BỐN CÂU HỎI CỦA TRỜI ĐẾ THÍCH

 

Khuya hôm ấy, vườn rừng Nigrodhārāma bỗng rực sáng lên: Thiên chủ Đế Thích cùng thiên chúng nam nữ tùy tùng đồng giáng hạ đại lâm viên, chợt biến nơi này như trở thành khung cảnh của một huê viên ở cung trời Đao Lợi.

Chư thiên nữ thì yểu điệu, lả lướt, lộng lẫy trăm màu, xiêm y như tỏa ánh sáng ngũ sắc, bay lượn phất phới, lung linh, vừa tung hoa vừa rải hương thơm nức cả tầng mây, cả mù sương chờn vờn, lãng đãng. Những nhạc sư, nhạc công Càn-thát-bà thì tấu những khúc nhạc trời réo rắt, du dương, trầm bổng cả không gian làm cho cây lá, cỏ hoa đang điệp điệp giấc mộng hồ cũng rùng mình tỉnh thức...

- Thôi vừa rồi! Thôi đủ rồi! Đế Thích thiên chủ! Nửa khuya, chư tỳ-khưu Tăng đang cần sự yên tĩnh! Còn Như Lai thì không cần sự cúng dường hoa trời, hương trời và nhạc trời ấy đâu!

Đế Thích đã xuất hiện bên trong hương phòng của đức Phật với nghi vệ cao sang; phục trang, mũ miện huy hoàng, quỳ đảnh lễ đức Tôn Sư rồi thưa bạch:

- Đấy là tấm lòng của đệ tử, xin đức Tôn Sư lượng thứ cho! Đệ tử không biết lấy gì cúng dường để biểu tỏ sự tôn kính?

- Đấy cũng là sự tôn kính, cũng là một cách cúng dường nhưng không phải là thù thắng, là cao thượng, này thiên chủ!

- Đệ tử xin được lắng nghe!

- Này thiên chủ! Đức Phật bắt đầu thời pháp - Ở cõi người ít phước báu, thân sắc của họ thô tháo, uế trược, nặng nề mà đối tượng hưởng thụ ngũ trần cũng thô tháo, uế trược và nặng nề như thế. Khi bố thí cúng dường đến Như Lai và đệ tử của Như Lai, họ bố thí, cúng dường vật thực, y áo, thuốc men, sàng tọa; ngoài ra còn có trầm chiên đàn, các loại hương liệu, chuỗi hoa, tràng hoa, đèn, dầu cũng nhiều vật dụng linh tinh khác nữa. Thiên chủ và thiên chúng ở cõi trời nhiều phước báu hơn, thân sắc vi tế, tinh tế hơn mà ngũ dục thụ hưởng cũng vi tế, tinh tế như thế.

Như Lai tuy mang thân xác con người nhưng do nhờ tích lũy công hạnh ba-la-mật trải qua hai mươi bốn đức Chánh Đẳng Giác nên sự cấu tạo vật chất tứ đại ở nơi thân xác của Như Lai khác xa với phàm nhân. Ba mươi hai quý tướng và tám mươi vẻ đẹp minh chứng cho điều ấy.

Này thiên chủ! Sau khi giác ngộ dưới cội cây Assattha với tám minh và mười lăm hạnh, Như Lai trở thành bậc thầy của chư thiên và loài người, đồng thời là kẻ thong dong, vô ngại giữa các thế giới. Nếu muốn, Như Lai có thể biến hóa thành một thân, trăm thân, ngàn thân... hoặc bất kỳ cái thân nào trong ba cõi cũng được cả. Suốt mười lăm năm qua, kể từ ngày đắc quả, không biết bao nhiêu lần, chính thiên chủ và thiên chúng đã bố thí, cúng dường vật thực cõi trời, hương vị cõi trời đến cho Như Lai, và Như Lai cũng đã từng thọ dụng. Thân sắc của Như Lai người ta bảo là như mạ vàng ròng, luôn luôn tươi sáng, tươi nhuận, hồng hào, một phần là nhờ vật thực của cõi trời đấy!

Tuy nhiên, bố thí cúng dường vật chất, hương vị cõi người hay cõi trời chỉ có công năng giới hạn, phước báu giới hạn; mà quả trổ sanh rốt ráo, tột cùng cũng chỉ giới hạn nơi sáu cõi trời dục giới đó thôi, này thiên chủ!

Giảng đến ngang đây, đức Phật yên lặng. Không gian yên lặng. Đế Thích yên lặng mà thiên chúng đoanh vây xung quanh cũng yên lặng.

- Đệ tử hiểu rồi! Rất lâu sau, Đế Thích chợt nói - Có phải đằng sau lời giảng giải của đức Thế Tôn còn hàm tàng những ý nghĩa như sau: Phước báu bố thí, cúng dường kia dù tối thượng cũng chỉ hưởng được hạnh phúc cõi người, cõi trời. Và dù đạt được hạnh phúc cõi trời như chư thiên ở đây thì vẫn còn rất nhiều phiền não chi phối. Bên ngoài dù thọ hưởng các thú vui thiên lạc nhưng bên trong tâm họ vẫn bị ác ý, xan tham, tật đố, thương ghét, ích kỷ, bỏn xẻn, sầu buồn chi phối như thời pháp năm xưa đức Tôn Sư đã từng giảng giải cho đệ tử nghe?

- Đúng vậy, này thiên chủ!

- Đệ tử còn biết rõ rằng, khi đức Chánh Đẳng Giác xuất hiện ở đời thì cõi trời tăng thịnh do phước báu của những người có đức tin, được nghe pháp, biết trì giới, biết bố thí, cúng dường! Nhưng đức Thế Tôn cũng có những thời pháp giúp cho mọi người bước lên những cảnh giới cao hơn; và nơi chỗ an trú cao hơn ấy, nội tâm của họ đã dịu bớt phiền não, giảm trừ được phiền não và có người đã diệt tận phiền não!

- Phải rồi! Đức Phật gật đầu - Khá khen cho thiên chủ đã đưa vấn đề nhắm đến những lợi ích cao thượng hơn. Và do vậy, dường như thiên chủ sẽ có những câu hỏi muốn hỏi Như Lai vì lợi lạc cho phần đông?

- Đúng vậy, bạch đức Đạo Sư! Vấn đề là như sau. Trong cõi trời của đệ tử chỉ có một lần chiến tranh với A-tu-la thiên; còn không có những họa hại như hồng thủy, lũ lụt, gió bão, động đất, cháy rừng, hạn hán, dịch bệnh... xảy ra như ở cõi người. Tuy vậy, ở đây cũng không được thanh bình và an lạc lắm đâu; nhiều chuyện rất là khó chịu, bực mình do các vị thiên tranh chấp, ganh tỵ lẫn nhau. Tâm tham, tâm sân, tâm si ở nơi họ dường như vẫn còn nguyên vẹn, chúng đang ở dạng tiềm ẩn, chưa có cơ hội bộc phát đó thôi!

Vậy, vì lợi lạc cho phần đông, nhất là cho chư thiên, xin đức Thế Tôn cho đệ tử được hỏi:

Trong tất cả sự bố thí, cúng dường thì sự bố thí, cúng dường nào là thù thắng, là cao thượng hơn cả?

Trong tất cả mọi hương vị, hương vị nào thù thắng, là cao thượng hơn cả?

Trong tất cả mọi sự hoan hỷ thì sự hoan hỷ nào là thù thắng, là cao thượng hơn cả?

Và, trong tất cả mọi sự thù thắng, cao thượng thì cái gì là thù thắng, cao thượng hơn tất cả?

Lắng nghe trời Đế Thích nói xong bốn câu hỏi, đức Phật mỉm cười:

- Hay lắm! Hãy nghe đây! Này thiên chủ! Với câu hỏi thứ nhất thì thiên chủ đã hiểu rồi, đã biết rồi, đấy là tất cả mọi vật thí dù tối thắng đến đâu cũng chỉ đưa đến phước báu trời, người; còn bố thí pháp mới đem lại được cho thế gian con mắt sáng, ngọn đèn sáng trên lộ trình luân hồi xuôi ngược. Vậy thì chỉ có bố thí pháp mới cao thượng đệ nhất. Như Lai nhờ bố thí pháp cho nhóm năm ông Koṇḍañña tại Vườn Nai, sau đó giáo hội mới thành lập, đem đến lợi lạc cho chư thiên và loài người. Như Lai nhờ bố thí pháp nên đức vua Bimbisāra dâng cúng Vườn Trúc, trở thành một cơ sở hoằng pháp ở phương Đông Nam. Như Lai nhờ bố thí pháp nên trưởng giả Cấp Cô Độc mới lấy vàng đổi đất, xây dựng tịnh xá Kỳ Viên, tạo một cơ sở hoằng pháp ở phương Tây Bắc. Tóm tắt như vậy để biết rõ rằng, chỉ có bố thí pháp mới tạo duyên cho trời người an lạc thật sự, đạt được những hạnh phúc cao hơn khi bước vào dòng giải thoát.

Đấy được gọi là: “Pháp thí” chiến thắng, chinh phục tất cả sự bố thí (Sabbadānaṃ dhammadāna jināti).

- Đệ tử lãnh hội rồi!

- Tiếp theo, này thiên chủ! Tất cả những cái được gọi là thơm ngon, béo bổ ở trên đời, tất cả mọi hương, mọi vị trên cuộc đời không ai dùng hoài mà không chán. Ngoài ra, khi thọ dụng, sẽ phát sanh tham ái, dính mắc, sẽ đưa đến phiền não và đau khổ. Chỉ có hương vị của pháp, pháp vị (dhammarasa)(1) mới giúp cho ta những cảm thọ thanh lương, những niềm vui nhẹ nhàng, trong sáng. “Vị” của pháp? Vậy “vị” ấy ở đâu? Ai “nếm” thì sẽ biết. Nó ở trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo(2). Nó ở trong bốn đạo, bốn quả(3). Nó là “vị giải thoát”(4) ở trong Niết-bàn.

Do vậy: “Pháp vị” chiến thắng, chinh phục tất cả chất béo bổ, thơm ngon, mọi hương vị trên cuộc đời (Sabbarasaṃ dhammarasa jināti).

- Pháp vị này đệ tử đã được nếm thưởng rồi(5), bạch đức Thế Tôn! Từ độ ấy đến nay, hương và vị của nó vẫn còn phảng phất trong mỗi bước đi, trong mỗi nụ cười, trong mỗi hơi thở!

- Ừ! Đức Phật gật đầu! Như Lai minh chứng cho thiên chủ điều ấy, sự thực ấy!

Yên lặng một lát, đức Phật tiếp tục:

- Câu hỏi thứ ba! Dường như ai ai cũng biết rằng, tất cả mọi mê thích, mọi lạc thú ở cõi người đều tạm bợ, phù du, dễ đưa đến nhàm chán, mệt mỏi, hao tổn tâm cơ và khí huyết. Cõi trời cũng tương tự thế, cũng cùng một tính chất nhưng thanh lương hơn, tinh tế hơn mà thôi. Những đam mê danh vọng, quyền lực; những mê say châu báu ngọc ngà; những thỏa mãn trong đời sống tình ái vợ chồng; những niềm vui địa vị, phú quý... thường tỷ lệ thuận với si mê và khát vọng, chúng đưa đến nhiệt não và đau khổ, chúng sẽ kéo dài dòng tử sinh trầm luân bất định. Chỉ có pháp hỷ, tức là niềm vui pháp; an lạc, an tịnh trong pháp mới xứng đáng cho bậc trí thỏa thích, hoan hỷ thọ dụng. Vậy, pháp hỷ là gì? Là các trạng thái tâm hỷ, lạc, xả, nhất tâm trong các cõi thiền; là các trạng thái hạnh phúc siêu thế trong bốn đạo, bốn quả và Niết-bàn!

Do vậy: “Pháp hỷ”(1) chiến thắng, chinh phục tất cả lạc thú, mê thích, khoái lạc trên cuộc đời (Sabbaratiṃ dhammarati jināti).

Và cuối cùng, câu hỏi thứ tư, chính thiên chủ, một vị pháp nhãn, cũng đã biết rồi: Là làm hư mòn, suy kiệt, xa lìa mọi khát vọng, đoạn tận vô minh, ái dục, chấm dứt tất cả đau khổ, phiền não là sự chiến thắng, chinh phục cao thượng và rốt ráo nhất (Taṇhakkhayo sabbadukkha jināto!).

Ở chỗ này, cho dù chưa thân chứng, kinh nghiệm cuối cùng ấy, nhưng thiên chủ cũng có thể “nhận thức” được rồi chứ?

- Cảm ân đức Thế Tôn! Tri ân đức Thế Tôn!



(1) - Rasa: Chất bổ dưỡng, hương vị.

(2) - Ngũ căn, ngũ lực, tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, thất giác chi, bát chánh đạo.

(3) - Tu-đà-hoàn đạo, Tu-đà-hoàn quả, Tư-đà-hàm đạo, Tư-đà-hàm quả, A-na-hàm đạo, A-na-hàm quả, A-la-hán đạo, A-la-hán quả.

(4) - Vimuttirasa.

(5) - Đệ tử đã đắc quả Tu-đà-hoàn.

(1) - Dhammarati tạm dịch là pháp hỷ; nhưng “rati” không phải là hỷ hay lạc trong các thiền chi,  mà nó có nghĩa là sự mê thích, đắm say hay khoái lạc trong đời sống ngũ dục.Có lẽ ở đây có nghĩa là, mê thích pháp, đắm say pháp nó cao quý, cao thượng, thắng vượt tất cả một mê thích, đắm say ngũ dục trên cuộc đời!





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024