• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 1)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

Lễ Đăng Quang Lên Ngôi Vua

 

Đức Thái Thượng Hoàng Sañjaya truyền lệnh 60 ngàn vị quan sinh cùng ngày với Thái tử Vessantara mặc trang phục chỉnh tề, bá quan văn võ tề tựu đông đủ, truyền lệnh đoàn nhạc trỗi lên, tiếng tù và được thổi lên vang dội khu rừng núi Vaṅka.

Đại lễ đăng quang Thái tử Vessantara lên ngôi vua được cử hành rất trọng thể, Thái tử Vessantara lại chính thức trở thành Đức vua Vessantara tại khu rừng núi Vaṅka, bầu trời gầm vang dội khắp mọi nơi, các loài thú  rừng rống lên thành tiếng vui mừng hoan hỷ, các loài chim đua nhau hót vui mừng Đức vua Bồ Tát Vessantara. 

 Và Vương phi Maddī trang phục đẹp đẽ lộng lẫy như thiên nữ cũng được tấn phong trở lại ngôi vị Chánh cung Hoàng hậu Maddī của Đức vua Bồ Tát Vessantara.

Đức Vua Bồ Tát Vessantara và Chánh cung Hoàng hậu Maddī nhớ lại trước đây còn có Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara và nữ đạo sĩ Maddī sống tại khu rừng núi Vaṅka này, phải chịu đựng vô vàn vất vả khổ cực.

Nay, cũng tại khu rừng núi Vaṅka này, 6 vương gia đã được đoàn tụ: Đức Thái Thượng Hoàng Sañjaya, Hoàng Thái Hậu Phussatī, Thái tử Vessantara, Vương phi Maddī, hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā, đại lễ đăng quang lên ngôi cũng đã cử hành trọng thể tại khu rừng núi Vaṅka này. 

Như vậy, ân huệ thứ nhất đã được thành tựu đối với chúng ta.

Khi ấy, Chánh cung Hoàng hậu Maddī truyền bảo hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā rằng:

- Này hai con yêu quý của Mẫu hậu! Khi biết Đức Phụ Vương thực hành hạnh đại thí hai con yêu quý cho ông Bà-la-môn Jūjaka dẫn đi, Mẫu hậu chỉ dùng trái cây một bữa mỗi ngày, nằm dưới đất, ngày đêm cầu nguyện chư thiên hộ trì cho hai con không có bệnh hoạn, thân tâm thường được an lạc, và cầu mong sớm gặp lại hai con. Pháp hành của Mậu hậu được thành tựu trong ngày hôm nay.

Những pháp hạnh Ba-la-mật của Đức Phụ Vương và Mẫu hậu xin luôn luôn hộ trì cho hai con được sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài.

Bà Hoàng thái hậu Phussatī nghĩ rằng: 

Vương phi Maddī của Thái tử Vessantara suốt thời gian ở trong rừng núi Vaṅka, đã chịu đựng vô vàn vất vả, khổ cực, nay ta nên ban cho Chánh cung Hoàng hậu Maddī, con dâu của ta những bộ y phục sang trọng, những đồ trang sức quý giá, các thứ ngọc quý báu.

Chánh cung Hoàng hậu Maddī mặc bộ y phục lộng lẫy, trang sức những thứ ngọc quý báu, đẹp đẽ lộng lẫy như một thiên nữ trong cõi trời Tam thập Tam thiên.

Khi ấy, Các quan trang hoàng con bạch tượng báu (paccayanāga) lộng lẫy dẫn đến tâu với Đức Vua Bồ Tát Vessantara và  Chánh cung Hoàng hậu Maddī rằng:

- Muôn tâu Đại Vương Vessantara và Chánh cung Hoàng hậu Maddī, kính thỉnh ngự lên ngồi trên con bạch tượng báu này.

 Đức vua Bồ Tát Vessantara và  và Chánh cung Hoàng hậu Maddī ngự lên ngồi trên con bạch tượng báu dẫn đầu cùng với đoàn tuỳ tùng hộ giá đông đảo duyệt qua các đoàn binh hùng mạnh của triều đình.

 

Hồi Cung Trở Về Kinh Thành Jetuttara

 

Đức Thái Thượng Hoàng Sañjaka truyền lệnh sửa sang đẹp đẽ con đường từ kinh thành Jetuttara đến khu rừng núi Vaṅka có chiều dài khoảng 60 do tuần đã hoàn thành xong, đến lúc hồi cung trở về kinh thành Jetuttara.

 Trên con đường hồi cung trở về kinh thành Jetuttara, các đoàn binh hộ giá đi trước dẫn đường, tiếp theo 6 con voi báu của 6 vị vương gia: Đức Thái Thượng Hoàng Sañjaya, Hoàng Thái Hậu Phussatī, Đức Vua Bồ Tát Vessantara, Chánh cung Hoàng hậu Maddī, hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā. Và theo sau, các quan, hoàng tộc Bà-la-môn, và dân chúng đất nước Sivi.

 

Phái đoàn đi đến mỗi đoạn đường, dân chúng sống tại nơi ấy đón rước, tiếp đãi đầy đủ các món ăn ngon, đồ uống, ca hát nhảy múa kính mừng Đức Vua Bồ Tát Vessantara hồi cung ngự trở về kinh thành Jetuttara.

Cứ như vậy, suốt con đường dài khoảng 60 do tuần, cho đến kinh thành Jetuttara. 

Về đến kinh thành Jetuttara, ngự vào cung điện, ngồi trên ngai vàng, Đức Vua Bồ Tát Vessantara truyền lệnh hội triều, các quan văn võ tề tựu đông đủ, Đức Vua Bồ Tát Vessantara truyền lệnh rằng:

- Này các khanh! Trong toàn đất nước Sivi này, Trẫm truyền lệnh thả tất cả các tù nhân đang bị giam giữ đều được tự do, và thả các con vật đang bị trói buộc cũng đều được tự do.

 

Trận Mưa Thất Báu

 

Ngay đêm đầu tiên ngủ tại cung điện, vào canh chót đêm ấy, Đức Vua Bồ Tát Vessantara tỉnh giấc, nghĩ rằng: “Nghe tin ta đã hồi cung ngự trở về cung điện, chắc chắn ngày mai, những người hành khất sẽ dẫn nhau đến xin ta bố thí, ta sẽ lấy thứ gì để bố thí đến những người hành khất đây.”

 

Ngay khi ấy, chỗ ngồi của Đức Vua trời Sakka phát nóng lên, Đức Vua trời Sakka xem xét do nguyên nhân nào thì biết rõ ý nghĩ của Đức Vua Bồ Tát Vessantara ấy, nên Đức Vua trời Sakka hoá ra một trận mưa thất báu (7 thứ báu) rơi xuống phía trước phía sau cung điện, 7 thứ báu chất đầy đến thắt lưng, còn rơi xuống trong kinh thành Jetuttara, 7 thứ báu chất đầy đến đầu gối.

Sáng ngày hôm sau, Đức Vua Bồ Tát Vessantara truyền lệnh rằng:

- Này toàn thể dân chúng! Nếu 7 thứ báu nào rơi trước và sau nhà nào thì thuộc về của riêng gia đình ấy. Còn lại 7 thứ báu nào rơi bên ngoài nhà thì nhặt đem nạp vào các kho của triều đình. Phần 7 thứ báu rơi xuống trong cung điện của Trẫm thì thuộc về của Trẫm.

Từ đó, Đức vua Bồ Tát Vessantara ngự tại kinh thành Jetuttara, trị vì đất nước Sivi bằng thiện pháp, đất nước Sivi phồn vinh, thần dân thiên hạ sống trong cảnh thanh bình, an cư lạc nghiệp.

Đức Vua Bồ Tát Vessantara thực hành bồi bổ các pháp hạnh Ba-la-mật, nhất là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, dù Đức Vua Bồ Tát đem của cải bố thí bao nhiêu đi nữa, cũng không hề vơi bớt chút nào cả, lúc nào của cải cũng đầy các kho. Đức Vua Bồ Tát Vessantara thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật cho đến trọn đời trọn kiếp.

Sau khi Đức Vua Bồ Tát Vessantara băng hà, thiện nghiệp cho quả tái sinh làm Đức Bồ Tát thiên nam tên  Setaketu tại cõi trời Tusita (Đâu suất đà thiên) đúng như ân huệ mà tiền kiếp là Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara đã từng cầu mong và đã được thành tựu như ý.

Sau khi thuyết tích Vessantarajātaka xong rồi, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Trong thời quá khứ, tiền kiếp của Như Lai là Đức Vua Bồ Tát Vessantara cũng có một trận mưa rơi xuống giữa dòng họ hoàng tộc của tiền kiếp Như Lai như vậy.

 

Tích Vessantarajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

 

Trong tích Vessantarajātaka này Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Đức Vua Bồ Tát Vessantara trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Vessantarajātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại của những nhân vật ấy như sau:

 

- Đức Thái Thượng Hoàng Sañjaya, nay kiếp hiện tại là  Đức Phụ Vương Suddhodana.

- Hoàng Thái Hậu Phussatī, nay kiếp hiện tại là Mẫu hậu Sirimahāmāyādevī.

- Đức vua Cetaputta, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Channa.

- Đạo sĩ Accutatāpasa, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Sāriputta.

- Đức Vua trời Sakka, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Anuruddha.

- Ông Bà-la-môn Jūjaka, nay kiếp hiện tại là tỳ khưu Devadatta.

- Cô Amittatāpanā, nay kiếp hiện tại là kỹ nữ Ciñcamāṇavikā.

- Chánh cung Hoàng hậu Maddī, nay kiếp hiện tại là  Ngài Đại Đức tỳ khưu ni Yasodharā (Rāhulamātā).

- Hoàng tử Jāli, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Rāhula.

- Công chúa Kaṇhājinā, nay kiếp hiện tại là  Ngài Đại  Đức tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā. 

-  Những nhân vật khác, nay kiếp hiện tại là tứ chúng tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ.       

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara, nay kiếp hiện tại là  Đức Phật Gotama.       

 

10 Pháp Hạnh Ba-la-mật

 

Tóm lược tích Đức Vua Bồ Tát Vessantara, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, đã thực hành pháp hạnh bố thí  Ba-la-mật bậc hạ, đặc biệt thực hành hạnh đại thí hai đứa con yêu quý và người vợ trẻ yêu quý, để thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp hạnh bố thí Ba-la-mật. Ngoài ra, còn có 9 pháp hạnh Ba-la-mật phụ cũng đồng thành tựu như sau:

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara giữ gìn giới trong sạch, 

   đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara xuất gia đạo sĩ, đó là pháp hạnh xuất gia Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara có trí tuệ sáng suốt, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara có sự tinh tấn không     ngừng, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara có đức nhẫn nại, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara nói lời chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara phát nguyện bằng lời     chân thật, đó là pháp hạnh phát nguyện  Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara có tâm từ đối với chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Vessantara có tâm xả đối với chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật.

 

Đó là 9 pháp hạnh Ba-la-mật đồng thời cùng thành tựu với pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc hạ.

 

Nhận Xét Về Tích Đức Vua Bồ Tát Vessantara

 

Tích Đức Vua Bồ Tát Vessantara là tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc hạ, đặc biệt thực hành hạnh đại thí hai đứa con yêu quý là hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā, và người vợ yêu quý là Chánh cung Hoàng hậu Maddī, để bồi bổ cho đầy đủ trọn vẹn pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc hạ.

Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc hạ là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ mà 3 hạng Bồ Tát: Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát Độc Giác và chư vị Bồ Tát Thanh Văn Giác đều phải thực hành đầy đủ.  

Trong bộ Chú giải Jātakaṭṭhakathāpāḷi (Tích Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama) gồm có 547 tích Đức Bồ Tát, tích thứ nhất là tích Apaṇṇakajātaka và tích cuối cùng là tích Vessantarajātaka.

Thật ra, tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành 30 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ,  10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức Phật Gotama, suốt khoảng thời gian 20 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất, trải qua vô số kiếp không thể kể bằng số được.

Tuy nhiên, trong bộ Chú giải Jātakaṭṭhakathāpāḷi này chỉ đề cập đến 547 tích Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama mà thôi. Đây là những tiền kiếp có liên quan đến kiếp hiện tại, cho nên Đức Phật dạy rằng :

“Sự kiện này không chỉ có trong kiếp hiện tại này mà còn trong tiền kiếp cũng đã từng xảy ra như vậy.” 

Do đó, Đức Phật thuyết giảng về tiền kiếp của Ngài.      

Kiếp hiện tại Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha là kiếp chót trở thành Đức Phật Gotama, tiền kiếp của Thái tử Siddhattha là kiếp Đức Bồ Tát thiên nam Setaketu tại cung trời Tusita (Đâu suất Đà Thiên) và tiền kiếp của vị thiên nam Setaketu chính là kiếp Đức vua Bồ Tát Vessantara.

Như vậy, Đức vua Bồ Tát Vessantara là tiền kiếp áp chót thứ hai của Đức Phật Gotama đã tạo đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật, suốt 20 A-tăng-kỳ và 100 ngàn đại kiếp trái đất.  

Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành đầy đủ trọn vẹn 30  pháp hạnh Ba-la-mật (samattiṃsa pāramī).

Chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác quá khứ, hiện tại và vị lai đều phải thực hành 5 hạnh đại thí (pañca mahāpariccāga) để cho được đầy đủ trọn vẹn pháp hạnh bố thí Ba-la-mật.

 

5  Hạnh Đại Thí

 

1- Dhanapariccāga: Hạnh đại thí của cải quý báu, tài sản, ngôi vua, v.v…

2- Aṅgapariccāga: Hạnh đại thí các bộ phận trong thân thể của mình, như đôi mắt, v.v…

3- Puttapariccāga: Hạnh đại thí đứa con yêu quý nhất của mình.

4- Bhariyapariccāga: Hạnh đại thí người vợ yêu quý nhất của mình.

5- Jīvitapariccāga: Hạnh đại thí sinh mạng của mình.

 

Năm hạnh đại thí này chỉ cần đối với chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác mà thôi, còn đối với chư Đức Bồ Tát Độc Giác và chư vị Bồ Tát Thanh Văn Giác không bắt buộc, thực hành tùy theo khả năng của mình.

Trong 5 hạnh đại thí này, đại hạnh thứ nhất, thứ nhì và thứ năm, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama, đã từng thực hành trong nhiều kiếp trong quá khứ; riêng về hạnh đại thí con yêu quý và hạnh đại thí vợ yêu quý  thì Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama chưa thực hành đầy đủ, nên kiếp Đức Vua Bồ Tát Vessantara cần phải thực hành hạnh đại thí con yêu quý và hạnh đại thí vợ yêu quý, để bồi bổ pháp hạnh bố thí Ba-la-mật cho được đầy đủ trọn vẹn.

Sau khi Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara thực hành hạnh đại thí hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā cho ông Bà-la-môn Jūjaka, để bồi bổ pháp hạnh bố thí Ba-la-mật cho được đầy đủ, nhưng khi thấy Bà-la-môn Jūjaka hành hạ 2 đứa con yêu quý của mình, vì thương yêu 2 đứa con, nên Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara phát sinh tâm sân định giết ông Bà-la-môn Jūjaka để dẫn 2 đứa con yêu quý của mình trở lại.

Ngay khi ấy, Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara suy tưởng về truyền thống của chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác trong quá khứ thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật rằng:

“Sabbabodhisattānaṃ dhanapariccāgaṃ aṅga-pariccāgaṃ puttapariccāgaṃ bhariyapariccāgaṃ jīvita-pariccāgan’ti ime pañca mahāpariccāge apariccajitvā buddhabhūtapubbo nāma natthi. Ahampi tesaṃ abbhantaro homi, mayāpi piyaputtadhītaro adatvā na sakkā buddhena bhavituṃ.([1])

“ Đối với tất cả chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác không thực hành 5 hạnh đại thí là hạnh đại thí của cải quý báu, tài sản, ngôi vua, v.v… , hạnh đại thí các bộ phận trong thân thể của mình, như đôi mắt, v.v…, hạnh đại thí đứa con yêu quý nhất của mình, hạnh đại thí người vợ  yêu quý nhất của mình, hạnh đại thí sinh mạng của mình mà đã từng trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, đó là điều không bao giờ có.

Dù chính ta cũng ở trong chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác ấy, nếu ta không thực hành hạnh đại thí con yêu quý là hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā thì chắc chắn ta cũng không thể trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác được.”

Thật ra, những tiền kiếp của Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara đã từng thực hành hạnh đại thí của cải quý báu, tài sản, ngôi vua, v.v…, hạnh đại thí các bộ phận trong thân thể của mình như đôi mắt, v.v…, hạnh đại thí sinh mạng của mình, nhưng chưa thực hành hạnh đại thí đứa con yêu quý nhất của Ngài và hạnh đại thí người vợ trẻ yêu quý nhất của Ngài. Cho nên Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara cần phải thực hành hai hạnh đại thí còn lại, để bồi bổ cho pháp hạnh bố thí Ba-la-mật được thành tựu đầy đủ trọn vẹn, đồng thời cũng làm cho hoàn thành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật, để mong trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.

Khi thực hành hạnh đại thí hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā yêu quý nhất của Ngài cho ông Bà-la-môn Jūjaka, Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo ông Bà-la-môn Jūjaka rằng: “Này ông Bà-la-môn Jūjaka! Bần đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức Phật Toàn Giác, là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần.”

Và khi thực hành hạnh đại thí Chánh cung Hoàng hậu Maddī yêu quý nhất của Ngài cho ông Bà-la-môn, Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara vô cùng hoan hỷ truyền bảo ông Bà-la-môn rằng: “Này ông Bà-la-môn! Bần đạo chỉ có nguyện vọng muốn trở thành Đức Phật Toàn Giác là nơi yêu quý bậc nhất hơn cả yêu quý Chánh cung Hoàng hậu Maddī gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần mà thôi.

Hạnh đại thí vợ yêu quý này của Như Lai xin làm duyên lành để chứng đắc thành Đức Phật Toàn Giác.”  

 Nếu Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara không thực hành hạnh đại thí hai đứa con yêu quý là hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā và người vợ yêu quý là Chánh cung Hoàng hậu Maddī của Ngài thì chưa thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, và cũng chưa hoàn thành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật, chắc chắn vẫn chưa có thể trở thành Đức Phật Gotama trong thời vị lai được.

Cho nên, nhờ sự đóng góp của hoàng tử Jāli và công chúa Kaṇhājinā và cộng với sự đóng góp của Chánh cung Hoàng hậu Maddī, để giúp cho Đức Bồ Tát đạo sĩ Vessantara thành tựu đầy đủ trọn vẹn pháp hạnh bố thí Ba-la-mật và đồng thời cũng hoàn thành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật, đến kiếp chót là kiếp Đức Bồ Tát Thái tử Siddhattha trở thành Đức Phật Gotama của chúng ta ngày nay.

 (Xong pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc hạ)



[1] Bộ Chú giải Jātakaṭṭhakathāpāli, Phần Mahānipāta, Tích Vessantarajātaka


 

1.2- Pháp Hạnh Bố Thí Ba-la-mật Bậc Trung

       (Dāna Upapāramī)

 

Tích Sivijātaka (Xi-wi-cha-tá-ká)

Tích Sivijātaka ([1]) này, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Đức vua Sivi thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung (dāna upapāramī). Tích này được bắt nguồn như sau:

Một thuở nọ, Đức Thế Tôn ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi, chư tỳ khưu tụ hội tại giảng đường đàm đạo về Đức Vua Pasenadi Kosala làm phước thiện bố thí đủ mọi thứ vật dụng suốt 7 ngày. Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự đến truyền hỏi rằng:

- Này chư Tỳ khưu!  Các con đang đàm đạo với nhau về vấn đề gì vậy?

Chư tỳ khưu bạch với Đức Thế Tôn về vấn đề Đức Vua Pasenadi Kosala như vậy.

Đức Thế Tôn truyền dạy rằng:

- Này chư tỳ khưu! Trong kiếp quá khứ, bậc thiện trí mỗi ngày xuất ra số tiền 600 ngàn kahāpaṇa (tiền Ấn xưa) mua sắm đủ mọi thứ vật thí, để làm phước thiện bố thí đến những người nên bố thí, thế mà vẫn chưa hài lòng hoan hỷ với những vật thí thuộc về bên ngoài thân thể ấy (bāhiravatthudāna), nên suy nghĩ rằng:

“Nếu người thí chủ bố thí vật quý nhất thì sẽ được nơi quý nhất. Vật quý nhất đó là những bộ phận trong thân thể, hoặc sinh mạng của mình.”

Bậc thiện trí phát nguyện rằng: “Nếu có người nào đến xin bộ phận nào trong thân thể của ta thì ta hoan hỷ bố thí bộ phận ấy cho người ấy ngay.”

Khi ấy, một vị Bà-la-môn già mù đôi mắt đến xin một con mắt của bậc thiện trí, thì bậc thiện trí vô cùng hoan hỷ liền bố thí hai con mắt đến cho vị Bà-la-môn ấy ngay. Bậc thiện trí không còn thấy gì nữa, nhẫn nại chịu đựng nỗi khổ thân đau đớn kinh khủng, thế mà bậc thiện trí phát sinh thiện tâm hỷ lạc chưa từng có, bởi vì biết vị Bà la-môn già đã có đôi mắt sáng nhìn thấy được mọi vật. 

Chư Tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tích bậc thiện trí ấy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Sivijātaka.

 

Tích Sivijātaka

 

Đức Thế Tôn thuyết về tích Sivijātaka, Đức Vua Bồ Tát Sivi, tiền kiếp của Đức Phật Gotama được tóm lược như sau:

Trong thời quá khứ, Đức Vua Sivi ngự tại kinh thành Ariṭṭhapura, trị vì đất nước Siviraṭṭha. Đức Bồ Tát, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, sinh làm Thái tử của Đức Vua Sivi được dặt tên là Sivirājakumāra: Thái tử Sivi.

Khi trưởng thành, Đức Bồ Tát Thái tử Sivi được gởi đến kinh thành Takkasilā, để theo học các bộ môn truyền thống của dòng dõi vua chúa. Sau khi học hành thành tài, có đầy đủ tài đức vẹn toàn, Đức Bồ Tát Thái tử Sivi ngự trở về đất nước Siviraṭṭha. Đức Phụ Vương tấn phong Đức Bồ Tát Thái tử Sivi lên ngôi Phó Vương.

Về sau, Đức Phụ Vương băng hà, Đức Bồ Tát Phó Vương được chính thức làm lễ đăng quang lên ngôi vua, trở thành Đức Vua Bồ Tát Sivi ngự tại kinh thành Ariṭṭhapura, trị vì đất nước Siviraṭṭha bằng thiện pháp của Đức Vua.

Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền lệnh xây dựng 6 trại bố  thí: 4 trại tại 4 cửa thành, 1 trại tại trung tâm kinh thành và 1 trại tại trước cửa cung điện của Đức Vua.

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền lệnh mỗi ngày xuất ra số tiền 600 ngàn đồng kahāpaṇa (tiền Ấn xưa), mua sắm đủ mọi thứ vật thí cần thiết, để làm phước thiện bố thí đến những người nên bố thí thường ngày.

Vào những ngày giới là ngày mồng 8, ngày 14, ngày 15, ngày 23, ngày 29, ngày 30 hằng tháng, Đức Vua Bồ Tát Sivi cởi voi báu ngự đến mỗi trại, tự tay làm phước thiện bố thí đôi  ba người, rồi ngự đến trại bố thí khác.

Một hôm vào ngày rằm, Đức Vua Bồ Tát Sivi ngự trên ngai vàng dưới chiếc lọng trắng suy xét rằng: “Hằng ngày, ta đã làm phước thiện bố thí đủ mọi thứ vật thí cần thiết đến cho những người nên bố thí, thế mà ta vẫn chưa cảm thấy hài lòng hoan hỷ với những vật thí thuộc về bên ngoài thân thể (bāhiravatthudāna)”, nên suy nghĩ rằng:

“Nếu người thí chủ bố thí vật quý nhất thì sẽ được nơi quý nhất. Vật quý nhất đó là những bộ phận trong thân thể, hoặc sinh mạng của mình.”

“Thật ra, những thứ vật thí thuộc về bên ngoài thân của ta dù quý giá đến mức nào đi nữa, cũng chưa làm cho ta phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ. Vậy, ta nên bố thí những bộ phận trong thân, hoặc sinh mạng của ta thuộc những vật thí bên trong thân của ta.

 Sau khi suy nghĩ đúng đắn như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi thành tâm phát nguyện rằng:

 

Hạnh phúc biết dường nào!

*Nếu có người nào đến nói lời xin trái tim của ta thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ dùng con dao mổ lồng ngực lấy trái tim đầy máu của ta, bố thí đến cho người ấy ngay.

*Nếu có người nào đến nói lời xin thịt trong thân của ta thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ dùng con dao xẻo thịt của ta, bố thí đến cho người ấy ngay.

*Nếu có người nào đến nói lời xin máu tươi của ta thì ta sẽ dùng con dao cắt mạch máu, để cho máu chảy đầy bình, rồi bố thí đến cho người ấy ngay.

*Nếu có người nào đến nói lời xin ta dẫn về làm tôi tớ trong nhà thì ta sẳn sàng từ bỏ ngai vàng, để đi theo người ấy về nhà, làm người tôi tớ đắc lực và dễ bảo.

*Nếu có người nào đến nói lời xin đôi mắt của ta thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ lấy đôi mắt của ta, bố thí cho người ấy ngay……

 

Sau khi phát nguyện như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi tắm sạch sẽ, dùng bữa ăn sáng, mặc trang phục vương triều, cỡi con voi báu, ngự đi đến trại bố thí.

Đức Vua trời Sakka trên cõi trời Tam thập Tam thiên theo dõi biết được những điều phát nguyện của Đức Vua Bồ Tát Sivi trong đó có điều “Bố thí đôi mắt quý nhất của Đức Bồ Tát.”

Biết lời phát nguyện chân thật của Đức Vua Bồ Tát Sivi, nên Đức Vua trời Sakka hiện xuống cõi người, hoá ra thành vị Bà-la-môn già mù đôi mắt, đứng bên đường gần trại bố thí.

Khi ấy, Đức Vua Bồ Tát Sivi ngự đến nơi, vị Ba-la-

môn già mù chắp 2 tay trên trán tán dương ca tụng Đức Vua Bồ Tát Sivi.

Nghe lời tán dương ca tụng của vị Bà-la-môn già mù

như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi giục con voi báu đến gần vị Bà-la-môn ấy, truyền hỏi rằng:

- Này vị Bà-la-môn! Ngươi đã tán dương ca tụng Trẫm. Vậy, ngươi muốn xin vật gì nơi Trẫm ?

Vị Bà-la-môn già mù đôi mắt (vốn là Đức Vua trời Sakka) tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, trong khắp mọi nơi đều tán dương ca tụng đức hạnh bố thí của Đại Vương, nên kẻ tiện dân này là lão già mù đôi mắt, xin mạo muội kính xin Đại Vương ban cho kẻ tiện dân này một con mắt của Đại Vương, thay vào một con mắt mù của kẻ tiện dân, để cho được sáng mắt nhìn thấy đường đi và mọi vật.

Nghe lời tha thiết kính xin của vị Bà-la-môn già mù đôi mắt như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi suy nghĩ: “ Sáng nay, ta ngự trên ngai vàng thành tâm phát nguyện rằng:

*Nếu có người nào đến nói lời xin đôi mắt của ta thì ta sẽ vô cùng hoan hỷ lấy đôi mắt của ta, bố thí cho người ấy ngay.”

 

Bây giờ, vị Bà-la-môn già mù đôi mắt đến nói lời xin một con mắt quý nhất của ta. Nay, cơ hội tốt hy hữu đã đến với ta hôm nay.

Thật là hạnh phúc biết dường nào!  Điều phát nguyện của ta chắc chắn sẽ thành tựu ngay hôm nay.

 

Ta sẽ thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, bố thí đôi mắt quý nhất của ta, mà trước đây ta chưa từng bố thí.

Khi ấy, Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền hỏi vị Bà-la-môn già rằng:

- Này vị Bà-la-môn! Ai là người hướng dẫn nhà ngươi đến xin đôi mắt của Trẫm tại nơi này?

- Này vị Bà-la-môn! Chư bậc thiện trí dạy rằng:

Đôi con mắt là bộ phận quý nhất của con người, nên

ít người chịu hy sinh đôi mắt của mình đem bố thí cho người khác. 

 Vị Bà-la-môn già mù tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, Đức Vua trời Sakka hướng dẫn kẻ tiện dân già mù này đến kính xin một con mắt của Đại Vương.

- Muôn tâu Đại Vương, thật vậy, chư bậc thiện trí dạy rằng: “Con mắt là bộ phận quý nhất, nên ít người chịu hy sinh đôi mắt của mình đem bố thí đến người khác.”

- Muôn tâu Đại Vương, Kính xin Đại Vương có tâm đại bi ban cho kẻ tiện dân già mù này chỉ một con mắt của Đại Vương mà thôi. Ngoài ra, kẻ tiện dân già này không xin vật nào khác.

 

Nghe lời tha thiết kính xin của vị Bà-la-môn già đui mù như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền bảo rằng:

- Này vị Bà-la-môn! Tuy ngươi xin Trẫm ban cho ngươi chỉ một con mắt của Trẫm mà thôi, nhưng Trẫm sẽ ban cho ngươi cả hai con mắt của Trẫm. Rồi đây, ngươi sẽ nhìn thấy mọi vật bằng hai con mắt của Trẫm.

 

Sau khi truyền bảo với vị Bà-la-môn như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi nghĩ rằng: “Tại nơi đây không thuận lợi để cho ta thực hiện pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, bố thí đôi mắt này.

Vậy, ta nên truyền lệnh các quan mời vị Bà-la-môn già mù này đến cung điện, ta sẽ truyền bảo quan ngự y Sivika lấy 2 con mắt của ta ra, rồi đặt vào 2 con mắt của vị Bà-la-môn già ấy. Đó là điều an toàn nhất.”

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền lệnh các quan mời vị Bà-la-môn già mù đi theo về cung điện của Đức Vua.

 

Khi biết Đức Vua Bồ Tát Sivi làm phước thiện bố thí đôi mắt, các quan, những người trong vương gia, hoàng tộc, toàn thể dân chúng đến chầu Đức Vua Bồ Tát Sivi tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, kính xin Bệ hạ không nên bố thí đôi mắt của Bệ hạ, xin Bệ hạ chỉ nên làm phước thiện bố thí  những thứ của cải khác như đồ ăn, thức uống, đồ dùng, vàng bạc, châu báu, ngựa báu, voi báu, v.v.. mà thôi.

- Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ là Đức Vua cao cả nhất trong đất nước Siviraṭṭha này, là nơi nương nhờ của chúng thần cùng thần dân thiên hạ.

Kính xin Bệ hạ có tâm đại bi thương xót chúng thần cùng thần dân thiên hạ. Cho nên, kính xin Bệ hạ không nên bố thí đôi mắt của Bệ hạ.

Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Người nào đã hứa rằng: “Ta sẽ ban cho.” Rồi đổi ý, nói lại rằng: “Ta không ban cho.” Người ấy là người hèn hạ hơn cả người hèn hạ.

Sau khi người ấy chết, ác nghiệp cho quả tái sinh trong cõi địa ngục Ussada chịu quả khổ lâu dài của ác nghiệp ấy.

Thật ra, người nào đến xin vật nào, thì người thí chủ nên bố thí vật ấy đến cho người ấy.

Vị Bà-la-môn già mù đến tha thiết chỉ xin Trẫm ban cho y con mắt của Trẫm mà thôi, không xin Trẫm một thứ của cải nào khác cả. Cho nên, Trẫm cũng chỉ bố thí đôi mắt của Trẫm cho y mà thôi.

Khi ấy, các quan tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, Bệ hạ cầu mong gì mà Bệ hạ làm phước thiện bố thí đôi mắt của Bệ hạ?

- Muôn tâu Bệ hạ, kiếp hiện tại này, Bệ hạ là Đức Vua cao cả nhất trong đất nước Siviraṭṭha này, không có một ai cao thượng hơn Bệ hạ. Vậy, Bệ hạ làm phước

thiện bố thí đôi mắt của Bệ hạ, để cầu mong kiếp sau có phải không?

Nghe các quan tâu như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Trẫm làm phước thiện bố thí đôi mắt của Trẫm không phải cầu mong thiện nghiệp này sẽ cho quả tái sinh kiếp sau làm vị thiên nam cao thượng trên cõi trời, hoặc làm Đức Vua trời nào, cũng không phải cầu mong trở thành Đức Vua nước lớn, có nhiều của cải, hoàng tử, công chúa nào cả.

Thật ra, Trẫm bố thí đôi mắt của Trẫm là làm theo chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác tiền bối. Bởi vì không có Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác nào chưa thực hành đầy đủ trọn vẹn 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà có thể trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác được.

Trẫm có ý nguyện muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, cho nên Trẫm cần phải thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung,  bố thí đôi mắt của Trẫm, để bồi bổ vào pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung ấy.

Trẫm không phải không biết yêu quý đôi mắt của Trẫm, cũng không phải không biết thương yêu Trẫm mà sự thật, Trẫm có ý nguyện tha thiết muốn trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác hơn cả. Vì vậy, Trẫm cần phải bố thí đôi mắt của Trẫm, để bồi bổ cho đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật của Trẫm, hầu mong trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.

Sau khi nghe Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền bảo, giảng giải như vậy, các quan và toàn thể dân chúng không còn ai tâu lời nào nữa.

Khi ấy, Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền gọi vị quan ngự  y Sivika  đến  truyền bảo rằng:

- Này ngự y Sivika! Ngươi là quan ngự y tài giỏi, cũng là người bạn thân của Trẫm. Nay ngươi hãy thi hành theo lời yêu cầu của Trẫm rằng: Với bàn tay khéo léo, ngươi hãy thực hiện lấy 2 con mắt của Trẫm ra, rồi đặt 2 con mắt ấy vào trong 2 con mắt của vị Bà-la-môn già mù ấy, để vị Bà-la-môn ấy có đôi mắt sáng nhìn thấy rõ mọi vật bằng 2 con mắt của Trẫm.

 

Nghe lệnh truyền của Đức Vua Bồ Tát Sivi, quan ngự y Sivika tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, hai con mắt là bộ phận quan trọng của con người. Kính xin Bệ hạ suy xét kỹ, có nên bố thí hay không?

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi khẳng định truyền lệnh rằng:

- Này ngự  y Sivika! Trẫm đã suy xét kỹ rồi. Ngươi hãy mau thi hành phận sự của ngươi, để cho Trẫm được thành tựu pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung, bố thí đôi mắt của Trẫm.

Nghe lệnh của Đức Vua Bồ Tát Sivi như vậy, quan ngự y Sivika nghĩ rằng: “Ta không nên dùng con dao mổ lấy 2 con mắt của Đức Vua Sivi, mà ta nên bào chế một món thuốc xoa vào con mắt, làm cho con mắt nhô lên khỏi lỗ mắt.

Nghĩ xong, quan ngự y Sivika bào chế thuốc, rồi đem dâng lên Đức Vua Sivi.

Đức Vua Bồ Tát Sivi xoa vào con mắt bên phải trước, Đức Vua Bồ Tát nhẫn nại chịu đựng nỗi đau đớn kinh khủng, tiếp tục xoa vào mắt lần thứ nhì, lần thứ ba, thì con mắt bên phải nhô lên khỏi lỗ mắt, Đức Vua Bồ Tát nhẫn nại chịu đựng nỗi khổ thân vô cùng đau đớn, dòng máu tươi chảy ra từ vết thương lỗ mắt, xuống gương mặt của Đức Vua Bồ Tát Sivi.

Quan ngự y lấy con mắt bên phải, rồi đặt trên bàn tay của Đức Vua Bồ Tát Sivi, tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, đây là con mắt bên phải của Bệ hạ.

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi Bố Thí Mắt

Nhìn thấy con mắt bên phải bằng con mắt bên trái, Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền bảo vị Bà-la-môn già mù rằng: “Mama ito akkhito sataguṇena sahassaguṇena satasahassaguṇena Sabbaññutaññāṇakkhimeva piya-taraṃ, tassa me idaṃ paccayo hotu.([2])

 

Ý nghĩa

 

“Chỉ có tuệ nhãn bậc Toàn Giác là nơi yêu quý nhất gấp trăm lần, gấp ngàn lần, gấp trăm ngàn lần hơn con mắt của tôi đây mà thôi. Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bố thí mắt này của tôi, xin làm duyên lành hỗ trợ trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác trong thời vị lai.”

 

Khi ấy, Đức Vua Bồ Tát Sivi thực hành pháp hạnh Ba-la-mật bố thí con mắt bên phải cho vị Bà-la-môn già

mù. Vị Bà-la-môn già ấy vốn là Đức Vua trời Sakka nhận con mắt bên phải của Đức Vua Bồ Tát Sivi xong, rồi tự đặt vào lỗ con mắt bên phải, do oai lực của mình. Con mắt bên phải của vị Bà-la-môn già được sáng ra có khả năng nhìn thấy rõ mọi vật.

 

Khi ấy, Đức Vua Bồ Tát Sivi vô cùng hoan hỷ truyền bảo rằng: “Aho! Sudinnaṃ mayā akkhidānaṃ”

Ôi! Hạnh phúc thay! Tôi đã thành tựu pháp hạnh Ba-la-mật bố thí mắt rồi!

Đức Vua Bồ Tát Sivi phát sinh thiện tâm hỷ lạc chưa

từng có bao giờ, rồi truyền lệnh quan ngự y Sivika tiếp tục thi hành phận sự lấy con mắt bên trái.

 

Quan ngự y Sivika cũng thực hiện như lần trước, dâng thuốc lên Đức Vua Sivi xoa con mắt bên trái lần thứ nhất, lần thứ nhì, lần thứ ba, thì con mắt bên trái nhô lên khỏi lỗ mắt, Đức Vua Bồ Tát Sivi nhẫn nại chịu đựng nỗi khổ thân vô cùng đau đớn, dòng máu chảy ra từ vết thương lỗ mắt, máu tươi dính đầy trên gương mặt của Đức Vua Bồ Tát Sivi.

Quan ngự y lấy con mắt bên trái, rồi đặt trên bàn tay của Đức Vua Bồ Tát Sivi, tâu rằng:

- Muôn tâu Bệ hạ, đây là con mắt bên trái của Bệ hạ.

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi Mù Mắt

 

Bây giờ, Đức Vua Bồ Tát Sivi mù mắt không nhìn thấy gì nữa, thực hành pháp hạnh Ba-la-mật bố thí con mắt bên trái cho vị Bà-la-môn già, Vị Bà-la-môn già vốn là Đức Vua trời Sakka nhận con mắt bên trái xong, rồi tự đặt vào con mắt bên trái, do oai lực của mình. Con mắt bên trái của vị Bà-la-môn già được sáng ra.

Nay vị Bà-la-môn già có đôi mắt sáng nhìn thấy rõ mọi vật. Vị Bà-la-môn già tán dương ca tụng, làm lễ cảm tạ Đức Vua Bồ Tát Sivi, rồi xin phép rời khỏi cung điện của Đức Vua Bồ Tát Sivi.

Sau khi, rời khỏi cung điện của Đức Vua Sivi, vị Bà-la-môn già hoá trở lại Đức Vua trời Sakka ngự trở về cung trời Tam thập Tam thiên.

Đức Vua Bồ Tát Sivi suy xét rằng:

Hạnh phúc biết dường nào! Ta đã có được cơ hội tốt, thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung, bố thí đôi mắt của ta đến vị Bà-la-môn già mù, được thành tựu như ý. Vị Bà-la-môn già có đôi mắt sáng nhìn thấy mọi cảnh vật trong đời, bằng đôi mắt của ta. Cho nên, Đức Vua Bồ Tát Sivi phát sinh thiện tâm vô cùng hỷ lạc chưa từng có bao giờ.

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi ngự lên trên lâu đài nghỉ ngơi, để chữa trị vết thương 2 lỗ mắt.

Một hôm, Đức Vua Bồ Tát Sivi suy nghĩ rằng:

“Nay ta đã mù đôi mắt rồi, ngôi vua không còn thích hợp với ta nữa. Vậy, ta nên trao ngôi vua lại cho các quan, còn ta nên ngự vào vườn thượng uyển, xuất gia trở thành đạo sĩ thực hành pháp hạnh Sa-môn.

Sau khi suy xét như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền lệnh cho các quan văn võ đông đủ hội triều. Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền bảo rằng:

- Này các khanh! Kể từ hôm nay, Trẫm xin trao ngôi vua lại cho các khanh. Các khanh nên chọn người lên làm vua trị vì đất nước Siviraṭṭha này. Còn Trẫm sẽ ngự vào vườn thượng uyển, xuất gia trở thành đạo sĩ thực hành pháp hạnh Sa-môn. Trẫm chỉ cần một người theo giúp đỡ Trẫm mà thôi.

Nghe Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền bảo như vậy, các quan đều cảm thấy vô cùng cảm động rơi nước mắt. Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền gọi quan đánh xe ngựa chở Đức Vua ngự vào vườn thượng uyển.

Các quan không muốn Đức Vua ngự đi bằng xe ngựa, mà kính thỉnh Đức Vua ngự trên chiếc kiệu vàng, rồi các quan tự khiêng chiếc kiệu đi đến hồ nước lớn trong vườn thượng uyển. Các quan đặt chiếc kiệu bên bờ hồ nước lớn ấy, có lính hầu hạ Đức Vua Bồ Tát Sivi rất cẩn trọng. Đức Vua Bồ Tát Sivi đang ngự trên chiếc kiệu vàng suy xét về pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung, bố thí đôi mắt của Đức Vua.



[1] Bộ Chú giải Jātakaṭṭhakathā, Phần Vīsatinipāta, Tích Sivijātaka

[2] Bộ Jātakaṭṭhakathāpāḷi, Phần Vīsatinipāta, Tích Sivijātakavaṇṇanā


Khi ấy, chỗ ngồi của Đức Vua trời Sakka cõi Tam thập Tam thiên phát nóng, Đức Vua trời Sakka xem xét thấy rõ, biết rõ điều suy nghĩ của Đức Vua Bồ Tát Sivi, nên Đức Vua trời Sakka nghĩ rằng: “ Ta nên hiện xuống cõi người, đến chầu Đức Vua Bồ Tát Sivi, ban ân huệ đến cho Đức Vua Bồ Tát Sivi có lại đôi mắt sáng đặc biệt nhìn thấu suốt như thể thiên nhãn của chư thiên.”

Đức Vua trời Sakka hiện xuống bên bờ hồ nước lớn gần nơi Đức Vua Bồ Tát Sivi đang ngồi ngự nơi ấy. Đức Vua trời Sakka ngự đi qua đi lại không xa chỗ ngồi của Đức Vua Bồ Tát Sivi.

Nghe tiếng chân người đi qua lại, Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền hỏi rằng:

- Ai đi qua, đi lại vậy?

Đức Vua trời Sakka tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Sivi, bổn Vương là Vua trời Sakka ngự đến chầu Đại Vương. Kính xin Đại Vương chọn ân huệ nào mà Đại Vương muốn.

Nghe Đức Vua trời Sakka truyền bảo như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi tâu rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka, của cải trong các kho của bổn Vương đầy đủ. Bây giờ, bổn Vương là Vua mù, bổn Vương chỉ hài lòng sự chết mà thôi. Vậy, kính xin Đức Vua trời Sakka ban ân huệ sự chết đến bổn Vương.

Nghe Đức Vua Bồ Tát Sivi tâu như vậy, Đức Vua trời Sakka tâu hỏi rằng:

- Tâu Đại Vương Sivi, Đại Vương muốn chấm dứt tuổi thọ, nên Đại Vương hài lòng sự chết, hay Đại Vương hài lòng sự chết, bởi vì Đại Vương là Đức Vua mù đôi mắt?

Đức Vua Bồ Tát Sivi tâu rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka, bổn Vương hài lòng sự chết, bởi vì bổn Vương là Vua mù đôi mắt.

Đức Vua trời Sakka tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Sivi, thiện nghiệp bố thí không chỉ  cho quả an lạc trong những kiếp vị lai lâu dài, mà còn cho quả an lạc ngay trong kiếp hiện tại này nữa.

Thật ra, vị Bà-la-môn già mù đôi mắt chỉ xin Đại Vương ban cho một con mắt mà thôi, thế mà Đại Vương đã ban cho vị Bà-la-môn già mù ấy cả hai con mắt của Đại Vương. Vậy, kính xin Đại Vương phát nguyện bằng lời chân thật.

Sau khi Đại Vương phát nguyện bằng lời chân thật vừa dứt, thì hai con mắt mới mầu nhiệm đặc biệt sẽ  được phát sinh lại hơn đôi mắt cũ gấp bội phần.

Nghe Đức Vua trời Sakka truyền bảo như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi tẩu rằng:

- Tâu Đức Vua trời Sakka, nếu như Đức Vua trời  muốn ban đôi mắt cho bổn Vương thì không nên làm như vậy. Bởi vì bổn Vương muốn có hai con mắt mới chỉ được phát sinh lại do năng lực quả của thiện nghiệp bố thí hai con mắt của bổn Vương mà thôi.

Đức Vua trời Sakka tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Sivi, bổn Vương dù là Vua trời Sakka cũng không có khả năng ban hai con mắt mới cho Đại Vương được đâu! Sự thật, hai con mắt mới ấy chỉ được phát sinh lại do năng lực quả của thiện nghiệp bố thí hai con mắt mà Đại Vương đã tạo mà thôi.

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi Phát Nguyện

 

Khi ấy, Đức Vua Bồ Tát Sivi thành tâm phát nguyện bằng lời chân thật rằng: “Tất cả mọi người hành khất nào từ các giai cấp, dòng dõi khác nhau đến xin nơi Trẫm bố thí. Tất cả mọi người hành khất ấy đều là những người yêu quý của Trẫm.

Do năng lực lời chân thật này, xin cho hai con mắt được phát sinh lại cho Trẫm.”

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi Sáng Mắt

 

Sau khi vừa dứt lời phát nguyện chân thật ấy.

Thật phi thường thay! Hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt được phát sinh lại cho Đức Vua Bồ Tát Sivi. Nhưng hai con mắt này không phải là nhục nhãn như mắt người bình thường, cũng không phải là thiên nhãn như mắt chư thiên. 

Vì sao?  Bởi vì thiên nhãn phát sinh do nương nhờ nơi nhục nhãn, mà nhục nhãn của Đức Vua Bồ Tát Sivi đã bố thí cho vị Bà-la-môn già mù trước đây rồi, và dù Đức Vua trời Sakka cũng không có khả năng làm cho nhục nhãn phát sinh trở lại như xưa được. Cho nên, hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt của Đức Vua Bồ Tát Sivi được phát sinh do năng lực pháp hạnh chân thật Ba-la-mật của Đức Vua Bồ Tát Sivi.

Đức Vua Bồ Tát Sivi có hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt sáng trở lại. Khi ấy, do oai lực của Đức Vua trời Sakka, các quan văn võ trong triều cùng toàn thể dân chúng trong kinh thành Ariṭṭhapura tụ hội tại hồ nước lớn trong vườn thượng uyển, Đức Vua trời Sakka đứng trên hư không tán dương ca tụng ân đức của Đức Vua Bồ Tát Sivi giữa các hội chúng đông đảo rằng:

- Tâu Đại Vương Sivi cao thượng đất nước Siviraṭṭha, Đại Vương đã phát nguyện bằng lời chân thật, hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt được phát sinh lại như thể thiên nhãn có khả năng nhìn thấu suốt xuyên qua các tường vách, thành trì, núi cao…xung quanh chu vi 100 do tuần (1 do tuần khoảng 20 cây số). 

Sau khi tán dương ca tụng Đức Vua Bồ Tát Sivi xong, Đức Vua trời Sakka thành kính đảnh lễ Đức Vua Bồ Tát Sivi, rồi xin phép từ giã, ngự trở về cõi trời Tam thập Tam thiên.

 

Đức Vua Bồ Tát Sivi Hồi Cung

 

Khi ấy, Đức Vua Bồ Tát Sivi hồi cung ngự trở lại kinh thành Ariṭṭhapura, cùng với các quan văn võ và toàn thể dân chúng. 

Dân chúng trong đất nước Siviraṭṭha nghe tin rằng:  Đức Vua Bồ Tát Sivi làm phước thiện bố thí đôi mắt cho vị Bà-la-môn già mù đôi mắt. Vị Bà-la-môn già ấy được sáng đôi mắt nhìn thấy mọi vật, còn Đức Vua Bồ Tát Sivi mù mắt không thấy gì nữa.

Sau đó, Đức Vua Bồ Tát Sivi đã phát nguyện bằng lời chân thật, thì hai con mắt mầu nhiệm đặc biệt được phát sinh cho Đức Vua Bồ Tát Sivi. Hai con mắt này như thể thiên nhãn có khả năng nhìn thấy thấu suốt xuyên qua các tường vách, thành trì, núi cao,.. chu vi 100 do tuần.”

Tin lành này được lan truyền khắp mọi nơi trong đất  nước Siviraṭṭha, phần đông dân chúng trong đất nước, ai cũng muốn đến chầu, để chiêm ngưỡng Đức Vua Bồ Tát Sivi. Cho nên, dân chúng từ kinh thành cho đến các miền trong đất nước Siviraṭṭha lũ lượt dẫn nhau đến cung cung điện của Đức Vua Bồ Tát Sivi, họ mang theo những phẩm vật quý giá của xứ sở dâng lên Đức Vua Bồ Tát.

Đức Vua Bồ Tát Sivi truyền lệnh các quan trang hoàng giảng đường lớn, để đón tiếp dân chúng, có pháp toà sang trọng để thuyết pháp.

Khi Đức Vua Bồ Tát Sivi ngự đến giảng đường, ngồi trên pháp toà dưới chiếc lọng trắng, phía dưới có các quan trong triều đông đủ, những người trong hoàng tộc, cùng toàn thể dân chúng tụ hội đông đủ, Đức Vua Bồ Tát Sivi thuyết pháp dạy rằng:

- Này các khanh, cùng toàn thể thần dân thiên hạ! Các ngươi hãy nhìn thấy đôi mắt của Trẫm như thể thiên nhãn được phát sinh do quả của thiện nghiệp bố thí đôi mắt thịt của Trẫm.

Vậy từ nay, các ngươi nên làm phước thiện bố thí đến người nên bố thí. 

- Này toàn thể dân chúng đất nước Siviraṭṭha!

Có ai không bố thí cho người hành khất đến chỗ mình hay không?

Trẫm khuyên các ngươi nên làm phước thiện bố thí. Khi bố thí vật thí yêu quý nhất đến người xứng đáng thọ thí, thì sẽ được quả báu đáng hài lòng hoan hỷ.

- Này các dân chúng Sivi đang tụ hội nơi đây! Các ngươi thấy đôi mắt của Trẫm như thể thiên nhãn của chư thiên. Đôi mắt của Trẫm có khả năng nhìn thấu suốt xuyên qua tường vách, thành trì, núi cao,…xung quanh chu vi khoảng 100 do tuần.

Trong cõi người này, bố thí là cơ hội tốt nhất. Trẫm đã bố thí hai con mắt thịt (nhục nhãn), ngay kiếp hiện tại, phước thiện bố thí ấy cho quả phát sinh hai con mắt như thể thiên nhãn đã phát sinh đến Trẫm.

- Này các dân chúng Sivi! Các ngươi đã thấy phước thiện bố thí và quả của phước thiện bố thí như vậy. Nếu có cơ hội thì các ngươi nên làm phước thiện bố thí, rồi mới nên dùng. Những người nào đã làm phước thiện bố thí, rồi thiện nghiệp bố thí sẽ cho quả an lạc. Những người  ấy không bị bậc thiện trí chê trách.

Sau khi họ chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh làm chư thiên trong cõi trời dục giới, an hưởng mọi sự an lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời ấy.

Nghe Đức Vua Bồ Tát Sivi thuyết pháp giảng dạy như vậy, từ đó về sau, các quan trong triều, toàn thể dân chúng Sivi phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Vua Bồ Tát Sivi, tin nơi nghiệp và quả của nghiệp, ham thích làm phước thiện bố thí tuỳ thời, giữ gìn ngũ giới của mình được trong sạch, và giữ gìn bát giới uposathasīla trong những ngày giới hằng tháng.

Về sau, hằng tháng vào ngày 15 và ngày cuối tháng, toàn thể dân chúng đến tụ hội tại giảng đường lớn, Đức Vua Bồ Tát Sivi ngự đến giảng đường ấy, ngồi trên pháp toà thuyết pháp giảng dạy các quan cùng dân chúng đất nước Siviraṭṭha. Các quan cùng dân chúng đều hoan hỷ thực hành theo lời giáo huấn của Đức Vua Bồ Tát Sivi.

Sau khi họ chết, thiện nghiệp cho quả tái sinh làm chư thiên, an hưởng mọi sự an lạc cho đến hết tuổi thọ trong cõi trời dục giới ấy.

Sau khi thuyết tích Sivijātaka, Đức Bồ Tát  tiền kiếp của Ngài xong,  Đức Thế Tôn  truyền dạy rằng:

- Này chư Tỳ khưu! Bậc thiện trí trong kiếp quá khứ không những hoan hỷ làm phước thiện bố thí đủ mọi thứ vật dụng cần thiết, của cải quý giá thuộc bên ngoài thân của mình, mà còn hoan hỷ làm phước thiện bố thí những bộ phận trong thân của mình nữa. Đức Vua Bồ Tát Sivi, tiền kiếp của Như Lai đã vô cùng hoan hỷ bố thí hai con mắt yêu quý nhất của mình đến cho vị Bà-la-môn già mù đôi mắt ngay lúc ấy.

Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về pháp tứ Thánh Đế, để tế độ chúng sinh có duyên lành dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn tuỳ theo năng lực các pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi chúng sinh.

 

Tích Sivijātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại

 

Trong tích Sivijātaka này Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Đức Vua Bồ Tát Sivi trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Sivijātaka ấy liên quan đến kiếp hiện tại của những nhân vật ấy như sau:

- Đức Vua trời Sakka hoá ra vị Bà-la-môn già mù đôi

  mắt, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Anuruddha.

- Quan ngự y Sivika, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Ānanda.

- Các quan trong triều cùng toàn thể dân chúng đất nước Sivi, nay kiếp hiện tại là tứ chúng: tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ .

- Đức Vua Bồ Tát Sivi,  nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.

 

10 Pháp Hạnh Ba-la-mật

 

Tóm lược tích Đức Vua Bồ Tát Sivi, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, đã thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung, bố thí bộ phận trong thân, hai con mắt quý nhất. Ngoài ra, còn có 9 pháp hạnh Ba-la-mật khác cũng đồng thành tựu như sau:

 

- Đức Vua Bồ Tát Sivi giữ gìn giới trong sạch, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật.   

- Đức Vua Bồ Tát Sivi xuât gia trở thành đạo sĩ, đó là pháp hạnh xuất Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sivi có trí tuệ sáng suốt, đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật. 

- Đức Vua Bồ Tát Sivi có sự tinh tấn không ngừng, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sivi có đức nhẫn nại chịu đựng nỗi đau đớn, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sivi nói lời chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật.              

- Đức Vua Bồ Tát Sivi phát nguyện bằng lời chân thật, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sivi có tâm từ đối với tất cả chúng   sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.

- Đức Vua Bồ Tát Sivi có tâm xả đối với tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật.  

 

Đó là 9 pháp hạnh Ba-la-mật cũng đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung ấy.

 

 

Nhận Xét Về Tích Đức Vua Bồ Tát Sivi 

 

Tích Đức Vua Bồ Tát Sivi, tiền kiếp của Đức Phật Gotama thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung (Dāna upapāramī) bố thí hai con mắt quý nhất của Ngài đến cho vị Bà-la-môn già mù đôi mắt. (vốn là Đức Vua trời Sakka)

 

- Pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành đầy đủ, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.                                   

Đức Vua Bồ Tát Sivi, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh bố thí hai con mắt quý nhất, thuộc bộ phận trong thân của mình cho vị Bà-la-môn già mù đôi mắt, để thành tựu pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung. Sau khi bố thí hai con mắt xong, Đức Vua Bồ Tát Sivi hoàn toàn không nhìn thấy gì nữa, còn vị Bà-la-môn có đôi mắt sáng nhìn thấy rõ mọi vật.

 Đức Vua Bồ Tát Sivi tuy trở thành Đức Vua mù và phải nhẫn nại chịu đựng nỗi khổ thân, nhưng lại phát sinh đại thiện tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ, bởi vì biết mình đã thành tựu pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung rồi. Như vậy, Đức Vua Bồ Tát Sivi tuy có khổ thân, nhưng không có khổ tâm. 

 

Vậy, khổ thân với khổ tâm có 2 trạng thái khác biệt với nhau như thế nào?

 

*Khổ thân đó là thọ khổ đồng sinh với thân thức tâm thuộc quả bất thiện vô nhân tâm tiếp xúc với đối tượng xấu, không đáng hài lòng. Khổ thân này dù Đức Phật và chư Thánh A-ra-hán cũng không tránh được.

 

*Khổ tâm đó là thọ ưu đồng sinh với tâm sân có đối tượng không đáng hài lòng. Khổ tâm này không còn phát sinh lên đối với Đức Phật, chư Thánh A-ra-hán và chư Thánh Bất Lai, bởi vì quý Ngài đã diệt đoạn tuyệt được tâm sân không còn dư sót nữa.

 

Khổ thân làm liên luỵ đến khổ tâm như thế nào?

 

Trong đời này, người nào gặp phải tai nạn, hoặc bị vết thương nặng, hoặc bị lâm bệnh nan y khó chữa, v.v… người ấy không biết nhẫn nại chịu đựng, chỉ muốn cho thầy thuốc chữa cho mau chóng khỏi bệnh mà thôi, nhưng không được như ý, nên người ấy phát sinh tâm sầu não, phiền muộn. Đó là tâm sân phát sinh làm cho khổ tâm.

 

Như vậy, khổ thân làm liên luỵ đến khổ tâm.

 

Khổ thân không làm liên luỵ đến khổ tâm như thế nào?

 

Trong đời này, người nào gặp phải tai nạn, hoặc bị vết thương nặng, hoặc bị lâm bệnh nan y khó chữa, v.v… người ấy biết nhẫn nại chịu đựng, tìm thầy giỏi thuốc hay chữa bệnh, dù bệnh khỏi hay không, người ấy vẫn không phát sinh tâm sầu não, không phiền muộn. Do đó

tâm sân không phát sinh, nên không làm cho khổ tâm.

 

Như vậy, khổ thân không làm liên luỵ đến khổ tâm.

 

Trường hợp Đức Vua Bồ Tát Sivi có cơ hội tốt thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật, bố thí 2 con mắt quý nhất của mình cho vị Bà-la-môn mù đôi mắt. Đức Vua Bồ Tát Sivi vô cùng hoan hỷ chấp nhận mù mắt, giúp cho vị Bà-la-môn có được đôi mắt sáng nhìn thấy rõ mọi vật, để thành tựu pháp hạnh bố thí  Ba-la-mật bậc trung. 

Khi Đức Vua Bồ Tát Sivi không còn nhìn thấy gì nữa, nhẫn nại chịu đựng nỗi khổ thân đau đớn kinh khủng, nhưng lại phát sinh đại thiện tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ, bởi vì, Đức Vua Bồ Tát Sivi có cơ hội tốt thực hành pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung đã được thành tựu như ý.

 Cho nên, Đức Vua Bồ Tát Sivi chỉ có thân khổ mà thôi, không có khổ tâm, bởi vì phát sinh đại thiện tâm hỷ lạc chưa từng có bao giờ.

 

Đối Tượng Xấu, Đối Tượng Tốt

 

* Đối tượng xấu, đối tượng tốt thường chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thân mà thôi. Ví dụ:

Khi thân tiếp xúc với đối tượng xấu, không đáng hài lòng thì làm cho khổ thân. Hoặc khi thân tiếp xúc với đối tượng tốt, đáng hài lòng thì làm cho thân an lạc.

 

*Đối tượng xấu hoặc đối tượng tốt đều có thể làm cho thiện tâm hoặc ác tâm phát sinh được. Ví dụ:

 

     * Đối Tượng Xấu - Tử Thi

 

Một người nếu không phải là hành giả đi vào rừng gặp tử thi, thì tâm sân phát sinh hoảng sợ, chạy lánh xa.

 

Còn nếu là hành giả đã từng học pháp hành thiền định về đề mục tử thi, đi vào rừng may mắn gặp được tử thi, hành giả sử dụng tử thi làm đối tượng thiền định thực hành pháp hành thiền định dẫn đến chứng đắc đệ nhất thiền sắc giới, và tiếp tục sử dụng đệ nhất thiền sắc giới làm nền tảng, làm đối tượng thiền tuệ, thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

 

Như vậy, tử thi là đối tượng bất tịnh đáng ghê sợ, thế mà đối với người này (không phải là hành giả) thì tâm sân (ác tâm) phát sinh; còn đối với hành giả thì thiện tâm phát sinh từ dục giới thiện tâm, sắc giới thiện tâm, cho đến Siêu tam giới thiện tâm, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.  

 

*Đối Tượng Tốt - Đức Phật

 

Nhóm ngoại đạo nhìn thấy Đức Phật, thì tâm sân phát sinh, chê trách đủ điều. Còn các hàng Thanh văn đệ tử nhìn thấy Đức Phật, thì phát sinh đức tin trong sạch nơi Đức Phật, lắng nghe Đức Phật thuyết pháp, thực hành theo lời giáo huấn của Đức Phật, dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

 

 Như vậy, Đức Phật là đối tượng đáng tôn kính, thế mà đối với ngoại đạo thì tâm sân (ác tâm) phát sinh; còn đối với các hàng Thanh Văn đệ tử của Đức Phật thì thiện tâm phát sinh từ dục giới thiện tâm, cho đến Siêu tam giới thiện  tâm, trở thành bậc Thánh A-ra-hán.

 

Thật ra, ác tâm hoặc thiện tâm phát sinh không tuỳ thuộc vào đối tượng xấu hoặc đối tượng tốt, mà chỉ tuỳ thuộc vào tâm hiểu biết của con người ấy mà thôi.

 

* Nếu không có trí tuệ, không hiểu biết đúng theo thực tánh của các pháp thì ác tâm phát sinh.

* Nếu có trí tuệ hiểu biết đúng theo thực tánh của các pháp thì thiện tâm phát sinh.

 

(Xong pháp hạnh bố thí Ba-la-mật bậc trung)




[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024