|
MÙA AN CƯ THỨ MƯỜI SÁU(Năm 572 trước TL)
HÓA ĐỘ DẠ-XOA ĀḶAVAKA
Một ngày, khi cơn nắng nóng gay gắt buổi chiều đã giảm bớt, tôn giả Mahā Moggallāna đến hương phòng của đức Phật, đảnh lễ ngài rồi thưa trình một chuyện quan trọng: - Tiểu quốc Āḷavī hiện giờ rất rối loạn, khắp nơi như sắp xảy ra một trận tang tóc, một cơn đại nạn. Tất cả đấy là do dạ-xoa (yakkha) Āḷavaka(1)“ăn thịt người” gây nên; nó có nhiều thần lực, bản chất hung dữ, độc ác và lại rất kiêu căng, bạch đức Thế Tôn! - Ừ, ông cứ nói! - Trước đây, nó dám bảo là “tao coi thường Tứ đại thiên vương, tao coi thường cả ông trời Đế Thích”, bạch đức Thế Tôn! Như Lai mỉm cười: - Nó nói mạnh miệng như vậy thôi, chứ nó là quân tướng, thuộc hạ của thiên vương Kuvera trấn ngự Bắc phương đấy. - Đệ tử biết! Nó nói thế chứ lá gan của nó thường nằm ở bên ngoài, nghe thiên vương Kuvera ở đâu là nó trốn chạy, nó lẻn đi đằng khác! - Ừ! Nó chạy còn nhanh hơn gió! - Có lần, nó thò chân đạp vào đỉnh núi Himalaya đến rung rinh, chao đảo rồi cười vang vang cả gầm trời rồi ngạo mạn bảo: “Bọn địa tiên, sơn thần, thọ thần ở đây, oai lực không bằng cái ngón chân của ta!”, bạch đức Thế Tôn! - Ừ, Như Lai biết! - Tính nó nóng nảy như quỷ thiên lôi; nó chẳng biết gì ân đức của cha của mẹ, chẳng biết trọng vọng, tôn kính một sa-môn, bà-la-môn nào! Đối với nó thì đạo đức, thiện pháp, tình thương gì gì, nó bảo là nó sẽ nhai tuốt luốt! - Ừ, đúng là vậy! - Do hôm nọ trong lúc mải cuộc săn bắn, đức vua Āḷavaka xứ Āḷavī(1) đi lạc vào lãnh địa của dạ-xoa Āḷavaka (Āḷavakayakkha), ngồi nghỉ mệt dưới cội cây đa, bên dưới tòa lâu đài, thuộc phạm vi quyền lực của nó nên nó định bắt ăn thịt(2). Đức vua Āḷavaka năn nỉ xin nó tha cho tội chết và ông hứa mỗi ngày sẽ đem nộp một mạng người. Các quan chức triều đình sợ hãi quá, bèn hiến kế đem dâng cho Āḷavakayakkha những kẻ tội đồ mang án tử hình, những tù binh phạm tội chung thân ngục tối. Sau khi số tù binh đã hết, các vị thị trưởng (Nagaraguttika) cho người bắt trẻ con để giúp vua dâng nộp. Cứ tình thế này là đã họa lấy đến dân chúng. Nhiều bà mẹ đã ôm con trốn sang phương khác. Đệ tử muốn đến đấy trị tội nó, cảm hóa nó thì thật là lợi lạc cho bao nhiêu người, đem lại an bình cho tiểu quốc ấy! Xin đức Tôn Sư cho phép. - Như Lai cũng có dự định như vậy! Tuy nó ngạo mạn, ngang bướng, cứng đầu nhưng cũng thuộc loại phi nhơn hữu tình có trí thức! Tuy tội ác nó quá lớn nhưng lại có căn cơ đắc pháp nhãn. Nó có duyên với Như Lai nhưng không có duyên với ông. Vậy, vài hôm sau, ông và Sāriputta sẽ dẫn một hội chúng chừng năm bảy trăm vị tỳ-khưu đến Āḷavī, vì mùa mưa này, chúng ta sẽ an cư ở đấy; và sẽ có rất nhiều việc để làm. Sáng hôm sau, đức Phật lặng lẽ ôm bát xuôi Nam. Do trời nắng nóng, chặn đi, chặn nghỉ, lộ trình bụi bặm, lại xa chừng ba mươi do-tuần nên hơn hai mươi hôm sau, ngài mới đặt chân đến Āḷavī, ngụ trong điện thờ Aggāḷava, cách bờ Bắc sông Gaṇgā chừng mười hai do-tuần. Đêm đầu tiên, nửa khuya, các vị trời, thọ thần xung quanh vùng đến đảnh lễ đức Phật và họ đã tường trình tất thảy mọi điều mắt thấy, tai nghe ở đây cho ngài hay, tương tự như Moggallāna đã báo vậy. Để xác chứng sự thực, nửa giấc canh ba về sáng, đức Phật sử dụng khả năng thần nhãn thuần tịnh siêu nhân, quét võng lưới khắp nơi, thấy xa thấy gần, thấy nhân thấy quả của tất thảy mọi việc còn rõ ràng, chính xác hơn cả sự tường trình của chư thiên, thọ thần nữa. Hóa ra không những tại triều đình, cả cư dân trong thành phố đều đang lo lắng, sợ hãi vì đức vua mỗi ngày phải nộp một mạng người cho dạ-xoa Āḷavaka ăn thịt theo như lời hứa. Đã đến phiên nộp trẻ con rồi. Chuyện này cần phải có biện pháp hóa giải, trấn an. Ngoài ra, sinh hoạt Tăng lữ tại đấy cũng bê bối, thoái hóa cần phải được chấn chỉnh đưa vào nền nếp. Vì muốn ẩn giấu hành tung, chưa nên cho chư tỳ-khưu ở đây biết vội, nên đức Phật lặng lẽ ôm bát đi trì bình khất thực, sau đó đi thẳng đến trú xứ của Āḷavakayakkha. Đó là một cụm cây đa tàn cao, bóng cả che phủ cả một vùng đất rộng lớn; ở tại đấy, mắt người thường không thể thấy được, nhưng nó là cả một tòa lâu đài lộng lẫy, nguy nga, tráng lệ của dạ-xoa Āḷavaka. Tại một tảng đá ven đường, độ thực xong, đức Phật ngồi thọ hưởng lạc về thiền, lạc về quả, sau đó, ngài còn biết rằng: “Ngày mai, khi mặt trời lên, một mạng người phải được mang đến nộp cho Āḷavakayakkha ăn thịt. Đức vua xứ Āḷavī không nở lấy mạng sống của dân, mạng sống con cái của các vị quan chức nên đã tình nguyện mang chính con trai ruột(1) mới ba tuổi của mình đến, là hoàng tử Āḷavakakumāra. Cả vua, hoàng tử này đều có duyên với giáo pháp. Cả Āḷavakayakkha cũng thế! Ta phải đặt họ vào chánh pháp!” Nghĩ thế xong, đợi gần chiều tối, đức Phật mới chậm rãi bước đến cội cây đa hùng vĩ. Tại đây, nơi hiên tòa lâu đài có dạ-xoa tên là Gadrabha, nó có biết đức Phật và rất tôn kính đức Phật, nên khi thấy bóng dáng ngài, nó bước xuống đất, ân cần chào hỏi rồi lễ độ nói: - Mặt trời sắp đi vào hang đen rồi, mà sao đức Thế Tôn còn đi đâu một thân, một mình như thế? Đức Phật đáp: - Ừ, Như Lai đi có việc! Do trời chiều tối rồi nên Như Lai muốn nghỉ nhờ trên tòa lâu đài một đêm có tiện chăng? - Thưa, không tiện đâu! Āḷavakayakkha, chủ của con, đang đi dự đại hội dạ-xoa (yakkha) tại núi Himavā(2) chưa về, ổng khóa cửa rồi! Con chỉ là một tên gát cửa ở ngoài hiên thôi! - Khóa cửa hay không khóa cửa không phải là vấn đề đối với Như Lai. Chỉ cần ngươi đồng ý là được rồi! - Thưa, con là ai mà dám đồng ý hay không đồng ý? Con không được quyền làm những gì mà chủ của con chưa cho phép! Con mà tự ý làm trái ý ổng, ổng sẽ vặn cổ con, sẽ quăng con sang bên kia bờ sông Gaṇgā! Đức Phật mỉm cười: - Thôi được rồi! Thế này vậy! Ngươi cứ đi trình báo với Āḷavakayakkha, nói là sa-môn Gotama đang ngự ở tòa lâu đài của y, được không? Chuyện còn lại xảy ra như thế nào để Như Lai tự mình giải quyết. - Thưa vâng! Vậy thì được! Nhưng đức Thế Tôn cũng phải cẩn thận đấy. Ổng hung dữ, độc ác lắm! Ổng kiêu căng, ngạo mạn lắm! Ổng chẳng coi trời, coi đất ra cái gì cả đâu! Chẳng nể nang ai đâu! Chuyện phải, chuyện trái, chuyện đúng, chuyện sai, chuyện tốt, chuyện xấu mà đem ra nói chuyện với ổng thì ổng sẽ “hừm! hừm!” với hai con mắt lồi ra như hai cục lửa đỏ rực! Ổng có thần lực kinh khiếp lắm, bạch đức Thế Tôn! Ổng nổi giận mà nhìn vào ai thì thân thể người ấy chợt mềm lại như bơ lỏng. Đức Thế Tôn hãy khá cẩn trọng. - Ừ, Như Lai luôn cẩn trọng! - Con đi đây! - Ừ, rồi ông sẽ vô sự, bình yên! Và tất cả mọi người, mọi việc rồi cũng sẽ được vô sự và bình yên như thế! - Con vẫn mong vậy! Tri ân đức Thế Tôn! Nói xong, Gadrabhayakkha bay vèo lên hướng Tây Bắc rồi mất dạng. Đức Phật dùng khả năng siêu phàm đi vào thế giới phi nhân, tòa lâu đài lộng lẫy của dạ-xoa Āḷavaka hiện ra. Khi bàn chân đức Phật vừa bước lên, hai cánh cửa pha lê trân bửu chạm khắc tinh vi từ từ kéo nhẹ sang hai bên: Một cung điện nguy nga sang trọng của cõi trời lung linh trong tầm mắt! Đức Phật đến ngồi trên bảo tọa bằng ngọc báu (ratanapallanka)(1) ánh sáng chói ngời rực rỡ như chùm dạ quang pha lê túa hắt ra xung quanh. Một lát sau, không biết từ phương xứ nào, một đoàn nữ dạ-xoa (yakkhinī)(2) lả lướt giữa hư không đồng xuất hiện, quỳ dưới chân đức Phật và họ muốn nghe pháp. Chư nữ dạ-xoa này vốn là tỳ thiếp cùng bà con quyến thuộc của dạ-xoa Āḷavaka, có đức tin nơi Tam Bảo nên đức Phật chỉ giáo giới nhắc nhở một vài điểm cần yếu nhất trong việc tu tập, cuối cùng, ngài kết luận: “- Kiếp trước, chư yakkhinī do nhờ có bố thí, trì giới, biết lễ bái cúng dường nên kiếp này thọ hưởng được phước báu tuy không bằng chư thiên thượng giới nhưng thắng xa cõi người. Trong thế giới dạ-xoa của chư vị, đa phần bị kẹt dính các trạng thái tâm khá nặng nề nên không thể tiến xa, tiến cao hơn. Đấy là nhiều nóng nảy dễ sanh hung dữ, độc ác; nhiều ganh tỵ, tật đố nên thường chia phe, chia nhóm tranh cường hiếu thắng; nhiều bỏn xẻn, keo kiệt nên dễ sinh ích kỷ, ít có được sự chia xẻ, cảm thông! Vậy thì bắt đầu từ hôm nay, phải biết hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi; hãy nhìn ngắm những tâm xấu ác ấy, hãy xa lìa chúng, giảm trừ chúng, chấm dứt chúng; đồng thời, sống hài hòa, mở rộng tấm lòng, hoan hỷ với thiện pháp thì sẽ mang lại an lạc và hạnh phúc nhiều đời cho chư vị!” Đức Phật thuyết pháp vừa xong thì có hai dạ-xoa tên là Sātāgira và Hemavata tìm đến. Số là cả hai vị cũng đến dự hội nghị tại núi Himavā, nhưng khi đang bay ngang qua “không phận” của dạ-xoa Āḷavaka, tự dưng thần lực của họ bị đứt và bị rơi xuống đất. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi “bên dưới ấy” hiện có mặt “một vị”, “một bậc”, “một đấng” nào đó mà cả đức hạnh và uy lực đều vượt trội hơn họ! Cả hai dạ-xoa đều biết rõ điều ấy, dùng thiên nhãn quan sát, họ thấy đức Phật nên bước vào đảnh lễ và vấn an sức khỏe của ngài, sau đó mới tiếp tục cuộc vân hành. - Quá đáng! Quá đáng! Sa-môn Gotama hiếp người vừa phải thôi chớ! Cung điện cửa đóng then cài, chốt khóa bao nhiêu lớp lại còn đòi vào ngủ nhờ! Coi thường ta quá! Khinh thường ta quá lắm! Rồi quay sang thuộc hạ, y la hét một trận nữa. Lúc ấy thì hai dạ-xoa Sātāgira và Hemavata vốn là bạn của dạ-xoa Āḷavaka cũng vừa tới nơi. Họ là hai Thánh đệ tử của đức Thế Tôn. Giữa hàng ngàn dạ-xoa, họ thấy Āḷavaka đang giận dữ, phùng mang trợn mắt khi mạn đức Phật và la rầy dạ-xoa Gadrabha như thế, một vị bèn cười cười đáp: - Chốt khóa! Chốt khóa! Trăm ngàn cái chốt khóa của bạn lại có thể chốt khóa được đức Chánh Đẳng Giác hay sao? Có loạn ngôn không đó? Āḷavakayakkha hậm hực như lửa đốt trong lòng, cứ “hừm, hừm!” không nói không rằng. Vị khác tiếp: - Chốt khóa sinh tử, chốt khóa dòng trầm luân sinh tử luân hồi, đức Đạo Sư cũng đã tháo rời ra từng khoen rồi, bạn không biết chăng? Dạ-xoa Sātāgira “vô tư” thuật lại: - Chúng tôi đi dự hội nghị, khi bay ngang qua không gian cung điện của bạn, thấy thần lực bị đứt và rơi xuống, biết là có đức Đại Giác ở đấy nên đã cùng nhau vào đảnh lễ, yết kiến ngài. Dạ-xoa Hemavata “vô tâm” tiếp lời: - Đức Đạo Sư ngự trên ngài vàng trân báu (Ratanapallanka) của bạn trông mới quang minh, xán lạn và tôn nghiêm xiết bao! Không biết tu tập bao nhiêu đời kiếp, cung điện của bạn, ngai vàng của bạn mới có được phước báu nghinh đón đức Vô Thượng Điều Ngự Trượng Phu?! Còn nữa, bà con, quyến thuộc cùng cả một đoàn tỳ thiếp xinh như hoa trời của bạn cũng đã quy y đức Thế Tôn rồi đấy nhé! “Cải ác tùng thiện” đi! Dạ-xoa Āḷavaka càng nghe chừng nào thì khuôn mặt càng đỏ rực, sau đó dần dần biến ra tía xanh rồi trở thành xám xanh; tức giận đã như không còn tự chủ được, hắn hét lớn: “- Ta là Āḷavaka đây! Ta là Āḷavaka đây!” Tiếng hét của nó thật là kinh hoàng, cả sông núi, cây đá ở một không gian rộng lớn xung quanh chợt như bị rung rinh, chao đảo; lại còn như sấm động và lan đi rất xa. Chú giải bảo rằng, đấy là một trong bốn tiếng hét oai trấn thiên hạ trong truyền thống thời bấy giờ(1). Xong, dạ-xoa Āḷavaka hóa hiện thành một thân hình to lớn, sừng sừng giữa hư không, một chân đạp trên núi Manosilāvatala, một chân đặt trên núi Kelāsakūta rồi bay vèo về phương Nam, chẳng cần họp hành gì nữa, trở lại tòa lâu đài của mình, với quyết tâm “trừng trị” sa-môn Gotama cho bằng được! Hai vị dạ-xoa bạn cũng từ bỏ hội nghị, bay theo, thoáng lát là mất dạng. Kinh sách và chú giải kể rằng, về đến nơi, hai dạ-xoa bạn còn tìm cách cản ngăn. Cản ngăn hoài không được, dạ-xoa Sātāgira đã lớn tiếng mạt sát: - Này Āḷavaka! Dầu ngươi giả vờ ngu không biết, giả vờ đui không thấy, đức Thế Tôn vẫn là bậc tối thượng trong tam giới, là bậc thầy của chư thiên, phạm thiên và nhân loại. Còn ngươi chỉ là một dạ-xoa kiêu căng, ngã mạn, cứng đầu khó dạy! Thần lực“ghê gớm, kinh khiếp” của ngươi đã là thá gì mà muốn so đối, ra oai với đức Thế Tôn!? Hãy mở mắt mà xem một chú bê con mà dám húc bò chúa kìa!? Hãy căng mắt mà nhìn một cậu bé voi lại đòi đọ sức với voi chúa kìa! Hãy tởm lợm con chó rừng dơ dáy lại dám tranh tài với sư tử chúa oai hùng kìa!? Hãy vỗ tay mà chiêm ngưỡng một chú quạ gãy cánh lại muốn đối đầu với điểu vương Garuda kìa!? Dạ-xoa Āḷavaka mặt vẫn lạnh như tiền. Dạ-xoa Hemavata lại năn nỉ bạn: - Thôi mà! Hãy nuốt giận vào lòng đi! Chưa có loại vũ khí và uy lực nào trong tam giới có khả năng đụng đến chéo y của đức Tôn Sư đâu! Đến khi hối hận cũng đã muộn rồi! Dạ-xoa Āḷavaka cứ “hầm hừ, hầm hừ” không nói không rằng, ngay tức khắc, quay lưng với hai bạn, sử dụng toàn bộ thần lực, phép thuật quyết “đập chết” sa-môn Gotama tan thành bụi cát, dẫu cho có hy sinh luôn cả tòa lâu đài chăng nữa. Và nếu không đốn ngã được thì cũng đẩy ông ta ra khỏi bảo tọa, ra khỏi tòa lâu đài! Thế rồi, từ vũ khí này chuyển sang vũ khí khác, quả là không đụng đến chéo y của ông ta thật! Đến gần nửa đêm, sau khi đã sử dụng hết chín loại vũ khí “ma kinh quỷ khiếp” y hoàn toàn thất vọng. Đức Phật từ đầu chí cuối vẫn ngồi yên lặng mỉm nụ “tiếu sanh tâm”, hào quang sáu màu lung linh diễm ảo; toàn bộ thân và tâm của ngài như tự tại bất động trước những loại vũ khí mưa cuồng, sấm giật của dạ-xoa Āḷavaka! Năng lực siêu nhiên của ngài cứ như từng đợt, từng đợt dịu dàng, mát mẻ tỏa ra, không những bảo vệ được bản thân ngài mà còn bảo vệ cho cả cung điện của y nữa. (1) - Dạ-xoa (Yakkha) có nhiều loại. Dạ-xoa này có phước báu như chư thiên, lại có nhiều thần lực; tuy nhiên, chúa dạ-xoa này chỉ là quân tướng của chư thiên vương mà thôi! (1) - Tư liệu nào cũng ghi vị này là vua (The Kinh of Āḷavī); nếu đúng vậy thì đấy chỉ là một nước nhỏ, một tiểu chư hầu của đế quốc Kosala,; nó nằm giữa nước lớn Kosala (kinh đô Sāvatthi) và nước nhỏ Kāsi (thành phố Bārāṇasi) (2) - Ai đi vào, bước vào xung quanh lâu đài, lãnh địa của nó, nó mới ăn thịt; ngoài phạm vi ấy thì nó không có quyền. (1) - Không biết tại sao mà “ông vua” xứ này cũng là tên Āḷavaka, đứa con trai được đem đi nộp mạng cho dạ-xoa cũng được ghi là hoàng tử tử Āḷavaka (Āḷavaka kumāra)? Mọi đứa trẻ sinh ra ở Āḷavī đều được gọi là Āḷavakā. Cho đến chư tăng ở thành phố này cũng được gọi là tên là Āḷavakā-bhikkhū; chư ni thì gọi là Āḷavikā-bhikkhunī!? (2) - Có chỗ ghi là Himavanta? (1) - Có chỗ nói là ngai vàng của Āḷavaka (Āḷavaka’s throne). (2) - Từ điển “Pāḷi proper names” nói đây là những người đàn bà của Āḷavaka? (1) - Ālavaka, trang 291-293 trong quyển I - Distionary of Pāḷi proper Names.
Dẫu thất vọng nhưng chưa tuyệt vọng, dạ-xoa Āḷavaka quyết định sử dụng vũ khí cuối cùng, dẫu cho thiên vương Kuvera có đày y xuống địa ngục cũng kệ! Chú giải bảo đây là một trong bốn loại vũ khí cực kỳ nguy hiểm và tai hại nhất trên thế gian, có tên là Dussāvudha; nó là bảo bối tùy thân và cũng là bùa hộ mạng của dạ-xoa Āḷavaka. Vũ khí này có thể so sánh với vũ khí Vajirāvudha của Sakka thiên chủ, vũ khí Gadāvudha của Vessavaṇa thiên vương và vũ khí Mayanāvudha của Yama thiên vương!(1) Vũ khí nầy nếu tung lên bầu trời thì suốt mười hai năm chẳng có giọt mưa nào rơi xuống! Nếu quẳng xuống đất thì suốt mười hai năm chẳng có cây cối thân thảo thân mộc gì nảy mầm được. Nếu lia xuống biển thì nước sẽ sôi sùng sục cho đến khô cạn. Nếu ném vào đỉnh Sineru thì thân núi chúa sẽ tan thành từng mảnh!(2) Lúc dạ-xoa rút vũ khí cuối cùng ra, thế giới chư thiên, phạm thiên thảy đều kinh động, nhiều vị sợ hãi tai họa sẽ rơi xuống quả đất, loài người và triệu triệu sinh loại! Có vị nghĩ: “Trách nhiệm trực tiếp là thiên vương Kuvera phải xử lý thuộc hạ, trách nhiệm gián tiếp là Đế Thích (Sakka) thiên chủ phải trừng trị kẻ điên cuồng chứ không phải chúng ta!” Có vị cười thầm: “Hắn mà làm được gì?” Tuy nhiên, tri kiến và đức tin chơn chánh thì mách với họ rằng: “Chúng ta hãy cùng xem đức Thế Tôn dạy dỗ dạ-xoa Āḷavaka tép riu kia! Và rồi, chắc chắn chúng ta sẽ được nghe đức Đạo Sư thuyết pháp. Một trò hay đấy! Một duyên lành đấy!” Rồi chỉ thoáng chốc, chư thiên, phạm thiên đoanh vây đầy đặc cả hư không để xem dạ-xoa Āḷavaka “biểu diễn!” Và quả đúng như phần đông họ nghĩ, lúc vũ khí “búa chư thiên” với khí thế giết người lao như điên như cuồng đến đức Phật; một vùng sáng lóa như mặt trời bốc cháy tóe lên, tiếng động như sấm sét vang dội, lửa bốc cháy và khói tỏa ngùn ngụt, mù mịt chẳng còn thấy đất và trời! Một sát-na sau, một làn hào quang xán lạn vén lên; ai cũng nhìn thấy vũ khí kinh khiếp kia nó mềm dần, mảnh dần như tấm thảm, rồi nó lượn nhẹ nhàng, ngoan ngoãn đến nằm yên dưới bàn chân của đức Phật như miếng giẻ chùi chân! Dạ-xoa Āḷavaka bây giờ trông chẳng khác nào chú bò Usabha bị bẻ gãy sừng, như rắn hổ mang bị bẻ gãy răng, chẳng còn chất độc, chẳng thể cắn mổ họa hại ai được nữa: Nó đã bị đức Thế Tôn vô hiệu hóa tất cả các loại vũ khí. Tuy nhiên, với bản tính cứng đầu, cao ngạo đã thành nề, chưa chịu thua, nó muốn dùng miệng lưỡi để tranh luận phải trái: - Được rồi! Tôi thua ông! Tôi thua đến cháy túi! Nhưng chúng ta cũng có thể nói chuyện với nhau như những bậc thức giả được chăng, sa-môn Gotama? Đức Phật mỉm cười: - Được chứ! Và Như Lai biết ông cũng là một bậc thức giả đấy! - Cảm ơn! Không dám đâu! Dạ-xoa Āḷavaka tuy nghe mát ruột nhưng lại cất giọng khách sáo - Bây giờ tôi xin được hỏi: Lâu đài này là sở hữu của tôi, và tôi là chủ; sa-môn Gotama tùy tiện mở cửa vào đây khi chưa được phép của tôi, chưa được sự đồng ý của tôi; vậy, việc làm ấy của sa-môn Gotama là đúng pháp và luật hay không đúng pháp và luật? Đức Phật gật đầu: - Ừ, vậy là không đúng! - Còn nữa! Dạ-xoa Āḷavaka bắt lỗi tiếp - Những Yakkhanī kia là bà con quyến thuộc của tôi, là những người tỳ thiếp cưng yêu của tôi, mà sa-môn Gotama đã tùy tiện tụ họp họ lại để giảng dạy về cái gọi là giáo pháp gì đó trong lúc tôi đi vắng! Việc này là sao nữa, hở bậc thức giả? - Ừ! Những Yakkhanī này tự nguyện đến yêu cầu được nghe pháp, Như Lai không chủ động tập họp họ đâu! Tuy nhiên, việc này thì Như Lai nhìn nhận là đã thiếu sót một nửa! Dạ-xoa Āḷavaka thấy đức Phật với thái độ quang minh đã thừa nhận lỗi một cách mau mắn, dễ dàng, trong bụng thở dài nhẹ nhõm, mười phần ác cảm đã dịu đi vài phần. Chợt đức Phật hỏi: - Ngươi bắt bẻ rồi! Như Lai nhận lỗi rồi! Bây giờ còn chuyện gì nữa không, Āḷavaka? - Bây giờ thì ông hãy xéo đi! Hãy cút đi! Hãy bước ra khỏi lâu đài của tôi! - Ừ, ngươi bảo ra thì Như Lai đi ra! Nói xong, đức Phật bước ra khỏi cửa! Dạ-xoa Āḷavaka tự nghĩ: “Cái ông sa-môn Gotama này thật kỳ lạ! Ta đã gần suốt đêm thi thố hết mọi khả năng chỉ cốt đuổi ông ta ra khỏi lâu đài nhưng thảy đều vô ích! Bây giờ chỉ mới nói vài câu nhẹ nhàng phải trái, ông ta đã ngoan ngoãn nghe lời ngay! Không biết ông ta là người dễ bảo thật sự hay cốt ý giả vờ để gạt ta?” Nghĩ thế xong, dạ-xoa Āḷavaka lại gọi giật: - Này sa-môn Gotama! Hãy vào đây! - Tốt lắm! Này Āḷavaka! Ngươi bảo vào thì Như Lai đi vào đây! Rồi đức Phật lại bước vào. Dạ-xoa Āḷavaka thấy đức Phật “tuân lệnh” như thế, y muốn thử thêm một lượt nữa: - Này sa-môn Gotama! Hãy bước ra! - Vâng! Như Lai nghe lời, bước ra đây! Đức Phật lại bước ra. Dạ-xoa Āḷavaka lại gọi vào! Cứ thế ba lần. Dạ-xoa Āḷavaka thấy mình bảo sao thì đức Phật làm vậy, ông ta đã“mềm như sợi bún” thì trong bụng, mọi bực tức, hung hăng không còn nữa. Bản ngã, tự ái cứng cỏi và căng thẳng của y đã được tâm từ và tâm nhẫn của đức Phật hóa giải, làm cho nó dịu lại như tấm da đã thuộc nhuyễn. Đức Phật biết đây là đúng thời để giáo dục nó nên khi dạ-xoa, lần thứ tư, bảo ngài bước ra, ngài đã không thuận theo, cất giọng đanh uy, nói rằng: - Đã ba lần, ngươi bảo Như Lai đi ra, đã ba lần, ngươi bảo Như Lai đi vào! Như Lai đã nhu thuận làm theo ý ngươi và cũng để chứng tỏ là Như Lai đã nhận lỗi một cách quang minh chính đại! Bây giờ, Như Lai báo cho ngươi biết, nếu Như Lai “không đi” thì trên thế gian này, không ai có thể khiến cho Như Lai đi được, dẫu đấy là sức mạnh, là uy lực thượng thừa của chư thiên vương, phạm thiên vương hay ma vương, này Āḷavaka! Ngắm nhìn đức Phật cùng phong cách, ngôn ngữ, cử chỉ của ngài, Āḷavaka cảm thấy có cái gì đó bất khuất, uy dũng, ngùn ngụt tỏa ra một sức mạnh mà gió không thể lay, bão không thể chuyển; nó biết rõ, với sức của nó thì nó cũng chẳng thể làm được cái gì! Bèn tự nghĩ:“Ta sẽ thay đổi chiến thuật một cách rất là đúng pháp và luật. Số là như thế này. Có một bài kinh, nghe nói là cha mẹ ta học được từ thời đức Phật Kassapa. Thuở thanh niên, cha mẹ ta có dạy cho ta, giải thích cho ta nhưng lâu quá ta quên mất rồi! Nhưng những câu hỏi khó khăn, phức tap ấy thì ta còn nhớ. Trước đây, ta đã từng hỏi không biết bao nhiêu là bậc, là đấng được gọi là đạo sư, là chân sư, là giáo chủ trên thế gian này, nhưng họ đều “co vòi” hoặc “bí rị” cả! Nếu không “co vòi” hoặc “bí rị” thì họ sẽ trả lời vòng quanh, trườn uốn như con lươn! Không trườn uốn như con lươn, thì nếu ta hỏi gà là họ đáp vịt, nếu ta hỏi mít thì họ đáp xoài! Nếu không như vậy, nếu có trả lời được vài phần, thì những đáp vấn kia cũng chưa làm cho lỗ tai ta được hoan hỷ, chưa làm cho trí óc ta bớt rối rắm! Nay ta sẽ đặt lại những câu hỏi ấy cho ông sa-môn Gotama này, và rồi ta sẽ có kế độc!” Nghĩ thế xong, dạ-xoa Āḷavaka chợt đổi giọng điềm đạm, lịch sự rất hợp lễ: - Thưa sa-môn Gotama! Ngài là một bậc giáo chủ, một đấng đạo sư, nghe nói là ngài rất uyên bác, rất thông tuệ; khắp nơi đồn đãi rằng, ngài đã giác ngộ, đã giải thoát tất thảy khổ đau, đã đạt quả vị đại A-la-hán rồi; vậy ngài có thể cho tôi đặt một số câu hỏi “li ti và vụn vảnh” liên hệ đến giáo pháp của ngài, cũng là ưu tư trăn trở ngàn đời của nhân sinh, được chăng? - Được lắm! Tốt lắm! Đức Phật mỉm cười, và do thấy rõ tâm địa của dạ-xoa, nên ngài tiếp - Như Lai sẵn sàng trả lời những câu hỏi “li ti và vụn vảnh” ấy của nhà ngươi! - Nó khó nuốt lắm đấy! Nhức óc lắm đấy! Tôi báo trước cho ngài hay! - Được rồi! Không sao đâu! - Nó có thể làm cho tâm của ngài tán loạn hoặc trái tim của ngài bị vỡ tung từng mảnh đấy! - Được rồi! Ngươi cứ “dọa” tiếp đi! - Không“dọa” đâu! Nó là sự thực đấy! Dạ-xoa Āḷavaka lại “cười ruồi” - Còn nữa, nếu ngài đáp không được hay đáp nửa vời, tôi sẽ quăng tuốt ngài sang bên kia bờ Nam sông Gaṇgā kia đấy! Ngài có dám hứa thế chăng? - Như Lai biết, chẳng ai có khả năng như thế với Như Lai, nhưng Như Lai cũng hứa thuận điều ấy với ngươi, được chưa? Dạ-xoa yên bụng, nó khởi sự tấn công, đặt câu hỏi thứ nhất: - Thưa sa-môn Gotama! Câu hỏi thứ nhất này nó nằm trong một bài kệ; nội dung của bài kệ ấy có bốn câu hỏi. Nó như sau: “Vật sở hữu quý nhất, cao thượng nhất của đời người là cái gì? Cái gì, điều gì, pháp gì nếu thực hành sẽ đem lại an vui và hạnh phúc? Trong tất cả cái gọi là hương, là vị - thì hương thì vị nào đem đến thỏa thích nhất? Thực hành thế nào, sống thế nào trên cuộc đời này mới được gọi cao thượng và thù thắng nhất?”(1) Nghe nội dung câu hỏi, đức Phật khen ngợi: - Này Āḷavaka! Khá lắm! Câu hỏi của ngươi, trên thế gian này không ai đáp được. Đây là loại câu hỏi chỉ có đức Chánh Đẳng Giác mới trả lời được! Có phải đây là một trong ba bài kệ, bài đầu bốn câu hỏi, bài hai bốn câu hỏi và bài ba năm câu hỏi mà ngươi đã cho khắc lên bảng vàng để cất giữ như một bảo vật trong cung điện này; cốt ý để khoe khoan trí tuệ, đồng thời, cũng để làm khó dễ đạo sư, chân sư thiên hạ? Dạ-xoa Āḷavaka lạnh gáy, vì quả đúng sự thực là như vậy; quả đúng là y đã cho khắc những câu hỏi ấy lên bảng vàng, chữ đỏ và gìn giữ nó như một bảo vật truyền đời; nhưng y giả vờ nói át: - Không cắc cớ hỏi lôi thôi! Tôi chỉ cần biết sa-môn Gotama trả lời được hay không mà thôi! - Này Āḷavaka! Đức Phật nói! Câu hỏi này và câu trả lời của nó đã bị mù sương bóng khói của thời gian che khuất kể từ thời đức Phật Kassapa, nay Như Lai sẽ vén mở nó và trả lời câu kệ thứ nhất cho ngươi rõ đây: “Vật sở hữu quý nhất, cao thượng nhất của đời người chính là đức tin chơn chánh, này Āḷavaka! Những thiện pháp như bố thí, trì giới, tham thiền; ai tinh cần thực hành sẽ đem đến an vui và hạnh phúc cõi người, cõi trời và cả Niết-bàn, này Āḷavaka! Trong tất cả mọi hương, mọi vị trên trần đời, không có hương, vị nào đem sự thỏa thích tối thượng bằng hương vị của pháp, hương vị của giải thoát, này Āḷavaka! Sống hợp với trí tuệ và thực hành bát chánh đạo là cao thượng, là tối thượng và thù thắng nhất trên cuộc đời, này Āḷavaka!”(1) Nghe đức Phật trả lời rành rẽ đâu ra đó, như từ cái kho trí tuệ nào đó tuôn ra, có vẻ như không cần tìm kiếm, suy nghĩ gì, đầu óc Āḷavaka như được mở ra; trong bụng thì rất kính phục nhưng bên ngoài thì tỏ vẻ thản nhiên, gật gù nói: - Được lắm! Cũng không tệ! Đúng sai tôi sẽ kiểm chứng sau; bây giờ là bài kệ thứ hai, cũng có bốn câu hỏi, mong bậc trí giả giải đáp cho: “ Làm cách nào thoát khỏi dòng nước lũ? Làm cách nào để vượt đại dương ? Làm thế nào để chế ngự khổ sầu? Làm thế nào tự thanh lọc được trong sạch?”(2) Đức Phật mỉm cười nói: - Bài kệ thứ hai này cũng thuộc trình độ Chánh Đẳng Giác mới đáp được, vậy ngươi hãy nghe đây: “ Nhờ đức tin thoát khỏi dòng nước lũ! Nhờ không giải đãi sẽ vượt được đại dương! Nhờ tinh tấn chế ngự được khổ sầu! Nhờ trí tuệ sẽ thanh lọc được trong sạch!(3) Dạ-xoa Āḷavaka nghe xong, cảm giác như trời quang, mây tạnh, tâm trí như được khai thông; tuy nhiên, y vẫn còn muốn che giấu, chưa thổ lộ vội, chỉ kính lễ phải phép, tán thán chừng mực, nói rằng: - Hay quá là hay! Sa-môn Gotama xứng đáng là bậc trí tuệ trên đời này! Bài kệ thứ hai, vậy là tôi đã thông tỏ, cho phép tôi được hỏi tiếp năm câu hỏi trong bài kệ thứ ba, sau đây: “ Làm cách nào để thành tựu trí tuệ? Làm thế nào để hoạch đắc của cải, tài sản? Làm thế nào để được tiếng tăm lừng lẫy? Làm thế nào để giao kết được nhiều bạn? Làm thế nào để không sầu buồn sau khi chết từ kiếp này sang kiếp kia?”(1) Nghe xong bài kệ này, đức Phật nói: - Này Āḷavaka! Năm câu hỏi trong bài kệ này, Như Lai sẽ tuần tự trả lời từng câu hỏi một, hãy khéo chú tâm để lắng nghe cho kỹ đây! - Thưa vâng! - Đây là câu một: Muốn thành tựu trí tuệ thì phải có sự tin cậy, tin tưởng vào bậc thiện trí thức, biết lắng tai nghe pháp một cách cung kính, tôn trọng; và cuối cùng là phải kiên trì, khéo léo thực hành pháp đi đến Niết-bàn(2). Tiếp theo, đây là câu hai, ba và bốn: Biết làm công việc một cách cần mẫn, biết thích nghi trong mọi hoàn cảnh thì sẽ hoạch đắc của cải và tài sản. Nhờ hạnh chân thật mà được danh thơm, tiếng tốt. Không keo kiệt, bỏn xẻn, có lòng quảng đại, bao dung sẽ giao kết được nhiều bạn lành(1). Cuối cùng là câu năm: Người có đức tin, đầy đủ bốn pháp: Chân thật, giới hạnh, tinh tấn, bố thí sẽ không sầu buồn sau khi qua đời(2). Đức Phật thuyết xong, Āḷavaka đắc pháp nhãn, một niềm hỷ lạc vô biên tràn ngập tâm hồn, y cúi gập đầu xuống như thân cây đổ, chưa biết nói năng gì để tri ân đức Thế Tôn thì còn nghe lời ngài văng vẳng bên tai: - Này Āḷavaka! Ngươi hãy thử đi hỏi lại các bậc đạo sư, chân sư trên đời, với mười ba câu hỏi kia, có ai có kiến giải ở ngoài kiến giải của Như Lai không? - Thưa, không thể có! Āḷavaka cung kính đáp - Với những câu trả lời rành mạch, khúc chiết, sáng tỏ như mặt trời, mặt trăng của đức Thế Tôn thì tôi còn đi tìm kiếm đèn đuốc giữa thế gian mà làm gì cho mất công! Lại nữa, mọi bí quyết để mưu cầu an lạc và hạnh phúc đời này và đời kia cho mình, tôi đã thấy ở nơi đây rồi, chẳng cần ở đâu nữa! Nói ngang đó, dạ-xoa Āḷavaka quỳ năm vóc sát đất, đảnh lễ đức Phật ba lần rồi thay đổi cách xưng hô, điềm đạm, chậm rãi nói tiếp: (1) - Cùng một sách ở trên. (2) - Đoạn văn uy lực kinh khiếp của vũ khí có tên Dussāvudha này được dịch từ Từ điển “ Pāḷi proper names” q.1, trang 1100. (1) - Diễn dịch từ câu kệ Pāḷi: “ Kiṃsudha vittaṃ purisatta seṭṭhaṃ? Kiṃsu suciṇṇaṃ sukkhamāvahati? Kiṃsu have sādutaraṃ? Kathaṃ jīvini jīvitamāhu seṭṭhaṃ?” (1) - Diễn dịch từ câu kệ Pāḷi:“Saddhīdha vittaṃ purisada seṭṭha! Dhammo suciṇṇo sukhamāvahati! Saccaṃ have sādutaraṃ rasānaṃ! Paññājīvini jīvitaṃ seṭṭha! (Đức tin là vật sở hữu cao quý nhất. Pháp được thực hành đem đến an lac nhất. Hương vị của chân lý (pháp vị) thóa thích nhất. Sống hợp với trí tuệ là cáchống cao thượng nhất). (2) - “Kathaṃsu tarati oghaṃ? Kathaṃsu tarati aṇṇavaṃ? Kathaṃsu dukkha macceti? Kathaṃsu parisujjhati?” (3) - “Saddhāya tarati oghaṃ! Appamādena aṇṇavaṃ! Viriyena dukkhamacceti! Paññāya parisujjhati!” (1) - “Kathaṃsu labhate paññaṃ? Kathaṃsu vindate dhanaṃ? Kathaṃsu kittiṃ pappoti? Kathaṃsu mittāni ganthati? Asmā lokā paraṃ lokaṃ, kathaṃ pecca na socati?” (2) - “Saddahāno arahataṃ, dhammaṃ pattiyā, sussūtaṃ labhate, appamatto vicakkhano”. (1) - “Patirūpakārī dhuravā, uṭṭhātā vindate dhanaṃ, saccena kithiṃ, dadaṃ mittāni ganthati”. (2) - “ Yassete caturo dhammā, saddhassa gheramesino, saccaṃ dhammo dhiti cāgo, save pecca na socati”. - Hóa ra, đức Tôn Sư ghé “ngôi nhà tối tăm” của đệ tử là vì lợi lạc nhiều đời cho đệ tử! Mọi ngã mạn, kiêu căng, cứng đầu và ngu si, dốt nát của đệ tử cho đệ tử được thành tâm sám hối! Và từ rày, ngay khoảnh khắc này, cho đệ tử xin được trở về nương tựa nơi đức Phật, đức Pháp, đức Tăng; nguyện làm một cận sự nam để tu tập cho đến trọn đời! - Lành thay! Đức Phật nói - Như Lai chứng thực điều ấy cho ngươi! Và ngươi thế là đã đặt được bàn chân trên giáo pháp của Như Lai rồi đó! - Tri ân đức Đạo Sư! Tri ân vô lượng đức Đạo Sư! Kể từ nay, từ làng này sang thôn khác, từ thị trấn này sang thành phố kia, đệ tử sẽ thênh thang, tự do đi đây đi đó để tán dương ân đức của bậc Chánh Đẳng Giác và tính cách toàn diện và toàn thiện của giáo pháp vô thượng đã có mặt ở trên đời! Những câu hỏi của Āḷavaka cùng ý nghĩa những câu trả lời của đức Phật không chỉ làm cho dạ-xoa hung dữ đắc Thánh quả mà còn rất nhiều thọ thần, sơn thần, chư thiên, phạm thiên cũng gặt hái được pháp vị bất tử! Lúc ấy, trời vừa rạng sáng, những tia nắng mặt trời đầu tiên đã tỏa ấm áp khắp khu rừng. Khi dạ-xoa đi sau lưng đức Phật vừa bước xuống đất thì một toán quân binh, triều thần và đức vua xứ Āḷavī dẫn hoàng tử Āḷavakakumāra đến “nạp mạng” cho dạ-xoa ăn thịt cũng vừa tới nơi. Thấy đức Phật, một sa-môn tướng hảo quang minh, đang cùng đứng dưới cội cây với dạ-xoa, mọi người ai cũng ngạc nhiên, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Đích thân đức vua Āḷavaka bồng hoàng tử Āḷavaka đến trao cho dạ-xoa với nước mắt ràn rụa, giọng nói như bị hụt hơi: - Thưa ngài! Giữ đúng lời hứa, nhưng tôi không đành lòng nạp mạng con cháu của lương dân vô tội, hôm nay, tôi đành hy sinh con trai của tôi, như là bứt lìa trái tim của tôi. Mong ngài thọ nhận và để cho nhân dân thành phố này được yên ổn! Dạ-xoa đưa mắt nhìn đức Phật, như có ý hổ thẹn trong lòng, chậm rãi bế đứa bé lên hai tay rồi y quỳ xuống bên chân ngài, nói rằng: - Bạch đức Thế Tôn! Người ta cống nạp hoàng tử Āḷavakakumāra này cho đệ tử, đệ tử thọ nhận rồi; bây giờ đệ tử xin dâng lại cho đức Thế Tôn! Mong đức Thế Tôn tiếp nhận Āḷavakakumāra vì hạnh phúc, vì an vui, vì tấn hóa lâu dài cho vị hoàng tử xinh đẹp này! Đức Phật mỉm cười, bế hoàng tử lên hai tay, ngài xoa đầu đứa bé, đọc một câu kệ phúc chúc rồi nói rằng: - Như Lai“không những chúc phúc cho đứa trẻ hữu phước này được an vui, trường thọ và được lợi lạc dài lâu mà cũng phúc chúc cho ngươi được an vui, trường thọ, lợi lạc dài lâu như thế!”(1) Dạ-xoa Āḷavaka quỳ lạy rồi thưa tiếp: - Mong đức Thế Tôn cho Āḷavakakumāra nương tựa nơi đức Phật, đức Pháp, đức Tăng(2). - Ừ, thế là Như Lai đã cho nó nương tựa rồi! Xong, đức Phật nhẹ nhàng trao đứa bé cho đức vua Āḷavaka rồi nói rằng: - Đại vương hãy nuôi dạy hoàng tử cho tốt, sau này nó là nơi nương nhờ của dân chúng đó! Đức vua xứ Āḷavī mừng vui đến nhỏ lệ, không nói được một lời nào, đưa hai tay bồng hoàng tử ấu nhi mà cảm giác như mình đã chết đi, bây giờ được sống lại. Trăm sự đều nhờ vào ân đức của Phật đã cảm hóa được dạ-xoa Āḷavaka. Đức Phật quay sang nói với mọi người: - Dạ-xoa Āḷavaka hung dữ, ăn thịt người, bây giờ sẽ không còn hung dữ, ăn thịt người nữa, vì ông ta đã là đệ tử của Như Lai rồi, sẽ sống đời trong sạch và hiền thiện. Cả thành phố này không có lý do gì mà lo lắng, sợ hãi nữa. Nhưng có một điều mà mọi người nên giúp đỡ Āḷavaka... Mọi người lắng nghe rất đổi thành kính nhưng không ai hiểu là chuyện gì, thì đức Phật quay sang Āḷavaka, mỉm cười, ngài nói tiếp: - Với thói quen ăn thịt thú, thịt người từ nhỏ; nay nếu Āḷavaka giữ ngũ giới, sẽ không biết ăn cái gì để sống, để tồn tại! Điều khó ấy, Āḷavaka hổ thẹn nên không dám nói. Vậy từ rày về sau, nếu có thịt “không thấy, không nghe, không nghi”, có vật thực cơm bánh, hương hoa, quả trái gì đó, mọi người hãy cung cấp cho Āḷavaka mỗi ngày một phần ăn. Āḷavaka từ nay phải tập thay đổi thói quen, cần kiên trì và cần thời gian, mọi người hãy hết lòng giúp đỡ Āḷavaka về điều ấy. Đổi lại, với thần lực, với uy lực siêu quần của mình, Āḷavaka sẽ như là một bậc đại hộ pháp, bảo vệ sự an toàn cho tiểu quốc và muôn dân một cách rất đắc lực đấy! Āḷavaka thấy đức Toàn Giác nói đúng tim đen của mình nên ông ta cúi gằm mặt xuống. Mọi người mừng vui hò hét, cười nói, âm vang “sādhu, sādhu, lành thay, lành thay” như chấn động cả góc trời. Còn đứa bé duyên phúc lạ lùng ấy, lại được từ tay này trao qua tay khác nên mọi người thường gọi với cái tên là Hatthaka Āḷavaka! Nhiều năm về sau, khi lớn lên, thái tử Hatthaka Āḷavaka nghe pháp, đắc quả A-na-hàm và nổi tiếng trong hàng thánh đệ tử do nhờ bốn pháp tế độ: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự(1). |