnh quanh ta là tấm gương phản chiếu tâm hồn ta.

Roland, nhà thiết kế nội thất ở Rosenheim, người đã thiết lập các hệ thống chất thải cũng như nhiều thứ khác nữa ở trung tâm; người đã thiết kế các bìa sách của tôi ở Đức, từ những ngày đầu tiên đã nêu tấm gương ở Buddha Haus. Năm 1993, anh quyết định xuất gia. Tôi làm lễ thọ giới cho anh cùng với một tu sĩ người Ấn Độ, ở Ladakh đến viếng thăm chỗ chúng tôi. Tôi dịch bài kinh đọc ở lễ thọ giới sang tiếng Đức, và cũng tụng nguyên bản tiếng Pali. Thật là một buổi lễ cảm động. Tất cả mọi người trong gia đình Roland đều đến tham dự.

Từ ngày đó trở đi, Roland được gọi là Nyanabodhi. Thầy là vị tăng người Đức đầu tiên được thọ giới ở ngay nước Đức.

Năm 1993 cũng là năm tôi phải trải qua cuộc giải phẩu cam go. Khối u trong ngực tôi cang ngày càng lớn đã vỡ ra, khiến tôi rất đau nhức, và nó lại chảy máu luôn.

Trước khi giải phẩu, tôi đã cố gắng làm xong hết những dự định của mình. Và để không lưu lại những ác cảm hay khó khăn cho ai, tôi đã viết thư cho tất cả những người mà tôi đã có sự bất đồng dù lớn hay nhỏ, dù là mới đây hay đã từ lâu. Tôi xin lỗi mọi người về những lỗi vô tình hay cố ý, nói rõ cho họ hiểu là tôi vẫn nghĩ về họ với tình thương yêu. Tôi làm tất cả để không còn gì vướng mắc cho sự ra đi nhẹ nhàng của mình.

Hai ngày sau khi giải phẩu, có lúc tôi có cảm giác như sự sống của tôi bị bào mòn, hay đúng hơn nó chạy xuống gót chân tôi và tan đi. Tôi hoàn toàn sẳn sàng chờ đón cái chết, sẳn sàng ra đi, bằng lòng để buông bỏ tất cả.

Có bao nhiêu tấm thiệp, bao bó hoa do các đệ tử của tôi gửi vào, nói lên tình cảm của họ dành cho tôi, đồng thời nói rằng chỉ sự có mặt của tôi bên họ là đủ, tôi không cần phải làm gì nữa cả. Tôi rất cảm kích trước những lời đó nói, chúng truyền thêm sức mạnh cho tôi. Sự thường xuyên thăm viếng của các bác sĩ, sự tận tụy chăm sóc của các cô y tá đối với tôi, nói lên những cố gắng của họ để cứu tôi sống. Lúc đó, tôi thấy mình cần sống vì những người đó.

Trái với mọi điều lo sợ, tôi bình phục nhanh chóng. Sau đó, tôi phải thêm ba lần giải phẩu nữa, lần cuối cùng vào tháng 11 năm 1995. Trong cuộc giải phẩu đó đã có một việc lạ lùng xảy ra. Dầu lúc đó tôi đã được làm hôn mê, tôi bỗng nghe một bác sĩ nào đó la lên: "Trời ơi, phải làm điều gì đó nhanh lên!" Tôi cảm thấy như ông ở trước mặt tôi, dầu hai mắt tôi nhắm nghiền. Tôi nhìn thấy ông cố gắng trong tuyệt vọng để chích mủi kim vào gân tay tôi, và trong tình trạng đó, ông càng luống cuống thêm. Tôi cố gắng truyền cho ông sự bình tĩnh.

Các bác sĩ khác đứng quanh tôi tỏ vẻ bực bội, điều đó càng khiến vị bác sĩ gây mê thêm mất bình tĩnh. Sau đó ông chuyển sang tay phải của tôi, tìm được một đường gân có thể tiêm kim vào, ông thở phào. Điều đó chứng tỏ là mạch máu của tôi đã xuống rất thấp. Tôi nghe ai đó nói "tám mươi trên năm mươi" , con số đe dọa tính mạng người. Tôi cũng hoàn toàn cảm nhận được thân thể mình, nằm đó bất động, đồng thời tâm thức tôi như đã tách rời thân tôi, để nhìn xuống mọi thứ bằng con mắt quan sát. Tâm tôi rất bình tĩnh. Tôi chỉ cảm thấy tội nghiệp cho các vị bác sĩ, và tôi cố gắng giúp họ tìm lại được bình tĩnh.

Kể từ đó, những gì tôi đã trải qua, những gì tôi tiếp tục trải qua là quà tặng của cuộc đời. Đáng lý ra cuộc đời tôi đã phải chấm dứt, vậy mà tôi vẫn còn đây thêm một thời gian nữa, giờ đã là bốn năm hơn, để có thể hoàn thành thêm một số công việc -rõ ràng đó là một món quà to lớn.

Tôi sử dụng thời gian còn lại của tôi rất chọn lọc; tôi chỉ làm những việc đối với tôi là quan trọng và hữu ích. Điều đó không có nghĩa là tôi cho phép mình được thụ hưởng những sung sướng. Nhưng tôi chỉ làm những gì để giúp tôi và người khác thêm sức mạnh nội tại, những gì mang lại niềm vui, đem lại lợi ích.

Năm 1993, chúng tôi được báo đài biết đến. Đầu tiên là Zweites Deutsches Rundfunk, một đài truyền hình lớn ở Đức mời tôi nói chuyện. Sau đó một bài báo trên trang ba của tờ Suddeutschen Zeitung, một tờ báo lớn ở miền Nam nước Đức lại nói về chúng tôi, rồi hình ảnh của tôi được phát trên nhiều đài, nhiều buổi nói chuyện được phát thanh, vân vân. Đặc biệt là một cú điện thoại của con gái bác tài xế của tôi thời thơ ấu. Cô đã xem chương trình về tôi trên truyền hình, và gần té xỉu như thấy hình của ba cô trên màn ảnh. Sau đó cô cũng ghi tên học một khóa tu thiền với tôi. Điều làm tôi vui nhất là cô còn nhớ cha mẹ tôi. Ngoài cô ra, chắc không còn ai ở Đức biết đến họ. Cô nhớ về cha mẹ tôi như những người rộng lượng, luôn sẳn sàng giúp đở người khác.

Nhưng điều trọng đại nhất mà các chương trình truyền hình này đã tạo được là mang đến một luồng gió Phật pháp tươi mát, nguyên thủy cho phương Tây, dầu đã hơn hai mươi ngàn năm đã qua, giáo lý của Đức Phật mới đến được trái tim của bao người ở đây.

Tôi thường nghe các Phật tử Á châu bảo rằng người Tây phương khó tọa thiền. Điều đó không đúng. Sau hơn hai mươi hai năm giảng dạy, tôi đã nhận thấy các đệ tử phương Tây của mình đều có khả năng tu học và hành thiền mà không gặp trở ngại gì. Bất cứ ai đã dốc tâm tu thiền, sau một thời gian tu tập, sẽ thấy được rằng họ có thể trụ tâm vào một điểm.

Tôi đã dùng rất nhiều phương pháp. Thí dụ, tôi đã dạy họ chú tâm chánh niệm vào hơi thở, hay biết và làm chủ các vọng tưởng. Ngoài ra tôi còn dạy về thiền hành và phương pháp 'từng bước, từng bước". Phương pháp này liên quan đến việc kiểm soát các cảm thọ, các dấy khởi của cảm thọ, là một phương pháp quan trọng trong việc thanh tịnh hóa tâm. Một phương pháp trọng yếu nữa là quán từ bi, trong phương pháp này tôi dùng những hình ảnh đa dạng khiến ai cũng có thể mở rộng tấm lòng ra với người khác. Trong các khóa tu của tôi, tôi hướng dẫn cho các học viên những phương pháp quán tưởng để có thể dẫn dắt họ vào những thực trạng của nội tâm. Bằng những phương pháp truyền thống này, tâm họ dần trở nên bình lặng, tạm thời quên đi thế giới bên ngoài.

Giáo lý quan trọng nhất, mà hình như chỉ có tôi đề cập đến ở châu Âu, là những hướng dẫn về các trạng thái thiền định, là điều người ta chỉ có thể đạt được trong một trạng thái hoàn toàn chú tâm. Ở Á châu, cũng như ở Mỹ và Úc, chỉ có các đệ tử của tôi và hai vị giảng sư nữa là còn đề cập đến các trạng thái thiền định này. Nhưng chính các trạng thái này mới là thiền quán chân chính. Chính Đức Phật đã dạy về những điều này; Ngài đã hành trì và tán thán các phương pháp này. Những trạng thái này mang tâm đến các tầng khác của tâm thức, khiến cho cái nhìn của ta được mở rộng, khiến ta có thể nhìn thấy được quá trình tạo ra vũ trụ. Chúng là phương tiện để đạt đến cứu cánh của sự tự do tuyệt đối, thoát khỏi các áp lực, phiền não và chấp ngã, đưa đến giải thoát.

Bất cứ ai tu tập với lòng kiên nhẫn sẽ đạt được trạng thái chú tâm thiền định. Qua đó, họ có thể tìm ra con đường đi vào không gian nội tại nơi chỉ có sự thanh tịnh và trí tuệ ngự trị. Lúc đó chúng ta sẽ có khả năng để quan sát về tự ngã cũng như về những phiền não của chúng ta một cách khách quan hơn. Qua sự tu chứng được các trạng thái của tâm thức, ta sẽ có cái nhìn mới về thế giới mình đang sống.

Bên trong thiền đường ở Buddha-Haus, có một bức tượng cổ hơn hai trăm năm của Đức Phật bằng gỗ cứng, có nguồn gốc từ Thái Lan, dù rằng chúng tôi đã thỉnh ở Kempten, một thành phố lớn ở Allgau. Trên thân tượng người ta phủ vàng lá, là một phong tục cổ truyền ở các nước Phật giáo Á châu để tỏ lòng kính trọng. Tôi thường ngồi dưới chân tượng để thuyết pháp. Tôi thường bắt đầu bằng, thí dụ như: "Tôi muốn nói với các bạn về ba đặc tính của cuộc sống -về khổ, vô thường và vô ngã".

Nhìn vào sự bất động, chú tâm của khán giả, tôi biết là họ đã sẳn sàng theo tôi trên con đường vào nội tâm, con đường đến sự thật ban đầu mà con người hiện đại với bao lo lắng, bất an, đã đánh mất chúng. Trong thế giới vật chất, nhiều người không còn biết rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc đời là gì, và họ chỉ biết thõa mãn các ái dục, không cần biết chúng có thực sự mang đến hạnh phúc cho họ không.

Một trong những vị thầy lớn của thời đại chúng ta là một vị Đại lão Hoà thượng ở Thái Lan, Ngài Ajahn Chah, người có rất nhiều đệ tử người Tây phương, và vừa mất cách đây vài năm. Ngài thường nói về ba đặc tính của sự hiện hữu -khổ, vô thường và vô ngã - bằng câu chuyện so sánh như sau.

Ngài nói: "Hãy nhìn ly nước đây. Nó rất có ích cho tôi. Tôi có thể dùng để uống nước. Khi để nó dưới ánh sáng mặt trời, nó chiếu ra những tia sáng đẹp đẽ. Khi tôi gõ muổng vào đây, nó cho ra những âm thanh vui tai. Nhưng khi nó rơi xuống đất, nó vỡ tan. Đối với tôi, nó đã vỡ ngay từ bây giờ. Đối với tôi, tất cả mọi thứ có mặt trong hiện tại, hay sẽ có mặt, đều đã bị hủy diệt".

Câu chuyện đó rất có ý nghĩa với tôi. Ly nước của tôi cũng đã bể. Năm 1993, đối với tôi, cuộc sống của tôi như đã chấm dứt. Nhưng nó vẫn còn đây, thân của tôi lại còn đây, tôi còn sử dụng nó, nhưng nó không có nghĩa gì đối với tôi hơn là một chiếc ly đã bể.

Kể từ đó, bất cứ việc gì tôi làm cũng đã mất đi sự bám víu, chấp chặt. Tôi làm việc này việc nọ chỉ vì chúng có ích lợi. Tôi sung sướng vì còn có thể nhìn thấy công việc của tôi phát triển thêm một thời gian nữa. Nhưng khi chúng chấm dứt cũng chẳng có gì là quan trọng. Mọi chuyện đều đã xảy ra.

Đức Phật đã có nói Phật pháp sẽ được phát triên ở những xứ sở khi con trai, con gái của những gia đình tử tế trong xứ sở đó, được thọ giới bằng chính tiếng mẹ đẻ của mình. "Gia đình tử tế" ở đây không phải là những gia đình giàu sang, danh vọng, mà trong một gia đình tử tế, con cái biết cư xử phải đạo.

Vì việc di chuyển trở nên khó khăn cho tôi, thầy Nyanabodhi thường đi theo để giúp đở tôi. Đó là khi tôi về California để dự đám cưới của đứa cháu ngoại lớn nhất, Matthew, hay khi tôi đi San Francisco để mở khóa tu thiền, hoặc khi tôi đi Bá Linh, mùa hè năm 1995, trong khuôn khổ của chương trình Đại học Hoà Bình, tôi đã có nhiều bài nói chuyện ở đó; hay khi tôi đi Lindau để dự tuần lễ tâm lý trị liệu ở đó, nơi hai năm qua tôi đã có nhiều buổi thuyết trình, nhiều buổi thực tập ở đó.

Tiếng vang của các chương trình truyền giáo của tôi khiến tôi nảy ra ý định thành lập một trung tâm Phật giáo ở một thành phố ở Munich. Chúng tôi tìm được một chỗ rất ưng ý, một cửa hàng thực phẩm cũ với một căn phòng nhỏ kế bên ở Neuhausen, một khu phố yên tĩnh. Sau khi được sửa chữa hoàn toàn, nơi ấy đã trở thành nơi họp mặt của chúng tôi mỗi ngày với những thời khắc nhất định. Các đệ tử của tôi giảng dạy ở đó, kể cả Charlie và Norbert. Traudel dạy yoga mỗi tuần một lần, cô đã từng được huấn luyện về môn này.

Nhưng trước khi chết, tôi vẫn còn một hoài bảo muốn thực hiện: đó là xây dựng ở Đức một lâm tự viện theo truyền thống nguyên thủy, ở một nơi hẻo lánh trong rừng, đối nghịch với thế giới bên ngoài ồn ào, đầy bao cám dổ.

Đã có thời gian chúng tôi đến khu rừng Bavarian để tìm một miếng đất vừa ý. Và chúng tôi cũng đã tìm thấy được một nơi vừa ý; nhưng các điều lệ xây cất quá khó khăn nên sau nhiều tháng đấu tranh, chúng tôi đành phải bỏ cuộc.

Rồi vào tháng tám năm 1995, chúng tôi đã tìm được một nơi thật lý tưởng, khá gần, chỉ cách trung tâm Buddha-Haus khoảng nửa tiếng đồng hồ, ở độ cao khoảng một ngàn thước, dưới chân dãy núi Alps. Vào những ngày đẹp trời, ta có thể nhìn thấy các đỉnh núi phủ tuyết trắng rõ ràng trước mắt. Địa điểm này có bảy mẫu rưỡi đồng bằng và rừng, có sông chảy qua, có suối nước trong, và một ngôi nhà mười bốn phòng, ở chính giữa.


Ngôi nhà đó đã hơn ba trăm năm tuổi, trước là một quán trọ, nhưng đã xuống cấp khá nhiều. Chủ nó là những người đã cao tuổi, không còn khả năng chăm sóc nó nữa. Một ngân hàng đã rao bán đấu giá. Chúng tôi mua được khu đất này không thể nói là rẻ, nhưng cũng được giá hời.

Có thể đi qua một con đường riêng để đến nhà, nhưng vào mùa đông không ai cào tuyết cho sạch đường . Vì thế chúng tôi phải mua một xe chạy trên tuyết để đi trên con đường chỉ có một kílo mét rưỡi. Ở vùng này tuyết thường rơi kéo dài đến tháng tư. Tôi thường phải đi trên chiếc xe tuyết, giống như một chiếc xe gắn máy có bánh trượt tuyết. Những lúc đó tôi phải nắm chặt xe, nhưng cũng rất vui.

Kể từ tháng mười năm 1995, chúng tôi bận rộn sửa chữa lại toàn bộ ngôi nhà. Chính ra là thầy Nyanabodhi phải vất vả nhiều với nó. Nền mới, hệ thống sưỡi ấm mới, và hệ thống dây điện mới tất cả đều phải có người lo. Các vách tường không có hệ thống cách âm, các cầu thang lên tấm trần sắp đổ, mưa thì dột cả trần. Những ống cống quanh nhà cần phải đào, các máng xối hứng nước mưa đều phải thay.

Giờ thầy Nyanabodhi chỉ thích sống ở đó. Cũng may, các đệ tử của tôi có người là thợ chuyên môn trong các phần này, họ chỉ tính chúng tôi nữa giá. Các học viên khác thì đóng góp công sức hằng ngày, có khi hằng tuần lễ. Dầu vậy, công trình sửa chửa cũng tốn khá nhiều. Nhưng nói chung, chúng tôi tự tin là có đủ sức để hoàn thành. Nhìn lại những việc như thế này, tôi nghiệm ra rằng bất cứ điều gì nếu người ta làm bằng tất cả lòng thành khẩn, và không vì tư lợi của riêng mình, thì công việc đó sẽ được thành công.

Quanh nhà, chúng tôi phải đốn khá nhiều cây cối để có ánh sáng và không khí, cũng như để có không gian cho một khu vườn. Một tu viện thực thụ lúc nào cũng cần có vườn với hoa, cây cỏ và một chiếc hồ nhỏ.

Theo chúng tôi, đây là một lâm tự viện đẹp quá sức tưởng tượng. Hơn nữa, đây lại là tu viện Phật giáo trong rừng (lâm tự viện) đầu tiên ở Đức, với tên gọi là Metta Vihara (hay là Ngôi nhà của Lòng từ bi). Mùa hè năm đó (1997) lễ khánh thành lâm tự viện đã được tổ chức. Tu viện này là nơi người ta có thể đến để tìm sự yên tĩnh, khám phá kinh nghiệm được trở về với chính mình. Khi muốn "tu một thời gian ngắn", người ta có thể thu xếp với tu viện để được đến ở đây ít nhất là một tháng.

Dĩ nhiên, nếu muốn, người ta cũng có thể xuất gia, sau khi đã ở đó ít nhất là một năm và nhận thấy rằng việc phát triển tâm linh mới là mục đích chánh yếu nhất trong cuộc đời.

Matthias, một luật sư ở Konstanz, bên hồ Constance, giờ đã trở thành Nyanacitta, và là cánh tay mặt của Nyanabodhi. Anh nhúng tay vào tất cả mọi thứ, từ sơn cửa đến đóng bàn ghế, từ đi mua sắm đến thăm viếng các nhóm thanh niên, rồi dạy học ở thành phố. Ngay năm đầu tu tập, anh đã thề nguyện làm tu sĩ, tháng sáu này, anh ta sẽ được xuất gia làm sadi.

Chừng nào còn khả năng, tôi còn ở lại tu viện này để giảng dạy. Chừng nào hãy hay, giờ thì chúng tôi còn đang lo lựa chọn màu cửa sơn, hay đóng vách tấm trần như thế nào. Ngay hiện tại, đó là những vấn đề bức thiết của chúng tôi.

Tôi rất vui mừng là vẫn còn có thể bắt tay xúc tiến đề án này, và sẽ còn nhìn thấy ngày nó được hoàn thành. Trong hai mươi năm qua tôi có cảm giác là mình không định trước gì cả, mà chỉ đi theo hướng người ta vạch ra cho tôi -cái hướng mà tôi phải theo để có thể làm được những chuyện phải làm. Vì thế tôi nghĩ là tôi đã có mặt ở đúng nơi, đúng lúc, đúng thời để mang đến cho nước Đức những gì họ đang rất cần.

-ooOoo-

Chương 15

Cái Chết An Lành

Dẫu bay lên không trung, lặn dưới đáy bể
Chui vào hang sâu núi thẳm
Không có nơi đâu trên thế gian này
Người ta có thể trốn khỏi tử thần.
--
Kinh Pháp Cú -128

Đối với tôi, chết là điều đương nhiên. Tôi đã chuẩn bị để ra đi.

Vị bác sĩ giải phẫu đã bảo rằng ông rất ngưỡng mộ tôi. Để làm gì? Chỉ vì tôi không bị đe dọa bởi cái chết?

Tôi luôn xem Đức Phật là tấm gương cho mình - lúc Ngài tại thế cũng như lúc cận kề cái chết, đó là lý tưởng sống của tôi.

Hai ngàn năm trăm năm về trước, Ngài được sinh ra là thế tử của một vị vua ở Bắc Ấn Độ. Phụ thân của Ngài cai trị một nước lớn. Ngay từ khi ấu thơ, người ta đã tiên đoán rằng Ngài sẽ trở thành một vị vua tài trí hoặc nếu như Ngài từ bỏ cuộc sống thế gian, Ngài sẽ trở thành một vị Phật (Buddha). Phật có nghĩa là người đã Giác Ngộ. Đó là danh hiệu của Ngài. Lúc còn là thái tử, Ngài được gọi là Siddhartha Gautama. Bên cạnh những sự kiện lịch sử, cuộc đời Ngài cũng đầy những huyền thoại.

Vua cha muốn con trai phải kế thừa ông hơn là từ bỏ cuộc sống thế gian. Vì thế vua cha tìm đủ mọi cách để làm cho cuộc sống quanh Ngài đầy quyến rủ. Người già, người bịnh không được phép bén mảng tới cung vua. Ngay cả những chiếc lá lìa cành cũng được dọn dẹp trước khi Thái tử Siddhartha nhìn thấy chúng.

Tất cả mọi thứ đều để cung phụng cho Thái tử. Những thứ có thể so sánh với thế giới của chúng ta ngày nay, trong đó chúng ta cũng tìm đủ mọi cách để được sung sướng. Nhà cửa, truyền hình, đầu máy chiếu, điện thoại, radio - mọi thứ đều được cung ứng để thõa mãn mọi nhu cầu của chúng ta. Nhưng mà thực tế thì sau một thời gian, chúng ta cũng không còn thấy chúng hấp dẫn nữa.

Thái tử Siddhartha kết bạn bè với nhiều thanh niên, thiếu nữ. Năm mười sáu tuổi, Thái tử được quyền chọn người phối ngẫu. Sau đó hai vợ chồng Thái tử sống trong cung điện, và không nhìn thấy gì khiến họ phải lo buồn.

Cũng giống như ngày nay chúng ta giấu những người bịnh hoạn, tàn tật sau những bức tường mà không ai có thể thấy họ; còn đối với người chết, thì ta cắt bỏ bộ phận tiêu hóa, trang điểm lại trước khi chôn họ.

Một ngày kia thái tử Siddhartha bảo người đánh xe rằng ngài muốn đi dạo một vòng bên ngoài cung điện. Khi ra đến ngoài thành, điều đầu tiên họ nhìn thấy là một ông lão rất già yếu, chống gậy, mà hầu như không thể lê bước.

Thái tử Siddhartha hỏi: "Sao người đó coi tiều tụy thế?". Người đánh xe, Channah, thưa: "Đó là một người già, thưa thái tử." Thái tử lại hỏi: "Tất cả chúng ta đều phải già sao?" Channah lại thưa: "Đương nhiên, thưa thái tử. Tất cả chúng ta đều phải già đi".

Họ lại trở về triều, rồi ngày hôm sau một cuộc du ngoạn khác lại xảy ra. Lần này họ nhìn thấy một người bịnh nằm bên đường. Ông quá yếu để có thể nhấc ly nước để cạnh bên lên uống. Đám ruồi nhặng bu đầy trên mặt, nhưng người bịnh không thể làm gì ngoài kêu rên.

"Người đó bị làm sao vậy?", thái tử Siddharta hỏi.

"Đó là một người bịnh".

"Chúng ta có bị bịnh như thế không?"

"Không ai tránh khỏi được, thưa thái tử", Channah lại trả lời.

Người thứ ba Thái tử Siddhartha được gặp trong lần ra thành thứ ba là một người chết. Xác người chết được khiêng đi và phía xa là gia đình, quyến thuộc, bạn bè khóc lóc, kêu than. Họ đang trên đường đến nơi hỏa táng. Thái tử muốn biết: "Tất cả chúng ta đều phải đến đó sao?" Channah lại thưa: "Nơi đó chờ đợi tất cả chúng ta".

Vào ngày thứ tư, khi Thái tử Siddhartha lại ra khỏi thành. Lần này Thái tử được gặp một người với vẻ mặt đầy bình an, không lo lắng.

"Người đó là ai vậy?"

"Thưa đó là một vị tu sĩ, người đã xa lánh cuộc sống thế tục", Channah thưa.

Thái tử Siddhartha Gautama trở về nhà. Đêm đó, thái tử từ giã vợ, cùng đứa con mới sinh, cha mẹ, và lầu đài cung điện để đi tìm câu trả lời cho những đau khổ của loài người. Cùng với Channah, thái tử ra đến bìa thành, ranh giới của vương quốc của vua cha. Tới đó, thái tử trao trả ngựa lại cho Channah và nói: "Hãy mang nó trở về thành và chăm sóc nó cho tốt".

Theo truyện kể, con ngựa chỉ quay đi một đoạn đường ngắn trước khi ngã ra chết vì đau đớn khi phải xa chủ.

Sau đó Thái tử dùng gươm cắt tóc, vào rừng đi tìm một vị minh sư. Trước khi thành Phật, Thái tử đã tu khổ hạnh trong sáu năm. Khi ngài đã tu chứng được các trạng thái thiền định, Ngài ngồi dưới gốc cây Bồ đề nổi tiếng là Bodh Gaya và đạt Giác Ngộ, giải thoát. Ngài đã thiết lập ra Tứ Diệu đế và các phần của Bát Chánh Đạo, là nền tảng giáo lý của Ngài. Vị trời Phạm thiên và các chư thiên hiện ra, thỉnh cầu Ngài truyền đạo lại cho chúng sanh.

Trong khuôn khổ quyền sách này, tôi không thể nói chi tiết câu chuyện này. Chi tiết câu chuyện có thể tìm trong quyển Buddha Ohne Geheimnis (tạm dịch là Sự Thật về Đức Phật) của tôi.

Tuy nhiên, ở đây, dù tóm tắt, ta cũng thấy từ câu chuyện cuộc đời Đức Phật, giáo lý của Ngài đặt căn bản nơi đâu. Ta phải biết rằng Dukkha, tiếng Pali có nghĩa là khổ, lo âu, bịnh hoạn, và chết chóc. Hiểu như thế rồi, ta sẽ thấy cuộc đời ta, tự ngã của ta đều chỉ là ảo vọng.

Nhưng không thể nhận ra điều này chỉ bằng các giác quan, hay cách suy nghĩ thông thường của ta. Mà phải qua những trạng thái tâm thức khác, là kết quả của thiền định -sự chú tâm hoàn toàn không có suy tưởng.

Qua đó, chúng ta sẽ thấy sự hiện hữu của mình không phải tách rời khỏi vũ trụ. Chúng ta với mọi người chung quanh, với vũ trụ là một. Do đó, chúng ta có thể giải thoát mình khỏi sự ràng buộc của lòng ham danh, ái dục vân vân. Tới một mức độ nào đó, chúng ta sẽ thấy sự có mặt của ta ở nơi đây hay nơi khác không còn quan trọng nữa. Có nghĩa là ta sẽ không còn lo sợ Chết.

Muốn đạt được tất cả những điều đó, ta chỉ cần buông bỏ một thứ luôn gắn chặt với ta - đó là tự ngã.

Chúng ta sống, chúng ta chết cũng như bao nhiêu người đã sống trước đó, hay sau này, không có gì là của ta cả. Khi ta đã thành công trong việc diệt bỏ lòng ham muốn, tham vọng, thì chết không còn là sự hủy diệt, mà là sự hòa nhập vào Niết bàn.

Để cách nhìn đó thành quán tính trong ta, ta cần tu tập không ngừng.

Mùa hè sau cuộc giải phẫu, tôi được rất nhiều người thăm viếng. Con gái tôi, Irene, từ Mỹ bay qua, rồi cùng đi với tôi qua Ý. Sau hơn hai mươi năm, đó là lần đầu tiên chỉ có tôi và con gái ở bên nhau. Trước đó, lúc nào cũng có con cháu khác. Chúng tôi không có dịp để nói chuyện tự do. Chúng tôi đặt phòng ở một khách sạn ở Lago Maggiore, rồi cùng du ngoạn trên thuyền, bách bộ với nhau. Chúng tôi cảm thấy bình an và có thì giờ dành cho nhau. Thật là một chuyến đi tốt đẹp.

Rồi Gerd, chồng trước của tôi cũng đến viếng thăm. Anh muốn biết về sức khỏe của tôi. Đó cũng là chuyện tốt. Chúng tôi đã chia tay từ năm 1979. Anh đến thăm, và lập tức ra chăm sóc khu vườn. Cũng vui khi thấy anh không thay đổi gì - lúc nào cũng năng động, linh hoạt.

Rồi Matthew, đứa cháu ngoại đầu của tôi, cùng đi với vợ là Lara, cũng đến viếng thăm tôi. Tôi đặc biệt thân thiết với cháu Matthew. Trong gia đình, hình như chỉ có cháu là hoàn toàn thông hiểu việc tại sao bà ngoại xuất gia theo Phật giáo.

Điều này gợi tôi nhớ lại, lúc còn thơ ấu, tôi cũng rất yêu thương bà tôi. Tôi cảm thấy sự thân thiết giữa người trẻ nhất và lớn tuổi nhất trong gia đình rất quan trọng. Giúp người ta biết nguồn gốc tổ tiên, cũng như thế hệ tiếp nối.

Con trai tôi, Jeff, từ Úc qua, cùng với vợ và đứa con gái nhỏ. Họ rất muốn thăm Venice. Nên chúng tôi cùng đến đó, nhưng không may là thời tiết không được đẹp. Tuy nhiên tôi cũng giữ cháu bé để hai vợ chồng đi viếng cảnh. Jeff đã cùng tôi đi khắp nơi, nhưng lạ lùng thay, nó chẳng còn nhớ được gì mấy! Cả gia đình ở lại mừng sinh nhật tôi.

Vào ngày 25 tháng 8, năm 1993, tôi được bảy mươi tuổi. Một buổi tiệc vui vẻ với nhiều lời chúc tụng, đó là chuyện tự nhiên vào những dịp như thế này.

Tôi nhận được một món quà rất đặc biệt của thầy Nyanabodhi: một ngôi tháp, do chính thầy xây. Đây là một lăng mộ dùng để chôn người chết theo Phật giáo, có hình dáng giống như một vòm nhà trắng. Ngôi tháp này có một miếng gương đá lớn, trong suốt đặt trên đỉnh tháp. Vào ngày sinh nhật của tôi, chúng tôi cùng đi thăm ngôi tháp.

Trên vách tháp có chừa một khoảng trống. Tất cả những ai đến dự ngày sinh nhật của tôi có thể đặt một tượng Phật nhỏ vào đó. Những tượng này họ nhận được do đã cúng dường cho Buddha-Haus. Một bản copy của tất cả các sách của tôi cũng được đặt vào đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng bỏ vào đó các món đồ quý gía, vàng bạc. Cuối cùng, thầy Nyanabodhi cũng bỏ vào đó chiếc nhẫn vàng của người cha quá cố của thầy. Chúng tôi không có nhiều đồ quý giá nhưng những gì chúng tôi có, chúng tôi bỏ cả vào.

Một ngày nào đó, tro của tôi cũng sẽ được bỏ vào. Đó là cách chôn một vị thầy theo phong tục cổ truyền. Cẩn thận hơn, tôi cũng đã làm đơn xin phép bộ y tế ở Sonthofen. Họ cử hai viên chức đến, khám xét trong ngoài, sau đó viết cho chúng tôi một giấy phép tay.

Ngôi tháp được xây dựng ở một vị trí rất đẹp, cạnh bên một cây táo nhỏ trên cánh đồng thoai thoải. Ánh sáng mặt trời chiếu qua mảng gương đá tạo thành những màu sắc tuyệt đẹp. Tôi rất thích ngồi trên băng đá cạnh đấy.

Ngoài ra còn có một sự kiện khác cũng làm tôi rất vui. Đó là sau khi Brigitte, một tạp chí ở Đức có bài đăng về tôi, thư từ của độc giả từ những nơi không ngờ nhất cũng được gửi đến. Hai người bạn học cũ của tôi ở trường trung học State Augusta, Bá Linh viết thư đến. Chúng tôi thường đi học chung từ lúc chín tuổi đến năm mười hai, mười ba tuổi. Một người viết từ Bá Linh, người kia ở Heidenheim. Người thứ hai còn sắp xếp để tôi đến thuyết pháp ở Heidenheim cho khoảng ba trăm rưỡi thính giả. Rồi người bạn ở Bá Linh lại giúp tôi liên lạc với người bạn thân nhất thời học sinh của tôi, hiện đang sinh sống tại Anh.

Hiện tại, với tuổi tôi, tôi thấy sức khỏe của mình không có gì đáng phàn nàn. Nếu tôi còn sống cũng tốt, mà có phải ra đi, cũng được.

Việc cận kề với cái chết đã giúp tôi có thể giảng Pháp hoàn toàn vì Pháp, mà không có cái gì cho riêng tôi. Tôi không chỉ thấy mình không quan trọng, mà còn có cảm giác như mình không có mặt ở đó, mà mình chỉ là công cụ truyền giảng lại những điều có thể làm lợi ích cho người khác.

Tôi sẽ sống cho đến ngày tôi phải ra đi. Cho đến giây phút này, hầu như tôi đã hoàn tất mọi việc phải làm. Chỉ còn một, hai quyển sách tôi muốn thấy chúng được hoàn thành, nhất là quyển kinh Trung Bộ của Đức Phật, đang rất cần có một bản dịch ra tiếng Đức mới hơn. Vậy thôi, còn mọi thứ có thể tiếp tục mà không cần đến sự có mặt của tôi.

Trong chương này tôi nói khá nhiều về cái chết, vì lòng sợ hãi về cái chết, là đề tài thường được nhiều người hỏi đến ở các buổi thuyết pháp của tôi. Tôi luôn phải đối đầu với đề tài này. Một khi ta còn chưa có thể sẳn sàng chờ đón cái chết của mình, chưa có thể nói về nó với lòng bình thản, tự tại, thì cuộc đời ta vẫn còn bị trói buộc trong sự sợ hãi. Tâm ta chỉ thực sự có an bình khi ta có thể chấp nhận mọi sự khi chúng đến.

Đức Phật có dạy một số điều liên quan đến cái chết, khá hữu ích. Điều quan trọng nhất là: Khi một người sắp từ gĩa cõi đời, ta cần nhắc nhở cho họ về tất cả những điều tốt họ đã làm, để họ có thể ra đi với tâm bình yên, hạnh phúc. Điều đó rất quan trọng vì trong những giờ phút cuối cùng, người ta thường bị xâm chiếm bởi những cảm giác ăn năn, hối hận vì đã làm điều nọ, điều kia không đúng. Nếu bạn là người y tá hay bác sĩ ở cạnh bịnh nhân, nhưng không biết nhiều về họ, bạn cần hỏi thân nhân họ để có thể giúp họ ra đi nhẹ nhàng.

Chúng ta cũng cần có sự tiếp xúc trực tiếp -như nắm tay người sắp chết hay ve vuốt họ, để họ không có cảm giác đã bị bỏ rơi.

Thính giác là giác quan cuối cùng ra đi. Vì vậy đừng nghĩ rằng người đang nằm mê man đó không thể nghe chúng ta nói gì. Chỉ nói trước mặt họ, những điều bạn muốn họ được nghe.

Nếu người sắp chết là Phật tử, có lòng tin ở Đức Phật và giáo lý của Ngài, thì ta có thể tụng kinh cho họ nghe. Có nhiều bài kinh rất phù hợp cho mục đích này. Thí dụ: "Ngay chính xe mã của nhà vua còn bị hủy diệt; thân này cũng mau chóng bị hủy diệt. Nhưng những lời dạy của các bậc Giác Ngộ chẳng bao giờ bị mai một. Những lời dạy của bậc Giác Ngộ được lưu truyền bởi những người hiểu đạo". Điều đó có nghĩa là ta có thể nói rằng ai rồi cũng chết. Nhưng thân mạng không phải là cái quan trọng bậc nhất. Tâm và ý thức về chân thiện mỹ còn quan trọng hơn. Chúng sẽ không bao giờ bị hủy diệt.

Chết không có gì hơn là một sự chuyển đổi. Chúng ta nhẹ nhàng chuyển đổi qua một trạng thái hiện hữu khác. Dĩ nhiên sự chết chỉ xảy ra nhẹ nhàng nếu ta không cưỡng lại nó -và nếu chúng ta không phải chịu đau đớn.

Có một thời gian, các vị pháp sư giảng về Phật pháp, cho rằng người ta phải ra đi trong trạng thái hoàn toàn tỉnh thức, và vì lý do đó, không nên cho người bịnh dùng các loại thuốc giảm đau. Nhưng điều đó có vẻ trái ngược với lời Đức Phật dạy rằng người ta cần được ra đi với tâm yên tĩnh. Làm sao người ta có thể yên tĩnh ra đi khi đang phải chịu đau đớn? Ở các nơi chăm sóc cho người bịnh của Phật giáo, người ta cũng tìm mọi cách làm cho bịnh nhân được bớt đau đớn. Vì thế nếu cần ta vẫn phải dùng đến các loại thuốc giảm đau, dầu có làm cho người bịnh mê man. Tâm thức lúc nào cũng có mặt dù rằng người bịnh có thể không trả lời ta hay có vẻ bất động. Thật là sai lầm nếu cứ để người sắp ra đi phải chịu đau đớn - điều đó chỉ làm cho tâm họ rối bời, bất an.

Đức Phật còn khuyên rằng, ta cần phải đợi ba ngày trước khi chôn xác, vì tâm thức cần thời gian để lià bỏ xác thân nó từng ẩn náu.

Người Phật tử cũng nghĩ rằng nếu được chết ở nhà trong một khung cảnh quen thuộc, ấm cúng thì tốt hơn. Những người thân cần có mặt và phải hiểu rằng họ cần nói lời từ giã với người sắp chết, như một lời chúc lành trước khi họ ra đi. Nói với họ rằng dù ta có nhớ nhung tiếc nuối họ, nhưng ta hoàn toàn có thể tự lo khi không có họ ở bên cạnh. Rằng ta rất thương yêu họ, nhưng ta phải tiếp tục cuộc sống. Những lời nói như thế rất quan trọng đối với người sắp chết. Không nên níu kéo họ, vì như thế chỉ làm cho sự ra đi của họ thêm khó khăn.

Trong các bệnh viện của Thiên Chúa giáo, tôi nghĩ là chắc họ cũng làm như thế.

Trước đây, có một phóng viên đến chỗ chúng tôi ở Buddha-Haus. Cô hỏi có phải lý do khiến tôi có thể dễ dàng chấp nhận cái chết của mình là vì tôi tin có luân hồi. "Không", tôi trả lời cô, "Tôi không nghĩ như thế. Người ta chỉ phải tái sinh nếu có ý muốn được tái sinh. Khi không còn ý muốn hiện hữu như một tự ngã, thì không còn gì xảy ra nữa. Tôi sẳn sàng ra đi một lần cho tất cả".

"Rồi việc gì sẽ xảy ra", cô phóng viên muốn biết. "Không có gì cả. Tất cả đã chấm dứt. Lúc đó, người ta đã đạt được đến Niết bàn, sự an bình tuyệt đối".

Loại thiền định sâu xa hoàn hảo nhất.

-ooOoo-

Sách Tham Khảo

(1) Kinh Pháp Cú, Hòa Thượng Thích Thiện Siêu dịch, do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành năm 1993.

(2) Kinh Pháp Cú, Ni Trưởng Thích Nữ Huỳnh Liên biên soạn. Lưu hành nội bộ.

(3) Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2000.

-ooOoo-





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024