• Nền Tảng Phật Giáo - Quyển VI

    PHÁP HẠNH BA-LA-MẬT

    (Tập 2)

  • Soạn giả: Hộ Pháp

 

Mỹ Nhân Kế

 

Quân sư Kevaṭṭa nghĩ đến Công chúa Pañcālacandī của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và Chánh cung Hoàng hậu Nandādevī: “Công chúa có sắc đẹp tuyệt trần như một thiên nữ. Vậy, ta nên lợi dụng sắc đẹp Công chúa Pañcālacandī làm mỹ nhân kế, dụ Đức Vua Vedeha ngự đến kinh thành Uttarapañcāla để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī, chắc chắn có Thừa tướng Mahosadha paṇḍita cùng đi theo hộ giá. Như vậy, họ ví như nai bị mắc bẫy, cá bị cắn câu.

Khi ấy, ta sẽ bắt Vua Vedeha và Mahosadha paṇḍita đem ra chém đầu, rồi sẽ làm đại lễ uống rượu ăn mừng chiến thắng toàn cõi Nam thiện bộ châu này”.

Sau khi nghĩ xong, quân sư Kevaṭṭa đến chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, tâu rằng:

- Tâu Chúa Thượng, hạ thần có một kế hay, xin tâu cho Chúa Thượng rõ.

Nghe quân sư Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta truyền hỏi rằng:

- Thưa quân sư, quân sư đã hiến bao nhiêu kế đều thất bại thê thảm, bỏ chạy trốn thoát thân. Nay quân sư còn bày ra kế gì nữa đây! 

- Tâu Chúa Thượng, kế này thật là diệu kế, cũng là thượng sách nữa!

- Thưa quân sư, nếu vậy thì hãy tâu cho Trẫm rõ.

- Tâu Chúa Thượng, xin Chúa Thượng đến một chỗ vắng vẻ, chỉ có Chúa Thượng và hạ thần mà thôi, hạ thần sẽ tâu cho Chúa Thượng rõ.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn tấu. Đức Vua ngự lên trên lâu đài cùng với quân sư Kevaṭṭa tại căn phòng ngủ của Đức Vua, nơi cửa sổ có con sáo mái Sāḷikā (con sáo mái) nói và nghe hiểu được tiếng người. Quân sư Kevaṭṭa tâu rằng:

- Tâu Chúa Thượng, Công chúa Pañcālacandī của Chúa Thượng có sắc đẹp tuyệt trần như một thiên nữ. Chúa Thượng nương nhờ Công chúa Pañcālacandī làm mỹ nhân kế dụ Đức Vua Vedeha ngự đến kinh thành Uttarapañcāla để làm lễ thành hôn, chắc chắn Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đi theo hộ giá. Như vậy, họ ở trong tay của ta, ví như nai bị mắc bẫy, cá bị cắn câu, không còn đường nào trốn thoát được nữa.

Chúa Thượng truyền lệnh bắt Đức Vua Vedeha và Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đem ra chém đầu, để trả thù, rồi Chúa Thượng truyền lệnh tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này.

Khi ấy, Chúa Thượng đương nhiên sẽ được suy tôn là Đại Vương cao cả nhất (aggamahārājā), làm bá chủ trong cõi Nam thiện bộ châu này.

- Tâu Chúa Thượng, ban đầu truyền gọi các thi sĩ vào cung, nhìn thấy Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, họ sẽ làm thơ, ca hát tán dương, ca tụng sắc đẹp tuyệt trần của Công chúa, truyền cho đoàn ca hát, nhảy múa tán dương, ca tụng sắc đẹp tuyệt trần của Công chúa từ kinh thành Uttarapañcāla cho đến kinh thành Mithilā.

Đoàn ca múa xin vào cung điện trình diễn ca hát, nhảy múa, tán dương, ca tụng Công chúa Pañcālacandī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên nữ cho Đức Vua Vedeha thưởng thức, gợi cho Đức Vua mong ước được Công chúa làm Chánh cung Hoàng hậu.

Khi ấy, hạ thần sẽ làm sứ giả đến kinh thành Mithilā,

xin chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Vedeha, Chúa Thượng của hạ thần là Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nhận xét thấy Đại Vương là người xứng đáng nên muốn ban Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ cho Đại Vương để làm Chánh cung Hoàng hậu.

Kính xin Đại Vương chọn ngày ngự đến kinh thành Uttarapañcāla để cử hành hôn lễ với Công chúa Pañcālacandī, rồi đón rước về kinh thành Mithilā, để làm Chánh cung Hoàng hậu của Đại Vương.

Khi Đức Vua Vedeha ngự đến kinh thành Uttara-pañcāla thì chắc chắn Thừa tướng Mahosadha paṇḍita sẽ đi theo hộ giá. Như vậy, họ sẽ mắc vào mỹ nhân kế của chúng ta.

Nghe quân sư Kevaṭṭa bày ra mỹ nhân kế này, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta vốn có tâm tham vọng làm bá chủ trong cõi Nam thiện bộ châu nên nghĩ: “Đó là diệu kế”. Vì vậy, Đức Vua truyền bảo rằng:

- Thưa Quân sư, Trẫm xin chuẩn tấu, quân sư hãy thực hiện mỹ nhân kế này một cách rất khéo léo và bí mật tuyệt đối!

Sau khi được Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn tấu mỹ nhân kế ấy, quân sư Kevaṭṭa thực hiện từng giai đoạn theo kế sách. Cuối cùng một đoàn ca hát, nhảy múa gồm toàn các nghệ sĩ ưu tú, các nhạc công ưu tú, cho nên đoàn ca múa này đi trình diễn được nổi tiếng từ kinh thành Uttarapañcāla cho đến kinh thành Mithilā, đến tai của Đức Vua Vedeha.

Đức Vua Vedeha vốn ham mê ngũ dục (sắc đẹp, âm thanh hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm ấm), khi nghe nói có đoàn ca múa hay nổi tiếng như thế ấy, nên cho mời vào cung điện để trình diễn cho Đức Vua cùng các vương gia thưởng thức.

Đoàn ca múa ấy ca hát tán dương, ca tụng Đức Vua Vedeha với lời hay, ý đẹp làm cho Đức Vua vô cùng hoan hỷ khen ngợi. Đoàn ca múa tán dương, ca tụng Công chúa Pañcālacandī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên nữ, gợi cho Đức Vua Vedeha nghe say mê, mong ước có được Công chúa làm Chánh cung Hoàng hậu của mình.

Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ ban thưởng cho đoàn ca hát ấy các phần thưởng quý giá. Sau đó họ trở về kinh thành Uttarapañcāla, vào chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tâu trình rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, chúng thần được mời vào cung điện của Đức Vua Vedeha, trình diễn các bài hát tán dương, ca tụng Đức Vua Vedeha, tán dương, ca tụng Công chúa Pañcālacandī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên nữ làm cho Đức Vua Vedeha cảm thấy hài lòng, vô cùng hoan hỷ, nên đã ban thưởng cho chúng thần những phần thưởng quý giá.

Nghe đoàn ca múa tâu trình như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng, hoan hỷ cho gọi quân sư Kevaṭṭa đến truyền bảo rằng:

- Thưa quân sư, kế sách của quân sư phần đầu đã có kết quả. Nay xin quân sư lãnh sứ mạng làm sứ giả đến kinh thành Mithilā, chầu Đức Vua Vedeha, tâu lời của Trẫm theo kế sách của quân sư.

Tuân lệnh Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, quân sư Kevaṭṭa đem theo những món quà quý giá cùng đoàn tùy tùng đông đảo lên đường đến kinh thành Mithilā.

Trước khi đến kinh thành Mithilā, quân sư Kevaṭṭa đã cho người loan tin cho dân chúng trong kinh thành Mithilā biết rằng: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta muốn kết tình thân thiện với Đức Vua Vedeha, nên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ ban Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ cho Đức Vua Vedeha làm Chánh cung Hoàng hậu, để kết tình thân hữu giữa kinh thành Uttarapañcāla với kinh thành Mithilā và 2 đất nước Kapilaraṭṭha với Videharaṭṭha trong tình thân thiện lẫn nhau, thần dân thiên hạ của 2 đất nước sống trong cảnh thanh bình an lạc”.

Nghe tin như vậy, Đức Vua Vedeha rất hài lòng vô cùng hoan hỷ. Còn Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita không hài lòng chút nào, vì biết chắc chắn Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta bày ra mưu kế thâm độc, để dụ dỗ, đánh lừa Đức Vua Vedeha.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gửi tin hỏi người lính điệp viên của mình, để biết rõ mưu kế của quân sư Kevaṭṭa, thì được thư trả lời: “Thưa Thừa tướng, chúng tôi không biết rõ được mưu kế của quân sư Kevaṭṭa mà chỉ biết rõ rằng Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và quân sư Kevaṭṭa bàn bạc chuyện bí mật trên lâu đài trong phòng ngủ của Đức Vua, mà tại cửa sổ phòng ngủ của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta có con sáo mái Sāḷikā biết nghe và nói tiếng người, chắc chắn con sáo mái Sāḷikā đã nghe được chuyện bí mật ấy”.

Đoàn sứ giả do quân sư Kevaṭṭa dẫn đầu và tuỳ tùng đông đảo đến kinh thành Mithilā, xin phép đến chầu Đức Vua Vedeha. Ông đảnh lễ Đức Vua rồi kính dâng quà của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta lên Đức Vua Vedeha. Ông ngồi một nơi hợp lẽ, vấn an Đức Vua Vedeha theo nghi lễ và Đức Vua Vedeha kính lời cảm tạ Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta.

Khi ấy, sứ giả Kevaṭṭa tâu với Đức Vua Vedeha rằng:

- Tâu Đại Vương, Chúa Thượng của hạ thần là Đại Vương Cūḷanī Brahmadatta nhận xét thấy Đại Vương là người xứng đáng kết tình thân thiện, nên muốn ban Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ cho Đại Vương làm Chánh cung Hoàng hậu, để kết tình thân hữu giữa kinh thành Uttarapañcāla với kinh thành Mithilā và 2 đất nước Kapilaraṭṭha với Videha-raṭṭha kết tình thân thiện lẫn nhau, thần dân thiên hạ của 2 đất nước sống trong cảnh thanh bình an lạc.

- Tâu Đại Vương, Đại Vương Cūḷanī Brahmadatta xin mời Đại Vương chọn ngày ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, rồi đón rước Công chúa ngự trở về kinh thành Mithilā này.

Nghe sứ giả Kevaṭṭa tâu như vậy, Đức Vua Vedeha rất hài lòng, vui mừng bởi nghe đến: “ban Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ”, nên Đức Vua Vedeha truyền bảo với sứ giả Kevaṭṭa rằng: 

- Thưa sứ giả, Quả nhân vô cùng cảm kích trước tấm lòng tốt của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đối với Quả nhân. Quả nhân chân thành cảm tạ Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và sứ giả đã vất vả đến đây, để đem lại sự lợi ích, sự an lạc cho quả nhân, cho toàn thể dân chúng đất nước Videharaṭṭha và đất nước Kapila-raṭṭha trong tình thân thiện, sống trong cảnh thanh bình an lạc.

- Thưa sứ giả, để xoá bỏ những lỗi lầm quá khứ giữa quân sư với Thừa tướng Mahosadha paṇḍita. Xin mời sứ giả đến thăm Thừa tướng Mahosadha paṇḍita, để bỏ lỗi lầm lẫn nhau, thông cảm và hoà hợp với nhau trong tình thân hữu.

Nghe lời khuyên của Đức Vua Vedeha, sứ giả Kevaṭṭa đi đến tư dinh thăm quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita.

Biết sứ giả Kevaṭṭa đến tư dinh của mình, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: Ta không nên đón tiếp, nói chuyện với kẻ ác như sứ giả Kevaṭṭa ấy”. Vì nghĩ như vậy, nên sáng hôm ấy, Đức Bồ Tát dùng một ít bơ lỏng, rồi bảo gia nhân đem phần bơ lỏng còn lại đổ rải khắp nền nhà, dẹp các ghế ngồi chỉ còn lại chiếc giường Đức Bồ Tát đang nằm mà thôi. Ngài căn dặn nhóm gia nhân: “Hãy tiếp sứ giả Kevaṭṭa với thái độ khinh bỉ. Nếu khi Kevaṭṭa muốn hỏi chuyện với ta thì các người hãy ngăn cản y không cho hỏi chuyện, bởi vì hôm nay quan Thừa tướng dùng bơ lỏng, và nếu ta làm bộ nói chuyện với Kevaṭṭa thì các người cũng ngăn cản ta không cho nói chuyện, bởi vì hôm nay quan Thừa tướng dùng bơ lỏng”.

Sau khi căn dặn nhóm gia nhân xong, Đức Bồ Tát Mahosadha mặc bộ y phục màu đỏ, nằm trên gường bệnh.

Khi ấy, quân sư Kevaṭṭa đến đứng trước cổng thứ nhất tư dinh của Ngài, hỏi người lính gác cổng rằng:

- Này ngươi! Quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita có trong dinh không?

Người gác cổng thứ nhất bảo rằng:

- Này Bà-la-môn! Ngươi chớ nên nói lớn tiếng, ta cho phép ngươi làm thinh đi vào.

Sứ giả Kevaṭṭa đi vào tuần tự đến cổng số 2 cho đến cổng số 7 tư dinh của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, các lính gác cổng đều đối xử khinh bỉ như vậy. Ông đến chỗ Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đang nằm, không có chỗ ngồi, nên ông phải đứng, muốn hỏi chuyện Đức Bồ

Tát  thì gia nhân ngăn cản rằng:

- Này Bà-la-môn Kevaṭṭa, ngươi không nên hỏi chuyện quan Thừa tướng, bởi vì hôm nay quan Thừa tướng của chúng tôi dùng bơ lỏng.

Khi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita làm bộ muốn nói chuyện với sứ giả Kevaṭṭa thì nhóm gia nhân ngăn cản Ngài không cho nói chuyện, vì hôm nay quan Thừa tướng đại nhân dùng bơ lỏng.

Sứ giả Kevaṭṭa đến thăm Thừa tướng Mahosadha paṇḍita, không có chỗ ngồi, đứng trên sàn nhà dính bơ lỏng, mọi người trong tư dinh đều tỏ ra khinh bỉ, nên ông cảm thấy xấu hổ, xin phép trở về. Một gia nhân mắng rằng:

 - Này tên Bà-la-môn Kevaṭṭa ác nhân kia! Hãy đi ra.  

Sứ giả Kevaṭṭa hoảng sợ, trở về cung điện. Đức Vua Vedeha nghĩ rằng: Hôm nay, nghe sứ giả Kevaṭṭa báo tin về sứ mạng chuyến đi này, Mahosadha paṇḍita chắc chắn vui mừng hoan hỷ lắm. Hai bậc đại trí chuyện trò thân mật bỏ lỗi lẫn nhau. Thật là điều hạnh phúc an lạc cho ta biết dường nào!”

Vì nghĩ như vậy, nên khi nhìn thấy sứ giả  Kevaṭṭa trở về, Đức Vua truyền hỏi rằng:

- Thưa sứ giả, sứ giả đã gặp quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita rồi, quan Thừa tướng chắc chắn đã xin lỗi sứ giả và sứ giả đã bỏ lỗi cho quan Thừa tướng. Hai bên đã bỏ lỗi cho nhau. Khi nghe sứ giả báo tin về sứ mạng chuyến đi này, chắc chắn quan Thừa tướng vui mừng, hoan hỷ lắm phải không?

Quân sư Kevaṭṭa tâu rằng:

- Tâu Đại Vương Vedeha, kính xin Đại Vương không nên nói đến quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita ấy nữa! Ông là con người đần độn, không đáng gọi là bậc đại trí, vì y không nói một lời nào, y chỉ giống như người câm, người điếc mà thôi!

Nghe sứ giả Kevaṭṭa nói xấu quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita, Đức Vua Vedeha làm thinh, không đồng tình cũng không phản đối. Đức Vua mời sứ giả Kevaṭṭa cùng đoàn tuỳ tùng về chỗ nghỉ ngơi. Đức Vua suy xét: “Mahosadha paṇḍita là bậc đại trí, có trí tuệ siêu việt, là người tài ba lỗi lạc trong phép xã giao. Vậy, tại sao Mahosadha paṇḍita lại không nói một lời nào với sứ giả Kevaṭṭa, không tỏ ra hoan hỷ trong sự có mặt của sứ giả.

Như vậy, Mahosadha paṇḍita chắc chắn đã thấy rõ, biết rõ được mưu kế thâm độc của sứ giả rồi, nên mới tỏ ra thái độ như vậy. Mahosadha paṇḍita con của ta là bậc đại trí có trí tuệ siêu việt thấy rõ, biết rõ quá khứ, hiện tại, vị lai mà những người khác không dễ gì thấy được, biết được. Cho nên, Mahosadha paṇḍita chắc chắn biết rõ được mưu kế thâm độc của quân sư Kevaṭṭa đến đây mời ta ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ.

Nếu đó là mưu kế thâm độc của quân sư Kevaṭṭa đem Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, để dụ dỗ ta, khi ta rời khỏi kinh thành Mithilā này, ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, thì có khác nào ta đã lọt vào tay của kẻ thù xưa, sự sống hoặc sự chết của ta như thế nào làm sao biết được?”

Suy nghĩ về sự việc như vậy, Đức Vua Vedeha cảm thấy rùng mình, phát sinh sợ hãi. Khi ấy, 4 vị quân sư đến chầu, Đức Vua truyền hỏi rằng:

- Thưa quân sư Senaka, Trẫm có nên ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta hay không? Quân sư nghĩ thế nào, hãy tâu cho Trẫm rõ.

Quân sư Senaka tâu rằng:

 - Tâu Bệ hạ, điều hạnh phúc đã đến với Bệ hạ, kính xin Bệ hạ đón nhận. Đây là cơ hội tốt nhất đối với Bệ hạ. Bệ hạ nên ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta. Đó là cơ hội tốt nhất, cũng là điều vinh dự nhất đối với Bệ hạ.

Hiện nay, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta là một Đại Vương cao cả nhất trong cõi Nam thiện bộ châu này, còn 101 Đức Vua của 101 đất nước kia là chư hầu của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta. Vì vậy, chỉ có Bệ hạ ngự tại kinh thành Mithilā trị vì nước Videharaṭṭha là không phải nước chư hầu của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta mà thôi. Xét thấy Bệ hạ là Đức Vua xứng đáng, nên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ban Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ đến Bệ hạ, để làm Chánh cung Hoàng hậu của Bệ hạ.

Kính xin Bệ hạ nên thuận theo thiện ý của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đối với Bệ hạ, để kết tình thân hữu giữa kinh thành Uttarapañcāla với kinh thành Mithilā và 2 đất nước Kapilaraṭṭha với Videharaṭṭha trong tình thân thiện lẫn nhau, để thần dân thiên hạ của 2 nước sống trong cảnh thanh bình an lạc.

Vậy, kính xin Bệ hạ nên chọn ngày ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, rồi

rước về kinh thành Mithilā.

 Chúng thần sẽ có cơ hội theo hộ giá Bệ hạ, cũng sẽ được Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta biếu những phẩm vật quý giá.

Tiếp theo, Đức Vua Vedeha truyền hỏi 3 vị quân sư còn lại, 3 vị quân sư ấy cũng đều tâu giống như quân sư Senaka rằng:

- Tâu Bệ hạ, kính xin Bệ hạ nên ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, để làm Chánh cung Hoàng hậu của Bệ hạ.

Đức Vua Vedeha đang truyền hỏi 4 vị quân sư thì sứ giả Kevaṭṭa đến chầu Đức Vua Vedeha, tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, hạ thần không thể ở lâu hơn nữa, xin phép Đại Vương trở về kinh thành Uttarapañcāla.

 Kính xin Đại Vương chọn ngày ngự đến kinh thành Uttarapañcāla. Đại Vương truyền gửi sứ giả đến tâu lên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta được rõ.

Đức Vua Vedeha ban những phẩm vật quý giá đến sứ giả Kevaṭṭa và đoàn tuỳ tùng rồi tiễn đưa họ trở về kinh thành Uttarapañcāla.

Biết sứ giả Kevaṭṭa đã rời khỏi kinh thành Mithilā trở về kinh thành Uttarapañcāla, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến chầu Đức Vua Vedeha, đảnh lễ rồi ngồi một nơi hợp lẽ.

Trước đây, Đức Vua Vedeha một mình suy xét đúng đắn, sau khi gặp 4 vị quân sư thiểu trí si mê, nên Đức Vua lại thay đổi ý nghĩ trước, do năng lực của tâm tham ái làm cho Đức Vua trở thành người say mê trong ngũ dục, nên truyền hỏi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rằng:

- Này Mahosadha paṇḍita! Chúng ta gồm có 6 người: Trẫm, quân sư Kevaṭṭa và 4 quân sư đều là bậc đại trí đồng có ý kiến với nhau rằng: “Trẫm nên chọn ngày ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, rồi rước về làm Chánh cung Hoàng hậu của Trẫm”.

 - Này Mahosadha paṇḍita! Con có ý kiến như thế nào? Con hãy tâu cho Phụ Vương rõ.

Nghe Đức Vua Vedeha truyền hỏi như vậy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Đức Vua Vedeha đã tin lời sứ giả Kevaṭṭa và 4 vị quân sư thiểu trí si mê, rồi say mê Công chúa Pañcālacandī mà không thấy Công chúa chỉ là miếng mồi để dụ Đức Vua ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để sát hại Đức Vua chứ không phải để làm lễ thành hôn với Công chúa. Ta sẽ tâu cho Đức Vua nhận thức thấy rõ sự thật như vậy mà thay đổi ý, không dám ngự đến kinh thành Uttarapañcāla nữa”.

Nghĩ xong Ngài tâu với Đức Vua Vedeha rằng:

- Tâu Đại Vương, Đức Vua  Cūḷanī Brahmadatta đem Công chúa Pañcālacandī làm mồi dụ Đại Vương ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để sát hại Đại Vương, chứ không phải để làm lễ thành hôn với Công chúa xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, như sứ giả Kevaṭṭa tâu với Đại Vương. Đó chỉ là “mỹ nhân kế ” của sứ giả  Kevaṭṭa mà thôi.

Ví như, người thợ săn đem con nai cái ra để lừa con nai đực say mê rồi mắc bẫy của y; người câu cá móc miếng mồi ngon bao bọc lưỡi câu để lừa con cá mê mồi nuốt phải lưỡi câu vào bụng, không biết sự chết đến với mình.

- Tâu Đại Vương, Công chúa Pañcālacandī ví như con nai cái của người thợ săn, cũng ví như miếng mồi ngon bao bọc lưỡi câu của người câu cá.

Nếu Đại Vương say mê Công chúa mà ngự đến kinh thành Uttarapañcāla thì Đại Vương chắc chắn sẽ bị bắt rồi bị chém đầu ngay tức thì.

- Tâu Đại Vương, hạ thần đã thấy rõ, biết rõ “mỹ nhân kế” của quân sư Kevaṭṭa dụ Đại Vương ngự đến kinh thành Uttarapañcāla để giết Đại Vương.

Vậy, kính xin Đại Vương nhận thức rõ sự tai hoạ ấy mà thay đổi ý, không nên ngự đến kinh thành Uttarapañcāla nữa.

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rõ sự thật như vậy, nhưng Đức Vua Vedeha vẫn chấp thủ nên nổi cơn thịnh nộ, nghĩ: “Mahosadha paṇḍita coi thường ta, không còn tôn trọng ta là Đức Vua nữa. Chính sứ giả  Kevaṭṭa đã tâu với ta rằng: “Tâu Đại Vương, Chúa Thượng của hạ thần là Đại Vương Cūḷanī Brahmadatta nhận xét thấy Đại Vương là người xứng đáng kết tình thân thiện, nên muốn ban Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ cho Đại Vương để làm Chánh cung Hoàng hậu, để kết tình thân hữu giữa kinh thành Uttarapañcāla với kinh thành Mithilā và 2 đất nước Kapilaraṭṭha với Videharaṭṭha kết tình thân thiện lẫn nhau, thần dân thiên hạ của 2 đất nước sống trong cảnh thanh bình an lạc.

Đại Vương Cūḷanī Brahmadatta xin mời Đại Vương chọn ngày ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, rồi đón rước Công chúa ngự trở về kinh thành Mithilā này”.

Sau khi nhớ lại lời tâu của sứ giả Kevaṭṭa như vậy, Đức Vua Vedeha nổi cơn thịnh nộ truyền bảo rằng:

- Này Mahosadha paṇḍita! Ngươi dám coi thường Trẫm, ví Trẫm như con nai đực say mê con nai cái, như con cá say mê miếng mồi.

- Này Mahosadha paṇḍita! Ngươi là con trai sống trong xóm nhà vùng lúa, chỉ biết cày ruộng mà thôi. Làm sao ngươi có thể biết được sự hạnh phúc an lạc đế vương như sứ giả Kevaṭṭa và 4 vị quân sư của Trẫm được!

Mahosadha paṇḍita này làm cản trở sự hạnh phúc an lạc của Trẫm, cản trở Trẫm làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta.

Vậy, các khanh hãy tống cổ nó ra khỏi nơi này, các khanh hãy đuổi nó ra khỏi đất nước của Trẫm, bởi nó không giúp Trẫm làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, mà còn gây cản trở không muốn Trẫm ngự đến kinh thành Uttarapañcāla.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita biết: “Đức Vua truyền bảo như vậy trong cơn thịnh nộ, nhưng thật ra, Đức Vua rất thương yêu, nên Đức Bồ Tát đảnh lễ Đức Vua rồi xin phép trở về tư dinh của mình”.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita nghĩ: “Vì nghe những lời tán dương, ca tụng Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ, nên Đức Vua phát sinh tâm tham ái, say mê Công chúa Pañcālacandī mà không biết đến sự tai hoạ sẽ xảy ra đến với mình. Ta phải tìm cách phá mỹ nhân kế của quân sư Kevaṭṭa này và cố gắng giúp cho Đức Phụ Vương của ta được toại nguyện như ý, làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī, rồi rước về làm Chánh cung Hoàng hậu. Bởi vì, Đức Vua như là Đức Phụ Vương của ta, đã nuôi dưỡng ta từ khi mới lên 7 tuổi cho đến nay, đã ban cho ta chức trọng quyền cao nhất, Quan Thừa tướng (senāpati) trong triều đình.

Vậy, ta phải có bổn phận bảo vệ Đức Vua cho được an toàn sinh mạng và giúp cho Đức Vua làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī cho được toại nguyện như ý.

Trước tiên, ta cần phải nhờ con vẹt Suvapaṇḍita (con vẹt trí tuệ) bay đi do thám tìm hiểu sự thật như thế nào”.

Nghĩ xong Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita gọi con vẹt Suvapaṇḍita, bảo rằng:

- Này Suvapaṇḍita con yêu quý! Ta nhờ con giúp một việc, vì việc này loài người không thể làm được.

Con vẹt Suvapaṇḍita thưa rằng:

- Kính thưa chủ nhân, chủ nhân muốn cho con giúp việc gì vậy?

- Này Suvapaṇḍita yêu quý! Ta được người lính điệp viên bảo rằng: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và quân sư Kevaṭṭa bàn bạc chuyện bí mật trong phòng ngủ của Đức Vua trên lâu đài, chỉ có 2 người biết mà thôi, tại cửa sổ phòng ngủ của Đức Vua có con sáo mái Sāḷikā biết nghe và nói tiếng người, chắc chắn con sáo mái Sāḷikā sẽ nghe được chuyện bí mật ấy.”

Bây giờ, ta nhờ con bay đến gặp con sáo mái Sāḷikā ấy, con khéo tán tỉnh rồi tỏ tình yêu thương tha thiết với nó, rồi hỏi nó về chuyện bí mật của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta và quân sư Kevaṭṭa cho đầy đủ. Con cẩn thận đừng để cho ai biết, nếu có ai biết được thì sinh mạng của con không được an toàn đâu nhé!


Con Vẹt Suvapaṇḍita Với Con Sáo Mái Sāḷikā

 

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita lấy dầu thoa đôi cánh, thân mình rồi cho Con vẹt Suvapaṇḍita ăn uống những thứ đồ ăn bổ dưỡng. Nó đảnh lễ Ngài, rồi bay nhanh như gió đến kinh thành Ariṭṭhā trong nước Sivi. Từ đó, con vẹt Suvapaṇḍita bay đến kinh thành Uttarapañcāla, đậu một chỗ cao trên lâu đài, gần chỗ ở của con sáo mái Sāḷikā, đứng trên đỉnh hót ra âm thanh hay ngọt ngào yêu thương quyến rũ. Con sáo mái Sāḷikā nghe hiểu rõ rồi trả lời với giọng ngọt ngào yêu thương, mời mọc đến. Con vẹt Suvapaṇḍita bay đến gần con sáo mái Sāḷikā, hỏi rằng:

- Này bạn Sāḷikā yêu quý! Bạn có được khoẻ mạnh không? Hằng ngày bạn có được vật thực ngon lành đầy đủ chứ?

- Này bạn Suvapaṇḍita! Tôi vẫn được khoẻ mạnh, hằng ngày tôi vẫn được những thứ vật thực ngon lành đầy đủ.

- Này bạn Suvapaṇḍita! Bạn từ đâu đến đây? Ai bảo bạn đến đây?

Nghe con sáo mái Sāḷikā hỏi như vậy, con vẹt Suvapaṇḍita nghĩ: “Ta không nên nói thật là ta từ kinh thành Mithilā bay đến mà nên nói dối”, nên nó trả lời rằng:

- Này bạn Sāḷikā yêu quý! Tôi là con chim được nuôi dưỡng tại nơi phòng ngủ của Đức Vua Sivi. Đức Vua thả tôi bay ra ngoài đi dạo chơi cho khuây khoả.

Con sáo mái Sāḷikā tiếp đãi con vẹt Suvapaṇḍita món gạo rang trộn với mật ong. Sau khi con vẹt ăn uống no đủ rồi, con sáo hỏi rằng:

- Này Suvapaṇḍita! Bạn bay đến đây có việc gì không?

- Này bạn Sāḷikā yêu quý! Trong thời gian qua, vợ của tôi là sáo mái Sāḷikā, có giọng nói ngọt ngào như bạn, bị con dều bắt ăn thịt, tôi buồn khổ, nhớ thương vợ của tôi. Nhìn thấy hoàn cảnh khổ đau, cô đơn, đáng thương của tôi, nên Đức Vua của tôi truyền bảo rằng: “Này Suvapaṇḍita! Nghe nói có một cô sáo Sāḷikā có giới hạnh tốt, có cử chỉ đáng yêu. Cô sáo Sāḷikā ấy được Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nuôi dưỡng tại cửa sổ phòng ngủ của mình. Con nên bay đến thăm cô Sāḷikā ấy, con xem cô Sāḷikā ấy có đáng yêu không? Và con hỏi cô Sāḷikā ấy có yêu con không? Chuyện như thế nào, con bay về báo tin cho Trẫm biết”. Đó là nguyên nhân tôi đến thăm nàng hôm nay.

- Này nàng Sāḷikā yêu quý! Tôi xin nói thật tình, nhìn thấy nàng, tôi cảm thấy yêu nàng tha thiết. Nếu nàng đáp lại tình yêu tha thiết của tôi thì tôi và nàng sẽ kết duyên vợ chồng với nhau cho đến trọn đời.

Nghe lời tỏ tình yêu thương tha thiết của Suvapaṇḍita, cô sáo Sāḷikā cảm thấy vô cùng sung sướng, nhưng chưa muốn cho con vẹt Suvapaṇḍita biết mình cũng yêu nó tha thiết mà làm bộ như không yêu nên nói rằng:

- Này bạn Suvapaṇḍita! Thông thường vẹt trống (suva) yêu vẹt mái (suvi), sáo trống (Sāḷika) yêu sáo mái (Sāḷikā) cùng nòi giống với nhau. Còn đây, vẹt trống lại yêu sáo mái, cảm thấy sao khó nói quá!

Nghe nàng Sāḷikā nói úp úp mở mở không chịu nói thẳng ra, nhưng chàng Suvapaṇḍita đoán biết trong lòng nàng Sāḷikā đã yêu mình rồi, nên giải thích cho nàng hiểu rằng:

- Này nàng Sāḷikā yêu quý! Tình yêu giữa đôi bên khác phái với nhau chỉ có tâm thương yêu tha thiết với nhau là chính, còn nòi giống khác nhau không là quan trọng đâu.

Suvapaṇḍita (con vẹt trống) đem tích quá khứ giải thích cho Sāḷikā (con sáo mái) nghe để thông cảm rằng:

 - Tình yêu phát sinh do tâm thương yêu lẫn nhau là chính, không phân biệt giai cấp thấp cao, nòi giống.

Ví như:

- Này nàng Sāḷikā yêu quý! Người con gái xinh đẹp tên Jampāvati, vốn là phụ nữ thuộc giai cấp thấp hèn, nhưng cô được Đức Vua Vāsudeva đem lòng thương yêu, đưa về cung. Đức Vua Vāsudeva tấn phong cô lên ngôi Chánh cung Hoàng hậu. Về sau, Chánh cung Hoàng hậu Jampāvati sinh hạ Thái tử tên Sivi. Khi Đức Vua Vāsudeva băng hà, Thái tử Sivi lên nối ngôi vua cha, ngự tại kinh thành Dvāravatī.

Như vậy, Đức Vua Vāsudeva thuộc giai cấp vua chúa, còn kết hôn với cô Jampāvati, thuộc giai cấp thấp hèn được. Hai chúng ta đều là loài chim với nhau, tại sao không thể kết duyên vợ chồng với nhau được?

- Này nàng Sāḷikā yêu quý! Con kinnarī cái tên là Raṭṭhavadī ăn ở chung sống với đạo sĩ tên Vaccha, sinh ra các con trai, con gái của họ. Như vậy, loài súc sinh Kinnarī cái ăn ở chung sống với loài người, vị đạo sĩ Vaccha được. Hai chúng ta đều là loài chim với nhau, tại sao không thể kết duyên vợ chồng với nhau được?

Nghe con vẹt Suvapaṇḍita giải thích tán tỉnh như vậy, con sáo mái Sāḷikā thưa rằng:

- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Thật vậy, tình yêu phát sinh do tâm thương yêu lẫn nhau là chính, không phân biệt giống nòi, nhưng tâm thương yêu ấy có tồn tại mãi mãi được hay không? Khi em thương yêu anh, 2 chúng ta trở thành vợ chồng với nhau, nếu một ngày kia

phải xa lìa nhau thì chắc chắn em sẽ khổ lắm.

Con vẹt Suvapaṇḍita có trí tuệ, rất thông minh, hiểu biết được tính tình con sáo mái Sāḷikā, nên hỏi rằng:

- Này em Sāḷikā yêu quý! Em nói như vậy, có nghĩa là em không tin anh tha thiết thương yêu em, để cùng em chung sống với nhau suốt đời. Anh vô cùng thất vọng. Vậy, anh xin từ giã em!

Nghe Suvapaṇḍita nói như vậy, Sāḷikā cảm thấy như trái tim của nó bị vỡ vì quá yêu thương Suvapaṇḍita, nó thưa rằng:

- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Sự hạnh phúc an lạc không có đối với người nóng nảy, vội vã. Chuyện vợ chồng chung sống với nhau, đó là điều tối hệ trọng cả cuộc đời, cần phải nên suy xét kỹ trước khi quyết định. Vậy, xin anh chớ vội đi đâu, mời anh ở lại đây, rồi em sẽ cho biết tình cảm yêu thương của em đối với anh.

Sau đó con sáo mái Sāḷikā tỏ tình cảm tha thiết thương yêu con vẹt Suvapaṇḍita. Hai con chim âu yếm nhau trong tình cảm vợ chồng ngay vào chiều hôm ấy. Con vẹt Suvapaṇḍita đã chiếm được tình cảm của con sáo mái Sāḷikā. Trong khi chuyện trò tâm sự với nhau, con vẹt Suvapaṇḍita tìm cơ hội hỏi về chuyện Công chúa Pañcālacandī rằng:

- Này em Sāḷikā yêu quý! Anh nghe người ta lan truyền tin rằng: “Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta sẽ ban Công chúa Pañcālacandī rất xinh đẹp tuyệt trần như một thiên nữ cho Đức Vua Vedeha ngự tại kinh thành Mithilā, để làm Chánh cung Hoàng hậu. Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta mời Đức Vua Vedeha ngự đến kinh thành Uttarapañcāla, để tổ chức làm lễ thành hôn Công chúa Pañcālacandī với Đức Vua Vedeha, rồi rước trở về

kinh thành Mithilā. Chuyện ấy có thật hay không?

 - Này em Sāḷikā yêu quý! Nếu thật như vậy, thì em biết do nguyên nhân nào mà Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ban Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như một thiên nữ cho Đức Vua Vedeha vốn là kẻ thù trước đây của mình, mà lại không ban Công chúa xinh đẹp tuyệt trần đến một Đức Vua chư hầu nào của mình, vậy em?

Nghe con vẹt Suvapaṇḍita hỏi như vậy, con sáo mái Sāḷikā thưa rằng:

- Này anh Suvapaṇḍita yêu quý! Tại sao anh nói đến chuyện bất hạnh ấy, trong khi chúng ta đang hưởng mọi sự hạnh phúc an lạc như thế này?

- Này em Sāḷikā yêu quý! Chuyện lễ thành hôn của Công chúa Pañcālacandī với Đức Vua Vedeha, tại sao em lại nói là chuyện bất hạnh?

- Này anh Suvapaṇḍita yêu quý! Cầu xin chuyện lễ thành hôn khủng khiếp ấy đừng bao giờ xảy đến với Đức Vua Vedeha!

Con vẹt Suvapaṇḍita khẩn khoản năn nỉ con sáo mái Sāḷikā giải thích tại sao thì nó không dám nói. Con vẹt Suvapaṇḍita nói rằng:

- Này em Sāḷikā yêu quý! Hai chúng ta đã là vợ là chồng của nhau rồi, chỉ có chuyện nhỏ ấy mà em không tâm sự cho anh biết, thì tình nghĩa vợ chồng còn có nghĩa gì nữa!

Nghe con vẹt Suvapaṇḍita trách như vậy, để bảo vệ tình nghĩa vợ chồng, sự hạnh phúc an lạc, chiều lòng người yêu, nên con sáo mái Sāḷikā không cần phải giấu giếm chuyện người khác nữa, nàng thật tình thố lộ cho người yêu biết rằng:

- Này anh Suvapaṇḍita yêu quý! Nếu vậy thì anh nghe em nói. Tại phòng ngủ lâu đài của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, em nghe vị quân sư Kevaṭṭa tâu chuyện bí mật với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

“- Tâu Chúa Thượng, Công chúa Pañcālacandī của Chúa Thượng có sắc đẹp tuyệt trần như một thiên nữ. Chúa Thượng nương nhờ Công chúa làm mỹ nhân kế dụ Đức Vua Vedeha ngự đến kinh thành Uttarapañcāla để làm lễ thành hôn với Công chúa, chắc chắn Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đi theo hộ giá.

Như vậy, họ ở trong tay của ta, ví như nai bị mắc bẫy, cá bị cắn câu, không còn đường nào trốn thoát được nữa.

Chúa Thượng truyền lệnh bắt Đức Vua Vedeha và Thừa tướng Mahosadha paṇḍita đem ra chém đầu, để trả thù, rồi Chúa Thượng truyền lệnh tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này.

Khi ấy, Chúa Thượng đương nhiên sẽ được suy tôn là Đại Vương cao cả nhất (aggamahārājā) làm bá chủ trong cõi Nam thiện bộ châu này”.

- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Đó là lý do mà em nói rằng: Chuyện lễ thành hôn khủng khiếp ấy, xin đừng bao giờ xảy đến với Đức Vua Vedeha.

Con sáo mái Sāḷikā nói cho con vẹt Suvapaṇḍita biết đầy đủ chuyện bí mật của vì quân sư Kevaṭṭa và Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta. Nghe con sáo mái Sāḷikā nói chuyện bí mật ấy, con vẹt Suvapaṇḍita nói rằng:

- Quân sư Kevaṭṭa là người có nhiều mưu kế thâm độc, giỏi thật!

Con sáo mái Sāḷikā nói rằng:

- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Lợi ích gì những

chuyện bất hạnh ấy đối với chúng ta, tốt nhất, chúng ta nên đi ngủ.

Con vẹt Suvapaṇḍita vô cùng hoan hỷ vì đã hoàn thành xong phận sự trong chuyến đi ấy. Nó sống chung với con sáo mái Sāḷikā trong đêm hôm ấy.

Sáng dậy, con vẹt Suvapaṇḍita nói với con sáo mái Sāḷikā rằng:

- Này em Sāḷikā yêu quý! Xin em cho phép anh đi trong vòng 7 ngày để anh tâu lên Đức Vua Sivi và Chánh cung Hoàng hậu biết rằng:

“- Con đã tìm được nàng Sāḷikā đáng yêu xứng đáng với con rồi, để Đức Vua Sivi và Chánh cung Hoàng hậu tác hợp cho anh và em thành vợ chồng với nhau.

- Này em Sāḷikā yêu quý! Xin em vui vẻ hoan hỷ cho phép anh đi, em ở lại chớ nên buồn, đợi anh trở lại.”

Nghe Suvapaṇḍita nói như vậy, Sāḷikā nghĩ: Tình nghĩa vợ chồng mới hợp lại phải xa nhau đến 7 ngày đêm dài, nhưng không cho phép cũng không được”, nên nó thưa rằng:

- Thưa anh Suvapaṇḍita yêu quý! Em đồng ý cho phép anh đi, chỉ trong vòng 7 ngày mà thôi. Nếu anh không trở lại gặp em trong ngày thứ bảy thì chắc chắn em sẽ không thể sống thêm được nữa.

- Này em Sāḷikā yêu quý! Em chớ nên nói như vậy, nếu anh không thấy em trong ngày thứ bảy thì chắc chắn anh cũng không thể sống thêm được nữa. Em hãy an tâm chờ đợi anh.

Nói xong, con vẹt Suvapaṇḍita vội vã bay về kinh thành Mithilā vào tư dinh của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, đậu trên vai của Ngài. Biết có chuyện bí mật, Ngài ẵm nó lên trên lầu đài tầng cao, chỉ có Ngài và nó mà thôi. Con vẹt Suvapaṇḍita thuật lại cho Ngài nghe đầy đủ chuyện bí mật giữa quân sư Kevaṭṭa với Đức Vua Cūḷanī tại trên lâu đài phòng ngủ của Đức Vua.

Nghe con vẹt Suvapaṇḍita thuật lại đầy đủ câu chuyện bí mật ấy, Đức Bồ Tát suy xét rằng: Dù ta khuyên can Đức Vua Vedeha không nên đến kinh thành Uttara-pañcāla thì Đức Vua cũng vẫn ngự đến đó.

Nếu Đức Vua ngự đến kinh thành Uttarapañcāla thì chắc chắn Đức Vua sẽ bị chém đầu tại nơi đó. Đức Vua là Đức Phụ Vương của ta, đã ban cho ta chức trọng quyền cao nhất trong triều đình, nếu ta không đền đáp công ơn Đức Vua thì ta không tránh khỏi bậc thiên trí chê trách. Ta là người biết ơn và biết đền ơn Đức Vua.

Vì vậy, ta phải nên đến kinh thành Uttarapañcāla chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta trước, kính xin Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cho phép xây dựng một cung điện, để đón rước Đức Vua Vedeha.

 Nhân cơ hội ấy, ta sẽ bí mật đào một con đường hầm rộng lớn dưới đất để đưa Công chúa Pañcālacandī đến chầu Đức Vua Vedeha, và để cứu nguy cho Đức Vua bằng con đường hầm ấy.

Đức Phụ Vương của ta ngự trở về kinh thành Mithilā được an toàn sinh mạng, mà Đức Vua Cūḷanī Brahma-datta không sao ngờ được. Đó là phận sự mà ta cần phải thực hiện”.

 Suy xét như vậy xong, Đức Bồ Tát cảm thấy vô cùng hoan hỷ, tự thốt lên rằng: “ Ta phải là người biết ơn và biết đền ơn đối với Đức Vua Vedeha, Đức Phụ Vương của ta. Đức Vua đã ban cho ta chức trọng quyền cao, ta đã hưởng bỗng lộc của Đức Vua ban, nên ta phải hết lòng lo phụng sự Đức Vua. Dù Đức Vua có quở trách ta, nổi cơn thịnh nộ ta, ta vẫn nhẫn nại chịu đựng mà không hề phát sinh tâm sân, không hài lòng. Ta phải có bổn phận biết ơn và biết đền ơn Đức Phụ Vương của ta.”

Sau đó, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến chầu Đức Vua Vedeha, đứng một nơi hợp lẽ, tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, Đại Vương có ý định ngự đến kinh thành Uttarapañcāla hay không?

- Này Mahosadha paṇḍita con yêu quý! Phụ Vương dự định sẽ ngự đến kinh thành Uttarapañcāla. Nếu Phụ Vương làm lễ thành hôn với Công chúa Pañcālacandī thì ngai vàng của Phụ Vương được bền vững lâu dài. Xin con đừng bỏ Phụ Vương, con nên đi theo Phụ Vương vì được 2 điều lợi lớn:

1- Phụ Vương được thành hôn với Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta.

2- Phụ Vương được kết tình thân với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tại kinh thành Uttarapañcāla như vậy, Phụ Vương ngự trên ngai vàng này sẽ được bền vững lâu dài.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đức Phụ Vương, nếu Đức Phụ Vương muốn như vậy, thì con phải đi đến kinh thành Uttarapañcāla trước, vào chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta xin phép xây dựng một cung điện để đón rước Đức Phụ Vương. Khi nào xây dựng cung điện xong, con sẽ ra lệnh người lính về tâu trình lên Đức Phụ Vương rõ. Khi ấy. Đức Phụ Vương sẽ ngự đi đến kinh thành Uttarapañcāla.

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ nghĩ: Mahosadha paṇḍita con của ta chiều theo ý muốn của ta”, nên truyền bảo rằng:

- Này hoàng nhi Mahosadha paṇḍita yêu quý! Con đi đến kinh thành Uttarapañcāla trước, để xây dựng cung điện, con cần có những thứ gì vậy con?

- Tâu Đức Phụ Vương, con cần quân lính và các phương tiện.

- Này hoàng nhi yêu quý! Con cần có những thứ gì, Phụ Vương đều cho phép những thứ ấy.

- Tâu Đức Phụ Vương, xin phép Đức Phụ Vương mở cửa 4 nhà tù, thả những tù nhân nào khỏe mạnh, để họ đi theo giúp con.

Đức Vua Vedeha chuẩn tấu theo lời tâu xin của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, nên số đông tù nhân được tự do đi theo giúp Ngài.

 

Xây Dựng Cung Điện Và Đường Hầm (Umaṅga ([1]))

 

Được sự chuẩn y của Đức Vua Vedeha, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita dẫn theo 18 đội binh và số đông tù nhân khỏe mạnh, các nhóm thợ mộc, thợ nề tài giỏi, nhóm hoạ sĩ, v.v… đem theo đầy đủ các dụng cụ cần thiết để xây dựng. Ngài dẫn đầu đoàn người đông đảo rời khỏi kinh thành Mithilā đi đến kinh thành Uttarapañcāla, cứ mỗi đoạn đường cách một do tuần Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cho đoàn người dừng lại, ra lệnh xây dựng một ngôi nhà nghỉ, để lại một vị quan cùng với các quan sở tại, lo chuẩn bị tiếp đón Đức Vua Vedeha ngự đến nghỉ ngơi và để thay voi, ngựa, xe mới, trên con đường ngự đến kinh thành Uttarapañcāla và ngự trở về kinh thành Mithilā.

Đức Bồ Tát ra lệnh các quan cần phải phục vụ chu đáo và bảo vệ Đức Vua Vedeha cho được an toàn.

Khi đến con sông Gaṅgā, Ngài truyền bảo vị quan Ānanda rằng: 

- Này Ānanda! Ngươi hãy dẫn 300 người thợ mộc vào rừng đốn 300 cây gỗ quý rồi chở trên các chiếc thuyền đem về gấp để xây cất cung điện mới.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đi xem chọn chỗ đất xây dựng cung điện mới, để đón rước Đức Vua Vedeha, và đi thăm dò chỗ để đào con đường hầm từ chỗ xây dựng cung điện mới đến bờ sông Gaṅgā có chiều dài hơn 10 cây số, và từ chỗ cung điện mới đến cung điện của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta trong kinh thành Uttarapañcāla có chiều dài khoảng 5 cây số.

Vậy, con đường hầm có chiều dài khoảng 15 cây số. Sau khi đã chọn chỗ xây dựng cung điện mới và con đường hầm xong. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đi vào kinh thành Uttarapañcāla. Lính gác cửa thành đến chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, sứ giả Mahosadha paṇḍita của Đức Vua Vedeha đã đến kinh thành Uttarapañcāla, xin vào yết kiến Đại Vương.

 Nghe người lính tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ nghĩ: “Mưu kế của ta sẽ được thành tựu như ý, Mahosadha paṇḍita đến trước, rồi Đức Vua Vedeha không lâu cũng sẽ đến sau. Ta sẽ truyền lệnh bắt Đức Vua Vedeha và Mahosadha paṇḍita kẻ thù của ta chém đầu cùng một lúc, rồi ta sẽ tổ chức uống rượi ăn mừng chiến thắng.

Khi ấy, ta sẽ là Đại Vương cao cả nhất, làm bá chủ trong toàn cõi Nam thiện bộ châu này”.

Nghĩ xong, Đức Vua ra lệnh cho mời vào.

Nghe tin Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đến kinh thành Uttarapañcāla, dân chúng trong kinh thành xôn xao náo nức bàn tán với nhau rằng:

- Quan Thừa tướng Mahosadha paṇḍita là bậc đại trí đã dùng mưu kế kỳ diệu làm cho Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cùng 101 Đức Vua chư hầu và đoàn quân binh lính đông đảo 18 Akkhobhinī (18x1042) quân bỏ chạy thoát thân, không kịp mặc áo, như người chỉ cần ném một cục đất cũng đuổi được bầy quạ.

Khi Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đi vào cửa kinh thành, trên đường đi đến cung điện Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, dân chúng trong kinh thành đứng 2 bên đường nhìn thấy Ngài có các tướng tốt của bậc đại nhân, mọi người đều kính phục. Các quan vào chầu Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tâu rằng:

- Muôn tâu Đại Vương, sứ giả Mahosadha paṇḍita đã đến, kính xin yết kiến Đại Vương.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cho phép Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita vào yết kiến. Ngài yết kiến Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta theo nghi lễ của vị sứ giả xong, đứng một nơi hợp lẽ. Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta mời Ngài ngồi một nơi hợp lẽ, rồi truyền bảo rằng:

- Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Đức Vua Vedeha của ngươi khi nào mới ngự đến?

- Tâu Đại Vương, Đức Vua Vedeha của hạ thần sẽ ngự đến, khi nào hạ thần ra lệnh các quan về tâu.

- Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Ngươi đến trước để chuẩn bị việc gì vậy?

- Tâu Đại Vương, hạ thần đến trước xây dựng một cung điện, để đón tiếp Đức Vua Vedeha của hạ thần.

- Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Tốt lắm! Vậy ngươi cần Trẫm giúp đỡ gì không?

- Tâu Đại Vương, kính xin Đại Vương ban cho chúng thần chỗ ở, đồ ăn uống, nhu cầu cần thiết, những dụng cụ, phương tiện.

- Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Ngươi hãy an tâm, Trẫm ban cho các ngươi đầy đủ những nhu cầu cần thiết, những dụng cụ, phương tiện cho đến khi Đức Vua Vedeha của các ngươi ngự đến đây.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đi quan sát, đứng lại chỗ cầu thang cũ lên lâu đài, Ngài nghĩ: “Cửa đường hầm sẽ ở tại đây, cần phải giữ mặt đất như cũ”, nên Ngài tâu với Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

- Tâu Đại Vương, hạ thần xem xét thấy cầu thang cũ này không cân xứng với lâu đài nguy nga tráng lệ của Đại Vương.

Hạ thần có nhóm thợ mộc tài giỏi, khéo tay. Vậy, kính xin Đại Vương cho phép hạ thần sửa chữa cầu thang cũ này lại cho đẹp đẽ và chắc chắn xứng đáng với ngôi lâu đài này.

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī hoan hỷ truyền rằng:

- Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Nếu ngươi có khả năng sửa chữa cầu thang cũ này lại cho đẹp đẽ và chắc chắn thì Trẫm rất hoan hỷ cho phép ngươi.

Được Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta cho phép, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita truyền bảo nhóm thợ mộc tháo cái cầu thang cũ, đem những tấm ván tốt chắc chắn lót trên nền mặt đất, làm lại cái cầu thang mới bằng thứ gỗ quý, với đường nét chạm trỗ rất xinh đẹp tuyệt trần với thời gian ngắn.

Nhìn thấy cái cầu thang mới xinh đẹp, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rất hài lòng, vô cùng hoan hỷ tán dương ca tụng Ngài là người có óc mỹ thuật cao, thật đáng khen ngợi. Khi ấy, Ngài tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, kính xin Đại Vương cho phép hạ thần tìm chỗ thích hợp để xây dựng một cung điện mới, để đón tiếp Đức Vua Vedeha của hạ thần.

 - Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Ngươi xét thấy chỗ nào thích hợp xây dựng cung điện mới thì ngươi tâu cho Trẫm biết, Trẫm sẽ cho phép.

Thật ra, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta muốn cho Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita xây dựng một cung điện mới sớm được hoàn thành, đón tiếp Đức Vua Vedeha ngự đến kinh thành Uttarapañcāla này, để bắt giết Đức Vua Vedeha và Mahosadha paṇḍita càng sớm càng tốt. Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu tiếp rằng:

- Tâu Đại Vương, hạ thần xem xét thấy rằng, nếu hạ thần xây dựng một cung điện mới gần cung điện của Đại Vương thì cần phải di dời một số nhà, làm phiền phức dân chúng trong kinh thành. Cho nên, hạ thần kính xin Đại Vương cho phép hạ thần xây dựng một cung điện mới cách xa cung điện của Đại Vương khoảng 5 cây số”.

Nghe Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Cūḷanī vô cùng hoan hỷ nghĩ: “Quân lính ta chiến đấu với quân lính của Đức Vua Vedeha bên trong kinh thành Uttarapañcāla, đó là điều rất khó khăn đối với ta, còn chiến đấu bên ngoài kinh thành đó là điều quá dễ dàng, để bắt Đức Vua Vedeha và Mahosadha paṇḍita, nhất là dân chúng trong kinh thành không thấy cảnh chết chóc giữa 2 quân lính với nhau”. Cho nên, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta liền truyền bảo rằng:

- Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Ý kiến của ngươi hay lắm! Trẫm cho phép ngươi chọn chỗ nào thích hợp, rồi xây dựng một cung điện mới, để đón tiếp Đức Vua Vedeha của ngươi.

Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu rằng:

- Tâu Đại Vương, Đại Vương đã ban cho khoảng đất, để cho chúng thần xây dựng một cung điện mới. Vậy, kính xin Đại Vương truyền cho dân chúng không được phép vào trong vùng đất mà chúng thần đang xây dựng cung điện mới ấy, để tránh sự đụng chạm giữa công nhân của hạ thần với dân chúng.

- Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Điều người tâu rất hợp lý, Trẫm sẽ truyền lệnh cấm dân chúng không được phép đi vào vùng đất đang xây dựng cung điện mới ấy.

- Tâu Đại Vương, đàn voi của hạ thần thích xuống sông Gaṅgā tắm chơi, làm cho dòng nước đục. Nếu dân chúng không hài lòng tâu lên Đại Vương, kính xin Đại Vương tha tội cho hạ thần.

- Này sứ giả Mahosadha paṇḍita! Thông thường đàn voi thích tắm chơi dưới nước, làm cho dòng nước đục. Trẫm cho phép, nếu dân chúng không hài lòng tâu lên Trẫm thì Trẫm cũng không bắt tội ngươi đâu, ngươi chớ nên lo ngại.

Mọi điều mà Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu đều được Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta chuẩn y. Thật ra, đã chọn chỗ vùng đất xây dựng một cung điện mới từ trước, nên Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita điều hành thi công chia ra thành nhiều nhóm thợ, nhóm thợ xây dựng cung điện mới, nhóm thợ đào con đường hầm, nhóm thợ đóng các chiếc thuyền, v.v… Mỗi nhóm thợ có trưởng nhóm chịu trách nhiệm công việc của nhóm mình.



[1] Tích Mahosadhajātaka, tiền kiếp của Đức Phật Gotama này còn có tên là tích Umagajātaka, bởi vì trong tích này Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita đứng ra thiết kế và thi công đào con dường hầm lịch sử Umaga này.


Con Đường Hầm (Umaṅga)

 

Công việc đào con đường hầm này do nhóm thợ gồm có 6.000 người đảm trách thi công dưới sự điều hành chỉ dẫn của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, con đường hầm dài khoảng 15 cây số, chia làm 2 đoạn:

* Một đoạn từ bờ sông Gaṅgā đến cung điện mới của Đức Vua Vedeha có chiều dài khoảng 10 cây số.

* Một đoạn từ cung điện mới của Đức Vua Vedeha đến cung điện của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta có chiều dài khoảng 5 cây số đi thông đến cửa hầm tại bờ sông Gaṅgā.

Khi đào con đường hầm, tất cả số đất đá trong hầm được đem ra đổ ngoài sông Gaṅgā làm cho dòng nước sông Gaṅgā chảy đục, dân chúng ở phía dưới dòng sông Gaṅgā chịu cảnh dùng nước đục, nên phàn nàn rằng:

- Từ ngày sứ giả Mahosadha paṇḍita đến đây xây dựng cung điện mới, chúng ta phải dùng nước đục.

Dân chúng phàn nàn kêu ca, tâu lên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, nhưng Đức Vua đã cho phép Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita rồi, nên Đức Vua khuyên dân chúng nhẫn nại chịu đựng một thời gian ngắn, khi xây dựng cung điện mới xong, chắc chắn tình trạng này sẽ không còn nữa. (Bởi vì khi cung điện mới xong, Đức Vua Vedeha ngự đến, Đó là lúc Đức Vua Vedeha và Mahosadha paṇḍita đều bị giết chết cả). Biết dân chúng phàn nàn như vậy, nên Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita phát nguyện bằng lời chân thật rằng:

- Xin cho dòng nước trong trẻo tự nhiên như trước.

Do nguyện lực của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, tất cả đất, đá, v.v… từ trong đường hầm đem đổ xuống dòng sông Gaṅgā đều chìm xuống sâu, nên dòng nước không còn bị đục nữa. Từ đó, dân chúng dùng nước dòng sông Gaṅgā trong trẻo như xưa, nên không còn phàn nàn gì nữa.

* Con đường hầm dài 15 cây số, có chiều cao 10 cùi tay, bề rộng voi, ngựa, xe có thể đi lại dễ dàng, chia làm 2 đoạn:

- Một đoạn từ cửa hầm lớn tại bến sông Gaṅgā dẫn đến cửa hầm tại dưới cầu thang cung điện mới của Đức vua Vedeha, có chiều dài khoảng 10 cây số, để cứu nguy Đức Vua Vedeha cùng đoàn hộ giá thoát nạn.

- Một đoạn từ cung điện mới của Đức Vua Vedeha dẫn đến cửa hầm dưới cầu thang của lâu đài cùa Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta có chiều dài khoảng 5 cây số, đi thông đến cửa hầm tại bờ sông Gaṅgā, để đón rước 4 hoàng thân của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, đến yết kiến Đức vua Vedeha.

Bên trong con đường hầm, 2 bên vách tường được xây bằng gạch, phía dưới được lót bằng gỗ, trần được đóng bằng gỗ, có chạm trỗ hoa văn, dọc theo con đường hầm, 2 bên vách tường được các hoạ sĩ tài ba vẽ những cảnh thật xinh đẹp lạ thường, làm cho người đi xem không biết chán.

Trong đoạn đường hầm từ cung điện mới của Đức Vua Vedeha dẫn đến cửa hầm bến sông Gaṅgā khoảng 10 cây số có 2 phòng lớn làm nơi hội triều, được trang hoàng lộng lẫy, có hình chư thiên đứng hầu như thật, có ngai vàng bên trên có lọng trắng, 2 bên có các quan đứng chầu, để dành cho Đức Vua Vedeha và Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, có 101 phòng nhỏ được trang hoàng lộng lẫy để dành cho 101 Vua chư hầu của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta.

Trong con đường hầm có 80 cửa lớn và 64 cửa nhỏ. Các cửa này được mở hoặc đóng bằng máy do người điều khiển, hễ khi đóng cửa thì tất cả các cánh cửa đều đóng, hoặc khi mở cửa thì tất cả các cánh đều mở.

Trong suốt con đường hầm có các ngọn đèn sáng 2 bên vách, các ngọn đèn này được cháy sáng hoặc tắt do người điều khiển, hễ khi mở đèn thì tất cả ngọn đèn sáng chói rực rỡ cùng một lúc, như trên cõi trời và khi tắt đèn thì tất cả ngọn đèn đều tắt cùng một lúc, như cõi địa ngục tối tăm.

Trong suốt con đường hầm có mùi thơm nước hoa, có các cảnh vật được trang hoàng dọc theo con đường hầm.

Con đường hầm (Umaṅga) này được thiết kế và thi công do trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tiền kiếp của Đức Phật Gotama. Do đó, tích này còn có tên là “Umaṅgajātaka” Tích con đường hầm do Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, xây dựng.

 

Cung Điện Mới

 

Cung điện mới được xây dựng rất đồ sộ, nguy nga, để đón tiếp Đức Vua Vedeha, có hồ nước lớn đủ các loại hoa sen, hoa súng, có thành luỹ cao 18 cùi tay bao quanh cung điện. Cửa thành 4 hướng có đài cao lính canh gác, có đường nước rộng bao xung quanh bên ngoài bức thành luỹ ấy. Đặc biệt có cửa hầm bí mật nằm dưới cầu thang thông ra đường hầm dẫn đến cửa hầm lớn tại bờ sông Gaṅgā.

Một nhóm thợ đóng thuyền đóng 300 chiếc thuyền xong và chờ đợi trên sông Gaṅgā. Khi có lệnh của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita, các chiếc thuyền được di chuyển đến ngay tức khắc. Tất cả mọi công việc được hoàn thành trong vòng 4 tháng.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha ra lệnh cho các quan trở về kinh thành Mithilā, tâu lên Đức Vua Vedeha rằng:

- Tâu Bệ hạ, cung điện đã hoàn thành xong, kính thỉnh Bệ hạ ngự đến kinh thành Uttarapañcāla.

Nghe các quan của Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita tâu như vậy, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ truyền lệnh cho 4 vị quân sư, các quan trong triều, 4 đội binh đi theo hộ giá. Đức Vua Vedeha ngự lên con voi báu, dẫn đầu, rời khỏi kinh thành Mithilā cùng với đoàn hộ giá đông đảo. Đức Vua Vedeha ngự đi qua mỗi đoạn đường khoảng 1 do tuần có trạm nghỉ, dừng lại nghỉ ngơi, rồi thay đổi voi, ngựa, xe mới, để tiếp tục suốt cuộc hành trình như vậy, tuần tự đến bờ sông Gaṅgā.

Tại nơi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita chờ đón rước Đức Vua Vedeha cùng các quan, các đội binh, Đức Bồ Tát thỉnh Đức Vua ngự đến cung điện mới thật nguy nga tráng lệ. Đức Vua Vedeha nghỉ ngơi trong một căn phòng có long sàng sang trọng trong cung điện.

Sau đó, Đức Vua Vedeha tắm rửa sạch sẽ, dùng vật thực ngon lành nơi phòng ăn sang trọng, Đức Vua không quan tâm đến phần mỹ thuật của cung điện bởi vì tâm mong muốn sớm được gặp mặt Công chúa Pañcālacandī, nên Đức Vua Vedeha truyền sứ giả đem tấu thư dâng lên Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta rằng:

“Tâu Đại Vương Cūḷanī Brahmadatta, bổn vương Vedeha từ kinh thành Mithilā đã đến cung điện mới, bên ngoài kinh thành Uttarapañcāla. Bổn vương kính đảnh lễ dưới đôi bàn chân của Đại Vương, xin Đại Vương ban Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần của Đại Vương, được trang điểm đầy đủ các đồ trang sức quý giá, và cho phép cử hành lễ thành hôn với bổn vương, để Công chúa Pañcālacandī trở thành Chánh cung Hoàng hậu của bổn vương, hôm nay”.  

Thật ra, xét về tuổi tác, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta tuổi còn nhỏ chỉ đáng tuổi hoàng tử của Đức Vua Vedeha mà thôi. Bởi vì nghe danh tiếng Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần, Đức Vua Vedeha muốn thành hôn với Công chúa, nên tôn Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta lên ngôi nhạc Phụ Vương, còn Đức Vua Vedeha trở thành phò mã của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta. Do đó, Đức Vua Vedeha chịu hạ mình đảnh lễ Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta,  xin thành hôn với Công chúa Pañcālacandī, để làm Chánh cung Hoàng hậu của mình rồi rước về kinh thành Mithilā.

Bởi vì nghe Công chúa Pañcālacandī có sắc đẹp tuyệt trần như thiên nữ, nên Đức Vua Vedeha đã say mê Công chúa Pañcālacandī mà hoàn toàn không biết đó là mỹ nhân kế của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta.

Sự thật, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta lừa Đức Vua Vedeha đến kinh thành Uttarapañcāla để bắt đem ra chém đầu, chứ không phải ban Công chúa Pañcālacandī cho Đức Vua Vedeha, để làm Chánh cung Hoàng hậu.

Đọc tấu thư của Đức Vua Vedeha, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta vô cùng hoan hỷ nghĩ: Bây giờ kẻ thù của ta không còn đường trốn thoát đâu được nữa. Ta sẽ truyền lệnh bắt Đức Vua Vedeha và Mahosadha paṇḍita đem ra chém đầu, rồi ta sẽ tổ chức uống rượu, ăn mừng chiến thắng, ta sẽ là Đại Vương cao cả nhất, làm bá chủ trong cõi Nam thiện bộ châu này”.

Để biểu lộ nỗi vui mừng, hoan hỷ, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ban cho các sứ giả của Đức Vua Vedeha các phẩm vật quý giá, và gửi đáp lại tấu thư của Đức Vua Vedeha rằng:

“Tâu Đại Vương Vedeha, Đại Vương đã từ xa ngự đến, bổn vương rất hân hạnh đón tiếp. Xin Đại Vương chọn giờ tốt lành, bổn vương sẽ đưa Công chúa Pañcālacandī xinh đẹp tuyệt trần như thiên nữ của bổn vương, được trang điểm đầy đủ các đồ trang sức quý giá, đến gặp Đại Vương, rồi cho phép làm lễ thành hôn Đại Vương với Công chúa Pañcālacandī, để trở thành Chánh cung Hoàng hậu của Đại Vương”.

Sứ giả của Đức Vua Vedeha đem đáp thư của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta dâng lên Đức Vua Vedeha. Xem đáp thư của Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta, Đức Vua Vedeha vô cùng hoan hỷ dâng tấu thư đến Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngay rằng:

“Tâu Đại Vương Cūḷanī Brahmadatta, bổn vương chọn ngày hôm nay là ngày tốt lành. Kính xin Đại Vương đưa Công chúa Pañcālacandī của Đại Vương đến, rồi cho phép làm lễ thành hôn Công chúa Pañcālacandī với bổn vương, để Công chúa Pañcālacandī trở thành Chánh cung Hoàng hậu của bổn vương hôm nay.”

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đáp tấu thư rằng:

“Xin chuẩn tấu, ngày hôm nay, Bổn vương sẽ đưa Công chúa Pañcālacandī đến, rồi cử hành lễ thành hôn Đại Vương với Công chúa”.

Sau khi gởi đáp tấu thư lừa Đức Vua Vedeha như vậy, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta liền truyền lệnh cho 101 Vua chư hầu chuẩn bị các đội binh gồm 18 Akkhobhinī chờ lệnh xuất quân.

Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta nghĩ:“Cuối đêm nay, ta sẽ truyền lệnh bắt Đức Vua Vedeha và Thừa tướng Mahosadha paṇḍita, đem chém đầu. Ngày mai, chúng ta sẽ tổ chức đại lễ uống rượu, ăn mừng chiến thắng. Ta sẽ là Đức Vua cao cả nhất, làm bá chủ toàn cõi Nam thiện bộ châu này”.

Tuân theo lệnh Đại Vương Cūḷanī Brahmadatta, 101 Vua chư hầu, các tướng sĩ chuẩn bị sẵn sàng các đội binh gồm 18 Akkhobhinī chờ lệnh xuất quân bao vây cung điện mới của Đức Vua Vedeha.

Trước khi xuất trận, Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta ngự đến chầu Mẫu hậu Calākadevī, rồi truyền gọi Chánh cung Hoàng hậu Nandādevī, Thái tử Pañcālacanda và Công chúa Pañcālacandī, để cả 4 vị hoàng thân ngự chung trong phòng của Mẫu hậu Calākadevī, có quân lính bảo vệ nghiêm ngặt. Đức Vua Cūḷanī Brahmadatta đảnh lễ Mẫu hậu, rồi xin phép lui ra, thân chinh dẫn đầu đoàn quân xuất trận.

Khi ấy, Đức Bồ Tát Mahosadha paṇḍita cung kính đảnh lễ Đức Vua Vedeha, tiếp đãi, ăn uống xong thỉnh Đức Vua vào nghỉ ngơi trên long sàng trong căn phòng cao sang, 4 vị quân sư: Senaka, Pukkasa, Kāminda và Devinda, mỗi vị nghỉ ngơi trong mỗi căn phòng sang trọng, các quan mỗi người mỗi phòng nghỉ. Các đoàn binh hộ giá ăn uống, no say xong đều nằm ngủ say, vì đi đường xa mệt mỏi.





[ Ðầu trang][Trở về mục lục ][ Trở về trang Thư Viện ]

updated: 2024