|
Lễ Cúng Dường Ngài Đại Pháp Sư
Được Đức Vua Dhanañcaya Korabya cho phép, các hoàng hậu, các cung phi mỹ nữ, các hoàng tử, các công chúa, những người trong hoàng gia, các quan, các đoàn binh, toàn thể dân chúng gần xa khắp mọi nơi trong đất nước Kuru đều có cơ hội đem lễ vật đến cúng dường Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita. Khi ấy, Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp giảng giải tất cả mọi người gồm các giai cấp nên tạo mọi phước thiện như phước bố thí, giữ gìn ngũ giới cho được trong sạch và đầy đủ, nên thọ trì bát giới uposathasīla trong những ngày giới hàng tháng cho đến trọn đời. Đức Vua Dhanañcaya Korabya cùng 101 Đức Vua trong toàn cõi Nam thiện bộ châu, những người trong hoàng gia, các quan, các quân, cho đến thần dân thiên hạ đều vâng lời khuyên dạy của Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita, đều thực hành theo lời khuyên dạy của Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita cho đến trọn đời. Sau khi những người ấy chết, thiện nghiệp ấy cho quả tái sanh kiếp sau trong các cõi thiên giới: cõi người và các cõi trời tuỳ theo quả thiện nghiệp của mỗi người. Đức Thế Tôn thuyết về tích Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita tiền kiếp trước Ngài đang thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật, nhất là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: - Này chư tỳ khưu! Như lai có trí tuệ siêu việt như vậy, không chỉ trong kiếp hiện tại là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, mà còn những tiền kiếp của Như Lai khi còn là Đức Bồ Tát đang thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật cũng có trí tuệ siêu việt biết cách giải cứu mình thoát khỏi chết như vậy. Đức Thế Tôn thuyết về tứ thánh đế, có số tỳ khưu chứng ngộ chân lý tứ thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả và Niết Bàn trở thành bậc Thánh nhân bậc thấp hoặc bậc cao tuỳ theo các pháp hạnh Ba-la-mật của mỗi vị.
Tích Vidhurajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại.
Trong tích Vidhurajātaka này, Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm vị Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích Vidhurajātaka liên quan đến kiếp hiện tại của những nhân vật ấy như sau: - Phụ thân và Mẫu thân của Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita, nay kiếp hiện tại là Đức Phụ vương Suddhodana và Mẫu hậu Mahāmayādevī. - Phu nhân cả Anojā, nay kiếp hiện tại là Đại đức tỳ khưu Ni Yasodharā. - Con trưởng Dhammapāla, nay kiếp hiện tại Ngài Đại Đức Rāhula. - Đức Long Vương Varuṇanāgarājā, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Sāriputta. - Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī, nay kiếp hiện tại Đại Đức tỳ khưu Ni Uppalavaṇṇā. - Đức Điểu vương Supaṇṇarājā, nay kiếp hiện tại Ngài Đại Đức Mahāmoggallāna. - Đức Vua trời Sakka, nay hiếp hiện tại Ngài Đại Đức Anuruddha. - Đức Vua Dhanañcaya Korabya, nay kiếp hiện tại Ngài Đại Đức Ānanda. - Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka, nay kiếp hiện tại Ngài Đại Đức Channa. - Tất cả mọi người khác, nay kiếp hiện tại là tứ chúng: tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ. - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita, nay kiếp hiện tại là Đức Phật Gotama.
10 Pháp Hạnh Ba-la-mật.
Tóm lược tích Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita là tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung đồng thời các pháp hạnh Ba-la-mật khác cũng được thành tựu như sau: - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita thuyết pháp tế độ mọi người, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita giữ gìn giới trong sạch và đầy đủ, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita có sự tinh tấn tạo mọi thiện pháp, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita có đức nhẫn nại chịu đựng không hề phát sinh tâm sân, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita nói lời chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita phát nguyện không thoái chí nãn lòng, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita có tâm từ mong đem lại sự lợi ích cho tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita có tâm trung dung không thiên vị đối với tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật. Đó là 8 pháp hạnh Ba-la-mật đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung này.
Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Vidhurapaṇḍita
Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha). Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật đó là trí tuệ tâm sở đồng sinh với thiện tâm. Nếu Đức Bồ Tát thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật này dám hy sinh các bộ phận trong cơ thể của mình thì pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật này thuộc về pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung. Trong tích Vidhurajātaka này, Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita là tiền kiếp của Đức Phật Gotama, dám dõng dạc nói lời bố thí dâng trái tim của mình đến cho Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī, thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung, trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung, hầu để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác. Đức Long Vương Varuṇanāgarājā vốn có đức tin trong sạch với Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita từ trước, nhưng khi nghe Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī tâu rằng: “Nếu không được trái tim của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita (Vidhurassa hadayaṃ) thì bà sẽ vĩnh biệt Đức Long Vương.”(hadayaṃ ở đây có ý nghĩa là trí tuệ của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita.) *Đức Long Vương Varuṇanāgarājā vì quá sủng ái Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī, nên hiểu sai ý nghĩa danh từ “ hadayaṃ” cho là hadayamaṃsaṃ: trái tim thịt, nên Đức Long Vương Varuṇanāgarājā ngồi trên ngai nghĩ rằng: “Vimalā Vidhurapaṇḍitassa hadayamaṃsaṃ āharāpeti”“Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī truyền bảo đem trái tim thịt của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita.” Đức Long Vương Varuṇanāgarājā vô cùng khổ tâm nghĩ rằng: “Paṇḍitassa hadayaṃ alabhantiyā Vimalāya jīvitaṃ natthi, kathaṃ nu kho tassa hadayaṃ labhissāmi.”([1]) “Nếu Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī không có được trái tim thịt của Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thì sinh mạng của Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī không còn nữa. Vậy, ta sẽ có được trái tim thịt của Ngài bằng cách nào, để cứu sinh mạng của Chánh cung Hoàng hậu của ta đây? * Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka yêu say đắm công chúa Irandhatī muốn thành hôn với công chúa, rước về làm phu nhân của mình. Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka đến chầu Đức Long Vương Varuṇanāgarājā, xin cầu hôn với Công chúa Irandhatī, xin Đức Long Vương nhận những đồ sính lễ quý giá ấy, rồi ban công chúa Irandhatī cho rước về cõi trời làm phu nhân, nhưng Đức Long Vương Varuṇanāgarājā không chịu nhận đồ sính lễ quý báu ấy, mà đặt ra điều kiện rằng: “Nếu thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka có khả năng giết Ngài Đại Pháp Sư Vidhura-paṇḍita chết, rồi mổ lấy trái tim thịt, đem đến cõi long cung một cách hợp pháp thì Đức Long Vương Varuṇanāgarājā sẽ ban Công chúa Irandhatī xinh đẹp cho rước về cõi trời làm phu nhân.” Nghe điều kiện của Đức Long Vương Varuṇanāgarājā như vậy, thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka chấp nhận ngay, bởi vì quá yêu say đắm Công chúa Irandhatī. * Đức Vua Dhanañcaya Korabya nhìn thấy viên ngọc maṇi báu mầu nhiệm của chàng trai trẻ Puṇṇaka (vốn là thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka), nên phát sinh tâm tham muốn viên ngọc maṇi báu ấy, nên chấp nhận vào cuộc chơi cờ gieo súc sắc với chàng trai trẻ Puṇṇaka. Đức Vua tin chắc sẽ được thắng chàng trai trẻ Puṇṇaka một cách dễ dàng, rồi sẽ chiếm lấy viên ngọc maṇi báu ấy làm của mình, bởi vì Đức Vua Dhanañcaya Korabya tự tin mình là người vô địch môn chơi cờ gieo súc sắc này, chưa từng ai thắng Đức Vua cả. Cuộc chơi cờ súc sắc lần này, Đức Vua Dhanañcaya Korabya hoàn toàn không biết đối thủ của mình là ai, nên kết cục Đức Vua bị thua chàng trai trẻ Puṇṇaka vốn là thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka. Đức Vua Dhanañcaya Korabya bị thua, phải giao Ngài Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita cho thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka dẫn đi, Thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka tìm mọi cách giết Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita chết, sẽ lấy trái tim thịt của Ngài, đem đến cõi long cung, kính dâng lên Chánh cung Hoàng hậu Vimalādevī, rồi rước Công chúa Irandhatī về cõi trời làm phu nhân của mình. * Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thuyết pháp tế độ thống tướng Dạ xoa Puṇṇaka tỉnh ngộ, không còn rơi vào năng lực của người nữ, nên từ bỏ ý định giết Ngài để lấy trái tim thịt của Ngài. Đức Bồ Tát Đại Pháp Sư Vidhurapaṇḍita thoát khỏi chết, trở về kinh thành Indapattha.
(Xong pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung)
4- Pháp Hạnh Trí Tuệ Ba-la-mật Bậc Thượng (Paññāparamatthapāramī)
4.3- Tích Sattubhastajātaka (Xắt-tu-phắt-sa-tá-chà-tá-ká)
Trong tích Sattubhastajātaka ( [2] )Đức Bồ Tát tiền kiếp của Đức Phật Gotama sinh làm Pháp Sư Senaka thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng (Paññā-paramatthapāramī), tích này được bắt nguồn như sau: Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại ngôi chùa Jetavana gần kinh thành Sāvatthi. Khi ấy, chư Tỳ khưu tụ hội tại giảng đường đang đàm đạo tán dương ca tụng Đức Thế Tôn là bậc có trí tuệ rộng lớn, sâu sắc, bén nhạy, thông suốt,… thì Đức Thế Tôn ngự đến truyền hỏi chư tỳ khưu rằng: - Này chư Tỳ khưu! Các con đang đàm đạo về vấn đề gì vậy? Chư Tỳ khưu bạch rằng: - Kính bạch Đức Thế Tôn, chúng con đang đàm đạo tán dương ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Thế Tôn. Khi ấy, Đức Thế Tôn truyền dạy rằng: - Này chư Tỳ khưu! Không chỉ trong kiếp hiện tại này Như Lai có trí tuệ như vậy, mà còn trong những kiếp quá khứ, khi Như Lai còn là Đức Bồ Tát đang thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, tiền kiếp Như Lai cũng có trí tuệ vậy. Đức Thế Tôn truyền bảo như vậy rồi làm thinh. Chư Tỳ khưu kính thỉnh Đức Thế Tôn thuyết về tiền kiếp của Ngài đã thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật.
Tích Sattubhastajātaka
Khi ấy, Đức Thế Tôn thuyết về tích Sattubhasta-jātaka (ruột tượng da đựng bánh cốm…) liên quan đến Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka, tiền kiếp của Ngài thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng được tóm lược như sau: Trong thời quá khứ, Đức Vua Janaka ngự tại kinh thành Bārāṇasī. Khi ấy, Đức Bồ Tát sinh ra trong gia đình thuộc dòng dõi Bà-la-môn cao quý, được đặt tên là Senaka. Khi Đức Bồ Tát Senaka đến tuổi trưởng thành, được cha mẹ gửi đi học tại kinh thành Takkasilā. Sau khi đã học thành tài xong, Ngài trở về nước, đến chầu Đức Vua Janaka, được Đức Vua tấn phong làm vị quân sư trong triều đình. Đức Bồ Tát Senaka là vị quân sư có tài thuyết pháp hay, giảng giải các pháp rõ ràng làm cho Đức Vua phát sinh đức tin trong sạch nơi Ngài, thực hành theo lời dạy của Ngài. Đức Vua Janaka giữ gìn ngũ giới trong sạch và đầy đủ, hoan hỷ thực hành mọi thiện pháp như bố thí, thọ trì bát giới uposalasīla trong các ngày giới hằng tháng, thực hành 10 thiện nghiệp, v.v… Trong thời kỳ ấy, mỗi khi Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka ngồi trên pháp tòa thuyết pháp, với phong cách giống như một Đức Phật thuyết pháp, phía dưới hội chúng gồm có Đức Vua Janaka, các quan trong triều, những người trong hoàng tộc, các quan, các quân lính, toàn thể dân chúng trong kinh thành Bārāṇasī và dân chúng ở ngoại thành… ngồi lắng nghe Ngài thuyết pháp. Sau khi thuyết pháp xong, mọi người đến cung kính lễ bái cúng dường đến Ngài. Cũng trong thời kỳ ấy, một ông Bà-la-môn già hành khất đi xin tiền, dành dụm được 1.000 đồng Kahāpana (tiền Ấn xưa), ông đem gửi số tiền ấy cho một gia đình Bà-la-môn, rồi ông tiếp tục đi hành khất đến nơi khác. Trong thời gian ông Bà-la-môn già hành khất ra đi lâu ngày, thì gia đình Bà-la-môn kia đem số tiền 1.000 đồng Kahāpana ấy tiêu dùng, dần dần hết số tiền ấy. Đến khi ông trở về xin lấy lại số tiền 1.000 đồng Kahāpana đã gửi trước đây, thì gia đình ông Bà-la-môn kia không có tiền để đưa lại cho ông, nên họ gả con gái của mình cho ông Bà-la-môn già hành khất làm vợ, để trừ số tiền 1.000 đồng Kahāpana ấy. Ông Bà-la-môn già hành khất dẫn người vợ trẻ đi đến ở một làng không xa kinh thành Bārāṇasī. Ông sống với người vợ trẻ, cô ta không thỏa mãn được tình dục, nên lén lút quan hệ bất chính với một cậu Bà-la-môn trẻ khác. Muốn được quan hệ tình dục với tình nhân thường xuyên, nhưng người vợ trẻ không được tự do như ý. Cho nên, cô ta cảm thấy buồn bực khó chịu, hiện rõ ra trên nét mặt. Cô ta nghĩ cách để cho người chồng già đi ra khỏi nhà lâu, để được tự do sống với tình nhân của mình. Khi ấy, thấy người vợ trẻ buồn khổ, ông Bà-la-môn già hỏi rằng: - Này em yêu quý! Tại sao em buồn khổ như vậy? Nghe người chồng già hỏi, người vợ trẻ bịa đặt lý do mà thưa rằng: - Thưa anh yêu quý! Bởi vì em không thể làm nổi mọi công việc trong nhà. Vậy, xin anh mướn một người tôi tớ để giúp đỡ em, anh à! Nghe người vợ trẻ nói như vậy, ông Bà-la-môn già than vãn rằng: - Này em yêu quý! Chúng ta không có tiền nhiều, nếu mướn người tôi tớ thì không có đủ tiền để trả công cho họ. Nghe người chồng già nói vậy, người vợ trẻ tỏ vẻ bực dọc nói rằng: - Anh hãy đi xin tiền đem về để trả công cho họ. Nhìn thấy người vợ trẻ bực dọc khổ tâm, ông Bà-la-môn già muốn chiều chuộng để làm vừa lòng cô ta, nên ông bảo rằng: - Này em yêu quý! Xin em đừng bực dọc khổ tâm nữa! Em hãy lo chuẩn bị lương thực cho anh đi đường. Cảm thấy đắc ý, người vợ trẻ chuẩn bị bánh cốm, lương khô, đồ ăn bỏ vào ruột tượng da (Sattubhasta) đem đến trao cho người chồng già Bà-la-môn. Nhận ruột tượng da đựng bánh cốm, lương khô từ vợ, ông Bà-la-môn già cảm thấy lưu luyến khổ tâm vì phải xa cách người vợ trẻ yêu quý, nhưng ông đành phải ra đi hành khất xin tiền đem về để mướn người tôi tớ giúp việc cho cô ta. Ông Bà-la-môn già hành khất đi xin tiền từ xóm làng này đến xóm làng khác, cho đến kinh thành Bārāṇasī, trải qua một thời gian lâu ngày, nhưng chỉ xin được số tiền 700 đồng Kahāpana mà thôi. Ông nghĩ: “Với số tiền này, cũng đủ mướn một người tôi tớ lo giúp cho người vợ trẻ”. Cho nên, ông quyết định trở về thăm cô ta, vì đã trải qua một thời gian lâu ngày nhớ thương. Trên đường về đến một nơi thuận lợi gần bến sông, ông dừng lại nghỉ, rồi mở ruột tượng da lấy bánh cốm ra dùng sáng xong, không cột miệng ruột tượng, đi xuống bến sông để uống nước, rửa mặt. Trong khi ấy, con rắn hổ mang đánh hơi mùi bánh cốm bò vào trong ruột tượng da ấy nằm ăn bánh cốm. Sau khi uống nước, rửa mặt xong, ông trở lại, không xem bên trong ruột tượng da, liền cột miệng ruột tượng da lại, rồi mang lên vai tiếp tục lên đường trở về nhà. Trên đường đi, ông Bà-la-môn già đến một cội cây lớn, vị chư thiên ở tại cội cây ấy hiện ra, đứng trên cây nói với ông rằng: - Này Bà-la-môn, hôm nay, nếu nhà ngươi nghỉ lại ở giữa đường thì nhà ngươi sẽ chết tại nơi ấy. Còn nếu nhà ngươi về đến nhà thì vợ của nhà ngươi sẽ chết tại nhà.
Nói xong, vị chư thiên biến mất. Không nhìn thấy vị chư thiên nữa, ông Bà-la-môn già vô cùng hoảng sợ, ông bị sự chết đe dọa. ông khóc than, thất tha thất thểu lê từng bước đến cửa kinh thành Bārāṇasī. Hôm ấy, nhằm vào ngày rằm (15) là ngày giới uposalasīla, Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka thuyết pháp tại cung điện trong kinh thành. Cho nên, dân chúng ở bên ngoài kinh thành từng đoàn người tay cầm hoa lũ lượt dẫn nhau vào kinh thành để nghe Ngài thuyết pháp. Gặp từng đoàn người đi ngang qua, ông Bà-la-môn già bèn hỏi rằng: - Thưa quý vị! Quý vị đi đâu mà đông vậy? Đoàn người trả lời rằng: - Này ông Bà-la-môn! Hôm nay ngày giới uposalasīla, vị Pháp Sư Senaka là bậc thiện trí thuyết pháp rất hay, có giọng nói thánh thót như chư Phật. Vậy, ông không biết hay sao? Nghe đoàn người trả lời như vậy, ông Bà-la-môn già suy nghĩ: “Ta đang bị đe dọa bởi tử thần, vô vùng khổ tâm. Duyên lành thay! Hôm nay, vị Pháp Sư Senaka thuyết pháp tế độ mọi người thoát khỏi cảnh khổ, được an lạc. Vậy, ta cũng nên đi theo họ đến nghe Ngài thuyết pháp”. Nghĩ như vậy xong, Ông Bà-la-môn già vào giảng đường với tâm trạng bất an vì sợ chết, nên đứng khóc phía sau hội chúng. Trong hội chúng đông đảo ấy gồm có Đức Vua Janaka, cùng các quan trong triều đình, những người trong hoàng tộc, các quân lính, toàn thể dân chúng trong kinh thành và dân chúng ngoài kinh thành. Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka ngồi trên pháp tòa cao quý ở phía trước, thuyết pháp rất hay, ý nghĩa sâu sắc cao siêu, với giọng nói thánh thót làm cho người nghe vô cùng hoan hỷ. Khi Ngài thuyết pháp xong, mọi người phát sinh thiện tâm vô cùng hoan hỷ, đồng thốt lên lời Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay! Nhìn hội chúng trong giảng đường, Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka thấy ông Bà-la-môn già đứng phía sau một mình, trên vai mang ruột tượng da, có vẻ mặt thiểu não, đang khóc thật đáng thương. Ngài nghĩ: “Ông Bà-la-môn già này chắc chắn có nỗi khổ tâm đáng thương, ta nên có tâm bi cứu giúp ông bớt khổ”. [1] Bộ Jātakaṭṭhakathā, Mahānipāta Vidhurajātakavaṇṇanā [2] Tích Sattubhastajātaka có nghĩa tích ruột tượng da đựng bánh cốm, lương khô,… tích này sách Thái gọi tên tích Senakajātaka: tích Đức Bồ Tát Senaka, trong bộ chú giải Jātaka, phần Sattakanipāta. Nghĩ xong, Ngài gọi ông Bà-la-môn già ấy đến hỏi rằng: - Này ông Bà-la-môn! ta là Senakapaṇḍita (thiện trí Senaka) sẽ giúp cho ông bớt khổ. - Này ông Bà-la-môn! Ông đang có nỗi khổ tâm như thế nào? Xin ông hãy mau trình bày cho ta biết rõ, ta sẽ căn cứ vào nỗi khổ ấy mà giúp cho ông bớt khổ. Nghe Đức Bồ Tát Pháp Sư hỏi như vậy, ông Bà-la-môn già liền thưa rằng: - Kính thưa Ngài Pháp Sư Senaka, trên đường tôi trở về nhà, gặp vị thiên nam ở tại cội cây hiện ra, đứng trên cây nói với tôi rằng: “Này ông Bà-la-môn! Hôm nay, nếu nhà ngươi nghỉ lại ở giữa đường thì nhà ngươi sẽ chết tại nơi ấy. Còn nếu nhà ngươi về đến nhà thì vợ của nhà ngươi sẽ chết tại nhà”. Báo cho tôi biết như vậy xong, vị chư thiên biến mất. - Kính bạch Ngài Pháp Sư Senaka, chính điều ấy làm cho tôi vô cùng hoảng sợ, nỗi khổ tâm cùng cực đang phát sinh, bởi vì, sự chết đe dọa tôi hôm nay. Do đó, tôi có nỗi khổ tâm cùng cực như vậy. - Kính bạch Ngài Pháp Sư Senaka, kính xin Ngài cho tôi biết do nguyên nhân nào, hôm nay, nếu tôi nghỉ lại ở giữa đường thì tôi sẽ chết tại nơi ấy? Và do nguyên nhân nào, hôm nay, nếu tôi về đến nhà thì vợ của tôi sẽ chết tại nhà? Vị thiên nam ở cội cây bằng thiên nhãn của mình nhìn thấy con rắn hổ mang đang nằm ăn bánh cốm trong ruột tượng da mà ông Bà-la-môn già đang mang trên vai, nên biết rằng: Hôm ấy, nếu ông nghỉ lại ở giữa đường, buổi chiều ông mở ruột tượng da, thò tay vào lấy bánh cốm để ăn, thì con rắn hổ mang sẽ cắn tay ông chết tại nơi ấy. Còn hôm ấy, nếu ông về đến nhà, đưa ruột tượng da cho người vợ, vợ ông sẽ mở ruột tượng ra, thò tay vào lấy tiền thì sẽ bị con rắn hổ mang cắn chết tại nhà. Sở dĩ vị thiên nam không nói cho ông Bà-la-môn già biết rõ như vậy, là vì vị thiên nam muốn cho mọi người chứng kiến, biết rõ trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka, có khả năng suy đoán thấy rõ, biết rõ như thiên nhãn của chư thiên. Nghe ông Bà-la-môn già bạch hỏi Ngài Pháp Sư vì nguyên nhân nào ông sẽ chết giữa đường? Và vì nguyên nhân nào vợ ông sẽ chết tại nhà?
Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka Suy Đoán Nguyên Nhân
Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka suy xét rằng: “Con người ta bị chết có rất nhiều nguyên nhân nói chung. Riêng trường hợp ông Bà-la-môn già này, ‘Hôm nay, nếu ông Bà-la-môn già này nghỉ lại ở giữa đường thì ông sẽ chết tại nơi ấy.’ Do nguyên nhân nào? Và ‘Còn hôm nay, nếu ông về đến nhà thì vợ của ông sẽ chết tại nhà.’ Do nguyên nhân nào?” Đang suy xét để tìm ra nguyên nhân, Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka nhìn thấy trên vai ông Bà-la-môn già có mang một ruột tượng da đựng lương thực đi đường, thường là bánh cốm, lương khô, v.v… Ngài có trí tuệ siêu việt suy đoán như thật rằng: “Bên trong ruột tượng da mà ông Bà-la-môn già đang mang trên vai, có con rắn hổ mang đang nằm ăn bánh cốm. Sáng nay, ông Bà-la-môn già mở ruột tượng da lấy bánh cốm ra ăn xong, không cột miệng ruột tượng da, đi xuống bến sông uống nước. Trong khi ấy, con rắn hổ mang đánh hơi mùi bánh cốm bò vào trong ruột tượng da ấy nằm ăn bánh cốm. Sau khi uống nước, rửa mặt xong, ông trở lại, không biết có con rắn hổ mang đang nằm ăn bánh cốm bên trong ruột tượng da, ông cột miệng ruột tượng da này lại, rồi mang lên vai tiếp tục lên đường trở về nhà. Trên đường đi, ông Bà-la-môn già này đến một cội cây lớn, vị thiên nam ở tại cội cây ấy bằng thiên nhãn nhìn thấy con rắn hổ mang đang nằm ăn bánh cốm bên trong ruột tượng da mà ông đang mang trên vai. Do đó, vị chư thiên ấy nói với ông rằng: “Hôm nay, nếu nhà ngươi nghỉ lại giữa đường thì nhà ngươi sẽ chết tại nơi ấy”. Nghĩa là, nếu ông Bà-la-môn già nghỉ lại ở giữa đường buổi chiều ông sẽ mở miệng ruột tượng da ra, thò tay vào lấy bánh cốm để ăn, thì sẽ bị con rắn hổ mang cắn chết. Đó là nguyên nhân làm cho ông chết tại nơi ấy.
Và hôm nay, nếu ông ta về đến nhà, ông sẽ trao cái ruột tượng da cho người vợ của ông, người vợ sẽ mở ruột tượng da ra, thò tay vào lấy tiền bên trong, thì vợ ông sẽ bị con rắn hổ mang cắn chết. Đó là nguyên nhân làm cho vợ của ông sẽ chết tại nhà”. Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka suy xét tiếp rằng: “Con rắn hổ mang này là con rắn can đảm, không biết sợ, dù nằm trong ruột tượng da bị lay động mà nó vẫn nằm yên không vùng vẫy. Nên, nó là con rắn hổ mang không hung dữ, chỉ cần dè dặt thận trọng mà thôi”. Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka có trí tuệ siêu việt thấu suốt suy đoán tìm ra được 2 nguyên nhân giống như thiên nhãn của chư thiên. Thật vậy, Ngài đứng nhìn ruột tượng da dường như thấy rõ con rắn hổ mang đang nằm yên trong ruột tượng da mà ông Bà-la-môn già đang mang trên vai. Khi ấy, để khẳng định những điều suy đoán là đúng sự thật, Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka hỏi ông Bà-la-môn già xác nhận theo tuần tự như sau:
ĐBT- Này ông Bà-la-môn! Trong ruột tượng da của ông có bánh cốm phải không? BLM - Kính bạch Ngài Senakapaṇḍita, dạ phải. ĐBT- Này ông Bà-la-môn! Sáng nay ông dùng bánh cốm phải không? BLM- Kính bạch Ngài Senakapaṇḍita, dạ phải. ĐBT - Này ông Bà-la-môn! Ông ngồi đâu ăn bánh cốm. BLM- Kính bạch Ngài Senakapaṇḍita, tôi ngồi ăn bánh cốm bên bờ sông trong rừng. ĐBT- Này ông Bà-la-môn! Ăn bánh cốm xong, ông đi xuống bến sông uống nước mà không cột miệng ruột tượng da, phải không? BLM- Kính bạch Ngài Senakapaṇḍita, dạ phải. Tôi không cột miệng ruột tượng da. Bạch Ngài. ĐBT- Này ông Bà-la-môn! Sau khi uống nước xong, ông lên bờ, không xem kỹ, liền cột miệng ruột tượng da lại, phải không ? BLM- Kính bạch Ngài Senakapaṇḍita, dạ phải. Bạch Ngài. ĐBT- Này ông Bà-la-môn! Tôi suy đoán biết rõ chắc chắn rằng: Trong khi ông đi xuống bến sông để uống nước, thì một con rắn hổ mang đánh hơi bánh cốm liền bò vào trong ruột tượng da, nằm ăn bánh cốm mà ông không hề hay biết, nên ông cột miệng ruột tượng da lại, rồi mang đi. - Này ông Bà-la-môn! Ông nên đặt ruột tượng da xuống giữa hội chúng này, nên thận trọng mở miệng ruột tượng da ra. Ông nên đứng xa một khoảng cách, dùng cây dài đập nhẹ vào phần đáy ruột tượng da.
Ông Bà-la-môn già làm đúng theo lời dạy của Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka. Quả thật, một con rắn hổ mang từ trong ruột tượng da bò ra, nhìn thấy nhiều người nên nó phùng mang ra tự vệ. Tất cả hội chúng tại giảng đường, đều chứng kiến thấy rõ con rắn hổ mang, nên hết sức sửng sốt trước sự việc xảy ra như vậy. Mọi người đều tán dương ca tụng Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka rằng: - Ngài Pháp Sư Senaka có trí tuệ siêu việt đã suy đoán khẳng định chính xác rằng: “Con rắn hổ mang nằm trong ruột tượng da”. Đúng sự thật như Ngài có thiên nhãn vậy! Khi ấy, tất cả hội chúng đều tán dương ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka, rồi đồng thanh thốt lên lời Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay! Chư thiên các cõi trời dục giới, phạm thiên các cõi trời sắc giới cũng đều tán dương ca tụng trí tuệ siêu việt của Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka như có thiên nhãn. Các hàng chư thiên, chư phạm thiên cũng đồng thanh thốt lên lời Sādhu! Sādhu! Sādhu! Lành thay! vang dội cả không gian. Từ trên hư không, chư thiên hóa ra đám mưa thất bảo rơi xuống mặt đất, để cúng dường Ngài. Thông thường, giải đáp câu hỏi như thế này thuộc về trí tuệ siêu việt của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, còn Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka chưa phải là Đức Phật Chánh Đẳng Giác, mà Ngài có trí tuệ siêu việt thấu suốt, thấy rõ biết rõ được điều bí ẩn như Ngài có thiên nhãn. Sau khi Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka đã tìm ra được nguyên nhân là“con rắn hổ mang” giải đáp câu hỏi và cứu sống ông Bà-la-môn già hoặc vợ của ông. Vị thầy rắn bắt con rắn hổ mang ấy đem đi thả trong rừng. Khi ấy, ông Bà-la-môn già đến chầu Đức Vua Janaka tán dương ca tụng rằng: - Muôn tâu Đại Vương, Đại Vương là Đấng Quân Vương có duyên lành gần gũi, thân cận, lắng nghe pháp của Ngài Pháp Sư Senaka, bậc có trí tuệ siêu việt. Thật là sự hạnh phúc an lành cao thượng. Dân chúng trong kinh thành, ngoài kinh thành cũng được gần gũi thân cận, lắng nghe pháp của Ngài Pháp Sư Senaka, bậc có trí tuệ siêu việt. Thật là sự hạnh phúc an lành cao thượng. Trong nước của Đại Vương có Ngài Pháp Sư Senaka, bậc có trí tuệ siêu việt. Thật là diễm phúc vô cùng. Sau khi tâu lời tán dương ca tụng Đức Vua Janaka xong, ông Bà-la-môn già lấy trong ruột tượng da ra một số tiền 700 Kahāpana, bạch với Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka rằng: - Kính bạch Ngài Pháp Sư Senaka, Ngài là bậc đại trí tuệ siêu việt, thấy rõ, biết rõ tất cả những gì mà người khác không thấy, không biết. Trí tuệ siêu việt của Ngài thật vô cùng sâu sắc, thấu suốt tất cả, không có gì che dấu được, ví như trí tuệ của Đức Phật Toàn Tri. Hôm nay, nhờ trí tuệ siêu việt thấu suốt của Ngài, mà tôi còn sống, hoặc vợ của tôi cũng an toàn sinh mạng. - Kính bạch Ngài Pháp Sư Senaka, nếu tôi có số tiền 100 ngàn Kahāpana, thì tôi sẽ kính dâng cúng dường đến Ngài 100 ngàn Kahāpana. Nay tôi chỉ có số tiền 700 Kahāpana này, tôi thành kính dâng cúng dường đến Ngài với số tiền ít ỏi nhỏ mọn này, để tỏ lòng thành kính tri ân của tôi đối với Ngài. Kính xin Ngài từ bi thọ nhận số tiền nhỏ mọn của tôi. Sau khi thưa xong, ông Bà-la-môn già đặt số tiền ấy dưới 2 bàn chân của Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka. Nghe lời tán dương ca tụng và sự cúng dường của ông Bà-la-môn già xong, Ngài dạy rằng: - Này ông Bà-la-môn! Bậc thiện trí thuyết pháp tế độ mọi người, không bao giờ nghĩ đến sự kính lễ, cúng dường của một ai cả. - Này ông Bà-la-môn! Ông nên nhận lại số tiền 700 Kahāpana của ông và tôi cũng xin biếu cho ông thêm số tiền 300 Kahāpana nữa cho đủ 1.000 Kahāpana. Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka hỏi ông Bà-la-môn già rằng: - Này ông Bà-la-môn! Ông đã già, đã có tuổi cao rồi. Ai bảo ông phải đi ăn xin cho cực khổ như thế này? - Kính bạch Ngài Pháp Sư Senaka, vợ của tôi bảo tôi đi ăn xin. Bạch Ngài. - Này ông Bà-la-môn! Vợ của ông già hay trẻ. - Kính bạch Ngài Pháp Sư Senaka, vợ của tôi còn trẻ lắm. Bạch Ngài. - Này ông Bà-la-môn! Nếu như vậy, người vợ trẻ của ông đã ngoại tình với người đàn ông trẻ khác, nên bảo ông rời khỏi nhà, để cho cô ta được có cơ hội quan hệ bất chính với tình nhân của cô. Nếu ông đem số tiền này về nhà thì người vợ trẻ của ông sẽ đem nó cho tình nhân của cô ta. Vì vậy, ông hãy nghe lời khuyên dạy của tôi, ông không nên trực tiếp đem số tiền này về nhà, mà ông nên đem nó cất giấu tại một gốc cây, hoặc một chỗ nào bên ngoài nhà, rồi mới vào nhà. Vâng lời khuyên dạy của Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka, khi đi về đến gần nhà vào lúc chiều tối, ông Bà-la-môn già đem số tiền ấy cất giấu tại gốc cây, rồi mới về nhà lúc trời tối, thấy nhà cửa đóng, ông đứng ngoài cửa gọi người vợ trẻ rằng: - Này em yêu quý! Anh đã trở về rồi, em hãy mở cửa cho anh vào nhà. Trong khi ấy, người vợ trẻ đang sống chung với tình nhân của cô trong nhà, nghe tiếng gọi, cô ta nhận biết người chồng già đã về, cô liền tắt đèn, dẫn tình nhân ẩn núp, rồi mở cửa để ông Bà-la-môn già bước vào nhà, sau đó cô ta dẫn tình nhân ra khỏi nhà, đóng cửa trở vào trong rồi mới chịu đốt đèn lên. Ông Bà-la-môn già trao cái ruột tượng da cho người vợ trẻ, cô tìm trong ruột tượng da không thấy tiền, nên cô bèn hỏi rằng: - Này anh yêu quý! Anh đi xin tiền có được bao nhiêu mà em không thấy trong ruột tượng da này? - Này em yêu quý! Anh xin được 1.000 Kahāpana, anh cất giấu tại gốc cây ấy bên ngoài nhà. Ngày mai anh sẽ ra lấy đem về cho em. Xin em đừng buồn, em nhé!
Nghe người chồng già nói vậy, người vợ trẻ rất vui mừng, cô ta lén ra ngoài nói cho tình nhân biết rõ chỗ cất giấu số tiền 1.000 Kahāpana tại gốc cây ấy. Người Bà-la-môn trẻ, tình nhân của cô đi đến gốc cây lấy trộm số tiền 1.000 Kahāpana của ông Bà-la-môn già. Ngày hôm sau, ông đến gốc cây ấy, để lấy số tiền, thì số tiền 1.000 Kahāpana ấy đã bị người ta lấy trộm rồi. Ông tìm đến Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka, xin trình bày những sự việc đã xảy ra. Ngài hỏi ông rằng: - Này ông Bà-la-môn! Ông có nói cho người vợ trẻ của ông biết chỗ cất giấu số tiền ấy không? - Kính bạch Ngài Pháp Sư Senaka, tôi có nói cho người vợ trẻ của tôi biết chỗ cất giấu số tiền ấy. Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka suy đoán biết rõ rằng người vợ trẻ của ông Bà-la-môn già đã báo cho tình nhân của cô đi đến chỗ gốc cây lấy trộm số tiền 1.000 Kahāpana của ông. Đức Bồ Tát dạy ông rằng:
- Này ông Bà-la-môn! Bên người vợ trẻ của ông có bà con thân quyến là Bà-la-môn hay không? - Kính thưa Ngài Senaka, bên người vợ trẻ của tôi có bà con là Bà-la-môn. Bạch Ngài. - Này ông Bà-la-môn! Bên ông có bà con thân quyến là Bà-la-môn hay không? - Kính thưa Ngài Senaka, bên tôi cũng có bà con là Bà-la-môn. Bạch Ngài. - Này ông Bà-la-môn! Ông về mời bà con Bà-la-môn bên người vợ trẻ của ông và bên ông đến nhà đãi ăn suốt 7 ngày như sau: - Ngày thứ nhất, mời mỗi bên 7 vị: Bên người vợ trẻ 7 vị, bên ông 7 vị, gồm đủ 14 vị Bà-la-môn. - Ngày thứ nhì, giảm bớt mỗi bên 1 vị Bà-la-môn, còn lại mỗi bên 6 vị, gồm có 12 vị Bà-la-môn. - Ngày thứ ba, giảm tiếp mỗi bên 1 vị Bà-la-môn, còn lại mỗi bên 5 vị, gồm có 10 vị Bà-la-môn. - Ngày thứ tư, giảm tiếp mỗi bên 1 vị Bà-la-môn, còn lại mỗi bên 4 vị, gồm có 8 vị Bà-la-môn. - Ngày thứ năm, giảm tiếp mỗi bên 1 vị Bà-la-môn, còn lại mỗi bên 3 vị, gồm có 6 vị Bà-la-môn. - Ngày thứ sáu, giảm tiếp mỗi bên 1 vị Bà-la-môn, còn lại mỗi bên 2 vị, gồm có 4 vị Bà-la-môn. - Ngày thứ bảy, giảm tiếp mỗi bên 1 vị Bà-la-môn, còn lại mỗi bên 1 vị, gồm có 2 vị Bà-la-môn. - Này ông Bà-la-môn! Ông nên để ý bên người vợ trẻ, nếu vị Bà-la-môn nào đến nhà dự đãi ăn đủ 7 ngày, không thiếu ngày nào, thì ông hãy đến đây nói cho tôi biết vị ấy.
Vâng lời dạy của Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka, ông Bà-la-môn già trở về tổ chức làm lễ đãi ăn 2 bên bà con Bà-la-môn đúng theo tuần tự thời gian suốt 7 ngày như vậy. Ông để ý một Bà-la-môn trẻ của phía người vợ trẻ đã có mặt suốt 7 ngày đãi ăn tại nhà. Ông Bà-la-môn già đến bạch với Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka về người Bà-la-môn trẻ ấy. Ngài cho người đến bắt vị Bà-la-môn trẻ kia cùng người vợ trẻ của ông Bà-la-môn già đến để điều tra. Ngài hỏi rằng: - Này Bà-la-môn trẻ! Người vợ của ông Bà-la-môn già chỉ chỗ cất giấu 1.000 Kahāpana cho ngươi. Đêm ấy, ngươi đã đến chỗ gốc cây, lấy trộm số tiền ấy của ông Bà-la-môn già. Vậy, ngươi hãy đem trả lại số tiền ấy cho ông ta ngay! Ban đầu, cậu Bà-la-môn trẻ từ chối, không chịu nhận tội lấy trộm tiền của ông Bà-la-môn già. Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka nói cho y biết rằng: - Này Bà-la-môn trẻ! Ta là Senakapaṇḍita, ngươi chưa từng nghe danh tiếng của ta hay sao mà ngươi dám từ chối. Ta biết rõ ngươi đã lấy trộm số tiền 1.000 Kahāpana của ông Bà-la-môn già. Vậy, ngươi hãy đem trả lại số tiền ấy cho ông ta ngay! Nghe nói đến uy danh Senakapaṇḍita, người Bà-la-môn trẻ biết không thể nào có thể giấu giếm tội lỗi của mình được, nên đành phải thú thật rằng: - Thưa Ngài Senakapaṇḍita, chính tôi đã lấy trộm số tiền 1.000 Kahāpana của ông Bà-la-môn già cất giấu tại gốc cây. - Này Bà-la-môn trẻ! Ngươi hãy đem số tiền 1.000 Kahāpana ấy trả lại cho ông ta ngay! Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka quay lại hỏi ông Bà-la-môn già rằng: - Này ông Bà-la-môn! Cô Bà-la-môn trẻ kia là vợ của ông có phải không? - Kính bạch Ngài Pháp Sư Senaka, chính cô Bà-la-môn trẻ ấy là vợ của tôi. Bạch Ngài Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka hỏi cô Bà-la-môn trẻ rằng: - Này cô gái trẻ! Ông Bà-la-môn già này là gì của cô? - Kính thưa Ngài Senaka, ông Bà-la-môn già ấy là chồng của tôi. Thưa Ngài. - Này cô gái trẻ! Còn người Bà-la-môn trẻ kia là gì của cô? Cô Bà-la-môn trẻ biết không thể nào giấu giếm tội lỗi của mình được, nên đành phải thú thật rằng: - Kính thưa Ngài Senaka, người Bà-la-môn trẻ ấy là tình nhân của tôi. Thưa Ngài. - Này cô gái trẻ! Cô đã có chồng rồi, mà còn ngoại tình với người Bà-la-môn trẻ này, đó là việc làm bất chính, tội lỗi, cô phải bị hành phạt. Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka cho lính dẫn người Bà-la-môn trẻ đi lấy số tiền 1.000 Kahāpana, bảo y trao số tiền ấy cho cô Bà-la-môn trẻ (tình nhân của y), rồi bảo cô ta (người vợ trẻ của ông Bà-la-môn già) đem số tiền ấy đến trả cho ông Bà-la-môn già (chồng của cô). Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka phán xét rằng: - Người Bà-la-môn trẻ phạm tội tà dâm và tội trộm cắp, nên bị trục xuất ra khỏi nước. - Người vợ trẻ của ông Bà-la-môn già phạm tội tà dâm và tội đồng loã trộm cắp, bị hành phạt theo luật của triều đình. Ông Bà-la-môn già được Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka ban cho ông địa vị, nhà cửa, những người tôi tớ lo hầu hạ, phụng dưỡng ông, và còn được sống gần gũi thân cận với Đức Bồ Tát. Từ đó về sau, ông Bà-la-môn già không còn vất vả cực khổ đi xin ăn nữa. Hằng ngày, ông Bà-la-môn già sống an lạc, tiến hoá trong mọi thiện pháp cho đến suốt đời.
Sau khi thuyết về tích Sattubhastajātaka xong, Đức Phật thuyết bài kệ rằng: Paññāya vicinanto’haṃ, brahmaṇaṃ mocayiṃ dukhā. Paññāya me samo natthi, esā me paññāpāramī”([1]) Ý nghĩa: Tiền kiếp Như Lai đã suy đoán bằng trí tuệ siêu việt, Đã cứu sống ông Bà-la-môn già thoát khỏi khổ chết, Trí tuệ của tiền kiếp Như Lai không có ai bằng, Đó là pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng của tiền kiếp Như Lai” Đức Phật giảng tích Sattubhastajātaka xong, số đông chư Tỳ khưu chứng ngộ chân lý tứ Thánh Đế, có số chứng đắc Nhập Lưu Thánh Đạo - Nhập Lưu Thánh Quả và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhập Lưu; có số chứng đắc Nhất Lai Thánh Đạo - Nhất Lai Thánh Quả, và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Nhất Lai; có số chứng đắc Bất Lai Thánh Đạo - Bất Lai Thánh Quả, và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh Bất Lai; có số chứng đắc A-ra-hán Thánh Đạo - A-ra-hán Thánh Quả, và Niết Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán, tùy theo năng lực trí tuệ Ba-la-mật của mỗi vị Tỳ khưu.
Tích Sattubhastajātaka Liên Quan Đến Kiếp Hiện Tại
Tích Sattubhastajātaka này, Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita, tiền kiếp của Đức Phật Gotama, thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng trong thời quá khứ. Đến khi Đức Phật Gotama đã xuất hiện trên thế gian, thì hậu kiếp của những nhân vật trong tích ấy liên quan đến kiếp hiện tại như sau: - Ông Bà-la-môn già hành khất, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Ānanda. - Vị thiên nam ở cội cây, nay kiếp hiện tại là Ngài Đại Đức Sāriputta. - Những người trong tích, nay kiếp hiện tại là tứ chúng: Tỳ khưu, Tỳ khưu ni, cận sự nam, cận sự nữ. - Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita, nay kiếp hiện tại này là Đức Phật Gotama.
10 Pháp Hạnh Ba-la-mật
Tóm lược tích Đức Bồ Tát Pháp Sư Senaka, tiền kiếp của Đức Phật Gotama đã thực hành pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng, ngoài ra, còn các pháp hạnh Ba-la-mật khác là phụ cũng đồng thành tựu như sau:
- Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita thuyết pháp tế độ mọi người là bố thí pháp, đó là pháp hạnh bố thí Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita gìn giữ giới trong sạch, đó là pháp hạnh giữ giới Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita có sự tinh tấn thực hành mọi thiện pháp, đó là pháp hạnh tinh tấn Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita có đức nhẫn nại trong mọi thiện pháp, đó là pháp hạnh nhẫn nại Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita nói lời chân thật, đó là pháp hạnh chân thật Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita phát nguyện không thoái chí nản lòng tìm cho ra sự thật, đó là pháp hạnh phát nguyện Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita có tâm từ mong sự lợi ích cho tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm từ Ba-la-mật. - Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita có tâm trung dung không thiên vị đối với tất cả chúng sinh, đó là pháp hạnh tâm xả Ba-la-mật. Đó là 8 pháp hạnh Ba-la-mật phụ đồng thời thành tựu cùng với pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng ấy.
Nhận Xét Về Tích Đức Bồ Tát Pháp Sư Senakapaṇḍita
Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng là 1 trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng cũng là 1 trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật, mà Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành cho được đầy đủ trọn vẹn, để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác (Sammāsambuddha). Trí tuệ Ba-la-mật đó là tâm sở trí tuệ đồng sinh với các thiện tâm thấy rõ, biết rõ các pháp. Trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật, pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật đóng vai trò chính yếu hỗ trợ chư Đức Bồ Tát chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niêt Bàn, trở thành bậc Thánh A-ra-hán. Mỗi Đức Bồ Tát chứng đắc Thánh Đạo - Thánh Quả bậc nào hoàn toàn tùy thuộc vào trí tuệ Ba-la-mật của mỗi Ngài.
* Để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, chư Đức Bồ Tát Chánh Đẳng Giác cần phải thực hành và tích luỹ đầy đủ 30 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ, 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung và 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc thượng. Trong 30 pháp hạnh Ba-la-mật ấy, pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng đóng vai trò chính yếu bậc nhất, còn các pháp hạnh Ba-la-mật còn lại làm phận sự hỗ trợ cho pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng, không thầy chỉ dạy, tự mình chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế đầu tiên, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niêt Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, đặc biệt diệt được các tiền khiên tật (vāsanā) trở thành Bậc Thánh A-ra-hán đầu tiên trong toàn cõi thế giới chúng sinh, gọi là Đức Phật Chánh Đẳng Giác độc nhất vô nhị.
* Để trở thành Đức Phật Độc Giác, chư Đức Bồ Tát Độc Giác cần phải thực hành và tích luỹ đầy đủ 20 pháp hạnh Ba-la-mật: 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ và 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc trung. Trong 20 pháp hạnh Ba-la-mật ấy, pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung đóng vai trò chính yếu bậc nhất, không thầy chỉ dạy, tự mình chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niêt Bàn, diệt đoạn tuyệt được mọi phiền não, mọi tham ái không còn dư sót, trở thành Bậc Thánh A-ra-hán, gọi là Đức Phật Độc Giác có thể có nhiều vị trong cùng thời đại.
* Để trở thành bậc Thánh Thanh Văn giác, chư Bồ Tát Thanh Văn Giác cần phải thực hành và tích luỹ đầy đủ 10 pháp hạnh Ba-la-mật hạ. Trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật bậc hạ ấy, pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ đóng vai trò chính yếu, lắng nghe chánh pháp của Đức Phật Chánh Đẳng Giác, rồi thực hành pháp hành thiền tuệ dẫn đến chứng ngộ chân lý tứ Thánh đế, chứng đắc Thánh Đạo, Thánh Quả và Niết Bàn, diệt đoạn tuyệt phiền não và tham ái tuỳ theo năng lực Thánh Đạo tuệ của mỗi bậc Thánh Thanh Văn ấy.
Cho nên, một số vị có khả năng trở thành bậc Thánh Nhập Lưu, một số vị có khả năng trở thành bậc Thánh Nhất Lai; một số vị có khả năng trở thành bậc Thánh Bất Lai; một số vị có khả năng trở thành bậc Thánh A-ra-hán, trở thành Thánh nhân bậc nào hoàn toàn tuỳ thuộc vào năng lực trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ của mỗi vị Bồ Tát Thanh văn giác ấy. Trí tuệ không những đóng vai trò chính yếu để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác, chư Phật Độc Giác, chư Thánh Thanh Văn Giác, mà còn đóng vai trò quan trọng đối với các hạng phàm nhân trong khi tạo mọi thiện pháp: dục giới thiện pháp, sắc giới thiện pháp, vô sắc giới thiện pháp nữa. Bậc có trí tuệ không những chỉ đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc lâu dài cho mình, mà còn đem lại sự lợi ích, sự tiến hoá, sự an lạc cho mọi người, mọi chúng sinh. Trí tuệ là cao thượng, bậc có trí tuệ là bậc cao thượng.
(Xong pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng)
Đoạn Kết
Trong 10 pháp hạnh Ba-la-mật, pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật có tầm quan trọng bậc nhất, bởi vì trí tuệ dẫn đầu thực hành các pháp hạnh Ba-la-mật cho được thành tựu.
Thật vậy, mỗi pháp hạnh Ba-la-mật bậc nào cũng đều có upāyakosallañāṇa: trí tuệ có cứu cánh Niết Bàn, giải thoát khỏi khổ tử sinh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Cho nên, pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật có tầm quan trọng bậc nhất để trở thành bậc cao thượng như:
* Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc hạ có tầm quan trọng để trở thành vị Thánh Thanh Văn Giác.
* Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc trung có tầm quan trọng để trở thành Đức Phật Độc Giác.
* Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc thượng có tầm quan trọng để trở thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác.
Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc nào được phát sinh trong kiếp hiện tại, đều do nhờ 2 nguyên nhân:
1- Pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật đã được tích lũy từ vô số kiếp trong quá khứ hỗ trợ (cho kiếp hiện tại).
2- Kiếp hiện tại được hội đủ các nhân duyên cần thiết.
Nếu có hội đủ 2 nguyên nhân ấy thì pháp hạnh trí tuệ Ba-la-mật bậc ấy được phát sinh.
Patthanā
Iminā puññakammena, sukhī bhavāma sabbadā. Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo, loke sattā sumaṅgalā.
Vietnam ca raṭṭhikā sabbe, janā pappontu sāsane. Vuḍḍhiṃ viruḷhivepullaṃ, patthayāmi nirantaraṃ.
Do nhờ phước thiện thanh cao này, Cho chúng con thường được an lạc. Cầu mong chánh pháp được trường tồn, Tất cả chúng sinh được hạnh phúc.
Dân tộc Việt Nam được phát triển, Tiến hóa hưng thịnh trong Phật giáo. Bần sư cầu nguyện với tâm thành, Hằng mong được thành tựu như nguyện.
Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo lokasmiṃ. Ciraṃ tiṭṭhatu saddhammo Vietnamraṭṭhasmiṃ.
Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên thế gian. Cầu nguyện chánh pháp được trường tồn trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Mùa an cư nhập hạ PL: 2555/2011 Rừng Núi Viên Không Xã Tóc Tiên, Huyện Tân Thành Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tỳ khưu Hộ Pháp (Dhammarakkhita Bhikkhu) (Aggamahāpaṇḍita)
|