CHUYỆN THÁNH NỮ VISĀKHĀ  

 

Visākhā(1) là một nữ đại thí chủ được đức Phật tán thán, là một trong vài đệ tử tục gia hàng đầu đã tích cực hộ độ cho tăng chúng. Mẹ cô là Sumanā Devī, thân phụ cô tên là Dhanañjaya - con trai của triệu phú Meṇḍaka. Cô mở mắt chào đời trong thành phố Bhaddiya của nước Aṇga(2). Khi cô bé lên bảy tuổi, đức Phật và nhiều đệ tử vào hạ thứ tư, đã viếng thăm xứ sở nầy; triệu phú Meṇḍaka, là ông nội của Visākhā đã cho cô cùng năm trăm tiểu thư bạn hữu, năm trăm thị nữ và năm trăm cỗ xe để cô có thể viếng thăm đức Đạo Sư. Khi gần đến nơi cô đã cho xe dừng lại và đi bộ đến đức Phật. Thái độ cung kính và tư cách nho nhã của cô đã làm cho đức Thế Tôn đẹp ý, biết rằng tuy còn nhỏ tuổi nhưng cô bé có một đời sống tinh thần tiến hóa bậc cao nên ngài đã thuyết cho cô nghe một thời pháp hợp với căn cơ, trình độ. Bài pháp chấm dứt, cô bé Visākhā chứng quả thánh Nhập Lưu. Sau đó, ông đại triệu phú Meṇḍaka thường thỉnh mời đức Phật và tăng chúng hằng ngày đến nhà của ông ta để thọ thực.

Meṇḍaka, một đại triệu phú quý hiển, đời này giàu sang tột bực là nhờ trong một kiếp quá khứ, gặp nạn đói, ông đã lấy phần thực phẩm cuối cùng, không để dành cho mình mà cúng dường đến một vị Phật Ðộc Giác (Paccekabuddha). Do quả báo phước lành cao thượng này, ông được tái sinh vào một gia đình cự phú, có tên là Meṇḍaka, được thừa kế tài sản nhiều đời của tổ tiên. Hiện tại, ông ta được hưởng thụ lắm phước báu phi thường. Một trong những phước báu phi thường ấy là gia sản, tiền bạc của ông rất dồi dào, tiêu phí bao nhiêu cũng không khô cạn. Hễ ông bắt tay làm ăn bất cứ ngành nghề gì thì lợi tức bao giờ cũng chảy tràn vào như nước.

Nhiều năm về trước, trong chuyến làm ăn buôn bán ghé Sāvatthi, triệu phú Meṇḍaka đến nghe đức Phật thuyết pháp tại Kỳ Viên tịnh xá, một niềm hoan hỷ vô biên đã đến với ông; kể từ đó, ông mới thấy cuộc sống có thêm ý nghĩa cao quý và tinh thần của mình có nơi nương tựa vững chắc.

Con trai trưởng của đại triệu phú Meṇḍaka, một công tử trí tài và hiền đức đúng như kỳ vọng của ông, vừa có đầu óc kinh doanh thiên tài vừa có trái tim nhân hậu như cái tên là chứng minh thư chào đời của chàng vậy: Dhanañjaya, có nghĩa là kẻ làm tăng vượng của cải, vinh quang của cải, đồng thời còn có tâm từ ái, thường chia sớt cơm áo, thuốc men đến cho những kẻ cô quả, đói nghèo tương tự trưởng giả Cấp Cô Độc hữu danh vậy!

Phu nhân công tử Dhanañjaya là bà Sumanā Devī, một giai nhân tuyệt sắc, mang cái đẹp vẹn toàn về dung nhan, tư cách cũng như đức hạnh. Nếu người đời thường mơ ước năm điều: Làm vua chúa, giàu sang, vợ đẹp, con ngoan, cả gia đình đều khoẻ mạnh thì công tử Dhanañjaya đã có đến bốn điều hạnh phúc rồi vậy.

Cũng giống như thân phụ, thanh niên Dhanañjaya nhân nghe một bài pháp, cũng do đức Phật thuyết, ông đã đắc quả Tu-đà-hoàn nên đã có đời sống của một cư sĩ mẫu mực làm gương sáng cho nhiều người. Bà Sumanā Devī, phu nhân của Dhanañjaya, sinh hạ một ái nữ tuyệt vời, được đặt tên là Visākhā, có nghĩa là “Nét đẹp của ánh trăng tháng Năm”!(3)Cô tiểu thư này, về phương diện tinh thần, lại được thấm nhuần giáo pháp sớm hơn thân phụ và nội tổ nữa, vì cô bé đã đắc pháp nhãn khi mới vừa bảy tuổi như nói ở trên.

Duyên sự tiếp theo.

Trong một lần viếng thăm em gái, là hoàng hậu của đức vua Bimbisāra, đức vua Pāsenadi nhận thấy nước Māgadha và các chư hầu kế cạnh có đến năm vị triệu phú mà nước ông không bằng được như thế: Đấy là quý ông Joṭika, Jāṭila, Puṇṇakaka, Kākavalliya và Meṇḍaka. Trong đó, triệu phú Mēṇḍaka là giàu nhất. Đức vua Pāsenadi nhận thấy rõ rằng, nơi nào có một vị triệu phú ở, thì nơi đó các nền công nghệ, thương mãi, nông nghiệp kể cả những ngành nghề thủ công đều được phát triển. Nói cách khác, những ông triệu phú ở thành phố, thị trấn nào thì ở đó sẽ phú túc, thạnh mậu. Đức vua Pāsenadi ngỏ ý xin đức vua Bimbisāra “sớt bớt cho” một vị triệu phú về ở Kosala để nối kết tình bang giao hòa hiếu giữa hai quốc độ. Ban đầu đức vua Bimbisāra từ chối, nhưng sau nể tình “ông anh rể”, vua đồng ý nhưng bảo là còn tùy thuộc sự tình nguyện của họ chớ không thể bắt buộc được. Khi đức vua Bimbisāra hỏi ý kiến năm vị triệu phú hữu danh trong nước của mình cùng các nước chư hầu thì gia đình  triệu phú Meṇḍaka cùng con trai Dhanañjaya, bây giờ cũng đã được đức vua phong là triệu phú hay trưởng giả (Seṭṭhi) tình nguyện ra đi. Cuộc “thiên di” vĩ đại cả gia sản đồ sộ với hằng ngàn cỗ xe của cải, tư trang, tư dụng, hằng trăm ngàn gia súc gồm ngựa, bò, dê, cừu cùng hằng ngàn con cháu, gia nhân, thị nữ, người làm công, nô bộc... phải nói là đã rúng động nhiều tiểu quốc.

Đến một vùng đất xóm làng thưa thớt, tuy có sông, có núi, có bình nguyên mênh mông nhưng có lẽ không ai bỏ tiền bạc và công sức khẩn hoang nên nó như là một công chúa diễm lệ đang ngủ quên giữa rừng già. Đây là vùng đất cách kinh đô Sāvatthi chừng bảy do-tuần, đại gia đình ông triệu phú chọn nơi đây để trú cư, lập nghiệp. Do họ đến đây vào lúc trời gần tối nên nó có tên là Sāketa. Thế rồi, chỉ vài năm sau, với nhân lực hùng hậu, với tài sản, gia sản khổng lồ, đầu óc của hai cha con ông triệu phú đã biến nơi đây trở thành một thị trấn sầm uất được vây quanh bởi hằng chục cánh đồng hoa màu tươi tốt, hằng trăm ngôi làng cư dân đông vui. Từ đây mọi công việc trong ngoài, lão triệu phú Meṇḍaka đều giao lại hết cho con trai là Dhanañjaya gánh vác.

Vào hạ thứ bảy, sau ba tháng độ Phật mẫu ở cung trời Đao Lợi, đức Phật ghé chân xuống quả đất là ở tại thị trấn Sāketa này; nhưng bây giờ, thêm bảy năm nữa,  nó đã trở thành một thành phố phát triển năng động. Đức vua Pāsenadi đã xuống sắc chỉ phong cho triệu phú Dhanañjaya làm trưởng trấn thành(4).

Vào hạ thứ mười ba khi đức Phật an cư tại hòn núi đá trắng Cālika thì cô bé Visākhā đã là một tiểu thư mười sáu tuổi. Kinh điển và chú giải nói rằng, cô Visākhā có sức mạnh thể chất như một nam nhi lực sĩ(5)cùng vẻ đẹp mỹ miều, duyên dáng thế gian không ai sánh được. Cô hội đủ năm vẻ đẹp của mỹ nhân: Là tóc, da, thịt, xương vóc và tuổi trẻ. Tóc nàng đen mướt như nhung, trông tựa đuôi công, khi xỏa xuống thì dài tận gót chân rồi uốn lượn lên, được gọi là tóc mỹ lệ (Kesākaḷyāna). Da cô tuy không phấn sáp vẫn thắm nhuận, mịn màng và tươi tắn như cánh sen màu trắng hồng(6), được gọi da mỹ lệ (Chavikakaḷyāna). Môi nàng đỏ hồng một cách tự nhiên như trái “bimba”, lại còn tươi nhuận, mềm mại và gợi cảm, được gọi là thịt mỹ lệ (Maṃsakaḷyāna). Răng trắng như ngà, khít khao, đều đặn và sáng ngời như chuỗi kim cương khéo kết, khi cười thì long lanh như xà cừ, đó là xương mỹ lệ (Aṭṭhikaḷyāna). Và thứ năm, vẻ đẹp tươi trẻ, vóc dáng mảnh mai, thanh xuân ấy còn giữ nguyên vẹn cho đến tuổi già!

Tại kinh đô Sāvatthi lúc bấy giờ, có một vị triệu phú tên là Migāra, ông ta có một quý tử tên là Puṇṇakavaddhana đã đến tuổi lập gia đình. Những ông mai, bà mối giới thiệu nơi này nơi kia những tiểu thư xinh đẹp, môn đăng hộ đối nhưng cậu thanh niên này đều không vừa lòng. Nói mãi, cậu quý tử mở lời làm khó dễ:

- Chỉ khi nào cha mẹ tìm ra được một cô gái hội đủ năm vẻ đẹp của mỹ nhân con mới đồng ý.

- Năm vẻ đẹp ấy là gì?

- Thưa, đấy là tóc, da, thịt, xương vóc và tuổi trẻ! Các thầy bà-la-môn bảo như thế!

Tìm hỏi một thầy bà-la-môn uyên bác về tướng pháp, ông ta xác định sự thực là có năm vẻ đẹp như vậy và có thể tìm thấy trên thế gian, nên ông triệu phú Migāra thuê mướn tám thầy bà-la-môn tài giỏi nhân tướng học đi khắp nơi kiếm tìm mỹ nhân đạt yêu cầu cho tiểu chủ.

Chuyện kể rằng, hôm kia nhân một ngày lễ hội, tiểu thư Visākhā cùng với những thị nữ đi dạo chơi, sau đó đến tắm ở hồ nước công cộng xinh đẹp tại một công viên do phụ thân của cô kiến tạo. Đột ngột, một đám mưa to đổ xuống. Tất cả mọi người, ai ai cũng hối hả chạy tìm một nơi nào đó để trú mưa, những thị nữ của cô cũng vậy. Riêng tiểu thư Visākhā thì không hấp tấp, không vội vã mà cứ chậm rãi, khoan thai từng bước một đi vào một chái lương đình. Hình ảnh ấy  đập ngay vào mắt mấy người trong đoàn bà-la-môn sứ giả đang đi tìm “ý trung nhân” cho con trai ông triệu phú. Họ kín đáo, lặng lẽ quan sát cô gái vừa tạo cho họ một ấn tượng tốt. Phải nói là cô ta quá xinh xắn, không những đẹp từ sắc diện đến dáng vẻ đoan trang, nho nhã mà còn cái gì đó nơi nết hạnh, nơi tư cách cao quý nữa mà họ chưa nắm bắt hết. Quan sát kỹ thì họ thấy cô tiểu thư này có được bốn vẻ đẹp của mỹ nhân nhưng họ chưa thấy răng cô ra sao. Phải nghe cô ta cười hoặc nói mới biết được.

Và đoạn đối thoại thú vị sau đây xảy ra.

Một vị lịch sự hỏi:

- Thưa tiểu thư! Sao tiểu thư không nhanh chân chạy đi trú mưa như mọi người mà lại bước đi chậm rãi, khoan thai như thế? Không ngại mưa ướt xiêm áo hay sao?

Cô Visākhā mỉm cười, dịu dàng nói:

- Thưa ông! Xiêm áo “ướt” thì ta có thể thay đổi cái khác được, nhưng khi tư cách, nết na và phẩm hạnh của người nữ đã “ướt” rồi thì biết lấy “cái khác nào, ở đâu” để thay đổi?   

Vị sứ giả ngơ ngác, chưa hiểu.

Cô lại phải giải thích một cách rộng rãi hơn:

- Thưa ông! Nếu muốn, tôi có thể chạy nhanh hơn cả lực sĩ điền kinh nhưng tôi đã không làm vậy! Tại sao? Ví như có một vị vua đang mặc sắc phục triều đình, đội vương miện quyền quý, bỗng nhiên, quấn bào, xăn áo hối hả chạy vào cung điện thì đâu còn ra thể thống gì nữa! Một thớt ngự tượng đĩnh đạc, bệ vệ, mình mang đầy trang sức châu báu, thường thì uy nghi, chững chạc từng bước một, nay bỗng dưng đâm đầu hớt hãi bỏ chạy tạo nên một cảnh tượng gì đó giống như giặc đuổi sau lưng! Một vị tỳ-khưu với từng bước chân chậm rãi, ổn định, thảnh thơi trông rất thanh thoát, khả kính cũng bị thế gian chê cười khi ông ta xốc xếch y bát chạy nhanh trên đường! Cuối cùng, một người nữ nếu xăng xái bước vội, đi nhanh như đàn ông thì còn đâu nữa cái dáng vẻ yểu điệu, khoan thai của một tiểu thư khuê các? Đấy là bốn nhân và vật trên thế gian này, bất cứ trường hợp nào cũng không được hối hả đi nhanh, bước nhanh hay chạy nhanh, thưa ông!(7)

Khi cô Visākhā trả lời, do giọng nói thanh tao, dịu dàng; do lý luận, ví dụ sắc bén, cụ thể đã cuốn hút mọi người xung quanh đến nghe cô “diễn thuyết”. Các vị trong đoàn bà-la-môn sứ giả vốn là những bậc đa văn, học thức, nhưng họ cũng chỉ biết lặng người, không ai dám có ý kiến gì nữa. Mọi kiến thức, hiểu biết của họ đã hoàn toàn bị “hạ phong” trước cô gái chỉ bằng tuổi cháu con.

Khi từ giã, họ chỉ biết tâm phục, khẩu phục, nghiêng đầu:

- Cảm ơn tiểu thư đã cho chúng tôi được mở rộng kiến văn!

- Thưa, không dám ạ!

Qua cuộc nói chuyện, mấy vị bà-la-môn đã thấy rõ “tướng răng” của cô rồi, đều đặn, trắng và sáng ngời như ngọc. Vậy là cô ta có đủ năm vẻ đẹp của mỹ nhân. Mấy ngày hôm sau, âm thầm theo dõi, điều tra, đoàn bà-la-môn sứ giả lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi biết rằng, cô bé kia là ái nữ của triệu phú Dhanañjaya(8) là trưởng trấn thành của thành phố Sāketa, rất được mọi người tôn kính và ngưỡng mộ.

Về kể lại toàn bộ câu chuyện mắt thấy, tai nghe cùng với kiến thức uyên bác của cô tiểu thư cho ông triệu phú Migāra và trưởng công tử Puṇṇakavaddhana nghe; vị trưởng đoàn sứ giả kết luận:

- Tiểu thư kia là mỹ nhân của những mỹ nhân, vẹn toàn về sắc đẹp, kiến thức và nết hạnh, có lẽ hiếm có người thứ hai nào để so sánh. Tuy nhiên, nếu dạm hỏi thì phải thật tế nhị, trân trọng, vì cô ta chính là ái nữ của ông trưởng trấn thành Sāketa, một vị triệu phú đệ nhất không ai sánh bằng, ngoại trừ trưởng giả Cấp Cô Độc mà thôi.

Triệu phú Migāra nhíu mày, dè dặt hỏi:

- Ông nghi ngại họ sẽ chê chúng ta “nghèo” hơn họ, không “môn đăng hộ đối” chăng?

- Tôi không dám nói vậy! Vị sứ giả thưa tiếp - Ý tôi là nên có một cái lễ hậu hĩ và phải đích thân ông chủ lớn đến Sāketa một chuyến để lựa lời kết mối sơ giao!

- Ta với ông Dhanañjaya vốn là chỗ quen biết trong một vài cuộc làm ăn trước đây!

- Vậy là tốt! Vậy là hay! Vậy là quý quá rồi! Và công tử Puṇṇakavaddhana cũng nên đi theo, vì tướng mạo của công tử rõ là một mỹ nam tử rất xứng đôi!

Sau khi sắp đặt đâu ra đấy, ông triệu phú và con trai lên mười cỗ xe quý phái, có hai mươi con bạch mã cao sang, với một trăm người hầu nam nữ cùng với lễ phẩm hậu hĩ, lên đường đến Sāketa, ghé dinh cơ, biệt phủ của ngài trấn trưởng. Kết quả, cuộc lễ dạm hỏi thế là thành công; vì nghĩ đi nghĩ lại, gia đình triệu phú Migāra và trưởng công tử Puṇṇakavaddhana trông cũng xứng đáng cho con mình nương tựa nên đại triệu phú Dhanañjaya đồng ý.

Thời gian sau, khi ngày cưới đã được ấn định, chính đích thân đức vua Pāsenadi trong lòng cũng háo hức. Ông thầm nghĩ: Chính do ta đã mở miệng xin đức vua Bimbisāra một ông triệu phú để làm giàu thêm cho đất nước! Xem nào? Tính đến thời điểm này thì mới chỉ chín năm! Ôi! chỉ mới chín năm mà cha con ông Dhanañjaya đã biến cái ngôi làng nghèo nàn ấy trở thành một thị trấn, rồi một thành phố thật sao? Và nó như thế nào mà bấy lâu ta chỉ nghe mọi người tấu sớ hết lời tán thán, ca tụng? Hay là dịp này, ta hãy đi “kinh lý” một chuyến cho mãn nhãn tầm mắt?

Khi nghe tin đức vua Pāsenadi muốn tham dự lễ cưới, triệu phú Migāra rất sung sướng, vì như vậy là danh giá của gia đình ông càng được nâng cao, lại càng xứng đáng với gia đình nhà gái!

Đến ngày, khỏi kể lại lực lượng đi rước dâu hùng hậu và rầm rộ như thế nào, khi hằng chục cỗ xe sang trọng, người và lễ phẩm của gia đình triệu phú Migāra cùng với hằng chục cỗ xe vương giả của đức vua, thị thần, tùy tùng và quan quân tiền hô hậu ủng!

Để chứng tỏ tư cách, địa vị và phẩm giá của một đại gia, triệu phú Dhanañjaya đã đánh tiếng trước là không nhận thêm lễ phẩm của nhà trai; và mọi sự cung đón, nghinh tiếp, chi phí tiệc tùng dầu đông đến hằng ngàn người, nhà gái cũng sắp xếp, lo liệu được.

Thế rồi, triệu phú Dhanañjaya không những chu cấp tươm tất chỗ ngủ nghỉ, những buổi yến tiệc, ăn uống, mà còn phục vụ văn nghệ giải trí cho phái đoàn nhà trai một cách hiếu khách và đầy hào phóng. Ông triệu phú chủ nhà còn thuyết phục đức vua và phái đoàn triều đình ở lại luôn trong thời gian trời đang còn mưa gió, đường sá về kinh đô còn có vẻ bất tiện. Đức vua đồng ý và rồi đã rất hài lòng về sự chăm sóc tận tình, tỉ mỉ, cẩn trọng và chu đáo của chủ nhà! Mà thật ra, tất cả là do nhờ tâm trí và cả bàn tay khéo léo của tiểu thư Visākhā mới được vậy!(9)

Về việc trang hoàng, làm đẹp thành phố, chuẩn bị áo cưới, phục sức, trang điểm cho cô dâu cũng là chuyện hy hữu, “kinh khiếp”! Trước ngày đón hai phái đoàn ghé Sāketa, triệu phú Dhanañjaya đã cho đập bỏ hằng trăm ngôi nhà cũ nát trong thành phố rồi cung cấp cho họ vật liệu, nhân công và tiền bạc để xây dựng nhà mới. Ông còn cho trang trí lại các con đường, cổng ngõ, yêu cầu trồng thêm cây xanh và cây hoa! Trong mấy tháng lễ cưới của con gái, ông trích quỹ để nhân dân thành phố cũng được tiệc tùng, ca nhạc, diễn kịch, đóng trò, biểu diễn thể thao và nhiều cuộc giải trí vui chơi khác!

 



(1) - Visākhā -Trang 900 - 904 trong quyển II - Distionary of Palī proper Names.

(2) Nước Aṇga là chư hầu của Māgadha.

(3) - Không nhớ rõ nghĩa này tìm thấy ở đâu.

(4) - Tương đương tỉnh trưởng kiêm thị trưởng.

(5) - Tuy xương vóc mảnh mai nhưng sức mạnh của cô bằng năm con voi. Có lần, đức vua Pāsenadi đã tò mò, thử  tài, chỉ với cánh tay, cô đã bắt con voi phải nằm bẹp xuống (Tích truyên Pháp cú 51).

(6) - Nếu có màu thì như hoa sen xanh, nếu trắng thì như hoa Kaṇṇikā.

(7) - Có tham khảo thêm “ Đức Phật và Phật Pháp của ngài Nārada - Phạm Kim Khánh dịch.

(8) - Ông Meṇaḍaka đã già, đã giao toàn bộ sự nghiệp cho con trai.

(9) - Theo chú giải Dhammapada, diễn tả là tiểu thư Visākhā đã đích thân coi sóc tất cả mọi thứ.


Chuyện kể đầy ấn tượng. Năm trăm thầy thợ vàng, bạc khéo tay đã được mời đến, bao nhiêu kim cương, ngọc quý đều được lấy ra cho họ chọn lựa, để họ trổ hết tài nghệ chế tạo những đồ trang sức, trang điểm quý giá (Mahālatāpasādhana), tinh vi, có giá trị nghệ thuật cho cô dâu, suốt bốn tháng trường mới xong!(10) Việc may áo cưới cũng nhiêu khê, phức tạp y như thế mới hy vọng tương thích với tác phẩm nghệ thuật trang sức của những người thợ kim hoàn. Họ còn phải may sắm thêm một trăm bộ xiêm áo cùng đồ trang sức cho một trăm cô phù dâu nữa. Rồi còn thợ giỏi chế nước hoa, dầu thơm, mỹ phẩm các loại cho tất thảy nữ nhân dự lễ hai họ.

Chuyện ăn, chuyện uống phục vụ cho đức vua, các quan đại thần, triệu phú, công nương... đâu phải là dễ dàng gì. Hằng chục trưởng bếp giỏi được thuê mời từ các tiểu quốc, phải tài giỏi, kinh nghiệm, cao tay nghề mới chế biến được những món ăn hợp với khẩu vị cung đình, hoàng gia, quý tộc, đại phú gia, tiểu phú gia! Về chuyện củi đun để lo việc nấu ăn cho hằng ngàn người mỗi ngày cũng không phải đơn giản. Vài tuần đầu là sử dụng gỗ thơm, củi thơm. Sau đó là hằng chục kho củi đã hết nhẵn trong chỉ hơn một tháng. Cô Visākhā tự chỉ huy, bảo phải đi lấy gỗ ván bất cứ nơi nào có gỗ ván để làm củi đốt! Thế là họ phải đi lấy gỗ ván trong khắp thành phố. Và lạ lùng là ai cũng hoan hỷ tháo dở! Được hơn tháng nữa thì lại cạn kiệt gỗ ván, cô Visākhā lại xuống lệnh cho mở tất cả những kho vải thô, nhúng dầu thay cho củi đun! Còn một vài ngày cuối cùng, khi những kho vải thô đã hết, họ phải sử dụng bất cứ vải gì miễn là đốt được, nấu ăn được. Thế là ròng rã bốn tháng trường, đại gia đình triệu phú, trưởng trấn thành Sāketa hào sảng đãi khách, một lần cho con gái về nhà chồng mà sau đó nổi tiếng khắp châu Diêm-phù-đề!(11)

Thế mà đã hết đâu. Riêng hồi môn cho con gái thì sao? Ông triệu phú Dhanañjaya đã cho tiểu thư cưng yêu của hồi môn bao gồm năm trăm cỗ xe tiền vàng, tiền đồng; năm trăm cỗ xe chất đầy chén, đĩa, bát, mâm, thau đều bằng vàng, bạc hoặc đồng, lại còn chum, vại, lọ bằng sành, sứ nữa; nhiều thứ tơ, lụa, gấm, nhung quý giá khác nhau, vải vóc các loại khác nhau; lại còn đường, mật, sanh tô, gạo thơm, nếp thơm, bắp, đậu, ca ri...cùng với cày bừa, cuốc, xẻng và những dụng cụ linh tinh thuộc nông nghiệp. Tháp tùng còn năm trăm cỗ xe khác, mỗi cỗ xe có ba người nữ tỳ trang sức lộng lẫy cùng với tất cả mọi tư trang, tư dụng, vật dụng không thiếu thứ gì. Gia súc được ông cho nguyên một trang trại lớn chứa trong một cái chuồng với ba phần tư dặm chiều dài và tám cây sào chiều rộng đứng kề nhau! Chuyện chưa hết, khi tất cả gia súc được lùa đi, thì khoảng chừng sáu mươi ngàn bò đực và sáu mươi ngàn bò cái ở các chuồng trại kế cận cũng phá rào nhảy theo đoàn gia súc của cô(12).

Trước lúc Visākhā về nhà chồng, người cha sáng suốt còn khuyên dạy con gái “mười điều gia huấn” mà ông Mirāga đã chỏng tai nghe lõm từ phòng bên cạnh. Những lời đó là:

- Không đem lửa từ trong nhà ra ngoài ngõ;

- Không đem lửa từ bên ngoài vào trong nhà;

- Chỉ cho đến những ai có khả năng hoàn trả;

- Không cho đến những người không có khả năng hoàn trả;

- Cho đến những người có thể hoàn trả hoặc những người không thể hoàn trả;

- Ngồi một cách an vui;

- Ăn một cách an vui;

- Ngủ một cách an vui;

- Hằng chăm nom ngọn lửa, coi chừng lửa;

- Và cuối cùng, tôn trọng và kính lễ những vị trời trong nhà(13).

Vào ngày hôm sau, vì thương con gái, sợ con gái cô thế nơi nhà người, ông Dhanañjaya đã cẩn thận cho tám người thân nhân gia chủ lão thành, uy tín đi theo cô như là những người bảo trợ, đồng thời, tham mưu, cố vấn cho cô trong những lúc khó khăn, cũng để xử lý, đối phó với những ai bên nhà chồng chống đối cô, “ăn hiếp” cô hoặc buộc tội cô một cách vô cớ!

Ngày cô rời khỏi nhà, nhân dân cả hằng chục ngôi làng khóc lóc đưa tiễn cô. Triệu phú Dhanañjaya xúc động quá, ông đã đồng ý, cho phép bất cứ những người dân nào của mười bốn ngôi làng của ông (do ông xây dựng, bảo trợ), nếu như họ muốn đi theo với cô ta. Kết quả là có những ngôi làng đã hoàn toàn bị bỏ trống. Nhưng ông triệu phú Migāra, chợt hoảng sợ khi nghĩ rằng, mình phải nuôi thêm mấy ngàn người nên ông không nhận, phủ phàng hơn, ông đã đuổi họ về hết.

Đến Sāvatthi, tiểu thư Visākhā đi vào thành với hằng ngàn cỗ xe; cô đứng dậy trên một cỗ xe lộng lẫy nhất, do thế tất cả mọi người dân đều có thể nhìn thấy cô gái, tuy chưa biết mặt mà danh tiếng của cô đã lẫy lừng ở kinh đô, đã làm cho họ vô cùng cảm mến, ngưỡng mộ. Đoàn xe phải dừng lại do sự chen lấn của hằng ngàn người. Lại càng ngạc nhiên làm sao, không biết bao nhiêu là quà cáp do mọi người trao tặng nữa. Cô tiểu thư đành phải bước xuống xe nhận lễ phẩm với nụ cười khả ái, với đôi lời cảm ơn ân cần, lễ độ. Sau đó, cô đã khởi tâm làm một việc lạ lùng, ngoạn mục không ai ngờ nổi, là sai bảo quyến thuộc, gia nhân, nô bộc, thị nữ hạ hàng hóa xuống, chỉ chừa lại tư trang, tư dụng, châu báu, bạc tiền, tơ lụa, vải vóc cần thiết, còn bao nhiêu vật dụng linh tinh, sanh tô, đường, mật, ngũ cốc, vải vóc cả hằng trăm xe mà cha cho, bảo phân phát hết cho mọi người có mặt và cả những gia đình ven đường. Tiếng mọi người ca tụng, tán thán, cười vui... hôm đó là hiện tượng hy hữu, độc nhất vô nhị ở kinh đô Sāvatthi này!

Rồi về nhà chồng, một thời gian sau, mọi người từ thân bằng quyến thuộc đến gia nhân, người hầu, thị nữ ai ai cũng mến yêu và quý trọng cô. Mọi công việc từ trong ra ngoài, một tay cô quán xuyến chu đáo tất cả mà không hề tỏ ra sai bảo hoặc chỉ tay năm ngón. Tình thương và tâm từ ái của cô như hương thơm dịu dàng tỏa ra bao trùm cả không gian sống, người và vật.

Một đêm kia, tiết trời mưa lạnh, ngoài chuồng nuôi gia súc có tiếng thú kêu bất thường, thị nữ cho biết là có một con ngựa cái sắp đẻ, có lẽ khó khăn nên nó vật vả, đau đớn như vậy. Cô Visākhā vùng dậy cùng các gia nô nam và nữ đốt đuốc ra tận nơi, sai lấy thêm cỏ phủ chuồng cho ấm, sai nấu nướng nóng tắm rửa, lau khô rồi thoa dầu ngăn ngừa độc trùng; đồng thời, tự tay cô ve vuốt, nói lời trìu mến, thiết thân như xoa dịu cơn đau cho nó. Quả nhiên, con ngựa không quằn quại kêu rống nữa, và sau đó, mấy người hầu nam đã giúp nó sinh con một cách an lành! 

Duyên sự khác.

Ông Migāra là đệ tử trung kiên và thuần thành của phái Ni-kiền-tử (Niganṭha Nātaputta); ngày nọ, ông thỉnh về nhà rất đông tu sĩ lõa thể. Khi các vị ấy đến, ông Migāra bảo với cô rằng:

- Hôm nay, ta đã thỉnh mời các bậc A-la-hán đến nhà để cúng dường, con hãy ra chào mời và đãnh lễ quý ngài cho phải đạo.

Thoạt nghe danh từ A-la-hán, cô vô cùng hoan hỷ, trang điểm qua loa rồi bước ra. Nhìn thấy những tu sĩ lõa lồ nghênh ngang ngồi, đứng có vẻ quá tự do trong và ngoài trang viện, nàng vội vã thối lui. Một phụ nữ thanh nhã, đoan trang như cô thật không thể nào chịu đựng được hình ảnh kệch cỡm, thô tục ấy.

Nàng nói với cha chồng:

- Cha đã không lịch sự, thiếu tế nhị khi bắt con phải ra chào hỏi cái đám người hoang dã, rừng rú ấy!

- Hoang dã? Rừng rú? Ông triệu phú trố mắt! Chính con đã phỉ báng các bậc A-la-hán đấy!

- Nếu là bậc A-la-hán thật sự thì hoàn toàn khác thế! Họ thanh sạch, tinh khiết từ tâm hồn đến thể chất, từ tướng mạo, dáng vẻ cho đến sắc phục, thưa cha!   

Thoáng nghe đoạn đối thoại vọng ra, một vị trưởng lão râu tóc xồm xoàm, cho gọi triệu phú Migāra lại rồi nghiêm khắc la rầy như sau:

- Tại sao trong ngôi nhà thuần thiện này lại có mặt một cô con gái vốn là đệ tử của ông Cù Đàm nhỉ?

- Thưa vâng, đệ tử đã sơ suất, đã có lỗi, xin sám hối với sư phụ!

- Sám hối không chỉ là nói suông, phải đuổi “con quỷ cái” ấy ra khỏi nhà!

- Thưa vâng!

“Vâng” thì vâng vậy nhưng khi đám đạo sĩ lõa thể rời khỏi nhà rồi, ông triệu phú tỉnh táo lại, thầm suy nghĩ: “Con dâu của ta là con nhà có giáo dục, đã đối xử phải lẽ với chồng, với cha chồng, với kẻ ăn, người ở, lại còn quán xuyến mọi việc trong ngoài, đâu cũng sạch sẽ, ngăn nắp. Từng món ăn phục vụ chồng, cha chồng đều là thượng vị, tinh tươm như có trái tim ở trong từng món nêm nấu. Chuyện xảy ra vừa rồi, con dâu ta hơi quá khích mà chính các bậc thầy của ta cũng hơi quá khích! Nếu đuổi đi thì con trai ta chắc sẽ phiền lòng, sầu khổ; và ngôi nhà này thật không dễ gì kiếm ra một cô dâu thứ hai như thế! Hy vọng là từ từ ta sẽ cảm hóa cô ta theo cái đạo của mình!” 

Một ngày nọ, ông Migāra đang ăn một bữa cơm sang trọng trên cái mâm có chén bát bằng vàng. Lúc đó cô Visākhā đang đứng quạt hầu cho ông, nhìn thấy một vị sư khất thực đang đứng phía ngoài sân nhà. Cô bèn đứng né qua một bên để ông Migāra có thể trông thấy. Ông Migāra tuy đã thấy nhưng vẫn tiếp tục ăn và không hề để ý đến vị sư; do thế cô đã nói vọng ra bên ngoài rằng:

- Bạch ngài! Xin ngài hãy hoan hỷ bước sang nhà khác, vì cha chồng của con hôm nay đang ăn một món ăn đã “siu nguội”(Purārakaṃ)!

Vậy là “quá đáng”! “Quá đáng”! Ông Migāra đùng đùng nổi giận, đẩy tung mâm chén bát, đứng dậy, quát lớn:

- Sẽ tống cổ ngươi đi thôi! Chuyện ngươi phỉ báng các vị A-la-hán ta còn canh cánh bên lòng, bây giờ ngươi còn phỉ báng cả ta nữa, ta không chịu đựng được nữa rồi!

Cô Visākhā phân trần:

- Chuyện ấy không phải là phỉ báng, thưa cha! Cha đã hiểu lầm rồi!

- Không hiểu lầm gì cả! Cái chữ, cái nghĩa sờ sờ ra đó, ai mà cũng không hiểu cơ chứ!

- Con nói “siu nguội” là nói nghĩa ẩn bên sau!

- Thôi! Câm miệng đi! Ta sẽ đuổi! Ta sẽ đuổi!

Chợt, cô Visākhācứng cỏi đáp lại:

- Đâu có dễ gì, thưa cha!

Ông sừng sộ:

- Tại sao hả? Tại sao ta không thể đuổi được hả?

- Thưa cha! Khi con đến ngôi nhà này “quang minh chính đại”, có sự đưa đón cả hai họ, có sự chứng giám của đức vua - vậy thì nếu con ra đi thì cũng phải “quang minh chính đại” như thế!

Ông Migāra cứng lưỡi, đớ người, quả thật chỉ một câu nói của cô, ông đã lúng túng, không đáp được!

Chợt cô cất giọng vừa dịu dàng vừa rắn rỏi:

- Có thể vấn đề được gói gọn lại, thưa cha! Khi về đây, cha của con đã gởi theo tám vị trưởng lão uy tín để đỡ đầu cho con, đã có nói với họ rằng: “Về nhà chồng, nếu con gái tôi có phạm lỗi lầm gì, xin các vị hãy quan sát, dò xét vấn đề cho cặn kẽ!” Sao cha không đem vấn đề vừa rồi ra giữa hội đồng để cùng với họ đáp, vấn cho công bằng, xem thử con có lỗi hay không có lỗi?

Tám vị trưởng lão được triệu tập.

Cuộc thẩm án bắt đầu.

Việc thứ nhất, ông triệu phú thuật lại chuyện bữa ăn, vị sư khất thực và cô con dâu đã nói là món ăn “siu nguội” rồi kết luận:

- Thưa các vị! Nói thế là phạm thượng, là phỉ báng cha chồng, thật không thể dung thứ được.

Một vị trưởng lão nhíu mày rồi hỏi cô:

- Có phải sự thật cô đã nói đúng nguyên văn như vậy không, Visākhā?

-Thưa, đúng! Con đã nói như thế! Con có nói đến món ăn “siu nguội”, nhưng con nói theo “pháp ngữ” mà cha chồng của con lại hiểu theo “thường ngữ”!

Khi mọi người ai cũng thắc mắc, không hiểu, thì cô đã giảng giải cặn kẽ như sau:

- “Thường ngữ” là nói theo nghĩa thông thường của người đời, còn “pháp ngữ” là nói theo nghĩa nội dung của giáo pháp! Thưa cha, thưa các vị trưởng lão! Cô nói tiếp - Tất cả nhân thân, gia cảnh, tài sản, kể cả thức ăn, vật uống mà chúng ta thọ dụng ngày hôm nay là “quả báo” do “nhân” đã tạo từ quá khứ. Và “nhân” mà chúng ta tạo tác, làm ra ngày hôm nay, kiếp này thì chúng ta sẽ thọ nhận “quả báo” ở tương lai! Vậy, tất thảy những thọ dụng, món ăn ngày hôm nay vốn nó “đã cũ, do được nấu nướng, chiên xào từ kiếp trước”! Hôm ấy, cha chồng của con đang thọ thực, có một vị sư đang đứng trì bình trước sân nhà, dù thấy nhưng ông không cúng dường, nghĩa là không tạo tác, không “nấu ăn món ăn mới” cho kiếp sau; ông giả vờ không thấy, cúi xuống và tiếp tục thọ dụng “món ăn cũ, món ăn đã được nấu từ ngày trước, kiếp trước”. Vậy con bảo là cha con đang ăn món ăn “siu nguội” là nói theo “pháp ngữ” như thế thì con lỗi lầm ở chỗ nào, phỉ báng ở chỗ nào? Hay là con đã nói đúng với sự thật, với như chân như thật nhân quả ba đời? Con nói với thiện ý để cha chồng của con biết tạo nhân mới trong kiếp này để kiếp sau được quả báo hạnh phúc, an lạc hơn! Như vậy, ngược lại, con đã không có tội mà lại là người có công mới phải chớ!

Hội đồng im lặng. Mấy vị trưởng lão tế nhị chỉ đưa mắt nhìn ông triệu phú không nói gì cả.

Hiểu ý ấy, nhưng khá lâu sau ông mới gật đầu:

- Thôi được rồi! Nếu quả thật với ý như vậy thì ngươi không có tội. Ta đã hiểu lầm.

Rồi ông chợt bắt qua lỗi khác:

- Vậy có một đêm, cô là nữ nhân có gia giáo, sao lại thắp đuốc cùng nam và nữ ra vườn sau có việc gì? Chuyện ấy rất ám muội. Hãy giải thích đi!

- Thưa cha! Vậy ấy cha hãy hỏi lại mấy người gia bộc cùng với con ra vườn sau làm gì, là việc ám muội hay là chính đáng!

- Không cần hỏi, cứ khai thật đi!

- Thưa cha! Số là có một con ngựa cái khó sinh, nó kêu rống quằn quại. Con và mấy người hầu đã ra giúp nó sinh nở an lành.

Ông triệu phú không ngờ chuyện tưởng là bắt lỗi được, hóa ra càng rộ lõ cái chính đính và tâm từ ái của cô đối với súc vật.

Ông nín lặng một hồi rồi bắt sang lỗi khác nữa:

- Vậy trước khi về nhà chồng, cha cô có dạy cô mười điều cái gì mà như tiếng lóng ấy, trong đó câu nào cũng như là ám hiệu, ám ngữ, ám nghĩa - không rõ là với mục đích ám muội gì?

- Xin cha cứ nói?

- Ví dụ như câu:“Lửa trong nhà không đem ra ngoài ngõ. Lửa ngoài ngõ không nên mang vào trong nhà” là sao hả? Chẳng lẽ nào sống với mọi người mà không đem lửa cho hàng xóm láng giềng mồi khi tối lửa tắt đèn?

Thế là cô Visākhā phải giải thích:

 Câu thứ nhất có nghĩa là, nếu trong gia đình nhà chồng có chuyện gì, dù hay, dù dở, dù tốt, dù xấu cũng không nên đem ra nói chuyện với người bên ngoài. Nó chính là lửa đấy, nó sẽ tạo nên miệng tiếng không hay; nếu không gìn giữ, nó sẽ đốt cháy danh giá, đốt cháy sự thuận hòa, êm ấm trong gia đình. Là con gái có nết hạnh phải biết rõ như vậy.

Câu thứ hai cũng tương tự vậy. Chuyện nơi chợ búa, chuyện ngoài đường, chuyện hàng xóm, chuyện xấu, chuyện tốt, chuyện hay, chuyện dở của thế gian, chuyện người ta nói thế này về cha, về chồng thường do thiên vị vì tham, vì sân, vì ganh ghét, vì đố kỵ, vì tỵ hiệm, vì nịnh bợ, vì phù phiếm; chúng không bao giờ trung thực, không đáng tin. Vậy thì nghe đâu bỏ đó, đừng mang về kể lại trong nhà tạo nên xáo trộn, lời qua tiếng lại, không hay, không tốt! Nói tóm lại là đừng ngồi lê đôi mách, nghe ngóng ba cái chuyện linh tinh, lang tang, chẳng đâu vào đâu rồi mang về trong nhà kể lại với người này, người khác! Là nữ nhân có gia giáo thì phải biết đấy là lửa, nó sẽ đốt cháy môi trường sống!

Ông triệu phú Migāra lại lặng người, nghĩ thầm trong bụng: “Ôi! họ dạy con cái tốt quá nhỉ?” nhưng ngoài mặt thì dấu cảm xúc, hỏi tiếp:

- Thế còn, cái quái gì là “chỉ cho đến những ai có khả năng hoàn trả; không cho đến những người không có khả năng hoàn trả”?

Cô Visākhā lại phải giải thích cặn kẽ:

Câu thứ ba, thứ tư là: Tài sản, vật dụng hoặc tiền bạc trong nhà phải cẩn thận gìn giữ. Nếu cho ai, cho hàng xóm hoặc người thân quen mượn cái gì, vật gì thì phải biết ngắm xem người ấy, kẻ ấy có khả năng hoàn trả lại không? Hay họ sẽ mượn mà không trả? Tiền bạc cũng vậy, nếu cho ai vay thì phải xem xét gia đình ấy, người ấy, với nghề nghiệp như vậy, kinh doanh làm ăn như vậy thì họ sẽ có sức trả lại lúc đến hạn...Còn ngược lại, nếu thấy người ta không có khả năng thì không nên cho vay!

Ông triệu phú gật đầu:

- Vậy thì hiểu rồi. Nhưng câu thứ năm: Cho đến những người có thể hoàn trả hoặc những người không thể hoàn trả? Sau chỗ này thì cho hết là sao?

- Đây là trường hợp cho đến những thân bằng quyến thuộc hoặc những người đói nghèo, cơ cực! Ví dụ những bà con bên cha, bên chú, bên mẹ, bên dì... của chồng con gặp lúc hoàn cảnh khó khăn, nếu họ có mượn cái gì, vay cái gì đều nên cho họ vay, họ mượn. Nếu họ có trả lại, hoàn lại cũng tốt; nếu họ không có khả năng hoặc họ không trả lại, cũng thôi! Đối với những người đói nghèo, cơ cực cũng tương tợ vậy. Nếu họ có vay, mượn mà không hoàn lại, trả lại thì nên xem như là mình đã san sẻ, giúp đỡ cho họ vậy! Làm như vậy hóa ra là mình thực hiện được một phước sự , một việc tốt đẹp, thưa cha!

Ông triệu phú lại nín lặng, rồi ông hỏi tiếp:

- Vậy chớ “ ngồi một cách an vui, ăn một cách an vui, ngủ một cách an vui” là thế nào? Con dâu ở nhà chồng mà chỉ tính chuyện an vui cho mình thôi sao? Vậy có hợp đạo lý không?

- Thưa cha! Phải nói là ngược lại. “Ngồi một cách an vui” có nghĩa là khi ngồi là phải biết ngồi chỗ nào cho phải lẽ, cho hợp lễ. Phải biết tránh chỗ ngồi của cha, của mẹ. Nếu cha mẹ có đi ngang qua thì phải đứng dậy, cúi đầu chào. “Ăn một cách an vui” là trước bữa ăn phải xem thức ăn đã dọn đầy đủ cho cha cho mẹ và cho chồng hay chưa? Phải còn coi xem kẻ ăn người ở trong nhà có được bữa ăn chu đáo không? Và chính mình là người ăn sau cùng, ấy mới gọi con dâu thảo! “Ngủ một cách an vui” là trước khi ngủ phải quan sát, kiểm soát mọi việc trong nhà, đóng cửa, cài then cẩn thận; xem kẻ ăn người có sai sót việc gì, xem họ có hoàn thành công việc được giao trong ngày hay không? Thấy đâu đó ổn thỏa rồi mới đi ngủ sau cùng! Đấy là ý nghĩa ba câu gia huấn sáu, bảy, tám mà cha con đã dạy và con luôn tâm niệm trong lòng và cũng đã làm được như vậy từ trước đến nay, xin cha minh chứng cho con điều ấy!



(10) - Chú giải có ghi rằng: Món trang sức đặc biệt nầy, người ta sử dụng hết 4 gáo kim cương, mười một gáo trân châu, hai mươi hai gáo san hô, ba mươi ba gáo ngọc quý.  Dùng chỉ bằng bạc để kết. Nút, khuy đều bằng vàng và bạc. Mũ đội đầu có hình dáng một con khổng tước. Hai cánh, mỗi cánh có 500 chiếc lông bằng vàng. Mỏ bằng san hô. Mắt bằng ngọc maṇi. Chân bằng bạc. Đuôi có 500 hình mặt trời được dát bởi các loại châu ngọc khác nhau (Chỉ để tham khảo thêm).

(11) - Trong thời đức Phật Kassapa, cô đã cúng dường y và bát đến hai mươi ngàn vị tỳ-khưu cùng với kim chỉ và các vật liệu may mặc khác; vậy phước báu và những sự kiện hy hữu này như là một kết quả mà cô được nhận lãnh, thọ hưởng trong kiếp sống này (Chú giải Dhammapada.i.395).

(12) - Số là trong một kiếp, vào thời Phật Kassapa, cô là cô công chúa thứ bảy tên là Saṅghadāsī, con của đức vua Kikī, cô đã cúng dường năm sản phẩm của bò cái đến hai mươi ngàn vị sư, thỉnh quý ngài thọ dụng. Khi đã dâng cúng sung mãn rồi, cô còn “kỳ kèo, năn nỉ” dâng cúng thêm vài món khai vị nữa -  nên chuyện sáu chục ngàn bò đực và sáu chục ngàn bò cái phá chuồng chạy theo - là do cái phước “dư thừa” trên vậy (Chú giải Dhammapada. i.397). 

(13) - Những lời kỳ diệu này về sau được bà Visākhā giải thích rõ ràng cho cha chồng của cô ( chú giải Dhammapada. i. 403f). 10 điều trên có tham khảo thêm Đức Phật và Phật Pháp của ngài Nārada - Phạm Kim Khánh dịch.


- Vâng! Ông triệu phú gật đầu - Đúng là cô đã làm được như thế và làm rất chu đáo là khác nữa. Thế còn hai câu cuối: “Hằng chăm nom ngọn lửa, coi chừng lửa; tôn trọng và kính lễ những vị trời trong nhà” là thế nào?

- Đấy là phải xem cha mẹ chồng và chồng như lửa, có thể đốt cháy mình. Lửa đây ý nói là phải rất thận trọng, rất cẩn trọng lúc ăn nói, lúc đi đứng, lúc giao tiếp đừng để xảy ra bất kỳ một sơ suất, một khiếm khuyết nào. Một chút bất cẩn, vô tâm hay vô ý đụng chạm đến cha mẹ hoặc chồng là mình sẽ bị cháy đấy! Vậy hãy chăm nom và coi chừng ngọn lửa ấy, thưa cha! Và cuối cùng, là phải xem cha mẹ và chồng như những vị trời ở trong nhà, tôn kính và thờ phụng các vị trời ấy như thế nào thì tôn kính, thờ phụng cha mẹ và chống cũng y như thế ấy! 

Cô Visākhā giảng giải rành rẽ đâu đó mười điều gia huấn xong, ông triệu phú lặng người. Hóa ra cái ý nghĩa nó thâm sâu đến vậy, là kinh nghiệm, sáng suốt khôn ngoan ngàn đời để lại. Tất thảy đó đều là những lời dạy minh triết, đáng làm châm ngôn nạm ngọc thếp vàng cho những nàng dâu đầy đủ công, dung, ngôn, hạnh trước khi về nhà chồng!

Ông triệu phú Migāra cúi đầu, tự nghĩ:“Thế thì mình đã hiểu lầm một cách trầm trọng rồi” bèn nói:     

- Nếu sự thật là vậy thì cha xin lỗi con!

Biết ông nói câu ấy là lời nói thật tận đáy lòng,  nhưng cô Visākhā vốn là người biết tự trọng nên cô đáp:

- Muộn rồi, thưa cha! Sau khi con đã chứng minh rõ ràng là con không có lỗi, vậy là đủ rồi! Nhưng việc cha đuổi con quả thật đã xâm phạm đến đức hạnh của con. Đấy là chưa nói đến áp lực bên sau của mấy ông lõa lồ đạo sĩ đã gọi con là “con quỷ cái”! Con phải cuốn gói để trở về nhà cha mẹ con thôi!

Và cô vào nhà trong thu xếp tư trang, tự dụng với thái độ rất quả quyết. Thế là đến lượt ông triệu phú năn nỉ, chồng cô năn nỉ rồi cả đại gia đình năn nỉ, cô vẫn nhất định không chuyển ý. Tuy nhiên, khi cô chào mọi người, vừa bước ra đến cửa thì công tử tiểu chủ Puṇṇakavaddhana buồn buồn đưa mắt nhìn cha! Ông triệu phú Migāra thương con, chạnh lòng đành phải mở miệng xin lỗi cô con dâu một lượt nữa.

Trong lúc tưởng là tạm yên, ai ngờ các vị Ni-kiền-tử tìm đến, lại thúc hối ông triệu phú tức khắc đuổi “cô con gái ma quỷ, đệ tử của ông Cù Đàm” ra khỏi nhà! Đầu óc triệu phú Migāra vô cùng tăm tối, ông bị căng thẳng, bối rối không biết lựa chọn thế nào: Một bên là những “bậc thầy A-la-hán khả kính, những con người đã giải thoát tất cả mọi dục ái, mọi hình thức che đậy của thế gian”; một bên là việc quán xuyến trong ngoài, sự thuận hòa, êm ấm của gia đình, chăm sóc tốt công việc với kẻ ăn người ở mà chỉ có cô con dâu tuyệt vời này mới có khả năng làm được việc đó! Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ thấu đáo, lòng ông đã nghiêng nặng bên phía gia đình, cho gọi cô lại và ông đã mở lời xin lỗi lần thứ ba.

Cô Visākhā có “thế trí” sắc bén và thâm sâu, vì là một cận sự nữ của đức Phật, một Thánh đệ tử, có giận thì cái giận ấy cũng không lâu, lòng cô vốn bao dung quảng đại, cốt là để dạy cho đại gia đình này một bài học. Thứ nữa, cô còn có dụng tâm kín đáo, riêng bậc trí không ai tiên lường được; nên khi ông triệu phú xin lỗi lần thứ ba, cô biết “già néo quá thì đứt dây” nên lễ độ nói rằng:

- Thật con không còn dám phiền trách cha điều gì nữa khi cha đã hạ mình xin lỗi con! Nếu con cứng đầu, ngang ngạnh nữa thì tỏ ra cố chấp và bất hiếu! Vậy nếu con bằng lòng ở lại thì con chỉ xin cha chấp thuận cho một điều.

- Con cứ nói!

- Xin cha cho con được tự do sinh hoạt theo truyền thống tín ngưỡng của con.

- Ta đồng ý!

Cô Visākhā nói tiếp:

- Và con có quyền thỉnh mời đức Phật và Tăng chúng về tư gia để đặt bát cúng dường!

Ông cũng gật đầu:

- Được! Nhưng mà chính con và gia nhân đón tiếp, còn ta thì không nghinh rước ai hết!

- Con cũng đồng ý như thế! Và chi phí buổi cúng dường này con không đụng đến gia sản của cha mẹ và của chồng con!

- Thôi được rồi!

Câu chuyện đến ngang đây là sau mùa an cư hạ thứ mười bốn của đức Phật ở Kỳ Viên tịnh xá. Ai cũng chưa hiểu lý do, là tại sao đức Phật cứ ở nán lại mãi, hết hạ, qua thu, sang đông rồi mà đức Phật vẫn chưa rời chân đi nơi khác. Hóa ra là ngài đang chờ đợi, chờ đợi sự xuất hiện một nữ đại thí chủ khác, sau ông Cấp Cô Độc, và nếu không có đủ hai vị đại hộ pháp này thì giáo pháp đâu có được toàn mãn?!

Đức Phật biết chuyện gì xảy ra tại ngôi nhà của cô con dâu Visākhā, cả nhân, cả quả, cả duyên, cả báo của nó sau này nữa, nên khi cô Visākhā thỉnh mời, ngài nói với tôn giả Sāriputta:

- Ông hãy thu xếp công việc ở Kỳ viên tịnh xá, sau đó chuẩn bị một hội chúng có cả Ānanda, Rāhula, rồi chừng mấy hôm nữa, chúng ta sẽ lên đường, Như Lai đã lâu chưa ghé Sakyā và Koliya.

Buổi đặt bát cúng dường đức Phật và năm trăm vị tỳ-khưu tại nhà ông triệu phú Migāra diễn ra vô cùng “hoành tráng” và trọng thể. Cô Visākhā muốn cho bên nhà chồng thấy hảo tướng quang sắc tôn nghiêm của đức Phật và Chư tăng với tóc râu sạch sẽ, y bát trang nghiêm, thanh tịnh đáng cho thế gian cung kính, lễ bái, thật khác xa với hình ảnh lõa lồ, kệch cỡm, thô tục của thầy trò Ni-kiền-tử.

Và rồi, hiệu quả đúng như cô mong đợi. Chư tăng hàng lớp đều đặn, chậm rãi bước qua sân thọ nhận vật thực một cách từ tốn, lặng lẽ không một tiếng động. Mấy trăm gia nhân, thị nữ đã được cô tiểu chủ hướng dẫn chu đáo nên họ bước lui, bước tới, đặt bát cúng dường, lễ lạy đều biết giữ nền nếp, phong cách.

Đức Phật mỉm cười hài lòng.

Thời pháp hôm đó, cốt ý là cho cô Visākhā và cả gia đình ngoại đạo nầy, nên đức Phật kể nhiều câu chuyện nói về tà, về chánh, về cái gì là thuận hợp thế gian, cái gì là không thuận hợp thế gian; người có con mắt nhiều bụi, ít bụi và không lấm bụi là như thế nào. Tiếp theo, đức Phật giảng thêm pháp thuận thứ, trình bày những khổ cảnh, nhân và quả của khổ cảnh; cõi người, cõi trời, nhân và quả của nó. Như giữa chỗ tối tăm, hôn ám, đức Phật treo lên đấy một ngọn đèn, một vầng trăng! Lối đến, lối đi đều sáng rỡ, thường chỉ để dành cho người có trí...

Lúc đức Phật giảng pháp, vì tò mò hơn là tọc mạch, ông triệu phú ngồi sau bức rèm lén nghe trộm xem thử cái ông Cù Đàm kia giảng pháp ra làm sao? Ông không biết nhưng đức Phật biết! Bài pháp không chỉ hướng đến Visākhā mà còn cả cho ông nữa! Ông còn cảm nhận được làn khí mát mẻ, dễ chịu bao phủ

cả thân tâm mình mà không biết tại sao! Bài pháp chấm dứt thì ông đắc quả Tu-đà-hoàn với sự hân hoan, phỉ lạc chưa từng có.

Để bày tỏ lòng tri ân vô hạn đối với đức Phật và đối với cả cô dâu Visākhā, triệu phú Migāra đã làm một lúc mấy công việc kỳ thú và rất ấn tượng. Thứ nhất, ông vạch màn bước ra, nằm bẹp xuống và ôm hôn chân bụi của đức đạo sư với dòng nước mắt tuôn trào, sụt sùi, lặng lẽ... Sau đó, ông quỳ xuống vái lạy cô con dâu; và lắp bắp rồi nói rất cảm động rằng, cô chính là bà mẹ của ông, đã sinh ra ông, đã tạo duyên, mở mắt cho ông thấy được giáo pháp bất tử. Từ đây, ông xem Visākhā như bà mẹ thứ hai của mình và đã đối xử, kính trọng cô cũng y như thế, nên mọi người thường gọi cô là Migāramātā (mẹ của Migāra)(14). Việc thứ hai là ông đã vung rộng tay, bỏ ra kim ngân châu báu và hằng trăm ngàn đồng tiền vàng, bảo công tử Puṇṇakavaddhana thuê thợ giỏi làm cho cô dâu một chiếc áo quý giá cùng những món đồ trang sức khác, được gọi là Ghanamaṭṭhaka(15). Và vào một ngày đẹp trời, triệu phú Migāra còn tổ chức một lễ hội đặc biệt, đại công tử Puṇṇakavaddhana với khuôn mặt rạng rỡ, hân hoan cầm tay dẫn cô Visākhā bước ra sau khi được tắm trong mười sáu bồn nước hoa khác nhau(16), ra mắt quan khách, chào mọi người trong bộ đồ trang sức, trang điểm Ghanamaṭṭhaka quý giá ấy, như là tạo vinh dự lớn lao cho cô đối với họ hàng, thân tộc, đối với tai mắt bằng hữu trong kinh đô.

Chuyện kể cũng có nói là hôm sau, cô Visākhā triệu thỉnh đức Phật và tăng chúng để đặt bát, cúng dường nữa. Lần này thì sau khi nghe pháp, bà mẹ chồng đắc pháp nhãn.

Và như vậy là do nhờ có trí tuệ, thông minh, khôn khéo, có tâm từ, biết nhẫn xả, cô Visākhā đã dần dần cảm hóa tất thảy mọi người trong gia đình tà kiến này, biến họ thành những đệ tử thuần thành của giáo hội đức Đạo Sư; và cả đại gia đình đều được sống trong an vui, hạnh phúc.


(14) - Trong chú giải Dhammapada, i.406,  có nói là “ Migāra đã kê miệng ngậm vú cô Visākhā và tôn nàng làm mẹ của mình”- không biết hư thực thế nào về việc ngậm vú ấy! Nhưng khi cô có con trai đầu lòng, vì ông Migāra kính trọng cô như mẹ nên đứa bé được đặt tên là Migāra; và cô được gọi là Migāramātā (mẹ của Migāra)! Chú giải Anguttara Nikāya, i. 313, có xác định Migāra là con trai đầu lòng của cô.

(15) - Cũng ghi chú trên, nói rằng, sau này, cô Visākhā đã bán Ghanamaṭṭhaka để xây Migāramātupāsāda (tham khảo). Lưu ý, ghi chú này không chính xác - vì Matālatāpasādhana là chiếc áo cưới cùng kim ngân châu báu trang điểm do năm trăm thợ kim hoàn thực hiện trong bốn tháng - mới có trị giá 9 (chín) triệu đồng tiền vàng mới xây dựng Matālatāpasādhana được. Ghi chú đâu đó cũng có nói rằng, ông Migāra nhận thấy bộ trang sức, trang phục Matālatāpasādhana mang từ nhà chồng về, nặng quá - nên ông muốn sắm bộ Ghanamaṭṭhaka này cho nó nhẹ hơn,  tiện hơn.

(16) - Câu chuyện này của Visākhā được tóm tắt từ chú giải Dhammapada. i. 384 ff. Nhưng chú giải Anguttara Nikāya, i. 219 ff. chứa đựng một câu chuyện tương tự nhưng đề cập chi tiết hơn.




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024